Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Giao lộ sinh tử - (Chương 39, 40)

Giao lộ sinh tử

Tác giả: Dean Koontz  
Người dịch: Xuân Các
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tháng 4, năm 2011

Chương 39

Giá như tôi biết tên hay thậm chí khuôn mặt của kẻ nên tìm kiếm thì tôi đã có thể thử vận dụng sức hút siêu linh, đảo quanh thị trấn Pico Mundo cho đến khi giác quan thứ sáu đưa tôi đến gặp mặt hắn. Thế nhưng kẻ đã giết Bob Robertson, và kẻ khao khát hại chết những người khác vào ngày mai đối với tôi vẫn vô danh vô diện, và theo đuổi bóng ma hão huyền thì thật phí phạm xăng và thời gian.
Thị trấn ngủ yên nhưng yêu quái thì không. Bọn ông kẹ đầy đường, đông hơn nhiều và đáng sợ hơn nhiều so với bầy sói, chạy nhảy suốt đêm trong tâm trạng như là sung sướng mong chờ.
Tôi đi qua những ngôi nhà nơi mấy cái bóng sống động kéo đến tụ tập với vẻ hiếu kỳ đặc biệt. Lúc đầu tôi cố nhớ từng người trong ngôi nhà bị ám đó vì tôi vẫn tin những người thu hút bọn ông kẹ cũng là những người sẽ bị sát hại trong khoảng thời gian giữa bình minh và hoàng hôn ngày mai.
Tuy nhỏ hơn thành phố nhưng thị trấn của chúng tôi lớn hơn nhiều so với trước đây với những khu lân cận mới hình thành đầy các khu cư xá, chứa hơn bốn mươi ngàn người trong một hạt có nửa triệu dân. Tôi đã gặp chỉ một phần bé tí trong số đó.
Đa số các ngôi nhà ngập tràn ông kẹ đều thuộc về những người tôi không quen biết. Tôi không có thời gian gặp gỡ tất cả họ và không hy vọng giành được lòng tin của họ đến mức họ chịu nghe lời khuyên của tôi và thay đổi kế hoạch ngày thứ Tư, như chị Viola Peabody đã làm.
Tôi cân nhắc việc ngừng xe tại các ngôi nhà quen biết, yêu cầu họ liệt kê từng địa điểm họ định đến vào chiều mai. May mắn thì tôi có thể phát hiện ra một điểm dừng chân chung của tất cả mọi người.
Không ai nằm trong vòng tròn bạn bè thân cận ít ỏi của tôi. Họ không hề biết năng lực siêu nhiên của tôi nhưng nhiều người xem tôi là kẻ lập dị dễ mến, ở mức độ này hay mức độ khác, và do đó họ sẽ không lấy làm ngạc nhiên trước chuyến ghé thăm bất ngờ hay những câu hỏi của tôi.
Song bằng việc tìm kiếm thông tin trước mặt bọn ông kẹ, tôi sẽ gieo nghi ngờ cho chúng. Một khi đã cảnh giác tôi, trước sau gì chúng cũng nhận thức được bản chất khác thường của tôi.
Tôi nhớ cậu bé người Anh sáu tuổi đã lớn tiếng nói về bọn ông kẹ rồi bị nghiền nát giữa một bức tường gạch đổ bê tông và một chiếc xe tải lạc tay lái. Cú đụng độ ghê gớm đến mức vô số gạch đã nát vụn, phơi trần gọng thép gia cố quanh chỗ trát vữa.
Tài xế, một thanh niên hai mươi tám tuổi, có sức khỏe rất tốt nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy anh ta bị đột quỵ nặng dẫn đến tử vong lập tức trong khi vẫn ngồi sau vô lăng.
Cơn đột quỵ chắc hẳn giết chết anh ta ngay lúc anh chạy qua đỉnh đồi, dưới chân đồi là cậu bé người Anh. Bản phân tích hiện trường tai nạn của cảnh sát xác định góc bên hông của sườn đồi, trong mối tương quan với con đường băng ngang bên dưới, lẽ ra phải đưa chiếc xe tải không người lái ra xa cậu bé, đâm vào bức tường cách hơn chín mét so với nơi trên thực tế nó đã thực hiện cú dừng chết người. Rõ ràng, trong một phần quá trình xuống dốc, xác chết của tài xế vướng vào vô lăng, phản lại cái góc nghiêng của con đường lẽ ra đã cứu được cậu bé.
Tôi biết các bí ẩn của vũ trụ còn nhiều hơn cả về những người không thể nhìn thấy hồn người chết vất vưởng, nhưng tôi chẳng hiểu được là bao cái chân lý của sự tồn tại. Tuy nhiên tôi đạt đến một kết luận chắc chắn dựa trên những gì biết được: không hề có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên.
Theo tầm vĩ mô, tôi nhìn nhận điều các nhà vật lý trình bày đúng ở tầm vi mô: Ngay cả trong tình trạng xáo trộn cũng có trật tự, mục đích và ý nghĩa kỳ lạ lôi cuốn, nhưng thường là cản trở sự nghiên cứu và thấu hiểu của chúng ta.
Vì vậy, tôi không dừng xe ở bất kỳ ngôi nhà nào có bọn ông kẹ nhảy nhót, không đánh thức những người đang ngon giấc để đặt các câu hỏi cấp bách. Đâu đó một tài xế khỏe mạnh và một chiếc xe tải đồ sộ chỉ cần chứng phình động mạch não đúng lúc và trường hợp hỏng phanh xe thích hợp là xe sẽ ngáng giữa đường tôi đi tạo thành vụ đụng độ bất ngờ.
Thay vào đó, tôi lái xe đến nhà cảnh sát trưởng Porter, cố quyết định xem có nên đánh thức ông vào giấc ba giờ sáng bất tiện này không.
Nhiều năm qua, tôi chỉ phải làm thế hai lần trước khi phá giấc ngủ của ông ấy. Lần đầu, tôi ướt sũng và lấm lem bùn lầy, vẫn còn đeo một bên còng, và lôi theo nguyên chiều dài của nó, cái còng đã trói tôi vào hai xác chết bị ném cùng tôi xuống hồ Malo Suerte bởi những kẻ ác tâm bất lương. Lần thứ hai tôi đánh thức ông, vì cơn khủng hoảng cần ông chú ý.
Cơn khủng hoảng hiện thời chưa hoàn toàn ập tới chúng tôi nhưng nó đã hiện ra lờ mờ. Tôi nghĩ ông cần biết rằng Bob Robertson không chỉ một mình mà có đồng bọn.
Thủ thuật là làm sao trình bày tin này một cách thuyết phục mà không tiết lộ chuyện tôi tìm thấy Robertson chết queo trong phòng tắm nhà tôi và vi phạm vô số luật lệ mà không hề ăn năn, tôi đã đưa cái xác đến nơi yên nghỉ ít gây liên lụy hơn.
Khi rẽ qua khúc quanh cách địa chỉ của cảnh sát trưởng Porter nửa khu nhà, tôi ngạc nhiên thấy đèn còn sáng trong vài ngôi nhà vào giờ muộn thế này. Chỗ của cảnh sát trưởng sáng hơn hẳn các nơi khác.
Bốn xe tuần tra cảnh sát đậu trước nhà. Tất cả đều đã dừng một cách vội vã, lệch hẳn so với lề đường. Còi hụ trên nóc một chiếc xe vẫn lóe sáng, xoay tròn.
Tại bãi cỏ trước nhà, ở bên kia nơi những đốm sáng đó nhịp nhàng đuổi bắt làn sóng xanh dương, năm sĩ quan đang tụ tập trao đổi. Điệu bộ của họ cho thấy họ đang an ủi một người khác.
Tôi định đỗ xe đối diện nhà cảnh sát trưởng. Tôi sẽ gọi đến số điện thoại riêng của ông sau khi bịa xong câu chuyện tránh đề cập đến nỗ lực mới đây của tôi trong vai tài xế taxi phục vụ một gã đã chết.
Thay vì thế, tự nhiên lòng nôn nao, tôi bỏ chiếc Chevy trên đường, cạnh một xe tuần tra. Tôi tắt đèn pha nhưng vẫn để máy nổ, hy vọng không cảnh sát nào đến gần để có thể nhìn thấy không có chìa khóa trong ổ.
Các sĩ quan đứng ở bãi cỏ đều quen biết tôi. Họ quay lại đối diện tôi khi tôi chạy đến.
Sonny Wexler, người cao nhất, dẻo dai nhất và nói năng ôn hòa nhất trong nhóm, dang cánh tay rắn chắc ra như ngăn tôi lao qua mặt anh ta ào vào nhà.
- Dừng lại, ở ngoài đây, nhóc. Đội điều tra hiện trường vụ án đang xem xét chỗ này.
Đến lúc đó tôi mới thấy Izzy Maldanado ở mái hiên trước nhà. Anh ta nhổm dậy sau một nhiệm vụ nào đó mà anh phải quỳ gối chú tâm thực hiện, và vặn người để lưng khỏi vẹo.
Izzy làm việc cho phòng thí nghiệm điều tra tội phạm ở Phân viện Cảnh sát thuộc hạt Maravilla, nơi hợp tác với cảnh sát thị trấn Pico Mundo. Khi xác Bob Robertson cuối cùng được tìm thấy trong căn nhà tôn kia thì Izzy rất có thể sẽ là nhân viên kiểm tra tỉ mỉ hiện trường để truy tìm bằng chứng.
Dù vô cùng muốn biết chuyện đã xảy ra ở đây nhưng tôi không thốt nên lời. Cổ họng tôi như có một cục gì đó dính như keo chặn ngang.
Cố gắng nuốt trôi cục nghẹn tưởng tượng kia xuống mà không xong, biết đó chỉ là cơn xúc động gây nghẹn ngào nhưng tôi nghĩ đến Gunther Ulstein, thầy giáo rất yêu âm nhạc và là chỉ huy dàn nhạc trường phổ thông Pico Mundo, người thỉnh thoảng gặp phải tình trạng khó nuốt. Qua vài tuần, tình hình nhanh chóng xấu đi. Trước khi được chẩn đoán, bệnh ung thư thực quản đã di căn khắp thanh quản của thầy.
Vì không nuốt được thức ăn nên trọng lượng thầy giảm nhanh chóng. Bác sĩ trước hết dùng cách xạ trị, dự kiến tiếp theo sẽ cắt bỏ toàn bộ thực quản của thầy và tạo ra một thực quản mới từ chiều dài ruột kết. Phương pháp xạ trị khiến thầy yếu sức. Thầy mất trước cuộc phẫu thuật.
Ốm o gầy mòn như những ngày cuối đời, Gunny Ulstein thường xuất hiện ở xích đu trước mái hiên ngôi nhà do chính thầy xây nên. Người vợ ba mươi năm của thầy, cô Mary, vẫn sống tại đó.
Suốt vài tuần cuối đời, thầy mất khả năng nói chuyện. Thầy có rất nhiều điều muốn nói với cô Mary, rằng cô luôn mang đến điều tốt đẹp nhất cho thầy, rằng thầy yêu cô biết bao, nhưng thầy không thể diễn tả cảm xúc với sự tinh tế và đủ các cung bậc như bằng lời nói. Giờ đây thầy nấn ná, nuối tiếc những điều chưa thổ lộ, mơ mộng hão huyền rằng khi thành người thiên cổ, thầy sẽ tìm ra cách trò chuyện với cô.
Căn bệnh ung thư làm mất khả năng nói chuyện gần như là điều may mắn nếu nó ngăn tôi hỏi Sonny Wexler:
- Chuyện gì xảy ra vậy?
- Tôi tưởng cậu phải nghe rồi chứ, - anh ta đáp. - Tôi tưởng đó là lý do cậu đến đây. Cảnh sát trưởng bị bắn.
Jesus Bustamante, một sĩ quan khác, giận dữ nói:
- Cách đây gần một tiếng, một tên khốn nào đó đã cho cảnh sát trưởng ăn ba phát đạn vào ngực ngay tại hiên trước ngay nhà ông.
Dạ dày của tôi cứ lộn tùng phèo, gần như cùng nhịp với mấy cái còi hụ xoay tròn trên chiếc xe tuần tra gần đó, và cục nghẹn vô hình nơi thực quản của tôi thành ra có thật khi vị đắng thức ăn trồi lên trong cổ họng.
Chắc hẳn mặt tôi tái mét, tôi lảo đảo trên hai đầu gối bất chợt muốn khuỵu xuống, vì vậy Jesus áp cánh tay lên lưng để đỡ tôi, và Sonny Wexler nói nhanh:
- Bình tĩnh, nhóc, bình tĩnh, cảnh sát trưởng còn sống. Ông ấy rơi vào tình trạng hiểm nghèo, nhưng còn sống, ông ấy là người chống chọi ngoan cường mà.
- Bác sĩ hiện đang lo cho ông ấy. - Billy Munday lên tiếng. Vết bớt đỏ lan khắp một phần ba khuôn mặt của anh ta dường như rực sáng một cách lạ lùng trong đêm, khiến anh toát lên dáng dấp vị pháp sư vẻ mặt vằn vện sắp tuyên bố những cảnh báo, điềm gở và điều xấu xa. - Ông ấy sẽ ổn. Ông ấy phải ổn thôi. Ý tôi là, không có ông ấy thì thế nào đây?
- Ông ấy là người chống chọi ngoan cường, - Sonny lặp lại.
- Bệnh viện nào? - tôi hỏi.
- Bệnh viện đa khoa của hạt.
Tôi chạy ra chiếc xe để ngoài đường.

Chương 40

Ngày nay, hầu hết các bệnh viện mới mở ở phía sau California đều trông giống như các đại lý bán lẻ thuê mặt bằng giá phải chăng, bày bán số lượng lớn thảm giảm giá hoặc hàng kinh doanh. Kiến trúc nhạt nhẽo tạo cảm giác việc chữa trị không thể diễn ra bên trong bốn bức tường đó.
Bệnh viện đa khoa của hạt, bệnh viện lâu đời nhất trong vùng, có lối ra vào uy nghi với hàng cột đá vôi và đường viền bao quanh mái ngói chạy dài khắp khuôn viên. Mới nhìn bạn cũng biết ngay các bác sĩ và y tá chứ không phải những nhân viên kinh doanh làm việc trong đó.
Hành lang chính có sàn lát gạch, không phải trải thảm, và mặt trước của bàn hướng dẫn trưng ra y hiệu chạm khắc bằng đồng.
Trước khi tới chỗ cái bàn, tôi bị Alice Norrie chặn lại. Đó là nhân viên có thâm niên mười năm của Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo, chuyên ngăn cản các phóng viên và những người không phận sự đi vào hành lang.
- Ông ấy vào phòng mổ rồi, Odd. Ông ấy sẽ ở trong đó một lúc.
- Bác gái đâu rồi?
- Karla trong phòng chờ của khoa hồi sức tích cực. Người ta sẽ đưa ông ấy từ phòng mổ thẳng ra đó.
Khoa hồi sức tích cực nằm ở tầng bốn. Tôi lên tiếng với giọng ngụ ý rằng bà ấy sẽ phải bắt giữ mới có thể ngăn cản được tôi.
- Bác à, cháu sẽ lên đó.
- Cậu không cần gây sự với tôi để lên đó đâu, Odd. Cậu có tên trong danh sách Karla đưa tôi.
Tôi đi thang máy lên tầng hai, nơi đặt các phòng mổ của Bệnh viện đa khoa của hạt.
Tìm thấy phòng mổ xem ra thật dễ. Rafus Carter đứng canh ngoài cửa trong bộ đồng phục. Anh ta to lớn đủ để chặn đứng một con bò nổi điên.
Trong lúc tôi bước đến dưới ánh đèn huỳnh quang sáng rực, anh ta đặt tay phải lên báng súng đeo ở thắt lưng.
Anh ta quan sát tôi phản ứng lại sự ngờ vực của anh ta rồi phân bua:
- Không có ý xúc phạm đâu Odd, nhưng chỉ có bà Karla đi dọc hành lang này thì tôi mới không đề phòng thôi.
- Anh nghĩ bác ấy bị người quen bắn à?
- Gần như là thế, điều đó có nghĩa chắc tôi cũng quen kẻ đó.
- Bác ấy bị nặng không?
- Nặng.
- Bác ấy là người chống chọi ngoan cường, - tôi bắt chước câu thần chú của Sonny Wexler.
Rafus Carter nói:
- Ông ấy còn giỏi hơn thế.
Tôi trở vào thang máy. Giữa tầng ba và tầng bốn, tôi nhấn nút DỪNG.
Cơn run rẩy không kiểm soát được giũ sạch sức lực ra khỏi tôi. Với đôi chân quá yếu không thể đứng vững nữa, tôi trượt dài theo tường của buồng thang máy và ngồi bệt xuống bàn.
Stormy nói cuộc đời không phải sống nhanh sống vội hay sống vui ra sao. Sống là kiên nhẫn, là đứng trên đôi chân và cố hết sức tiến lên bất kể có chuyện gì.
Xét cho cùng, theo thuyết vũ trụ của nàng, cuộc đời này là trại huấn luyện binh lính. Nếu bạn không kiên nhẫn vượt qua mọi trở ngại của thế giới này và những vết thương do nó gây ra thì trong chuyến phiêu lưu quan trọng, bạn sẽ không đi tới được cuộc đời tiếp theo mà nàng gọi là “giai đoạn tại ngũ”, hay đến đích ở cuộc đời thứ ba mà nàng cho rằng sẽ đầy ắp niềm vui và hạnh phúc, nhiều hơn cả một cốc kem dừa anh đào sôcôla miếng.
Nói theo cách ẩn dụ thì bất kể mọi việc có chiều hướng xấu đi hay trở nên nặng nề đến đâu, Stormy cũng luôn đứng vững trên đôi chân của nàng; nhưng tôi lại khác, thỉnh thoảng tôi thấy mình cần phải tạm nghỉ để có được sự kiên nhẫn.
Tôi muốn bình tĩnh, tự chủ, mạnh mẽ, và đầy năng lượng khi đến gặp bà Karla. Bà cần sự động viên chứ không phải nước mắt cảm thông hay đau buồn.
Sau hai hay ba phút, tôi bình tĩnh và tự chủ được phần nào. Thấy vậy đã ổn, tôi đứng dậy, nhấn nút cho thang máy lên tiếp đến tầng bốn.
Phòng đợi ảm đạm, ngay dưới hành lang của khoa hồi sức tích cực, có bốn bức tường xám nhạt, sàn lát gạch lốm đốm màu xám và đen, ghế xám và nâu sậm. Không khí nói lên một điều: chết chóc. Người trang trí nội thất cho bệnh viện cần được ai đó vỗ một phát lên đầu.
Em gái cảnh sát trưởng, bà Eileen Newfield, ngồi ở một góc, mắt đỏ hoe, xoắn xoắn cái khăn thêu trong tay một cách bứt rứt.
Bên cạnh là Jake Hulquist, đang ngồi thì thầm trấn an. Ông ấy là bạn thân của cảnh sát trưởng. Họ gia nhập lực lượng cùng một năm.
Jake không mặc đồng phục mà mặc quần kaki và áo thun bỏ ngoài. Dây giày bung ra, tóc tai dựng đứng, xoắn chĩa tứ phía, trông như thể ông không có thời gian chải đầu sau khi nhận điện thoại.
Bà Karla trông vẫn như mọi khi: tươi tắn, xinh đẹp và bình tĩnh.
Mắt ráo hoảnh; bà không khóc. Bà đặt nặng vai trò là vợ một cảnh sát lên trên bản tính vốn yếu đuối của phụ nữ; chỉ cần ông Wyatt còn đấu tranh sinh tồn là bà sẽ không để rơi một giọt nước mắt nào, vì bà cũng đang cùng ông chiến đấu bằng tinh thần.
Lúc tôi bước qua ô cửa mở, bà Karla đến ôm lấy tôi và nói:
- Hết hồn, phải không, Odd? Có phải thanh niên bọn con nói thế trong tình huống như lúc này không?
- Hết hồn, - tôi đồng tình. - Đúng là vậy ạ.
Nhận thấy tình trạng xúc động mạnh của Eileen, bà Karla đưa tôi ra hành lang để có thể trò chuyện.
- Ông ấy nhận được cuộc gọi ở số điện thoại riêng, khi chưa đến hai giờ sáng.
- Của ai vậy bác?
- Bác không biết. Chuông chỉ làm bác tỉnh lơ mơ. Ông ấy nói bác ngủ tiếp đi, mọi chuyện đều ổn.
- Bao nhiêu người có số điện thoại riêng đó?
- Không nhiều, ông ấy không đi thay đồ mà rời phòng trong bộ đồ ngủ, nên bác nghĩ ông ấy không ra ngoài, vấn đề gì đó có thể giải quyết ngay tại nhà, và bác ngủ tiếp... đến khi tiếng súng đánh thức bác dậy.
- Lúc ấy là khi nào?
- Sau cú điện thoại chưa đến mười phút. Hình như ông ấy mở cửa chính cho người ông đang đợi...
- Một người bác ấy quen biết.
-... và ông ấy bị bắn bốn phát.
- Bốn phát ư? Con nghe nói ba phát vào ngực mà.
- Ba phát vào ngực, - bà xác nhận, - và một phát vào đầu.
Nghe về phát đạn vào đầu, tôi muốn trượt dài theo bức tường và ngồi bệt xuống sàn lần nữa.
Thấy thông tin ấy làm tôi choáng váng nặng nề, bà Karla nói nhanh:
- Không tổn thương não. Phát đạn ở đầu là nhẹ nhất. - Bà nở nụ cười thật lòng nhưng ngập ngừng, - Ông ấy sẽ lấy đó làm chuyện đùa cợt, con có nghĩ vậy không?
- Chắc chắn bác ấy làm vậy rồi.
- Bác như nghe thấy ông ấy đang nói nếu muốn bắn vỡ sọ Wyatt Porter thì phải bắn vào mông cơ.
- Đúng là cách nói của bác ấy, - tôi tán thành.
- Mọi người cho rằng đó là phát súng kết liễu, sau khi ông ấy đã gục xuống, nhưng có lẽ tay súng đó hoảng sợ hoặc xao lãng. Viên đạn chỉ sượt qua da đầu ông ấy.
Tôi gạt phăng:
- Không ai muốn giết bác ấy đâu.
Bà Karla nói:
- Lúc bác gọi cảnh sát và cầm súng xuống dưới nhà, kẻ đó đã đi mất.
Tôi hình dung cảnh bà can đảm bước xuống cầu thang với khẩu súng trong tay, đi tới cửa chính, sẵn sàng nhả đạn vào kẻ đã bắn chồng bà. Như một con sư tử, giống hệt Stormy.
- Wyatt ở dưới nhà, khi bác tìm thấy thì ông ấy đã bất tỉnh rồi.
Dọc hành lang, từ phía thang máy, một y tá phòng mổ mặc bộ đồ xanh lá cây tiến đến. Chị ta mang vẻ mặt xin-đừng-bắn-người-đưa-tin.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét