Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Cuộc Chiến Khuy Cúc - Phần III-7

Cuộc Chiến Khuy Cúc

Tác giả: Louis Pergaud
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn - 2009

VII. Kho tàng bị cướp phá

Ngôi đền nằm hoang phế trên mũi đất.
J.-M. de Heredia (Những chiến tích)

Dù sao thì bọn Longeverne cũng không hề thù oán Bacaillé về vụ nó gây sự với Camus, lại càng không thù oán gì về những ý đồ gây áp lực hay mách lẻo với bố Simon của nó.
Vì rốt cuộc nó đã yếu thế và bị trừng phạt rồi. Từ nay chúng sẽ cảnh giác với nó thôi. Trừ vài đứa không chịu khoan nhượng như La Crique và Tintin, đám còn lại, kể cả Camus đều độ lượng bỏ qua cái vụ đáng tiếc nhưng không phải hiếm xảy ra này, tuy tí nữa thì gây bất hòa, mất đoàn kết trong phe Longeverne.
Nhưng cách cư xử khoan dung ấy không làm cho Bacaillé nguôi ngoai. Nó vẫn luôn ghi tạc trong tim, nếu không phải là trên má, những cái tát của Camus, việc bị bố Simon phạt ở lại lớp và chuyện cả đạo quân (đứa lớn lẫn đứa bé) đều đã làm chứng chống lại nó. Nhất là nó thù ghét thằng Camus, thám báo kiêm phó tướng của Lebrac, thù ghét kinh khủng, không khác một kẻ bị gạt ra rìa trong tình yêu. Bao nhiêu thứ ấy! Không, nó nhất định không bỏ qua.
Mặt khác nó ngẫm nghĩ thấy sẽ dễ bí mật báo thù bọn Longeverne nói chung và thằng Camus nói riêng, dễ gài bẫy bọn chúng nếu nó vẫn tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ. Cho nên sau giờ phạt nó vẫn nhập bọn với đám kia.
Nó không được tham dự trận đánh nổi tiếng mà lần đó chúng giành giật cái quần cụt của Tintin không khác giành giật một công sự, bọn Velrans cướp rồi phe Longeverne lấy lại, nhưng không vì thế mà nó tự trách mình như viên tướng dũng cảm Crillon*. Những chiều tiếp theo nó vẫn có mặt ở Saute, tham gia chiếu lệ và mờ nhạt vào những cuộc nã pháo, rồi sau đó la ó điên cuồng xông lên tấn công ở cả hai bên.

*[Louis de Crillon, một viên tư lệnh nổi tiếng thế kỷ 16, bạn và chiến hữu của vua Henri IV. Sau chiến thắng ở Arques, nhà vua viết cho Crillon: “Hãy treo cổ đi, hỡi Crillon dũng cảm. Quân ta thắng trận Arques, còn ngươi vắng mặt!”]

Nó mừng húm vì không bị bắt và khoái chí khi thấy đứa này đứa nọ bị phe này phe kia tóm - vì nó thù ghét tất cả - và khi thấy những tù binh trông thật thảm thương bị đuổi về phía địch hay trở về với phe mình.
Nó thận trọng đứng ở tuyến sau, cười thầm khi có đứa Longeverne nào bị tóm, cười ồ khi đó là một thằng Velrans. Kho tàng của chúng phát đạt, có thể nói như thế. Trước khi quay về làng, Bacaillé và mọi chiến sĩ về lều cất vũ khí và kiểm lại quỹ, vì quỹ luôn thay đổi tùy thắng hay thua. Quỹ tăng khi bắt được tù binh, còn giảm nếu một hay nhiều đứa bị bắt (rất hiếm khi!) cần được vá víu để về nhà.
Kho tàng này chính là niềm vui, niềm tự hào của Lebrac và phe Longeverne, là niềm an ủi của chúng khi gặp rủi ro, là thuốc vạn năng chữa tuyệt vọng, là chỗ dựa của chúng khi thất bại. Một ngày nọ Bacaillé thầm nghĩ:
“Chậc, nếu mình lấy quách kho tàng của chúng nó rồi quẳng béng đi thì chúng sẽ dài mặt ra ngay! Thế mới đúng là báo thù!”.
Nhưng Bacaillé tỏ ra thận trọng. Nó nghĩ rằng nó có thể bị bắt gặp đang lảng vảng một mình quanh đây, rằng hiển nhiên mọi nghi ngờ sẽ chĩa cả vào nó và lúc ấy thì, ồ, lúc ấy thì! Nó sợ cơn thịnh nộ của Lebrac và bị thằng này xét xử.
Không, nó không nên tự tay lấy kho tàng!
“Nếu mình mách bố thì sao nhỉ?”, nó nghĩ.
Ối chà, thế còn tệ hơn nữa. Tụi kia sẽ biết ngay tức thì từ đâu lộ ra chuyện này và nó sẽ càng khó thoát bị trừng phạt.
Không, như thế không ổn!
Tuy nhiên đầu óc nó không ngừng trở đi trở lại kế hoạch này. Phải đánh vào đấy, nó thấy rõ, chính ở đấy nó sẽ giáng trúng điểm sinh tử của bọn kia.
Nhưng bằng cách nào? Bằng cách nào? Đó mới thật hắc búa...
Dẫu sao nó cũng thừa thì giờ mà. Biết đâu cơ hội sẽ tự xuất hiện.

Thứ Năm sau đó, ngay từ sáng tinh mơ, bố Bacaillé đã đi chợ phiên ở Baume cùng với thằng con. Bố con nó đặt một bó rơm làm chỗ ngồi ngang phía trước chiếc xe thùng do con ngựa cái già Bichette kéo, còn phía sau, trên lớp cỏ tươi là một chú bê non sáu tuần nằm gọn trong một cái bao buộc kín quanh cổ, thò ra cái đầu ngơ ngác. Bố Bacaillé đã bán con bê này cho chủ lò thịt ở Baume nên nhân dịp chợ phiên ông tự chở nó đến giao luôn cho người mua. Nhân hôm ấy là ngày thứ Năm [thứ Năm các trường tiểu học thường nghỉ], lại nhận tiền bán bê nên ông dắt thằng con theo.
Bacaillé mặt mày tươi hơn hớn. Hiếm khi được may mắn như thế này. Nó hình dung trước những thú vui trong ngày: nó sẽ ăn trong quán, uống vang, một ngụm rượu nhỏ hay chút xi rô từ cốc của ông bố, nó sẽ mua bánh quế và một cái còi. Rồi nó ưỡn ngực khi nghĩ tới lũ bạn - kẻ thù của nó - hẳn sẽ ganh tị với hạnh phúc của nó.

Hôm đó hai đạo quân Longeverne và Velrans đã choảng nhau một trận kinh hồn. Tuy không bên nào bắt được tù binh, nhưng đá và gậy đã gây thiệt hại tới cực điểm. Tối đến, những đứa bị thương không cười nổi nữa.
Camus bị bươu trán, rách một đường đỏ rõ to, chảy máu luôn hai tiếng đồng hồ; Tintin bị tê liệt tay trái, hay quá đau thì đúng hơn; một chân Boulot tím bầm. Mắt phải của La Crique không nhìn thấy gì hết, vì mí mắt sưng vù; Gibus anh bị giập ngón chân, em nó phải khó nhọc lắm mới cử động được cổ tay phải; còn những vết trầy trụa, vết bầm như thể xâm mình hai bên sườn và chân tay chủ tướng, phó tướng và phần lớn các chiến binh thì đếm không xuể.
Nhưng chúng không than thở gì mấy, vì có lẽ bọn Velrans còn bị nặng hơn. Dĩ nhiên không phải chúng xông ra để bị trúng đòn nặng như thế, nhưng cũng thật là phúc đức khi trong cả đống thương binh ấy, không đứa nào bị chấn thương sọ não, trật khớp xương, bong gân hay sốt nặng đến nỗi phải nằm liệt giường.

Chiều hôm ấy Bacaillé về làng, ngà ngà say trên bó rơm, giữa những tấm ván, vẻ mặt hả hê, thậm chí còn cười nhạo một cách độc ác vào mặt lũ bạn tình cờ gặp nó xuống xe.
“Lạy Chúa, thằng khỉ kia chỉ vì được đi chợ phiên một phen thì có gì mà vênh váo cơ chứ! Nó làm như từ chiếc xe bốn bánh bước xuống, còn con ngựa già kia là thứ ngựa nòi không bằng!”
Nhưng thằng kia, nét mặt thỏa mãn đã trả được mối thù và đầy khinh miệt, vẫn nhìn chúng với vẻ chế nhạo.
Bọn chúng chịu không hiểu nổi.

Hôm sau chúng không nghĩ đến việc đánh nhau, vì quá nhiều chiến binh không đủ khả năng tham chiến. Với lại bọn Velrans chắc chắn cũng không tới được luôn. Thành ra các chiến sĩ được nghỉ ngơi, dưỡng thương, điều trị với thảo dược - một thứ hay trộn nhiều thứ - lấy trộm bừa từ các lọ thuốc của các bà mẹ. La Crique dùng hoa cúc cam chườm mí mắt, còn Tintin quấn cánh tay với khăn thấm nước sắc từ cỏ gà. Nó thề sống thề chết rằng cách này khiến nó đỡ đau hẳn. Trong y học cũng như trong tôn giáo: niềm tin là điều quyết định.
Cuối cùng chúng chơi vài ván bi để quên đi phần nào mấy trò giải trí bạo lực hôm qua.
Sang ngày thứ Bảy chúng cũng không kéo tới được Bụi Cây Lớn, y như ngày thứ Sáu vậy. Camus, Lebrac, Tintin và La Crique cảm thấy nhàm chán, bèn rủ nhau đi tới căn lều, căn lều yêu quý nơi chúng cất giấu kho tàng, nơi chúng được yên ổn và liên hoan tưng bừng - chứ không định gây sự hay thám thính quân địch.
Chúng không tiết lộ chuyện này với ai, ngay cả với anh em Gibus và Gambette. Lúc bốn giờ chiều chúng đi về nhà rồi một lát sau gặp lại nhau trên đường đi Donzé, để rồi từ đây xuyên qua rừng Teuré tới pháo đài của chúng.
Trên đường đi chúng bàn tán về trận đại chiến hôm thứ Năm. Tintin, cánh tay băng bó buộc quanh cổ và La Crique, băng mắt phải - hai trong những đứa bị thương nặng nhất - vô cùng thích thú nhớ lại chuyện chúng đã ra sức phân phát những cú đạp và những nhát gậy trước khi một đứa bị thằng Méo đấm trúng mắt, đứa kia bị thằng Pissefroid phang gậy trúng xương quay hay... khuỷu tay.
- Nó rống như con bò bị chọc tiết, khi bị gót chân tao đạp trúng dạ dày, - Tintin kể về đối thủ đáng gờm của nó là thằng Tatti. - Tao cứ tưởng là nó hết thở rồi chứ. Cho nó một bài học để từ nay hết dám ăn cắp quần của tao!
La Crique kể đã húc đầu vào hàm thằng Méo làm nó gãy mấy cái răng rồi khạc ra đờm đỏ. Những hồi ức này khiến chúng quên đi đau đớn nho nhỏ hiện giờ.
Chúng vào rừng, đi trên con đường dùng đốn củi ngày xưa nay đã hẹp lại vì năm này qua năm khác cây non lấn ra rất khỏe, khiến chúng cứ phải né qua bên hoặc cúi xuống tránh những cành cây trụi lá quệt phải.
Vài con quạ non quay về rừng theo tiếng bố mẹ gọi, vừa bay vừa kêu quạ quạ trên đầu chúng...
- Người ta bảo rằng quạ mang điềm gở, giống như chim cú rúc vào đêm báo tin nhà sắp có người chết, - Camus nói. - Lebrac, mày có tin thế không?
- Vớ vẩn! - chủ tướng đáp. - Đó là chuyện ngồi lê đôi mách của mấy mụ già. Nếu cứ mỗi lần thấy chim quạ lại xảy ra tai họa thì sẽ chẳng còn có ai trên đời này nữa. Bố tao vẫn bảo rằng lũ quạ trên trời không đáng sợ bằng lũ quạ không cánh*. Nếu trông thấy một người trong bọn họ thì phải nắm cục sắt để xoay chuyển tai ương.
*[Ám chỉ các ông cố đạo (vì họ mặc áo đen)]
- Có đúng thứ chim này sống được cả trăm năm không? Tao rất muốn được làm chim quạ. Chúng được thấy nhiều nơi và không phải đi học, - Tintin ganh tị.
- Mày cần hiểu rằng, - La Crique đáp lời, - muốn biết chúng có sống lâu vậy không - điều này có thể lắm - ta phải ghi dấu chim non ngay từ trong tổ. Nhưng khi ta chào đời thì ta làm gì có được con chim quạ trong tay, với lại đâu ai nghĩ tới chuyện đó. Chưa kể là đâu có bao người sống thọ vậy!
- Thôi, đừng nói tới chúng nữa, - Camus yêu cầu, - Tao vẫn tin rằng chúng mang tới chuyện không hay.
- Chớ nên “dị đan”, Camus ạ! Xưa kia người ta nghĩ thế được, chứ bây giờ văn minh rồi... có khoa học...
Chúng tiếp tục đi, trong lúc La Crique bỏ dở việc ca ngợi thời đại văn minh tân tiến để tránh một cái cành thấp thình lình bật ngược lại do Lebrac chạm phải khi đi qua.
Ra khỏi rừng chúng rẽ phải đi tới mỏ đá.
- Tụi nó không trông thấy bọn mình, - Lebrac nhận xét. - Không ai biết tụi mình đi tới đây! Chà, lều của tụi mình kín đáo ra phết!
Chúng suýt soa tán thành. Đây là đề tài nói mãi không hết.
- Tao đã phát hiện ra nó, đúng không nào? - La Crique hồi tưởng, toét miệng cười đắc ý, bất chấp con mắt tím bầm.
- Ta vào thôi, - Lebrac cắt ngang.
Một tiếng kêu sửng sốt và kinh hoàng bật ra cùng lúc từ bốn lồng ngực, tiếng kêu xé lòng khủng khiếp gồm cả bi thương, hãi hùng và căm giận.
Căn lều bị phá tan hoang, bị cướp sạch.
Đã có kẻ tới đây, kẻ địch, chắc chắn bọn Velrans rồi. Kho tàng biến mất, vũ khí bị bẻ gãy hoặc bị lấy đi, cái bàn bị lôi ra chỗ khác, lò bếp bị phá sập, ghế bị lật chỏng chơ, giường bằng rêu và lá khô bị đốt cháy, tranh ảnh bị xé, tấm gương bị đập vỡ, bình tưới móp méo và bị đục lỗ chỗ, mái lều bị phá, còn cây chổi, lời lăng nhục cực độ, cây chổi cùn chúng lấy trộm trong mớ đồ đạc của nhà trường, xơ xác và bẩn hơn bao giờ hết, bị cắm đầy khinh miệt giữa đống ngổn ngang, như nhân chứng sống cho thảm họa và thái độ mỉa mai của quân kẻ cướp.
Mỗi phát hiện lại kèm theo những tiếng kêu giận dữ, tiếng chửi, tiếng nguyền rủa và lời thề báo thù.
Bọn khốn kiếp này đã đập nát xoong và... làm ô uế hết khoai tây!
Chắc chắn bọn Velrans là kẻ đã chơi chúng vố này rồi. La Crique, với trực giác tinh tế và tư duy logic quen thuộc, đã hùng hồn giải thích.
- Thế này nhé, nếu có người làng Longeverne nào tình cờ thấy căn lều này thì họ chỉ cười thôi. Họ sẽ kháo nhau trong làng và tụi mình sẽ biết ngay. Người lạ chẳng có gì để lấy ở đây cả và hẳn là họ sẽ bỏ đi thôi. Lão Bédouin thì quá “cù lần”, không thể tự tìm ra nổi một chỗ kín đáo như thế này, vả lại sau lần say khướt cò bợ vừa rồi lão hết dám đi xa nữa, mà chỉ còn chăm chắm săn sóc vườn tược, cây trái của mình như một lão nông khôn ngoan. Thế thì chỉ bọn Velrans. Nhưng khi nào nhỉ? Chiều hôm qua thôi! Vì chiều thứ Năm ở đây vẫn còn đâu ra đấy, còn hôm nay sau bốn giờ chiều thì chúng không tài nào có đủ thì giờ để phá tan hoang như thế này được - trừ khi chúng tới đây sáng hôm nay. Nhưng chúng nhát như cáy, đâu dám trốn học!
- Chậc, phải chi hôm qua bọn mình tới đây! - Lebrac than thở. - Tao cũng đã nghĩ đến chuyện này đấy chứ! Nhưng tụi nó không thể nào đến hết cả đây được, vì bị thương quá nhiều. Tao biết tụi nó bị tẩn như thế nào mà, dứt khoát nặng hơn tụi mình nhiều! Chậc, giá mình tóm được tụi nó, nhỉ! Bố khỉ, tao sẽ bóp cổ tụi nó!
- Bọn khốn kiếp! Quân lưu manh! Đồ đầu trộm đuôi cướp!
- Tụi bay biết đấy, những chuyện bọn nó làm đây này, đều là hèn hạ cả, - Camus phán xét.
- Mình vẫn đủ khả năng “chơi” tiếp mà!
- Mình cũng phải tìm cho ra lều của bọn nó, - Lebrac nói. - Chỉ có cách đó thôi, thật đấy, chỉ có cách đó thôi.
- Ừ, nhưng chừng nào? Sau bốn giờ chiều chúng nó nằm rình ở bìa rừng. Mình chỉ có thể tìm vào giờ học thôi. Mà như thế thì mình phải trốn học ít nhất tám ngày liên tục, vì không thể nào tin được rằng ngay buổi sáng đầu tiên sẽ phát hiện ra. Đứa nào dám trốn học, để về nhà bị bố dần cho một trận tơi bời hoa lá và thầy giáo phạt ở lại lớp một tháng?
- Chỉ Gambette là có thể làm được thôi!
- Nhưng làm sao tụi khốn kiếp này tìm ra được lều của bọn mình nhỉ? Nó cực kỳ kín đáo, không ai biết cả. Cũng chẳng có ai thấy tụi mình đi vào đây!
- Chắc chắn là không rồi! Phải có đứa nào đó mách cho chúng biết!
- Mày tin vậy à? Nhưng mà ai mới được chứ? Ngoài bọn mình ra không ai biết ngôi lều. Chẳng lẽ có đứa phản bội à?
- Một đứa phản bội! - La Crique trầm ngâm nói.
Chợt nó đập tay lên trán, quên cả con mắt bị thương. Tuy bị băng song một ý nghĩ bất chợt khiến mắt nó sáng lên:
- Phải rồi! Mẹ kiếp! - nó kêu lên. - Tụi mình có một thằng phản bội và tao biết thằng khốn nạn này! Tao biết nó là ai! Chậc, bây giờ thì tao thấy hết mọi chuyện, tao đoán ra được tất cả! Thằng khốn kiếp này, quân Judas này, đồ đê tiện này!
- Ai chứ? - Camus hỏi.
- Ai chứ? - hai đứa kia cũng hỏi theo.
- Thằng Bacaillé, chứ còn ai nữa!
- Thằng khoèo ấy á? Mày chắc không?
- Chắc như đinh đóng cột! Nghe này: hôm thứ Năm nó không cùng đánh nhau với tụi mình. Vì nó theo bố nó đi chợ phiên ở Baume, đúng không? Bây giờ bay hãy nhớ lại nét mặt của nó khi trở về mà xem! Nó có vẻ khinh thường tụi mình, rõ ràng quá. Mà từ Baume về nó với bố nó đi qua Velrans. Hai bố con nó trông hơi chếnh choáng, hẳn họ đã dừng lại ở nhà ai đấy, nhà ai tao không biết, nhưng tao dám đánh cuộc là như thế. Thậm chí có thể nó từ Baume về với vài đứa Velrans và chắc chắn đã mách cho bọn này. Nó chỉ cho bọn kia biết lều của tụi mình ở chỗ nào. Đấy, rồi những đứa không bị què quặt dẫn bọn bị thương nhẹ đến đây. Như thế đấy, đúng vậy, như thế đấy!
- Thằng khốn kiếp! Đồ phản bội! Quân lưu manh! - Lebrac nghiến răng trèo trẹo. - Nếu đúng như thế thì, lạy Chúa, nó liệu hồn! Tao sẽ cắt tiết nó!
- Còn “nếu đúng thế” gì nữa! Đúng như một với một là hai, như tên tao là La Crique và có một mắt thâm đen như đít nồi!
- Thế thì mình phải vạch mặt nó, - Tintin kết luận.
- Thôi mình đi. Ở đây mình chẳng làm gì được cả. Phải nhìn cảnh này lâu hơn nữa thì tim tao tan nát và tao sẽ điên mất, - Camus rên rỉ. - Mình sẽ bàn kỹ trên đường về. Dứt khoát không ai được biết hôm nay tụi mình tới đây... Mai là Chủ nhật. Tụi mình sẽ vạch mặt nó, buộc nó phải thú tội, rồi...
Camus không nói hết, nhưng bàn tay nắm chặt giơ lên trời bổ khuyết thật mạnh mẽ điều nó nghĩ.
Chúng về làng cũng theo con đường đã tới đây. Trên đường, chúng thống nhất về những biện pháp nghiêm ngặt cho ngày mai.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét