Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Giao lộ sinh tử - (Chương 59, 60, 61, 62)

Giao lộ sinh tử

Tác giả: Dean Koontz 
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011

Chương 59

Bob Robertson không phải có một mà là đến hai cộng tác viên.
Có thể còn nhiều hơn. Có thể bọn chúng tự xưng là tổ chức của phù thủy, trừ khi cụm từ đó chỉ dành cho các mụ phù thủy. Bọn chúng chắc còn có ban nhạc quỷ dữ, sáng tác loại nhạc riêng để thờ cúng Chúa quỷ, mua bảo hiểm y tế theo nhóm, lấy phiếu giảm giá ở Disneyland.
Tại bữa tiệc nướng ở nhà cảnh sát trưởng, tôi không thấy ông kẹ nào lởn vởn quanh Bern Eckles. Sự hiện diện của chúng mách nước cho tôi về bản chất của Robertson nhưng không tiết lộ gì về hai tên đồng mưu, giờ bắt đầu có vẻ biến thành kẻ chủ mưu. Như thể bọn chúng đã nhận thức được năng lực của tôi. Như thể bọn chúng đã... thao túng tôi.
Sau khi lật Eckles nằm nghiêng để bảo đảm hắn không nghẹt thở bởi máu và nước miếng của chính hắn, tôi tìm thứ gì đó để trói tay chân hắn.
Tôi không mong hắn hồi tỉnh trong vòng mười phút.
Khi tỉnh lại, hắn sẽ lê lết, nôn mửa và van xin thuốc giảm đau, trong tình trạng ấy hắn không thể vồ lấy súng trường và khôi phục nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tôi giật dây cắm của hai điện thoại trong phòng bảo vệ và nhanh chóng dùng dây đó trói tay hắn ra sau lưng và xích mắt cá chân hắn. Tôi kéo nút thật chặt và không quá lo về việc cản trở máu hắn lưu thông.
Eckles và Varner là những sĩ quan mới nhất của Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo. Chúng đăng ký và gia nhập cách nhau chỉ một hai tháng.
Tôi cá rằng chúng đã biết nhau trước khi đến thị trấn Pico Mundo. Varner được nhận trước và mở đường cho Eckles.
Robertson từ San Diego chuyển đến thị trấn Pico Mundo và mua ngôi nhà ở Camp’s End trước hai tên đồng bọn. Nếu tôi nhớ không lầm, trước đây Varner làm cảnh sát nếu không phải ở ngay thành phố San Diego thì cũng quanh khu vực ấy.
Tôi không biết Bern Eckles phục vụ cho công lý ở đâu trước khi đăng ký vào Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo. Đánh cuộc vào San Diego ăn chắc hơn là Juneau, Alakska.
Ba tên đó đã nhắm thị trấn Pico Mundo làm mục tiêu vì những lý do không thể đoán ra.
Chúng lên kế hoạch kỹ lưỡng từ lâu.
Khi tôi đến bữa tiệc nướng, gợi ý rằng tìm hồ sơ lý lịch về Bob Robertson có thể là ý tưởng hay, cảnh sát trưởng đã nhờ Eckles phụ giúp. Chính lúc ấy, Robertson bị tuyên án tử hình.
Gã chắc chắn bị giết trong vòng nửa giờ sau đó. Chắc chắn Eckles đã gọi điện thoại cho Varner từ nhà cảnh sát trưởng, và Varner bóp cò súng vào gã bạn chung của hai đứa. Biết đâu Simon Varner và Robertson ở cùng một chỗ khi Varner nhận cú điện thoại của Eckles.
Lúc đã trói chặt Eckles, tôi kéo dây kéo bộ áo liền quần của hắn xuống để chứng thực rằng bên trong hắn mặc đồng phục cảnh sát.
Hắn đã vào phòng bảo vệ trong bộ trang phục xanh dương gắn huy hiệu. Các nhân viên bảo vệ chắc đã chào đón hắn không chút nghi ngờ.
Rõ ràng hắn mang theo va li đựng súng trường và bộ áo liền quần. Một va li trống rỗng mở toang nằm chỏng chơ dưới sàn. Hiệu Samsonite.
Kế hoạch rất có khả năng là tiến hành cuộc dạo bắn trong khu mua sắm và rồi, khi cảnh sát đến, tìm nơi kín đáo trút bộ đồ liền quần và mặt nạ trượt tuyết. Về phần khẩu súng, Eckes có thể trà trộn vào các sĩ quan khác như thể lao đến vì nhận được cuộc gọi giống hệt họ.
Lý do của việc này không dễ hiểu như cách thức của nó.
Một số người nói rằng Chúa trò chuyện với họ. Những người khác nghe thấy ma quỷ thì thầm trong đầu. Có lẽ một trong những tên này nghĩ Sa Tăng ra lệnh cho hắn khủng bố khu mua sắm Green Moon.
Hoặc có lẽ chúng chỉ làm vậy cho vui. Một trò nghịch ngợm. Tôn giáo của bọn chúng dung thứ cho những hình thức bông đùa quá khích. Xét cho cùng, đàn ông vẫn là đàn ông và những gã cô lập vẫn sẽ trở nên cô lập.
Simon Varner vẫn còn nhởn nhơ. Có lẽ hắn và Eckles không chỉ đến mỗi khu mua sắm. Tôi không biết có bao nhiêu người trong tổ chức phù thủy đó.
Dùng một trong những điện thoại còn hoạt động, tôi gọi 911, báo cáo về ba vụ ám sát và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, cúp máy, đặt kênh máy. Cảnh sát sẽ đến cùng đội đặc nhiệm. Ba phút, bốn phút.
Có lẽ là năm phút.
Sẽ không kịp. Vaner sẽ thổi bay những người đi mua sắm trước khi cảnh sát đến.
Cây gậy bóng chày không nứt. Gỗ tốt.
Cây gậy mang lại kết quả như dự kiến với Eckles, tôi không thể trông mong mình may mắn đến mức đủ sức tạo bất ngờ cho Varner theo cách y hệt vậy. Không bận tâm đến nỗi sợ hãi súng ống, tôi cần một vũ khí tốt hơn gậy bóng chày Louisville Slugger.
Trên mặt bàn trước các màn hình theo dõi có khẩu súng ngắn Eckles đã dùng giết nhóm bảo vệ. Tôi xem xét và thấy còn lại bốn viên trong ổ đạn mười viên.
Cố hết sức tránh nhìn nhưng những xác chết nằm trên sàn vẫn chế ngự sự chú ý của tôi. Tôi ghét bạo lực. Tôi càng ghét sự bất công. Tôi chỉ muốn làm một đầu bếp nướng thức ăn, nhưng thế giới đòi tôi nhiều thứ hơn trứng và bánh kếp.
Tôi tháo bộ phận giảm thanh, ném nó qua một bên. Bỏ áo ngoài quần.
Nhét súng dưới cạp quần.
Tôi không thành công khi cố không nghĩ đến hình ảnh mẹ cầm khẩu súng ấn dưới cằm, chĩa vào ngực. Tôi cố không nhớ cảm giác về họng súng khi mẹ đẩy nó tới mặt tôi và bảo tôi tìm viên đạn ở đáy nòng súng tối đen chật hẹp.
Áo tôi che phủ được thứ vũ khí ấy nhưng không hoàn hảo. Khách mua sắm lo mặc cả còn người bán bận phục vụ nên sẽ không ai chú ý đến chỗ lồi lên.
Cẩn trọng, tôi mở cửa chỉ vừa đủ để lẻn ra khỏi phòng bảo vệ rồi đóng cửa lại. Một anh chàng đang khuất dạng theo hướng tôi cần đi, tôi bám theo, cầu mong anh ta khẩn trương lên.
Anh ta rẽ phải, đi qua cánh cửa đẩy vào phòng tiếp nhận, tôi chạy ngang qua thang máy dành riêng cho nhân viên công ty, đến cánh cửa đề biển “Thang bộ”. Tôi bước hai bậc một lúc.
Đâu đó phía trước, Simon Varner. Khuôn mặt dễ nhìn. Cặp mắt ngái ngủ. Hình xăm QST trên cẳng tay trái.
Tại tầng một của khu mua sắm, tôi rời thang bộ và đẩy cửa vào một buồng chất hàng.
Một cô nàng tóc đỏ xinh đẹp đang bận kéo mấy hộp nhỏ ra khỏi kệ. Cô ta lên tiếng “Chào” theo kiểu thân thiện.
“Chào”, tôi đáp lại rồi ra khỏi buồng chất hàng, lên tầng bày bán.
Khu dụng cụ thể thao. Lao xao. Đàn ông, vài phụ nữ, cả khối thanh thiếu niên. Đám nhóc đang xem giày trượt Rollerblades, ván trượt.
Xa hơn khu dụng cụ thể thao là dãy kệ giày. Xa hơn kệ giày là trang phục thể thao dành cho nam giới.
Đâu đâu cũng thấy toàn người là người. Quả nhiên người túm tụm chật ních. Không khí gần như lễ hội. Rất dễ bị tấn công.
Nếu tôi không mai phục lúc Bern Eckles vừa ra khỏi phòng bảo vệ, chắc giờ hắn đã giết mười hay hai mươi người. Ba mươi.
Simon Varner. Một tên to lớn. Cảnh sát lực lưỡng. Quỷ Sa Tăng. Simon Varner.
Được năng lực siêu nhiên dẫn dắt một cách đáng tin như loài dơi được tiếng vang chỉ đường, tôi băng qua tầng một của khu mua sắm, tiến đến cánh cửa đưa ra sân.
Tôi không mong nhìn thấy thêm tay súng nào khác ở đây, Eckles và Varner sẽ chọn bãi chiến trường cách xa nhau, để gieo rắc cho được nhiều những đau thương và hoảng loạn.
Vả lại, chúng muốn tránh việc vô tình lạc vào tầm bắn của nhau.
Mười bước nữa ra tới cửa, tôi trông thấy Viola Peabody, người lẽ ra phải ở nhà cô em gái tại Maricopa Lane.

Chương 60

Cô bé mừng tuổi mới, Levanna, và đứa em gái si mê màu hồng, Nicolina, không có mặt bên cạnh mẹ. Tôi nhìn lướt khắp đám đông người mua sắm nhưng không thấy các bé đâu.
Khi tôi hối hả chạy đến chỗ Viola và từ phía sau chộp lấy vai chị, chị giật bắn người và đánh rơi túi đồ.
- Chị đang làm gì ở đây? - tôi gặng hỏi.
- Odd! Em làm chị muốn đứng tim.
- Bọn trẻ đâu?
- Ở với Sharlene.
- Sao chị không ở với chúng?
Nhặt túi đồ lên, chị đáp:
- Chị chưa mua sắm cho sinh nhật. Phải có quà chứ. Chị ghé qua đây mua đôi giày trượt patin nhanh thôi.
- Giấc mơ của chị, - tôi gấp gáp nhắc nhở, - Đây là giấc mơ của chị.
Mắt chị mở to.
- Nhưng chị chỉ vào rồi ra ngay thôi và chị đâu có xem phim.
- Nó sẽ không diễn ra ở rạp chiếu phim. Nó diễn ra ở đây.
Lập tức hơi thở của chị nghẹn ngay cổ họng hệt như nỗi kinh hoàng chém búa vào ngực chị.
- Ra khỏi đây, - tôi la lên. - Ra khỏi đây ngay.
Chị rối lên, điên cuồng nhìn quanh quất khắp nơi như thể từng người đi mua sắm, hay tất cả bọn họ đều có thể là kẻ sát nhân, rồi chị định hướng đến cửa dẫn ra sân.
- Không! - Tôi kéo chị lại gần mình. Mọi người nhìn chúng tôi. Chuyện đó thì có sao không? - Lối đó không an toàn.
- Ở đâu? - chị hỏi.
Tôi xoay người chị lại.
- Ra phía sau tầng này, băng qua dãy kệ giày thể thao, qua khu dụng cụ thể thao. Có một buồng chất hàng không xa nơi chị mua giày trượt patin. Đến buồng chất hàng. Trốn ở đó.
Chị toan bỏ đi nhưng khựng lại nhìn tôi.
- Em đến đó chứ?
- Không.
- Em đi đâu?
- Vào trong đó.
- Đừng, - chị nài nỉ.
- Đi ngay đi!
Khi chị đi đến phía sau khu mua sắm, tôi vội vàng lao ra sân.
Tại đây. Góc cuối phía bắc khu mua sắm Green Moon, một thác nước cao hơn mười hai mét đổ xuống vách đá nhân tạo, tạo thành dòng suối chảy theo chiều dài mảnh sân. Khi tôi băng qua dốc thác, âm thanh ùng ục bì bõm của nước nghe bất thường như tiếng gầm của đám đông.
Khung cảnh sáng tối. Sáng tối như trong giấc mơ của chị Viola. Bóng tối giăng xuống từ hàng cọ chạy dọc con suối.
Ngước nhìn những cây cọ, rồi nhìn lên tầng hai, tôi thấy hàng trăm ông kẹ tụ tập dọc lan can phía trên, mắt nhìn xuống cánh cửa để mở.
Chúng chen lấn, háo hức, hăm hở, kéo đẩy, uốn éo như lũ nhện bị kích động.
Đám đông đi săn món hời choán hết chỗ trên tầng một, họ rảo từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, không hề hay biết bầy khán giả những linh hồn xấu xa đang theo dõi họ với trạng thái đề phòng.
Năng lực tuyệt vời, năng lực đáng ghét, năng lực đáng khiếp sợ của tôi dẫn tôi đi dọc sân, hướng ra phía nam, nhanh hơn, theo tiếng ùng ục bì bõm của con suối, điên cuồng truy tìm Simon Varner.
Không phải hàng trăm ông kẹ, mà là hàng ngàn. Tôi chưa bao giờ trông thấy một lũ đông đến ngần ấy, chưa bao giờ hình dung sẽ có lúc nhìn thấy vậy. Chúng như đám quần chúng xứ La Mã ngồi tung hô trong đại hý trường, phấn khích chứng kiến những người lời nguyện cầu không được đáp lại, trông mong bọn sư tử, ngóng chờ máu thấm ướt cát.
Tôi tự hỏi tại sao bọn chúng biến mất khỏi đường phố. Đây chính là câu trả lời. Giờ khắc của chúng đã đến.
Khi tôi băng qua cửa hàng vật dụng phòng ngủ và phòng tắm, tiếng lạch cạch nặng nề của loạt súng tự động nổ ra ở khoảng sân phía trước.
Loạt bắn đầu tiên xem ra nhanh gọn. Trong hai ba giây, sau khi nó chấm dứt, sự im lặng bất thường bao trùm khắp khu mua sắm.
Hàng trăm khách hàng như bị đông cứng, chắc chắn nước suối vẫn tiếp tục chảy nhưng dường như nó xuôi dòng mà không hề phát ra âm thanh. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đồng hồ của mình xác nhận thời gian đã đứng im một cách kỳ quặc.
Một tiếng thét xé toạc sự yên tĩnh và lập tức đám đông hùa theo. Súng đáp trả những người kêu gào bằng tiếng nấc hấp hối dài lần đầu.
Liều lĩnh, tôi xô đẩy, chạy dọc khoảnh sân tiến về phía nam. Thật khó để có thể dấn bước vì những người mua sắm hoảng loạn đang từ hướng nam túa ra, chạy thoát làn súng.
Mọi người đẩy tôi bật ra, nhưng tôi trụ vững trên hai chân, chen lấn đâm đầu vào loạt súng thứ ba.

Chương 61

Tôi sẽ không kể mọi thứ tôi nhìn thấy. Tôi sẽ không làm vậy. Không thể. Người đã khuất đáng được kính trọng. Những người bị thương đáng được hưởng sự riêng tư. Những người thân yêu đáng được nhận chút yên bình.
Tôi càng hiểu hơn tại sao binh lính từ mặt trận trở về ít khi kể cho gia đình nghe những chiến công hơn là những điều chung chung. Chúng ta, những người sống sót phải sống tiếp nhân danh những người ngã xuống, nhưng nếu chúng ta nhấn nhá quá nhiều vào những chi tiết sống động của điều tận mắt chứng kiến về hành động vô nhân đạo giữa người với người, chúng ta sẽ không thể sống tiếp. Kiên nhẫn sẽ là điều không thể thực hiện nếu chúng ta không cho phép bản thân hy vọng.
Đám đông hoảng loạn ồ ạt tràn qua tôi và tôi thấy mình lạc giữa đầy rẫy những nạn nhân, tất cả nằm trên sàn, chết và bị thương ít hơn mức tôi tưởng nhưng thế đã là rất nhiều. Tôi thấy cô phục vụ tóc vàng của Green Moon Lanes trong bộ đồng phục làm việc… và ba người khác. Có lẽ họ đến khu mua sắm ăn trưa trước khi vào làm.
Bất kể là gì, tôi cũng không phải siêu nhân. Tôi chảy máu. Tôi đau đớn. Chuyện này hơn mức tôi có thể chịu đựng. Chuyện này gấp mười mấy lần vụ ở hồ Malo Suerte.
Tàn ác theo trái tim con người... Khiếp đảm con người nhào nặn siêu phàm.
Không phải Shakespeare. William Blake. Trích trong một bài thơ của chính ông.
Bè lũ ông kẹ từ tầng trên đổ xuống. Chúng đang lê lết giữa những người chết và người bị thương.
Dù có xử lý chuyện này hay không, tôi cũng không còn chọn lựa khác ngoài việc nỗ lực hết sức. Nếu muốn bỏ đi thì có lẽ tôi tự sát ngay đây cũng được.
Ao cá nằm không xa phía trước. Khu rừng nhân tạo bao quanh nó. Tôi nhìn thấy băng ghế nơi Stormy và tôi đã ngồi ăn kem dừa anh đào sôcôla miếng.
Một tên mặc bộ áo liền quần màu đen, đeo mặt nạ đen. Dáng vẻ to lớn của hắn đủ để tôi xác định đó chính là Simon Varner.
Hắn ôm một khẩu súng trường dường như đã được chỉnh sửa một cách đầy đủ và bất hợp pháp thành loại súng tự động.
Đôi ba người đang lẩn trốn trong đám cọ, thu mình dưới ao cá nhưng đa số đã bỏ chạy khỏi sân vào các cửa hàng, liều mạng núp ở đó, có lẽ hy vọng sẽ thoát bằng cửa sau. Qua cửa sổ của những cửa hàng trang sức, quà tặng, phòng tranh, vật dụng nhà bếp, tôi có thể thấy họ chen chúc nhau, vẫn còn rất dễ bị lộ.
Trong thời điểm ngập ngụa máu mang đầy tính bạo lực như trò chơi điện tử, ngôn ngữ máy móc tàn nhẫn đang ngày càng được sử dụng phổ biến sẽ gọi đây là môi trường giàu mục tiêu.
Quay lưng lại phía tôi, Varner xả loạt đạn vào các mặt tiền cửa hàng đó.
Cửa sổ tiệm kem Burke & Bailey vỡ tan tành, trút vào cửa tiệm một trận lụt đầy mảnh vụn thủy tinh lấp lánh.
Chúng tôi đã được an bài sẽ bên nhau mãi mãi. Chúng tôi có tấm thẻ nói thế. Chúng tôi có vết bớt xứng với nhau.
Cách xa tên khốn điên loạn mười tám mét, mười lăm mét rồi gần hơn, tôi nhận ra mình đang nắm chặt khẩu súng ngắn. Tôi không nhớ đã rút nó ra khỏi cạp quần khi nào.
Tay cầm súng của tôi đang run, thế nên tôi cầm súng bằng cả hai tay.
Tôi chưa bao giờ sử dụng súng. Tôi ghét súng ống.
Mày cũng có thể bóp cò, thằng khỉ ạ.
Con đang cố đây, mẹ ơi. Con đang cố.
Varner đã bắn hết ổ đạn của súng trường. Có thể đó đã là ổ đạn thứ hai. Như Eckles, hắn mang đạn dự phòng trong thắt lưng tiện dụng.
Cách mười hai mét tôi bắn một phát. Trượt.
Được báo động bởi tiếng nổ của phát súng, hắn quay lại phía tôi và rút bỏ ổ đạn rỗng.
Tôi bắn tiếp, trượt tiếp. Trong phim ảnh, người ta không bao giờ bắn trượt từ khoảng cách này.
Trừ khi nhân vật bị bắn là một anh hùng, trong trường hợp đó người ta bắn trượt từ khoảng cách một mét rưỡi.
Simon Varner không phải anh hùng. Tôi không biết phải làm gì.
Hắn biết. Hắn giật một ổ đạn đầy nguyên ra khỏi thắt lưng. Hắn thành thạo, mau lẹ và bình tĩnh.
Trong khẩu súng tôi lấy từ Eckles, hắn đã dùng sáu viên thủ tiêu nhóm bảo vệ. Tôi đã dùng hai viên. Giờ chỉ còn duy nhất hai viên.
Từ khoảng cách chín mét, tôi gom hết sức bắn phát thứ ba.
Varner trúng đạn nơi vai trái nhưng không gục ngã. Hắn lảo đảo rồi gượng lại và nhét ổ đạn mới vào súng trường.
Bồn chồn, giãy giụa, kích động, bầy ông kẹ tụ tập quanh tôi, quanh Varner. Chúng rắn chắc đối với tôi, vô hình đối với hắn; chúng cản trở tầm nhìn của tôi nhưng không ảnh hưởng đến tầm nhìn hắn.
Lúc nãy, tôi đã tự hỏi liệu mình có bị điên không. Vấn đề đã sáng tỏ. Tôi thật sự tưng tửng.
Chạy thẳng vào hắn, xuyên qua đám ông kẹ mờ đục như lớp vải đen nhưng mơ hồ như những cái bóng, khẩu súng ngắn ôm phía trước, kiên quyết không phí phạm viên đạn cuối cùng, tôi thấy họng súng trường ngày càng gần, và tôi biết hắn sẽ hạ gục tôi nhưng tôi đợi một khoảng cách ngắn nữa, và rồi thêm khoảng nữa, trước khi nhắm thẳng bóp cò.
Sự biến đổi kệch cỡm nào trên vẻ mặt hắn cũng được mặt nạ che đậy, nhưng mặt nạ không thể ngăn chặn trọn vẹn phát súng.
Hắn đổ sụp nặng nề như chính hắn là Quỷ Sa Tăng bị ném khỏi Thiên đường, rơi xuống Địa ngục. Vũ khí rơi lách cách khỏi tay hắn.
Tôi đá khẩu súng trường ra xa ngoài tầm với của hắn. Khi tôi khom người xem xét, không nghi ngờ gì hắn đã là một xác chết thối tha. QST cũng chính là Quyết Sinh Tử.
Thế nhưng, tôi trở ngược lại chỗ súng trường và đá nó ra xa hơn.
Sau đó tôi đi theo rồi đá nó xa nữa và làm như vậy thêm một lần.
Khẩu súng trong tay tôi đã trở nên vô dụng. Tôi ném nó sang bên.
Đột nhiên tôi thấy như mình đang đứng trên nền đất cao, như thể còn bọn ông kẹ là dòng nước đen ngòm, chúng chảy đi xa khỏi tôi, tìm kiếm quang cảnh chết chóc và hấp hối.
Tôi cảm giác mình sắp nôn. Tôi đến thành ao cá và khuỵu gối.
Chuyển động của con cá sặc sỡ lẽ ra đã khiến tôi nôn thốc nôn tháo, vậy mà cơn buồn nôn lắng xuống giây lát. Tôi không đau khổ, nhưng khi đứng lên, tôi bắt đầu khóc.
Trong các cửa hàng, xa hơn chỗ mấy tấm kính cửa sổ vỡ nát, mọi người ngẩng đầu lên.
Chúng tôi đã được an bài sẽ bên nhau mãi mãi. Chúng tôi có tấm thẻ nói thế. Xác ướp Gypsy không bao giờ sai.
Run rẩy, đổ mồ hôi, lấy mu bàn tay quệt nước mắt, tôi phát ốm bởi viễn cảnh sắp phải đón nhận mất mát ngoài sức chịu đựng, tôi bắt đầu hướng đến tiệm kem Burke & Bailey.
Mọi người nhỏm dậy khỏi đống đổ nát của tiệm kem. Vài người bắt đầu thận trọng dò dẫm tìm đường băng qua đống kính vỡ trở ra sân.
Tôi không thấy Stormy trong số họ. Có thể nàng đã trốn phía sau cửa hàng, chỗ văn phòng của nàng khi cuộc bắn giết bắt đầu.
Thình lình tôi bị áp đảo bởi nhu cầu phải di chuyển, di chuyển và di chuyển. Tôi quay đi khỏi tiệm kem Burke & Bailey, tiến vài bước đến cửa hiệu nằm cuối phía nam. Dừng chân, bối rối. Trong giây lát, tôi thấy mình đang muốn phủ nhận sự thật, đang cố chạy xa khỏi điều có thể tìm thấy trong tiệm kem.
Không. Tôi cảm nhận một sự lôi kéo mơ hồ nhưng không thể nhầm lẫn. Sức hút siêu linh. Nó đang lôi kéo tôi.
Tôi cứ nghĩ mình đã hoàn thành xong việc. Nhưng rõ ràng là chưa.

Chương 62

Cửa hiệu này cao cấp hơn chỗ chị Viola mua giày trượt patin. Hàng hóa ở đây có chất lượng bảo đảm hơn hàng hóa trong cửa hiệu cuối phía bắc khu mua sắm.
Tôi đi qua cửa hàng nước hoa và mỹ phẩm, những tủ kính và mẫu mã trưng bày đẹp tuyệt, nhưng không ngụ ý một cách tinh vi rằng hàng hóa đáng giá như kim cương.
Cửa hàng trang sức sáng lóa với đá granit đen, inox và kính Starfire, như thể nó giới thiệu không chỉ các viên kim cương thông thường mà là những vật dụng lấy từ bộ sưu tập riêng của Chúa trời.
Tuy tiếng súng không còn, nhưng khách mua sắm và nhân viên vẫn ẩn náu sau các quầy hàng, các cột đá hoa cương. Họ lén nhìn khi tôi sải bước đi qua, nhưng nhiều người ngần ngại và lại cúi đầu tránh mặt.
Cho dù không có súng nhưng chắc hẳn tôi tỏ ra nguy hiểm. Hay có lẽ trông tôi như mất hồn, bàng hoàng. Họ không dám liều lĩnh. Tôi không trách họ trốn tránh tôi.
Vẫn khóc, lấy tay quệt mắt, tôi cũng đang nói to với chính mình. Tôi không thể ngừng lẩm bẩm, và thậm chí tôi không nói được gì ra hồn.
Tôi không biết sức hút siêu linh sẽ dẫn mình đi đến đâu, không biết Stormy còn sống hay đã chết trong tiệm kem Burke & Bailey. Tôi muốn quay lại tìm nàng, nhưng tiếp tục bị năng lực đòi hỏi khắt khe kia lôi kéo một cách cấp bách về phía trước. Ngôn ngữ cơ thể của tôi biểu thị sự co giật, nói ngắc ngứ và hấp tấp lao đi vì ý định mới. Chắc tôi không giống người bị động kinh mà giống một gã loạn thần kinh.
Simon Varner không còn khuôn mặt dễ mến hay cặp mắt ngái ngủ nữa. Hắn chết trước tiệm kem Burke & Bailey.
Hay có lẽ tôi đang theo dấu một thứ gì đó liên quan đến Varner. Tôi không thể đoán ra đó là cái gì. Sự cưỡng ép di chuyển này cứ tiếp tục mà không chỉ đối tượng cụ thể nào mới cho tôi.
Tôi băng qua những giá treo váy đầm, áo kiểu bằng lụa, áo khoác, túi xách, cuối cùng tôi vội vã lao đến cánh cửa đề dòng chữ “Chỉ dành cho nhân viên”. Phía sau là kho hàng.
Tôi mở cửa ra, đối diện là một cánh cửa khác dẫn đến cầu thang bộ.
Cách bố trí ở đây tương tự bên cửa hàng cuối phía bắc. Cầu thang đưa xuống hành lang, nơi đó tôi đi qua thang máy dành riêng cho nhân viên và đến một cánh cửa lò xo ngoại cỡ có đề biển “Phòng Tiếp nhận”.
Căn phòng này phản ánh một doanh nghiệp phát đạt, dù nó không ngang bằng về quy mô so với căn phòng bên cửa hàng cuối phía bắc. Hàng hóa nằm trên giá treo và băng chuyền đang chờ kiểm kê, đóng gói và chuyển lên buồng chất hàng, tầng bày bán.
Vô số nhân viên hiện diện, nhưng công việc có vẻ đang tạm dừng. Hầu hết mọi người tụ tập quanh một phụ nữ đang thổn thức, và những người khác cũng băng qua phòng đến chỗ cô ấy. Dưới này không thể nghe tiếng súng nên tin tức về vụ kinh hoàng trong khu mua sắm giờ mới đến được đây.
Chỉ có duy nhất một chiếc xe tải đậu trong phòng tiếp nhận: không phải xe vận tải loại lớn, nó dài hơn năm mét, không có tên công ty trên cửa xe hay bên hông toa moóc. Tôi tiến về phía nó.
Một anh chàng lực lưỡng đầu trọc và để ria mép dài hai bên bám theo tôi theo đường đi đến chiếc xe.
- Anh đi xe này à?
Không trả lời, tôi mở cửa bên tài xế và trèo vào buồng lái.
Chìa không nằm sẵn trong ổ khóa.
- Tài xế của anh đâu? - anh ta hỏi.
Khi bật mở ngăn đựng giấy tờ, tôi thấy nó trống rỗng. Thậm chí không có giấy đăng ký hay phiếu bảo hiểm theo luật định của bang California.
- Tôi là quản đốc ở đây, - anh chàng lực lưỡng lên tiếng. - Anh bị điếc hay anh khó ưa vậy hả?
Không một thứ gì trên ghế. Không thùng rác dưới sàn. Không một mảnh giấy gói kẹo vứt bậy. Không có hộp khử mùi hay vật trang trí treo trên kính.
Chiếc xe không tạo cảm giác có người dùng nó làm phương tiện mưu sinh hay dành phần lớn thời gian ở trong xe.
Khi tôi từ sau vô lăng nhảy ra khỏi xe, viên đốc công cất giọng.
- Tài xế của anh đâu? Anh ta không nộp tôi bản kê khai hàng hóa còn toa xe thì khóa kín.
Tôi đi vòng ra sau xe, toa xe có cửa cuốn. Ổ khóa nằm dưới cánh cửa khóa chặt nó vào sàn toa xe.
- Tôi còn những đợt giao hàng khác, - viên đốc công nói. - Tôi không thể để nó cứ đậu đây.
- Anh có khoan điện không? - tôi hỏi.
- Anh định làm gì?
- Phá ổ khóa.
- Anh không phải người lái chiếc xe này vào đây. Anh làm chung với anh ta à?
- Cảnh sát, - tôi bịa chuyện. - Ngoài giờ.
Anh ta còn hồ nghi.
Chỉ vào người phụ nữ thổn thức hiện đang được rất nhiều nhân viên vây quanh, tôi nói:
- Anh nghe chuyện cô ấy kể chưa?
- Tôi đang trên đường đến đó thì thấy anh.
- Hai tên điên mang súng máy tấn công khu mua sắm.
Khuôn mặt anh ta cắt không còn giọt máu, đến mức bộ ria mép vàng hoe dường như cũng trắng bệch.
- Anh có nghe chuyện bọn chúng bắn cảnh sát trưởng Porter tối qua không? - tôi hỏi. - Đó là màn chuẩn bị cho việc này.
Với nỗi khiếp đảm dâng nhanh, tôi quan sát trần nhà của phòng tiếp nhận mênh mông. Ba tầng lầu đầy các cửa hàng nằm chất chồng bên trên căn phòng này, được nâng đỡ bằng những cây cột đồ sộ.
Những con người sợ hãi đang trốn tránh tay súng trên kia.
Hàng trăm, hàng trăm người.
- Có thể, - tôi nói, - tên khốn đến đây với thứ còn tệ hại hơn súng máy.
- Ôi, chết tiệt. Tôi sẽ đi lấy khoan. - Anh ta đua nước rút đi lấy nó.
Sau giây lát áp cả hai bàn tay lên cánh cửa cuốn ở toa xe, tôi tì trán vào cửa.
Tôi không biết mình mong chờ cảm nhận được gì. Thực ra, tôi cảm thấy chẳng có gì bất thường. Thế nhưng sức hút siêu linh vẫn chèo kéo tôi. Điều tôi muốn không phải chiếc xe tải mà là thứ nằm bên trong chiếc xe tải.
Viên đốc công quay trở lại với cái khoan và ném cho tôi cặp kính bảo hộ.
Ổ điện được gắn sâu dưới sàn bê tông tại những địa điểm thuận tiện trong khắp phòng tiếp nhận. Anh ta cắm phích của máy khoan vào ổ điện gần nhất và cho phép kéo dài sợi dây thoải mái.
Thiết bị nặng tay. Tôi thích dáng vẻ công nghiệp của mũi khoan. Động cơ kêu rít nhờ nguồn điện đầy đủ.
Khi tôi khoan vòng khóa, những mẩu kim loại văng lách cách lên kính bảo hộ, bắn vào mặt. Mũi khoan cũng trầy xước nhưng nó dùi lỗ qua ổ khóa chỉ trong vài giây.
Lúc bỏ khoan xuống và tháo kính bảo hộ ra, tôi nghe có người la lên từ đằng xa.
- Ê! Để yên đó!
Dọc khu dỡ hàng nền cao, không có ai. Rồi tôi thấy hắn ta. Bên ngoài phòng tiếp nhận, cách chân dốc xe chạy khoảng sáu mét.
- Đó là tài xế, - viên đốc công nói với tôi.
Một người lạ mặt. Hắn ta chắc hẳn đang quan sát, có lẽ bằng ống nhòm, từ ngoài ga-ra dành cho nhân viên, xuyên qua ba tuyến đường dỡ hàng.
Nắm chặt hai tay cầm, tôi đẩy mạnh cánh cửa lên. Phần đối trọng làm việc hiệu quả và do được tra dầu kỹ lưỡng, cánh cửa chạy lên trơn tru và nhanh chóng mở toang.
Chiếc xe tải hóa ra nhồi nhét hàng trăm cân chất nổ plastic.
Một cây súng nổ hai phát, một viên đạn trúng vào thành xe, mọi người trong phòng tiếp nhận thét lên và viên đốc công co giò bỏ chạy.
Tôi liếc ra sau. Tên tài xế không đến gần chân dốc. Hắn có khẩu súng ngắn, đó không phải vũ khí tối ưu để bắn tầm xa đến vậy.
Trên sàn toa xe, trước đống chất nổ là đồng hồ định giờ dùng trong nhà bếp, hai cục pin đầu mạ đồng, những mẩu nhỏ lạ lùng mà tôi không nhận ra là gì, một đống dây nhợ. Hai cuộn dây kết thúc tại một bệ đỡ bằng đồng cắm trên vách xám xịt.
Âm thanh rin rít chói tai của kim loại va chạm kim loại, phát súng thứ ba nẩy bật ra khỏi xe tải.
Tôi nghe tiếng viên đốc công nổ máy chiếc xe nâng gần đó.
Tổ chức phù thủy không sắp đặt cho toa xe nổ tung khi cánh cửa mở ra vì bọn chúng chừa thời gian ít đến mức chúng không nghĩ có người chạy lại đây kịp để vô hiệu hóa nó. Đồng hồ có vòng quay ba mươi phút và tay quay báo giờ nằm cách số không ba phút.
Lách cách: hai phút.
Phát súng thứ tư trúng lưng tôi. Tôi không thấy đau ngay, chỉ giật nảy người, đập xuống xe tải, mặt cách đồng hồ vài phân.
Có lẽ phát súng thứ năm, phát súng thứ sáu trúng vào một trong những khối chất nổ plastic với âm thanh tẻ nhạt, ẩm ướt.
Một viên đạn không kích nổ nó. Chỉ có bình ắc quy mới làm được.
Hai sợi dây gây nổ được đặt cách nhau một tấc, một tấc rưỡi. Sợi này kích hoạt còn sợi kia chặn đứng? Hay một sợi chỉ là dự phòng trong trường hợp sợi kia không thể gây nổ? Tôi không biết mình phải giật mạnh một hay cả hai sợi.
Có lẽ phát súng thứ sáu hay thứ bảy lại trúng lưng tôi.
Lần này cơn đau đập bẹp tôi, nện tôi nhừ tử.
Trong lúc sụp xuống bởi tác động tàn bạo của viên đạn, tôi túm chặt cả hai sợi dây, và khi ngã ngược ra sau, tôi giật mạnh chúng khỏi đống chất nổ, lôi đồng hồ, pin và toàn bộ khối kíp nổ theo cùng.
Xoay người trong lúc ngã, tôi đập phần hông xuống sàn, hướng mặt về phía con dốc. Tay súng đã tiến lên gần tôi hơn để bắn trúng hơn.
Thêm một viên đạn nữa là có thể thanh toán đời tôi, thế mà hắn lại quay lại, cắm đầu phóng xuống con dốc.
Viên đốc công gầm rống, chạy qua tôi và lao xuống con dốc trên chiếc xe nâng, một thứ có phần bảo vệ anh ta trước súng đạn nhờ những thanh nâng chĩa ra nhô cao và lớp vỏ sắt của chúng.
Tôi không tin tay súng kia bỏ chạy vì chiếc xe nâng. Hắn muốn ra khỏi đây vì hắn không thấy rõ hành động tôi đã làm đối với kíp nổ.
Hắn định chuồn khỏi tầng hầm dỡ hàng kiêm bãi đậu xe này và chạy xa hết mức theo như vận may cho phép.
Những người lo âu hối hả chạy đến chỗ tôi.
Đồng hồ định giờ vẫn hoạt động. Nó nằm trên sàn, cách mặt tôi vài phân.
Lách cách: một phút.
Cơn đau đang giảm; song tôi lại lạnh cóng. Lạnh một cách kỳ lạ. Tầng hầm dỡ hàng và phòng tiếp nhận không có máy điều hòa, vậy mà tôi lạnh run người.
Mọi người quỳ cạnh tôi, nói chuyện với tôi. Dường như họ nói bằng tiếng nước ngoài vì tôi không hiểu họ đang nói gì.
Buồn cười, sa mạc Mojave trở nên quá băng giá.
Tôi không bao giờ nghe thấy đồng hồ lách cách nhích đến số không.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét