Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)
Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016
Chương 19
Oxford
- Ý tưởng của Montmorency về thiên đường - Thuyền thuê ngược sông, vẻ đẹp và lợi
thế của nó - “Niềm tự hào của sông Thames” - Thay đổi thời tiết - Con sông dưới
những góc độ khác nhau - Không phải một buổi tối vui vẻ - Khao khát những gì
không đạt được - Cuộc chuyện gẫu vui vẻ đưa đẩy vòng quanh - George biểu diễn với
đàn banjo - Giai điệu buồn thương - Thêm một ngày ẩm ướt - Chuyến bay - Bữa ít ỏi
và lời chúc rượu.
CHÚNG TÔI TRẢI QUA HAI NGÀY dễ chịu ở
Oxford. Trong thị trấn Oxford chó đông vô cùng. Con Montmorency ngay ngày đầu
tiên đã có mười một vụ ẩu đả và ngày thứ hai là mười bốn, và rõ ràng nó tưởng
mình đã được lên thiên đường.
Với những người quá yếu đuối hay quá lười
biếng, dù lý do nào cũng vậy, nên không thích thú với việc chèo ngược dòng thì
cách rèn luyện phổ biến là lên thuyền từ Oxford và chèo xuôi dòng. Tuy nhiên với
những người tràn đầy năng lượng thì chuyến đi ngược dòng dĩ nhiên sẽ được ưa
chuộng hơn. Có vẻ cũng chẳng phải chuyện hay khi lúc nào cũng đi xuôi dòng. Sự
thỏa mãn sẽ lớn hơn khi ta thẳng lưng lên mà vật lộn với dòng chảy và giành đường
tiến lên không đếm xỉa gì đến nó - ít nhất đó cũng là cảm nghĩ của tôi khi
Harris và George chèo hai bên còn tôi đứng lái.
Đối với những người định chọn Oxford làm
nơi khởi hành, tôi sẽ khuyên rằng hãy lấy thuyền của mình mà chèo - tất nhiên,
trừ phi ta có thể lấy thuyền của người khác mà không có chút nguy cơ bị phát hiện
nào. Đúng theo nguyên tắc thì những con thuyền được cho thuê trên sông Thames ở
khúc phía trên Marlow đều rất tốt. Chúng khá kín nước; và miễn là được chăm sóc
tận tình thì chúng hiếm khi tan thành từng mảnh hay chìm nghỉm. Trên thuyền có
nhiều chỗ để ngồi, và chúng được trang bị đầy đủ - hoặc gần đủ - các trang thiết
bị cần thiết để bạn có thể chèo và lái chúng.
Nhưng chúng không phải đồ trang trí. Con
thuyền bạn thuê đi ngược sông ở phía trên khúc Marlow không thuộc loại thuyền bạn
có thể khoe khoang lên mặt. Con thuyền thuê ngược sông ấy sẽ nhanh chóng ngăn
chặn người trên thuyền có bất kỳ hành động dại dột nào kiểu đó. Có thể nói đó
là đặc điểm cơ bản của nó - sức hấp dẫn duy nhất của nó.
Người ngồi trên con thuyền thuê ngược sông
sẽ thật khiêm tốn và kín đáo. Anh ta thích trú mãi trong bóng râm, dưới hàng cây
và chủ yếu du hành vào lúc mờ sáng hay tối mịt, khi quanh sông không có nhiều
người nhòm ngó.
Khi người ngồi trên con thuyền thuê ngược
sông nhìn thấy người quen nào đó, anh ta sẽ trèo lên bờ mà giấu mình sau gốc
cây.
Có hè, tôi đã từng góp mặt trong một nhóm
thuê một chiếc thuyền ngược sông đi vài ngày. Trước đó chưa ai trong chúng tôi
từng nhìn thấy một chiếc thuyền thuê ngược sông; và khi nhìn thấy rồi chúng tôi
cũng không biết nó là gì.
Chúng tôi đã viết thư thuê thuyền - một chiếc
thuyền nhẹ hai chèo; và khi khăn gói xuống bãi, nói tên chúng tôi, ông chủ thuyền
bảo:
“Ô vâng; các vị là nhóm đã viết thư thuê một
chiếc thuyền nhẹ hai chèo. Không vấn đề gì hết. Jim, đưa Niềm tự hào của sông Thames ra đi”.
Thằng nhóc chạy việc biến mất và tái xuất
hiện năm phút sau, vật lộn với một khúc gỗ không biết đã bao nhiêu năm tuổi,
trông không khác gì mới được moi lên từ chỗ nào đó và đã được moi lên một cách
hết sức bất cẩn, nên trong quá trình đó đã gây ra những tổn hại không đáng có.
Khi lần đầu nhìn thấy cái thứ ấy, tôi cho rằng
đó là một di tích thời La Mã hay gì đó - di tích của cái gì thì tôi không biết,
có lẽ là một cái quan tài.
Khu vực thượng nguồn sông Thames có rất nhiều
di tích La Mã, và sự ngờ ngợ của tôi dường như rất có khả năng; nhưng chàng
trai nghiêm túc của chúng tôi, có vẻ sở hữu phần nào phẩm chất của một nhà địa
chất học, đã trề môi khinh bỉ giả thuyết di tích La Mã của tôi, và nói rằng
ngay những người có vốn hiểu biết tầm thường nhất (cậu ta có vẻ đau lòng vì
theo lương tâm cậu không thể xếp tôi vào loại này được) cũng thấy rõ rành rành
thứ mà thằng nhóc đã tìm ra là hóa thạch của một con cá voi; và cậu chỉ cho
chúng tôi thấy nhiều minh chứng chứng tỏ nó hẳn thuộc về thời đại tiền băng hà.
Để giải quyết cuộc tranh luận, chúng tôi gọi
thằng nhóc đến. Chúng tôi bảo nó đừng e ngại gì mà cứ nói thẳng sự thật thôi:
Đó là hóa thạch của một con cá voi thời tiền nhân loại hay một cỗ quan tài thời
đầu La Mã?
Thằng nhóc nói đó là Niềm tự hào của sông Thames.
Lúc đầu chúng tôi nghĩ đó là một câu trả lời
rất dí dỏm của thằng nhóc, và có người bèn cho thằng nhóc một đồng hai xu để
thưởng sự hóm hỉnh đó; nhưng khi nó cứ khăng khăng với trò đùa ấy, theo chúng
tôi thì là quá dai rồi, chúng tôi bực mình ghê gớm.
“Thôi đi, nhóc!”, thuyền trưởng của chúng
tôi nói giọng gay gắt, “đừng nói vớ vẩn nữa. Đem cái bồn tắm của mẹ cậu về nhà
đi rồi mang thuyền ra cho chúng ta”.
Lúc đó người đóng thuyền bèn đích thân đến
đảm bảo với chúng tôi, bằng lời nói của một người có đầu óc thực tế, rằng thứ
đó là một con thuyền thật - và thật ra nó chính là con thuyền ấy, “con thuyền nhẹ hai chèo” đã được chọn
để đưa chúng tôi du hành ngược sông.
Chúng tôi làu bàu một hồi. Chúng tôi nghĩ
ít nhất ông ta cũng phải quét sơn trắng hay tẩm nhựa cho nó chứ - phải làm gì đấy để phân biệt nó với một khúc gỗ mục
chứ; nhưng ông ta chẳng thấy nó có khiếm khuyết gì cả.
Thậm chí ông ta còn có vẻ bị xúc phạm vì nhận
xét của chúng tôi. Ông ta bảo ông ta đã chọn cho chúng tôi chiếc thuyền tốt nhất
trong kho, và ông ta nghĩ lẽ ra chúng tôi phải tỏ ra biết ơn hơn nữa mới phải.
Ông ta nói rằng theo như ông ta biết thì
nó, Niềm tự hào của sông Thames, đã
được sử dụng suốt bốn mươi năm qua đúng y như nó đang đứng kia (hay nói đúng
hơn là đang được buộc giằng với nhau ở kia) mà chưa từng có ai phàn nàn gì về nó,
và ông ta không hiểu tại sao chúng tôi lại nên là những người đầu tiên làm việc
đó.
Chúng tôi không tranh cãi gì thêm.
Chúng tôi buộc chặt cái gọi là thuyền ấy lại
bằng vài mẩu dây, lấy ít giấy dán tường dán lên những chỗ tồi tàn nhất, cầu
nguyện và bước lên thuyền.
Họ tính tiền thuê cái thứ này trong sáu
ngày là ba mươi nhăm xu, và chúng tôi lẽ ra có thể mua đứt cái thứ ấy chỉ với bốn
shilling sáu penny ở bất kỳ điểm bán củi rề nào quanh bờ sông.
Đến ngày thứ ba thời tiết thay đổi - Ồ! Bây
giờ tôi đang nói về chuyến đi hiện tại - và chúng tôi lên đường về nhà từ
Oxford giữa cơn mưa phùn lây rây.
Con sông - với ánh mặt trời lấp loáng trên
những gợn sóng rung rinh, dát vàng những thân sồi xanh xám, lấp lánh xuyên qua
những con đường rừng râm mát, chạy đuổi theo bóng râm trên những chỗ nước nông,
tung kim cương từ những bánh xe cối xay, gửi nụ hôn đến những bông bách hợp, nô
giỡn với làn nước trắng bạc của các đập nước, dát bạc lên những bức tường và những
cây cầu rêu phong, thắp sáng mọi thị trấn nhỏ tí hin, mang đến nét duyên dáng
cho mọi con đường và cánh đồng, nằm lẫn trong bụi cói, he hé mắt cười từ từng
con lạch, rạng rỡ vui tươi trên nhiều cánh buồm xa, làm không gian dịu lại với
vẻ lộng lẫy - là một dòng nước thần tiên dát vàng.
Nhưng con sông - lạnh lẽo và mệt mỏi, với
những giọt mưa rơi không ngừng trên mặt nước màu nâu lờ đờ, với âm thanh như tiếng
phụ nữ thổn thức khóc trong căn phòng tối; trong khi khu rừng, tối đen và lặng
tờ, bị bao phủ trong màn hơi nước mù mịt, đứng bên mép sông như những bóng ma;
những bóng ma câm lặng với đôi mắt trách móc, như bóng ma của những hành động xấu
xa, như bóng ma của những người bạn đã bị thờ ơ - là một dòng sông ma ám chảy
qua miền đất của những niềm nuối tiếc hão huyền.
Ánh mặt trời là dòng máu của Thiên nhiên. Mẹ
Trái đất nhìn chúng ta với đôi mắt vô hồn mờ đục khi ánh mặt trời đã rời bỏ người.
Lúc ấy chúng ta buồn biết bao khi ở bên người; người dường như không ý thức hay
quan tâm tới ta. Người như một góa phụ đã mất người chồng yêu quý, và con cái nắm
tay người, ngẩng lên nhìn vào mắt người, nhưng chẳng nhận được từ người nụ cười
nào.
Suốt ngày hôm đó chúng tôi chèo thuyền dưới
mưa, và việc đấy thật buồn thảm. Ban đầu chúng tôi giả vờ rằng mình thích thú với
việc ấy lắm. Chúng tôi nói đây đúng là một sự thay đổi và rằng chúng tôi muốn
quan sát con sông từ mọi góc độ khác nhau. Chúng tôi nói không thể mong đợi trời
lúc nào cũng tràn trề ánh nắng, mà cũng không nên mong như thế. Chúng tôi bảo
nhau rằng Thiên nhiên thật đẹp, ngay cả khi lệ chan chứa trong mắt người.
Thật ra mấy tiếng đầu tiên Harris và tôi
khá hào hứng với chuyện này. Chúng tôi còn hát về cuộc sống của dân du mục, rằng
cuộc đời người du mục mới thú vị biết bao! - tự do tiếp nhận bão dông, ánh mặt
trời và từng trận gió! - rằng anh ta thích mưa đến thế nào, nó có lợi cho anh
ta biết bao nhiêu; và anh ta đã cười nhạo những người không thích mưa như thế
nào.
George tiếp nhận trò vui này một cách điềm
tĩnh hơn và dính chặt lấy cái ô.
Chúng tôi kéo bạt lên che trước khi ăn trưa
và cứ để yên như thế suốt buổi chiều, chỉ chừa lại một khoảnh bé tí ở mũi thuyền
cho một người trong bọn thò mái chèo ra và canh chừng. Chúng tôi đi như vậy suốt
chín dặm và đến đêm thì đã chèo quá cửa sông Day một đoạn ngắn.
Thật tình tôi không thể nói rằng chúng tôi
đã có một buổi tối vui vẻ. Mưa đổ xuống với một sự dai dẳng lặng lẽ. Mọi thứ
trên thuyền đều ẩm ướt và lạnh giá. Bữa tối không thành công cho lắm. Món bánh
nướng nhân thịt bê nguội ngắt nguội ngơ ăn khi không thấy đói dễ khiến người ta
phát ngấy. Tôi thấy thèm món cá trắng nhỏ và sườn cốt lết; Harris lảm nhảm về
cá bơn, nước sốt trắng và chuyển chỗ bánh thừa của mình cho Montmorency, con
này từ chối và, có vẻ bị xúc phạm bởi lời mời này, đi ra ngồi một mình ở tít tận
đầu kia con thuyền.
George đề nghị dù có thế nào thì chúng tôi
cũng đừng nói đến những thứ ấy, cho đến khi hắn ăn xong món thịt bò luộc nguội
ngắt không có mù tạt.
Sau bữa tối chúng tôi chơi bài ăn tiền một
lúc. Chúng tôi chơi độ một tiếng rưỡi, đến khi kết thúc thì George thắng được bốn
xu - hắn lúc nào cũng may mắn trong chuyện bài bạc - còn Harris và tôi thua mỗi
người hai xu.
Đến lúc ấy thì chúng tôi nghĩ nên ngừng bài
bạc lại thôi. Theo như lời Harris, khi để nó đi quá xa, trò cờ bạc sẽ nuôi dưỡng
một sự phấn khích không lành mạnh. George đề nghị chơi tiếp để chúng tôi phục
thù; nhưng Harris và tôi quyết định không chiến đấu chống lại Số phận nữa.
Sau đó chúng tôi pha rượu và ngồi quây lại
trò chuyện. George kể cho chúng tôi nghe chuyện một người quen của hắn hai năm
trước đã đi ngược sông và ngủ ngoài trời trong một con thuyền ướt vào một đêm
giống y như đêm nay và vì thế đã lên cơn sốt thấp khớp vô phương cứu chữa, và
mười ngày sau anh ta chết trong đau đớn tột cùng. George bảo anh chàng đó còn
khá trẻ, đã đính hôn và chuẩn bị cưới vợ đến nơi. Hắn nói đó là một trong những
chuyện buồn nhất mà hắn biết.
Việc này khiến Harris nhớ đến một người bạn
của hắn, vốn ở trong nhóm Tình nguyện viên, từng ngủ ngoài trời dưới tấm bạt
vào một đêm mưa gió ướt át ở Aldershot, “cũng vào một đêm giống như đêm nay”,
Harris nói; và sáng hôm sau khi tỉnh dậy thì anh ta đã thành một người bị liệt
suốt đời rồi. Harris bảo hắn sẽ giới thiệu anh ta với cả hai chúng tôi khi nào
chúng tôi về thành phố; nhìn thấy anh ta là tim chúng tôi rỏ máu cho mà xem.
Hết sức tự nhiên, chuyện này kéo theo mấy
cuộc tán gẫu dễ chịu khác về bệnh đau thần kinh tọa, sốt, cảm lạnh, bệnh phổi
và viêm phổi; và Harris nói sẽ rầy rà ra trò nếu đêm đó một người trong chúng
tôi bị ốm nặng vì chúng tôi đang ở khá xa các bác sĩ.
Dường như có một niềm mong mỏi được nối tiếp
cuộc nói chuyện này bằng trò vui nhộn nào đó, và trong một phút giây yếu đuối,
tôi đã đề nghị George lôi cái đàn banjo ra và xem liệu hắn có thể phục vụ chúng
tôi một bài hát vui được không.
Xin nói ngay rằng George không cần thêm bất
kỳ sự giục giã nào. Không có cái lý do vớ vẩn kiểu như hắn bỏ âm nhạc ở nhà rồi.
Hắn ngay lập tức đàn ra và bắt đầu chơi bài Đôi
mắt đen đáng yêu.
Cho đến đêm đó, tôi vẫn luôn coi Đôi mắt đen đáng yêu là một bản nhạc tầm
thường. Nỗi buồn cuồn cuộn mà George chiết xuất từ nó khiến tôi khá ngạc nhiên.
Khi những chuỗi âm thanh buồn thương tuôn
trào, Harris và tôi càng lúc càng mong mỏi được gục đầu vào vai nhau mà khóc;
nhưng bằng nỗ lực tuyệt vời, chúng tôi đã kìm được những giọt nước mắt đang chực
trào ra và im lặng lắng nghe giai điệu vô cùng thương cảm ấy.
Đến đoạn điệp khúc, chúng tôi thậm chí còn
cố gắng đến tuyệt vọng để tỏ ra vui vẻ. Chúng tôi lại rót đầy cốc và hòa giọng
ca; Harris, giọng run run vì xúc động, hát chính, còn George và tôi phụ họa
theo một vài câu như sau:
Đôi mắt đen đáng yêu
Ôi! Ngạc nhiên xiết bao!
Chỉ để bảo một anh chàng rằng anh ta đã nhầm rồi,
Đôi…
Thế rồi chúng tôi òa ra. Niềm ai oán không
thể diễn tả được bằng lời trong phần phụ họa của George với cái từ “đôi” ấy đã
khiến chúng tôi, trong tâm trạng sầu não lúc ấy, không sao chịu đựng nổi.
Harris thổn thức như đứa bé còn con chó thì tru lên cho đến khi tôi tưởng như
tim hắn hay hàm con chó chắc phải vỡ ra mất rồi.
George muốn tiếp tục một điệu khác. Hắn cho
rằng nếu hắn thêm một chút vào giai điệu và tăng một chút “phóng túng”, như vốn
có, vào phần biểu diễn thì có lẽ nó sẽ không buồn thảm như thế nữa. Tuy nhiên cảm
giác của đa số chúng tôi là phản đối thử nghiệm này.
Chẳng còn gì để làm nữa, chúng tôi bèn đi
ngủ - tức là, chúng tôi cởi quần áo và nằm trằn trọc ở đáy thuyền khoảng ba hay
bốn tiếng đồng hồ gì đấy. Sau đó chúng tôi cũng chập chờn ngủ được chút ít cho
đến năm giờ thì tất cả đều dậy ăn sáng.
Ngày thứ hai cũng y như ngày thứ nhất. Mưa
tiếp tục trút xuống, và chúng tôi ngồi quấn mình trong chiếc áo mưa, dưới lớp bạt,
và chậm chạp trôi theo dòng nước.
Một trong số chúng tôi - bây giờ tôi đã
quên mất là ai, nhưng tôi cứ muốn nghĩ chính là mình - suốt sáng hôm đó đã có
vài nỗ lực yếu ớt để khơi lên sự ngốc nghếch của gã du mục hôm trước về việc là
con cái của Thiên nhiên và thích sự ẩm ướt; nhưng nó không hề được hưởng ứng.
Chuyện…
Tôi
không thèm quan tâm đến
cơn
mưa, không đâu!
đã hiển nhiên một cách đau đớn, dựa vào biểu
hiện tình cảm của mỗi chúng tôi, đến mức chẳng cần phải hát câu ấy lên.
Tất cả chúng tôi đều nhất trí ở một điểm,
đó là dù có gì xảy ra đi nữa thì chúng tôi vẫn sẽ đi đến cùng chuyện này. Chúng
tôi đã lên đường để được tận hưởng hai tuần trên sông nước, và việc tận hưởng
hai tuần trên sông nước chính là điều chúng tôi phải làm. Cho dù nó có giết chết
chúng tôi! - ôi chao, như thế sẽ là một điều đáng buồn đối với bạn bè thân
thích của chúng tôi, nhưng chẳng thể nào khác được. Chúng tôi cảm thấy nếu nhượng
bộ thời tiết trong điều kiện mưa gió như chúng tôi đang gặp phải sẽ là tiền lệ
thảm họa nhất.
- Chỉ còn hai ngày nữa thôi, - Harris nói, -
và chúng ta đều còn trẻ trung khỏe mạnh. Xét cho cùng rồi chúng ta sẽ qua được
thôi.
Đến khoảng bốn giờ chiều chúng tôi bắt đầu bàn
bạc về những dự định cho buổi tối. Lúc ấy chúng tôi đã đi quá Goring một đoạn,
và chúng tôi quyết định sẽ chèo tiếp đến Pangbourne rồi nghỉ đêm ở đó.
- Lại thêm một tối vui vẻ nữa! - George lẩm
bẩm.
Chúng tôi ngồi nghĩ đến viễn cảnh ấy. Đến
năm giờ chúng tôi đã đến Pangbourne. Chúng tôi sẽ ăn xong bữa tối lúc, để xem
nào, sáu giờ ba mươi. Sau đó chúng tôi có thể dạo quanh làng dưới cơn mưa xối xả
cho đến khi đi ngủ; hoặc chúng tôi cũng có thể ngồi trong một quán rượu lờ mờ
sáng đọc cuốn niên giám.
- Chà, nhà hát Alhambra chắc sẽ sôi động
hơn nhiều, - Harris nói, đánh bạo thò đầu ra ngoài tấm bạt một lúc để nghiên cứu
bầu trời.
- Sau đó sẽ là một bữa khuya khiêm tốn ở…”
- tôi nói thêm, gần như vô thức.
- Phải, thật đáng tiếc là chúng ta đã quyết
định gắn chặt với con thuyền này, - Harris trả lời; và không gian chìm vào im lặng
trong một lúc.
- Giá chúng ta đã không quyết định sẽ chịu
chết trong cái quan tài cũ chết tiệt này, - George nhận xét, liếc nhìn khắp lượt
con thuyền với vẻ ác ý, - thì cũng đáng đề cập đến việc tớ biết có một chuyến
tàu hỏa rời Pangbourne ngay sau năm giờ sẽ giúp chúng ta xuống thành phố kịp
lúc để đánh một bữa và sau đó đi đến chỗ mà cậu nhắc đến ấy.
Không ai nói gì. Chúng tôi nhìn nhau, và dường
như mỗi người đều nhìn thấy những suy nghĩ tội lỗi và đáng xấu hổ của mình phản
ánh trên gương mặt những người khác. Trong im lặng, chúng tôi lôi chiếc va li
Gladstone ra kiểm tra kỹ lưỡng. Chúng tôi lại nhìn ngang dọc con sông; chẳng thấy
ma nào!
Hai mươi phút sau, người ta có thể nhìn thấy
ba bóng người, theo sau là một con chó trông có vẻ ngượng ngùng, lén lút bò từ
ngôi nhà thuyền ở quán “Thiên nga” về phía ga tàu hỏa trong bộ trang phục không
gọn gàng mà cũng chẳng hoa hòe hoa sói như sau:
Giày da đen, bẩn; quần áo đi thuyền bằng vải
flannel, cực bẩn; mũ nâu lem nhem, vô cùng tơi tả; áo mưa, ướt sũng; ô.
Chúng tôi đã nói dối người trông thuyền ở
Pangbourne. Chúng tôi chẳng mặt mũi nào mà bảo ông ta rằng chúng tôi đang chạy
trốn cơn mưa. Chúng tôi để lại thuyền cùng tất cả những thứ bên trong cho ông
ta trông coi với lời dặn dò rằng chín giờ sáng hôm sau nó phải sẵn sàng chờ
chúng tôi. Nếu, chúng tôi nói - nếu có chuyện bất ngờ xảy ra khiến chúng tôi
không quay lại được, chúng tôi sẽ viết thư cho ông ta.
Chúng tôi đến Paddington lúc bảy giờ và đi
thẳng về nhà hàng mà tôi đã mô tả lúc trước, tại đây chúng tôi cùng chia sẻ một
bữa ăn nhẹ, để con Montmorency ở lại kèm theo đề xuất về một bữa khuya sẵn sàng
lúc mười giờ rưỡi, và rồi tiếp tục lên đường đến quảng trường Leicester.
Chúng tôi đã thu hút được kha khá sự chú ý ở
nhà hát Alhambra. Khi trình diện ở quầy vé, chúng tôi được hướng dẫn một cách
thô lỗ đường đi vòng đến phố Castle, và được thông báo rằng chúng tôi đã chậm nửa
tiếng.
Chúng tôi thuyết phục người bán vé, với
chút khó khăn, rằng chúng tôi không
phải “nghệ sĩ uốn dẻo nổi tiếng từ dãy Himalaya”, vậy là anh ta cầm tiền rồi
cho chúng tôi qua.
Đến khi vào trong chúng tôi còn thành công
mỹ mãn hơn. Vẻ mặt đen thui đẹp đẽ và mớ quần áo cực kỳ ấn tượng của chúng tôi
được người ta dõi theo khắp nơi với ánh mắt chăm chú ngưỡng mộ. Chúng tôi là
trung tâm chú ý của mọi con mắt.
Đấy đúng là một khoảnh khắc đáng tự hào của
tất cả chúng tôi.
Ngay sau vở ballet đầu tiên, chúng tôi
không xem nữa mà quay về nhà hàng, nơi bữa khuya đang đợi.
Tôi phải thừa nhận là mình vô cùng sung sướng
với bữa khuya đó. Gần mười ngày nay dường như chúng tôi ít nhiều chỉ sống bằng
thịt nguội, bánh ngọt, bánh mì và mứt. Đấy đúng là chế độ ăn kiêng đơn giản và
nhiều dinh dưỡng; nhưng chẳng có gì thú vị cả, và mùi rượu Burgundy, mùi nước sốt
kiểu Pháp cùng hình ảnh những chiếc khăn ăn sạch và những ổ bánh mì dài đã như
một vị khách quý gõ vào cánh cửa tâm hồn của chúng tôi.
Chúng tôi im lặng cắm đầu cắm cổ chén một hồi,
cho đến lúc, thay vì ngồi thẳng lên cầm chắc dao nĩa, chúng tôi ngả lưng vào ghế
mà ăn uống một cách chậm rãi và cẩu thả - khi chúng tôi duỗi chân dưới gầm bàn
để mặc khăn ăn rơi xuống sàn và tìm thấy cơ hội nghiên cứu trần nhà ám khói một
cách khó tính hơn so với trước - khi chúng tôi sải tay đặt cốc lên bàn và cảm
thấy dễ chịu, suy tư, và bao dung.
Thế rồi Harris, đang ngồi cạnh cửa sổ, kéo
rèm nhìn ra ngoài phố.
Không gian lấp loáng trong mưa đêm, những
chiếc đèn lờ mờ lập lòe theo từng cơn gió, mưa đập đều đều vào ống máng và xối
ào ào theo đường máng xuống các rãnh nước đang chảy xối xả. Một vài khách bộ
hành ướt sũng hối hả băng ngang qua, co rúm người dưới những chiếc ô đang nhỏ
nước tong tong, phụ nữ thì kéo cao gấu váy.
- Vậy đấy, - Harris nói, với tay ra cầm cốc,
- chúng ta đã có một chuyến đi thú vị, và tớ chân thành cảm ơn vị cha già sông
Thames - nhưng tớ nghĩ chúng ta đã làm đúng khi kết thúc nó. Xin chúc mừng Ba
Gã rời thuyền thành công!
Và con Montmorency, đang đứng hai chân bên
cửa sổ nhòm ra ngoài màn đêm, bèn cất lên một tiếng sủa ngắn thể hiện sự đồng
tình với lời chúc rượu trên.
Hết
*
* *
Lời Tác Giả
Thế
giới đã rất tử tế với cuốn sách này. Hơn 1,5 triệu bản tiếng Anh của cuốn sách ở
nhiều định dạng khác nhau đã được bán ra. Ở Chicago nhiều năm trước, một tay in
lậu bạo dạn nay đã nghỉ hưu từng đoan chắc với tôi rằng lượng tiêu thụ của cuốn
sách trên toàn nước Mỹ đã vượt quá một triệu, và tuy cuốn sách được xuất bản
trước khi có Công ước Bản quyền, và do đó tôi không được lợi gì xét về khía cạnh
vật chất, nhưng không thể phủ nhận rằng cuốn sách này đã đem lại cho tôi danh
tiếng và khiến tôi được biết đến rộng rãi trong cộng đồng nước Mỹ. Theo tôi, cuốn
sách này đã được dịch ra mọi ngôn ngữ châu Âu và cả một số ngôn ngữ châu Á. Nó
đã mang đến cho tôi hàng nghìn lá thư, từ cả người trẻ lẫn người già; từ người
khỏe cho đến người ốm; từ người vui tươi đến kẻ u sầu. Những lá thư ấy đến với
tôi từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ cả đàn ông lẫn đàn bà của tất cả các nước.
Riêng những lá thư ấy thôi đã đủ khiến tôi cảm thấy vui sướng vì đã viết cuốn
sách này rồi. Tôi vẫn còn giữ vài trang đã xỉn màu của một bản in do một quân
nhân trẻ xứ thuộc địa Nam Phi gửi cho. Những trang sách ấy được lấy từ ba lô của
một đồng đội của anh ta đã chết trong trận Spion Kop. Sự ghi nhận vậy là quá
nhiều. Chỉ còn cần giải thích những gì đã tạo nên một thành công phi thường đến
thế. Tôi không sao làm nổi việc này. Tôi đã viết nhiều cuốn sách mà theo tôi
còn thần tình hơn, dí dỏm hơn. Nhưng, công chúng cứ mãi nhớ tới tôi với tư cách
tác giả của cuốn Ba gã cùng thuyền (Chưa nhắc đến con chó) này. Một số nhà phê
bình từng lý luận rằng chính sự thô tục và việc hoàn toàn thiếu vắng yếu tố hài
hước là nguyên nhân khiến cuốn sách thành công đến thế với công chúng; nhưng đến
bây giờ, người ta thấy lý luận ấy không giải đáp được thắc mắc kia. Một tác phẩm
nghệ thuật tồi có thể thành công trong một khoảng thời gian và trong một cộng đồng
hạn chế; nó sẽ không thể nào mở rộng phạm vi ảnh hưởng xuyên suốt gần nửa thế kỷ
được. Tôi đã đi đến kết luận rằng, dù lời giải thích cho thành công đó có là gì
đi nữa thì tôi cũng có thể ghi nhận công lao của mình vì đã viết nên cuốn sách
này. Đúng như thế, nếu tôi thực sự là người viết ra nó. Vì thật tình thì tôi hầu
như chẳng nhớ là mình đã làm việc ấy. Tôi chỉ nhớ là đã cảm thấy mình thật tươi
trẻ và hoan hỉ một cách kỳ lạ vì những lý do chỉ liên quan đến cá nhân tôi. Đó
là mùa hè và London vào hạ thật đẹp. Ngay dưới cửa sổ của tôi là một thành phố
thần tiên được phủ một lớp voan sương mờ ánh vàng. Tôi làm việc trong một căn
phòng ở tít phía trên các ống khói; và vào buổi đêm ánh đèn rọi xuống thật xa
bên dưới chỗ tôi, vì thế tôi như nhìn xuống cả một hang đầy kho báu của Aladdin
vậy. Tôi viết cuốn sách này chính vào những tháng hè đó; có vẻ như đó là việc
duy nhất cần phải làm.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét