Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần III-10

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

X. Lời cuối

Nếu chỉ còn một người duy nhất duy nhất kiên quyết tiếp tục đấu tranh, thì tôi sẽ là người ấy.
Victor Hugo (Những hình phạt)

Dưới sức ép của quả đấm có sức mạnh vạn năng và những lý lẽ không cãi được qua những cái đạp cực kỳ chính xác vào mông, hầu hết các chiến sĩ Longeverne đã buộc phải hứa, phải tuyên thệ rằng từ nay không đánh nhau với bọn Velrans nữa và trong tương lai sẽ không bao giờ lấy trộm cúc, đinh, ván, trứng hay tiền, gây thiệt hại cho ngân quỹ gia đình.
Chỉ có anh em Gibus và Gambette vì ở trên những khu đất làm rẽ xa trung tâm làng nên tạm thoát được sự trừng phạt. Về phần Lebrac, vốn cứng đầu hơn nửa tá lừa nên nó không chịu thú nhận mặc cho bị đánh và hăm dọa. Nó không hứa, không thề gì hết mà cứ câm như cá chép, hay nói đúng hơn trong lúc bị đòn tơi bời hoa lá nó không thốt ra rõ ràng như tiếng người kêu mà ngược lại chỉ toàn rống, gầm, hí và tru lên một cách hào phóng đến nỗi mọi dã thú tạo hóa sinh ra hẳn phải đem lòng ganh tị.
Dĩ nhiên tối hôm ấy những đứa trẻ Longeverne này phải đi ngủ với cái bao tử lép kẹp, cùng lắm được một miếng bánh mì khô, được uống nước lã từ bình tưới hay chậu.
[Thuở tôi còn bé hầu như nhà nông nào cũng chứa nước trong bồn gỗ, rồi múc ra chậu đồng. Khi khát, người ta uống nước từ chậu ấy (chú thích của tác giả)]
Người ta cấm chúng hôm sau, trước khi vào lớp, không được phép chơi đùa, người ta lệnh cho chúng đúng mười một giờ trưa và bốn giờ chiều phải về nhà ngay; người ta cũng cấm chúng trò chuyện, người ta yêu cầu bố Simon cho chúng thêm bài làm và cả bài học nữa, yêu cầu bố canh chừng việc cách ly chúng, phạt nặng, phạt gấp đôi mỗi khi có đứa nào cả gan phá rối sự yên lặng, vi phạm điều cấm đoán chung đã được các chủ gia đình đồng lòng quyết định.
Tám giờ kém năm chúng mới được phép ra khỏi nhà, đi học.
Trên đường, anh em Gibus gặp Tintin mắt đỏ hoe, so vai rụt cổ đang rảo bước dưới đôi mắt nghiêm khắc của ông bố. Chúng lên tiếng hỏi thăm. Nghe thấy, Tintin hoảng hốt nhìn rồi cứ lặng thinh như bị mèo đớp mất lưỡi. Với Boulot chúng cũng không thành công hơn gì.
Chắc chắn là nghiêm trọng đây!
Các ông bố đều đứng trước cửa nhà. Camus cũng câm như Tintin, còn La Crique chỉ nhún vai mà đã nói lên nhiều, thật nhiều.
Gibus anh nghĩ rằng vào trong sân trường sẽ hỏi lại nữa. Nhưng bố Simon không cho chúng vào.
Bố đứng trước cửa lớp, chúng vừa tới là bố ra lệnh xếp hàng hai, cấm không được nói chuyện.
Gibus anh quá sức hối tiếc đã không làm theo sự thôi thúc ban đầu của mình là đi theo Gambette để truy lùng, còn việc tới trường thăm dò tin tức thì để cho em nó.
Chúng vào lớp.
Thầy giáo đứng thẳng người trên bục, vẻ nghiêm khắc, cây thước kẻ bằng gỗ mun trong tay, bắt đầu lên án bằng những lời lẽ cương quyết thái độ hung bạo của chúng ngày hôm qua, không xứng đáng là công dân văn minh sống trong một nước Cộng hòa mà phương châm là: Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
Rồi ông so sánh chúng với những sinh vật hẳn phải là gớm ghiếc nhất và thoái hóa nhất của tạo hóa: với bọn Apache*, bọn ăn thịt người, bọn nô lệ thời cổ đại, bọn khỉ ở đảo Sumatra và châu Phi xích đạo, với hùm beo, lang sói, với thổ dân ở Bornéo, với bọn Bachibouzouk**, với bọn mọi rợ xa xưa và, cái này mới thật là kinh khủng nhất, ông kết thúc bài diễn văn bằng lời tuyên bố rằng sẽ không dung thứ một lời nói chuyện nào, hễ ông bắt được đứa nào tìm cách liên lạc với bạn chúng trong giờ học hay giờ ra chơi thì ông sẽ bắt ngồi lại lớp ba mươi ngày và mỗi chiều phải chép mười trang lịch sử nước Pháp hay địa lý và phải thuộc lòng!
*[Một tộc da đỏ ở Bắc Mỹ]
**[Một thứ lính đánh thuê chuyên cướp bóc của đế quốc Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào thế kỷ 15, 16]
Thật là một buổi học rầu rĩ cho tất cả bọn chúng. Trong lớp tuyệt không nghe thấy tiếng gì khác ngoài tiếng bút sột soạt giận dữ nghiến trên mặt giấy, đôi ba tiếng giày gỗ lóc cóc, tiếng mặt bàn được thận trọng nâng nghe kẽo kẹt khe khẽ như bị nghẹn, rồi đến lúc trả bài là tiếng hỏi cộc lốc của bố Simon, tiếng đọc bài ngập ngừng và rụt rè của đứa bị hỏi.
Nhưng anh em Gibus muốn biết cho bằng được đầu đuôi câu chuyện, vì nỗi sợ bị đòn, như sợ lưỡi gươm Damoclès, vẫn luôn lơ lửng trên đầu chúng.
Cuối cùng, Gibus anh cũng tuồn được cho Lebrac mảnh giấy ghi điều muốn hỏi, qua sự trợ giúp vô vàn thận trọng của những thằng bạn ngồi gần.
Lebrac, cũng qua trung gian vừa kể, đã trả lời tình hình trong vài câu rất thương tâm và chỉ thị cho Gibus anh ngắn gọn như sau:

Thằng Bacaillé bị xốt lằm chên dường. Ló đã khai. Ló tố cáo hết bọn mình. Đứa lào cũng bị đòn. Bị cấm không được lói, lếu không bị đòn thêm lữa. Phải hứa không được đánh chận lữa. Nhưng mặc kệ. Bọn Velrans niệu hồn. Tuy nhiên cứ tìm kho tàng

Thế là Gibus anh được biết khá đủ rồi. Không nên dấn thêm nữa vào vòng nguy hiểm.
Ngay chiều hôm ấy nó trốn học, đi theo thằng Gambette. Gibus em xin lỗi thầy cho anh, lấy cớ rằng gã người làm Narcisse bị đau tay nên anh nó phải tạm thay trong lò xay xát.
Thứ Ba và thứ Tư cũng giống như thứ Hai, ảm đạm và nhiều bài vở. Chúng trả bài trơn tru như cháo, còn bài làm ở nhà thì cẩn trọng, tỉ mỉ và xuất sắc.
Không đứa nào tìm cách vi phạm luật lệ. Nguy hiểm lắm. Chúng đi đứng êm ru như mèo và đầy vẻ phục tùng.
Ngày nào Gibus em cũng chuyền cho Lebrac cùng một mẩu giấy viết vắn tắt:
Không tìm thấy gì hết!
Thứ Sáu bố Simon nới lỏng sự canh chừng một ít. Lũ học trò đã tỏ ra thật ngoan, rõ ràng chúng đã sửa mình nhiều, hoàn toàn không còn hư hỏng nữa. Rồi lại nghe tin Bacaillé đã khỏi.
Nó khỏi rồi thì không sợ bị kiện cáo và bồi thường thiệt hại nữa nên các ông bố bà mẹ cũng nguôi giận và bớt cộc cằn với chúng. Tuy nhiên trong thế giới nhỏ bé của mình bọn trẻ vẫn cảnh giác.
Thứ Bảy, khi Bacaillé đi ra ngoài được rồi thì lại càng bớt căng thẳng. Chúng được phép chơi đùa trong sân trường và trong lúc chơi chúng đã có thể chêm vào những từ ngữ thông thường của trò chơi vài ba câu liên quan đến tình cảnh của mình, những câu ngắn gọn, thận trọng và mang hai lớp nghĩa, vì chúng cảm thấy bị theo dõi.
Chủ nhật, trước thánh lễ một lúc, chúng đã có thể tụ tập quanh máng nước cho súc vật và bàn chuyện.
Chúng thấy thằng Bacaillé nắm tay bố đi ngang qua. Nó khỏi hẳn rồi. Trong bộ quần áo đã được “sửa”, nó tỏ vẻ nhạo báng hơn bao giờ hết. Sau kinh chiều, chúng thấy khôn ngoan và cẩn thận hơn cả là về nhà trước khi bị thúc giục.
Chúng thận trọng như thế là tốt, vì hành động này đã khiến các ông bố bà mẹ và thầy giáo hoàn toàn yên tâm, đến mức thứ Hai họ đã cho phép chúng đùa nghịch, chuyện trò tự do như trước, những việc chẳng đời nào chúng bỏ lỡ và sẽ tận dụng luôn sau bốn giờ chiều tránh xa những cái tai độc đoán và những cặp mắt soi mói đầy ác ý.
Nhưng thứ Ba chúng hết sức hồi hộp: Gibus anh đến trường cùng với em nó. Gambette cũng rời ngọn đồi đi xuống làng từ trước tám giờ. Nó trình bố Simon một mảnh giấy gấp tư nhem nhuốc dầu mỡ. Thầy giáo mở ra đọc thấy thư viết như sau:

Thưa thầy,
Tôi xin gửi thầy đôi nhời rằng thì hôm trước tôi đã dữ cháu Léon ở nhà để trăm xóc đám da xúc, vì tôi bị phong thấp.
Jean-Baptiste Cassard.

Chính Gambette đã thảo bức thư còn Gibus anh mạo chữ ký của bố Gambette để hai nét chữ khỏi giống nhau. Thư được chấp nhận ngay.
Thật ra chuyện này không làm các chiến sĩ băn khoăn, vì chúng biết Gambette thường bị giữ ở nhà.
Nhưng hôm nay Gambette và Gibus anh cùng đến trường thì hẳn là chúng đã tìm ra lều của bọn Velrans và chiếm lại được kho tàng rồi.
Mắt Lebrac long lanh như mắt sói; các chiến hữu của nó cũng quan tâm không kém. Chao ơi, chúng quên mới nhanh làm sao trận đòn của ngày Chủ nhật trước nữa! Trong tâm hồn lũ trẻ mười hai tuổi thì những lời hứa và thề nguyền người ta đã dùng bạo lực ép uổng chúng thốt ra mới nhẹ tênh làm sao!
- Xong rồi hả? - Lebrac hỏi.
- Ừ, xong rồi! - Gambette đáp.
Lebrac tái người, muốn khuỵu xuống. Nó nuốt nước bọt.
Tintin, La Crique, Boulot đã nghe câu hỏi và câu trả lời. Chúng cũng tái người luôn.
Lebrac quyết định:
- Chiều nay tụi mình phải tụ họp!
- Ừ, bốn giờ ở mỏ đá Pepiot. Nếu bị bắt gặp thì cũng kệ!
- Mình sẽ làm như chơi trốn tìm, - La Crique nói, - rồi mỗi đứa tìm đường lỉnh tới đó, nhưng đừng cho ai biết!
- Đồng ý!
Đó là một buổi chiều xám xịt âm u. Gió bấc thổi suốt ngày, quét sạch bụi đường. Bây giờ đã ngớt. Khí lạnh yên ả phủ lên đồng ruộng, những áng mây to dị hình màu chì như đùa giỡn ở chân trời. Chẳng bao lâu nữa sẽ có tuyết. Nhưng không một thủ lĩnh nào đang chạy tới mỏ đá cảm thấy lạnh cả. Tim chúng đang hừng hực lửa, đầu óc chúng đang sáng rực đèn hoa.
- Đâu? - Lebrac hỏi Gambette.
- Trên đó, chỗ mới của bọn mình, - Gambette đáp. - Mà này, nó sinh con đẻ cái rồi đấy nhé!
- A!
Rồi khi Boulot đến, nó chuyên môn là đứa sau cùng, chúng đi nhanh tới chỗ trú ẩn tạm thời. Tới nơi, Gambette lôi ra từ dưới một đống những đinh với ván cái túi to, tròn căng, đầy những cúc và nặng trĩu toàn bộ đạn dược của bọn Velrans.
- Mày tìm được bằng cách nào thế? Mày phá lều của bọn chúng à?
- Lều của bọn chúng ư!... - Gambette kêu lên... - Lều ư? Còn khuya! Chúng làm quái gì có lều. Chúng ngu chết được, dựng sao nổi một cái lều như của bọn mình, ngay cả một cái lỗ*  chúng cũng cóc làm được; chúng chỉ có một thứ vớ vẩn nhỏ tẹo ẩn dưới một tảng đá, rất khó thấy! Phải vất vả mới bò vào nổi.
*[Trong bản tiếng Pháp tác giả dùng từ “bacul” là miếng dây da thòng dưới đuôi ngựa kéo xe. Ở đây tạm dịch là cái lỗ cho tượng hình và dễ hiểu]
- Thế à!
- Phải, trong đó chúng để gươm giáo, gậy gộc thành một đống. Trước hết tụi tao bẻ gãy sạch cái đã. Tốn bao sức đến nỗi đầu gối tụi tao đau như dần.
- Thế còn cái gói này?
- Ấy, quên chưa kể cho tụi bay làm sao tụi tao kiếm ra cái lỗ này của bọn chúng! Mấy bồ phải biết không dễ đâu à!
Gibus anh vẽ vời kể:
- Tám ngày ròng tụi tao hoài công tìm. Bắt đầu thấy bực mình rồi! Bay đoán thử xem tụi tao làm cách nào tìm ra!
- Tao chịu thua, - La Crique thúc giục.
- Tao cũng thua luôn, - những đứa kia sốt ruột hùa theo.
- Bay không đoán nổi đâu. Tụi tao gặp may vì đã ngó lên trời.
- ?...
- Thật đấy, mấy bồ tèo ạ, tụi tao đã đi qua đấy năm lần bảy lượt! Chợt tụi tao thấy một ổ sóc trên cây sồi cách chỗ đó một chút. Gibus anh mới bảo tao:
“Không biết có sóc trong đó không nhỉ? Mày leo lên xem thử được không?”
Tao mới ngậm một cái que để chọc, vì nhỡ có sóc trong ổ e thò tay vào bị nó cắn. Tao leo lên, chọc que vào ổ, tao thấy gì nào?
- Cái gói!
- Đâu có! Chẳng thấy gì hết! Tao mới hất cái ổ xuống, khi nhìn theo tao mới phát hiện ra phía dưới, hơi xích về hướng Bắc, cái lỗ của bọn khốn kiếp Velrans. Tao liền tuột ngay xuống. Gibus anh tưởng tao bị sóc cắn nên mới tuột xuống nhanh thế. Nhưng khi thấy tao chạy nó biết ngay là có chuyện lạ đây. Bấy giờ tụi tao liền cướp phá kho của chúng. Gói cúc nằm tuốt phía trong, dưới một tảng đá to. Gần như chẳng nhìn rõ cái gì nên tao phải lấy tay mò mẫm mới tìm được. Chà, khoái cóc chịu được!
Nhưng chưa hết. Trước khi đi tao còn tụt quần... tận sâu trong hang ổ của chúng... rồi tao vần tảng đá về chỗ cũ. Gươm giáo gãy cũng thế. Nay, nếu bọn Velrans mò tìm dưới tảng đá ắt sẽ biết kho tàng của chúng biến thành thứ gì. Tao làm ăn được quá, phải không nào?
Chúng bắt tay Gambette, vỗ bụng nó, thụi lên lưng nó tỏ lòng khen ngợi một cách xứng đáng.
- Chuyện như thế đấy! - Gambette lại nói, cắt ngang những lời ngợi ca nó. - Còn tụi bay bị đòn nặng lắm, phải không?
- Chậc, còn phải nói! - Lebrac đáp, - lão áo chùng thâm bảo rằng năm nay tao vẫn chưa được dự lễ ban thánh thể, vì chuyện cái quần của thánh Joseph, nhưng tao cóc cần!
- Tuy vậy về các bậc bố mẹ như bố mẹ tụi mình, thật chẳng hay ho tí nào. Nói cho đúng thì họ cà chớn. Họ làm như thể xưa kia họ chưa từng nghịch ngợm như tụi mình vậy! Rồi bây giờ họ tưởng rằng sau khi đã tẩn tụi mình ra trò thì mọi việc xong xuôi và tụi mình hết còn dám nghĩ đến nghịch ngợm nữa!
- Đúng thế, đôi khi họ coi tụi mình như lũ ngố! - Lebrac xác nhận, - Nhưng họ muốn nói gì cứ việc nói, chỉ cần họ hơi hơi quên vụ này là tụi mình sẽ lại tìm bọn Velrans, phải không nào. Và lại sẽ như xưa!
- Ừ, - nó nói thêm, - tao biết có mấy đứa nhát gan không dám chơi nữa, nhưng bọn bay chắc chắn sẽ chơi tiếp, và nhiều đứa khác nữa. Ngay cả nếu chỉ có một mình tao thôi thì tao sẽ vẫn tới để nói vào mặt bọn Velrans rằng tao khinh bọn chúng, rằng chúng chẳng là gì khác hơn là đồ chó chết, là thứ bò cái không sữa. Phải, tao sẽ nói với chúng như thế đấy!
- Tụi tao cũng sẽ theo mày chứ! Mặc kệ mấy ông bà già! Họ làm như tụi mình không biết hồi nhỏ họ cũng nghịch y như vậy! Ăn tối xong họ bắt mình đi ngủ, còn họ ngồi tán dóc với hàng xóm, chơi bài tây, bửa hạt dẻ. Rồi họ chén pho mát, uống vang, rượu mạnh, rồi họ khoe những “ngón nghề” thời xa xưa của họ.
Vì mình nhắm mắt nên họ tưởng mình ngủ rồi, họ bảo nhau thế. Nhưng mình lắng nghe mà họ không hay rằng mình biết hết!
Một tối mùa đông năm ngoái tao từng nghe bố tao kể với mấy người khác hồi trẻ ông đã làm thế nào để gặp mẹ tao.
Bay biết không, bố tao chui vào chuồng bò, đợi ông bà ngoại tao đi ngủ rồi lẻn lên nằm với mẹ tao; nhưng một tối nọ tí nữa thì bị ông ngoại tao bắt gặp khi ông tao xuống coi lũ vật lần nữa. Bố tao phải trốn dưới máng ăn, ngay trước mõm lũ bò, bị chúng thở xộc vào mũi. Bố tao dở khóc dở mếu!
Ông tao đang xách đèn lon ton đi vào, bỗng dưng quay phắt lại, như thể ông nhìn thấy bố tao, đến mức bố tao tự nhủ không biết có bị ông nhảy xổ vào người không.
Nhưng không, ông tao đâu nghĩ đến chuyện ấy. Ông tao cởi cúc quần rồi đứng đái tỉnh bơ. Bố tao kể rằng ông tao cứ cầm “đồ nghề” vẩy mãi! Bố tao thấy thời gian sao mà lâu thế, vì bố tao bị ngứa cổ, sợ bật ho. Khi ông tao bỏ đi rồi thì bố tao mới đứng thẳng người lên, thở hổn hển. Mười lăm phút sau bố tao đã nằm với mẹ tao ở buồng trên.
Đấy, họ làm những chuyện như thế đấy! Tao hỏi bay chứ đã có đứa nào trong bọn mình từng làm chuyện nhăng nhít thế chưa? Mấy khi mình dám ôm bạn gái khi tặng cô nàng bánh quế hay quả cam. Thế mà chỉ vì một thằng phản bội ăn cắp bẩn thỉu bị mình quất cho vài roi mà họ làm bộ làm tịch, như thể có con bò bị chết không bằng!
- Nhưng họ không ngăn cản được chúng mình thực hiện nghĩa vụ!
- Tuy nhiên, lạy Chúa! Thật là khốn khổ cho những đứa trẻ phải có cha có mẹ!
Sau câu nói này là một hồi lâu yên lặng. Lebrac đem giấu kho tàng cho đến ngày chúng tái khai chiến với bọn Velrans.
Lúc đi trở xuống qua những bụi cây ở Saute, đứa nào cũng nghĩ đến trận đòn vừa qua. La Crique buồn rầu vì mùa tuyết sắp đến hay có thể vì linh cảm được những ảo tưởng sẽ mất, nên cảm khái buột miệng:
- Thế mà khi lớn lên có thể mình cũng sẽ ngớ ngẩn như họ mất thôi!

Hết

江 風

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét