Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Mùi Hương - Patrick Süskind (Chương 31 - 35)

Patrick Süskind

Mùi Hương

Lê Chu Cầu dịch
NXB Văn học - 2016

31

Hôm sau, trong lúc ngài Marquis đang dạy gã vài thế đứng, vài điệu bộ và bước nhảy tối thiểu cho buổi ra mắt sắp tới trước đông người thì Grenouille giả lên cơn chóng mặt, nhào xuống ghế dài và ngộp thở như thể không còn tí sức nào.
Ngài Marquis quýnh lên. Ngài réo gia nhân mang quạt và cái máy thông gió loại gọn nhẹ tới, trong lúc lũ gia nhân hối hả chạy tìm thì ngài quỳ xuống một bên Grenouille, dùng khăn tẩm nước hoa đồng thảo của ngài quạt cho gã, kêu gọi, nói trắng ra là van xin gã đứng dậy, đừng có nhè lúc này mà chết, nếu được, xin đợi đến ngày mốt, bằng không thì sẽ cực kỳ phương hại cho sự sống còn của lý thuyết fluidum letale.
Grenouille vặn vẹo, uốn cong người, thở hổn hển, rên rỉ, xua loạn xạ cái khăn tay, tuột từ ghế dài xuống nền nhà một cách hết sức bi thảm rồi bò tới cái góc phòng xa nhất.
- Bỏ nước hoa này đi! - gã kêu như thể với sức tàn. - Bỏ nước hoa này đi! Nó giết tôi mất!
Sau khi ngài Taillade-Espinasse đã ném cái khăn tay qua cửa sổ và quẳng luôn cả cái áo khoác cũng có mùi hoa đồng thảo vào phòng bên, Grenouille làm ra vẻ bớt và với giọng đã bình thường hơn kể rằng gã có cái mũi nhậy cảm do làm nghề chế nước hoa và mũi gã vẫn thường phản ứng mãnh liệt như thế với một số loại nước hoa, đặc biệt trong lúc đang hồi sức này. Không ngờ mùi thơm một thứ hoa dễ thương như hoa đồng thảo lại kích thích gã mạnh đến thế, gã chỉ có thể giải thích qua lượng tinh chất rễ cây đồng thảo quá cao trong nước hoa của ngài Marquis, rễ cây này mọc dưới đất nên có tác dụng độc hại đối với một người bị gặm nhấm bởi fluidum letale như gã. Ngày hôm qua, khi được xịt nước hoa này gã đã chóng mặt, hôm nay khi lại ngửi cái mùi rễ lần nữa thì gã như thể bị tống trở lại cái hố ngột ngạt đến kinh hoàng mà gã đã sống ngắc ngoải suốt bảy năm trời. Thể chất gã vì thế đã phản ứng chứ gã không biết phải nói sao hơn, vì sau khi nhờ nghệ thuật của ngài Marquis mà gã được sống là người trong bầu không khí không còn khí độc thì gã thà chết ngay chứ không chịu trở thành nạn nhân của cái fluidum đáng thù ghét kia lần nữa. Ngay lúc này chỉ cần nghĩ đến cái mùi rễ ấy thôi là mọi bộ phận trong người gã thắt lại. Nhưng gã tin tưởng tràn đầy rằng sẽ khỏi ngay tức khắc nếu ngài Marquis cho phép gã chế một loại nước hoa riêng để trục hết cái mùi đồng thảo. Gã nghĩ đến một thứ hết sức nhẹ, như không khí, mà những thành phần chủ yếu đều xa mặt đất như nước của hoa hạnh, nước của hoa cam, khuynh diệp, dầu các cây thông và bách. Chỉ một tia nước hoa ấy trên quần áo, vài ba giọt trên cổ, trên má là gã sẽ không bao giờ còn bị cái cơn chóng mặt làm khổ tâm như gã vừa bị áp chế lúc nãy.
Những gì chúng ta thuật lại rành mạch ở đây là để cho dễ hiểu chứ trong thực tế Grenouille vừa ho, vừa hổn hển, vừa bị tắc hơi không ngớt suốt nửa tiếng đồng hồ làm những lời gã phun ra trở thành khó hiểu, gã phải nhấn mạnh bằng vẻ run lập cập, vung tay và xoay tròn mắt. Điều ấy đã tác động mạnh đến ngài Marquis. Kẻ mà ngài bảo hộ đã trình bày những lý luận khéo léo phù hợp với lý thuyết về fluidum letale nên thuyết phục ngài hơn cả những biểu hiện đau đớn của gã. Đúng là cái nước hoa đồng thảo rồi! Một thứ gần đất đáng kinh tởm thậm chí ở dưới mặt đất nữa! Có lẽ chính ngài cũng nhiễm độc vì đã dùng nó nhiều năm rồi. Ngài đâu ngờ rằng vì dùng nó mà ngày ngày ngài tự dẫn thân đến chỗ chết. Bệnh thống phong, gáy cứng đơ, của quý xụi lơ, bệnh trĩ, chứng ù tai, răng sâu… tất cả  những bệnh ấy của ngài chắc chắn do cái mùi hôi thối của rễ đồng thảo bị nhiễm khí độc. Cái gã nhỏ bé đần độn kia, cái đống khốn khổ trong góc phòng kia đã khiến cho ngài nghĩ ra điều ấy. Ngài quá ư xúc động. Ngài muốn đi lại chỗ gã, nâng gã dậy, ôm gã sát trái tim được soi sáng của ngài. Nhưng ngài sợ vẫn còn phải hít hoa đồng thảo nên lại réo gia nhân, ra lệnh mang hết nước hoa đồng thảo ra khỏi lâu đài, thông khí hết cả lâu đài, khử độc áo quần của ngài bằng máy quạt thông sinh khí và dùng kiệu của ngài đưa ngay Grenouille đến nhà chế nước hoa nổi tiếng nhất thành phố. Grenouille lên cơn chóng mặt chỉ nhằm có thế.
Montpellier có truyền thống lâu đời về ngành nước hoa, tuy gần đây có kém thua so với Grasse, thành phố đối thủ, nhưng vẫn còn có nhiều nhà chế nước hoa và làm găng tay giỏi. Người tiếng tăm nhất là một ông Runel nào đó vẫn cung cấp dầu thơm, xà bông, nước hoa cho ngài Hầu tước de la Taillade-Espinasse; do quan tâm đến sự buôn bán với gia đình ngài Hầu tước nên ông sẵn sàng làm cái việc không bình thường là cho tay thợ làm nước hoa lạ lùng ở Paris, được khiêng đến bằng kiệu, được sử dụng xưởng của ông một tiếng đồng hồ. Tay này không để cho ông giảng giải, không để cho ông chỉ ở đâu có vật gì, gã nói biết rồi, gã sẽ tìm ra, rồi tự giam mình trong xưởng gần một tiếng, trong khi đó thì ông Runel đi cùng với viên quản gia của ngài Marquis đến quán uống vài ly rượu vang, ông được cho biết vì sao người ta không thể ngửi nước hoa đồng thảo của ông được nữa.
Xưởng của ông Runel trang bị thua xa cửa hiệu của ông Baldini ở Paris ngày trước. Vài dăm lọ dầu hoa, ít loại nước và gia vị thì một nhà chế nước hoa trung bình không thể thành công được. Nhưng Grenouille nhận ra ngay qua lần đánh hơi đầu tiên rằng những vật liệu sẵn có đủ dùng cho mục đích của gã. Gã không muốn tạo thành một thứ nước hoa thật thơm, gã cũng không có ý định trộn thứ nước lấy tiếng, cái thứ vượt lên hẳn cái biển nước hoa loại trung bình, làm cho con người thuần phục như thời còn làm cho ông Baldini. Ngay thứ nước thơm đơn giản từ hoa cam như đã hứa với ngài Hầu tước cũng không phải là mục đích thật của gã. Những tinh dầu thông dụng của cam nê-rô-li, khuynh diệp, lá bách chỉ để che giấu mùi thật sự gã muốn chế: mùi con người. Dù trước mắt chỉ là một mùi thay tạm còn dở nhưng gã muốn sở hữu cái mùi con người mà gã không có. Tất nhiên không có một mùi con người cũng như không có một vẻ mặt con người. Không ai biết rõ hơn Grenouille là mỗi người có một mùi riêng vì gã biết cả hàng nghìn mùi người khác nhau và đã biết đánh hơi ngay từ lúc mới sinh để phân biệt người này người nọ. Ấy thế mà xét về mặt nước hoa vẫn còn một cái chung cơ bản khá tởm lợm cho mùi con người, đơn giản thôi, mồ hôi dầu, mùi chua của pho mát, nó bám chặt mọi người khá đồng đều, bên trên nó bồng bềnh một mảng mây nho nhỏ tinh hoa của từng con người, khác biệt nhau hết sức nhỏ.
Cái tinh hoa này cực kỳ phức tạp, nó là cái mã số không thể nhầm lẫn của mùi từng con người mà nói chung phần đông con người ta không cảm nhận được. Phần lớn con người không biết rằng họ có cái tinh hoa ấy, hơn nữa họ còn làm tất cả để che giấu nó dưới áo quần hay dưới  những mùi nhân tạo theo thời. Nhưng họ chỉ quen thuộc cái mùi cơ bản nọ, cái hơi hướng người sơ đẳng nọ, họ chỉ sống và cảm thấy được an toàn trong đó, ai đấy chỉ cần tiết ra cái mùi ghê tởm nọ sẽ được họ coi ngay là đồng loại.
Cái nước hoa Grenouille chế ra hôm ấy rất lạ lùng, chưa từng có trên thế gian từ trước đến nay. Nó không tỏa mùi như nước hoa mà như một người đang tỏa mùi. Nếu ai đó ngửi nước hoa này trong phòng tối, người ấy sẽ ngỡ là có một người thứ hai trong phòng. Ai đã có sẵn mùi người rồi mà còn dùng nó thì người này sẽ xuất hiện như thể hai người đối với khứu giác của chúng ta, thậm chí như một sinh vật nhị trùng quái dị, một hình dáng mà người ta không thể xác định rõ rệt vì nó bồng bềnh mờ ảo như một cái hình nằm dưới đáy hồ gợn sóng.
Grenouille chọn trong xưởng của ông Runel những thành tố bất thường nhất để mô phỏng mùi người, gã tự biết là còn lâu mới giống nhưng cũng đủ khéo để đánh lừa người khác.
Sau ngưỡng cửa ra sân sau còn một bãi phân mèo khá mới. Gã lấy nửa muỗng nhỏ cho vào bình trộn, thêm ít giọt giấm và một ít muối đã được giã vụn. Gã tìm thấy dưới gầm bàn một mẩu pho mát to cỡ ngón tay cái, chắc là thức ăn của ông Runel, nó cũ rồi, bắt đầu hư và tỏa mùi cay xè. Xích phía sau có một thùng cá mòi, gã cạo ở nắp thùng một chút gì đấy có mùi cá ôi, trộn với trứng ung, hải ly hương, amoniac, đậu khấu mài thêm ít sừng và da heo thui xém cắt vụn. Gã thêm khá nhiều xạ hương, trộn những thứ ghê rợn này với rượu cồn, để cho thôi ra rồi lọc sang bình thứ hai. Cái nước hôi khủng khiếp. Nó hôi mùi nước thải, mùi xác rữa, và khi quạt để trộn không khí với mùi bốc lên từ cái chất nọ thì chẳng khác gì anh đứng ở Paris trong một ngày hè nóng nực, ngay góc Rue aux Fers với Rue de la Lingerie, nơi hội tụ những mùi của khu chợ Le Halles, từ Cimetìere des Innocents và từ những căn nhà đầy ứ người.
Phía trên cái nền kinh khủng, giống mùi xác chết hơn mùi người này, Grenouille đổ một lớp dầu tươi của bạc hà, oải hương, nhựa thông, chanh, khuynh diệp mà gã vừa làm dịu vừa khéo che đậy bằng mùi hương phảng phất của dầu những loại hoa quý như phong lữ thảo, hồng, hoa cam và hoa nhài. Sau khi được trộn thêm rượu cồn và một ít dấm thì mùi ghê tởm của cái nền tạo nên dung dịch này biến mất. Cái mùi hôi tiềm phục bị các thành tố tươi át mất cả, không còn nhận ra nữa, mùi kinh tởm đã được mùi hoa thơm tô điểm, trở nên hay ho nữa là khác, mùi xác chết cũng không còn thấy nữa, hoàn toàn không, kỳ lạ thay! Ngược lại một mùi thơm sinh động của sự sống như thể toát ra từ nước hoa ấy.
Grenouille đựng vào hai lọ con, nút lại rồi giấu trong người. Rồi gã lấy nước rửa thật kỹ bình, cối, phễu và muỗng, chùi bằng dầu hạnh đắng để xóa mọi dấu tích của mùi. Gã lấy một bình khác, lẹ làng trộn một loại nước hoa khác, một thứ phó bản,  cũng gồm những thành tố tươi và hoa nhưng cái nền thì không chứa tí gì của cái thứ nước kinh khủng cũ mà hoàn toàn bình thường gồm một chút xạ hương, long diên hương, một chút xíu cầy hương và dầu gỗ thủy tùng. Mùi nó hoàn toàn khác với cái trước, nhạt nhẽo hơn, vô tội vạ hơn, ít độc hơn vì thiếu những thành tố mô phỏng mùi người. Nhưng khi một người bình thường dùng nó, quyện chặt nó với hơi hám của mình thì nó sẽ không khác gì nữa cái nước hoa Grenouille đã làm riêng cho gã.
Sau khi đã đựng nước hoa thứ hai vào lọ con, gã cởi hết quần áo và vẩy nước thứ nhất lên trên đó. Đoạn gã chấm thêm vào dưới nách, giữa những ngón chân, ở bộ phận sinh dục, lên ngực cổ, tai và tóc, rồi mặc lại áo quần và rời khỏi xưởng.

32

Ra tới đường gã bỗng sợ vì gã biết lần đầu tiên trong đời gã tỏa mùi người. Gã thấy mình hôi, hôi kinh tởm. Và gã không thể tưởng tượng được rằng người khác không thấy gã hôi, nên không dám đi đến quán rượu gặp ông Runel và viên quản gia của ngài Hầu tước đang đợi gã ở đấy. Gã thấy nên thử cái tinh hoa mới này ở một nơi không ai biết gã là ai thì đỡ mạo hiểm hơn.
Gã len lỏi qua những ngõ hẻm chật chội và tối tăm nhất xuống bờ sông, nơi đây những người thuộc da, nhuộm vải đặt cơ xưởng và làm những công việc hôi hám của họ. Khi gặp ai đó hoặc đi ngang qua ngưỡng cửa ngôi nhà có trẻ con nô giỡn hay những bà già ngồi chơi, gã cố ý đi chậm lại, mang cái mùi thơm quanh người như một đám mây lớn khép kín và nặng trĩu.
Gã đã quen từ thời niên thiếu rằng người ta đi ngang qua gã mà chẳng hề biết đến sự có mặt của gã, không phải vì họ khinh bỉ như có lần gã tưởng mà vì họ không nhận ra sự hiện diện của gã thật. Không có một không gian nào quanh người gã, từ gã không có sóng vỗ vào bầu không khí như người khác, không có đến cả bóng, để gọi là, hắt vào mặt người khác. Chỉ khi nào gã thình lình đụng phải một ai đó trong đám đông hay ở một góc đường thì mới có một khoảnh khắc của sự nhận biết và thường thì người bị đụng dội lại, kinh hoàng nhìn gã trân trân mấy giây như thể nhìn một sinh vật lẽ ra không được phép hiện hữu, một sinh vật có đó, không thể chối cãi được, nhưng chẳng hiểu sao lại không có đó, rồi chạy xa và lại quên gã ngay.
Nhưng giờ đây, trong những ngõ ngách của Montpellier, Grenouille cảm thấy và nhìn thấy rất rõ rằng gã có tác động vào con người, mỗi lần thấy thế gã đều tràn ngập cảm giác tự hào mãnh liệt. Khi đi ngang qua một người phụ nữ đang cúi xuống giếng, gã nhận thấy bà ta ngẩng đầu lên một khoảnh khắc xem đấy là ai rồi quay lại với chậu nước, hẳn vì bà ta yên tâm. Một người đàn ông lưng quay về phía gã, xoay người lại, tò mò nhìn gã một lúc lâu. Những đứa bé gặp gã, tránh sang bên, không phải vì sợ hãi mà vì để có lối cho gã đi, ngay cả khi chúng vừa từ trong nhà chạy ra, va phải gã, chúng cũng không hốt hoảng mà lách qua như là đương nhiên chẳng khác gì chúng đã biết trước có người tới gần vậy.
Qua nhiều lần gặp gỡ như thế, gã biết đánh giá chính xác hơn sức mạnh và các tác dụng của tinh hoa gã mới có, gã trở nên tự tin hơn, táo bạo hơn. Gã rảo bước tới gần đám người, đi sát cạnh họ, vung tay hơi xa một tí, chạm tay một bộ hành như thể ngẫu nhiên. Có lần gã làm bộ sơ ý xô vào một ông mà gã muốn vượt. Gã đứng lại, xin lỗi, người đàn ông dừng lại, nhận lời xin lỗi, lại còn cười nữa chứ và vỗ vai Grenouille như chẳng có gì xảy ra cả, trong khi hôm qua chính ông này làm như thể bị sét đánh khi Grenouille thình lình xuất hiện.
Gã rời khỏi những con hẻm, bước đến quảng trường trước nhà thờ Saint-Pierre. Chuông nhà thờ đổ. Người ta chen chúc hai bên cửa chính. Một đám cưới vừa kết thúc. Người ta muốn xem mặt cô dâu. Grenouille chạy lại, lẫn vào đám người. Gã lấn, chen vào trong, gã muốn đến chỗ đông nhất, để được đứng sát sạt giữa đám người, để gí thẳng vào mũi họ mùi của gã. Gã dang tay dang chân giữa đám đông chen chúc, kéo phăng cổ áo để mùi của gã có thể tỏa ra từ cơ thể mà không bị cản trở… gã vui khôn xiết khi nhận ra rằng người ta chẳng chú ý gì cả, hoàn toàn không, rằng tất cả đàn ông đàn bà, trẻ con đang chen lấn quanh gã đều bị lừa dễ dàng đến thế, hít vào cái mùi hôi của gã pha trộn bậy bạ từ phân mèo, pho mát, dấm mà cho rằng giống với mùi của họ, còn gã, Grenouille này, một thằng lộn giống lại được chấp nhận như một con người.
Gã cảm thấy có một đứa bé sát đầu gối, một bé gái kẹt trong đám người lớn. Gã nâng đứa  bé lên, làm bộ săn sóc, bế trên tay để nó nhìn rõ hơn, Người mẹ không những để yên mà còn cám ơn gã nữa và đứa bé hét toáng lên vì thích thú.
Grenouille đứng khoảng mười lăm phút như thế giữa đám đông, ôm một đứa bé lạ sát lồng ngực, giả vờ chăm sóc. Và khi cô dâu chú rể cùng quan khách đi ngang trong tiếng chuông vang dội và tiếng reo hò của đám đông dưới những đồng tiền được ném như mưa thì trong lòng Grenouille cũng bật lên tiếng reo hò, một thứ reo hò quỷ quyệt, một cảm giác chiến thắng hung bạo làm gã run rẩy, mê mẩn như lên cơn dâm đãng và gã phải khó khăn mới kềm nổi để không trút cơn giận dữ lên đám người, hét vào mặt họ như một kẻ chiến thắng rằng gã không sợ họ, chẳng thèm ghét họ nữa mà khinh họ tận đáy lòng vì họ đã quá sức ngu ngốc, vì họ đã để cho gã lừa bịp, vì họ chỉ là con số không còn gã là tất cả! Và như để chế nhạo, gã ôm sát đứa bé hơn, lấy hơi cùng hét với mọi người “Hoan hô cô dâu! Cô dâu muôn năm! Hoan hô đôi uyên ương!”
Sau khi đôi uyên ương cùng quan khách đã đi xa và đám đông bắt đầu giải tán, gã trao đứa bé lại cho người mẹ rồi đi vào nhà thờ nghỉ để lấy lại sức sau cơn kích động. Ở đây không khí đầy khói trầm, bốc lên như những cột khói lạnh từ hai bình trầm ở hai bên bàn thờ, thành một tấm khăn phủ lên những mùi mảnh dẻ của những người vừa mới ngồi đây như làm cho chúng chết ngộp. Grenouille ngồi thu mình trên cái ghế dài dưới ban đồng ca.
Gã chợt thấy hết sức hả hê. Không phải say như đã cảm thấy trong cái lần truy hoan đơn độc trong lòng núi đá mà lạnh lùng, điềm tĩnh hợp với sự ý thức về quyền lực mình có. Bây giờ thì gã biết mình có khả năng gì. Nhờ có thiên tài, gã đã nhái được mùi con người với vài phương tiện vặt và thành công liền đến nỗi ngay một đứa bé cũng bị lừa. Bây giờ thì gã biết mình còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Gã biết còn có thể hoàn thiện cái mùi nọ hơn. Gã có thể sẽ chế một loại mùi không chỉ giống mùi người mà còn hơn thế nữa, một thứ mùi của thiên thần, thơm không tả xiết và mãnh liệt để bất cứ ai ngửi cũng sẽ bị mê hoặc và hết lòng yêu gã, Grenouille này, kẻ mang mùi thơm ấy trong người.
Phải, họ sẽ phải yêu gã khi bị mùi thơm ấy thôi miên chứ không phải chỉ chấp nhận gã như cùng đồng loại, yêu tới mức điên cuồng, đến độ dâng hiến, họ phải run lên vì thích thú, gào lên, khóc vì đê mê mà không hiểu tại sao, chỉ cần họ được ngửi gã là họ sẽ quỳ xuống như được ngửi khói trầm lạnh lẽo dâng lên Chúa! Gã muốn là Chúa toàn năng của mùi thơm, không chỉ như gã đã nhiều lần tưởng tượng mà bây giờ trong cái thế giới thật có những con người thật này. Gã biết có thể làm được. Con người có thể nhắm mắt trước sự vĩ đại, trước sự khủng khiếp, trước cái đẹp và có thể bịt tai trước những tiếng du dương hay ầm ĩ. Nhưng người ta không thể trốn mùi thơm. Vì mùi thơm là anh em của hơi thở. Nó theo hơi thở vào người, không cưỡng lại được nếu họ muốn sống. Mùi thơm sẽ đi vào trung tâm của họ, ngay thẳng vào tim để quyết định ở đó một cách dứt khoát về cảm tình hay khinh thường, ghê tởm hay thích thú, yêu hay ghét. Ai mà nắm được mùi sẽ chế ngự được tim của người.
Grenouille ngồi hoàn toàn thư giãn trên ghế nhà thờ Saint-Pierre, mỉm cười. Gã không thấy say sưa khi định kế hoạch chế ngự con người. Mắt gã không ánh lên ngọn lửa cuồng điên, mặt gã cũng không có nét gì rồ dại. Gã không mất trí. Gã rất tỉnh táo và thoải mái khi tự hỏi tại sao gã muốn như thế. Gã trả lời vì gã độc ác, hoàn toàn độc ác. Gã mỉm cười và rất hài lòng. Gã trông vô tội như bất cứ một người hạnh phúc nào.
Gã ngồi khá lâu như thế trong sự im lặng thành kính, hít từng hơi dài cái không khí đẫm mùi trầm. Ngay cả cái mùi cuồn cuộn từ những bình kia cũng không phải trầm thật nữa. Vừa giả với gỗ bồ đề, bột quế, hồ tiêu vừa dở. Chúa này hôi. Vị Chúa này chỉ là một gã tầm thường hôi rình khốn khổ. Vị Chúa này bị lừa dối hay chính Người là một tay bịp bợm, chẳng khác gì Grenouille nhưng dở hơn rất nhiều!

33

Ngài Hầu tước de la Taillade-Espinasse thích thứ nước hoa mới quá. Ngài nói rằng tuy là người phát hiện ra fluidum letale nhưng ngài vẫn sửng sốt khi thấy một món thứ yếu và phù du như nước hoa lại có ảnh hưởng lớn đến thế đến tình trạng sức khỏe của con người, tùy theo nó được làm ra từ những thứ ở gần hay xa đất. Vài giờ trước đây thôi, Grenouille còn nằm kia, tái mét và gần ngất đi thế mà bây giờ đã tươi tỉnh như bất cứ một người khỏe mạnh nào ở tuổi gã, phải, có thể nói là gã đã được tăng thêm nhân phẩm vậy, bất chấp những hạn chế của một người ít học và thuộc vào đẳng cấp như gã. Dẫu sao ngài, Taillade-Espinasse, sẽ đề cập đến trường hợp này trong chương viết về sự ăn uống kiêng khem để có được sinh khí trong luận văn viết về lý thuyết fluidum letale sắp công bố. Bây giờ ngài muốn được tự bôi nước hoa mới.
Grenouille trao cho ngài hai lọ con đựng thứ nước hoa bình thường và ngài Marquis rẩy lên người. Ngài tỏ ra hết sức hài lòng về nó. Ngài thú nhận rằng sau nhiều năm bị cái nước hoa đồng thảo khủng khiếp kia đè nặng như chì, giờ đây ngài hơi cảm thấy như mọc cánh có đầy hoa và ngài nếu ngài không lầm thì chứng đau đầu gối quỷ quái và bệnh ù tai cũng giảm, nói chung ngài thấy sôi nổi, đầy sức sống và trẻ hẳn. Ngài bước tới ôm chầm lấy Grenouille, gọi gã là “người anh em lưu chất của tôi”, và nói thêm rằng đó hoàn toàn không phải là sự xưng hô giao tế mà thuần túy mang ý nghĩa tinh thần vì in conspectu universalitis fluidi letalis [trước các khí độc phổ quát (tiếng La tinh)], mọi người đều bình đẳng trước nó và chỉ trước nó mà thôi! Ngài cũng dự tính thành lập ngay một hội quốc tế siêu giai tầng nhằm mục đích chế ngự hoàn toàn fluidum letale, thay thế nó bằng fluidum vital [sức sống]  tinh khiết trong một thời gian ngắn nhất và ngài tin rằng sẽ thuyết phục được Grenouille làm người nhập hội đầu tiên; ngài nói những điều trên trong lúc buông tay khỏi Grenouille, hết sức thân thiết như lúc ngài buông tay khỏi một người ngang hàng vậy, không một chút ghê tởm nào. Rồi ngài cho chép công thức của nước hoa này trên giấy, cất vào người rồi tặng Grenouille năm mươi đồng Louis vàng.
Đúng một tuần sau buổi thuyết trình, ngài Hầu tước de la Taillade-Espinasse lại giới thiệu kẻ mà ngài bảo trợ trong đại giảng đường đại học. Đông quá trời. Cả Montpellier tới đó, không chỉ giới khoa học mà còn cả giới thượng lưu và chính giới này đông nhất, nhiều mệnh phụ muốn thấy tận mắt cái người ở hang kỳ lạ nọ. Mặc dù những đối thủ của ngài Marquis mà chủ yếu là đại diện của “Hội những người bạn của vườn bách thảo đại học” và hội viên của “Hội tài trợ canh nông” đã ủng hộ mọi hội viên, buổi giới thiệu vẫn thành công vang dội. Trước hết ngài Taillade-Espinasse cho truyền tay hình vẽ người ở hang xấu xí và tiều tụy để cử tọa nhớ lại tình trạng của Grenouille một tuần trước. Rồi ngài cho đưa Grenouille vào, trong áo khoác bằng nhung xanh, sơ mi lụa, dồi phấn và tóc uốn quăn, chỉ riêng với cái cách gã đi thẳng người với từng bước khoan thai, lắc mông rất điệu, leo lên bục không cần ai đỡ, cúi thấp người gật đầu mỉm cười chào chỗ này chỗ nọ làm cho mọi kẻ hoài nghi và đả kích câm miệng. Ngay cả “những người bạn của vườn bách thảo đại học” cũng lặng thinh xấu hổ. Sự thay đổi rõ ràng quá. Cái phép lạ ở đây diễn ra hùng hồn quá. Mới tuần trước ở đó còn co rúm một con thú rách nát giờ đứng đó một con người thật sự văn minh, đỏm dáng. Cả giảng đường có một vẻ thành kính và khi ngài Taillade-Espinasse đứng lên thuyết trình thì càng lặng như tờ. Ngài lại khai triển cái lý thuyết quen thuộc ngấy đến tận cổ fluidum letale của trái đất, giải thích đã dùng những phương tiện cơ học và cách ăn uống kiêng khem nào để trục nó ra khỏi cơ thể gã, thay fluidum vital vào đó và sau hết yêu cầu toàn thể cử tọa, dù là bạn hay đối thủ, trước bằng chứng hùng hồn như thế hãy từ bỏ sự chống đối học thuyết mới để cùng với ngài, Taillade-Espinasse, chống lại cái fluidum độc hại nọ, đón chào cái fluidum vital tốt lành. Tới đây ngài dang rộng hai tay, mắt nhắm lại, hướng lên trời, nhiều vị học giả cũng làm theo như thế còn các bà thì khóc nấc lên.
Grenouille đứng trên bục, chẳng thèm nghe. Gã hết sức thỏa mãn quan sát tác dụng của một fluidum khác, thật hơn, cái của chính gã. Gã đã bôi rất nhiều nước hoa cho đủ với cái đại giảng đường, vừa bước lên bục, cái tinh hoa của gã đã tỏa ra mãnh liệt. Gã thấy nó chạm vào những người ngồi hàng đầu, lan tiếp, đến hàng cuối và hành lang; quả thật gã đã thấy bằng mắt nữa cơ. Tim gã rộn lên vì mừng khi thấy người nào bị nó quệt phải cũng đều biến đổi trông thấy. Họ thay đổi nét mặt, thái độ, tình cảm dưới sự mê hoặc của mùi gã mà không biết. Ai trước đó trố mắt hết sức ngạc nhiên nhìn gã, giờ nhìn gã dịu dàng hơn, ai trước đó nhất định ngồi ngả lưng trên ghế, nhăn trán hồ nghi, hai bên mép xệ xuống giờ nghiêng ra trước, thoải mái hơn và mặt giãn ra như mặt trẻ con; ngay trên mặt những người nhát gan nhất, những kẻ kinh hoàng nhất, những vị dễ xúc cảm nhất, những người mà lần trước khiếp hãi nhìn hình dáng gã và lần này còn không ít hoài nghi, cũng hiện lên những dấu hiệu của sự thân mật và cả cảm tình khi mùi gã chạm vào mũi của họ.
Cuối buổi thuyết trình, cả giảng đường hoan hô nhiệt liệt. “Fluidum vital muôn năm! Taillade-Espinasse muôn năm! Hoan hô học thuyết lưu chất! Đả đảo nền y học chính thống!”. Đám trí thức của Montpellier, thành phố đại học nổi tiếng nhất miền nam nước Pháp đã gào lên như thế, và ngài Marquis de la Taillade-Espinasse đã sống những giờ phút vinh quang nhất trong đời.
Grenouille từ trên bục leo xuống, đi lẫn trong đám người, gã biết những tung hô kia đúng ra là dành cho gã, cho riêng gã, Jean-Baptiste Grenouille mà thôi, dù không ai trong giảng đường biết tí gì.

34

Gã ở lại Montpellier thêm vài tuần. Gã đã khá nổi tiếng, được mời đến nhiều buổi mạn đàm; ở đấy người ta hỏi gã về đời sống trong hang và về việc gã được ngài Marquis chữa khỏi. Gã cứ phải kể đi kể lại câu chuyện bọn cướp bắt gã, về cái giỏ thòng xuống và về cái thang. Mỗi lần như thế gã đều thêm thắt cho ly kỳ với nhiều tình tiết mới; thế là gã có dịp tập nói, dù rất hạn chế vì trong đời gã chưa bao giờ giỏi về ngôn ngữ, nhưng quan trọng hơn nữa là gã có dịp tập nói dối thành thạo.
Gã nghiệm ra rằng thật ra gã có thể kể bất cứ cái gì gã muốn. Khi họ đã tin thì họ tin tất cả, và họ tin gã qua hơi thở đầu tiên hít vào cái mùi giả tạo của gã. Thế là gã có thêm được một chút vững tin khi giao tiếp với giới thượng lưu mà gã chưa từng có. Sự vững tin này thể hiện cả trên cơ thể nữa. Gã như cao lớn hơn. Cái bướu như biến mất. Gã đi đứng gần hoàn toàn thẳng người. Và khi có ai hỏi chuyện thì gã không rúm người lại nữa mà vẫn đứng thẳng người, nhìn thẳng vào người hỏi chuyện. Tất nhiên, gã không thể trở thành một người lịch duyệt, một kẻ được hâm mộ trong các buổi mạn đàm hay một người phong nhã hoàn toàn trong một thời gian ngắn như thế. Nhưng sự ngượng nghịu và vụng về ở gã giảm thấy rõ, nhường chỗ cho một cung cách được xem là bản tính khiêm tốn hay cùng lắm là hơi nhút nhát bẩm sinh, gây một ấn tượng dễ mến nơi một số quý ông, quý bà; thời bấy giờ thị hiếu trong giới thượng lưu là những gì tự nhiên và một sự dễ thương chất phác.
Một sáng đầu tháng ba, gã thu vén đồ đạc và lén lút bỏ đi ngay khi cổng thành vừa mở, khoác cái áo nâu loại tồi gã mua được ở chợ quần áo cũ hôm trước, đội một cái mũ sờn che nửa mặt. Không ai nhận ra gã, không ai thấy hay chú ý đến gã vì hôm ấy gã thận trọng không dùng nước hoa. Gần trưa khi ngài Hầu tước cho điều tra thì bọn lính canh thề sống thề chết rằng họ thấy đủ mọi thứ người ra khỏi thành phố nhưng không thấy cái gã người ở hang nổi tiếng nọ, vì chắc chắn họ phải nhận ra gã ngay. Rồi ngài Hầu tước cho loan tìn rằng Grenouille được ngài đồng ý cho rời Montpellier đi Paris vì chuyện gia đình. Nhưng trong thâm tâm ngài giận tím ruột vì ngài định chu du khắp vương quốc cùng với Grenouille để thu thêm đồ đệ cho học thuyết lưu chất của ngài.
Sau một thời gian ngài cũng nguôi đi vì danh tiếng của ngài lan rộng mà chẳng cần chu du, gần như ngài chẳng phải làm gì cả. Nhiều bài tràng giang đại hải về fluidum letale Taillade đăng trên Journal des Scavans [Tờ báo của những nhà thông thái. (Thời xưa scavan dùng chỉ nhà thông thái, thay cho từ savant bây giờ)] cả trên Courrier de l’Europe nữa. Rồi những người bị nhiễm độc khí từ những nơi xa xôi đổ về để được ngài chữa. Hè 1764 ngài thành lập “Hội fluidum vital” đầu tiên ở Montpellier với 120 thành viên, hội có chi nhánh ở Marseille và Lyon. Rồi ngài quyết định mạo hiểm lập chi nhánh ở Paris, để từ đây chinh phục toàn thế giới văn minh cho học thuyết của ngài. Nhưng trước đó ngài muốn hoàn thành một kỳ công về lưu chất nhằm mục đích tuyên truyền, hỗ trợ cho cuộc chinh phục, kỳ công ấy sẽ làm lu mờ việc chữa khỏi gã người ở hang và mọi thứ thí nghiệm khác. Đầu tháng chạp ngài làm một chuyến thám hiểm trên ngọn Pic du Canigou với một nhóm môn đệ dũng cảm tháp tùng. Pic du Canigou nằm trên cùng một kinh tuyến với Paris và được coi là ngọn núi cao nhất của rặng Pyrénées. Ngài Hầu tước, sắp bước vào tuổi lão, muốn được khiêng lên đỉnh núi cao 2.800m, ở trên đó suốt ba tuần trong cái hơi sinh khí trong sạch nhất để rồi thành một chàng trai nhanh nhẹn hai mươi tuổi, xuống núi vào Giáng sinh, ngài tuyên bố như thế.
Bọn môn đệ bỏ cuộc ngay sau Vernet, khu dân cư cuối cùng ngay dưới chân ngọn núi đáng sợ ấy. Song ngài Hầu tước chẳng sờn lòng. Ngài vứt cả quần áo trong cái lạnh như nước đá rồi lớn tiếng reo hò, lên núi một mình. Rồi người ta chỉ còn thấy cái bóng của ngài, hai tay giơ cao cuồng nhiệt, ca hát và mất hút trong bão tuyết.
Ngày Giáng sinh, đám môn đệ đợi hoài công sự trở về của ngài Hầu tước de la Taillade-Espinasse. Ngài vẫn không về, dù là ông lão hay là chàng thanh niên. Đầu hè năm sau, những kẻ gan dạ nhất đi tìm, leo tận đỉnh Pic du Canigou vẫn còn rơi tuyết, nhưng không tìm thấy chút gì còn sót lại của ngài, không quần áo, không một phần thân thể, không một mẩu xương.
Nhưng học thuyết của ngài không vì thế mà bị gián đoạn. Ngược lại. Truyền thuyết nhanh chóng lan đi rằng ngài đã thành hôn với sinh khí bất tử trên đỉnh núi, cả hai hòa vào nhau và từ đó trở nên vô hình nhưng trẻ trung mãi mãi, lượn trên đỉnh rặng Pyrénées, ai leo lên với ngài sẽ được phúc của ngài, suốt một năm sẽ không bị đau yếu hay già đi. Cho đến tận thế kỷ 19, học thuyết lưu chất của ngài Taillade được ủng hộ ở một số học viện y khoa và được dùng để trị bệnh ở nhiều hội bí mật. Ngay cả hiện nay ở hai bên rặng Pyrénées vẫn còn có những hội bí mật của những người theo học thuyết Taillade ở Perpignan và Figueras, họ gặp nhau hàng năm để leo lên Pic du Canigou.
Ở đó họ đốt một ngọn lửa thật to, nói là để làm dấu chí điểm [Chí điểm: ngày bắt đầu mùa hè hoặc mùa đông] và để vinh danh thánh Jean nhưng thật ra là để tỏ lòng tôn kính giáo chủ Taillade-Espinasse của họ với học thuyết lưu chất vĩ đại và để được trường thọ.

Phần Ba

35

Chuyến du hành đầu tiên trên nước Pháp của Grenouille kéo dài bảy năm nhưng lần này chưa đến bảy ngày. Gã không tránh những con đường tấp nập và thành phố nữa, gã không đi vòng nữa. Gã đã có mùi, có tiền, có cả tự tin và gã đang vội.
Ngay buổi chiều đầu tiên sau khi rời khỏi Montpellier, gã đến Le Grau-de-Roi, một cảng nhỏ ở tây nam của Aigues-Mortes, từ đây gã đi bằng tàu buồm chở hàng đến Marseille. Tới Marseille gã không rời cảng mà tìm ngay một cái tàu chở gã đi tiếp dọc bờ biển phía đông. Hai ngày sau gã đến Toulon, ba ngày nữa gã có mặt ở Cannes. Đoạn đường còn lại gã đi bộ. Gã theo một con đường mòn dẫn lên đồi, vào đất liền về phía bắc.
Hai giờ sau gã đã tới đỉnh đồi, trước mặt gã là một thung lũng trải dài nhiều dặm như một lòng chảo khổng lồ mà thành chảo là những ngọn đồi thoai thoải và những dãy núi lởm chởm, còn đáy chảo là những cánh đồng mói vừa được cày xới, những khu vườn và những lùm cây ô liu. Một khí hậu hoàn toàn riêng, ấm cúng lạ lùng trùm lên đây. Dù gần biển đến nỗi từ đỉnh ngọn đồi này cũng trông thấy được nhưng ở đây không thấy tí gì mùi của biển, không mùi muối, không mùi cát, không trống trải mà tách rời lặng lẽ, như thể biển cách đây những mấy ngày đường. Và mặc dù phía bắc là những rặng núi cao đầy tuyết hẳn còn lâu mới tan thì ở đây không có chút gì khắc nghiệt hay cằn cỗi và cũng không có gió lạnh. Mùa xuân đến sớm hơn ở Montpellier. Một làn hơi ẩm nhẹ nhàng phủ lên những cánh đồng như một cái chuông thủy tinh. Những cây hạnh, cây mơ trổ hoa, không khí ấm thơm mùi thủy tiên.
Thành phố ở đầu kia cái lòng chảo khổng lồ, cách đây khoảng hai dặm, cheo leo trên sườn núi dốc. Nhìn từ xa không có vẻ gì nguy nga hào nhoáng. Không một thánh đường đồ sộ cao vượt khỏi mọi ngôi nhà, chỉ có một tháp chuông cụt ngọn, không một pháo đài sừng sững, không một tòa nhà tráng lệ. Tường thành cũng chẳng có vẻ gì kiên cố, đây đó có những ngôi nhà lấn khỏi đường ranh, phần lớn lấn về đồng bằng làm cho thành phố có một vẻ lôi thôi. Vùng này có vẻ như bị chiếm đi chiếm lại nhiều lần nên chẳng buồn chống trả thật sự những kẻ xâm lấn trong tương lai, nnưng không phải vì yếu mà vì chểnh mảng và vì thấy mình cũng mạnh. Cũng có vẻ như thành phố thấy không cần phải phô trương. Nó làm chủ cái chậu khổng lồ thơm tho dưới chân nó, thế là đủ rồi.
Cái vùng chẳng đẹp đẽ nhưng đồng thời lại đầy tự tin đó là thành phố Grasse mà ai cũng phải thừa nhận là trung tâm buôn bán và sản xuất nước hoa, hương liệu, xà bông, dầu từ hàng chục năm nay. Giuseppe Baldini thường nhắc tên nó với sự say mê và tán tụng. Thành phố này là Rome của mùi thơm, vùng đất hứa của người làm nước hoa, ai không có nổi chút tên tuổi ở đây thì không xứng đáng được gọi là nhà chế tạo nước hoa.
Grenouille hết sức bình thản nhìn xuống thành Grasse. Gã tìm đến vùng đất hứa của người chế nước hoa nên tim gã cũng chẳng rạo rực trước cái thành phố trên sườn núi kia. Gã đến vì được biết ở đây có vài kỹ thuật lấy hương thơm hay hơn, đáng học hơn những nơi khác. Gã muốn học cho mục đích của gã. Gã lấy từ túi lọ nước hoa mang mùi gã, chấm sơ sơ rồi đi tiếp. Một tiếng rưỡi sau, gần trưa, gã có mặt ở Grasse.
Gã ăn trong một quán trọ ở Place aux Aires, phía đầu nằm trên cao của thành phố. Trên một con suối xuyên dọc quảng trường, những người thợ thuộc da rửa da rồi phơi ở đấy. Cái mùi xóc óc làm cho một vài thực khách ăn chẳng thấy ngon lành gì nữa. Riêng Grenouille thì không. Gã quá quen thuộc với mùi ấy, nó tạo cho gã một cảm giác an toàn. Đi qua thành phố nào gã cũng tìm khu thuộc da trước tiên. Để rồi xuất phát từ cái khu hôi thối này đi thăm dò những nơi khác trong thành phố, như thế gã không cảm thấy là người lạ nữa.
Gã đi khắp thành phố suốt buổi xế trưa. Bẩn thỉu không thể tưởng tượng nổi cho dù có rất nhiều nước, có khi bẩn chính vì cả tá nguồn nước và giếng cứ phun nước lên, chảy ồng ộc trong những suối và rãnh không hề được chỉnh dòng xuống thành phố, làm những con hẻm bị xói mòn hay phủ kín bùn. Ở một số khu, nhà cửa san sát đến nỗi chỉ chừa hơn một sải tay cho lối đi và bậc thềm khiến người qua lại bì bõm trong bùn phải ép sát nhau mới có lối đi. Ngay ở những quảng trường hay một số it đường tương đối rộng cũng không có chỗ cho xe thồ tránh nhau.
Tuy vậy, thành phố này vẫn như muốn bung ra bởi sự làm ăn tất bật mặc bụi bậm, dơ dáy và chật hẹp. Trong lúc đi quanh phố, Grenouille đã thấy ít ra có bảy nhà nấu xà bông, cả tá nhà làm nước hoa và găng tay, vô số những nhà chưng cất nhỏ, xưởng nấu pomát, đồ gia vị và khoảng sáu hay bảy nhà bán sỉ nước hoa.
Họ là những nhà buôn lớn có kho hương liệu thật sự. Thường thì nhà họ cũng chẳng có gì đáng để xem đâu. Mặt tiền những ngôi nhà trông ra đường này cũng khiêm tốn thôi. Nhưng đàng sau là cả một kho tàng mà những bậc vương công không có nổi: trong kho chứa và hầm mênh mông chất thành đống nào thùng dầu, nào xà bông làm từ hoa oải hương, nào bình đựng tinh chất của hoa, rượu vang, cồn, hàng súc da tẩm nước hoa, túi, tráp và hòm đầy ắp đồ gia vị. Grenouille ngửi thấy tất cả qua những bức tường, dù dầy tới đâu. Và khi ngửi kỹ hơn một chút nữa, ngửi qua cả những cửa tiệm và kho hàng tẻ ngắt trông ra đường, gã phát hiện ra những tòa nhà thuộc loại xa hoa nhất nằm sau những ngôi nhà tỉnh lẻ bậc trung này. Những khoảnh vườn nhỏ nhưng rất đẹp với những cây trúc đào và cọ tươi tốt, có suối phun róc rách được bao quanh bởi những cây hoa giấy thật dễ thương. Dinh cơ chính thường quay về hướng nam, trải theo hình chữ U quanh những khoảnh vườn ấy, những phòng ngủ ở tầng trên có nắng chan hòa với tường dán lụa, những phòng khách tráng lệ tường ốp gỗ quý ở tầng trệt và những phòng ăn đôi kéo ra tận ngoài vườn như hàng hiên, ở đó người ta ăn bằng đĩa sứ và dao nĩa bằng vàng, đúng như Baldini nói. Những chủ nhân ông của những ngôi nhà khiêm nhường nọ bốc ra mùi của vàng, của quyền lực và của sự giàu có được canh giữ hết sức cẩn thận, về những mặt này thì mùi của họ mạnh hơn tất cả những gì Grenouille đã ngửi thấy trong chuyến đi của gã qua các tỉnh.
Gã dừng lại khá lâu trước một trong những lâu đài ngụy trang này. Ngôi nhà nằm ngay đầu Rue Droite, một đường lớn chạy suốt từ tây sang đông thành phố. Cũng chẳng có vẻ gì khác thường, mặt tiền hơi rộng và nom khá hơn những nhà bên cạnh nhưng hoàn toàn không đồ sộ. Trước cổng có một cái xe với những thùng gỗ được khuân xuống bệ dốc. Một xe khác đứng chờ. Một người đàn ông cầm giấy tờ đi vào văn phòng rồi cùng với một người đàn ông nữa đi ra, đoạn cả hai biến sau cổng ra vào. Grenouille đứng bên đường đối diện, quan sát. Gã đâu quan tâm gì những chuyện ấy. Nhưng gã vẫn đứng đó. Có một cái gì đấy giữ chặt chân gã.
Gã nhắm mắt lại, tập trung vào những mùi bay sang từ tòa nhà trước mặt. Mùi của những thùng gỗ, dấm, rượu vang rồi hàng trăm thứ mùi nặng của kho hàng, rồi mùi của sự giàu có như thể mồ hôi vàng thật mịn rỉ qua tường, rồi đến mùi một cái vườn, chắc chắn phải nằm tuốt phía kia của ngôi nhà. Không dễ chụp được những mùi rồi mảnh của cái vườn vì chúng chỉ lọt qua đầu hồi của ngôi nhà thành những vạt mỏng ra đường. Grenouille ngửi ra mùi của mộc lan, lan dạ hương, thụy hương và đỗ quyên… nhưng hình như còn gì khác nữa, thơm kinh khủng trong cái vườn này, một cái mùi quá tuyệt diệu mà trong đời gã chưa từng được ngửi bao giờ hay mới chỉ được có một lần thôi… Gã phải đến gần cái mùi ấy mới được.
Gã suy nghĩ có nên đi thẳng qua cổng vào trong cái dinh cơ không. Nhưng những người đang khuân xuống và kiểm tra những thùng gỗ đông thế kia thì thế nào họ cũng thấy gã thôi. Gã liền quyết định quay lộn lại, tìm một cái hẻm hay một lối đi dẫn tới bìa tòa nhà. Sau vài mét thành phố tới cổng thành ở Rue Droite. Gã băng qua cổng thành, quẹo sát về phía trái, men theo tường thành về phía chân núi. Chẳng bao lâu gã ngửi thấy khu vườn, mới đầu còn thoang thoảng, lẫn với không khí trên đồng nhưng rồi đậm dần lên. Gã biết đang ở gần vườn lắm. Khu vườn nằm sát với tường thành. Còn gã đang ở ngay một bên. Chỉ cần lui lại mấy bước gã có thể nhìn thấy phía trên tường thành những cành cây cam cao nhất.
Gã lại nhắm mắt. Những mùi của khu vườn lao vào gã, đường nét rõ ràng như những dải sắc của cầu vồng. Cái mùi quý hơn cả mà gã theo đuổi cũng lẫn trong đó. Grenouille nóng ran vì đê mê nhưng lạnh vì kinh hoàng. Máu chạy lên đầu, như thể một thằng nhóc làm quấy bị bắt quả tang, rồi trở xuống giữa thân thể, lại chạy lên rồi trở xuống mà gã không làm gì được. Gã bị cái mùi ấy tấn công thình lình quá. Một nháy mắt, một hơi thở đối với gã bỗng như thể vĩnh viễn, như thể thời gian dài gấp đôi hay biến mất hoàn toàn, vì gã không còn biết bây giờ là bao giờ và đây là đâu, hay đúng hơn bây giờ là hồi đó còn đây là nơi đó, Rue des Marais ở Paris, tháng chín 1753, và mùi thơm từ vườn bên bay đến là mùi thơm của cô gái tóc đỏ gã giết hồi đó. Tìm được lại mùi thơm ấy trong thế giới này làm gã sung sướng đến ứa nước mắt, nhưng vì biết rằng không phải như thế nên gã sợ muốn chết.
Gã thấy chóng mặt và hơi lảo đảo, phải tựa vào tường rồi từ từ tuột xuống, ngồi xổm. Sau khi lấy lại sức và định thần, gã bắt đầu hít cái mùi tai ác ấy bằng những hơi ngắn đỡ nguy hiểm hơn. Gã nhận ra rằng cái mùi sau bức tường vô cùng giống mùi cô gái tóc đỏ nhưng không hoàn toàn là một. dĩ nhiên cũng là của một cô gái tóc đỏ, không còn có thể nghi ngờ gì được nữa. Grenouille nhìn thấy cô trong sự tưởng tượng bằng khứu giác của gã như trong một tấm hình trước mặt: cô không ngồi yên mà nhảy tới nhảy lui, người cô nóng lên rồi mát trở lại, có lẽ cô đang chơi một trò chơi khi thì phải vận động nhanh khi phải đứng yên, cô chơi với một người nữa mà mùi người này không có gì đặc biệt. Da cô trắng tuyệt vời. Mắt xanh. Có tàn nhang ở mắt, cổ và vú… nghĩa là… Grenouille nín thở một lúc rồi hít vào rất mạnh, cố gắng đẩy lui cái kỷ niệm về mùi của cô gái ở Rue des Marais… nghĩa là cô bé này chưa có vú theo đúng nghĩa của nó! Chưa bắt đầu nhú. Cái núm hết sức mịn, lấm tấm tàn nhang thơm nhè nhẹ ấy có lẽ mới chớm căng lên vài ngày nay, có khi chỉ mới một vài giờ, không, vừa mới  đây thôi! Nói gọn lại: cô gái còn là đứa nhỏ. Nhưng mà đẹp làm sao!
Mồ hôi vã ra trên trán Grenouille. Gã biết con nít không có gì thơm đặc biệt, giống như cái nụ hoa khi chưa nở. Nhưng cái hoa này, cái hoa gần như khép kín sau bức tường kia vừa tỏa ra chút mùi thơm đầu tiên mà trừ gã ra không ai nhận thấy, vậy mà thơm đến chết người thì khi cái hoa kia đến thời kỳ rực rỡ nhất và tỏa mùi thơm thì hẳn mùi thơm của nó thế giới chưa từng biết. Ngay bây giờ cô bé đã thơm hơn cô gái ngày trước ở Rue des Marais, Grenouille nghĩ thế, không mạnh, không nhiều bằng nhưng dịu hơn, đa dạng đồng thời tự nhiên hơn. Trong một hai năm nữa cái mùi này sẽ chín và sẽ có một sức hấp dẫn mà không ai cưỡng lại được dù là đàn ông hay phụ nữ. Họ sẽ bị ma lực của cô bé chinh phục, bị tước vũ khí, bó tay thúc thủ mà không hiểu sao. Bởi vì họ ngu, chỉ biết dùng mũi để thở, vì họ tin vào tất cả những gì họ thấy bằng mắt nên họ sẽ nói rằng vì cô bé đẹp, duyên dáng và quyến rũ. Do thiển cận, họ sẽ ca tụng khuôn mặt đều đặn của nàng, vóc dáng thon thả và bộ ngực tuyệt vời. Họ sẽ nói mắt nàng như ngọc bích, răng như ngọc trai, chân tay mịn như ngà và trăm thứ so sánh ngu xuẩn khác. Rồi nước ta sẽ chọn nàng làm nữ hoàng hoa nhài [ở châu Âu, đặc biệt là những vùng chuyên về nông nghiêp, hàng năm thường có những ngày hội về mùa hè, ở đó người ta bầu nữ hoàng hoa, nữ  hoàng rượu vang...], bọn họa sĩ truyền thần vớ vẩn sẽ họa chân dung nàng, mọi người sẽ trố mắt nhìn rồi bảo rằng nàng là người phụ nữ đẹp nhất nước Pháp. Và đêm đêm đám thanh niên sẽ ngồi dưới cửa sổ phòng nàng gào khóc trong tiếng đàn mandolin... mấy lão nhà giàu mập ú sẽ quỳ gối, lết trước mặt ông bố van xin được lấy nàng... còn phụ nữ ở mọi lứa tuổi sẽ thờ dài mỗi khi thấy nàng và trong giấc ngủ mơ có được dung nhan quyến rũ như nàng dẫu chỉ một ngày thôi. Không một ai biết rằng họ không bị quyến rũ bởi cái hình dáng mà họ cho là tuyệt sắc của nàng mà chỉ vì cái mùi thơm tuyệt vời không gì so sánh được! Chỉ có gã, một mình gã, Grenouille này, biết sự thật ấy. Biết ngay từ lúc này.
Ôi! Gã muốn có được mùi này! Không phải bằng cái cách vô ích và uổng phí như với mùi thơm của cô gái ở Rue des Marais. Lần đó gã uống ừng ực cái mùi ấy nên đã làm hỏng nó. Không, gã muốn chiếm hữu, thật sự cái mùi thơm của cô bé sau bức tường, lột như lột da để làm thành mùi thơm của gã. Phải làm thế nào thì gã chưa biết. Nhưng gã có hai năm nữa để học. Về cơ bản chắc không khó hơn lấy mùi từ một loại hoa hiếm.
Gã đứng lên. Gần như thành kính bước đi, chẳng khác rời một nơi thiêng liêng hay một cô gái ngủ say, gã khom người, bước thật nhẹ để không ai trông thấy, không ai nghe thấy, không ai chú ý đến báu vật gã đã phát hiện. Gã chuồn dọc theo tường thành đến tận đầu kia của thành phố, ở đây gã không ngửi thấy mùi cô bé nữa, gã trở vào thành phố qua Porte des Fénéants. Gã dừng lại dưới bóng những ngôi nhà. Cái hơi hôi rình của những ngõ ngách làm gã thấy an tâm và giúp gã kềm chế được nỗi đam mê vừa bùng lên. Sau mười lăm phút gã trở lại hoàn toàn bình thường. Gã thì thầm: trước mắt không lại gần khu vườn sát bức tường thành ấy nữa. Không cần thiết. Gã sẽ chỉ bị kích thích thôi. Chẳng cần tới gã bông hoa nọ sẽ khai hoa, khai hoa bằng cách nào thì gã biết cả rồi. Gã không được phép uống say mùi thơm ấy khi chưa phải lúc. Phải bắt tay vào việc trước đã. Gã phải mở rộng sự hiểu biết và hoàn thiện tay nghề, chuẩn bị cho mùa gặt hái. Gã còn những hai năm nữa.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét