Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Mùi Hương - Patrick Süskind (Chương 2, 3, 4)

Patrick Süskind


Mùi Hương

Lê Chu Cầu dịch
NXB Văn học - 2016


2

Ít tuần sau chị vú Jeanne Bussie, tay xách giỏ, đứng trước cổng tu viện và nói với cha Terrier ra mở cổng - cha đầu hói, chừng năm mươi tuổi và thoang thoảng mùi dấm - “Đây!”, rồi đặt giỏ xuống ngưỡng cửa.
- Cái gì vậy? - cha Terrier hỏi và cúi xuống giỏ ngửi vì nghĩ trong ấy có gì ăn được.
- Thằng lộn giống của cái mụ giết con ở Rue aux Fers!
Ông cha khều ngón tay trong giỏ và ló ra mặt đứa bé đang ngủ.
- Trông mạnh hè. Hồng hào và bụ bẫm ghê.
- Vì nó bú hết sữa của tôi đấy. Bú kiệt đến tận xương. Dẹp. Bây gjờ các người tự nuôi nó với sữa dê, bột, nước củ cải. Cái gì nó cũng ngốn cả. Đồ lộn giống!
Cha Terrier là một người vô tư. Ông phụ trách quỹ từ thiện của tu viện, phát chẩn cho người nghèo túng. Và ông chờ đợi người ta cám ơn chứ đừng quấy rầy tiếp. Ông không ưa những chi tiết vì chi tiết luôn luôn có nghĩa là rắc rối mà rắc rối có nghĩa là xáo trộn sự vô tư của ông và ông không chịu được. Ông bực mình vì đã ra mở cổng. Ông muốn cái con mụ này xách giỏ lên ,đi về nhà với ba cái chuyện bú mớm của mụ và để cho ông được yên. Ông từ từ đứng dậy, hít thật sâu mùi thơm của sữa và mùi len ngầy ngậy tỏa ra từ chị vú. Thật là một mùi dễ chịu.
- Tôi không hiểu chị muốn gì. Tôi thật sự không hiểu chị nói gì. Tôi chỉ có thể hình dung rằng sẽ không hại gì cho thằng bé nếu nó còn được chị ôm ấp ít lâu nữa.
- Nó thì không, - chị vú gắt - nhưng mà tôi! Tôi đã sụt mất năm ký dù rằng đã ăn gấp ba. Để được gì cơ chứ? Được ba quan một tuần!
- À, ra thế. - cha Terrier nhẹ người đi một chút - Tôi hiểu rồi, lại vì tiền.
- Không. - chị vú đáp.
- Lại còn không nữa. Lúc nào cũng chỉ vì tiền mà thôi. Người ta gõ cổng nơi này chỉ vì tiền. Tôi mong có được một lần ra mở cổng gặp một người đến vì chuyện khác. Chẳng hạn một người mang đến một chút quan tâm dưới dạng trái cây hay vài trái hồ đào. Mùa thu thật có thể mang đến lắm chứ. Hoa chẳng hạn. Hoặc một người đến chỉ để vui vẻ nói “Lạy Chúa phù hộ, cha Terrier, chúc cha khỏe!”. Nhưng chắc chẳng bao giờ tôi được gặp thế. Không phải một gã ăn xin thì cũng một tay lái buôn, nếu không phải lái buôn thì là một tay thợ thủ công, nếu hắn không xin bố thí thì thế nào cũng xì ra giấy đòi tiền. Tôi thật không dám ra đường nữa. Tôi mà ra thì đi chưa được ba bước đã bị bọn người cần tiền bu quanh.
- Tôi không đòi tiền. - chị vú nói.     
- Nhưng tôi nói cho chị biết, chị không phải là người vú duy nhất trong họ đạo. Có cả trăm bà vú hạng nhất sẵn sàng vì ba quan một tuần giành nhau cho thằng bé dễ thương này bú hoặc đổ bột, nước cốt hay thứ thực phẩm nào đó…
- Thì cha cứ giao nó cho một người trong bọn họ. 
-…Mặt khác, đẩy một đứa bé cho một người khác là không nên. Ai mà biết nó có hợp với sữa người khác như với sữa chị hay không. Chị phải hiểu rằng nó đã quen hơi với chị và nhịp tim của chị.
Rồi một lần nữa ông hít  thật sâu cái hơi ấm tuôn ra từ người chị vú và tiếp, sau khi nhận thấy những điều vừa nói không có tác dụng gì.
- Mang đứa bé về đi! Tôi sẽ thưa với cha bề trên. Tôi sẽ đề nghị với Bề trên rồi đây sẽ trả chị bốn quan một tuần.
- Không! - chị vú khăng khăng.
- Thôi được: năm!
- Không.
- Thế chị muốn bao nhiêu? - cha Terrier quát - Năm quan là khối tiền cho cái việc vặt là nuôi một đứa nhỏ!
- Tôi chẳng cần gì đến tiền. - chị vú nói - Tôi chỉ muốn cái quân lộn giống này xéo khỏi nhà tôi.
- Nhưng vì sao mới được chứ, cái nhà chị này? - Cha Terrier nói và chọc ngón tay vào cái giỏ. - Nó thật là một đứa nhỏ hết sức dễ thương. Hồng hào, không khóc, ngủ ngon và đã được rửa tội.
- Nó bị quỷ ám.
Cha Terrier vội vàng rút tay ra khỏi giỏ.
- Vô lý! Tuyệt đối không thể có chuyện một đứa còn đang bú bị quỷ ám. Trẻ sơ sinh chưa phải là người, mới chỉ là dạng tiền con người và chưa có linh hồn trọn vẹn. Do đó quỷ đâu có thèm. Nó đã nói được chưa? Nó co giật chăng? Nó di chuyển đồ đạc trong phòng chăng? Hay là nó hôi kinh khiếp?
- Nó chẳng có mùi gì cả. - chị vú đáp.
- Thấy chưa, đó là dấu hiệu rõ ràng. Nếu bị quỷ ám thì nó phải bốc mùi hôi.
Và để trấn an chị vú cũng như để tỏ lòng can đảm, cha Terrier nhấc cái giỏ lên sát mũi.
- Tôi chẳng ngửi thấy gì khác thường cả. - ông nói sau khi đánh hơi một lúc - Đúng là chẳng có gì khác thường. Ấy, hình như có mùi từ tã. - Ông nói và chìa cái giỏ về phía chị vú để chờ xác nhận.
- Ý tôi không phải như thế. - Chị vú gắt, đẩy cái giỏ ra. - Tôi đâu có muốn nói về cái thứ trong tã. Tất nhiên là phân nó có mùi chứ. Chính nó, chính cái thằng lộn giống cơ, mới không có mùi.
- Vì nó khoẻ mạnh, - cha Terrier to tiếng - chính vì nó khỏe nên mới không có mùi. Chỉ lũ trẻ đau yếu mới có mùi. Điều này ai cũng biết. Ai cũng biết một đứa bị đậu mùa có mùi phân ngựa, đứa bị tinh hồng nhiệt có mùi táo thối, đứa bị lao có mùi hành. Đứa nhỏ này khoẻ mạnh, chỉ có thế. Chả lẽ nó phải hôi à? Thế lũ con của chị có hôi không?
- Không. - Chị vú đáp - Lũ con tôi có mùi như những đứa con khác của người bình thường.
Cha Terrier cẩn thận đặt cái giỏ xuống đất vì ông thấy cơn giận dữ của cái mụ ngoan cố này đang trào lên. Biết đâu ông lại chẳng phải dùng hai tay để làm điệu bộ khi tiếp tục cuộc tranh luận và đứa bé sẽ bị vạ lây. Nhưng tạm thời ông vắt tay ra sau lưng, hướng cái bụng lép kẹp về phía chị vú rồi hỏi gặng:
- Chị dám bảo rằng biết một đứa bé con của người, tôi nhắc lại, cũng đồng thời là con của Chúa một khi nó đã được rửa tội, có mùi như thế nào à?
- Đúng thế. - chị vú đáp.
- Chị còn khăng khăng rằng nếu đứa nhỏ không có mùi giống như chị nghĩ - chị, vú nuôi Jeanne Bussie ở Rue Saint-Denis! - thì nó là con nuôi của quỷ?
Ông kéo tay trái ra khỏi lưng rồi giơ ngón tay trỏ khum khum như một dấu hỏi trước mặt chị vú, răn đe. Chị vú suy nghĩ. Thật là xui vì cuộc nói chuyện bỗng dưng biến thành buổi cật vấn về thần học, mà chị hẳn chỉ có thua thôi.
- Tôi đâu muốn nói vậy, - chị tránh né. - Vụ này có dính đến quỷ hay không thì tự cha xét lấy, cha Terrier ạ, chứ tôi đâu có nhiệm vụ ấy. Tôi chỉ biết có một điều thôi, tôi rợn người trước thằng bé này vì nó không có mùi như những trẻ con khác.
- À há. - cha Terrier hài lòng và lại vắt tay ra sau lưng. - Cái vụ quỷ kia coi như đã xong. Thế là tốt. Nhưng mà chị vui lòng cho tôi biết, một đứa bé sơ sinh có mùi gì khi nó phải có cái mùi giống như chị nghĩ? Thế nào?
- Nó thơm. - chị vú đáp.
- Thế nào là thơm? - Cha Terrier to tiếng - Thiếu gì thứ thơm. Bó hoa oải hương thơm. Thịt để nấu súp thơm. Vườn Ả rập thơm. Còn đứa bé sơ sinh có mùi ra sao? Đó là điều tôi muốn biết?
Chị vú ngần ngừ. Chị biết  trẻ sơ sinh có mùi gì chứ. Chị biết quá đi chứ… chị đã từng nuôi cả tá đứa, săn sóc, đưa võng, hôn hít… ban đêm chị còn có thể tìm ra chúng bằng mùi nữa kìa, vì rằng ngay lúc này đây mùi trẻ sơ sinh thật rõ trong mũi chị. Nhưng mà chị chưa bao giờ diễn tả bằng lời.
- Sao? - cha Terrier quát và sốt ruột nhấm móng tay.  
- Ờ… - chị vú bắt đầu - Thật không dễ nói vì… vì không phải chỗ nào mùi chúng cũng giống nhau, dù rằng chỗ nào cũng thơm cả, cha hiểu không. Chân chẳng hạn có mùi của viên đá nhẵn ấm… không, giống mùi sữa đông hơn… hoặc như bơ, bơ tươi, đúng rồi, như mùi bơ tươi. Mình chúng như mùi… bánh kếp nhúng sữa. Và ở đầu,  trên nữa, phía sau cơ, chỗ có cái xoáy ấy, đây này, cha thấy chưa, đấy, chỗ mà cha chẳng còn tóc ấy… - Và chị gõ lên đầu cha Terrier đang á khẩu mất một lúc bởi cái tràng chi tiết vớ vẩn nọ và ngoan ngoãn cúi đầu, nơi bị sói, - …đấy, ngay chỗ này, chúng thơm nhất. Chúng thơm mùi kẹo caramen, cái thứ kẹo có mùi ngọt, tuyệt lắm cha ạ, cha không hình dung được đâu! Khi được ngửi chỗ đó rồi thì sẽ yêu chúng, dù là con ruột hay con người dưng. Và trẻ nhỏ chỉ có thể có mùi như thế chứ không thể khác được. Và khi mà chúng không có mùi như thế, khi mà trên đầu chẳng có mùi gì, còn thua cả không khí lạnh như thằng đó, thằng lộn giống đó thì… Cha muốn giải thích như thể nào thì tùy cha chứ tôi…, - và chị ta khoanh tay trước ngực với vẻ kiên quyết, ném một cái nhìn kinh tởm vào cái giỏ ở dưới chân như thể trong ấy toàn cóc nhái, - tôi, Jeanne Bussie,  sẽ không đem thứ đó về nhà nữa đâu.
Cha Terrier từ từ ngẩng đầu lên và lấy ngón tay vuốt vào chỗ đầu sói đôi ba lần như thể cho tóc được ngay ngắn rồi làm như vô tình đặt ngón tay lên mũi, ngửi một cách đăm chiêu.
- Như kẹo caramen à… - Ông hỏi và cố lấy giọng nghiêm nghị - Caramen! Chị có biết cái gì về caramen? Chị đã từng ăn chưa?
- Thật ra thì chưa. - chị vú đáp - Nhưng có lần tôi tới một khách sạn ở Rue Saint-Honoré và được xem làm từ đường nấu chảy và kem như thế nào. Nó thơm đến nỗi tôi vẫn không quên.
- Hừm, thôi đủ rồi. - cha Terrier nói và kéo ngón tay ra khỏi mũi. - Giờ thì chị im đi cho. Tiếp tục trao đổi với chị ở mức độ này thì mệt quá sức. Tôi nhận thấy chị từ chối việc tiếp tục nuôi đứa  trẻ sơ sinh Jean-Baptiste Grenouille vì bất cứ lý do nào đó và trao lại nó cho người bảo hộ tạm thời là tu viện Saint-Merri. Tôi hết sức tiếc nhưng không thể thay đổi được. Thôi được, chị về đi!
Nói xong ông xách cái giỏ, hit thêm hơi cái làn sữa ấm thoang thoảng rồi đóng cổng, vào phòng làm việc của ông.

3

Cha Terrier là một người có học thức. Ông không chỉ nghiên cứu thần học mà còn thông hiểu các triết gia. Ngoài ra còn biết thực vật học lẫn thuật giả kim [nhà hóa học thời Trung cổ]. Ông không coi thường khả năng phán đoán của mình. Tuy không đi quá xa như một số kẻ nghi ngờ phép lạ, lời tiên tri cũng như chân lý của Kinh thánh, dù nghiêm khắc mà nói thì những thứ kể trên không thể giải thích đơn thuần bằng lý trí, thậm chí còn thường mâu thuẫn nữa. Ông không thích đụng tới những vấn đề này, chúng chẳng thú vị gì mà chỉ tổ đẩy ông tới chỗ hoang mang và vô cùng bất an, khó chịu, trong khi sử dụng lý trí thì tâm hồn phải yên ổn và thanh thản. Cái mà ông kiên quyết chống là thói mê tín của quảng đại quần chúng, phù thủy, bói bài, đeo bùa, thôi miên, trò quỷ thuật đêm trăng và ai mà còn biết được còn những trò gì nữa, thật hết sức nản lòng khi thấy những tập tục ngoại đạo này vẫn chưa bị tận diệt sau hơn một ngàn năm kiến lập vững chắc Giáo hội Thiên chúa! Phần lớn những vụ gọi là quỷ ám hay liên minh với quỷ xét cho kỹ cũng chỉ là trò hề mê tín. Nói cho đúng, đi xa đến độ chối bỏ sự hiện hữu của quỷ xa tăng, nghi ngờ quyền lực của nó thì cha Terrier không dám, quyết định những vấn đề đụng chạm tới nền tảng của thần học như thế thuộc thẩm quyền những cơ quan nào khác hơn là một tu sĩ quèn. Mặt khác thì rành rành là khi một người nhẹ dạ như cái chị vú nọ cứ một mực rằng đã phát hiện ra quỷ hiện hình thì chẳng bao giờ có quỷ nhúng tay vào đó cả. Chính việc chị ta tin đã phát hiện ra nó là chứng cớ đanh thép rằng chẳng có tí gì của quỷ được phát hiện cả vì nó không ngu đến độ để cho chị vú Jeanne Bussie lột được mặt nạ. Mà lại bằng mũi nữa cơ chứ! Bằng cái khứu giác tầm thường, kém cỏi nhất trong các giác quan! Như thể địa ngục thì có mùi lưu huỳnh còn thiên đường thì có mùi trầm và mùi mật nhi lạp! Ôi, cái sự mê tín khốn khổ! Cứ như trong thời tiền sử đen tối còn tà giáo, khi con người còn sống như thú vật, mắt chưa đủ tinh, không phân biệt được màu sắc nhưng có thể ngửi được mùi máu và qua ngửi mà phân biệt được bạn với thù, tin rằng bị những tên khổng lồ ăn thịt người, những ma chó sói và nữ thần báo oán đánh hơi phát hiện nên cúng tế đủ loại thần gớm ghiếc của họ với đồ cúng tế nướng cháy hôi rình! Thật là khủng khiếp! Đứa ngu nhìn bằng mũi hơn bằng mắt và có lẽ ánh sáng của  lý trí Chúa ban cần soi rọi thêm cả nghìn năm nữa mới mong quét sạch tàn dư cuối cùng của thứ tín ngưỡng sơ khai này.
“Chao, đứa nhỏ tội nghiệp! Cái sinh vật vô tội! Nằm thiu thiu ngủ trong giỏ mà chẳng biết gì hết về những nghi ngờ gớm ghiếc gán cho nó. Mày không có mùi như con của người, cái ả vô liêm sỉ kia dám xưng xưng thế đấy. Nào, biết phải nói gì bây giờ? Tú ti, tú ti!”
Và ông nhẹ nhàng rung cái giỏ trên đầu gối, vuốt nhẹ đầu đứa bé và thỉnh thoảng lại nói “Tú ti, tú ti” mà ông cho rằng có tác dụng  vuốt ve trẻ nhỏ. “Mày phải có mùi caramen! Vớ vẩn. Tú ti, tú ti”.
Chặp sau ông rút ngón tay ra, đặt lên mũi rồi hít mạnh, chẳng ngửi thấy gì ngoài mùi cải chua mới ăn bữa trưa.
Ông do dự một lúc, nhìn quanh để được chắc chắn là không ai đang ngó, nhấc cái giỏ lên, dí cái mũi to tướng vào. Ông dí sát đến nỗi lớp tóc hoe mỏng của đứa bé cọ vào mũi, ông hít mạnh khắp đầu nó, hy vọng ngửi được một mùi. Ông không rõ đầu lũ sơ sinh phải có mùi gì. Chắc chắn không phải caramen, nhất định thế, vì caramen là đường nấu chảy được. Có thể nó có mùi sữa, sữa của người vú. Nhưng mà nó không có mùi sữa. Có thể nó có mùi tóc, mùi da, và một chút mùi mồ hôi của trẻ nhỏ. Và cha Terrier lại hít và nghĩ rằng sẽ ngửi thấy mùi da, tóc và một chút mồ hôi. Nhưng ông chẳng ngửi thấy cái gì cả. Thật sự không. Ông nghĩ trẻ sơ sinh không có mùi, hẳn là phải thế. Khi được giữ sạch sẽ, trẻ sơ sinh không có mùi, giống như không biết nói, biết chạy hay viết. Phải đợi đến khi lớn. Xét cho kỹ thì con người ta chỉ tỏa  mùi khi dậy thì. Thế chứ không thể khác được. chẳng phải Horaz [nhà thơ La Mã trước công nguyên] đã từng viết “trai tơ nồng ấm mùi dê, gái tơ thơm ngát khác gì thủy tiên…”, đó sao? Mà bọn La Mã rành mấy thứ này lắm nhé. Mùi thơm của con người bao giờ cũng là mùi thơm xác thịt, nghĩa là một mùi thơm tội lỗi. Thế thì làm thế nào mà trẻ sơ sinh ngay cả trong mơ cũng không biết đến tội lỗi  xác thịt lại có mùi được? Làm thế nào nó có mùi được? Tú ti tú ti? Tất nhiên là không rồi!
Ông lại đặt cái giỏ lên đầu gối và lắc nhè nhẹ. Đứa bé vẫn ngủ say. Nắm tay phải thò ra khỏi chăn, bé bỏng và đỏ hồng, thỉnh thoảng khẽ cọ vào má. Cha Terrier mỉm cười và chợt cảm thấy rất thoải mái. Ông tự cho phép tưởng tượng là bố đứa nhỏ trong giây lát. Ông không là tu sĩ nữa mà là một công dân bình thường, có thể là một thợ thủ công ngay thẳng, lấy một người đàn bà thơm mùi sữa ấm, có với cô ta một đứa con trai và giờ đây đung đưa nó, đứa con ruột thịt của ông, trên đầu gối, tú ti, tú ti… Nghĩ thế ông thấy dễ chịu. Trong suy nghĩ ấy có cái gì đấy nghiêm chỉnh. Người cha đung đưa con trai mình trên đầu gối, tú ti tú ti, là một hình ảnh xưa như trái đất nhưng lại luôn luôn mới khi thế giới này còn, thật đấy! Cha Terrier thấy ấm đôi chút trong tim và mềm lòng đi.
Đứa bé thức dậy. Nó thức trước tiên bằng cái mũi. Cái mũi nhỏ xíu động đậy, hếch lên rồi hít. Nó hít không khí rồi thở ra từng đợt ngắn như thể hắt hơi chưa hết. Nó nhăn mũi rồi lại mở mắt. Màu mắt nó khó xác định, nửa xám màu vỏ con hàu, nửa trắng đục màu kem, còn bị phủ một lớp màng mỏng rõ là chưa thích ứng để nhìn. Cha Terrier có cảm giác là đôi mắt ấy không nhận ra có ông ở đấy. Cái mũi thì ngược lại. Trong khi đôi mắt đục của đứa bé liếc tận đâu đâu thì cái mũi lại có vẻ tập trung vào một mục tiêu nhất định và cha Terrier có cảm giác lạ lùng rằng chính ông, Terrier, là cái mục tiêu ấy. Hai cánh của hai lỗ mũi nhỏ xíu ngay giữa mặt đứa bé phập phồng như bông hoa đang nở. Giống nắp của thứ hoa nhỏ ăn thịt trồng trong vườn của Đức Vua thì đúng hơn. Mũi nó như thể có một sức hút kỳ quái giống loài hoa nọ. Như thể đứa bé đã nhìn thấy ông, Terrier, bằng lỗ mũi của nó, như thể nó nhìn ông chăm chắm, soi mói, thấu suốt hơn là người ta có thể nhìn bằng mắt, như thể nó nuốt chửng vào mũi nó cái gì đấy tiết ra từ người ông, Terrier, mà ông thì không thể giữ và che giấu cái ấy được… Cái đứa bé không mùi ấy đang ngửi ông hôi mùi mồ hôi và giấm, mùi cải muối chua và mùi quần áo không giặt. Ông có cảm giác như trần truồng và xấu xa, như bị một kẻ đang nấp kín soi mói nhìn. Như thể nó ngửi xuyên qua cả da ông, vào tận nội tạng. Những tình cảm dịu dàng nhất, những ý nghĩ bẩn thỉu nhất phơi trần trước cái mũi nhỏ đầy thèm khát này. Chưa thật sự là mũi nữa, mới chỉ là dấu vết của mũi, một bộ phận có lỗ nhỏ xíu không ngừng nhăn lại, phồng lên xẹp xuống. Cha Terrier rùng mình, tởm lợm. Ông quay mũi đi như thể gặp vật gì có mùi kinh tởm, không muốn đụng chạm tới. Hết rồi cái ý nghĩ thân thương rằng đấy là máu thịt của ông. Tan  biến cái tình cảm thơ mộng cha con và người mẹ ngát thơm. Tấm màn tư tưởng mềm mại mà ông tưởng tượng trùm quanh đứa bé và ông, bị giật phăng đi, một sinh vật lạ hoắc, lạnh ngắt đang ở trên đầu gối ông, một con vật thù địch mà nếu như ông không phải là một người cẩn  trọng, biết sợ Chúa, có suy nghĩ hẳn ông đã ghê tởm quẳng nó đi như một con nhện.
Cha Terrier đứng bật dậy, đặt cái giỏ lên bàn. Ông muốn tống khứ  cái của nợ này càng nhanh càng tốt, ngay, ngay lập tức.
Đứa bé chợt khóc. Nó nhắm nghiền mắt lại, há hốc miệng, rít lên khủng khiếp khiến cha Terrier lạnh cả xương sống. Ông dang tay ra đung đưa cái giỏ, miệng kêu “tú ti tú ti” cho nó im nhưng nó còn gào to hơn, mặt nó tím lại như thể sắp vỡ ra vì gào.
Phải tống khứ ngay! Cha Terrier nghĩ thầm. Tống khứ tức khắc cái đồ… ông muốn nói “đồ quỷ” nhưng cố nén lại được… tống khứ ngay cái quái vật này, cái thằng lỏi không thể chịu đựng được này! Nhưng tống đi đâu? Ông biết cả tá bà vú và nhà mồ côi trong vùng nhưng mà họ gần quá, khác nào ngay bên cạnh sườn, cái vật này phải tống đi xa, rõ xa để không còn phải nghe nó, rõ xa để không thể cứ mỗi giờ người ta lại đem nó đến đặt ngay trước cửa, nếu được thì ở một họ đạo khác, bên kia sông càng tốt, tốt nhất là Extra Muros [ở ngoại thành (tiếng La tinh)], ở Faubourg Saint-Antoine, phải đấy! Thằng nhóc hay gào này sẽ đến đấy, tuốt phía đông, bên kia cửa ngục Bastille, nơi tối tối người ta đóng cổng thành.
Ông khoác vội áo dòng, vớ cái giỏ đang gào chạy đi, chạy qua ngóc ngách bàn cờ tới Rue du Faubourg Saint-Antoine, ngược sông Seine về phía đông, ra khỏi thành phố, xa xa nữa tới Rue de Charonne, khoảng cuối đường này, gần tu viện Madeleine de Trenelle, ông biết địa chỉ một Madame Gaillard nào đó nhận nuôi mọi loại trẻ ở mọi lứa tuổi miễn là có người trả tiền, ông giao cái đứa bé vẫn còn khóc ở đó, trả trước hẳn một năm rồi chạy biến về lại thành phố, về tới tu viện, ông vất quần áo như thể bị dính dơ, tắm gội từ đầu đến chân rồi len lén vào phòng riêng lên giường, làm dấu thánh giá nhiều lần, đọc kinh thật lâu rồi cuối cùng thiếp đi nhẹ nhõm.

4

Madame Gaillard tuy chưa tới tuổi ba mươi mà như thể đã lìa đời. Bề ngoài bà có cái diện mạo của tuổi thật nhưng đồng thời già gấp hai, gấp ba, gấp  trăm lần, giống như xác ướp của một cô gái, còn bên trong thì bà đã chết từ lâu. Lúc nhỏ bà bị ông bố nện que sắt cời lò sưởi vào trán, ngay phía trên sống mũi, từ đó bà mất khả năng ngửi cũng như mọi cảm giác về tình người nồng nàn hay lạnh lẽo và mọi xúc cảm. Do cái đánh đó mà sự dịu dàng cũng trở thành xa lạ giống như sự ghê tởm, niềm vui hay tuyệt vọng. Bà chẳng cảm thấy gì cả sau này, khi ăn nằm với một người đàn ông hay khi đẻ con. Đứa chết bà chẳng buồn mà đứa sống bà cũng chẳng hề vui. Bà không nhúc nhích khi bị chồng đánh mà cũng chẳng nhẹ nhõm khi ông ta chết vì bệnh tả ở Hotel Dieu. Bà chỉ biết có hai thứ cảm giác, đó là hơi ủ dột mỗi khi tháng tháng sắp đến kì bệnh đau nửa đầu làm tình làm tội và hơi thoải mái khi nó biến mất. Kỳ dư người phụ nữ chết mòn này không cảm thấy gì hết.
Mặt khác thì… hoặc giả có thể chính vì sự hoàn toàn không xúc động mà Madame Gaillard có một ý thức lạnh lùng về trật tự và công bằng. Bà không ưu ái riêng mà cũng không để thiệt đứa bé nào được gửi cho bà. Bà cho chúng ăn ngày ba bữa chứ không thêm một chút xíu nào. Bà thay tã cho chúng ba lần trong ngày và chỉ đến năm đầy hai tuổi thôi. Sau đó đứa nào còn bậy ra quần thì sẽ bị ăn bạt tai mà không hề được cảnh cáo trước và bị cắt một bữa ăn. Bà chỉ cho chúng đúng một nửa số lệ phí, giữ đúng nửa còn lại. Trong thời buổi rẻ rúng bà không tìm cách giữ phần hơn, gặp lúc khó khăn cũng chẳng đòi thêm một xu nào dù lúc ấy là cả một vấn đề sinh tử. Nếu không thì việc bà làm chẳng đáng gì nữa cả. Bà cần tiền. Bà đã tính toán rất kỹ. Khi về già bà muốn mua hưu bổng, ngoài ra vẫn còn thừa tiền để bà đợi chết ở nhà chứ không chết khốn khổ ở Hotel Dieu như chồng  bà. Bà chẳng đếm xỉa gì đến cái chết của chồng. Nhưng mà phải chết chung với hàng trăm người lạ làm bà rùng mình. Bà muốn được chết kín đáo vì thế bà cần trọn cái phần trong lệ phí. Đúng là có mùa đông chết tới ba hay bốn trong hai  tá đứa ở trọ. Nhưng mà như thế là ít hơn hẳn so với phần lớn các bà vú khác, vượt xa những trại mồ côi lớn của nhà nước hay giáo hội mà tỉ lệ tử vong lên đến chín phần mười. Không sợ thiếu trẻ thay thế. Mỗi năm Paris cho ra đời hơn chục nghìn trẻ vô thừa nhận, hoang và mồ côi. Thành ra hơi đâu mà bận tâm trước những mất mát như thế.
Đối với thằng nhỏ Grenouille thì cơ sở của Madame Gaillard là một phúc lớn. Có lẽ nó không thể sống ở một nơi khác. Nhưng ở đây, nơi người đàn bà ít phần hồn này, nó mau lớn. Cơ thể nó dẻo dai. Ai sống sót khi sinh ra trong bãi rác như nó thì không dễ bị tống khỏi cái thế giới này. Nó có thể ăn chỉ có cháo loãng ngày này qua ngày khác, nó chịu nổi thứ sữa loãng nhất cũng như rau thối và thịt ôi. Thời thơ ấu của nó qua được cái bệnh sởi, bệnh lị, bệnh tả, ngã xuống giếng sâu sáu mét và ngực bị phỏng nước sôi mà không chết. Tuy phải mang thẹo, da bị lở và đóng vẩy, thêm một cái chân bị tật nhẹ khiến phải đi cà nhắc nhưng nó sống. Nó dai dẳng như một con vi khuẩn đã quá quen thuốc và không đòi hỏi gì nhiều, như một con bọ chét lặng lẽ ẩn trên cây, sống chỉ với một chút xíu máu hút được từ nhiều năm trước. Nó chỉ cần một chút tối thiểu thức ăn và quần áo. Còn chẳng cần gì cho phần hồn cả. Sự che chở, mối quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu, những tình cảm mà người ta gọi bằng đủ thứ tên và cho rằng một đứa bé nhất thiêt phải có, thì với thằng nhỏ Grenouille là hoàn toàn không cần thiết.  Hay đúng hơn có vẻ như tự nó không cần những thứ ấy để mà có thể sống sót được ngay từ đầu. Tiếng khóc khi nó chào đời, tiếng khóc vang ra từ dưới gầm bàn để được chú ý đến và đã đưa mẹ nó đến nơi hành quyết, không phải là tiếng khóc bản năng đòi được sự thương xót hay tình yêu. Đó là tiếng khóc đã được cân nhắc, có thể nói là đã được cân nhắc chín chắn, qua đó đứa trẻ sơ sinh đã quyết định chống lại tình yêu, vì cuộc sống. Trong hoàn cảnh lúc ấy chọn cái sau là phải bỏ cái trước chứ nếu đòi hỏi cả hai thì chắc chắn nó sẽ chết khốn khổ ngay. Tất nhiên lúc ấy nó vẫn có thể chọn cái khả năng thứ hai, tức là không khóc và đi thẳng từ cửa sinh sang cửa tử mà không cần phải đi vòng qua cuộc sống, như thế nó sẽ bớt cho thế giới và cho bản thân không ít phiền lụy. Để từ giã cõi đời khiêm nhường như thế cần phải có đôi chút tối thiểu lòng tốt bẩm sinh nhưng Grenouille lại không có. Ngay từ đầu nó đã là một đứa khả ố. Nó quyết định chọn cuộc sống chỉ vì ngang ngạnh và độc ác.
Tất nhiên là nó không quyết định giống như người lớn, ít nhiều dùng đến lý trí và kinh nghiệm để chọn lựa giữa các khả năng. Nó quyết định giống như cây cỏ, như một hạt đậu rơi vãi tự quyết định nảy mầm hay không.
Hay giống như con bọ chét nọ trên cây mà cuộc đời không mời chào gì hơn là giấc ngủ đông triền miên. Cái con bọ chét nhỏ bé ghê tởm ấy cuộn cái thân màu xám chì thành hình cầu để thu diện tích tiếp xúc với bên ngoài đến mức nhỏ nhất, nó làm cho da nhẵn và khô cứng để không tỏa gì ra cả, dù chỉ một chút mồ hôi. Nó hết sức thu nhỏ mình kín đáo để không ai thấy và xéo chết nó. Con bọ chét cô đơn thu mình nằm cuộn trên cây, mù, câm và điếc, chỉ lo đánh hơi, đánh hơi suốt năm, hàng dặm xa, mùi máu của những con vật mà nó không bao giờ tự sức bò tới nổi. Con bọ chét có thể để tự rơi mình xuống chứ. Nó có thể để rơi trên đất rừng, bò bằng sáu cái cẳng nhỏ xíu vài milimét tới chỗ này chỗ nọ rồi rúc xuống dưới lá nằm chờ chết chứ, và lạy Chúa, chẳng có gì đáng tiếc cả. Nhưng con bọ chét ngang ngạnh, ngoan cố và ghê tởm cứ co mình lại trên cây, sống và chờ đợi. Chờ cho đến khi mà hết sức ngẫu nhiên, máu, dưới dạng một con vật, tới ngay dưới gốc cây. Chỉ khi ấy nó mới không còn thận trọng, buông mình xuống, bấu, xoi và cắn vào thịt con vật lạ…
Thằng bé Grenouille là một con bọ chét như thế. Nó sống khép kín và chờ thời. Nó chẳng cho thế giới cái gì khác ngoài phân, không cười mỉm, không khóc, không ánh mắt và không cả mùi của chính nó. Gặp phải người phụ nữ khác thì cái đứa nhỏ quái dị này đã bị tống cổ đi rồi. Madame Gaillard không thế. Bà không ngửi ra được rằng nó không có mùi và cũng không hề chờ đợi một sự xúc động trong tâm hồn nó vì chính tâm hồn bà đã bị khóa chặt.
Lũ trẻ kia ngược lại, cảm thấy ngay Grenouille muốn gì. Ngay ngày đầu kẻ mới tới đã là mối đe dọa đối với chúng. Chúng né tránh cái thùng gỗ nó nằm, và nằm sát nhau hơn như thể căn phòng bị lạnh hơn vậy. Thỉnh thoảng những đứa nhỏ nhất khóc trong đêm, chúng thấy như có gió lùa qua phòng. Những đứa khác chiêm bao đã bị cái gì đấy lấy đi hơi thở. Có một lần mấy đứa lớn hùa nhau định làm nó chết nghẹt. Chúng phủ giẻ, chăn và rơm lên mặt nó rồi lấy gạch đè lên. Sáng hôm sau khi Madame Gaillard lôi nó ra khỏi thì nó nhầu nát, bầm dập, thâm tím nhưng không chết. Chúng thử thêm mấy lần nữa nhưng vô ích. Cách chắc chắn hơn là bóp cổ nó bằng tay, hoặc bịt mũi, bịt mồm nó thì chúng không dám. Chúng không muốn đụng chạm vào nó. Chúng ghê tởm nó như thể ghê tởm một con nhện to mà người ta không muốn tự tay bóp chết.
Khi nó lớn hơn thì chúng bỏ ý định giết nó. Hẳn chúng đã thấy rằng không thể diệt nó được. Thay vào đấy chúng né tránh, chạy xa nó, bằng mọi cách tránh chạm vào người nó. Chúng không ghét nó. Chúng cũng không ghen hay tranh ăn với nó. Trong nhà của Madame Gaillard không có cơ hội nhỏ nào cho những cảm nghĩ như thế. Chúng bị xáo trộn vì sự có mặt của nó, thế thôi. Chúng không ngửi thấy mùi nó. Nên chúng sợ nó.
-------------
Còn tiếp... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét