Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Chuyện Tình Tự Kể - Phần 5

Chuyện Tình Tự Kể

Tác giả: Lyudmila Uvarova
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
NXB Long An - 1986
---------------------------

Anna Ivanovna

Khi Marik nói với tôi rằng nó quyết định lấy Taya làm vợ, tôi khóc suốt cả đêm.
Tôi đã thấy trước rằng cuộc hôn nhân này sẽ chẳng hay ho gì. Tôi nhìn thấy Taya hai lần, một lần ở rạp chiếu phim - Marik lấy vé cho tôi và Taya ở hai hàng khác nhau.
Tất nhiên Taya là một cô gái xinh đẹp. Marik si mê cô ta đến mất cả trí khôn thì cũng chẳng có gì là lạ, bởi nó là họa sĩ, mà họa sĩ thì người nào cũng thích tất cả những gì đẹp đẽ.
Từ đằng xa tôi đã thấy Marik nhìn Taya thế nào, đến kẻ mù lòa cũng rõ là nó say mê cô ta. Nhưng còn cô ta? Theo tôi thì cô ta đối với nó thờ ơ một cách thiện chí, chỉ thế chứ không hơn. Không phải vô cớ mà từ xưa người ta đã biết rằng trong tình yêu bao giờ cũng có một người thì hôn, còn người kia chỉ chìa má ra thôi.
Sau đó, tôi cũng đã nói với Marik như vậy:
- Mẹ cảm thấy cô ta đối với con cũng chẳng có gì lắm...
- Do đâu mà mẹ biết được điều đó? - Nó hỏi.
Lúc ấy tôi mới hỏi lại nó:
- Con ơi, con có tin vào trái tim người mẹ không? Con phải biết rằng trái tim người mẹ là vật biết tiên tri, và dù cho nói ra điều này mẹ cũng thấy cay đắng lắm, nhưng mẹ vẫn phải nói rằng cô ta không thích hợp với con đâu.
Nó hỏi tôi:
- Mẹ không nghĩ rằng mẹ cũng có thể nhầm lẫn sao?
- Mẹ có thể nhầm. Thậm chí còn rất có thể lắm, nhưng con hãy tin mẹ, không phải trong trường hợp này đâu.
Không biết sao đó mà thành ra chúng tôi không nói thêm với nhau về vấn đề này nữa, như người ta nói, vấn đề vẫn bỏ ngỏ.
Marik không nhắc đến Taya, và tôi cũng không hỏi gì nó. Tôi cho rằng có thể tự nó cũng đã hiểu ra và quyết định tránh xa cô ta.
Người Pháp thường nói: “Hiểu được hết là tha thứ được hết”.
Tôi đã hy vọng rằng con trai tôi sẽ hiểu được và tha thứ cho sự thiên lệch của tôi, bởi sự thiên lệch ấy hoàn toàn chỉ do tình yêu của tôi đối với nó, lòng mong ước cho nó được hạnh phúc và chỉ có hạnh phúc mà thôi.
Cái ngày mà tôi nhìn thấy Taya trong rạp chiếu phim đã trôi qua gần một tháng rưỡi. Bỗng một hôm tôi thấy Marik treo lên tường trong phòng ăn bức chân dung con chim bồ câu.
Ở trường người ta đặt biệt danh cho Marik là Pikaskin vì nó thu thập bản sao các bức tranh của Picasso và thích vẽ con chim bồ câu giống như họa sĩ vĩ đại này.
Lẽ ra tôi đã không đặc biệt chú ý đến bức tranh ấy của Marik vì tôi cũng đã nhìn thấy biết bao nhiêu chim bồ câu mà nó vẽ trong tất cả những năm qua, nhưng tự Marik hỏi tôi trước:
- Theo mẹ thì con đã nắm bắt được những nét giống ai nào?
- Giống ai ấy à? - Tôi hỏi lại.
Lúc đó nó dẫn tôi lại gần bức vẽ chim bồ câu của mình, và tôi đã nhìn thấy con chim có khuôn mặt của Taya, chính cô gái ấy, mắt của cô ta, miệng của cô ta và lông mày…
Tôi chưa kịp nói gì thì Marik đã nhận xét ngay:
- Mẹ hiểu không, Taya có khuôn mặt rất không đơn giản và rất khó tái hiện trên giấy…
Tôi lặng thinh. Tôi còn biết trả lời gì được? Té ra là cậu con của tôi không quên cô ta, luôn nghĩ về cô ta, thậm chí chắc đã yêu cô ta rồi nếu đã cố để có được hình ảnh cô ta thường xuyên ở trước mặt mình.
Tôi không hề vặn hỏi, tự tôi cũng hiểu tất cả những gì cần hiểu. Bởi nó báo với tôi:
- Thứ Bảy này Taya sẽ đến thăm nhà ta…
- Thế thì sao nào? - Tôi hỏi.
Nó ôm lấy tôi và hôn vào má tôi. Nó biết tôi rất khó mà từ chối nó cái gì. Hồi nó còn bé cũng vậy, mà bây giờ thì cũng thế.
- Mẹ ơi, con tha thiết xin mẹ điều này nhé, - Marik nói. - Xin mẹ hãy lo cho một bữa ăn trưa thịnh soạn, như người ta gọi là thượng hạng ấy.
- Được rồi. Mẹ sẽ lo.
Nó im lặng vài giây, tựa như suy ngẫm xem có nên nói ra hay không. Sau đó, nó quyết định:
- Bữa ăn này, nếu như mẹ muốn, sẽ là bữa tiệc đính hôn…
- Mẹ muốn ư? - Tôi hỏi lại.
Nó lại ôm lấy tôi và tôi đã hỏi nó:
- Marik, con vẫn cứ quyết định lấy cô ta sao?
- Vâng ạ. Mà sao kia? Mẹ không ưng cô ấy ở điểm nào?
Tôi ngẫm nghĩ. Quả thực tôi không thích cô ta ở điểm nào kia chứ? Tại sao tôi lại có tâm trạng chống lại cô ta? Hay đấy là lòng ghen tuông thông thường vẫn hay gặp ở những người mẹ, đại loại như sự ghen tuông của bà bá tước Rostova: Thoạt tiên thì với Sonia, sau này thì với nữ công tước Maria - những người mà cậu con trai Nikolai của bà đã yêu...
Tôi cố sức tự thuyết phục mình, nhớ lại những thí dụ khác nhau trong đời sống, các tình huống đủ loại xảy ra với những nhân vật trong các cuốn sách mà tôi đã đọc, tuy nhiên, làm sao mà ra lệnh cho trái tim được...
Tôi cứ khóc hoài, mắt chẳng lúc nào ráo lệ. Tôi khóc lúc nấu thịt và nêm canh, khóc lúc làm món chè trái cây và dọn các món ăn lên bàn.
Vừa khóc, thỉnh thoảng tôi lại liếc nhìn lên tường - nơi treo hình con chim bồ câu mà Marik vẽ. Khuôn mặt tuyệt vời của cô ta - được Marik nắn nót vẽ lên - hướng về phía tôi, cặp mắt dường như tìm kiếm cái nhìn của tôi.
“Bà không thích tôi ở điểm nào vậy? - Cặp mắt to với hàng mi rậm ấy tựa như đang hỏi. - Tại sao bà không muốn tiếp nhận tôi vào trái tim mình?”
Và để đáp lại tôi càng khóc to hơn, cay đắng hơn.
Chính lúc đó thì cô bạn cũ của Marik là Irina đến.
Lẽ dĩ nhiên Irina nhận thấy ngay là tôi khóc, nhưng cố gắng không để lộ ra; ngay từ hồi nhỏ cô ấy đã nổi bật ở tính tế nhị, đôn hậu.
Đấy mới đúng là cô con dâu mà tôi mong muốn! Mà nói con dâu làm gì! Cô ấy sẽ thành con gái tôi, thành người gần gũi nhất của tôi. Cô ấy thật dịu dàng, chín chắn, đầy lòng vị tha...
Nhưng ngay từ xưa Montaigne cũng đã khẳng định rằng nguyện vọng và khả năng của chúng ta luôn luôn mâu thuẫn với nhau. Khó mà không đồng ý với những lời thông minh ấy.
Sau đó thì Marik và Taya xuất hiện. Quả thực là tôi cố gắng hết sức để tỏ ra hiếu khách và niềm nở. Tôi nghĩ rằng Taya cũng cố gắng tỏ ra dễ thương nhưng không sao làm nổi. Tôi hiểu là cả hai chúng tôi đều không ưa nhau.
Ai có lỗi trong chuyện này? Ở đây có thể dùng lời của nhà văn tuyệt diệu Kuprin trong một truyện ngắn nào đó của ông mà tôi đã quên mất tên gọi:
“Mỗi người đều có lẽ phải của mình. Thành thử mỗi người đều đúng theo cách riêng của mình...”
Có thể tôi dẫn ra câu đó không được chính xác lắm, nhưng tôi hiểu ý nghĩa của nó và truyền đạt lại thật đúng.
Thỉnh thoảng tôi lại liếc nhìn Irina và nghĩ thầm:
“Tại sao? Tại sao không phải là cô ấy mà lại là một người khác sẽ trở thành người thân và là vợ của con trai tôi?”
Cố nhiên là Taya đẹp hơn hẳn Irina. Như người ta vẫn nói, ở đây chẳng có gì mà phải so sánh cả. Nhưng thế thì sao nào?
Tôi thích các câu tục ngữ Nga. Rất hay, hóm hỉnh, chính xác. Thì cứ lấy thí dụ như câu: “Sắc đẹp cho đến lúc lên xe hoa, trí thông minh cho đến hết tuổi già”.
Chẳng lẽ không phải vậy sao? Sắc đẹp rồi cũng nhàm chán, và nói chung trong cuộc sống hàng ngày thường người ta cũng chẳng để ý đến mấy, còn trí thông minh, những phẩm chất tâm hồn, tư cách đạo đức cao - đó là những báu vật vô giá...
Sau bữa ăn, Marik và Taya đi khỏi, rồi Irina cũng ra về.
Tôi còn lại một mình. Và cũng như mọi lần khác, khi chỉ có một mình, tôi lại hồi tưởng về tuổi thanh xuân đã qua của mình, về người chồng đã quá cố - cha của Marik, về những gì đã qua và, than ôi, không bao giờ trở lại nữa...
Hồi trẻ, tôi mơ ước đi theo ngành điện ảnh. Tôi hết sức mong muốn trở thành diễn viên, và không phải chỉ là diễn viên đơn thuần, mà thành minh tinh màn bạc kia.
Khi hãy còn ở tuổi thiếu niên, tôi sưu tầm đủ loại các bài báo, những bài in trong sách nói về các ngôi sao màn bạc nổi tiếng - Mary Pickford, Asta Nielsen, Greta Garbo, Gloria Swanson…
Sau đó, khi xuất hiện những diễn viên lừng danh của chúng ta: Lyubov Orlova, Tamara Makarova, Emma Tsesarskaya, tôi bắt đầu thu thập những tài liệu in về họ. Tôi có mấy quyển an-bom dán đầy hình lấy từ các bộ phim khác nhau.
Tất cả các bạn gái của tôi đều nhất trí khẳng định rằng điều kiện chủ yếu của diễn viên điện ảnh là ngoại hình không nhất thiết phải xinh đẹp, nhưng nhất định phải có tính cách, nổi bật ở điểm nào đó.
Tôi không đẹp, thân hình cũng chẳng gọn gàng, mũi xấu, răng không đều, nhưng theo sự thừa nhận chung, trông tôi dễ thương và hấp dẫn.
Tôi quả thật rất thích hợp với lời diễn tả một nữ nhân vật của Chekhov trong truyện Người trong vỏ ốc: “Tôi không bao giờ xinh đẹp, nhưng thật dễ thương vô cùng”.
Tôi có thể nói về mình đúng như vậy đấy.
Tôi đang học năm thứ nhất đại học thư viện thì cô bạn chí thiết Zoya Severskaya gọi tôi cùng đi với cô ấy đến xưởng phim “Mosfilm”.
Zoya có một người quen làm phụ quay phim ở đó, và chính anh ta đã nói với cô ấy rằng cần những cô gái trẻ, hấp dẫn để quay cảnh đám đông.
- Đó là chuyện rất thích hợp với chúng mình. - Zoya nói. - Mình với cậu đều trẻ tuổi, rõ ràng là hấp dẫn, vậy thì ta đi thôi!
Zoya thì cũng “xinh đẹp” hệt như tôi, nhưng tự cho mình là hấp dẫn. Tuy nhiên tôi cũng không lên án cô ấy, nhiều phụ nữ có chung đặc điểm này - có ảo tưởng về hình thức bề ngoài của mình.
Không bao giờ tôi quên được cái ngày đó, khi chúng tôi, gần cả trăm người, toàn con gái, tập trung trong một gian phòng lớn ở tầng hai của xưởng phim.
Tôi nhìn xung quanh kỹ lưỡng để tìm kiếm những người khả dĩ cạnh tranh được với mình. Một trăm cô gái, một trăm cá nhân khác biệt nhau, với những tính cách khác nhau. Nhưng có một cái chung liên kết tất cả chúng tôi lại: người nào cũng tự coi mình là hấp dẫn, ai cũng muốn trở thành diễn viên điện ảnh, và ngay hôm nay đây, tất cả mọi bí mật đều lộ ra hết - các cô gái không hề định giấu những khát vọng thầm kín của mình, và thậm chí toàn bộ dáng vẻ của họ tựa như muốn nói:
“Đây, tôi đứng trước mặt các anh đây, trẻ trung và hấp dẫn, khao khát vinh quang, sự nổi tiếng, vắn tắt là mong hạnh phúc...”
Trong thâm tâm tôi cho rằng người ta sẽ chọn chính tôi vào đóng vai chính.
Thoạt tiên tôi sẽ xuất hiện trong một đoạn phim nhỏ nào đó, dĩ nhiên là nhà đạo diễn nhận ra tôi ngay, hoặc giả người phụ của ông ta, hoặc người quay phim, hoặc một người nào khác sẽ chỉ tôi cho ông ta, rồi tôi sẽ đóng vai chính một cách đầy thuyết phục và thật tốt, đến nỗi tôi lập tức trở nên lừng danh, xứng đáng nổi tiếng khắp nơi và trở thành minh tinh màn bạc mà ai cũng biết tới.
Thực ra thì ngay lúc đó tôi nghĩ rằng hẳn là những ý nghĩ tương tự không phải riêng mình tôi có, mà chắc còn có ở nhiều người hôm nay đến đây, và xưởng phim này.
Chẳng cần phải nói đâu xa, lẽ nào cô bạn Zoya của tôi lại không nghĩ về mình hệt như tôi sao? Lẽ nào cô ấy lại không muốn như tôi, mong được đóng vai chính trong một bộ phim, nổi tiếng và trở thành một diễn viên điện ảnh lừng danh - người được cả đám đông ái mộ.
Trong rất nhiều tạp chí và cuốn sách mà tôi thu thập được đều mô tả những trường hợp kì diệu xảy ra với những người đóng vai phụ đầy khiêm tốn. Thí dụ như Marlene Dietrich nổi tiếng khắp thế giới chẳng hạn. Cô ta cũng như tôi, đến đóng trong cảnh đám đông, đột nhiên nhà đạo diễn nhận ra cô ta và giao cho cô đóng một đoạn phim.
Còn Greta Garbo, trước khi nổi tiếng, đã đóng trong một vài phim - lúc thì làm một hành khách trên xe lửa, lúc thì làm một cô nông dân trẻ mang gà đi bán, lúc thì làm cô hầu phòng trong một khách sạn ở miền quê... Nhưng rồi xuất hiện một dịp may, cái dịp may tuyệt diệu và phi thường đầy khả kính ấy, Greta từ một người đóng vai phụ chẳng ai biết đến bỗng trở nên lừng danh thế giới sau khi đóng một vai lớn đầu tiên của mình, hình như là vai một bà hoàng hậu nào đó, mà cũng có thể là vai gì khác mà tôi không nhớ. Nói cho cùng thì đã bao nhiêu năm qua rồi, có thể tôi quên mất ngày tháng hay sự kiện nào đó...
Tôi liếc nhìn các cô gái, đẹp và không đẹp, cau có và vui cười, đăm chiêu và vui vẻ, ăn mặc bình thường hoặc trang phục lộng lẫy, ăn ảnh như tôi nghĩ hay hoàn toàn tầm thường chẳng có gì gây ấn tượng...
Tôi thầm so sánh tất cả bọn họ với mình.
“Không, không ai so được với mình, mình hơn hết. Mình có ngoại hình ăn ảnh hiếm có...”
Và tôi hình dung đạo diễn bước vào thế nào. Chính cái người nắm trong tay cả sự nghiệp, tương lai và thực chất là cả cuộc đời tôi, bằng cặp mắt sắc sảo của mình, ông ngắm nghía tất cả những người có kỳ vọng đóng trong cảnh đám đông, rồi đột nhiên gọi tôi lại. Ông gật đầu, tôi chưa kịp hiểu ông đang gọi đúng tôi, những cô gái cạnh tôi kinh ngạc, không giấu giếm nỗi ghen tị, đưa mắt nhìn nhau, còn ông thì gọi tôi vào và bảo:
- Nào, đi theo tôi. Tôi có một vai dành cho cô. Mẫu cô hợp với vai này...
Và thế là tôi đóng trong vai chính, một vai chính nhất.
Chao ôi, hạnh phúc biết nhường nào!
Tôi mải nghĩ nên không thấy quả thực một người đàn ông to béo mặc chiếc áo len sặc sỡ đã bước vào gian phòng.
Zoya thúc mạnh cùi trỏ vào sườn tôi và tôi lập tức trở về với thực tại.
- Mười cô gái hãy bước lại đây, những người khác có thể đi về. - Ông ta nói với giọng của người rõ ràng bị cảm.
Bước lại gần các cô gái đứng ở phía trước, ông ta bắt đầu ra lệnh:
- Đây, cô này, cô này, cô này, và cô này. Được rồi, còn thêm năm người nữa… Thôi! Đủ rồi!
Zoya bạo dạn và mau miệng la lên từ chỗ của mình:
- Thế còn chúng tôi thì sao, ra về không kèn không trống sao?
Ông ta trả lời, thậm chí không buồn ngó về phía Zoya:
- Tôi đã nói rồi, những người khác... đi về nhà!
Chúng tôi cùng với Zoya bước ra khỏi gian phòng, cô ấy nói:
- Khoan đã, phải tìm Arsyusha cái đã...
Arsyusha chính là anh phụ quay phim mà nhờ có anh ta chúng tôi đã tới xưởng phim này.
Tôi cùng với Zoya làm một cuộc hành trình rất lâu trên các tầng gác và các cầu thang; Zoya có một thứ mẫn cảm phi thường nào đó, cô không hỏi ai, cứ đi, đi mãi, đầy tin tưởng là mình đi đúng, và quả thực, cô đi đúng; dẫn tôi đến một căn phòng hầu như trống rỗng có đặt những cái bàn nhưng không có ai ngồi sau chúng cả. Chỉ có một anh chàng tóc trắng, mũi nhọn ngồi trên bậu cửa theo kiểu xếp bằng, đang ăn miếng bánh mì kẹp xúc xích một cách ngon lành.
- Arsyusha đây rồi. - Zoya reo lên.
Tôi thầm ngạc nhiên:
“Chẳng lẽ đây lại chính là anh chàng Arsyusha, phụ quay phim, mà mình vẫn được nghe nói biết bao nhiêu về anh ta đó sao?”
Bởi vì trong mỗi câu chuyện về bất cứ đề tài nào Zoya cũng bắt đầu và kết thúc bằng tên Arsyusha:
- Arsyusha nói rằng mùa hè này sẽ mưa nhiều...
- Arsyusha cho là như thế...
- Theo ý kiến của Arsyusha thì...
- Arsyusha khuyên rằng...
Có lần tôi đã hỏi cô ấy:
- Chắc cậu mê cái anh chàng Arsyusha của cậu rồi phải không?
- Hoàn toàn không phải vậy. Không bao giờ trong đời. Đơn giản bọn mình là bạn với nhau!
Và tôi đã tin cô ấy bởi vì tôi cho rằng Zoya của tôi là một người cương quyết, như đàn ông - giống một chàng trai với những chỏm tóc xù ra tứ phía, bước chân sải dài và khuôn mặt có lưỡng quyền cao - thì nói chung không thể nào lại si tình ai được.
- Chào! - Arsyusha nói, nuốt nốt miếng bánh kẹp nhân.
- Chà, anh xui dại chúng tôi! - Zoya trách móc. - Biết trước thế này thì không đời nào chúng tôi lại đến. Phải thế không, Alla?
- Đúng thế. - Tôi đáp.
- Khoan đã nào, các cô. Cả hai người đừng nói một lượt thế. Sao nào, các cô không thích hợp ư, hay còn chuyện gì đó nữa?
- Chuyện gì đó nữa. - Zoya nói. - Chẳng ai thèm để ý gì đến chúng tôi hết, chỉ lựa lấy mười người rồi đề nghị tất cả số còn lại ra về, nói chung là goodbye!
- Ai lựa thế? - Arsyusha hỏi.
- Ai mà biết được. - Zoya nói, cũng theo một cung cách như anh ta. - Một gã béo nào đó mặc áo len sặc sỡ, cầm tẩu thuốc...
- Garik rồi. - Arsyusha lập tức khẳng định. - Một người cánh ta đấy, cứ tin tôi đi!
- Ừ thì tin. - Zoya đồng ý. - Nhưng là cánh ta thì sao nào?
- Ông ta là đạo diễn à? - Tôi hỏi.
Arsyusha cười nhạt.
- Đạo diễn kiểu như tôi vậy. Cùng một dạng cả. Trợ lý chủ nhiệm phim, đó là cậu ấy đấy...
Và không nói thêm một lời nào nữa, Arsyusha nhảy từ trên bậu cửa xuống, ngồi vào cái bàn gần anh ta nhất và bắt đầu quay số điện thoại nào đó.
- Garik, cậu đấy phải không? Chào ông bạn. Phải, tớ đây. Cho cậu điểm ưu vì đoán trúng. Sao cậu lại làm mếch lòng những cô bạn gái của tớ thế? Cậu bảo là những cô nào đấy à? Cậu cứ nhìn thấy rồi khắc hiểu, thậm chí rất đẹp, như bông sen Ấn Độ đang lúc tươi nở...
- Lại bắt đầu đấy. - Zoya bực bội làu bàu. - Đấy, hắn thì lúc nào cũng thế...
Trong khi đó thì Arsyusha im lặng lắng nghe xem Garik nói gì với anh ta. Sau đó, anh ta lại lên tiếng:
- Thế này nhé, ông bạn, tớ đề nghị cậu một việc. Đúng, đúng, đoán đúng đấy, cậu thì lúc nào cũng thông minh, mẫn tiệp. Vậy là cậu sẽ lấy họ đóng cảnh đám đông chứ? Ấy, sao lại thế? Thế ư? Thôi được, còn biết làm thế nào nữa. Chúng tôi sẽ đợi vậy. Gửi cậu lời chào của hội đồng hương.
Arsyusha đặt ống điện thoại xuống, nói với điệu bộ làm như rất tiếc mà tôi thấy có vẻ thật lòng:
- Đây là lỗi của tôi. Lẽ ra phải liệu trước mọi chuyện và dặn cậu ấy từ trước cơ. Bây giờ thì cậu ấy bảo rằng không có nhu cầu lấy ai nữa hết, nhưng sắp tới đây...
- Thôi được, - Zoya ngắt lời anh ta. - Để lúc khác tôi sẽ gọi điện cho anh, bây giờ thì cả anh lẫn chúng tôi đều không có thời gian…
- Về phần tôi thì có thời gian. - Anh ta phản đối, nhưng Zoya không thèm nghe anh nói, nắm lấy tay tôi và cùng tôi chạy ra khỏi phòng.
Suốt dọc đường đến nhà tôi, Zoya chửi rủa Arsyusha không thương tiếc.
- Đến đây thế là hết! - Zoya phẫn nộ nói. - Anh ta đối với tôi vĩnh viễn không còn là gì nữa hết!
- Thôi mà cậu, - tôi toan thuyết phục Zoya, nhưng thực ra cũng khá uể oải, bởi ngay trong lòng tôi, tôi cũng giận Arsyusha. - Thì cũng có khi lỡ như vậy, ai mà không có lúc sai lầm?
Nhưng Zoya không nghe tôi nói.
- Lặn lội đi xa như vậy, kỳ thi thì đang gần kề, mà còn cả bọn mình cũng thế nữa, muốn đi đóng phim cơ...
Zoya sống trong ký túc xá, còn tôi ở nhà với bà. Cha mẹ tôi ở lại vùng Ural, tỉnh Miass. Cha tôi đang làm kỹ sư trong nhà máy chế tạo máy ở đó; tháng nào tôi với bà cũng nhận được những thùng đồ rất ngon gửi qua bưu điện. Ngoài ra, cha mẹ còn gửi tiền cho tôi chi dùng nữa, bởi học bổng không thể nào đủ cho tôi...
Kỳ thi đã đến, tôi và Zoya suốt ngày lo chuẩn bị, cô ấy đến nhà tôi và ở đó cả ngày cho tới tối.
Bà nấu cho chúng tôi ăn. Bà là người nấu khéo tuyệt vời, biết làm đủ các món ăn ngon khác nhau - bánh bột, canh mì sợi, cháo lúa mạch, biết nướng những cái bánh mì chỉ mới trông thấy đã rỏ nước miếng rồi, Zoya nói:
- Không biết chúng mình có thi đạt không, nhưng chuyện chúng mình mập ú ra thì là cái chắc!
Một hôm, khi chúng tôi đã thi hết các môn và Zoya đang chuẩn bị về quê ở Kalyazin, cô ấy chạy tới nhà tôi từ sáng sớm.
- Arsyusha gọi điện tới...
Đó là cú điện thoại đầu tiên của Arsyusha trong suốt thời gian đó.
- Tha thiết mời đi đóng phim. - Zoya nói tiếp.
- Ta đi chứ? - Tôi hỏi.
- Không. - Zoya trả lời, và tôi cảm thấy vẻ cứng rắn sắt thép trong giọng nói của cô. - Không đời nào. Bất kể thế nào. Hơn nữa, mình đã lấy vé tàu đi ngày mai rồi...
- Thì hãy trả lại vé và ở lại. - Tôi đề nghị.
Nhưng cô cương quyết từ chối.
- Tôi không thể, mà cũng không muốn nữa! Còn cậu, nếu cậu muốn thì cứ đến xưởng phim Mosfilm gặp Arsyusha. Hình như cậu cũng biết đường đi rồi phải không? Đây, chỗ anh ta thế này...
Tôi muốn, và đường đi đến xưởng phim tôi cũng đã biết.
- Mình sẽ về quê. - Zoya nói. - Nằm dài cho sướng, ăn cho đã, ngủ cho thỏa thích. Thật là tuyệt!
Tiện thể tôi cũng phải nói rằng Zoya hoàn toàn thành thực từ bỏ ý định đóng phim. Bỗng nhiên cô quyết định rằng cô không thể trở thành diễn viên được, rằng cô hoàn toàn không hấp dẫn và cũng chẳng có chút tài năng nào. Rồi đột ngột, làm mọi người phải sửng sốt - mà trước hết là tôi - vào mùa thu, sau khi từ Kalyazin trở về, bất ngờ cô bỗng đi lấy chồng, lấy một anh chàng vừa tốt nghiệp ở trường chúng tôi và nhận phân công tác về đâu đó tận miền Sibir xa xăm.
Zoya chuyển sang lớp hàm thụ và ra đi cùng với ý trung nhân của mình. Trước khi Zoya ra đi, tôi với cô ấy đã nói chuyện cởi mở. Cô ấy nói với tôi:
- Cậu có một nhược điểm thật tệ là thích khoe sự đọc nhiều biết rộng và hay trích dẫn vô tội vạ, đôi khi chẳng đâu vào đâu cả...
Tôi đáp lời cô ấy:
- Nếu tôi muốn thì tôi đã giận cậu rồi. Nhưng tôi sẽ không giận cậu, bởi tôi cho rằng những ý tưởng mà cậu nói ra, thật đúng như Talleyrand đã nói, còn tệ hơn cả tội lỗi, đó là sai lầm!
Zoya phá lên cười và nói:
- Tại sao đang khi không cậu lôi ông Talleyrand vào? Cái đó thì ăn nhập vào đâu kia chứ?
Tôi không trả lời gì cả. Nói cho cùng thì có bồi dưỡng kiến thức cho cô ấy cũng chẳng đi đến đâu. Cứ để cho cô ấy tự hiểu ra mọi chuyện bằng trí thông minh của mình...
Đến mùa thu cô ấy cùng với chồng đi Sibir.
Thế là chấm dứt tình bạn của chúng tôi và, thú thực, suốt một thời gian tôi rất buồn vì thiếu Zoya.
Nhưng tôi lại kể hơi sớm mất một chút. Vắn tắt là Zoya đi Kalyazin, còn tôi đã gọi điện cho Arsyusha. Chật vật lắm anh ta mới nhớ ra tôi. Sau đó anh ta rất ngạc nhiên khi biết Zoya sẽ không tới. Khi tôi nói rằng tôi muốn đi một mình đến xưởng phim gặp anh ta thì anh trả lời tôi khá thờ ơ:
- Nếu muốn thì cứ đến…
Ngày hôm sau, tôi đến kiếm Arsyusha, và phải thừa nhận rằng anh ta đã làm tất cả những gì trong phạm vi khả năng của anh: dẫn tôi đến gặp người trợ lý đạo diễn mà anh quen.
Trợ lý đạo diễn là một phụ nữ tóc đen, không còn trẻ, người nặng nề, mắc chứng khó thở. Bà ta ngắm nghía tôi bằng cặp mắt lồi màu xanh-đen và buông thõng một câu:
- Ngày mốt, lúc chín giờ.
Tôi cùng với Arsyusha bước ra cái sân dốc thoai thoải và lắm núi non của xưởng phim. Anh ta đưa tôi đến tận cổng. Trong khi đi, anh ta không ngớt dạy bảo tôi:
- Điều chủ yếu là đừng có rụt rè và không sợ bất cứ nhiệm vụ nào. Thí dụ, người ta ra lệnh cho cô - ăn vận như cô bán sữa, hoặc bôi mặt thành người lai da đen, hoặc làm nữ giám thị coi ngục - thì cô phải đồng ý hết, không từ chối gì cả. Hiểu không?
- Tôi hiểu.
- Và không có giận dỗi gì hết. Chứ đừng như cái cô Zoya kì cục, bỗng nhiên lại đi giận tôi...
Anh ta lắc lắc cái đầu phủ lưa thưa những sợi tóc màu sáng.
- Tôi với cô ấy đã học cùng một trường ở Kalyazin...
Mặc dù bà tôi rầy la trách móc và không ngớt thuyết phục tôi để tôi đi về nhà ở Miass thăm cha mẹ tôi, tôi vẫn không nghe. Tôi viết cho cha mẹ tôi một bức thư, kể rằng người ta mời tôi tham gia đóng trong một bộ phim rất hay, hẳn là sẽ giao cho tôi đóng vai chính, còn nếu như không phải vai chính nhất thì cùng lắm cũng là một vai thú vị đối với tôi, và suốt mùa hè tôi sẽ phải đóng phim nên không thể đến với cha mẹ được...
Song thân cả tin và ngây thơ rất tội nghiệp của tôi đã trả lời bằng một bức thư thật dài, trong đó bày tỏ niềm hân hoan của họ và hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa sẽ được nhìn thấy tôi trên màn ảnh.
Tuy nhiên, cha tôi thực tế hơn mẹ tôi và không quá hân hoan như bà, đã đề nghị tôi đừng bỏ học ở trường đại học, bởi vì, theo ý cha tôi, có thể được đóng phim một lần rồi chẳng bao giờ được nhận đóng vai thứ hai nữa, còn làm người giữ thư viện thì dẫu sao cũng có miếng cơm vững chắc hơn...
Suốt mùa hè tôi ở lỳ tại thành phố, nhưng chỉ đóng trong một cảnh đám đông, thời gian quay cảnh này mất năm ngày. Tôi đóng vai người bán vé xe điện và khuôn mặt tôi chỉ thấy được ba phần tư, mà lại còn từ xa nữa...
Nữ diễn viên chính đóng vai hành khách đi ngang qua tôi, dúi cho tôi một đồng tiền lẻ, tôi bứt một chiếc vé đưa cho cô ta. Đấy là toàn bộ vai của tôi. Và tôi không dám giấu là khi ráp phim, một vài đoạn có tôi trong đó đã bị đạo diễn cắt bỏ không thương tiếc.
Tôi ngó nhìn vai chính - người nữ hành khách, mặc áo choàng ngắn kẻ ô vuông bằng lông thú - và say sưa mơ ước rằng sẽ có lúc nào đó tôi được may mắn như thế - đóng vai chính trong một bộ phim...
Vai chính rất xinh đẹp, khỏi phải nói, mắt đen, lông mày đen, một cô Shagane điển hình, cái cô Shagane mà Sergey Yesenin đã nói:
- Shagane, em của anh, Shagane...
Zoya chắc không bỏ lỡ dịp để nói rằng tôi lại viện ghép Yesenin một cách chẳng đâu vào đâu...
Vai chính mang một cái tên cổ xưa - Lyuka - luôn luôn sai hẹn trễ giờ, đôi khi tất cả chúng tôi phải chờ cô ta.
Tính tình Lyuka rất thất thường, đỏng đảnh, nhiều lần tôi đã nghe thấy cô ta càu nhàu, mỗi khi đạo diễn nói:
- Lại một đoạn quay lại nữa. Chú ý!
- Lại còn thế nữa đấy. - Lyuka phẫn nộ. - Mười đoạn quay lại với ông ta vẫn là ít, còn cần thêm lần thứ mười một nữa. Không thế thì tôi cũng chẳng còn hơi sức nào rồi, muốn xỉu xuống đây. Và mắt cũng đau nhức vì thứ ánh sáng không thể chịu nổi này...
Còn tôi thì nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ kêu mệt, dù phải lặp lại không chỉ mười lần, mà cả trăm, ngàn lần quay lại, và những ngọn đèn pha cứ mặc sức mà cháy sáng như mặt trời, không sao hết, tôi sẽ không bị mù mắt, tôi sẵn sàng chịu đựng tất cả, sẵn sàng thức nhiều đêm liền không ngủ, chỉ cần được ở vào địa vị của Lyuka...
Nhưng - than ôi! Đạo diễn chẳng hề chú ý đến tôi. Tôi là một trong số rất đông những người đóng vai phụ mà ông ta không cố công nhớ lấy.
Và, nhớ lại những mơ ước mới đây của mình về chuyện một đạo diễn nào đó nhận thấy tôi rồi chọn đóng vai chính và tôi sẽ trở thành ngôi sao màn bạc nổi tiếng, tôi cảm thấy một nỗi xấu hổ thực sự.
Không phải vô cớ mà ai đó, hình như là Oscar Wilde, đã nói: “Đặc tính của người ta là giấu kín những mộng ước thời niên thiếu vào tận nơi sâu kín nhất của ký ức và chỉ thỉnh thoảng, vào những lúc chỉ có một mình, mới hồi tưởng lại chúng mà thôi”. Câu nói thật hay, phải không nào? Lẽ dĩ nhiên cô Zoya của tôi hẳn đã trách là tôi quá lạm dụng sự đọc nhiều và ham phô trương trí nhớ của mình. Thì cứ mặc cô ấy, tôi không tức, tôi chẳng giận gì...
Người ta trả cho tôi mười bảy rúp với mấy kôpêc gì đó và nói rằng nếu họ còn cần đến tôi thì họ sẽ gọi tôi tới nữa.
Nhưng hết tuần này trôi qua lại đến tuần khác, tôi đến chết đi được vì buồn chán trong cái thành phố Moskva nóng như thiêu như đốt. Bà tôi đã đi thăm cha mẹ tôi từ lâu, còn họ thì hết thư này đến thư khác tra hỏi xem khi nào thì tôi đến, sắp kết thúc việc quay phim ở xưởng phim chưa...
Còn tôi thì cứ chờ đợi hoài, nhưng chẳng ai gọi tôi hết, và một lần nào đó tôi đã tự gọi điện cho Arsyusha. Anh ta đang ở chỗ làm và vui vẻ nói:
- Chào!
Tôi hình dung khuôn mặt của anh ta với cái mũi nhọn và trong lòng tôi lại nhẹ nhõm hơn một chút. Dẫu sao thì ở xưởng phim cũng còn có một người nào đó, một người duy nhất biết và nhớ đến tôi.
- Cô gọi cho tôi thật may quá. - Arsyusha nói. - Có muốn đóng phim không?
- Muốn quá đi chứ!
- Hãy đến đây, ngay ngày mai, vào buổi sáng.
Và tôi lại suốt đêm không chợp mắt, lại xây những lâu đài bằng bong bóng xà bông, cái nào cũng tuyệt diệu. Và tôi hình dung ra đạo diễn, người vừa nhìn thấy tôi đã nói ngay:
- Đúng cô ta đây rồi! Đây chính là người mà ta cần!
Vắn tắt là tôi lại tràn đầy những mộng ước thời niên thiếu mà người ta vẫn lấy làm xấu hổ và giấu chúng vào nơi sâu kín nhất của ký ức...
Lần này, trợ lý đạo diễn là một bà còn trẻ, rất lanh lợi, ăn mặc thật sặc sỡ, áo khoác dài màu đỏ, quần dài màu xám có tua ở đường khâu dọc theo đùi. Bà ta liếc nhanh tôi và ra lệnh:
- Mặc cái váy hoa vào và đội khăn lên đầu, đi trở cỏ phơi...
Ở phòng hóa trang, người ta đưa cho tôi một cái váy, tựa như may riêng cho tôi, tôi đội lên đầu một cái khăn trắng chấm xanh, cầm lấy cái cào cỏ và đi ra trường quay. Ở đó, trên sân có bỏ đầy cỏ và tôi dùng cào trở cỏ suốt cho đến tối.
Tôi cũng không biết mình sẽ còn tiếp tục tham gia đóng những cảnh đông người cho đến khi nào nữa, nếu không có một cuộc gặp gỡ.
Chuyện đó xảy ra vài ngày sau, vào buổi chiều, khi những ngọn đèn pha đã tắt và việc quay phim đã chấm dứt.
Tôi đi vào phòng hóa trang trả váy và cào cỏ, tay đau nhức, mắt lóa trào nước mắt. Nào đâu phải chuyện đùa, ngày này sang ngày khác, gần như liên tục cào cỏ dưới ánh sáng trắng lóa của những ngọn đèn pha khổng lồ...
Khi tôi ra đến cổng, một người phụ nữ nào đó đuổi kịp tôi.
- Xin lỗi chị. - Bà ta hỏi. - Tình cờ chị có điếu thuốc nào không?
- Không. Tôi không hút thuốc.
- Rất tiếc. - Bà ta nói. - Tiếc đây là nói cho tôi vì tôi hút thuốc, còn với chị, chị không hút thuốc là rất tốt!
Chúng tôi cùng đi ra khỏi cổng.
Bà ta nói:
- Tôi đã để ý quan sát chị. Chị cố gắng thật ít ai bằng.
Tôi cảm thấy vẻ giễu cợt trong giọng nói của bà ta. Tôi đỏ mặt vì giận.
- Bà quan sát tôi hồi nào vậy?
- Thì tôi với chị cùng tham gia một cảnh đám đông mà. Chị thì cào cỏ, còn tôi ngồi cách xa, gần cái máy cắt cỏ, ở phía bên tay phải ấy, cắn hạt quỳ. Chị không nhớ ra tôi à?
- Không, tôi không nhớ.
- Có chi là lạ, người ta dồn tới biết bao nhiêu là vai phụ thì khó mà nhớ được tất cả.
Bà ta mỉm cười.
- Còn tôi thì cứ cắn hoài, cắn hạt quỳ hoài, đến nỗi đau cả lưỡi; tôi đã phải cắn không biết bao nhiêu là cái của quỷ ấy.
Môi bà ta thoa son màu mận chín, cặp mắt tô chì sáng long lanh, nhìn bề ngoài, theo tôi đoán, chắc bà ta không dưới bốn mươi lăm tuổi, thậm chí có thể còn nhiều hơn nữa.
Bà ta nói:
- Tôi tên là Elena Vadimovna, còn tên chị?
- Alla, - tôi đáp. - Alla Ivanovna.
- Tôi hy vọng có thể không kêu phụ danh theo cha được chứ*? - Elena nhận xét - Và xưng hô chị em thân mật, được không?
*[Bình thường người Nga ít gọi nhau theo họ. Thường gọi theo tên, nếu là chỗ thân tình. Đối với người lạ hoặc người lớn tuổi hơn thì gọi tên cùng với phụ danh theo cha (ND)]
- Được ạ. - Tôi cho phép. - Xin tùy bà.
Elena Vadimovna mua ở quầy bên đường một bao thuốc lá và trong khi chúng tôi cùng đi với nhau, bà ta hút hết điếu này sang điếu khác. Tôi ước chừng trong khoảng một tiếng đồng hồ chắc bà ta phải hút hết cả nửa bao thuốc lá.
Cử chỉ của bà ta nhanh nhẹn, có vẻ nóng nảy, khuôn mặt dù trang điểm rất nhiều nhưng trông thật phờ phạc, chỉ có nụ cười làm bà ta trẻ ra, bởi vì nó có vẻ cởi mở và theo tôi nghĩ thì hơi ngây thơ một chút.
Buổi chiều rất êm ả. Không muốn ngồi trong xe điện ngộp thở nên chúng tôi đi dọc theo đường bờ sông.
- Hẳn là em rất mong mau chóng trở thành ngôi sao điện ảnh. - Đột nhiên Elena nói.
Tôi ngạc nhiên ngó bà ta. Tuy nhiên, tôi còn đủ sức phản đối với vẻ bề ngoài hoàn toàn tỉnh khô:
- Đâu có, sao bà lại nói thế?
- Thôi mà, đừng có chối, tôi cũng chẳng tin đâu. - Bà ta vừa nói vừa đốt điếu thuốc mới. - Cô bé ơi, tôi nhìn thấu cả ruột gan cô rồi!
Bà ta rít một hơi thuốc thật sâu.
- Chúng ta đứng lại đây đi, ngắm cảnh sông.
Chúng tôi đứng cạnh vách lan can. Phía dưới chúng tôi, dòng sông đang chảy. Thỉnh thoảng có những chiếc thuyền bơi lại gần, trên thuyền là những người chèo vui nhộn, thậm chí từ xa cũng thấy những khuôn mặt và cánh tay rám nắng của họ. Tôi bỗng nhớ đến lời của bài hát mà cha tôi nói rằng các sinh viên thuở trước hay hát:
Ngày tháng cuộc đời ta trôi nhanh như ngọn sóng...
“Quả thực như vậy. - Tôi thầm nghĩ. - Ngày tháng là ngọn sóng. Ngọn sóng này trùm lên ngọn sóng kia và biến đi vĩnh viễn. Ngày tháng cũng vậy, một ngày trôi qua là biến mất vào vĩnh cửu, rồi lại một ngày khác, ngày thứ năm, thứ một ngàn, và tất cả đều biến đi mãi mãi và tuyệt đối không bao giờ còn trở lại nữa...”
Hẳn không phải vô cớ mà cha tôi, cho rằng tôi thiên về những suy tư triết lý vô bổ. Chắc đúng vậy...
Giọng nói của Elena cắt đứt những suy nghĩ của tôi:
- Bởi tôi cũng đã từng y hệt như em.
- Như thế nào kia? - Tôi hỏi.
- Hệt như vậy. - Bà ta nhắc lại. - Mơ ước niềm vinh quang, sự nổi danh, mộng trở thành diễn viên nổi tiếng, để người ta nhận ra tôi ngoài đường phố và viết về tôi trên báo chí...
- Nhưng tôi không hề nghĩ về niềm vinh quang.
Bà ta phá lên cười.
- Chối quanh làm chi, em ơi! Em không dối được tôi đâu. Tất cả đám các em, những cô gái chăm chỉ đến thế, đi tới một nơi xa lắc này, thì chỉ do mơ ước về mỗi một chuyện, tơ tưởng có mỗi một điều, với niềm say mê cháy bỏng...
Bà ta ném điếu thuốc hút dở xuống sông.
- Thú thực với em là tôi cũng đã từng mơ ước. Chao ôi, nếu em biết tôi đã mơ ước đến chừng nào. Biết bao lâu cứ tưởng như sắp đến cái lúc cuối cùng người ta sẽ nhận ra tôi, thấy tôi như thế nào - xinh đẹp, tự nhiên, tài năng thiên bẩm - và sẽ giao cho tôi một vai, một vai chính không hơn không kém, rồi tôi sẽ đóng phim, đóng hoài, đóng mãi...
Đôi môi chói chang của bà ta hơi cong lên.
- Tôi không thể không thừa nhận là tôi đã được đóng phim, cố nhiên tôi đã được đóng rồi. Giá mà em biết tôi đã từng đóng qua biết bao nhiêu vai phụ - nữ nông trang viên, nữ công nhân viên, nữ vận động viên… Có một lần suýt nữa thì tôi đóng cả một đoạn, cần phải đi dạo với một con chó, trong lúc đi dạo gặp vai chính, con chó nhảy xổ vào anh ta, còn tôi thì la hét kéo nó lại. Đó là toàn bộ phim, em cũng thấy đấy, nhưng dẫu sao thì cũng...
Bà ta thở dài, rút ra một điếu thuốc mới, rít một hơi dài.
- Người ta đã không kiếm được ngay con chó thích hợp, còn khi kiếm được rồi thì trợ lý đạo diễn lại dành đoạn phim đó cho một cô gái quen nào đó, và tôi lại được giao cho đi vào trong đám đông, lại trong đám đông...
Tôi có cảm giác là sự trang điểm quá đáng dường như nhấn mạnh tuổi tác của bà ta và sự mệt mỏi càng lộ rõ trên khuôn mặt bà với cặp môi thoa son chói chang và đôi mắt tô điểm quá kỹ.
Bà lắc đầu hất mái tóc ngắn. Tôi nhìn kỹ và thấy: giữa những lọn tóc đen đã có những sợi bạc lấp lánh, gần đôi môi đã có những nếp nhăn đáng buồn.
Và như đoán được tôi nghĩ gì, bà nói:
- Đấy, bây giờ tôi đã già đi, tóc bạc ra, tàn héo, thế mà vẫn chẳng ai nhìn nhận ra tôi, không ai mời tôi đóng vai chính cả...
Khuôn mặt Elena có vẻ bình thản, chỉ khi nhìn kỹ mới thấy hai tay bà run rẩy, những bàn tay gầy guộc, quen với công việc nội trợ gia đình, móng tay cắt ngắn và da tay sạm lại.
Tôi tự hình dung ra đoạn đời trôi qua trong niềm hy vọng không thành của bà. Cái đó thật kinh khủng! Mơ ước, hy vọng, xây đắp những kế hoạch, chờ đợi cơ hội duy nhất của mình và chẳng được cái gì hết. Và chẳng có ngày nào - sau khi thức giấc - bỗng trở nên nổi tiếng.
Tôi đoán trong những ngày buồn tẻ của bà, ngày nọ giống hệt ngày kia, hình như bà đơn chiếc, và bà chẳng thích về nhà mình, nơi không có một ai mong đợi bà về, bởi thế bà mới bắt chuyện với tôi và đi bên cạnh tôi chỉ để kéo dài thời khắc phải trở về nhà, vào căn phòng trống không với ô cửa sổ tối tăm...
Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết có phải thực như thế không, hay là tôi - con người thiên về những suy tư triết lý như lời của cha tôi - đã suy diễn ra, nói lăng nhăng những lời chính mình không hiểu rõ. Nhưng Elena, dường như trong khoảnh khắc bỗng hối tiếc những lời đã lỡ nói ra, đột nhiên vội vã nói:
- Thôi, tạm biệt nhé...
Tôi chưa kịp ngoái lại thì bà đã bước nhanh tới ga xe điện, đúng lúc có chuyến xe đang dừng lại, và lần cuối cùng tôi nhìn thấy mái đầu của Elena bên cánh cửa xe điện đang mau chóng sập lại.
Chắc hẳn mọi người đều có những giây phút chứng kiến bước ngoặt trong cuộc đời của mình, khi đã nhất quyết một điều gì đó và không còn muốn thay đổi nó nữa.
Buổi tối hôm đó, tôi trở về nhà, ngắm nghía khuôn mặt nhợt nhạt và hết sức mệt mỏi của mình trước gương rất lâu. “Thôi, - tôi tự nhủ, - chấm dứt!”
Hình như cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy đã mở mắt cho tôi, - cái đôi mắt cứ nhắm tịt lại một thời gian dài, - hay nói đúng hơn là chỉ nhìn thấy cái mình muốn thấy thôi.
Ngày hôm sau, tôi ra ga mua vé đi Chelyabinsk. Vào dạo ấy, từ đó có thể đi chuyến xe lửa công nhân đến Miass được.
Ngay tuần trước cha mẹ tôi đã gửi tiền cho tôi và tôi đã kịp chi xài hết. Tôi nghĩ thầm: “Chắc cha mẹ sẽ vui mừng khi mình đến...”
Hai ngày trước chuyến đi, Arsyusha gọi điện thoại cho tôi.
- Công việc thế nào? - Anh ta nói. - Có muốn đóng phim không? Phim “Những giọng hát mùa xuân”. Một vai thật ngon lành!
- Vai à? Vai gì thế?
Anh ta húng hắng ho một lát.
- Nói là vai thì cũng hơi to tát quá, đại thể cô cứ hình dung: một chiếc máy bay đang bay và dân chúng chạy theo nó, rồi máy bay hạ xuống cánh đồng, cái đó xảy ra hồi bốn mươi năm về trước, lúc máy bay còn là thứ kỳ lạ ở thôn quê. Cô nghe tôi nói đấy chứ?
- Tôi nghe.
- Như thế này nhé, dân chúng chạy, và cô chạy, hiểu không? Hai ngày quay, thậm chí có thể ba. Ngày mai, trước tám giờ, tôi chờ.
- Không. - Tôi nói và thậm chí thầm ngạc nhiên vì sự từ chối thanh thản của mình. - Anh đừng đợi, tôi không đến đâu.
- Thế nào kia? Không lẽ cô không muốn đóng phim nữa? - Anh ta ngạc nhiên.
- Đúng, tôi không muốn đóng nữa. - Tôi đáp và đặt ống điện thoại xuống, không nghe anh ta nữa.
Và lại một lần nữa tôi kinh ngạc vì sự nhẹ nhàng khi tôi đã nói những lời: “Tôi không muốn đóng phim”. Thật có lý khi nhà thông thái vĩ đại thời cổ, hình như là Socrates thì phải, đã nói:
Hãy nhận biết chính bản thân mình”.
Liệu có thể nào tôi hình dung được, dù chỉ một chút, rằng chỉ mới cách đây một tháng, mà làm gì đến một tháng, chỉ vài ngày thôi, tôi lại tự mình từ chối không muốn đóng phim!
Thế mà đấy - tôi hết muốn rồi!
... Ban đêm tôi thường không ngủ được. Có lẽ cái đó là đặc trưng chung cho tất cả các người già - đêm đêm lại hồi tưởng về quá khứ.
Quá khứ thì người già thấy rõ hơn là hiện tại.
Tôi nhớ tới người chồng đã quá cố của tôi, lại trò chuyện cùng ông ấy trong trí tưởng tượng.
Chỉ đến bây giờ tôi mới thực sự ý thức được rằng đó là một người thật hiếm có, tôi đã có hạnh phúc và cảm thấy vững chãi ở bên cạnh ông ấy. Đúng là vững chãi. Thực ra thì ông ấy thích chế nhạo tôi, gọi tôi là “bà biết tuốt” vì cái gì tôi cũng biết, hay như lời ông ấy nói, tự cho rằng cái gì mình cũng biết.
Con trai tôi đôi lúc cũng cười nhạo tôi:
- Mẹ à, mẹ đúng là bộ Đại bách khoa Xô-viết toàn thư, từ đầu đến cuối chất đầy những lời trích dẫn.
Rồi nói thêm:
- Bộ Đại bách khoa hình như một trăm tập phải không? Riêng đối với mẹ thì phải thêm một tập nữa - tập sai lầm - bởi mẹ biết đủ thứ, nhưng mọi thứ đó đều không chính xác…
Tôi cũng không giận, mặc cho nó nghĩ như thế. Dù cho có đôi khi lầm lẫn đi nữa, nhưng tôi vẫn cứ biết nhiều điều. Ông chồng của tôi bảo rằng đầu óc tôi chứa chất đầy những kiến thức đủ loại, nhưng trong thực tế chỉ sử dụng được may lắm là mười phần trăm, chứ không thể hơn.
- Kiến thức thì nhiều, nhưng hệ số tác dụng có ích thì chỉ bằng từng này thôi. - Ông ấy giơ ra một nửa ngón tay út của mình. - Hay có khi còn ít hơn.
Tôi tranh cãi với ông ấy, không chịu nhượng bộ một chút nào.
- Không đúng! - Tôi khẳng định. - Người nào mà biết nhiều thì có thể được coi là người giàu có thật sự. Và có thể rồi đến một lúc nào đó, những kiến thức của tôi sẽ có ứng dụng trong đời sống.
Từ đó tới nay đã nhiều năm trôi qua, tôi đã kịp già đi, và giờ đây, than ôi, tôi đã thấy mình không dám tranh cãi với chồng nữa, hẳn tôi đã thừa nhận sự đúng đắn của ông ấy.
Quả vậy, tôi biết để làm gì cái chuyện ngôn ngữ của những người Pygmy ở Châu Phi chỉ gồm hơn một trăm từ, rằng ở Kamchatka có ngọn núi lửa Tolbachik-được-tiên-đoán, người ta gọi nói là được-tiên-đoán bởi có một ông giáo sư đã tiên đoán chính xác gần như từng ngày từng giờ lúc nó bắt đầu hoạt động. Tôi biết để làm gì cái chuyện dân ăn diện ở nước Nga thế kỷ mười tám ăn vận ra sao, những con báo tuyết thích ăn gì và tam giác Bermuda là cái gì. Chẳng đem lại ích lợi gì cho tôi cái con số chính xác các tội ác chưa được điều tra ở nước Úc nửa đầu thế kỷ hai mươi, cũng như lịch sử xuất hiện chiếc xe điện đầu tiên ở Odessa hoặc số vụ tự sát ở Thụy Điển trong vòng năm, mười năm gần đây.
Tất cả những hiểu biết ấy cũng như nhiều điều khác nữa do tôi đọc được trong những cuốn sách khác nhau khi tôi làm việc giữ thư viện sau ngày tốt nghiệp đại học.
Không những tôi đọc và nhớ tất cả những thứ đó, mà còn làm riêng cho mình hộp phiếu ghi, trong đó trên từng tờ phiếu tôi chép lại tất cả những gì mà tôi cảm thấy thú vị ở một mức độ nào đó.
Giờ đây, nhớ lại chuyện mình đã chép tất cả những thông tin đa dạng ấy cẩn thận như thế nào, tôi tự nghĩ:
“Để làm gì kia chứ? Phí bao thời gian, sức lực, năng lượng để làm những gì? Để ghi lại số tội ác chưa được điều tra ở nước Úc hay là các loại san hô mọc ở đáy biển Thái Bình Dương ư?”
Tuy nhiên, tất cả những cái đó cũng vặt vãnh thôi, vấn đề không phải ở chỗ đó. Chính điều mà tôi luôn nhớ lại với niềm cay đắng và nỗi đau đớn khôn nguôi là những cuộc cãi cọ thường xuyên với chồng. Đến nay thì tôi mới hiểu rằng tôi có lỗi trong mọi chuyện, chứ hoàn toàn không phải do ông ấy. Nhưng tôi đã hành hạ ông ấy biết bao nhiêu bằng những câu nói của mình. Tôi đã phô trương sự đọc nhiều biết rộng vô tích sự của mình, cái mà cho đến giờ vẫn chưa tìm được sự ứng dụng thích hợp, dẫn ra những thí dụ từ đủ các tác phẩm văn học khác nhau.
Còn ông ấy thì lúc nào cũng điềm tĩnh, đôn hậu, chế giễu tôi, thương yêu tôi. Tôi biết ông ấy yêu tôi, tha thứ cho tôi tất cả, tha thứ tính tình khó chịu của tôi, thói đỏng đảnh, những cơn bẳn gắt thất thường và sự uyên bác quá đáng của tôi...
Chỉ có mỗi một lần, khi tôi làm quá đến mức ông ấy không giữ được bình tĩnh, chẳng nói một lời nào, ông ấy đặt tôi lên nóc tủ rồi bỏ ra khỏi phòng. Thoạt tiên tôi chết điếng, không nói nên lời, sau đó, òa lên khóc. Ông ấy lại vào phòng, nhấc tôi xuống và dỗ dành như dỗ trẻ nhỏ. Còn tôi thì khóc và nghĩ: sao ông ấy lại tàn nhẫn với tôi đến thế...
Tại sao chúng ta, những con người, lại không mấy khi chịu nhận ra những sai lầm của mình? Tại sao chúng ta cứ tưởng mình phải, và chỉ về sau này, vào lúc nào đó mới hiểu toàn bộ sự sai trái và sự thiếu công minh của mình, nhưng không hòng gỡ lại được gì.
Tại sao tôi không thương vợ của Marik? Tôi không biết. Nhưng tôi không làm sao thắng được chính bản thân mình. Tôi đã cố gắng không can thiệp, nhưng trái tim tôi không muốn cam chịu, và tôi phải vất vả lắm mới kiềm chế được mình, không nói thẳng vào mặt cô ta tất cả những gì tôi nghĩ về cô...
Cô ta không thô lỗ, không hỗn hào, không nịnh bợ tôi, lúc nào cũng lịch sự điềm tĩnh như nhau. Nhưng tôi cảm thấy cô ta không thèm để ý đến tôi. Sống với tôi sát nách, nhưng nếu có ai hỏi cô ta rằng mắt mũi tóc tai tôi thế nào, nét mặt tôi ra sao, tôi ăn vận quần áo gì, thì cô ta cũng không trả lời nổi. Tựa như không có tôi trên thế gian này.
Dù có vậy đi nữa tôi cũng sẵn sàng cam chịu tất cả những cái đó. Nói cho cùng thì có ở đâu, có đời thuở nào mà mẹ chồng và nàng dâu lại hiểu biết thông cảm nhau, lại yêu thương nhau?
Tôi đồng ý chấp nhận mọi thứ, miễn là Taya yêu con trai tôi.
Nó thì yêu cô ta rồi, điều đó chẳng cần nói cũng quá rõ. Nó có thể nói về bản thân mình bằng những câu của Pushkin:
“Tôi yêu em thật thủy chung, thật dịu hiền...”
Còn cô ta, cô ta tiếp nhận tình yêu của nó. Nhưng tôi thấy rõ ý nghĩ của cô ta ở nơi nào xa hẳn với nó. Cô ta nghe mọi lời nó nói, mỉm cười với nó, họa hoằn mới trả lời nó. Cô ta không phải người hay nói, có lẽ là con người kín đáo, còn chính cô ta thì lúc nào cũng nghĩ về điều gì đó mà chẳng ai biết cả.
Có lần Marik đã hỏi tôi:
- Mẹ ơi, mẹ phản đối Taya ở điểm nào? Cô ấy rất tốt mà...
- Thì mẹ đâu có phản đối? - Tôi hỏi lại.
- Nhưng mẹ không thương yêu cô ấy.
Lúc đó tôi đã nói dối, nhưng biết làm sao? Tôi cãi:
- Không, sao lại nói thế, mẹ có thương yêu cô ta mà.
- Mẹ không thương yêu cô ấy. - Marik khẳng định và dĩ nhiên là nó nói đúng.
Mà cũng quả thực là tôi phản đối cô ta ở điểm nào kia chứ? Cô ta khiêm tốn, biết nội trợ, ít nhất cũng duy trì trật tự trong căn phòng của mình, thỉnh thoảng luân phiên với tôi nấu bữa trưa, giặt giũ, đi mua thực phẩm.
Tôi không nhớ có trường hợp nào mà cô ta, đừng nói gì đến chuyện cãi nhau với Marik hay với tôi, mà ngay cả nói lớn tiếng cũng không.
Taya là một cô con gái hiếu thảo, rất chú ý chăm sóc mẹ mình, và điều đó cũng không thể làm tôi không thích…
Nhưng dẫu sao thì...
Dẫu sao thì tôi vẫn luôn luôn cảm thấy cô ta không được lâu bền, cô ta không yêu con trai tôi và sẽ bỏ nó mà đi. Chắc chắn cô ta sẽ bỏ nó và như vậy sẽ mang lại nhiều đau khổ cho nó.
Tại sao tôi lại nghĩ thế? Tôi không biết.
Thuở trước, Shakespeare đã từng viết những câu thật đáng ghi nhớ:
Trên thế gian này có những điều mà các nhà thông thái của chúng ta cũng không thể ngờ đến được...
Cho đến nay tôi vẫn không hiểu từ đâu mà tôi lại có linh cảm ấy? Nhưng nó đã xuất hiện và sống trong tôi, rồi đến khi xảy ra cuộc nói chuyện quan trọng cuối cùng với Taya - cuộc nói chuyện đã giải quyết tất cả những mối nghi ngờ trước đây thỉnh thoảng vẫn trỗi dậy trong tôi - tôi đã hiểu là mình đã luôn chờ đợi nó.
Tôi sẽ cố gắng kể lại mọi chuyện một cách có trình tự.
Buổi sáng, mọi chuyện vẫn như thường, Marik đi làm, Taya đi dạy - mãi đến bốn giờ cô ta mới phải đi đến trường của mình. Còn tôi đang luộc rau chua, định nấu món canh chua ăn nguội với trứng, hành xanh và dưa chuột - món ăn mà Marik ưa thích.
Vừa lúc đó mẹ của Taya - một bà ồn ào khác hẳn với cô con gái, nói rất to và cử chỉ thô vụng - gọi điện thoại tới.
Mỗi khi bà ta gọi điện, tôi thường phải để xa cái ống nghe ra khỏi tai, nếu không màng nhĩ tôi có thể bị tổn thương.
- Taya có nhà không ạ? - Mẹ Taya hỏi, sau khi đã thăm hỏi sức khỏe tôi đầy đủ. - Tôi rất cần gặp cháu nó.
- Một chút xíu nữa Taya sẽ có nhà. - Tôi đáp.
- Vậy thì xin chị làm ơn để cháu nó gọi điện cho tôi.
Đúng lúc đó nghe tiếng chìa khóa quay trong ổ ở cửa ra vào. Tôi kêu lên:
- Bà hãy đợi một chút, hình như cô ấy đang về...
Lẽ dĩ nhiên đó là Taya. Cô ta cầm lấy ống điện thoại, lắng nghe mẹ nói, và tôi chợt nhận thấy khuôn mặt vừa còn đang hồng hào tươi tắn của cô ta bỗng tái nhợt đi. Thậm chí cả môi cũng bị xám lại.
- Con đến ngay bây giờ. - Cô ta nói và đặt điện thoại xuống.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Cô ta không trả lời tôi, cặp mắt mở to, tay bấu chặt vào ngực.
- Taya, có chuyện gì vậy?
Cô ta tựa như mới nghe thấy câu hỏi của tôi lần đầu. Mấp máy đôi môi xám ngoét như đi ngoài trời tuyết vào, cô trả lời:
- Valentin bị tai nạn ô tô.
- Ai kia? - Tôi hỏi lại.
- Valentin, chồng của tôi.
- Thế nào kia? - Tôi không nén nổi. - Chồng nào? Theo tôi hiểu thì Marik Simakov, con trai tôi mới là chồng của cô!
- Người chồng cũ của tôi là Valentin bị tai nạn ô tô và đang nằm ở bệnh viện. - Taya đáp lại một cách khô khan, không biểu lộ cảm xúc gì hết. - Bây giờ tôi sẽ đi đến với anh ấy...
Cô ta quay lại, đi vào phòng mình, quên cả túi thực phẩm lúc về để trên bàn.
Tôi hoàn toàn không hề biết một chút gì hết. Té ra Marik là người chồng thứ hai chứ không phải thứ nhất của cô ta. Hay biết đâu lại không phải là thứ ba hay thứ tư?
Tôi nghe thấy cửa ngoài sập mạnh, cô ta đã đi khỏi. Khi ấy tôi gọi điện cho Marik, thường thì vào thời gian ấy tự nó gọi cho Taya, hỏi xem cô ta đang làm gì, có buồn không...
Marik cầm lấy ống điện thoại. Tôi hỏi thẳng, không vòng vo gì hết.
- Con có biết trước rằng trước kia Taya đã có chồng rồi không?
- Con có biết. - Nó nói. - Nhưng có chuyện gì vậy?
- Mẹ cô ta vừa gọi điện thoại tới xong và nó đã đi rồi.
- Cô ấy đi đâu thế? - Marik vội vã hỏi, và tôi cay đắng nghĩ thầm rằng nó thật yêu cô ta biết bao, thật quý cô ta biết dường nào!
- Chồng cũ của cô ta bị tai nạn ô tô và bây giờ đang nằm ở bệnh viện.
- Ở bệnh viện nào vậy?
- Làm sao mẹ biết được? Mà mẹ cũng quên không hỏi Taya.
- Thế cô ấy không nói gì ư? - Marik hỏi. - Không nói khi nào về nhà à?
- Không, không nói gì hết.
- Thôi được rồi, con sẽ về bây giờ.
- Con ơi, để làm gì vậy? Con về sớm để làm gì kia chứ?
Nhưng nó đã bỏ máy, trong điện thoại chỉ còn nghe những tiếng còi cộc lốc ngắt quãng.
Nửa tiếng sau nó về đến nhà. Việc đầu tiên là nó hỏi:
- Cô ấy về chưa ạ?
- Chưa.
- Và không gọi điện thoại sao?
- Không, không gọi.
Nó quay số điện thoại của mẹ Taya, nhưng máy điện thoại không đáp lại.
- Khoan đã con. - Tôi nói và ép nó ngồi xuống đi-văng bên cạnh tôi. - Trước hết, con hãy giải thích cho mẹ tại sao con lại lo lắng thấp thỏm như thế? Con thương cái gã kia đến mức bỏ cả đi làm hay sao?
Nó trả lời sau một lát chần chừ:
- Mẹ ạ, mẹ không hiểu gì hết. Cũng có thể đúng là không đáng bỏ về luôn như thế này. Điều đó thì con đồng ý với mẹ, nhưng bỗng nhiên con cảm thấy lo ngại...
- Con lo ngại điều gì?
- Con có cảm giác rằng bây giờ Taya sẽ bỏ con ra đi.
Và tôi thầm nghĩ:
“Cũng chính những ý nghĩ ấy đã xuất hiện trong đầu tôi...”
Nhưng tôi không nói ra, không muốn làm thằng bé của tôi phải buồn.
- Thế cô ta đã sống với gã đó được bao lâu?
- Được gần năm năm. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó.
- Thế thì ở chỗ nào?
Nó như phải ráng hết sức để trả lời:
- Con cảm thấy cho tới bây giờ cô ấy vẫn yêu anh ta.
Tôi nhớ lại cặp môi xám của Taya, khuôn mặt đột nhiên biến sắc của cô ta và đôi mắt như dại đi khi cô cầm ống điện thoại và nghe mẹ cô nói.
Phải, chắc Marik nói đúng. Cô ta yêu, cố nhiên rồi, cô ta đang còn yêu, nếu không phải thế thì cô ta đã xử sự hoàn toàn khác.
- Yêu ư? - Tôi hỏi lại Marik. - Thế thì cô ta cắt đứt với anh ta làm gì? Khi còn yêu nhau thì dẫu sao người ta vẫn cố gắng để không li dị.
- Anh ta đã xúc phạm Taya rất nặng. Rất nhiều chuyện, anh ta đã phản bội cô ấy, vừa xúc phạm, vừa phản bội, mà đồng thời theo như cô ấy khẳng định, lại vẫn rất gắn bó với cô ấy. Chuyện như thế cũng có thể có lắm chứ...
Tôi nhún vai.
- Có thể có ư? Mẹ không biết, mẹ không nghĩ thế.
- Còn con thì cho rằng cả chuyện đó cũng có thể có được. Và dù họ đã li dị nhau rồi, có lẽ ở điểm nào đó cô ấy vẫn còn yêu anh ta, còn giờ đây, khi anh ta lâm nạn, thì cô ấy sẽ quên hết mọi chuyện. Con tin rằng...
Nó không nói hết câu, gục đầu xuống. Tôi có cảm giác là nó ráng kiềm chế để không òa lên khóc; nhưng tôi biết thằng bé của tôi, nó không phải là người mau nước mắt, cũng giống như cha nó.
Taya xuất hiện vào lúc tối khuya. Chúng tôi không ngủ để chờ cô ta. Marik lao ra hành lang, đón gặp Taya. Tôi nghe thấy nó hỏi:
- Thế nào? Anh ta bị làm sao?
- Tạm thời còn sống. - Taya đáp.
Cô ta đi vào phòng, nheo mắt lại, tựa như bị chói vì ngọn đèn sáng.
- Em mệt lắm không? - Marik hỏi.
- Em không biết.
Cô ta ngồi xuống bên bàn, chống tay lên má.
- Em muốn uống trà không? Anh đặt ấm nước ngay bây giờ.
- Không. Em không muốn.
Khuôn mặt cô ta tái nhợt như không còn giọt máu, trông gần như người bệnh.
- Hãy đi nằm đi. - Tôi khuyên cô ta.
Cô ta ngoan ngoãn đồng ý.
- Vâng, con đi nằm...
Cô ta đi vào phòng mình, Marik theo vào đó, bưng cho cô ta một ly trà nóng và đặc như cô ta vẫn thích.
Khi tôi từ trong phòng tắm đi ra, tôi thấy qua cánh cửa hé mở, Marik đang bón cho Taya từng muỗng trà như thế nào, và cô ta uống, mắt nhắm nghiền, cánh tay không còn sức lực đặt trên cái mền...
Sáng ra cô ta thức dậy rất sớm và vội đi chợ. Cô ta mua về một con gà, pho mát tươi, dưa chuột tươi. Taya nấu món nước canh gà bằng cái xoong nhỏ, thả vào đó một cái cánh gà.
- Cái đó nấu cho anh ta ư? - Marik hỏi. Nó vừa cạo râu xong và sửa soạn ngồi vào ăn sáng.
- Vâng, Valentin chỉ uống một chút xíu nước, chỗ này đủ cho anh ấy cả ba ngày.
- Hãy uống trà đi. - Tôi mời cô ta.
Cô ta cương quyết lắc đầu.
- Con không uống, con sẽ uống sau.
- Sau là lúc nào? - Marik hỏi. - Ở bệnh viện ư?
- Vâng. Ở bệnh viện.
Theo tôi thì giọng nói của cô ta có vẻ hơi khiêu khích quá mức cần thiết một chút. Nhưng tôi lặng thinh, không muốn can thiệp.
Cứ tiếp tục như thế hơn một tháng. Ngày này qua ngày khác, Taya đến với người chồng cũ đang nằm trong bệnh viện. Cô ta thỏa thuận với trường thanh niên công nhân và một cô giáo dạy tiếng Đức khác thay thế cô ta.
Nói chung tôi nhận thấy nhiều người đối xử thân tình, chu đáo với cô ta. Chắc là do sắc đẹp của cô ta - tôi nghĩ thế, hơn nữa tính cách cô ta khá điềm đạm, mà người ta dễ yêu những cô gái đẹp và điềm đạm...
Cũng có thể là tôi không phải lắm vì đối xử với cô ta không công bằng - tôi nghĩ thế, - có thể cần phải vượt lên trên bản thân, tiếp nhận cô ta vào trái tim mình, đối xử với cô ta thân thiết hơn, ấm áp hơn, hoặc ít nhất cũng gọi cô ta là “con” chứ không phải là “cô” một cách xa lạ.
Nhưng tôi đã cố gắng bao nhiêu mà vẫn không làm sao vượt lên trên bản thân mình được.
Tôi sẽ nói đi nói lại rằng trái tim người mẹ là vật biết tiên tri. Và không thể nào mua chuộc hay đánh lừa được nó.
Vào cái ngày ấy, Marik đi làm sớm hơn thường lệ, nó phải đi ra ngoài thành phố, đến một công trình đang xây dựng nào đó.
Taya nói với tôi:
- Alla Ivanovna ạ, tôi cần phải nói chuyện với bà...
Tôi nhìn khuôn mặt buồn bã của Taya và chợt hiểu rõ mọi chuyện. Tôi biết trước cô ta sẽ nói gì với tôi và tôi sẵn sàng lắng nghe từng lời của cô.
- Hẳn là tôi có lỗi trong mọi chuyện. Chỉ một mình tôi có lỗi. Con trai bà là một người tuyệt diệu. Anh ấy xứng đáng được hưởng hạnh phúc và tôi tin chắc rằng anh ấy sẽ có hạnh phúc.
Tôi hỏi cô ta:
- Cô định lìa bỏ nó?
- Vâng. Tôi rất có lỗi, tôi biết vậy, nhưng tôi không thể bỏ mặc Valentin. Bây giờ đây, hơn bao giờ hết, tôi cần cho anh ấy hơn tất cả mọi thứ.
Tôi không kìm được mình đã nói:
- Đáng lẽ cô không nên đồng ý lấy con trai tôi một khi cô vẫn còn yêu chồng cũ cho đến tận bây giờ và chắc sẽ chẳng bao giờ hết yêu anh ta...
- Tôi chẳng có lý gì để cãi lại bà cả. Cố nhiên là bà đúng. Lẽ ra tôi không nên lấy Marik, tôi yêu Valentin, đến giờ vẫn còn yêu...
Và đột nhiên cái người đàn bà ấy, cái người lúc nào cũng tỉnh khô, có phần nào lãnh đạm, tưởng chừng như không gì có thể xuyên qua được vẻ bình thản không đổi thay của cô ta, bỗng vừa kêu lên, vừa bóp vặn bàn tay:
- Xin bà hãy hiểu cho tôi. Tôi xin bà. Hẳn bà cũng đã từng yêu một thuở, không lẽ bà không thể hiểu được tôi sao? Tôi có lỗi, tôi đã làm hỏng cuộc đời của Marik và không sao thuyết phục nổi bản thân mình để hưởng hạnh phúc. Nhưng xin bà hãy tin tôi. Tôi đã tưởng rằng mọi chuyện đã chấm dứt, tất cả đã tàn lụi, đã trôi qua rồi...
Trong giây phút ấy cô ta có vẻ gần như mất trí.
- Tôi yêu Valentin và cho dù anh ấy có làm gì đi nữa, tôi vẫn sẽ ở bên cạnh anh ấy.
Tôi lấy khăn tay ở trong túi ra và đưa cho cô ta. Cô ta lau mắt và má. Giờ đây, khi cô ta khóc lóc, buồn rầu, trông cô ta có vẻ già đi và hoàn toàn không xinh đẹp như mọi khi.
- Tôi muốn đi khỏi trước khi Marik trở về. - Taya nói.
Tôi gật đầu. Tôi hiểu cô ta làm sao mà nói nổi với Marik rằng cô ta yêu người khác mà vẫn nhìn vào mắt nó được?
- Tôi muốn viết cho Marik một bức thư. - Taya nói. - Cần phải giải thích cho anh ấy biết sự tình...
- Khỏi cần. Cô đừng viết. Tự tôi sẽ kể lại mọi chuyện cho nó.
- Tôi không muốn anh ấy giận tôi, tôi muốn để anh ấy hiểu rằng tôi không thể làm khác được.
- Nó sẽ không giận đâu. Và nó sẽ hiểu được tất cả những gì cần hiểu. Tôi biết con trai tôi.
Cô ta nín lặng nhìn tôi, và tôi bất giác kinh ngạc vì ánh mắt của cô ta, tựa như lần đầu tiên mới nhìn thấy cô ta có cặp mắt thật sáng và đầy sức diễn cảm.
Sau đó, cô ta đi vào phòng mình và một lát sau bước ra với chiếc va li nhỏ trong tay.
- Xin vĩnh biệt bà. Có gì xin bà hãy bỏ quá đi cho…
- Vĩnh biệt. - Tôi nói.
Tôi đã muốn nói với cô ta rằng tôi cầu mong cho người cô yêu chóng được khỏe lại, mong cho cô ta rồi đây sẽ được yên ấm, nhưng tôi không nói gì cả.
Trong giây phút ấy tôi đã hình dung ra con trai tôi, tôi đã nghĩ đến những đau khổ nặng nề đang đón đợi nó và một làn sóng căm ghét Taya lại ập vào tôi.
Người Nhật nói rằng: “Nếu không thắng nổi kẻ thù thì hãy hôn nó...
Cô ta không phải kẻ thù của tôi, nhưng cô ta đã mang cái ác đến nhà tôi. Tôi đã không thể thắng được cô ta, nhưng tôi cũng chẳng muốn hôn cô ta.
Chúng tôi nhìn nhau, hẳn cô ta muốn nói với tôi điều gì đó nữa, nhưng cô ta vẫn im lặng, còn tôi thì thầm nghĩ rằng biết bao thử thách cay đắng nặng nề hãy còn chờ đợi cô ta ở phía trước.
Thế rồi chúng tôi cũng chẳng nói được gì thêm, cả tôi lẫn cô ta.
Taya quay đi, bước ra hành lang, và tôi đóng cửa lại sau lưng cô ta.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét