Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Gia Đình Dưới Chân Cầu - Chương 2

Gia Đình Dưới Chân Cầu

Tác giả: Natalie Savage Carlson
Dịch giả:  Trịnh Huy Ninh
NXB Thời Đại - 2009

Chương 2

Lão Armand đang nhìn bọn nhóc trừng trừng thì một con chó lông lá bờm xờm, chắc vốn có màu trắng, băng qua bờ sỏi lao đến. Nó nhảy ngay vào giữa lão lang thang và bọn trẻ, cứ nhè lão mà sủa như điên. Lão vội vàng đẩy tới đẩy lui chiếc xe nôi che chắn giữa mình và con chó.
- Nếu cái con quái này mà cắn ta, - lão kêu lên, - ta sẽ đi thưa các người và đòi bồi thường mười nghìn franc đấy.
Con bé gọi con chó:
- Lại đây. Jojo! Thôi nào, Jojo! Ông ấy không bắt mình đâu. Chỉ là một ông già ăn xin thôi mà.
Con chó ngừng sủa và hít hít mấy cái bánh xe chiếc xe nôi.
Lão lang thang bực lắm.
- Nói cho mà biết, ta không phải ông già ăn xin vớ vẩn nào hết, - lão lên tiếng. Mà đúng thế thật. - Ta không phải kẻ thân cô thế cô, và muốn làm việc gì là ta làm được ngay. Nhưng cha mẹ chúng bay đâu và chúng bay đang trốn ai ở đây? Cảnh sát hả?
Lão nhìn kĩ bọn nhóc. Rặt tóc đỏ, cả ba đứa, quần áo chắp vá, vẻ nghèo túng không lẫn đi đâu được.
Cặp mắt con bé lớn nhất sáng bừng một màu xanh lơ sâu thẳm.
- Chủ nhà đuổi chúng cháu ra vì từ khi bố mất mà nhà cháu không có đủ tiền trọ, - nó kể. - Cho nên mẹ phải mang chúng cháu ra đây vì không còn chỗ ở nữa. Mẹ dặn phải trốn sau tấm bạt để không ai thấy, không thì người ta sẽ bắt chúng cháu đem vào nhà nuôi trẻ nghèo, không được ở với mẹ. Nhưng chúng cháu là một gia đình nên chúng cháu muốn ở với nhau. Cháu là Suzy, còn đây là Paul và Evelyne.
Thằng bé cũng đã lại hồn một chút.
- Cháu mà lớn hơn tí nữa thì cháu sẽ tìm chỗ mới cho cả nhà, - nó vênh váo.
- Ta thấy chúng bay đã tìm được chỗ mới rồi, - lão Armand nói, - và đó là chỗ cũ của ta. Chúng bay đuổi ta ra khỏi nhà ta cũng hệt như bà chủ nhà kia đã làm với chúng bay vậy.
Suzy có vẻ ái ngại. Nó kéo cái xe đẩy ra và nheo một mắt áng chừng lão Armand. Rồi nó lấy cục than mềm vẽ một hình chữ nhật dài trên nền bê tông.
- Ðây là phòng của ông, - nó nói. - Ông cứ ở đây với chúng cháu.
Ngẫm nghĩ thêm một lát, nó nguệch ngoạc vẽ thêm một hình vuông nhỏ có kẻ ô phía dưới hình chữ nhật.
- Ðây là cửa sổ, - nó trịnh trọng nói, - để ông còn nhìn ra ngắm sông.
Lão Armand hậm hự trong họng, kéo áo choàng che kín ngực như thể muốn giấu đi trái tim. Chà, con bé sáo đá này đáng gờm đây. Lão phải cuốn gói sớm thì hơn. Paris thiếu gì cầu, sông Seine chẳng chảy qua Paris ngoằn ngoèo lắm đấy sao. Tìm một cây cầu khác đâu có gì khó nhọc. Nhưng đúng lúc lão dợm bước đi thì con bé đã chạy theo tóm lấy ống tay áo rách bươm của lão.
- Ông ở lại đi ạ, - nó nài. - Chúng cháu sẽ giả vờ ông là ông ngoại chúng cháu.
Lão Armand khịt mũi.
- Này, bé con, - lão nói, - thứ nhất là triệu phú, thứ nhì là ông ngoại, đó là những việc cuối cùng mà ta muốn làm trên đời.
Làu bàu thì làu bàu vậy nhưng lão cũng bắt đầu dỡ đồ ra.
Lão chụm các thân và cành cây lại rồi vun hết lá vào. Lão lôi ra một tấm bạt dơ dáy và một cái móc sắt han gỉ, đặt cái lon sắt nhọ nhem có quai cầm bên cạnh đám lá, bày ra mấy cái dao muỗng cong queo. Cuối cùng, lão lôi ra một chiếc giày cũ đã thủng đế.
- Chưa biết chừng lại sắp vớ được chiếc cùng đôi của nó cũng nên, - lão phân trần với bọn trẻ. - Mà nó cũng vừa in chân ta.
Bọn trẻ muốn giúp lão một tay. Ôi, cái lũ sáo đá này mới khôn chứ. Chúng thật biết cách xỏ mũi một lão già. May mà lão chẳng phải ông nội ông ngoại gì của chúng cả. Tuy nhiên, lão vẫn trải tấm bạt của mình lên chỗ hình chữ nhật mà Suzy đã vẽ.
Lão Armand nhóm lửa với chỗ cành lá khô. Sau đó treo cái lon sắt to lên ngọn lửa, lão đổ vào đó các mảnh vụn đồ ăn mà lão gói sẵn trong một miếng báo.
- Vào cái thời huy hoàng ngày xưa ở Paris, - lão bảo với bọn trẻ, - người ta thường gióng chuông ở các chợ vào lúc cuối ngày để cánh ăn mày biết mà đến lượm các thứ còn thừa. Nhưng hết rồi. Nay thì cứ phải tự đi mà lo cho mình thôi.
Bọn nhóc nhìn lão ăn. Ngay cả con chó vốn có màu trắng cũng nhìn theo từng miếng lão đút vào miệng mà nhểu nước dãi xuống mặt sàn bê tông. Lão Armand ngọ nguậy khó chịu.
- Chuyện gì? - lão hỏi gằn. - Chúng bay chưa thấy ai ăn bao giờ hay sao?
Chúng lặng thinh không nói gì, nhưng cả bốn cặp mắt thì cứ dõi theo từng chuyển động của cái muỗng trên tay lão Armand.
- Ta đoán là chúng bay đang đói, - lão lầu bầu. - Lũ sáo đá cứ phải ăn luôn mồm thôi. Lấy chén bát ra đây.
Suzy lôi từ xe đẩy ra mấy cái bát nhom nhem méo mó cùng mấy cái muỗng cong queo. Lão Armand cẩn thận chia đồ ăn, thậm chí còn tính cả phần cho con chó.
Lúc mẹ bọn trẻ về thì trời đã tối. Ánh đèn của Paris đã trôi lững lờ trên sông Seine, nhưng dưới chân cầu chỉ có ánh sáng từ đống lửa nhỏ của lão Armand. Lão không nhìn thấy rõ mặt người phụ nữ nhưng cảm nhận được cái gay gắt trong giọng nói của chị.
- Ông đang làm gì ở đây? - chị hỏi lão lang thang.
Lão Armand nổi nóng.
- Tôi cũng có thể hỏi cô câu đó đấy, thưa cô, - lão vặc lại. - Mẹ con cô đã chiếm khúc cầu của tôi.
- Cầu đâu phải của riêng ai, - người phụ nữ nói. - Ðấy là chỗ trú miễn phí duy nhất ở Paris này mà.
Suzy cố đứng ra hòa giải.
- Ông là một ông già ăn xin thân thiện dễ thương lắm, mẹ ạ, - nó nói, - ông sẽ ở cùng chúng ta.
- Ta không phải lão ăn mày thân thiện đâu nhé, - lão Armand tức tối kêu lên, - ta là lão ăn mày keo kiệt, gàn dở, ghét trẻ con, chó và cả đàn bà.
- Ông ghét chúng cháu, - Paul nói, - thế sao lại còn cho chúng cháu ăn cùng?
- Vì ta là một lão ăn mày ngu ngốc, - lão đáp. - Vì ta là lão ăn mày ngu ngốc có trái tim mềm yếu.
Ô là la! Chết dở rồi. Lão đã lỡ miệng để lộ là mình có trái tim. Bây giờ thì cả cái gia đình không nhà không cửa này chắc chắn sẽ rình rập nó đây.
Bà mẹ không vui tí nào khi nghe lũ con ăn chực của lão lang thang.
- Nhà ta đâu phải ăn mày, - chị nhắc chúng. - Mẹ có công việc ổn định ở tiệm giặt, thế là hơn đứt ông ta rồi.
Chị lăng xăng hâm nóng súp và cắt ổ bánh mì dài vừa mang về. Lão Armand ngồi trong cái hình chữ nhật Suzy vẽ cho, nghĩ bụng rắc rối của người phụ nữ này chính là sự kiêu hãnh, mà sự kiêu hãnh với một cuộc sống dưới chân cầu thật khó có thể đi chung với nhau.
Lửa gần tàn, người phụ nữ chạy đi chạy lại đến chiếc xe đẩy lấy ra những tấm mền bị nhậy cắn thủng lỗ chỗ để trải làm chỗ nằm trên sàn bê tông. Ngay trên đầu là xe cộ rú rít, ánh đèn phả xuống cây cầu và khách bộ hành qua lại trên phía bờ cao buông tiếng cười vẳng xuống. Nhưng tất cả dường như ở cách xa nhóm người nho nhỏ dưới chân cầu cả triệu dặm.
- Cô phải đưa bọn sáo đá vào một nhà tế bần nào đó cho đến khi tìm được chỗ ở mới cho mình, cô ạ, - lão Armand đề xuất sau khi bọn trẻ đi ngủ. - Cuộc sống như thế này không phải dành cho chúng. Nghe này, cô không muốn chúng đến nông nỗi như tôi chứ, đúng không?
- Một gia đình thì phải gắn bó với nhau cả lúc sướng cũng như lúc khổ, - người phụ nữ đáp. - Mà tôi cũng có nhiều hi vọng. Sắp tới tôi sẽ đến chỗ chị dâu tôi. Có thể chị ấy sẽ tìm một chỗ cho chúng tôi bên mạn Clichy.
Lão Armand nằm duỗi dài trên tấm bạt, chả cần đắp gì. Lão chịu lạnh đã quen, không còn cảm thấy nó nữa. Nhưng lão biết chắc bọn nhóc tì này thể nào cũng lạnh. Nằm trên sàn cứng mà một ý nghĩ khó chịu cứ cắn rứt lão, cứ như có con chuột đang dứt dứt dây giày. Bây giờ đã lỡ làm quen với với lũ sáo đá kia rồi, cuộc đời lão sẽ không hoàn toàn là của riêng lão nữa.
Buổi sáng mờ mờ len dần vào bóng tốt dưới chân cầu, lão Armand thức giấc thì thấy người phụ nữ đã đi rồi, còn ba đứa trẻ đang cho con Jojo ăn một miếng bánh mì cũ.
- Chúng bay vẫn còn ở đây sao? - lão hỏi. - Chẳng phải hôm nay phải đi học hay gì sao?
Suzy lắc mái tóc đỏ.
- Chưa có chỗ ở thì bọn cháu chưa đi học lại được. Mẹ bảo không khéo thầy cô sẽ hỏi đến, rồi thì người ta tách mẹ con bọn cháu ra mà đưa bọn cháu vào nhà nuôi trẻ mất.
- Mẹ chúng bay muốn có chúng bay ở bên hơn ta, - lão nói. - Nhưng con nít thì phải đi học chứ. Liệu ta có ở đây không nếu hồi nhỏ ta đi học?
- Ồ, cháu thích đi học lắm, - Suzy nói, đôi mắt xanh lơ sáng lên. - Cháu thích đọc với thích viết. Cháu ước lớn lên làm cô giáo. Ông coi này, có một ông trên xà lan ném cho cháu mẩu than để cháu viết thay bút chì đây này. Ước gì bọn cháu sớm được đi học lại.
- Mình khác nhau chỗ đó đấy, - lão Armand thú thực. - Ta chưa bao giờ thích đi học cả. Nhưng ban ngày chúng bay cũng phải đi đâu đó chứ. Mẹ chúng bay không thể bắt ta trông coi chúng bay được. Ta cũng có việc phải đi nữa chứ.
- A, thế thì bọn cháu đi với ông được không? - Suzy nài. - Bé Evelyne trông thế chứ đi bộ giỏi lắm ạ. Em ấy không mệt đâu.
- Không, - lão Armand lo lắng kêu lên. - Không đi theo ta được đâu, đừng có kèo nhèo.
- Ði mà, ông ăn xin, cho tụi cháu đi với, - Paul năn nỉ. - Ngồi không dưới này thì lạnh đến chết mất.
- Ðừng vô lễ thế, Paul, - Suzy nhắc. - Nếu em không xin lỗi thì ông ấy sẽ không cho mình đi đâu.
- Nhưng biết gọi ông ấy thế nào bây giờ? - Paul hỏi lại. - Em có biết tên ông ấy đâu.
- Ông ơi, ông tên gì? - Suzy hỏi lão.
- Armand, - lão lang thang đáp.
- Thế còn họ ạ? - Paul hỏi gặng. - Họ của bọn cháu là Calcet.
Lão Armand nhún vai.
- Ta quên rồi, - lão thú thực. - Ta nhớ hình như Pouly hay Pougy gì đó. Ðại để thế. Gọi Armand là được rồi.
- Hay quá, thưa ông Armand, - Paul nói. - Cháu xin lỗi vì đã gọi ông là ông ăn xin. Bây giờ ông cho chúng cháu đi với chứ ạ?
- Chắc chắn rồi, - Suzy vội nói. - Trông ông ấy bầy hầy thế chứ trái tim ông tốt lắm. Cả Jojo đi nữa, được không ông?
Lão Armand sờ lên ngực áo choàng, chỗ che trái tim. Ôi, bọn nhóc này đúng là đang nhắm vào nó đây, chắc chắn rồi.
- Ô là la! - lão kêu lên. - Ði đâu cũng kéo theo một lũ sáo đá với một con chó thế này thì còn ra thể thống gì nữa? - lão ngán ngẩm. - Bạn bè nào chịu cho mình tụt tạt với cả đám ẩm ương này chứ?
Thế rồi một nét ranh mãnh thoáng qua trên khuôn mặt phong sương của lão. Có lẽ kéo đám nhóc tì thảm hại này ra đường cũng không đến nỗi dở đâu. Không, thật thế! Lão đã có một ý cực hay. Tất nhiên đó không phải là thứ mà một bà mẹ kiêu hãnh chấp nhận.
- Mấy đứa có thích lên phố gặp Cha Giáng sinh bạn ta không? - lão hỏi bọn trẻ.
Thằng Paul bàng hoàng không dám tin.
- Ông quen cả Cha Giáng sinh cơ à? - nó hỏi.
- Mẹ bảo năm nay ông ấy sẽ không đem gì đến cho chúng cháu vì không biết chúng cháu ở đâu, - con bé Evelyne nói.
- Thế thì ta đến thẳng cửa hàng Louvre, - lão Armand tuyên bố. - Cứ đến thẳng đấy báo cho ông ấy biết chỗ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét