Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần II-2

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

II. Không gì đau khổ bằng thiếu tiền

Tuy nhiên hắn có tới sáu mươi ba cách để được đầy túi, nói chung cách hay nhất và phổ biến nhất là lấy trộm.
Rabelais (quyển II, Chương XVI)

Chiều hôm ấy rét cắt da cắt thịt. Thứ thời tiết quang đãng lúc trăng non. Mảnh trăng lưỡi liềm tôi thích giữ hình ảnh “cái sừng” màu bạc mỏng manh, nhợt nhạt, trong mờ dưới những tia nắng cuối ngày báo trước một trong những đêm giá lạnh kinh người và gió sẽ giật nốt những chiếc lá cuối cùng còn sót lại đang xào xạc trên những cành cây u buồn như tiếng lục lạc rè rè của bầy ngựa gió.
[Bầy ngựa gió (cavale du vent): tác giả ví gió như ngựa]
Boulot run rẩy kéo chiếc mũ màu xanh trùm kín tai; Tintin cũng kéo hai miếng che tai trên mũ xuống, những đứa khác cũng tìm cách chống lại làn gió bấc buốt như kim châm. Chỉ riêng Lebrac - da vẫn còn sạm nắng hè, đầu trần, phanh áo khoác - cười cợt, xem chút lạnh kia nào bõ bèn gì, như nó nói.
Trong lúc bọn đến trước ngồi ở mỏ đá chờ bọn đến sau thì chủ tướng Lebrac cử Tétas, Gibus em và Guignard canh chừng bìa rừng phía quân địch.
Nó trao toàn quyền cho Tétas:
- Mười lăm phút nữa tụi tao huýt còi, nếu mày vẫn chưa thấy động tĩnh gì của bọn kia thì hãy leo lên cây sồi của thằng Camus. Nếu vẫn không thấy gì cả có nghĩa là chắc chắn bọn chúng không đến. Bấy giờ bọn bay trở về gặp tụi tao ở nơi mình đóng trại.
Ba đứa gật đầu tuân lệnh đi tới chỗ canh gác, đám còn lại đi lên sào huyệt của Camus, nơi chúng cởi đồ chiều hôm qua.
- Mày thấy đấy, - Boulot nhận định, - chiều nay mình đâu có ở truồng được!
- Thôi - Lebrac đáp. - Một khi đã quyết định làm việc khác thì không cần nhắc lại việc đã qua làm gì!
Cái sào huyệt này của Camus thật hết sức thoải mái. Mỏ đá lộ thiên hình thành một bức tường thiên nhiên che chắn mưa và tuyết từ phía Velrans - hướng Tây với hướng Nam - và từ phía dưới. Từ những phía khác, các cây to, chỉ để hở vài khe trống hẹp giữa chúng và những lùm cây, đã chắn không ít những luồng gió hoàn toàn chẳng ấm áp gì từ hướng Bắc và hướng Đông trong buổi chiều hôm ấy.
- Mình ngồi đi! - Lebrac đề nghị.
Mỗi đứa tự tìm lấy chỗ ngồi. Những viên đá phẳng to rất tiện. Sau khi đã yên chỗ, các chiến binh ngồi nhìn chủ tướng của mình.
- Vậy là mình đã đồng ý, - Lebrac rành rọt nhắc qua về cuộc biểu quyết sáng nay, - rằng mình sẽ chung sức đóng góp để có một kho tàng phục vụ chiến tranh.
Mười đứa không có tiền đóng góp nhất loạt phản đối.
Thằng Mắt Cá ngáo - bị gọi như vậy vì đôi mắt nó tròn to thô lố như muốn lòi khỏi trán, đứng cạnh nó thì thằng Guignard thật là một trang anh tuấn chẳng kém Adonis - thay mặt cho cả bọn không có xu nào lên tiếng.
Bố mẹ nó là nông dân nghèo, đầu tắt mặt tối từ mồng một tháng Giêng đến tận giao thừa kiếm sống qua ngày và dĩ nhiên không thể thường xuyên cho con tiền túi để tiêu thỏa thích được.
- Lebrac, - nó nói, - thế là không được! Mày sỉ nhục bọn nghèo chúng tao! Mày từng nói là mình bình đẳng; nhưng mày biết rõ là không phải như thế, rằng tao, thằng Zozo, thằng Bati và những đứa khác không đời nào có nổi một xu teng. Tao biết mày rất dễ thương đối với bọn tao. Khi mày mua kẹo, thỉnh thoảng mày vẫn cho tụi tao ăn ké, mày cũng cho tụi tao liếm thỏi sô cô la và kẹo que cam thảo của mày; nhưng mày cũng biết rõ là nếu tụi tao ngẫu nhiên có được một xu thì bố mẹ chúng tao tịch thu ngay, bảo rằng để mua gì đấy cho chúng tao mà thật ra chúng tao chẳng bao giờ được thấy những thứ ấy cả. Sáng nay chúng tao đã giải thích rồi. Chúng tao không đóng góp nổi. Chúng tao là hạng mạt rệp! Tụi mình đây không phải là nước Cộng hòa và tao không tuân thủ nghị quyết!
- Tụi tao cũng không luôn! - chín đứa kia hùa theo.
- Tao đã bảo tụi bay rằng mình sẽ dàn xếp mà! - chủ tướng quát. - Và mình sẽ dàn xếp. Nếu không tao không phải là thằng Lebrac, không phải chủ tướng của bọn bay, chẳng là cái cóc gì hết thảy, mẹ kiếp!
Còn bây giờ nghe đây này, mấy thằng ngốc, vì tụi bay chẳng tự nghĩ ra được gì hết trơn hết trọi!
Tụi bay tưởng tiền rơi vào tay tao à? Tụi bay tưởng ông bà già tao cũng không chụp ngay của tao từng xu mà bố hay mẹ đỡ đầu của tao hay của ai đó ghé qua uống rượu rồi dúi cho tao ư? Là cái chắc! Nếu tao không lỉnh ngay rồi sau đó nói rằng đã lấy xu ấy mua bi hay sô cô la thì sẽ mất ngay! Nếu bảo đã mua bi rồi thì tao phải chìa bi ra cho ông bà già coi, nếu không có thì tao phải xùy đồng xu ra. Khi ông bà già tao thấy mấy hòn bi thì “bốp!” tao được ăn mấy cái tát để hiểu rằng đồng tiền mồ hôi nước mắt không thể tiêu xài vô lối. Còn nếu tao nói rằng đã mua kẹo mất rồi thì tao không phải chìa kẹo ra mà ăn liền vài cái tát, rồi ông bà già chửi tao là đồ hoang phí, tham ăn, phá gia chi tử và còn những gì gì nữa.
Đấy, chính vì thế mình phải biết cách mới sống nổi trên cõi đời này và tao sẽ chỉ cho tụi bay biết như thế nào.
Tao không nói tới những khoản tiền thưởng mà ai cũng có thể kiếm được khi làm việc cho bà giúp việc của cha xứ hay bà vợ bố Simon; mấy mụ này thường keo kiệt, ít khi chịu xùy ra chút gì. Những xu có được vào dịp lễ rửa tội hay đám cưới ta cũng không tính tới làm gì, vì hiếm khi có. Nhưng cũng có vài cách mà chúng ta có thể làm được: Chẳng hạn mỗi tháng lão buôn quần áo cũ tới kho chứa nhà Fricot. Các bà mang bán cho hắn giẻ rách và da thỏ. Tao luôn mang tới bán cho hắn xương và đồ đồng nát. Hai anh em Gibus cũng thế, phải không, Gibus anh?
- Đúng thế.
- Đổi lại lão trả cho mình tranh ảnh, vài ngòi bút đựng trong một cái hộp nhỏ, hình dán hay một hai xu tùy món mình bán cho lão. Kẹt lắm lão mới trả bằng tiền, vì lão rất keo kiệt, chỉ thích dụ khị đổi thứ xương đùi tổ bố hay sắt tốt của mình lấy ba món vớ vẩn của lão, còn hình dán của lão cũng không dính nữa cơ. Thành ra cứ phải đòi thẳng: Tôi muốn một hay hai xu, thậm chí ba xu, nếu mình có nhiều đồ. Nếu lão không chịu thì mình cứ việc trả lời: “thế thì đừng hòng” rồi mang hàng về. Lão bần tiện kia sẽ gọi chúng mình lại!
Dĩ nhiên tao biết không phải lúc nào mình cũng có cả đống xương hay đồ sắt. Cách hay nhất là tụi bay kiếm vải vụn trắng, thứ này đắt hơn cả và có thể bán theo ký với giá cao.
- Ở nhà tao không dễ có đâu, - Mắt Cá ngáo phản đối. - Mẹ tao có một cái bao trên nóc tủ. Bà nhét mọi thứ lỉnh kỉnh vào đấy.
- Thì mày chỉ cần thỉnh thoảng móc lấy một ít. Nhưng còn nhiều cách nữa. Nhà tụi bay nuôi gà, nhà ai cũng nuôi gà cả. Thế thì bay chỉ việc hôm nay cuỗm từ ổ gà một quả trứng, mai một quả, ngày kia một quả. Bay phải vào chuồng trước khi gà nằm ổ. Rồi giấu kỹ trứng ở một góc nhà kho, rồi khi có đủ một tá hay nửa tá bay đặt cẩn thận vào giỏ rồi tới quán của mẹ Maillot, như thể được nhà sai đi vậy. Vào mùa đông mụ ta có thể trả tới hai mươi bốn xu một tá trứng. Với nửa tá trứng bay đủ tiền đóng góp nửa năm rồi.
- Ở nhà tao thì đừng hòng, - Zozo cả quyết. - Bà già tao chiều nào, sáng nào cũng chạy theo đàn gà, sờ đít chúng xem có trứng không. Bà luôn biết trước chiều đến sẽ có bao nhiêu trứng trong ổ. Thiếu một quả là sẽ ỏm tỏi ngay!
- Còn một cách nữa, cách này hay nhất. Tao khuyên tất cả bọn bay nên làm. Tao muốn nói tới những buổi bố chúng mình say sưa. Lần nào thấy bố tao đánh bóng giày để đi chợ phiên ở Vercel hay Baume tao đều mở cờ trong bụng. Ở đó ông chén đẫy với những nông dân từ mạn ngược xuống hay từ dưới xuôi lên; ông uống suông vài cốc rượu trắng, vài cốc khai vị hay vang. Trên đường về ông với những người kia còn d lại ở mọi quán, rồi trước khi về nhà bố tao còn uống một cốc absinthe ở quán Fricot. Mẹ tao phải đi đón. Mẹ tao không ưa tí nào; lần nào bà cũng cằn nhằn, rồi bố mẹ tao vặc nhau, về tới nhà mẹ tao hỏi ông đã tiêu hết bao nhiêu tiền rồi. Ông già tao gầm lên rằng ông là chủ gia đình, chuyện này chẳng liên quan gì đến bà già, rồi ông quăng áo xống lên ghế lăn ra ngủ. Sau đó, khi mẹ tao ra đóng cửa giả và cho lũ bò ăn thì tao lục túi và ví tiền của bố tao.
Ông không bao giờ biết rõ trong đó còn bao nhiêu. Tao lấy hai, ba hay bốn xu, tùy lúc. Có lần tao lấy những mười xu, nhưng thế là quá nhiều, tao không dám làm lại nữa, vì ông già tao đã nghi rồi.
- Rồi sao? Bố mày có cho mày một trận không? - Tintin hỏi.
- Còn lâu! Mẹ tao lãnh đủ thì có. Bố tao cho rằng mẹ tao đã lấy khi dọn phòng. Ông la lối mẹ tao dữ lắm!
- Ừ, đúng là một mánh hay! - Boulot thừa nhận. - Mày thấy sao, Bati?
- Với tao thì chẳng ích lợi gì, vì bố tao không bao giờ uống rượu cả.
- Không bao giờ? - Cả đám cùng ồ lên sửng sốt.
- Không bao giờ, - Bati buồn xo lặp lại.
- Đúng là một tai họa đấy, bồ tèo ơi, - Lebrac kêu lên. - Một tai họa lớn! Một tai họa thật sự! Thế thì đành bó tay thôi.
- Chịu thua à?
- Chậc, thế này thì chỉ có cách ăn bớt ăn xén khi đi mua đồ thôi. Tao “dải thích” nhé: khi phải trả bằng tiền lớn thì mày lấy một xu rồi bảo rằng đánh mất. Dĩ nhiên mày sẽ ăn vài cái bợp tai, nhưng dưới thế gian này làm gì có chuyện miễn phí. Song, cách hay nhất là mình cứ kêu toáng làng nước lên trước khi bị ông bà già đánh, kêu to hết sức khiến họ không dám thẳng tay. Còn nếu không phải là tiền lớn thì mình cũng có thể làm cách khác. Chẳng hạn mình được sai đi mua rau cải. Có thứ bốn xu một bịch, có thứ năm xu. Thế thì nếu mình có năm xu mình lấy một bịch bốn xu rồi bảo rằng tại hàng họ đắt hơn. Khi nhà sai đi mua hai xu tương mù tạt, mình mua một xu thôi rồi về nhà bảo rằng không được nhiều hơn. Đâu nguy hiểm gì. Cùng lắm bà mẹ bảo rằng lão hàng xén là quân ăn cướp, là đồ lưu manh, rồi cũng xong.
Với lại mình không bắt ai phải làm chuyện gì không thể được. Nếu bay có đồng xu bằng cách nào đấy thì đóng vào quỹ, nếu không cũng chẳng sao, mình sẽ xem có cách giải quyết nào khác không.
Mình cần tiền để mua những thứ cần thiết. Nhưng nếu bay tìm thấy đâu đó một cái cúc, một cái khuy móc, một sợi dây giày, một sợi dây thun hay một đoạn dây thì cứ bỏ túi rồi giao lại, khuếch trương kho tàng phục vụ chiến tranh của mình.
Ta sẽ ước tính món ấy đáng giá bao nhiêu, dĩ nhiên phải lưu ý là nó cũ rồi, chứ không phải mới tinh. Đứa nào quản lý kho tàng sẽ phải có sổ ghi chép chi thu đàng hoàng. Nhưng cách hay nhất vẫn là mỗi đứa trả được một xu. Có thể rồi đây mình tiết kiệm được chút đỉnh, ai biết được. Bấy giờ mình sẽ ăn mừng sau một trận chiến thắng.
- Ồ, tuyệt diệu, - Tintin tán thành ngay. - Có bánh ngọt, kẹo sô cô la...
- Cá mòi!
- Trước hết phải kiếm được tiền đã! - chủ tướng nhắc nhở. - Với bao nhiêu cách tao bày vẽ cho tụi bay thì phải là thậm ngu mới không kiếm nổi mỗi tháng một xu.
- Đúng lắm! - đám có tiền đồng thanh đáp.
Nhưng ngay cả bọn không tiền cũng hừng hực lửa sau những giải thích của Lebrac nên cũng tán thành đề nghị của nó luôn. Chúng thề rằng trong tháng tới sẽ làm đủ mọi cách để có thể đóng góp phần mình. Còn tháng này thì chúng đóng cho thủ kho hiện vật và mọi thứ chúng kiếm được.
Nhưng ai làm thủ kho đây?
Lebrac và Camus với tư cách là chủ tướng và phó tướng không thể đảm nhiệm chức trách này được. Cả Gambette cũng thế, vì nó thường hay vắng mặt ở trường; với lại nó nhanh chân cần để đưa tin khi có chuyện chẳng lành. Lebrac đề nghị La Crique, vì La Crique tính toán giỏi, viết nhanh và rõ ràng, thật thích hợp với trọng trách khó khăn và cần được tín nhiệm này.
- Không, tao không làm được, - La Crique từ chối. - Bay đặt mình vào vị trí của tao sẽ thấy ngay: tao ngồi ngay sát bục giảng; bố Simon có thể thường xuyên thấy việc tao làm. Thế thì lúc nào tao giải quyết được việc sổ sách? Hoàn toàn không được. Thủ kho phải là một đứa ngồi ở cuối lớp. Tintin có thể là đứa thích hợp!
- Được, Tintin vậy, - Lebrac tán thành. - Sau khi cân nhắc thì mày phải làm thôi. Với lại Marie cũng muốn tới để đính cúc cho tù binh của phe mình mà. Đúng rồi, chỉ có mày thôi.
- Nhưng nếu tao bị bọn Velrans tóm thì mình sẽ mất ráo kho tàng.
- Vậy thì mày sẽ không tham gia đánh nhau, mà chỉ ở lại phía sau xem thôi. Đôi khi mình cũng phải hy sinh vì đại nghĩa chứ.
- Đúng rồi! Tintin phải làm thủ kho!
Tintin được chúng hoan hô bầu lên, thế là mọi chuyện được giải quyết, hay là gần như thế, vì chúng còn phải chạy tới Bụi Cây Lớn xem ba đứa canh gác ra sao. Mải thảo luận nên chúng quên không gọi mấy đứa đó về.
Tétas không phát hiện gì hết. Ba đứa bọn chúng vừa tán dóc vừa hút thuốc làm bằng cọng cây ông lão. Chúng được thông báo về quyết định mới đây và cả ba đứa đều tán thành. Toàn quân thống nhất từ ngày mai sẽ đóng nguyệt liễm cho Tintin. Ai kiếm nổi tiền thì nộp tiền, không thì đóng bằng hiện vật.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét