Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Chuyện Tình Tự Kể - Phần 4

Chuyện Tình Tự Kể

Tác giả: Lyudmila Uvarova
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
NXB Long An - 1986
---------------------------

Valentin

Tôi chẳng tin vào người nào, chẳng tin vào cái gì hết. Tôi không tin vào những lời an ủi rất thường gặp ở mọi người: “Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi”, “Rồi thì mọi chuyện sẽ ổn thôi”, vân vân và vân vân.
Tôi không chịu nổi những thành ngữ lạc quan, đại loại như: “Chuyện có thế nào đi nữa thì rồi cũng kết thúc tốt hơn lên thôi”, hay là “Hạnh phúc còn ở phía trước”.
Mọi chuyện đều tốt hơn lên ư? Vậy té ra là tôi có bị xe điện cán, rồi bị cưa mất một chân, hoặc có khi cả hai chân, thì cái đó cũng là tốt hơn lên ư? Hoặc là nếu như giờ đây tôi đang buồn bực, tôi đang ốm đau và bất hạnh, liệu tôi có thể coi câu nói “Hạnh phúc đang còn ở phía trước” là nghiêm chỉnh được không?
Nhưng những suy tư ấy thuần túy mang tính chất hàn lâm thôi. Tôi không hề bị xe điện cán, hai chân vẫn nguyên lành. Tôi vẫn mạnh khỏe và tuyệt nhiên không bất hạnh chút nào. Đơn thuần là tôi chẳng tin vào ai, vào cái gì hết. Chỉ có vậy thôi.
Thực ra thì đôi khi tôi cũng cố giấu giếm sự không tin tưởng đó của mình vào những lúc chẳng nên bày tỏ nó ra vì một nguyên nhân nào đó. Và tôi giấu nó khá khéo léo.
Mẹ tôi nói:
- Con sắm vai tuyệt lắm, Valentin ạ, lẽ ra con phải trở thành kịch sĩ, chứ không phải học ở Học viện quan hệ quốc tế mới phải.
Tôi không đồng ý với bà ở một điểm: bà không hiểu khả năng đóng kịch cũng thật có ích đối với một nhà ngoại giao. Hơn thế, tôi tin chắc là nó còn cần thiết cho anh ta nữa.
Anh ta ở đây dĩ nhiên là tôi. Cố nhiên là trong tương lai, khi tôi đã tốt nghiệp học viện của mình.
Còn một điều nữa mà mẹ tôi cũng không đúng: bà cho rằng tôi lúc nào cũng sắm vai, nói một cách khác là lúc nào tôi cũng giả bộ.
Không phải đâu! Đúng hơn là tôi có giả bộ, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi, không phải lần nào cũng vậy.
Thí dụ như với Taya - cô vợ cũ của tôi chẳng hạn. Lẽ nào có thể cho rằng, dù chỉ một phút thôi, là tôi giả bộ làm người say mê cô ấy, còn thực ra thì lạnh lùng không chút tình cảm…
Điều đó hoàn toàn không đúng! Không khi nào tôi lại như vậy!
Tôi thích Taya ngay từ giây phút đầu tiên khi nhìn thấy cô ấy ở lớp mười một trong trường thanh niên công nhân.
Mẹ tôi cho rằng không thể nào lại không thích Taya được, rằng đối với tôi thì cô ấy quá xinh đẹp.
Cái đó cũng tùy quan niệm. Theo tôi biết thì chính Taya cũng giữ ý kiến hoàn toàn khác.
Tôi với cô ấy lúc thì cãi nhau, lúc lại làm lành. Có lúc tôi đã cho rằng thế là hết, chẳng khi nào chúng tôi còn giảng hòa được nữa…
Rồi mọi chuyện xoay chuyển tựa như được bắt đầu lại từ đầu.
Tôi phải nói rằng thường thì người làm lành đầu tiên là tôi. Mặc dầu chuyện này chẳng mấy khó khăn vì cô ấy bao giờ cũng sẵn sàng hòa giải.
Tôi rất gắn bó với cô ấy. Trước hết vì tôi rất thích cô ấy, thuần túy về mỹ cảm, tôi yêu tất cả những gì đẹp mắt, mà cô ấy thì ai cũng thừa nhận là rất đẹp. Tính cách cô ấy có vẻ cũng tốt, khá nhu thuận. Và cô ấy khéo biết tránh những chỗ gai nhọn.
Có lần mẹ tôi đã hỏi thẳng:
- Con có yêu Taya không?
- Có chứ. - Tôi đáp. - Gần bên cô ấy rất dễ chịu.
Mẹ tôi lắc lắc cái đầu thông thái của mình.
- Thế nào? - Tôi hỏi. - Mẹ không thích điều con nói sao?
- Người ta không nói như vậy - một khi người ta yêu thật sự.
Tôi nói:
- Thế mà con không ngờ mẹ lại cổ lỗ sĩ đến thế.
- Tại sao lại cổ lỗ sĩ? - Bà hỏi.
- Bởi mẹ tư duy bằng những phạm trù đã cũ kỹ, lạc hậu, chỉ thích lời nói, riêng có lời nói mà không đi sâu vào ý nghĩa của chúng. Con thì không như vậy…
- Đúng là một kịch sĩ! - Mẹ tôi nói.
Câu chuyện của chúng tôi kết thúc ở đó.
Tôi không hề đáp lời bà, bởi vì tôi chịu không nổi chuyện tranh cãi khản cả tiếng để phân định thái độ. Cái đó thật thô tục và dĩ nhiên là hết sức không hiện đại.
Một lần Taya nói với tôi:
- Ai cũng nhìn thấy kẻ trần truồng, còn mỗi mình em vẫn cứ thấy đó là ông vua!
- Thế nghĩa là thế nào? - Tôi hỏi.
Cô ấy đáp:
- Mẹ anh cho rằng anh lúc nào cũng sắm vai.
- Thế còn em thì sao?
Taya mỉm cười.
- Dù sao thì em vẫn cứ thấy là ông vua. - Cô nhắc lại. - Bất chấp mọi chuyện, vẫn thấy vậy.
Cô ấy cứ khăng khăng tìm kiếm trong tôi chỉ toàn những điểm tốt đẹp.
Bởi thế nên cô ấy mới tha thứ cho tôi về chuyện cái bím tóc bị cắt của cô gái đã say mê tôi. Tha thứ cả chuyện tôi đã đùa cợt với cái máy ghi âm. Và cô ấy không bao giờ nhớ lại những chuyện đó - tựa như chúng không hề xảy ra.
Tuy nhiên, cô ấy cũng không phải là loại người cả tin, mà ngược lại, là một người nhạy cảm và sâu sắc. Và bởi thế tôi phải cố gắng “sắm vai” sao cho đừng để lộ ra những sơ hở.
Có một lần chúng tôi đến dự một tối vui ở Học viện quan hệ quốc tế và Taya đã thành công lớn ở đó. Người ta liên tục mời cô nhảy và cô đã nhảy không nghỉ.
Còn tôi thì không thích nhảy, nên lúc đầu tôi đứng dựa tường ngắm người ta nhảy, sau đó tôi thấy chán cảnh ồn ào, chen chúc, ngạt thở và tôi bỏ ra ngoài hành lang hút thuốc.
Và cô ấy đã tìm thấy tôi ở hành lang. Cô ấy rụt rè nhìn tôi.
- Anh đừng có nghĩ là em quên anh đấy.
- Thì anh đâu có nghĩ vậy. - Tôi nói.
Cô cầm lấy tay tôi bằng cả hai bàn tay.
- Anh không giận em chứ?
- Sao em lại nghĩ thế?
Mắt cô ấy nhìn tôi dò hỏi và tôi chợt hiểu là cô ấy cho rằng tôi ghen.
Còn tôi thì tuyệt đối không biết ghen một chút xíu nào. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tôi không hề có thứ cảm xúc ấy. Nhưng có lẽ nào lại có thể phô bày cho người phụ nữ thấy mình không hề có ý định ghen tuông? Cô ấy sẽ có thể giận chết đi được. Tôi quay mặt đi và tựa như cố gắng lắm mới có thể thốt lên được:
- Em mà cũng quan tâm đến tâm trạng của anh sao?
- Thôi đi anh Valentin. - Taya nói.
- Không có thôi gì hết. - Tôi nói mà trong bụng cười thầm, rồi móc túi lấy bao thuốc lá ra.
- Không nên hút thuốc. - Taya nói.
- Không, phải hút chứ. - Tôi phản đối.
- Anh làm sao thế, Valentin?
- Bình thường thôi.
Và không ngó tới cô ấy, tôi đi tiếp dọc hành lang.
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ:
“Đi theo mình hay là không đây? Nếu không đi theo thì mình sẽ quay lại, giỡn thế đủ rồi...”
Cô ấy đã đi theo. Và tôi quyết định tiếp tục đóng trò. Sao lại không kia chứ?
Giữa các cửa sổ ở cuối hành lang có một cái gương lớn. Tôi ngó vào gương, thấy cả hai chúng tôi đứng trong hành lang thế nào, cô ấy đứng sau một chút, tôi thì cau có giận dữ, còn khuôn mặt cô ấy thì thật buồn…
Lúc đó tôi quay lại cô ấy và nói:
- Thôi mà...
Cô ấy òa lên khóc, còn tôi thì thấy xấu hổ. Tôi làm thế để làm gì chứ? Được cái gì nào? Tôi gạt người nào đây? Vợ tôi ư? Nhưng cô ấy yêu tôi hết sức chân thành kia mà...
- Chúng ta về nhà đi. - Taya nói.
- Hãy còn sớm mà... Em cứ đi nhảy thêm chút nữa đi.
- Không, chúng ta về thôi. Em mệt rồi.
Chúng tôi ngồi vào xe. Cô ấy áp má vào vai tôi.
- Em nói thật đấy, anh Valentin, ngoài anh ra, em chẳng cần ai hết.
Tôi mỉm cười, tăng tốc độ. Tôi lại thấy không yên trong lòng: cái trò chơi này để làm gì kia chứ? Ích lợi gì kia? Giả sử như tôi mà ghen thật kia, đằng này chẳng một chút nào...
Sáng ra cô ấy thức dậy sớm hơn, đi chợ. Tôi làm bộ ngủ, cô ấy nhẹ nhàng khép cửa lại, còn tôi nằm thêm chừng nửa tiếng nữa, suy nghĩ về những gì xảy ra ngày hôm qua. Thực chất thì mẹ tôi nói đúng: tôi đúng là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ thực thụ...
Sau một vài tháng thì Taya có thai. Cố nhiên là cô lập tức nói cho tôi biết. Tôi phát hoảng lên.
Thú thật là cái triển vọng làm cha ở lứa tuổi của tôi chẳng làm tôi vui mừng chút nào. Hơn nữa, về mặt vật chất, tôi và Taya hoàn toàn không được đảm bảo, về thực chất chúng tôi sống nhờ vào phương tiện của mẹ tôi.
Thực ra thì thỉnh thoảng cha mẹ của Taya cũng giúp đỡ hai chúng tôi một chút. Nhưng những con người thiển cận, buồn tẻ ấy, những người nhạt nhẽo đến phát ngấy lên ấy, thậm chí có phần nào còn đáng ghét nữa, đến nỗi tôi thà tránh được sự giúp đỡ của họ còn hơn. Và tôi tránh cả sự hiện diện của họ nữa.
Tôi hỏi Taya hết sức dịu dàng êm ái, nói chung là tôi luôn cố gắng dịu dàng tối đa với cô ấy, vả lại với tôi việc đó cũng chẳng mấy khó khăn:
- Em định đẻ con à?
- Lẽ dĩ nhiên rồi! - Taya kêu lên và nói bằng một giọng thật trang trọng tựa như chuẩn bị một vai diễn nào đó. - Có được đứa con với người mình yêu dấu thật hạnh phúc biết chừng nào!
Tự nhiên tôi nhăn mặt lại. Tôi không sao chịu nổi những lời hoa mỹ, những câu đầy trang trọng, tất cả những thứ lăng nhăng nhảm nhí ấy.
Cô ấy lo lắng hỏi tôi:
- Chẳng lẽ anh không muốn có con hay sao?
- Anh muốn chứ. Nhưng em ơi, không phải vào lúc này.
- Tại sao không phải lúc này?
- Bởi anh đang còn là sinh viên. Chính cái anh chàng sinh viên đáng tội nghiệp mà từ lâu rồi đã trở thành nhân vật biểu tượng chung.
- Chàng sinh viên nghèo khó với chiếc xe hơi riêng Zhiguli. - Taya thốt lên.
Tôi ôm lấy cô.
- Em yêu quý của anh ơi, em hãy tin anh, em là cái quý báu thân yêu nhất trên đời của anh, và anh không thể, không muốn em phải khổ một chút nào hết.
Cô lạnh lùng hỏi tôi:
- Anh coi có con là nỗi khổ à?
Tôi đáp:
- Bởi hiện nay đứa con đối với chúng ta còn là thứ đồ trang trọng chưa với tới được, đơn thuần là chúng ta chưa thể cho phép mình xài sang thế được. Đấy, em hãy cứ chờ đến lúc anh tốt nghiệp học viện, được phân công công tác, anh hy vọng sẽ được về một chỗ tốt, ví dụ được về một đại sứ quán của ta ở một nước cộng hòa nhiều chuối nào đó. Khi đó thì anh và em sẽ có con, không phải một đứa đâu, mà ít nhất là hai...
Tôi dỗ dành, thuyết phục cô, giống như dỗ dành một đứa trẻ con còn chưa đủ trí khôn, thế mà thực ra thì cô còn lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi.
Tôi dỗ dành thuyết phục cho đến khi cô ấy chịu đồng ý. Tôi dẫn ra đủ mọi lý do, lý do nào cũng vững chắc cả. Tôi nói rằng chúng tôi được gần gụi nhau hãy còn ít, rằng chúng tôi còn chưa hết ham muốn dành thời gian riêng cho nhau mà đứa trẻ thì sẽ chia cách chúng tôi ra, lấy mất cô của tôi và lấy mất tôi của cô, bởi cô sẽ dành hết sự chú ý cho đứa trẻ, chẳng còn thời gian nào cho tôi nữa...
Hình như lý do cuối cùng hiệu nghiệm hơn cả. Và Taya đồng ý với tôi.
Chúng tôi không hở ra cho ai biết gì hết, cả mẹ tôi, cả cha mẹ cô.
Tôi tự chở Taya đi bệnh viện. Khi tôi dừng lại ở cổng bệnh viện thì cô quay lại, nhìn tôi chăm chú.
Tôi hỏi:
- Em sợ hả em?
- Không, chẳng sợ chút nào hết.
- Thế tại sao em lại buồn đến thế?
Cô mỉm cười.
- Em đang nghĩ xem nó giống ai, con trai của chúng ta, nó giống anh hay giống em?
Sau đó cô bước ra khỏi xe, đi nhanh về phía đón tiếp bệnh nhân. Cô quay lại, vẫy tay với tôi. Và tôi quay trở về.
Trong ngày hôm đó tâm hồn tôi đầy ảm đạm. Lúc nào trước mặt tôi cũng hiện ra cặp mắt của Taya, ráo hoảnh, không một giọt nước mắt...
Qua một ngày sau, tôi chở cô ấy về nhà. Và không một ai biết gì hết.
Sau đó rất lâu, chỉ có một lần tôi hỏi cô ấy:
- Sao em lại tin chắc rằng đó là con trai chứ không phải con gái?
Cô trả lời:
- Em có cảm giác như vậy!
Cuộc cãi nhau lớn đầu tiên của chúng tôi xảy ra ở cửa hàng bán dụng cụ thể thao Dynamo, nơi tôi lựa cần câu.
Câu cá là thú vui cuối cùng của tôi và tôi lựa cần câu rất kỹ. Tôi lấy từng cái cần câu, thử vung nó ra phía trước. Bằng cách đó tôi thử độ dẻo và độ đàn hồi của nó.
Taya suốt thời gian đó đứng cạnh tôi cứ cằn nhằn:
- Thôi đi anh! Thế nào rồi anh cũng quất phải ai đó thôi! Làm thế coi sao được?
Sau đó cô nổi giận thực sự và bỏ đi. Còn tôi thì lựa được cái cần câu mà tôi muốn. Và tôi đến học viện.
Buổi chiều, chúng tôi gặp nhau ở nhà như thường lệ. Cô ngoảnh mặt đi khi tôi muốn hôn cô.
- Em làm sao thế, hả con mèo con của anh? - Tôi hỏi.
Cô không trả lời. Tôi lại hỏi. Và đột nhiên cô như bùng nổ.
- Anh là một kẻ ích kỷ, chỉ quen để ý đến bản thân mình thôi, tôi đã hiểu ra điều đó ở cửa hàng.
Và cô còn ném đủ các thứ lời vào mặt tôi, và thực lòng mà nói thì trông cô lúc ấy rất đẹp: mắt sáng lên, má đỏ hồng đẹp đến nỗi tôi không nén được, ôm choàng lấy cô hôn mạnh vào cặp mắt dữ dội đầy tức giận, vào đôi má nóng bỏng…
Tôi sống với Taya được gần hai năm thì xảy ra cuộc cãi nhau thực sự nghiêm trọng đầu tiên. Trước đó chỉ toàn là những vụ xích mích thường kết thúc một cách hòa bình.
Cần phải nói rằng bề ngoài cuộc cãi nhau nghiêm trọng đầu tiên của chúng tôi cũng không có gì đặc biệt cả. Tóm lại thì chuyện như thế này: tôi đang có tâm trạng bực dọc và tôi đã tiếp đón một cách lạnh lùng dì Zina - em gái của mẹ tôi.
Có thể nói được gì về dì Zina? Cũng chẳng nhiều nhặn gì lắm. Trong gia đình dì được coi như một người không thành đạt. Trong khi đó thì Nika (người ta gọi tắt tên mẹ tôi như thế) lại trở thành nhà bác học, thoạt tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ, rồi sau thì tiến sĩ. Dì Zina không thích học hành và chỉ lo chạy đến những cuộc hẹn hò với những chàng trai ngưỡng mộ mình.
Có lẽ đã có một thời dì rất đẹp, trắng trẻo, hồng hào, má lúm đồng tiền, trông thật ngon lành. Khác với dì, mẹ tôi hình thức xấu xí, nước da không đẹp, còn dì Zina thì nổi bật ở vẻ tươi mát, mắt sáng long lanh, tóc dài gần đến đầu gối.
Mẹ tôi gặp cha tôi rồi hai người lấy nhau, sau đó sinh ra tôi; dì Zina đến ở với chúng tôi để giúp đỡ mẹ tôi trong việc nội trợ.
Sau rồi chúng tôi có một bà già, không những trở thành người chăm nuôi tôi, mà còn nắm trọn việc nội trợ trong tay mình, một vị thiên thần của nhà tôi. Còn dì Zina cảm thấy mình được rảnh rang, lập tức nhận lời đi lấy chồng, lấy một trong những người ngưỡng mộ mình trung thành nhất.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không được may mắn lắm. Chồng của dì uống rượu liên miên và khoảng mười năm sau thì bị chết bởi chứng xơ gan. Một năm sau, dì Zina lại đi lấy chồng và lại không may, chồng của dì bị chứng động kinh.
Sống khổ sở với ông ta được gần bảy năm, cuối cùng dì cũng phải lo ma chay chôn cất cho chồng và quyết định không bao giờ gắn bó đời mình với bất kỳ ai nữa.
Dì vào làm người ghi hồ sơ ở một bệnh viện và rất thích ban phát đủ các loại chỉ dẫn lời khuyên y học về tuốt tuột mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe. Khi người ta hỏi dì có quan hệ gì đến nền y học, dì khiêm tốn trả lời:
- Có quan hệ trực tiếp nhất. Tôi là cán bộ y tế trung bình.
Nhưng thường thì người ta không mấy đi sâu vào chi tiết, và một số người coi dì là bác sĩ chưa kịp nhận bằng, có cả những người coi dì là bà lang bốc thuốc đông y vì trong khi mách bảo người ta chữa bệnh này bệnh nọ, dì thường thiên về cách chữa bệnh bằng cây cỏ.
Mẹ tôi thương dì theo cung cách của mình. Thế nào là “theo cung cách của mình”?
Mẹ tôi vẫn trung thành với bản tính khô khan của mình. Không biểu lộ sự thông cảm hay thương hại gì cả, nhưng mỗi lần dì Zina tới, trước hết mẹ tôi lo đãi dì ăn uống, sau đó, khi dì ra về, lại dúi vào túi áo khoác của dì tờ mười rúp, thậm chí có khi cả tờ hai mươi rúp.
Hôm ấy, mẹ tôi từ chối không cho tôi tiền mua bộ lều bạt Ba Lan.
Chỉ thỉnh thoảng mới có bán bộ lều bạt màu da cam rất tuyệt và tôi cảm thấy nếu tôi có được cái đồ thần tiên tỏa sáng ra như mặt trời, trong đó gồm có hai bộ giường xếp, tủ nhỏ để đầu giường và đèn treo tường, thì tôi có được hạnh phúc đích thực nhất. Nhưng mẹ tôi bảo:
- Xin lỗi con nhé, mẹ không có tiền…
Tôi giận lắm, nhưng lập tức quyết định cần phải giấu nỗi giận hờn của mình đi, để dịp khác cố nài mẹ tôi lần nữa.
Tôi nở một nụ cười tuyệt diệu nhất của mình và nhìn vào mẹ tôi như thuở còn bé, ngây thơ và trầm trồ thán phục, rồi nói:
- Mẹ mà không có tiền ư? Nhà bác học Faraday yêu quý của con ơi! Không thể nào có chuyện ấy được!
Nhưng mẹ tôi vẫn không thay đổi ý kiến. Taya đi làm về, tôi đề nghị cô ấy:
- Taya, em giúp anh với, biết đâu em lại thuyết phục được vị Lomonosov của chúng ta cũng nên!
Nhưng Taya - những người phụ nữ thật lạ lùng, ai mà hiểu nổi họ! Tôi biết chắc rằng mẹ tôi đối với cô hoàn toàn là người xa lạ, ấy thế mà cô cau mày và nói:
- Em sẽ không hỏi xin gì hết! Mà anh cũng không biết ngượng hay sao?
Tôi vẫn cố sức nài:
- Em ơi, giá như em nhìn thấy bộ lều bạt ấy!
Nhưng Taya không nghe tôi nói nữa, cô chạy ra mở cửa, vì lúc đó có tiếng chuông reo.
Dì Zina xuất hiện. Vẫn như mọi khi, tươi cười, xun xoe.
Mẹ tôi cho rằng tôi với dì giống nhau, cả hai đều có cùng một nụ cười. Tôi nhìn vào khuôn mặt tàn héo của dì, và cặp mắt nịnh bợ ngọt ngào như quả chà là, và đột nhiên một cơn giận dữ điên cuồng nhắm vào dì bùng lên trong tôi.
Tôi thầm nghĩ: lẽ nào tôi với dì mà lại giống nhau ư? Cả tôi cũng có một nụ cười ngọt ngào như dì, tựa như ly nước trà pha với cả sáu viên đường sao?
Và tôi còn nghĩ chắc thế nào mẹ tôi cũng dúi vào túi cho dì một cống vật nào đó, trong khi đối với tôi, đứa con trai duy nhất, niềm vui và hy vọng của mình, thì bà lại từ chối một lời cầu xin, thực chất không đáng bao nhiêu…
Trong khi đó, dì Zina không hề nhận thấy gì cả, dì ôm hôn mẹ tôi, Taya, rồi bước lại gần tôi.
- Chào cậu bé yêu quý. - Dì nói.
- Xin chào. - Tôi đáp và quay mặt đi.
Tôi thoáng thấy khuôn mặt Taya bừng lên trong khoảnh khắc, mắt long lanh giận dữ.
Nhưng dì Zina chẳng muốn nhận thấy gì hết. Dì nhón gót chân lên, vì tôi cao hơn dì nhiều, định ôm hôn tôi, nhưng tôi vội gỡ mình ra khỏi vòng tay của dì. Dì Zina (không trách trong gia đình tôi vẫn coi dì là hơi đần) quay lại phía mẹ tôi, buồn rầu hỏi:
- Nó làm sao thế hả Nika?
- Đừng để ý đến nó. - Mẹ tôi đáp. - Nó đang sắm vai cáu kỉnh…
Dì Zina cười xun xoe:
- Thật à?
Mẹ tôi ngó vào mặt tôi, sau đôi mắt kính cặp mắt bà có vẻ dữ dội khác thường. Bà dằn từng tiếng một:
- Hãy trổ hết tài diễn kịch của mày ra, Valentin. Tao hy vọng mày hiểu tao chứ?
- Hiểu ạ. Chỉ có điều không hiểu sao con không muốn trổ tài diễn kịch của mình ra.
- Nhưng tao bắt buộc mày! - Mẹ tôi hơi cất cao giọng.
- Bình tĩnh lại nào Nika, đừng la nó. - Dì Zina nói. - Nó là một cậu bé ngoan mà!
Dì bước lại gần tôi hơn, lấy tay vuốt vai tôi và tiếp tục nở nụ cười lấy lòng rất kỳ cục.
Tôi không nhịn được nữa, hét váng lên:
- Để cho tôi yên nào, tôi không chịu nổi dì đâu. Không lẽ dì không hiểu được rằng tất cả mọi người không ai chịu nổi dì hay sao?
Mẹ tôi lập tức can thiệp, dồn hết sức la lên:
- Cút! Cút ngay ra khỏi đây, ngay lập tức!
Và tôi bỏ chạy. Đi sang cầu thang kế bên, ở đó có nhà của Mika, một cậu bạn học cùng trường phổ thông với tôi. Tôi ngủ đêm tại đấy và mãi tới hôm sau mới trở về nhà.
Mẹ không có ở nhà. Taya đang ngồi trong bếp, bày những quyển vở của học sinh trên chiếc bàn ăn. Một nồi thịt đang đặt trên bếp.
- Chào em! - tôi nói. Taya ngẩng đầu lên nhưng không trả lời tôi.
- Anh đã nói: Chào em!
Tôi định ôm lấy Taya, cô đẩy tôi ra…
- Thôi mà, Taya. - Tôi nói và mỉm cười.
Tôi rất hay thích mỉm cười vì ý thức được rằng nụ cười của tôi, quả đúng như Lebedev-Kumach đã viết, là ngọn cờ trên chiếc tàu, rằng nụ cười rất hợp với khuôn mặt tôi, và tôi có thể lấy lòng được bất cứ ai, chỉ cần nở nụ cười tươi.
Thực ra lúc đấy tôi vô tình chợt nhớ ra rằng dì Zina cũng luôn mỉm cười và mẹ tôi cho rằng tôi với dì đều có nụ cười giống nhau.
Cái đó làm tôi hơi cụt hứng và tôi thôi không cười nữa.
Phải nói là Taya chẳng hề chú ý đến tôi. Vẫn ngồi như cũ, đầu cúi xuống, cô dùng bút chì đỏ chữa những dòng chữ viết kín đặc trang vở, chắc là sửa tập làm văn cho học sinh của mình.
Nhưng tôi vốn không quen từ bỏ mục đích đã định và lần này tôi cũng không muốn rút lui.
- Taya, - tôi nói thật dịu dàng, tôi hoàn toàn chẳng cần phải làm bộ dịu dàng, bởi vì luôn luôn, trong mọi cái, tôi bao giờ cũng ưa thích Taya. - Taya, em bé bỏng của anh, tại sao em giận dỗi? Em nghĩ là anh đã ở đâu đó phải không? Đúng thế chứ? Anh ngủ ở nhà Mika, em có thể hỏi lại anh ấy hay mẹ anh ấy; bà đã cho bọn anh ăn món bánh bột nhân thịt, mà là bánh bà làm lấy đó, chứ không phải thứ em vẫn hay cho ăn, làm ở xưởng Eliseeva, hoặc cùng lắm là ở nhà hàng làm món ăn kiêng bên cạnh.
Taya ngước mắt lên, nguýt tôi.
Tôi kiêu hãnh nghĩ thầm: “Chà, mình có cô vợ thật ra vợ! Loại hạng nhất đó!”
- Nhưng em đâu có lo lắng gì về anh đâu. - Taya nói. - Em giận anh kinh khủng!
- Em giận anh?
Tôi phá lên cười.
- Em mà biết giận ấy à?
Cô ấy đáp lại gay gắt:
- Tất cả những chuyện đó hoàn toàn chẳng có gì đáng cười cả đâu.
- Cái gì không đáng buồn cười? - Tôi hỏi.
- Cái chuyện đã xảy ra đó.
Và cứ thế là nói và nói. Cả hai mươi phút đồng hồ cô ấy quật vào tôi đủ những lời gai nhọn. Thôi thì đủ cả: tôi là kẻ ích kỷ, không có giáo dục và tàn nhẫn, kẻ đã tự cho phép mình tỏ ra thô bạo, làm nhục một con người yếu đuối, trong chừng mực nào đó là người bị phụ thuộc vào tôi. Cô ấy rất xấu hổ, tựa như đó là cô, chứ không phải tôi đã làm nhục dì Zina, và cô ấy không muốn nói chuyện với tôi. Cô ấy thấy tởm khi ngó thấy cái mặt của tôi. Cô ấy tin rằng nếu không phải là dì Zina mà là một người nào đó có địa vị, một bác học hoặc một ông tướng, hoặc một người nào đó đại loại như vậy nữa, thì tôi đã không khi nào dám xử sự kiểu đó, mà hẳn là đã tỏ ra hiền như bụt rồi. Nhưng đứng trước dì Zina, một người không đủ sức đối đáp và bảo vệ mình, thì tôi lại giương oai diễu võ, điều đó thật kinh khủng, điều đó thật đê mạt và không thể tha thứ được...
Thoạt tiên tôi những muốn giận Taya, nói cho cùng thì cô ấy có quyền gì mà mắng mỏ tôi tàn nhẫn và dai dẳng đến thế?
Sau tôi suy nghĩ và quyết định: “Dù thế nào cũng cần phải hòa giải! Ích lợi gì mà đi cãi nhau với một cô vợ đẹp nhường kia, mà lại là vì ai cơ chứ? Vì một mụ ngốc nào đó ư?”
Tôi đã đạt được điều mình muốn. Tuy cũng không phải là được ngay lập tức. Tôi lắng nghe Taya cho đến hết, không phản đối cô một lời nào cả. Sau đó tôi bỏ đi và tối khuya mới trở về nhà. Cô vẫn còn chưa ngủ, đang ngồi trước gương chải tóc trước khi đi nằm.
Tôi buồn bã nói:
- Giá như em biết được anh khổ tâm thế nào!
Cô im lặng.
Tôi ngồi xuống trước mặt cô, hai tay mệt mỏi buông thõng. Lúc ấy gân xanh trên mu bàn tay nổi to lên và hai tay tôi tựa như già nua không còn sức lực. Ánh mắt tôi như tắt đi, môi tôi mím lại đầy vẻ đau khổ. Tôi đưa tay lên trán, thở dài mệt mỏi.
- Thương anh với, em Taya...
Những lời ấy tôi thốt ra rất khẽ, gần như thì thầm. Tôi đánh không sai vào đâu. Tôi biết trước là cô ấy sẽ chịu không thấu.
Và cô ấy đã không chịu nổi, hỏi tôi:
- Anh làm sao thế?
- Anh khổ lắm. - Tôi nhắc lại và nước mắt chảy ra trên hai má tôi.
Mẹ tôi coi tôi là một kịch sĩ giỏi còn là vì tôi có thể vào vai bất cứ lúc nào, chẳng cần nguyên nhân gì hết cũng có thể rặn ra nước mắt.
Tôi hai lần khẽ sụt sịt và cúi đầu thấp xuống hơn nữa - tựa như xấu hổ vì những giọt nước mắt của mình. Sự tính toán của tôi quả không sai bởi vì tim người đâu phải là đá. Và Taya dầu sao cũng yêu tôi. Có lần chính cô đã thú nhận rằng mọi người ai cũng nhìn thấy kẻ trần truồng, còn riêng cô ấy vẫn cứ thấy đó là đức vua.
Chúng tôi làm lành với nhau. Cả với mẹ tôi, tôi cũng làm lành. Và khi dì Zina tới nhà tôi lần tiếp sau đó (cũng chẳng phải chờ đợi lâu la gì), dì hôn tôi như không hề có chuyện gì cả, và tôi tỏ ra âu yếm với dì một cách mê hồn cứ như là tôi thường vẫn thế, rồi tất cả mọi chuyện lại tốt đẹp, theo cung cách gia đình, đúng như cô vợ Taya của tôi vẫn thích.
Còn bộ lều bạt thì rốt cuộc tôi vẫn mua được. Thoạt tiên tôi vay nợ, rồi sau đó thú nhận với mẹ tôi:
- Cứu con với, Einstein của con ơi, đây là đứa con duy nhất mà mẹ rứt ruột đẻ ra đang van nài mẹ đó...
Mẹ tôi đã cứu. Tôi biết trước rằng không thể nào lại khác được.
Tôi lên năm thứ ba, và tôi cùng Taya dự tính tới tháng Tám, sau khi tôi đi thực tập ở thư viện sách nước ngoài về, sẽ cùng đi nghỉ ở miền Nam, tại Pitsunda.
Chúng tôi quyết định sẽ đi xe hơi, đến bờ biển sẽ căng lều bạt và sống chừng hai, ba tuần lễ trong sự yên tĩnh hoàn toàn, xa cái ồn ào của thành phố và cái lộn xộn của khu nghỉ mát, chỉ có hai người với nhau, còn xung quanh là biển, cát và những cây thông. Bầu trời trên cao. Hai chúng tôi. Và chỉ thế thôi.
Nhưng mộng ước của chúng tôi đã không thành. Giữa tháng Bảy cha của Taya lâm bệnh nặng. Ông là một người hoàn toàn bình thường, nói chung là xoàng xĩnh cả trăm phần trăm, làm việc suốt từ cái đời nảo đời nào ở Bộ Công nghiệp thực phẩm, bắt đầu làm việc từ thuở Bộ còn được gọi là Ủy ban Nhân dân, được coi là một kế toán viên giàu kinh nghiệm.
Khi nói về những người như ông, tại những ngày lễ mừng thọ năm chẵn, lễ tiễn đưa về hưu hay ngay cả lúc tang lễ nữa, người ta thường nói ra những lời ngợi khen nhất - nào là cán bộ ưu tú, người biết chăm lo gia đình một cách tuyệt vời, người đối xử với bạn bè chí tình. Nói chung là mẫu mực cho những người lao động, gương sáng cho mọi người xung quanh. Vắn tắt là: hãy vui sướng lên vì có những cá nhân như thế sống giữa chúng ta; hãy khóc lên, nếu không có những người như thế…
Vào những ngày hiếm hoi, khi tôi và Taya đến thăm cha mẹ cô ấy, tôi thật buồn tẻ đến chết được, bởi vì với cha của cô ấy tôi chả biết nói chuyện gì hết, ngay cả mẹ cô ấy - nói thật ra là một bà đỏng đảnh, rỗng tuếch, được nuông chiều quá mức bởi ông chồng nhu nhược - tôi cũng còn cảm thấy lý thú, đáng chú ý hơn là ông. Vừa ra khỏi nhà họ là tôi quên sạch, chẳng nhớ cha của Taya đã nói những gì; và tôi quên bẵng mất về sự tồn tại của ông đến mức ví thử như có gặp lại ông ngay khi vừa ở nhà ông ra thì chắc tôi cũng khó lòng nhận ra được ông…
Và thế là ông, cái con người đức hạnh và buồn tẻ ấy, đang bị rủi ro: một chứng bệnh nặng ập lên người ông - khối u ở vùng bụng. Người ta đưa ông vào bệnh viện và làm phẫu thuật, khoảng mười ngày sau thì cho ra viện. Taya đi đón ông và chở về nhà.
Ngay tối hôm đó, khi ở học viện về, tôi gọi điện cho cha mẹ Taya.
- Ba vừa ở bệnh viện về, - Taya nói, - hôm nay em sẽ ngủ lại đây với ba mẹ.
- Ba thế nào? - Tôi hỏi. - Ổn cả chứ?
Tôi hỏi cho có hình thức thế thôi. Thú thực là đối với tôi thì việc ông ta có ổn hay không ổn cũng chẳng ăn nhằm gì tới tôi.
- Vâng, ổn cả. - Taya đáp.
- Em chuyển lời chúc mừng ông giúp anh nhé.
- Được rồi, em sẽ chúc mừng.
Sáng hôm sau cô từ nhà cha mẹ trở về. Tôi mở cửa cho cô và sửng sốt nhìn thấy ánh mắt lấp lánh, căng thẳng và u ám của cô.
- Em làm sao thế? Có chuyện gì vậy?
- Không có gì cả. - cô đáp.
Tôi đi theo cô vào phòng của chúng tôi. Cô ngồi xuống giường, lặng lẽ nhìn vào một điểm ở trước mặt.
- Có phải em buồn vì bệnh của ba không? - Tôi hỏi.
Cô gật đầu.
- Nhưng chính em đã bảo là ba ổn cả kia mà.
- Thì em còn biết nói gì được, một khi mẹ đang đứng bên cạnh?
- Người ta đã làm phẫu thuật cho ông rồi mà?
- Phải. - Taya đồng ý. - Mổ bụng ra rồi lại khâu lại. Anh hiểu rồi chứ?
- Anh hiểu.
- Anh có hình dung được không, - Taya nói tiếp, - tất cả các bác sĩ đều nói cho ông tin rằng mọi cái xấu đã qua rồi, tất cả đều tốt đẹp. Dĩ nhiên là ông rất mừng, cả mẹ cũng hài lòng. Mẹ không đoán ra được gì hết, còn em thì biết tất cả. Các bác sĩ nói hết sự thật cho em.
- Thế cơ à, - tôi nói.
Tôi ngồi xuống bên cạnh Taya, ôm lấy cô.
- Anh thương em quá đi mất. - Tôi nói, quả thực là tôi rất thương xót cô.
- Đành phải đóng kịch, cả đối với ba, cả đối với mẹ, làm bộ như không còn chuyện gì tốt đẹp hơn thế nữa...
Cô gục đầu xuống và òa lên khóc. Nước mắt tuôn đầy đôi má dịu hiền của cô.
Tôi rất lo lắng cho Taya, nhưng tôi biết giúp cô ấy bằng cách nào đây?
Tôi nghĩ rằng cô ấy đóng kịch hẳn sẽ không đạt lắm. Giá tôi mà làm thì lại là chuyện khác. Về mặt này chắc tôi sẽ làm một cách dễ dàng hơn cô ấy nhiều…
Gần như ngày nào Taya cũng về thăm cha mẹ. Cô thường trở về nhà muộn, đôi khi ngủ lại luôn tại đó. Nhưng tôi không trách móc, xoi mói gì cô hết, ngược lại, tôi luôn hỏi thăm tình hình cha cô thế nào, có thể giúp gì được cho ông...
Trong khi đó thì tháng Bảy đã gần hết, tháng Tám đã kề bên, mà ngay từ đầu mùa xuân chúng tôi đã dự định sẽ đi nghỉ vào tháng Tám.
Tôi không biết phải mở đầu câu chuyện ra sao, thật cũng bất tiện thế nào đó, khi nói về Pitsunda, về việc chuẩn bị đi đường, về chuyện nói chung là nên đi đâu nghỉ, nhưng tự Taya đã tạo sự dễ dàng đó cho tôi.
- Anh thấy đấy, mọi chuyện dự tính đều sụp đổ cả. - Một hôm cô nói với tôi. - Tất nhiên là em không thể đi được rồi, em không thể bỏ mặc ba mẹ em, mọi chuyện đều có thể xảy ra, đằng nào thì em cũng không yên tâm mà đi nghỉ được.
- Anh cũng thấy. - Tôi đồng ý. - Làm sao mà không thấy kia chứ?
- Nhưng anh thì cứ đi đi. - Cô nói tiếp. - Suy cho cùng thì anh cũng phải nghỉ ngơi cho thật tốt, sắp tới là một năm học không phải nhẹ nhàng nhất, sẽ phải học nhiều…
Tôi không khỏi sửng sốt về sự vô tư và cao thượng của cô ấy. Đến nỗi chính tôi cũng muốn trở thành người bạn tốt chân chính như thế và suýt nữa thì tôi đã nói:
- Em biết không, không có em thì anh cũng chẳng muốn đi chút nào…
Tôi cũng hiểu nếu có tôi ở bên cạnh thì Taya đỡ gay go hơn nhiều.
Nhưng cũng không phải là vô ích khi ai đó, hình như là Talleyrand thì phải, đã khẳng định rằng cần phải dè chừng cảm hứng đầu tiên, bao giờ nó cũng cao thượng.
Tôi đã kịp thời nén được và Taya không nhận thấy vẻ do dự thoáng qua của tôi.
- Cố nhiên là một năm khó khăn đã qua, nhưng năm tới sẽ còn khó khăn hơn. - Tôi nói.
- Chắc chắn là như vậy. - Taya ủng hộ tôi. - Anh hãy đi đi, Valentin, nhất định anh phải thu thập sức khỏe cho suốt cả năm tới!
Một buổi sáng sớm đầu tháng Tám tôi khởi hành từ nhà trên chiếc xe của tôi. Mẹ tôi và Taya nhìn theo tôi qua cửa sổ.
Từ xa tôi thấy Taya có vẻ ốm đi nhiều, và lại giống như lần vừa rồi, trái tim tôi thắt lại bởi nỗi đau xót cho cô, và tôi chần chừ trong giây lát trước việc tăng tốc độ. Tưởng chừng như nếu Taya mà nói một câu: “Anh ở lại đi” thì tôi đã ở lại cùng cô ấy rồi.
Hình như tôi phải ép mình đặt hai tay lên vòng lái, quẹo nhanh vào góc đường và lao thẳng ra xa lộ.
Vừa phóng đi tôi vừa nghĩ: dù nói sao đi nữa thì quả là không nên tuân theo cảm hứng đầu tiên, nếu theo nó thì cuối cùng thế nào cũng bị thua thiệt. Đó là cái chắc!
Hai ngày sau tôi đến nơi, không xảy ra sự cố nào hết, nếu không kể đến chuyện một cái ruột bánh xe bị xì hơi. Tôi đi vào khu rừng rất tuyệt ở miền Pitsunda, và căng lều bạt tại đó, chính là cái lều màu da cam ấy.
Bắt đầu một cuộc nghỉ mát vô tư lự, đầy hội hè vui vẻ, biển, bãi tắm, rồi lại biển, quán cà phê, sàn khiêu vũ, rồi lại biển, và đại loại cứ như vậy...
Tuy nhiên, thú thật là tôi rất nhớ Taya. Sáng nào cũng vậy, tôi chạy đến bưu điện gọi điện thoại cho cô và lần nào cũng kêu ca rằng mình rất nhớ cô, chỉ muốn trở về ngay thôi, nhưng cô thuyết phục tôi:
- Anh không được làm thế! Anh hãy nghỉ ngơi đi, hãy tận hưởng biển và mặt trời đi!
- Ba thế nào? - Tôi hỏi.
- Vẫn như thế. Không có gì đáng phấn khởi lắm, vậy nhưng anh cứ nghỉ cho khỏe đi, đừng nghĩ ngợi gì hết, bồi dưỡng sức lực cho nhiều vào...
Đấy, Taya của tôi như vậy đó: đôn hậu, yêu thương, lúc nào cũng nghĩ cho tôi trước hết...
Và tôi cũng tự cho mình là hạnh phúc. Nói cho cùng thì mấy ai đã có được cô vợ như tôi có?
Nhưng rồi tôi gặp Vava. Thực ra thì cô ta tên là Varvara Mikhailovna và lớn hơn tôi ít nhất cũng tới mười lăm tuổi. Nhưng cô ta trông khá trẻ so với tuổi, vui vẻ hóm hỉnh, nhảy rất tuyệt, ngay từ buổi đầu tiên đã đề nghị:
- Cứ gọi tôi là Vava nhé, chịu không?
Qua ba bốn ngày sau chúng tôi đã “anh anh em em” với nhau, tôi gọi cô ta như cô ta muốn - là Vava, còn cô ta gọi tôi là Valik.
Và tôi có cảm tưởng là chúng tôi đã quen thân nhau từ lâu rồi, vì thời gian ở chỗ nghỉ mát tựa như bị dồn nén lại, một ngày nơi nghỉ mát thực đúng bằng ba ngày ở nhà.
Lượt về, tôi đi cùng với Vava trên chiếc xe của tôi. Cô ta ngồi cạnh tôi, hàm răng sáng bóng trên khuôn mặt nâu cháy bởi mặt trời, đôi vai trần tỏa hương vị biển.
Tôi lái xe và thỉnh thoảng liếc nhìn Vava. Trong tâm trí tôi không hiểu tại sao cứ thấp thoáng những vần thơ quen thuộc từ thời niên thiếu:
Rồi người đàn bà nào đó tuổi ngoại bốn mươi
Tôi đã gọi là cô gái nhỏ tệ hại và gọi là người thương của tôi...
Không, tuổi Vava không phải ngoại bốn mươi, mà chắc là dưới bốn mươi thì đúng hơn. Tôi không được biết chính xác tuổi của cô ta, nhưng mà bốn mươi thì theo tôi hiểu cũng không phải là ít gì. Cô ta không đẹp, thịt bèo nhèo, da hơi rỗ, đường nét trên khuôn mặt lệch lạc, thô xấu, nhưng vui vẻ và hết sức hóm hỉnh.
Có những lúc tôi có cảm giác cô ta rất trẻ, nhưng vào những lúc cô ta đột nhiên tư lự, không chú ý giữ cho nét mặt mình khỏi có nhiều nếp nhăn trên trán, tôi kinh ngạc liếc thấy ánh mắt cô ta vụt tối đi, cái cổ không còn trẻ trung và chùm nếp nhăn nhỏ ở đuôi mắt.
Trong những giây phút ấy tôi thường nghĩ ngợi: không biết cô ta còn giữ nhan sắc được bao lâu nữa, không biết cô ta còn xưng danh là Vava được bao lâu nữa? Hay cũng chẳng còn xa nữa cái giây phút, khi cô ta tự hiểu ra mọi chuyện và bình thản bước vào tuổi già, rồi trở thành bà Varvara Mikhailovna đầy chững chạc?
Dĩ nhiên là tôi không nói ra những ý nghĩ của mình với Vava, hơn nữa cô ta rất biết tự chủ, biết gạt bỏ các thứ ý nghĩ nặng nề khiến khuôn mặt cô ta già đi và cặp mắt như đờ đẫn, rồi - như tôi nói - lại bốc lên, sắm vai cô gái trẻ, vô tư lự, đón đợi ở cuộc đời chỉ toàn những niềm vui, ngoài ra không có gì khác.
Vava làm việc ở Cục kiến trúc, đã ly dị chồng và đang nuôi cậu con trai mười ba tuổi. Theo lời cô thì cậu ta nổi bật ở tính cách độc lập tự chủ, đối xử bằng vai với cô ta - tựa như bạn bè quen biết - gọi cô ta bằng tên, Vava.
Thường thường mỗi khi đi đâu, cậu không nói mình đi đâu và bao giờ về, nếu cô ta hỏi cậu có về muộn hay không thì cậu trả lời một cách hạ cố:
- Mọi chuyện sẽ OK cả thôi, Vava. Đừng có lo gì hết, hãy để dành nhiệt tình cho việc tái lập cuộc sống ngăn nắp của mình…
- Chúng tôi sống với nhau giống như hai người bạn. - Có lần Vava nói. Hẳn cô ta khoái kiểu quan hệ như thế, còn tôi tự nhủ: nếu tôi mà có con trai thì tôi phải bắt nó đối với tôi như đối với một người cha đàng hoàng, đừng có hòng mà gọi tôi bằng tên!
Tôi xin nói hết sức thành thật rằng cái chuyện ở nơi nghỉ mát này - với chừng mực nào đó - cũng đã làm tôi chán rồi. Nói cho cùng thì tôi cũng hiểu Vava lớn hơn tôi nhiều tuổi, tôi với cô ta là hai người hoàn toàn khác nhau, hơn nữa tôi đã có vợ và vợ tôi thật tuyệt vời, xinh đẹp, tính tình thật tốt, yêu thương tôi. Tôi cần Vava làm quái gì kia chứ? Cô ta là cái gì đối với tôi và tôi là cái gì đối với cô ta?
Tôi đã nghĩ như thế trên đường về, trong lúc Vava thiu thiu ngủ bên cạnh, rồi khi đến Moskva (tôi để cho Vava xuống xe quãng gần nhà cô) thì tôi quyết định rằng với Vava đến đây là chấm dứt. Cái gì đã qua rồi thì thôi, còn tôi sẽ không tiếp tục gì nữa. Như người ta nói, giữ ở mức độ bạn bè, và chỉ thế thôi.
Taya đón tôi ở bên cửa và trong phút đầu tiên tôi phát hoảng lên vì vẻ ngoài của cô. Cái tháng mà tôi đã sống trong ánh mặt trời và biển cả, vui vẻ và thanh bình, hẳn chẳng dễ dàng đối với cô chút nào. Cô ốm đi rất nhiều, người hốc hác và cặp mắt cô thật buồn...
Tôi thoáng thấy lương tâm bị cắn rứt. Bởi trong lúc tôi bơi lội, phơi nắng, khiêu vũ cho đến mệt lả đi, và nói chung là tôi chơi bời tiêu khiển, thì cô phải ngồi bên giường của người cha đang bệnh nặng.
- Bệnh của ba mỗi ngày một nặng hơn. - Taya nói. - Mình mẹ không lo nổi, em với mẹ thay nhau trực, suốt ngày đêm...
Đúng là ở nhà thật chẳng mấy vui vẻ. Mẹ tôi, như thường lệ vào mùa hè, đi công tác ở Kirgizia. Suốt ngày đêm Taya ở nhà ba mẹ.
Rồi xảy ra chuyện sao đó mà tôi gọi điện cho Vava. Và Vava rất mừng rỡ vì tôi gọi tới.
- Em biết anh sẽ gọi tới. - Cô ta nói với tôi. - Giá mà anh biết được chờ đợi khổ thế nào, nhưng gọi tới anh trước thì em không muốn.
Sau đó, cô ta ngẫm nghĩ giây lát rồi thú nhận:
- Nhưng thật ra thì anh chỉ vượt trước em có vài tiếng đồng hồ thôi, em cũng đã định tối nay sẽ tự gọi điện thoại cho anh.
Vào tháng Chín bắt đầu việc học ở Học viện của tôi. Taya chuyển sang làm việc theo chế độ nửa lương ở trường thanh niên công nhân, cô ấy không thể có điều kiện làm việc đủ giờ như trước.
Chúng tôi gặp khó khăn về vật chất nhiều hơn, thêm nữa mẹ tôi tuyên bố thẳng sẽ chỉ dành cho chúng tôi một khoản tiền nhỏ vì chẳng còn bao lâu nữa bà sẽ không thể dành cho công việc toàn bộ thời gian và sức lực, bà cần phải để dành - dù là đôi chút - cho tương lai.
Tôi hỏi mẹ tôi rằng thế lỡ như bà không thể đợi được cái tương lai đó thì sao?
- Con định nói rằng mẹ có thể chết trước khi mẹ về hưu chẳng hạn phải không? - Mẹ tôi hỏi. - Thôi được, mẹ hiểu ý con rồi, chẳng cần phải thanh minh làm gì, chuyện đời thôi chứ có gì đâu. Nếu thế thì càng tốt hơn thôi, tiền nong sẽ để lại cho con và Taya. Và mẹ chắc là nó cũng không thừa đối với các con.
Mẹ tôi chưa từng bao giờ nói với tôi như thế hết, và tôi ngờ rằng ở đây có vẻ có dây dưa tới một người đàn ông thì phải.
Mặc dù lúc nào tôi cũng cảm thấy mẹ tôi đã già, tôi hiểu rằng bà đã bốn mươi chín, gần như cả tuổi trẻ bà sống một mình, không có chồng, và có gì đáng ngạc nhiên đâu, nếu bà có một ông già nào đó cho đỡ cô quạnh trong những năm cuối cùng của cuộc đời?
Sau này mới rõ là tôi chẳng hề nhầm lẫn. Chỉ có điều đó hoàn toàn chẳng phải là một ông già hưu trí, mà là một người đàn ông còn khá phong độ, phụ trách một phòng thí nghiệm tại một viện nghiên cứu khoa học ở Kirgizia, cũng không phải vô cớ mà trong thời gian gần đây mẹ tôi thường thu xếp đi Kirgizia...
Lẽ cố nhiên là ông ta chuyển về Moskva, về ở cùng chúng tôi, chung một phòng với mẹ tôi, và tôi nói với Taya rằng bây giờ thì không phải chúng tôi là vợ chồng mới cưới nữa, mà chính là họ - mẹ tôi với chồng của bà.
Cha kế của tôi là một người cũng tốt, có văn hóa, khi tiếp xúc cũng dễ chịu. Nhưng ông ta là người cực kỳ keo bẩn, ông ta thành công trong việc xây dựng lại theo cung cách của mình - toàn bộ nếp sống của mẹ tôi và làm cho bà bỏ được cái tính cẩu thả vốn có.
Tôi không ngờ mẹ tôi lại khuất phục trước người chồng mới nhanh đến thế và làm tất cả mọi điều theo ý ông ta muốn. Nhưng phụ nữ thật quả là những sinh vật kỳ quặc, khó hiểu. Hẳn không thể hiểu hết bất kì một ai trong số họ, cho dù đó có là mẹ đẻ của mình đi nữa; tôi chợt nhận thấy rằng mẹ tôi - một người trước kia không bao giờ nghĩ tới mặt vật chất của cuộc sống - bỗng lo đếm tiền, hay phát biểu những lời bàn luận đại loại như: tiền nong cố nhiên không mang lại hạnh phúc nhưng có tiền thì cũng yên tâm hơn, tiền bạc tốt đẹp là ở khả năng mua được của nó, người có dư dật thì yên tâm ngủ kỹ, và nhiều câu châm ngôn dạy đời tương tự mà trước kia không hề có ở bà.
Tôi đã nghĩ không biết mình có nên chuyển qua học lớp buổi tối, còn ban ngày lo kiếm việc làm ở đâu đó hay không? Nhưng Vava - khi tôi hỏi ý kiến cô ta về việc này - đã can ngăn tôi:
- Này, coi chừng, không khéo người ta cũng gọi vào quân đội cả những người học buổi tối đấy! Anh mới đang ở năm thứ tư, chuyện gì cũng có thể xảy ra được hết.
Và cô ta giới thiệu cho tôi một công việc lý thú mà dường như cũng sạch sẽ nữa: hướng dẫn một nhóm người chơi ô tô hai lần trong một tuần ở Nhà văn hóa kiến trúc sư. Tôi chấp nhận. Tiền lương không nhiều, nhưng cũng được một món thêm vào học bổng, vào tiền lương của Taya và vào những món tiền mà thỉnh thoảng mẹ tôi cho.
Vava cũng học trong nhóm này, cô ta mơ ước mua được ô tô và tự lái lấy. Nếu tôi có muốn chia tay hẳn với Vava đi nữa thì trên thực tế cũng khó mà làm được. Dù thế này hay thế khác thì chúng tôi cũng gặp nhau hai lần trong một tuần.
Vả chăng tôi cũng không còn cố đoạn tuyệt với cô ta nữa. Ngược lại, đôi lúc tôi thấy mình cũng nhớ cô ta. Có lúc cô ta gọi điện cho tôi. Nếu Taya có nhà và cầm lấy ống nghe thì cô ta im lặng rồi tắt máy đi. Taya nói:
- Điện thoại không nối vào được, chắc ai đó gọi từ máy điện thoại tự động.
“Chắc từ máy điện thoại tự động.” - tôi nghĩ thầm.
Vava thường dẫn dắt câu chuyện về mỗi một điều: cô ta rất gắn bó với tôi, cô ta cảm thấy thiếu tôi, muốn lúc nào cũng được ở bên tôi…
Thoạt tiên, tôi bông đùa lảng tránh, trích dẫn Chekhov - mà tôi nhớ là đã đọc được ở đâu đó trong những bức thư của ông - nói rằng ông chẳng muốn vợ ông lúc nào cũng ở bên cạnh. Nhưng càng ngày Vava càng nài ép khẩn khoản hơn, thuyết phục rằng không phải tôi đang yêu vợ mà là đang yêu cô ta, rằng bản thân tôi còn chưa ý thức được điều ấy, nhưng điều ấy là sự thực.
Cô ta quả thực có tài ám thị thôi miên. Phải thừa nhận rằng đã có lúc tôi đã cảm thấy chỉ một chút xíu nữa thôi là tôi thuận theo lời thuyết phục của cô ta và cô ta sẽ giành được lời đồng ý cắt đứt với vợ của tôi. Nhưng dù sao thì tôi cũng còn đủ sức chống đỡ lại sự nài ép của cô ta, tuy càng ngày việc kháng cự càng khó khăn hơn.
Những lúc chỉ có một mình, đôi khi tôi cũng nghĩ rằng Taya quả thực đã trở nên xa vời, rằng cô ấy tuy trẻ, đẹp, đầy hấp dẫn, nhưng tôi thấy Vava thú vị hơn, dù cho Vava lớn tuổi hơn tôi nhiều và còn lâu mới có thể gọi là đẹp được, nhưng bù lại cô ta yêu tôi chân thành.
Tuy nhiên, tôi cũng hiểu chính vào lúc này, không thể nào phản bội Taya đến cùng được, khi nỗi đau khổ lớn đang trút lên đầu cô ấy.
Một hôm, Vava mời tôi cùng đi xem buổi biểu diễn của nhà hát tạp hí Leningrad, có Arkady Raikin biểu diễn. Lấy được vé vào xem là chuyện cực kỳ khó khăn, chỉ có tính năng nổ xông xáo mới giúp cô ta lấy nổi hai vé.
Cô ta gọi điện cho tôi từ nơi làm việc:
- Bây giờ em sẽ về nhà rồi từ đó đi đến nhà hát. Anh hãy đi đến đó, em chờ!
Đã từ lâu tôi ước ao được xem buổi biểu diễn của nhà hát tạp hí Leningrad. Cả Vava cũng biết điều này nên dốc sức cố gắng đạt cho bằng được.
“Cừ thật đấy!” - Tôi nghĩ thầm. Và tôi còn nghĩ thêm rằng với một người vợ như Vava thì sống quả là dễ dàng, vui vẻ biết mấy.
Tôi ở học viện về nhà sớm hơn thường lệ, nói một cách đơn giản là tôi bỏ một tiết học mà tôi chẳng mấy thú vị. Tôi tắm rửa, chợp mắt một chút, sau đó cạo râu, bận chiếc áo sơ mi sạch và đeo chiếc cà vạt mới mà Vava mới tặng tôi.
Tôi đã khóa cửa thì có chuông điện thoại reo. Taya gọi tới.
- Ba vừa mới mất. - Taya nói. - Nếu có thể được thì anh đến ngay!
- Được, nhất định rồi. - Sau đó tôi nói thêm. - Cố bình tĩnh nghe em, anh xin em đấy.
Cô ấy đáp lại tôi:
- Được rồi, em sẽ bình tĩnh.
- Anh đến ngay bây giờ đây.
- Em chờ anh.
Tôi đặt ống điện thoại xuống và bối rối. Làm thế nào bây giờ? Vava đang đợi tôi ở nhà hát, tôi không làm sao có thể cho cô ta biết rằng tôi không thể tới đó. Rồi nếu tôi mà không tới thì cô ta sẽ chờ tôi, sẽ lo lắng tôi bị làm sao, vì xe hơi là xe hơi, không thể loại trừ chuyện tai nạn...
Mặt khác thì cha của Taya cũng hết hy vọng từ lâu rồi, những ngày gần đây chính Taya cũng nói ông ta đang chờ đợi cái chết từng giây từng phút.
Vậy thì cái chết của ông ta hoàn toàn chẳng phải là chuyện bất ngờ. Và nếu tôi đến nhà hát báo cho Vava biết rằng tôi không thể đi được, rồi sau đó mới đến phố Kotelnich tới nhà Taya thì việc đó có gì là xấu?
Tôi đã làm như thế. Ngồi vào chiếc xe Zhiguli đến đường bờ sông Bersenev, đậu xe vào bãi đậu và chen qua đám đông đang chầu mong có vé để tìm Vava.
Cô ta lao đến tôi, phô ra đủ cả ba mươi hai cái răng trắng bóng. Cần phải thừa nhận rằng hàm răng cô ta rất đều đặn và cô ta hãnh diện vì chúng thì cũng xứng đáng.
- Trời ơi, đây rồi! Thế mà khắp tứ phía người ta cứ bám lấy em năn nỉ, xin để lại vé...
Cô ta cười híp cả mắt nhưng tôi ngắt lời:
- Em có thể để lại vé được. Anh không đi đâu.
Vava nghẹn lại, không thốt lên lời.
- Cái gì kia? Anh nói gì vậy? Sao lại không đi?
- Cha của Taya vừa chết xong.
- Chết à. - Vava lặp lại. - Cố nhiên là em rất lấy làm tiếc. Nhưng tại sao anh lại phải hy sinh bản thân mình, hy sinh những thú vui mà cuộc đời đâu có dành nhiều cho anh? Và chỉ để kỷ niệm cái sự kiện đáng buồn ấy mà phải từ chối đi xem hát hay sao?
- Ông ấy vừa mới chết. - Tôi nhắc lại.
Cô ta nói:
- Em xin thành thực chia buồn...
- Taya đề nghị anh tới.
- Rõ rồi. Thế nếu anh đến muộn chừng hai tiếng đồng hồ thì có sao? Bởi em dám chắc cô ta ở đó không chỉ có một mình, đúng không? Còn mẹ cô ta nữa, và chắc còn bà con họ hàng nào đó nữa, rồi hàng xóm láng giềng, vì chuyện đó đâu phải bất ngờ gì, đúng thế không nào?
- Đúng. Không phải là chuyện bất ngờ.
- Vậy là càng tốt. - Vava nói, mặc dù tôi không hiểu tại sao cô cho vậy lại là tốt hơn. - Thế thì tại sao anh phải hy sinh bản thân mình? Vì cái gì kia chứ? Anh làm người chết sống lại được hay sao? Nếu anh có khả năng làm nổi thì em đã là người đầu tiên phái anh tới đó cho mau, nhưng anh sẽ chẳng giúp gì được cho ai hết, mà lại chịu mất đi một thú vui lớn của mình, và tại sao kia? Chỉ vì một cảm nhận sai lệch về nghĩa vụ ư?
Vắn tắt là cô ta đã thuyết phục được tôi và tôi đồng ý với cô ta. Vả lại, thông thường thì người đồng ý là những kẻ - nói cho cùng - suy nghĩ cũng không khác biệt gì và chỉ kháng cự một cách chiếu lệ mà thôi.
Không, tôi không thể nói rằng mình cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Có lẽ buổi biểu diễn - trong đó nghệ sĩ tuyệt diệu Arkady Raikin đã trình diễn xuất sắc - lần này đối với tôi bỗng mất hết vẻ hấp dẫn thế nào đó.
Mọi người xung quanh cười vang, cả Vava cũng cười, còn tôi thì lặng lẽ chăm chú ngó lên sân khấu.
Thỉnh thoảng Vava lại ghé vào tai tôi:
- Anh Valik, thôi đi mà, đừng có nghĩ ngợi gì nữa, nghe không?
- Anh nghe.
- Buồn cười thật đấy chứ?
- Thật đấy. - Tôi tự ép mình mỉm cười.
Trong thời gian biểu diễn phần hai của chương trình, tôi cảm thấy có ai đó nhìn tôi chăm chú. Tự nhiên tôi ngoảnh lại và chết lặng người đi: người đang nhìn tôi chòng chọc là Korableva - trưởng phòng giáo vụ trong chính cái trường thanh niên công nhân mà trước đây tôi học và Taya hiện vẫn dạy ở đó.
Korableva là loại người thích mọi sự thật một cách độc ác, khoái nói thẳng vào mặt mọi người những chuyện không hay.
Không riêng gì học sinh, mà theo lời Taya thì ngay cả giáo viên cũng nhiều người khiếp sợ cái tính “chân thật thẳng thắn” của bà ta - như lời bà ta diễn tả. Cái thói mà Korableva vẫn lấy làm tự hào và cho phép bà ta nhiều khi nói thẳng vào mặt bất cứ người nào ngay cả những điều xấu xa không tưởng tượng được.
Và bấy giờ, vừa nhìn thấy mái tóc nhuộm màu hung lưa thưa, cặp mắt lươn ti hí của bà ta đang hướng vào tôi, tôi liền thấy lạnh cả người: sao mà mình lại gặp phải cái mụ Korableva ngay vào buổi tối vui này cơ chứ!
“Rồi thế nào cũng sinh chuyện vì cuộc gặp gỡ này đây”, - tôi thầm nghĩ.
Một lúc sau, tôi ngoái lại nhìn lần nữa và lại bắt gặp cái nhìn của Korableva, có vẻ như bà ta chỉ nhìn tôi chứ không nhìn lên sân khấu. Cặp môi mỏng, thoa son cẩu thả, đầy vẻ độc ác đang hé ra, tựa hồ như bà ta định nói gì với tôi từ hàng ghế của bà ta.
Tôi lại quay mặt đi và lại thầm nghĩ rằng cuộc gặp này rồi sẽ kết thúc chẳng mấy tốt lành.
Khi buổi biểu diễn kết thúc, tôi chở Vava về nhà cô ta và ngay lập tức quay xe về đường bờ sông Kotelnich.
Tôi phóng nhanh qua các phố, hầu như không để ý đến đèn báo trên đường, may mà cũng khuya rồi nên ngoài đường phố người và xe cộ thưa thớt.
Taya mở cửa cho tôi. Tôi sửng sốt vì cặp mắt của cô trở nên to tướng trên khuôn mặt trắng bệch và có vẻ nhỏ lại bằng cỡ nắm tay.
Cô lao tới ôm choàng lấy tôi.
- Anh. - Taya thì thào. - Em lo quá, không còn biết nên hiểu thế nào nữa…
- Bình tĩnh lại em, em thương yêu! - Tôi nói và ghì chặt lấy Taya. - Anh xin em, không nên thế, em phải giữ mình chứ…
Nhưng Taya không rời khuôn mặt khỏi vai tôi.
- Em không thể khóc trước mặt mẹ, trong lúc đó em lại không biết phải nghĩ thế nào, em lo cho anh đến phát điên lên được, mà anh thì chẳng thấy đâu hết…
Nước mắt làm cô nghẹn thở, giọng nói đứt đoạn. Chúng tôi cứ đứng như vậy ở cửa, ôm chặt lấy nhau. Taya cứ nói mãi, vừa khóc vừa nói, còn tôi thì cảm thấy mình là kẻ đê mạt cùng cực và chỉ lo gặp phải cái nhìn của cô ấy, tưởng chừng như cô ấy mà nhìn vào mắt tôi là hiểu hết mọi chuyện.
Có một điều Vava nói đúng: Taya và mẹ cô ấy không đơn độc. Tôi thấy ở đây có người cô của Taya và một người em họ, mấy người hàng xóm cùng cầu thang. Tất cả đang ngồi bên bàn, nói chuyện nho nhỏ với nhau, còn cha của Taya nằm ở phòng bên cạnh và cửa vào phòng đó đóng chặt.
Hai ngày sau thì làm tang lễ. Lẽ dĩ nhiên là tôi hết sức cố gắng giúp đỡ Taya và mẹ cô. Cùng với người cô, tôi đi lấy các giấy chứng nhận tương ứng ở phòng đăng ký kết hôn và ở bệnh viện, đặt mua quan tài, vòng hoa, thuê xe buýt, đích thân đi đến nghĩa địa chọn chỗ chôn cất thích hợp.
Sau này, người cô nói với Taya:
- Anh Valentin của cháu thật quý hóa quá, tự thân đi lo liệu mọi việc thật chu đáo.
Taya nhìn tôi đầy biết ơn, còn tôi lại cảm thấy mình là quân chó má mạt hạng...
Một vài ngày trôi qua. Trong suốt thời gian ấy, Taya vẫn tiếp tục sống ở nhà mẹ, và tôi thì sau giờ học đến đó với cô ấy.
Một hôm, tôi đến nhà họ và Taya dọn bữa trưa cho tôi, bất ngờ Korableva xuất hiện.
- Taya ơi! - Bà ta kêu to lên và chìa tay ra cho cô ấy khi vẫn còn ngoài ngưỡng cửa. - Chị vừa được tin về nỗi đau thương của em.
Bà ta ôm hôn Taya, rồi vừa nhìn thấy mẹ Taya liền nhảy bổ tới ôm lấy bà. Sau đó, bà ta ngồi xuống cạnh tôi, liếc tôi bằng cặp mắt nâu sắc như dao.
- Tôi đi Kiev, vừa mới về hôm qua. Chuyện đó xảy ra ngày nào vậy?
- Ngày hai mươi ba. - Taya đáp, đặt trước mặt bà ta một ly nước trà còn đang bốc khói.
- Ngày hai mươi ba ư? - Korableva hỏi lại và đẩy ly trà ra. - Không, em nói thật đấy chứ? Chính xác là ngày hai mươi ba sao?
Taya hơi nhíu mày lại. Ít nhất thì câu hỏi của Korableva nghe cũng không được tế nhị lắm.
- Cũng đúng ngày hai mươi ba, vào lúc tối khuya tôi đã đi Kiev. Còn lúc trước đó tôi ngồi ở nhà hát tạp hý, xem Raikin biểu diễn...
Bà ta đưa mắt nhìn tôi. Cái miệng nhỏ bé hung hãn của bà ta run lên một nụ cười, những cái răng nhỏ xíu. Tôi chợt hiểu: bây giờ đây, ngay phút này, vụ nổ sẽ xảy ra.
- Chồng của em sẽ không để cho chị nói điêu đâu, chị với anh ta cùng dự tối vui ấy ở nhà hát...
- Chị nhầm lẫn thế nào đó, chị Korableva ạ.
- Cố nhiên là nhầm lẫn rồi, - mẹ của Taya bắt chuyện. - Vì tối hôm đó ông nhà tôi mất mà...
Và bà rút khăn tay ở trong túi ra áp vào mắt.
- Khoan đã nào. - Korableva nói, khó khăn lắm mới kìm được một nụ cười thỏa mãn cứ muốn bò lan ra khắp mặt bà ta. - Các bạn thân mến ơi, tôi hiểu hết, nhưng dù có băm tôi ra từng mảnh một thì tôi cũng không lấy lại lời mình đâu...
Đó là một câu nói ưa thích của Korableva mà ai cũng biết. Bất cứ người nào đã từng tiếp xúc với bà ta - hay đúng hơn là bất cứ người nào đã bị bà ta trút vào mặt những lời châm chọc xỏ xiên - đều biết cái câu ưa thích đó của bà ta.
- Xin cứ là băm tôi ra từng mảnh. Nhưng trong buổi tối hôm ấy tôi đã trông thấy anh Valentin của em ở nhà hát tạp hý mà. Anh ta ngồi ở hàng ghế thứ tám, còn tôi ở hàng ghế thứ mười một, và anh ta còn đi cùng với một cô nào đó nữa, nói thẳng ra là không còn trẻ trung gì, nhưng bôi son đánh phấn đầy mặt. Thế nào Valentin, tôi nói không đúng sao?
Phải, những linh cảm của tôi đã tỏ ra là đúng, cuộc gặp gỡ với Korableva đã chẳng trôi qua mà không để lại dấu vết gì.
- Sao cậu lại im lặng thế? - Bà ta không buông tha tôi. - Cậu cũng biết bao giờ tôi cũng nói sự thực. Cậu hãy nói xem tôi có nhầm lẫn không nào? Không chứ gì?
Tôi đáp:
- Không, không nhầm lẫn đâu.
Tôi còn biết nói thế nào nữa? Mụ Korableva “yêu sự thật” đã đánh gục tôi hoàn toàn và bây giờ công khai tận hưởng chiến thắng của mình.
- Và cậu cũng nhìn thấy tôi nữa. - Bà ta cay nghiệt nói tiếp. - Tôi còn ngạc nhiên bởi tại sao cậu nhìn thấy tôi mà lại không chào? Hay là tại...
Bà ta không nói hết câu, xích ly trà lại gần, hớp thật kêu một hớp trà đã nguội.
Tất cả chúng tôi đều im lặng. Taya bưng những chiếc đĩa dơ ra bếp, rồi lại quay trở vào với ấm đun nước trên tay.
- Korableva, tôi rót thêm cho chị nước trà nóng nữa nhé? Chị muốn không?
- Tôi không từ chối. - Korableva đáp, và trong khi Taya rót vào ly cho bà ta nước trà nóng mới pha, bà ta lại nói: - Tốt nhất đừng có dây vào tôi làm gì. Trí nhớ của tôi sáng như pha lê, phản chiếu lại mọi điều. Tôi mà đã nói ngày hai mươi ba thì tức là ngày hai mươi ba, chính xác như ở hiệu thuốc vậy! Xin cứ việc yên tâm. Vậy là bố cô mất ngày hai mươi ba phải không nào? Vào lúc nào thế? Buổi sáng? Buổi trưa?
- Buổi tối, lúc sáu giờ kém mười. - Mẹ Taya đáp.
- Rõ rồi. - Korableva buông thõng.
Tôi ngồi cúi gằm mặt xuống. Rồi đó, sự trừng phạt xứng đáng đối với sự đê mạt của tôi. Hay là không, cái đó không chỉ là sự đê mạt mà còn là sự bội phản nữa? Tôi có thể tìm nổi lời nào để biện minh cho mình được? Nói gì đây? Giải thích bằng cách nào với tất cả những gì đã xảy ra?
Một lát sau Korableva ra về. Rất thỏa mãn, bà ta bao giờ cũng rạng rỡ vì thích thú khi thành công trong việc bôi nhọ ai đó thật nhiều, thậm chí bà ta còn mỉm cười với tôi và chúc tôi đạt nhiều kết quả học tập trong niên học này.
Đóng cửa cho bà ta xong, Taya trở vào phòng. Mẹ cô nói:
- Taya này, mẹ đi ngủ đây...
- Vâng ạ. Chúc mẹ ngủ ngon.
Mẹ cô gật đầu chào tôi - dẫu sao bà vẫn là một người có gia giáo và tôi lại đang ở trong nhà bà - nhưng tôi biết rằng từ giây phút này bà căm thù tôi ghê gớm. Còn lại tôi với Taya.
Tôi im lặng, không biết nói gì, và nói chung là không biết nên bắt đầu câu chuyện thế nào. Taya cũng im lặng. Và lúc đó tôi quyết định phải phá tan sự im lặng nặng nề này bằng cách nào đó.
- Taya... Em hãy nghe anh, tất cả chuyện này cũng không hẳn hoàn toàn như vậy. Chuyện là như thế này…
Taya khoát tay, tựa hồ như gạt đi tất cả những gì tôi nói.
- Khỏi cần, Valentin. - Cô nói một cách đơn giản. - Khỏi cần nói gì hết. - Im lặng một chút rồi cô nói thêm: - Anh thấy đấy, em có hỏi gì anh đâu...
- Anh hiểu. - Tôi nói. - Mọi chuyện đều rõ cả. Nhưng anh hy vọng em có thể lắng nghe anh chứ?
Cô hỏi một cách mệt mỏi:
- Lắng nghe ư? Để làm gì kia?
Và lần đầu tiên cô ấy nhìn vào tôi, còn trước đó tôi thấy cô tránh gặp ánh mắt tôi. Tôi thấy trong đôi mắt cô ấy ngoài nỗi mỏi mệt không chút giả tạo còn niềm cay đắng nữa - một niềm cay đắng vô biên, không gì làm vợi bớt được, đầy tuyệt vọng.
- Xưa nay em vẫn không ưa việc phân định thái độ. - Taya nói. - Hẳn anh cũng đã kịp nhận thấy đặc điểm đó của em rồi.
- Anh có thấy. Nhưng em hãy nghe anh, cuối cùng thì em có thể lắng nghe anh được không?
Taya chậm rãi lắc đầu. Còn tôi thì nghĩ thầm: “Thế là khỏi cần gì hết! Mình thì biết nói gì kia chứ? Chẳng cần phải bịa đặt gì nữa, đằng nào thì cô ấy cũng sẽ chẳng tin...”
Tôi cảm thấy hình như chỉ đến lúc này tôi mới thấu hiểu quả thực chẳng nên tìm kiếm sự dung thứ nào đó cho hành vi của mình, hay bịa đặt ra những nguyên nhân chính đáng - phải chính đáng chứ còn sao nữa - nào hết.
Taya ghét cay ghét đắng việc phân định thái độ. Cô đã yêu tôi, tôi biết tôi là quý giá đối với cô, chắc chắn là quý giá, nhưng cô không tha thứ cho tôi. Không khi nào tha thứ, bởi tôi đã phản bội cô ấy. Trong cái ngày nặng nề nhất đời cô, tôi đã bỏ mặc cô, không nâng đỡ cô, không ở gần cô, mà lại đi ngồi ở nhà hát với một mụ lạ hoắc nào đó…
Tôi đã nghĩ như vậy, tự đặt mình vào địa vị của Taya, cô thì vẫn im lặng, và thật là nặng nề khi hai người ngồi với nhau trong một căn phòng yên tĩnh, im lặng và không nhìn vào mắt nhau.
Cuối cùng tôi không kiềm chế được, đã hỏi:
- Vậy thì anh phải đi khỏi đây hay sao?
Cô ấy không trả lời.
- Đi khỏi chứ? - Tôi hỏi lại. - Vĩnh viễn? Đúng thế không?
Cô ấy ngó đi chỗ khác, đáp:
- Phải, có lẽ là như vậy.
Tôi đứng dậy, bước ra hành lang, mặc áo khoác. Và tôi cố chậm rãi, vẫn ngóng đợi cô ấy sẽ bước ra và nói:
- Khoan đã, Valentin. Em nghĩ lại rồi. Chúng ta không thể nào thiếu nhau được.
Tôi biết trước rằng nếu không có cô ấy thì tôi sẽ rất khó khăn. Tôi đã yêu cô ấy, cố nhiên là tôi yêu, dù theo cách riêng của mình, dù không được như cô ấy yêu tôi. Biết làm sao được, người ta bảo rằng có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu thứ tình yêu, nhưng cũng thế thôi, tình yêu bao giờ cũng vẫn là tình yêu, dù nó có thế nào đi nữa.
Tôi thầm chửi rủa mình không thương tiếc, chửi rủa Vava, cái mụ thật khó chịu ấy, cứ bám dính vào tôi như một thứ keo đã luống tuổi làm cho tôi không ăn không ngủ nổi.
Tôi tìm kiếm những kẻ có lỗi, nhưng cũng không thương xót cả chính mình. Tôi hiểu chính tôi có lỗi nhiều hơn hết trong mọi chuyện. Không một ai khác, chỉ có tôi mà thôi!
Trong phòng Taya đang ngồi vẫn im lặng, rất im ắng, tựa như không còn ai ở đó.
Tôi đợi thêm một lát, rồi mở cửa bước ra ngoài, và tôi còn đứng trước cánh cửa đóng chừng hai phút nữa.
Biết đâu bỗng nhiên cô ấy nghĩ lại và quyết định lao ra đuổi theo tôi?
Biết đâu bỗng nhiên cô ấy chợt hiểu ra là cô ấy không thể thiếu tôi được?
Bởi tôi cũng không thể thiếu cô ấy.
Nhưng xung quanh vẫn lặng như tờ. Và tôi bước chậm chạp, tựa như trong giấc mơ, đi xuống cầu thang...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét