Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Chuyện Tình Tự Kể - Phần 2

Chuyện Tình Tự Kể

Tác giả: Lyudmila Uvarova
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
NXB Long An - 1986
---------------------------

Marik

Tôi rất ghét chuyện đã giã từ xong rồi mà còn quay trở lại. Tưởng chừng như có bao nhiêu tay thì cũng bắt đủ cả rồi, những lời từ giã cũng đã nói xong cả, chúc tụng mọi điều tốt đẹp và mời mọc tới thăm, gọi điện thoại và dặn dò đừng quên nhau...
Đầy đủ mọi nghi thức rồi. Chủ nhân mỉm cười, bề ngoài tỏ ý tiếc vì khách ra về, tiễn đưa khách với sự nhẹ nhõm trong lòng. Về phần mình, khách cũng mỉm cười, chạy xuống cầu thang. Thế rồi một lát sau khách lại quay trở lại, quên cái cặp, khăn quàng, hay bao tay, hoặc còn cái gì đó nữa...
Vẻ duyên dáng khả ái đã bị phá hủy. Chủ nhân đã bận làm công chuyện quen thuộc của mình, thí dụ như rửa chén bát sau bữa tiệc, hoặc quét nhà hay trải giường, và khách bắt gặp họ không phải lúc.
Lẽ cố nhiên là chủ nhân mỉm cười, còn biết làm sao khác được, nhưng đã đượm vẻ chế giễu với một chút bực mình bởi vì khách bất ngờ quay trở lại, có thể nhìn thấy cái mà đáng lẽ người lạ không nên thấy.
Còn khách, hiểu tất cả mọi điều đó, chụp vội lấy cái gì đó mà mình đã bỏ quên, hấp tấp biến đi cho nhanh. Lần này thì không mỉm cười, chẳng nhắc lại lời mời tới thăm, gọi điện thoại và dặn dò đừng quên. Và người ta cũng không nhắc lại những lời ấy với khách. Chẳng còn bụng dạ nào nghĩ tới chuyện đó.
Và trong cả khách lẫn chủ đều còn đọng lại một cái gì đó chẳng mấy tốt đẹp.
Chuyện như thế đã xảy ra với tôi, khi lần đầu tiên tôi tới nhà Taya. Mẹ cô ấy tỏ ra lịch sự và hiếu khách. Chúng tôi ngồi đàm luận về những chuyện gì đó mà tôi cũng không nhớ nữa, bởi vì tôi nói, mỉm cười, đưa đẩy, nhưng trong lòng thì chỉ toàn nghĩ về cô ấy - Taya.
Rồi mẹ cô ấy hai lần vô tình ngáp, làm như muốn giấu, nhưng thực ra lại muốn cho tôi thấy, và liếc nhìn vào đồng hồ. Tôi đứng dậy bắt đầu từ biệt.
Chúng tôi chia tay sau đó rất lâu, mẹ Taya đòi tôi phải ngồi chơi thêm chút nữa, trách tôi quá vội bỏ họ lại, còn tôi thì thuyết phục họ rằng đã muộn lắm rồi, đã đến lúc tôi phải ra về để họ được nghỉ ngơi.
Taya không nài ép tôi, cô ấy nói một cách giản dị:
- Thôi được, anh đi đi, kẻo không quả thực cũng đến lúc em phải đi ngủ rồi…
Và lại một lần nữa cô ấy làm tôi phải khâm phục, như đã bao lần tôi từng khâm phục tính chân thành bình dị của cô ấy.
Lúc tôi rời nhà họ và chạy xuống cầu thang, tôi cảm thấy rõ nụ cười còn đọng trên khuôn mặt mình, nụ cười ấy bắt đầu từ ngưỡng cửa nhà họ mà mãi vẫn chưa muốn kết thúc.
Khi tôi chạy xuống tới dưới đất, thò tay vào túi thì không thấy bao tay đâu. Cả trong túi này lẫn túi kia. Trong bao tay bên phải có tờ 3 rúp mà tôi dự phòng để đi taxi trong trường hợp tôi về muộn lúc xe điện ngầm đã ngừng chạy.
Xe điện ngầm đã ngừng chạy, tờ 3 rúp thì không có.
Taya sống với mẹ ở đường bờ sông phố Kotelnich, còn tôi ở gần đại lộ Kutuzov, trong quận Dorogomilov Lớn. Đi bộ từ nhà họ đến nhà tôi không thể nào mất ít hơn một tiếng đồng hồ.
Tôi tự hình dung ra cảnh mình quay lại lấy bao tay thế nào và không muốn đi trở lại nữa.
Thế là tôi đi bộ về tận nhà. Trời rất lạnh, mười bốn độ dưới không, gió nhiều.
Té ra tôi nhầm, đi bộ từ nhà họ về nhà tôi mất không phải một tiếng, mà là một tiếng hai mươi ba phút.
Sáng ra tôi không sao ngóc đầu dậy nổi, tôi sốt với nhiệt độ rất cao. Mẹ tôi gọi bác sĩ tới. Bác sĩ nói rằng phải đề phòng sưng phổi và người ta bắt đầu tống cho tôi đủ các loại thuốc đại loại như: rônđômixin, ôreanđrômixin, êtazol, giác lưng và đắp hạt cải.
Mẹ tôi đi dép lê trong nhà vì tôi rất nhức đầu và không sao chịu nổi tiếng giày cao gót của bà, mọi thứ bà làm đều chả ra sao, bà thở dài ầm ĩ và khóc nhiều lần.
Mẹ tôi bao giờ cũng nổi bật ở tính vụng về. Những khi tôi bị cúm hay bị viêm họng, nằm ở giường, mẹ tôi cho tôi uống nước và lỡ tay làm đổ nước vào cổ tôi. Khi dán cao hạt cải cho tôi thì thể nào bà cũng nhầm, dán ngược lá cao. Còn mang túi cao su chườm nước nóng cho tôi thì bà lại vặn nút không chặt khiến nước nóng bỗng trào ra làm tôi bị phỏng.
Nhưng mẹ tôi lại là người rất đôn hậu. Tôi cho rằng tính đôn hậu là cái quý nhất của con người, chỉ tiếc rằng hiếm khi gặp được nó. Theo tôi nghĩ thì cha tôi đã chọn mẹ tôi chính vì bà rất đôn hậu.
Cha tôi lớn tuổi hơn mẹ tôi nhiều. Ông đã tham gia chiến đấu ngoài mặt trận, đã chiến đấu ở Polesie, ở Kursk, ở Berlin và kết thúc chiến tranh ở Budapest.
Sau khi ở mặt trận về, ông lại tới đâu đó trên sông Volga xây dựng nhà máy thủy điện rất lớn.
Ông là kỹ sư xây dựng, tự gọi mình là dân du mục, ưa chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Và suốt nhiều năm luôn chuyển từ công trường này tới công trường kia.
Một lần nọ trên sông Đông, ở công trường Volga Đông, ông đã làm quen với mẹ tôi. Mẹ tôi tốt nghiệp đại học thư viện, được phân công về một thành phố nhỏ mới xây dựng là Tsimlyansk.
Một lần cha tôi tới thư viện của bà, đề nghị bà cho mượn cuốn sách nào đó để đọc.
Mẹ tôi hỏi:
- Chắc phải cho ông mượn cuốn sách gì nghiêm chỉnh phải không?
- Sách nghiêm chỉnh là nghĩa thế nào? - Ông hỏi lại.
- Là cuốn sách nào đó về khoa học hay triết học, hoặc viết về những người nổi tiếng thuở trước.
Cha tôi ngó bà, nhếch mép cười. Sau này ba tôi kể lại, lúc đó bà trông rất tức cười, mũi hếch, mắt nhạt màu và trông màu nhạt càng nổi rõ hơn vì khuôn mặt hơi rám nắng đầu mùa xuân.
- Chị cho tôi đọc về tình yêu đi. - Cha tôi đề nghị. - Chị giới thiệu cho tôi cuốn nào đó.
- Ông có muốn đọc Bunin không? - Mẹ tôi hỏi.
- Muốn. - Cha tôi đáp. - Thế ông ấy viết gì về tình yêu, cái ông Bunin ấy?
Cha tôi giả bộ làm người chỉ chú tâm vào công việc chuyên môn, không hiểu biết rộng, ít khi đọc sách và hoàn toàn không nhớ nổi tên các nhà văn. Nhưng thực ra cha tôi rất ham đọc sách. Ở mức độ nào đó ông là người đọc nhiều và ít ra cũng từng đọc khá nhiều truyện ngắn của Bunin.
Vậy mà bà thì tin rằng ông chưa hề được nghe nói về Bunin. Bà là người chất phác và suy xét người khác qua bản thân, cho rằng thông thường người ta không nói dối, không bịa đặt mà chỉ có các nhà văn mới sáng tác, bịa đặt và đó là công việc quen thuộc, hữu ích của họ.
Cố nhiên là mẹ tôi suy luận hơi thô thiển, nhưng thế thì có sao đâu? Dù thế này hay thế khác thì bà cũng không làm cho cha tôi phải chán ghét mình.
Thoạt tiên bà giảng cho ông một bài giảng nhỏ về bản chất sáng tác của Ivan Bunin, tiện thể kể ra những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: Ông lớn từ San Francisco, Những quả táo loại Anton, Làng quê, Sân nhà vui vẻ... rồi lập sổ mượn sách cho cha tôi ở thư viện, viết vào sổ bằng nét chữ cẩn thận, hơi giống chữ trẻ em: “I. Bunin. Một tập.”
Tôi được biết tất cả những chuyện này không phải qua mẹ tôi, mà là do cha tôi kể lại. Năm ấy tôi sắp kết thúc bậc trung học phổ thông. Vào kỳ nghỉ đông tôi đã cùng cha tôi đến vùng Suzdal, tới nhà một người bà con xa của ông, đi câu cá.
Lúc ngồi trong xe, trên đường đi, cha tôi hỏi, mắt vẫn không rời khỏi con đường:
- Con đã có cô gái nào chưa?
- Cô gái nào kia? - Tôi không hiểu.
- Một cô gái lạ. Con đã theo đuổi ai chưa, đã kịp say mê người nào rồi, hay tạm thời con còn chưa quan tâm đến khía cạnh ấy của cuộc sống?
Dạo đó tôi luôn luôn yêu hết người này đến người khác, mỗi lần cứ tưởng rằng đây đúng là tình yêu thật của mình, nhưng rồi lần nào tôi cũng nhanh chóng thất vọng.
- Thế mà ba chỉ yêu có một lần và yêu đến trọn đời. - Cha tôi nói.
- Hồi nào vậy? - Tôi hỏi.
- Mười tám năm về trước.
- Yêu người nào thế?
- Khó đoán lắm sao? Lẽ tất nhiên là mẹ con đó.
Tôi ngạc nhiên:
- Chẳng lẽ mẹ con là tình yêu đầu tiên của ba sao?
- Thì cũng có thể không phải là đầu tiên nhất, - cha tôi đáp, vừa mỉm cười bằng khóe miệng, - cũng có chuyện này chuyện nọ, nhưng chắc chắn đó là tình yêu mãnh liệt nhất.
Tôi biết rằng cha tôi nói thật. Phải, quả thực đúng là như thế đó.
- Mà này, - cha tôi nói, - nét chữ của mẹ con vẫn cứ giống như chữ trẻ em. Cả giọng nói cũng vậy.
Cha tôi mỉm cười nhắc lại một lần nữa:
- Cũng vẫn giọng nói như trước kia…
Cha tôi mất sau đó bốn năm, khi tôi đang học năm thứ ba ở trường đại học.
Tôi nhớ đó là một ngày tháng Chín nóng nực. Từ trường về nhà sớm hơn thường lệ, tôi lấy chìa khóa trong túi ra định tra vào ổ, đột nhiên cánh cửa mở ra và tôi nhìn thấy mẹ tôi trên ngưỡng cửa.
Tôi vui vẻ hỏi:
- Làm sao mà mẹ linh cảm thấy được con trai mẹ đang về vào cuối giờ làm việc, lại đang đói cồn cào thế này?
Bà đứng lặng thinh, ngó đi đâu đó phía trên đầu tôi.
- Mẹ làm sao vậy? - Tôi vẫn vui vẻ hỏi. - Sao mẹ cứ nhìn con như nhìn người mới quen thế hả mẹ?
Mẹ tôi hé môi nói, tựa như phải gắng sức lắm:
- Cha con mất rồi.
- Ai kia? - Tôi hỏi lại. - Cha con ấy à?
Bà quay vào trong nhà và tôi vội bước theo.
Cha tôi đang đi công tác ở Bulgaria. Ông đến đó để trao đổi kinh nghiệm của mình với những người xây dựng các khu nhà mới ở Sofia. Ông đã công tác ở đó được mười ngày, đôi khi gọi điện thoại cho chúng tôi. Giọng nói oang oang của ông không chứa nổi trong cái ống nghe chật hẹp và nó như muốn bung ra ngoài - tựa như một con chim bị lọt vào phòng vậy.
Mọi người ở nhà thế nào? Kể cho tôi nghe đi...”
Mẹ tôi ngồi vào bàn, tôi ngồi bên cạnh ôm lấy vai bà. Tôi vẫn không sao nhận thức được hết ý nghĩa của những lời mẹ tôi nói: “Cha con đã mất rồi...”
Vậy là cha tôi đã không còn nữa rồi sao? Và sẽ không bao giờ có nữa? Nhưng chuyện ấy không thể nào có được! Không lẽ tôi sẽ không bao giờ, không khi nào nữa còn được nhìn thấy cha tôi, nghe thấy tiếng nói vang to của ông, và chiều chiều ông sẽ không còn ghé vào phòng tôi, sẽ không còn đi câu cá dưới băng với tôi, ngủ đêm trong lán mùa hè và kể lại những chuyện khác nhau về cuộc đời “lang thang” của ông - như ông thường ưa gọi như vậy?
Và ông sẽ không còn đeo đủ hết các huân chương vào mỗi ngày lễ chiến thắng 9-5 rồi đi đến Nhà hát Lớn, như ông vẫn đi như thế từ năm này qua năm khác.
Và sẽ không còn lúc ông về đến nhà liền thốt lên:
- Thế là bọn chúng tôi còn lại mỗi ngày mỗi ít đi…
Và ông sẽ không còn dặn dò tôi như vẫn thường dặn mỗi khi ông đi đâu xa:
- Con nhớ chăm sóc mẹ. Chúng ta chỉ có mỗi mình mẹ con thôi.
Tôi không hề nhớ có khi nào cha tôi cãi lộn với mẹ tôi. Không ít lần bà đay nghiến ông vì chuyện gì đó mà bà không vừa ý. Đay nghiến tới nơi tới chốn, đầy đủ bài bản, dai dẳng, dẫn ra rất nhiều thí dụ văn chương, trích dẫn lời nói của đủ các nhà văn vĩ đại, thế mà cha tôi cứ im lặng, rồi dần dần mẹ tôi cũng nguôi đi.
Nhưng có một lần mẹ tôi hành hạ cha tôi đến mức ông nổi nóng thật sự. Ông chụp lấy tay bà và nhấc bà đặt lên nóc tủ.
Trong giây lát mẹ tôi không nói nên lời, còn ông thì nói:
- Như thế nhé!
Rồi ông bước ra ngoài, sập cửa lại thật mạnh.
Thật ra thì chừng năm phút sau ông đã quay trở lại. Mẹ tôi vẫn ngồi trên tủ, khóc thút thít. Thế là ông nhấc mẹ tôi xuống, bắt đầu dỗ dành như dỗ một đứa trẻ...
Đó cũng là lần duy nhất. Cha tôi bao giờ cũng kiềm chế mình, bình thản. Mẹ tôi rầy la, ông vẫn im lặng, chỉ thỉnh thoảng nhếch mép cười một mình. Và sau đó thì mẹ tôi nói với tôi:
- Đấy, đàn ông chân chính cần phải như thế đấy con ạ, điềm tĩnh và mạnh mẽ. Và còn điều này nữa: biết bao dung với những nhược điểm của phụ nữ…
... Tôi ôm lấy mẹ tôi và ngồi không nhúc nhích.
Tôi không biết tìm những lời nào nói với mẹ tôi. Cả hai chúng tôi cùng im lặng, rồi mẹ tôi nói:
- Ngày mai quan tài sẽ được đưa từ Sofia tới. Bằng máy bay.
- Vào lúc mấy giờ ạ?
- Vào ba giờ trưa. Ở Cục sẽ có người ra đón.
- Con cũng sẽ ra đó, - tôi nói.
- Cha con chết sáng nay, lúc gần bảy giờ, - mẹ tôi nói. - Cha con đang ngồi cạo râu, đặt điện thoại nói chuyện với Moskva và đột nhiên gục xuống. Khi người phục vụ khách sạn mang bữa ăn sáng vào phòng ông hãy còn thở…
Mẹ tôi im lặng, rồi hỏi tôi với niềm hy vọng:
- Chắc cha con chết nhẹ nhàng, không đau đớn đâu nhỉ, con nghĩ thế nào?
Tôi lặng thinh. Tôi còn biết nói sao với mẹ tôi? Giờ đây tôi không còn là cậu sinh viên năm thứ ba, không còn là anh chàng cao kều nhất trong lứa cùng năm học, mà là một anh chàng bé nhỏ, gầy gò; cha tôi gọi tôi là “con giun nhỏ”, với những vết sứt sẹo ở tay và mái tóc cháy xém, giống như thuở nào, khi cha tôi còn khỏe mạnh và tôi vẫn thấy ông hàng ngày...
Chao ôi! Dạo ấy tôi đã hạnh phúc biết chừng nào! Hạnh phúc vô cùng, tột đỉnh, mặc dù - lẽ tự nhiên vẫn thường như vậy - tôi không ý thức được hạnh phúc của mình…
Không bao giờ tôi sẽ quên được những giây phút chờ đợi nặng nề ở sân bay Sheremetyevo.
Máy bay từ Uganda, từ London, New York, Paris đến hạ cánh. Nhưng từ Sofia thì không thấy có.
Tại ô cửa sổ chỉ dẫn người ta nói với chúng tôi rằng máy bay tới trễ.
Một người nào đó, hình như là người phó của cha tôi, một gã mập mạp với cặp mắt lồi, tựa như lúc nào cũng ngơ ngác, mặc áo vest phanh ngực và áo sơ mi không gài nút cổ - lúc nào gã cũng thấy nóng nực - chán ngán than thở:
- Thế mới khổ! Mà cũng chẳng ai biết là còn phải đợi bao lâu nữa…
Borya Boriskov, Bí thư đoàn thanh niên của Cục, một anh chàng vui vẻ, tốt bụng, liếc mắt trao đổi với kỹ sư trưởng, Ivan Fomich:
- Có sao nào, chúng ta sẽ đợi…
Cha tôi cho rằng tôi đã thừa kế được khả năng chủ yếu của ông - sự mẫn cảm đối với người cùng trò chuyện. Cha tôi hầu như không bao giờ nhầm lẫn, biết người bên cạnh đang nghĩ về chuyện gì, cảm thấy thế nào.
Nhiều khi tôi cũng chợt thấy bằng một tri giác đặc biệt nào đó, hiểu được người đang trò chuyện với mình muốn gì, muốn để tôi im lặng hay ngược lại, để tôi nói nữa, hoặc là muốn để tôi đừng vô tình nói ra điều gì đó, để tôi bỏ đi hay ở lại. Nhờ vậy mà có lẽ tôi ít khi bị nhầm lẫn trong việc kết bạn và số bạn bè ít ỏi của tôi không bao giờ phản lại tôi…
Tôi ngó nhìn người phó của cha tôi, nhìn Borya, nhìn Ivan Fomich và chẳng cần lời nào cũng lập tức hiểu ngay mọi chuyện: tất cả bọn họ đều muốn tranh thủ đi ăn. Ngay khi ấy tôi thoáng nhớ là từ sáng tôi mới chỉ uống một ly nước trà mà thôi. Thậm chí chưa ăn một miếng bánh mì nào.
Borya ngước mặt lên trời. Từ trên trời nhỏ xuống một giọt nước nặng hạt. Rồi thêm nhiều giọt nữa…
Bắt đầu một trận mưa buồn tẻ, theo kiểu mưa mùa thu, dầm dề không dứt, mặc dù mới vào giữa tháng Chín.
- Người nào ra đi thì tốt lắm đây. - Ivan Fomich nói. - Đi gặp mưa là điềm tốt!
Nói xong rồi ông mới phát hoảng. Tự ông cũng hiểu những lời nói về điềm tốt của ông vào lúc này thật là lố.
Suýt nữa thì tôi đã hỏi:
- Thế đối với những người đón đợi máy bay như chúng ta chẳng hạn thì đó là điềm gì vậy?
Nhưng tôi đã không hỏi. Cũng chẳng để làm gì. Thay vào đó tôi nói:
- Chúng ta đi ăn chút gì đi…
Và cả ba người đều mừng rỡ, nhìn tôi với vẻ biết ơn, mặc dù gã phó của cha tôi - một kẻ giả dối nhất hạng - làm bộ như không bằng lòng, nói:
- Chẳng biết có nên không?
- Nên đấy. - Borya đáp.
Tôi với Borya đi trước, còn gã phó với Ivan Fomich đi sau. Borya nói:
- Tôi không sao chịu nổi cái con chuột ấy!
Tôi lặng thinh, nhưng trong lòng thầm nghĩ rằng tôi cũng không chịu nổi gã phó này, rằng nếu như “con chuột ấy” nằm thế vào chỗ cha tôi thì tốt hơn biết chừng nào…
Không có mấy khách trong tiệm ăn của sân bay, một tiệm ăn lớn trang hoàng đẹp đẽ, đầy không khí chờ đợi một cái gì đó phi thường và trang trọng.
Thỉnh thoảng lại vang lên giọng nói phụ nữ đều đều, tựa như có tráng một lớp kim loại óng ánh:
- Chuyến bay từ Vienna đã hạ cánh…
- Đang kết thúc việc cho hành khách lên máy bay chuyến Moskva - Brussels.
Người ta mang đến cho chúng tôi món nấm trộn dấm, thịt giăm bông với đậu ve xanh, salad trộn kiểu thủ đô và một bình rượu trắng.
Gã phó với vẻ buồn rầu rót rượu vào ly cho mọi người, thở dài:
- Nào ta bắt đầu chăng…
Ivan Fomich e dè nhấc ly của mình nhấp một hớp. Tôi cảm thấy ông ta hơi ngượng với tôi vì ông ta thích ngồi trong gian phòng đẹp đẽ, lịch sự này, uống rượu trắng để lạnh, nhắm món thịt giăm bông nạc cho vừa muối…
Bởi vậy, tựa hồ như miễn cưỡng, ông ta bẻ một miếng bánh mì. Và để cho ông ta được tự nhiên hơn, để cho ông ta khỏi ngần ngại khi nếm hưởng những thú vui trần thế, tôi uống một hơi cạn ly của mình. Sau đó lấy salad đặt vào đĩa.
Borya hỏi:
- Sao anh lấy ít thế? Salad rất ngon.
- Thế đủ rồi. - Tôi đáp.
Mưa lúc thì tạnh, lúc thì như trút nước.
Tôi gọi người phục vụ, trả tiền cho tôi và Borya. Borya đồng ý, còn gã phó và Ivan Fomich không cho phép trả tiền cho họ. Sau đó Borya đi gọi điện thoại, còn tôi thì quay trở lại sân bay, biết chắc chắn rằng cả gã phó lẫn Ivan Fomich đều hài lòng vì tôi đi khỏi, bởi vì bây giờ họ cảm thấy được thoải mái, ấm cúng và chắc là sẽ gọi thêm một bình gì đó uống với đồ nhắm.
Đã hơn năm giờ một chút. Mưa đã ngớt, nhưng trên bầu trời đầy mây vần vũ vẫn lóe lên những tia chớp báo hiệu một cơn giông. Tôi nghĩ thầm: nếu có giông thì Moskva sẽ từ chối tiếp nhận máy bay.
Tuy nhiên cũng có thể chớp lóe hồi lâu rồi sẽ hết, và cơn giông cùng với mưa sẽ trút xuống một nơi nào khác, ở cách xa thủ đô.
Chuyện như thế cũng thường xảy ra.
Tôi đi đi lại lại bên sân bay rất rộng màu đen, trên đó những máy bay vận tải khổng lồ đang nghỉ ngơi, đậu xuống hay đang chuẩn bị cất cánh. Vừa đi tôi vừa nghĩ về cha tôi.
Cách đây không lâu, mới ngày hôm qua thôi, vào giờ này, cuộc đời tôi còn đầy tươi đẹp. Tôi có người cha mà tôi yêu quý. Trên đời này, ông là con người tốt nhất đối với tôi.
Và cái chính là chúng tôi rất hiểu nhau. Chúng tôi tựa như hai người bạn, một người lớn tuổi hơn, một người trẻ hơn. Ông cũng ưa thích những gì mà tôi ưa thích, và tôi cũng không chịu nổi những gì mà ông không chịu đựng được.
Thẩm mỹ, quan điểm giống nhau, khát vọng trùng hợp…
Còn ước mong gì hơn nữa?
Tôi đã không ý thức được hạnh phúc của mình. Lẽ nào con người có thể coi việc có khả năng thở đầy lồng ngực mà không bị tắc nghẽn, không bị khò khè là hạnh phúc được chăng?
Có lần tôi đã nói:
- Giả sử như ba con mình mà là vợ chồng thì chắc hẳn đó là một cuộc hôn nhân lý tưởng.
- Sao lại nói thế, - ông đáp, - người ta vẫn bảo tính tình trái ngược thì thường hợp nhau hơn…
Tôi tự nhiên phì cười, cả cha tôi cũng mỉm cười. Cả hai chúng tôi đều cùng nghĩ về một chuyện: tính tình của ông và của mẹ tôi khác hẳn nhau, thế nhưng vẫn không thành được cuộc hôn nhân lý tưởng.
Mặc dù cả hai người đều gắn bó với nhau bằng cách riêng của mình, hoặc ít nhất thì họ cũng cho rằng như thế, nhưng để được như vậy cũng tốn bao nỗ lực!
Tôi vẫn nhớ những câu chuyện kể về cuộc chiến tranh đã qua của cha tôi. Ông đã đi đến tận Berlin, ký tên mình vào cột nhà Quốc hội Đức. Cha tôi nói rằng ở đó có viết rất nhiều câu: “Chúng tôi từ Ryazan đến”, “Cuối cùng thì chúng ta cũng đi đến nơi!”, “Thế là chúng ta đã chiến thắng” và bao nhiêu là chữ ký…
- Ba ký vào cái cột ngoài cùng, ở phía dưới. - Cha tôi nói.
- Thế nhà Quốc hội đó ở bên Đông Đức hay Tây Đức? - Tôi hỏi.
- Ở bên Tây Đức. - Ông đáp. - Ba rất muốn có dịp nào cùng con tới đó, con có thể tận mắt nhìn thấy họ của mình trên cái cột Đức.
Có một lần, hồi đại học năm thứ nhất, tôi bị bệnh, hình như là viêm phổi, bị ho, nhiệt độ cao. Tôi thường hay mê man, mỗi lần tỉnh lại là tôi thấy mẹ tôi ngồi bên giường nhìn tôi buồn bã. Cửa mở, cha tôi bước vào, miệng cười, nhưng cặp mắt đầy lo âu…
- Không sao hết, - ông nói. - Rồi sẽ khỏi thôi…
Cúi xuống bên tôi, ông liệng một trái cam lên tấm mền.
- Khẽ chứ nào… - mẹ tôi nói.
- Việc gì mà phải khẽ. - Cha tôi đáp.
Còn tôi thì mỉm cười. Tôi cảm thấy sung sướng, ấm cúng đến mức tôi nhắm mắt lại và cơn sốt như bị đẩy lùi đi. Cả gian phòng như tỏa đầy hương thơm tươi mát của trái cam. Tôi thèm được ăn một miếng cam nhỏ và tôi thì thào rất khẽ, nhưng cha mẹ tôi đều nghe thấy.
- Con muốn ăn cam…
Rồi mẹ cắt cho tôi một miếng cam và tôi mỉm cười, sung sướng vì cha mẹ thương yêu tôi, tôi biết, thương yêu và lo lắng cho tôi, tôi là cái quý báu nhất của họ.
Từ khi ấy, hương thơm của trái cam đã trở thành hương thơm của tuổi thơ tôi, của sự vô tư lự, của sự ấm cúng, của ý thức nhẹ nhàng và thanh thản về sự tối cần thiết của tôi đối với hai người đang sống kề cận - cha tôi và mẹ tôi…
Ngay từ xa tôi đã nhìn thấy Ivan Fomich và gã phó của cha tôi đang từ tiệm ăn lại phía sân bay.
Họ đi thong thả, không nhìn thấy tôi, và sôi nổi nói với nhau về điều gì đó mà tôi nghe không rõ, vừa cười và hình như họ vừa ngắt lời nhau.
Khi họ gần hơn, tôi thấy gã phó đang kể gì đó, hẳn là rất tức cười, bởi vì tự gã cười trước tiên về những lời gã nói, còn Ivan Fomich mỉm cười vẻ hạ cố, vừa đi vừa nhai bánh rán.
Ngay lúc ấy họ nhìn thấy tôi. Ivan Fomich lập tức làm cho cặp mắt có vẻ buồn rầu. Gã phó dừng lại và im bặt, tựa như bên trong gã vừa bấm một nút tắt nào đó.
Tôi bước lại gần họ.
- Vẫn chưa có máy bay à? - Không hiểu sao Ivan Fomich lại hỏi tôi bằng giọng thì thào, cố nuốt vội cái bánh.
- Chưa có. - Tôi đáp. - Tôi sẽ lại chỗ chỉ dẫn hỏi thêm một lần nữa.
- Borya Boriskov đã đi lại đó rồi. - Gã phó nói.
Ivan Fomich cuối cùng cũng nuốt xong miếng bánh. Ông ta cúi đầu, thở dài, móc túi lấy khăn ăn và với vẻ u buồn dùng nó lau cặp má hồng tươi của mình.
Borya Boriskov chạy lại rất nhanh và vội vã nói:
- Còn hai mươi phút nữa…
- Ta đi thôi. - Gã phó ra lệnh và rảo bước lên trước.
Chẳng bao lâu chúng tôi đã nghe thấy:
- Chuyến bay từ Sofia đang tới…
Sau đó trên sân bay hiện ra cái bóng khổng lồ xòe ra hai bên đôi cánh rất lớn và chiếc máy bay dần hạ xuống thấp...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét