Patrick
Süskind
Mùi
Hương
Lê Chu Cầu dịch
NXB Văn học - 2016
5
Khách quan mà nói thì nó đâu có gì đáng sợ. Khi lớn thì
nó chẳng to cao đặc biệt , không khỏe, xấu đấy, nhưng đâu xấu ghê gớm đến nỗi
người ta phải sợ nó. Nó không hung hăng, không nham hiểm, không lén lút, không
khiêu khích. Nó còn thích sống tách biệt nữa kia. Còn trí thông minh của nó
cũng chẳng có gì ghê gớm. Mãi năm lên ba nó mới biết đứng, nói chữ đầu tiên lúc
lên bốn, đó là chữ “cá”, buột ra như thể một tiếng vọng trong một lúc kích
thích bất chợt khi từ xa một người bán cá đi tới Rue de Charonne lớn tiếng rao
hàng. Những tiếng kế tiếp nó thốt ra là “cây quỳ thiên trúc”, “chuồng dê”, “cái
lá xoăn”, và “Jacqueslorreux”, cái chữ
sau cùng là tên một người phụ việc vườn tược cho nữ tu viện Filles de la Croix ở
gần đó, thỉnh thoảng vẫn làm cho Madame Gaillard những việc nặng và nổi tiếng
vì trong đời chưa hề tắm lần nào.
Nó ít khi dùng đến động từ, tính từ và từ
chêm. Ngoài “có” và “không” - mà mãi sau này nó mới nói - nó chỉ dùng danh từ,
đúng hơn là tên riêng của mỗi vật, cây cỏ, thú vật, người cụ thể và cũng chỉ
khi nào mùi của những vật, cây cỏ, thú vật và người này đột nhiên chế ngự nó.
Một ngày tháng ba, ngồi phơi nắng trên một chồng gỗ sồi
mới xẻ, gỗ bị nắng nứt kêu răng rắc, đó là lần đầu tiên nó thốt ra từ “gỗ”. Nó
đã trông thấy gỗ cả trăm lần trước đó, cái từ đó cũng đã nghe cả trăm lần. Nó
cũng hiểu vì mùa đông nó thường bị sai ra ngoài lấy gỗ. Nhưng cái gọi là gỗ
chưa bao giờ làm cho nó quan tâm để phải nhọc công nói ra tên ấy. Điều này chỉ
xảy ra vào cái ngày tháng ba ấy khi nó ngồi trên đống gỗ nọ. Đống gỗ được xếp
chồng lên nhau như thể cái ghế dài dưới một cái mái ở mặt nam kho dụng cụ của
Madame Gaillard. Những thớt gỗ trên cùng mùi ngọt hắc, từ phía dưới bốc lên mùi
rêu và từ vách gỗ thông của nhà kho bay ra trong nắng ấm mùi thơm của nhựa.
Grenouille ngồi im trên đống gỗ, duỗi thẳng chân, lưng
tựa vách nhà kho và nhắm mắt lại. Nó không trông thấy, không nghe và không cảm
thấy gì cả. Nó chỉ ngửi mùi thơm của gỗ bốc lên quanh nó và bị giữ lại dưới cái
mái như trong một cái nón. Nó uống mùi thơm ấy, nó chết đuối trong đó, tẩm vào
người đến tận lỗ chân lông cuối cùng, hóa thành gỗ, rồi như thể một hình nhân bằng
gỗ, nó nằm chết trên đống gỗ chẳng khác một Pinochio, cho đến một lúc lâu sau,
hình như là mãi nửa tiếng sau, nó ọe ra cái từ “gỗ”. Nó ọe ra cái từ ấy như thể
là nó được nhồi gỗ đến tận tai, như thể bụng nó, họng nó, mũi nó toàn là gỗ.
Cái từ ấy làm cho nó tỉnh lại, cứu nó kịp trước khi nó bị sự có mặt áp đảo của
gỗ, của mùi gỗ, làm cho chết nghẹt. Mãi mấy ngày sau nó vẫn còn choáng váng do
đã nếm cái mùi quá mạnh ấy và khi quá nhớ thì không ngớt lẩm bẩm van nài “gỗ, gỗ”.
Nó học nói như thế đấy. Những từ chỉ đối tượng không
mùi, nghĩa là những khái niệm trừu tượng, đặc biệt là những thứ về đạo đức và
luân lý là quá khó đối với nó. Nó không nhớ nổi, lẫn lộn hết trơn, ngay cả khi
đã lớn nó cũng không thích dùng, và thường là dùng sai, tỉ như công lý, lương
tâm, thượng đế, hân hoan, trách nhiệm, khiêm tốn, biết ơn, vân vân… những khái
niệm này dùng để chỉ cái gì thì đối với nó mãi mãi là bí ẩn.
Mặt khác ngôn ngữ thông dụng nhanh chóng trở thành không
đủ để chỉ tất cả những vật mà nó đã gom góp bằng khứu giác. Chẳng mấy chốc nó
không chỉ ngửi gỗ nói chung, mà loại gỗ như gỗ thích, gỗ sồi, gỗ thông, gỗ cây
du, gỗ cây lê, già, non, mục, mủn, có rêu thậm chí từng khúc gỗ một, dằm, mảnh
gỗ và ngửi rành rẽ những vật thể khác nhau mà người khác không phân biệt nổi bằng
mắt. Với những vật khác cũng vậy. Cái thứ
nước màu trắng mà sáng sáng madame Gaillard cho lũ trẻ uống luôn được gọi là sữa
thì theo cảm giác của Grenouille thì mỗi sáng có mùi và vị khác nhau tùy theo độ
ấm, của con bò nào, và con bò này đã ăn gì, còn được bao nhiêu chất béo, v.v. Còn
khói, một tổng hợp của hàng trăm mùi khác nhau, biến đổi thiên hình vạn trạng từng
phút, thậm chí từng giây thành một thể thống nhất mới như khói của ngọn lửa, lại
chỉ có cái tên “khói” này thôi… Rồi đất, phong cảnh, không khí mà trong từng bước
đi, từng hơi thở đều được rót đầy mùi khác nhau và như thế được mang một đặc
tính khác rồi sao vẫn chỉ được gọi bằng ba cái từ thô thiển ấy thôi. Tất cả những
khập khiễng lố bịch ấy giữa sự phong phú của cái thế giới nhận biết được qua
mùi và sự nghèo nàn của ngôn ngữ khiến thằng nhỏ Grenouille hoàn toàn nghi ngờ
về ý nghĩa của ngôn ngữ, nên nó có thói quen chỉ dùng đến ngôn ngữ khi sự giao
tiếp với người khác nhất thiết đòi hỏi.
Năm lên sáu nó đã hoàn toàn nắm rõ môi trường chung
quanh qua khứu giác. Trong nhà Madame Gaillard không vật gì, phía bắc Rue de
Charonne không chỗ nào, không người nào, không hòn đá, bụi cây, ngọn cây hay
hàng rào đóng cọc nào, không xó xỉnh nào dù nhỏ đến đâu mà nó không rõ mùi,
không nhận ra được và không giữ chặt cái mùi riêng của từng thứ trong trí nhớ.
Nó đã tích lũy cả vạn, trăm nghìn mùi riêng biệt, sẵn sàng khi cần đến, thật rõ
ràng, đủ loại, để không những có thể nhớ lại khi ngửi chúng mà còn thật sự ngửi
thấy chúng mỗi khi nhớ lại, hơn thế nữa, chỉ cần qua tưởng tượng thôi nó đã biết
phối hợp chúng để tạo ra những mùi không hề có trong thế giới thực tế. Như thể
nó làm chủ một vốn từ khổng lồ tự học về mùi khiến nó có đủ khả năng tạo ra cơ
man mùi đủ loại ở một lứa tuổi mà những đứa trẻ khác còn lắp bắp đặt những câu
đầu tiên đầy lỗi để mô tả thế giới với những từ được người ta ra sức nhồi nhét.
Năng khiếu của nó có thể so sánh sát nhất với năng khiếu một thần đồng âm nhạc,
nghe giai điệu và hòa âm mà tìm ra từng âm, như từng mẫu tự, và rồi tự sáng tác
giai điệu và hòa âm mới hoàn chỉnh. Tất nhiên khác ở chỗ mẫu tự của mùi thì nhiều
và tinh tế hơn là của âm. Thêm một điểm khác nữa là những hoạt động sáng tạo của
thần đồng Grenouille chỉ diễn ra bên trong nó, ngoài nó ra không ai cảm nhận được.
Càng ngày nó càng sống khép kín hơn. Nó thích nhất đi
lang thang một mình phía bắc Faubourg Saint-Aintoine, qua những vườn rau, những
đồng nho, bãi cỏ. Có khi tối đến nó không về, biệt tăm mấy ngày liền. Nó chịu bị
đòn bằng gậy mà chẳng hề tỏ ra đau đớn. Cấm không cho ra ngoài, bắt nhịn đói,
phạt làm việc nặng cũng không thay đổi được cung cách của nó. Một năm rưỡi đi học
thất thường ở trường đạo Notre Dame de Bon Secours cũng không có tác dụng trông
thấy nào. Nó học đánh vần chút ít, học viết tên nó, thế thôi. Thầy giáo cho nó
là đần độn.
Madame Gaillard, ngược lại, thấy là nó có một số khả
năng và đặc tính rất khác thường nếu không nói là siêu tự nhiên, chẳng nó hoàn
toàn không sợ đêm và bóng tối như trẻ con bình thường. Bất cứ lúc nào người ta
cũng có thể sai nó xuống hầm lấy cái gì đó mà những đứa kia ngay cả có đèn cũng
không dám làm, hay ra nhà kho lấy gỗ trong đêm tối như mực. Chẳng lần nào nó
mang theo đèn mà vẫn tìm ra và tức khắc đem về cái được đòi hỏi mà không một động
tác sai, không vấp ngã hay xô đổ một thứ gì. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là hình
như nó có thể nhìn xuyên qua giấy, vải, gỗ và qua cả tường gạch hay cửa khóa nữa.
Madame Gaillard tin rằng đã phát hiện ra như thế. Nó biết có bao nhiêu đứa trẻ
và những đứa nào trong phòng ngủ dù không bước chân vào đấy. Nó biết trong bông
súp lơ có một con sâu trước khi tách bông ra. Có một lần bà không tìm thấy tiền
bởi cất quá kỹ (bà đổi chỗ cất luôn), nó không hề tìm lấy một giây mà chỉ ngay
vào một chỗ sau xà ngang lò sưởi, y như rằng! Thậm chí nó có thể nhìn thấy cả
tương lai, chẳng hạn nó báo có khách khi khách còn chưa đến hay báo trước không
sai một trận bão dù trên bầu trời không một vẩn mây. Nó không nhìn những cái ấy
bằng mắt mà đánh hơi bằng cái mũi ngày một thính và ngửi ngày một chính xác
hơn, con sâu trong bông súp lơ, tiền sau cái xà ngang, người sau tường và còn ở
xa tới mấy quãng đường, thế thì có nằm mơ Madame Gaillard cũng không thể đoán
được, kể cả nếu cái đánh bằng que cời lò sưởi nọ không gây tổn hại cho khứu
giác của bà. Đần với chả độn, bà tin chắc rằng thằng nhỏ phải có một bộ mặt thứ
hai. Vì bà biết rằng kẻ hai mặt đem theo điều gở và cái chết nên nó làm bà ớn. Ớn
hơn nữa, đến không thể chịu nổi là sự lo lắng phải ở chung nhà với một kẻ có biệt
tài nhìn qua cả tường lẫn xà ngang thấy được tiền đã giấu kỹ. Một khi đã phát
hiện cái khả năng đáng sợ của Grenouille bà liền tìm cách tống khứ nó. Khi ấy
nó được tám tuổi. May sao cũng khoảng thời gian ấy tu viện Saint-Merri ngưng trả
tiền hàng năm cho nó mà không nêu lý do. Bà không đòi. Giữ đúng phong cách, bà
đợi thêm một tuần lễ nữa và khi tiền vẫn không tới, bà mới dắt nó vào phố.
Bà quen một người thợ thuộc da tên là Grimal ở gần
sông, trên Rue de la Mortellerie, cần người phụ việc còn trẻ, không phải người
học nghề thật sự hay thợ phụ mà là cu li rẻ tiền. Trong nghề này có những công
việc nguy hiểm như cạo thịt từ da súc vật thối rữa, trộn các dung dịch độc hại
để thuộc và nhuộm da, đun nước vỏ dà… mà một người thợ cả có ý thức trách nhiệm
cố tránh không phung phí những thợ phụ có tay nghề, chỉ dùng bọn hạ lưu vô nghề
nghiệp, bọn du thủ du thực và ngay cả trẻ vô thừa nhận để không ai truy cứu
trong những trường hợp khả nghi. Tất nhiên là Madame Gaillard biết rằng
Grenouille không có khả năng sống sót trong cái xưởng thuộc da của Grimal, theo xét đoán thông thường. Nhưng bà không phải thứ
phụ nữ bận tâm về chuyện ấy. Bà đã làm xong bổn phận. việc coi sóc đã chấm dứt.
Cái gì sẽ đến với đứa nhỏ không dính dáng tới bà. Nó sống được thì tốt, nó chết
cũng không sao. Cái chính là phải đúng luật. Thế là bà đòi Monsieur Grimal xác
nhận bằng giấy mực việc bà trao thằng nhỏ, còn bà ký nhận mười lăm quan tiền
hoa hồng rồi trở về nhà ở Rue de Charonne. Bà chẳng cảm thấy lương tâm cắn rứt
tí nào. Ngược lại, bà tin rằng không những chỉ làm đúng luật mà còn chính đáng
nữa vì giữ lại một đứa nhỏ không ai trả tiền nhất thiết sẽ lạm vào tiền dành
cho những đứa khác, thậm chí của chính bà, rồi biết đâu phương hại đến tương
lai của trẻ khác và cả của bà; được chết một mình, kín đáo, không chung đụng,
đó là giấc mơ duy nhất của cả đời bà.
Vì chúng ta chia tay với Madame Gaillard ở đoạn này của
câu chuyện và sau đó không gặp bà nữa, chúng ta hãy dành it dòng viết về đoạn
cuối của cuộc đời bà. Thật chẳng may cho bà, mặc dù đã chết từ bên trong từ thời
con gái, Madame lại sống lâu, rất lâu. Năm 1782, khi đã ngót bảy mươi tuổi, bà
không hành nghề nữa, mua hưu bổng như đã tính rồi ngồi ở nhà chờ chết. Nhưng
cái chết không đến, mà thay vào đó là một thứ khác mà không ai trên thế giới lại
có thể lường được và cũng chưa từng xảy ra trong nước, đó là Cách mạng, có
nghĩa là thay đổi nhanh chóng toàn bộ những quan hệ xã hội, đạo đức và những
giá trị siêu việt. Lúc đầu thì cuộc Cách mạng này không ảnh hưởng gì đến số phận
của riêng Madame Gaillard gì cả. Nhưng khi bà ngót tám mươi, đột nhiên người quản
lý hưu bổng của bà phải di cư sang nước ngoài, tài sản của ông ta bị tịch biên
và bị bán đấu giá cho một người sản xuất quần. Trong một thời gian dài, xem ra
sự thay đổi này cũng không gây ra một ảnh hưởng gì tai hại cho Madame Gaillard
vì người sản xuất quần vẫn tiếp tục trả đúng hạn hưu bổng. Nhưng đến một ngày
kia bà không còn được nhận tiền bằng kim loại nữa mà dưới dạng in trên giấy, đó
là khởi đầu của sự suy sụp.
Sau hai năm thì hưu bổng không đủ để trả tiền củi.
Madame buộc phải bán nhà với giá rẻ mạt vì bỗng nhiên không phải chỉ có mình bà
mà hàng nghìn người khác cũng phải bán nhà. Bà lại chỉ nhận được tiền đối lưu
những mảnh giấy vớ vẩn nọ chỉ để hai năm sau hầu như chẳng còn chút giá trị
nào, và năm 1797, bà mất sạch cái tài sản ký cóp được trong ngót một trăm năm
làm lụng cực nhọc, phải ở trọ trong một căn phòng nhỏ xíu có sẵn đồ đạc ở Rue
des Coquilles, khi đó bà đã gần chín mươi. Mãi lúc này, muộn mất mười, hai mươi
năm, cái chết mới đến do ung thư họng lâu năm, trước hết cướp đi của bà sự ngon
miệng rồi đến tiếng nói, do đó bà không thốt lên được một lời nào phản đối khi
bị chở đến Hotel Dieu. Ở đây, bà bị đưa vào chính cái căn phòng mà chồng bà đã
nhắm mắt, cùng với hàng trăm người bệnh sắp chết khác, bị nhét vào trong một
cái giường với năm bà già lạ hoắc khác, nằm như cá hộp suốt ba tuần để rồi chết
trước mắt bao người. Bà đã được bỏ vào bao khâu lại, bị quẳng lên xe kéo lúc bốn
giờ sáng cùng với năm mươi xác nữa rồi được chở trong tiếng chuông rung yếu ớt
đến nghĩa trang mới hình thành ở Clamart, cách cổng thành một dặm, ở đây bà được
đặt vào một ngôi mộ tập thể phủ một lớp vôi sống dầy, đó là nơi an nghỉ cuối
cùng của bà.
Đó là năm 1799. Rất may là khi đi về nhà vào cái ngày nọ
của năm 1747, rời bỏ thằng bé Grenouille và câu chuyện của chúng ta, Madam
không mảy may linh cảm về số phận sẽ đến với bà. Nếu có biết đâu bà sẽ chẳng mất
niềm tin vào sự công bằng và cùng với nó là cái ý nghĩa duy nhất mà bà hiểu về
cuộc đời.
6
Thoạt nhìn Monsieur Grimal - không phải lần đầu tiên đánh hơi cái lớp mùi bao quanh Grimal - nó biết ngay ông này sẵn sàng đánh nó chết liền dù chỉ phạm một điều quấy nhỏ. Mạng sống của nó chỉ giá trị bằng cái công việc nó hoàn thành, do sự hữu dụng mà Grimal đánh giá. Vì vậy mà Grenouille theo răm rắp, không thử phản kháng dù chỉ một lần. Ngày qua ngày, nó nút chặt mọi năng lực tiềm tàng của sự thách thức và ương ngạnh vào trong người, chỉ dùng rất ít theo kiểu con bọ chét để sống qua cái giai đoạn giá băng sắp đến: dai, không đòi hỏi gì, kín đáo và giữ thật kỹ cái ngọn lửa chiếu tia sáng hy vọng chỉ dám để le lói. Lúc này nó là một mẫu mực về sự dễ bảo, thanh đạm và cần cù, tuyệt đối vâng lời, cho gì ăn nấy. Tối tối nó ngoan ngoãn chịu để bị nhốt trong cái kho cạnh xưởng, nơi cất những dụng cụ và treo da thô xát muối. Ở đây nó phải ngủ trên nền đất nện. Ngày ngày nó làm việc đến tối mịt, mùa đông tám tiếng, mùa hè mười bốn, mười lăm, mười sáu tiếng, nạo thịt những tấm da hôi kinh tởm, nhúng nước, cạo lông, rắc vôi, nhúng dung dịch kiềm, vò, đập, xát nước vỏ dà, bửa gỗ, lột vỏ gỗ phong và gỗ thủy tùng, leo xuống hố đun vỏ dà đầy hơi cay xé, theo lệnh bọn thợ phụ xếp da lên trên vỏ cây thành lớp, rải vụn cây đã đập nát lên trên, rồi phủ nhánh cây thủy tùng và đất lên cái giàn hỏa thiêu kinh tởm này. Mấy năm sau nó sẽ phải đào và lôi những xác da ướp, bấy giờ thành da thuộc ấy lên.
Nếu không chôn da xuống và đào da lên thì phải đi lấy
nước. Xách nước từ sông, mỗi lần hai thùng, mỗi ngày cả trăm thùng, hàng tháng
dài như thế là vì cái nghề này cần không biết bao nhiêu là nước để rửa, để làm
mềm, để nấu dung dịch, để nhuộm. Hàng tháng trường người nó không chỗ nào khô
vì phải xách nước, đêm đêm nước nhỏ ròng ròng từ quần áo nó, da nó lạnh ngắt, mềm
đi và trương lên như thể miếng da dùng lau nước.
Sau một năm sống giống súc vật hơn là người, nó bị bệnh
than, một chứng bệnh đáng sợ trong nghề thuộc da và thường chỉ có chết. Grimal
cầm bằng như mất nó, tìm người thay, tuy không phải không tiếc vì ông ta chưa từng
có một tay thợ cho gì nhận nấy và làm giỏi như Grenouille. Nhưng trái với mọi
chờ đợi, Grenouille khỏi bệnh. Nó chỉ phải mang thẹo của những chùm nhọt to đen
ở sau tai, ở cổ và trên má khiến nó bị biến dạng và trở nên xấu xí hơn dù vốn
dĩ nó đã xấu rồi. Ngoài ra nó còn miễn dịch với bệnh than để từ nay có thể nạo
các tấm da bẩn thỉu nhất với hai bàn tay trầy trụa và chảy máu mà không sợ bị
nhiễm trùng lại, quả là lợi vô giá. Do đó nó khác hẳn không chỉ với đám học nghề
và thợ phụ mà cả với đám có khả năng thay thế nó nữa. Và bởi vì bây giờ nó
không dễ thay như trước kia nên giá trị của việc nó làm, nghĩa là giá trị mạng
sống của nó, cũng tăng theo. Bỗng dưng nó không còn phải ngủ chỉ trên nền đất nữa
mà đã được phép dựng trong kho một cái bục gỗ, được rơm để trải lên trên và được
một cái chăn riêng. Khi ngủ nó không còn bị nhốt nữa, bữa ăn cũng đầy đủ hơn.
Grimal không còn nuôi nó như bất kỳ con vật nào mà là một gia súc có ích.
Khi nó mười hai tuổi, Grimal cho nó nghỉ nửa ngày chủ
nhật và vào tuổi mười ba nó còn được phép đi chơi một tiếng, làm những gì nó
thích vào buổi tối sau khi xong việc. Nó đã thắng bởi vì nó sống và bây giờ nó
có được một chút tự do đủ để nó tiếp tục sống. Giai đoạn ngủ đông đã qua. Con bọ
chét Grenouille cựa quậy. Nó đánh hơi không khí ban mai. Nó khao khát săn mồi.
Cái vùng chứa mùi lớn nhất thế giới mở ra trước nó: thành phố Paris.
7
Như thể vườn địa đàng vậy. Chỉ riêng hai vùng phụ cận Saint-Jacques-de-la-Boucherie và Saint-Eustache cũng đã là vườn địa đàng rồi. Trong những ngõ hai bên Rue Saint-Denis và Rue Saint-Martin, người ở chen chúc, nhà sát nhà, năm, sáu tầng khiến không thấy bầu trời và lớp không khí sát nền đất như bị ứ lại trong những đường ống ẩm thấp và đặc sệt mùi. Cái mùi của người trộn lẫn với súc vật, hơi của thức ăn và bệnh tật, của nước và đá cuội, của tro và da thuộc, của xà bông và bánh mì mới nướng, của trứng luộc trong giấm, của mì sợi và đồng thau đánh bóng, của lá xô thơm, của bia và nước mắt, của mỡ và rơm rạ khô lẫn ướt. Hàng nghìn và hàng nghìn thứ mùi hòa thành một thứ cháo đặc vô hình tràn ngập các ngõ hẻm, họa hoằn mới bay đi nếu ở trên tuốt các nóc nhà còn ở dưới đất thì không bao giờ. Người dân ở đó chẳng còn ngửi thấy trong cái thứ cháo này cái gì đặc biệt bởi vì nó từ họ mà ra và không ngớt thấm vào họ, nó chính là cái không khí họ thở và nhờ đó họ sống, nó giống như bộ quần áo ấm đã mặc lâu khiến cho người ta không còn ngửi thấy gì và không còn cảm thấy trên da thịt. Còn Grenouille ngửi thấy tất cả như mới lần đầu. Nó không chỉ ngửi cái toàn thể của hỗn hợp mùi kia mà chẻ nhỏ ra, phân tích thành những phần, những mảnh nhỏ khác biệt nhất. Cái mũi nhậy của nó gỡ cái mớ bòng bong gồm mùi thơm và mùi hôi nọ thành từng sợi riêng lẻ của những mùi cơ bản không thể nào tách thêm được nữa. Nó sung sướng khôn tả khi tách những sợi ấy ra, se chúng lại.
Nó thường đứng lại, tựa vào tường, hay nép mình trong một
góc tối, mắt nhắm lại, miệng hé ra, cánh mũi phập phồng, bất động như một con
cá rình mồi trong dòng nước lớn, đen sậm, chầm chậm trôi. Để rồi khi một làn
gió mỏng manh đưa tới nó đầu một sợi hương thơm mềm mại, thì nó chụp ngay lấy,
không nhả ra nữa và nó không ngửi thấy gì khác hơn cái mùi này, níu chặt, hút
vào trong lòng và giữ lại mãi mãi. Cái mùi ấy có thể là nó biết rồi hay là một
biến thể, nhưng cũng có khi hoàn toàn mới, chỉ giống tí xíu hay không giống gì
hết với những mùi nó đã ngửi từ trước đến giờ, chưa nói tới đã thấy, chẳng hạn
mùi lụa được ủi, mùi trà ướp bách lý hương, mùi tấm kim tuyến thêu chỉ bạc, mùi
nút của một chai vang hiếm, mùi một cái lược đồi mồi. Nó chạy theo những mùi
chưa biết này, nó săn đuổi chúng, và thu góp vào trong người với sự say mê và
kiên nhẫn của một người câu cá.
Khi đã ngửi no nê cái cháo đặc ở các ngõ hẻm, nó đi tới
những nơi thoáng khí, mùi ở đấy mỏng mảnh hơn, lẫn vào trong giỏ, tỏa ra, gần
như là nước hoa. Ở chợ Les Halles chẳng hạn, tuy đã tối rồi nhưng ngày chưa thật
hết mà vẫn tiếp tục tồn tại trong mùi, vô hình nhưng rất rõ, như thể ở đó những
nhà buôn còn hối hả trong đám đông, như thể ở đó vẫn còn những sọt đầy rau và
trứng, những thùng đầy rượu và giấm, những bao bố đầy đồ gia vị, khoai tây và bột,
những két gỗ với đinh và ốc, những sạp thịt, những bàn đầy vải và xoong chảo, đế
giầy và trăm thứ linh tinh khác bày bán ở đó vào ban ngày… toàn bộ sự tấp nập vẫn
còn đó cho đến từng chi tiết nhỏ nhất trong cái không khí mà nó để lại.
Grenouille nhìn toàn bộ cái chợ qua khứu giác, nếu như có thể nói như thế được.
Và nó ngửi còn rõ hơn không ít người nhìn vì nó cảm nhận cái chợ sau buổi chợ,
do đó ở một cấp cao hơn, đó là bản chất, là hồn của cái gì đó đã qua, tức là
không bị làm xáo trộn bởi những đặc điểm thông thường của hiện tại như tiếng
huyên náo, ánh sáng chói chang, sự va chạm gớm ghiếc của con người bằng xương bằng
thịt… ở cái chợ này.
Hoặc nó đi tới chỗ mẹ nó bị chặt đầu; Place de Grève
trông không khác một cái lưỡi khổng lồ thè ra liếm dòng sông. Ở đây tàu được
kéo lên bờ hay buộc vào cọc, chúng có mùi than, mùi ngũ cốc, mùi cỏ khô và mùi
dây thừng ướt.
Từ phía tây thổi lại qua cái hành lang duy nhất tạo bởi
con sông cắt ngang thành phố này một luồng gió mênh mông mang đến mùi của đồng
quê, của những đồng cỏ ở vùng Neuilly, của những cánh rừng nằm giữa Saint-Germain
và Versailles, của những thành phố rất xa xôi như Rouen hay Caen và đôi khi cả
của biển. Biển có mùi như một cánh buồm căng phồng hứng nước, muối và mặt trời
lạnh. Mùi của biển thì mộc mạc nhưng đồng thời lại lớn lao và độc ác khiến cho
Grenouille do dự, không tách nó ra thành mùi cá, mùi muối, mùi nước, mùi rong,
mùi tươi mát, v.v... Nó thích để chung cái mùi của biển, giữ như một toàn thể
trong trí nhớ và thưởng thức nó trọn vẹn. Nó thích đến nỗi ao ước một lần có được
thật nhiều mùi biển tinh khiết, không pha trộn để có thể uống đến say mèm. Sau này, khi nghe kể
biển mênh mông biết bao và người ta có thể đi tàu nhiều ngày trên ấy mà không
thấy đất liền thì nó không thích gì hơn là hình dung được ngồi trong cái chòi
cao tít trên cột buồm tuốt phía trước một cái tàu như thế, bay đi trong cái mùi
vô tận của biển, đúng ra không phải là mùi mà là hơi thở, hơi thở ra, tột cùng
của mọi mùi và vui sướng được tan biến trong hơi thở đó. Nhưng điều này không
bao giờ đến vì Grenouille đang đứng ở bờ sông nơi Place de Grève và nhiều lần
hít thở một mảnh nhỏ của gió biển bay qua mũi nó, không bao giờ thấy biển, cái
biển thật sự, cái đại dương mênh mông ở phía tây và không bao giờ được tan vào
cái mùi ấy.
Chẳng mấy chốc nó ngửi cái khu nằm giữa Saint Eustache
và Hotel de Ville rõ đến nỗi ngay trong đêm tối đen nó cũng không lạc. Rồi nó mở
rộng vùng đi săn, trước hết về phía tây Faubourg Saint-Honoré, rồi ngược Rue
Saint-Antoine tới Bastille và cuối cùng qua bên kia sông, tới khu Sorbonne và
Faubourg Saint-Germain, khu nhà giàu. Mùi da trong xe ngựa và mùi phấn trong
tóc giả của đám thiếu niên quý tộc bay qua song sắt cổng thành, và từ trong vườn
thoảng qua những bức tường thành cao mùi thơm kim tước chi, của hoa hồng và của
cây thủy lạp vừa mới xén. Nơi đây, lần đầu tiên Grenouille ngửi mùi nước hoa
theo đúng nghĩa của từ này, nước hoa giản dị mùi oải hương hay hoa hồng mà người
ta vẫn trộn vào hồ phun nước ở trong vườn vào những dịp lễ, hay những mùi phức
tạp, đắt tiền hơn như xạ hương pha với tinh dầu hoa cam, hoa huệ, hoa trường thọ,
hoa nhài hay hoa quế, chiều chiều vẫn bềnh bồng sau những cỗ xe như một giải lụa
nặng trĩu. Nó ghi nhận những mùi thơm này như mọi mùi bình thường khác, tò mò
nhưng không hâm mộ đặc biệt. Dĩ nhiên nó ghi nhận rằng nước hoa có tác dụng làm
say mê và lôi cuốn, nó cũng nhận ra cái hay của từng tinh chất một nhưng là một
tống thể thì nó thấy thô thiển và chán ngắt, trộn ẩu hơn là sáng tạo và nó biết
rằng nó có thể làm ra những mùi thơm khác hẳn nếu có được những nguyên vật liệu
đó.
Một số lớn những nguyên vật liệu này nó đã biết ở các
quầy hoa và gia vị ở chợ, những thứ khác đều mới và nó lọc ra từ cái hỗn hợp
mùi để giữ lại trong trí nhớ mà không biết tên: long diên hương, xạ hương, hoắc
hương, gỗ đàn hương, hương cam chanh, hương bài, độc hoạt điểu, an túc hương,
hoa hublông, hương hải ly...
Nó không kén chọn. Nó không phân biệt những thứ mùi mà
người ta cho rằng hay hoặc dở. Nó chỉ thèm khát. Mục đích chuyến săn tìm của nó
chỉ để có được mọi thứ trên thế gian này, với một điều kiện duy nhất: mùi đó phải
mới. Mùi mồ hôi ngựa cũng quý như hương xanh mềm mại phảng phất từ nụ hoa hồng
chớm nở, mùi cay xè của con rệp không dở hơn mùi thịt bê quấn mỡ rán tỏa ra từ
bếp nhà giàu. Nó uống tất, nó ngốn tất vào trong người. Và trong cái nhà bếp tưởng
tượng để tổng hợp mùi vị của nó, nó thường xuyên tạo ra những hỗn hợp mùi mới,
cũng chưa có một nguyên tắc thẩm mỹ nào. Toàn những thứ kỳ quái nó tạo ra rồi
phá đi như một đứa trẻ chơi xây nhà, sáng tạo và phá hoại, không theo một
nguyên tắc nào cả.
-------------
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét