Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Chuyện Tình Tự Kể - Phần 3

Chuyện Tình Tự Kể

Tác giả: Lyudmila Uvarova
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
NXB Long An - 1986
---------------------------

Taya

Khi tròn mười sáu tuổi, tôi đã yêu lần đầu tiên trong đời.
Anh ấy lớn hơn tôi khá nhiều. Ít nhất cũng khoảng mười lăm tuổi.
Chúng tôi ở cách nhau cũng không xa. Nhà tôi ở đại lộ Sretensky, anh ấy ở phố Golovin Nhỏ. Ngôi nhà tôi ở rất to đẹp, hồi xưa thuộc Hội bảo hiểm “Nước Nga”. Các căn hộ trong ngôi nhà rất rộng, có nhiều phòng, trần nhà cao, bếp lớn, hành lang có thể đi xe đạp được, mà quả thực bọn trẻ chúng tôi cũng đã làm như vậy.
Anh ấy sống trong một ngôi nhà nhỏ, trông có vẻ hoàn toàn kiểu tỉnh lẻ, có sân bao quanh; chiều chiều những cửa sổ nhỏ trong ngôi nhà tỏa ánh sáng ấm cúng nom thật cổ xưa!
Mùa xuân, trên sân ngôi nhà phủ đầy cỏ xanh tươi trông thật sạch sẽ. Lá non của những cây mọc trong sân - những cây bạch dương rì rào thật giống như ở làng quê!
Không một ai, mà trước hết là người tôi yêu, lại ngờ được rằng vào những buổi tối, tôi đã đứng rất lâu bên ô cửa sổ nhà anh ấy - những cửa sổ có treo rèm sọc màu xanh nhạt và trong suốt.
Cứ hết buổi tối này qua buổi tối khác tôi quan sát cuộc sống của anh ấy. Nó như bị tách khỏi cái sân lạnh lẽo tối tăm phía ngoài cửa sổ, tách khỏi phố Sretensky ồn ào ở đâu đó gần bên, tách khỏi những khách bộ hành đang rảo bước trên đường phố Golovin Nhỏ…
Anh ấy là thầy giáo, dạy vẽ ở trường phổ thông tôi học, sống với một cô em gái lùn và gù lưng. Mỗi tối tôi thấy cô ta ngồi bên cái giường cũ phủ một tấm vải đã bạc màu, còn anh ngồi quay ghế lại phía cô ta, cầm lấy những tờ giấy gì đó từ trên bàn viết và đọc to lên.
Cô ta lắng nghe anh đọc, tay mân mê mớ tóc vàng phủ dài xuống trán.
Cô ta xấu một cách bi thảm, gù lưng, bé nhỏ, gầy gò, mặt tái nhợt, mũi quá lõ, chỉ có mái tóc là đẹp, dày dặn và dài, màu vàng sẫm tuyệt đẹp. Nhưng thực lòng, trong giây phút đó, tôi chỉ muốn được ở vào địa vị của cô ta, dù cho có vì thế mà phải mọc bướu trên lưng như cô ta thì tôi cũng cam lòng!
Không biết anh đọc cái gì cho cô ta? Thơ hay văn xuôi? Hay đó là một vở kịch? Hay hồi ký?
Tôi nhìn thấy cái cổ ngăm đen của anh, đường nét trông nghiêng rõ ràng của anh - mũi thẳng, cằm nhọn, môi trên có một chỗ lõm chút xíu. Thỉnh thoảng anh lại vung tay - anh có những ngón tay dài và đẹp như của người nhạc sĩ bẩm sinh, mặc dù hình như anh không chơi một nhạc cụ nào.
Căn phòng không lớn, khá ấm cúng, được chiếu đủ sáng bởi một cái đèn bàn có chụp màu xanh lá cây đặt trên bàn viết.
Căn phòng đập vào mắt bởi sự xếp đặt những đồ vật tưởng như không thể hòa hợp được với nhau nhất, thí dụ như cái bàn viết trên mặt có xếp sách vở và cái thảm treo tường kết bằng những mảnh vải khác nhau, những tấm thảm như thế thường gặp trong những ngôi nhà tranh của nông dân; trên sàn nhà là tấm thảm chùi chân kiểu hoàn toàn thôn quê, trong khi ở góc nhà là một cái tủ sách cổ kính ở cánh cửa có rèm màu đỏ thẫm.
Và còn lại cái tủ đặt ngay đầu giường, trên mặt có ấm nước samovar bằng đồng. Cái ấm samovar như thế thường thấy ở các nhà thôn quê chứ không thể có ở nhà riêng của một giáo viên phổ thông ở Moskva được.
Tôi thường đứng rất lâu. Nếu là mùa đông thì có khi tôi về nhà bị cóng lạnh hết cả.
Nhưng cuộc sống ở phía bên kia cửa sổ, sau bức rèm màu xanh nhạt, vẫn tiếp diễn theo trình tự của nó. Hai anh em uống trà, sau đó cô em dọn bàn, và người anh lại ngồi vào bàn viết, viết gì đó vào những tờ giấy ngay ngắn. Cô em ngồi khâu trên giường, xỏ chỉ vào kim, cắn đầu sợi chỉ, dùng cái đê đè đường chỉ khâu, rồi lại khâu tiếp. Khâu cái gì thì tôi nhìn không rõ, nhưng tôi đoán cô em hoặc đang sửa áo sơ mi, hoặc mạng đồ lót cho anh…
Tôi cứ đứng hoài, nhìn vào cửa sổ, nếu như có ai đó đi ngang qua, tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, tựa như đang đứng đợi bạn gái chẳng hạn thì có sao đâu?
Nhưng sân nhà rất vắng vẻ, hầu như chẳng có ai đi qua, hơn nữa trong bóng tối khó mà nhận ra tôi.
Ở trường, tôi điềm đạm ngồi sau bàn học, lắng nghe anh, nhìn anh ghi điểm vào sổ của lớp.
“Liệu anh có thể hình dung nổi - tôi nghĩ thầm - rằng ngày hôm qua, suốt buổi tối tôi đã đứng bên cửa sổ nhà anh nhìn thấy cô em gái anh vặn máy hát. Máy hát vang lên một điệu nhạc vui vẻ nào đó, thậm chí qua cửa sổ đóng kín cũng lọt ra những âm thanh nhảy múa. Rồi anh nắm lấy tay cô em, ôm cô, bắt đầu quay tròn trong phòng và cười vui. Cả cô em cũng cười, còn tôi thì thấy thương cô em kinh khủng: bị gù, thấp chưa đến cằm anh; và thấy thương cả anh nữa. Nhưng dù sao thì tôi cũng càng yêu anh mãnh liệt hơn, vì anh thật đôn hậu, vì anh thương em gái anh và còn vì anh hoàn toàn thờ ơ với tôi cũng như với các cô gái khác trong lớp - mà tôi thì tôi biết, theo sự thừa nhận chung, rằng tôi rất xinh, xinh nhất trong đám”.
Đến năm lớp mười, tình yêu của tôi kết thúc. Tại sao? Tôi không biết. Đơn giản là tôi trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Người đầu tiên tôi nhìn thấy là anh. Anh đứng cạnh cầu thang, rám nắng, mặc áo sơ mi trắng. Anh mỉm cười với tôi, nhưng tim tôi không hề thấy thắt lại. Không một chút nào hết. Đột nhiên tôi bỗng kinh ngạc khi thấy mình hoàn toàn dửng dưng đối với anh. Rằng tất cả đã hết. Sao lại thế? Tại sao? Giá mà tôi hiểu được.
Sau này tôi nghe nói anh đã lấy vợ, rằng vợ anh là cô nuôi dạy trẻ trong nhà trẻ đã không hòa thuận được với cô em gù, và cô em tội nghiệp buộc phải đi nuôi trẻ cho nhà ai đó.
Tôi rất thương cô ta. Cuộc sống êm đềm cùng người anh của cô ta mà tôi đã lén quan sát từ thuở nào kết thúc thật đáng buồn…
Thuở nào ư? Tôi có cảm giác chuyện ấy đã lâu lắm rồi, gần cả trăm năm về trước. Và tôi thường thật sự kinh ngạc tự hỏi mình: “Lẽ nào lại chính là tôi, tự nguyện đứng hàng giờ bên cạnh cửa sổ nhà anh? Rồi kiên nhẫn đứng ngắm anh. Rồi cho rằng mình yêu anh và sẽ không bao giờ yêu một ai khác ngoài anh?…”
Sau đó tôi mê diễn viên điện ảnh Albert Stakh-Zaborsky.
Ông ấy nổi danh như sấm vào thời mẹ tôi còn trẻ, cả lúc thơ ấu của tôi ông vẫn còn nổi tiếng, nhưng giờ đây tiếng tăm của ông dần dần lụi tàn. Ông già đi rất nhanh và những tài năng trẻ lấn át ông, như đợt sóng tràn vào điện ảnh.
Ông đã có vợ, nhưng như người ta thường nói, quan hệ giữa ông ấy và vợ rất phức tạp, mỗi người sống cuộc sống riêng, không ai thắc mắc ai.
- Chúng tôi là bè bạn, - ông giải thích với tôi. - Bạn bè thực sự và thủy chung nhất!
Một hôm ông mời tôi đi coi một bộ phim cũ trong đó ông đóng một vai phụ. Thuở ấy chính nhờ bộ phim này mà đạo diễn điện ảnh danh tiếng Muravsky đã để ý đến ông, khuyên người bạn mình là nhà đạo diễn điện ảnh Kholmogorov “thử” cậu bé, và người ta đã giao cho Stakh-Zaborsky đóng vai chính trong bộ phim kế tiếp của Kholmogorov.
Tôi thấy trên màn ảnh một cậu thiếu niên gầy gò, vai so. Cặp mắt màu nhạt của cậu tựa hồ như chỉ hướng vào tôi. Cậu chạy băng băng trên đồng cỏ, vừa bắn súng, vừa nhảy lên toa tàu hỏa đang chạy ngang qua, mái tóc vàng của cậu tung bay trước gió.
Giống như một tên cướp biển trẻ, cậu làm điệu công khai. Cậu làm duyên làm dáng bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng hàm răng trắng, bằng cả thân hình mảnh mai khỏe mạnh của mình.
Tôi liếc nhìn người ngồi cạnh mình. Và tôi bỗng thấy những giọt lệ chảy trên má ông. Tôi vội đưa mắt nhìn đi chỗ khác giả bộ như không thấy gì hết.
“Hẳn là bây giờ ông ấy khổ sở lắm khi thấy mình thuở trước”. - tôi thầm nghĩ.
Chúng tôi bước ra khỏi rạp chiếu phim. Ông hỏi:
- Em có thích bộ phim không?
- Không thích lắm, - tôi đáp.
- Thế có thích tôi không?
- Thích ạ.
Chúng tôi lặng thinh bước tiếp vài bước. Ông nói:
- Em hình dung mà xem, đó là tôi tự nhảy đấy, bằng chính chân của mình!
- Thế mà em tưởng rằng có người đóng lồng vai. - Tôi nói.
- Đâu có! Hồi đó thì tôi đã giận rồi, nếu có ai đó lại nghĩ rằng tôi gặp khó khăn trong việc nhảy…
- Vậy mà anh không hề sợ hãi ư? - Tôi hỏi.
- Một chút xíu thôi, nếu nói thành thật. - Ông đáp.
Tôi biết ông thích tôi. Có lần ông nói với tôi:
- Với em thì anh thấy trẻ ra, anh lại là cậu thiếu niên…
Thật là tức cười khi nghe những lời nói ấy từ miệng một người không còn trẻ, thân hình đã nặng nề, một người thích hợp với cái câu mòn sáo: trên khuôn mặt của ông ấy vẫn còn giữ được dấu vết của sắc đẹp thuở xưa.
Quả thực là những dấu vết ấy vẫn còn lưu lại. Ông có cái mũi thuần chủng, cặp môi đẹp, mái tóc đến giờ vẫn còn rậm. Nhưng mà không! Lẽ ra ông không nên dẫn tôi đi xem bộ phim cũ. Sự khác biệt giữa cậu bé mắt to, thân hình mảnh dẻ với người đàn ông đẹp đẽ nay đã luống tuổi thật quá lớn.
Tôi cảm thấy rõ ràng là sự si mê lần này của tôi tắt đột ngột. Đồng thời tôi thấy thương hại Stakh-Zaborsky, mặc dù tôi tránh gặp ông, nhưng hầu như chiều tối nào ông cũng đến nhà tôi. Lần nào ông cũng tìm được những lí do nghe có vẻ rất chu đáo: lúc thì chợt đi ngang qua và ngó thấy ngọn lửa nhỏ, lúc thì mang đến cho mẹ tôi cuốn sách đã hứa, lúc thì lấy được vé xem hát cho cha mẹ tôi, lúc thì vé cho tôi đi nghe hòa nhạc ở nhạc viện...
Tôi vừa bước vào phòng là ông liền phấn chấn hẳn lên. Ông nói bông đùa và cười trước nhất về những câu đùa của mình, đồng thời không ngừng đưa mắt theo dõi tôi, cặp mắt trung thành như một con chó không rời khỏi tôi, còn tôi thì thấy tức cười, rồi bắt đầu thương hại ông. Ngay sau đó, tôi lại tự giận mình vì đã thương hại ông, rồi tôi bực tức ông: vì cớ gì mà tối nào ông cũng đến nhà tôi? Tôi cố châm chọc ông, thật đau. Bằng lời nói cay độc, tôi hầu như thẳng thừng chế nhạo tuổi tác đã xế bóng của ông như cách tôi diễn tả; thân hình nặng nề, sự cố công làm cho mình trẻ lại. Ông còn chịu đựng tất cả và nhìn tôi bằng con mắt trung thành như chó.
Sau đó tôi thi đậu vào trường đại học tổng hợp. Ngay năm đầu tôi đã đi nông trường thu hoạch khoai tây. Khi trở về thì tôi được biết là Stakh-Zaborsky đã chết. Cái chết của ông thật nhẹ nhàng: sáng ra ông không còn thức giấc nữa.
Mẹ tôi rất thương hại ông. Thậm chí bà còn khóc mỗi khi nhớ lại rằng ông đã có thời đẹp trai, hào hoa phong nhã thế nào...
- Tuổi trẻ của tôi cũng chết theo ông ấy. - Mẹ tôi nói.
Mẹ tôi thật tội nghiệp! Dù có yêu thương bà đến mấy thì tôi cũng không thể không thú nhận rằng tuổi trẻ của bà đã kết thúc từ sớm hơn rất nhiều, bởi mẹ tôi đã bốn mươi lăm. Mà theo tôi thì ở tuổi đó, bà tuy chưa hẳn đã già thực sự nhưng ít nhất cũng khá đứng tuổi.
Ông ấy đã biến khỏi cuộc sống của tôi như vậy. Có lẽ ông ấy là người duy nhất yêu tôi vào dạo đó, và thật lạ lùng, lúc ấy tôi đột nhiên cảm thấy rằng mình thiếu thốn ông ấy.
Khi có ai đó bấm chuông ngoài cửa nhà tôi, tôi chạy ra mở cửa, và luôn có cảm giác là ông ấy đang đứng bên ngưỡng cửa, cao lớn, tóc bạc, dáng nặng nề, nhìn tôi bằng cặp mắt thuở nào còn tuyệt đẹp và nói một câu gì đó đại loại như: “Tôi tiện thể đi ngang qua nên ghé vào chơi...”
Cũng có thể chính con người ấy, người mà tôi đã nhạo báng gần như thẳng thừng, đã dạy cho tôi biết phân biệt tình cảm chân thực với tình yêu chốc lát, trò tán tỉnh hoa lá, niềm say mê vừa bùng lên đó rồi lại tắt đi ngay...
Tôi tốt nghiệp đại học, bắt đầu dạy tiếng Đức ở trường dành cho thanh niên công nhân.
Dạo đó cha mẹ tôi được phân một căn hộ mới ở đường bờ sông Kotelnich, cách tòa nhà chọc trời không xa.
Chúng tôi dọn nhà khỏi khu chung cư trên đại lộ Sretensky, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, để dọn về một căn hộ riêng biệt. Lần đầu tiên trong đời tôi có được một phòng riêng của mình.
Đó thật là một chuyện không quen đối với tôi - bất cứ lúc nào, vào bất cứ giờ nào tôi cũng có thể đóng cửa, khóa trái lại, ở trong phòng một mình và làm bất cứ việc gì mà tôi thích: đọc sách hoặc ngủ, hoặc nghe nhạc, hoặc nghĩ ngợi một chuyện gì đó… Và không một ai, không một người nào có thể quấy rầy tôi.
Thường những lúc đó tôi nghĩ về Valentin Zdrokov. Anh ấy học ở lớp mười một, trẻ hơn tôi hai tuổi, làm phó quản trị một câu lạc bộ sáng tác.
Công việc của anh, như người ta thường nói, cũng sạch sẽ. Cần phải biết cách nói chuyện với vô số khách tới thăm, cấp giấy vào cửa, chỉ huy một cách lịch sự ba nhân viên kiểm soát và bốn người trực nhật.
Anh hoàn tất công việc của mình rất tốt - rất khéo léo, lịch sự, tỏ ra rất có giáo dục, mặc dù mẹ anh ít chú ý tới anh. Bà là một nhà nghiên cứu vi sinh vật, suốt từ sáng tới chiều làm việc ở viện nghiên cứu - nơi bà phụ trách một phòng thí nghiệm. Bà thường hay đi công tác, kiếm được khá nhiều tiền, nhưng bà là người bừa bãi, không biết gì về nội trợ, chẳng khi nào biết mình có bao nhiêu tiền, liệu có đủ sống cho tới kỳ lương tới hay không.
Bù lại, Valentin biết rõ họ có bao nhiêu tiền và có đủ sống hay không.
Anh biết điều hành những vấn đề tài chính một cách khéo léo, bởi qua một vài chi tiết, tôi hiểu rằng anh khá keo kiệt nhưng lại ra sức che giấu tính keo kiệt của mình và rất thích đóng vai chàng trai khờ khạo, tiêu xài rộng rãi, không tiếc cái gì hết.
“Cứ việc ăn xài đi, Vasya ạ, tiền bạc hồi này rẻ rề”. - đó là câu nói cửa miệng ưa thích của anh. Nhưng thực ra thì tiền bạc của anh không hề rẻ rề chút nào. Anh biết giá trị của nó và biết tính từng đồng rúp một.
Tất cả những cái đó mãi về sau này tôi mới hiểu, còn dạo ấy thì tôi rất ưa anh: đẹp trai, thông minh và dường như không độc ác.
Thực ra thì anh có vẻ hơi u sầu, đa cảm - tôi kết luận như thế vì anh thường hay khóc mỗi khi coi những phim Ấn Độ mùi mẫn hay một vở kịch cảm động trên ti-vi.
Anh kể với tôi rằng cha anh ly dị mẹ khi anh mới được năm tuổi. Anh vừa kể vừa khóc, nói rằng đến tận bây giờ anh vẫn thấy thiếu một người cha. Anh khóc vì thương bản thân mình.
Mẹ anh cho rằng trước hết anh là một diễn viên bẩm sinh. Theo bà thì thiên tư diễn xuất của anh thật xuất chúng. Anh biết nhập vào cái vai mà anh thấy thú vị với mình hơn cả. Lúc thì anh giả vờ làm một chàng trai ruột để ngoài da; lúc thì lại là một người lao động chăm chỉ nghiêm túc, không nghĩ gì khác ngoài việc học hành; lúc thì lại làm một người nhẹ dạ, vui vẻ, gần gũi mọi người.
Cần phải công bằng mà nói rằng trong mỗi vai anh đều rất chân thành theo cách riêng của mình, để hết tâm hồn vào chúng.
Nhưng điều chủ yếu nhất là anh rất yêu bản thân mình. Và anh rất biết cách xoay xở. Tôi chưa hề bao giờ gặp một người nào lại biết cách xoay xở, thu xếp cuộc sống một cách ấm cúng, tiện nghi đến như anh.
Anh biết với ai thì cần tán dóc những chuyện vặt vãnh, với ai thì cần hỏi thăm kỹ càng về tình hình sức khỏe, với ai thì cần phải kiếm một cuốn sách mới nhất để tặng, với ai thì nên cùng đi xem một trận đấu khúc côn cầu, người nào cần mời đi xem ở nhạc viện, nghe hòa nhạc; còn ai thì phải mời đến câu lạc bộ sáng tác xem buổi tạp kỹ nghiệp dư.
Cái vẻ hồn nhiên của anh, tính vui vẻ tự nhiên và nhất là vẻ hấp dẫn bẩm sinh đã phục vụ anh đắc lực, cho nên lúc nào anh cũng thành công.
Anh chuyển từ lớp mười sang lớp mười một ở trường thanh niên công nhân là có suy nghĩ chín chắn. Trước hết hiệu trưởng ở đây là cha của người bạn thời ấu thơ của anh, thuở nào vẫn cùng nhau đi nhà trẻ. Vậy là có thể hy vọng cha của người bạn sẽ giúp anh có được bằng tốt nghiệp loại tươm tất. Cái đó sẽ quyết định việc vươn lên cao nữa - sẽ giúp anh thi đậu vào đại học. Sau nữa, khác với trường phổ thông bình thường, ở đây có tới ba ngày nghỉ và có thể, như cách anh nói, đi kiếm thêm được.
Anh rất cần cù, chăm chỉ, điều này không ai có thể phủ nhận được, có chí và rất muốn mau chóng tự lập.
Người ta giúp anh trở thành phó quản trị câu lạc bộ sáng tác, tiền lương cũng thấp, nhưng anh đã tạo dựng được những mối quen biết cần thiết và có ích. Ngoài ra, sống cùng mẹ bằng tiền lương của bà, anh có thể dành toàn bộ tiền lương của mình vào sổ tiết kiệm, dành dụm để mua ô tô.
Chúng tôi gặp gỡ nhau trong khoảng gần một năm.
Thú thật, tôi cũng không hiểu có phải anh thực sự say đắm tôi, hay là anh đã khéo léo - theo thói quen thông thường của mình - đóng vai và nhập vào vai mà anh cần.
Mẹ tôi khẳng định:
- Cố nhiên là nó say mê con, chứ còn sao nữa?
Theo ý của mẹ tôi thì không thể nào lại không say mê tôi được. Tôi cũng không trách bà điều này. Sự mù quáng của tình mẹ con bao giờ cũng mạnh.
Ngoài ra, bà cũng ưa Valentin, bởi vì anh có một đặc tính hiếm thấy: hấp dẫn được bất cứ ai mà anh muốn, nhất là với các bà đứng tuổi.
Anh đã vừa cười vừa thú nhận với tôi:
- Anh tác động vào bản năng người mẹ luôn có trong họ, và còn vào tuyến nước mắt của họ nữa nên không bao giờ sai cả.
Anh cười rũ ra, còn tôi thì giận anh, và nói rằng tính trơ tráo làm khô héo tâm hồn còn tệ hơn gió hanh thổi vào đồng cỏ.
Tuy nhiên rồi tôi cũng tha thứ cho anh về cái thói trơ tráo ấy… Tha thứ cả cái tính hưởng thụ ai cũng biết và thậm chí cả thói giả dối của anh nữa. Tôi có cảm giác rằng tất cả những cái đó có thể chấp nhận được và chúng sẽ qua đi với thời gian, suy cho cùng thì ai mà chả có nhược điểm?
Tôi đã tin vào điều đó. Bởi vì tôi cứ muốn tin như vậy.
Và anh cũng hiểu là tôi muốn tin. Đối với anh thì mọi cái đều được kiểm nghiệm, cân nhắc chính xác như trong toán học.
Giờ đây, khi đã trôi qua một khoảng thời gian, tôi đã hiểu ra tất cả những gì đáng lẽ phải hiểu từ hồi ấy.
Trước khi anh tốt nghiệp ở trường, tôi đã trao đổi, dặn dò, gửi gắm với tất cả các đồng nghiệp của tôi và các ủy viên hội đồng sư phạm.
Người ta đã chiếu cố cho anh. Tuy nhiên cũng phải công bằng để thấy rằng anh đã học ngày học đêm và cuối cùng anh đã nhận bằng tốt nghiệp tươm tất. Mọi chuyện sau này chỉ còn phụ thuộc vào mỗi mình anh mà thôi - thi đậu vào Học viện quan hệ quốc tế.
Anh nói với tôi:
- Dù sao thì anh cũng phải thi vào cho bằng được! Anh không còn thời gian nữa!
- Tại sao lại không còn? - tôi hỏi.
- Bởi vì… nếu anh thi trượt, người ta sẽ lấy anh vào quân đội.
- Thế thì đã sao nào? Em có người anh em họ phục vụ hai năm trong quân đội, sau đó trở về khỏe mạnh, rắn rỏi hẳn lên và mùa thu năm ngoái anh ấy đã thi đậu đại học, đúng vào trường mà anh ấy muốn…
Valentin không cười, chăm chú nhìn tôi.
- Thế nào, em nói nghiêm chỉnh đấy à?
- Hoàn toàn nghiêm chỉnh.
- Nếu như vậy thì em thật quá ngờ nghệch.
- Ngờ nghệch theo nghĩa nào kia? - Tôi hỏi.
- Theo mọi nghĩa. Ngờ nghệch như tiếng nghé vậy.
Tôi đã định giận anh, nhưng sau lại đổi ý. Tuy vậy những câu đó của anh vẫn đọng lại trong tâm hồn tôi. Vậy là tôi ngờ nghệch như tiếng nghé hay sao?
Cứ giả thử như vậy đi. Nhưng thế thì anh phức tạp cỡ nào? Cấp hai, cấp ba hay loại siêu cấp không sao tính nổi?
Rồi sau thì mọi chuyện được quên đi, cả những lời nói của anh, cả nỗi giận không nói ra của tôi và bắt đầu thời kỳ thi cử của anh.
Valentin suốt ngày ngồi lỳ ở thư viện, đọc đủ mọi thứ sách giáo khoa và tài liệu.
Cứ cách một ngày tôi lại tới anh, cố “đẩy” anh lên về môn tiếng Đức. Tôi biết học viện quan hệ quốc tế Moskva rất chú ý đến kiến thức ngoại ngữ.
Ngoài tôi ra, còn có một người bạn của mẹ anh, một nhà sư phạm về tiếng Nga và văn học, cũng đến với anh. Anh viết chính tả do ông này đọc cho và dần dần ít mắc lỗi hơn.
Cũng như đa số đàn ông, anh không có mấy năng khiếu về ngôn ngữ, tôi đã phải tốn nhiều công sức để anh nắm được sự tương hợp của các thời và nhớ cách chia động từ trong văn phạm tiếng Đức - một trong những văn phạm phức tạp nhất thế giới.
Mẹ tôi và cha tôi rầy tôi là tôi nghỉ hè không ra sao cả. Mẹ tôi buồn bã nói:
- Con hoàn toàn không nghỉ ngơi gì hết…
Cha tôi cũng phụ họa:
- Rồi thì cả năm tới con sẽ làm việc thế nào, nếu con không nghỉ ngơi chút nào?
Tôi vô tư lự đáp lại:
- Con sẽ còn có nghỉ đông và nghỉ xuân nữa. Rồi con sẽ tìm cách bù lại.
Tôi rất muốn cho Valentin trở thành sinh viên của Học viện quan hệ quốc tế Moskva.
Hồi trước, có lần mẹ tôi đã nói:
- Tất cả những người đàn bà trong gia đình ta, cả mẹ, cả bà, cả bà cố, mọi người đều giống nhau ở một điểm: đều biết yêu mãnh liệt, gắn bó cả tâm hồn với người mình yêu, và thậm chí nếu cần, biết hy sinh cả đời mình cho người yêu. Thế nhưng nếu có cái gì đó không vừa ý, không thích, làm tách đẩy xa ra, thì cũng có thể trong phút chốc, quyết liệt dứt bỏ những mối quan hệ chặt chẽ vững bền nhất.
Tôi được biết hồi xưa bà ngoại tôi đã bỏ chồng. Vào những năm ấy, đầu thế kỷ của chúng ta, việc đó thật nghiêm trọng.
Ông chồng của bà ngoại tôi là một quan chức đặc nhiệm bên cạnh tổng đốc khu Penza, một ông lớn giàu sang về đủ mọi phương diện.
Đã xảy ra chuyện gì đó, chuyện gì thì mẹ tôi không nhớ, hoặc vì lẽ gì đó mà không muốn kể cho tôi nghe, rồi một đêm kia bà ngoại tôi lén bỏ đi khỏi nhà ông kia về Moskva, sống nhờ nhà người bạn gái. Người bạn gái này giúp bà tìm được việc dạy học thêm.
Sau đó, bà gặp một sinh viên, cũng giống như bà, dạy học cho lũ con cái bọn thương nhân. Họ đã yêu nhau và lấy nhau theo hôn nhân trước pháp luật bởi vì bà vẫn còn bị coi là vợ của viên quan chức đặc nhiệm do đã kết hôn với ông kia ở nhà thờ.
Bà cùng với ông sống bên nhau gần bốn chục năm rồi cùng chết trong vòng một tháng. Bà chết trước. Ông chết sau bà hai tuần lễ. Mẹ tôi bảo rằng hai người yêu nhau rất ít khi gặp được cái hạnh phúc ấy - chết gần như cùng một lúc.
Mà ông bà ngoại tôi đã yêu nhau rất tha thiết. Mẹ tôi được sinh ra vào cuối những năm ba mươi, là người đầu tiên đã tự giễu mình:
- Tôi nhất định phải là người hạnh phúc lắm vì tôi là đứa con ngoài hôn thú mà!
Bởi quả thực là cha mẹ của bà cho đến chết vẫn chưa hề làm lễ thành hôn.
Tôi cho rằng mẹ tôi có hạnh phúc trước hết là nhờ vào tính cách nhu thuận hay chiều ý bà của cha tôi. Lúc nào ông cũng mềm như sáp hay đúng hơn là như bơ, muốn trát sao thì nên thế...
Không, tính cách của Valentin hoàn toàn không dễ bảo. Tôi đã hiểu ra điều đó từ lâu, nhưng tôi đã cố gắng chấp nhận tất cả những gì tôi không thích trong anh. Mẹ tôi vẫn dạy tôi phải biết tiếp nhận con người ta với tất cả những ưu cũng như khuyết điểm.
Đến giữa tháng Tám thì tôi được biết Valentin thi đậu vào Học viện quan hệ quốc tế Moskva.
Theo tôi hiểu thì tôi còn vui mừng nhiều hơn cả anh. Anh tiếp nhận niềm hân hoan của tôi với một vẻ hạ cố, tựa như đã biết trước rằng không thể nào lại khác được.
Và chính khi đó, hai tuần lễ trước khi nhập học, đã xảy ra vụ xích mích đầu tiên giữa chúng tôi.
Tôi đến nhà anh vào một buổi tối thứ Bảy.
Chúng tôi định đi coi phim, bộ phim Pháp Những chứng cớ hiển nhiên.
Valentin cạo râu, tắm rửa, mặc chiếc áo sơ mi trắng và chiếc áo khoác thể thao màu xanh dương với những cái nút áo sáng loáng.
Vừa chải tóc ướt do vừa tắm xong, vừa chăm chú ngắm nghía mình trong gương, anh hỏi:
- Trông anh cũng được đấy chứ, em thấy thế nào?
Tôi nói:
- Em không chịu nổi những người đàn ông quá ngắm nghía mình trước gương.
Anh mỉm cười quay người lại phía tôi:
- Vậy theo em thì người đàn ông không được soi gương, cạo râu, rửa mặt, mà phải lôi thôi lếch thếch hay sao?
- Nói phóng đại làm chi vậy? - Tôi hỏi. - Có thể soi gương, nhưng không ngắm nghía mình hàng giờ, có thể cạo râu nhưng không xoa mặt mày hồi lâu và không nói rằng trông mình cũng được đấy chứ!
Anh cau mày, làu bàu:
- Thật khó tính và ác độc!
Rồi ngay đó anh nở nụ cười thật rộng để nhấn mạnh rằng anh nói đùa và gọi tôi là ác độc chỉ vì thuận miệng thôi...
Chúng tôi đã định đi ra thì tôi nhìn thấy phía trên bàn - gần cửa sổ - có treo một bím tóc không dài, màu hạt dẻ, tết rất chặt.
- Lại còn cái gì thế này? - Tôi hỏi.
Anh thản nhiên đáp:
- Chuyện dài lắm.
- Thì anh cứ kể đi, - tôi đề nghị.
Anh hỏi:
- Em muốn anh kể lại câu chuyện về cái bím tóc này phải không?
- Tất nhiên là em muốn, nếu không thì em đã chẳng đề nghị.
- Thế thì em nghe đây, - anh ngồi xuống giường và bắt đầu. - Trước đây có một cô gái, nói đúng hơn thì cô ta vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Cô ta yêu anh. Rất yêu. - Anh nhắc lại, rút từ trong túi áo khoác ra bao thuốc lá “Thủ đô”.
Tôi lắng nghe, không ngắt lời. Anh châm thuốc hút.
- Còn anh thì rất tiếc là không yêu cô ta.
- Tại sao vậy? - Tôi không kìm được, hỏi.
- Bởi vì anh đã yêu người khác - đó là em! Em hài lòng chứ?
Tôi im lặng, anh nói tiếp:
- Anh với cô ta có trận dàn xếp với nhau rất nóng bỏng và phức tạp.
- Khi nào vậy?
- Đã lâu rồi. Từ trước tết cơ. Anh đã nói hết với cô ta, đã giải thích rằng giữa anh và cô ta không còn gì nữa, rằng anh không biết làm thế nào với bản thân mình, nhưng không thể yêu cô ta được.
- Thế cô ấy nói sao?
- Cô ta hỏi: “Điều đó là dứt khoát rồi à? Mãi mãi và vĩnh viễn phải không?” Anh bảo cô ta: “Phải rồi, mãi mãi.” Cô ta nói rằng dù bất kể thế nào vẫn yêu anh nồng cháy và sẽ không bao giờ hết yêu. Anh không tin. Anh nói rằng nói chung anh chẳng tin vào tình yêu. Nhưng đấy là anh nói bề ngoài vậy thôi. - Anh lập tức nói chữa ngay. - Em hiểu không, anh không nói nhăng cuội để cô ta khỏi bám lấy anh. Thì cũng phải thuyết phục cô ta bằng cách nào vậy chứ! Anh nói với cô ta rằng anh chẳng tin ai hết, cả cô ta với chuyện cô ta yêu anh, lẫn tình yêu nói chung.
Rồi anh nói tiếp:
- Lúc ấy cô ta hỏi rằng phải làm gì để anh tin cô ta? Cô ta sẽ làm mọi chuyện, chỉ cốt sao để anh tin. Và em có tưởng tượng được không…
Anh phá lên cười.
- Anh bỗng nhiên lại nói: “Cô có dám cắt bím tóc của mình không? Nếu yêu thì hãy cắt đi.” Mà bím tóc của cô ta thì tuyệt đẹp, có đúng không nào? Và rồi thì sao? Anh chưa kịp ngoái lại thì cô ta đã chộp lấy cái kéo trên bàn và xoẹt một cái - đã cắt mất bím tóc tuyệt vời của mình.
- Ngay lập tức thì cô ta không thể cắt được. - Tôi nói.
- Thế nào, ngay lập tức ấy à? - Anh hỏi lại và chợt hiểu ra ngay. - Cố nhiên là cô ta phải loay hoay một chút, bím tóc dày, kéo tuy sắc, anh mới mài, nhưng cũng không làm đứt được cả bím tóc, nhưng rồi thì cuối cùng cô ta cũng cắt được.
- Và suốt thời gian ấy anh cứ đứng nhìn cô ta cắt cái bím tóc đó? - Tôi hỏi.
Anh nhún vai.
- Thì anh biết làm gì được? Giá em mà biết cô ta cương quyết và dứt khoát thế nào!
- Em không muốn biết. - Tôi làu bàu nói.
Tôi hình dung ra cảnh cô gái ấy, một tay giữ bím tóc, còn tay kia cầm kéo. Và cô ráng cắt cái bím tóc, nhưng lọn tóc tết chặt không chịu đứt…
- Cuối cùng thì cô ấy cũng cắt được bím tóc à?
- Thì như em thấy đấy.
- Rồi cầm lấy trao tận tay anh?
Sau một lúc im lặng, anh đáp:
- Cô ta quẳng bím tóc vào mặt anh.
Tôi vỗ tay tán thưởng.
- Rồi lập tức bỏ đi ngay? Phải không? Thậm chí không thèm ngó tới anh và bỏ đi chứ gì?
Anh kinh ngạc hỏi:
- Làm sao em biết?
Tôi phá lên cười.
- Cái cô ấy khá thật! Phải là em thì em cũng đã làm vậy rồi! Quẳng cái bím tóc vào mặt anh rồi bỏ chạy đi. Còn thì mặc xác anh.
Thế là tôi cứ cười, cười hoài, không sao dừng lại được.
Vậy là chúng tôi không đi coi bộ phim Pháp.
Bởi tôi bỏ về nhà. Cười chán rồi bỏ đi. Chạy ra ngoài hành lang, đóng sập cửa lại, lao xuống cầu thang. Phải chi mà trông thấy tôi lúc đó...
Suốt mấy ngày liền anh không xuất hiện. Tôi cũng không đến nhà anh. Chúng tôi không còn gọi điện thoại cho nhau mỗi ngày vài lượt nữa. Mặc dù dĩ nhiên là tôi rất buồn. Tôi đã gắn bó với anh. Nhiều lần tôi chợt thấy mình buồn nhớ và chờ mong anh. Mỗi lần có chuông điện thoại tôi lại chạy bổ tới bên máy, nhưng anh vẫn không gọi điện thoại và không tới...
Tôi tự hứa với mình là không khi nào chịu gọi điện thoại trước cả.
Cuối cùng thì anh đến gặp tôi để xin lỗi. Anh nói:
- Thôi nào, bà già ơi, ta giảng hòa nhé. Quả thực làm sao mà chúng ta thiếu nhau được kia chứ?
Và tôi đã đầu hàng. Chính tôi cũng muốn làm lành với anh đến chết đi được. Và mọi chuyện lại đâu vào đấy. Trong lòng tôi tất cả lại bình yên, êm ả.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì mỗi khi nhớ lại chuyện cái bím tóc treo trên tường phòng anh tôi lại thấy khó chịu. Tựa hồ như tôi nuốt phải cái đinh dài và nó bị mắc nghẽn trong họng, chẳng vào mà cũng chẳng ra...
Rồi sau thì mọi chuyện cũng nhòa đi và rơi vào quên lãng.
Anh bắt đầu học năm thứ nhất và thoạt đầu tỏ ra rất thích thú...
Anh thừa nhận:
- Ở đó lý thú thật...
Lúc nào anh cũng hứa sẽ dẫn tôi tới trường anh dự liên hoan. Theo lời anh thì ở đó thường tổ chức các tối vui khác nhau với số công chúng tham dự khá lý thú - các sinh viên, các giảng viên, các nhà ngoại giao ai cũng thông minh hóm hỉnh, miệng lưỡi sắc như dao, rất vui vẻ yêu đời. Tóm lại là rất hiện đại.
Có một lần, lúc ấy là vừa bắt đầu kỳ nghỉ của sinh viên, tôi tới nhà anh. Ngay từ sáng anh đã gọi điện thoại, nói rằng anh không được khỏe, thậm chí không đi học được, đề nghị tôi tới thăm, bởi vì anh rất buồn và cảm thấy tâm hồn cô đơn kinh khủng.
Tôi không đến một mình, mà cùng đi với Milka, một cô bạn từ thời thơ ấu, đã sống với nhau rất nhiều năm trong ngôi nhà lớn và đông đúc trên đại lộ Sretensky.
Milka cũng dạy học, dạy môn địa lý ở trường trung cấp kỹ thuật. Cũng giống như tôi, cô ấy đã cùng với mẹ chuyển sang một căn hộ riêng ở Mnevniki. Thỉnh thoảng Milka cũng lại nhà tôi, nhưng tôi chưa lần nào tới nhà cô ấy, thứ nhất vì cô ấy sống rất xa chỗ tôi ở, hai nữa là phần lớn thời gian rảnh tôi đều ở bên Valentin và chẳng còn thời gian nào để gặp bạn cũ cả.
Milka hồi nhỏ không được đẹp: miệng rộng, mắt lồi lại ở sát nhau quá, cằm lúc nào cũng đầy mụn trứng cá, nhưng khi trưởng thành cô đã thay đổi hẳn: khiếu thẩm mỹ bẩm sinh và cách trang điểm khéo léo đã mang lại thành công: lông mi được tô trở nên có vẻ như dài và rậm hơn, mặt được thoa phấn màu vàng tươi nên mọi chỗ sần sùi trở nên bằng phẳng, cặp môi dày được tô một chút son trở nên rất mốt. Milka khẳng định:
- Khắp thế giới bây giờ người ta mang cặp môi như thế đấy!
Milka ăn mặc theo lối thể thao, quần dài, kiểu thợ lặn, áo jacket và bludông gắn đầy những khóa kéo.
Tóc nhuộm màu đen ánh biêng biếc.
Lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng ưa thích Milka. Cô ấy là một người có con mắt nhận xét sắc sảo, biết nhận ra cái tức cười trong mỗi con người. Cô ấy cũng chẳng tha cả mình và nhận xét thẳng thắn về bản thân:
- Mới thoạt nhìn thì tôi trông cũng được, nhưng phải dè chừng cái nhìn lần thứ hai. Ấy là tôi còn chưa nói đến những cái nhìn sau nữa...
Valentin đón tiếp chúng tôi rất tốt. Đang nằm trên giường, anh nhảy ngay xuống, chạy vào bếp, sau khi nói trước rằng bây giờ anh sẽ pha cà phê theo một kiểu đặc biệt.
Trong phòng còn tôi và Milka.
Milka ngó quanh rồi nói:
- Một nơi ở cũng khá đấy. Anh ta sống một mình ở đây hay sao?
- Anh ấy sống với mẹ. Bà ấy ở buồng khác.
- Bà ấy đang có nhà ư?
- Đang đi làm.
- Đặng kiếm tiền đảm bảo cho cậu con trai có đủ mọi tiện nghi cần thiết phải không?
Tôi phản đối:
- Cậu nói thế làm gì? Anh ấy cũng tự kiếm ra tiền.
Cô bạn cười nhạt.
- Ai chả biết số tiền kiếm được ấy như thế nào. Đủ mua cá cho mèo!
- Sao cậu lại nói thế?
Milka khoát tay.
- Thôi được, có vậy cũng chả chết ai. Thế chuyện của cậu với anh ta hoàn toàn nghiêm chỉnh đấy à?
- Theo mình thì đúng như thế. - Tôi đáp. - Mọi chuyện có vẻ ổn cả.
Milka trầm ngâm ngắm nghía tôi.
- Không đâu. Anh ta sẽ không lấy cậu đâu.
- Vì sao kia?
- Bởi vì cậu không thích hợp cho anh ta. Cậu quá xinh đẹp, đồng thời lại không có triển vọng.
- Thế kia à? - Tôi phá lên cười. - “Không có triển vọng” nghĩa là thế nào?
- Cậu đừng vội cười. - Milka khuyên. - Cậu mà vẫn cười thì cậu sẽ còn lạc hậu với đòi hỏi của thời đại đấy; đây không phải chuyện đáng cười, mà cần phải hiểu đâu vào đó.
- Nói tiếp xem nào. - Tôi giục.
Milka nói tiếp:
- Một cô gái có triển vọng, - đó là con gái của thủ trưởng trực tiếp, trưởng khoa nào đấy chẳng hạn hoặc có người cha tiếng tăm lừng lẫy, hoặc chính bản thân có danh vọng, một diễn viên ba lê nổi tiếng, một nhà địa chất nổi tiếng hoặc cái gì đó đại loại như vậy. Thế còn cậu thì là gì? Một cô giáo dạy phổ thông, thế là hết chứ gì? Thêm vào đó lại còn người cha đang hưu trí, đang lãnh một trăm hai mươi chục đồng hào mỗi tháng phải không?
Cuộc chuyện trò làm tôi khó chịu. Lẽ ra theo cách đúng nhất là phải im đi, hoặc chuyển câu chuyện sang đề tài khác, nhưng tôi đã phát cáu lên và không muốn kiềm chế mình nữa.
- Cậu nói vậy để làm gì? - Tôi hỏi. - Anh ấy yêu tôi, tôi tin là anh ấy yêu!
- Bọn họ thì người nào mà chả yêu. - Milka nói. Cô lấy một điếu thuốc lá trong bao thuốc để trên bàn, bật lửa, châm thuốc.
- Không, anh ấy yêu thật mà. - Tôi nhắc lại. - Dù cho tôi có là gì đi nữa, có triển vọng hay là không thì anh ấy vẫn cứ yêu tôi!
- Và sẽ lấy cậu?
- Đúng thế.
- Có chắc không?
- Chắc cả trăm phần trăm.
- Thế mẹ anh ta đối với cậu thế nào?
- Này, - tôi nói. - Tất cả những chuyện này ăn nhằm gì tới cậu kia chứ?
Milka chưa kịp trả lời thì Valentin bưng cái khay có ba ly cà phê bước vào phòng. Đặt khay lên cái bàn nhỏ, anh quay trở vào bếp mang một cái khay khác đựng bánh bích quy, đường và bánh kem. Anh hỏi:
- Thế nào, các cô gái, đói chưa nào?
- Hơi hơi đói. - Milka đáp. - Liệu có thể xin được một miếng bánh mì nhỏ kẹp nhân ở cái nhà này không?
Mắt cô sáng long lanh. Tôi phát cáu lên, ai đời mới đến nhà người lạ lần đầu đã đòi xin bánh mì kẹp nhân!
Valentin nói với vẻ tiếc rẻ:
- Chẳng có gì hết! Tôi bệnh, mẹ tôi lại chưa kịp mua gì cả, bởi vì ở nhà này tôi là người nội trợ. Mẹ tôi là một bà bác học, những thứ tầm thường của đời sống không dính dáng tới bà…
- Thôi được, - Milka nói.
Tôi cầm lấy ly cà phê, hớp một hớp cà phê nóng và rất ngọt.
- Có ngon không? - Valentin hỏi. - Pha theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ đấy. Tôi cho cà phê vào ấm pha rồi đổ nước lạnh vào, đun nóng lên nhưng không để nước sôi. Trước khi nước sôi thì tôi nhắc ấm ra.
Anh đập tay vào trán.
- Khoan đã nào, các cô gái, hình như trong bếp có thứ dầu thơm Riga thì phải.
- Hoan hô! - Milka reo lên.
Anh bước ra khỏi phòng.
Milka nói:
- Một người đàn ông giỏi nội trợ, chắc hẳn sẽ là người chồng tốt.
- Để còn xem đã. - Tôi nói.
- Chả việc gì phải xem cả. Nếu cậu không muốn thì chuyển lại cho tôi, tôi sẽ không từ chối đâu!
Tôi phá lên cười hoàn toàn chân thành.
- Nhưng nếu như anh ấy không muốn thì sao?
- Thế là cậu yêu anh ta rồi. - Milka trầm ngâm nói.
- Đúng thế. - Tôi nói. - Tôi yêu và không khi nào đồng ý nhượng lại cho cậu dầu chỉ một phút. Rõ chưa nào?
Lúc đó anh lại bước vào, mang theo chai dầu thơm Riga.
- Thế nào, các cô gái, có được không?
- Đối với tôi thì được rồi. - Milka nói.
- Còn đối với tôi thì không. - Tôi nói.
Anh ngoảnh lại phía tôi:
- Cô bé ơi, tôi cũng có cái này dành cho cô đây…
Và anh lại đi vào trong bếp.
- Hay thật, không biết là cái gì thế nhỉ? - Milka nói.
Tôi bực tức đáp:
- Thì ăn nhằm gì đến cậu nào?
Milka làm tôi rất khó chịu và tôi không buồn giấu giếm nỗi bực tức của mình. Tôi khó chịu với cái giọng quyết đoán, sự làm duyên làm dáng lộ liễu và trò ve vãn công khai của cô ta với Valentin. Và tôi có cảm giác hình như anh cũng không tự nhiên thế nào đó, không giống với mọi khi.
- Thế mà có ăn nhằm đấy. - Milka đáp. - Và nói chung là đừng nên bực tức nữa, kẻo không rồi anh ta sẽ phát chán lên vì phải nhìn cái mặt sưng sỉa của cậu!
- Không hề chán đâu. - Tôi nói.
Cô ta nheo cặp mắt tô rất đậm.
- Cậu tin chắc vào anh ta đến thế kia à?
- Phải, tin chắc đấy. Cả trăm phần trăm!
- Thật dại dột.
- Tại sao lại dại dột?
- Không thể tin chắc vào bất cứ người đàn ông nào được cả trăm phần trăm hết.
- Thế mà tôi tin đấy.
- Tin càng nhiều thì nỗi thất vọng càng chua cay.
- Chuyện ấy thì cậu khỏi phải lo.
Cô ta mỉm cười:
- Đừng cáu. Tôi không định giật mất anh ta của cậu đâu.
- Dù có định đi chăng nữa thì cũng chẳng được gì.
- Cậu nghĩ vậy à?
- Phải, tôi vẫn quen nghĩ như vậy.
- Tôi cũng thế. Vậy là cậu tin chắc ở anh ấy?
Tôi tức giận đến mức trong giây lát không thốt nên lời. Tôi cũng không biết câu chuyện của chúng tôi sẽ kết thúc thế nào nếu Valentin không lại bước vào phòng. Anh mang cho tôi một chai nước cam ép.
- Hình như em thích cái này phải không?
- Hình như vậy. - Tôi đáp.
Anh ngả mình lên giường, vòng tay kê dưới đầu.
- Cả hai cô đều dễ coi hết, người này loại trừ người kia.
- Thế là thế nào, khen tôi hay khen cô ấy? - Milka hỏi.
Anh không đáp, chuyển cái nhìn từ cô ấy sang tôi, rồi hỏi:
- Các cô đối với tôi tốt chứ?
- Rất tốt. Phải thế không nào, Taya?
- Tại sao anh lại hỏi như vậy? - Tôi ngạc nhiên.
- Bây giờ tôi sẽ biết thực sự các cô đối với tôi thế nào?
Valentin vừa nói, vừa quay mình nằm nghiêng. Anh nhấc cái gối dài lên. Dưới cái gối có giấu chiếc máy ghi âm Nhật Bản mà anh mới mua gần đây.
- Các cô hãy nghe đây. - Valentin nói và nhấn nút.
Và chúng tôi đã nghe thấy:
Anh ta sống một mình ở đây hay sao? Anh ấy sống với mẹ, bà ấy ở buồng khác…”
Giọng nói của chúng tôi, - của tôi và của Milka - đã không còn thuộc về chúng tôi nữa. Chúng tồn tại một cách tách biệt khỏi chúng tôi và ngoan ngoãn nhắc lại tất cả những gì chúng tôi đã nói ra trước đó, khi chúng tôi cho rằng chỉ có hai đứa ở trong phòng…
Đôi má của Milka dù phủ dưới lớp phấn dày, đột nhiên tái nhợt.
- Cái gì vậy? - Cô hét lên. - Cái gì thế này hả?
Tôi cũng bàng hoàng không kém gì cô. Valentin mỉm cười, còn trong phòng vang lên giọng nói của chúng tôi, nhưng không còn thuộc về chúng tôi nữa…
- Cái này… Cái này là một sự đểu cáng. - Milka đột nhiên bùng lên giận dữ. - Một sự đểu cáng chính cống!
Valentin cười sằng sặc, chùi nước mắt đang trào ra vì không kìm nổi trận cười.
Milka đứng phắt dậy, chộp lấy cái túi của mình để trên bàn, lao ra cửa. Cô ngoảnh lại phía Valentin.
- Anh có biết anh là người thế nào không?
- Không, - Valentin vừa cười vừa đáp, - mách cho tôi biết với nào!
- Đồ đểu! - Milka hét lên, dùng hết sức sập mạnh cửa lại.
Anh tiếp tục cười, nước mắt trào ra má.
- Cô ta không ngờ… - Cuối cùng anh thốt lên. - Hoàn toàn không thể ngờ…
Tôi lặng thinh. Anh dụi mắt thật mạnh rồi hỏi:
- Còn em thấy thế nào?
- Hoàn toàn cũng như cô ấy đấy.
Anh hỏi lại:
- Thế là nghĩa thế nào?
Không muốn nói ra cái câu đó, tôi ngoảnh mặt đi, bóp chặt tay, rồi dứt khoát quyết định chạy ra khỏi phòng anh, lao xuống cầu thang.
Tôi chạy trên đường phố và không ngớt suy nghĩ: “Sao anh lại có thể làm như vậy? Lẽ nào anh lại không hiểu rằng cái lối ấy thật phi đạo đức, thật đểu cáng?”
Rất lâu sau, tôi không sao bình tĩnh lại được. Mẹ tôi không ngừng gặng hỏi:
- Con làm sao thế? Tại sao trông con buồn vậy?
- Đấy là mẹ tưởng tượng vậy thôi. - Tôi đáp. - Mọi chuyện tốt đẹp cả, không có chuyện gì đâu ạ…
Rồi những lời hỏi han và vẻ lo lắng lộ rõ trên mặt mẹ làm tôi phát chán và tôi khóa cửa buồng tôi lại.
Tôi muốn không nghĩ ngợi gì về anh nữa, nhưng không nổi. Những tháng qua anh đã thâm nhập vào tôi và tôi không sao hình dung được cuộc đời mình lại thiếu anh.
Nhưng bên tai tôi vẫn văng vẳng giọng nói của chính tôi khi nó được thu lại trên băng máy ghi âm của anh. Tôi bịt chặt tai lại tựa hồ như giọng nói của tôi thực đang vẳng lên ở đâu đó rất gần.
Mẹ tôi gõ nhẹ vào cửa buồng tôi, lắng nghe tiếng tôi thở, nhưng tôi không cho bà vào.
Tôi muốn tách hẳn mình ra, không muốn nhìn thấy bất cứ ai, bất cứ cái gì…
Một vài ngày trôi qua. Vào buổi tối thứ Bảy tôi từ trường thanh niên công nhân trở về nhà rất muộn.
Tôi cảm thấy rất mệt. Tôi không những phải dạy bốn tiết của mình mà còn phải dạy thay cho một cô giáo ở lớp bên cạnh bị bệnh.
Tôi không nghĩ nổi về chuyện gì khác, không muốn một điều gì khác ngoài chuyện muốn uống một ly trà nóng với lát chanh rồi lập tức đi nằm, tắt đèn, ngủ và ngủ…
Từ trong bóng tối ở dưới cầu thang nhà tôi, ai đó bước lại gần tôi. Tôi giật mình vì bất ngờ.
- Em hoảng sợ thật à? - Valentin hỏi tôi.
Anh ôm lấy tôi, ghé sát mặt vào mặt tôi.
- Thiếu em anh sống thật hết sức khó khăn, em hiểu không?
Tôi những muốn đẩy anh ra, nói vô số những lời nặng nề, độc địa.
Chao ôi, biết bao lần tôi đã hình dung trong đầu cuộc nói chuyện với anh, giết chết anh bằng sự khinh bỉ của mình, ném vào mặt anh những câu châm chọc giận dữ. Thế rồi bây giờ - khi chúng tôi gặp nhau thật sự - thì tôi lại cứ lặng thinh, giống như kẻ chết đuối, chẳng còn hơi sức nào để gạt bỏ tay anh, quay mặt đi đuổi anh, rồi thản nhiên bước qua…
Không, tôi không thể quay mặt đi, cũng chẳng thể đuổi anh. Và anh rất biết điều đó. Anh lặng lẽ cầm lấy tay tôi, kéo tôi đi theo anh. Ngọn đèn đường yếu ớt soi sáng chiếc xe hơi màu hoa cà đang đậu ở phía bên kia đường.
- Xe hơi đã tới đón, liệu cô nương có vui lòng ngồi vào và đi dạo hay không?
- Xe của anh đấy à? - Tôi hỏi.
- Của anh. Cuối cùng thì giấc mộng của gã ngốc đã thành. Em cũng biết là anh dành dụm đã bốn năm rồi và bây giờ - em đã thấy đó !
- Chắc mẹ anh cũng phụ vào kha khá. - Tôi nói.
Anh mỉm cười.
- Cũng có. Sự thật vẫn là sự thật.
Tôi ngồi vào xe, bên cạnh anh. Anh nổ máy.
Rồi chúng tôi đến nhà anh và lần đầu tiên tôi ngủ lại chỗ anh; đến sáng tôi mới giật mình hoảng sợ - tôi đã không nói trước với cha mẹ tôi, chắc là họ phát điên lên vì không hiểu tôi ở đâu, có làm sao không?
Valentin ngủ trên chiếc giường sát bên. Trong giấc ngủ trông anh có vẻ hiền hậu, như cần được che chở. Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi vẫn biết rằng, cái vẻ hiền hậu, cần được che chở ấy chỉ là ảo giác chứ không thực. Và có nhiều khả năng là anh thờ ơ với mọi thứ, không phải do bất mãn, chua chát. Không, đơn giản là anh chẳng quan tâm đến chuyện có việc gì đó xảy ra với bất kỳ ai…
“Biết đâu mình ngộ nhận? - Tôi thầm tự hỏi. - Có thể là anh đôn hậu thật thì sao? Ừ, thôi thì cứ cho rằng anh lạnh lùng, thờ ơ đi nữa, nhưng lẽ nào vì điều đó mà mình sẽ yêu anh ít hơn chăng?”
Rồi tôi tự trả lời:
“Không, mình sẽ không yêu ít hơn.”
Tôi ngồi dậy, nhẹ nhàng mặc quần áo. Nhưng anh tỉnh dậy ngay trong khoảnh khắc, ngóc đầu lên khỏi gối, tỉnh táo như không.
- Em đi đâu vậy, Taya?
- Phải gọi điện thoại cho mẹ…
- Em hãy gọi điện đi và nói rằng em đã lấy chồng rồi. - Anh nói. - Em hãy nói rằng hôm nay chúng mình sẽ cùng đến gặp cha mẹ em và sẽ nói mọi chuyện.
Tôi quay số điện thoại nhà tôi, mẹ tôi lập tức đáp lại ngay.
- Con đây, mẹ ạ. - Tôi nói. - Xin mẹ tha lỗi cho con vì đã không gọi điện cho mẹ biết.
- Taya. - Mẹ tôi thốt lên. - Con gái nhỏ của mẹ…
Câu nói của bà bị ngắt. Cha tôi cầm lấy ống nói.
- Taya, con làm sao thế? Con ở đâu vậy? Ba mẹ đến phát điên cái đầu lên vì không biết con ở đâu, có chuyện gì xảy ra với con…
- Con đã đi lấy chồng. Lấy anh Valentin.
Và ngay lúc đó tôi nghe thấy cha tôi, một người xưa nay vẫn điềm tĩnh tự chủ, bỗng hét to lên:
- Musya này, con nó đi lấy chồng! Lấy chồng rồi, em hiểu không? Em hãy nín đi, đừng khóc nữa!
Đúng ba giờ, tôi và Valentin đi chiếc xe màu hoa cà của anh đến nhà tôi.
Chúng tôi vừa bước vào cửa là mẹ tôi ôm chầm lấy tôi, còn cha tôi đứng đó húng hắng ho rất lâu. Mẹ tôi khóc, hôn tôi và không ngớt nói rằng ngày hôm qua bà đã không còn hiểu vì sao, chẳng biết phải làm gì, phải chạy đi đâu...
Tôi nhìn mẹ tôi, cha tôi và tôi có cảm tưởng là qua một đêm ấy cả hai người đã già hẳn đi, thậm chí còng cả người xuống vì nỗi lo âu kinh khủng cho tôi. Và lần đầu tiên tôi cảm thấy ân hận. Tôi thầm trách mình đã quá vô tâm, tàn nhẫn, đã chỉ nghĩ đến bản thân mình, còn đối với họ, những người yêu thương tôi nhất trên đời này thì tôi thậm chí còn không nhớ đến nữa...
Valentin luôn miệng cười đùa, kể những câu chuyện tức cười. Nói chung anh là người biết chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện, ở chỗ nào anh cũng trở thành linh hồn của đám đông.
Cha tôi và mẹ tôi cười vui, nghe những câu chuyện của anh kể về sinh viên của Học viện quan hệ quốc tế, về những chuyện rắc rối xảy ra ở chính cái câu lạc bộ sáng tác mà anh làm quản trị.
Valentin thản nhiên nói về những nhân vật tên tuổi lừng danh mà anh hẳn phải quen thân, và khi anh nhắc tới một nhà văn nổi tiếng, hay một diễn viên, hay một nhạc sĩ một cách đơn giản bằng tên gọi thân mật: Kolya, Petya, Vasya... thì cha mẹ tôi lại đưa mắt nhìn nhau; sự chú ý và nỗi tò mò không che giấu của họ càng cổ vũ Valentin mạnh mẽ hơn và anh tiếp tục bốc lên trên đôi cánh của những câu chuyện do chính anh kể.
Và mặc dù trong những năm qua tôi đã nghiên cứu khá kỹ tất cả các tiết mục của Valentin, tôi vẫn bất chợt thấy mình thích thú khi nghe những câu chuyện kể ấy, tuy tôi đã biết chúng từ đầu đến cuối.
Buổi tối hôm ấy chúng tôi còn ngồi rất lâu ở nhà cha mẹ tôi.
Tôi nói là ở nhà cha mẹ tôi, bởi vì đó đã không còn là nhà tôi nữa. Tôi chuyển về ở với Valentin.
Vừa lúc cũng là dịp mẹ anh đi công tác trở về.
Bà rất ít nói, khuôn mặt xương xương, đeo kính gọng to, hiếm khi mỉm cười. Một bà bác học điển hình.
- Đây này, - Valentin nói. - Mẹ ơi, đây là vợ con!
Bà nhìn tôi từ đầu tới chân. Chìa tay ra cho tôi, bà bắt rất chặt, bàn tay bà thật mạnh.
Bà ngoảnh lại nói với con trai:
- Con bao giờ cũng nổi bật ở óc thẩm mỹ cao.
Tôi cảm thấy mình đỏ mặt lên. Tôi nhận thấy ngay cả Valentin đột nhiên cũng bối rối chớp mắt. Còn bà vẫn tỉnh khô nói tiếp:
- Mẹ có ý nói rằng con biết khéo tổ chức cuộc sống của mình.
Bà đưa mắt nhìn tôi một lần nữa và hơi mỉm cười. Nụ cười làm cho khuôn mặt xương xương của bà trở nên dịu dàng hơn, có vẻ phụ nữ hơn.
- Cô bé thân mến ơi, ngoài ra tôi không có ý gì khác hết. Cô tin tôi chứ?
Tôi gật đầu với bà. Tôi lập tức hiểu rằng tôi và bà sẽ có thể vẫn sống một cách chẳng hề dính líu đến nhau nhưng vẫn giữ được cả trật tự tôn ti, cả sự tôn trọng chừng mực đối với nhau, cả tình thân hữu. Mà đã được như vậy thì cũng không phải là ít...
Nếp sống chung của tôi với Valentin hình thành như sau: anh tự lo bữa ăn sáng cho mình, tự rửa lấy chén bát ở bếp - những công việc này anh đã được một bà già giúp việc huấn luyện cho; bà này đã ở nhà họ suốt ba chục năm và chỉ mới chết cách đây hai năm, rồi anh đến học viện.
Tôi thức dậy cùng một lúc với bà Veronika Kuzminichna. Trước hết, tôi thu dọn căn phòng của chúng tôi, rồi chuẩn bị bữa sáng cho tôi và bà. Khi bà đến Viện nghiên cứu khoa học của mình thì tôi đi mua bán. Kế đó, tôi lo chuẩn bị bữa ăn trưa. Tôi không phải là người nội trợ giỏi và tôi làm bữa ăn trưa khá vụng về: tôi bỏ một miếng thịt vào nồi, đổ nước vào, đun sôi lên và bỏ thêm một ít hạt ngũ cốc gì vào đó nữa - đó là món xúp. Rồi tôi bỏ miếng thịt vào chảo rán - đó là món thứ hai. Thức độn cho món thứ hai gồm khoai tây, mì ống và gạo.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi uống trà, ăn kẹo hoặc thỉnh thoảng ăn bánh ngọt. Còn bữa chiều thì ăn xúc xích, hoặc mấy khúc dồi thịt do tôi luộc, hoặc hai gói bánh bột nhân thịt cho ba người, và cố nhiên còn món sữa chua nữa. Đôi khi tôi chiên khoai tây.
May cho tôi là cả Valentin lẫn mẹ anh đều không khó tính trong chuyện ăn uống và không đòi tôi phải thay đổi món gì rắc rối. Họ ngoan ngoãn ăn hết tất cả những món mà tôi bày lên bàn, không rầy rà gì về khả năng nấu nướng của tôi và không bao giờ chế nhạo tôi.
Đối với Veronika Kuzminichna thì đúng như tôi đã dự đoán: chúng tôi giữ mối quan hệ thân hữu ở mức bình thường.
Nói chung bà là một người khô khan, thực sự biết tự kiềm chế. Niềm vui lớn nhất của bà, lẽ sống cao nhất đối với bà là công việc của bà. Chỉ sau đó, ở vị trí thứ hai, mới đến con trai.
Anh yêu mẹ theo cách riêng của mình. Anh gọi bà là “Lomonosov của chúng ta”, “Faraday của chúng ta”. Anh bông đùa về những bộ quần áo đôi khi khá kỳ cục của bà (bà hoàn toàn không có óc thẩm mỹ và chẳng hiểu biết gì về chuyện ở vào tuổi bà thì đồ gì có thể mặc được, đồ gì thì không nên). Tuy nhiên, tôi thấy anh gắn bó với bà và mỗi khi bà đi công tác mà lâu không có tin tức là anh thực sự lo lắng.
Vả chăng nỗi lo lắng của anh còn do một nguyên nhân khác: anh hiểu mẹ anh là nguồn sức mạnh chính bảo đảm sự cân bằng nhất định về nhu cầu vật chất của anh.
Lương tôi kiếm được không nhiều, học bổng của Valentin dĩ nhiên lại càng ít, và chủ yếu chúng tôi sống bằng lương của bà. Hơn nữa, chẳng bao lâu sau Valentin buộc phải bỏ câu lạc bộ sáng tác - việc học ở Học viện không để anh còn chút thời gian nào dành cho công việc thường xuyên vào mỗi buổi tối ở đó nữa.
Mỗi khi nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ của mình, tôi không khỏi băn khoăn:
“Tôi đã hạnh phúc hay không? Valentin đã từng yêu tôi chưa? Anh đối với tôi nói chung là như thế nào?”
Và lần nào tôi cũng tự trả lời mình:
- Có, tôi có hạnh phúc! Trước hết là vì tôi đã yêu. Nhưng cả anh cũng yêu tôi nữa, nhất định là có yêu!
Những khi chúng tôi cãi nhau, anh là người đầu tiên đề nghị hòa giải. Và anh nói rằng anh không thể chịu nổi chuyện bất hòa giữa chúng tôi.
Tôi tin anh và hẳn thực sự cũng đúng như vậy.
Veronika Kuzminichna là một người sáng suốt và công bằng. Mặc dù Valentin là con ruột của bà, nhưng bà đối xử một cách khách quan đối với anh. Đó mới là người hoàn toàn không bị mù quáng bởi tình mẫu tử. Nhưng cũng có thể đó chính là biểu hiện cao nhất của tình yêu - nhìn thấy rõ mọi khuyết điểm mà vẫn cứ yêu chăng? Bởi tôi cũng nhìn thấy hết, cả chuyện anh yêu bản thân mình trước nhất, cả chuyện anh biết điều chỉnh rất nhanh những xúc động tâm hồn và biết cân nhắc mọi hành động của mình, và hình như không phải lúc nào cũng chân thành. Và thế thì sao nào? Chẳng một ai, không một thứ trở ngại nào ngăn nổi chuyện tôi vẫn yêu anh…
Tôi nhớ anh đã ghen tuông với tôi như thế nào. Có một lần chúng tôi đến dự tối vui ở Học viện của anh. Nhiều người mời tôi nhảy, và tôi nhảy suốt buổi, còn anh thì không thích nhảy. Anh đứng xa xa ngắm tôi nhảy. Anh ráng hết sức để che giấu nỗi ghen tuông của mình, nhưng nó vẫn cứ lộ ra - thậm chí trong cả cái nhìn mà anh hướng về phía tôi…
Thoạt tiên, tôi thấy sung sướng: ghen à? Vậy có nghĩa là yêu, đúng là yêu! Vậy tôi là quý giá đối với anh, tôi là cái quan trọng nhất trong đời anh!
Và mặc dù tôi phải phát khóc lên sau đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc bởi tôi hiểu rằng anh đã yêu tôi.
Và tôi còn nghĩ thế này nữa: Anh Valentin ơi, lẽ nào anh lại không hiểu được rằng em chẳng cần một ai khác ngoài anh sao?
Đôi khi tôi có cảm tưởng là mình đã bị kết án phải yêu anh suốt đời. Dù có chuyện gì đi nữa thì tôi sẽ vẫn không hết yêu anh.
Thế thì tốt hay xấu? Ai có thể mách bảo giúp tôi?
Đã nhiều lần tôi phải nghe Veronika Kuzminichna gọi Valentin là “kịch sĩ”.
- Con đúng là kịch sĩ. - Bà nói bằng thứ giọng rõ ràng của người giảng bài quen nói trước đám đông. - Con lúc nào cũng sắm vai và mẹ e rằng con cứ sắm vai nhiều quá rồi không khéo con lại tin rằng mình chính là cái vai đó.
Còn anh thì cười.
- Thế thì quá tốt. Nếu mẹ nghĩ như thế là con tin vào mình thì còn mong muốn gì hơn nữa? Hóa ra không phải là con đang sắm vai gì hết, và chẳng phải kịch sĩ nào cả, mà con đích thực là một cá nhân có bản sắc chân thực!
Khi được biết tôi đã có thai, lúc đầu anh mừng rỡ. Sau đó, anh cân nhắc kỹ và quyết định rằng hãy còn sớm cho việc chúng tôi có con.
Tôi hiểu anh không chỉ thuyết phục với riêng tôi mà còn với chính bản thân anh nữa. Anh cũng muốn có con, tôi tin anh sẽ yêu nó, nhất định là sẽ yêu, nhưng địa vị của chúng tôi còn chưa vững vàng và suy cho cùng thì chưa thể có con được một khi anh vẫn còn đang học, còn tôi thì dạy ở trường.
Khi chúng tôi quyết định rồi, tôi thấy anh đau khổ, thậm chí còn đau khổ nhiều hơn cả tôi nữa.
Tôi nhớ, anh đưa tôi tới bệnh viện ở đường Volokolam. Anh nhìn tôi bằng cặp mắt đau khổ, và tôi cảm thấy chỉ cần một chút xíu nữa là anh sẽ nói:
- Thôi, chẳng cần gì hết, ta về đi thôi…
Nhưng không, không thể làm thế được. Và tôi bước ra khỏi xe, đi nhanh đến chỗ bệnh nhân, còn anh nhìn theo tôi, và khuôn mặt anh buồn đến nỗi tim tôi những muốn tan nát…
Rồi hai ngày sau, anh đưa tôi về nhà và tỏ ra rất dịu dàng, hết sức chăm chút tôi.
Cứ giây lát anh lại ngó tôi. Tôi bắt gặp cái nhìn đầy ngạc nhiên của anh, tựa hồ như anh vừa mới nhận ra tôi và còn chưa hiểu tôi là ai đối với anh…
Chúng tôi sống hòa thuận trong một vài ngày. Anh tỏ ra âu yếm tôi cho đến khi lại nổi nóng vì một chuyện vớ vẩn nào đó. Anh la hét tôi, tôi không nhịn được, đáp lại anh gay gắt. Anh cũng không chịu im lặng. Kết quả là chúng tôi cãi nhau to và mấy ngày liền không thèm nói chuyện với nhau.
Cái người đã nói rằng: “Lượng nhất định sẽ chuyển thành chất” thật rất có lý.
Bởi những cuộc cãi cọ, bất hòa, những chuyện hiểu lầm vặt vãnh giữa chúng tôi cứ tăng thêm mãi, bắt đầu làm thương tổn đến mối quan hệ của chúng tôi.
Càng về sau thì những vết xước - hệ quả những cuộc cãi lộn của chúng tôi - càng trở nên sâu hơn, chúng càng làm cho chúng tôi cảm thấy đau đớn hơn cho cả hai.
Chính tôi cũng không ngờ cái chuyện xảy ra ở cửa hàng thể thao Dynamo lần ấy lại gây cho tôi ấn tượng mạnh đến thế.
Tưởng chừng như chuyện ấy thì ăn nhằm gì đến tôi? Bởi nó không trực tiếp đụng chạm tới tôi chút nào. Anh lựa cần câu và trong khi chọn, lấy từng cái một để thử độ dẻo của nó, hay như cách anh nói, thử độ nhạy của nó.
Anh chẳng kể đến ai xung quanh hết, không nhìn một ai hết, mà trong khi đó ở cửa hàng đang có nhiều người, anh có thể đụng vào và làm xây xát người ta, hoặc đập cần câu vào mặt một ai đó.
Tôi ngó khuôn mặt sinh động, hơi rám nắng của anh, vào cánh tay ngăm đen của anh đang vung cần câu và nghĩ thầm: “Anh đang hoàn toàn chỉ biết đến mình, anh là loại người chỉ vươn tới quyền lợi bản thân, ích lợi cho riêng mình, còn mặc xác những người xung quanh”.
Lúc ấy tôi thấy giận anh hết mức, nhưng anh đã thuyết phục được tôi và tôi đã tha thứ cho anh, bởi tôi hiểu rằng ở một mức độ nào đó anh hãy còn hoàn toàn là đứa trẻ thơ. Đúng thế, một đứa trẻ lớn xác, không có giáo dục lắm, chỉ thích làm việc gì mà riêng mình thấy thú vị, hấp dẫn thôi…
Và khi tôi hiểu ra điều đó, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn nhiều.
Nhưng chuyện rắc rối với dì Zina đột nhiên làm tràn đầy ly nước.
Tưởng chừng như đó là chuyện va chạm nhỏ nhặt giữa những người bà con. Chuyện cũng thường tình, lẽ nào không đúng vậy sao?
Và lại không hề đụng chạm đến tôi...
Nếu thế thì tại sao tôi lại bùng nổ giận dữ đến vậy? Mặc dù tựa hồ như chúng tôi đã làm lành với nhau, nhưng tại sao lại vẫn còn đọng lại dấu vết và tôi không làm sao quên được mọi chuyện, lúc nào trước mắt tôi cũng hiện ra khuôn mặt của dì Zina với nụ cười bối rối đáng tội nghiệp của bà. Quả thực là dì đã quên xóa đi nụ cười trên khuôn mặt. Đứa cháu đã hỗn với dì, ném vào mặt dì những lời gay gắt, nhưng để đáp lại dì vẫn cứ cười tươi. Và cái đó thật kinh khủng.
Tôi đã nói rằng, nếu đó không phải là dì Zina mà là một ai khác có tầm cỡ hơn, có trọng lượng hơn, thì không đời nào Valentin dám cư xử như thế. Chắc chắn không đời nào dám thế!
Cả lần này chúng tôi cũng lại làm lành với nhau, nhưng vết thương vẫn còn rớm máu và trong tâm trí, tôi luôn trở lại với trường hợp của dì Zina.
Veronika Kuzminichna có lần đã nói rằng đôi khi cả kịch sĩ tài ba nhất cũng không nhập vai được nữa. Mệt mỏi vì sắm vai mãi hay sao đó, hay cũng có khi đơn giản là đến lúc nào đó bỗng muốn - bất chấp mọi chuyện - sống một lần như bản chất mà mình vốn có trong thực tế.
Có thể là lần ấy xảy ra như thế chăng? Valentin hết muốn sắm vai nữa và đã hiện ra nguyên hình của mình?
Nhưng ngay cả mẹ anh, biết rõ tất cả những điều đó, vẫn cứ yêu anh. Rất yêu.
Nhưng còn tôi, lẽ nào tôi không yêu anh sao? Lẽ nào anh không phải là thân thiết, quý báu đối với tôi sao?
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét