Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Chiếc cầu trên sông Drina - Ivo Andritch (P 1)

Ivo Andritch

Chiếc cầu trên sông Drina

Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê 

I

Chỉ trừ vài chỗ lưu vực sông Drina [Sông Drina là chi nhánh quan trọng nhất của sông Save. Nó gồm hai con sông nhỏ Piva và Tara; sông Piva bắt nguồn ở núi Dourmitor, sông Tara bắt nguồn ở núi Komovi. Sông Drina chảy từ Nam lên Bắc, dài 333 cây số (nếu kể thêm sông Tara thì dài 461 cây số). Vì rất dốc, nên ghe thuyền không đi được, ngay cả trên khúc hạ lưu, nhưng nhiều bè gỗ được thả theo dòng. Một nhà máy phát điện lớn đã được xây cất trên bờ sông Drina, ở gần Zvornick, hoàn thành năm 1955] mở rộng ra, thành những thung lũng lớn, và một bên bờ hoặc cả hai bên có những cánh đồng phì nhiêu, nơi bằng phẳng, nơi nhấp nhô, trồng trọt được, dân cư đông, còn thì ra nó chảy qua toàn là những hẻm núi hẹp có khi rất sâu giữa hai bờ núi dựng đứng. Một trong những cánh đồng đó bắt đầu ở đây, ở Vichégrad [Vichégrad là một thị trấn lớn ở ngã ba hai sông Drina và Rzav. Thời trung cổ, nơi đó là một vị trí chiến lược quan trọng], nơi mà con sông Drina thình lình uốn khúc, sau khi từ trong cái hẻm hẹp và sâu giữa những mỏm đá Boutko và dãy núi Ouzavnitsa đổ ra. Chỗ đó dòng sông bẻ quặt lại thành một góc nhọn lạ lùng và núi ở hai bên khép lại, hiểm trở, tựa hồ một khối đá bít kín và dòng nước như từ trong một bức vách đen tuôn ra. Nhưng rồi bỗng hai dãy núi rẽ ra thành một diễn đài hình không đều, trực kính chỗ rộng nhất không quá mười lăm cây số theo đường chim bay.
Ở chỗ cả cái khối nước xanh, nổi bọt của sông Drina từ trong dãy núi đen hiểm trở như bức tường kín thoát ra đó, nổi lên một chiếc cầu chạm trổ đẹp đẽ với mười một nhịp, vòm khum khum mở rộng. Từ chiếc cầu đó cả một thung lũng gợn sóng tỏa ra thành hình quạt, gồm thị trấn Vichégrad và miền phụ cận, với những xóm làng cheo leo trên sườn đồi nhỏ; thung lũng mơn mởn ruộng nương, đồng cỏ, vườn mận, có hàng rào ngăn cách, và lác đác đây đó là những khu rừng nhỏ, những bụi cây bách. Vì vậy khi nhìn suốt tới chân trời, ta có cảm tưởng rằng từ những nhịp rộng của chiếc cầu trắng đó, toàn thể cánh đồng tươi tốt chan hòa ánh nắng, tất cả cây cối trên đồng, cả vòm trời giữa trưa nữa đều như cùng với dòng nước xanh của sông Drina mà chảy ra, tràn ra, trải ra.
Trên hữu ngạn con sông, ngay từ chiếc cầu, là bắt đầu vô trung tâm thị trấn với một ngôi chợ Thổ Nhĩ Kỳ, cất một nửa trên cánh đồng, một nửa trên sườn đồi. Bên kia cầu, dọc theo tả ngạn là cánh đồng Maloukhine, một khu nhà cửa rải rác chung quanh con đường đưa tới Sarajevo. Vậy chiếc cầu nối hai khúc đường đi Sarajevo, mà cũng nối thị trấn với khu ngoại ô...
Nhà cửa mọc lên rải rác, lần lần đông thêm ở hai đầu cầu. Thị trấn từ cây cầu đó mọc ra như từ một cội rễ bất diệt, rồi sống nhờ nó.
Muốn biết rõ cảnh thị trấn và hiểu rõ mối liên quan giữa chiếc cầu và thị trấn, chúng ta cần biết thêm rằng trong thị trấn còn một chiếc cầu và một con sông khác nữa, tức chiếc cầu gỗ trên sông Rzav. Ở cuối thị trấn, sông Rzav đổ vào sông Drina thành thử trung tâm và khu lớn nhất của thị trấn ở trên đồi nhỏ cát bồi nằm giữa hai con sông, chỗ hợp lưu, còn vùng ngoại ô rải rác kéo dài ở đầu bên kia cầu, trên tả ngạn sông Drina và hữu ngạn sông Rzav. Thị trấn như ở trên nước… Nhưng mặc dầu có hai con sông và hai chiếc cầu mà những tiếng trên cầu không khi nào trỏ chiếc cầu trên sông Rzav, vì nó chỉ cất bằng gỗ, xấu xí, không có lịch sử, chỉ để cho người và súc vật qua mà thôi, chứ không có ý nghĩa gì khác. Nói trên cầu là luôn luôn trỏ riêng chiếc cầu đá trên sông Drina.
Cầu dài khoảng hai trăm bước, rộng khoảng mười bước, trừ khúc giữa phồng ra thành hai cái sân cân đối nhau ở mỗi bên con đường xe qua lại, và chỗ đó cầu rộng gấp đôi, gọi là cái kapia. Tại đó, đầu cột cầu giữa loe ra, hai bên có hai trụ ốp thành hai cái sân dựa vào cột giữa và loe ra ngoài, trên dòng nước xanh ào ào, coi vẻ vừa táo bạo vừa điều hòa, dịu dàng. Những sân đó dài, rộng khoảng thước tám, chung quanh có bao lơn bằng đá như suốt dọc cầu, nhưng hoàn toàn thông thoáng và không có nóc. Sân bên mặt - từ thị trấn lại - gọi là cái bệ. Nó cao hơn mặt cầu hai bực, phía ngoài có ghế mà bao lơn của cầu thay lưng dựa; bực, ghế, bao lơn đều làm bằng cùng một loại đá trăng trắng. Sân bên trái, đối diện với cái bệ, cũng vậy, chỉ khác là không có ghế.
Ở giữa bao lơn, tường đắp cao lên hơn một đầu người. Trên đình dựng một cái bia bằng cẩm thạch trắng khắc những chữ Thổ đẹp đẽ thành mười ba câu thơ ghi tên người xây cầu và năm xây cất. Chân bức tường có một phông-ten: một tia nước nhỏ từ miệng một con rồng bằng đá phun ra. Trên sân đó dựng một quán cà phê, có đủ bình pha cà phê, ly tách, bếp than lúc nào cũng cháy, và một đứa con trai pha cà phê cho hai người khách ngồi ở trên bệ. Đó, kapia là chỗ đó.
Như chúng ta sẽ thấy, đời sống dân thị trấn trôi qua và phát triển trên và chung quanh chiếc cầu với cái kapia đó, có liên lạc mật thiết với chiếc cầu. Trong mọi câu chuyện về những biến cố cá nhân, biến cố gia đình hoặc biến cố chung của dân tộc, luôn luôn người ta nghe thấy hai tiếng: trên cầu. Thực vậy, những cuộc dạo mát đầu tiên của trẻ em, những trò chơi đầu tiên của bọn con trai đều xảy ra trên cầu Drina. Những em bé trong các gia đình Ki tô giáo trên tả ngạn sông Drina, mới sanh được mấy ngày đã qua chiếc cầu đó vì ngay trong tuần lễ thứ nhất người ta đã bồng chúng lại giáo đường làm lễ rửa tội. Nhưng những em khác cũng vậy, cả những đứa sanh trên hữu ngạn và những đứa trong gia đình Hồi giáo không làm lễ rửa tội, cũng chơi đùa gần trọn tuổi thơ chung quanh chiếc cầu như ông cha chúng thời trước. Chúng câu cá bên cạnh cầu hoặc bắt chim cu dưới nhịp cầu. Ngay từ hồi bé tí, mắt chúng đã quen những nét nhịp nhàng của công trình kiến trúc lớn lao bằng đá trắng, thưa thớt, đục đẽo rất đều đặn, tuyệt khéo đó. Chúng biết rõ những chỗ lồi lõm, tròn trịa chạm gọt ti mỉ, cũng như tất cả những truyện cổ tích, những huyền thoại liên quan tới sự xây dựng chiếc cầu, trong những truyện này phần tưởng tượng, mơ mộng và phần có thực xen nhau một cách kỳ dị, chằng chịt. Mà những cái đó, chúng biết từ hồi nào lận, một cách bất giác như thể mới sanh ra đã biết rồi; chúng thuộc như thuộc các kinh cầu nguyện mà không nhớ ai đã dạy cho chúng, chúng đã được nghe lần đầu tiên hồi nào.
Chúng biết rằng cầu đã được cất do lệnh của quan tể tướng Thổ Mehmed Pacha mà sinh quán ở phía xa kia, sau dãy núi bao quanh chiếc cầu và thị trấn. Chỉ một tể tướng mới phát cho dân được tất cả những cái cần thiết để xây dựng cái kỳ quan trường cửu bằng đá đó (Bọn con trai chỉ hiểu mờ mờ rằng một vị tể tướng là cái gì rực rỡ, lớn lao, ghê gớm lắm). Chiếc cầu đã do Radé dựng nên, kiến trúc sư đó chắc sống lâu mấy thế kỷ mới xây cất được công trình đẹp đẽ bến vững như vậy ở trên đất Serbie này, bậc  sư” đó là một nhân vật huyền thoại vô danh, như dân chúng tưởng tượng (...) Họ biết rằng bà Thủy, nữ thần sông Drina đã ngăn cản việc xây cầu, cứ ban ngày dựng được tới đâu thì ban đêm lại phá hết cho tới một hôm, văng vẳng có tiếng ở dưới nước đưa lên, dạy Radé, người chỉ huy công việc phải tìm hai đứa bé sinh đôi còn bú, một đứa là con trai, một đứa là con gái tên là Stoia và Ostoia [Một lối chơi chữ, không sao dịch được: Stoiati có nghĩa là đứng vững, Ostaiati có nghĩa là trường. Ý nói rằng cầu sẽ vững vàng, lâu bền] mà nhốt vào trong lòng những cột ở giữa cầu rồi bít lại. Người ta ra lệnh đi tìm kiếm khắp xứ Bosnie hai đứa bé như vậy. Ai kiếm được đem về thì sẽ được thưởng.
Sau cùng bọn hiến binh kiếm được trong một làng xa xôi hai đứa bé sinh đôi còn bú, theo lệnh của tể tướng, bắt đại đi. Nhưng mẹ chúng không chịu xa chúng, khóc lóc rền rĩ, mặc dầu bị mắng chửi, đánh đập, cũng cứ nằng nặc thất thểu theo con cho tới Vichégrad, len lỏi được tới trước mặt kiến trúc sư.
Truyện kể tiếp rằng người ta nhốt hai đứa bé, xây tường chung quanh, vì phải tuân lời bà Thủy, nhưng kiến trúc sư thương tâm, cho để hở hai lỗ trong cột cầu để người mẹ khốn khổ đó có thể cho con bú. Những lỗ đó là những cửa sổ giả đục rất nghệ thuật, nhỏ hẹp như những lỗ để chĩa súng, ngày nay chim cu lại đó làm tổ. Từ mấy trăm năm nay, sữa người mẹ đó như để nhớ lại thời xưa vẫn còn từ bức tường chảy ra. Tới một thời nhất định nào đó trong năm, có những dòng nước trắng, nhỏ, tiết ra từ những kẽ đá trét rất kỹ, thành một vệt trên đá không bao giờ phai (...) Những vệt sữa chảy theo cột cao đó, thiên hạ lại cạo đem về làm một thứ bột trị bệnh, bán cho những người đàn bà nào sanh rồi mà không có sữa. Trong cột cầu ở giữa, dưới cái kapia, có một lỗ lớn hơn, tựa như một cái cửa hẹp không có cánh, hoặc như một lỗ chĩa súng vĩ đại. Người ta đồn trong cột cầu đó có một phòng rộng và tối của một tên Ả Rập đen thui. Đứa trẻ nào cũng tin vậy. Tên Ả Rập đó đóng một vai trò quan trọng trong những giấc mộng và những truyện bịa đặt của chúng. Ai mà thấy nó hiện ra thì thế nào cũng chết. Chưa một đứa trẻ nào thấy cả, vì trẻ con đâu có chết. Nhưng Khamid, một người phu khuân vác bị bệnh suyễn, lúc nào cũng say mèm, mắt đỏ ngầu, một đêm thấy nó hiện ra và chết ngay đêm đó ở bên cạnh bức tường. Thực ra hắn chết vì say rượu mà ban đêm nằm ngay trên cầu, dưới vòm trời quang đãng, lạnh buốt, mười lăm độ dưới số không. Bọn con trai thường ngó vô cai lỗ tối om đó, nó vừa làm chúng sợ vừa thu hút chúng như một vực thẳm. Chúng rủ nhau cùng nhìn đăm đăm vào trong và dặn nhau hễ đứa nào đầu tiên thấy một vật gì thì la lên. Chúng há hốc miệng ra ngó vô cái lỗ rộng và tối đó run rẩy vì tọc mạch, sợ sệt, cho tới lúc một em trai thiếu máu có cảm tưởng rằng lỗ hổng đưa đi đưa lại, di động như một bức màn đen, hoặc tới lúc một đứa tinh quái la lên: Thằng mọi da đen kìa!” Rồi làm bộ bỏ chạy. Thế là trò chơi hết thú, bọn trẻ thất vọng, bất bình (...) Nhưng ban đêm trong giấc ngủ, chúng chiến đấu với tên Ả Rập trên cầu, như chiến đấu với định mạng, cho tới khi mẹ chúng đánh thức chúng dậy mới tan cơn ác mộng. Và trong khi mẹ chúng cho chúng uống nước lạnh để hết sợ” bắt chúng cầu nguyện Chúa, thì chúng đã ngủ lại rồi, vì ban ngày chơi mệt quá (...) 
Từ cầu đi ngược dòng lên, lai bên bờ đá vôi xám hiểm trở, người ta thấy những lỗ tròn tròn từng cặp một, cách quãng đều nhau, như thể có một con ngựa khổng lồ in móng lên đá; những lỗ tròn đó bắt đầu từ xóm cũ trên cao kia theo triền núi xuống tới bờ sông, rồi lại hiện lên ở bờ bên kia, sau cùng biến mất dưới lớp đất nâu phủ cây cỏ.
Trẻ con cứ mùa hè suốt ngày đi câu cá nhỏ dọc theo bờ đá biết rằng những lỗ đó là vết chân của các chiến sĩ thời xưa, xa, xa lắm rồi. Thời đó, có những vị anh hùng to lớn dị thường, đá còn mềm như đất chứ chưa cứng, và ngựa cũng to xứng với người cỡi. Các trẻ em Serbie tin rằng đó là những vết móng của con ngựa Charats [Charats là con ngựa trắng của Kraliévitck Marko, một vỉ anh hùng trong thơ bình dân] có từ hồi Kraliévitch Marko bị giam trên xóm cũ, trốn thoát xuống đồi, quất ngựa phóng qua sông Drina khi chưa có cầu. Nhưng các trẻ em Hồi biết rằng không phải là Kraliévitch Marko, không thể là Kraliévitch Marco được (vì một người theo Ki tô giáo và là một đứa con hoang thì làm sao mạnh được như vậy, kiếm được con ngựa như vậy); chính là Djerzelez Lia [Một vị anh hùng Hồi ở Bosnie, có tính cách nửa hoang đường] cỡi con ngựa cái có cánh nên nhảy phóc một cái là qua được sông lớn dễ dàng như qua lạch nhỏ, chứ không thèm xuống đò cho người ta chở. Chúng cũng chẳng thèm tranh luận về chuyện đó vì phe nào cũng tin chắc rằng mình đúng, có chứng cớ vững vàng rồi. Và từ trước tới nay có ai mà thuyết phục được ai đâu, hoặc có ai mà thay đổi ý kiến bao giờ đâu.
Trong những lỗ tròn, rộng và sâu đó, nước mưa giữ được rất lâu như trong những bình bằng đá vậy. Và tụi trẻ, bất kể theo tôn giáo nào, đều thả những con cá nhỏ, cá lòng tong, cá chốt chúng câu được vào những lỗ đầy nước mưa âm ấm đó mà chúng gọi là giếng.
Bên tả ngạn, ngay ở phía trên đường cái, có một phần mộ biệt lập khá lớn, bằng đất, nhưng là một thứ đất xám, cứng như đá. Không có cây gì mọc được trên đó, trừ một thứ cỏ nhỏ, cứng, đâm đau, nhọn như dây chì. Phần mộ đó là cái đích mà cũng là ranh giới khu chơi giỡn của các trẻ con ở chung quanh cầu. Ngày xưa người ta gọi chỗ đó là ngôi mộ của Radislav. Theo truyền thuyết Radislav là một vị thủ lãnh Serbie, có uy quyền. Khi quan tể tướng quyết định xây một chiếc cầu trên sông Drina, phái người lại đó thì ai nấy đều tuân lệnh, tới làm xâu. Chỉ duy có Radislav là phản kháng, xúi dân nổi loạn, bảo quan tể tướng phải bỏ công việc đó đi nếu không sẽ gặp nhiều trắc trở lớn lao. Quả nhiên quan tể tướng đã gặp nhiều nỗi khó khăn trước khi bắt được Radislav vì ông ta là hạng siêu quần: súng gươm không hạ được, dây thừng dây xích không trói được, ông bứt được hết như bứt chỉ vậy. Bùa phép ông đeo trong người linh như vậy đó. Nếu một tên bộ hạ của tể tướng, khôn khéo, mưu mô, không tìm cách dùng tiền mua chuộc một tên gia nhân của Radislav để nó tiết lộ bí mật thì không ai biết được việc đã xảy ra sao và quan tể tướng có xây nổi chiếc cầu không. Dùng mẹo, người ta rình lúc Radislav đương ngủ, xông vào bóp cổ tới chết sau khi cột ông bằng thừng kết bằng dây tơ, vì chỉ có tơ mới giải được bùa phép của ông. Bọn đàn bà tin rằng mỗi năm có một đêm người ta thấy một làn ánh sáng trắng rực rỡ từ trên trời giáng thằng xuống phần mộ đó. Hiện tượng đó xảy ra vào mùa thu, trong khoảng từ ngày lễ Đản sinh tới ngày lễ Thăng thiên của Thánh Mẫu đồng trinh.
Nhưng tụi trẻ, dù tin hay không tin truyện đó, cũng thức đợi bên cửa sổ nhìn ra mộ Radislav mà không bao giờ thấy lửa trên trời cả, vì chưa tới nửa đêm thì mắt chúng đã díp lại rồi. Trái lại, có những người đi đường ban đêm trở về thị trấn, không nghĩ tới truyện đó thì lại thấy một làn hào quang trắng trên phần mộ, sau chiếc cầu.
Nhưng những người Thổ trong thị trấn thì lại bảo từ một thời rất xa xăm, một giáo sĩ Hồi giáo tên là Chekh-Tourkhania, rất anh dũng, đã ngăn một đạo quân tà giáo, không cho chúng qua sông Drina, đã tử vì đạo ở chỗ đó. Và sở dĩ người ta không dựng bia hay lăng tẩm ở đây chỉ là do di ngôn của ngài, ngài chỉ muốn được chôn cất như người thường, không ghi chức tước danh vọng gì cả, để không ai biết là ngài nằm ở đó. Vì nếu một đạo quân tà giáo nào mà lại đây tấn công một lần nữa thì ngài nằm ở dưới đất sẽ vùng dậy ngăn chặn chúng như hồi xưa, không cho chúng vượt qua cầu Vichégrad. Chỉ có trời là thỉnh thoảng giọi ánh sáng xuống phần mộ của ngài thôi.
Vậy tuổi thơ của bọn trẻ trong thị trấn trôi qua dưới và chung quanh chiếc cầu, chúng chơi đùa hoặc mơ mộng ngây thơ với nhau. Nhưng khi bắt đầu hơi lớn tuổi thì chúng lại sống ở trên cầu, ngay tại cái kapia; tuổi ngông của thanh niên tìm được ở đó một thức ăn tinh thần khác những cảnh giới mới, và chúng cũng bắt đầu lo nghĩ, chiến đấu, lao khổ vì cuộc đời.
Trên cái kapia và chung quanh đó, chúng bắt đầu mơ mộng vì tình duyên, liếc mắt đưa tình, suy tư và thì thầm tâm sự. Ở đây cũng xảy ra những cuộc tính toán làm ăn, thương lượng đầu tiên, những cuộc gây lộn, hòa giải, những cuộc hẹn hò, chờ đợi. Ở đây, trên các bao lơn bằng đá, người ta bày bán các trái anh đào, trái dưa đầu mùa, nước Saleps [Một thứ nước giải khát ngọt, hơi sền sệt, người Bosnie uống nóng vào buổi sáng, thời Thổ cai trị] buổi sáng và những ổ bánh mì nóng hổi. Ở đây tụ họp bọn hành khất, tàn tật và bọn cùi, những thanh niên muốn nhìn người qua lại hoặc muốn cho người ta để ý tới mình, hoặc có những thức bán như trái cây, quần áo, khí giới. Ở đây, một số người có danh vọng, đứng tuổi thường lại ngồi nói chuyện với nhau một chút về việc nước, về nhưng ưu tư chung; nhưng thường tới hơn cả là bọn trẻ chỉ biết ca hát, đùa cợt. Cũng tại đây mỗi khi có một xáo động lớn, một biến cố lịch sử, người ta dán những tờ tuyên ngôn, bố cáo (trên bức tường đắp cao lên, dưới tấm bia bằng cẩm thạch khắc chữ Thổ, và ở trên vòi nước), và cũng tại đây, cho tới năm 1878, người ta treo cổ hoặc bêu đầu những kẻ bị hành hình vì một lẽ gì đó. Mà tại thị trấn ở biên giới này, nhất là trong những năm biến loạn, những vụ hành hình xảy ra rất thường, có hồi xảy ra hằng ngày nữa, như sau này chúng ta sẽ thấy.
Đám cưới, đám tang nào khi qua cầu cũng phải ngừng lại cái kapia. Đám cưới thì thường chuẩn bị ở đây để sắp hàng trước khi vô trung tâm thị trấn. Nếu trời êm, không có điều gì lo lắng, thì người ta truyền cho nhau những chai rakia [Một thứ rượu mạnh] để tu, người ta hát, múa điệu kolo [Vũ khúc bình dân Nam Tư] và nhiều khi ngừng lại lâu quá mà không ngờ. Còn đám ma thì bọn đô tùy ngừng xe tang lại nghỉ một chút, luôn luôn tại cái kapia này mà chính kẻ thất lộc hồi sinh tiền đã lui tới biết bao lần.
Kapia là chỗ quan trọng nhất trên cầu, cũng như cầu là nơi quan trọng nhất của thị trấn, hoặc nói như một khách du lịch Thổ được dân Vichégrad quí mến, đã chép trong tập du ký của ông ta: Kapia ở đây là trái tim của thị trấn này mà người nào cũng lưu luyến trong lòng.
Nó tỏ rằng các kiến trúc sư thời xưa (...) đã thông minh làm sao, chẳng những làm cho cầu thêm vững, thêm đẹp mà còn tiện lợi cho các thế hệ mãi về sau này nữa. Và khi người ta biết đời sống hiện tại của thị trấn, suy ngẫm cho kỹ thì người ta phải tự nhủ rằng quả thực, trong cái xứ Bosnie này, rất ít người được hưởng cái thú vui của người dân Vichégrad - dù là bần dân mạt hạng - khi họ ngồi trên cái kapia này.
Dĩ nhiên là không kể mùa đông tháng giá vì mùa đó, bất đắc dĩ người ta mới phải qua cầu, mà cúi đầu rảo bước qua cho mau trong luồng gió lạnh luôn luôn thổi trên dòng sông, không ai ngừng lại trên sân trống kapia làm gì. Còn những mùa khác thì kapia quả là một ân huệ cho người lớn cũng như trẻ em. Bất kỳ người dân nào, ban ngày và ban đêm, giờ nào cũng có thể lại kapia, ngồi trên bệ hoặc chung quanh bệ bàn tính việc làm ăn hoặc nói chuyện phiếm với bạn bè.
Ló ra ngoài, cao hơn mặt sông xanh róc rách khoảng mười lăm thước, bệ đá đó cơ hồ như chơi vơi ở giữa không trung, trên làn nước, ba phía chung quanh là đồi xanh thẳm, trên cao là vòm trời với mây và sao, còn nhìn về phía dưới thì như một diễn đài hẹp, tại chân trời xa xa có một dãy núi màu lam khép lại.
Thử hỏi trên thế gian này có bao nhiêu đại thần hoặc phú gia được giải niềm vui nỗi buồn hoặc tâm trạng thích thú, nhàn nhã của mình ở một nơi như vậy? Ít, ít lắm. Còn bọn chúng ta (sinh trưởng ở đây), trong bao nhiêu thế kỷ này, thế hệ nọ nối thế hệ kia, đã có biết bao nhiêu người ngồi trên cái bệ này mà đợi mặt trời mọc hoặc trăng lên, hoặc đợi giờ tụng kinh buổi chiều dưới vòm trời di chuyển chầm chậm trên đầu chúng ta? Đã biết bao nhiêu người lại đây ngồi, tay chống cằm, dựa vào thành đá nhẵn chạm trổ rất khéo, nhìn ánh sáng trao đổi bất tuyệt trên núi, nhìn những đám mây tan hợp trên trời, để gỡ những mối tơ rối của kiếp người trong thị trấn, những mối tơ thời nào cũng vậy, nhưng mỗi thời lại rối một cách khác. Có người đã từ lâu rồi (phải nhận rằng kẻ đó là người lạ và chỉ muốn nói đùa thôi) bảo rằng cái kapia này ảnh hưởng tới vận mạng của thị trấn và tới cả tính tình của dân chúng ở đây. Người đó bảo chỉ tại lại ngồi hoài hằng giờ trên cái kapia này mà nhiều người Vichégrad có khuynh hướng trầm tư, mơ mộng, và có nét đặc biệt ai cũng nhận thấy, là bình thản, sầu muộn.
Có lẽ người ta phải nhận rằng so với dân các thị trấn khác thì dân Vichégrad nhẹ dạ hơn, ham vui và hoang phí hơn. Thị trấn của họ ở một địa điểm tiện lợi, làng mạc đồng ruộng chung quanh phì nhiêu, phong phú, và quả thực tiền bạc chảy vào Vichégrad nhiều đấy nhưng chẳng bao giờ ngừng lại lâu cả. Nếu có thấy một chủ nhân tiết kiệm, khéo quản lý tài sản, không đam mê chơi bời thì nhất định là một người ở nơi khác mới tới, nhưng phong thủy ở Vichégrad khiến cho trẻ ở đây mới sanh ra bàn tay đã mở rộng, ngón tay đã xòe ra rồi, chúng bị lây cái bệnh chung hoang phí, vô ưu, sống theo châm ngôn: Trời sinh voi thì trời sinh cỏ”.
Người ta kể truyện ông lão Novak khi đã kiệt lực, không chiến đấu nữa, truyền cái nghề haidouk [Haidouk có nghĩa là tướng cướp, nhưng không phải là hạng cướp đường thô bỉ, mà thường là một người trốn vào trong rừng sâu để khỏi chịu những sự ngược đãi của người Thổ, lại thường cứu giúp các đồng bào bị ức hiếp. Có nhiều bài hát bình dân kể truyện Starina Novak (ông già Novak) và chàng thanh niên Groutsa] ở Lỗ-Ma-Ni [Lỗ Ma Ni là một miền núi phía Đông Sarajevocho chàng trai trẻ Grouitsa, khuyên chàng những câu này: 
Khi mai phục, con phải nhìn kỹ kẻ nào sắp đi tới. Hễ thấy hắn vênh vênh tự đắc cỡi ngựa, bận một chiếc gi-lê đỏ đeo lắc bạc, đi ghệt trắng, thì biết là dân Fotcha [Fotcha là một trung tâm thương mại (4.500 dân) trên hữu ngạn sông Drina] đấy. Tấn công liền đi, vì nó có nhiều tiền giắt trong lưng và đựng trong đãy đấy. Nếu con thấy một kẻ ăn bận lèng xèng, đầu cúi xuống, ngồi trên lưng ngựa như đi ăn xin vậy thì cứ thẳng tay đập đi, vì nó là dân Rogatitsa [Rogatitsa là một thị trấn trên một chi nhánh phía tả ngạn sông Drina] đấy. Tụi chúng nó đều như vậy, keo kiệt, âm hiểm nhưng đầy nhóc tiền. Nhưng nếu con thấy một thằng khùng, ngồi bắt tréo chân trên yên, vừa đánh cái trống con vừa gân cổ lên ca hát thì đừng đập, bẩn tay vô ích, để cho quân vô loại đó qua: nó là dân Vichégrad, nghèo xác ra đấy vì tiền của vào nhà nó rồi ra liền”.
Khó mà biết rõ được ý nghĩ đó đúng tới mức nào. Nhưng biết bao việc khác, ở đây cũng không dễ gì biết đâu là nhân đâu là quả. Có phải cái kapia ảnh hưởng tới dân chúng như vậy không, hay trái lại chính dân làng thông minh đã nghĩ ra kiến trúc đó và xây cất theo nhu cầu cùng thói quen của họ? Câu hỏi đó vô ích và vô nghĩa (...) Dù sao, có điều này chắc chắn là giữa chiếc cầu đó và đời sống dân thị trấn này có một liên lạc mật thiết từ mấy thế kỷ. Vận mạng của dân và lịch sử chiếc cầu chằng chịt với nhau, và không thể tách rời ra mà kể được. Vì vậy truyện về nguồn gốc và lịch sử chiếc cầu đồng thời cũng là truyện về đời sống của thị trấn, của dân trong thị trấn, từ thế hệ này qua thế hệ khác, cũng vậy trong tất cả các truyện về thị trấn hiện lên hình ảnh chiếc cầu đá mười một nhịp, với cái kapia như một chiếc mũ miện ở giữa cầu.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét