Giao lộ sinh tử
Tác giả: Dean Koontz
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011
Chương 43
Phòng thu của đài KPMC, tiếng nói của thung lũng Maravilla,
nằm trên đường Main, ngay trung tâm thị trấn Pico Mundo, trong một ngôi nhà gạch
hiện đại ba tầng kiểu thời vua George, nằm giữa hai dinh thự thời Victoria đặt
văn phòng luật Knacker & Hisscus và tiệm bánh Good Day.
Còn một tiếng nữa là trời sáng, đèn trong bếp của tiệm bánh đã được bật lên.
Còn một tiếng nữa là trời sáng, đèn trong bếp của tiệm bánh đã được bật lên.
Khi tôi ra khỏi xe, con đường tràn ngập mùi bánh mì mới ra
lò, bánh sữa vàng ươm và bánh ngọt hương chanh.
Không hề thấy bóng dáng ông kẹ.
Hai tầng dưới của đài KPMC là văn phòng kinh doanh. Phòng
thu nằm trên tầng ba.
Stan “Spanky” Lufmunder là nhân viên trực. Harry Beamis, người
xoay xở để trụ vững trong ngành thu thanh mà không có biệt danh, chính là nhà sản
xuất chương trình “Cả đêm với Shamus Cocobolo”.
Tôi nhăn mặt đùa với họ qua khung cửa kính ba lớp ngăn cách
giữa hành lang tầng ba và phòng kỹ thuật.
Tôi dùng tay làm điệu bộ cử chỉ, họ ra dấu đồng ý và tôi tiếp
tục đi dọc hành lang, tiến đến cửa phòng phát thanh.
Loa trong hành lang bật khe khẽ bài “String of Pearls” của
ca sĩ Glenn Miller huyền thoại, đĩa nhạc Shamus hiện đang phát trong chương
trình.
Nhạc thật ra lấy từ đĩa CD, nhưng trong chương trình, Shamus
dùng tiếng lóng thập niên 30 và 40.
Harry Beamis đã báo trước nên khi tôi vào phòng, Shamus bỏ
tai nghe ra, chỉnh âm thanh vừa đủ để theo dõi chương trình rồi lên tiếng:
- Ê, Phù thủy, chào mừng đến thị trấn Pico Mundo của bác.
Đối với Shamus, tôi là Phù thủy Kỳ quặc, hay nói ngắn gọn là
Phù thủy.
Bác cất giọng:
- Sao con không có mùi dầu gội hương đào.
- Xà phòng duy nhất con có là Neutrogena không mùi.
Bác nhăn nhó:
- Không phải chuyện giữa con và nữ thần kết thúc đó chứ?
- Chuyện chỉ mới bắt đầu, - tôi quả quyết.
- Thật mừng khi nghe vậy.
Tường bê tông nhẹ bọt xốp [là một loại bê tông nhẹ kỹ thuật,
có khả năng cách âm, cách nhiệt và chống ẩm tốt, tỷ trọng chỉ bằng 1/10 so với
bê tông thường] khiến giọng chúng tôi dịu đi, nghe êm ái. Tròng kính râm của
bác ấy có màu xanh dương như màu của mấy chai thuốc nhuận tràng Milk of
Magnesia.
Da bác cũng đen đến mức ánh lên sắc xanh dương.
Tôi đến trước mặt bác và để tấm thẻ suy tưởng xuống, đập mạnh
lên mặt bàn để gây tò mò cho bác.
Bác điềm đạm, không cầm nó lên ngay.
- Hết chương trình, bác định ghé Quán Vỉ nướng, làm một chầu
thịt đùi cạo sạch lông nướng chín, hành tây xắt sợi và bánh quy chấm nước sốt.
Trong lúc vòng qua chỗ để micro, ngồi xuống ghế đối diện và
đẩy một cái micro khác xoay sang bên, tôi nói:
- Sáng nay con không đứng bếp. Nghỉ một ngày.
- Con làm gì trong ngày nghỉ, đi chơi và thơ thẩn quanh cửa
hàng lốp xe à?
- Con nghĩ có thể sẽ đi chơi bowling.
- Con đúng là đứa sôi nổi, Phù thủy ạ. Bác không biết làm
sao người yêu của con theo kịp con.
Giai điệu nhạc Miller bao trùm. Shamus nghiêng sang micro và
tuôn ra một tràng ứng khẩu, kết hợp song song giữa bài “One O’clock Jump” của
Benny Goodman và bài “Take the A Train” của Duke Ellington.
Tôi thích nghe Shamus trên đài và ngoài đời. Bác ấy sở hữu một
chất giọng khiến Barry White [Ca sĩ nhạc R&B] và James Earl Jones [Diễn
viên lồng tiếng nổi tiếng] nghe như người rao hàng viêm họng. Đối với thính giả
của đài, bác là Velvet Tongue.
Từ một giờ đến sáu giờ sáng mỗi ngày trừ Chủ nhật, Shamus
xoay vòng cái mà bác gọi là “âm thanh lôi kéo cuộc chiến to lớn” và thuật lại
chi tiết các câu chuyện thú vui về đêm vào thời kỳ xa xưa.
Mười chín tiếng còn lại trong ngày, đài KPMC không bật nhạc
mà ưu tiên cho các chương trình thảo luận. Ban giám đốc muốn ngừng phát thanh
trong năm tiếng đồng hồ hiếm hoi nhưng giấy phép yêu cầu họ phải phục vụ cộng đồng
24/7.
Tình thế đó cho Shamus quyền tự do làm bất cứ điều gì bác ấy
muốn, và điều bác ấy muốn là đưa chính mình và các thính giả mất ngủ đắm chìm
vào thời hoàng kim của Big Band [Thời kỳ xuất hiện các nhóm nhạc jazz, cuối thập
niên 30 đến cuối thập niên 40]. Thời đó, bác nói rằng âm nhạc là chân chính, và
cuộc sống gắn chặt hơn với sự thật, lẽ phải và thiện ý.
Lần đầu tiên nghe đoạn rap này, tôi tỏ vẻ ngạc nhiên sao bác
lại đồng cảm với thời kỳ có sự phân biệt rõ rệt ấy. Câu trả lời của bác ấy như
sau, “Bác là người da đen, mắt không nhìn được, cực kỳ khôn ngoan và nhạy cảm.
Không thời kỳ nào là dễ dàng đối với bác. Ít nhất nền văn minh phải văn minh
thì khi đó mới có phong cách được”.
Hiện thời bác đang nói với thính giả:
- Hãy nhắm mắt lại, hình dung ca sĩ Duke trong chiếc áo vest
trắng đặc trưng, và nhập bọn cùng tôi, Shamus Cocobolo, lái chuyến tàu A đến
Harlem.
Mẹ đặt tên cho bác là Shamus vì muốn con trai trở thành thám
tử. Khi bác hóa mù vào năm lên ba, sự nghiệp thi hành luật không còn là lựa chọn.
Tên “Cocobolo” nảy ra từ bố của bác ấy, nghe đúng là người Jamaica.
Cầm tấm thẻ nhựa đen lên, đặt ngón tay cái và ngón trỏ của
bàn tay phải ở hai cạnh trên dưới tấm thẻ, bác nói:
- Một ngân hàng ngớ ngẩn nào đó trao cho con thẻ tín dụng à?
- Con đang hy vọng bác có thể cho con biết nó ghi gì trên
đó.
Bác lướt một ngón tay qua tấm thẻ, không hẳn để đọc mà chỉ để
xác định món đồ.
- Ồ, Phù thủy, chắc con đâu nghĩ bác cần thẻ suy tưởng khi
bác đã có Count Basie, Satchmo và Artie Shaw [Các ca sĩ nổi tiếng].
- Vậy ra bác biết nó là cái gì.
- Vài năm trước, người ta đưa cho bác cả tá những thứ này, đủ
kiểu tư tưởng truyền cảm, cứ như thể người mù không thể nhảy múa nên họ phải trầm
ngâm suy tư. Đừng phật ý nhé, Phù thủy, nhưng người hết sức điềm tĩnh như con
mà lại đưa cho bác một tấm thẻ nhựa tâm linh kỳ cục như vậy, bác hơi ngượng
thay con đó.
- Không có gì. Nhưng con không đưa nó cho bác. Con chỉ tò mò
dòng chữ Braille trên đó viết gì thôi.
- Nghe vậy nhẹ cả người. Nhưng tại sao con tò mò?
- Bản tính trời sinh đã vậy rồi.
- Bác hiểu rồi. Không xía vào.
Bác ấy sờ ngón tay đọc tấm thẻ rồi nói:
- Cha đẻ của Dối trá.
- “Cha đẻ của bói cá”?
- Dối trá. Những điều không thật.
Cụm từ quen thuộc với tôi, nhưng vì lý do nào đó, tôi không
hiểu, có lẽ vì tôi không muốn hiểu, có lẽ vì tôi không muốn hiểu.
- Bọn xấu xa, - Shamus nói. “Cha đẻ của dối trá, cha đẻ của
quỷ dữ, Chúa quỷ Sa Tăng. Chuyện gì đây, Phù thủy? Chẳng lẽ nền tôn giáo lâu đời
của nhà thờ St. Bart giờ đây quá nhàm chán, con cần luồng khí mới để tâm hồn
rung động sao?
- Tấm thẻ không phải của con.
- Vậy của ai?
- Một y tá trong Bệnh viện đa khoa của hạt bảo con phóng thật
nhanh ra sa mạc, ném nó qua cửa sổ, để gió cuốn bay đi.
- Một chàng trai tốt bụng, kiếm sống lương thiện bằng cái xẻng
chế biến thức ăn nhanh, chắc con đang đánh bạn với người cực kỳ quái gở.
Bác ấy đẩy tấm thẻ về phía tôi, ngang qua chỗ để micro.
Tôi nhổm dậy khỏi ghế.
- Đừng để dòng chữ Braille đó lại đây nhé, - bác nói.
- Nó chỉ là một tấm thẻ nhựa tâm linh kỳ cục mà bác.
Hai bóng phản chiếu của chính tôi nhìn tôi từ tròng kính
xanh dương sẫm của bác.
Shamus nói:
- Hồi đó bác biết nghi thức thờ cúng Quỷ Sa Tăng. Một gã
tuyên bố căm ghét mẹ, nhưng chắc hắn thương bà ấy. Cảnh sát tìm thấy cái đầu đứt
lìa của bà mẹ ở tủ lạnh nhà hắn, đựng trong túi nhựa đậy kín cùng với cánh hoa
hồng để giữ nó không thối rữa.
Tôi cầm lấy tấm thẻ suy tưởng. Nó lạnh ngắt.
- Cảm ơn bác đã giúp, bác Shamus.
- Cẩn thận đấy, Phù thủy. Những người bạn lập dị thú vị thật
không dễ tìm. Con mà chết bất ngờ, bác sẽ nhớ con lắm đó.
Chương 44
Bình
minh đỏ rực ló dạng,
mặt trời như lưỡi dao của đao phủ nhô lên từ chân trời mờ mịt.
Tại một nơi khác trong thị trấn Pico Mundo, kẻ sắp trở thành
tên giết người hàng loạt chắc đang vừa ngắm cảnh bình minh này vừa nạp đạn vào
khẩu súng trường.
Tôi đậu xe tại lối vào nhà và tắt máy. Tôi không thể tiếp tục
chờ đợi để biết xem tay súng khử Bob Robertson có hại luôn bà Rosalia Sanchez
hay không. Thế nhưng hai ba phút trôi qua, tôi mới có đủ dũng khí để ra khỏi
xe.
Bầy chim ăn đêm đáp xuống lặng lẽ. Đàn quạ thường kiếm ăn
vào đầu ngày chưa xuất hiện.
Trèo lên bậc tam cấp ở hiên sau nhà, tôi thấy cửa lưới đóng
nhưng cửa nhà mở. Đèn trong bếp đã tắt.
Tôi nhìn qua tấm lưới. Bà Rosalia ngồi ở bàn, hai bàn tay ôm
lấy cái cốc. Bà xem ra còn tươi tỉnh.
Vẻ ngoài có thể đánh lừa. Biết đâu xác của bà đang chờ được
phát hiện tại một căn phòng khác còn đây là linh hồn dưới trần với đôi tay cầm
cốc mà bà đã bỏ lại khi mở cửa cho tên sát nhân lúc tối qua.
Tôi không ngửi thấy được mùi cà phê mới pha.
Trước giờ, trong lúc đợi tôi đến để nói rằng bà vẫn hiện hữu,
đèn luôn bật sáng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà ngồi trong bóng tối như vậy.
Bà Rosalia ngước lên mỉm cười khi tôi bước vào bếp.
Tôi nhìn bà chằm chằm, không dám lên tiếng, lo sợ bà đã trở
thành linh hồn vất vưởng và không thể trả lời.
- Chào Odd Thomas.
Nỗi sợ hãi bay biến ra khỏi người tôi cùng cái thở phào.
- Bà còn tươi tỉnh.
- Dĩ nhiên bà tươi tỉnh. Bà biết thời thiếu nữ của bà đã qua
lâu rồi nhưng bà hy vọng trông mình không như chết rồi.
- Ý con là hiện hữu. Bà hiện hữu.
- Ừ, bà biết. Hai cảnh sát đã nói với bà, thế nên sáng nay
bà không phải đợi con.
- Cảnh sát ư?
- Biết sớm thật tốt. Bà tắt hết đèn đóm và tận hưởng việc ngồi
đây, ngắm bình minh. - Bà cầm cốc lên. - Con uống nước táo không, Odd Thomas?
- Dạ không, cảm ơn bà. Bà nói hai cảnh sát à?
- Hai thanh niên dễ mến.
- Lúc nào vậy bà?
- Cách đây chưa đầy bốn mươi phút. Họ lo cho con.
- Lo ư, tại sao?
- Họ nói có người báo nghe thấy tiếng súng từ căn hộ của
con. Chẳng phải nực cười sao. Odd Thomas? Bà nói với họ bà chẳng nghe gì cả.
Tôi chắc chắn cú điện thoại gọi đến trình báo về vụ nổ súng
là của một người giấu tên, vì người gọi có khả năng chính là kẻ đã giết
Robertson.
Bà Sanchez nói:
- Bà hỏi họ làm gì mà con phải nổ súng trong căn hộ của con.
Bà cho họ biết nhà con không có chuột. - Bà nâng cốc lên nhấp ngụm nước táo rồi
chợt hỏi, - Nhà con đâu có chuột phải không?
- Dạ không có, thưa bà.
- Dù vậy họ vẫn muốn xem xét. Họ lo cho con. Những anh chàng
tử tế. Thận trọng lau sạch dấu giầy. Không chạm vào một vật nào cả.
- Ý bà nói bà đã dẫn họ đi xem căn hộ của con à?
Sau khi nuốt ngụm nước táo, bà đáp:
- À, họ là cảnh sát mà, và họ rất lo cho con, họ cảm thấy tốt
hơn khi được biết con không bắn vào chân con hay thứ gì đó.
Tôi mừng là đã chuyển thi thể Robertson đi ngay khi phát hiện
ra nó trong phòng tắm nhà mình.
- Odd Thomas, tối qua con không đến lấy bánh quy bà nướng
cho con. Bánh sôcôla với quả óc chó. Món yêu thích của con.
Một cái đĩa chất đầy bánh được bọc kín trong lớp giấy bóng
kính nằm trên bàn.
- Cảm ơn bà. Bánh quy của bà là số một. - Tôi cầm đĩa bánh. -
Con tự hỏi… bà nghĩ con có thể mượn xe bà một chút xíu được không?
- Nhưng chẳng phải con vừa lái xe à?
Mặt tôi đỏ hơn cả bình minh đang lan rộng ngoài cửa sổ.
- Dạ phải, thưa bà.
- À, vậy thì con đã mượn rồi, - giọng bà không hề ẩn chứa
chút mỉa mai nào. - Không cần phải mượn hai lần.
Tôi lấy chìa khóa từ tấm ván treo gần tủ lạnh.
- Cảm ơn bà Sanchez. Bà tốt với con quá.
- Con là cậu bé ngoan, Odd Thomas. Con khiến bà nhớ nhiều đến
thằng cháu Marco. Đến tháng Chín là tròn ba năm thằng bé trở nên vô hình.
Marco cùng gia đình cậu ta đi trên chiếc máy bay đâm vào
Trung tâm Thương mại Thế giới.
Bà tiếp lời:
- Bà cứ nghĩ thằng bé sẽ hiện hữu trở lại vào một ngày nào
đó, nhưng lâu quá rồi… Con đừng bao giờ trở nên vô hình nhé, Odd Thomas.
Đôi lúc bà làm tôi nhói lòng.
- Dạ, con sẽ không vô hình đâu, - tôi cam đoan với bà.
Khi tôi cúi xuống hôn lên trán bà, bà đặt tay lên đầu tôi,
giữ khuôn mặt tôi gần khuôn mặt bà:
- Hứa với bà con sẽ không như thế.
- Con hứa, thưa bà. Con thề có Chúa.
------------
Còn tiếp.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét