Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Giao lộ sinh tử - (Chương 41, 42)

Giao lộ sinh tử

Tác giả: Dean Koontz  
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011

Chương 41

Jenna Spinelli, y tá phòng mổ, học trên tôi một lớp ở trường phổ thông. Đôi mắt xám điềm tĩnh của chị thoáng chút sắc xanh, và đôi tay được sinh ra để chơi piano.
Tin tức chị mang đến không xấu như tôi sợ, không tốt như tôi mong. Cảnh sát trưởng đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng không khỏe, ông mất lá lách, nhưng không có nó, ông vẫn sống được. Một lá phổi bị thủng nhưng chữa được và không có bộ phận cơ thể quan trọng nào bị hủy hoại đến mức không thể lành.
Cần tiến hành cuộc phẫu thuật phức tạp hồi phục hệ mạch và bác sĩ phụ trách ca mổ dự đoán cảnh sát trưởng còn phải ở trong đó thêm một tiếng rưỡi đến hai tiếng nữa.
- Chúng tôi chắc chắn ông ấy sẽ vượt qua được, - Jenna thông báo. - Sau đó vấn đề là ngăn chặn các biến chứng sau phẫu thuật.
Bà Karla đi vào phòng đợi của khoa hồi sức tích cực để báo tin cho em gái cảnh sát trưởng và Jake Hulquist.
Còn lại một mình trong hành lang với Jenna, tôi lên tiếng:
- Chị nói ra hết hay còn giấu điều gì?
- Mọi chuyện chỉ như chị nói thôi, Odd à. Bọn chị không làm giảm mức độ tin xấu đối với vợ hay chồng của bệnh nhân. Bọn chị nói thẳng và nói hết một lúc.
- Vụ này thật điếng hồn.
- Như trận cuồng phong, - chị ấy tán đồng. - Chị biết em thân thiết với ông ấy.
- Đúng vậy.
- Chị nghĩ cuối cùng ông ấy sẽ qua được hết, - Jenna nói. - Không chỉ ra khỏi phòng mổ mà còn tự đi về nhà được.
- Nhưng không gì bảo đảm.
- Đó giờ làm gì có chuyện này? Bên trong cơ thể ông ấy rối beng. Nhưng không tệ như mức độ các bác sĩ cứ ngỡ lúc mới đặt ông lên bàn mổ, trước khi phẫu thuật. Cả ngàn người mới có một người sống sót với ba vết thương ở ngực. Ông ấy may mắn kinh khủng.
- Nếu may mắn kiểu đó thì tốt hơn bác ấy đừng bao giờ đến Vegas.
Lấy đầu ngón tay kéo mi mắt dưới của tôi xuống và xem xét con mắt đỏ ngầu:
- Em mệt lắm rồi đó Odd.
- Cả một ngày dài. Chị biết đấy, tại Quán Vỉ nướng, điểm tâm bắt đầu phục vụ từ sớm.
- Mới hôm trước chị tới đó với hai người bạn. Em làm bữa trưa cho bọn chị đó.
- Vậy sao? Đôi khi mọi việc bên vỉ nướng bù đầu quá, em không có thời gian ngó quanh xem ai vào quán.
- Em có tài đó.
- Cảm ơn chị, nghe vậy thấy vui thật.
- Chị nghe nói bố em đang bán mặt trăng.
- Dạ phải, nhưng chỗ đó không phải nơi lý tưởng để nghỉ ngơi. Chẳng chút không khí.
- Em không giống bố em chút nào.
- Ai lại muốn vậy?
- Hầu hết mọi người.
- Em nghĩ chị nhầm rồi.
- Em biết gì không? Em nên mở lớp dạy nấu ăn.
- Chủ yếu chỉ là món chiên nướng thôi.
- Chị vẫn sẽ đăng ký theo học.
- Cách chế biến đó không có lợi cho sức khỏe, - tôi nói.
- Ai rồi cũng phải chết vì một thứ gì đó. Em vẫn quen với Bronwen chứ hả?
- Stormy. Dạ phải. Chuyện đó là định mệnh.
- Sao em biết?
- Bọn em có vết bớt xứng với nhau.
- Ý em là hình xăm của con bé xứng với hình xăm của em hả?
- Hình xăm? Không. Nó là vết bớt thiệt đó. Bọn em sắp cưới.
- Ồ, chị chưa nghe chuyện này.
- Tin mới mà.
- Để coi tới lúc mà bọn con gái biết được, - Jenna nói.
- Bọn con gái nào?
- Tất cả bọn con gái.
Cuộc chuyện trò này không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác dễ chịu nhất, thế nên tôi bèn nói:
- Chị à, người em bẩn quá, em cần tắm nhưng em không muốn rời bệnh viện cho đến khi cảnh sát trưởng Porter ra khỏi phòng mổ an toàn như chị nói. Ở đây có chỗ nào cho em tắm không?
- Để chị nói chuyện với y tá trưởng của tầng này. Bọn chị có thể tìm cho em một chỗ.
- Em có đồ thay để trong xe, - tôi nói.
-Đi lấy đồ đi. Sau đó hỏi thăm ở khu vực dành cho y tá. Chị sẽ thu xếp mọi thứ.
Khi chị toan quay đi, tôi cất lời:
- Jenna, chị có học piano không?
- Có, nhiều năm rồi. Nhưng sao em hỏi vậy?
- Tay chị đẹp quá. Em cá là chị chơi hay tuyệt.
Chị trao cho tôi ánh nhìn thật lâu mà tôi không thể lý giải: những bí ẩn trong đôi mắt xám ánh sắc xanh.
Rồi chị hỏi:
- Chuyện đám cưới là thật chứ?
- Thứ Bảy, - tôi quả quyết với chị, đầy hãnh diện rằng Stormy sẽ là của tôi. - Nếu có thể rời thị trấn, bọn em sẽ đến Vegas và kết hôn lúc bình minh.
- Nhiều người thật may mắn, - Jenna Spinelli nói. - May hơn cả cảnh sát trưởng Porter là vẫn còn thở sau ba vết thương ở ngực.
Cứ nghĩ chị muốn nói tôi thật may mắn khi có được Stormy, tôi lên tiếng:
- Sau khi tống cho em chuyện buồn về bố mẹ thì số phận đền lại cho em một thứ lớn lao.
Jenna cúi nhìn một cách cực kỳ bí hiểm:
- Hãy gọi cho chị nếu em quyết định mở lớp dạy nấu ăn nhé. Chị cá là em biết rõ cách đánh trứng.
Lúng túng, tôi hỏi:
- Đánh trứng hả? À, chắc rồi, nhưng cái đó chủ yếu dành cho món trứng tráng. Với món bánh kếp và bánh quế, chị phải nặn bột và hầu như mọi thứ đều nướng, nướng và nướng.
Chị mỉm cười, lắc đầu và bước đi, để tôi đứng lại đó với cảm giác bối rối. Cảm giác đó thi thoảng xảy đến lúc tôi là cầu thủ ghi điểm cao nhất trong đội bóng chày của trường, thực hiện động tác ném tuyệt vời và phóng đi trước, không chạm phải banh.
Tôi lao đến chỗ chiếc xe của bà Rosalia đậu trong bãi, lấy khẩu súng ra khỏi túi và nhét nó dưới ghế lái.
Khi tôi cầm túi quay lại khu vực dành cho y tá ở tầng bốn, họ đang chờ sẵn. Việc trông nom người bệnh và người hấp hối có vẻ là công việc buồn bã, nhưng cả bốn y tá làm ca đêm đều đang cười đùa và rõ ràng thích thú về chuyện gì đó.
Ngoài dãy phòng đơn và đôi thông thường, tầng bốn còn có vài căn phòng tiện nghi thoải mái có thể sánh với khách sạn. Trải thảm và trang trí theo tông màu ấm áp, các căn phòng có vật dụng mang đến cảm giác dễ chịu, những bức tranh xấu xí lồng khung đẹp đẽ và các phòng tắm cùng tủ lạnh dưới quầy rượu.
Những bệnh nhân không phải nằm một chỗ. Họ có khả năng đóng nhiều tiền bảo hiểm để có thể đăng ký sử dụng những căn phòng cao cấp này, thoát khỏi không khí bệnh viện ảm đạm. Người ta nói làm vậy để nhanh hồi phục, tôi chắc điều đó, bất chấp sự hiện diện của các bức tranh đánh số vẽ hình du thuyền và các cô nàng õng ẹo trong vườn hoa cúc.
Nhận chồng khăn, tôi được dùng một phòng tắm trông thật xa xỉ. Các bức tranh đều theo cùng chủ đề về gánh xiếc: những chú hề cầm bong bóng, những con sư tử mắt buồn rười rượi, nghệ sĩ đi thăng bằng trên dây xinh đẹp với cây dù màu hồng. Tôi nhai hai viên thuốc giảm độ axit trong dạ dày.
Sau khi cạo râu, tắm rửa, gội đầu và thay quần áo sạch, tôi vẫn cảm giác như thể vừa từ dưới bánh xe lu bò ra, bị cán bẹp lép.
Tôi ngồi xuống trong ghế bành và xem xét những thứ trong cái ví tôi lấy từ xác Robertson. Thẻ tín dụng, bằng lái, thẻ thư viện...
Vật bất thường duy nhất là một tấm thẻ nhựa đen thui chẳng có gì ngoài hàng dấu chấm chạm nổi dành cho người mù. Tôi có thể cảm nhận nó bằng ngón tay và nhìn thấy rõ ràng dưới ánh đèn hắt ra. Hình thù chúng là thế này: các dấu chấm còn thiếu.
Những cái chấm được đục lên một bên tấm thẻ, hằn lên bên kia.
Tuy nó có thể là dữ liệu đã mã hóa, cần dùng một loại thiết bị nào đó để đọc nhưng tôi lại cho rằng đây là loại chữ dùng tay sờ.
Nhưng gã đâu phải người mù. Tôi không hình dung nổi tại sao Robertson lại phải mang theo tấm thẻ có dòng chữ Braille. Tôi cũng chẳng thể tưởng tượng ra lý do gì mà một người mù giữ vật thế này trong ví.
Tôi ngồi trong ghế bành, từ từ lần ngón cái rồi tới đầu ngón trỏ qua những dấu chấm ấy. Chúng chỉ là lỗ thủng trên miếng nhựa, tôi không đọc được, nhưng càng dò tay trên đó, tôi càng bất an.
Lần dò, lần dò, tôi nhắm mắt, giả như bị mù và hy vọng giác quan thứ sáu nếu không đưa ra được ý nghĩa của những từ viết bằng dấu chấm kia thì cũng có thể gợi ý mục đích của tấm thẻ này.
Giờ đã muộn, mặt trăng khuất dạng nơi cửa sổ, bóng tối cố gắng chen lấn trong cuộc chống cự vô ích với tia bình minh đỏ sẫm.
Tôi không ngủ được và không dám ngủ, nhưng tôi lại chìm vào giấc ngủ.
Trong giấc mơ của tôi, súng nổ, đạn chuyển động chậm khoan vào không khí những đường hầm hữu hình, chó sói nhe bộ răng nhựa đen hung tợn có khắc các hình dấu chấm nhỏ bí hiểm mà tôi suýt đọc được bằng các ngón tay hoảng sợ. Trên bộ ngực bầm tím của Robertson, vết thương rỉ nước toang hoác trước mặt tôi như thể nó là lỗ đen vũ trụ còn tôi là phi hành gia ngoài không gian. Bằng lực hút không thể cưỡng lại, nó cuốn tôi vào sâu bên trong, đến chốn xa xăm.

Chương 42

Tôi mới ngủ được một tiếng thì y tá đã đánh thức tôi dậy. Cảnh sát trưởng Porter đang được chuyển từ phòng mổ ra khoa hồi sức tích cực.
Cửa sổ bày ra cảnh trí những ngọn đồi tối sẫm nhô lên bầu trời đen đầy các dấu chấm chữ Braille hóa màu bạc. Mặt trời vẫn còn nằm bên dưới đường chân trời phía đông thêm một giờ nữa.
Cầm cái túi đựng quần áo bẩn, tôi quay ra hành lang ngoài khoa hồi sức tích cực.
Jake Hulquist và em gái cảnh sát trưởng đang đợi ở đó. Cả hai chưa từng thấy vật gì giống tấm thẻ nhựa màu đen.
Khoảng một phút sau, y tá và hộ lý từ góc khuất chỗ thang máy bước vào hành lang dài, mỗi người đi ở một đầu cái băng ca cảnh sát trưởng đang nằm. Bà Karla Porter đi bên hông chồng, đặt một tay trên cánh tay ông.
Khi băng ca đi ngang qua, tôi thấy cảnh sát trưởng mê man, mũi gắn ống thở, màu da rám nắng chuyển sang tái nhợt; môi ông xám đi.
Y tá kéo còn hộ lý đẩy băng ca qua cánh cửa đôi của khoa hồi sức tích cực. Bà Karla đi theo họ sau khi báo cho chúng tôi biết không thể mong cảnh sát trưởng tỉnh lại trong vòng nhiều giờ.
Kẻ giết Robertson đã làm cảnh sát trưởng trọng thương. Tôi không thể chứng minh nhưng khi bạn không tin vào sự trùng hợp ngẫu nhiên thì hai vụ nổ súng nhằm mục đích thủ tiêu, cách nhau vài giờ, tại một thị trấn đã ngủ say nhỏ bé như thị trấn Pico Mundo này ắt phải có liên quan tới nhau rành rành như hai anh em sinh đôi.
Tôi tự hỏi có lẽ nào kẻ gọi đến số điện thoại riêng của cảnh sát trưởng cố gắng nhái giọng tôi, muốn bị tưởng lầm là tôi, mong được gặp mặt nói chuyện và hẹn gặp ngay trước cửa nhà không. Biết đâu hắn trông mong cảnh sát trưởng không chỉ mắc lừa mà còn đề cập tên tôi với vợ ông trước khi rời phòng ngủ.
Nếu đã nỗ lực dàn xếp đẩy tôi vào một vụ giết người, lý nào không gài luôn hai vụ?
Tuy cầu nguyện cho cảnh sát trưởng mau hồi phục nhưng tôi lo sợ điều ông sẽ nói khi tỉnh lại.
Chứng cớ ngoại phạm của tôi trong lúc ông bị bắn chẳng có gì ngoài chuyện tôi đang giấu một cái xác trong căn nhà tôn tại Nhà thờ Sao chổi Thì thầm. Lời thanh minh đó, cùng tử thi được thẩm tra sẽ chẳng ích gì cho luật sư biện hộ.
Ở khu vực dành cho y tá trên tầng bốn, không ai trong số các y tá đang trực nhận ra món đồ tôi tìm thấy trong ví Robertson.
Dưới tầng ba tôi gặp may hơn. Tại đó, một y tá da nhợt nhạt và đầy tàn nhang, tính tình hay đùa cợt đứng ở bàn trực, đang kiểm tra thuốc trong ly theo danh sách tên bệnh nhân. Cô cầm lấy miếng nhựa hình chữ nhật bí ẩn, xem xét cả hai mặt rồi nói:
- Một tấm thẻ suy tưởng.
- Là gì?
-Thường chúng không đục lỗ mà có những biểu tượng nhỏ in bên trên. Chẳng hạn như một dãy thánh giá hay hình Đức Mẹ Đồng Trinh.
- Cái này không có.
- Em phải đọc bài kinh lặp đi lặp lại, như kinh Lạy Cha hay kinh Kính Mừng, đồng thời di chuyển ngón tay từ biểu tượng này đến biểu tượng khác.
- Vậy nó giống kiểu tràng hạt tiện lợi có thể mang theo trong ví ư?
- Đúng rồi. Tràng hạt. - Miết tay tới lui trên những cái chấm nổi, cô nói, - Nhưng không chỉ người theo Đạo Cơ đốc mới sử dụng chúng. Thực ra, khởi nguồn chúng là đồ vật của trào lưu Thời đại mới.
- Những thứ ấy ra sao?
- Chị thấy những tấm thẻ có hình tràng hoa, Đức Phật, dấu hiệu hòa bình, chó mèo nếu em muốn hướng thẳng năng lượng suy tưởng đến việc giành được thắng lợi cho động vật, hay hình dãy hành tinh Trái Đất để em có thể suy tưởng về một môi trường trong lành hơn.
- Cái này có phải dành cho người mù không? - tôi hỏi.
- Không, không hề.
Cô giơ tấm thẻ ra trước trán giây lát như nhà thần học đọc nội dung bức thư qua bì thư dán kín mít.
Tôi không biết tại sao cô ấy làm vậy nhưng quyết định không đặt câu hỏi.
Dò theo các dấu chấm lần nữa, cô cất giọng:
- Khoảng một phần tư các tấm thẻ là dạng chữ nổi giống vậy. Điều cần làm là ấn ngón tay lên các dấu chấm và suy tưởng về từng chữ cái.
- Nhưng nó viết gì?
Trong lúc tiếp tục sờ tấm thẻ, vẻ nhăn nhó khó chịu lan ra khuôn mặt cô từ từ như hình ảnh nổi lên khỏi màu đen của tấm phim chụp:
- Chị không cho đây là chữ nổi. Chúng viết những thứ khác, chữ này chữ kia, vài từ gợi cảm hứng. Một câu thần chú để tập trung năng lượng. Câu đó in trên bao đựng tấm thẻ.
- Em không có bao đựng.
- Hoặc em cũng có thể đặt in thứ em muốn, một câu thần chú riêng, bất cứ cái gì. Đây là cái màu đen đầu tiên chị từng thấy.
- Vậy chúng thường có màu gì? - Tôi thắc mắc.
- Trắng, vàng, bạc, xanh da trời, nhiều khi là xanh lá cây dành cho câu thần chú về môi trường. -  Vẻ nhăn nhó của cô lộ hẳn ra khắp khuôn mặt.
Cô trả tấm thẻ lại cho tôi.
Với sự ghét bỏ ra mặt, cô nhìn chằm chằm những ngón tay đã lần theo các dấu chấm.
- Em nói tìm thấy nó ở đâu? - cô hỏi.
- Tầng dưới trong hành lang, trên sàn nhà, - tôi bịa.
Cô cầm chai Purell từ sau quầy lên, đổ một đống dầu đặc quánh trong suốt vào lòng bàn tay trái, đặt chai xuống và chà xát dữ dội hai bàn tay với nhau, khử trùng chúng.
- Nếu là em, chị sẽ tống khứ nó đi, - cô vừa nói vừa xát xát hai bàn tay. - Và sớm chừng nào tốt chừng đó.
Cô dùng quá nhiều Purell đến mức tôi ngửi thấy mùi cồn etylic bay hơi.
- Tống khứ nó đi, tại sao? - tôi hỏi.
- Nó có năng lượng tiêu cực. Câu thần chú xấu xa. Nó sẽ mang sự nguy hại đến đổ ập lên em.
Tôi tự hỏi không biết cô đã học ở trường điều dưỡng nào.
- Em sẽ ném vào thùng rác, - tôi hứa.
Tàn nhang trên mặt cô dường như rực lên, bừng bừng như cơn mưa hạt tiêu nhỏ.
- Đừng ném ở đây.
- Được thôi, không ném ở đây.
- Không được ném vào chỗ nào trong bệnh viện hết, - cô nói. - Lái xe ra ngoài sa mạc, chỗ không có ai, lái thật nhanh, ném ra ngoài cửa sổ, để gió cuốn bay đi.
- Kế hoạch nghe có vẻ được đấy.
Tay cô khô và sạch bong. Vẻ khó chịu tan biến cùng mùi cồn. Cô mỉm cười:
- Hy vọng giúp được em chút ít.
- Chị giúp em nhiều lắm.
Tôi cầm tấm thẻ suy tưởng đi ra khỏi bệnh viện, bước vào màn đêm sắp tàn, nhưng không làm một chuyến xe đi sa mạc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét