Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)
Tác giả: Jerome K. Jerome
Người
dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016
Chương 3
Những
sự sắp xếp được ấn định - Phương pháp làm việc của Harris - Làm thế nào mà bậc
tiền bối trong gia đình có thể treo một bức tranh - George có một nhận xét chí
lý - Niềm vui của việc tắm buổi sáng - Đồ dự trữ đề phòng thuyền lật.
VẬY LÀ TỐI HÔM SAU, chúng tôi lại tụ tập, để
thảo luận và bố trí các kế hoạch. Harris bảo:
“Bây giờ việc đầu tiên cần xác định là nên
đem theo cái gì. J., cậu lấy một mẩu giấy để ghi lại, còn Geogre, cậu lấy cuốn
danh mục hàng tạp hóa ra đây, và ai đó đưa cho tớ mẩu bút chì nào, tớ sẽ thảo một
danh sách.”
Đấy đích thị là Harris - vô cùng sẵn lòng
tiếp nhận gánh nặng của mọi thứ, và rồi chất nó lên lưng những người khác.
Hắn luôn làm tôi nhớ đến ông chú tội nghiệp
của tôi - chú Podger. Cả đời ta sẽ chẳng bao giờ thấy được cảnh hỗn loạn tanh
bành đến thế trong một căn nhà như khi chú Podger của tôi đảm nhận việc gì đó.
Một bức tranh - được mang về nhà từ cửa hàng đóng khung - đang dựng trong phòng
ăn chờ được treo lên; và cô Podger sẽ hỏi nên làm gì với nó, và rồi chú Podger
sẽ bảo:
“Ồ, bà để cái đó cho tôi. Đừng có ai, bất kỳ
ai trong nhà, lo lắng về việc đó. Tôi sẽ xử lý mọi việc cho.”
Rồi chú sẽ cởi áo khoác ra và bắt đầu công
việc. Chú sẽ cử cô con gái đi mua sáu xu đinh, và sau đó cử một trong số các cậu
trai đuổi theo để bảo cần mua đinh cỡ nào; và kể từ lúc đó, dần dần chú sẽ sai
phái và khuấy động cả nhà lên.
“Will, mày đi lấy cho tao cái búa,” chú sẽ
hét lên thế; “thằng Tom, mang cho tao cái thước; và tao sẽ cần cái thang gấp đấy,
và tốt nhất là tao nên có cả một cái ghế trong bếp nữa; và này Jim! Mày chạy
ngay ra chỗ ông Goggles và bảo ông ấy là ‘Bố cháu gửi lời hỏi thăm và hy vọng
chân ông đã đỡ rồi; và liệu ông có thể cho bố cháu mượn cái thước đo độ ngang
không?’ Và đừng có mà đi đâu đấy, Maria, vì tôi sẽ cần có ai đó giữ đèn; và khi
nào con bé về thì nó phải đi tiếp để mua ít dây treo tranh nữa; và này Tom! Thằng
Tom đâu? Tom, mày đến đây; tao sẽ cần mày giơ cái tranh lên đấy.”
Và rồi chú sẽ nhấc cao cái tranh lên, sau
đó đánh rơi nó, tiếp theo, nó sẽ bung ra khỏi cái khung, và rồi chú sẽ cố cứu lấy
tấm kính, và tự làm đứt tay mình; và rồi chú sẽ nhảy dựng lên khắp cả phòng để
đi tìm cái khăn tay. Chú Podger sẽ không thể tìm thấy cái khăn vì nó đang ở
trong túi cái áo khoác mà chú đã cởi ra, mà chú lại không biết mình đã để cái
áo ở đâu, và thế là cả nhà sẽ phải ngừng tìm các dụng cụ cho chú, để bắt đầu đi
tìm cái áo khoác; trong lúc đó thì chú Podger nhảy chồm chồm xung quanh và cản
trở họ.
“Có ai trong cái nhà này biết áo khoác của
tôi ở đâu không? Cả đời tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện gì như thế này - thề
là chưa bao giờ. Sáu con người! - ấy thế mà các người không thể tìm nổi một cái
áo khoác tôi vừa mới đặt xuống chưa đến năm phút trước à! Ôi, thật là…”
Và rồi chú đứng lên và nhận ra mình đang ngồi
lên cái áo, vậy là chú sẽ hét:
“Ôi, các người có thể ngừng tìm được rồi đấy!
Tôi tự tìm được rồi. Thà bảo con mèo đi tìm cái gì đấy còn hơn trông đợi lũ các
người tìm được.”
Và sau khi đã mất độ nửa tiếng băng bó ngón
tay và một tấm kính mới đã được khênh tới và các dụng cụ, cái thang, cái ghế và
cây nến đã được mang đến, chú sẽ thử lại lần nữa, và toàn bộ gia đình, kể cả cô
con gái và người giúp việc, đứng xung quanh theo hình bán nguyệt trong tư thế sẵn
sàng hỗ trợ. Hai người sẽ phải giữ cái ghế, người thứ ba sẽ giúp chú Podger
trèo lên và giữ chắc chú ở đó, rồi người thứ tư sẽ đưa cho chú một cái đinh,
còn người thứ năm sẽ chuyển cho chú cái búa, và cuối cùng chú sẽ cầm lấy đinh
và làm rơi.
“Đấy!” chú sẽ nói với một giọng bị tổn
thương sâu sắc, “giờ thì cái đinh lại rơi mất rồi.”
Và tất cả bọn tôi sẽ phải bò lê bò càng ra
mà tìm trong khi chú đứng trên ghế cằn nhằn, rồi đòi biết liệu chú ấy có phải đứng
trên đó suốt buổi tối không.
Cuối cùng cũng tìm thấy cái đinh, nhưng đến
lúc đó thì chắc chú đã làm lạc mất đâu cái búa rồi.
“Cái búa đâu? Tôi đã làm gì với cái búa? Trời
đất ơi! Cả bảy mạng các người đang há hốc mồm ra đó mà không biết tôi đã làm gì
cái búa hả?”
Chúng tôi sẽ đi tìm cái búa cho chú, và rồi
chú lại chẳng thấy cái vệt do chính chú đánh dấu trên tường đâu nữa, đấy là chỗ
cái đinh cần được đóng vào, và mỗi người bọn tôi sẽ phải trèo lên ghế, đứng đằng
sau chú, và xem có thể tìm ra nó không; và mỗi người sẽ phát hiện ra cái dấu ấy
ở một chỗ khác nhau, rồi chú sẽ gọi tất cả bọn tôi là lũ ngốc, hết người này đến
người khác, và bắt chúng tôi trèo xuống. Và rồi chú Podger sẽ cầm thước ra đo lại,
và nhận ra rằng chú muốn đóng vào chỗ cách đó một khoảng trung bình cộng của bảy
mươi tám và chín mươi sáu centimet tính từ góc, và sẽ cố lẩm bẩm tính nhẩm
trong đầu rồi cáu điên lên.
Và tất cả chúng tôi sẽ thử tính nhẩm, rồi tất
cả đều có kết quả khác nhau, và người này cười nhạo người kia. Và tất yếu là
con số đầu tiên bị quên lãng hoàn toàn, và chú Podger sẽ phải tính lại từ đầu.
Lần này chú sẽ sử dụng một ít dây, và vào
thời khắc quan trọng khi ông già gàn đang nghiêng người một góc bốn nhăm độ qua
cái ghế, và đang cố vươn đến một điểm cách xa tầm với của mình chỉ gần mười
centimet, thì sợi dây tuột mất, và chú sẽ trượt vèo xuống cái đàn piano, một hiệu
ứng âm thanh hết sức tinh tế sẽ được tạo ra nhờ việc cả đầu và người chú đột ngột
đập vào tất cả các phím cùng một lúc.
Và cô Maria sẽ bảo cô sẽ không cho phép bọn
trẻ đứng xung quanh nghe thứ ngôn ngữ ấy nữa.
Cuối cùng, chú Podger cũng đánh dấu lại được
chỗ cần đóng, và chú tay trái cầm mũi đinh dí lên đấy còn tay phải cầm búa. Và,
phát đập đầu tiên, chú sẽ đập te tua ngón tay cái của mình và đánh rơi cái búa,
kèm theo một tiếng rú, vào ngón chân ai đó đứng dưới.
Cô Maria sẽ dịu dàng phát biểu rằng, lần
sau khi nào định đóng đinh vào tường thì hy vọng chú Podger sẽ cho cô biết kịp
thời để cô còn thu xếp đến ở một tuần với mẹ cô trong khi cái việc ấy được thực
hiện.
“Ôi, đàn bà các người, chuyện gì các người
cũng làm ầm ĩ hết cả lên,” chú Podger đáp lại, nhấc người lên. “Sao chứ, tôi
thích làm những việc nho nhỏ kiểu này đấy.”
Và rồi chú tiếp tục thử lại lần nữa, và, với
cú đập thứ hai, cái đinh sẽ đi gọn gàng xuyên qua lớp vữa, cộng thêm một nửa
cái búa kéo theo sau, và chú Podger sẽ bị xô vào tường với một lực gần đủ để
làm mũi chú bẹp dí.
Thế rồi chúng tôi lại phải đi tìm thước và
dây, sau đó thêm một cái hố mới lại được tạo ra; và đến khoảng nửa đêm thì bức
tranh sẽ được treo lên - xiên xẹo và lung lay, bức tường quanh đấy hàng mấy mét
trông cứ như thể bị một cái bồ cào oanh tạc, và tất cả mọi người đều mệt lử và
khổ sở - chỉ trừ mỗi chú Podger.
“Đấy nhé,” chú nói, nặng nề bước xuống ghế
rồi giẫm lên ngón chân của người giúp việc, và khảo sát mớ hỗn độn mình vừa tạo
ra với niềm tự hào lộ liễu: “Sao chứ, người ta cần một người đàn ông trong nhà
để làm những việc nho nhỏ như thế này đấy!”
Harris sẽ là một người như thế khi hắn già
đi, tôi biết thế, và tôi cũng bảo hắn thế. Tôi bảo rằng tôi không thể cho phép
hắn huy động của bản thân nhiều sức lao động đến thế. Tôi bảo:
“Không; cậu lấy giấy đi, cả cái bút chì và
cuốn danh mục nữa, George ghi lại, còn tớ sẽ lên danh sách cho.”
Danh sách đầu tiên của chúng tôi buộc phải
quăng đi. Rõ ràng các nhánh thượng nguồn sông Thames không thể lưu thông nổi một
con thuyền đủ rộng để chứa hết những thứ chúng tôi gạch chân là tuyệt đối cần
thiết; vậy là chúng tôi xé danh sách ấy đi và đành ngồi nhìn nhau!
George bảo:
“Các cậu biết đấy, ta đã đi hoàn toàn sai
hướng. Chúng ta không nên nghĩ đến những thứ chúng ta có thể mang theo mà chỉ
tính tới những thứ không thể không cần đến thôi.”
Thỉnh thoảng George hóa ra lại rất có lý. Bạn
sẽ phải ngạc nhiên cho mà xem. Tôi gọi đó là trí tuệ đích thực, không đơn thuần
xét đến tình huống hiện nay mà còn liên hệ đến chuyến đi của chúng tôi trên
dòng sông cuộc đời nói chung. Trong hành trình ấy, biết bao người chất đầy con
thuyền của họ cả mớ những thứ đồ ngu ngốc mà họ tưởng là thiết yếu cho một chuyến
đi vui vẻ và thoải mái, nhưng thật sự chỉ là những thứ đồ bỏ đi vô dụng, cho đến
khi con thuyền có nguy cơ bị ngập nước.
Họ đã chất đầy lên đến tận cột buồm của con
thuyền nhỏ bé tội nghiệp những quần áo đẹp và những ngôi nhà to; những người hầu
vô dụng, và một đám bạn bè bảnh chọe chẳng buồn quan tâm đến họ tí nào, và họ
cũng chẳng quan tâm đến những người ấy nhiều hơn; những trò giải trí đắt giá mà
chẳng ai thích, với lễ tiết và kiểu cách, với sự giả vờ giả vịt và sự phô
trương khoe của, và với - ôi, cái thứ đồ bỏ đi nặng nhất và rồ dại nhất! - nỗi
lo lắng không hiểu hàng xóm sẽ nghĩ gì, với những thứ đồ xa xỉ chỉ làm người ta
phát ngấy, với những niềm vui đã phát ớn, với những buổi trình diễn trống rỗng
mà, y như chiếc vương miện sắt của bọn thảo khấu ngày xưa, làm cái đầu đeo nó
chảy máu và sưng phồng lên!
Đấy là những thứ đồ bỏ đi thôi, các bạn ạ -
toàn là đồ bỏ đi thôi! Vứt khỏi thuyền đi. Chúng khiến con thuyền nặng nề, làm
ta gần như ngất xỉu với mấy mái chèo. Chúng làm việc điều khiển con tàu trở nên
vướng víu và nguy hiểm, và rồi ta sẽ chẳng bao giờ biết đến, dù chỉ trong khoảnh
khắc, sự tự do khi thoát khỏi những nỗi lo lắng và bận tâm, không bao giờ có được
một khoảnh khắc nghỉ ngơi dành cho sự mơ màng lười biếng - không có thời gian để
ngắm nhìn bóng cơn gió nhẹ nhàng lướt qua những chỗ nước nông, ngắm ánh mặt trời
lấp lánh vút qua làn sóng gợn lăn tăn, những thân cây to lớn bên bờ cúi xuống
nhìn bóng của chính chúng, hay những khu rừng toàn màu xanh và ánh vàng kim, những
bông bách hợp trắng và vàng, những cây bấc đu đưa ủ rũ, những cây lau cây lách,
hoa phong lan, và cả hoa lưu ly xanh nữa.
Hãy vứt cái mớ đồ bỏ đi ấy đi, bạn ơi! Hãy
để cho con thuyền cuộc đời bạn trở nên nhẹ nhàng, chỉ chất chứa những thứ bạn cần
- một tổ ấm ấm cúng và những niềm vui giản dị, một hay hai người bạn xứng đáng
với danh xưng ấy, ai đó để bạn yêu và để yêu bạn, một con chó, một con mèo, và
một hai cái tẩu, những thứ đủ để ăn và để mặc, và những thứ trên mức đủ để uống;
vì cơn khát là một thứ nguy hiểm.
Lúc đó bạn sẽ thấy con thuyền dễ chèo hơn
nhiều, và nó sẽ không dễ dàng bị lật úp, và cũng sẽ chẳng vấn đề lắm nếu nó bị
lật úp thật; những thứ đồ tốt và giản dị sẽ chịu được nước. Bạn sẽ có thời gian
để nghĩ ngợi cũng như để làm việc. Thời gian để say sưa tận hưởng ánh dương cuộc
đời - thời gian để lắng nghe thứ âm nhạc của thần Aeolius mà cơn gió của Chúa
Trời đã kéo lên quanh ta từ những sợi tơ lòng của con người - thời gian để…
Thật tình xin lỗi các bạn nhé. Tôi quên khuấy
mất rồi.
Vậy là chúng tôi để danh sách cho George xử
lý, và hắn ta bắt đầu.
“Chúng ta sẽ không mang lều đi,” George đề
xuất, “chúng ta sẽ kiếm một con thuyền có mái che. Như thế đơn giản hơn nhiều,
mà lại còn tiện lợi nữa.”
Đấy có vẻ là ý hay, và chúng tôi ủng hộ ý ấy.
Tôi không biết liệu bạn đã bao giờ nhìn thấy cái thứ mà tôi muốn nói đến chưa.
Ta sẽ cố định mấy vòng đai sắt lên phía trên con thuyền và căng một tấm vải dầu
thật to lên, buộc chặt xung quanh, từ mũi thuyền đến đuôi thuyền, và cái ấy sẽ
biến con thuyền thành một thứ như kiểu một ngôi nhà be bé, và nó sẽ thật ấm
cúng đẹp đẽ, mặc dù hơi bí một tí; nhưng đấy, cái gì mà chẳng có cái dở của nó
chứ, đúng như lời một thằng cha phán khi mẹ vợ hắn về nơi thiên cổ và người ta
đến đòi hắn chi phí đám tang.
George bảo mỗi người chúng tôi nên mang đi
một cái chăn, một cái đèn bàn, xà phòng, một cái bàn chải và lược (cái này dùng
chung cũng được), một cái bàn chải răng (mỗi người), một cái chậu, một ít kem
đánh răng, và đồ cạo râu (nghe cứ như bài tập tiếng Pháp ấy nhỉ?), một hai cái
khăn bông to để tắm. Tôi để ý thấy rằng người ta luôn chuẩn bị hoành tráng cho
việc tắm rửa khi sắp sửa ở đâu đó gần nước, nhưng khi đến đấy rồi thì họ lại chẳng
tắm táp nhiều cho lắm.
Cũng tương tự như thế khi bạn đi biển. Lúc ở
London nghĩ về chuyện này, lúc nào tôi cũng quyết tâm rằng sáng nào cũng sẽ dậy
sớm, đi tắm một phát trước bữa sáng, và đã cẩn thận đóng gói hẳn một đôi quần tắm
và một cái khăn bông. Tôi luôn mặc quần tắm màu đỏ. Tôi thích hình dung mình mặc
quần tắm màu đỏ. Chúng hợp với màu da của tôi. Nhưng khi ra đến biển, chẳng hiểu
sao tôi lại không hề thấy muốn tắm vào buổi sáng sớm như lúc còn ở thành phố
chút nào.
Trái lại, tôi thấy muốn nấn ná trên giường
đến phút cuối rồi xuống ăn sáng. Có độ một hay hai lần gì đó, đức tính chăm chỉ
thắng thế và tôi ra ngoài lúc sáu giờ sáng, ăn mặc phong phanh, mang theo quần
bơi và khăn tắm, và uể oải nhảy xuống. Nhưng tôi chẳng thấy thích thú gì cho lắm.
Có vẻ ai đấy đã dành riêng một cơn gió Đông lạnh đặc biệt, chờ sẵn đấy, chỉ
rình khi nào tôi đi tắm sớm; và ai đấy đã chọn lọc kỹ càng tất cả những hòn sỏi
ba cạnh và để lên trên cùng, các tảng đá thì được mài nhọn hoắt và phủ lên một
ít cát để tôi không nhìn thấy, và biển thì tự dưng trôi ra xa tít đến hơn hai dặm
khiến cho tôi cứ phải co ro vòng tay ôm lấy người, nhảy lò cò và run lên trong
làn nước sâu mười lăm centimet. Và lúc tôi ra đến nơi, biển động mạnh và dập
vùi tôi một cách thô bạo.
Một cơn sóng khổng lồ tóm lấy và vận hết sức
quăng tôi, trong tư thế ngồi, xuống một tảng đá đã được để sẵn ở đấy dành riêng
cho tôi. Và, trước khi tôi rú lên “Ối! Á!” và nhận ra chuyện gì vừa xảy ra thì
cơn sóng đã lại trở lại và đem tôi ra tận giữa đại dương. Tôi bắt đầu vùng vẫy
điên cuồng để vào bờ và tự hỏi không hiểu mình có bao giờ về được nhà và gặp lại
bạn bè nữa hay không, và ước gì mình đã tử tế hơn với con nhóc em gái khi còn
là một cậu bé (khi tôi còn là một cậu bé, ý tôi là thế). Tôi vừa mới từ bỏ hết
mọi hy vọng thì bỗng cơn sóng rút đi để lại tôi bò lổm ngổm như một con sao biển
trên bờ cát, và tôi nhỏm dậy, quay lại nhìn và nhận ra mình đã bơi cật lực
trong độ sáu mươi centimet nước để tự cứu mạng mình. Tôi nhảy lò cò lại chỗ cũ,
mặc quần áo và lết về nhà, ở đấy tôi lại phải giả vờ như mình thích tình cảnh vừa
rồi lắm ấy.
Trở lại với tình huống hiện tại, tất cả bọn
tôi đều tán chuyện cứ như thể sáng nào chúng tôi cũng sẽ đi bơi thật lâu vậy.
George nói rằng sẽ vui biết bao khi tỉnh giấc trên thuyền vào một buổi sáng
trong lành và ném mình xuống dòng sông trong vắt. Harris thì bảo chẳng có gì
kích thích dạ dày bằng việc tắm một phát trước bữa sáng. Hắn nói việc đó luôn
khiến hắn ngon miệng. George bảo nếu cái việc tắm táp ấy khiến Harris ăn nhiều
hơn khẩu phần bình thường của tên này thì hắn xin cực lực phản đối.
Hắn còn bảo chỉ riêng việc lôi ngược dòng số
thức ăn đủ cho Harris xơi trong chuyến đi là đã quá chừng vất vả rồi.
Tuy nhiên, tôi thuyết phục George rằng kể cả
có phải tải thêm vài tạ thực phẩm dự trữ nữa thì cũng sẽ dễ chịu đến thế nào nếu
chúng tôi có một Harris sạch sẽ và tươi tỉnh trên thuyền; và hắn phải nhìn nhận
việc này theo cách của tôi mà rút lại sự phản đối trước việc tắm táp của
Harris. Cuối cùng tất cả nhất trí là chúng tôi sẽ mang ba cái khăn tắm đi để
không ai phải chờ ai cả.
Về quần áo, George nói hai bộ đồ vải
flannel là đủ vì chúng tôi có thể tự giặt quần áo dưới sông khi chúng bẩn.
Chúng tôi hỏi George xem hắn đã bao giờ thử giặt đồ flannel bằng nước sông chưa
và hắn trả lời: “Không, không hẳn là tớ đã giặt; nhưng tớ biết vài người đã làm
thế và nói chung cũng dễ thôi mà”; và Harris và tôi lại non nớt đến độ tưởng rằng
tên kia biết mình đang nói gì, và rằng ba thanh niên đáng kính, không địa vị
hay tầm ảnh hưởng và không có tí kinh nghiệm nào trong việc giặt giũ, có thể thật
sự tự mình giặt áo quần trong dòng nước sông Thames với một mẩu xà phòng.
Chỉ vài ngày nữa thôi, rồi chúng tôi sẽ nhận
ra, khi đã quá muộn, rằng George là một thằng lừa đảo khốn khổ, một kẻ rõ ràng
không biết tí gì về vấn đề này. Giá mà bạn thấy mớ quần áo ấy sau này nhỉ -
nhưng, như trong những cuốn tiểu thuyết rẻ tiền vẫn viết đấy, ta có thể đoán
trước được mà.
George đặc biệt nhấn mạnh với chúng tôi rằng
cần phải mang thật nhiều đồ lót và tất phòng trường hợp chúng tôi bị lật thuyền
và muốn thay; cũng cần thật nhiều khăn tay nữa, vì chúng sẽ hữu dụng khi cần
lau cái gì đó, và ngoài giày đi thuyền thì cần cả một đôi ủng da, vì chúng tôi
sẽ muốn có chúng nếu thuyền bị lật.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét