Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Gió Qua Rặng Liễu - Chương 9

Gió Qua Rặng Liễu

Tác giả: Kenneth Grahame
Dịch giả: Nguyên Tâm
Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn - 2006

Chương 9 - Tất Cả Cùng Đi Du Lịch

Chuột Nước thấy bồn chồn mà không biết chính xác vì sao. Theo các biểu hiện bề ngoài thì vẻ tráng lệ của mùa hè vẫn đang hồi cực thịnh, và tuy màu xanh của những cánh đồng trồng trọt đã nhường chỗ cho sắc vàng kim, những quả thanh hương trà đang dần ửng đỏ và đây đó khu rừng đã thoáng màu hung hung dữ dội, ánh sáng, hơi ấm cùng sắc màu vẫn hiện hữu trên một phạm vi không hề giảm bớt, không bợn chút dự cảm lạnh nhạt nào về những ngày tháng vội trôi qua. Những bản hợp xướng triền miên của các vườn cây ăn quả và các bờ giậu đã rút lại chỉ còn là một bài cầu kinh buổi tối không thường xuyên của số ít những nghệ sĩ không biết mệt mỏi; chú chim cổ đỏ lại đang bắt đầu tự khẳng định mình một lần nữa; và người ta dường như cảm thấy một sự đổi thay khang khác. Loài chim cu cu, cố nhiên, đã lặng tiếng từ lâu; nhưng cả biết bao bè bạn có lông vũ của chúng, suốt mấy tháng đã từng là một phần của phong cảnh quen thuộc ở vùng này cùng cái xã hội nhỏ bé của nó, cũng chẳng thấy đâu, và dường như những loài chim bình thường cũng cứ ngày một giảm bớt.
Chuột Nước luôn quan sát tất cả mọi di chuyển của các loài có cánh; và thậm chí khi nằm trên giường vào ban đêm, nó nghĩ, nó cũng có thể nhận biết được nhịp điệu và độ rung của những đôi cánh hối hả bay qua khoảng không đen tối ở trên đầu, vâng theo một tiếng gọi kiên quyết.
Đại khách sạn của Thiên nhiên cũng có mùa của mình như bao khách sạn khác. Khi mà những người khách cứ lần lượt đóng gói, trả tiền rồi ra đi, số ghế tại bàn ăn cơm tháng giảm bớt đến thảm hại trong mỗi bữa ăn kế tiếp; khi mà các dãy phòng phải đóng cửa, các tấm thảm phải nhấc đi và các bồi bàn bị nghỉ việc, những khách trọ còn tiếp tục ở lại tại nhà ký túc cho tới khi khách sạn hoàn toàn mở cửa trở lại vào năm sau không thể không bị tác động đôi chút bởi những sự ra đi cùng những lời chào tạm biệt này, bởi cuộc tranh luận sôi nổi về các kế hoạch, các tuyến đường và các miền đất mới, bởi sự cạn kiệt dần hàng ngày của dòng suối tình bạn. Người ta bắt đầu cảm thấy bối rối, chán nản và đâm ra hay càu nhàu. Cớ sao mà phải thèm khát sự thay đổi như thế này? Sao không cứ tiếp tục lặng lẽ lưu lại nơi đây, như chúng tôi, để mà vui chơi? Các bạn không biết cái khách sạn này vào mùa nghỉ cùng những trò vui mà chúng tôi có cùng nhau đâu. Chúng tôi còn ở lại cho đến hết cả cái năm thú vị này. Hiển nhiên là tất cả những điều đó đúng là như vậy, những kẻ khác bao giờ cũng trả lời thế; chúng tôi rất ghen tị các bạn - thôi để một năm nào khác vậy - còn ngay lúc này chúng tôi đã có những cuộc hẹn - mà xe buýt đã chờ ở cửa - chúng tôi đã hết thời gian rồi! Thế là bọn họ ra đi, với một nụ cười và một cái gật đầu, còn chúng ta thì nhớ họ và cảm thấy bực bội trong lòng. Chuột Nước là loại động vật tự túc được đầy đủ cho mình, và cho dù bất kỳ ai ra đi thì nó vẫn ở lại; vậy mà nó vẫn không khỏi để ý đến những gì đang xảy ra trên không trung và cảm thấy một phần ảnh hưởng của chuyện đó ngấm sâu vào tận xương tủy mình.
Thật khó mà nghiêm túc tập trung vào bất kỳ công việc gì khi mà tất cả những sự di dời này đang diễn ra. Ngay khi rời khỏi ven sông, nơi có các đám cói mọc cao và dày trong một dòng nước đang bắt đầu cạn đi và chảy lững lờ, nó lang thang về phía vùng quê, vượt qua một hai đồng cỏ chăn thả súc vật nom đã xỉn màu và khô héo, rồi tạt vào vương quốc của lúa mỳ chín vàng rập rờn và lao xao, đầy những chuyển động lặng lẽ và những tiếng thì thầm khe khẽ. Nó vẫn thường thích lang thang tại vùng này, qua khu rừng có những thân thảo cứng khỏe chở đi cả cái bầu trời vàng rực của riêng mình phía trên đầu nó - một bầu trời luôn nhảy múa, lung linh, khe khẽ truyện trò hoặc đu đưa mạnh mẽ theo trận gió thổi qua rồi lại đứng thẳng dậy với một cái hất đầu khinh khỉnh và một tiếng cười vui vẻ. Cũng tại nơi đây, nó có nhiều bạn bè nhỏ thó, một xã hội riêng và trọn vẹn, sống những cuộc đời sung túc và bận rộn nhưng bao giờ cũng có một khoảnh khắc rảnh rỗi để chuyện phiếm và trao đổi tin tức với một người khách đến thăm. Tuy vậy, hôm nay, dù rất lịch sự, bọn chuột đồng và lũ chuột đến làm ăn vào vụ gặt cũng có vẻ lơ đãng. Nhiều đứa đang bận rộn đào bới và đục đường hầm; những đứa khác tập hợp thành từng nhóm nhỏ, xem xét bản đồ và bản vẽ các căn hộ nhỏ được công nhận là thích hợp và chắc chắn và có vị trí thuận tiện gần các cửa hàng bách hóa. Vài đứa đang lôi ra những cái rương đầy bụi bặm cùng những thùng đựng quần áo, những đứa khác thì đã đang mải miết đóng gói đồ đạc của mình; trong khi đó những đống và những bó lúa mì, yến mạch, đại mạch, quả sồi và quả hạch nằm la liệt khắp nơi sẵn sàng cho việc chuyên chở.
- Anh bạn Chuột Nước đây rồi! - vừa thoáng thấy bóng nó, chúng đã kêu to lên. - Đến giúp một tay nào, Chuột Nước, đừng quanh quẩn hoài ở đây nữa!
- Các cậu đang chơi trò gì đấy? - Chuột Nước nghiêm giọng nói. - Các cậu cũng biết là bây giờ chưa phải lúc nghĩ đến các vùng nghỉ đông cơ mà, còn lâu.
- Ồ phải, chúng tớ biết điều đó, - một chú chuột đồng ngượng ngùng phân bua, - nhưng chuẩn bị sớm thì bao giờ chẳng tốt, phải không? Chúng tớ thật sự phải chuyển tất cả đồ đạc cùng các thứ lương thực dự trữ ra khỏi nơi này trước khi những cỗ máy khủng khiếp kia bắt đầu phành phạch khắp cánh đồng; và sau đó, cậu biết đấy, ngày nay người ta giành địa điểm xây các căn hộ đẹp nhất rất nhanh, nếu chậm chân là phải chịu đủ mọi thiệt thòi. Mà còn phải tốn nhiều công trang trí trước khi những căn nhà đó đủ điều kiện để vào ở nữa chứ. Cố nhiên là bọn tớ chuẩn bị sớm, chúng tớ biết là thế; nhưng bọn tớ mới chỉ bắt đầu thôi mà.
- Chà, bắt đầu, thật phiền toái, - Chuột Nước nói. - Hôm nay trời rất đẹp. Hãy đi bơi thuyền, đi dạo dọc các bờ giậu, đi pic-nic trong rừng, hoặc chơi một trò gì đó.
- Ồ, tớ nghĩ, hôm nay thì không được, cảm ơn cậu, - chú chuột đồng vội trả lời. - Có lẽ để một hôm nào khác - khi mà bọn tớ có nhiều thời giờ hơn.
Chuột Nước khịt khịt mũi tỏ vẻ coi khinh, quay mình bỏ đi, vấp phải một cái hộp đựng mũ và ngã lăn ra, tai nghe thấy những lời bình phẩm bất lịch sự.
- Nếu người ta cẩn thận hơn, - một chú chuột đồng nói, giọng khá mệt nhọc, - và đi đứng thủng thỉnh thì người ta sẽ chẳng bị đau - và chẳng bị thất thố. Chú ý cái túi du lịch kia kìa, Chuột Nước! Cậu nên ngồi xuống một chỗ nào đó thì hơn. Khoảng một hai giờ nữa bọn tớ có thể rảnh tay hơn và chăm sóc cho cậu.
- Các cậu sẽ không “rảnh tay”, theo cách nói của các cậu đâu, khi mà còn lâu mới đến Lễ Giáng Sinh, tớ có thể thấy rõ điều đó, - Chuột Nước vừa nhấm nhẳn đốp lại vừa rón rén từng bước ra khỏi cánh đồng.
Lòng hơi ngao ngán, nó lại quay trở về với dòng sông của mình - dòng sông thân quen thủy chung và kiên định của nó, dòng sông chẳng bao giờ đóng gói đồ đạc, di chuyển hoặc đến những vùng nghỉ đông.
Trong đám liễu gai mọc viền bờ sông, nó bỗng thấy một chú chim nhạn đang đậu. Lát sau lại thêm một chú nữa đến đậu cùng, rồi lại thêm chú thứ ba; và lũ chim vừa không ngừng cựa quậy trên cành cây vừa khẽ trò chuyện với nhau bằng một giọng nghiêm chỉnh.
- Sao, đã đến lúc rồi ư? - Chuột Nước vừa nói vừa bước lại gần bọn chúng. - Việc gì mà vội vàng thế? Tớ thấy việc đó hoàn toàn nực cười đấy.
- Ồ, bọn tớ chưa rời đi ngay đâu, - chú nhạn đầu tiên trả lời. - Chúng tớ chỉ mới đang vạch kế hoạch và thu xếp mọi việc thôi. Đang bàn bạc, cậu biết đấy - xem năm nay chúng tớ sẽ đi tuyến đường nào, sẽ dừng lại ở đâu, vân vân. Như thế đã là một nửa trò vui rồi!
- Trò vui ư? - Chuột Nước nói, - bây giờ thì đó lại chính là điều tớ không hiểu. Nếu các cậu buộc phải xa rời cái nơi thú vị này, xa rời bạn nè - những người sẽ nhớ các cậu - cùng những chiếc tổ ấm áp mà các cậu vừa mới dọn vào ở, thì cớ sao khi giờ phút ấy điểm, tớ biết chắc, các cậu lại sẽ dũng cảm ra đi, và đương đầu với biết bao nhọc nhằn phiền toái, đổi thay và lạ lẫm, mà cứ giả bộ như mình không bất hạnh lắm. Nhưng các cậu lại không muốn nói về nơi này hoặc thậm chí chẳng nghĩ gì đến nơi này cho tới khi các cậu thực sự cần đến...
- Không, cậu không hiểu đâu, tất nhiên là thế, - chú nhạn thứ hai nói. - Trước hết, chúng tớ cảm thấy lòng rộn ràng, một cảm xúc bồn chồn êm ái; rồi sau đó, những kỷ niệm lần lượt trở về giống như những chú bồ câu đưa thư. Chúng cứ rập rờn suốt trong những giấc mơ của chúng tớ vào ban đêm và cùng chúng tớ bay lượn thành những vòng tròn vào ban ngày. Chúng tớ khao khát được hỏi thăm nhau, được trao đổi ý kiến và khẳng định với nhau rằng tất cả thật sự đều đúng khi mà những mùi hương, những âm thanh và những địa danh đã bị quên lãng từ lâu lại lần lượt trở về và vẫy gọi chúng tớ.
- Các cậu không thể ở lại, chỉ năm nay thôi, được ư? - Chuột Nước bâng khuâng gợi ý. - Bọn tớ sẽ cố hết sức để các cậu cảm thấy thoải mái như ở nhà. Các cậu không biết rằng trong thời gian các cậu đi xa, bọn tớ vui chơi thoải mái thế nào đâu.
- Có một năm, tớ đã cố thử ở lại, - chú nhạn thứ ba nói. - Vì đã ngày càng yêu mến nơi này nên khi thời hạn đó đến, tớ cứ chùng chình nán lại và để các bạn khác ra đi. Vài tuần đầu mọi việc đều khá ổn, nhưng về sau, ôi những đêm dài mới buồn chán làm sao! Những ngày lạnh đến run người và không có ánh nắng! Bầu không khí thì ẩm ướt và lạnh thấu xương, và khắp một mẫu [Acre: mẫu Anh, khoảng 4050 mét vuông - ND] đất không đào đâu ra một con côn trùng! Không, chẳng tốt đẹp chút nào; tinh thần tớ suy sụp, và tớ bay đi vào một đêm bão tố lạnh lùng, vì có những trận gió đông rất mạnh nên tớ cứ bay sâu vào vùng nội địa. Lúc tớ vỗ cánh bay qua những ngọn đèo giữa những quả núi lớn thì tuyết rơi rất dày, và tớ đã phải chiến đấu gian khổ mới vượt qua được. Nhưng tớ sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác sung sướng khi mặt trời nóng bỏng lại chiếu vào lưng khi tớ giảm dần tốc độ, sà xuống những cái hồ trong xanh biết mấy ở phía dưới, và cái mùi vị của chú côn trùng béo ngậy đầu tiên của tớ! Quá khứ giống như một cơn ác mộng, tương lai lại là một kỳ nghỉ hoàn toàn vui vẻ khi mà tuần nọ nối tiếp tuần kia tớ cứ di chuyển về hướng nam một cách ung dung, lờ lững và nấn ná trong một thời gian có thể chấp nhận được, nhưng lúc nào tớ cũng chú ý đến tiếng gọi đó! Không, trước đó tớ đã nhận được lời cảnh báo, và tớ sẽ không bao giờ nghĩ đến việc không chấp hành mệnh lệnh nữa.
- Chà, đúng thế, tiếng gọi của phương Nam, của phương Nam! - hai chú nhạn kia kêu líu lo, giọng mơ hồ. - Những bài ca, những sắc màu và vẻ rạng rỡ của phương ấy! Ồ, cậu có nhớ không…
Và, quên bẵng sự có mặt của Chuột Nước, chúng chìm đắm vào những hồi tưởng da diết, còn Chuột Nước thì cứ mê mẩn lắng nghe, lòng nóng bỏng khát khao. Nó biết là cuối cùng thì trong lòng nó cũng ngân vang cái hợp âm bấy nay vẫn im lìm và không được để ý tới. Chỉ riêng những tiếng ríu rít của mấy chú chim sắp di trú về phía nam này, những mẩu tường thuật sơ sài và gián tiếp của chúng đã có đủ sức mạnh để khơi dậy cái cảm giác mới mẻ và cuồng nhiệt này và khiến nó rộn ràng hồi hộp; một khoảnh khắc của cái cảm xúc đích thực ấy sẽ tạo ra được những gì trong lòng nó - một cái vuốt ve nồng nàn của ánh nắng phương nam đích thực, một mùi hương chính cống thoảng qua? Nó nhắm mắt lại cố mơ màng trong một khoảng khắc hoàn toàn mê đắm và khi lại mở mắt nhìn, nó thấy dòng sông dường như xám ngắt và lạnh lẽo, những cánh đồng màu xanh lá cây trở nên buồn tẻ và u tối. Rồi trái tim chân thật của nó dường như gào to phản đối bản chất yếu đuối của nó vì đã tỏ ra bội bạc.
- Vậy cớ sao các cậu lại vẫn cứ quay trở lại? - nó gặng hỏi bầy nhạn một cách đố kỵ. - Các cậu thấy có cái gì hấp dẫn ở cái miền quê nhỏ bé, buồn tẻ và nghèo nàn này?
- Và cậu cho rằng, - chú nhạn đầu tiên nói, - cái tiếng gọi khác cũng không phải dành cho bọn tớ, khi mùa của nó đến ư? Tiếng gọi của đồng cỏ sum suê, những vườn cây ăn quả ẩm ướt, những cái ao ấm áp côn trùng thường lui tới, của những đàn gia súc đang gặm cỏ, của việc cắt cỏ đem phơi và tất cả nhà kho, chuồng trại xúm quanh Tòa nhà Chính với Các Mái hiên Hoàn hảo ấy mà!
- Cậu có cho rằng, - chú nhạn thứ hai hỏi, - cậu là sinh vật duy nhất mòn mỏi mong chờ và thèm khát được lại một lần nữa nghe nhạc của loài chim cúc cu không?
- Rồi sẽ đến lúc, - chú nhạn thứ ba nói, - bọn tớ sẽ lại buồn nhớ về những cây hoa súng lặng lẽ đu đưa trên mặt nước của một dòng suối tại Anh quốc. Nhưng hôm nay tất cả những thứ đó đều mờ nhạt và còn ở mãi tít xa. Đúng lúc này máu trong mình chúng tớ nhảy múa theo điệu nhạc khác.
Chúng lại ríu ra ríu rít với nhau một lần nữa, và lần này chúng say sưa thao thao bất tuyệt về những vùng biển tím, những bãi cát vàng nâu và những bức tường thằn lằn thường lui tới.
Cảm thấy bồn chồn, Chuột Nước lại tha thẩn rời khỏi nơi đó. Nó trèo lên con dốc thoai thoải cao dần lên từ bờ bắc của dòng sông và trải dài về phía những Đồi cỏ thấp tạo thành một vòng tròn lớn che khuất tầm nhìn của nó về hướng nam - cái chân trời bình dị của nó xưa nay, đối với nó thì đó là Những Rặng Núi của Mặt trăng [Mountains of the Moon: theo một điển tích trong thần thoại, dòng sông Nile ở châu Phi, bắt nguồn từ những rặng núi trên mặt trăng. Ý bóng của tác giả là những ai vượt qua cái ranh giới này tức là đã đến châu Phi - ND], cái ranh giới mà nó chẳng cần nhìn hoặc biết những gì nằm ở phía bên kia. Hôm nay, đối với nó việc ngắm nhìn phương Nam lại là một nhu cầu mới mẻ đang thôi thúc trong lòng, bầu trời quang đãng phía trên hình dáng dài và thấp của những quả đồi ấy lại rộn ràng hứa hẹn; hôm nay những gì không nhìn thấy lại là tất cả, những gì chưa được biết đến lại là sự thật chính cống duy nhất về cuộc đời. Giờ đây, ở phía bên này những quả đồi kia là khoảng trống thực sự, còn ở phía bên kia là toàn cảnh nhộn nhịp và đầy màu sắc mà con mắt trong tâm hồn nó đang nhìn thấy rất rõ ràng. Những vùng biển trải ra xa tít, xanh rờn, sóng nhấp nhô tung bọt trắng mới tuyệt vời làm sao! Những bờ cát ngập nắng, dọc theo đó là những tòa biệt thự màu trắng lung linh nổi bật trên nền rừng ô-liu mới tuyệt vời làm sao! Những bến cảng yên tĩnh đầy những tàu thuyền lộng lẫy sắp sửa lên đường tới những hòn đảo đỏ tía tràn trề rượu vang và đồ gia vị, những hòn đảo lô nhô trên mặt nước lặng lờ mới tuyệt vời làm sao!
Nó đứng dậy và đi xuống phía dòng sông một lần nữa, rồi đổi ý và tìm đến ven con đường hẹp đầy bụi bặm. Tại đó, trong lúc nằm ẩn mình dưới bờ cây thấp rậm rạp và mát mẻ viền dọc con đường, nó có thể trầm ngâm suy nghĩ về con đường rải đá cùng toàn bộ cái thế giới kỳ diệu mà con đường ấy dẫn tới, về tất cả những du khách đã từng đặt chân lên đó nữa, và về cái vận may cùng những cuộc phiêu lưu mà họ đã ra đi để tìm kiếm hoặc đã gặp được mà không phải kiếm tìm - ở đằng xa, mãi tít xa - mãi tít xa!
Có tiếng những bước chân, và bóng dáng người khách bộ hành đang hơi uể oải bước đi hiện ra; và nó nhận ra rằng đó là một bác Chuột, mà là một bác Chuột mình đầy bụi bặm. Khách bộ hành, khi đến gần nó, đã chào bằng một cử chỉ nhã nhặn có vẻ hơi lạ lùng - rồi với một nụ cười vui vẻ, quay gót trở lại từ con đường mòn và ngồi xuống bên cạnh nó trên thảm cỏ mát rượi. Bác ta dường như đang mệt mỏi, và Chuột Nước để bác ta nghỉ mà không hỏi han gì cả vì hiểu được một phần những gì bác ta đang suy nghĩ, và cũng biết cái giá trị của việc tất cả các con vật đôi khi chỉ dành sự yên lặng cho tình bạn, khi mà các cơ bắp mỏi mệt chùng xuống còn đầu óc thì cứ suy nghĩ hoài.
Khách bộ hành này gầy gò, có những đường nét sắc sảo và đôi vai hơi còng xuống; hai bàn tay bác ta mỏng và dài, hai khóe mắt có nhiều nết nhăn, và bác ta đeo đôi khuyên vàng nhỏ ở đôi tai đẹp gọn ghẽ. Bác ta vận chiếc áo len dệt cổ chui màu xanh lơ đã bạc, cái quần lửng vá víu và bám bẩn trên màu xanh lơ chủ đạo, còn các món đồ dùng cá nhân nhỏ bé mà bác ta mang theo thì được gói trong một chiếc khăn tay vải bông xanh lơ.
Sau khi đã nghỉ ngơi một lát, vị khách lạ thở dài, hít hít không khí rồi nhìn quanh.
- Kia là cỏ ba lá, cái mùi hương ấm áp của nó cứ thoang thoảng trong ngọn gió hiu hiu, - bác ta nhận xét; - Còn kia là những con bò đang gặm cỏ ở phía sau chúng ta và đang phì phò thở khẽ mỗi khi mồm đầy cỏ. Có tiếng những chiếc máy gặt ở đằng xa, và xa hơn nữa là một làn khói xanh bốc lên từ những túp nhà tranh nổi bật trên nền khu rừng. Dòng sông chảy ở đâu đó không xa lắm, bởi vì tôi nghe thấy tiếng gọi của một con gà gô mái, và cứ bằng vào vóc dáng của anh thì tôi biết anh là một thủy thủ đường sông. Vạn vật dường như đang say ngủ, vậy mà lúc nào cũng cứ tiếp diễn. Anh sống một cuộc sống thật là đẹp, anh bạn ạ; rất có thể là cuộc sống đẹp nhất thế gian, nếu anh có đủ sức khỏe để mà sống cuộc sống đó!
- Phải, đúng là cuộc sống đó, cuộc sống duy nhất để mà sống, - Chuột Nước mơ màng trả lời, thiếu hẳn niềm tin chắc chắn thường khi của mình.
- Tôi không nói hẳn như vậy, - vị khách lạ cẩn trọng đáp, - nhưng rất có thể đó là cuộc sống tốt đẹp nhất. Tôi đã thử sống rồi nên tôi biết. Và bởi đã thử sống cuộc sống đó - sáu tháng trời - và biết đó là cuộc sống tốt đẹp nhất, mà lúc này tôi ở đây, chân chồn bụng đói, lê bước rời xa nó, lặn lội về phương nam, theo tiếng gọi thân quen, trở về với cuộc sống thân quen, cuộc sống của tôi, cái cuộc sống sẽ không chịu để tôi rời xa nữa.
- Vậy lần này có phải là lại có tiếng gọi của nó không? - Chuột Nước tự nói với mình.
- Thế bác vừa từ đâu đến vậy? - nó hỏi. Nó chẳng dám hỏi xem bác ta sắp sửa đi đâu, dường như nó đã biết quá rõ câu trả lời rồi.
- Từ một trang trại nhỏ bé xinh đẹp, - vị khách bộ hành trả lời ngắn gọn. - Mãi ở phía trên kia. - bác ta hất đầu về hướng bắc - Đừng bận tâm gì về điều đó. Tôi đã có mọi thứ mà tôi muốn - mọi thứ mà tôi có quyền trông đợi ở cuộc sống, và còn hơn thế nữa; vậy mà lúc này tôi ở đây! Tuy thế vẫn cứ vui mừng được ở đây, vui mừng được ở đây! Đã bớt được biết bao dặm đường xa, đã bớt được biết bao giờ đồng hồ trước khi về tới nơi lòng tôi mong chờ!
Đôi mắt bác ta nhìn chằm chằm vào đường chân trời và bác ta dường như đang chú ý lắng nghe một âm thanh nào đó còn thiếu vắng ở cái vùng nội địa này, âm thanh đó quả thật có cùng giọng với thứ âm nhạc tươi vui của đồng cỏ chăn thả gia súc và sân trại.
- Bác không phải là một người thuộc dạng chúng cháu, - Chuột Nước nói, - chẳng phải một trại chủ, và theo nhận xét của cháu thì bác thậm chí còn không phải là người của xứ này.
- Đúng thế, - vị khách lạ đáp. - Ta là một gã chuột chuyên nghề đi biển, thế đó, còn cái cảng đầu tiên mà từ đó ta rời đi là cảng Constantinople [thành phố cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trên bờ Hắc Hải, về sau được đổi tên thành Istanbul - ND], tuy rằng ta cũng chỉ là một kẻ xa lạ ở đó, đại khái là như thế. Anh đã nghe nói đến Constantinople bao giờ chưa? Một thành phố đẹp, cổ kính và vẻ vang. Và có thể anh cũng đã nghe nói về Sigurd [tên một vị anh hùng trong huyền thoại Bắc Âu - ND], đức vua nước Na-uy và việc ngài đã cùng sáu mươi chiếc tàu thủy vượt biển tới đó như thế nào, việc ngài cùng với đoàn tùy tùng cưỡi ngựa trên các đường phố được trang hoàng lộng lẫy để chào mừng ngài ra sao, và về việc Hoàng đế cùng Hoàng hậu đã xuống dự tiệc trên tàu của ngài như thế nào. Khi vua Sigurd về nước, nhiều người trong đám tùy tùng phương Bắc của ngài đã ở lại và gia nhập cận vệ của Hoàng đế; và ông tổ của ta, vốn gốc Na-uy, cũng ở lại cùng với những con tàu mà vua Sigurd tặng Hoàng đế. Suốt từ đó đến nay dòng giống của ta trở thành thủy thủ, và điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Còn về phần ta, nơi chôn rau cắt rốn cũng chỉ là một quê hương như bất kỳ hải cảng thú vị nào giữa nơi đó và dòng sông London. Ta quen biết tất cả các cảng đó và chúng cũng biết ta. Cứ thả ta xuống bất kỳ bờ kè hoặc bãi bồi nào tại các cảng đó là ta lại thấy mình ở nhà.
- Cháu tin rằng bác đã có những cuộc hành trình tuyệt vời, - Chuột Nước nói, ngày càng có vẻ thích thú. - Đằng đẵng hàng tháng không thấy bóng đất liền, thực phẩm dự trữ cạn dần, nước uống cũng phải dè sẻn, mà tâm hồn bác vẫn cảm thông với đại dương mênh mông, và những thứ đại loại như vậy, phải không?
- Làm gì có chuyện ấy, - bác Chuột Biển thành thật nói. - Cái cuộc sống như anh miêu tả chẳng phù hợp với ta chút nào. Ta hoạt động trong nghề kinh doanh ven biển và rất hiếm khi không nhìn thấy đất liền. Chính những lần vui sống ở trên bờ lại hấp dẫn ta chẳng kém bất kỳ chuyến đi biển nào. Ôi, những bến cảng phương nam! Cái mùi của chúng, cái ánh đèn trên sóng nước ban đêm, quyến rũ lạ lùng!
- Ồ, có lẽ bác đã chọn cho mình cách tốt hơn rồi, - Chuột Nước nói, giọng có vẻ không chắc chắn lắm. - Vậy hãy kể cháu nghe đôi chút về công việc ven biển của bác đi, nếu bác vui lòng, và một con vật có ý chí có thể hy vọng thu hoạch được gì từ cái nghề ấy, để mà sưởi ấm những năm tháng cuối đời mình bằng những kí ức huy hoàng bên lò sưởi; bởi, cháu phải thú nhận với bác rằng hôm nay cháu cảm thấy cuộc đời mình hơi chật hẹp và tù túng.
- Chuyến đi vừa rồi, - bác Chuột Biển bắt đầu kể, - rốt cuộc đã đưa ta tới xứ này, và ta rất hy vọng sẽ về đến trang trại của mình trong nội địa. Chuyến đi này sẽ được coi như một mẫu mực hay cho bất kỳ chuyến đi nào. Như thường lệ, những chuyện phiền muộn ở gia đình đã khởi đầu chuyến đi. Bão tố ở gia đình lên đến đỉnh điểm và ta bỏ nhà lên một chiếc tàu buôn nhỏ sắp sửa rời Constantinople, theo những đường biển tuyệt vời mà mỗi con sóng ở đó đều rộn ràng một kỷ niệm bất hủ, tới những hòn đảo thuộc Hy Lạp, rồi tới Levant [một hòn đảo trong quần đảo Hyeres thuộc Pháp, trên Địa Trung Hải - ND]. Thời gian đó là những ngày huy hoàng và những đêm dịu êm! Cứ liên tục vào ra các hải cảng - bạn bè cũ khắp mọi nơi - ngủ tại một ngôi đền mát mẻ hoặc một cái bể chứa nước đổ nát nào đó vào ban ngày nóng nực - tiệc tùng và ca hát sau lúc mặt trời lặn, dưới những vì sao tuyệt vời khảm vào nền trời mượt như nhung! Từ đó bọn ta chuyển hướng và đi ngược lên ven bờ biển Adriatic, bồng bềnh trong một bầu không khí tràn ngập màu hổ phách, màu hồng và màu xanh ngọc biển. Bọn ta nghỉ ngơi trong những cảng lớn giữa đất liền, lang thang dạo chơi qua các thành phố cổ kính và lộng lẫy, cho tới khi cuối cùng vào một buổi sáng, lúc mặt trời rực rỡ mọc lên phía sau lưng, bọn ta tiến vào thành Venice [một thành phố của Italia, trên bờ biển Adriatic - ND] dọc theo một con đường tráng lệ. Ôi, Venice là một thành phố đẹp, ở đó một con chuột có thể tha hồ lang thang và vui chơi! Hoặc, khi đã chán lang thang thì có thể ngồi bên bờ dòng Kênh Lớn vào ban đêm, tiệc tùng cùng với bạn bè khi mà bầu không khí đầy âm nhạc và bầu trời đầy sao, và ánh đèn lóe lên và lung linh trên phần mũi thuyền bằng thép sáng bóng của những chiếc thuyền Gondola [thuyền dài, đáy phẳng, ở mỗi đầu có mỏm cao nhô lên, được dùng ở các kênh đào trong thành phố Venice - ND] ken sát vào nhau đến mức người ta có thể đi bộ từ bờ này sang bờ kia của dòng kênh trên những con thuyền ấy! Và sau đó là thức ăn - anh có thích tôm, cua, sò, hến không? Chà, chà, bây giờ thì chúng ta sẽ không nói nhiều về chuyện này.
Bác ta yên lặng một lát, và Chuột Nước cũng yên lặng, mê đắm, bồng bềnh trên những dòng kênh mơ màng và nghe thấy một bài ca huyền ảo vút ngân giữa đôi bờ sóng vỗ.
- Cuối cùng thì tàu của bọn ta lại rời theo hướng nam, - bác Chuột Biển nói tiếp, - men theo bờ biển nước Ý cho tới khi bọn ta tới Palermo [thủ phủ của đảo Sicily thuộc Italia - ND], và tại đó ta bỏ tàu lên bờ sống sung sướng một thời gian dài. Ta chẳng bao giờ bám lấy một con tàu quá lâu; mình ở lâu người ta sẽ trở nên hẹp hòi và thành kiến với mình. Hơn nữa, Sicily [Sicily và Sardinia: hai hòn đảo lớn thuộc Italia, trên Địa Trung Hải - ND] còn là một trong những nơi đắc địa ưng ý của ta. Ta biết mọi người ở đó và lề thói của họ thật hợp với ta. Ta sống nhiều tuần vui vẻ trên đảo này, ở cùng bạn bè trong nội địa. Khi lại thấy bồn chồn sốt ruột, ta đã lợi dụng một con tàu đang sắp sửa tới Sardinia và Corsia [hòn đảo thuộc Pháp, trên Địa Trung Hải - ND] làm ăn buôn bán, và ta thật vui sướng khi được cảm thấy làn gió mát và bụi nước biển trên mặt mình một lần nữa.
- Nhưng ở mãi dưới hầm chứa hàng - bác gọi chỗ ấy là như thế thì phải - lại không nóng bức và ngột ngạt lắm sao? - Chuột Nước hỏi.
Bác thủy thù hơi hấp háy mắt nhìn nó.
- Ta là một tay lão luyện, - bác ta bình luận rất giản dị, - cabin của thuyền trưởng đối với ta tốt chán.
- Cuộc sống đó thật vất vả, mọi người đều cho là như vậy, - Chuột Nước lẩm bẩm, chìm đắm suy tư.
- Đối với đám thủy thủ thì thế, - bác thủy thủ nghiêm giọng nói, mắt lại hơi hấp háy.
- Từ Corsia, - bác ta nói tiếp, - ta sử dụng một con tàu chở rượu vang vào đất liền. Bọn ta đến Alassio [một thị trấn trên bờ biển của Italia - ND] vào buổi tối, thả neo, lôi những thùng rượu vang ra rồi ì ạch khiêng chúng qua mạn tàu, buộc chúng lại với nhau bằng một sợi thừng dài. Sau đó đám thủy thủ bắt đầu lên những chiếc thuyền và chèo vào bờ, vừa chèo vừa hát, và kéo theo sau cả cái đám rước của những thùng rượu bập bềnh như một đàn cá heo dài dằng dặc. Trên bãi biển đã có những con ngựa chờ sẵn, chúng kéo những thùng rượu này ngược lên con phố dốc đứng của thị trấn nhỏ bé đó, cứ hối hả lọc cọc trèo lên đến là hay. Khi thùng rượu cuối cùng đã vào bờ, bọn ta bỏ đi vui chơi và nghỉ ngơi, và vừa thức đến khuya vừa uống rượu với bạn bè; và sáng ngày hôm sau ta rời đến khu rừng ôliu rộng lớn để sống và nghỉ ngơi một thời gian. Bởi khi ấy ta đã chán những hòn đảo cùng biết bao bến cảng và thuyền bè rồi; thế là ta sống một cuộc sống biếng nhác giữa những người nông dân, cứ nằm mà xem họ làm việc, hoặc nằm dài trên sườn đồi cao vút trên mặt Địa Trung Hải xanh lơ. Thế rồi sau một thời gian dài, cứ đi từng chặng ngắn một, lúc thì đi bộ, lúc thì đi tàu thủy, ta tới Marseilles [một thành phố cảng ở miền nam nước Pháp - ND], gặp gỡ các bạn cũ cùng làm việc trên tàu, viếng thăm những tàu lớn sắp sửa ra khơi trên đại dương, và lại tiệc tùng một lần nữa. Bàn tán về tôm, cua, sò, ốc! Chà, đôi khi ta mơ thấy tôm, cua, sò, ốc của Marseille và phát khóc lên khi tỉnh dậy!
- Điều này khiến cháu nhớ ra, - Chuột Nước lịch sự nói, - khi nãy bác đã tình cờ nói rằng bác đang đói, và lẽ ra cháu đã phải có lời sớm hơn. Cố nhiên là bác sẽ dừng lại dùng bữa trưa với cháu nhé? Hang của cháu gần ngay đây thôi; đã quá trưa một lát rồi, xin bác cứ tự nhiên dùng bất kỳ món gì mà cháu có.
- Lúc này anh mời ta như thế thật quý hóa và thân tình, - bác Chuột Biển nói. - Ban nãy, khi ngồi xuống đây, quả thật là ta đói, và kể từ lúc ta bỗng dưng nói đến tôm, cua, sò, ốc, cơn đói của ta đã lên đến tột độ. Nhưng mà anh có thể kiểm bữa ăn đâu đó ở ngoài này không? Ta chẳng bao giờ khoái xuống hầm, trừ phi là bị bắt buộc; và rồi, trong lúc cùng ăn, ta sẽ kể anh nghe thêm về những chuyến đi của ta và về cuộc đời thú vị mà ta sống - chí ít thì nó cũng thú vị đối với ta, và cứ bằng vào sự chăm chú của anh thì ta xét thấy nó cũng được anh yêu thích; còn nếu bây giờ vào trong nhà thì chắc chắn là lát nữa ta sẽ ngủ thiếp đi mất.
- Lời gợi ý đó quả thật tuyệt vời, - Chuột Nước nói rồi hối hả về nhà. Tại đó, nó lấy ra cái giỏ đựng bữa ăn trưa rồi chất vào đó một bữa ăn bình dị, trong đó, vì nhớ tới gốc gác và sở thích của người khách lạ, nó chú ý thêm vào một thỏi bánh mỳ Pháp thật dài, một khoanh xúc xích thơm nức mùi tỏi, một chút pho mát thật thơm ngon và một chiếc bình cổ dài bọc rơm bên trong đựng chất rượu màu nắng làm từ những quả nho thu hoạch từ sườn đồi phương nam xa xôi. Chất được ngần ấy thứ, nó vội vã chạy thật nhanh về chỗ cũ và đỏ mặt lên vì sung sướng trước những lời tuyên dương của bác thủy thủ già về sự sành điệu cùng khả năng xét đoán của nó trong lúc cả hai cùng mở cái giỏ lấy các thứ ra bày trên bãi cỏ ven đường.
Ngay khi vừa cảm thấy đỡ đói đôi chút, bác Chuột biển tiếp tục câu chuyện về chuyến đi vừa qua của mình, dẫn dắt thính giả hồn nhiên của mình từ cảng này tới cảng khác ở Tây Ban Nha, đưa cu cậu tới Lisbon, Oporto và Bordeaux, dẫn cu cậu vào các cảng Cornwall  và Devon lý thú, rồi ngược theo biển Măng-sơ tới tận bến cảng cuối cùng, tại đó bác ta lên bộ sau một thời gian dài dạn dày nắng gió và bão táp, và lần đầu tiên bắt gặp những dấu hiệu cùng những sứ giả của một mùa xuân mới, và những cái đó khiến bác phấn chấn tiếp tục một cuộc bộ hành dài vào nội địa, khát khao được thử nghiệm một cuộc sống tại một trang trại yên ả nào đó xa cách hẳn với nhịp đập chán ngắt của bất kỳ biển nào.

[Lisbon: thành phố cảng, thủ đô nước Bồ Đào Nha - ND]
[Oporto: tức là Porto, một thành phố cảng ở Bồ Đào Nha - ND]
[Bordeaux: thành phố cảng phía tây nam nước Pháp - ND]
[Cornwall: một quận trên bán đảo phía tây nam nước Anh - ND]
[Devon: cảng biển phía tây nam nước Anh, gần thành phố Plymouth - ND]

Mê mẩn và hồi hộp đến run rẩy, Chuột Nước theo gót nhà phiêu lưu qua từng cây số, trên các vịnh đầy bão tố, qua các đoạn đường nườm nượp xe cộ, vượt qua các đụn cát trước cảng trên một đợt sóng triều ào ạt, ngược những dòng sông uốn khúc giấu kín những thị trấn nhỏ bé sầm uất tại một khúc quanh đột ngột, rồi rời bỏ bác ta và gieo một tiếng thở dài luyến tiếc vào cái trang trại nội địa tẻ ngắt của nó, nơi mà nó chẳng mong muốn nghe một lời bình phẩm nào.
Lúc này bữa ăn đã xong, bác Thủy thủ đã tươi tỉnh và khỏe khoắn, giọng bác ta vang hơn, đôi mắt bác ta ánh lên vẻ rực rỡ dường như thu được từ một ngọn hải đăng xa xôi nào đó. Bác ta rót rượu vang đỏ và ấm áp của phương Nam đầy cốc của mình rồi nghiêng mình về phía Chuột Nước, buộc nó phải tròn mắt ra nhìn và hoàn toàn chế ngự nó trong lúc bác ta nói. Đôi mắt ấy mang màu lục sẫm thoáng những vệt bọt mỗi lúc một đổi màu của các vùng biển nhấp nhô phương Bắc; trong cốc rượu một màu hồng ngọc ánh lên dường như đó chính là trái tim của phương Nam đang đập rộn ràng mời gọi kẻ nào đủ can đảm đáp lại nhịp đập của nó. Hai nguồn sáng đồng thời, một màu xám luôn chuyển động và một màu đỏ, đã chế ngự Chuột Nước, khiến nó không thể nhúc nhích, mê mẩn và bất lực. Cái thế giới yên ả bên ngoài những tia sáng của chúng lùi dần ra xa tít và không còn tồn tại nữa. Còn cuộc nói chuyện, cuộc nói chuyện tuyệt vời cứ thao thao bất tuyệt - mà đó có phải hoàn toàn là lời nói không nhỉ, hay là đôi lúc nó đã trở thành bài ca - bài ca của các thủy thủ đang nhổ chiếc neo lưng chừng đáy nước, tiếng rì rầm vang vang của những dây thừng chằng giữ cột buồm trong trận gió đông nam giằng xé, khúc ba-lát của người thuyền chài kéo lưới lúc hoàng hôn nổi bật trên nền trời màu mơ chín; những hợp âm của đàn ghi-ta và đàn măng-đô-lin từ thuyền Gondola hoặc thuyền Caique? [thuyền của người Thổ Nhĩ Kỳ - ND] Liệu tiếng nói ấy có chuyển thành tiếng gào của gió, thoạt đầu thì rầu rĩ, rồi lúc mạnh lên trở thành một điệu nhạc vẳng ra từ cánh buồm no gió? Tất cả những âm thanh này thính giả đờ đẫn kia dường như đều nghe thấy, và cùng với những âm thanh ấy là tiếng than vãn của đàn hải âu và mòng biển, tiếng ầm ào nhè nhẹ của sóng vỗ bờ, tiếng la phản đối của viên cuội tròn trên bãi biển. Những âm thanh ấy lại chuyển thành giọng nói, và nó hồi hộp theo dõi những cuộc phiêu lưu tới cả chục cảng biển, những trận ẩu đả, những cuộc chạy trốn, những cuộc tập hợp đông đảo quần chúng, những tình chiến hữu, những việc làm dũng cảm; hoặc nó sục tìm kho báu trên các hòn đảo, câu cá trên các phá tĩnh lặng và ngủ suốt ngày trên bãi cát trắng ấm áp. Nó nghe kể về những chuyến đánh cá ngoài khơi và những mẻ cá lớn lấp lánh ánh bạc bằng lưới dài hành dặm., về những hiểm họa bất ngờ, tiếng sóng lớn xô bờ vào một đêm không trăng, hoặc mũi một chiếc tàu thủy lớn lù lù hiện ra trên đầu qua đám sương mù; về sự hồi hương vui vẻ, con tàu chạy vòng quanh mũi đất và những ánh đèn tại bến cảng lộ ra, những tốp người lờ mờ trên bờ kè, tiếng hoan hô vui vẻ, tiếng dây cáp buông tõm xuống nước; về chuyến bộ hành mệt mỏi ngược con phố nhỏ và dốc đứng về phía ánh sáng mờ ấm áp của những ô cửa sổ che rèm đỏ.
Cuối cùng, trong lúc đang tỉnh mộng, nó thấy dường như nhà phiêu lưu đã đứng dậy nhưng vẫn còn đang nói, đôi mắt màu xám nước biển của bác ta vẫn khiến nó không thể nào nhúc nhích.
- Mà này, - bác ta nhẹ nhàng nói, - ta lại ra đường cái, tiếp tục đi nhiều ngày trên dặm trường đầy bụi bặm về phương nam cho tới khi cuối cùng ta tới cái thị trấn nhỏ bên bờ biển xám mà ta biết rõ, nó nằm sát một sườn dốc đứng của bến cảng. Tại đó, từ các ô cửa có thể nhìn xuống những dãy bậc đá bám đầy những khóm cây nữ lang lớn màu hồng và tận cùng bằng một vạt nước xanh lơ lấp lánh. Những chiếc thuyền nhỏ nằm yên được buộc vào những vòng sắt và những cột trụ của con đập ngăn nước biển cũ kĩ; chúng được sơn màu rực rỡ như những con thuyền mà ta đã leo trèo lên xuống hồi còn thơ ấu; những chú cá hồi nhảy vọt lên lúc thủy triều lên, hàng đàn cá thu quẫy lộn nô đùa lấp loáng ngang qua các bờ ke và các bãi bồi, và những chiếc tàu thủy lớn suốt ngày đêm lướt đi gần kề những ô cửa sổ để tới chỗ neo đậu hoặc tiếp tục ra khơi. Tại nơi này, sớm muộn rồi những con tàu của các quốc gia buôn bán đường biển cũng sẽ tới, và ở đó, vào một thời điểm đã định trước, con tàu mà ta lựa chọn sẽ buông neo. Ta sẽ ung dung, nấn ná và chờ đợi cho tới khi con tàu thích hợp cuối cùng cũng đậu ở đó chờ ta, oằn mình giữa dòng nước, chở nặng hàng hóa và chiếc rầm néo buồm chĩa về phía cuối bến cảng. Ta sẽ lẻn lên tàu, bằng thuyền hoặc dây cáp; và rồi vào một buổi sáng ta sẽ nhận ra tiếng hát và những bước chân nặng nề của đám thủy thủ, tiếng lanh canh của cái tời và tiếng lách cách hoan hỉ của sợi dây xích buộc neo được kéo lên. Bọn ta sẽ mở cánh buồm phụ hình tam giác và cánh buồm chính, những ngôi nhà màu trắng trên bến cảng sẽ chầm chậm lướt qua bọn ta khi con tàu tăng tốc độ, và thế là cuộc hành trình đã được bắt đầu! Trong lúc tiến về phía mũi đất, con tàu được phủ vải bạt, và rồi, khi đã vượt ra bên ngoài, chỉ nghe thấy tiếng vỗ dạt dào của biển cả xanh lục khi nó lượn nghiêng theo chiều gió, hướng về phương Nam!
Mà chú, chú cũng sẽ đi thôi, chú em ạ; bởi ngày tháng qua đi và không bao giờ trở lại, và phương Nam vẫn chờ đợi chú đấy. Hãy mạo hiểm, hãy lắng nghe tiếng gọi của nó, ngay bây giờ trước khi khoảnh khắc định mệnh ấy qua đi! Chỉ đóng cửa đánh sầm một cái sau lưng chú, rồi vô tư tiến lên một bước, thế là chú đã ra khỏi cuộc sống cũ và vào cuộc sống mới rồi! Rồi một ngày nào đó, một ngày trong tương lai xa, nếu quyết chí thì chú lại lặn lội trở về nhà nơi đây, khi đã nếm đủ mùi của tấn trò đời, và ngồi xuống bên dòng sông tĩnh lặng của chú mà bầu bạn với cả một kho kỷ niệm đẹp. Chú có thể đuổi kịp ta trên con đường này, bởi chú thì trẻ còn ta thì tuổi đang về già và chân đi không vững. Ta sẽ nấn ná và ngoái nhìn phía sau, và cuối cùng thì nhất định ta sẽ nhìn thấy chú đến, hăm hở, vô tư, gương mặt đầy bóng dáng của phương Nam!
Giọng nói ấy tắt dần và ngưng bặt, như tiếng rung vang rất khẽ của một con côn trùng nhanh chóng tắt dần trong yên lặng; còn Chuột Nước thì đờ người và tròn mắt ra nhìn và cuối cùng chỉ thấy một đốm nhỏ ở phía xa trên mặt đường trắng xóa.
Chẳng cần suy nghĩ, nó đứng ngay dậy và thu dọn mọi thứ chất vào cái giỏ đựng bữa ăn trưa, cẩn thận và không vội vã. Chẳng cần suy nghĩ, nó trở về nhà, gom mấy thứ thiết yếu nho nhỏ và dăm món đồ đáng giá mà nó thích rồi nhét cả vào một chiếc tay nải; vừa hành động một cách chậm rãi và thận trọng nó vừa di chuyển loanh quanh trong căn phòng như một kẻ mộng du, luôn giỏng tai lắng nghe và cái miệng lúc nào cũng hơi há ra. Nó vắt chiếc tay nải lên vai, cẩn thận lựa một cây gậy dùng cho chuyến đi biển, và không vội vã mà cũng không do dự chút nào, nó bước qua ngưỡng cửa đúng lúc Chuột Chũi xuất hiện ở lối ra vào.
- Sao, cậu sắp sửa đi đâu thế, Chuột Nước? - Chuột Chũi vừa hỏi, giọng rất ngạc nhiên, vừa nắm lấy cánh tay nó.
- Về phương Nam, cùng với tất cả bọn họ, - Chuột Nước thì thào bằng một giọng đều đều mơ màng, chẳng ngó gì đến bạn mình. - Trước hết là đi về phía biển, sau đó là lên tàu, và rồi cứ thế mà tới các bến bờ đang vẫy gọi tớ!
Nó kiên quyết tiến bước, vẫn không vội vã nhưng với một thái độ kiên định gan góc có mục đích; còn Chuột Chũi, lúc này hoàn toàn hốt hoảng, vừa đứng chặn trước mặt nó vừa nhìn vào đôi mắt nó và thấy rằng đôi mắt ấy đã đờ đẫn, cố chấp và đã chuyển thành màu xám có những vệt sọc luôn thay đổi - không phải đôi mắt của bạn mình mà là đôi mắt của một con vật nào khác! Sau khi vật lộn kịch liệt với nó, Chuột Chũi lôi nó vào trong nhà, quẳng nó xuống đất và ghì chặt lấy nó.
Chuột Nước giãy giụa dữ dội một lát và rồi sức lực của nó dường như bỗng đi đâu hết và nó mệt lử, nằm bất động, mắt nhắm nghiền, mình run rẩy. Lát sau Chuột Chũi đỡ nó dậy và đặt nó ngồi vào một chiếc ghế, tại đó nó ngồi gục đầu, co rúm lại, người nó run bần bật vì một cơn rùng mình mãnh liệt rồi chuyển ngay thành một trận nức nở ưu uất, không một giọt nước mắt. Chuột Chũi cài chặt cửa, quẳng chiếc tay nải vào trong một ngăn kéo rồi khóa lại và lẳng lặng ngồi lên cái bàn bên cạnh bạn mình mà chờ cơn tai biến kỳ lạ ấy qua đi. Dần dần Chuột Nước rơi vào một giấc ngủ chập chờn, chốc chốc lại giật mình và lẩm bẩm không rõ ràng về những điều lạ lùng, dữ dội và xa lạ đối với anh chàng Chuột Chũi còn ngu muội, và sau đó nó chìm vào một giấc ngủ say sưa.
Bụng cảm thấy rất áy náy, Chuột Chũi tạm rời bạn mình một lát và bận rộn thu xếp các công việc trong nhà; và khi nó quay trở lại thì trời đã sắp tối và thấy Chuột Nước vẫn nằm nguyên ở đó, mắt mở thao láo nhưng vẫn bơ phờ, lặng lẽ và chán nản. Nó vội liếc nhìn cặp mắt cu cậu một cái và thật mãn nguyện khi thấy đôi mắt ấy lại trong sáng và nâu sẫm như xưa. Sau đó, Chuột Chũi ngồi xuống và cố khích lệ nó, và giúp nó kể lại những gì đã xảy ra.
Chuột Nước tội nghiệp cố hết sức giải thích dần dần mọi chuyện, nhưng nó làm sao có thể mô tả chính xác những gì trước kia hầu hết mới chỉ là sự gợi ý? Làm sao nó có thể kể lại để một người khác hiểu được những giọng nói ám ảnh của biển cả đã từng réo rắt với nó, làm sao có thể gián tiếp tái hiện cả trăm hồi ức tuyệt vời về bác Thủy thủ kia? Ngay đối với bản thân mình, giờ đây sự mê hoặc kia đã hết, sức quyến rũ kia đã không còn, nó cũng thấy khó mà giải thích nổi những gì mới cách đây vài giờ đồng hồ còn là điều không thể tránh được và là điều duy nhất phải làm. Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà nó không trình bày nổi một ý kiến nào rõ ràng với Chuột Chũi về những gì nó đã nếm trải ngày hôm ấy.
Đối với Chuột Chũi thì điều sau đây là rõ ràng: cơn bệnh hoặc cơn đau kia đã qua đi và bạn nó đã tỉnh táo trở lại, tuy vẫn bàng hoàng và chán nản do tác động của cơn bệnh đó. Nhưng giờ đây nó dường như chẳng còn thiết tha gì với những việc phải làm để tạo dựng cuộc sống hàng ngày của mình, và cũng chẳng còn thích thú gì với việc đưa ra những dự báo lý thú về sự thay đổi thời tiết và những hoạt động hàng ngày mà thời kỳ chuyển mùa chắc chắn sắp sửa gây ra.
Sau đó, chợt dường như có vẻ thờ ơ, Chuột Chũi lái câu chuyện sang vụ gặt đang thu hoạch, những cỗ xe chở đầy chất ngất cùng những con ngựa đang ráng sức kéo, những đống rơm rạ mỗi lúc một lớn dần lên, và vầng trăng to tướng đang lên cao trên những thửa ruộng rải rác những lượm lúa. Nó nói về những trái táo đang chín đỏ quanh đó, về những quả hạch đang ngả màu nâu, về mứt và trái cây ướp và về việc cất lọc các loại nước hoa quả; cho tới khi, cứ bằng những chặng ngắn một như thế, nó tới giữa mùa đông với những niềm vui lành mạnh và cuộc sống gia đình ấm cúng, và rồi sau đó nó tha hồ thao thao bất tuyệt một cách say sưa.
Dần dà Chuột Nước bắt đầu ngồi dậy và tham gia câu chuyện. Đôi mắt đờ đẫn của nó trở nên rạng rỡ hơn và vẻ bơ phờ của nó cũng mất đi đôi chút.
Lát sau Chuột Chũi lịch thiệp lủi ra ngoài rồi quay trở lại, mang theo một cây bút chì cùng mấy tờ giấy khổ nhỏ và đặt lên cái bàn ngay sát bên cạnh bạn mình.
- Đã lâu lắm rồi không thấy cậu làm thơ, - nó nhận xét. - Tối nay cậu có thể thử làm xem, còn hơn là - ồ, cứ ủ ê suy nghĩ về mọi việc đến thế. Tớ nghĩ rằng cứ viết ra được một điều gì đó là cậu sẽ cảm thấy khỏe người ra nhiều - chỉ cần mấy vần thôi mà.
Chuột Nước uể oải đẩy những tờ giấy ra xa, nhưng Chuột Chũi nhân lúc đó kín đáo rời khỏi phòng và một lát sau, khi lại ghé mắt nhìn vào, nó đã thấy Chuột Nước tập trung suy nghĩ, chẳng quan tâm gì đến sự đời, lúc thì nghí ngoáy viết, lúc thì mút mút đầu bút chì. Quả thật là nó mút mút đầu bút nhiều hơn là nghí ngoáy viết rất nhiều; nhưng Chuột Chũi rất vui vì biết rằng chí ít thì phương thuốc cũng đã bắt đầu có tác dụng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét