Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần I-1

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

Giới thiệu

Bọn trẻ hai làng Longeverne và Velrans tiến hành một cuộc chiến tranh khuy cúc! Một cuộc chiến, từ xửa từ xưa, dĩ nhiên là trẻ con, nhưng hề kém lớn lao nghiêm trọng. Không đổ máu như chiến tranh của người lớn, đương nhiên, nhưng cũng nguy hiểm xiết bao khi thân đã lỡ rơi vào tay địch mà mình thì tự ái đằng đằng! May mà sẵn khuy còn cúc! Thiếu thứ chiến lợi phẩm tối hậu ấy thì sao thoát khỏi thân phận của kẻ thủ bại, ôi ô danh, ôi xấu hổ, bị lột truồng nhục nhã, chim cò tồng ngồng, đít lằn lươn trạch...
Cuộc chiến khuy cúc là tác phẩm kinh điển trong đó Louis Pergaud, văn tài đầu xanh bạc mệnh của nước Pháp, đã trút vào cả nhiệt tình, cả nhựa đời, cả cái hài thô sống nghịch dị kiểu Rabelais cùng nỗi buồn thơ ấu vĩnh cửu... Một kiệt tác. Tùy tâm vỡ bụng.

Một tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi, cho những người không ngại vượt qua sự e thẹn của lời nói”. (Xavier Marciniak)


Phần Một: Chiến Tranh

I. Tuyên chiến

Về phần chiến tranh... thật là thú vị khi thấy nó nổ ra do những nguyên nhân xiết bao vô nghĩa và lụi tàn bởi những tình huống hết sức đơn giản: cả châu Á kiệt quệ trong chiến tranh vì Paris là một mụ tú bà.
Montaigne (Quyển 2, Chương XII)

- Gibus anh ơi, chờ tao với! - Boulot gọi, tay khệ nệ sách vở.
- Nhanh lên nào, tao không có thì giờ để nhẩn nha!
- Mày có tin gì mới không?
- Có thể!
- Tin gì?
- Đi đi mà!
Sau khi Boulot theo kịp anh em Gibus, hai thằng bạn cùng lớp, thì cả ba đứa sánh vai nhau đi về hướng nhà làng.
Hôm ấy là một buổi sáng tháng Mười. Trời vần vũ mây xám khiến đồng quê mang một vẻ u buồn và người ta chỉ thấy được tới rặng đồi gần nhất thôi. Những cây mận trụi lá, những cây táo úa vàng, những chiếc lá dẻ lượn lờ rơi, mới đầu chầm chậm đánh một vòng lớn, rồi khi nghiêng xeo xéo thì đâm bổ xuống như chim cắt. Khí trời ẩm và ấm áp. Gió giật từng cơn. Chiếc máy đập lúa rì rì nhả một âm trầm đục đơn điệu; thỉnh thoảng, khi nó nghiến cả bó, cái âm thanh kia kéo dài thành tiếng rên rỉ buồn thảm như tiếng thút thít hấp hối tuyệt vọng hay tiếng nức nở đầy đau đớn.
Mùa hè vừa dứt và mùa thu vừa tới.
Bấy giờ vào khoảng tám giờ sáng. Mặt trời lấp ló buồn rầu sau những áng mây và một nỗi lo sợ, lo sợ vu vơ, trĩu nặng trên xóm làng và đồng ruộng.
Việc đồng áng đã xong. Từ hai ba tuần nay những mục đồng bé bỏng đã trở lại trường lớp, một mình hoặc từng nhóm nhỏ. Da chúng sạm nắng, mái tóc rậm rịt húi gần như trọc bằng tông đơ (cũng thứ tông đơ dùng xén lông bò), quần bằng vải phaen hay vải thô chắp nối với đầy những mụn vá ở đầu gối và mông, nhưng rất sạch sẽ, áo khoác xám mới cứng quèo, những ngày đầu thôi màu đến nỗi tay chúng đen nhẻm như chân cóc - chúng bảo thế.
Hôm ấy chúng lê bước trên đường, bước chân chúng dường như thêm nặng nề vì toàn bộ nỗi buồn của thời tiết, của mùa thu và cảnh vật.
Trong lúc đó vài đứa, những đứa lớn, đã có mặt trong sân và đang say sưa thảo luận. Thầy giáo, bố Simon, mũ lệch sau đầu, kính gài trên trán, nom át cả đôi mắt, đang đứng trước cửa lớp trông ra đường. Ông giám sát việc vào lớp, quở trách những đứa đến muộn. Mấy cậu bé lần lượt ngả mũ chào, đi qua trước mặt ông rồi theo hành lang tỏa vào sân.
Boulot đã bắt kịp hai anh em Gibus nhà ở Vernois. Chúng không có vẻ gì là bị lây nỗi buồn man mác đã níu bước chân lũ bạn của mình.
Chúng đến sớm hơn mọi ngày ít nhất là năm phút. Trông thấy chúng, bố Simon vội rút đồng hồ ra rồi đưa lên tai để biết chắc nó còn chạy tốt và ông không bắt đầu trễ tràng giờ học.
Ba đứa bạn, vẻ âu lo, bước vội vào khoảnh sân hình vuông nằm phía sau nhà vệ sinh, được ngôi nhà của bố Gugu (tên thật là Auguste) láng giềng che chắn. Nơi đây đã có mặt phần đông những đứa lớn. Có chủ tướng Lebrac, còn gọi là Braque [Braque: một giống chó săn] lớn, phó tướng Camu hay Camus, nhà leo cây cự phách vì không đứa nào leo bắt tổ chim sơn thước, loài chim mà dân ở đây gọi là “camus”, giỏi bằng nó, có Gambette nhà trên Sườn đồi, bố nó là một người cộng hòa [Người cộng hòa là người chống chế độ quân chủ, chứ không theo nghĩa đảng phái như ở một số nước - chẳng hạn ở Mỹ] nòi, con một chiến sĩ của cuộc cách mạng năm 1848 từng bảo vệ Gambetta [Léon Gambetta (1838 - 1882): chính trị gia Pháp, chống lại đế chế thứ hai] trong những giờ phút dầu sôi lửa bỏng, có La Crique chuyện gì cũng biết, có Tintin và Guignard mắt lác, cứ phải quay qua một bên để nhìn thẳng mặt người khác, có Tétas hay Tétard với cái đầu to, nói ngắn gọn là những đứa “chì” nhất làng. Chúng đang thảo luận một việc nghiêm trọng.
Việc anh em Gibus và Boulot tới cũng không làm gián đoạn buổi thảo luận. Có vẻ những đứa mới tới này biết rõ bạn chúng đang thảo luận chuyện gì, chắc chắn là một chuyện cũ mèm muôn thuở, nên chúng tham gia liền, vì chúng mang tới những dữ kiện và luận cứ quan trọng.
Bọn kia ngừng nói.
Gibus anh, gọi thế để phân biệt với Gibus em, liền lên tiếng:
- Này nhé! Khi em tao và tao về tới khúc quanh gần nhà Menelot thì bọn Velrans thình lình xuất hiện ngay cạnh mỏ đá nhà Jean-Baptiste. Chúng rống lên như bê con, ném đá và vung gậy vào tụi tao. Chúng chửi tụi mình là đồ hèn, đần, ăn cắp, con heo, mắc dịch, chết giẫm, đê tiện, non hột...
- Đồ non hột à? - Lebrac ngắt lời. - Rồi mày trả lời bọn chúng thế nào?
- Rồi tao với em tao tẩu ngay chứ còn gì nữa; tụi tao nào đông gì cho cam, còn bọn kia mười lăm đứa là ít. Bị chúng tóm được thì ốm đòn là cái chắc.
- Chúng gọi hai đứa bay là đồ non hột! - Camus vĩ đại nhấn mạnh từng tiếng một, rõ ràng là nó bị sốc, bực mình và giận dữ vì cái tên gọi này nhục mạ cả đám. Dứt khoát là anh em Gibus bị sỉ nhục và tấn công chỉ vì chúng là người làng Longeverne và học ở trường này.
- Đúng thế, - Gibus anh nói, - ý tao thế này: nếu tụi mình không phải đồ thỏ đế, vô tích sự và chết nhát thì tụi mình phải chứng tỏ cho bọn chúng biết tụi mình có phải thứ non hột hay không!
- Nhưng mà non hột nghĩa là gì đã nào? - Tintin hỏi.
La Crique ngẫm nghĩ.
- Non hột!... Hột... là gì thì ai cũng biết, tất nhiên rồi, vì ai cũng có, kể cả thằng Miraut tàng tàng... hột trông giống như hạt dẻ đã bóc vỏ. Nhưng mà non hột!... non hột!... thì...
- Chắc chắn có nghĩa là ta chẳng ra cái quái gì hết, - Gibus em ngắt lời. - Vì tối hôm qua lúc giỡn chơi với tay thợ xay Narcisse nhà tao, tao gọi hắn là đồ non hột, chỉ đùa thôi. Đúng lúc ấy bố tao đi ngang qua mà tao không thấy. Chẳng nói chẳng rằng ông giáng luôn cho tao hai cái tát. Thế đấy...
Lý lẽ vững không cãi được, đứa nào cũng thấy.
- Thế thì, bố khỉ, mình cần quái gì suy tính lâu thêm, - Lebrac tuyên bố. - Mình phải trả thù thôi. Tao nghĩ vậy đấy! Còn tụi bay, ý tụi bay thế nào?
- Mấy thằng nhóc đái dầm này cút đi chỗ khác, - Boulot quát mấy đứa nhỏ đang lân la lại gần nghe trộm.
Quyết định của Lebrac vĩ đại được cả bọn “nhất một trí” tán thành, theo cách nói của chúng. Đúng lúc ấy bố Simon xuất hiện nơi khung cửa, vỗ tay ra hiệu kêu chúng vào lớp. Vừa thấy bóng ông cả lũ liền ào vào nhà vệ sinh, vì chúng luôn để cái việc giải quyết nhu cầu đều đặn và tự nhiên này đến phút cuối cùng.
Và những kẻ đồng lõa lặng lẽ nối đuôi nhau xếp hàng, mặt mũi thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra và như không phải ít phút trước đây chúng vừa đưa ra một quyết định trọng đại và đáng sợ.
Chúng không mấy hào hứng trong buổi học sáng hôm ấy và thầy giáo cứ phải lớn tiếng để buộc học trò chú tâm. Chúng không chuyện trò huyên náo, nhưng đều như ở cả trên mây, hoàn toàn thờ ơ với bài giảng về lịch sử hệ mét, vốn rất có thể có ích cho những thiếu niên nước Cộng hòa Pháp.
Nhất là chúng thấy định nghĩa về mét sao mà rắc rối khủng khiếp. “Mười phần triệu của một phần tư... của một nửa... của... cứ như cư...!”, Lebrac vĩ đại thầm nghĩ.
Rồi nó kín đáo nghiêng qua thì thầm với Tintin, thằng bạn ngồi bên cạnh.
- Ơ-kêu-ca!
Chắc chắn là Lebrac vĩ đại định nói “Ơ-rê-ka”! Số là có lần nó nghe loáng thoáng đâu đó rằng thời xa xưa Archimède từng đánh trận bằng hạt đậu lăng*.

[Ơ-rê-ka (Eureka): “Tôi tìm ra rồi”, tương truyền Archimède đã reo lên như thế khi phát hiện ra định luật về sức đẩy]

*[Archimède (287 - 212 trước CN): tương truyền rằng nhà thông thái Hy Lạp này đã dùng thấu kính hội tụ ánh sáng mặt trời đốt chiến thuyền La Mã (gần đây đại học Athène đã thử nghiệm bằng cách hội tụ ánh sáng phản chiếu của nhiều tấm khiên đánh bóng và quả thật đã đốt được thuyền). Thấu kính hay đậu lăng trong tiếng Pháp đều là lentille, nhưng Lebrac chỉ biết một nghĩa đậu lăng!]

La Crique đã phải ra sức giải thích rằng “lăng” ở đây không phải rau quả gì hết vì nói cho cùng thì Lebrac vẫn nghĩ bắn nhau bằng quản bút thì phải dùng hạt đậu tròn chứ ai lại chọn thứ đậu dẹp?
- Mà đậu bắn không tốt bằng lõi táo hay vỏ bánh mì, - nó còn bảo thế.
La Crique nói với Tintin rằng Archimède là một nhà bác học lừng danh từng giải các bài toán trên mui xe ngựa, điều này khiến Lebrac nảy sinh lòng thán phục đối với một gã như vậy, dù nó chẳng thích thú gì vẻ đẹp của toán học hay các quy tắc chính tả.
Sở dĩ Lebrac được bọn nhóc Longeverne đồng lòng tôn làm thủ lĩnh từ một năm nay là nhờ những cá tính khác của nó.
Nó ngang ngạnh như lừa, khôn như khỉ và nhanh như thỏ. Không đứa nào ném đá trúng cửa sổ cách hai mươi bước chính xác bằng nó, dù bằng cách gì đi nữa: ném bằng tay, bằng ná, bằng giàn thun hay bằng gậy xẻ dọc ở đầu. Nó là đối thủ đáng sợ khi đánh giáp lá cà. Nó từng chơi khăm cha xứ, thầy giáo và trương tuần nhiều vố. Từ cành cây cơm cháy to bằng bắp đùi nó chế ra những ống xịt nước tuyệt vời có thể bắn xa tới mười lăm bước - đúng thế đấy, anh bạn ạ, rất hoàn hảo! - và súng lục nổ to như súng thật và đạn bằng xơ gai bắn xong là biến mất luôn không tìm thấy được. Còn chơi bi thì ngón tay nó là nhất; nó ngắm và búng bi giỏi không đứa nào bằng. Nó ăn sạch trong nháy mắt khiến cả lũ muốn khóc luôn. Thỉnh thoảng nó cho lại những đứa thua vài hòn bi mà không tỏ vẻ tự phụ hay khoe mẽ nên nó được tiếng là đại lượng.
Nghe thủ lĩnh đồng thời là bạn mình nói thế, Tintin liền áp sát tai hay đúng hơn nó động đậy tai giống như con mèo đang âm mưu một trò tinh nghịch. Mặt nó ửng lên vì hồi hộp.
“À há!” nó nghĩ. “Có thế chứ! Mình biết chắc thế nào thằng Lebrac chết tiệt này cũng nghĩ ra được diệu kế mà!”
Rồi nó chìm đắm trong mơ, lạc vào một thế giới đầy giả thuyết, chẳng còn biết gì đến những công trình của Delambre, Méchain, Machinchouette hay của những người khác, chẳng còn biết gì đến những đo đạc được thực hiện ở những vĩ độ, kinh độ và độ cao khác nhau... Xì, vớ vẩn cả, nó cóc cần biết!
Nhưng còn bọn Velrans thì sẽ phải biết tay nó!
Việc chăm chỉ học thuộc bài học đầu tiên này để làm sau cũng được. Chỉ cần biết rằng chúng có cách riêng để khi bị thầy hỏi bài thì vẫn lén mở được cuốn sách đã bị lệnh trên bắt đóng lại và trám vào óc những chỗ thiếu sót. Tuy vậy thứ Hai tới bố Simon cũng vẫn nổi trận lôi đình. Nhưng chuyện này không nên nói trước.
Khi chiếc chuông cũ kỹ trên tháp nhà thờ giáo xứ điểm mười một giờ thì cả lũ sốt ruột chờ được phép ra về; bởi bằng một phương cách bí mật nào đấy, qua phát xạ, thần giao cách cảm hay cách gì khác mà bọn chúng đều biết Lebrac đã có kế sách.
Như mọi ngày, bọn trẻ huých đẩy nhau trong hành lang, trao đổi mũ, bị mất giày gỗ*, ngấm ngầm thụi nhau, nhưng bố Simon đã can thiệp, tái lập ngay trật tự và cuối cùng mọi chuyện đều êm xuôi cả.

*[Giày đế gỗ, hiện vẫn còn ở một số vùng quê... nhưng là loại không dây]

Thầy giáo vừa mới khuất vào phòng là cả lũ ào quanh Lebrac không khác gì một đàn chim sẻ xúm quanh bãi phân ngựa tươi rói.
Giữa đám tiểu tốt và lũ nhóc vô danh còn có cả mười chiến sĩ trụ cột của Longeverne đang hau háu được nghe chủ tướng tuyên bố.
Lebrac giải thích kế hoạch của nó, một kế hoạch đơn giản mà táo bạo. Rồi nó hỏi đứa nào muốn đi cùng với nó chiều tối nay.
Cả bọn đều muốn giành lấy vinh dự này; nhưng chỉ cần bốn đứa nên Camus, La Crique, Tintin và Gibus anh được chọn tham gia cuộc viễn chinh. Gambette, vì ở khu đồi, không thể trốn nhà đi quá lâu được, Guignard mắt quáng gà, còn Boulot không được nhanh nhẹn như bốn đứa kia.
Rồi chúng chia tay nhau.
Chiều tối, lúc nhà thờ gióng chuông báo giờ nguyện, năm chiến sĩ gặp lại nhau.
- Mày có phấn không đấy? - Lebrac hỏi La Crique, được giao trách nhiệm chôm vài ba cục phấn từ hộp của bố Simon vì nó ngồi gần bảng nhất.
La Crique đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: nó thuổng được năm cục phấn, toàn cục lớn. Nó giữ một cục, còn bốn cục kia phát cho bốn chiến hữu. Như thế, giả thử có đứa nào đánh rơi phấn trên đường đi thì đã có những đứa kia bù lại dễ dàng.
- Nào, ta lên đường! - Camus nói.
Trong đêm tối, tiếng giày gỗ nện trên con đường làng rộng rãi rồi qua con đường mòn Ống Khói, tới Cây Đoạn Lớn chúng đâm ra đường cái đi Velrans. Năm chiến sĩ hành quân nhắm thẳng hướng địch.
- Đi bộ chưa tới nửa tiếng đâu, - trước đó Lebrac đã bảo. - Cho nên mình có thể tới đó trong vòng mười lăm phút rồi về kịp trước khi nhà đi ngủ.
Toán quân nước kiệu mất hút trong đêm tối và khung cảnh tĩnh mịch. Nửa chặng đầu toán quân đi trên đường lát đá nên có thể chạy được, nhưng vừa tới vùng địch thì năm kẻ đồng mưu ấy đi trên lề đường, nơi mà theo những kẻ độc mồm độc miệng thì bố Bréda, người bạn già của chúng kiêm phụ trách đường sá trong xã, chỉ sửa khi nào bố bị ngã lòi mắt. Lúc tới gần Velrans, thấy rõ dần ánh đèn sau những ô cửa sổ và nghe tiếng chó sủa càng lúc càng dữ tợn hơn thì chúng dừng bước.
- Mình nên cởi giày giấu sau bức tường này, - Lebrac khuyên.
Bốn chiến sĩ và chủ tướng của chúng cởi giày, nhét vớ vào trong đó rồi kiểm lại xem có rơi mất phấn không. Rồi chúng đi hàng một, Lebrac dẫn đầu, mắt căng, tai vểnh, mũi phập phồng, sẵn sàng xông lên để tới được nhà thờ làng địch càng nhanh càng tốt, đó là mục tiêu của cuộc hành quân đêm nay.
Chúng chú ý từng tiếng động nhỏ nhất, chúng nép mình dưới đáy rãnh, áp sát mình vào những bức tường hay ẩn mình trong bóng tối của những bờ giậu mà trườn đi. Chúng tiến lên như những cái bóng, chỉ sợ nhỡ thình lình gặp người trong làng xách đèn về nhà hay gặp một lữ khách trễ tràng dắt ngựa đi uống nước. Nhưng chúng chẳng gặp chuyện gì phiền nhiễu trừ con chó khốn kiếp nhà Jean des Gués sủa dai nhách.
Cuối cùng chúng đến được quảng trường nhà thờ và đi về phía tháp chuông.
Chung quanh yên ắng không một bóng người.
Chỉ mình chủ tướng đứng đó còn bốn đứa kia lùi lại sau canh chừng.
Bấy giờ Lebrac mới thò tay vào túi quần móc ra cục phấn rồi hết sức rướn trên ngón chân, viết lên cánh cửa gỗ sồi nặng trịch xỉn đen đóng kín chốn thiêng liêng này cái câu ngắn gọn sẽ gây phẫn nộ ghê gớm vào buổi lễ sáng hôm sau, vì sự sống sượng hào hùng mà đầy thách thức hơn là vì cách viết chính tả đầy lập dị:

Cả bọn Velrant nà nũ khốn lạn!

Viết xong, nó dán mắt vào cánh cửa gỗ để xem như thế có đủ đau không. Rồi nó đi tới chỗ bốn đứa đồng lõa đang nấp chờ, giọng khe khẽ và hào hứng ra lệnh:
- Ta đi thôi!
Lúc về chúng táo tợn đi ngay chính giữa đường trở lại chỗ giấu giày vớ, song tránh gây ồn ào không cần thiết.
Nhưng khi giày vớ đã xong xuôi, chúng kệ thây những cẩn trọng vô ích. Nện giày thật mạnh trên đường, chúng quay lại Longeverne, đứa nào về nhà đứa nấy, lòng đầy tin tưởng chờ kết quả của lời tuyên chiến.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét