Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)
Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016
Chương 5
Bà P.
đánh thức chúng tôi - George, kẻ lười nhác - Trò lừa đảo “dự báo thời tiết” -
Hành lý của chúng tôi - Hành động đồi bại của thằng nhóc - Người ta tụ tập
quanh chúng tôi - Chúng tôi ra đi đầy phong cách và đến Waterloo - Sự ngây thơ
của các Nhân viên Hỏa xa Tây Nam về những thứ tầm thường như tàu hỏa - Chúng
tôi lênh đênh trôi nổi trên một con thuyền hở mui.
SÁNG HÔM SAU, bà Poppets là người đánh thức
tôi dậy.
Bà ấy bảo:
- Ngài có biết là đã gần chín giờ rồi
không, thưa ngài?
- Chín gì cơ? - tôi gào lên và ngồi bật dậy.
- Chín giờ, - bà Poppets đáp lại qua lỗ
khóa. - Tôi nghĩ các ngài ngủ hơi bị quá giấc.
Tôi đánh thức Harris và bảo cho hắn biết. Hắn
nói:
- Tớ tưởng cậu muốn tớ dậy lúc sáu giờ?
- Thì tớ muốn thế đấy chứ, - tôi trả lời.
- Sao cậu không gọi tớ dậy? - hắn căn vặn. -
Giờ thì mình chẳng ra được bờ sông trước mười hai giờ đâu. Tớ đang tự hỏi không
biết cậu có cố để bò dậy không nữa?
- Ừm, - tôi đáp lại. - May cho cậu là có đấy.
Nếu tớ không đánh thức, chắc cậu còn nằm thượt ra ở kia đến cả hai tuần ấy chứ.
Chúng tôi cằn nhằn nhau trong trạng thái
căng thẳng này thêm vài phút nữa cho đến khi bị ngắt lời bởi một tiếng ngáy đầy
thách thức từ phía George. Nó nhắc chúng tôi nhớ lại, lần đầu tiên kể từ khi được
gọi dậy, về sự tồn tại của hắn. George - kẻ đã muốn biết hắn phải gọi chúng tôi
dậy lúc mấy giờ ấy - đang nằm ngửa ở kia, mồm há hốc và đầu gối thì co lên.
Tôi không biết tại làm sao, xin đảm bảo thế,
nhưng hình ảnh một gã khác nằm ngủ trên giường trong khi tôi đã dậy làm tôi
phát điên. Có vẻ như với tôi, nhìn thấy những phút giây quý báu của đời người -
những khoảnh khắc vô giá sẽ không bao giờ trở lại - bị phí hoài trong những giấc
ngủ thuần túy bản năng của loài vật, là một điều không thể chịu đựng được.
George nằm đó, ném món quà thời gian không
thể ước lượng được giá trị kia vào trong sự lười biếng ghê tởm; cuộc đời giá trị
của hắn, mỗi giây mà hắn sẽ phải chịu trách nhiệm sau này đang trôi qua và
không được sử dụng. Hắn lẽ ra đã có thể tọng cho đầy bụng món trứng và thịt muối,
trêu chọc con chó, hay đang tán tỉnh cô tớ gái, thay vì nằm ườn ra kia, chìm đắm
trong sự quên lãng bít kín tâm hồn.
Đó là một ý nghĩ khủng khiếp. Có vẻ như điều
này lóe lên trong đầu tôi và Harris trong cùng một khoảnh khắc. Chúng tôi kiên
quyết phải cứu lấy George, và, nhờ quyết tâm cao quý này, cuộc cãi cọ của chính
chúng tôi đã bị quên bẵng. Chúng tôi lượn tới và quăng mớ quần áo vào người
George, Harris ném một cái dép trúng người hắn còn tôi thì thét vào tai hắn, và
thế là hắn ta tỉnh dậy.
- Cái gì thế? - hắn lầm bầm, ngồi dậy.
- Dậy đi, thằng béo đần kia! - Harris rống
lên. - Mười giờ kém mười lăm rồi.
- Cái gì? - George ré lên, nhảy ra khỏi giường
và hạ cánh đúng vào cái chậu tắm; - Đứa khốn kiếp nào để cái này ở đây hả?
Chúng tôi bảo hắn rằng hắn đích thị là đồ
ngu vì đã không thấy cái chậu tắm ở đấy.
Chúng tôi mặc xong quần áo, và, khi đến các
công đoạn phụ, chúng tôi mới nhớ ra là đã đóng gói mấy cái bàn chải đánh răng,
bàn chải và lược (tôi biết bàn chải đánh răng sẽ là khắc tinh của tôi mà), và
phải xuống nhà bới mấy thứ ấy ra khỏi túi. Và khi vừa xong xuôi đâu đấy thì
George lại muốn có dụng cụ cạo râu. Chúng tôi bảo với hắn ta rằng sáng hôm đó hắn
sẽ phải ra khỏi nhà mà không cạo râu, vì chúng tôi sẽ không dỡ đồ ra khỏi cái
túi đó nữa đâu, cho dù có vì hắn hay ai đó như hắn thì cũng còn lâu nhé.
Hắn bảo:
- Đừng có mà lố bịch thế chứ. Làm sao tớ
vào thành phố trong tình trạng như thế này được?
Để như thế xuống phố thì hẳn là có phần gớm
guốc rồi, nhưng chúng tôi quan tâm quái gì đến nỗi khổ của thế gian cơ chứ. Như
Harris nói, theo cách dung tục thường có của hắn, thì thành phố phải đi mà chịu
thôi.
Chúng tôi đi xuống nhà ăn sáng. Con
Montmorency đã mời hai con chó khác đến tống tiễn, và chúng đang giết thời giờ
bằng cách tẩn nhau trên bậc thềm. Chúng tôi làm cho chúng bình tĩnh lại bằng một
cái ô rồi ngồi xuống xơi món sườn và thịt bò nguội.
Harris nói:
- Nấu một bữa sáng ngon lành là một việc vĩ
đại, - và hắn ta khởi tiệc bằng vài miếng sườn, bảo rằng hắn sẽ ăn món này khi
chúng còn nóng, vì món thịt bò có thể đợi được.
George thì vớ lấy tờ báo và đọc cho chúng
tôi nghe mấy vụ tử vong trên thuyền và bản tin thời tiết, dự báo rằng trời sẽ “mưa, lạnh, có thể ẩm ướt hay sáng sủa
(hay bất kỳ cái gì kinh khiếp hơn những thứ vốn đã kinh khiếp mà thời tiết có
thể biến đổi ra), “đôi khi có bão kèm sấm
sét và mưa to cục bộ, gió Đông, nhìn chung nhiệt độ giảm ở các hạt miền Trung
(London và vùng biển Manche). Áp suất nhiệt
giảm”.
Tôi nghĩ rằng, trong tất cả những thứ ngớ
ngẩn bực cả mình mà chúng ta phải chịu đựng, trò bịp “dự báo thời tiết” này chắc
là thứ làm điên người nhất. Nó “dự báo” chính xác hoàn toàn những gì xảy ra hôm
qua hay hôm kia, và chính xác là trái ngược hoàn toàn với những gì sẽ xảy ra
trong ngày hôm nay.
Tôi còn nhớ đợt cuối thu năm nọ, một kỳ nghỉ
của tôi đã bị phá hỏng hoàn toàn vì chúng tôi đã chú ý đến mục dự báo thời tiết
trên tờ báo địa phương. “Hôm nay có thể sẽ
có mưa to kèm sấm sét”, báo viết như thế vào thứ Hai, và thế là chúng tôi
hoãn chuyến picnic lại, và ở lỳ trong nhà cả ngày để chờ cơn mưa đến. Và mọi
người thì cứ đi qua cửa nhà, tươi tỉnh và vui nhộn trên những chiếc xe ngựa bốn
bánh, mặt trời thì chiếu sáng ngoài kia, và chẳng hề thấy tí mây đen nào cả.
- A! - chúng tôi nói khi đứng nhìn họ qua cửa
sổ, - rồi họ sẽ về nhà trong tình trạng ướt sũng thôi!
Và chúng tôi cười khúc khích khi nghĩ họ sẽ
phải chịu cảnh ướt át thế nào, và quay lại chỗ ngồi, cời lửa lò sưởi, giở sách
ra, rồi sắp xếp lại các mẫu vật tảo biển và vỏ sò của mình. Đến mười hai giờ
trưa, ánh nắng rọi vào phòng, cái nóng đã trở nên khá là khó chịu, và chúng tôi
tự hỏi đến bao giờ thì những cơn mưa nặng hạt kèm theo sấm chớp ấy mới bắt đầu.
- À! Buổi chiều sẽ mưa thôi, rồi cậu sẽ thấy,
- chúng tôi nói với nhau như thế. - Ôi, họ sẽ không bị ướt đâu nhỉ. Thật là vui
hết sức!
Lúc một giờ chiều, bà chủ nhà vào để hỏi
xem liệu chúng tôi có đi chơi không, vì có vẻ như hôm đó là một ngày đẹp trời.
- Không, không, - chúng tôi trả lời, với một
điệu cười khúc khích ranh mãnh, - chúng tôi không đi đâu. Chúng tôi không muốn
bị ướt sũng đâu - không, không.
Và khi đã sắp hết buổi chiều mà vẫn chẳng
có dấu hiệu gì của mưa gió, chúng tôi cố làm cho mình vui lên với ý nghĩ rằng rồi
mưa sẽ trút xuống dồn dập cùng một lúc ngay khi người ta sắp sửa về nhà và
không ở gần chỗ nào để trú mưa, và vì thế họ sẽ còn bị ướt sũng hơn bao giờ hết.
Nhưng chẳng có giọt mưa nào, và ngày hôm đó là một ngày tuyệt vời từ đầu chí cuối,
và tiếp theo là đến một đêm dễ chịu nữa.
Sáng hôm sau chúng tôi đọc được rằng đó sẽ
là một ngày “ấm áp, thời tiết đẹp đến rất đẹp; khá nóng”; vậy là chúng tôi
khoác lên mình những thứ quần áo mỏng manh rồi ra ngoài chơi, và, chỉ nửa tiếng
sau khi chúng tôi khởi hành, trời bắt đầu mưa rào rào, kế đó là một cơn gió lạnh
tê tái, và suốt cả ngày trời cứ mưa gió như thế, và chúng tôi về nhà mang theo
bệnh cảm lạnh và khắp người nhức mỏi, rồi chui lên giường.
Nói chung thời tiết là thứ gì đó ngoài tầm
hiểu biết của tôi. Tôi không bao giờ hiểu được nó. Phong vũ biểu cũng là thứ vô
dụng; nó cũng khiến người ta bị lừa y như dự báo thời tiết trên báo.
Có một cái treo trong một khách sạn ở
Oxford nơi tôi ghé chân mùa xuân năm ngoái, và khi tôi đến đó, cái phong vũ biểu
ấy đang chỉ nấc “trời khá đẹp”. Ấy vậy mà bên ngoài trời cứ gọi là mưa như
trút, và cứ mưa như thế suốt cả ngày; còn tôi thì không tài nào hiểu nổi chuyện
gì. Tôi vỗ vỗ cái phong vũ biểu, và cái mũi tên nhảy véo lên chỉ vào chữ “rất
khô ráo”. Thằng cha khênh hành lý của khách sạn dừng lại khi đi ngang qua đó và
nói, hắn ta mong rằng nó đang chỉ thời tiết ngày mai. Tôi thì tưởng tượng có lẽ
cái phong vũ biểu đang nhắc lại thời tiết hai tuần trước, nhưng Khênh Hành Lý bảo,
Không, hắn ta không nghĩ như thế.
Sáng hôm sau tôi lại vỗ vỗ cái phong vũ biểu
lần nữa, và nó còn chỉ lên mức cao hơn trong khi cơn mưa đang nặng hạt hơn bao
giờ hết. Thứ Tư tôi đi ra và đập cho nó một phát nữa, và mũi tên bèn đảo một
vòng về phía các nấc “trời khá đẹp,” “rất khô ráo”, và “khá nóng”, cho đến khi
bị cái chốt ngăn lại và không thể nào chỉ cao hơn được nữa. Nó đã cố hết sức rồi,
nhưng cái thiết bị này được chế tạo sao cho không thể chỉ vào mấy nấc thời tiết
khắc nghiệt hơn mức nó đã dự báo mà không tự làm hỏng chính mình. Rõ ràng nó muốn
tiếp tục chỉ lên mức cao hơn, nào là hạn hán, thiếu nước, nắng gắt, gió nóng và
những thứ kiểu như thế, nhưng cái chốt đã cản nó lại và nó đành tự bằng lòng với
việc chỉ vào cái nấc dự báo hết sức tầm thường là “rất khô ráo”.
Trong lúc đó thì mưa vẫn trút xuống thành
dòng, và phần thành phố trũng hơn đã ngập dưới nước vì nước sông dâng lên tràn
bờ.
Thằng cha Khênh Hành Lý tuyên bố rõ ràng rồi
đến một lúc nào đó chúng ta sẽ có cả một đợt dài thời tiết tuyệt vời, và đọc to
bài thơ được in ngay phía trên:
Dự báo xa, kéo dài lâu;
Nhanh xảy tới, cũng qua mau
Mùa hè năm đó chẳng có ngày nào là thời tiết
đẹp cả. Tôi cho rằng cái phong vũ biểu ấy hẳn là đang dự báo cho mùa xuân năm
sau.
Rồi cả cái loại phong vũ biểu đời mới nữa,
những cái dài thẳng đuột. Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo nó ra làm sao cả. Có
một bên cho mười giờ sáng hôm qua, và một bên cho mười giờ sáng hôm nay; nhưng
ta đâu thể lúc nào cũng đến chỗ nó từ mười giờ được, bạn biết thừa rồi còn gì.
Cột thủy ngân sẽ chạy lên hay hạ xuống để báo mưa hay thời tiết đẹp, gió mạnh
hay nhẹ, một đầu ghi chữ “Nly” còn đầu kia ghi chữ “Ely” (Ely liên quan quái gì
ở đây nhỉ?), nếu ta có vỗ vào thì nó cũng chẳng cho ta biết điều gì cả. Ta lại
còn phải điều chỉnh nó cho đúng mực nước biển và quy về thang nhiệt Fahrenheit,
và kể cả đến lúc đó tôi cũng chẳng biết nó chỉ cái quái gì nữa.
Nhưng ai mà cần dự báo thời tiết chứ? Thời
tiết xấu là đã đủ tệ lắm rồi, nói gì đến nỗi thống khổ khi biết trước rằng nó sẽ
xảy đến. Nhà tiên tri chúng ta thích là ông già mà vào buổi sáng vô cùng u ám của
ngày nào đó khi chúng ta vô cùng mong muốn thời tiết hôm ấy sẽ dễ chịu, ông sẽ
nhìn quanh đường chân trời với đôi mắt vô cùng hiểu biết và nói rằng:
- Ôi không, thưa ngài, tôi nghĩ trời sẽ
sáng sủa thôi. Sẽ sáng sủa, thưa ngài.
- À, ông ta biết trước mọi chuyện mà, -
chúng ta nói khi chúc ông ta một buổi sáng tốt lành, và lên đường: - các ông
già biết nói những điều tuyệt vời làm sao!
Và chúng ta cảm thấy tình cảm thân ái dành
cho người đàn ông ấy không hề bị giảm sút trong hoàn cảnh thời tiết chẳng tươi
sáng hơn chút nào mà vẫn tiếp tục mưa đều đều cả ngày.
- À, ừ, - chúng ta cảm thấy, - ông ấy đã cố
hết sức rồi.
Còn với người dự báo cho ta thời tiết xấu,
trái lại, chúng ta sẽ chỉ nuôi dưỡng toàn những ý nghĩ thù hận và cay đắng.
- Hê, ông có nghĩ trời sẽ sáng sủa lên
không? - chúng ta hét lên vui vẻ khi đi ngang qua.
- Ôi không, thưa ngài; tôi sợ là thời tiết
sẽ cứ thế này suốt cả ngày thôi, - ông ta lắc đầu đáp.
- Lão hâm! - chúng ta lầu bầu, - lão thì biết
gì về thời tiết chứ?
Và, nếu điềm gở ấy hóa ra lại đúng, chúng
ta sẽ trở về và còn tức ông ta hơn, với một nhận thức mơ hồ rằng, chẳng hiểu bằng
cách nào, ông ta có dính dáng đến chuyện ấy.
Thời tiết quá chừng sáng sủa và tràn đầy
ánh nắng vào buổi sáng đặc biệt này, vậy mà George lại đọc lên cái làm người ta
lạnh cả người về “áp suất nhiệt giảm”, “nhiễu loạn khí quyển đi một đường chếch
khu vực Nam Âu”, và “áp suất khí quyển tăng”, để làm chúng tôi hết sức khó chịu;
và khi nhận ra rằng hắn không thể khiến chúng tôi đau khổ được và hắn chỉ tổ mất
thời gian thôi, Geogre bèn nhón lấy điếu thuốc mà tôi đã cẩn thận vê cho mình rồi
lỉnh mất.
Harris và tôi, sau khi xử lý xong những món
còn lại trên bàn, liền mang hành lý ra để trên bậc thềm và chờ xe ngựa tới.
Có vẻ như khi chúng tôi để dồn các thứ với
nhau thì hành lý cũng khá nhiều. Nào là cái va li Gladstone với túi xách nhỏ, rồi
cả hai cái giỏ mây, thêm một cuộn to những tấm chăn, bốn năm cái áo bành tô với
lại áo mưa, mấy cái ô, một quả dưa đựng riêng trong một cái túi vì nó quá cồng
kềnh không xếp được vào đâu, vài cân nho trong một cái túi khác, một cái ô Nhật
bằng giấy, và một cái chảo rán, những thứ quá dài không thể nhồi nhét vào đâu
được nên chúng tôi đã phải lấy giấy nâu bọc lại.
Trông thật là hoành tráng, Harris và tôi bắt
đầu cảm thấy lấy làm xấu hổ mặc dù tôi không thấy lý do tại sao chúng tôi lại
phải xấu hổ. Chẳng có cái xe ngựa nào chạy qua, nhưng bọn trẻ con trên phố thì
đầy, và rõ ràng chúng lấy làm thú vị với buổi trình diễn này và đã dừng lại.
Thằng nhóc chạy việc của Biggs là kẻ đầu
tiên tạt lại. Biggs là tay bán rau quả của chúng tôi, và tài năng chính của tay
này là giành được sự phục vụ của những thằng nhóc chạy việc vặt vô kỷ luật và mất
dạy nhất mà nền văn minh này từng sản sinh ra. Nếu có đứa nào côn đồ quá mức
bình thường xuất hiện trong đám nhóc ở khu chúng tôi, mọi người đều biết đó
chính là thằng chạy vặt mới nhất của Biggs. Tôi nghe nói vào thời điểm xảy ra vụ
giết người phố Great Coram, người ở khu chúng tôi đã ngay lập tức kết luận rằng
đứa chạy việc (trong thời điểm ấy) của Biggs chính là nguyên nhân sâu xa gây ra
vụ đó, và nếu thằng nhóc này, trong lúc hồi đáp cuộc kiểm tra chéo gắt gao mà
trong đó nó là mục tiêu của đặc vụ số 19, khi ông này triệu nó đến vào buổi
sáng sau vụ án mạng (với sự hỗ trợ của đặc vụ số 21, người tình cờ làm sao đúng
lúc đó lại đang đứng ở bậc thềm), lại không thể chứng minh được một chứng cớ
ngoại phạm hoàn chỉnh; thì nó cứ là gặp rắc rối to. Tôi không biết thằng nhóc của
Biggs lúc đó, nhưng dựa vào những gì tôi nắm bắt được về đám chạy việc của tay
này kể từ hồi ấy trở đi, bản thân tôi đây không coi trọng cái bằng chứng ngoại
phạm ấy lắm.
Thằng nhóc chạy việc nhà Biggs, như tôi đã
kể, đi đến chỗ góc phố. Rõ ràng lúc vừa xuất hiện trong tầm nhìn của chúng tôi
thì nó đang vô cùng vội vã, ấy vậy mà khi trông thấy Harris, tôi, con
Montmorency cùng với mớ hành lý, nó đi chậm lại và cứ thế nhìn chòng chọc.
Harris và tôi lừ mắt nhìn nó. Hành động này hẳn là đã có thể làm thương tổn một
sinh vật nhạy cảm hơn, nhưng, như thường lệ, thằng nhóc chạy việc nhà Biggs lại
không dễ động lòng đến thế. Nó dừng sững lại, chỉ cách bậc thềm chỗ chúng tôi
ngồi độ gần một mét, rồi, tựa người vào hàng rào và rút một sợi rơm ra nhai, nó
xoáy thẳng ánh mắt vào chúng tôi. Rõ ràng thằng nhỏ định nhìn xem việc này rồi
sẽ thế nào.
Một lúc sau, thằng nhóc ở hiệu tạp hóa đi
ngang qua phía bên kia đường. Thằng nhóc chạy việc nhà Biggs vẫy nó:
- Ê! Tầng trệt nhà 42 đang chuyển nhà này.
Thằng nhóc hiệu tạp hóa băng qua đường, chiếm
lấy một chỗ ở phía bên kia thềm. Rồi một quý ông trẻ tuổi ở cửa hàng giày ống dừng
lại và nhập hội với thằng nhóc nhà Biggs; trong khi đó người quản lý quán “Hòm
thư Xanh” chọn lấy một chỗ đứng riêng rẽ trên vỉa hè.
- Họ sẽ không bị chết đói đâu nhỉ? - quý
ông trẻ tuổi ở cửa hàng giày ống nói.
- A! Dĩ nhiên anh sẽ muốn đem theo một số
thứ, - anh chàng “Hòm thư Xanh” vặn lại, - nếu anh sắp sửa vượt Đại Tây Dương
trên một cái thuyền bé tí.
- Họ không vượt Đại Tây Dương đâu, - thằng
nhóc nhà Biggs đốp lại; - họ chuẩn bị đi tìm Stanley đấy chứ.
Đến lúc này, đã có hẳn một đám đông nho nhỏ
tụ tập, và người ta hỏi nhau xem đang có chuyện gì. Một nửa (phần trẻ tuổi và
nhẹ dạ của đám đông) cho rằng đó là một đám cưới, và chỉ ra rằng Harris chính
là chú rể; trong khi nửa lớn tuổi hơn và chín chắn hơn lại nghiêng về ý đó là một
đám ma, và có lẽ tôi là anh trai của xác chết.
Cuối cùng thì cũng có một cái xe ngựa chưa
có khách xuất hiện (đây là một con phố nơi mà, dường như đã thành quy luật, những
chiếc xe ngựa trống chạy qua với tần suất ba cái một phút vào thời điểm người
ta không cần đến chúng nhất, và cứ quẩn quanh chắn hết đường người khác) nhét
chúng tôi tất tật cả người ngợm lẫn của nả vào trong, rồi làm cho vài người bạn
của con Montmorency, những kẻ hiển nhiên đã thề rằng không giờ tha thứ cho nó,
phải phóng vọt ra xa, chúng tôi lao đi trong tiếng reo hò của đám đông, và thằng
nhóc nhà Biggs liệng theo củ cà rốt để chúc may mắn.
Chúng tôi đến Waterloo lúc 11 giờ, và hỏi
chuyến tàu lúc 11 giờ 5 sẽ khởi hành từ đâu. Dĩ nhiên không ai biết; không ai ở
Waterloo từng biết đâu là nơi một con tàu sẽ khởi hành, hay khi nó khởi hành
thì đâu sẽ là đích đến, hay bất kỳ điều gì về việc ấy. Người khuân vác đã mang
đồ của chúng tôi xuống nghĩ rằng nó sẽ đi từ sân ga số hai, trong khi một người
khuân vác khác mà anh ta đã thảo luận về vấn đề này lại nghe đồn rằng nó sẽ đi
từ sân ga số một. Tuy nhiên ngài trưởng ga thì tin chắc rằng nó sẽ khởi hành ở
ngay chỗ này.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề chúng tôi
trèo lên tầng hỏi người quản lý giao thông, và ông này cho biết, ông ta vừa gặp
một người, người đó nói rằng đã nhìn thấy con tàu ở sân ga số ba. Chúng tôi đến
sân ga số ba, nhưng người phụ trách ở đó nói rằng họ nghĩ đó là tàu tốc hành
Southampton, hoặc là tàu khứ hồi Windsor thì đúng hơn. Nhưng họ đảm bảo đó
không phải tàu đi Kingston, mặc dù họ không thể nói được tại sao họ lại chắc chắn
như thế.
Thế rồi người khuân vác của chúng tôi nói rằng
chắc hẳn nó phải ở sân ga phía trên; và bảo anh ta nghĩ mình biết con tàu đó.
Vì thế chúng tôi đến sân ga phía trên và gặp người lái tàu, và hỏi xem anh ta
có đi Kingston không. Anh ta trả lời là dĩ nhiên anh ta không thể nói chắc được,
nhưng anh ta muốn nghĩ là anh ta chắc chắn thế lắm. Dù sao đi nữa, nếu không
lái chuyến 11 giờ 5 đi Kingston thì anh ta chắc chắn rằng mình sẽ lái chuyến 9
giờ 32 đi Virginia Water, hoặc chuyến tàu nhanh lúc 10 giờ đi đảo Wight, hay
nơi nào đấy cùng hướng đó, và chúng tôi rồi sẽ biết rõ khi nào đến nơi thôi.
Chúng tôi dúi một đồng nửa curon vào tay anh ta và van vỉ rằng đó hãy là chuyến
11 giờ 5 đi Kingston.
- Chẳng ai trên tuyến này biết anh là ai
hay anh sẽ đi đâu cả, - chúng tôi nói. - Anh biết đường rồi đấy, anh chỉ cần lặng
lẽ chuồn đi Kingston là xong mà.
- Ừm, tôi không biết, các quý ông ạ, - con
người cao thượng kia đáp, - nhưng tôi cho là một chuyến tàu nào đấy phải đến
Kingston, và tôi sẽ lái nó. Đưa cho tôi đồng nửa curon nào.
Vậy là chúng tôi đã đến Kingston bằng Hỏa
xa London và Tây Nam.
Sau này chúng tôi được biết con tàu chúng
tôi đã đi thực ra là tàu chở thư tới Exeter, và rằng người ta đã mất hàng giờ để
tìm kiếm nó ở Waterloo, và không ai biết nó đã gặp phải chuyện gì hết.
Con thuyền của chúng tôi đã chờ sẵn ngay
bên dưới chân cầu ở Kingston, và chúng tôi đi về phía đó, chất hành lý thành một
vòng quanh mép thuyền và bước lên.
- Các ngài có ổn không? - người trông thuyền
hỏi.
- Ổn, - chúng tôi trả lời; và với Harris
bên cạnh mái chèo, tôi ở phía bánh lái, con Montmorency, không vui vẻ gì và có
vẻ nghi ngờ sâu sắc, nằm trên mũi thuyền, chúng tôi lao ra vùng sông nước sẽ là
nhà của mình trong hai tuần tới.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét