Giao lộ sinh tử
Tác giả: Dean Koontz
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011
Chương 15
Tại khu phố Pico Mundo, khi chúng tôi đang chạy ngang nhà thờ,
Elvis ra hiệu muốn tôi ngừng lại.
Thay vì bắt tay tôi, ông nắm chặt bằng cả đôi tay mình. Tôi
nghĩ ông ấy chỉ muốn cảm ơn nhưng cử chỉ của ông dường như còn hơn thế.
Elvis xem ra đang lo lắng cho tôi. Ông nhẹ nhàng siết tay
tôi, nhìn xoáy vào tôi với vẻ quan tâm hiện rõ mồn một, và rồi siết tay tôi lần
nữa.
“Ổn mà,” tôi lên tiếng dù chẳng biết liệu đó có phải là lời
đáp thỏa đáng về mặt nào đó hay không.
Ông ấy ra khỏi xe mà không cần mở cửa, chỉ từ từ xuyên người
qua, rồi bước lên mấy bậc tam cấp của nhà thờ. Tôi nhìn theo đến khi ông đi qua
cánh cửa gỗ sồi nặng trịch và khuất dạng.
Cuộc hẹn ăn tối với Stormy đến tám giờ mới diễn ra, thế nên
tôi phải làm gì đó để giết thời gian.
Bà ngoại Sugars thường nói Phải bận rộn suốt, cho dù chơi
bài, đánh nhau hay đua xe, vì việc ăn không ngồi rồi sẽ lôi con vào rắc rối tệ
hại.
Cho dù không có lời khuyên của bà, tôi cũng không thể đến chỗ
hẹn và ngồi đợi Stormy. Chẳng có điều gì khác choán hết đầu óc thì tôi lại canh
cánh chuyện gã Bob Robertson và những tập tài liệu quỷ quái của gã.
Chạy chầm chậm khỏi nhà thờ, tôi gọi điện cho P. Oswald
Boone, anh chàng nặng bốn trăm pao và có bàn tay trái sáu ngón.
Ozzie “bé” nhấc máy ngay hồi chuông thứ hai.
- Odd, con bò đẹp đẽ của anh bị nổ tung rồi.
- Nổ tung ư?
- Bùm, - Ozzie “bé” nói, - phút trước mọi thứ vẫn ổn, phút
sau con bò tuyệt vời đã bị văng thành trăm mảnh.
- Chuyện xảy ra khi nào? Em có nghe nói gì đâu.
- Chính xác là cách đây hai tiếng hai mươi sáu phút. Cảnh
sát đã đến và đi rồi, anh tin ngay cả họ, với kinh nghiệm đầy mình về những
hành vi phạm tội tàn bạo, cũng bị sốc trước chuyện này.
- Em mới gặp cảnh sát trưởng Porter và bác ấy không đề cập
gì đến chuyện đó.
- Sau khi rời khỏi đây, mấy ông cảnh sát dứt khoát cần phải
đi uống một hai ly rượu nặng đô trước khi ngồi viết báo cáo.
- Anh sao rồi? - tôi hỏi.
- Anh không quẫn trí, vì đó là phản ứng công kích thái quá về
mặt đạo đức, nhưng anh đang buồn.
- Em biết anh yêu quý con bò đó lắm.
- Anh yêu quý con bò đó, - anh xác nhận.
- Em đang nghĩ đến việc ghé thăm nhưng có lẽ đây không phải
lúc thích hợp nhất.
- Đây là lúc lý tưởng nhất đó, Odd thân mến. Không gì tệ hơn
là cô đơn vào lúc chiều tối trong cái ngày con bò bị nổ tung.
- Em sẽ có mặt ở đó trong vài phút nữa, - tôi hứa.
Ozzie “bé” sống ở Jack Flats, nơi cách đây năm mươi năm được
gọi là Jack Rabbit Flats, khu vực phía tây và nằm bên dưới một vùng đất lịch sử.
Tôi không biết lũ thỏ đã đi đâu.
Khi vùng đất đẹp như tranh nằm trong khu kinh doanh sinh lời
bắt đầu trở thành điểm thu hút du khách vào cuối những năm 1940, nó được tiêm
chích thêm hàng loạt điều kỳ thú để gia tăng sức hấp dẫn. Những tiệm kinh doanh
ít ăn ảnh nhất như hiệu bán khăn choàng, cửa hàng lốp xe, nơi bày bán súng, đều
bị tống xuống Flats.
Rồi cách đây hai mươi năm, các trung tâm thương mại mới nguy
nga tráng lệ mọc lên dọc theo đường Green Moon và xa lộ Joshua Tree. Chúng rút
cạn khách hàng ra khỏi những cửa hàng bình dân ở Flats.
Dần dà trong suốt mười lăm năm qua, Jack Flats trở mình. Những
tòa nhà công nghiệp và thương mại cũ kỹ được san bằng, thay vào đó là những căn
nhà hiện đại và những căn hộ quy mô hơn.
Người đầu tiên đến định cư khi chẳng mấy ai nhìn thấy được
tương lai nơi này, Ozzie “bé” mua mảnh đất một mẫu [1 mẫu bằng 0,4 hecta], chỗ
của một nhà hàng đã dẹp tiệm từ lâu. Tại đây, anh xây nên ngôi nhà mơ ước của
mình.
Ngôi nhà hai tầng theo phong cách thợ thủ công có thang máy,
những ô cửa rộng và sàn được gia cố bằng thép. Ozzie xây nó vừa để phù hợp với
tầm vóc của anh vừa để tránh hình phạt có thể phải chịu nếu cuối cùng anh trở
thành một trong những người mà dịch vụ tang lễ phải dùng đến cần trục và xe tải
sàn phẳng như Stormy vẫn sợ.
Khi đỗ xe trước ngôi nhà giờ đây không còn con bò, tôi bị sốc
hơn mức tưởng tượng bởi cảnh tàn sát.
Đứng dưới một tán cây nguyệt quế Ấn Độ trải bóng dài trong
ánh nắng chiều tà, tôi bàng hoàng nhìn chằm chằm cái xác khổng lồ. Tất cả mọi
thứ trên trái đất này cuối cùng sẽ mất cả thôi, nhưng sự ra đi đột ngột và vội
vã của con bò dù sao cũng khiến lòng tôi nao nao.
Bốn chân, mấy phần của cái đầu bị nổ tung và những mảnh thân
vương vãi khắp bãi cỏ trước nhà, bụi cây và lối đi. Đặc biệt rùng rợn, cái vú bị
văng ra đã đáp xuống một cây cột trên hàng rào và đầu vú chĩa thẳng lên trời.
Con bò thuộc giống Holstein đen trắng, to cỡ mẫu xe SUV, trước
đây gắn trên đỉnh hai cây cột thép cao sáu mét, không cây cột nào bị hư hại
trong vụ nổ. Thứ duy nhất còn lại trên cao ấy là cái mông con bò, nó đung đưa đổi
vị trí đến khi hướng ra đường như thể đang nhìn ngắm người qua lại.
Bên dưới tấm hình con bò giống Holstein bằng nhựa từng treo
tấm biển quảng cáo cho nhà hàng đặc sản thịt bò lúc trước nằm trên mảnh đất
này. Khi xây nhà, Ozzie “bé” không giữ lại tấm biển, chỉ giữ miếng nhựa khổng lồ
hình con bò.
Đối với Ozzie, con bò không chỉ là vật dụng trang trí bãi cỏ
lớn nhất trên thế giới. Nó là nghệ thuật.
Trong số rất nhiều sách anh đã viết có bốn quyển nói về nghệ
thuật, thế nên anh buộc phải biết mình đang nói về cái gì. Thực ra, vì anh là
cư dân nổi tiếng nhất thị trấn Pico Mundo (dù sao vẫn còn sống) và có lẽ được
kính trọng nhất, và vì anh xây nhà ở Flats trong lúc tất cả những người khác đều
cho rằng khu này vẫn sẽ lụi tàn mãi mãi nên chỉ Ozzie “bé” mới có thể thuyết phục
thành công Sở Xây dựng thành phố để giữ lại con bò làm công trình điêu khắc.
Khi khu Flats mở rộng quy mô hơn, một vài người hàng xóm của
anh, không phải hầu hết, chỉ là phần thiểu số hay to mồm nhất, phản đối con bò
khổng lồ vì lý do mỹ quan. Có lẽ một trong số họ đã dùng đến bạo lực.
Tôi len lỏi qua những mảnh vụn đầy răng cưa của bức hình con
bò, leo lên bậc tam cấp ngoài hiên trước, chưa kịp bấm chuông thì Ozzie đã mở
cánh cửa rộng, thở hổn hển bên kia ngưỡng cửa và đón chào tôi.
- Chuyện này chẳng phải đáng khinh sao Odd, một thằng ngốc mất
dạy nào đó đã làm? Hắn ta an ủi bằng cách nhắc nhở bản thân rằng “nghệ thuật là
dài lâu còn những kẻ chỉ trích là sâu bọ của thời đại”.
- Shakespeare hả? - tôi hỏi.
- Không. Randall Jarrell. Một thi sĩ xuất chúng nhưng bị
lãng quên vì những trường đại học thời nay chẳng dạy gì ngoài sự tự mãn.
- Em sẽ dọn dẹp giùm anh.
- Không được! - Ozzie la lên. - Phải để bọn họ thấy đống đổ
nát một tuần, một tháng, những “kẻ luồn cúi độc địa thích huýt gió”.
- Shakespeare hả?
- Không, không. W.B. Daniel, viết về những tên khoái chỉ
trích. Cuối cùng cũng sẽ nhặt hết mấy mảnh vụn nhưng cái mông của con bò xinh đẹp
kia vẫn sẽ nằm trên đó, câu trả lời của anh dành cho những kẻ thất học mang
bom.
- Vậy là có bom à?
- Một trái bom rất nhỏ, gắn trên công trình điêu khắc cả đêm
với thiết bị hẹn giờ cho phép những “kẻ luồn cúi nuôi dưỡng từ ngữ tục tĩu và lời
nói chua cay” ở xa hiện trường khi vụ nổ xảy ra. Đó cũng không phải
Shakespeare. Voltaire viết về những tên khoái chỉ trích.
- Này, em hơi lo cho anh đó, - tôi nói.
- Hơi đâu mà bận tâm chứ. Mấy tên hèn nhát kia chỉ đủ gan
lén đến gần con bò nhựa vào nửa đêm thôi chứ chúng không dám đương đầu với một
người mập mạp có bắp tay chắc nịch như anh đâu.
- Em không nói về bọn chúng. Em nhắc đến huyết áp của anh
đó.
Vẫy một cánh tay kinh khủng của mình một cách thô bạo, Ozzie
“bé” nói:
- Nếu em mang dáng người như anh, máu em chứa đầy những phân
tử cholesterol to bằng thục quỳ thu nhỏ thì em sẽ hiểu sự sỉ nhục chính đáng nhỏ
nhặt đôi khi là thứ duy nhất giúp huyết mạch của em không bị tắc nghẽn hoàn
toàn. Sự sỉ nhục chính đáng và rượu vang đỏ thượng hạng. Vào đây, vào đây. Anh
sẽ khui một chai và chúng ta nâng cốc uống mừng cuộc phá hoại của bọn khoái chỉ
trích kia, “cuộc tranh đua thảm hại của bầy cá sấu đói khát”.
- Shakespeare hả? - tôi hỏi.
- Vì Chúa Odd à, Bard vùng Avon [The Bard of Avon: tên khác
của Shakespeare] có phải nhà văn duy nhất từng đặt bút viết lên giấy đâu.
- Nhưng nếu em bám riết mỗi tên ông ta... - tôi đáp và theo
Ozzie vào nhà, - ... sớm muộn gì em cũng đúng được một câu.
- Có phải nhờ mánh lới thảm hại đó mà em lết qua hết bậc phổ
thông không?
- Đúng thế.
Ozzie bảo tôi cứ tự nhiên ngồi ngoài phòng khách trong lúc
anh đi tìm chai rượu Robert Mondavi Cabernet Sauvignon, và thế là tôi ở một
mình với Terrible Chester.
Con mèo này không mập mà nó to lớn và bạo gan. Có lần tôi thấy
nó chỉ cần tỏ thái độ đã xua được con chó béc giê giống Đức hung hăng lảng xa
ra.
Tôi nghĩ ngay đến một con Pitbull [Giống chó chọi], dở chứng
và đang muốn đánh nhau cũng sẽ bỏ đi như con chó béc giê kia để tìm kiếm con mồi
dễ xơi hơn. Giống hệt lũ cá sấu.
Terrible Chester có màu lông như trái bí ngô chín đỏ pha vài
đốm đen. Nhìn những mảng đen cam trên mặt nó, có thể bạn sẽ nghĩ nó là bạn bè
thân thiết quỷ quái của nhóm nhạc rock Kiss lâu đời. [Nhóm nhạc Kiss thành lập
năm 1973, tạo ấn tượng độc đáo khi thành viên Simmons trong nhóm biểu diễn với
áo giáp, thân người tô vẽ vằn vện hai màu trắng đen]
Nằm trên bậu cửa sổ rộng, nhìn chằm chằm ra ngoài sân trước,
nó giả vờ cả phút như không hề biết có người đến.
Chuyện phớt lờ ấy tốt cho tôi. Đôi giày tôi mang chưa bao giờ
bị tè bậy lên và tôi hy vọng giữ được chúng ở tình trạng đó.
Cuối cùng nó quay đầu lại, chăm chú nhìn tôi theo kiểu đánh
giá, vẻ coi thường tràn trề đến mức tôi tưởng như nghe thấy thái độ đó rơi bắn
xuống sàn phát ra âm thanh văng tung tóe. Sau đó con mèo một lần nữa chuyển hướng
sự chú ý sang cửa sổ.
Khung cảnh tấm hình con bò giống Holstein bị nổ tung dường
như thôi miên và đưa nó vào trạng thái u sầu, suy tư. Có lẽ nó đã dùng hết tám
mạng sống và cảm nhận sự ớn lạnh chết chóc.
Đồ đạc trong phòng khách nhà Ozzie được đặt làm riêng, kích
thước quá khổ và mang đến sự thoải mái. Tấm thảm Ba Tư với tông màu đá quý sậm,
vật dụng gỗ gụ Honduras và kệ sách này chồng lên kệ sách khác tạo nên không khí
ấm cúng.
Bất chấp mối nguy xảy đến cho đôi giày, tôi nhanh chóng thư
giãn và thấy cảm giác hiểm họa tận số đang treo lơ lửng giảm đi hơn bất cứ lúc
nào từ khi phát hiện ra Penny Kallisto đang đứng chờ dưới cuối những bậc tam cấp
tại căn hộ của tôi vào sớm tinh mơ.
Mới được nửa phút, Terrible Chester lại khiến tôi bực mình bởi
tiếng rít giận dữ đầy đe dọa của nó. Tất cả bọn mèo đều có tài này, dĩ nhiên,
nhưng Chester sánh được với cả lũ rắn chuông và rắn hổ mang về mức độ dữ dội và
khiếp đảm trong tiếng rít.
Có gì đó bên ngoài khiến nó khó chịu đến mức nhổm đứng dậy
trên bậu cửa sổ, cong lưng và xù lông dựng đứng cả lên.
Dù rõ ràng tôi không phải nguyên nhân khiến nó kích động
nhưng tôi cũng trượt ra khỏi ghế bành, chuẩn bị bỏ đi.
Chester lại rít lên, sau đó cào tấm kính. Tiếng ken két của
móng vuốt trên cửa sổ khiến tôi run rẩy tận sâu trong xương sống.
Bất chợt tôi tự hỏi có phải kẻ hủy hoại con bò đã quay lại
vào ban ngày ban mặt để hạ luôn hình cái mông còn ngoan cố nằm trên kia không.
Khi Chester quơ quào tấm kính lần nữa, tôi bắt đầu bước đi.
Tôi nhẹ nhàng thận trọng tiến về phía cửa sổ, không phải do sợ một quả bom có
thể bay ập vào mà vì không muốn con mèo đang bực tức kia hiểu sai động cơ của
tôi.
Bên ngoài, tại hàng rào, mặt hướng về phía ngôi nhà là Gã Nấm,
Bob Robertson.
Chương 16
Việc đầu tiên tôi làm theo bản năng là thụp người né khỏi cửa
sổ. Song nếu Gã Nấm bám theo tôi ngay từ đầu thì chắc hẳn vì lý do nào đó gã đã
nghi ngờ chuyện lúc nãy tôi có mặt trong ngôi nhà của gã ở Camp’s End. Hành động
lén lút sẽ càng chứng thực cho điều sai trái của tôi.
Tôi vẫn ở gần cửa sổ nhưng thật lấy làm biết ơn khi Terrible
Chester đứng giữa tôi và Robertson. Tôi cũng hài lòng nhận thấy vẻ ghét cay
ghét đắng lộ rõ của con mèo dành cho gã này, dù ở khoảng cách xa như vậy, đã củng
cố sự ngờ vực của tôi về gã.
Cho đến giờ phút này, tôi không bao giờ nghĩ rằng Terrible
Chester và tôi sẽ cùng tán đồng về bất cứ chuyện gì hay có bất kỳ điểm chung
nào khác ngoài lòng yêu mến dành cho Ozzie “bé”.
Lần đầu tiên tôi thấy Robertson không mỉm cười, không mang vẻ
mơ mộng, mà gã khác hẳn. Đứng trong cái nắng mà sức nặng của một ngày đã biến
ánh sáng trắng chói lóa thành màu vàng mật ong, phía sau lưng có những hình thù
và bóng râm của hàng nguyệt quế làm phông nền, trông gã dữ tợn như bức ảnh khổng
lồ của Timothy McVeigh treo trên tường trong phòng làm việc.
Từ phía sau, Ozzie lên tiếng, “Ôi Chúa ơi, chẳng lẽ người ta
phải cho kẻ thù vào miệng để cướp đi sự minh mẫn của mình sao”.
Quay lại, tôi thấy anh cầm cái khay gồm hai ly rượu và một
đĩa nhỏ đựng phô mai viên, bao quanh là bánh quy trắng mỏng.
Cất tiếng cảm ơn, tôi cầm lấy một ly rượu và liếc nhìn ra
ngoài.
Bob Robertson không còn ở chỗ cũ nữa.
Đánh liều chấp nhận nguy cơ gây hiểu lầm nguy hiểm với
Terrible Chester, tôi bước gần hơn đến cửa sổ, nhìn trái phải dọc theo con đường.
- Sao thế? - Ozzie nôn nóng hỏi.
Robertson đã đi, nhanh như có ý định cấp bách.
Đã hoảng sợ khi nhìn thấy người đàn ông lạ mặt này ở hàng
rào, tôi còn lo lắng hơn nhiều khi để mất tăm hơi của gã. Nếu gã muốn theo tôi,
tôi sẽ chịu để gã bám đuôi vì như thế tôi sẽ biết được gã ở đâu và khi biết rồi
sẽ dễ ngơi nghỉ hơn.
- Ôi Chúa ơi, chẳng lẽ người ta phải cho kẻ thù vào miệng để
cướp đi sự minh mẫn của mình sao, - Ozzie lặp lại.
Quay người từ cửa sổ vào, tôi thấy anh đã đặt khay xuống và
đang đứng cầm ly rượu giơ lên như thể nâng cốc chúc mừng.
Cố lấy lại bình tĩnh, tôi cất tiếng:
- Một vài ngày khó khăn đến mức nếu không để rượu cướp đi sự
minh mẫn thì sao chúng ta ngủ được?
- Này, anh đâu bảo em thảo luận về câu nói đó, chỉ xác định
nguồn gốc của nó thôi.
Vẫn chưa hoàn hồn bởi gã Robertson nên tôi nói:
- Hả?
Hơi điên tiết, Ozzie la lên:
- Shakespeare! Anh cố tình nói câu này vào để đảm bảo em vượt
qua trót lọt, thế mà vẫn hỏng bét. Đây là lời Cassio đã nói trong hồi hai, cảnh
ba của vở Othello.
- Em... bị xao lãng.
Ra dấu về phía cửa sổ, nơi Chester không còn tỏ ra kích động
và một lần nữa thả lỏng lớp lông dày trên bậu cửa sổ rộng, Ozzie nói:
- Cảnh tưởng phá hoại do bọn thiếu văn hóa bỏ lại mang vẻ đẹp
thật tàn nhẫn, đúng không? Nó nhắc nhở ta rằng lớp vỏ bề ngoài của nền văn minh
mới mỏng manh làm sao.
- Xin lỗi đã khiến anh thất vọng, anh à, nhưng suy nghĩ của
em không sâu sắc đến thế đâu. Chỉ là... em nghĩ đã thấy một người em có biết đi
ngang qua đây.
Nâng ly rượu trong bàn tay năm ngón, Ozzie cất lời:
- Chửi cha mắng mẹ tất cả lũ vô lại!
- Chửi cha mắng mẹ, hơi nặng lời đó.
- Đừng làm mất vui chứ em, uống đi!
Vừa uống tôi vừa liếc nhìn ra cửa sổ lần nữa. Sau đó tôi
quay lại ghế bành đã ngồi trước khi con mèo rít lên một cách đáng sợ.
Ozzie cũng ngồi xuống nhưng cái ghế của anh kêu lên ầm ĩ hơn
ghế tôi nhiều.
Tôi nhìn quanh sách vở, bản sao tuyệt đẹp của mấy cây đèn
Tiffany, [Đèn Tiffany: một loại đèn kính màu nổi tiếng bậc nhất thế giới],
nhưng căn phòng không tạo ra tác động xoa dịu như thường lệ. Tôi như nghe thấy đồng
hồ đeo tay của mình đang đếm từng giây, hướng đến nửa đêm và ngày mười lăm
tháng Tám.
- Em hay đem quà cáp đến đây, - Ozzie lên tiếng, - và vì hôm
nay không thấy món quà nào nên anh cho rằng em đang gặp phải rắc rối phiền muộn
gì đó.
Tôi kể anh nghe tất cả về gã Bob Robertson. Tuy giấu chuyện
căn phòng tối đen với cảnh sát trưởng Porter nhưng tôi kể luôn cho Ozzie vì anh
có óc tưởng tượng đủ lớn để nhét hết mọi thứ.
Ngoài các tác phẩm thực tế, anh đã sáng tác hai bộ tiểu thuyết
thần bí rất thành công.
Bộ đầu tiên, như bạn có thể đoán được, nói về một thám tử mập
ú tài nghệ vô song, vừa phá án vừa đưa ra những nhận xét dí dỏm. Anh ta nhờ cô
vợ xinh đẹp và rất khỏe mạnh (người hết lòng yêu anh) đảm nhận tất cả các công
việc điều tra cần đi lại và thực hiện toàn bộ những hành động mạo hiểm.
Ozzie nói rằng các quyền đó dựa trên những ý tưởng mới lớn ướt
đẫm kích thích tố choán ngợp tâm trí anh trong suốt quãng đời niên thiếu. Và vẫn
ám ảnh chưa dứt.
Bộ thứ hai liên quan đến một nữ thám tử, cô vẫn là người nữ
anh hùng đáng mến bất kể vô số căn bệnh thần kinh và chứng cuồng ăn. Nhân vật
này tượng hình trong bữa tối kéo dài năm giờ đồng hồ mà suốt khoảng thời gian
đó, Ozzie và biên tập viên của anh đụng tới muỗng nĩa ít hơn cầm đến ly rượu.
Đặt nghi ngờ trước sự quả quyết của Ozzie rằng nhân vật thám
tử trong truyện cũng có thể có bất kỳ vấn đề hay thói quen cá nhân nào, dù
không mấy dễ ưa, và vẫn có thể làm say mê công chúng miễn là tác giả biết khéo
léo biến nhân vật trở nên đáng mến, biên tập viên trả lời, “Không ai có thể tạo
ra lượng lớn độc giả muốn đọc truyện về một thám tử cứ thọc tay vào họng và cho
nôn hết ra sau mỗi bữa ăn”.
Tiểu thuyết đầu tiên viết về nhân vật thám tử như trên đã
giành được giải Edgar, giải thưởng dành cho thể loại thần bí tương đương tượng
Oscar. Tập thứ mười mới xuất bản gần đây của bộ sách bán được số lượng nhiều
hơn hẳn chín quyển trước.
Bằng giọng long trọng không thể che giấu niềm vui sướng tinh
tướng, Ozzie nói chưa quyển tiểu thuyết nào trong lịch sử văn học mô tả quá nhiều
lần nôn mửa lại chiếm được tình cảm của đông đảo độc giả đến thế.
Thành công của Ozzie hoàn toàn không hề khiến tôi ngạc nhiên
chút nào. Anh yêu mến mọi người và lắng nghe họ, đồng thời tình yêu thương nhân
loại ngời sáng trong những trang sách của anh.
Khi tôi kể xong chuyện gã Robertson, căn phòng tối đen và những
dãy tủ đựng hồ sơ đầy nghẹt các vụ giết người điên loạn, anh nói:
- Odd, anh ước gì em có một khẩu súng.
- Em sợ súng mà, - tôi nhắc anh.
- Anh sợ cuộc đời em đó. Anh chắc bác Wyatt Porter sẽ chịu cấp
phép cho em mang theo vũ khí giấu trong người.
- Vậy em phải mặc áo khoác thể thao.
- Em có thể đổi sang áo sơ mi kiểu Hawaii, để súng trong bao
nhỏ đeo sau lưng.
Tôi nhăn mặt:
- Áo sơ mi kiểu Hawaii không hợp với em.
- Ừ, phải rồi, - Ozzie nói bằng giọng mỉa mai không che giấu,
- áo phông quần jeans của em đúng là cách thể hiện thời trang độc đáo thật.
- Có lúc em mặc quần kaki.
- Độ sâu tủ quần áo của em làm đầu óc người ta choáng ngợp.
Đến Ralph Lauren còn phải bật khóc.
Tôi nhún vai:
- Em là em.
- Nếu anh mua một vũ khí thích hợp cho em và đích thân hướng
dẫn em sử dụng...
- Cảm ơn vì sự lo lắng của anh nhưng chắc chắn em sẽ bắn vào
cả hai chân mình và điều kế tiếp em được biết là anh viết một bộ truyện về tay
thám tử tư bị què cả đôi chân.
- Cái đó có rồi. - Anh hớp ngụm rượu. - Cái nào cũng có hết
rồi. Việc cho ra đời thứ mới toanh như nhân vật thám tử nôn mửa chỉ đến duy nhất
một lần thôi.
- Vẫn còn bệnh tiêu chảy kinh niên đó.
Ozzie nhăn nhó:
- Anh e rằng em không có sở trường để trở thành tiểu thuyết
gia viết truyện thần bí nổi tiếng. Gần đây em đã viết cái gì?
- Cái này cái kia.
- Anh cho rằng “cái này” ám chỉ danh sách vật dụng cần mua
còn “cái kia” chỉ những bức thư tán tỉnh dành cho Stormy Llewellyn, em còn viết
cái gì khác nữa không?
- Chẳng còn gì khác hết, - tôi thú nhận.
Khi tôi mười sáu tuổi, P. Oswald Boone, khi đó mới nặng ba
trăm năm mươi pao, đồng ý làm giám khảo cuộc thi viết văn tại trường tôi, ngôi
trường chính anh đã tốt nghiệp cách đó vài năm. Giáo viên tiếng Anh của tôi yêu
cầu học sinh nào cũng phải gửi bài dự thi.
Vì bà ngoại Sugars mới vừa qua đời và vì tôi đang nhớ bà nên
tôi đã viết một bài về bà. Chẳng may, bài đó đoạt giải nhất, khiến tôi nổi tiếng
chút ít trong trường, dù rằng tôi thích chìm hơn.
Nhờ những ký ức về bà, tôi nhận được ba trăm đôla với một tấm
bằng. Tôi bỏ tiền ra mua một dàn nhạc không đắt nhưng nghe khá hay.
Tấm bằng và dàn nhạc sau đó bị đập vỡ thành trăm mảnh bởi một
con yêu quái nổi cơn tam bành.
Kết quả duy nhất còn lại lâu dài từ cuộc thi viết văn đó là
tình bạn của tôi với Ozzie “bé”, điều tôi rất trân trọng dù trong suốt năm năm
anh cứ liên tục thúc ép tôi viết, viết và viết. Anh nói tài năng là một món quà
và theo lương tâm, tôi có nghĩa vụ phải tận dụng nó.
- Hai món quà là quá nhiều, - tôi đang nói với anh. - Nếu em
phải đối phó với hồn người chết rồi còn phải viết ra gì đó đáng giá thì em một
là phát điên hoàn toàn, hai là sẽ tự bắn vào đầu mình bằng khẩu súng anh muốn
cho em.
Hết kiên nhẫn với lý sự của tôi, anh nói:
- Viết lách không phải khởi nguồn của đau khổ. Đó là chất trị
liệu cho tinh thần. Nó khiến những khối u tâm lý bớt sưng tấy và xoa dịu nỗi
đau.
Tôi không nghi ngờ điều đó có đúng với anh không hay anh có
đau đến mức cả đời phải cần chất trị liệu cho tinh thần không.
Tuy Ozzie “lớn” vẫn còn sống nhưng Ozzie “bé” chỉ gặp bố mỗi
năm một hai lần. Mỗi lần gặp xong, anh cần hai tuần để lấy lại sự cân bằng cảm
xúc và tinh thần vui vẻ đặc trưng.
Mẹ anh cũng còn sống. Ozzie “bé” không nhắc đến bà đã hai
mươi năm.
Ozzie “lớn” hiện chỉ nhẹ hơn con trai chừng năm mươi pao, do
đó đa số mọi người đều cho rằng Ozzie “bé” thừa hưởng tình trạng béo phì từ bố.
Song Ozzie “bé” không chịu xem mình là nạn nhân của sự di
truyền. Anh nói bản chất anh là người yếu lòng nên mới có thân hình đồ sộ vậy.
Nhiều năm qua, đôi lúc anh nói bóng gió và tôi thường suy ra
rằng chuyện bố mẹ làm tan nát một phần trái tim anh đã dẫn đến sự mềm yếu ghê gớm
này. Thế nhưng anh chưa bao giờ kể về tuổi thơ gian khó và không hề nói ra điều
anh đã phải cam chịu. Anh chỉ viết tiểu thuyết thần bí, hết quyển này đến quyển
khác...
Anh không nhắc đến người thân bằng giọng cay đắng. Thay vào
đó, hầu như anh không hề nói đến họ và tránh xa họ hết mức có thể. Anh viết
sách về nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, rượu vang, hết cuốn này đến cuốn khác...
- Viết lách, - tôi nói, - không thể xoa dịu nỗi đau của em
nhiều bằng hình ảnh của Stormy... hay bằng hương vị kem dừa anh đào sôcôla miếng,
vấn đề là chỗ đó.
- Anh không có Stormy nào trong đời, - anh đáp, - nhưng anh
có thể hiểu chuyện kem.
Ozzie uống cạn ly rượu.
- Em tính thế nào với gã Bob Robertson này?
Tôi nhún vai.
Ozzie thúc ép tôi:
- Em phải làm gì đó chứ, gã biết em vào nhà gã hồi chiều và
bám theo em khắp nơi rồi.
- Tất cả những gì em có thể làm là thận trọng. Và chờ lúc cảnh
sát trưởng Porter tìm ra điều gì đó về gã. Dù sao thì cũng có thể không phải gã
bám theo em. Chắc gã nghe chuyện con bò nổ tung của anh và đi ngang xem đống
tàn tích thôi.
- Odd, anh sẽ thất vọng không gì tả xiết nếu chưa tận dụng
tài năng viết lách của em vào mục đích hữu ích nào mà ngày mai em đã chết ngoẻo.
- Nghĩ xem em thấy sao.
- Anh ước gì em mau khôn ra, kiếm một khẩu súng và viết một
cuốn sách chứ anh không mong bất kỳ mạng sống của ai phải ra đi vì gã. “Bước
chân ngày tháng trong những năm tuổi trẻ mới nhanh làm sao”.
Quy kết cho trích dẫn, tôi nói:
- Mark Twain.
- Tuyệt vời! Có lẽ xét cho cùng em không phải thằng khờ non
nớt ngu dốt cứng đầu.
- Lúc trước anh đã nói câu này rồi, - tôi thú thật, - thế
nên em mới biết.
- Ít ra em cũng còn nhớ! Anh tin điều đó, cho dù vô tình, em
đã bộc lộ lòng khao khát muốn từ bỏ vỉ nướng và trở thành người của văn chương.
- Điều em mong trước nhất là chuyển sang lĩnh vực lốp xe.
Ozzie thở dài:
- Đôi lúc em đúng là người thích cực khổ. - Anh lấy một ngón
tay gõ vào ly rượu rỗng không. - Lẽ ra anh phải đem theo cả chai.
- Cứ ngồi đi. Em lấy cho, - tôi lên tiếng vì tôi có thể xuống
bếp mang chai rượu Cabernet lên trong khoảng thời gian mà đối với Ozzie chỉ đủ
để nhấc mình ra khỏi ghế bành.
Dãy hành lang rộng hơn ba mét dùng làm nơi trưng bày nghệ
thuật, hai bên là những căn phòng chất đầy cũng là tác phẩm nghệ thuật.
Cuối hành lang là gian bếp. Trên quầy bếp lát đá granit đen
có một cái chai đã tháo nút để rượu được thở.
Mấy phòng ngoài có gắn máy điều hòa tạo cảm giác dễ chịu còn
gian bếp lại nóng đến kinh ngạc. Bước vào, trong chốc lát tôi cứ tưởng cả bốn bếp
lò đều đang nướng thức ăn.
Và rồi tôi thấy cửa sau để mở. Chiều tối ở vùng sa mạc, vẫn
nóng bức dưới ánh mặt trời mùa hè ngoan cố, đã hút hết không khí mát mẻ trong bếp.
Khi bước ra đóng cửa, tôi thấy Bob Robertson ở sân sau, tái
nhợt và giống cây nấm như bộ dạng trước nay.
------------
Còn tiếp.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét