Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) - Chương 12

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)

Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016

Chương 12

Henry VIII và Anne Boleyn - Những bất tiện khi sống cùng nhà với các cặp tình nhân - Thời gian thử thách cho nước Anh - Cuộc lùng sục ban đêm để tìm phong cảnh - Không nhà không nơi ở - Harris sẵn sàng chết - Thiên thần đến bên - Hiệu quả của niềm vui bất ngờ đối với Harris - Bữa tối nhẹ - Bữa trưa - Giá cắt cổ của mù tạt - Trận chiến kinh hoàng - Maidenhead - Giong buồm - Ba người đánh cá - Chúng tôi bị chửi rủa.

TÔI ĐANG NGỒI BÊN BỜ SÔNG thầm vẽ ra cảnh tượng này thì George nhận xét rằng trong lúc quá rảnh rang thì có lẽ tôi sẽ không phiền nếu đỡ một tay rửa bát đĩa. Vậy là, bị triệu hồi từ quá khứ huy hoàng về với hiện tại tầm thường cùng tất cả tội lỗi và nỗi thống khổ của nó, tôi trượt vào trong thuyền, lau sạch cái chảo rán bằng một mẩu gỗ và một nhúm cỏ rồi cuối cùng đánh bóng nó bằng cái sơ mi ẩm của George.
Chúng tôi đi ngang qua đảo Magna Charta và đã được nhìn cái hòn đá trong căn nhà tranh nhỏ ở nơi này, cái hòn đá mà nghe nói bản Hiến chương từng được ký trên đó, tuy nhiên tôi không thể khẳng định với bản thân rằng thật ra nó được ký ở đó hay ở bờ Runnymede bên kia. Mặc dù vậy, theo quan điểm cá nhân thì tôi thiên về giả thuyết hòn đảo được ưa chuộng nọ. Dĩ nhiên, nếu là một trong những Nam tước thời đó, tôi sẽ vận hết khả năng thuyết phục các chiến hữu của mình về sự khôn ngoan khi mời một vị khách không đáng tin cậy như vua John lên đảo, nơi có rất ít cơ hội cho những bất ngờ và trò lừa đảo.
Vẫn còn dấu tích của một tu viện cổ trong lãnh địa của Ankerwyke, ngôi nhà rất gần Điểm Picnic, và nghe đồn đâu đó gần tu viện cổ này vua Henry VIII đã chờ gặp nàng Anne Boleyn. [Hoàng hậu Anh, vợ thứ hai của vua Henry VIII, mẹ nữ hoàng Elizabeth I] Ngài còn thường gặp nàng tại lâu đài Hever ở Kent và nơi nào đó gần St Albans. Thời đấy hẳn dân Anh khó khăn lắm mới tìm được một nơi không bị đám thanh niên vô ý dòm ngó.
Bạn đã bao giờ ở trong ngôi nhà có một cặp đang tán tỉnh nhau chưa? Đúng là phiền phức bậc nhất. Bạn nghĩ bạn sẽ đến ngồi trong phòng khách, vậy là bạn bước đến đó. Khi mở cửa, bạn nghe thấy một tiếng động như thể ai đó bỗng nhiên nhớ ra điều gì đó và khi bạn bước vào thì Emily đang ở tít đằng cửa sổ, tràn đầy sự quan tâm đối với phía bên kia đường, còn bạn của bạn, John Edward, thì ở tận phía bên này phòng, toàn bộ tâm hồn đang bị cầm tù bởi chân dung những người họ hàng của thiên hạ.
“Ôi!” bạn nói, dừng lại ở cửa. “Tôi không biết trong này có người đấy”.
“Ô! Thế à?” Emily lạnh lùng nói với một giọng ám chỉ rằng cô nàng chẳng hề tin bạn.
Bạn luẩn quẩn ở đó một lúc, rồi bảo:
“Trời tối quá. Sao hai người không châm đèn lên?”
John Edward bảo, “Ô!” anh ta không để ý; còn Emily nói bố cô không thích châm đèn khí vào buổi chiều.
Bạn kể cho họ nghe vài tin tức, thể hiện ý kiến quan điểm của bạn về vấn đề Ailen, nhưng điều này rõ là chẳng thu hút họ gì cả. Tất cả những gì họ nhận xét về bất cứ chủ đề nào là “Ồ!”, “Thế à?”, “Thật thế á?”, “Đúng vậy”, và “Không phải thế chứ!”. Và sau mười phút đối thoại kiểu như thế, bạn dịch dần ra cửa rồi lỉnh đi, và ngạc nhiên nhận thấy cánh cửa ngay lập tức đóng lại sau lưng mình, tự sập lại mà chẳng cần bạn chạm đến.
Nửa giờ sau, bạn định sẽ làm vài hơi thuốc lá trong nhà kính. Chiếc ghế duy nhất tại nơi này đã bị Emily chiếm giữ, còn John Edward, nếu có thể tin vào ngôn ngữ của áo quần, thì rõ ràng là từ nãy đến giờ vẫn ngồi trên sàn. Họ không nói gì mà chỉ trao cho bạn một ánh mắt gói gọn tất cả những gì có thể nói trong một cộng đồng văn minh; vậy là bạn vội vã quay đi và sập cửa lại sau lưng.
Giờ thì bạn chẳng dám thò mũi vào bất kỳ phòng nào trong nhà; vì thế sau khi lên lên xuống xuống cầu thang một lúc, bạn về ngồi trong phòng ngủ của mình. Tuy nhiên sau một lúc thì việc này trở nên chẳng thú vị gì cho lắm, vậy là bạn đội mũ vào và thơ thẩn đi ra vườn. Bạn thả bộ dọc con đường nhỏ và khi đi qua nhà hóng mát, bạn liếc mắt nhìn và lại thấy hai tên ngốc trẻ tuổi kia đang rúc trong góc nhà, rồi họ nhìn thấy bạn và rõ ràng nảy ra cái ý rằng, vì một lý do riêng tư xấu xa nào đó, bạn đang theo dõi họ.
“Tại sao họ không kiếm lấy một cái phòng dành riêng cho những thứ kiểu kiểu như thế và giữ mọi người tránh xa nó đi nhỉ?”, bạn lầm bầm và vội vàng quay về đại sảnh, lấy ô và đi ra ngoài đường.
Chắc là tình cảnh cũng tương tự như vậy khi chàng ngốc Henry VIII tán tỉnh cô nàng Anne bé nhỏ của chàng. Người dân Buckinghamshire bất ngờ chạm trán họ khi họ đang lang thang vơ vẩn quanh Windsor và Wraysbury và thốt lên “Ôi! Ngài ở đây à!”, vậy là Henry đỏ bừng mặt lên mà bảo “Phải, cậu chàng vừa đến để gặp một ông nọ”; còn Anne thì nói, “Ôi, gặp được ngài thật mừng quá! Có buồn cười không kia chứ? Tôi vừa gặp ngài Henry VIII trên đường, và hóa ra ngài ấy cũng đi cùng đường với tôi đấy”.
Thế rồi những người này rút đi và tự nhủ: “Ôi, tốt nhất chúng ta nên ra khỏi đây khi cái quá trình thủ thỉ cúc kù cu này đang diễn ra. Ta đến Kent vậy”.
Vậy là họ đi Kent, và thứ đầu tiên họ nhìn thấy khi đến Kent là Henry và Anne đang vui đùa quanh lâu đài Hever.
“Ôi, chết tiệt!”, họ nói. “Thôi lại phải đi vậy. Không thể nào chịu nổi thêm nữa. Đi đến St Albans vậy - một nơi dễ chịu yên tĩnh, St Albans ấy”.
Và khi họ đến St Albans, sẽ lại thấy cái cặp tình nhân tội nghiệp nói trên đang hôn nhau dưới chân tu viện. Vậy là những người này đành đi làm cướp biển cho đến khi đám cưới đã xong xuôi.
Từ Điểm Picnic đến cửa sông Old Windsor là một khúc sông vui mắt. Một con đường râm mát rải rác những ngôi nhà tranh xinh xắn chạy bên bờ sông lên đến tận “Những quả chuông của Ouseley”, một nhà trọ nên thơ như hầu hết những nhà trọ bên sông khác, và là nơi người ta có thể uống một cốc bia thật ngon - Harris bảo thế; và về vấn đề này thì ta có thể tin lời hắn. Old Windsor là một nơi nổi tiếng theo cách của nó. Edward Kẻ Thú Tội có một cung điện ở đây, và cũng tại nơi này Bá tước Godwin vĩ đại đã được công lý của thời đại đó chứng minh là có tội hoàn thành cái chết của anh trai đức vua. Bá tước Godwin đã bẻ một mẩu bánh mì và cầm nó trong tay.
“Nếu tôi có tội”, Bá tước nói, “miếng bánh mì này sẽ làm tôi chết nghẹn lúc ăn!”
Thế rồi ngài cho miếng bánh mì vào miệng nuốt, và nó làm ngài phát nghẹn và ngài chết.
Sau khi đi qua Old Windsor, con sông phần nào đó chẳng còn thú vị và không trở lại là chính nó cho đến khi bạn đến gần Boveney. George và tôi kéo thuyền đi quá Home, công viên kéo dài dọc theo bờ phải con sông từ Albert đến cầu Victoria; và khi đi qua Datchet, George hỏi tôi có nhớ chuyến du hành sông nước đầu tiên của chúng tôi không, cái lần chúng tôi lên bờ ở Datchet lúc mười giờ đêm và chỉ muốn đi ngủ ấy.
Tôi trả lời rằng tôi vẫn nhớ. Phải mất khá nhiều thời gian nữa tôi mới quên được.
Đó là ngày thứ Bảy trước kỳ nghỉ tháng Tám. Chúng tôi lúc đó rất mệt và đói, cả ba chúng tôi, và khi đến Datchet chúng tôi lôi hòm hành lý, hai cái túi, chăn, áo khoác và những thứ tương tự ra rồi bắt đầu lên đường tìm phòng trọ. Chúng tôi đi ngang một khách sạn nhỏ rất xinh xắn có cây leo và cây ông lão bò trên mái hiên; nhưng quanh đó không có cây kim ngân, và vì lý do nào đó tâm trí tôi cứ gắn chặt vào cây kim ngân nên tôi bảo:
- Ôi, đừng vào đó! Đi xa hơn chút nữa xem có cái khách sạn nào có cây kim ngân không.
Vậy là chúng tôi đi tiếp cho đến khi gặp một khách sạn khác. Khách sạn này cũng rất dễ thương và có cây kim ngân leo quanh hông nhà; nhưng Harris không thích vẻ mặt của thằng cha đang đứng tựa vào cửa trước. Hắn nói trông thằng cha chả có vẻ gì là người tử tế cả, đã thế lại còn đi đôi bốt đến là kinh tởm, vậy nên chúng tôi lại đi tiếp. Chúng tôi đi một chặng dài mà không gặp bất kỳ khách sạn nào khác, và rồi chúng tôi gặp một người và đề nghị người này chỉ cho chúng tôi vài khách sạn.
Anh này bảo:
- Sao thế, các ngài mới đi qua chúng đấy thôi. Các ngài rẽ phải và quay lại thì sẽ đến khách sạn Con Nai.
Chúng tôi bảo:
- Ôi, chúng tôi đến đó rồi, và không thích chỗ ấy tí nào - chẳng có tí kim ngân nào quanh đó cả.
- Ái chà, - anh ta nói, - vậy thì có Manor House đấy, ngay đối diện thôi. Các ngài đã thử chỗ đó chưa?
Harris trả lời rằng chúng tôi không muốn đến đó - không thích vẻ mặt của thằng cha đang đứng ở đấy - Harris thì không thích cả màu tóc lẫn đôi bốt của thằng cha.
- Ái chà, tôi không biết các vị sẽ làm gì nữa, thật đấy, - người đưa tin của chúng tôi nói, - vì ở đây chỉ có hai quán trọ đấy thôi.
- Không có quán trọ nào nữa! - Harris thốt lên.
- Không, - người kia trả lời.
- Thế thì chúng tôi phải làm cái quái gì đây? - Harris rú lên.
Đến lúc đó George bèn cất tiếng. Hắn nói nếu muốn thì Harris và tôi cứ việc tự đi mà xây khách sạn cho mình rồi kiếm người để mà nhét vào đó. Về phần hắn thì hắn quay lại khách sạn Con Nai thôi.
Những tâm hồn vĩ đại nhất chẳng bao giờ thực hiện được lý tưởng của mình, dù trong bất kỳ vấn đề gì; vậy là Harris và tôi thở dài trước sự nông cạn của mọi ham muốn trần tục, rồi đi theo George.
Chúng tôi lôi mớ hành lý đến khách sạn Con Nai và để chúng nằm trong đại sảnh.
Chủ khách sạn xuất hiện và bảo:
- Xin chào các quý ngài.
- Ôi, xin chào, - George nói, - làm ơn xếp cho chúng tôi ba giường.
- Rất tiếc thưa ngài, - chủ nhà bảo, - nhưng e là chúng tôi không thể thu xếp được đâu ạ.
- Ôi, không sao, - George trả lời, - hai giường cũng được. Hai người trong chúng tôi có thể ngủ chung cũng được, đúng không nhỉ? - hắn nói tiếp, quay sang Harris và tôi.
Harris nói:
- Ô, đúng vậy, - hắn nghĩ George và tôi có thể ngủ thoải mái chung một giường được.
- Rất xin lỗi thưa quý ngài, - chủ nhà nhắc lại; - nhưng thật sự chúng tôi chẳng còn giường nào trống trong nhà. Thật ra thì chúng tôi đã phải cho hai, thậm chí ba quý ngài nằm chung một giường đấy ạ.
Sự việc này làm chúng tôi hơi choáng váng một chút.
Nhưng Harris, vốn là một nhà du hành lão luyện, đã vượt lên trên nghịch cảnh và cười tươi mà nói rằng:
- Ôi, vậy thì chúng tôi cũng chẳng thể làm khác được. Chúng tôi phải chịu đựng khó khăn thôi. Ngài cứ cho chúng tôi nằm tạm ở phòng chơi bi a cũng được.
- Thật tiếc thưa ngài. Hiện giờ đã có ba ngài đang nằm trên bàn bi a và hai ngài ở phòng uống cà phê rồi. Tối nay có lẽ chúng tôi chẳng còn chỗ nào cho các ngài trọ được.
Chúng tôi nhặt nhạnh đồ đạc và đi đến Manor House. Đó là một nơi nhỏ nhắn dễ thương. Tôi nói tôi nghĩ mình thích nó hơn ngôi nhà kia, và Harris bảo, “Ừ đúng vậy”, mọi sự sẽ ổn thôi, và chúng tôi chẳng cần phải nhìn thằng cha tóc đỏ kia làm gì, ngoài ra cái thằng cha tội nghiệp ấy cũng đâu có làm gì được với mái tóc đỏ của hắn.
Harris nói thế với một vẻ tử tế và hợp lý hết sức.
Những người ở Manor House chẳng chờ nghe chúng tôi nói chuyện. Quý bà chủ nhà chào đón chúng tôi trên bậc tam cấp với lời thông báo rằng chúng tôi là đoàn thứ mười bốn mà bà phải từ chối trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ qua. Trước gợi ý khiêm nhường của chúng tôi về chuồng ngựa, phòng chơi bi a hay hầm than, ý tưởng nào cũng đều bị bà ta cười nhạo; tất cả những xó xỉnh ấy đã bị chiếm từ lâu rồi.
Bà ta có biết bất kỳ chỗ nào ở làng này để chúng tôi có thể trú tạm đêm nay không?
- À, nếu chúng ta không ngại khó - bà ta không giới thiệu chỗ này, xin nhớ cho - thì có một quán bia nhỏ cách đây nửa dặm xuôi đường Eton…
Chúng tôi không chờ đợi gì nữa; lập tức vớ lấy hòm và túi, áo khoác và chăn, gói nọ gói kia và vắt chân lên cổ mà chạy. Khoảng cách đó có vẻ giống một dặm hơn là nửa dặm, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi, và vừa thở hổn hển vừa lao vào trong quán.
Đám người ở quán bia ấy thật hết sức thô lỗ. Họ chỉ lăn ra cười nhạo chúng tôi. Chỉ có ba giường trong cái nhà ấy, và đã có đến bảy quý ông và hai cặp vợ chồng tá túc tại đó rồi. Tuy nhiên một người chở sà lan tốt bụng tình cờ có mặt trong quán nghĩ rằng chúng tôi nên thử qua nhà người bán tạp phẩm ở kế bên khách sạn Con Nai xem sao, vậy là chúng tôi quay lại.
Nhà người bán tạp phẩm đã chật. Một bà già chúng tôi gặp ở đấy tử tế dẫn chúng tôi đi độ một phần tư dặm nữa đến nhà một bà bạn, bà này lâu lâu cũng có phòng cho các quý ông ngủ trọ.
Bà già này đi hết sức chậm, và chúng tôi mất đến hai mươi phút mới đến được nhà bà bạn kia. Khi chúng tôi lê bước theo sau, bà già làm chuyến đi thêm phần sôi động bằng cách mô tả cho chúng tôi nghe những đau đớn bà mắc phải ở lưng.
Nhà bà bạn kia chẳng còn phòng nào trống. Từ chỗ đó chúng tôi được gợi ý nên đến nhà số 27. Nhà số 27 chật kín, và chuyển chúng tôi đến nhà số 32, mà nhà số 32 thì cũng đặc người.
Thế rồi chúng tôi quay lại đường lớn và Harris ngồi xuống cái hòm rồi nói hắn sẽ không đi đâu nữa hết. Hắn bảo đây có vẻ là một nơi yên tĩnh, và hắn muốn chết tại đó. Hắn nhờ George và tôi hôn mẹ hắn hộ hắn, nhờ chúng tôi bảo với tất cả họ hàng của hắn rằng hắn đã tha thứ cho họ và rằng hắn chết một cách hạnh phúc.
Đúng lúc đó một thiên thần đã đến bên chúng tôi trong bộ dạng một cậu nhóc (và tôi không thể nghĩ ra một thiên thần có thể sử dụng bất cứ hình thức cải trang nào hiệu quả hơn thế), với một tay cầm can bia còn tay kia cầm một sợi dây ở đầu có buộc thứ gì đó được cậu thả rơi xuống mọi viên đá phẳng trên đường và rồi lại nhấc lên, việc này tạo nên một âm thanh cực kỳ không hấp dẫn và khiến người ta nghĩ đến những sự chịu đựng đau khổ.
Chúng tôi bèn hỏi vị thiên sứ này (như sau này chúng tôi khám phá ra cậu đúng là như vậy) rằng liệu cậu có biết bất kỳ ngôi nhà xa xôi hẻo lánh nào người chỉ có vài mống mà lại còn thuộc dạng chân yếu tay mềm (các bà già hoặc các ông bị bại liệt thì càng tốt), những người sẽ dễ dàng bị dọa cho sợ đến mức phải nhường giường cho ba gã đàn ông tuyệt vọng ngủ qua đêm; hoặc, nếu không thế thì liệu cậu có thể giới thiệu cho chúng tôi một cái chuồng lợn còn trống, hay một lò vôi bỏ hoang, hay bất kỳ chỗ nào đại loại thế không. Cậu nhóc không biết nơi nào tương tự - ít nhất là một nơi thuận tiện; nhưng cậu bảo rằng nếu chúng tôi muốn đi cùng cậu thì mẹ cậu còn một phòng thừa và có thể sắp xếp cho chúng tôi ngủ đêm đó.
Chúng tôi gục vào vai cậu ở đó, dưới ánh trăng, và cầu Chúa ban phước cho cậu, và hình ảnh này hẳn sẽ tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp đẽ nếu cậu nhóc không bị luồng cảm xúc của chúng tôi gây chấn động đến độ không chịu đựng nổi mà sụp xuống dưới đất để cả ba chúng tôi ngã đè lên. Harris vui sướng tột cùng đến mức ngất đi, và phải túm lấy can bia của cậu bé dốc một nửa vào mồm hắn thì hắn mới tỉnh lại, và rồi hắn bắt đầu co cẳng chạy, để mặc George và tôi khuân hành lý.
Cậu bé sống ở một ngôi nhà tranh bốn phòng nhỏ nhắn, và mẹ cậu - ôi con người tốt bụng! - thết chúng tôi bữa khuya gồm món thịt lợn xông khói nóng hôi hổi, và chúng tôi chén sạch sành sanh - hơn hai cân thịt - rồi sau đó là một cái bánh tạc nhân mứt, hai bình trà, và rồi chúng tôi đi ngủ. Có hai cái giường trong phòng, một cái rộng 0,8 mét, là giường đẩy, George và tôi ngủ trên ấy, buộc nhau lại bằng một cái khăn trải giường; còn cái kia là giường của cậu bé, và Harris chiếm nguyên cái giường ấy, rồi đến sáng thì chúng tôi thấy hắn thò đến sáu mươi centimet chân cẳng trần trụi ra khỏi chân giường, George và tôi đã sử dụng nó để treo khăn lúc chúng tôi đi tắm.
Lần sau đến Datchet chúng tôi đã không còn trịch thượng về vấn đề muốn ở khách sạn kiểu nào nữa.
Quay lại với chuyến du hành hiện tại của chúng tôi: chẳng có gì thú vị xảy ra cả; và chúng tôi đều tay kéo thuyền đến dưới đảo Khỉ một chút, tại đó chúng tôi trèo vào thuyền ăn trưa. Chúng tôi xử lý món thịt bò nguội cho bữa trưa, và rồi phát hiện ra rằng mình quên không mang mù tạt theo. Trong đời tôi, dù trước đó hay sau này, tôi chưa bao giờ thèm mù tạt ghê gớm như lúc đó. Bình thường tôi không quan tâm đến mù tạt, và chẳng mấy khi ăn món ấy, nhưng lúc ấy tôi sẵn lòng đổi cả thế giới để lấy ít mù tạt.
Tôi không biết trong vũ trụ có bao nhiêu thế giới, nhưng vào chính khoảnh khắc ấy bất kỳ ai mang đến cho tôi chỉ một thìa mù tạt thôi là sẽ có hết các thế giới ấy. Cứ khi nào muốn cái gì quá mà không được là tôi lại trở nên hấp tấp như thế đấy.
Harris nói rằng hắn cũng sẵn lòng đổi cả mấy thế giới lấy ít mù tạt. Khi đó người nào mà xuất hiện ở đấy với một lọ mù tạt thì cứ gọi là vớ bở nhé; anh ta sẽ có bao nhiêu là thế giới trong suốt phần đời còn lại.
Nhưng đấy! Tôi dám nói cả Harris và tôi sẽ tìm cách nuốt lời sau khi chúng tôi đã có món mù tạt. Người ta sẵn lòng có các đề nghị hào phóng trong những khoảnh khắc hưng phấn cao độ, nhưng dĩ nhiên đến lúc suy nghĩ lại, người ta sẽ thấy được tỉ lệ phi lý giữa thực chất món hàng và cái giá được đề nghị của nó. Tôi từng nghe chuyện một người trong lúc trèo lên một ngọn núi ở Thụy Sỹ đã bảo rằng anh ta sẽ đổi cả mấy thế giới lấy một cốc bia, thế mà khi đến một cái lều bé tí có bia thì anh ta lại làm loạn hết cả lên chỉ vì người ta tính giá một chai Bass những năm franc. Anh ta nói đó là một đòi hỏi quá đáng đến kinh tởm, và rằng anh ta sẽ viết bài gửi cho tờ Thời báo về việc này.
Việc không có mù tạt đã phủ một bóng đen u ám lên khắp con thuyền. Chúng tôi lẳng lặng ăn thịt bò. Tồn tại dường như là một việc rỗng tuếch và chẳng có gì thú vị. Chúng tôi nghĩ về những tháng ngày tuổi thơ hạnh phúc và thở dài. Tuy nhiên chúng tôi vui lên được một chút với món bánh tạc nhân táo, và rồi khi George lôi từ đáy hòm ra một hộp dứa và lăn nó ra giữa con thuyền, chúng tôi cảm thấy rốt cuộc đời đáng sống ra phết.
Cả ba chúng tôi đều rất thích dứa. Chúng tôi nhìn tấm hình trên vỏ hộp, tưởng tượng ra món nước dứa. Chúng tôi mỉm cười với nhau và Harris lấy ra một cái thìa, chuẩn bị sẵn sàng.
Thế rồi chúng tôi đi tìm dao để mở hộp. Chúng tôi lật tung mọi thứ trong hòm. Chúng tôi lật ngược mấy cái túi. Chúng tôi kéo tấm ván ở đáy thuyền ra. Chúng tôi lôi tất cả mọi thứ lên bờ mà giũ. Chẳng thấy cái mở hộp nào cả.
Thế rồi Harris cố mở hộp bằng một con dao nhíp và vừa làm dao gãy đôi vừa tự cứa cho mình vài nhát chí mạng; rồi George thử sức với một cái kéo và cái kéo bay vèo lên không, suýt nữa thì chọc rơi cả mắt hắn ra. Trong lúc bọn hắn bận băng bó vết thương thì tôi hì hục thử chọc một lỗ trên cái hộp bằng mũi móc và cái móc trượt đi, làm tôi ngã lộn cổ xuống lớp bùn dày ngập đầu gối giữa con thuyền và bờ sông trong khi cái hộp dứa lăn long lóc, hoàn toàn không sây sát gì hết và làm vỡ tan một cái tách trà.
Lúc này bọn tôi ai cũng nổi điên lên. Chúng tôi lôi cái hộp lên bờ và Harris đi vào cánh đồng kiếm về một hòn đá tảng nhọn hoắt, tôi thì quay lại thuyền lấy một cái cọc, rồi thì George giữ hộp, Harris đè đầu đá nhọn lên nắp hộp còn tôi nắm cái cọc, giơ cao trong không trung và vận hết sức mà giáng xuống.
Hôm đó chính cái mũ rơm của George đã cứu hắn thoát chết. Bây giờ hắn vẫn còn giữ cái mũ ấy (hay đúng hơn là phần còn lại của cái mũ), và vào mỗi buổi tối mùa đông, khi mọi tẩu thuốc đã được châm lên và cánh con trai tha hồ tâng bốc những mối hiểm nguy chúng đã trải qua, George lại đem nó ra trưng cho mọi người thấy, và câu chuyện giật gân được kể lại, mỗi lần lại có thêm nhiều tình tiết thổi phồng mới mẻ.
Harris thoát nạn, chỉ bị một vết thương ngoài da.
Sau đó tôi tự mình giữ cái hộp, lấy cọc đập nó cho đến khi mệt lả và chẳng còn chút hăng hái nào, tới lúc đó Harris bèn tiếp quản.
Chúng tôi đập nó bẹp dí dị, chúng tôi đập nó vuông vắn trở lại, chúng tôi đập nó thành đủ dạng hình học trên đời, ấy vậy mà vẫn không thể nào đục nổi một lỗ trên hộp. Rồi George đi đến chỗ cái hộp và đập nó thành một hình thù gớm guốc kỳ lạ, quái dị và đáng sợ đến mức hắn đâm khiếp và quẳng cái cọc đi. Thế rồi cả ba chúng tôi ngồi trên bãi cỏ xung quanh mà ngắm nó.
Có một vết lõm to trên nắp hộp trông không khác gì cái mồm cười nhăn nhở, và nó làm chúng tôi điên tiết, vì thế Harris bèn lao đến chỗ cái hộp dứa và chộp lấy nó, quẳng nó thật xa vào giữa lòng sông và khi nó chìm chúng tôi còn ném theo hàng bao nhiêu lời chửi rủa, rồi cả bọn lên thuyền, chèo thật xa khỏi nơi ấy, không dừng lại cho tới khi đến Maidenhead.
Tự bản thân Maidenhead đã có cái vẻ quá trưởng giả để có thể khiến người ta thấy dễ chịu. Đó là nơi lai vãng của những tay sông nước bảnh bao cùng người bạn đường nữ giới ăn mặc đỏm dáng. Đó là thị trấn của những khách sạn phô trương, chủ yếu là nơi lui tới của các anh chàng công tử bột và các nàng vũ nữ ba lê. Đó là cái bếp phù thủy, nơi sản sinh ra những con quái vật của dòng sông - những thuyền máy hơi nước. Ngài công tước của Ký sự London luôn có “nơi chốn nhỏ xinh” của mình tại Maidenhead; và nữ nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết ba tập ấy luôn ăn tối tại nơi này khi bà đi du hí với chồng ai đó.
Chúng tôi đi qua Maidenhead thật nhanh, rồi chậm lại và thong dong băng qua khoảng sông rộng giữa cửa sông Boulter và Cookham. Rừng Cliveden vẫn khoác bộ váy mùa xuân thanh nhã của nó, và vươn mình lên từ mép nước, trong một dải màu pha trộn hài hòa những sắc xanh cổ tích. Có lẽ với vẻ đáng yêu vẹn nguyên của nó, đây là khúc ngọt ngào nhất trên khắp con sông, và chúng tôi chậm rãi lái con thuyền nhỏ của mình rời khỏi sự yên bình đậm đặc của nó một cách đầy luyến tiếc.
Chúng tôi kéo thuyền lên vụng nước đọng ngay phía dưới Cookham và uống trà; và khi chúng tôi đi qua cửa sông, trời đã tối. Một cơn gió mạnh nổi lên - thuận chiều với chúng tôi, thật kỳ diệu vì theo quy luật của dòng sông, gió luôn chống lại ta dù ta đi hướng nào chăng nữa. Buổi sáng nó thổi ngược chiều ta khi khởi hành, và ta chèo cật lực một quãng dài, nghĩ rằng rồi lúc quay về cứ nhờ vào cánh buồm là mọi sự sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thế rồi, sau bữa trà, gió đổi chiều và suốt chặng đường về ta lại phải gò lưng ra mà chèo trong hàm răng của nó.
Khi ta quên không mang buồm, nhất định gió sẽ thổi xuôi chiều cả lúc đi lẫn lúc về. Nhưng đấy! Thế giới này chỉ là một thử thách, và loài người sinh ra để bị khốn khó, như lằn lửa bay chớp lên không.
Tuy nhiên, tối nay rõ ràng người ta đã nhầm lẫn mất rồi, họ cho gió thổi từ sau lưng chúng tôi thay vì thổi vào mặt. Chúng tôi tịnh không hở môi về chuyện đó và vội vã giương buồm lên trước khi người ta phát hiện ra, rồi chúng tôi nằm duỗi dài trên thuyền với vẻ trầm tư; và cánh buồm phồng lên, căng ra, càu nhàu về cái cọc buồm, và con thuyền lao đi vun vút.
Tôi cầm lái.
Tôi chưa từng biết đến cảm giác nào ly kỳ hơn cảm giác đi thuyền buồm. Nó tương tự như một chuyến bay mà con người chưa bao giờ được trải nghiệm - ngoại trừ trong mơ. Những đôi cánh của cơn gió mạnh dường như cuốn ta về phía trước, chẳng biết là tới đâu. Ta không còn là cái con người yếu đuối nặng nề chậm chạp, bò loanh quanh trên mặt đất nữa; ta đã là một phần của Thiên nhiên! Tim ta đang đập thình thịch bên trái tim người! Đôi cánh tay lộng lẫy của người vòng quanh ta, nâng ta lên áp vào tim người! Tâm hồn ta nhập làm một với tâm hồn người; tứ chi ta trở nên nhẹ bỗng! Những tiếng nói của không trung đang hát cho ta nghe. Mặt đất có vẻ xa xăm và nhỏ bé; những áng mây là là trên đầu ta, là anh em của ta, và ta vươn tay về phía chúng.
Chúng tôi có nguyên cả con sông cho riêng mình trừ một việc rằng ở xa xa kia, chúng tôi có thể nhìn thấy một chiếc thuyền đánh cá đang bỏ neo giữa dòng, trên có ba người câu cá, và chúng tôi lướt sát mặt nước, đi qua hai bờ sông rậm rạp cây cối, không ai nói câu gì.
Tôi đang lái.
Khi lại gần hơn, chúng tôi có thể thấy ba người đang câu cá này có vẻ đã già và trông rất nghiêm trang. Họ ngồi trên ba chiếc ghế trong thuyền, chăm chú quan sát dây câu. Hoàng hôn đỏ ối rải một ánh sáng huyền bí lên mặt nước, nhuộm màu lửa lên cánh rừng cao chót vót, mang đến vẻ huy hoàng sáng chói cho những tầng mây. Đó là một giờ đồng hồ chìm đắm trong sự mê say, trong hy vọng và khát khao ngây ngất. Cánh buồm nhỏ in hình rõ nét trên nền trời màu tía, ánh hoàng hôn bao phủ chúng tôi, bọc cả thế giới trong những bóng cầu vồng; và đằng sau chúng tôi, đêm chầm chậm bò tới.
Chúng tôi không khác gì những chàng hiệp sĩ trong truyền thuyết cổ xưa nào đó, đang giong buồm qua hồ nước bí ẩn để đến vương quốc ánh chạng vạng chẳng mấy người biết tới, đến với mảnh đất vĩ đại của hoàng hôn.
Nhưng chúng tôi đã không đi vào vương quốc chạng vạng; chúng tôi tiến thẳng tới cái thuyền kia, nơi ba ông già đang ngồi câu cá. Lúc đầu chúng tôi không hiểu có chuyện gì vì cánh buồm đã che khuất tầm mắt, nhưng từ bản chất của thứ ngôn ngữ đang vọng tới trong không gian buổi tối ấy, chúng tôi đoán ra mình đã tiến vào địa hạt của loài người và họ đang bực mình ra vẻ rất không hài lòng.
Harris hạ buồm xuống, và rồi chúng tôi nhìn thấy những gì đã xảy ra. Chúng tôi đã hất ba quý ông lụ khụ đó bật khỏi ghế rơi thành một đống ở đáy thuyền, và bây giờ họ đang chậm chạp, đau đớn tách nhau ra và nhặt cá khỏi người; vừa làm họ vừa chửi rủa chúng tôi - không phải với những lời chửi cụt lủn phổ biến mà là những bài chửi hoàn chỉnh, dài dòng và được nghiền ngẫm cẩn thận, không những bao trọn sự nghiệp của chúng tôi mà còn vươn tới tương lai xa xôi, gộp đủ tông chi họ hàng chúng tôi, mọi thứ liên quan đến chúng tôi - đúng là những bài chửi tuyệt hảo ra trò.
Harris bảo họ rằng sau cả ngày ngồi đó câu cá, họ lẽ ra phải lấy làm biết ơn vì chút náo động ấy mới phải, và hắn còn bảo hắn thấy choáng váng và đau lòng khi thấy đến tầm tuổi này rồi mà họ còn cả giận mất khôn như vậy.
Nhưng việc này chẳng hiệu quả gì.
Sau đó George bảo hắn sẽ lái thuyền. Hắn nói chẳng thể nào trông đợi một tâm hồn như của tôi sẽ hết mình cho việc lái thuyền - tốt hơn hết hãy để một con người bình thường giản đơn chăm lo cho con thuyền đó trước khi chúng tôi chết đuối sạch sành sanh; vậy là hắn bèn nắm lấy bánh lái và đưa chúng tôi đến Marlow.
Tới Marlow, chúng tôi để thuyền lại bên cầu và nghỉ đêm tại quán “Vương miện”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét