Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Giao lộ sinh tử - (Chương 51, 52, 53, 54)

Giao lộ sinh tử

Tác giả: Dean Koontz  
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011

Chương 51

Tại cửa hàng nơi tôi đã mua No-Doz và Pepsi, tôi mua thêm một chai nước ngọt, thuốc sát trùng Bactine và một hộp băng keo cá nhân loại miếng dán lớn.
Tay thu ngân, một anh chàng mang khuôn mặt đầy vẻ ngạc nhiên, đặt mục thể thao trong tờ Thời báo Los Angeles sang bên và lên tiếng. “Này, cậu đang bị chảy máu đấy”.
Tỏ ra lịch sự không chỉ là cách đúng đắn để đáp trả người khác mà còn là cách dễ nhất. Cuộc sống đã quá nhiều xung đột và tôi thấy không lý gì lại đi gây thù chuốc oán thêm nữa.
Tuy nhiên vào lúc đó, tôi đang trong tâm trạng khó chịu hiếm gặp. Thời gian đang trôi qua vùn vụt với tốc độ khủng khiếp, giờ nổ súng nhanh chóng rút lại gần kề mà tôi vẫn không có cái tên nào để gán cho đồng bọn của Robertson.
- Cậu có biết cậu đang bị chảy máu không? - anh ta hỏi.
- Tôi đã nghi là sẽ bị.
- Trông khiếp quá.
- Tại tôi.
- Trán cậu sao thế?
- Cái nĩa.
- Cái nĩa ư?
- Đúng vậy. Phải chi tôi ăn bằng muỗng.
- Cậu lấy nĩa đâm mình à?
- Nó bay trượt lên.
- Bay trượt lên ư?
- Cái nĩa đó.
- Cái nĩa bay trượt lên à?
- Nó phóng lên trán tôi.
Ngừng đếm tiền trả lại, anh ta nheo mắt nhìn tôi.
- Đúng vậy, - tôi nói. - Một cái nĩa trượt trúng trán tôi.
Anh ta quyết định không dây dưa thêm với tôi. Anh ta trả tiền thừa, gói hàng và quay lại với trang thể thao.
Trong phòng vệ sinh nam tại trạm xăng kế bên, tôi rửa khuôn mặt máu me, lau vết thương, khử trùng bằng chai xịt Bactine rồi đè miếng gạc giấy vệ sinh lên. Mấy lỗ thủng và vết trầy không sâu, máu chẳng bao lâu đã ngừng chảy.
Đây không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối, tôi ước ao năng lực siêu nhiên của mình bao hàm luôn cả sức mạnh tự chữa lành.
Dán băng keo cá nhân xong, tôi về lại chỗ chiếc Chevy. Ngồi sau vô lăng, bật động cơ, máy điều hòa phà ngay mặt, tôi nốc Pepsi mát lạnh.
Chỉ có tin xấu trên đồng hồ đeo tay của tôi - 10:48.
Cơ bắp ê ẩm. Mắt đau xốn. Tôi cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối. Có thể mưu kế của tôi không chuyển sang chế độ chạy chậm, như bề ngoài của nó, nhưng tôi không thích cơ hội đối đầu một-một với đồng bọn của Robertson, kẻ chắc hẳn tận hưởng đêm ngon giấc hơn hẳn tôi.
Tôi uống hai viên caffeine cách đây chưa quá một tiếng, thế nên tôi không thể ực thêm hai viên. Vả lại, axit có sẵn trong bao tử tôi đã lên men thành chất ăn mòn đủ sức gặm nhấm cả thép, đồng thời tôi kiệt sức và hay giật mình, đây không phải tình trạng có lợi cho việc đấu tranh để sống còn.
Tuy không có đối tượng nào, không tên, không tướng mạo, làm điểm nhắm cho sức hút siêu linh, nhưng tôi vẫn lái xe hú họa đi khắp thị trấn Pico Mundo, hy vọng đến một nơi giúp khai sáng.
Sa mạc chói lóa thiêu đốt đến tột độ. Đến không khí dường như cũng nằm trên đống lửa, như thể mặt trời, theo vận tốc ánh sáng, cách Trái đất chưa đầy tám phút rưỡi, đã cưỡi mô tô đua đến đây tám phút trước, trao cho chúng tôi không gì ngoài cái nhìn trừng trừng làm hoa cả mắt như lời cảnh báo ngắn gọn về cái chết nhanh chóng sắp xảy ra.
Từng tia sáng lóe lên, lung linh vụt qua kính chắn gió như để đàn áp mắt tôi. Tôi không mang mắt kính. Ánh mắt nung nấu ấy nhanh chóng gây ra cơn nhức đầu mà khi so sánh thì vết nĩa trên trán có vẻ chỉ còn là cảm giác ngưa ngứa.
Rẽ bâng quơ từ đường này sang đường khác, tin vào trực giác dẫn dắt, tôi thấy mình đến Trang trại Shady, một trong những khu dân cư mới tại vùng đồi thị trấn Pico Mundo mà cách đây một thập kỷ, nơi đây chứa chấp không thứ gì nguy hiểm hơn bọn rắn chuông. Giờ dân chúng sống tại đây, và có lẽ một trong số đó là tên quái biến thái đang bày mưu giết người hàng loạt trong thú vui cao cấp hơn mức trung lưu ở vùng ngoại ô.
Trang trại Shady chưa bao giờ là trại chăn nuôi loài nào; giờ cũng vậy, trừ khi bạn gộp nhà ở lại thành một bầy. Về phần bóng mát, vùng đồi này có ít bóng mát hơn hầu hết các khu lân cận trong trung tâm thị trấn vì cây cối còn lâu mới cao lớn.
Tôi đậu xe trên lối vào nhà bố tôi nhưng không tắt máy ngay. Tôi cần thời gian lấy can đảm cho lần đối mặt này.
Như những ngôi nhà khác tại đây, ngôi nhà theo phong cách Địa Trung Hải có ít nét đặc sắc. Thấp dưới mái nhà lợp ngói đỏ là mặt tiền không trang trí, trát vữa màu be và kính gắn vào nhau tại những góc bình thường không cần nhờ đến kiến trúc sư đại tài mà chỉ cần căn theo kích thước và hình dáng lô đất.
Cúi gần hơn khe thoát hơi mát, tôi nhắm mắt đón luồng khí lạnh. Ánh sáng ma trơi trôi dạt qua sau mi mắt tôi, những ký ức khắc vào võng mạc về cái nhìn trừng trừng của sa mạc, sau đó lắng dịu một cách kỳ lạ trong giây lát đến khi vết thương trên ngực Robertson trồi lên từ vùng ký ức sâu hơn.
Tôi tắt động cơ, ra khỏi xe, đi đến ngôi nhà của bố và bấm chuông.
Buổi sáng giờ này, rất nhiều khả năng ông có mặt tại nhà. Ông chưa bao giờ làm việc một ngày nào trong đời và hiếm khi rời khỏi giường trước chín, mười giờ.
Bố mở cửa, kinh ngạc khi thấy tôi.
- Odd, con đâu có gọi điện báo là sẽ đến.
- Dạ phải, - tôi tán thành. - Con không gọi.
Bố tôi bốn mươi lăm tuổi, phong độ với mái tóc dày, phần đen vẫn còn nhiều hơn phần bạc. Ông có thân hình lực lưỡng săn chắc mà ông tự hào đến mức kiêu căng.
Chân trần, mặc độc cái quần đùi kaki xệ xuống ngang hông. Làn da rám nắng được cần mẫn thoa dầu, lên màu nổi bật, giữ lâu nhờ kem dưỡng.
- Sao con đến đây? - bố tôi hỏi.
- Con không biết.
- Trông con không khỏe lắm.
Bố tôi lùi khỏi cửa một bước. Ông sợ bệnh tật.
- Con không bị ốm, - tôi cam đoan với ông. - Chỉ mệt rã rời thôi. Mất ngủ. Con vào được không?
- Bố chẳng có việc gì nhiều, chỉ mới ăn sáng xong, sắp đi bắt vài con cá đuối.
Bất kể đó có phải lời mời hay không, tôi cũng không để tâm, tôi cứ thế bước qua ngưỡng cửa, đóng lại sau lưng.
- Britney đang trong bếp, - bố nói và dẫn tôi ra đằng sau.
Màn cửa được kéo kín mít, các căn phòng nằm thẳng hàng với bóng mát xa xỉ.
Tôi đã nhìn thấy nơi này vào lúc sáng sủa hơn. Trang hoàng đẹp đẽ. Bố tôi có phong cách và yêu sự an nhàn sung túc.
Ông thừa kế một quỹ ủy thác dồi dào. Khoản tiền rủng rỉnh hàng tháng chu cấp cho lối sống mà nhiều người phải ganh tị.
Tuy đã có nhiều nhưng bố tôi khao khát nhiều hơn. Ông ao ước được sống sướng hơn hiện tại. Và bực dọc trước những điều khoản của quỹ quy định ông phải sống bằng tiền lời và không được phép đụng đến tiền vốn.
Ông bà nội tôi đã sáng suốt khi để lại di sản cho bố theo các điều khoản trên. Nếu có thể chạm tay vào khoản tiền vốn thì bố tôi đã thành kẻ bần hàn không nhà từ lâu rồi.
Ông đầy ắp các kế hoạch làm giàu nhanh, kế hoạch mới nhất là bán đất trên mặt trăng. Nếu có thể tự tung tự tác quản lý mớ của cải, ông sẽ mất kiên nhẫn với số tiền lời mười hay mười lăm phần trăm trong tổng vốn đầu tư và sẽ liều mạng đổ cả đống tiền vào những dự án bấp bênh, hy vọng tiền sinh sôi gấp đôi gấp ba chỉ trong một đêm.
Gian bếp lớn, trang bị đồ dùng chất lượng nhà hàng và đủ loại dụng cụ làm bếp có trên đời, dù rằng một tuần ông ra ngoài ăn tối hết sáu bảy ngày.
Sàn gỗ, tủ gỗ theo phong cách trên tàu với bốn góc vạt tròn, kệ bếp lát đá granit và các vật dụng thép không rỉ góp phần vào không gian bóng bẩy và lôi cuốn.
Britney cũng bóng bẩy và lôi cuốn theo kiểu khiến bạn sởn gai ốc.
Khi bố và tôi vào bếp, cô ả đang đứng khuỵu một chân bên cửa sổ, nhấm nháp ly rượu sâm banh buổi sáng và dán mắt ra chỗ những tia nắng như bầy rắn uốn éo ngoằn ngoèo giăng ngang mặt hồ bơi.
Bộ áo tắm hai mảnh dây nhợ mỏng manh của ả nhỏ xíu đủ để kích thích mấy tay biên tập viên chán ngắt của tạp chí Hustler, nhưng ả mặc đẹp đủ để làm bìa tạp chí Sports Illustrated giới thiệu áo tắm.
Ả mười tám nhưng trông trẻ hơn. Đây là tiêu chuẩn cơ bản của bố tôi về phụ nữ. Bọn họ không bao giờ quá hai mươi và lúc nào cũng trông trẻ hơn tuổi thật.
Vài năm trước, bố dính vào rắc rối khi ăn ở với một con bé mới mười sáu. Ông khẳng định không hề biết tuổi thật của con bé. Vị luật sư biện hộ có mức giá ngất trời đã nhét thêm tiền cho con bé và bố mẹ con bé tha cho bố tôi khỏi phải chịu nỗi sỉ nhục của một tù nhân da xanh xao và tóc cắt ngắn.
Thay vì chào hỏi, Britney tặng tôi vẻ mặt sưng sỉa và khó chịu. Ả hướng sự chú ý trở về hồ bơi lốm đốm tia nắng.
Ả bực tức với tôi vì nghĩ bố sẽ cho tôi khoản tiền mà lẽ ra bố cho ả. Mối bận tâm này thật vô căn cứ. Bố sẽ không bao giờ chìa cho tôi một xu và tôi cũng sẽ không bao giờ nhận một đồng nào hết.
Tốt hơn ả nên lo về hai điều: thứ nhất, ả đã ở với bố tôi năm tháng; thứ hai, trung bình một mối tình của bố kéo dài từ sáu đến chín tháng. Với sinh nhật thứ mười chín đang lù lù tiến đến thì chẳng mấy chốc ả sẽ trông già hơn bố tôi.
Cà phê đã pha. Tôi xin một cái tách, tự rót và ngồi xuống ghế ở quầy rượu nằm ngay giữa bếp.
Luôn bồn chồn với sự có mặt của tôi, bố đi quanh căn phòng, rửa ly rượu của Britney khi ả đã uống cạn, lau cái kệ bếp không cần lau, chỉnh sửa vị trí mấy cái ghế ở bàn ăn sáng.
- Con sẽ làm đám cưới vào thứ Bảy, - tôi thông báo.
Chuyện này khiến bố kinh ngạc. Bố cưới mẹ chỉ một thời gian ngắn và hối tiếc về điều đó trong suốt những giờ tuyên thệ. Hôn nhân không hợp với ông.
- Với con bé Llewellyn hả? - ông hỏi.
- Dạ phải.
- Đó có phải ý hay không?
- Đó là ý tưởng tuyệt nhất con từng nghĩ ra.
Britney rời mắt khỏi cửa sổ, quay lại nhìn tôi chăm chú với cặp mắt nhỏ và sáng mang vẻ xét nét. Đối với cô ả, đám cưới đồng nghĩa với tặng phẩm, quà của bố mẹ, và cô ả sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình.
Ả không làm tôi giận chút nào. Ả khiến tôi buồn, vì tôi có thể nhìn thấy tương lai hết sức khổn khổ của ả mà chẳng cần đến giác quan thứ sáu.
Thú thật, ả còn khiến tôi sợ đôi chút, bởi ả ủ rũ và nhanh chóng nổi giận. Tệ hơn nữa, mức độ trọn vẹn và dữ dội của lòng tự trọng nơi ả bảo đảm rằng ả chưa bao giờ e sợ, rằng ả không thể tưởng tượng ra việc chịu đựng những hậu quả đau đớn về các hành vi đã làm.
Bố tôi thích phụ nữ ủ rũ, những người mang cơn giận kìm nén không nguôi ngay dưới vẻ mặt. Trạng thái buồn rầu biểu thị rối loạn tâm lý càng nhiều bao nhiêu, chúng càng kích thích bố tôi bấy nhiêu. Tình dục không đi kèm hiểm nguy đối với ông chẳng còn hứng thú gì.
Tất cả nhân tình của bố đều đáp ứng tiêu chí này. Ông không bỏ nhiều công sức tìm kiếm họ; như thể cảm nhận được nhu cầu của ông, bị thu hút bởi mùi hương và rung động, họ tìm thấy ông với mức độ đều đặn đáng tin cậy.
Bố từng nói với tôi rằng một phụ nữ càng ủ ê bao nhiêu thì khi lên giường sẽ càng nóng bỏng bấy nhiêu. Đó là kiểu lời khuyên của bố mà tôi có thể sống không cần đến nó.
Bây giờ, trong lúc tôi rót cà phê vào chai Pepsi, bố cất giọng:
- Con bé Llewellyn có thai đúng không?
- Dạ không.
- Con còn quá trẻ để kết hôn, - bố nói. - Tuổi của bố, đó mới là lúc để ổn định.
Bố nói điều này vì lợi ích của Britney. Bố sẽ không bao giờ cưới ả. Về sau, ả sẽ nhớ điều đó như một lời hứa. Khi bố bỏ rơi ả, cuộc chiến sẽ còn bi tráng hơn cả trận đấu giữa Godzilla với Mothra.
Sớm muộn gì, một trong những cô nàng nóng bỏng của bố, trong cơn đau khổ, cũng sẽ làm bị thương hoặc giết chết bố. Tôi tin rằng trong sâu thẳm, dù theo tiềm thức, bố cũng biết điều đó.
- Cái gì trên trán đấy? - Britney hỏi.
- Băng cá nhân.
- Say rượu té ngã hay do cái khác?
- Cái khác.
- Đánh nhau à?
- Không. Một vết thương nghề nghiệp do nĩa gây ra.
- Một cái gì?
- Nĩa trượt trúng trán.
Sự điệp âm có vẻ khiến người ta khó chịu. Vẻ mặt cô ả đanh lại.
- Ăn trúng cái quái quỷ gì thế hả?
- Đầy ngập caffeine, - tôi tự nhận.
- Caffeine, ôi trời.
- Pepsi, cà phê và No-Doz. Sôcôla nữa. Sôcôla chứa caffeine. Vài cái bánh quy sôcôla. Bánh rán sôcôla.
Bố lên tiếng:
- Thứ Bảy không được rồi. Bố không thể thu xếp vào ngày thứ Bảy. Bố và cô ấy có những kế hoạch khác không hoãn được.
- Được rồi, - tôi nói, - con hiểu mà.
- Giá như con báo sớm hơn.
- Không sao. Con không mong bố có thể thu xếp đến dự được.
- Dở hơi mà đi báo tin đám cưới chỉ ba ngày trước bữa tiệc, - Britney lầm bầm.
- Bình tĩnh nào, - bố khuyên can ả.
Guồng máy tâm lý của ả không còn chạy ung dung nữa.
- Ôi, khỉ thật, đúng là đồ quái gở.
- Làm vậy thật sự chẳng ích gì đâu, - bố khiển trách nhưng bằng giọng ngọt như mía lùi.
- Thật là vậy mà, - ả khăng khăng. - Chúng ta chẳng đã nói về chuyện này cả trăm ngàn lần rồi sao. Không có xe hơi, sống trong ga ra...
- Trên ga-ra, - tôi chỉnh lại.
- ... ngày nào cũng mặc đúng một thứ đồ, làm bạn với hết thảy lũ bất tài trong thị trấn, một kẻ mong muốn trở thành cảnh sát giống như thằng bưng nước lăng xăng, chạy quanh đội cầu thủ bóng đá, và đúng là quái gở hết mức...
- Đừng gây gổ vì con, - tôi lên tiếng.
- ... hết mức quái gở, cái cách đi đến đây mở miệng nói chuyện, nào là đám cưới, rồi vết thương nghề nghiệp do nĩa gây ra. Xin phép đi.
- Tôi quái gở, - tôi nói một cách chân thành. - Tôi thừa nhận, chấp thuận điều đó. Chẳng lý do gì để gây gổ. Bình tâm đi.
Bố tôi không thể giả vờ như thật khiến người khác tin lời khi ông nói:
- Đừng nói vậy. Con không phải kẻ quái gở.
Bố không biết năng lực siêu nhiên của tôi. Lên bảy tuổi, khi giác quan thứ sáu yếu kém và chập chờn lúc trước đó của tôi trở nên mạnh mẽ và bền bỉ, tôi đã không chạy đến chỗ ông xin lời khuyên.
Tôi giấu biến bố về sự khác biệt của mình một phần vì tôi nghĩ ông sẽ liên tục ép tôi chọn ra những tấm vé số trúng thưởng, điều tôi không thể làm được. Tôi nghĩ ông sẽ khoe tôi trước giới truyền thông, đánh cược năng lực của tôi trên chương trình TV, hay thậm chí bán cổ phiếu về tôi cho những tay đầu cơ sẵn lòng tài trợ chương trình tự giới thiệu và một tên đồng bóng.
Ra khỏi ghế, tôi nói.
- Con nghĩ giờ có lẽ con biết tại sao mình đến đây rồi.
Khi tôi bắt đầu hướng đến cửa bếp, bố đi theo.
- Bố thật lòng ước gì con chọn ngày thứ Bảy khác.
Quay lại nhìn mặt ông, tôi nói:
- Con nghĩ con đến đây vì con sợ đến chỗ mẹ.
Britney bước đến sau bố, áp sát thân hình gần như khỏa thân của ả vào người bố. Ả vòng tay quanh người ông, bàn tay đặt trên ngực ông. Ông không cố đẩy ả ra.
- Có một chuyện con đang vướng mắc, - tôi lên tiếng, đúng ra là nói với chính mình nhiều hơn với hai người kia. - Một chuyện con cực kỳ, cần biết… hoặc cần làm. Và vì lý do nào đó, theo cách nào đó, nó liên quan đến mẹ. Biết đâu mẹ có câu trả lời.
- Câu trả lời ư? - bố lên giọng hoài nghi. - Con biết quá rõ mẹ con là nơi khó tìm thấy câu trả lời nhất mà.
Đứng sau vai trái của bố cười ranh mãnh, Britney trượt bàn tay chầm chậm lên, xuống bộ ngực vạm vỡ và vòng bụng phẳng lì của ông.
- Ngồi đi, - ông nói. - Bố sẽ rót cho con một ly cà phê khác. Con có vấn đề gì cần nói thì nói đi.
Bàn tay phải của Briney di chuyển từ từ trên bụng bố, mấy ngón tay đùa nghịch bên dưới cạp quần đùi kéo trễ xuống hông của ông.
Bố muốn tôi thấy sự thèm muốn mà ông khơi lên được ở cô nàng trẻ trung căng tràn sức sống ấy.
Bố tự hào về sinh lực của mình và niềm tự hào ấy dữ dội đến mức lấp đầy tâm trí ông, khiến ông hoàn toàn không nhận ra sự bẽ mặt của con trai mình.
- Hôm qua là ngày giỗ của Gladys Presley, - tôi nói. - Con trai bà ấy khóc như mưa suốt nhiều ngày sau khi mất mẹ, và ông đau buồn ra mặt cả năm trời.
Thoáng khó chịu tạo ra vết hằn mờ nhạt trên vầng trán tiêm Botox của bố, thế nhưng Britney quá mải mê với trò chơi của ả nên không chú ý đến những lời tôi nói. Cặp mắt ả sáng rực bởi cái gọi là nô đùa hay niềm vui chiến thắng trong lúc tay phải của ả dần tuột sâu hơn trên chiếc quần đùi kaki của bố.
- Ông ta cũng thương bố mình. Mai là ngày giỗ của Elvis. Con nghĩ con sẽ cố đến thăm và nói cho ông ấy biết ông ấy đã may mắn biết bao ngay từ ngày được sinh ra.
Tôi bước ra khỏi bếp, ra khỏi nhà.
Bố không đi theo. Tôi không mong bố đi theo.

Chương 52

Mẹ tôi sống trong ngôi nhà xinh xắn mang kiến trúc thời Victoria tại một khu phố lịch sử của thị trấn Pico Mundo. Bố được thừa kế nó từ ông bà nội.
Khi ly dị, mẹ nhận được nơi ở đẹp đẽ này cùng mọi thứ bên trong và khoản trợ cấp đáng kể điều chỉnh theo mức giá sinh hoạt. Vì mẹ chưa bao giờ và gần như không bao giờ tái hôn nên sẽ được trợ cấp khoản tiền đó suốt đời.
Hào phóng không phải cơn bốc đồng thứ nhất, thứ hai hay cuối cùng của bố. Bố dàn xếp một cuộc sống thoải mái cho mẹ chỉ đơn thuần vì sợ mẹ. Bực tức trước việc phải chia bớt thu nhập hàng tháng từ quỹ ủy thác cho mẹ nhưng bố không có can đảm để làm ngay cả chuyện thương lượng với mẹ, thông qua luật sư. Mẹ nhận được khá nhiều mọi thứ bà yêu cầu.
Bố trả tiền để được yên thân và để có cơ hội mới tìm hạnh phúc (như bố nói).
Và ông bỏ tôi lại sau lưng khi tôi mới tròn một tuổi.
Trước khi bấm chuông, tôi quét tay qua xích đu ngoài hiên để chắc chắn là nó sạch sẽ. Có thể trong lúc trò chuyện, mẹ sẽ ngồi trên xích đu còn tôi ngồi lên hàng rào ngoài hiên.
Mẹ và tôi luôn gặp nhau ngoài trời. Tôi tự hứa với lòng sẽ không bao giờ bước chân vào ngôi nhà đó lần nữa, cho dù tôi sẽ sống lâu hơn mẹ.
Sau khi bấm chuông hai lần không ai trả lời, tôi đi vòng ra sân sau.
Khu đất sâu vào trong. Hai câu sồi California to lớn đứng sừng sững ngay sau nhà, cùng xòa bóng rộng khắp nhưng không che phủ hết. Xa xa phía cuối khu đất, mặt trời chiếu thẳng xuống vườn hồng.
Mẹ tôi đang lúi húi giữa mấy bụi hoa. Như quý bà thời xưa, mẹ mặc đầm màu vàng và đội mũ rộng vành cùng tông.
Tuy vành mũ che mặt mẹ nhưng tôi có thể thấy vẻ đẹp hiếm có của bà không lu mờ trong suốt bốn tháng qua, kể từ lần cuối tôi ghé thăm.
Mẹ lấy bố khi bà mười chín, còn ông hai mươi bốn tuổi.
Hiện giờ bà bốn mươi nhưng nhìn như mới hơn ba mươi.
Bức ảnh chụp ngày cưới cho thấy một thiếu nữ mười chín trông như mới mười sáu, đẹp mê hồn, cực kỳ dịu dàng trong chiếc áo cô dâu. Những cô nàng sau này của bố không ai sánh kịp với vẻ đẹp của mẹ tôi.
Thậm chí giờ đây, khi mẹ đã bốn mươi, nếu để mẹ ở chung phòng với Britney, bà mặc đầm còn cô ả mặc đồ tắm thiếu vải thì hầu hết đàn ông sẽ ùa đến chỗ mẹ trước tiên. Và nếu khi đó mẹ có tâm trạng, bà sẽ khiến bọn họ mê mệt đến độ tưởng như bà là người phụ nữ duy nhất nơi ấy.
Tôi đến gần trước khi bà kịp nhận ra có người. Bà ngẩng lên, đứng thẳng dậy và chớp mắt nhìn tôi giây lát như thể tôi là ảo ảnh do sức nóng tạo ra.
Và rồi bà nói:
- Odd, con trai cưng, kiếp trước con hẳn là mèo mới rón rén đi khắp sân như vậy được.
Tôi gắng gượng nặn ra một nụ cười thoáng qua.
- Chào mẹ. Mẹ đẹp tuyệt.
Mẹ cần lời khen, nhưng thực tế chưa bao giờ trông bà dưới mức tuyệt đẹp.
Nếu mẹ là người xa lạ, biết đâu tôi còn thấy bà xinh đẹp hơn bội phần. Đối với tôi, quá khứ chung giữa hai mẹ con đã làm giảm bớt vẻ lộng lẫy của bà.
- Đến đây nào, con yêu, nhìn những đóa hoa rực rỡ này xem.
Tôi bước vào vườn hồng, lối đi lát đá phủ đầy bụi và kêu lạo xạo dưới chân.
Vài bông hoa trưng ra mấy cái cánh đỏ chót. Các đóa hoa khác như những cái bát màu cam, cái tách màu vàng chứa đầy nắng hè. Sắc hồng, sắc tím, hồng phớt, khu vườn không ngừng được trang hoàng dành cho tiệc tùng.
Mẹ hôn lên má tôi. Môi bà không lạnh như tôi luôn mong đợi.
Kể tên đủ loại, mẹ nói:
- Đây là hoa hồng John F. Kennedy. Cực đẹp đúng không?
Dùng một tay, mẹ nhẹ nhàng nâng đóa hoa nở rộ nặng đến mức nghiêng xuống thân cây oằn cong.
Trắng bệch như bộ xương bị mặt trời tẩy rửa, thoáng chút sắc xanh mờ nhạt, những cánh hoa lớn này không mỏng manh mà dày mịn khác thường.
- Chúng trông như nặn từ sáp, - tôi nói.
- Chính xác. Chúng thật hoàn hảo phải không con? Mẹ yêu tất cả hoa hồng, nhưng mấy đóa này thì mẹ yêu hơn hẳn.
Không phải vì mẹ yêu thích loại hoa hồng này nên tôi thích chúng ít hơn so với những loại khác.
Sự hoàn hảo của chúng gây cho tôi cảm giác giả tạo. Những nếp gấp của cánh hoa đập vào mắt hứa hẹn điều bí ẩn và vui thích ẩn trong nhụy hoa bị che khuất chính giữa, nhưng có vẻ đó là lời hứa giả dối, vì màu trắng bệch lạnh lùng cùng vẻ cứng nhắc như sáp kia, và thiếu hẳn hương thơm, gợi nên không phải sự thuần khiết hay đam mê mà chỉ toàn là chết chóc.
- Một cành cho con, - mẹ nói, rút ra khỏi túi áo đầm một cây kéo nhỏ dùng để cắt hoa.
- Không, mẹ đừng cắt. Cứ để nó mọc ở đó đi. Đưa cho con phí lắm.
- Vớ vẩn. Con phải tặng nó cho bạn gái. Nếu trao đúng lúc, một đóa hồng đơn lẻ có thể bày tỏ tình cảm của chàng trai rõ ràng hơn cả một bó hoa.
Bà cắt ra cành hoa dài hơn một tấc.
Tôi để tay bên dưới cách đế hoa không bao xa, kẹp cành hoa bằng ngón cái và ngón trỏ, giữa những cái gai cao nhất.
Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, tôi thấy ánh mặt trời tạm lắng và những bông hoa ngát hương chỉ khiến thời gian dường như trôi qua lề mề, trong khi thực chất nó đang phóng vù vù.
Biết đâu thậm chí ngay lúc này, tên đồng bọn của Robertson đang lái xe đến điểm hẹn tội ác.
Đi dọc vườn hoa với dáng yêu kiều như bà hoàng và nụ cười hiền hậu vương giả, thích thú ngắm nhìn những cái đầu cúi chào của đám thần dân đủ màu sắc, mẹ cất giọng:
- Mẹ rất mừng con đã ghé chơi, con yêu. Nhân dịp gì vậy?
Đi lùi một bước sau lưng mẹ, tôi nói:
- Con không biết chính xác. Con có vấn đề này...
- Chúng ta không cho phép vấn đề nào ở đây, - bà nói bằng giọng phản đối dịu nhẹ. - Từ lối đi phía trước cho đến hàng rào phía sau, ngôi nhà và mảnh đất này là vùng miễn lo âu.
Nhận thức được rủi ro nhưng dù sao tôi đã đưa mẹ và tôi vào vùng nguy hiểm. Lớp đá dưới chân như biến thành cát lún trì níu.
Tôi không biết cách nào khác để tiếp tục câu chuyện. Tôi không có thời gian chơi đùa theo luật của bà.
- Có chuyện con cần nhớ ra hay một chuyện lẽ ra con nên làm, - tôi nói, - nhưng con gặp vướng mắc. Trực giác đưa con đến đây vì... con nghĩ bằng cách nào đó mẹ có thể giúp con phát hiện ra điều gì bỏ sót.
Về phần mẹ, những lời của tôi chỉ dễ hiểu hơn những câu lắp bắp sai ngữ pháp. Giống như bố, mẹ chẳng biết gì về năng lực siêu nhiên của tôi.
Khi còn nhỏ, tôi đã nhận ra rằng nếu phức tạp hóa cuộc đời của mẹ bằng sự thật về tình trạng của tôi thì sự căng thẳng quá mức của hiểu biết ấy sẽ là cái chết của mẹ. Hoặc cái chết của tôi.
Bao giờ cũng vậy, mẹ theo đuổi một cuộc sống tuyệt đối không căng thẳng, không tranh cãi. Mẹ không thừa nhận bổn phận đối với ai, không gánh vác trách nhiệm đối với ai khác ngoài bản thân mình.
Bà chẳng bao giờ gọi đó là ích kỉ. Với bà, như thế là tự bảo vệ, vì bà thấy thế giới đòi hỏi khắt khe quá sức, hơn mức bà có thể chịu đựng.
Nếu ôm trọn cuộc sống này với toàn bộ những mâu thuẫn của nó, mẹ sẽ mắc chứng suy nhược. Thế nên, mẹ chế ngự thế giới bằng mọi trù tính lạnh lùng của một người chuyên quyền nhẫn tâm, đồng thời gìn giữ sự minh mẫn bấp bênh bằng cách bọc quanh mình cái kén thờ ơ lãnh đạm.
- Có thể nếu mẹ con ta nói chuyện một lát, - tôi nói, - sau đó con có thể hiểu ra tại sao con đến đây, tại sao con lại nghĩ mẹ có thể giúp con.
Tâm trạng của bà chuyển biến nhanh trong chớp mắt. Quý bà yêu hoa hồng quá yếu đuối đến mức không thể xử lý thách thức này và nhân vật hớn hở rút lui nhường chỗ cho một nữ thần điên tiết.
Mẹ nhìn tôi với ánh mắt cay cú, đôi môi mím chặt và tái mét, như thể chỉ cần một cái nhìn dữ tợn là có thể tống cổ tôi đi.
Trong các tình huống thông thường, mỗi cái nhìn đó thôi thật sự cũng khiến tôi chuồn gấp.
Thế nhưng ánh mặt trời gay gắt gần đứng bóng, nhanh chóng đẩy chúng tôi đến gần hơn giờ nổ súng. Tôi không dám quay trở ra đường phố oi nồng của thị trấn Pico Mundo mà không có một cái tên hay mục đích nào để tập trung sức hút siêu linh.
Khi nhận thấy tôi sẽ không lập tức bỏ đi để bà yên ổn hưởng thú điền viên, bà cất giọng lạnh tanh rôm rốp như nước đá:
- Ông ta bị bắn vào đầu, con biết mà.
Lời tuyên bố này khiến tôi hoang mang, nó hãy còn có cả mối liên kết thần bí với vụ thảm sát đang đến gần mà tôi mong có thể chặn đứng.
- Ai cơ? - tôi hỏi.
- John F. Kennedy. - Mẹ đưa ra cái tên trùng tên hoa hồng. - Chúng bắn vào đầu ông ấy làm não phọt ra.
- Mẹ, - tôi lên tiếng, dù hiếm khi dùng cụm từ đó trong cuộc trò chuyện với bà, - chuyện này khác. Lần này mẹ phải giúp con. Nếu không mọi người sẽ chết.
Có lẽ đó là điều tệ hại nhất mà tôi thốt ra. Mẹ không động lòng trước việc phải có trách nhiệm với mạng sống của người khác.
Bà chộp lấy cành hoa hồng đã cắt cho tôi, tóm chặt vào bông hoa và tước nó khỏi tay tôi.
Vì không nhanh tay buông ra kịp nên cành hoa cào xước giữa mấy ngón tay tôi và một cái gai chọc thủng mặt trong ngón cái, lấy đi mẩu da.
Bà vò nát bông hoa rồi quẳng xuống đất, quay đi và sải bước vào nhà.
Tôi không bỏ cuộc. Tôi đuổi kịp bà, đi bên cạnh, nài xin vài phút trò chuyện để có thể làm đầu óc tôi sáng ra và giúp tôi hiểu lý do đến đây, trong số mọi địa điểm, vào giờ phút nguy cấp này.
Mẹ vội vã, tôi vội vã theo. Lúc đến bậc thềm ngoài hiên sau, bà bỏ chạy, phần váy đầm bay sột soạt như đôi cánh, một tay bà giữ cái mũ trên đầu.
Cánh cửa lưới đóng sầm lại khi bà biến mất vào nhà. Tôi dừng bước ngoài hiên, miễn cưỡng không muốn vào trong.
Ân hận đã làm phiền mẹ nhưng tôi cảm thấy chính mình phiền muộn và tuyệt vọng.
Tôi nói vọng qua cửa lưới:
- Con không đi đâu. Lần này con không đi được. Con chẳng còn chỗ nào để đi.
Mẹ không trả lời. Phía bên kia cửa lưới, gian bếp có màn che nằm trong bóng tối, im ắng đến mức không thể che giấu người mẹ đau khổ của tôi. Bà đã vào sâu hơn trong nhà.
- Con sẽ ở ngoài hiên này, - tôi hét to. - Con sẽ đợi ở đây. Suốt cả ngày nếu buộc phải làm vậy.
Tim đập thình thịch, tôi ngồi bệt xuống dưới hiên, chân đặt lên bậc trên cùng, quay mặt khỏi cửa bếp.
Sau đó, tôi nhận ra ắt hẳn mình đến nhà mẹ, trong tiềm thức chưa ý định khơi ra chính xác phản ứng này và nhanh chóng dồn bà đến thái độ phòng thủ cơ bản trước trách nhiệm. Súng ống.
Thế nhưng giây phút ấy, cơn hỗn loạn là bạn đồng hành của tôi còn sự tỉnh táo dường như đã vượt khỏi tầm tay.

Chương 53

Cái gai nhú khỏi ngón cái. Tôi giật nó ra nhưng lỗ thủng gây ra chảy máu vẫn nhói buốt như “tặng” tôi thêm một vết nhiễm trùng.
Hổ thẹn, ngồi ngay thềm nhà mẹ mình, tôi cảm thấy tủi thân như đó không phải là một cái gai mà là cả bụi gai nhọn.
Lúc nhỏ, khi bị đau răng, tôi không thể trông đợi được mẹ dỗ dành.
Mẹ luôn gọi bố hay một người hàng xóm nào đó đưa tôi đi nha sĩ, trong lúc ấy, bà rút vào phòng riêng và khóa trái cửa. Bà ẩn náu ở đó một hai ngày cho đến lúc chắc rằng tôi không còn kêu ca bệnh tật gì mà bà phải quan tâm nữa.
Cơn sốt nhẹ hay chứng viêm họng hành hạ tôi là cơn khủng khoảng mà mẹ tôi không thể giải quyết. Năm lên bảy, đau đớn do viêm ruột thừa, tôi gục ngã tại trường và được tức tốc đưa đến bệnh viện; nếu tình trạng của tôi trở nặng khi ở nhà, chắc mẹ tôi để tôi đi đời trong phòng khi bà còn đang bận rộn với chồng sách nội dung nhẹ nhàng, nhạc êm dịu và các sở thích thượng lưu khác nhằm nặn ra một “thế giới hoàn hảo” của riêng bà.
Những nhu cầu tình cảm, niềm vui nỗi buồn, hoài nghi và hy vọng, khổ sở và lo âu của tôi là việc của riêng của mình tôi khám phá và giải quyết, không hề có sự chỉ bảo hay cảm thông của mẹ. Hai mẹ con chỉ nói về những điều không khiến mẹ tôi bối rối hoặc không tạo cho mẹ cảm giác buộc phải hướng dẫn dìu dắt.
Mười sáu năm sống chung một mái nhà mà như sống tại hai thế giới song song hiếm khi giao thoa. Đặc trưng nổi bật thời thơ ấu của tôi là nỗi cô đơn giày vò và hàng ngày vật lộn để tránh né cảm giác trong tâm hồn mà nỗi cô đơn tẻ nhạt gây ra.
Vào những thời điểm dữ dội, khi sự việc buộc hai thế giới song song kia phải giao nhau trong các cơn khủng hoảng mà mẹ tôi không thể chịu nổi và không dễ thoái lui, mẹ chắc chắn cầu viện đến cùng một công cụ kiểm soát. Khẩu súng. Mối kinh hãi về những cuộc chạm trán đen tối ấy và tội lỗi sau đó khiến tôi thà chọn nỗi cô đơn còn hơn bất cứ sự tiếp xúc nào đưa mẹ vào trạng thái khốn cùng.
Hiện giờ, trong lúc đang ấn chặt ngón tay cái và ngón trỏ vào với nhau để ngăn máu chảy, tôi nghe tiếng cửa lưới bật mở phát ra tiếng “tưng tưng”.
Tôi không dám quay lại nhìn mẹ. Nghi thức cũ chẳng mấy chốc sẽ được tiến hành.
Sau lưng tôi mẹ cất giọng:
- Đi đi.
Nhìn chằm chằm vào những cái bóng đan nhau của cây sồi vào vườn hồng sáng rực xa kia, tôi đáp:
- Con không thể. Lần này thì không.
Tôi xem đồng hồ - 11:32.
Mức độ căng thẳng của tôi không thể xoắn chặt thêm chút nào nữa, từng phút phải từng phút trôi qua, như đồng hồ chứa bom nằm trên cổ tay tôi.
Giọng mẹ đã trở nên chán nản và gượng gạo dưới trọng lượng của gánh nặng tôi đặt lên bà, gánh nặng về lòng tốt và sự quan tâm đơn giản của con người, điều bà không có.
- Mẹ không chịu nổi chuyện này đâu.
- Con biết. Nhưng có một việc... con không chắc là... một việc mẹ có thể thật sự giúp được con.
Mẹ ngồi xuống cạnh tôi ở đầu bậc thềm trước nhà. Bà cầm khẩu súng bằng hai tay, nhắm vào mảnh sân râm mát bóng cây tối.
Bà không xài đồ giả. Khẩu súng đã nạp đạn.
- Mẹ sẽ không sống kiểu đó. Không đâu. Mẹ không thể. Người ta luôn luôn muốn cái này cái kia, rút cạn sức mẹ. Tất cả mọi người muốn, muốn, muốn, tham lam vô độ. Nhu cầu của con... như đống sắt đối với mẹ, sức nặng như bị chôn sống.
Đã nhiều năm, cũng có lẽ chưa bao giờ tôi dồn ép bà nặng nề như trong ngày thứ Tư định mệnh ấy:
- Mẹ à, điều điên rồ là sau hơn hai mươi năm gánh chịu chuyện tào lao này, sâu thẳm trái tim con, nơi có lẽ đen tối nhất, con nghĩ vẫn còn le lói tình yêu thương dành cho mẹ. Có thể đó là lòng thương hại, con không chắc, nhưng nó đủ sức gây đau đớn như tình yêu thương.
Bà không muốn tình yêu thương từ tôi hay bất kì ai. Bà không muốn có nó để phải cho đi.
Bà không tin tình yêu. Bà sợ tin vào nó và những nhu cầu kèm theo nó. Bà chỉ muốn sự ăn ý không đòi hỏi, các mối quan hệ kiệm lời ngọt ngào. Thế giới hoàn hảo của mẹ tôi chỉ có một cư dân, và nếu bà không thể yêu bản thân, chí ít bà cũng dành sự trìu mến dịu dàng nhất cho chính mình và van nài được ở một mình khi buộc phải có mặt cùng người khác.
Lời tuyên bố ngập ngừng về tình yêu thương của tôi khiến mẹ quay khẩu súng về phía mình.
Mẹ ấn họng súng lên cổ họng, hơi nghiêng về phía cằm, như vậy dễ bắn vỡ sọ.
Bằng lời lẽ nặng nề và thái độ thờ ơ lạnh lùng, mẹ có thể tống cổ bất cứ ai mẹ chọn, nhưng thỉnh thoảng những vũ khí ấy không đủ sức mang lại kết quả như mong muốn trong mối quan hệ bất thường của chúng tôi. Cho dù không cảm nhận được thì mẹ cũng nhận thấy sự hiện diện của mối dây ràng buộc đặc biệt giữa mẹ và con, và mẹ biết đôi khi nó không bị đứt đoạn bởi bất cứ thứ gì ngoại trừ những biện pháp tàn nhẫn nhất.
- Con muốn bóp cò giùm mẹ không? - bà hỏi.
Như mọi khi, tôi quay mặt đi. Như thể tôi hít bóng cây sồi cùng không khí, như thể phổi tôi đẩy nó trôi tuột vào máu, tôi cảm giác một bóng tối lạnh lẽo dâng lên trong tâm thất.
Như mọi khi lúc tôi ngoảnh đi, bà nói:
- Nhìn này, nhìn tao này, bằng không tao sẽ bắn lòi ruột tao ra và chết từ từ, kêu la ngay đây trước mặt mày.
Rợn người, run rẩy, tôi hướng sự chú ý trở về mẹ như bà muốn.
- Mày cũng có thể bóp cò, thằng khỉ ạ. Để tao bóp cũng chẳng khác gì đâu.
Tôi không thể đếm và cũng không muốn nhớ từ trước đến giờ tôi đã nghe thấy thách thức này bao nhiêu lần rồi.
Mẹ tôi bị điên. Các nhà tâm lý học có thể dùng hàng loạt thuật ngữ đặc trưng hơn và ít mang tính phê phán hơn nhưng trong Từ điển của Odd, hành vi của mẹ là định nghĩa về chứng điên.
Tôi nghe kể không phải lúc nào mẹ cũng như vậy. Khi còn nhỏ, mẹ dễ thương, vui tươi, tình cảm.
Thay đổi khủng khiếp diễn ra năm mẹ mười sáu tuổi. Mẹ bắt đầu có những chuyển biến tâm trạng đột ngột. Sự dễ thương thay bằng cơn giận ầm ĩ mà mẹ chỉ có thể kiểm soát tốt nhất khi ở một mình.
Liệu pháp chữa trị và hàng loạt thuốc men không thể khôi phục lại bản chất tốt đẹp trước kia của mẹ.
Năm mười tám, khi mẹ cự tuyệt không điều trị thêm nữa, không ai khăng khăng ép mẹ tiếp tục áp dụng tâm lý liệu pháp hay dùng thuốc, vì lúc ấy mẹ không bất thường, duy ngã và đầy đe dọa như khi vừa bước qua độ tuổi hai mươi.
Khi bố gặp mẹ, mẹ chỉ rầu rĩ vừa phải và nguy hiểm vừa phải, để khiến ông cuồng si. Khi tình trạng của mẹ nặng lên, ông cao chạy xa bay.
Mẹ không bao giờ bị đưa vào trại tâm thần vì khả năng tự chủ của bà thật tuyệt vời khi không có chuyện phải tiếp xúc với người khác, điều vượt quá khả năng của bà.
Vì mẹ có thu nhập rủng rỉnh mà không cần làm việc, và vì mẹ thích cuộc sống như người ẩn dật nên tình trạng thật sự của mẹ không có mấy ai trong thị trấn Pico Mundo nhận ra.
Vẻ đẹp đặc biệt cũng giúp mẹ giữ bí mật. Hầu hết mọi người thường nghĩ những người tốt nhất là những người được ban cho sắc đẹp; chúng ta khó hình dung một vẻ bề ngoài hoàn hảo lại che đậy cảm xúc méo mó hoặc tâm hồn mục nát.
Giọng mẹ trở nên chua ngoa và chống đối hơn:
- Tao nguyền rủa cái đêm để cho thằng cha ngu ngốc của mày phụt mày vào người tao.
Câu nói không khiến tôi sốc. Trước đây tôi đã nghe rồi, và còn tệ hơn nữa.
Mẹ nói:
- Lẽ ra tao phải nạo mày ra và quẳng vào sọt rác. Nhưng tao sẽ được gì khi ly dị? Mày chính là tấm vé.
Khi nhìn mẹ trong tình thế này, tôi không hờn ghét mà đau khổ và tuyệt vọng, thậm chí khiếp đảm. Tôi không thể tưởng tượng làm sao tôi có thể chịu đựng được nỗi đau và lòng căm thù nếu tôi là mẹ.
Duy nhất một điều khiến tôi thấy an ủi là khi mẹ ở một mình, khi mẹ không bị ép buộc cho đi thứ gì, mẹ hài lòng, nếu không nói là hạnh phúc. Tôi muốn mẹ ít nhất cũng ở trong tâm trạng hài lòng.
Mẹ la lên:
- Ngừng làm tao sôi máu hoặc bóp cò đi, thằng quỷ nhỏ.
Một trong những ký ức đầu tiên sống động nhất của tôi là vào đêm mưa tháng Giêng khi tôi lên năm tuổi và đang bị cúm. Khi không ho, tôi khóc đòi quan tâm dỗ dành, và mẹ không thể tìm ra xó xỉnh nào trong ngôi nhà để có thể trốn biệt âm thanh của nỗi khổ sở phát ra từ tôi.
Mẹ vào phòng tôi và nằm dài lên giường cạnh tôi, như bất kỳ bà mẹ nào nằm dỗ đứa con bị ốm, nhưng mẹ mang theo khẩu súng. Phương pháp dọa tự tử luôn thu được sự im lặng của tôi, sự vâng lời của tôi, sự miễn thứ bổn phận làm mẹ cho bà.
Đêm đó, tôi cố hết sức nuốt cơn đau và kìm nước mắt nhưng tôi không thể quên đi được cái cổ họng đau đớn và rát buốt. Đối với mẹ, cơn ho của tôi là hành động đòi hỏi tình mẫu tử, và sự dai dẳng của nó đưa bà đến cực điểm cảm xúc.
Khi lời đe dọa tự tử không chặn dứt được cơn ho, mẹ chĩa họng súng vào mắt phải của tôi. Bà thúc tôi ráng nhìn thấy điểm sáng của viên đạn trong nòng súng hẹp đen ngòm kia.
Mẹ con tôi nằm đó rất lâu, bên ngoài mưa rơi lộp độp, đập vào cửa sổ vào phòng ngủ. Từ đó về sau, tôi biết rất nhiều thứ kinh hoảng nhưng không thứ nào thuần túy như cái tôi nếm trải vào đêm ấy.
Với tầm nhìn của một thanh niên hai mươi tuổi, tôi không tin mẹ giết tôi hay sẽ có lúc làm như thế. Nếu mẹ gây hại cho tôi, hay bất kỳ ai khác, mẹ đã tự đẩy mình vào mối tương tác với người khác mà mẹ sợ nhất. Bà biết người ta sẽ đòi bà trả lời và giải thích. Người ta đòi sự thật, sự ăn năn và công lý. Người ta còn đòi hỏi nhiều hơn nữa, vì họ sẽ không bao giờ ngừng đòi hỏi.
Tôi không biết tại bậc thềm này, mẹ có chĩa súng vào tôi lần nữa không, và tôi không biết chính xác mình sẽ phản ứng ra sao nếu bà làm thế. Tôi đến tìm sự đối đầu giúp tôi sáng trí dù rằng tôi không hiểu cần nó để làm gì và tôi học được gì từ điều đó để tìm ra tên đồng bọn của Robertson.
Và rồi mẹ hạ khẩu súng khỏi cổ họng, dời xuống ngực trái, như mọi khi, vì hình ảnh viên đạn xuyên qua não sẽ không tác động mạnh đến đứa con trai của một bà mẹ nhiều như hình ảnh phát đạn xuyên qua tim.
- Nếu mày không để tao yên, nếu mày không ngừng vĩnh viễn cái trò bòn rút, hút cạn sức lực của tao như con đỉa thì vì Chúa, bóp cò đi, cho tao chút thanh thản đi.
Đập vào tâm trí tôi là vết thương trên ngực của Robertson, nó cứ quấy phá tôi gần suốt mười hai tiếng đồng hồ.
Tôi cố dìm hình ảnh bất di bất dịch ấy vào đầm lầy ký ức mà nó đã ngoi lên. Đó là một đầm lầy sâu, chất đầy những ương ngạnh và không chịu chìm xuống như cũ.
Thình lình tôi nhận ra đó chính là lý do tôi đến đây: để buộc mẹ thực hiện cái nghi thức dọa tự tử đáng ghét nằm ở cốt lõi mối quan hệ của chúng tôi, để đương đầu với cảnh tượng khẩu súng ấn vào ngực bà, để bỏ chạy như tôi vẫn luôn làm, để nghe bà ra lệnh tôi phải chú ý... sau đó, chán nản và run rẩy, tìm dũng khí để giương mắt nhìn.
Đêm trước, trong phòng tắm nhà tôi, tôi không đủ mạnh mẽ để khám nghiệm vết thương trên ngực Robertson.
Khi đó, tôi cảm thấy vết thương có điều lạ, vết thương có thể cho biết điều gì đó. Thế nhưng, kinh tởm và buồn nôn, tôi đã ngoảnh đi và cài nút áo hắn lại.
Dúi khẩu súng về phía tôi, mẹ giận dữ khăng khăng.
- Nào, thằng khỉ vô ơn, cầm lấy, cầm lấy, bắn tao đi cho xong chuyện hoặc để tao yên!
Tới lúc này, bao giờ giọng mẹ tôi cũng đổi sang hằn học và cuồng nộ:
- Tao mơ, mơ hoài là khi đẻ ra, mày chết ngắc.
Run rẩy, tôi nhổm dậy và thận trọng bước xuống mấy bậc thềm.
Phía sau, mẹ lôi ra con dao ghét bỏ mà chỉ mẹ mới dùng nó cứa vào lòng tôi được.
- Suốt thời gian mang thai mày, tao toàn nghĩ đến chuyện mày chết trong bụng tao, chết và thối rữa.
Mặt trời, người mẹ nuôi nấng trái đất, rót dòng sữa nóng bỏng xuống đun sôi vài mảng xanh bầu trời và để thiên đường phai mờ. Ngay cả dưới bóng cây sồi giờ đây cũng nói lên sức nóng và khi rời xa mẹ, tôi nóng bừng cảm giác tủi hổ đến mức không ngạc nhiên nếu cỏ dưới chân bỗng dưng bốc cháy.
- Chết trong bụng tao, - mẹ lặp lại. - Tháng này nối tiếp tháng kia dài vô tận, tao cảm giác bào thai mục nát mưng mủ trong bụng, chất độc lan tràn thấm khắp người tao.
Đến góc ngôi nhà, tôi dừng chân, quay lại và nhìn mẹ vì tôi nghĩ đây sẽ là lần cuối.
Mẹ bước xuống bậc thềm nhưng không đi theo tôi. Cánh tay phải của bà lủng lẳng bên hông, họng súng chĩa xuống đất.
Tôi không hề đòi hỏi được sinh ra. Chỉ mong được yêu thương.
- Tao chẳng có gì để cho đi hết. Mày có nghe không? Chẳng có gì chẳng có gì cả. Mày đầu độc tao, đổ đầy mủ và cái thai mục rữa vào người tao, và giờ tao tàn tạ thế này đây.
Quay lưng lại mẹ vì cái cảm giác mãi mãi không bao giờ thay đổi, tôi vội vã chạy khỏi nhà hướng ra ngoài phố.
Căn cứ theo di truyền và quá trình thử thách trong những năm ấu thơ, đôi lúc tôi cứ tự hỏi sao mình không bị điên. Biết đâu tôi đã điên rồi cũng nên.

Chương 54

Phóng nhanh hơn luật cho phép ra ngoại ô thị trấn Pico Mundo, tôi đã cố nhưng không thể xua đuổi khỏi tâm trí mọi ý nghĩ về bà ngoại tôi, bà Sugars.
Mẹ và bà tồn tại ở hai khu vực biệt lập trong tâm trí tôi, ở những vùng kí ức có chủ quyền riêng không xâm phạm vào nhau.
Vì thương bà ngoại Pearl Sugars nên tôi luôn bất đắc dĩ nghĩ về bà trong bối cảnh liên quan đến người mẹ điên loạn của tôi.
Cả hai ở cùng nhau làm dấy lên trong tôi nhiều câu hỏi ghê gớm mà từ lâu tôi cố kìm chế không đi tìm đáp án.
Bà Pearl Sugars biết mẹ tôi tâm thần bất ổn, nếu không nói là điên, và mẹ đã ngừng dùng thuốc từ năm mười tám tuổi. Bà chắc chắn cũng biết việc mang thai và trách nhiệm nuôi dạy một đứa con sẽ khiến người mẹ yếu đuối của tôi căng thẳng quá sức chịu đựng.
Vậy mà bà không ngăn cản vì lợi ích cho tôi.
Chắc vì bà sợ con gái mình. Tôi đã vô số lần nhìn thấy bằng chứng về chuyện đó. Kiểu thay đổi tâm trạng đột ngột và tính tình nóng nảy của mẹ dọa nạt được bà cho dù bà tôi chẳng biết sợ ai và không hề do dự đánh đấm một kẻ hung hăng to lớn gấp đôi bà.
Hơn nữa, bà Pearl Sugars thích cuộc sống phóng khoáng không ràng buộc nên lý gì lại muốn suốt ngày ở nhà nuôi cháu. Sở thích du lịch, sức cám dỗ của những ván bài béo bở tại những thành phố xa hoa - Las Vegas, Reno, Phoenix, Albuquerque, Dallas, San Antonio, New Orleans, Memphis - nhu cầu phiêu lưu và không khí náo động giữ bà xa rời thị trấn Pico Mundo hơn nửa năm.
Trong hàng rào phòng thủ của mình, bà Sugars không thể hình dung mức độ hay tính chất gay gắt trong hành động tàn nhẫn của mẹ đối với tôi. Bà không biết về khẩu súng và những lời đe dọa đã vẽ nên tuổi thơ tôi.
Khi tôi đang viết những dòng này, không ai biết chuyện đó ngoài tôi và mẹ. Tuy kể hết cho Stormy nghe mọi bí mật của mình nhưng tôi giấu chuyện này. Chỉ khi Ozzie “bé” đọc bản thảo này, cái mà anh cứ cố nài tôi viết, tôi mới chia sẻ toàn bộ chuyện mẹ là thế nào với tôi và tôi là gì đối với mẹ.
Cảm giác tội lỗi và hổ thẹn khiến tôi giữ im lặng về việc này đến tận bây giờ. Tôi đã đủ già dặn, dù chỉ mới hai mươi, để hiểu rằng tôi không lý gì phải cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn, rằng tôi là nạn nhân, không phải tội đồ. Tuy vậy tôi đã bị tẩm ướp trong cả hai xúc cảm ấy quá lâu đến mức chúng sẽ mãi mãi toát ra từ tôi.
Khi đưa bản thảo cho Ozzie, tôi sẽ xấu hổ đến nóng ran cả người. Khi anh ấy đọc, tôi sẽ che mặt lại, lúng túng khi anh nói đến những đoạn này trong câu chuyện.
Những tâm hồn bị đầu độc sẽ tuôn trào bí mật với những cái gối vô tri.
Shakespeare. MacBeth, Hồi 5, Cảnh 1.
Lời ám chỉ văn vẻ này được đưa vào đây không chỉ để làm hài lòng anh đâu, Ozzie à.
Ẩn chứa trong đó là sự thật cay đắng của tôi. Mẹ tiêm nhiễm đầu óc tôi bằng thứ virus đầy uy lực khiến tôi mất luôn khả năng thú nhận sự ngược đãi đáng hổ thẹn ấy, thậm chí với cái gối, mà phải mang nó vào giấc ngủ từng đêm, u uất không thể giải tỏa.
Về phần bà Sugars: Giờ đây tôi buộc phải tự hỏi liệu lối sống rong ruổi và sự vắng mặt thường xuyên của bà, cộng với tính mê cờ bạc và bản chất không lúc nào yên, có góp phần gây ra vấn đề tâm lý của mẹ tôi không.
Tệ hơn nữa, tôi không thể tránh né mối băn khoăn rằng bệnh tình của mẹ có lẽ không phải là hậu quả của việc thiếu sự nuôi dạy đầy đủ, mà có lẽ hoàn toàn do kết quả di truyền. Chắc bà Pearl Sugars cũng mắc chứng rối loạn tương tự nhưng nhẹ hơn, biểu hiện theo kiểu dễ chịu hơn mẹ tôi.
Thôi thúc muốn sống ẩn dật của mẹ có lẽ là phiên bản nghịch đảo lại sở thích du lịch của bà. Nhu cầu muốn được bảo đảm về mặt tài chính, trả giá bằng việc mang cái thai không hề mong đợi, có lẽ là sự lộn ngược của cơn sốt bài bạc nơi bà.
Điều này cho thấy phần nhiều, tuy không hoàn toàn, trong những điểm tôi yêu quý ở bà Sugars chỉ là một khía cạnh khác của chứng bệnh tâm thần đã biến mẹ tôi thành nỗi khiếp đảm. Việc đó làm tôi bối rối vì những lý do tôi nghi ngờ chỉ rõ ràng chừng nào tôi sống thêm hai mươi năm nữa, nếu có.
Khi tôi mười sáu tuổi, bà Pearl Sugars muốn tôi lên đường với bà. Khi đó, tôi đã trở thành như bây giờ: thấy được hồn người chết với những giới hạn, những trách nhiệm buộc phải hoàn thành. Tôi không có chọn lựa nào ngoài việc từ chối đề nghị của bà. Nếu hoàn cảnh khi ấy cho phép tôi chu du cùng bà từ ván bài này đến ván bài khác, cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác, thì tình trạng căng thẳng của cuộc sống hàng ngày và đối tượng gặp gỡ không đổi có thể để lộ ra một người phụ nữ khác hẳn, không đáng quý như người tôi tưởng đã hiểu rõ.
Tôi buộc phải tin bà ngoại Sugars có lòng yêu thương chân thực mà mẹ tôi không có, và buộc phải tin rằng bà thật lòng thương yêu tôi. Nếu hai điều này không có thật thì tuổi thơ tôi sẽ là một cuộc sống khô cằn tẻ nhạt.
Không tài nào dẹp bỏ được mớ suy nghĩ phiền muộn này trên đường ra khỏi thị trấn Pico Mundo, tôi đến Nhà thờ Sao chổi Thì thầm trong tâm trạng hợp với khung cảnh đám cây cọ chết khô, vùng đất cằn cỗi và những tòa nhà hoang phế đang mục nát.
Tôi đỗ xe trước căn nhà tôn, nơi ba con chó sói bao vây tôi. Chúng không còn ở đó.
Chúng thường chỉ đi săn đêm. Dưới cái nóng giữa trưa, chúng ẩn náu trong những sào huyệt lạnh lẽo đen tối.
Cô gái điếm chết oan, người thu phục bọn chó sói cũng không còn hiện hình nữa. Tôi hy vọng cô ấy đã tìm đường rời khỏi thế giới này, nhưng tôi không chắc lời khuyên vụng về và sự nhàm chán của mình có thuyết phục được cô ấy đi tiếp không.
Từ trong những thứ dưới đáy cái túi nhựa mua sắm được dùng làm vali, tôi lôi ra đèn pin, kéo, hộp khăn giấy ướt.
Trong căn hộ của mình, khi gói ghém đồ đạc, hộp khăn giấy dường như là món đồ khác thường cần mang theo, cây kéo thậm chí còn kỳ quặc hơn. Thế nhưng tôi trong tiềm thức đã biết chính xác lý do tôi cần chúng.
Chúng tôi không lạ lẫm gì nhau; chỉ cố tỏ ra như thế.
Khi tôi ra khỏi xe, cái nóng dữ dội của sa mạc Mojave xứng với không khí u tịch của nó, một sự lặng im gần như hoàn hảo có lẽ không thể tìm thấy đâu khác ngoài cảnh tuyết rơi ngập kín trong quả cầu thủy tinh.
Đồng hồ cho thấy thời gian không đứng yên - 11:57.
Hai cây cọ màu nâu khô quắt phơi cái bóng hình lược ngang bãi đất đầy bụi phía trước nhà tôn, như thể mở đường không phải cho tôi mà cho Đấng cứu tinh đến muộn. Tôi quay lại không phải để vực người chết dậy mà chỉ để khám nghiệm hắn.
Khi bước vào trong, tôi cảm giác như mình đã cùng chung số phận với Shadrach và Abednego [Shadrach, Meshach và Abednego, ba chàng thanh niên lưu vong Do Thái] bị ném vào lò than của nhà vua Nebuchadnezzar, dù cho đây chỉ là luồng hơi nóng bốc theo một thứ mùi kinh khủng từ thứ mà ngay cả thiên thần cũng không thể xá tội cho tôi.
Ánh nắng sa mạc trắng đục len qua những ô cửa sổ, nhưng quá yếu và cách xa đến mức tôi vẫn cần đèn pin.
Tôi theo hành lang vương vãi đầy rác đến cánh cửa thứ tư. Tôi vào căn phòng màu hồng, nơi một thời là chốn hoan lạc kiếm tiền, giờ là lò hỏa thiêu dành cho tay đầu bếp buồn tẻ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét