Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Chuyện Tình Tự Kể - Phần 1

Chuyện Tình Tự Kể

Tác giả: Lyudmila Uvarova
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
NXB Long An - 1986
---------------------------

Irina

Tôi không hề có ảo tưởng. Tôi biết tại sao anh ấy muốn lấy tôi làm vợ. Anh đã yêu một người phụ nữ khác, nhưng đột nhiên cô ta đã bỏ anh, rồi vì buồn, vì uất ức, vì nỗi giận hờn đắng cay của mình, và cũng có thể do muốn vươn tới một sự tự khẳng định nào đó, anh bỗng ngỏ lời hỏi tôi làm vợ.
Chúng tôi quen biết nhau đã nhiều năm, đã sống hàng xóm láng giềng với nhau trên cùng một đường phố. Anh lớn hơn tôi ba tuổi rưỡi, thuở nào khi tôi học lớp bốn chẳng hạn thì anh học lớp bảy, cái đó đã tạo nên một khoảng cách lớn giữa chúng tôi.
Nhưng về sau, khi tôi tròn hai mươi ba tuổi, còn anh - hai mươi sáu, thì chúng tôi đã bằng vai với nhau. Hơn nữa, người ta vẫn bảo rằng phụ nữ bao giờ cũng trưởng thành sớm hơn về mặt sinh học.
Thực ra tôi không hề thấy mình trưởng thành hơn anh. Ngược lại, tôi luôn cảm thấy anh trưởng thành hơn, thông minh hơn và lớn lao hơn tôi.
Có lẽ trên thực tế cũng là như vậy.
Chúng tôi tốt nghiệp đại học vào thời gian khác nhau - anh ở đại học xây dựng, còn tôi - đại học kinh tế kế hoạch. Tôi mới qua tuổi hai mươi ba, làm việc ở một cơ quan thiết kế với mức lương tương đối khá, còn anh là kỹ sư trưởng của một công ty xây dựng.
Một buổi sáng nọ, vào thứ bảy, anh bỗng đến nhà tôi.
Chúng tôi đã lâu không gặp nhau, thế mà bây giờ bỗng nhiên anh lại đến. Ông chú Oleg Georgievich của tôi hỏi:
- Tôi phải nói với cháu nó thế nào, ai đến thăm nó?
Anh đã trả lời:
- Xin ông nói giùm là có Pikaskin đến.
Ông chú có thói quen không hề ngạc nhiên trước chuyện gì bao giờ, hỏi lại một cách lịch sự:
- Xin lỗi, thế nào? Pikaskin ư? Tôi nghe có đúng không?
- Hoàn toàn đúng. - anh đáp - Chính thế. Pikaskin.
- Xin anh chờ một chút ở đây, tại phòng ngoài này. - Ông chú nói.
Ông chú, mà tôi đã sống kề bên suốt cả tuổi thơ và thời niên thiếu, nổi bật ở phong cách lịch sự thuần túy kiểu cổ.
Ông kéo ghế mời khách ngồi, bật đèn lên rồi gõ cửa buồng tôi. Tôi đã thức, vẫn nằm trên giường đọc cuốn tạp chí “Moskva” số ra từ năm ngoái.
- Xin lỗi cháu nhé, ở ngoài kia có người hỏi cháu, một người có cái họ tức cười kinh khủng.
- Họ thế nào kia ạ? - Tôi vội hỏi.
- Pikaskin, - ông chú đáp. - Nào, cháu xem có tức cười không cơ chứ?
- Đó là Marik đấy mà, - tôi nói. - Marik Simakov, ông nhớ chứ, cái cậu mà cổ áo sơ mi lúc nào cũng dính mực ấy? Có lần ông còn nhận xét là chắc cậu ta đi uống mực ở đâu đó…
- Marik Simakov ư? - ông chú nhắc lại. - Cố nhiên rồi, ông nhớ rõ anh ta mà. Có lần anh ta đã tuyên bố hoàn toàn nghiêm chỉnh rằng lần mới đây nhất mà anh ta phải mỉm cười là vào cuối thế kỷ trước. Chẳng hiểu tại sao ông lại không nhận ra cậu ta ngay thế nhỉ?
Chính ông chú cũng mỉm cười khi nhớ lại câu nói đùa của Marik vẫn lưu truyền trong bọn chúng tôi dạo đó, nhưng tôi thì không sao cười nổi vì thương ông quá: mắt của ông ngày mỗi kém đi, tất cả các bác sĩ đều bảo thiên đầu thống là một thứ bệnh quái ác và không ưa đứng yên ở một mức…
Tôi vội mặc quần áo trong nháy mắt, gọi với vào cuối hành lang:
- Marik, đợi một chút nhé!
Tôi nhanh chóng tắm qua bằng nước lạnh, đã hơn một tháng nay nhà tôi bị cắt nước nóng do sửa đường ống.
Rồi tôi chải đầu cũng nhanh như vậy. Qua tấm gương, tôi thấy gương mặt mình hơi bị húp lên sau giấc ngủ, hàng lông mi dài, vầng trán cao - thậm chí tôi nghĩ là quá rộng và cao đối với người phụ nữ.
Mái tóc vàng của tôi nhuộm một ít màu tím nhạt vì vậy mà có màu thẫm ánh bạc đầy bí ẩn. Mái tóc lập tức ngả ngay ra hai phía, đúng như tôi muốn, phía sau dài hơn phía trước.
Tôi tự nghĩ: “Có lẽ mình trông cũng không đến nỗi nào…”
Sau đó tôi bước ra hành lang và gọi Marik vào trong bếp, nơi duy nhất trong nhà tôi mà mỗi buổi sáng trông còn ngăn nắp đôi chút.
Marik người cao và rất gầy, trông hơi giống nghệ sĩ Nikolai Cherkasov đóng vai Paganel trong phim “Những đứa con của thuyền trưởng Grant”.
Ở trường người ta đặt cho Marik biệt hiệu Pikaskin trước hết vì anh hết mê họa sĩ Picasso, thu thập bản sao các bức vẽ của ông, rồi sau nữa còn vì bạ chỗ nào anh cũng vẽ con chim bồ câu - trên các quyển vở, trên bảng ở trường, trên tường, trên cửa và trên hè phố.
Anh luyện tới mức vẽ xong con chim trong chớp mắt, con chim mập mạp, cổ tròn và hai cánh xòe rộng.
Mẹ anh - bà Alla Ivanovna - thường nói về anh:
- Marik là một chú bé rất nhạy cảm và tài năng khác thường. Sự nhạy cảm và tài năng của nó làm tôi nhớ tới Levitan, không phải cái ông nói trên đài đâu, mà là nhà danh họa bạn của Chekhov, và phần nào cũng làm tôi nhớ đến Chopin…
Alla Ivanovna từ thời còn trẻ đã làm việc ở nhiều thư viện. Trải qua thời gian dài ở đó, bà đã đọc đi đọc lại hầu như tất cả mọi cuốn sách đã nằm yên qua bao năm tháng trên các giá sách của thư viện. Bà đã tích lũy đủ loại kiến thức về những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau của khoa học kĩ thuật và nghệ thuật. Bà lại rất ưa phô trương kiến thức của mình và nhiều khi trích dẫn chúng ra rất không phải chỗ.
Nhưng chuyện đó chẳng hề làm bà ngượng nghịu chút nào. Bà đặt tên cho con trai là Mark để kỷ niệm nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Bờ dốc” của Goncharov.
Cha của Marik không còn. Ông ấy chết cách đây mấy năm.
- Anh có chuyện nhờ em đây. - Marik nói.
- Nói ra xem nào, anh Pikaskin, - tôi nói.
Anh lấy từ trong túi áo ra một cái gì đó được bọc cẩn thận bằng giấy trắng mỏng, anh mở giấy ra và tôi nhìn thấy tấm hình.
- Đây chính là cô ta. - Pikaskin nói.
- Cô ta là ai vậy? - Tôi hỏi.
- Là người mà anh yêu.
- Thì anh cứ việc mà yêu cho khỏe, chỉ có điều là anh hãy giải thích cho biết, em thì dính dáng gì ở đây?
- Em phải giúp anh.
Hồi chúng tôi học đại học, tôi học năm thứ nhất, còn anh học năm áp chót, tôi với anh rất hay gặp nhau trên phương diện hàng xóm, trao đổi sách truyện cho nhau, cả hai chúng tôi đều mê truyện tình báo. Hồi đó mắt ông chú còn rất tốt, Marik mượn về cho ông những truyện trinh thám Anh, Pháp. Ông chú rất giỏi ngoại ngữ, đã dịch miệng trực tiếp ngay ra tiếng Nga, còn tôi thì đánh máy ghi lại trên chiếc máy chữ cũ kỹ Remington làm bốn bản. Sau đó Marik đóng xấp giấy lại thành quyển có bìa cứng màu đỏ. Anh cho tôi một bản, nhờ vậy tôi đã tập hợp được một tủ sách trinh thám rất khá - Agatha Christie, Edgar Wallace, Ellery Queen và dĩ nhiên là Simenon.
Và còn cả những cuốn sách của các tác giả không ai biết tên tuổi nữa.
Tôi có là bạn bè thân thiết với Marik không? Tôi cũng không biết liệu có thể gọi quan hệ của chúng tôi là tình bạn được không?
Anh bao giờ cũng đối xử với tôi như một cô bé không mấy lý thú đối với anh mặc dù nói chung là có thiện cảm, nhưng hoàn toàn thờ ơ, và cố nhiên là anh không ngờ rằng tôi đã yêu anh ngay từ hồi còn học lớp bảy.
Và như về sau này tôi suy nghĩ, mặc dù trong những năm đó đã có lúc có những say mê khác, tôi sẽ vẫn yêu anh và sẽ chung thủy với anh đến trọn cuộc đời còn lại của mình.
- Em phải giúp anh thế nào đây? - Tôi hỏi.
- Ngày mai anh sẽ đưa Tanya về gặp gia đình anh, - anh nói - Em cũng đến đi, để làm giảm sốc.
Trong tấm hình là một khuôn mặt thiếu nữ hơi choắt với cái miệng rộng có đường nét rõ ràng và dữ dằn.
Cái miệng đúng là rất nổi bật: rộng, dữ dằn, tham lam. Ngoài ra có lẽ khuôn mặt ấy chẳng còn cái gì đặc biệt đáng ghi nhớ cả. Nhưng cũng có thể đơn thuần là do tôi không muốn tìm thấy một cái gì hấp dẫn ở đó chăng?
Tôi nhìn cặp lông mày tô phớt nhẹ, đôi má hơi trễ xuống, có lẽ là hơi nhạt và hài lòng nghĩ thầm: “Một cô nàng cũng thường thôi, chả có gì đặc biệt!”
- Thế nào, em sẽ đến chứ? - Pikaskin hỏi.
- Vào giờ nào?
- Trước 5 giờ.
- Em sẽ đến.
- Chỉ có điều đừng làm hại anh. - anh nói. - Anh trông cậy vào em đấy.
- Thế có khi nào em làm hại anh chưa?
Anh mỉm cười:
- Không, chưa bao giờ em hại anh cả, nhưng em cũng biết mẹ anh rồi đấy, trên trái đất này không tìm đâu ra người nào hay có thành kiến hơn mẹ anh. Khi không bà cứ nhất định là Tanya không hợp với anh.
- Bà quen biết cô ta sao?
- Bà mới nhìn thấy có một lần. Anh lấy vé cho bà đi xem phim, còn anh thì đi cùng Taya. Ngồi xem ở những hàng ghế khác nhau, thế mà sau đó mẹ anh bảo rằng Taya dứt khoát không hợp với anh, rằng cô ấy tuyệt nhiên không phải là người mà anh cần. Và nói là đã nhìn thấy trước số phận bất hạnh của anh giống như số phận của nhân vật Osip Dymov, em cũng biết tính bà rồi đấy…
- Em biết. - Tôi nói. - Chắc là Alla Ivanovna ngay sau đó đã lập tức dẫn một đoạn ngắn trong cuốn “Người đàn bà hay nhảy” phải không?
- Đại loại như vậy. - Anh đồng ý. - Lần này thì trích Tolstoy, dùng bài báo trong tập “Phạm vi đọc” làm thí dụ. Nhân tiện nói về sách, em có cuốn trinh thám nào khá không?
- Em có thể cho anh mượn những số năm kia của tạp chí “Người tìm tòi”. Đôi khi trong đó có những truyện trinh thám không tồi.
- Em giữ mà đọc. - Anh thành thật khuyên tôi. Anh đứng dậy, chìa cánh tay dài ra cho tôi.
- Vậy là em sẽ đến nhé…
Anh mỉm cười, hơi nhếch miệng, và tôi lại thầm nghĩ: “Sao mà giống Cherkasov trong vai Jacques Paganel đến thế!”
Ngày hôm sau tôi đến nhà anh như đã hẹn, vào lúc năm giờ kém mười lăm, và thấy ở nhà chỉ có mỗi mình Alla Ivanovna.
Bà đang dọn bữa trưa lên bàn, xếp ra những chồng đĩa sâu, rồi đĩa nông, rồi đĩa nhỏ để đựng đồ nhậu.
Bà lôi từ tủ buýp-phê ra bộ đồ đựng muối, tương ớt và dấm, hai cái lọ nhỏ có nút bằng kim loại mà tôi vẫn nhớ từ hồi còn thơ ấu. Bà vừa làm vừa khóc. Những giọt nước mắt đọng lại hồi lâu trên đỉnh mũi rồi rơi xuống tấm khăn trải bàn trắng mỏng.
Vừa nhìn thấy tôi, Alla Ivanovna vội lau mắt bằng tấm khăn ăn hồ bột tiện cầm sẵn trong tay, mỉm cười một cách vui vẻ quá mức rồi reo lên:
- Rất vui mừng, tất nhiên rồi, chỉ có điều bác đề nghị cháu đừng lại gần bàn nhé!
Chuyện từ hồi nảo hồi nào: có lần tôi tới nhà Pikaskin, chưa đầy ba phút sau tôi đã vô tình làm bể cái chén bằng sành dùng để đựng trứng đặt ở trên bàn.
Nhưng thế vẫn còn ít, bởi vì lần sau đến nhà anh, tôi lại vướng tay vào chậu hoa cổ - chậu hoa bằng sứ, toàn bộ dường như được tết bằng đăng-ten, một thứ tuyệt đẹp và thật đáng tiếc khi phải nhìn những mảnh sứ hình đăng-ten bể tan tành…
Alla Ivanovna lúc đó không rầy la tôi, chỉ nói tôi thật đúng là mẫu nhân vật Epikhodov trong “Vườn anh đào” của Chekhov. Bây giờ mới thấy qua nhiều năm rồi mà bà vẫn nhớ cái tính vụng về của tôi.
Bà nghiêng đầu ngắm nghía những chén bát đích thực là đồ cổ của mình đang được đặt trên tấm khăn trải bàn trắng không gợn một nếp nhăn. Trên môi bà thoáng một nụ cười thỏa mãn.
Nếu tôi mà không tình cờ thấy những giọt lệ trên sống mũi bà thì tôi đã không thể nào tin được rằng chỉ mới chừng năm phút trước đây thôi bà đã vừa dọn bữa ăn lên bàn vừa khóc.
Bá có cặp mắt lơ đãng màu xanh nhạt, tóc nhuộm thành màu loang lổ trông rất xấu. Cũng giống như Marik, bà người gầy gò, chân tay dài, khi nói chuyện miệng bà cũng hơi nhếch lên.
Bà nhìn tôi bằng cặp mắt thẫn thờ (chắc lúc ấy bà đang nghĩ về một chuyện khác) rồi hỏi:
- Cháu tới gặp Marik à?
- Vâng ạ, chúng cháu có hẹn gặp nhau. - Tôi đáp.
- Hiện giờ nó không ở nhà, lát nữa mới về.
- Vậy thì cháu sẽ đợi một lát. - Tôi nói. - Có được không ạ?
- Được chứ. Chỉ có điều xin cháu ngồi xa xa cái bàn một chút.
Bà đi vào trong bếp, còn tôi đưa mắt nhìn lên bức tường trước mặt và thấy bức tranh. Trên bức tranh vẽ hình một con bồ câu to màu tím mang mặt người, lông mày cau lại buồn bã, cái miệng đẹp, cặp má hơi trễ xuống.
Tôi nhận ra Tanya - người trong tấm hình mà Marik đã từng cho tôi xem. Chính cái cô Tanya mà anh đã yêu.
Tôi chợt thấy ghen tị: chắc anh yêu cô ta rất tha thiết!
Hồi tôi còn học lớp mười, có lần các bạn cùng lớp quyết định mỗi người đều viết ra một cách thành thật, không giấu giếm chút nào hết, những suy nghĩ của mình về bản thân, tự đánh giá mình ra sao và kể hết ra những ưu điểm, khuyết điểm của mình.
Tôi đã viết:
Khuyết điểm: tính tản mạn, bướng bỉnh, hay thù dai. Ưu điểm: yêu súc vật, có tính rộng rãi”.
Cũng có thể tôi đã vô tình bỏ qua ưu điểm nào đó, nhưng khi kể ra các khuyết điểm, tôi đã cố ý giấu kín một cái mà tôi rất xấu hổ về nó. Đó là tính hay ghen ghét.
Tôi hiểu rằng tính ghen ghét là rất xấu xa, nhưng tôi không làm sao khắc phục được bản thân mình.
Tôi ghen ghét các bạn gái xinh đẹp hơn, các bạn cùng lớp có được điểm tốt, các nhà hàng xóm có được cửa sổ hướng về phía mặt trời...
Nhưng người mà tôi ghen ghét nhiều nhất là Vera Krasikova. Cô ta đã được cậu Stasik Kubatsky, một nhà thơ được tất cả chúng tôi khâm phục, đem lòng yêu. Stasik đã làm thơ và mọi bài thơ đều viết về Vera.
Tôi ghen tị với cô ta tưởng đến mức phát điên lên, bởi tôi rất biết: chẳng khi nào tôi có thể mong được ai gọi tôi là “ngôi sao xanh xa xăm” và “chuyện thần tiên chẳng bao giờ kết thúc” cũng như chẳng bao giờ có những vần thơ viết về tôi như thế này:
Em là lửa cháy và giá băng, là biển cả và trời cao
Và xin em hãy nhớ, dù anh ở nơi đâu, dù anh sống chốn nào
Anh cũng chẳng làm sao quên nổi
Về em, về sắc đẹp em, như thần thoại tuyệt vời!
Những vần thơ ấy dù không được hoàn hảo lắm về vần điệu, nhưng vẫn thường xuyên ám ảnh tôi; chao ôi, giá như khi nào có ai đó lại viết một cái gì đó tương tự về tôi nhỉ?
Tuy nhiên không một ai, kể cả ông chú đã nuôi dạy tôi, được tôi thú nhận rằng tôi bị ám ảnh bởi lòng ghen ghét, bởi vì tôi hiểu rằng đó là thứ cảm xúc xấu xa ti tiện đến chừng nào.
Bây giờ tôi cũng ghen ghét cái cô Tanya mà cho tới nay tôi chưa hề biết, vì Marik yêu cô ta. Nhưng tôi tự chuẩn bị trước cho mình, quyết không để lộ ra lòng ghen ghét, ngược lại, tôi cố gắng tươi cười niềm nở, tỏ ra dễ thương để không ai có thể chê trách tôi điều gì, để không ai, cả Marik, cả Tanya, cả Alla Ivanovna đoán được là tôi ghen ghét.
Chừng hai mươi phút sau thì họ tới, Marik và Taya.
Hóa ra người thực Tanya trông rất lộng lẫy. Trong tấm hình cô ta bị mất đi màu sắc rực rỡ của khuôn mặt, những màu sắc đa dạng tươi tắn: da trắng như sữa, má hồng tươi, cái miệng rất xinh, đầy biểu cảm, đồng thời lại rất dịu dàng…
Pikaskin thấy tôi nhìn ngắm Taya với vẻ khâm phục không giấu giếm hẳn là rất sung sướng.
Anh mỉm cười hỏi tôi:
- Thế nào, thích không?
- Khỏi phải nói! - Tôi đáp và ngượng đỏ mặt lên vì hồi sáng tôi đã ngắm nghía mình trong gương ra sao. Vâng, đã ngắm nghía! Nhưng lẽ nào có thể so sánh tôi với Tanya được, dù chỉ một chút thôi?
Ông chú tôi thường nói:
- Lòng ghen ghét và tính hay thù hằn đặc trưng cho bản chất ti tiện.
Tuy nhiên, trong khi vẫn ý thức được rằng lòng ghen ghét là một xúc cảm xấu xa, đặc trưng cho bản chất ti tiện, tôi vẫn không làm sao khắc phục được bản thân.
Quả là đúng với câu nói của người xưa rằng chiến thắng bản thân mình là khó hơn cả.
Taya nói:
- Mark kể với tôi rất nhiều về chị.
Giọng của cô ta trầm. “Chắc cô ta hát hay”, - tôi thầm nghĩ.
- Tôi với anh ấy rất ít khi gặp nhau. - Tôi nói với Tanya. - Anh ấy có thể kể gì về tôi thế?
- Cả hai người đều mê truyện trinh thám. - Cô ta đáp. - Đúng không nào?
- Đúng thế. - Tôi đáp. - Có dạo cả hai chúng tôi còn say mê phim phiêu lưu mạo hiểm nữa.
- Còn tôi thì không thích truyện trinh thám. - Tanya nói. - Theo tôi thì những cuốn sách hay nhất là những cuốn hồi ký…
Cô ta không kịp nói hết câu. Alla Ivanovna vừa bước vào phòng, vừa chùi tay vào cái tạp dề màu xanh dương có viền rất điệu đàng.
- Rất vui mừng được đón tiếp, - bà nói giọng kiểu cách. - Chúng ta sẽ thành chỗ quen biết…
Bà làm điệu uốn cong môi làm cho chữ “Chúng” hóa thành chữ “Chiúng”. Rồi bà mỉm cười, mặc dù ánh mắt bà vẫn còn vẻ dò hỏi và đau khổ.
Có thể là trong thâm tâm bà nghĩ rằng tất cả những trò vè này để làm gì vậy? Tanya hoàn toàn không phải là người yêu thích hợp với con trai bà, và nói chung, anh tự trói buộc mình ở cái tuổi này mà làm gì?…
Tôi biết Alla Ivanovna vẫn coi anh là chú bé con mặc dù anh đã ở tuổi hai mươi bảy.
Bà chuyển cái nhìn sang tôi và ánh mắt bà trở nên ấm áp.
Dù sao thì bà cũng ưa tôi hơn Tanya.
Chúng tôi ngồi bên bàn và ăn món thịt không ngon, rán còn chưa kỹ. Alla Ivanovna không phải là người nấu ăn khéo, chúng tôi uống thứ rượu ngâm thật kinh khủng do tự tay bà làm từ hồi mùa hè bằng quả anh đào và phúc bồn tử, thỉnh thoảng lại nói về chuyện gì đó, về một cuốn phim mới, về chuyện máy thu hình nào tốt hơn, máy thu hình màu hay máy thu hình đen trắng, và mùa hè nên đi chơi đâu thì thú vị hơn, xuống miền nam hay ngược lại, đi lên miền bắc - đến vùng Kizhi và Solovki?
Đôi lúc, khi câu chuyện đột nhiên lặng đi hoặc Alla Ivanovna và Tanya bỗng im bặt, tựa như không biết nói gì nữa, Marik khẽ đạp vào chân tôi.
Lúc ấy tôi lại cố làm cho câu chuyện trở nên sinh động lên.
Tôi bắt đầu kể về những chuyện nào đó đã xảy ra với tôi hoặc với các bạn tôi ngày xưa, nhớ lại những chuyện cười đã cũ và tự mình cười trước tiên, và Marik cũng cười với tôi, mặc dù tôi tin rằng anh biết tất cả những chuyện cười ấy từ thuở còn là học trò.
Alla Ivanovna và Taya lịch sự mỉm cười, nhưng im lặng. Rõ ràng là cả hai đều cảm thấy chẳng ưa nhau qua luồng điện giao cảm truyền từ người này qua người kia.
Lát sau Taya và Marik đi khỏi. Tanya đã hứa với mẹ cô ta rằng cô ta sẽ có mặt ở nhà vào buổi tối nên cần phải về, và Marik đưa tiễn cô ta.
Còn lại hai người: tôi và Alla Ivanovna.
- Đơn thuần là nó bị mất trí vì say mê cái cô gái ấy. - Alla Ivanovna nói. Nước mắt tuôn ra từ mắt bà và chảy trên cặp má thoa phấn thành những đường lộ ra nền da sạch.
- Thôi mà bác, - tôi nói, bởi vì cần phải nói gì đó, mà nói gì thì tôi không biết. - Bác khóc thế làm gì? Đừng nên thế bác…
- Cháu hiểu cho bác, - Alla Ivanovna nói, lấy vạt áo chùi má. - Nó thì yêu đến mất trí, còn cô ta thì thờ ơ với nó, bác cảm thấy rằng cô ta chỉ hạ cố tới nó, còn trong lòng hoàn toàn dửng dưng.
Mặc dù tôi thấy ghen ghét, nhưng cảm giác bẩm sinh về sự công bằng vẫn trỗi dậy trong tôi.
- Nếu thế thì cô ta cần anh ấy làm gì? - Tôi hỏi. - Nào phải anh ấy là phi công vũ trụ hay nhà bác học nổi tiếng gì? Hoặc giả là người được tặng vô số giải thưởng?
Alla Ivanovna lạnh lùng nhìn tôi bằng cặp mắt lập tức ráo hoảnh.
- Sao cháu lại có thể nói như vậy được? Marik là một họa sĩ thiên tài. Nó đi làm về là vẽ, vẽ hoài, và bác nhớ Jules Renard đã từng nói rằng: thiên tài - đó là ý chí. Sau nữa nó là một người rất khả ái. Không phải vì nó là con trai bác đâu, bác nói hoàn toàn khách quan: nó rất trung thực, thông minh, đôn hậu. Mà bác nói làm gì kia, cứ làm như cháu không biết ấy?
- Vâng ạ, tất nhiên rồi. - Tôi đáp và đứng dậy. - Có lẽ cháu cũng tới lúc phải đi đây, bác Alla Ivanovna ạ.
Bà lại cố gắng trở lại giọng điệu kiểu cách tự nhiên, vẻ lịch sự.
- Tới thăm luôn nhé, cháu yêu quý, đừng quên gia đình bác. Cả nhà bác đều rất vui mừng được gặp cháu…
Tôi nói:
- Cháu sẽ đến, cháu sẽ không quên đâu.
Ở nhà, ông chú cho tôi coi quyển vở học sinh có dòng kẻ nghiêng đã vàng ố vì thời gian, ngoài bìa có đề: “Irina Tretyakova, học sinh lớp 7A”.
Ông thu thập các quyển vở của tôi và cất giữ chúng trong một cái vali cũ.
- Cháu xem này, ông đã tìm thấy cái này trên bàn viết của ông đấy. - Ông chú nói.
Trên trang đầu tiên có vẽ một con chim bồ câu. Nó không khác chút nào so với những con bồ câu khác của Pikaskin, họa chăng có khác chỉ là ở chỗ con bồ câu này cười, ngả đầu về phía sau và mỏ hơi hé ra, tựa như quá mệt vì cười.
- Đó là Pikaskin có lần đã vẽ cháu để làm kỷ niệm, - tôi nói, - khi cháu học hết lớp bảy.
- Thảo nào ông thấy con bồ câu hơi giống cháu, cháu có nhận thấy thế không? - Ông chú hỏi.
- Cháu có thấy, - tôi đáp. - Chẳng lẽ quyển vở ấy không ở trong vali của ông sao?
- Cháu thấy đấy, không hiểu sao nó lại ở trên bàn của ông. - Ông chú nói.
Pikaskin gọi điện thoại cho tôi vào lúc khuya. Ông chú đã đi nằm từ lâu, còn tôi nằm trong phòng của mình đọc cuốn truyện trinh thám đã cũ của nước ngoài được xuất bản vào những năm bảy mươi.
Anh hỏi:
- Quả thực em thích cô ấy thật à?
- Đúng. - Tôi nói. - Quả thực như vậy.
- Tại sao em lại trả lời nhát gừng thế? - Anh ngạc nhiên.
Tôi phá lên cười.
- Những chàng trai thật tức cười! Lúc nào cũng cảm thấy người ta như không đánh giá hết đối tượng của họ, rằng lẽ ra người ta phải khâm phục nhiều hơn nữa người mà họ khâm phục...
- Nhiều câu phụ dài dòng quá, em không đủ sức thể hiện trọn vẹn chúng đâu. - Anh nói rồi đặt ống nói xuống.
Tôi thấy thương hại anh, ân hận vì câu châm chọc của mình - mà theo tôi hiểu thì cũng là do tính ghen ghét. Tôi lập tức quay số gọi cho anh, anh trả lời ngay, tựa như chờ tôi gọi tới.
- Anh Pikaskin này, - tôi nói, - cô ấy thật tuyệt.
Thậm chí là qua điện thoại tôi cũng cảm thấy anh sung sướng biết chừng nào. Tôi thầm nghĩ rằng chắc hẳn lúc này mắt anh phải sáng hết mức và nụ cười phải rộng đến mang tai…
- Thật à? Em cũng thấy như vậy sao? Thế mà mẹ thì chẳng chịu một chút nào!
- Có lẽ do sự không tương hợp về tâm lý chăng?
- Nếu em muốn thì cứ gọi như vậy cũng được. Bây giờ đang có cái mốt cứ giải thích mọi thứ va chạm bất hòa bằng cách đó, bằng sự không tương hợp về tâm lý.
- Không sao đâu, kiên nhẫn một chút rồi sẽ thấy mến nhau. - Tôi nói và vào lúc đó cảm thấy mình đúng là con quạ già tinh khôn.
Anh hỏi tôi với niềm hi vọng:
- Em tin vậy à?
- Em tin chắc thế.
Anh lặng thinh một lát rồi mới nói:
- Chúng tôi đã đưa đơn xin kết hôn.
- Em xin chúc mừng. - Tôi nói. - Em hình dung trước tất cả những gì sẽ xảy ra tiếp theo đây: Chiếc xe Volga trang hoàng những sợi băng với một con búp bê dung tục trên đệm xe, cô dâu bận đồ trắng, anh trong bộ com-lê đen đi thuê bởi vì anh chắc là không có com-lê đen và may nó thì anh không kịp.
- Đúng thế, - anh thốt lên. - Anh không ưa màu đen, nhưng anh cũng không định thuê bộ com-lê. Anh sẽ mua chịu nó ở cửa hàng dành cho những người mới cưới.
- Thế thì càng tốt, - tôi nói. - Sau đó sẽ đến lâu đài Hạnh phúc. Các chú rể và cô dâu xếp hàng chờ đợi, trông giống nhau như đúc, những nụ cười, những ly rượu sâm-panh, thợ chụp hình chụp cảnh vợ chồng trẻ với khách tới dự, các diễn từ của bà phụ trách cái lâu đài hạnh phúc nhất ấy được nói bằng giọng nói rắn như sắt thép bê tông: “Các đồng chí thân mến, hôm nay các đồng chí tạo lập nên một gia đình mới đầy hạnh phúc vì lợi ích của xã hội…”
Và rồi lại những sợi băng trên xe hơi và những con búp bê trên đệm xe, rồi bữa tiệc ở khách sạn với tiếng reo hò “cay lắm”*, và lại những lời nâng cốc chúc tụng có dàn nhạc đệm…
[Trong đám cưới Nga có tục lệ: khi khách dự tiệc hô lên “cay lắm” thì cô dâu chú rể phải đứng dậy hôn nhau trước đám tiệc].
Anh lắng nghe tôi nói rồi hỏi với giọng không khỏi không có ác ý:
- Do đâu mà em biết rõ mọi chuyện như vậy? Dường như em chưa từng đi trên chiếc xe có búp bê ấy kia mà?
- Thế mà đã từng phải đi rồi đấy. - Tôi nói. - Hai bạn gái của em kế tiếp nhau đi lấy chồng và em đã đi cùng họ tới lâu đài kết hôn ở trên phố Shchepkina và trông thấy tận mắt tất cả những gì em vừa kể cho anh, chỉ có điều trên một chiếc xe thay vì con búp bê họ đã gắn một con gấu nhung với dải băng hồng ở cổ.
- Cái đó là để cho thêm đa dạng. - Pikaskin nói.
- Một sự dung tục ghê gớm. - Tôi nói. - Giả sử như anh mà nhìn thấy con gấu khủng khiếp ấy, cái sợi băng ấy! Em tin là một họa sĩ như anh sẽ muốn ói ra vì kinh tởm.
- Cũng có thể là anh sẽ chẳng để ý đến chi tiết ấy. - Anh thốt lên. - Anh còn định nói với em chuyện gì nữa nhỉ? A, phải rồi. Em có biết anh với cô ấy làm quen với nhau thế nào không?
- Tất nhiên là không rồi.
- Dạo đó là mùa thu, anh xem truyền hình buổi hòa nhạc ở phòng truyền hình Ostankino, và rồi bỗng người ta chiếu hình một cô gái ở hàng ghế thứ hai, em cũng đã thấy cô ấy rồi, tự em cũng hiểu là cô ấy có thể gây ấn tượng như thế nào.
- Hình như máy thu hình ở nhà anh là loại thu màu phải không?
- Loại thu màu. Nhãn hiệu Rubin-107. Mẹ anh mua theo phương thức trả dần, đến bây giờ vẫn còn đang trả, còn phải trả gần nửa năm nữa, hai mươi rúp một tháng. Mà tại sao em lại hỏi phải là máy thu hình màu hay không?
- Bởi vì Tanya có màu sắc rất tuyệt, hình màu cô ấy trông sẽ đẹp hơn bình thường.
- Có thể là như vậy. Tóm lại là người điều khiển máy thu phát đã nhiều lần đưa hình cô ấy, lúc thì ở tư thế nghiêng, lúc chính diện, lại còn hình xa gần thế nào đó nữa. Nói chung là anh hiểu ra rằng trước mặt anh đúng là cô gái trong mộng ước của anh.
- Thế anh đã làm gì?
- Anh còn làm gì được nữa kia? Trong chớp mắt anh lao đến Ostankino, tới phòng hòa nhạc truyền hình. May vừa kịp lúc buổi hòa nhạc chấm dứt, và thật là kỳ diệu, cô ấy đang bước ra khỏi cửa, còn anh đang bước tới !
- Thế anh đã nói gì với cô ấy?
- Anh nói: “Xin cô thứ lỗi cho, nhưng tôi cần phải nói chuyện với cô.”
- Chắc anh mạo nhận mình là đạo diễn điện ảnh đang tìm một mẫu người thích hợp, hoặc giả thú nhận mình là họa sĩ và cô ấy hết sức thích hợp cho mẫu vẽ.
- Đâu có, và thậm chí anh cũng không hề nghĩ tới chuyện như vậy! Anh và cô ấy cùng bước ra phố và anh giải thích cho cô ấy mọi chuyện.
- Thế cô ấy có thái độ ra sao đối với lời giải thích của anh?
- Giống như những người bình thường thôi. Thoạt tiên cũng mỉm cười, rồi sau nổi giận lên và nói là không ưa nói chuyện với người lạ mặt, tuy nhiên rồi anh cũng thuyết phục được cô ấy và cô ấy thú nhận rằng cô ấy cũng thấy mát lòng mát dạ.
- Khỏi cần phải nói! Giá như em thì em cũng cho rằng anh đã lập cả một chiến công vì em!
- Hơn nữa nếu tính đến tình huống chiếc xe Zaporozhets của anh vẫn nằm ở chỗ sửa chữa như thường lệ, nhưng anh đã tóm được một chiếc taxi.
- Vậy thì đó là chuyện khởi thủy phải không?
- Phải. - Anh nói. - Khởi thủy. Khởi thủy của mọi bắt đầu.
Nếu để mặc sức thì chắc anh còn nói cả tiếng đồng hồ hay cả một thời gian vô tận nữa, những người si tình thật sự không để ý đến thời gian và không biết cách dừng lại.
Nhưng tôi đã ngắt lời anh.
- Anh này, - tôi nói, - ngày mai em còn phải dậy sớm đấy.
Anh sực nhớ ra, và sau khi nói thêm chỉ chừng năm phút nữa về Tanya, về sắc đẹp và trí thông minh của cô ta, anh đặt ống nói xuống.
Còn tôi thì nằm nghĩ ngợi và thầm ghen tị với Tanya cho đến khi chợp mắt được. Lúc đó đã vào khoảng bốn giờ sáng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét