Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần I-3

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

III. Một ngày trọng đại

Vae victis! [Khốn khổ cho những kẻ chiến bại]
Lời một thủ lĩnh già Gaulois nói với quân La Mã.

[Xứ Gaulois bị đế quốc La Mã đô hộ từ năm 225 đến 190 trước Tây lịch].

Sáng thứ Hai, trong lớp, chúng còn khốn khổ hơn cả ngày thứ Bảy.
Số là bố Simon bảo Camus nhắc lại khái niệm “công dân” ông đã giảng cho cả lớp trong bài Giáo dục công dân ngày hôm kia. Và nó bị trách mắng thậm tệ, chẳng chút kiêng nể.
Nó không nói được một lời nào và khuôn mặt nó phản ánh một cơn đau đẻ khủng khiếp, như thể óc nó biến thành xi măng hết cả.
“Công dân! Công dân!”, những đứa chưa sợ vãi đái như Camus tự hỏi. “Thứ của nợ ấy có thể là cái gì được chứ?”
La Crique búng tay:
- Con, thưa thầy!
- Không, thầy không hỏi em! - Rồi bố Simon quay qua Camus đang đứng đó, lúc lắc đầu, ánh mắt hoảng hốt.
- Mày không biết nghĩa của từ công dân chứ gì?
- ...
- Thế thì chiều nay mày phải ngồi lại lớp một giờ.
Cả bọn rùng mình ớn lạnh khắp sống lưng.
- Sao? Mày có phải công dân không? - bố Simon lại hỏi, muốn Camus trả lời bằng được.
- Thưa thầy, phải ạ, - Camus đáp vì sực nhớ có lần đi với bố tới một cuộc họp cử tri. Lần đó ngài hầu tước, đại biểu quốc hội, đã đãi rượu và bắt tay cử tri của mình. Thậm chí ngài còn nói chuyện với bố nó: “Người công dân này là con của ông à? Trông cậu ấy thông minh lắm!
- Ngữ mày mà đòi làm công dân à? Cái thớ mày? - thầy giáo đỏ mặt tía tai giận dữ quát. - Ồ phải! Đẹp mặt thật! Rõ là một công dân tuyệt vời!
- Thưa thầy, không, - Camus vội đáp, nó chẳng ham hố gì cái danh hiệu kia.
- Tại sao mày không phải là công dân?
- ...
- Trả lời rằng tại đi... mày chưa có lông! - La Crique cáu tiết thì thầm.
- Mày nói gì đấy, La Crique?
- Con... con nói... vì... vì...
- Vì cái gì?
- Vì bạn ấy còn quá trẻ.
- A! sao, có đúng thế không nào?
Đúng thế. Câu trả lời của La Crique như giọt sương mai tốt lành tưới lên trí nhớ khô cằn của chúng. Những mẩu câu, những tính từ, những tiêu chuẩn của một công dân dần dần kết ráp lại với nhau. Ngay cả Camus cũng bớt phần ngơ ngác, lòng thầm hết sức cám ơn ân nhân La Crique đã góp phần tái dựng hình tượng “công dân”.
Lại một lần nữa thoát.
Nhưng tới giờ kiểm tra bài làm về hệ mét thì chẳng đứa nào dám cười nữa. Vì hôm trước khi chép bài của nhau chúng mụ mẫm đầu óc đến nỗi quên tuốt không thay đổi từ ngữ và tạo ra số lỗi chính tả tương ứng với trình độ mỗi đứa - một con số tính được chính xác từ các bài viết chính tả thường kỳ mỗi tuần hai lần. Đằng này chúng sót chữ này chữ nọ, viết chữ hoa không đúng chỗ và chấm phẩy bừa bãi. Bài của Lebrac thật là tệ. Qua đó thấy được lòng chủ tướng nặng trĩu âu lo.
Và thế là chính nó bị bố Simon đỏ mặt tía tai giận dữ, mắt rực lửa sau tròng kính như mắt mèo trong đêm tối, kêu lên bảng.
Dĩ nhiên ông chắc chắn rằng Lebrac đã cóp bài như mọi đứa khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, cãi lại là thừa. Song ông muốn biết học trò mình có rút ra được chút gì hữu ích từ cái việc cóp bài trái ngược với những nguyên tắc của nền mô phạm tiên tiến không.
- Lebrac, mét là gì?
- ...
- Hệ mét là gì?
- ...
- Người ta định độ dài của mét như thế nào?
- Ơ...
Lebrac đứng quá xa chỗ La Crique ngồi. Nó vểnh tai, nhăn trán, vã mồ hôi, tuyệt vọng cố nhớ xem có khái niệm mang máng nào liên quan không. Cuối cùng nó cũng mơ hồ, rất mơ hồ nhớ ra hai cái tên Delambre và La Condamine là hai nhà khoa học lừng danh đã cùng đo một kinh tuyến. Chẳng may đầu óc nó lại liên tưởng Delambre với những ống tẩu bằng đá bọt rực sáng sau cửa kính của lão chủ ty thuốc lá Léon. Thành ra nó đánh liều trả lời với tất cả nỗi hoài nghi vốn có trong những trường hợp nghiêm trọng thế này:
- Đó là... đó là Lécume và Lecon*... Lecon!

*[Le con: tiếng lóng chỉ bộ phận sinh dục phụ nữ]

- Hả? Ai cơ? Mày nói gì? - bố Simon giận dữ tột độ ngắt lời. - Bây giờ mày lại còn dám phỉ báng cả các nhà bác học nữa đấy! Mày táo tợn thật! Mà thứ ngôn ngữ của mày cũng hay đáo để. Đáng khen lắm!
- Mày có biết, - bố Simon nói tiếp để dồn ép kẻ bất hạnh, - mày có biết rằng chính bố mày đã yêu cầu tao để mắt đến mày không? Tao nghe nói rằng về nhà mày chẳng làm gì hết. Cả ngày mày chỉ chạy nhong ngoài đường như bọn ma cà bông, như phường vô lại, trộm cắp thay vì nghĩ đến chuyện gột rửa đầu óc. Nhưng hãy nghe đây: nếu tới mười một giờ mà mày không lặp lại được những gì tao sắp ôn cho mày và lũ bạn ăn hại của mày thì tao cảnh báo với mày rằng trước mắt, mỗi chiều mày sẽ phải ngồi lại lớp từ bốn đến sáu giờ, cho đến khi mày thuộc bài. Nhớ đấy!
Giả thử thần Zeus* có giáng búa tầm sét xuống lớp học thì chúng cũng không hoảng hốt bằng. Cả bọn như thể bị sét đánh tan thành từng mảnh vụn trước lời đe dọa đáng sợ này.

*[Chúa tể các thần (thần thoại Hy lạp)]

Hôm ấy Lebrac và lũ bạn, cả lớn lẫn bé, hết sức chăm chú nghe thầy giáo sang sảng giảng về những sai sót của các hệ đo lường cũ và sự cần thiết phải có một hệ đo lường thống nhất. Tuy trong thâm tâm chúng không đồng ý với kiểu đo đường kinh tuyến từ Dunkerque tới Barcelone, tuy chúng mặc xác những gian khổ Delambre và những rầy rà Méchain đã phải đương đầu, nhưng chúng vẫn cố nhập tâm mọi chi tiết vì quyền lợi riêng. Camus, Lebrac, Tintin và cả La Crique nữa - thằng này vốn thuộc phe “Tiến bộ” - và những đứa khác trịnh trọng thề rằng để tưởng nhớ nỗi kinh hoàng này, suốt đời chúng sẽ chỉ đo và tính bằng piê với pút như ông cha chúng xưa kia mà, lạy Chúa, vẫn chẳng sao cả còn hơn là sử dụng thứ hệ đo lường mắc dịch kia đã suýt biến chúng thành lũ non hột dưới mắt phe địch.

[Piê bằng khoảng 0,3208 m và pút bằng 0,027 m là những đơn vị đo lường ở châu Âu, cho tới thế kỷ 19, định tùy tiện bằng chiều dài bàn chân (pied) hay ngón chân cái (pouce) của một ông hoàng, bà chúa nào đấy, nên mỗi thời mỗi khác, mỗi nước mỗi khác]

Buổi chiều ít sóng gió hơn. Chúng thuộc kỹ tiểu sử những chiến sĩ Gaulois vĩ đại mà chúng hằng tôn kính. Cả Lebrac lẫn Camus cũng như không đứa nào khác bị ngồi lại lớp sau bốn giờ chiều vì mỗi đứa, mà đặc biệt là vị thủ lĩnh, đều đã nỗ lực đáng kể hầu làm hài lòng bố già Simon cà chớn.

Lần này sẽ thấy ai non hột, ai không.
Do sáng suốt nên ngay từ lúc trưa Tintin và năm chiến sĩ đã bỏ bữa ăn chiều vào cặp nên chúng đi trước, trong khi những đứa khác phải tạt về nhà lấy bánh mì. Rồi trước khi quân địch xuất hiện, và khi lời quyết chiến của phe Longeverne: “Tổ bà bọn Velrans” vang lên thì chúng đã ngồi thoải mái trong chỗ núp, sẵn sàng trước mọi biến cố bất ngờ của trận đánh giáp lá cà.
Túi đứa nào cũng đầy đá cục, có vài đứa còn lấy mũ và khăn mùi soa đựng nữa. Những đứa bắn giàn ná cẩn thận kiểm tra lại vòng dây. Đa số những đứa lớn trang bị gậy gộc bằng những cành cây gai hoặc giáo bằng gỗ cây phỉ với các nút thắt nhẵn bóng được trui lửa và những mũi giáo được làm cho cứng lại. Có vài cái được tô điểm thêm bằng những họa tiết thô sơ do chủ của chúng róc lớp vỏ cây thành những vòng xanh trắng xen kẽ nhau vằn vện như da ngựa vằn hay những vết xăm mình của mọi da đen. “Trông vừa bền vừa đẹp”, Boulot nói, có lẽ vì khiếu thẩm mỹ của nó không sắc bén bằng mũi giáo chăng.
Ngay khi đội tiền tiêu của hai phe đang chửi rủa và ném đá vào nhau như mưa thì đại binh đôi bên ồ ạt xông tới.
Chúng dàn phòng tuyến cách nhau chưa đầy năm mươi mét. Các chiến binh nấp sau những bụi cây, lúc nhảy sang phải khi nhảy sang trái tránh đá. Hai phe khiêu khích nhau, chửi rủa nhau, thách nhau lại gần hơn, gọi nhau là đồ thỏ đồ chết nhát, rồi ném đá vào nhau để sau đó lại cứ thế tiếp tục.
Nhìn chung thì thế trận không phân thắng bại rõ ràng. Khi thì phe Velrans chiếm thượng phong, lúc thì phe Longeverne vung gậy táo bạo xông lên chiếm được lợi thế nhưng lại phải sớm rút lui trước mưa đá của địch quân.
Thế nhưng một tên Velrans đã bị trúng đá vào mắt cá chân và phải khập khiễng lui vào rừng. Bên phe Longeverne, thằng Camus - ngồi cheo leo trên cây sồi điều khiển giàn ná khéo léo như khỉ - không tránh kịp một viên đá của tay Velrans nào đấy - nó tin rằng của thằng Méo - nên toác đầu chảy máu.
Nó phải leo xuống mượn khăn rịt vết thương. Tuy vậy cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng Gibus anh nhất định dùng kế mai phục của Tintin để - như nó nói - cho một thằng Velrans phải “dở sống dở chết”. Thế là sau khi hội ý với Lebrac, nó giả vờ một mình len lỏi tới bên cạnh bụi cây nơi Tintin nấp để từ đó tấn công vào mạn sườn quân địch. Nó di chuyển thật hớ hênh, cố ý để cho một vài đứa địch nhìn thấy, làm bộ không nhận ra động thái của đối phương. Nó bò, trườn đi, thầm mở cờ trong bụng khi thấy thằng Mặt Bánh đúc và hai thằng Velrans khác đang cùng chuẩn bị đột kích nó vì chúng tin chắc vào sức mạnh tập thể của mình có thể chống lại được một thằng lẻ loi.
Cho nên nó vẫn cố tình khinh suất tiến lên trong lúc ba thằng Velrans kia trườn tới sát bên.
Ngay lúc ấy Lebrac phóng vọt lên để thu hút đại quân địch còn Tintin, nãy giờ nấp sau bụi cây theo dõi tình hình, ra lệnh cho lũ bạn:
- Chuẩn bị, tụi bay! Sắp rồi đấy nhé!
Khi ba tay Velrans bất ngờ xuất hiện từ giữa những bụi cây và điên cuồng lao lên đuổi Gibus anh thì nó đang ở bên vùng đất Velrans, cách chỗ phục kích sáu bước.
Làm như thể bị tấn công bất ngờ, gã chiến binh Longeverne quay đầu bỏ chạy. Nhưng nó chạy rất chậm để bọn kia rút ngắn khoảng cách và đinh ninh sẽ tóm được nó.
Khi Gibus anh chạy ngang chỗ Tintin núp thì thằng Mặt Bánh đúc và hai đứa kia đã đuổi sát gót.
Bấy giờ Tintin liền ra hiệu tấn công rồi cùng năm chiến hữu vọt lên, cắt đường lui của bọn Velrans, miệng hét vang khủng khiếp.
- Tóm lấy thằng Mặt Bánh đúc! - nó gào to.
Mọi chuyện diễn ra thật trôi chảy. Ba tên địch, đờ người vì khiếp sợ trước cú tấn công bất ngờ, đứng sững lại rồi mới vội vã quay đầu chạy về trận tuyến của chúng. Hai tên thoát được, đúng như Tintin tiên liệu. Còn thằng Mặt Bánh đúc bị sáu đôi tay tóm gọn, nâng lên như một gói hàng đưa về trận tuyến của phe Longeverne trong tiếng vỗ tay reo hò như sấm dậy của quân chiến thắng.
Đội quân Velrans trở nên hỗn loạn và rút vào rừng, trong khi quân Longeverne bu quanh gã tù binh hô vang mừng chiến thắng. Mặt Bánh đúc, bị vây hãm trong bốn vòng canh gác, hầu như không giãy giụa nổi và chết gí vì sự cố này.
- Này, anh bạn, thế là anh bạn bị tóm cổ rồi nhé, - Lebrac vĩ đại hung dữ nói. - Tốt, cứ đợi một chút rồi sẽ thấy.
- Ối giời ơi! Các anh không được làm gì em đấy nhé! - Mặt Bánh đúc lắp bắp.
- Được chứ, bé con. Để mày khỏi kêu chúng tao là đồ chó chết với non hột.
- Đâu phải em! Ối giời ơi! Các anh định làm gì em?
- Đưa dao đây! - Lebrac ra lệnh.
- Ối, mẹ ơi! Các anh định cắt gì của em mới được chứ?
- Tai! - Tintin gầm lên.
- Rồi mũi, - Camus đế thêm.
- Rồi cái chim, - La Crique tiếp lời.
- Và hai hột nữa chứ, - Lebrac bổ túc. - Chúng tao muốn xem nó có non không.
- Mình phải thắt cái bìu trước, giống như người ta thiến bê vậy, - Gambette nói, rõ là nó cũng từng phụ việc hoạn thú vật.
- Hẳn rồi! Đứa nào có dây gai?
- Đây, - Gibus em đáp.
- Các anh không được động đến em! Nếu không em sẽ mách mẹ! - tù binh mếu máo.
- Mẹ mày hay ông giáo hoàng thì làm đếch gì được tao! - Lebrac đáp trả vẻ giễu cợt.
- Em cũng mách cha xứ luôn! - Mặt Bánh đúc kinh hãi nói thêm.
- Tao đã bảo rồi mà: ông ấy làm đếch gì được tao!
- Mách cả thầy giáo nữa! - thằng nhóc chớp mắt lia lịa.
- Ông ấy cũng chẳng làm đếch gì được tao! Mày lại còn muốn dọa chúng tao à! Thật quá lắm! Cứ chờ đấy rồi khắc biết, thằng chó! Đưa tao con dao!
Lăm lăm dao trong tay, Lebrac tiến lại gần nạn nhân của nó. Thoạt tiên nó vuốt sống dao lên hai tai Mặt Bánh đúc. Cảm thấy kim loại lạnh trên tai, thằng nhỏ tin là quân địch làm thật nên bắt đầu nức nở và gào toáng lên. Thấy thế Lebrac hết sức hài lòng nên ngừng lại một thoáng rồi bắt tay vào việc mà nó gọi là “nghiêm túc chỉnh đốn” áo quần thằng nhỏ.
Nó bắt đầu với chiếc áo khoác. Nó cắt rời khuy móc kim loại ở cổ áo, cắt hết cúc ở cổ tay, các cúc khác trên áo, rọc hết các lỗ khuy rồi đưa cho Camus tung cái món đồ đã trở nên vô dụng ấy lên. Cúc và lỗ khuyết áo len cũng chịu chung số phận, khi dây đeo áo bị xử lý xong, chúng cũng tung nốt cái áo len lên. Sau đó đến lượt chiếc áo sơ mi. Ở cổ, thân áo và cổ tay không một chiếc cúc hay lỗ khuyết nào thoát nạn. Bị sờ đến cuối cùng là cái quần: nắp túi, khóa, túi, cúc và lỗ khuyết đều chung số phận. Dây thun cột vớ bị tịch thu, dây giày bị cắt làm ba mươi sáu khúc.
- Ơ! Mày không mặc quần lót à? - Lebrac ngó vào trong chiếc quần soọc bị tụt xuống bắp chân Mặt Bánh đúc và hỏi.
- Xong rồi. Bây giờ thì cút đi!
Nó nói, và cứ như một bồi thẩm trung thực của nhà nước cộng hòa chỉ hành động theo lương tri chứ không vì thù ghét hay sợ hãi, để kết thúc, Lebrac chỉ đá cho gã tù binh một cú mạnh mẽ ra trò vào chỗ mà cái lưng bị mất đi tên gọi của nó.
Chẳng chiếc áo chiếc quần nào của Mặt Bánh đúc còn lành lặn. Nó đứng khóc, nhỏ thó và khốn khổ, giữa đám quân thù đang cười nhạo và la ó.
- Bây giờ lại đây mà bắt tao đi! - Gibus anh châm chọc trong lúc thằng kia mặc chiếc áo len không cài cúc được nữa, bên ngoài là chiếc áo khoác lòng thòng như miếng da dê. Nó cố nhét hai vạt áo sơ mi khốn khổ vào quần mãi mà không được.
- Này, bây giờ thì cố mà nghe mẹ mày nói gì nhé! - Camus thả gã tù binh về với những lời như muối xát vào vết thương.
Trong bóng tối nhá nhem, thằng Mặt Bánh đúc nức nở rên rỉ kêu than, lệt bệt lê đôi giày cứ luôn tuột khỏi chân về phía rừng bên kia, nơi bạn bè nó đang thấp thỏm chờ. Chúng xúm quanh nó, động viên và cố giúp nó trong khả năng có thể.
Trong ánh chiều tà chúng không còn nhìn rõ kẻ thù đang ở phía Đông dưới kia, chỉ nghe thấy tiếng reo hò và tiếng thách thức đầy châm chọc của đạo quân Longeverne chiến thắng.
Sau rốt Lebrac đúc kết tình hình thế này:
- Thế là bọn mình đã cho chúng biết mặt. Chúng sẽ nhớ đời!
Khi không thấy động tĩnh gì phía bờ rừng bên kia nữa và khẳng định được ngày hôm nay đúng là ngày của bọn chúng, đám Longeverne mới đi như bay qua miếng đất chung của xã đến tận mỏ đá của lão Pepiot.
Tại đây chúng xếp thành hàng sáu. Camus dẫn đầu, tay cầm gậy buộc chiếc khăn thấm máu như lá quân kỳ, Lebrac vung giáo đi cạnh đoàn quân, những đứa kia khoác tay nhau bước theo lệnh của chủ tướng. Chúng bước đều, nện gót giày kéo về Longeverne, vừa đi vừa gân cổ hát:

Chúng ta đi hiên ngang giành thắng lợi vẻ vang
Chúng ta phá tan mọi rào cản
Tự do dẫn bước chân ta,
Từ Bắc chí Nam vang tiếng kèn xông trận
Ấy là giờ chiến đấu của ta...

------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét