Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần II-7

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

VII. Thủ kho gặp nạn

Không phải quyền cao, chức trọng đều là tốt cả.
La Fontaine (Hai con la đực)

Sáng hôm sau người giữ kho tàng ngồi ở hàng cuối lớp đếm đi đếm lại ít nhất cũng cả trăm lần từng món của kho tàng đã được giao cho nó và chuẩn bị cập nhật sổ sách.
Nó bắt đầu ghi từ trí nhớ những món cụ thể vào cột thu:

THỨ HAI

Nhận của Guignard:
Một cúc quần.
Một dây roi, dài khoảng cánh tay.

Nhận của Mắt Cá ngáo:
Một dây nịt vớ cũ của mẹ nó, làm được thành hai cái mới.
Ba cúc áo sơ mi.

Nhận của Bati:
Một kim băng.
Một dây giày cũ bằng da.

Nhận của Féli:
Hai khúc dây cột, dài bằng cỡ người mình.
Một cúc áo ngoài.
Hai cúc áo sơ mi.

THỨ BA

Trong trận đánh trên rừng Saute tịch thu của tù binh Aztec bị Lebrac, Camus và Gibus anh bắt được:
Một đôi dây giày còn tốt.
Một nịt vớ.
Một đoạn dây bện.
Bảy cúc quần.
Một khóa quần.
Một đôi dải đeo quần.
Một khuy móc áo khoác.
Hai cúc áo khoác bằng thủy tinh màu đen.
Ba cúc áo len.
Năm cúc áo sơ mi.
Bốn cúc áo gi lê.
Một xu.

Tổng giá trị kho tàng:

Ba xu dành cho trường hợp khẩn cấp!
Sáu mươi cúc áo sơ mi!

“Khoan đã,” nó nghĩ, “có đúng là sáu mươi cúc áo sơ mi không đấy? Ông già không nhìn về phía mình. Có nên đếm lại không?”
Rồi nó thọc tay vào túi quần đầy những thứ của kho tàng và vài ba món của riêng nó. Marie chưa rảnh để khâu cho chúng nó một túi đựng có dây thắt như đã hứa với đạo quân. Với lại việc khâu túi này phải kín đáo, hơn nữa tối hôm qua nó về muộn nên chưa thể bàn bạc với em gái được.
Chiếc khăn mùi soa của Tintin giống như một cái nút chai chặn trên đống cúc. Không đắn đo thêm, nó kéo phăng chiếc khăn vì muốn kiểm tra sổ sách thật chính xác. Rầm! Những chiếc cúc của kho tàng lăn trên sàn, túa ra khắp lớp học, cùng với những hạt dẻ hay những viên bi.
Tiếp theo là một âm thanh như bị ngạt: những cái đầu như lớp sóng ngoái nhìn.
- Cái gì thế? - Bố Simon nghiêm giọng hỏi, vì từ hai hôm nay ông đã để ý đến thái độ khác thường của đứa học trò này.
Rồi ông ào ngay tới để tận mắt chứng kiến đó là thứ tội trạng gì, không mấy tin tưởng lắm vào sự thành thật của Tintin và lũ bạn nó dù ông đã dạy chúng những bài học đạo đức và kể chúng nghe câu chuyện về George Washington và câu chuyện về chiếc rìu nhỏ.
Vì Tintin quá kinh hoàng không nghĩ được gì nên thằng Lebrac chỉ kịp run rẩy chụp lấy quyển sổ chi thu nhét vội dưới ngăn bàn.
Nhưng hành động này không qua nổi đôi mắt cảnh giác của thầy giáo.
- Mày giấu gì đấy, Lebrac? Đưa ngay đây kẻo sẽ phải ngồi lại lớp tám ngày!
Đưa quyển sổ chi thu có nghĩa là tiết lộ điều bí mật đã làm nên sức mạnh và quang vinh của quân Longeverne: không, Lebrac xin vái cả nón, như anh thằng Camus vẫn nói một cách bóng bẩy. Nhưng mà tám ngày ngồi lại lớp?...
Lũ bạn nó lo lắng theo dõi cuộc đấu tay đôi này.
Lebrac đã chứng tỏ nó là bậc anh hào.
Nó mở ngăn bàn lần nữa, rút quyển lịch sử nước Pháp rồi nộp cho bố Simon, cho ông thầy đáng ghét này tấm hình em gái Tintin đã tặng nó như dấu hiệu của lòng chung thủy, một bông hoa tuy líp, cũng có thể là hoa păng xê, trên nền trời xanh, bên dưới mang hàng chữ trìu mến: để kỷ niệm - nó đã hiến dâng tín vật đầu tiên của tình yêu non dại mà trái tim nó hằng ấp ủ cho bàn thờ của tổ quốc Longeverne nhỏ bé.
Dĩ nhiên Lebrac thề với lòng rằng nếu bố Simon không xé ngay tấm hình thì nó sẽ tìm cách lấy lại từ bàn của ông ngay khi nó làm công tác quét dọn lớp hay khi ông quay lưng đi vì một lý do nào đấy.
Hỏi có mối tâm tư nào lại không dậy lên trong lòng nó, khi bố Simon trở lại bục giảng ngay sau đó?
Nhưng chuyện cúc rơi kia vẫn chưa được trả lời rõ ràng.
Lebrac ngập ngừng thú nhận rằng nó đã đổi số cúc nọ lấy tấm hình kia... Nhưng thầy giáo thấy chuyện trao đổi kiểu này rất khác thường và đầy bí ẩn.
- Mày làm gì với nhiều cúc như thế trong túi? - ông hỏi Tintin. - Tao dám cả quyết rằng mày đã lấy trộm của mẹ mày. Tao sẽ phải nói qua cho mẹ mày biết mới được... Cứ chờ đấy, rồi tao sẽ xem xét. Trước mắt, chiều nay hai đứa phải ngồi lại lớp một tiếng vì tội phá rối giờ học.
“Một tiếng ngồi lại lớp!”, những đứa khác nghĩ thầm. “Chậc, rõ hỏng bét! Chủ tướng và thủ kho bị phạt thì đánh đấm thế nào?”
Camus, từ cái ngày chiến bại đầy rủi ro, ngại không muốn nhận trách nhiệm tổng chỉ huy một lần nữa là điều chúng hiểu được. Phải làm sao, nếu hôm nay bọn Velrans vẫn cứ vác xác đến? Cà chớn hết sức!
Đúng là hôm qua chúng bị ăn đòn tơi tả khiến khó có khả năng hôm nay chúng lại dám ló mặt, nhưng với bọn ngu ngốc này thì ai dám nói chắc?
- Mấy cái cúc đâu cả rồi? - bố Simon hỏi.
Nhưng dù đã đeo kính, cúi nhìn dưới khắp các ghế, ông vẫn không thấy cái cúc nào. Thì ra trong lúc ông quở mắng, những chiến hữu thận trọng đã cẩn thận và kín đáo nhặt nhạnh hết đống cúc nhét sâu trong túi quần. Thành ra ông thầy không thể xác định được loại và số của đống cúc nổi tiếng này, đành chịu nghi nghi hoặc hoặc.
Nhưng khi trở lại bục giảng ông xé ngay - nhất định là do thù oán, thầy gì mà xấu bụng! - tấm hình đẹp đẽ của Marie thành hai mảnh, thờ ơ quăng vào sọt rác rồi tiếp tục giảng bài học dở dang. Lebrac tím mặt lại vì tức giận và đau đớn.
La Crique biết rõ Lebrac rất quý tấm hình này nên khéo léo làm bộ đánh rơi bút, rồi khi cúi nhặt nó lén lẹ làng thò tay vào sọt rác lấy ra hai mảnh hình quý báu kia, giấu vào một quyển sách.
Rồi để làm vui lòng chủ tướng, nó kín đáo dùng những miếng rìa tem dán hai mảnh ấy lại với nhau, trao cho Lebrac vào giờ ra chơi. Thằng này quá sức ngạc nhiên, sung sướng và cảm động đến nỗi suýt khóc và không biết phải nói gì để cám ơn La Crique, thằng bạn chân tình.
Nhưng phải ngồi lại lớp thì bực mình quá thể!
- Hy vọng thầy không mách gì với bố mẹ tao, - Tintin nghĩ và thổ lộ với Lebrac nỗi lo của nó.
- Ôi giời! - nó thì thầm. - Ông ấy quên lâu rồi! Nhưng từ giờ mày phải rất cẩn thận. Đừng thọc tay vào túi nữa! Nếu ông ấy biết trong túi mày còn nhiều nữa thì...

Trong giờ ra chơi cả đám chạy tới giao lại cho thủ kho số cúc chúng thu lượm được. Không đứa nào trách nó thiếu thận trọng. Chúng đều hiểu rất rõ trách nhiệm hết sức nặng nề nó đang gánh vác và tất cả những gì nó phải chịu trong tương lai với cương vị này - thì nó vừa bị phạt phải ngồi lại lớp chưa kể về nhà có khi còn bị đòn nữa đấy thôi.
Tintin cũng tự thấy như thế nên than phiền:
- Không được, tụi bay phải tìm người thủ kho khác thôi! Việc này quá nguy hiểm cho tao mà lại chán ngắt nữa. Chiều hôm qua tao đã không được cùng đánh với tụi bay, còn hôm nay thì bị phạt...
- Tao cũng thế! - Lebrac ngắt lời an ủi. - Tao cũng phải ngồi lại lớp vậy...
- Phải, nhưng chiều hôm qua mày được ném đá và vung gậy sướng tay, có hay không?
- Xì, nhằm nhò gì. Này, tụi tao sẽ thỉnh thoảng thay mày để mày cùng được đánh nhau.
- Phải chi tao có chỗ giấu số cúc này để chiều nay khỏi phải tha về nhà.
- Thế nhỡ có ai thấy? Chẳng hạn bố Gugu có thể quan sát mày từ nhà kho rồi sau đó thuổng mất hay kể lại cho bố Simon thì sao? Lúc đó thì tụi mình trơ mắt!
- Đâu có, Tintin, mày đâu có mạo hiểm gì! - Những chiến hữu khác đồng thanh hùa vào ủy lạo nó, trấn an nó, thuyết phục nó chịu giữ cái vốn liếng chiến tranh này - nguồn gốc của bao điều bực dọc và tin tưởng, của bao điều rủi ro lẫn tự hào.
Giờ học cuối thật u buồn, khoảng thời gian cuối buổi ra chơi chúng gần như im lìm, bất động, thỉnh thoảng mới rộ lên vài cuộc thảo luận bí mật và những tiếng bàn tán thì thào khơi dậy sự tò mò của thầy giáo. Thế là mất toi một ngày; việc phải ngồi lại lớp đã làm tắt phụt nhiệt tình tuổi trẻ và làm tê liệt khát khao vận động của chúng.
Sau khi Gambette và anh em Gibus ra về với vẻ mặt chán chường, một đứa lên đồi còn hai đứa kia về Vernois, bọn có nhà ở trong làng hỏi nhau: “Chiều nay mình làm gì?”
Camus đề nghị chơi bi, vì trò chơi đuổi bắt không đứa nào thích, bởi theo chúng thì trò chơi giống chiến tranh này so với trận đánh tuyệt vời ở Saute mới nhàm chán làm sao...
Thành ra chúng ra sân chơi bắn bi “carré”, mỗi ván một viên - để giết thì giờ hơn là thật sự ham thích, trong khi những kẻ bị giam giữ phải ngồi thêm một giờ chép phạt một đoạn trong quyển sách sử của France Blanchet bắt đầu như sau: “Khi chào đời Mirabeau* đã bị khoèo chân và đớ lưỡi, miệng mọc hai răng hàm báo trước một sức lực...” vân vân, nên chép lại cũng dễ.
[Gabriel Mirabeau (1749 - 1791): chính trị gia Pháp]
Trong lúc chép bài, tâm trí chúng phiêu du qua những khung cửa sổ để ngỏ, nghe tiếng bạn bè hò hét trong lúc chơi:
- Hết!
- Không!
- Tao nói trước mày!
- Nói xạo!
- Mày không trúng!
- Mày phải nhắm viên bi của Camus!
- Đó! Mày chết rồi! Mày có mấy viên?
- Ba!
- Không đúng, mày có ít nhất hai viên nữa! Nhanh lên, bỏ bi ra, đồ ăn cắp bẩn thỉu!
- Để lại một viên vào ô vuông, nếu mày muốn chơi!
- Tao cóc cần, tao sẽ tới gần đống bi và ăn hết!
“Dù sao thì chơi bắn bi cũng thú thật!” Tintin và Lebrac thầm nghĩ trong lúc chép lần thứ ba: “Khi chào đời Mirabeau đã bị khoèo chân và đớ lưỡi...”
- Lão Mirabeau này hẳn phải có một cái miệng khá bẩn thỉu, - Lebrac nói. - Chừng nào mới hết giờ đây!

- Mấy anh có thấy anh của em đâu không? - Marie hỏi khi đi qua đám chơi bi đang gân cổ cãi nhau về một cú bắn đáng ngờ.
Câu hỏi của cô bé khiến chúng hết nóng nảy. Mọi chuyện liên quan đến đại cuộc đều quan trọng hơn hẳn sự nổi nóng nhỏ nhặt do trò chơi gây ra.
- Em khâu cái bao xong rồi! - Marie nói tiếp.
- A, thế ư, cho xem nào!
Marie liền đưa cho những chiến binh sững sờ vì khâm phục xem cái bao bằng vải xám mới may thật chắc, to gấp đôi túi đựng bi bình thường; bao có hai sợi dây, thành ra miệng bao có thể thắt chặt không gì rơi ra nổi.
- Bao tốt quá! - Camus khen, nói lên lòng hâm mộ tột đỉnh trong lúc mắt nó ánh lên lòng biết ơn. - Với cái bao này thì khỏi lo!
- Hai anh kia sắp ra chưa? - Cô bé hỏi sau khi được biết về hoàn cảnh không may của anh trai và bạn trai mình.
- Mười phút hoặc gần mười lăm phút nữa, - La Crique đáp sau khi nhìn đồng hồ trên tháp chuông. - Bạn muốn chờ không?
- Không, - Marie từ chối. - Em sợ nhỡ có ai trông thấy em đứng đây với các anh rồi mách mẹ em rằng em là thứ con gái phất phơ. Em về nhà đây. Nhớ bảo anh của em phải về ngay đấy!
- Được rồi, được rồi, đừng lo, tụi mình sẽ bảo nó cho!
- Em sẽ chờ trước cửa, - cô bé nói thêm rồi cất bước về nhà.
Bọn con trai tiếp tục chơi, nhưng chỉ chơi chiếu lệ thôi, để chờ những kẻ bị giam giữ.
Quả thật, mười phút sau hai đứa kia - hoàn toàn ngán ngẩm với anh chàng Mirabeau chân khoèo và vân vân... - đi ra gặp lũ bạn đang chơi bi, bọn này chia số bi để chấm dứt trò chơi.
Vừa nghe báo tin Tintin liền chạy bay về nhà.
- Tao chuồn đây, - nó kêu lên. - Chỗ cúc của nợ này làm tao cứ bị cấn ở đùi, chưa kể là tao luôn sợ bị mất!
- Nếu được thì trở ra đây và mang theo cái bao với cúc nghe, - Camus gọi theo.
Tintin hứa rồi chạy gấp về gặp em gái.
Nó về đến nhà đúng lúc ông bố từ chuồng bò đi ra, đập roi đen đét lùa lũ vật tới máng nước.
- Mày không có chuyện gì làm sao? - Ông hỏi khi thấy nó ngồi cạnh Marie đang lo mạng vớ.
- Con thuộc bài rồi, - nó đáp.
- Ra thế! Ra thế! Ra thế!
Sau mấy lời cảm thán mập mờ này, ông bố bỏ mặc hai đứa con lại để chạy vội đến chỗ con Grivé đang cạ cổ thật mạnh vào hàng rào khu vườn Grand Coulas.
- Đi ra, đồ bò già! - Ông quát rồi đập cán roi lên hai lỗ mũi ướt át của con vật.
Ông vừa đi cách được một căn nhà thì Marie rút ngay cái bao nổi tiếng ra và Tintin moi hết cái túi căng phồng của nó, trải cả kho tàng lên trên tạp dề của em gái.
Rồi hai đứa xếp hết vào bao theo trật tự: trước hết là cúc, rồi đến khuy móc và kim khâu đã được gắn ngăn nắp vào một mảnh vải, cuối cùng là dây nhợ, băng cao su, dải tết và chỉ.
Thế mà vẫn còn chỗ, phòng khi bắt được thêm tù binh. Thật tuyệt vời!
Tintin thắt bao lại rồi đưa lên ngang mắt như người say ngắm ly rượu, cái bao nặng trĩu, nó nhấc nhấc xem nặng nhẹ thế nào; niềm vui làm nó quên sạch mọi lo âu và hình phạt mà trọng trách được chúng bạn giao phó vừa gây nên. Đến khi nghe tiếng giày gỗ của thằng La Crique gõ lốp cốp trên đường nó mới cúi đầu dò hỏi.
Thằng La Crique đang chạy thẳng tới chỗ anh em nó, thở không ra hơi, đôi mắt âu lo báo tin với giọng ồ ồ:
- Coi chừng chỗ cúc đấy! Bố mày đang tán hươu tán vượn với bố Simon. Tao chỉ sợ lão thầy cà chớn kể cho bố mày biết hôm nay bắt mày ngồi lại lớp vì chuyện gì thì biết đâu mày chẳng bị bố mày khám. Cố mà giấu chỗ cúc ấy đi, nhé? Tao phải chuồn đây, kẻo bố mày thấy tao lại nghi rằng tao đã cảnh báo mày.
La Crique vừa dứt lời thì đã nghe thấy tiếng roi của bố Tintin ngay góc đường rồi. La Crique len giữa những hàng rào của các vườn cây trái rồi biến đi như một cái bóng, trong khi đó Marie nhanh chóng đưa ra một quyết định vừa khéo léo vừa dứt khoát - cô bé cũng thấy thích thú với trò mạo hiểm này không kém bọn con trai. Cô bé gập tấm tạp dề lên, buộc chắc sau lưng khiến phía trước biến thành một kiểu túi, đoạn giấu bao cúc của quân Longeverne vào đấy rồi đặt mấy cái vớ đang mạng lên trên.
- Anh vào trong đi, - cô bé bảo anh, - làm như đang học. Em ngồi đây mạng vớ!
Dù làm ra vẻ chỉ quan tâm đến công việc đang làm, nhưng em gái Tintin vẫn kín đáo quan sát vẻ mặt bố. Từ đôi mắt ông liếc qua - hẳn để xem thằng con có còn ngồi chây lười ở ngưỡng cửa không - cô bé suy ra rằng nhất định sẽ có chuyện to.
Lũ bò đực, bò cái chen lấn, xô đẩy nhau để mau mau vào chuồng, khi đi qua máng ăn chúng còn nhanh mõm ngoạm thức ăn của bạn cùng chuồng trước khi ăn phần dành riêng cho mỗi con. Nhưng ông nông dân đã quật roi đánh đét, tỏ ý đe dọa rằng ông không dung túng việc ăn cắp như thế. Sau khi đã tròng xích sắt vào cổ từng con, ông nện đôi giày gỗ đen ngòm vì dính phân đi ra rồi đẩy cửa thông vào bếp. Ông thấy con trai đang ngồi ở đấy học làm tính cho ngày mai với vẻ chăm chú và chịu khó khác thường.
Nó đang học về phép tính trừ.
- Tính trừ là một phép tính dùng để... - nó lẩm nhẩm.
- Mày đang làm gì đấy? - ông bố hỏi.
- Con học bài số học cho ngày mai.
- Hồi nãy mày nói thuộc hết bài rồi mà.
- Con quên mất bài này.
- Bài gì vậy?
- Tính trừ.
- Tính trừ!... Chà, tao cứ tưởng là mày giỏi tính trừ rồi chứ, thằng ông mãnh!
Rồi thình lình ông quát:
- Lại đây!
Tintin vâng lời, cố tạo nét mặt ngạc nhiên và vô tội nhất có thể.
- Đưa túi quần tao xem! - ông bố ra lệnh.
- Nhưng con có làm gì đâu ạ, con có lấy gì đâu cơ chứ, - Tintin chống chế.
- Tao bảo mày đưa tao xem mày có những gì trong túi, đồ khốn! Nhanh lên!
- Con không có gì hết, không có gì hết thật mà.
Với vẻ mặt của một nạn nhân bị vu khống bỉ ổi, Tintin hờ hững móc túi quần bên phải lôi ra một miếng giẻ bẩn thỉu dùng làm khăn mùi soa, một con dao mẻ đã hỏng lò xo, một khúc dây bện, một hòn bi và một cục than để vẽ ô vuông khi chơi bi trên sàn nhà với chúng bạn.
- Chỉ có thế thôi à? - ông bố hỏi.
Tintin lộn lớp vải lót đen cáu bẩn ra ngoài cho thấy trong túi không còn gì nữa.
- Đưa tao xem túi kia!
Cũng màn thao tác ấy diễn ra lần nữa: Tintin lần lượt lôi ra khúc kẹo cam thảo đã gặm hết nửa, một miếng vỏ bánh mì, một lõi táo, một hột mơ, vài vỏ hạt dẻ và một viên đá tròn (để bắn ná thật tuyệt).
- Thế những cúc của mày đâu? - ông bố hỏi.
Ngay lúc ấy mẹ Tintin bước vào bếp. Nghe thấy tiếng “cúc” bản năng tằn tiện của người đàn bà nội trợ liền trỗi dậy.
- Cúc ư? - Tintin lặp lại. - Con đâu có cái nào!
- Không có cái nào à?
- Không, con không có! Cúc gì cơ?
- Thế những cái cúc mày có chiều nay đâu?
- Chiều nay à? - Tintin hỏi với nét mặt hoang mang, làm như cố tập trung trí nhớ.
- Đừng làm bộ ngớ ngẩn, đồ oắt con chết tiệt, không thì ốm đòn! - ông bố quát. - Chiều nay mày có và đã làm mất cả một vốc đầy cúc trong lớp. Thầy giáo mày mới vừa kể cho tao đây, rằng hai túi mày đầy nhóc cúc! Mày làm gì với chúng? Mày lấy ở đâu?
- Con đâu có cúc nào! Không phải con, mà là... mà là Lebrac, nó muốn đổi cúc cho con để lấy một tấm hình.
- Ra thế! - bà mẹ liền xen vào. - Vì thế mà tao không bao giờ tìm thấy một cái cúc nào trong giỏ khâu và trong ngăn máy may của tao! Cái thằng ông mãnh con này đã lấy hết của tôi! Không bao giờ còn được gì sất. Tôi tha hồ mua, mua mãi, chỉ công toi! Bọn này ăn trộm nhiều hơn là cha xứ kịp ban phép lành! Còn nếu không trộm thì chúng phá tan hoang mọi thứ chúng mang trên người, gãy giày, mất mũ, vứt khăn mùi soa bừa bãi và chẳng đời nào có được một sợi dây giày lành lặn! Lạy Chúa Jésus, lạy Mẹ Maria, lạy thánh Joseph! Chúa ơi, tôi biết làm gì với đám nhãi ranh này đây! Mà chúng làm gì với cúc mới được chứ?
- Thằng lưu manh chết bầm này! - Bố Tintin lại gầm lên. - Tao sẽ dạy cho mày biết thế nào là ngăn nắp và tằn tiện. Và bởi vì lời nói với mày như nước đổ đầu vịt nên mày phải chịu học ăn đá đít vậy!
Và thế là lời nói đi đôi hành động, ông túm tay thằng con, xoay nó lại, dùng đôi giày lem luốc nước phân in vào phần phía dưới lưng nó dăm ba dấu ấn làm tin, hy vọng chữa lành nó được một thời gian khỏi bệnh nghiện moi móc tìm cúc trong giỏ khâu của mẹ nó.
Tintin làm theo lời Lebrac đã khuyên lũ bạn vài ngày trước: gân cổ gào khóc trước khi bố nó đụng tới nó, rồi khi đôi giày gỗ tiếp xúc với mông nó thì nó càng gào to hơn và ghê rợn hơn, thậm chí nó kêu the thé đến nỗi Marie xúc động và kinh hãi, nước mắt giàn giụa chạy bổ vào, còn bản thân bà mẹ đang sững sờ thì tin rằng con trai bà thực sự phải chịu đựng thống khổ hay gần như vậy nên đã van xin chồng đừng quá mạnh tay.
- Tôi nào đã động gì đến thằng khốn kiếp này đâu, - ông bố đáp. - Lần tới tôi sẽ dạy cho nó rằng kêu gào thì phải có lý do! Tao mà bắt được mày, lục lọi ngăn kéo máy may của mẹ mày lần nữa, - ông nói thêm, - và tao mà tìm thấy cúc trong túi của mày thì mày ốm đòn!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét