Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Giao lộ sinh tử - (Chương 9, 10)

Giao lộ sinh tử  

Tác giả: Dean Koontz
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011

Chương 9

Camp’s End thực chất không phải là một thị trấn mà là vùng lân cận của thị trấn Pico Mundo, nơi đó là ký ức sống động về một thời gian khổ ngay cả khi những người còn lại trong cộng đồng chúng tôi đang trải qua giai đoạn kinh tế phát đạt. Bãi cỏ xơ xác nhiều hơn xanh tốt, có nơi chỉ là sỏi đá. Hầu hết những ngôi nhà nhỏ hẹp cần lớp vữa mới, nước sơn mới và đợt ngưng chiến với mối mọt.
Các ngôi nhà tạm bợ được dựng lên tại đây vào cuối những năm 1800, thời điểm nhóm tìm kiếm có nhiều mộng tưởng hơn trí thông minh đã bị lôi kéo đến nơi này bởi mỏ bạc và những lời đồn thổi về mỏ bạc. Họ khám phá được cơ man toàn tin vịt.
Thời gian trôi qua, khi nhóm tìm kiếm trở thành huyền thoại và không còn tìm được ai bằng xương bằng thịt nữa, các ngôi nhà tạm bợ dãi dầu mưa nắng bị thay thế bằng nhà tranh, nhà gỗ lợp ván và nhà gỗ mái ngói.
Tuy nhiên tại Camp’s End, công cuộc nâng cấp chuyển hướng sang phá hủy nhanh hơn nơi khác. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, vùng lân cận vẫn giữ nguyên nét đặc trưng cơ bản, một diện mạo chưa làm tiêu tan cũng như cạn kiệt sức chịu đựng: cả khu vực lún xuống, bong tróc, gỉ sét, hoang vu, bạc thếch nhưng không bao giờ hoàn toàn tuyệt vọng trong hoàn cảnh khốn khổ.
Bất hạnh dường như rỉ ra từ chính mặt đất, như thể nơi trú ngụ của diêm vương ở địa ngục nằm ngay bên dưới những con đường này, gác xép nghỉ ngơi của Ngài đặt quá gần lớp bề mặt bên ngoài đến mức hơi thở hôi thối bật ra theo từng tiếng ngáy đã ngấm lên đất đai.
Điểm dừng chân của Gã Nấm là một ngôi nhà gỗ nhỏ trát vữa vàng nhạt, cánh cửa chính màu xanh dương phai mờ. Nhà để xe nghiêng ngả như thể sức nặng của riêng ánh nắng đã đủ đánh sập nó.
Tôi dừng xe bên này đường, đối diện ngôi nhà, trước khoảnh đất trống đầy những cây cà độc dược và những cây mâm xôi khô héo, đan kết chồng chéo như cái bẫy bắt những kẻ mơ mộng. Nhưng chúng chỉ bắt được mớ giấy báo nhàu nát, vỏ lon bia và một thứ trông như một cái quần lót ống rộng của đàn ông bị xé tả tơi.
Trong lúc tôi hạ cửa sổ xe xuống và tắt động cơ, tôi thấy Gã Nấm mang kem và mấy gói đồ khác vào nhà. Gã vào bằng lối cửa phụ nằm dưới bóng mát nhà để xe.
Chiều mùa hè ở thị trấn Pico Mundo kéo dài và nóng nực với chút hy vọng có gió nhưng đừng trông ngóng trời mưa. Tuy đồng hồ trên tay tôi và đồng hồ trong xe hơi đều thống nhất chỉ số 4:48 nhưng ánh nắng thiêu đốt kia vẫn trải dài phía trước.
Dự báo thời tiết buổi sáng thông báo nhiệt độ cao nhất lên đến một trăm mười độ, [110 độ Fahrenheit = 43,3 độ Celcius], con số chưa từng có ở sa mạc Mojave. Tôi nghi ngờ dự báo đó đã nói quá.
Trong khi những bà con bạn bè thích khí hậu mát mẻ kinh ngạc trước mức nhiệt độ đó thì cư dân thị trấn Pico Mundo xem đấy là trạng thái khí tượng học tốt đẹp, lưu ý rằng độ ẩm chỉ có mười lăm hay hai mươi phần trăm. Họ khăng khăng bảo rằng một ngày hè ở mức trung bình không giống phòng xông ướt ngột ngạt mà chỉ như phòng xông khô khiến cơ thể khoan khoái.
Ngay cả trong bóng râm của cây nguyệt quế Ấn Độ khổng lồ già nua có phần rễ chắc chắn đủ sâu để hút nước sông Styx, [Con sông dưới địa ngục, ranh giới giữa thế giới của người sống và người chết], tôi cũng không thể vờ như mình đang lười nhác nằm trong phòng xông khô. Tôi có cảm giác hệt đứa trẻ thơ thẩn đi vào ngôi nhà hào nhoáng của mụ phù thủy trong Khu rừng hắc ám và bị tống vào lò nướng đang chỉnh ở chế độ lửa nhỏ.
Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi chạy qua nhưng không người khách bộ hành nào xuất hiện.
Không trẻ con nô đùa. Không vị chủ nhà nào đánh bạo ra ngoài lăng xăng bên khu vườn quắt queo.
Một chú chó lê lết bò qua, đầu cúi thấp, lưỡi lè ra như đang ngoan cố lần theo ảo tưởng về một con mèo.
Chẳng mấy chốc khi tôi ngồi trong vũng mồ hôi, cơ thể tôi sẽ cung cấp phần độ ẩm mà không khí còn thiếu.
Lẽ ra tôi có thể khởi động chiếc Mustang và bật máy điều hòa nhưng tôi không muốn phí phạm xăng của cô Terri hay làm động cơ quá nóng. Hơn nữa, bất kỳ cư dân sa mạc nào cũng biết quá trình lặp đi lặp lại hết nung nóng rồi lại làm mát có thể tôi luyện một số kim loại, nhưng điều đó sẽ làm nhụt chí con người.
Bốn mươi phút sau, Gã Nấm tái xuất hiện. Gã khóa cánh cửa phụ của ngôi nhà, việc đó cho thấy trong nhà không còn ai, rồi gã vào ngồi sau vô lăng chiếc Explorer đầy bụi.
Tôi trượt người xuống ghế, thấp hơn thành cửa sổ, lắng tai nghe trong lúc chiếc SUV chạy qua và để lại vệt âm thanh nhỏ dần rồi im bặt.
Băng qua phía ngôi nhà vàng nhạt, tôi không quá lo chuyện bị theo dõi từ những khung cửa sổ nhuộm nắng dọc theo con đường. Sinh sống ở Camp’s End tạo nên sự xa lánh hơn là tinh thần cộng đồng cần có để hình thành lực lượng dân phòng.
Thay vì đi tới cửa chính màu xanh dương và gây ra sự chú ý đặc biệt cho mọi người, tôi nhắm đến bóng mát nhà để xe và gõ lên cánh cửa phụ Gã Nấm đã sử dụng. Không ai trả lời.
Nếu cánh cửa khóa chặt như nêm, tôi đã phải phá tung cửa sổ. Đối mặt với then cài sơ sài, như bao thanh niên Mỹ khác, tôi tự tin mình đã được những bộ phim về cảnh sát trên ti-vi dạy rất kỹ rằng tôi có thể dễ dàng chui tọt vào nhà.
Để đơn giản hóa cuộc sống, tôi không mở tài khoản ngân hàng và chỉ thanh toán bằng tiền mặt; thế nên tôi không có thẻ tín dụng. Bang California đã chu đáo cấp cho tôi một tấm bằng lái cán mỏng đủ cứng để cạy khóa.
Đúng như tiên đoán, gian bếp không phải nơi tôn thờ kiểu trang trí của Martha Stewart, [Chuyên gia về mảng khéo tay hay làm] hay chủ nghĩa sạch sẽ. Nơi này rõ ràng cũng không thể gọi là chuồng heo; nó chỉ tệ hại bởi tình trạng bừa bộn tổng thể, đây đó là những mẩu bánh vụn, tặng phẩm dành cho bầy kiến nếu chúng muốn ghé thăm.
Một mùi thoang thoảng nhưng khó chịu phảng phất trong không khí mát mẻ. Tôi không thể nhận biết nó bắt nguồn từ đâu, thoạt đầu tôi tưởng đó hẳn là hương thơm độc nhất vô nhị của Gã Nấm, vì xem ra gã là người bốc ra thứ mùi lạ lùng và độc hại nếu không phải thứ mùi chết người.
Tôi không biết mình tìm kiếm gì nơi đây, nhưng tôi mong sẽ nhận ra thứ đó nếu nhìn thấy. Một thứ lôi cuốn bọn ông kẹ đi theo người đàn ông này và tôi theo chân chúng với hy vọng khám phá manh mối dẫn tới lý do tạo nên sự quan tâm nơi bọn chúng.
Sau khi đảo quanh gian bếp, cố gắng nhưng không thể tìm thấy ẩn ý trong một cốc cà phê nguội lạnh đã vơi nửa, một vỏ chuối sạm đen vứt trên thớt, đống chén đĩa bẩn trong chậu rửa, những thứ thông thường nằm trong ngăn kéo và tủ đựng thức ăn, tôi nhận ra không khí không chỉ mát mẻ mà còn ớn lạnh một cách khó lý giải. Phần lớn mồ hôi trên lớp da phơi trần của tôi đã khô. Sau gáy có cảm giác như đóng băng.
Khó lý giải sự giá lạnh bao trùm vì thậm chí tại sa mạc Mojave, nơi máy điều hòa là thứ thiết yếu thì một ngôi nhà cũ kỹ và xoàng xĩnh tại đây hiếm khi có được hệ thống làm mát tập trung. Những dàn máy điều hòa dạng khung cửa sổ, mỗi cái nằm một hốc, là chọn lựa có thể chấp nhận cho phần trang bị thêm tốn kém tại một nơi trú ngụ không đáng tiêu pha.
Gian bếp không có những dàn máy dạng cửa sổ đó.
Thường tại một ngôi nhà như thế này, người ta chỉ làm mát không gian khi đêm xuống và chỉ trong phòng ngủ. Nếu không sẽ khó lòng chợp mắt. Song máy điều hòa gắn trong phòng ngủ không thể làm mát toàn bộ ngôi nhà, ngay cả một ngôi nhà bé tẹo như nơi đây. Dứt khoát máy điều hòa không thể ướp lạnh gian bếp.
Vả lại, dàn máy điều hòa sẽ làm ồn: tiếng bình bịch và vo vo của máy nén không khí, tiếng lách cách của quạt gió. Ở đây tôi không nghe âm thanh nào như thế cả.
Trong lúc tôi đang ngẩng đầu nghe ngóng, ngôi nhà chìm trong thinh lặng. Bỗng nhiên tôi nhận ra sự tĩnh mịch này không bình thường.
Lẽ ra đôi giày của tôi phải gây tiếng động trên tấm vải lót sàn đã rạn, lớp ván sàn long ra do thời gian, sức nóng và sự khô hanh gây co rút. Vậy mà tôi di chuyển êm ru như con mèo đi trên tấm đệm.
Xét lại, tôi nhận thấy cửa ngăn kéo và tủ đựng thức ăn đóng mở với âm thanh vô cùng khẽ khàng, như thể chúng được lắp đặt loại khe trượt và bản lề không ma sát.
Khi tôi tiến đến cánh cửa để mở nằm giữa gian bếp và phòng bên, không khí lạnh dường như dày đặc hơn, khiến sự truyền dẫn âm thanh bị bóp nghẹt hơn nữa.
Phòng khách thưa thớt đồ đạc xem ra cũng tồi tàn và bừa bộn hệt gian bếp. Những quyển sách cũ mòn vẹt, chắc chắn mua từ hiệu sách cũ, và mớ tạp chí vương vãi khắp sàn nhà, ghế dài, bàn cà phê.
Mấy quyển tạp chí là thứ bạn có thể dự đoán. Ảnh phụ nữ khỏa thân nổi bật giữa loạt bài báo về các môn thể thao mạo hiểm, xe đua tốc độ và những chiêu dụ dỗ đáng khinh, vây quanh tất cả là mớ quảng cáo về thảo mộc cường dương, về những dụng cụ bảo đảm làm gia tăng kích cỡ cho một bộ phận cơ thể được cánh mày râu vô cùng yêu quý, nói thế tôi không ám chỉ đến bộ não đàn ông.
Bộ phận cơ thể tôi yêu quý chính là trái tim vì đó là thứ duy nhất tôi phải trao cho Stormy Llewellyn. Hơn nữa, khi tôi thức dậy mỗi sáng, nhịp đập của nó là bằng chứng đầu tiên rõ ràng nhất cho thấy suốt đêm qua, tôi chưa gia nhập cộng đồng những người chết còn ngoan cố nán lại trần gian.
Đống sách khiến tôi ngạc nhiên. Chúng là tiểu thuyết lãng mạn. Xét theo hình minh họa ngoài bìa, những quyển sách này nghiêng về thể loại đàng hoàng, kiểu mà trong đó bộ ngực phụ nữ hiếm khi nhô ra và áo lót không thường xuyên bị xé toạc. Những câu chuyện liên quan đến tình yêu nhiều hơn tình dục, và chúng đối kháng đặc biệt với mớ tạp chí đầy rẫy hình phụ nữ khoe ngực, duỗi chân, liếm môi khêu gợi.
Khi tôi nhặt một quyển sách lên và lật xem qua, những trang sách lướt nhanh không hề phát ra tiếng động.
Dường như tôi không thể nghe thấy gì khác ngoài âm thanh trong cơ thể mình: tiếng tim đập thình thịch, tiếng máu chảy ào ào vang lên bên tai tôi.
Đúng ra tôi phải bỏ đi ngay lúc ấy. Hiệu ứng bóp nghẹt âm thanh kỳ quái của không khí thâm hiểm trong ngôi nhà này lẽ ra phải khiến tôi hoảng sợ.
Vì đặc trưng cuộc đời tôi là những trải nghiệm lạ lùng, đầy ắp như mùi thịt hun khói và tiếng xèo xèo của mỡ trên vỉ nướng nên tôi không dễ bị hù dọa. Chưa kể tôi thừa nhận mình có khuynh hướng luôn đầu hàng trước tính tò mò, dù đôi lúc cũng thấy ân hận.
Lật giở những trang tiểu thuyết lãng mạn im lìm, tôi nghĩ có thể Gã Nấm không sống một mình ở đây. Mấy quyển này biết đâu là tủ sách yêu thích của bạn gái gã.
Triển vọng đó không được củng cố qua những chứng cớ trong phòng ngủ. Tủ quần áo chứa mỗi đồ của gã. Giường chưa dọn dẹp, đồ lót và tất của ngày hôm qua vứt lung tung, nho khô Đan Mạch ăn dở nằm trong cái đĩa giấy đặt trên bàn cạnh giường, những điều ấy bác bỏ sự hiện diện truyền bá văn minh của một phụ nữ.
Máy điều hòa gắn trong hốc tường không hoạt động. Không làn gió nhẹ nào bay ra từ miệng thổi của máy.
Tại đây, mùi hôi thối thoang thoảng lúc đầu tôi ngửi thấy trong bếp trở nên nồng nặc hơn, gợi nhớ đến mùi dây điện chập mạch, nhưng không hẳn chỉ có vậy, còn thoáng mùi amoniac và chút ít vụn than cùng luồng hơi mùi hạt nhục đậu khấu, nhưng không rõ ràng là một mùi nào trong số kể trên.
Hành lang ngắn dùng làm phòng ngủ cũng dẫn đến phòng tắm. Tấm gương cần được lau chùi. Trên kệ, ống kem đánh răng không được đậy kín. Một sọt rác nhỏ đầy khăn giấy đã sử dụng và mấy thứ rác khác.
Từ phòng ngủ nhìn sang bên kia hành lang còn thêm một cánh cửa nữa. Tôi cho rằng nó dẫn tới tủ quần áo hoặc căn phòng ngủ thứ hai.
Ở ngưỡng cửa, không khí rét buốt đến mức tôi có thể nhìn thấy hơi thở của mình, một luồng hơi nhợt nhạt.
Tôi áp lòng bàn tay vào núm cửa lạnh băng và xoay tròn. Đằng kia, cơn lốc của sự tĩnh lặng hút âm thanh cuối cùng ra khỏi tai tôi, trong phút chốc tai tôi điếc đặc, bất chấp nỗ lực làm việc của trái tim.
Căn phòng tối đen chờ tôi.

Chương 10

Suốt hai mươi năm qua, tôi đã có mặt ở rất nhiều nơi u tối, có chỗ thiếu nguồn vui, có chỗ không có niềm hy vọng. Theo kinh nghiệm bản thân thì không nơi nào u tối hơn căn phòng xa lạ trong ngôi nhà của Gã Nấm này.
Căn phòng không có cửa sổ hoặc tất cả cửa sổ đều bị bít chặt và che kín trước mọi ánh nắng tọc mạch. Không một ngọn đèn tỏa sáng. Trong cái âm u thăm thẳm ấy, nếu có một cái đồng hồ điện tử với mặt số phát sáng thì ánh sáng yếu ớt của những con số sẽ trông như đèn hiệu chói lóa.
Đứng tại ngưỡng cửa, tôi nheo mắt nhìn vào chỗ toàn một màu đen tối, đến mức tôi có cảm tưởng không phải tôi đang săm soi một căn phòng mà là một không gian chết chóc tại miền vũ trụ xa xôi, nơi các tinh tú cổ xưa đã cháy thành tro bụi. Cái lạnh thấu xương thấm sâu vào nơi này hơn những chỗ khác trong nhà và sự lặng thinh ngột ngạt cũng biện minh rằng đây chính là ga tàu hoang vắng nằm lạc lõng giữa các vì sao.
Quái lạ hơn hết thảy, ánh sáng ngoài hành lang không thể lọt vào địa hạt sau cánh cửa dù một tia nhỏ nhoi. Ranh giới giữa nơi có ánh sáng và chỗ tuyệt đối tối đen sắc nét như đường thẳng được kẻ trên gờ tường của ngưỡng cửa, lên thanh dọc và sang bên kia viên gạch. Bóng tối hoàn hảo không chỉ kháng cự mà còn đẩy lùi hoàn toàn sự xâm nhập của ánh sáng.
Đây dường như là bức tường làm bằng thứ đá núi lửa đen tuyền nhất, dù đá này thiếu độ bóng và ánh kim.
Tôi không bạo gan. Nếu tôi bị ném vào chuồng một con hổ đói, mà tôi thoát được, chắc chắn tôi cũng sẽ cần bồn nước tắm và quần mới sạch sẽ như bao người.
Thế nhưng đường đời khác thường khiến tôi e sợ những mối đe dọa đã biết và hiếm khi e sợ những mối đe dọa chưa biết, trong khi hầu hết mọi người e sợ cả hai.
Lửa khiến tôi sợ, đúng thế, động đất, và những con rắn độc. Con người khiến tôi sợ hơn bất cứ gì khác vì tôi biết quá rõ những hành động tàn ác mà con người có thể gây ra.
Tuy nhiên đối với tôi, các bí ẩn mang tính đe dọa nhất về sự tồn tại đó là cái chết và điều xảy ra sau đó lại không chứa nhân tố gây sợ hãi vì tôi đối phó với cái chết mỗi ngày. Hơn nữa tôi có niềm tin rằng nơi cuối cùng tôi đi đến không chỉ đơn thuần là chốn quên lãng.
Trong những bộ phim kinh dị, bạn có xỉ vả các nhân vật bị bao vây hãy lập tức ra khỏi ngôi nhà ma, hãy khôn lanh và bỏ đi không? Họ chúi mũi vào những căn phòng có lịch sử án mạng đẫm máu dính líu đến những căn gác xép lơ lửng mạng nhện và hồn ma, đặt chân xuống những tầng hầm lúc nhúc gián và ác quỷ. Và đến khi họ bị chặt-đâm-moi-chém-thiêu với kiểu cường điệu thực tế nhằm hài lòng những đạo diễn “khùng” nhất Hollywood, chúng ta sẽ há hốc mồm, run bắn người rồi kêu lên “Đồ ngốc” bởi họ đã ngu dại tự chuốc lấy cái chết thê thảm.
Tôi không ngu dại mà là một người không bao giờ chạy trốn khỏi những nơi bị ma ám. Món quà đặc biệt về khả năng nhìn thấy những điều huyền bí được trao từ khi tôi vừa chào đời đã thúc ép tôi khám phá và tôi không thể cưỡng sự đòi hỏi của năng lực đó như một thần đồng âm nhạc không thể cưỡng lại sức hút ghê gớm của cây đàn; tôi không lùi bước trước những nguy hiểm chết người như viên phi công trên máy bay chiến đấu hăm hở lao vào bầu trời chinh chiến khốc liệt.
Đây là một phần của lý do vì sao đôi khi Stormy băn khoăn không biết cái mà tôi gọi là món quà thật ra có phải là một lời nguyền hay không.
Cận kề ranh giới đêm đen đặc quánh, tôi giơ tay phải như thể đang tuyên thệ và đưa lòng bàn tay đến rào cản hiển hiện trước mặt. Dù bóng tối gạt đi ánh sáng nhưng nó không hề đưa sức chống đỡ đối với lực ép tôi gây nên. Bàn tay tôi biến mất trong vùng tối đen như hắc ín.
“Biến mất” ở đây có nghĩa tôi không nhận thấy một cảm giác nào, ngay cả mơ hồ nhất, của những ngón tay đang động đậy bên kia kề mặt bức tường tối tăm. Cổ tay tôi đột ngột nằm trơ ra phía tận cùng như bị cụt.
Thú thật lúc ấy tim tôi đập loạn xạ, cho dù tôi không thấy đau đớn và tôi đã thở phào nhẹ nhõm, mà không phát ra tiếng, khi rút tay về và nhìn toàn bộ mấy ngón tay còn nguyên vẹn. Tôi cảm tưởng như vừa thoát khỏi màn ảo giác do Penn và Teller, cặp bài trùng tự xưng là nhà ảo thuật, biểu diễn.
Thế nhưng khi bước qua ngưỡng cửa, một tay nắm chặt cánh cửa, tôi không đi vào vùng ảo giác mà là một nơi có thật nhưng trông huyền ảo hơn hẳn mọi giấc mơ. Bóng tối phía trước vẫn thuần khiết một cách kỳ lạ; cái lạnh không giảm đi và sự thinh lặng thực sự đầy nghẹt như máu đông lại trong tai một người chết do bị bắn vào đầu.
Từ ngoài cửa không mảy may nhận biết được chút gì trong căn phòng, nhưng tôi có thể từ trong này nhìn trở ra và thấy hành lang dưới ánh sáng bình thường, thông suốt. Hình ảnh ấy soi rọi vào căn phòng chẳng hơn gì một bức tranh vẽ quang cảnh đầy nắng.
Tôi vừa muốn vừa không muốn Gã Nấm quay về và trố mắt nhìn vào phần thân thể duy nhất của tôi giờ đây còn thấy được nếu đứng từ ngoài kia: những ngón tay quặp lại bấu chặt cứng cánh cửa. May thay tôi vẫn một mình.
Vỡ lẽ rằng mình có thể nhìn thấy lối ra hành lang và như vậy có thể tìm được đường thoát nên tôi buông tay khỏi cửa. Bước hẳn vào trong căn phòng không ánh sáng và quay lưng lại với hành lang, lập tức tôi trở thành người vừa mù vừa điếc.
Không âm thanh cũng không tầm nhìn, tôi nhanh chóng mất phương hướng. Tôi sờ soạng tìm công tắc đèn, khi tìm thấy, tôi bật lên, tắt xuống rồi lại bật lên nhưng vô ích.
Tôi dần để ý đến một tia sáng nhỏ màu đỏ mà tôi chắc chắn khi nãy nó không có ở đó: màu đỏ đầy sát khí của một ánh mắt u ám và khát máu, dù đấy không phải là ánh mắt.
Khả năng cảm nhận thực tế không gian và khả năng đo khoảng cách chính xác đã rời bỏ tôi, vì đèn hiệu bé tí kia dường như cách tôi đến cả mấy dặm, nó hệt ánh sáng trên cột buồm của một con tàu xa tít tắp giữa biển đêm. Tất nhiên ngôi nhà nhỏ nhắn này không thể chứa đựng khoảng không bao la đến mức như tôi tưởng tượng trước mắt.
Khi thả tay khỏi công tắc đèn vô dụng, tôi thấy lâng lâng uể oải như kẻ nghiện rượu không may bị hơi men bơm phồng lên. Đôi chân dường như không còn chạm hẳn xuống sàn nhà khi tôi kiên quyết đến gần tia sáng màu đỏ.
Ước ao có cơ hội ăn lại món kem dừa anh đào sôcôla, tôi tiến lên sáu bước, mười bước, hai mươi bước. Ngọn đèn hiện không gia tăng kích cỡ mà thực tế có vẻ còn lùi xa khỏi tôi với tốc độ đúng y vận tốc của tôi.
Tôi dừng chân, quay lại nhìn cánh cửa. Tuy không đến gần được tia sáng, nhưng xem ra tôi đã đi khoảng hơn mười hai mét.
Thú vị hơn cả chuyện khoảng cách là việc giờ đây có một bóng người đứng ở cánh cửa mở toang. Không phải Gã Nấm. Người được ánh sáng ngoài hành lang chiếu vào lưng chính là... tôi.
Cho dù những bí ẩn của vũ trụ không khiến tôi thất kinh hồn vía nhưng tôi không mất khả năng ngạc nhiên, sửng sốt và sợ hãi. Giờ đây, nguyên toàn bộ bàn phím tâm trí tôi đang tấu bản hợp xướng gồm ba cảm giác đó.
Tin chắc rằng đây không phải cảnh tượng trong gương và rằng tôi thực sự đang nhìn chằm chằm một “tôi” khác, tuy nhiên tôi vẫn kiểm tra độ chắc chắn bằng cách vẫy tay. Tên Odd Thomas kia không vẫy lại giống kiểu một hình ảnh phản chiếu lẽ ra phải làm.
Vì tôi đứng chìm trong bóng tối tràn ngập nên nó không thấy tôi, thế là tôi cố hét thật to về phía nó. Trong cổ họng tôi cảm nhận độ rung của dây thanh âm nhưng nếu có âm thanh nào phát ra thì chắc tôi cũng không thể nghe thấy. Ngoài ra rất có khả năng nó làm ngơ trước tiếng hét ấy.
Ngập ngừng hệt tôi khi nãy, tên Odd Thomas thứ hai này chìa bàn tay thăm dò vào thứ bóng tối sờ sờ, kinh ngạc giống tôi khi nãy trước ảo giác cụt tay.
Hành động xâm nhập rụt rè ấy có vẻ làm xáo trộn trạng thái cân bằng tinh vi, và căn phòng tối đen biến đổi đột ngột như trục của con quay, trong khi đó tia sáng đó ở vị trí trung tâm vẫn cố định. Chao đảo bởi những sức mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát, nhiều như vận động viên lướt sóng có thể văng khỏi ván khi con sóng lớn đánh ập xuống, tôi bị hất ra ngoài căn phòng khác thường ấy một cách thật thần kỳ và... rơi vào phòng khách tẻ ngắt.
Tôi ngỡ mình ngã phịch xuống nhưng không phải, tôi thấy mình đứng gần ngay vị trí đã đứng khi nãy. Tôi cầm một quyển tiểu thuyết lãng mạn lên. Như ban nãy, những trang sách không phát tiếng động và tôi chỉ nghe thấy âm thanh bên trong cơ thể, chẳng hạn tiếng tim đập thình thịch.
Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, tôi thuyết phục bản thân tin rằng đây quả thực là khi nãy. Tôi không những được chuyển đi từ căn phòng tối đen sang phòng khách một cách thần bí mà còn bị ném ngược trở về vài phút.
Vì thoáng chốc vừa rồi tôi đã nhìn thấy chính mình đứng ngoài cánh cửa ở hành lang, ngó vào bóng đêm đen kịt nên tôi cho rằng nhờ sự chiếu cố của điều dị thường nào đó trong các định luật vật lý, hai “tôi” hiện có mặt cùng lúc trong ngôi nhà này. Một tôi đứng đây với quyển tiểu thuyết của Nora Roberts [một trong những tác giả sáng tác nhiều nhất và nổi tiếng nhất] trong tay, còn “tôi” kia ở tại căn phòng đó.
Ngay từ đầu, tôi đã cảnh báo bạn là tôi sống một cuộc đời khác lạ rồi mà.
Vô số trải nghiệm kỳ quặc vào đầu óc và trí tưởng tượng của tôi một sự linh hoạt mà một số người gọi là bệnh điên. Sự linh hoạt ấy cho phép tôi thích nghi với các sự kiện nói trên và chấp nhận thực tế du hành vượt thời gian nhanh hơn bạn. Nói thế không phải tôi chê bai bạn, xét đến chuyện bạn đủ sáng suốt ra khỏi ngôi nhà ngay tức khắc.
Tôi không bỏ chạy. Tôi cũng không lập tức trở lại lộ trình ban đầu đi đến phòng ngủ của Gã Nấm, với đồ lót và tất vứt lung tung, nho khô Đan Mạch ăn dở nằm trên bàn cạnh giường, rồi bước sang phòng tắm.
Thay vì thế, tôi đặt quyển tiểu thuyết lãng mạn xuống và đứng im phăng phắc, thận trọng nghĩ ngợi hết những khả năng có thể xảy ra cuộc đối đầu với Odd Thomas kia, suy tính hợp lý hướng hành động an toàn nhất và phải lẽ nhất.
Thôi đi, chuyện này thật nhảm nhí. Tôi lo lắng về những khả năng có thể xảy ra thì được chứ tôi đâu đủ trải nghiệm kỳ quặc hay năng lực trí tuệ để hình dung hết thảy, nói chi đến chuyện tìm ra cách vẹn toàn nhất để né tránh tình huống quái gở.
Tôi né tránh rắc rối dở hơn đâm đầu vào nó.
Tại lối ra vào phòng khách, tôi dè dặt liếc nhìn về phía hành lang và phát hiện “tôi” kia đang đứng ở cánh cửa mở toang của căn phòng tối đen. Đây chắc hẳn là “tôi” khi nãy, lúc chưa bước qua ngưỡng cửa ấy.
Nếu lúc này tất cả âm thanh trong ngôi nhà bị thâu tóm hoàn toàn, có thể tôi đã lớn tiếng gọi tên Odd Thomas kia. Tôi không dám chắc làm vậy có khôn ngoan không và tôi thật biết ơn tình cảnh ngăn tôi kêu réo.
Giả sử nói chuyện được với nó, tôi cũng chẳng biết nói gì. Chả lẽ hỏi, “Ê, khỏe không?”
Nếu tôi bước lại gần và trao cho nó một cái ôm thắm thiết, biết đâu nghịch lý về hai Odd Thomas lập tức được giải quyết. Một trong hai chúng tôi sẽ biến mất. Hoặc cũng có thể cả hai nổ tung.
Những nhà vật lý lỗi lạc cho chúng ta biết hai vật thể, trong mọi hoàn cảnh, không thể nào ở cùng một nơi vào cùng một thời điểm. Họ cảnh báo rằng tất cả nỗ lực đặt hai vật thể ở cùng một nơi vào cùng một thời điểm đều dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Nghĩ chuyện đó mà xem, rất nhiều quy tắc vật lý cơ bản sẽ trở thành phát biểu chính thức quá ư vô lý. Bất kỳ kẻ say rượu nào cố đặt chiếc xe vào vị trí dựng cột đèn đều thành nhà vật lý có khả năng tự học.
Cứ cho là cả hai “tôi” không thể cùng tồn tại mà không xảy ra tai họa gì, chẳng lẽ cái viễn cảnh nổ tung nên tôi đứng nguyên ở lối ra vào, quan sát đến khi tên Odd Thomas kia bước qua ngưỡng cửa đi vào căn phòng đen tối.
Chắc chắn bạn nghĩ vào lúc Odd Thomas kia xuất phát, nghịch lý thời gian được giải quyết xong và cuộc khủng hoảng do những nhà khoa học dự báo thảm họa mô tả đã đến hồi kết. Thế nhưng tính lạc quan nơi con người bạn là kết quả từ thực tế bạn sống hạnh phúc trong thế giới năm giác quan. Khác với tôi, bạn không bị thúc ép hành động bởi thứ năng lực siêu linh mà bạn không hiểu và không thể kiểm soát được triệt để.
Bạn thật may mắn.
Ngay khi tên Odd Thomas kia đặt bước chân đầu tiên qua ngưỡng cửa, đi vào căn phòng không ánh sáng, tôi đến ngay cánh cửa để mở sau lưng nó. Tất nhiên tôi không thể nhìn thấy nó trong những bí ẩn của căn phòng tối đen, nhưng tôi cho rằng chẳng mấy chốc nó sẽ xoay người nhìn lại và thấy tôi, một sự kiện mà theo kinh nghiệm của tôi đã xảy ra y như thế.
Khi tôi đoán nó phát hiện ra tia sáng đỏ u ám và tiến khoảng hai mươi bước về phía đó, khi nó nhìn lại và thấy tôi đứng đây, tôi xem đồng hồ đeo tay để xác định khởi đầu cho tình huống này, chìa tay vào bóng đen tăm tối chỉ để chắc chắn rằng không cảm thấy gì khác biệt về địa hạt lạ lùng này, và rồi tôi bước qua cửa một lần nữa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét