Chuyện Tình Tự Kể
Tác giả: Lyudmila Uvarova
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
NXB Long An - 1986
---------------------------
Ông chú Oleg Georgievich
Thế nào đó mà thành ra là trong những người
thân thích tôi chỉ còn có mỗi mình Irina. Vợ tôi chết đúng vào cái năm Irina đi
nhà trẻ, con trai tôi bị hy sinh ở vùng Orion.
Còn Irina thì cả cha và mẹ đều bị chết
trong một tai nạn máy bay khi hai người bay xuống phía Nam, tới Sochi để nghỉ
ngơi và chữa bệnh, vì theo lời cha của Irina - thì trong suốt bốn năm chưa lúc
nào họ được nghỉ ngơi, khi thì sinh Irina, khi thì cháu bệnh tật đau ốm, khi
thì thay đổi công việc, khi thì chuyện này chuyện nọ.
Nhưng họ vẫn không nghỉ bù lại được. Máy
bay rơi vào giữa một cơn lốc và bị tan tành ở đâu đó gần Adler.
Chính lúc đấy tôi đã phải chuyển đến ở với
Irina. Té ra tôi là người thân thích duy nhất của cháu, và nếu tôi không đến ở
với cháu thì đành phải đưa cháu vào trại trẻ mồ côi.
Tôi bỏ liều ngôi nhà tôi đang ở và cùng với
Irina ở căn hộ hai buồng, nói thực tình thì nhỏ hơn và kém tiện nghi hơn căn hộ
của tôi, nhưng tôi cảm thấy nếu để cô bé sống tại nơi cũ thì cháu đỡ ảnh hưởng
về mặt tâm lý hơn.
Lẽ dĩ nhiên là cháu không được biết sự thật
đã xảy ra với cha mẹ mình, lúc nào cháu cũng chờ đợi họ, hễ sáng thức dậy thì
việc đầu tiên là cháu hỏi:
- Ông ơi, liệu hôm nay ba mẹ cháu có về
không nhỉ?
- Cũng có thể. - Tôi đáp.
Mỗi buổi sáng tôi đều đưa Irina đi, tôi tết
bím tóc cho cháu, lo cho cháu ăn sáng, rồi cầm tay dắt cháu đi qua phố tới nhà
trẻ.
Irina còn tiếp tục hỏi rất lâu về cha mẹ
xem khi nào họ về, rất nhớ họ và chờ mong thư của họ.
Rồi sau dần dần cháu hỏi thưa hơn và dần
quên họ. Tôi xin cảm tạ đặc điểm vĩnh cửu của con người - khả năng biết quên
lãng, bởi nếu nhớ hết tất cả những cay đắng tồi tệ thì chắc không thể nào sống
nổi.
Irina bước vào cuộc đời tôi và toàn bộ nếp
sống quen thuộc của tôi trong phút chốc bị thay đổi hẳn: trước kia tôi đã nhiều
năm làm việc ở Bộ Ngoại thương, thường đi nước ngoài, bây giờ tôi buộc phải
chuyển sang một công việc ổn định, yên tĩnh hơn ở Nhà xuất bản Sách Quốc Tế, nhận
các bản dịch về nhà và nhờ vậy thường được ở nhà hơn.
Irina là một cô bé sớm phát triển, hiếu động
và biết suy xét. Cháu không xinh đẹp lắm - những đường nét trên khuôn mặt quá
nhỏ trong khi khổ mặt lại to, trán dô cao, mắt nhỏ, mũi bé và miệng thì giống một
cái chén đồ chơi của trẻ con trên một chiếc bàn rộng.
Tuy nhiên, cháu có mái tóc đẹp, quăn mềm,
làn mi cong, và đôi má thỉnh thoảng ửng hồng lên trông rất xinh xắn.
Cháu hết sức yêu thương súc vật và không bỏ
qua bất cứ một con chó, con mèo, con chim bồ câu nào mà cháu gặp thấy.
Có một lần vào mùa hè, tôi cùng cháu đi vào
công viên gần sân vận động Dynamo. Xung quanh yên tĩnh, gần như không có người,
lá cây dần phủ một lớp bụi thành phố, từ phía sân vận động vọng lại những tiếng
la hét luôn ngắt quãng của các vận động viên đang tập bóng rổ. Chúng tôi dạo
quanh, thỉnh thoảng lười nhác trao đổi với nhau đôi câu dưới những cây gia và
cây dương cổ thụ. Khi chúng tôi đi ngang qua một bụi phúc bồn tử dại, bỗng có
tiếng “ngheo ngheo” khe khẽ. Chúng tôi dừng lại. Irina nắm lấy tay tôi.
- Ông ơi, ông có nghe thấy không?
- Có. - Tôi nói. - Cháu nghĩ đó là con gì
nào?
- Cháu sẽ biết ngay. - Irina nói và nhào
vào bụi cây y như nhào xuống nước, đầu lao đi trước. Một phút sau cháu chui ra,
ấp trên ngực một vật gì đó rất nhỏ.
Tôi nhìn kỹ - một chú mèo con nhỏ xíu màu
xám, ức trắng và một vết khoang trắng ở trán.
- Đây này. - Irina nói. - Ông thấy không?
- Ông thấy.
- Chính nó kêu ngheo ngheo đấy. Con Trán Trắng.
Vừa chừng hai ngày trước đó, chúng tôi đã
cùng đọc truyện ngắn “Con Trán Trắng” của Chekhov.
- Con Trán Trắng. Nó xinh quá ông nhỉ?
- Xinh lắm. Một chú mèo tuyệt đẹp hiếm thấy,
chỉ có điều chúng ta biết làm sao với nó đây?
Irina ngạc nhiên nhìn tôi trân trối.
- Còn làm sao nữa ạ? Chúng ta đem nó về nhà
thôi.
- Thế còn Potap thì sao?
Potap là một con chó rất lớn, giống chó thường.
Tôi đã nuôi nó từ đời nảo đời nào - tôi đã cùng nó chuyển đến với Irina. Trước
kia, con trai tôi tìm thấy ở nhà nghỉ mát một con chó con, đem về nhà, nuôi nó
bằng sữa chai. Potap lớn lên, đã kịp đẻ ra ba chục chú chó giống nó - khoang
đen, tai nâu và đuôi ngắn. Nó khá già rồi, nhưng vẫn còn chưa hết tính hung
hăng bẩm sinh và mối thù ghét ngàn đời với những con mèo.
- Cháu sẽ thuyết phục con Potap. - Irina
tuyên bố đầy tự tin. - Rồi ông sẽ thấy, cháu sẽ thuyết phục được nó.
Mà quả thực đúng như vậy nên tôi hết sức ngạc
nhiên. Potap lúc đầu còn gầm gừ, sau đó há cái miệng khổng lồ ra và... liếm con
mèo đúng vào cái vết khoang trắng trên trán.
Tôi với Irina kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau.
Còn Potap đưa cái cẳng mạnh mẽ của nó ra, quắp con mèo nhỏ vào lòng và bắt đầu
liếm nó từ đầu tới đuôi.
- Lạ quá! - Tôi chỉ có thể thốt lên được
như thế. - Có thể chờ đợi mọi chuyện xảy ra, nhưng cái này thì chẳng ai ngờ nổi.
- Thế mà cháu chờ đợi chính cái đó đấy.
- Chắc trong nó đã thức tỉnh bản năng phụ tử
còn chưa mất hẳn, - tôi giả thiết.
Cũng lúc tôi nghĩ chắc Irina chưa hiểu hết
ý nghĩa của những lời tôi nói. Tôi đã lầm. Cháu hiểu cả, bởi cháu lập tức thốt
ra ngay:
- Cháu cũng cho là như vậy, mặc dù nó hoàn
toàn không phải là cha của con Trán Trắng.
Đến tối, khi Irina lên giường đi ngủ và
theo thường lệ, tôi định lại gần để chúc cháu ngủ ngon, cháu đã nói:
- Cám ơn ông.
- Về điều gì kia? - Tôi ngạc nhiên.
- Vì ông đã nhặt con mèo nhỏ.
Tôi phản đối với lý lẽ đầy đủ:
- Đấy không phải ông, mà cháu đã nhặt nó.
- Nhưng mà... - Irina từ tốn nói. - Nếu ông
không muốn thì cháu cũng không thể nhặt nó được...
Cháu cầm lấy tay tôi, áp vào má.
- Nếu chúng ta không nhặt nó thì cháu không
sống nổi...
Nhiều khi cháu làm tôi phải kinh ngạc vì những
câu nói như thế, thật lạ lùng và đáng ngạc nhiên là chúng thốt ra từ miệng một
cô bé mới bảy tuổi đầu. Và tôi thầm nghĩ: từ đâu mà cháu biết những cái đó? Tại
sao cháu lại như thế? Thú thật là cậu cháu của tôi - cha nó - cũng chẳng có gì
nổi bật cả. Cũng chẳng xấu, cũng chẳng tốt, một người bình thường đích thực. Mẹ
cháu cũng bình thường, một phụ nữ dễ thương, ít lời, dĩ nhiên không thể nào so
với cháu Irina được.
Irina không giống cha cũng chẳng giống mẹ.
Lòng vị tha của cháu thật sự hiếm có. Đối với cháu thì nỗi đau khổ không phải
là của riêng ai. Cháu cảm thấy chúng như là của chính mình vậy.
Nhớ năm cháu mười một tuổi, tôi cùng với
cháu đến thăm người bạn cũ của tôi là Roman Aristarkhovich Kostandi. Anh ta lai
một nửa Hy Lạp, một nửa Armenia. Hồi trẻ, anh ta nổi bật ở vẻ đẹp phi thường,
thân hình như lực sĩ, mắt màu hạt dẻ, tóc rậm đen, khuôn mặt tựa như được khắc
họa nên bởi bàn tay điêu luyện của nhà điêu khắc. Nhưng năm tháng trôi qua và
anh dần dần thay đổi, cái mũi dọc dừa trở thành dài và nhọn, cằm nhô ra, cặp môi
thuở nào còn tươi hồng nay hơi sưng lên và tựa như khô héo đi... Anh được nuông
chiều bởi sự chú ý chung của người xung quanh, bởi tình yêu của phụ nữ, bởi những
thắng lợi dễ dàng tựa như tự bay đến với anh ta - theo như cách anh diễn tả: giống
như sợi lông trước miệng thần gió. Anh rất đau khổ vì tuổi già xồng xộc ập đến.
Nhiều khi lại thăm anh, tôi thấy anh có vẻ ngượng với tôi. Với vẻ lo sợ không
giấu giếm, anh ngắm khuôn mặt mình trong gương, cái cổ da nhăn nheo, mái tóc
thưa thớt. Và như không tin vào mắt mình, anh ngờ vực rằng đó là mình hay là một
người nào khác, hoàn toàn xa lạ...
Trước kia Kostandi có một người vợ, một người
rụt rè, thầm lặng, chung thủy hết lòng, đã một lần và mãi mãi tin chắc rằng
trên thế gian này không có ai tốt hơn, thông minh hơn, tài năng hơn và đẹp trai
hơn chồng mình, và vì vậy mà chị tha thứ cho anh hết thảy mọi chuyện. Nhưng bù
lại, anh có một cô con gái, một gái già, giống hệt anh như một bức tranh biếm họa
độc ác giống với bản chính: cái mũi dài, cặp mắt to và quá lồi, cái miệng rộng
có vẻ đanh ác.
Đôi khi anh thú nhận với tôi:
- Có ai ngờ tôi lại sinh ra một con quỷ dạ
xoa như thế...
Rồi anh cay đắng bật ngón tay.
Còn tính tình “con quỷ dạ xoa” mỗi ngày mỗi
tệ hơn. Nó làm tình làm tội cha mẹ, và rốt cuộc những cơn thác loạn và đỏng đảnh
của nó đã đưa mẹ nó xuống mồ. Khi ấy thì cô con gái bắt người cha phải chịu
toàn bộ sức mạnh của những cảm xúc độc ác như bão táp của mình.
Có một lần tôi với Irina đi ngang qua nhà
Kostandi, tôi sực nhớ là đã lâu mình chưa có dịp gặp anh và quyết định ghé thăm
anh một chút.
Anh đang ở nhà một
mình, thành thật mừng rỡ, cứ ngắm nghía tôi hoài, thỉnh thoảng lại kêu lên:
- Thật khó mà tưởng
nổi, chúng ta biết nhau đã bao nhiêu năm rồi!
Irina ngắm nhìn
những cuốn sách về nghệ thuật xếp trong tủ sách và cũng reo lên:
- Ông ơi, coi
này, những bức tranh hay quá đi! Coi này, đẹp quá đi mất!
Kostandi ngó từ xa
- anh bị viễn thị - và giải thích:
- Đó là tranh
minh họa của Doré. Kia là tranh của Phiz, người bạn thân của Dickens. Còn đây
là...
Xung quanh thật
yên tĩnh. Ánh hoàng hôn tắt dần sau cửa sổ. Trong căn hộ cũ kỹ ở Moskva với trần
nhà thoai thoải, tường dán giấy bồi kẻ sọc theo kiểu cổ, một sự ấm cúng đang ngự
trị, một sự vững bền nào đó không gì lay chuyển, tựa như thời gian dừng lại
trong khoảnh khắc vì thương hại những con người, và đúng lúc đó đột nhiên xuất
hiện Teresa, con gái của Kostandi. Người gầy gò, vai nhọn, cái miệng đầy vẻ độc
ác và đôi mắt cau có, cô ta như phá tan vẻ duyên dáng của sự yên tĩnh và thanh
thản. Kostandi bỗng trở nên lăng xăng, vội vã dẹp những chiếc ly không khỏi
bàn. Tôi nhìn vào đồng hồ và khẽ nói với Irina rằng đã đến lúc chuẩn bị ra về...
Nhưng lần này
Teresa đang ở trong tâm trạng vui, mỉm cười gần như dễ thương với tôi rồi khen
mái tóc của Irina:
- Màu sắc mới hay
chứ, thật tuyệt!
Buông sõng qua
vai lời nói với cha:
- Đun cho ấm nước
đi...
Kostandi thì thầm
với tôi:
- Hình như hôm
nay nó có vẻ hiền...
Sau đó, chúng tôi
uống trà với bánh ngọt mà Teresa mang về, với mứt anh đào do bà mẹ đã quá cố của
cô ta nấu. Teresa kể chuyện hài hước về các ca sĩ và diễn viên múa nổi tiếng -
cô ta đã từng đệm đàn cho một ca sĩ tạp hí có một thời nổi tiếng nhưng nay đã
quá già. Cũng phải công bằng với cô ta, cô ta biết khá nhiều chuyện. Tôi rất
thú vị nghe cô ta kể, còn Irina thì thậm chí há cả miệng ra vì khâm phục. Ông bố
rạng rỡ hẳn lên vì sung sướng, vì cô con gái không dám lấy anh ra mà cằn nhằn,
rầy la, bắt bẻ.
Teresa ngồi xuống
bên chiếc đàn piano, một chiếc đàn cổ xưa nhãn hiệu Mühlbach và đánh bản polka của Rakhmaninov, bản hành khúc Thổ Nhĩ Kì của Mozart.
Irina nói:
- Cháu có thể đàn
được một bản étude này, cháu rất
thích bản étude ấy...
Và cháu đàn một bản
gì đó rất nhanh, rộn rã.
Teresa nhướng mày
lên, ông bố bước lại gần hơn.
- Thế em có biết
gì về bản nhạc em vừa đàn không? - Teresa hỏi.
- Một bản étude, chỉ có điều cháu quên mất là của
ai. - Irina đáp, vẫn tiếp tục gõ lên phím đàn.
Kostandi đứng cạnh,
lắng nghe. Hai hàng lông mày đến giờ vẫn còn đẹp của anh nhíu lại.
- Ở đây có nốt đô thăng, - anh nói. - Không phải đô giáng mà là đô thăng.
Irina ngừng đàn.
- Thật thế ư? Phải,
đúng rồi. Cháu đã nhớ ra rồi, đô thăng.
Còn ông thì do đâu mà ông biết thế?
- Do đâu ư? -
Kostandi hỏi lại, đôi mắt long lanh. Anh hất mái tóc chỉ còn lưa thưa của mình,
mỉm cười, và trong một khoảnh khắc tôi có cảm giác như trước mắt tôi lại hiện
lên người bạn thuở xưa của mình - anh chàng đẹp trai, trẻ trung, rực rỡ, không
hề biết đến thất bại bao giờ.
- Bản đó do ông
sáng tác. - Anh nói. - Étude số bảy,
đúng không?
- Đúng thế. -
Irina nhắc lại một cách máy móc. Mắt cháu mở to, chăm chú nhìn Kostandi, tựa
như không thể tin nổi là anh lại chính là nhạc sĩ sáng tác, đã tạo nên cái bản étude ấy...
Trên đường về,
cháu gặng hỏi tôi:
- Ông ơi, ông nói
cho cháu biết cái ông ấy có tốt không?
- Tốt cháu ạ.
- Thế thì tại sao
cô con gái lại không thương yêu ông ấy?
- Không thương
yêu ư? Không, cháu không đúng, cô ta gắn bó với ông ấy, đơn giản chỉ vì tính
tình cô ta không tốt đấy thôi.
- Không, cô ta
không thương yêu ông ấy. - Irina tuyên bố một cách vững tin. - Không thương yêu
đâu.
- Tại sao cháu lại
cho là như thế?
- Bởi vì khi ông ấy
nói đó là bản étude của ông ấy, cô ta
lại cười nhạo. Cháu đã nhìn thấy cô ta khẽ cười nhạo ra sao, thế mà đáng lý ra
cô ta phải hãnh diện vì người cha như thế mới phải, chứ tuyệt nhiên không thể
cười nhạo được…
Đêm hôm ấy, tôi
mãi không ngủ được, cứ nghĩ hoài về Irina. Quả thực là cô bé không có vỏ bao bọc
tâm hồn. Nhưng thế thì sống sẽ rất gay go.
Nếu không có vỏ bọc
thì nỗi đau của người khác nhất thiết trở thành nỗi đau của mình…
“Chỉ mong sao mình ít nhất cũng sống được tới
lúc cháu trưởng thành. - tôi thầm mong. - Ít nhất mình cũng ở bên cạnh nó, có
thể giúp gì được cho nó thì giúp...”
Tưởng tôi đã hiểu
hết cháu, nhưng rồi cháu vẫn luôn khiến tôi phải ngạc nhiên. Có lần cháu bỗng hỏi
tôi:
- Ông ơi, sao ông
lại quyết định vì cháu mà hy sinh mọi thứ vậy?
- Nói gì lạ vậy?
Ông chả phải hy sinh cái gì vì cháu cả. Hoàn toàn không hy sinh cái gì hết!
- Không, - Irina
phản đối, - ông có hy sinh. Ông đã có thể lấy vợ và có con đẻ của mình rồi,
nhưng ông đã mang cháu về và cứ sống một mình…
Thậm chí tôi phải
rùng mình. Chắc một mụ hàng xóm lắm lời nào đó đã kịp ca cái điệu này cho cháu
nó rồi đây.
Và tôi cố ý nói bằng
giọng gay gắt:
- Chắc cháu phát
điên rồi chứ chẳng phải không? Cháu nói lăng nhăng cái gì vậy? Con nào kia chứ?
- Con ruột ấy.
Ông đã có thể có những đứa con ruột rồi.
- Ông chả có thể
có ai ruột thịt hơn cháu được hết!
Cháu nhìn tôi, hẳn
là trên nét mặt tôi, trong ánh mắt tôi có cái gì đó thuyết phục được cháu và
cháu hiểu rằng tôi không nói dối, rằng tôi hoàn toàn thực thà. Cháu gật đầu với
tôi, đôi mắt ánh lên sung sướng. Từ đó, không khi nào cháu còn nói tới chuyện
tôi hy sinh mình vì cháu nữa. Dường như cháu đã quên những lời cháu nói. Nhưng
tôi thì không quên, vẫn nhớ.
Nhiều lúc tôi đã
muốn nói với cháu:
- Cô bé ơi, cháu
hãy láu lỉnh hơn một chút, hãy kín đáo hơn, đừng bóc trần tâm hồn mình ra như
thế, ông lo cho cháu lắm, sợ cháu không được che chở, lúc ấy sẽ ra sao?
Nhưng tôi không
nói. Vì sao? Vì có nói cháu cũng không nghe lời tôi. Đằng nào thì cháu cũng sẽ
vẫn thế, đúng như bản chất của mình...
Đôi khi tôi vào
buồng cháu, lúc cháu đã ngủ.
Bóng hàng mi rợp
xuống má, môi hơi hé mở. Có xinh đẹp hay là không? Không, hoàn toàn không,
nhưng rất dễ thương, duyên dáng, hay đó chỉ vì tôi thương cháu quá nên cảm thấy
thế? Tôi thương cháu như thể thương con gái ruột thịt của mình hoặc còn hơn thế
nữa...
Có những người
nói rằng tôi cố tình vùi dập mọi ước muốn của mình để hoàn toàn hiến dâng mình
cho cô bé con - một cô bé con thực chất là họ hàng xa, rồi nó sẽ lớn lên và
không muốn nhớ tới tôi nữa. Có lần bà phụ trách quản lý nhà Agnessa đã nói ra
những lời như thế:
- Rồi ông sẽ thấy,
lớn lên rồi nó sẽ không còn nhớ tới ông nữa, cứ như ông chẳng hề có bao giờ.
Agnessa là một
người rất hăng hái, sôi động và có định kiến rõ ràng. Hơn nữa lại là người khó
tính, không bao giờ tha thứ cho ai cái gì cả, chỉ chờ đợi ở mọi người sự tệ bạc
nhất mà thôi. Đồng thời lại nổi bật ở tính đôn hậu và rộng rãi. Lúc nào cũng có
thể mượn bà ta bất cứ cái gì - từ tiền bạc đến miếng thịt nấu ăn. Bà ta không
biết cách từ chối và những người sống trong ngôi nhà chúng tôi biết được đặc điểm
ấy của bà nên đã khéo léo lợi dụng bà.
Một mặt thì
Agnessa thương hại Irina:
- Tội nghiệp quá,
từng ấy tuổi đầu mà đã phải mồ côi...
Mặt khác bà ta lại
nghĩ sau này Irina sẽ vô ơn khi nó lớn lên.
- Đấy, rồi ông
xem, nó sẽ quên mất ông và chả một lần nhớ tới...
Nhưng tôi không
tin bà ta. Tôi biết Irina thương tôi. Tình yêu thương là bản chất chủ yếu trong
thiên tư của cháu. Cháu không thể không yêu thương, cháu cần có ai đó để cháu
chăm sóc, giúp đỡ những gì cháu có thể giúp. Chính cái đó, theo sự hiểu biết của
cháu, là thực chất của tình yêu.
Tôi còn nhớ hồi học
lớp Sáu cháu đã tổ chức ra Ban Giúp Đỡ. Tham gia ban này có năm cô gái và ba cậu
trai. Điều kiện chủ yếu: trước hết phải có điện thoại, sau đó phải biết thuyết
phục, an ủi, biết làm cho người khác phấn khởi, hy vọng. Ngoài ra còn phải có
giọng nói chân thành tha thiết.
Bất cứ học sinh
nào, vào bất cứ thời gian nào cũng có thể gọi điện thoại tới một trong tám số
điện thoại, (tất cả học sinh đều biết các số điện thoại này, bọn trẻ biết cách
quảng cáo ra trò), kể hết chuyện gì đã xảy ra với mình, nếu muốn, có thể không
nêu tên mình ra, và hỏi lời khuyên. Còn nếu cần, có thể cả sự giúp đỡ thực tế nữa.
- Ông có hiểu
không, - Irina nói, - toàn bộ vấn đề là ở chỗ đây không phải chỉ là cơ quan
giúp đỡ, mà còn là tiếng nói của bạn bè. Người gọi điện tới biết rõ người bạn
mà mình nói chuyện, còn người bạn này thì không nhất thiết phải biết người gọi
tới.
Thường thường
chuông điện thoại gọi tới chúng tôi bắt đầu từ lúc chiều tối và đôi khi mãi tới
mười hai giờ đêm mới dứt.
Nhà tôi có hai
máy song song, xin thú nhận là nhiều lúc tôi đã nhấc máy lên nghe…
- Ai đó? - Một giọng
thanh thanh của cô bé gái.
- Tiếng nói bạn
bè đây, - Irina trả lời. - Có chuyện gì thế?
Cô bé im lặng, chỉ
sụt sịt khóc vào ống điện thoại.
- Khoan hãy khóc.
Trước hết hãy kể xem có chuyện gì đã.
- Bà ta cứ bới
móc kiếm chuyện. - Cô bé nói.
- Bà ta là ai?
- Bà toán. Ai
cũng bị bà ta bới móc kiếm chuyện. Nhất là tôi...
- Đó là bà Maria
Rudolfovna phải không?
- Cố nhiên rồi,
còn ai vào đó nữa?
- Tại sao bà ấy lại
kiếm chuyện với cậu? - Irina vẫn hỏi một cách nghiêm trang như cũ.
- Kh... không biết
nữa.
Hẳn là người gọi
tới lại khóc.
- Khóc nhè thế đủ
rồi.
Tôi hiểu Irina cố
gắng tỏ ra thật nghiêm khắc.
- Không một giọt
nước mắt nào nữa, nghe không?
- Nghe ạ, - cô bé
nói đứt quãng.
- Cậu có thích
toán không?
- Không thích lắm.
- Sao, khó hiểu
được nó à?
- Nói chung tôi
thích môn tiếng Nga và môn văn hơn.
- Mình cũng thích
môn văn nhất. - Irina đồng ý.
- Tôi biết rồi. Lần
trước cậu làm bài tập làm văn hay nhất.
- Bài của cậu
cũng hay. - Irina nói.
Cô bé hơi do dự một
chút.
- Chẳng lẽ cậu biết
tôi sao?
- Cố nhiên rồi. Cậu
là Galya Karpeka.
- Đúng, làm sao cậu
nhận ra được mình?
Cảm thấy Irina mỉm
cười.
- Qua những giọt
nước mắt. Chính cậu cũng tự biết mình là người mau nước mắt kinh khủng như thế
nào rồi! Hơi một chút là lập tức chảy nước mắt!
- Thế cái đó thì
tệ lắm hay sao? - Galya hỏi với vẻ thách thức.
- Tệ lắm. Phải cố
gắng đừng có khóc. Dù chuyện gì xảy ra, dù thế nào chăng nữa - không được có một
giọt nước mắt nào.
- Thế nếu như tôi
không thể nào không khóc được? - Galya hỏi.
Thấy rõ cô bé quả
là một cây khóc nhè, thậm chí tôi còn lo cô bé sẽ òa ra khóc ầm ĩ nữa.
Nhưng Irina có vẻ
không hề lo ngại. Cháu bắt đầu say sưa nồng nhiệt thuyết phục Galya:
- Cậu phải hiểu đấy
là do cậu tưởng như vậy thôi! Chẳng ai muốn kiếm chuyện với cậu đâu, không hề
có chuyện đó. Mọi người đều thương cậu, đều hãnh diện vì cậu, cậu xinh đẹp kinh
khủng, một vận động viên tuyệt vời, chạy không ai kịp, nhảy xa hơn tất cả mọi
người. Còn cậu khiêu vũ mới tuyệt chứ!
Và còn bao nhiêu
lời tốt đẹp nữa về Galya - cô bé mà tôi đã có dịp nhìn thấy. Một cô bé bình thường,
thật ra cũng chẳng đẹp lắm, khóc nhè và mách lẻo một cây, lúc nào cũng than vãn
về mọi người, không hài lòng về mọi chuyện, một thứ của tội của nợ cho các giáo
viên...
Tôi cũng nói thẳng
như thế với Irina:
- Cháu thuyết phục
con nhỏ ấy làm gì? Nói nhẹ đi thì đó là những lời nói thổi phồng, còn nói nặng -
thì đó là những lời nói dối tầm thường nhất.
Irina lập tức phản
đối:
- Con người ta ai
cũng có nhu cầu được ngợi khen, chẳng lẽ ông lại không tự hiểu điều đó hay sao?
Cần phải nói với người ta rằng anh đôn hậu, xinh đẹp, thông minh, tốt bụng,
dũng cảm, thì tự người ta sẽ cố gắng để trở thành tốt, đẹp, thông minh, dũng cảm...
Biết làm sao được,
thú thật là những lời ấy đã thuyết phục được tôi và tôi thầm nghĩ rằng nhiều
khi Irina xử sự còn sáng suốt hơn cả nhiều nhà sư phạm và bác học nổi tiếng của
chúng ta, tuy có thể cháu hoàn toàn không nghĩ đến chuyện đó...
Có lần đã xảy ra
cuộc nói chuyện của cháu với một chú bé mà cháu không thể nhận ra. Còn cậu ta
thì không tự nói.
Cậu ta nói rằng
muốn bỏ nhà ra đi vì không có sự thông cảm lẫn nhau với cha của cậu. Cậu ta đã
diễn tả thế này:
- Tôi với ông ta
là những người rất khác nhau. Không thể nào có tiếng nói chung được.
Irina hỏi:
- Thế cậu học lớp
nào?
- Chuyện đó thì
có ăn nhằm gì?
Cháu giận dữ
tuyên bố:
- Nếu chẳng ăn nhằm
gì thì gọi điện thoại cho tôi để làm gì?
- Thôi mà, đừng
có cáu.
- Được rồi, tôi
không cáu nữa. Tôi có biết cậu không?
- Thế tự cậu nghĩ
thế nào?
- Không hiểu.
Hình như tôi không quen tiếng cậu.
- Đấy là do tôi
ép cục đá vào má để cậu không nhận ra tiếng tôi thôi.
- Nếu không muốn
thì có thể không nói tên ra cũng được.
- Tạm thời tôi sẽ
không nói đâu.
Tôi nghe chuyện của
chúng từ một cái máy khác. Tôi biết nghe lén lúc người khác nói chuyện là không
tốt, việc đó cũng gần như đọc thư trộm vậy. Nhưng tôi không sao bắt mình bỏ máy
xuống được.
Giọng nói của cậu
bé toát ra vẻ tự tin vào lẽ phải của mình. Và đầy chân thành nữa. Tôi nghe những
gì cậu bé đó nói và chợt thấy mình rất tin vào cậu ta. Tôi rất muốn không tin,
vì như thế sẽ dễ dàng hơn, nhưng không thể được và tôi tin vào từng lời của cậu
ta.
- Ông ta đày đọa
tôi và mẹ tôi. Suốt ngày im lặng, còn hễ mở miệng là ra lệnh:
“- Ủi cho cái quần
dài...”
“- Hâm nóng món
xúp đi...”
“- Đính cho cái
nút...”
Với tôi thì chẳng
nói một lời. Mẹ tôi hỏi ông ta có đi họp phụ huynh ở trường cho tôi không, ông
ta huýt sáo và lặng lẽ mỉm cười. Và không một lời đáp lại.
- Ông ta là cha đẻ
của cậu chứ? - Irina hỏi.
- Cố nhiên là cha
đẻ.
- Xưa nay ông ta
vẫn như thế? Không chan hòa như vậy?
- Có lẽ lúc nào
cũng như vậy. Ông ta không hề đi dạo chơi với tôi bao giờ, và tôi không nhớ có
lần nào ông ta đi bơi thuyền với tôi hay cùng tôi đi tới sân trượt băng.
- Còn chính ông
ta thì đi trượt băng?
- Có đi. Có lần
tôi bảo: “Ba ơi, cha con mình cùng đi”, nhưng ông ta trả lời:
“- Tôi thích đi một
mình. Người nào cứ đi việc riêng của người đó.”
Cậu bé im lặng rồi
hỏi:
- Thế nào, tiếng
nói bạn bè, sẽ khuyên gì đây?
- Tôi hiểu cậu. Tất
cả những cái đó thật nặng nề quá, nhưng nếu cậu bỏ nhà đi thì đi đâu?
- Tôi sẽ đến với
ông tôi ở vùng Altai.
- Ông nội hay ông
ngoại?
- Ông ngoại.
- Thế có bà
không?
- Không, bà mất
lâu rồi. Ông lấy vợ lần nữa khoảng mười năm về trước.
- Ông làm nghề
gì?
- Làm kỹ sư chăn
nuôi ở nông trường quốc doanh.
- Thế vợ của ông?
Cậu có biết bà ta không?
- Chưa gặp bao giờ
cả.
- Ở đây có hai
tình tiết quan trọng. - Irina nói. - Mẹ của cậu và người bà thứ hai của cậu. Cậu
đã suy nghĩ về mẹ của cậu chưa? Làm sao cậu bỏ bà lại mà đi cho được? Bà sẽ chịu
đựng chuyện cậu ra đi thế nào? Chắc hẳn cậu là niềm vui duy nhất của bà.
- Chắc thế...
- Đấy, cậu thấy
không? Bây giờ đến bà vợ của ông cậu. Cậu còn chưa biết bà ta. Ngộ lỡ bà ta
không tiếp nhận cậu về mặt tinh thần thì sao? Lúc ấy cậu ở với ông sẽ khổ chứ
gì?
Cậu bé im lặng.
Irina hỏi:
- Cậu có nghe thấy
tôi nói không?
- Có nghe.
- Có đồng ý với
tôi không?
- Đồng ý.
- Tất nhiên có thể
tính tình bà ta không tốt.
- Tôi không nghĩ
về bà ta, mà đang nghĩ về mẹ tôi. Tôi chả cần quái gì tính tình người vợ của
ông tôi, nhưng còn về mẹ tôi thì quả thực...
Cậu bé không nói
hết câu. Một tiếng tách vang lên những hồi còi ngắn. Hẳn là ống điện thoại đã
được đặt xuống giữa chừng câu nói, nhưng chẳng cần thế thì mọi chuyện cũng đã
rõ cả. Tôi cũng đặt ống nói xuống. Irina đi vào phòng tôi.
- Ông ơi, ông đã
nghe hết cả rồi chứ?
Thật mắc cỡ khi
phải thú nhận là đã nghe, nhưng tôi không muốn nói dối.
- Có nghe hết cả.
- Chuyện này
nghiêm trọng đấy. Đâu phải chuyện Galya-khóc-nhè, bà toán bới móc.
- Cần phải suy
nghĩ. - Tôi đồng ý.
- Cháu nghĩ có lẽ
cậu ta sẽ không bỏ đi khỏi nhà. - Irina lại cất tiếng nói.
- Cháu nhận ra cậu
ta ư?
- Cháu nghĩ thế.
Irina cười nhạt.
- Mặc dù cậu ta
đã ép cục đá vào bên má, nhưng cháu vẫn nhận ra. Không phải nhận ra ngay từ câu
nói đầu tiên thì cũng từ câu thứ hai.
Té ra đó là Mitya
Kashirtsov, cậu ta học ở lớp bên cạnh, là một vận động viên xuất sắc, cầu thủ
bóng chuyền giỏi nhất trường. Mitya lập tức thú nhận ngay với Irina rằng chính
cậu ta đã gọi điện và bàn bạc với cháu...
Nhưng Irina không
nói với cậu ta rằng cháu đã nhận ra cậu ta. Cháu cho rằng trong trường hợp ấy
Ban Giúp Đỡ sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Bởi vì việc tốt cần phải được làm một
cách vô tư, điều quan trọng là tiếng nói bạn bè trước hết phải không thiên vị,
mang đến sự giúp đỡ và lời khuyên thông minh đều cho tất cả mọi người.
Năm lớp Chín,
Mitya đã yêu Irina. Cậu ta là mối tình đầu của Irina. Chàng trai có thân hình
to lớn trước tuổi, lúc thì vui vẻ vô tư, khi lại đột nhiên cau có, u ám như buổi
sớm mùa thu.
Tôi vừa ưa lại vừa
không ưa cậu ta. Chủ yếu tôi lo rằng Irina sẽ mệt vì cậu ta. Cậu đến nhà chúng
tôi mỗi ngày, ngồi cho đến khuya, nhiều lúc nói không biết mệt, nhiều lúc lại
im lặng suy nghĩ về điều gì đó mà chẳng ai biết hết.
Tôi hỏi Irina:
- Cháu có thấy nặng
nề với cậu ta không?
- Ông đừng lo. -
Cháu mỉm cười trả lời tôi. - Đừng lo cho cháu.
- Ông có lo gì
đâu.
- Không ai xúc phạm
cháu đâu. - Irina nói, không cần tôi nói cháu vẫn hiểu nỗi phân vân lo lắng của
tôi. - Không một ai hết, cả Mitya cũng vậy. Nói chung cậu ấy là một người hiền
hậu.
Theo tôi thì cháu
đã lầm. Mitya có thể xúc phạm cháu. Nhưng tôi chưa muốn can thiệp, cứ ngấm ngầm
lo lắng cho cháu.
Mối tình đầu của
cháu chấm dứt cùng với việc kết thúc bậc phổ thông ở nhà trường.
Mitya cùng với mẹ
và cha cậu đi đến vùng Altai, Irina tiễn họ ra ga, rồi sau đó viết cho cậu những
bức thư tỉ mỉ rất dài. Nhưng chẳng bao lâu thư từ của cậu ta thưa thớt dần.
Irina thi đậu vào
trường Đại học Kinh tế - kế hoạch Moskva. Cháu viết cho Mitya rằng có thể khi
nào đó hai người sẽ gặp nhau trên một công trường xây dựng... Cậu ta không trả
lời lại. Và cháu không viết cho cậu ta nữa.
Tôi lo lắng rằng
Irina sẽ đau khổ vì chuyện này, bởi cháu là người sâu sắc và nhạy cảm, không biết
cách dễ quên đi, xóa bỏ một cách thanh thản những gì không còn đáng quan tâm tới
nữa trong cuộc sống của mình.
Nhưng tôi rất mừng
khi thấy cháu chơi thân với Pikaskin, biệt danh của cậu Marik Simakov; cậu ấy lớn
hơn Irina khoảng ba tuổi, sống cùng một góc phố với chúng tôi, vẽ những con
chim bồ câu rất giỏi, và cũng giống như Irina, rất thích truyện trinh thám.
Cậu ấy kiếm được ở
đâu đó những nguyên bản truyện trinh thám Pháp, Anh và Mỹ, tôi dịch chúng ra tiếng
Nga - việc đó đối với tôi không mấy khó khăn - còn Irina đánh máy lại thành bốn
bản trên chiếc máy chữ Remington cũ kỹ của tôi. Những truyện trinh thám ấy được
say mê đọc, chuyền tay nhau khắp cả trường, ghi tên xếp hàng để đọc, và có lần
tôi đã nghe thấy Marik trách Irina là cháu không biết từ chối một ai cả.
- Phải biết từ chối
chứ. - Marik khẳng định.
- Em sẽ cố thử, dần
dần rồi sẽ biết. - Irina ngoan ngoãn đồng ý, nhưng tôi nghĩ thầm: khó có khi
nào mà cháu học được cách từ chối. Chuyện ấy thì cháu chẳng làm được đâu...
Một lần nọ, Marik
vẽ cháu, theo thường lệ là dưới dạng một con chim bồ câu. Theo tôi thì cậu ấy
chỉ vẽ có một thứ chim câu, con bồ câu này có khuôn mặt của Irina, có mái tóc
quăn tết thành bím của cháu, hàng mi dài và nụ cười với vẻ ngạc nhiên. Irina rất
vừa lòng và giao cho tôi cất cẩn thận “tác phẩm nghệ thuật” này để khỏi bị thất
lạc.
Tôi có cảm giác rằng
Pikaskin không chú ý gì đặc biệt đến Irina. Chắc cháu không xứng đáng được nhận
sự chú ý của người trí thức trẻ đầy tài năng - như cậu ta vẫn tự cho mình là thế.
Tôi không nói với
cháu về Marik, nhưng tôi cảm thấy Irina không hẳn chỉ đau khổ mà còn thấy bị
thương tổn về sự dửng dưng hoàn toàn của cậu ấy đối với mình. Tuy nhiên, nếu
tôi có hỏi cháu đi nữa, thì cháu cũng không đời nào chịu thú nhận rằng cháu giận
Pikaskin.
Và tôi cũng không
thích gặng hỏi hoặc an ủi, vỗ về cháu.
Còn tôi thì cứ
nghĩ rằng thật đáng giận, khi cháu gái tôi không may trong tình yêu. Tại sao lại
thế? Cháu đâu có kém cạnh gì ai?
Anh bạn Kostandi
mà tôi và Irina đã có lần tới thăm, một bữa nọ đã bảo tôi:
- Mỗi người đều
có chương trình định trước về chuyện may mắn thành đạt hay không thành đạt. Tôi
biết chắc như vậy.
Tôi e ngại không
dám hỏi anh, xem với chính anh thì chương trình định trước như thế nào, nhưng
anh đã tự nói:
- Đấy, như tôi chẳng
hạn, lúc đầu thì chương trình định trước là may mắn, thành đạt, hạnh phúc, còn
bây giờ đây, khi tôi đã già nua...
Anh không nói hết
câu. Tôi cũng không an ủi anh. Tôi biết cô con gái Teresa dày vò hành hạ anh suốt.
Tôi nói, cho bản
thân nhiều hơn là cho anh:
- Nói chung tuổi
già là chuyện chẳng mấy vui vẻ...
Nhưng anh không đồng
ý với tôi.
- Không phải lúc
nào và không phải đối với tất cả mọi ai cũng thế. Thí dụ ngay như anh chẳng hạn,
rất hạnh phúc! Anh có đứa cháu Irina thật tuyệt vời!
Tôi cũng không
tranh cãi với anh. Chẳng lẽ cháu Irina của tôi không tuyệt vời thực hay sao?
Không một ai biết
cháu yêu Pikaskin, và tôi cũng chưa lần nào thú thật với Irina rằng tôi biết nỗi
lòng thầm kín của cháu. Hơn nữa, hai đứa cũng gặp nhau ngày mỗi thưa thớt hơn,
và trong thâm tâm tôi cho rằng cuối cùng thì Irina sẽ quên cậu ấy, sẽ gặp được
một người nào khác hiền hậu, thủy chung, yêu thương cháu và cháu sẽ hạnh phúc
như cháu hằng xứng đáng được như thế.
Tôi thiết tha
mong cháu được hạnh phúc. Vả chăng điều đó cũng chẳng có gì lạ: thông thường
cha mẹ nào mà không mong con cái mình hạnh phúc.
Pikaskin đang học
đại học năm thứ ba thì gặp một nỗi bất hạnh: cha của cậu bị chết đột ngột.
Lúc đó Irina đang
thực tập ở đâu đó mãi tận Krasnodar. Thỉnh thoảng cháu gọi điện thoại cho tôi.
Một lần, khi cháu
gọi điện cho tôi, tôi đã nói cho cháu biết về việc xảy ra với Pikaskin. Thú thật
là tôi lấy làm hài lòng vì cháu không ở Moskva trong thời gian cha của Marik chết,
bởi nếu cháu ở đây thì tôi e rằng cháu sẽ bỏ hết công việc của mình và suốt
ngày ngồi ở nhà Marik để gắng làm cho cậu ấy khuây khỏa, khỏi nhớ lại những
chuyện đau lòng.
Ban Giúp Đỡ - biết
làm sao được! Cháu chỉ hiểu như vậy về cái ban này - ở bên cạnh bạn bè, nâng đỡ
bạn nếu cần thiết, không bỏ mặc bạn trong lúc hoạn nạn, chỉ có như thế, không
thể khác được... Còn lần ấy cháu chỉ giới hạn bằng việc gửi điện chia buồn với
Marik. Tuy nhiên, bức điện dài dòng hiếm có, gần tới cả trăm từ, như sau này
chính cháu đã thú nhận với tôi...
Ít năm sau Marik
cưới vợ, lấy một cô gái rất đẹp và hình như hoàn toàn thỏa mãn với số phận của
mình.
Irina thường lại
nhà Marik, kết bạn với vợ cậu ấy và nếu như tôi không hiểu cháu Irina của tôi
như tôi vẫn hiểu, thì chưa chắc tôi đã tin rằng quả thực cháu đối xử với
Pikaskin như cháu đối với một người bạn chứ không có gì hơn...
Nhưng tôi đã quá
yêu thương cháu, biết rõ cháu quá lâu, nên không thể nào lại không hiểu tất cả
sự thật. Tôi hiểu vẻ sinh động của cháu, vẻ luôn vui tươi yêu đời của cháu
không phải là gì khác hơn sự ngụy trang mà ngay con mắt sắc sảo nhất cũng không
dễ gì nhận ra được. Tuy nhiên, tôi không nói cho cháu biết rằng tôi hiểu tất cả.
Còn cháu, dù từ nhỏ đã quen cởi mở, thành thật với tôi trong mọi chuyện, cũng
không vội thổ lộ với tôi.
Thời gian cứ thế
trôi qua, và chúng tôi cứ tiếp tục sống, tiếp xúc với nhau, người nào cũng biết
cùng một chuyện, nhưng không thú nhận gì với nhau hết.
Rồi sau đó xảy ra
chuyện này: vợ của Marik bỏ đi. Ngày hôm ấy Irina về nhà muộn. Tôi chưa ngủ, chờ
cháu về. Cháu không gọi điện thoại theo thường lệ khi muốn dặn trước để tôi khỏi
phải chờ, và tôi lo muốn phát điên lên. Từng giây lát tôi lại ngó vào đồng hồ.
Moskva là một
thành phố khổng lồ, xe cộ ngoài đường nhiều kinh khủng, ngộ lỡ xảy ra chuyện gì
đó đáng sợ thì sao?
Tôi không muốn
nghĩ đến chuyện không hay, nhưng những ý nghĩ đáng buồn cứ theo nhau len lỏi
vào đầu tôi, và tôi đứng ngồi không yên cho đến khi cháu xuất hiện. Đã hơn một
giờ đêm.
Tôi nghe thấy tiếng
chìa khóa của cháu xoay trong ổ và tôi sung sướng vô ngần. Tuy nhiên, tôi quyết
không để lộ nỗi vui mừng của mình, nếu không sẽ lại làm cháu quá được nuông chiều,
vì không thế thì cháu cũng đã tin chắc rằng đối với tôi không còn có ai tốt
hơn, dễ thương hơn, quý báu hơn cháu cả. Vả chăng sự thực cũng là như vậy.
- Ông không ngủ
ư? - Cháu buồn phiền hỏi tôi khi nhìn thấy tôi đang ngồi đọc sách sau bàn (đến
bây giờ tôi vẫn không nhớ mình đã đọc cuốn gì và nói chung là có đọc hay không,
hay chỉ ngó vào những chữ in mà không nghĩ gì cả).
- Lẽ ra cháu có
thể gọi điện về. - Tôi nói. - Nếu không thì chỉ chút xíu nữa là ông cũng giống
như già Aegeus, vì tuyệt vọng mà nhảy xuống biển.
Tôi đã kể cho
cháu nghe cái chuyện thần thoại cổ ấy về tình yêu của người cha và sự vô ơn của
người con trai từ thời cháu học lớp Bốn. Hồi ấy cháu đã hỏi tôi:
- Làm sao lại có
thể thế được? Cái cậu Theseus thật tệ quá! Cậu ta đã thỏa thuận trước với cha rồi,
nếu mọi chuyện tốt đẹp thì kéo cờ màu sáng lên trên con tàu, còn nếu cậu ta bị
hy sinh thì kéo cờ đen, màu tang...
- Phải. Mọi chuyện
tốt đẹp cả, nhưng cậu ta quên thay cờ màu đen thành màu sáng. Ông già nhìn thấy
cờ tang tưởng rằng con trai đã hy sinh và ông nhảy xuống biển...
Irina nói:
- Cháu không làm
sao hiểu nổi cái cậu Theseus ấy! Cậu ta làm sao có thể sống được, nếu như cha cậu
bị chết vì cậu?!
Lúc ấy tôi không
biết trả lời cháu thế nào. Theseus và người cha được cô bé hình dung là những
người thật, đang sống, còn tôi thì sợ mình phá hủy mất niềm tin trẻ thơ chân thực
của cháu, nên không khuyên can cháu. Cứ để cho cháu tin, có hại gì đâu?
... Và bây giờ, sực
nhớ lại câu chuyện về Theseus, về người cha của anh ta và những câu nói của
Irina thuở ấy, tôi bất giác mỉm cười. Nhưng cháu không cười đáp lại. Cháu
nghiêm khắc hỏi tôi:
- Sao ông lại cứ
đọc sách?
- Chẳng lẽ lại
không được đọc sách hay sao?
- Không được. Ông
đừng quên rằng ông đang bị bệnh thiên đầu thống, và phải giữ gìn con mắt của
mình. Ông hiểu không?
- Ông hiểu. Thậm
chí có muốn cũng phải chịu thôi.
Không chút bóng
dáng nụ cười nào thoáng qua trên khuôn mặt Irina.
- Chắc ông lại
quên nhỏ thuốc pilocarpin vào mắt rồi chứ gì? Ông ơi, cháu biết phải làm sao với
ông đây? Phải đánh đòn ông chắc? Bằng roi hay bằng gậy nào?
- Cháu đánh bằng
gì tùy ý. Nhưng pilocarpin thì ông đã nhỏ vào mắt cả hai lần rồi. Bây giờ ông sẽ
nhỏ lần thứ ba đây.
Irina chờ tôi nhỏ
thuốc vào mắt xong rồi mới nói:
- Ông biết không,
cháu vừa ở chỗ Pikaskin về. Anh ấy gặp nỗi đau khổ.
- Có chuyện gì vậy?
- Taya bỏ anh ấy
rồi.
- Tại sao vậy?
- Chuyện dài lắm.
Người chồng trước của cô ta bị ô tô đâm phải và hiện đang nằm ở bệnh viện. Có lẽ
anh ta sẽ bị tàn phế suốt đời.
- Kinh khủng quá.
- Tôi nói, quả thực tôi thấy tội nghiệp cho con người ấy. Anh ta chắc còn trẻ,
đầy sinh lực và giờ đây đang phải chờ đón một tương lai đáng sợ nhường ấy.
- Vâng, thật kinh
khủng. Và Taya cho rằng anh ta không thể thiếu cô được. Họ bỏ nhau vì anh ta đã
phản bội cô, nhưng bây giờ cô ta quên hết mọi chuyện...
- Té ra cô ấy vẫn
không hết yêu chồng cũ.
- Cháu cũng thấy
hình như thế. Và cứ cho là như thế đi, nhưng cô ta lấy Marik để làm gì? Không lẽ
cô ta không hiểu rằng không được đùa với cuộc đời của người khác, suy cho cùng
thì điều ấy là không thể tha thứ được!
Đôi mắt Irina
long lanh, má hồng lên giận dữ.
- Này, cháu bé
này. Ông xin cháu hãy bớt đi vào chuyện riêng của người khác, hãy điềm tĩnh hơn
một chút, hơi ích kỷ hơn một chút cũng được!
- Như Theseus ấy ạ?
- Irina hỏi và tự trả lời ngay. - Cháu không thể thế được ông à. Theo cháu thì
làm người ích kỷ vừa khó lại vừa chán ngắt. Từng phút chỉ luôn nghĩ về mình, về
sức khỏe của mình, về tâm trạng của mình, về những cảm xúc của mình, để khỏi bị
tổn hại đến bản thân, để khỏi phải bực mình, như thế thì thật kinh khủng quá!
Tôi rùng mình.
Cái gen di truyền dẫu sao cũng là thứ ghê gớm thật!
Thuở nào, cũng chính
những câu ấy đã được nói ra bởi cậu cháu tôi - cha của Irina - hồi ấy cậu ta thậm
chí còn ít tuổi hơn cả Irina bây giờ một chút.
Cháu bỗng lo lắng.
- Ông ơi, ông làm
sao thế? Ông khó chịu à? Ông cảm thấy khó chịu trong người phải không?
- Không, mọi chuyện
bình thường cả.
- Đây là lỗi ở
cháu. - Irina cay đắng thốt lên. - Tại cháu hết. Chắc là ông lo lắng cho cháu
và bây giờ bị ảnh hưởng. Mắc bệnh thiên đầu thống mà xúc động là rất có hại.
Tôi cố tình nói với
vẻ cộc cằn.
- Vấn đề không phải
ở chuyện của ông... Mà là chuyện của cháu, ông lo ngại cho cháu. Sợ lại xảy ra
chuyện gì đó...
- Ông lo ngại
chuyện gì kia? - Cháu ngạc nhiên.
- Ông lo là cháu
lại bắt đầu tổ chức Ban Giúp Đỡ.
- Ban nào ạ? Giúp
đỡ gì kia?
- Lẽ nào cháu quên
rồi sao? Tiếng nói bạn bè, giúp đỡ qua điện thoại, đến tận nhà thổ lộ tâm can,
nỗi đau thương và lời an ủi, vắn tắt là trở lại cái vòng luẩn quẩn.
Cháu hiểu ra, nói
gạt đi một cách khô khan:
- Ông đừng lo,
không có những chuyện ấy đâu.
- Và cháu sẽ không
đi lo làm yên lòng và an ủi cái anh chồng đau khổ chứ?
Cháu trân trối
nhìn tôi trong giây lát, không thốt một lời. Sau đó cháu hỏi:
- Ông ơi, ông giả
bộ làm chi vậy? Ông đâu có phải là người mà ông giả bộ theo.
- Ông không hề định
giả bộ. Tại sao cháu lại nghĩ thế?
Nhưng cháu không
để ý nghe tôi nữa.
- Ông cứ giả bộ độc
ác, châm biếm, hài hước, chua chát, nhưng thực ra ông hoàn toàn không phải thế,
mà đôn hậu, thông cảm, đầy vị tha...
- Nói chung là một
cái tủ đầy khả kính...
Tôi thành thật
phá lên cười. Tôi chịu không nổi những ngôn từ khoa trương. Lại càng không
thích người ta tâng bốc mình. Cái đó quả thực chẳng để làm gì...
Buổi trò chuyện của
chúng tôi đến đó thì kết thúc, Irina đi ngủ và tôi cũng vậy.
Mờ sáng - khi tôi
vẫn còn đang ngủ - cháu đã chạy đi. Và buổi tối cháu nói với tôi rằng cháu có
cuộc hẹn với Taya, vợ của Marik.
Họ gặp nhau ở vườn
hoa phía trước bãi quần ngựa. Irina buồn bã trở về nhà.
- Không được cái
gì hết. Taya không bao giờ trở lại với anh ấy nữa.
- Cháu đã thông
báo với anh ta chưa?
- Chưa kịp làm.
Cháu sẽ gọi điện vào sáng mai.
- Tại sao lại
sáng mai?
- Cứ để cho anh ấy
được ngủ một đêm trong hy vọng.
- Đấy là do anh
ta đề nghị cháu nói chuyện với cô vợ hay hoàn toàn là sáng kiến của cháu?
Cháu không trả lời
ngay.
- Cả hai. Vừa anh
ấy đề nghị, vừa là cháu cũng muốn vậy.
Tôi nghĩ thầm: vị
tha quá như vậy thật có hại, bởi khi ấy cứ định chất hết cả gánh nặng lên vai
mình mà không chịu san bớt cho ai đó nữa...
Không - tôi nghĩ -
dù sao thì làm người ích kỷ có lẽ cũng khỏe hơn và có lợi hơn là làm một người
như cháu Irina của tôi...
Trái tim tôi thắt
lại đau đớn. Cháu bé của ông ơi, cháu cứ phung phí bản thân một cách không suy
tính và tàn nhẫn như thế để làm gì kia?
Nói thật là tôi sẵn
sàng cho chặt bất cứ cánh tay nào của tôi, tay phải hay tay trái, miễn sao giúp
được cháu, làm cho cháu sống dễ dàng hơn, nhưng, than ôi, cháu đâu có chịu nghe
lời tôi. Lẽ nào cháu lại chịu đồng ý sống không theo cách của mình, không theo
những luật lệ chỉ thích hợp cho riêng cháu?
Trong lúc ấy cháu
hẳn không ngờ rằng tôi đang nghĩ về cháu.
Cháu rót sữa vào
ly cho mình, cắt một đầu mẩu bánh mì đen, ngồi xuống cạnh tôi, đung đưa chân, uống
sữa và ngoạm những miếng bánh lớn.
- Cháu thế mà vẫn
còn trẻ con quá. - Tôi nói.
Cháu gật đầu.
- Vâng, hãy còn
trẻ con.
- Đúng hơn, thậm
chí còn chưa thành trẻ con nữa.
Irina uống cạn ly
sữa, lau miệng.
- Thế cũng được.
Cháu không cãi, cháu đồng ý hết.
- Thà cháu đừng dễ
đồng ý kiểu này thì còn tốt hơn.
- Thôi mà, ông đừng
càu nhàu nữa.
Cháu áp má cháu
vào má tôi.
- Càu nhàu không
thích hợp với ông đâu. Đó không phải là vai của ông.
- Thế có ai càu
nhàu mà hợp?
- Lũ vô duyên. Và
nói chung là bọn sâu mọt độc ác. Còn ông thì không thể hợp chút xíu nào!
Irina thở dài, chớp
chớp hàng mi cong.
- Cháu thở dài gì
vậy? - Tôi quan tâm hỏi.
- Cháu thấy tội
nghiệp anh Pikaskin. Tội nghiệp quá đi...
- Cháu tin chắc
là anh ta đáng tội nghiệp ư?
Đột nhiên Irina nổi
giận. Đôi má hồng của cháu nổi lên những vệt đỏ không đều.
- Ông cứ nói thẳng
cho cháu biết, ông không ưa Marik ở điểm nào?
Tôi bắt đầu
thương hại cháu. Thương hại, bởi tôi thấy rõ là cháu đã yêu cậu ấy. Yêu cho đến
tận bây giờ. Nếu chỉ là mối say đắm thường gặp lúc tuổi niên thiếu thì còn khá,
nhưng nếu đó là tình yêu? Lúc ấy thì biết làm sao?
Vả lại cháu nói
cũng đúng, tôi phản đối Marik ở điểm nào? Nói cho cùng, yêu hay không yêu nữa,
say mê hay thất vọng thì cũng là chuyện riêng của cháu. Những chuyện ấy là lẽ
thường, hoàn toàn hợp quy luật.
Tôi mải nghĩ thế
nên không trả lời câu hỏi của cháu. Còn cháu thì vẫn chờ tôi trả lời. Và tôi đã
nói:
- Ông không có điều
gì phản đối anh ta cả...
Cháu lập tức bình
tâm trở lại. Từ nhỏ cháu đã quen tin vào mỗi lời của tôi.
Tôi biết rằng
cháu khao khát muốn kể hết cho tôi mọi chuyện về cái anh chàng Pikaskin ấy của
mình. Còn tôi, lẽ nào tôi có thể từ chối cháu điều gì được?
- Taya kể hết cho
cháu, toàn bộ sự thật. - Irina bắt đầu kể. - Cô ta bảo rằng Marik là người rất
tốt, cần phải yêu những người như anh ấy, nhưng cô ta không thể yêu được vì đã
bị kết án phải yêu người khác, người chồng cũ của mình. Chính cô ta nói vậy:
“Tôi đã bị kết án phải yêu Valentin, và không thể nào cưỡng lại chuyện ấy được”.
Cô ta khóc và nói rằng chắc là cháu lên án cô ta, nhưng cô ta cũng đành vậy
thôi...
- Thế cô ta lập tức
nói thẳng ra hết như vậy với cháu à?
- Vâng, ngay lập
tức. Cô ta kể hết. Valentin là người chồng đầu tiên của Taya. Thực ra thì họ
chưa đăng kí kết hôn, nhưng anh ta vẫn là chồng của cô, nói cho cùng thì cũng
chẳng ăn nhằm gì cái chuyện có chứng nhận hôn thú hay không. Có phải thế không ạ?
Không đợi tôi trả
lời, Irina nói tiếp:
- Cô ta được biết
anh ta bị tai nạn. Chiếc xe ô tô tải đâm vào chiếc Zhiguli của anh ta, xe bị vỡ
tan. Taya nói rằng cái xe của anh ta chỉ còn là đống sắt vụn, nhưng bù lại, may
thay anh ta còn sống. Tuy bị tàn phế nặng, gãy năm cái xương sườn, chân tay bị
gãy ở hai chỗ, gãy nhiều răng, nhưng cái chính là còn sống! Và sẽ sống! Cô ta
nói với cháu rằng cô ta yêu chồng cũ của mình, luôn luôn yêu, không ngừng yêu
anh ta, đối với cô thì anh ta là người chính yếu nhất trong đời...
Irina bỏ ngang
câu nói. Ngẫm nghĩ giây lát tựa như suy xét xem có nên nói hay không, rồi quyết
định:
- Đấy, thì cũng
như Pikaskin đối với cháu vậy...
Câu nói của cháu
như thiêu đốt tôi, và tôi vẫn chờ đợi chúng, nhưng vẫn hết sức nóng bỏng. Đấy
cháu đã tự thú nhận trước rằng cháu đã yêu, phải, yêu cái anh chàng Pikaskin của
mình.
Nhưng thực ra thì
tôi có dính líu gì ở đây? Liệu tôi có quyền can thiệp và áp đặt ý kiến của mình
cho cháu không? Và Pikaskin thì tệ hơn cái người còn chưa biết, mà cháu sẽ phải
yêu ở điểm nào?
Tôi đã nghĩ vậy
trong một vài giây ngắn ngủi, khi cháu im lặng. Sau đó, cháu lại cất tiếng nói:
- Taya bảo rằng
Valentin của cô ta đúng là anh chàng vô tích sự như xưa nay vốn thế. Ông có tưởng
tượng được không, hết ngày này qua ngày khác, cứ định đi bảo hiểm chiếc xe, thế
mà rốt cuộc vẫn không làm...
- Và bây giờ thì
chẳng nhận được xu nào, - tôi nói.
- Tất nhiên là
không rồi. Anh ta dành dụm tiền mua xe. Taya nói rằng anh ta sẽ không bao giờ
có xe được nữa. Và thế lại càng hay, Taya bảo thế, cô ta rất hài lòng là sẽ
không có xe nữa, bởi chỉ chút xíu nữa là Valentin đã chết ngay tại chỗ...
- Anh ta đang còn
ở trong bệnh viện?
- Vâng, còn thế
nào nữa. Taya cho rằng anh ta sẽ phải nằm đó không dưới hai tháng.
Tôi nói bằng giọng
hơi châm biếm:
- Và cô ta sẽ hết
lòng tận tụy chăm sóc anh ta, sẽ quên đi mọi sự xúc phạm của anh ta, rồi giữa họ
sẽ lại hòa thuận đầm ấm chứ gì?
Irina không muốn
chấp nhận vẻ châm biếm của tôi.
- Tất nhiên rồi,
không thể khác được! - Cháu nói một cách bình dị.
Suốt tuần lễ tiếp
sau Irina đều về nhà muộn. Tôi cũng thôi không chờ đợi, hiểu rằng Ban Giúp Đỡ
đang lúc bận rộn nhất, chắc luôn luôn phải thuyết phục, an ủi Pikaskin, hứa hẹn
với cậu ấy “bồng lai tiên cảnh” và làm cho cậu ấy tin rằng tất cả sẽ lại tốt đẹp,
tuyệt diệu, thích thú...
Sau đó Irina đi
công tác ở Krasnodar. Tôi biết trước là cháu sẽ đi công tác và chờ khi cháu đi
khỏi tôi sẽ đến bệnh viện để điều trị nhãn cầu mắt phải, vì tôi không muốn có
cháu ở nhà lúc người ta làm phẫu thuật cho tôi. Tôi cảm thấy trước rằng cháu sẽ
tiếp nhận cuộc phẫu thuật đó một cách nặng nề và tôi quyết định giấu cháu.
“Cứ để cho nó đi
khỏi, - tôi nghĩ, - khi đó thì mình có thể bình tâm mà đi bệnh viện, còn khi nó
về thì mọi chuyện đã qua rồi, và như thế nó sẽ tránh được việc hồi hộp lo lắng
liên quan đến căn bệnh thiên đầu thống quái ác của mình”.
Tôi tiễn cháu ra
sân bay.
- Chỉ có điều
cháu đừng gọi điện về cho ông. - Tôi đề nghị Irina. - Đằng nào thì ở nhà cũng sẽ
không có ai cả.
- Không lẽ ông
cũng đi đâu sao? - Cháu ngạc nhiên.
- Ông muốn đi tàu
thủy từ Leningrad đến Kizhi. Cả đời ông cứ mơ ước được đến những chỗ đó, Kizhi,
đảo Valaam, những nhà thờ được xây dựng không dùng tới một cái đinh. Chắc cháu
cũng biết rằng chúng được xây bởi những người thợ cả nắm được bí quyết mà cho tới
nay vẫn chưa được khám phá ra. Và đó, giờ đây người ta hứa sẽ lấy được vé tàu
thủy cho ông.
Tôi nói luôn miệng
và tỏ ra vui vẻ, nhưng trong lòng rất lo, e rằng cháu nó hiểu ra ngay và vạch
trần mưu sự của tôi. Và lẽ ra thì chắc cháu đã hiểu ra cả và vạch mặt tôi rồi
mà chẳng hề bị lừa bởi vẻ vui cười bề ngoài của tôi, nếu như đúng lúc ấy
Pikaskin không bước lại gần.
Cậu ta sải những
bước dài, nheo nheo đôi mắt cận thị, tay ôm một bó cúc mùa thu vàng úa.
Irina vẫy cả hai
tay với cậu ấy.
- Đấy, may quá. -
Cậu ấy nói. - Tôi lại cứ lo mình đến trễ...
- Anh thấy đấy,
đâu có trễ. - Irina nói.
Tôi có cảm giác
Pikaskin hơi già đi mệt mỏi. Tôi nghĩ rằng câu chuyện với người vợ không biết
thế nào, nhưng nó đã tác động mạnh tới anh ấy.
- Em mau về nhé. -
Pikaskin nói, nhìn Irina với cặp mắt mệt mỏi, tựa như thiếu ngủ. - Khi nào em sẽ
về?
- Em sẽ cố về sớm.
Chừng hai tuần nữa.
Cậu ấy chúm miệng
lại rồi buồn bã huýt sáo:
- Lâu quá chừng...
- Sớm hơn thì em
không thu xếp nổi...
- Em về mau mau
nhé. Quả thực anh không biết làm sao khi không có em ở đây...
Irina không trả lời
vì người ta thông báo bắt đầu cho hành khách lên chuyến bay của cháu, cháu vội
vã hôn vào má, thoạt tiên là tôi, rồi đến người mà cháu chăm sóc, sau đó chạy tới
xe buýt.
- Một người tốt lạ
lùng. - Pikaskin nói, nhìn theo cháu. - Quên mình, cả tin và tính đôn hậu kết hợp
với sự tháo vát tỉnh táo.
Tôi lẩm bẩm câu
gì không rõ. Tôi không thích những lời nói ấy. Nó có vẻ quá lý trí sao đó. Hơn
nữa nói chung tôi không mấy có cảm tình với Pikaskin, ngay từ trước tôi đã
không chấp nhận và không muốn Irina thân với cậu ấy.
Chúng tôi chia
tay nhau. Tôi vội bước ra khỏi sân bay, may mắn là ở cổng đã đậu sẵn chuyến xe
buýt đang sắp chạy đến bến xe hàng không. Tôi hài lòng vì không phải đi cùng với
Pikaskin, bởi lúc ấy thì phải chuyện trò điều gì đó với cậu ấy, mà như vậy thì
tôi chẳng muốn chút nào...
Ngay sáng hôm sau
thì tôi đã vào nằm trong Viện mắt ở góc phố Gorky và năm ngày sau người ta làm
phẫu thuật cho tôi ở mắt phải.
Tôi đã tính toán
cả: người ta sẽ tháo băng cho tôi sau một tuần lễ, rồi tôi phải nằm viện thêm một
tuần nữa. Khi đó Irina hẳn đã về tới. Không thấy tôi ở nhà, cháu sẽ nghĩ tôi
đang nhởn nhơ trên tàu thủy, thưởng thức những thắng cảnh ở Kizhi, ngắm nghía
những nhà thờ.
Không, dầu sao
thì tôi vẫn không hiểu hết cháu Irina của tôi, mặc dầu đã sống với cháu hàng
bao nhiêu năm rồi.
Đến ngày thứ ba
sau khi tôi được mổ, cháu xuất hiện ở bệnh viện. Lẽ dĩ nhiên tôi không nhìn thấy
cháu. Hai mắt tôi đều bị băng kín, nhưng đột nhiên tôi cảm thấy tay cháu trong
tay tôi.
Tôi không thể lầm
được, đó chính là tay cháu.
- Irina. Cô bé
ơi, cháu đấy ư?
- Còn ai vào đây
nữa? - Irina đáp.
Cháu cúi xuống
hôn vào má tôi.
- Ông thật tệ...
- Tệ sao kia hả
cháu?
- Định lừa
cháu...
Tôi phì cười.
- Nhưng dù sao
cũng lừa được một chút, phải không?
- Chỉ một chút
thôi.
- Sao mà cháu
đoán được ông ở bệnh viện?
- Thì cháu gọi điện
thoại cho bà Agnessa.
Đó là bà phụ
trách quản lý nhà không thay đổi của chúng tôi. Tôi thầm tự trách mình đã không
nghĩ đến việc dặn bà ta trước.
- Pikaskin thế
nào?
- Cháu còn chưa gặp
anh ấy. - Irina đáp, tôi hiểu cháu không nói dối tôi, rằng cháu đã từ sân bay
lao thẳng đến Viện mắt, không ghé qua nhà, và tôi cảm thấy ấm áp sung sướng
trong lòng...
Mười ngày sau người
ta cho tôi ra viện. Băng mắt được tháo bỏ từ trước đó. Không, tôi không thể nói
rằng tôi đã nhìn rõ hơn. Ông giáo sư mổ cho tôi đã cảnh cáo tôi trước:
- Thiên đầu thống
là một thứ bệnh độc địa, sáu mươi trong một trăm trường hợp, không đạt được kết
quả tốt lắm.
Sau này tôi hiểu
rằng tôi nằm trong số sáu mươi trường hợp ấy. Mắt tôi không trở nên tốt hơn sau
khi mổ và chỉ còn có một cách: gìn giữ con mắt duy nhất bên trái còn lành lặn.
Irina đưa tôi về
nhà. Trong nhà đã có sẵn một bó hoa lớn đợi tôi, bàn đầy ắp những món ăn và tất
cả các món tôi yêu thích đều được bày lên đĩa: món cá đông, thịt bò rán, khoai
tây luộc với cá ướp muối, rượu ngâm nhà làm. Và tuyệt đỉnh của mọi thứ - món
bánh culebiac nhân bắp cải thật sang.
- Vẫn như mọi
khi, Ban Giúp Đỡ làm việc thật cừ. Ông hiểu cả rồi, cháu bé ạ, tổ chức một bàn
ăn như thế này đối với cháu đâu phải việc dễ dàng.
- Thật không dễ lắm.
- Irina đồng ý ngay. - Ông cũng biết đấy, mọi thứ cháu có thể đi mua được,
nhưng còn nướng bánh culebiac thì quả thực là một thử thách quá nặng.
- Không lẽ cháu
mà nướng được thứ tuyệt diệu thế này ư? - Tôi ngạc nhiên, bởi quả thực cái bánh
culebiac được nướng rất khéo, đỏ hồng, mượt mà, vỏ ngoài giòn và nhân mọng nước.
Irina khiêm tốn
thú nhận:
- Bà Agnessa nướng
đấy. Bà ấy nói rằng có thể cái bánh culebiac làm ông mềm lòng và ông sẽ không
giận bà ấy vì cái tội bẻm mép nữa.
Tôi cười mỉm. Cái
bà Agnessa này thật thấu hiểu tâm can người khác đến đáng phải ngạc nhiên.
- Thôi được, cháu
đi gọi bà ấy đến đi, chúng ta sẽ cùng ăn mừng ngày ông trở về...
Irina cũng chỉ đợi
có thế, nó chạy bổ ngay tới máy điện thoại gọi bà Agnessa; mười phút sau cái bà
ăn to nói lớn ấy đã làm ngập đầy căn hộ của chúng tôi bằng giọng nói như lệnh vỡ
và thân hình đồ sộ của mình, khiến căn hộ lập tức trở thành chật chội...
Sáng hôm sau
Irina được đi làm trễ hơn ngày thường, cháu phải đến Ủy ban kế hoạch nhà nước.
Tôi hỏi cháu
trong lúc ăn sáng:
- Giờ thì mọi
chuyện sẽ thế nào đây?
- Cụ thể là chuyện
gì ạ?
- Tất cả mọi chuyện.
Chuyện gì sẽ xảy ra với cháu, với Pikaskin, với Taya, với người chồng của cô
ta?
- Mọi chuyện sẽ xảy
ra như nó phải thế. Taya sum họp với người chồng của cô ta, lại sống ở nhà anh
ta, hàng ngày đến bệnh viện, nhưng hình như cô đã lầm vì anh ta sẽ nằm viện
không phải hai tháng mà hình như đến bốn tháng thì phải. Còn Pikaskin, anh
Pikaskin thì...
Cháu không nói hết
câu, tư lự quấy cái muỗng trong ly trà. Tôi ráng không nhìn vào cháu, e làm
cháu bối rối, nhưng tôi thấy hình như tôi đoán được những gì xảy ra giữa cháu
và Pikaskin.
Tôi đoán được chỉ
vì tôi thương Irina và mong được thấy cháu hạnh phúc. Nhưng điều mà tôi nghĩ tới
không thể mang lại hạnh phúc cho cháu.
- Ông thấy hình
như cái ban giúp đỡ của cháu đang hoạt động thì phải. Cháu sẽ giúp đỡ anh chàng
Pikaskin của cháu bằng mọi cái mà cháu có thể.
- Vâng. Bằng mọi
cái mà cháu có thể.
- Thế anh ta
không muốn cháu lấy anh ta ư?
- Anh ấy có muốn.
Irina đứng dậy rời
khỏi chiếc bàn của mình, ngồi xuống cạnh tôi, ngả đầu vào vai tôi.
- Thế còn cháu
thì có muốn không?
Cháu từ từ nâng
lên rồi hạ vai xuống.
- Chắc là cháu muốn,
nhưng cháu không đồng ý.
- Thật ư? - tôi
kêu lên.
- Thật ạ. - Irina
nói, khẽ lánh xa tôi ra, đưa tay ôm bắt chéo trước ngực. - Cháu sợ ông ạ.
- Cháu bé của
ông, cháu sợ gì vậy?
- Cháu sợ rằng
cháu sẽ yêu anh ấy trong suốt những năm tháng tới, cháu thấy hình như cháu cũng
giống Taya, cô ta bị kết án với người chồng của cô ta, còn cháu thì với
Pikaskin.
Tôi chợt nhớ hồi
nào Irina từ trường về, thành thật thú nhận với tôi:
“Cháu sợ rằng không bao giờ cháu làm được bài kiểm tra
đó…”
- Ông ơi, ông
không hài lòng về cháu ư?
- Cháu chọn không
đúng lời. Ông thật không muốn để cháu yêu anh ta trong suốt những năm tháng tới.
Irina không phản
đối tôi.
- Cả cháu cũng
không muốn, nhưng hình như không thể làm sao được.
- Cháu đồng ý lấy
anh ta ư?
Cháu không trả lời
gì hết. Còn tôi thì thấy lo lắng thay cho cháu, tương lai của cháu rồi sẽ ra
sao đây? Những gì sẽ còn đợi cháu ở phía trước?
Cháu sẽ không
thay đổi thói quen giúp đỡ những ai cần tới mình, rồi cháu sẽ đồng ý và trở
thành vợ của Pikaskin. Nhưng cậu ấy sẽ yêu thương cháu hay không? Liệu cậu ấy
có đánh giá được tấm lòng vàng của cháu hay không? Hay rồi mọi chuyện lại chẳng
ra sao ngay từ ngày đầu tiên, cậu ấy sẽ hiểu ra rằng cậu ấy lấy cháu làm vợ là
do phẫn hận, còn mình thì vẫn yêu người khác, và có thể xảy ra chuyện cái người
khác ấy sẽ lại vẫy gọi cậu ta, rồi cậu sẽ bỏ Irina...
Tôi hình dung rất
rõ cảnh Irina bị bỏ rơi và bất hạnh, đến nỗi tôi rên lên.
Irina vuốt ve
cánh tay tôi. Hẳn cháu đã hiểu những gì đang xảy ra trong tôi.
- Mọi chuyện
không đơn giản như ông tưởng đâu...
Cháu im lặng một
lát.
- Ông biết không,
chuyện thật lạ quá. Cháu hoàn toàn bỏ được thói ghen ghét rồi.
- Thế cháu đã từng
hay ghen ghét hay sao?
- Hay ghen ghét
quá đi chứ! Chỉ có điều cháu hết sức cố gắng đấu tranh với cảm xúc đê tiện ấy,
để không một ai nhận thấy gì hết và để ông cũng không nhận thấy...
- Vậy là cháu đã
chiến thắng được thói ghen ghét phải không?
- Theo cháu thì
cháu đã chiến thắng được rồi. Ông có tưởng tượng được không, tất cả là do Taya,
bởi lúc đầu cháu ghen ghét với cô ta kinh khủng. Không, ông đừng nghĩ thế, cháu
thích Taya và không hề mong điều xấu cho cô ấy, đơn giản là cháu ghen ghét một
cách vô hại thế thôi, bởi vì cô ta có đủ mọi cái: cô ta vừa đẹp, vừa thông minh,
lại vừa được Pikaskin yêu tha thiết... Thế rồi cháu thấy cô ta đau khổ, cô ta đứng
ngồi không yên, lo lắng đau buồn cho chồng, lại cũng thương Pikaskin. Cô ta hiểu
rằng nếu thiếu mình thì anh sẽ rất đau khổ, rằng mình đã mang lại cho anh ấy biết
bao đau đớn, nhưng cô ta không thể làm gì được với bản thân. Thời gian này cháu
thường tiếp xúc với Taya và cô ấy rất cởi mở với cháu. Cô ấy không giấu cháu gì
cả và cháu thấy ân hận vì đã ghen ghét. Ông nói đúng, ông ạ, thói ghen ghét -
đó là một thứ cảm xúc thấp hèn, đê tiện, không xứng đáng với con người...
- Chuyện ấy thì
đúng rồi. Nhưng dù sao cháu vẫn chưa trả lời cho ông rằng cháu có lấy anh ta
hay không?
- Cháu không muốn
lấy anh ấy.
- Nhưng cháu yêu
anh ta kia mà, chính cháu đã thú nhận rằng cháu yêu.
- Cháu yêu. -
Irina đồng ý. - Cháu nào có chối cãi? Và chắc là cháu sẽ yêu mãi, mặc dù cháu tự
hiểu rằng cháu yêu anh ấy cũng có thể chẳng đi được đến đâu. Nhưng còn làm vợ
anh ấy ư?...
Cháu dường như
đang tự hỏi mình, không chờ câu trả lời của tôi. Còn tôi cũng không định nói gì
với cháu hết. Tôi đang mải nghĩ rồi với cháu mọi chuyện sắp tới sẽ ra sao, sẽ
như thế nào, sẽ xảy ra những gì...
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét