Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần III-2

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

II. Những ngày trọng đại của Longeverne

...Người ta cũng nhớ tới sự phòng xa sáng suốt của ông, khi ông cho tích trữ lương thực và đạn dược, thiết lập trật tự và kỷ cương... người ta cũng không quên điều lệnh chiến tranh tuyệt vời ông đã ban hành...
Brantôme (Những thống soái Pháp lừng danh - M. de Guize)

“Dô ta! Dô ta!” mười anh chàng thợ mộc của Lebrac vừa hò vừa hổn hển nâng bộ khung nặng đầu tiên làm mái pháo đài để đặt cho đúng chỗ. Nhịp nhàng theo lời hô động viên nhau kia, hai mươi cánh tay cùng co những cơ bắp rắn chắc nâng công trình lắp ghép của chúng, khiêng tới đặt đúng vào những khớp mộng Tintin đã khoét.
- Từ từ, từ từ! - Lebrac ra lệnh. - Phải nâng cùng lúc! Đừng có làm gãy gì cả! Cẩn thận! Bébert, xích tới trước một tí! Thế, được rồi! Không được! Tintin, mày phải khoét cái khớp đầu rộng hơn một tí, hẹp quá. Lấy cái rìu ấy! Nào, làm đi!
- Tốt rồi, vừa vặn!
- Đừng lo, vững mà!
Rồi để chứng tỏ rằng tác phẩm của nó tốt, Lebrac nằm lên bộ khung bắc ngang khoảng trống trước cửa hang. Chẳng lung lay, nhúc nhích tí nào.
- Đó, thấy chưa! - Nó tự hào nói rồi đứng dậy. - Bây giờ mình đặt tấm phên lên!
Về phần Camus, sau khi bắc xong bậc tam cấp sơ sài bằng đá, tạo thành một thứ công trình hơi nghiêng nghiêng, nó liền bắt tay làm nốt những việc cuối cùng cho bức tường. Tường dày hơn ba piê, mặt ngoài lồi lõm vì nhà kiến trúc ra nó cố ý làm không thẳng thớm để che giấu lối vào hang, nhưng mặt trong bằng phẳng như thể được xây với sự trợ giúp của con rọi và được trau chuốt, mài phẳng, nắn nót, chà bóng và dựng lên bằng những viên đá có chọn lựa.
Cạnh thảm rêu trước hang là một đống lớn lá khô mà những đứa bé con trong bọn đã đem về. Tấm phên bện gọn gàng và chắc chắn. Mọi chuyện trơn tru. Bọn Longeverne không phải lũ chây lười... một khi chúng muốn.
Việc đặt tấm phên chỉ mất một phút, ngay sau đó một lớp dày lá khô che kín mặt trên của chiếc lều. Chúng chỉ để hở một lỗ bên phải cửa để thông khói (vì chúng muốn đốt lửa trong ngôi nhà của chúng).
Trước khi bắt tay vào trang trí nội thất, Lebrac và Camus kéo lên cao trước đoàn quân tề tựu đông đủ, mặt quay vào cửa, một bó lớn hoa tầm gửi màu xanh vàng như được phết gỉ đồng, điểm những trái dâu rực rỡ như những viên ngọc to giữa những chiếc lá. Xưa kia người Gaulois đã từng làm như vậy, La Crique bảo thế, vì nghe nói sẽ đem lại may mắn.
Chúng lớn tiếng reo hò:
- Chiếc lều muôn năm!
- Chúng ta muôn năm!
- Longeverne muôn năm!
- Tổ bà bọn Velrans! Tiêu diệt chúng!
- Đả đảo bọn cà chớn!
Sau khi niềm phấn khởi đã lắng xuống phần nào, chúng liền bắt tay vào việc dọn dẹp bên trong lều.
Chúng dọn đi những hòn đá không đều, thay bằng những hòn khác. Mỗi đứa đều có phần việc của mình. Lebrac phân công, chỉ đạo và chính nó làm việc bằng bốn đứa khác.
- Mình cất kho tàng và vũ khí sâu phía trong, sát tường đá. Phía trái, đối diện bếp, mình lấy ván ngăn lại một phần rồi dùng lá với rêu làm giường nghỉ êm ái cho những đứa bị thương và kiệt sức, thêm vài cái ghế bành. Phía kia, hai bên bếp lò, mình đặt ghế dài và ghế bành bằng đá, ở giữa mình để trống làm lối đi.
Đứa nào cũng muốn có một hòn đá riêng hay một chỗ nhất định trên ghế dài để ngồi. La Crique phải giải quyết vấn đề ngôi thứ khó khăn này bằng cách dùng than đánh dấu trên viên đá, dùng phấn đánh dấu trên ghế dài để khỏi tranh chấp về sau. Chỗ của Lebrac ở sâu phía trong, trước nơi để kho tàng và vũ khí.
Phía sau viên đá của chủ tướng chúng đặt giữa hai bức vách một thanh gỗ có đóng đinh. Mỗi đứa có đinh riêng để treo gươm, gác giáo hoặc gậy của mình. Quân Longeverne, như ta thấy, là những kẻ tán thành và tuân thủ kỷ luật chặt chẽ.
Vụ Camus suýt bị bắt tuần trước đã kìm hãm và làm nhụt ý định tự chuyên tự quyền của vài ba chiến sĩ; và vị trí tối cao của Lebrac rõ ràng là không thể chối cãi. Camus xây lò bếp bằng cách lấy một phiến đá phẳng thật to, chúng bảo đó là nham thạch, đặt lên nền đất; phía sau và hai bên lò nó dựng ba bức tường chắn thấp rồi đặt một phiến đá phẳng khác lên trên hai bức tường đối nhau, còn phía sau, ngay dưới lỗ thông trên nóc, nó để trống cho dễ thoát khói.
Còn cái bao kho tàng thì Lebrac đặt sâu tận trong, như thể đặt bình bánh thánh đã được ban phép, vào một tủ đựng bánh thánh bằng đá. Chúng trang trọng xây tường kín chung quanh. Chưa tới lúc cần thì chưa mở ra.
Trước khi đặt bao vào cái hầm nhỏ, nó giơ lên cho mọi tín hữu chiêm ngưỡng lần cuối cùng, kiểm lại sổ sách của Tintin, đếm kỹ lưỡng từng thứ một rồi cho phép, nếu đứa nào muốn, được nhìn và sờ kho báu một lần nữa, đoạn Lebrac đặt hết vào cái bàn thờ bằng đá cứ như cố đạo làm lễ.
- Đúng ra mình cần dăm ba cái hình, - La Crique lim dim mắt nói, vì nó nhen nhóm ý thích về thẩm mỹ và màu sắc.
Nó có trong túi cái gương giá hai xu, giờ đây nó đặt lên một gờ đá, gọi là cống hiến cho sự nghiệp chung. Đó là món trang trí đầu tiên của lều.
Rồi trong khi những đứa này chuẩn bị dựng giường và ghế thì những đứa khác ra ngoài nhặt nhạnh trong tầng cây thấp lá khô để làm nệm và cành con để dự trữ.
Vì không thể chứa nhiều củi như thế trong lều nên chúng liền quyết định dựng ngay sát bên cạnh một nhà kho thấp đủ lớn để chất củi dự trữ. Dưới một tảng đá nhô ra, trong nháy mắt chúng dựng cách cửa hang mười bước ba bức tường, mặt phía Bắc chừa một khoảng hở làm lối ra vào. Ở đây chúng để được tới hơn hai thước khối củi. Rồi chúng xếp củi thành ba đống khác nhau: to, vừa và nhỏ. Như thế, chúng đã chuẩn bị đầy đủ, có thể chờ đợi và bất chấp những ngày xấu trời.
Hôm sau công trình của chúng hoàn thiện. Lebrac mang đến phụ trang hình của các báo Petit ParisienPetit Journal, La Crique mang đến vài ba quyển lịch cũ, những đứa kia mang nhiều hình khác nhau: hình tổng thống Félix Faure xem quyển truyện Râu Xanh với vẻ tự mãn và ngô nghê, hình một bà lão về hưu bị bóp cổ treo đối diện hình một kỵ mã liều mạng phóng ngựa qua bờ công sự, và hình cụ già Gambetta, dĩ nhiên không phải của ai khác hơn thằng Gambette, mà đôi mắt hiếng uy quyền nhìn chòng chọc một cách khác thường một cô gái trẻ mặc áo hở cổ ngậm điếu thuốc lá và cô chỉ hút thuốc hiệu Nil hay Riz, như lời thuyết minh, hoặc ít ra cũng là hiệu Job.
[Tôi rất mong ba hãng nêu trên sẽ cám ơn tôi đã tự phát quảng cáo cho họ bằng cách mỗi hãng gửi cho tôi một hộp thuốc ngon nhất (chú thích của tác giả)]
Thật là màu mè và vui mắt. Những màu lòe loẹt vô cùng thích hợp với vẻ hoang dại của chốn này, chứ còn bức tranh La Joconde nhợt nhạt và giờ đã cổ lỗ lắm rồi thì sẽ không đúng chỗ tí nào.
Một chiếc chổi cùn dựng trong góc lều, cán nhem nhuốc do những bàn tay vấy bẩn. Chúng lấy trộm trong số những cái chổi lớp học đã thải ra. Ở đây nó lại có chỗ dùng.
Sau cùng, vì còn nhiều ván thừa, chúng lấy đinh ghép lại thành một mặt bàn. Trước chỗ ngồi của Lebrac chúng đóng bốn chiếc cọc vào nền làm chân bàn, lấy sỏi nêm chặt rồi lấy đinh đóng mặt bàn lên. Thành ra chúng có được một món đồ tuy không thuộc loại đẹp nhất nhưng để dùng thì cũng tốt như mọi thứ khác chúng đã tạo.

Còn trong lúc ấy bọn Velrans làm những chuyện gì?
Ngày ngày phe Longeverne đều thay lính gác ở căn cứ của chúng tại Bụi Cây Lớn, nhưng đội này không hề có cơ hội nào để thông báo cho quân mình bằng ba tiếng còi quy ước về một cuộc tấn công của địch.
Ấy thế mà bọn khốn kiếp này cũng đã len lén tới đấy; không phải ngày đầu mà là ngày thứ hai.
Phải, vào ngày thứ hai một nhóm địch quân hiện ra trước mắt Gibus em, đội trưởng đội tuần tra. Nó và các bạn quan sát kỹ càng việc làm và động thái của lũ đần này; nhưng rồi quân địch lại mau chóng biến đi đầy bí ẩn. Hôm sau hai ba thằng Velrans lại tới, thụ động đứng một hồi lâu ngay trước mặt đội gác Longeverne.
Có điều gì đấy khác thường tại căn cứ của thằng Aztec! Việc chủ tướng chúng nếm đòn cũng như chuyện thằng Méo ngã lộn đầu chắc chắn không chặn nổi nhiệt tình chiến đấu của chúng. Chúng có thể âm mưu gì chứ nhỉ? Đội gác Longeverne không có chuyện gì khác để làm nên cứ nghĩ tới nghĩ lui và đặt ra đủ thứ giả thuyết. Ngược lại Lebrac sung sướng vì được quân địch để yên, nên chẳng bận tâm tìm hiểu xem bọn Velrans làm gì trong những giờ khắc lẽ ra vẫn để đánh nhau này.
Nhưng sang ngày thứ tư, khi chúng đang tìm con đường ngắn nhất để kín đáo đi từ lều đến Bụi Cây Lớn thì đội trưởng trinh sát cử một lính canh về báo rằng lính canh địch vừa thốt ra những lời đe dọa mà tầm quan trọng của nó không thể nào nhầm được.
Hẳn là đại quân Velrans cũng bận rộn với việc gì khác. Có thể ở bên đó bọn chúng cũng dựng một chỗ trú quân hay tăng cường cho các vị trí hoặc đặt bẫy trong đường hào, ai biết được chúng làm gì? Giả thuyết logic nhất vẫn là chúng dựng lều. Nhưng ai có thể gợi ý này cho chúng? Tất nhiên đúng là sáng kiến một khi đã ra đời sẽ được truyền đi một cách đầy bí ẩn. Có một điều chắc chắn: bọn Velrans đang âm thầm chuẩn bị gì đây. Nếu không thì giải thích thế nào việc chúng không nhảy xổ vào đội canh ở Bụi Cây Lớn?
Rồi sẽ biết rõ thôi.
Tuần lễ trôi qua. Quân Longeverne dự trữ trong pháo đài của chúng khoai tây ăn cắp được. Chúng còn có cả vài ba cái xoong cũ đã chùi cọ cẩn thận để dùng. Ngoài ra chúng chỉ biết chờ đợi và phòng thủ. Tuy Gibus anh đề nghị tới ngay giữa khu rừng địch trinh sát, nhưng không đứa nào xung phong vào chuyến đi nguy hiểm này.
Tuy nhiên chiều ngày Chủ nhật hai đạo quân đã lại đối diện nhau với đầy đủ quân số, ra sức chửi bới và ném đá vào nhau. Cả hai bên đều sung sức thấy rõ và bộc lộ niềm tự hào bất khuất mà chỉ một tổ chức chặt chẽ với lòng tự tin tuyệt đối mới có nổi. Thế này thì thứ Hai sẽ đánh nhau khốc liệt đây!
- Mình phải lo học thật thuộc bài! - Lebrac dặn dò. - Ngày mai không đứa nào được để bị giữ lại lớp, sẽ đụng độ to đấy!
Và quả thật, chưa bao giờ chúng đọc bài trôi chảy như cái ngày thứ Hai ấy khiến bố Simon hết sức sửng sốt, vì những nguyên tắc sư phạm của ông bị sự thay đổi giữa lười biếng và chăm chỉ, giữa chú tâm và chểnh mảng của chúng làm đảo lộn hết cả. Nhưng làm sao anh có thể xây dựng lý thuyết trên thứ kinh nghiệm giả tạo được, khi những nguyên do thật sự, những nguyên do sâu kín nhất bị che khuất như khuôn mặt của Isis* dưới tấm mạng che mặt bằng đá?
[Isis: nữ thần Ai Cập thời cổ đại]
Sẽ gay go đấy.

Camus vừa bám cành đầu tiên trên cây sồi của nó để đu người lên thì ngã xuống. Cũng may không cao lắm nên Camus vẫn đứng được. Đó là đòn trả đũa của thằng Méo mà Camus đã tính tới, song nó cứ nghĩ thằng kia cũng sẽ cưa cái cành nó thường ngồi cơ. Tuy nhiên khi leo lên lại nó vẫn kiểm soát thật kỹ từng cành một trước khi ngồi vào. Vả chăng lát nữa nó sẽ leo xuống để tham gia tấn công và đánh giáp lá cà, nếu tóm được thằng Méo thì nó sẽ không quên bắt đối thủ trả món nợ nho nhỏ này.
Trừ chuyện lén lút này ra, còn thì trận đánh thật rõ ràng minh bạch.
Khi hai đạo quân đã ném hết sạch cả đá thì chúng nhất tề xông lên, vũ khí trong tay, quyết đấu một trận thư hùng.
Phe Velrans tiến theo hình cái nêm, trong khi phe Longeverne chia thành ba toán nhỏ: Lebrac dẫn đầu toán giữa, Camus toán bên phải, còn Gibus anh toán bên trái.
Không đứa nào nói một lời! Chúng nhích từ từ từng bước như lũ mèo rình nhau, lông mày cau lại, mắt tóe lửa, trán nhăn tít, mặt nhăn nhó, răng nghiến chặt, tay nắm chắc gậy, đốc gươm hay giáo.
Khoảng cách giữa hai đạo quân càng thu nhỏ lại thì bước chân của chúng càng ngắn. Ba toán Longeverne tập trung vào cái khối hình tam giác của phe Velrans.
Khi hai chủ tướng sắp giáp mặt, chỉ còn cách nhau hai bước thì chúng dừng lại. Hai đạo quân đứng bất động, song đó là thứ bất động của nước trước khi sôi sùng sục, vũ khí của chúng tua tủa nom thật kinh hoàng. Đứa nào cũng âm ỉ căm hờn, mắt bắn ra những tia chớp, nắm tay run rẩy vì giận dữ, môi run run.
Đứa nào sẽ xông lên đầu tiên, thằng Aztec hay Lebrac? Ta biết chỉ một cử chỉ, một tiếng thét thôi sẽ làm nổ bùng cơn giận dữ của cả đám, làm tuôn trào cơn thịnh nộ, làm phát tiết mọi năng lượng. Nhưng không một cử động nào xảy ra, không một tiếng thét nào vang lên và một sự im lặng u ám nặng nề không gì phá vỡ nổi trùm lên cả hai đạo quân.
- Quác, quác, quác! - Một bầy quạ bay qua bãi chiến trường về rừng cất tiếng kêu thảng thốt.
Tiếng kêu này đã làm bùng lên tất cả.
Một tiếng gầm không tên vọt ra khỏi cổ họng Lebrac, một tiếng hét kinh hồn bật ra từ đôi môi thằng Aztec và thế là hai phe nhảy xổ vào nhau dữ dội, không nhân nhượng.
Không thể phân biệt được gì hết. Hai đạo quân đan vào nhau, mũi nêm của phe Velrans chọc vào toán Lebrac, hai cánh quân do Camus và Gibus anh chỉ huy tấn công vào hai bên sườn phe địch. Gậy gộc không dùng được. Các chiến binh túm lấy nhau, bóp cổ, kéo, cào cấu, đấm, cắn, giật tóc nhau. Tay áo ngoài và tay áo sơ mi rách tơi tả dưới những ngón tay chộp chặt. Những lồng ngực trúng phải nắm đấm kêu huỳnh huỵch như trống, những cái mũi tóe máu, những con mắt giàn giụa.
Không nghe thấy gì khác ngoài tiếng gầm gừ, tiếng rống và những tiếng hét khàn khàn ú ớ: “Ha! Hô! Ran! Pằng! Ra! Cắc! Đồ chết bầm!” lẫn những tiếng rên rỉ như bị bóp nghẹt: “Ô! Ối giời! A!” quyện với nhau nghe thật đáng sợ.
Đó là một mớ bòng bong khổng lồ đang la hét của những cái mông và những cái đầu, đây đó thò ra những cánh tay những cái chân quấn vào nhau rồi lại rời ra. Cả cái khối này cụm lại rồi rời ra, rồi cụm lại, rồi rời ra. Cứ thế.
Chiến thắng ngả về những đứa khỏe nhất và hung tợn nhất. Một lần nữa thần chiến tranh lại mỉm cười với Lebrac và đạo quân của nó.
Những đứa bị trúng đòn nặng nhất rút lui. Boulot không biết bị đứa nào phang giày gỗ gãy mũi vừa bỏ chạy về Bụi Cây Lớn, vừa cố lau máu. Song phe Velrans tán loạn thấy rõ: tụi Tatti, Pissefroid, Lataupe, Bousbot và bảy tám đứa nữa tháo chạy trong tư thế cà nhắc hoặc tay buộc chéo qua vai hoặc môi bầm giập, có mấy đứa khác chạy theo chúng rồi lại thêm mấy đứa nữa, khiến những đứa lành lặn thấy mình dần bị bỏ rơi, cầm chắc là thua nên cũng đào tẩu để thoát nạn. Nhưng thằng Méo, thằng Mặt Bánh đúc và bốn thằng khác không đủ nhanh chân nên bị bao vây, bị mắc cạn rồi bị bắt sống lôi về Bụi Cây Lớn, dưới sự hỗ trợ của nhiều cái đá vào đít.
Thật là một ngày tuyệt vời.
Marie, được thông báo trước, đã có mặt trong lều. Gambette dẫn Boulot lại đây để băng bó. Còn chính nó cầm một cái xoong chạy ù tới con suối gần đấy múc nước về cho chiến hữu can trường của nó lau cái mũi đầy thương tích. Trong lúc đó những kẻ chiến thắng tịch thu hết của đám tù binh mọi thứ trong túi và cắt không thương tiếc mọi cái cúc.
Xong đứa này đến đứa khác; riêng thằng Méo được hưởng những vinh dự của buổi chiều hôm ấy. Đích thân Camus ra tay, không quên tịch thu chiếc ná của thằng Méo và bắt nó cởi truồng tô hô đứng trước cả đám cho đến khi xong bản án.
Bốn thằng kia, vì mới bị bắt lần đầu tiên, chỉ bị lạnh lùng cắt hết các cúc chứ không phải chịu những nhục hình không cần thiết.
Thằng Mặt Bánh đúc được để lại sau cùng, gọi là món tráng miệng, như chúng nói. Chả phải nó chính là thằng mới đây đã để lại dấu ấn phạm thượng trên thân thể Lebrac, sau khi đã gian ác ngáng chân chủ tướng hay sao! Chính thế, thằng khóc vờ này, thằng cận vệ bẩn thỉu này, thằng “thuốc chuột” này đã dám quất roi vào mông một chiến sĩ bị tước hết vũ khí, kẻ mà nó còn lâu mới có khả năng bắt nổi! Phải trừng trị hành động xấu xa này. Chúng sẽ tẩn cho nó một trận xứng đáng. Nhưng từ người nó tuôn ra một mùi đặc thù, một xú khí chịu không nổi khiến các chiến sĩ Longeverne có nhiệm vụ thi hành bản án, dù giỏi chịu đựng, cũng buộc phải bịt mũi.
Thằng khốn kiếp này đánh rắm như ngựa đực! Nó còn cả gan đánh rắm!
Thằng Mặt Bánh đúc lắp bắp không ai hiểu gì cả. Nó khóc mếu, than van, cổ họng rung lên vì nức nở. Rồi khi bị cắt hết cúc và bị tụt quần, chúng mới phát hiện được nguồn gốc cái mùi hôi kinh khiếp mà chúng thấy rằng vĩnh viễn không giảm mức độ kia. Hóa ra thằng Mặt Bánh đúc khốn khổ đã bĩnh đầy quần. Từ hai cái mông dẹp lép bết phân của nó tỏa ra một mùi ghê tởm đáng sợ khiến chủ tướng Lebrac dù sao cũng phải đại lượng mà chối từ việc đánh đòn trả thù và thả nó về cùng những đứa kia. Lebrac, trong thâm tâm, vui mừng và hớn hở về việc thằng chiến binh bẩn thỉu nhất trong hàng ngũ bọn chó chết và ỉa đùn Velrans đã tự trừng phạt, một cách thật tự nhiên, qua sự hèn nhát của nó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét