Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Vòng tròn ma thuật - P 1


Vòng tròn ma thuật
(Nguyên tác: Darkness at Noon).

Tác giả: Arthur Koestler

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

Nguồn: vantuyen.net

Sonnenfinsternis (Nhật thực) là tên bản gốc tiếng Đức tác phẩm quan trọng nhất của Arthur Koestler. Với việc xuất bản Nhật thực trong bản dịch tiếng Anh Darkness at Noon, tác giả đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa cộng sản. Bản dịch tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini năm 1946 với 400.000 bản gây tiếng vang lớn và khiến Đảng Cộng sản Pháp phải ra những biện pháp đối phó. Từ đó đến nay, Nhật thực trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới thế kỉ 20, thường được nhắc chung với Trại súc vật1984 của George Orwell. Tại miền Nam trước 1975, Nhật thực được Nhà xuất bản Đen Trắng xuất bản năm 1973 với nhan đề Tội công thành, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Quốc Ấn. Tại miền Bắc trước 1975 và tại Việt Nam từ 1975 đến nay, tác phẩm này chưa bao giờ được ra mắt độc giả trong bản tiếng Việt.
Giới thiệu Nhật thực qua bản dịch từ tiếng Anh của dịch giả Phạm Minh Ngọc với nhan đề Vòng tròn ma thuật” này, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả Việt Nam hi vọng về một tương lai trong đó chúng ta vĩnh viễn không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm như được miêu tả trong tác phẩm cay đắng này nữa.

Lời người dịch

Đây là bản dịch tác phẩm Darkness at Noon, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Arthur Koestler, đã được nhà xuất bản Random House xếp thứ 8 trong 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thế kỷ XX. Người dịch cho rằng sẽ rất hợp lý nếu chuyển ngữ tên tác phẩm này thành “Đêm giữa ban ngày” nếu như trước đó chưa có một tác phẩm đã rất nổi tiếng cùng tên của nhà văn Vũ Thư Hiên. Nhưng những độc giả có đủ kiên nhẫn đọc hết tác phẩm cũng như lời bạt thì sẽ thấy rằng Vòng tròn ma thuật hoàn toàn không phải là ngẫu hứng của người dịch, đấy là tên nguyên bản bằng tiếng Đức (đã thất lạc) do chính A. Koestler chọn, còn tên của bản tiếng Anh lại do nữ dịch giả Daphne Hardy đặt ra sau này (bản tiếng Pháp tác phẩm này lại có tên là Số không và vô cực, còn trong bản tiếng Nga lại là Tối đến lóa mắt).
Xin được nói thêm đôi lời về tác giả A. Koestler. Ông là người gốc Do Thái, sinh năm 1905 tại Budapest, thời thanh thiếu niên ông sống và học tập ở Hung, Áo và Đức. A. Koestler tham gia tích cực vào những cuộc xung đột xã hội và tư tưởng chủ yếu của thời đại mình. Trở thành đảng viên cộng sản trong những năm 1930 và đã đi thăm Liên Xô một thời gian, thất vọng và ra khỏi Đảng vào năm 1938. Cuối năm đó ông bị lực lượng phát-xít Tây Ban Nha bắt và bị kết án tử hình. Được tha vào phút chót nhờ sự can thiệp của chính phủ Anh, ông đến Pháp và năm sau thì lại bị bắt vì quan điểm chính trị. Sau khi được tha vào năm 1940 ông đến Anh và sống ở đây đến cuối đời. Những cuốn tiểu thuyết, những bài phóng sự cũng như các tác phẩm viết về văn hóa và chính trị đã đưa tên tuổi ông thành một trong những nhà bình luận quan trọng nhất về những nan đề của thế kỷ XX. Ông mất năm 1983.

Tất cả các ghi chú đều của người dịch.

*
*    *

Kẻ thiết lập nên chế độ chuyên chế mà không giết Brutus cũng như kẻ lập nên nền cộng hòa mà không giết các con của Brutus thì chỉ có thể cầm quyền trong một thời gian ngắn.
- Machiavelli (Discorci) -

Thưa đại nhân, thưa đại nhân, mỗi người tất phải có một nơi mà người ta thương hại mình chứ!
- Dostoevski (Tội ác và hình phạt) -

Các nhân vật trong cuốn sách này đều là hư cấu. Nhưng hoàn cảnh lịch sử quyết định hành vi của họ thì chân thực. Nhân vật N. S. Rubashov được tạo ra từ cuộc đời của một số nạn nhân của cái gọi là những vụ án ở Moskva. Tác giả có quen biết một vài người trong số đó. Cuốn sách này được viết nhằm tưởng nhớ hương hồn họ.

Paris, tháng 10 năm 1938 - tháng 4 năm 1940

Đợt thẩm vấn thứ nhất

Tất cả các nhà cầm quyền đều có tội.
- Saint-Just  
1

Cửa phòng giam rít lên ken két rồi đóng sập lại.
Rubashov dựa lưng vào tường, anh đứng như thế một lúc rồi lấy thuốc lá ra hút. Bên phải anh, trên một cái giường hẹp là hai cái chăn đã nhàu nát và một cái nệm nhồi rơm còn mới, căng phồng. Bên trái có một vòi nước và một cái chậu rửa bằng sắt tây đã han rỉ lỗ chỗ. Bên dưới chậu rửa là một cái thùng dùng làm hố xí bằng gỗ, người ta vừa mới sát trùng xong: mùi clor vẫn còn vương vất đâu đây. Tường gạch cách âm, nhưng có thể truyền tin bằng cách gõ vào ống dẫn nước nóng. Cửa sổ cao đúng tầm mắt, anh có thể nhìn ra sân nhà giam mà không cần phải kiễng lên nhòm qua khung chấn song sắt phía trên. Tạm ổn cả, anh nghĩ như thế.
Rubashov ngáp, anh cởi áo bành tô rồi gập lại và để lên đầu giường. Sau đó anh chăm chú nhìn khắp sân trại giam. Tuyết, dưới ánh sáng của những ngọn đèn pha, ánh lên một màu vàng nhạt. Dọc theo các bức tường có một con đường hẹp, nghĩa là ở đây được đi dạo. Còn lâu mới sáng; dù có ánh đèn nhưng vẫn nhìn thấy những ngôi sao xa lấp lánh ánh bạc. Dọc theo bức tường phía bên ngoài, đối diện với phòng giam của anh có một người lính đang đi tuần, anh ta bước như đang duyệt binh, đúng một trăm bước thì quay lại.
Anh tháo ủng ngay bên cạnh cửa sổ. Sau đó anh uể oải ngồi xuống chiếc giường sắt rồi để mẩu thuốc lá hút dở bên chân giường và cứ ngồi yên lặng như thế một lúc. Rồi anh lại đi đến bên của sổ. Sân trại trống vắng và cực kì yên tĩnh; người lính gác tiếp tục bước như cũ; bên trên hàng rào nhấp nhô của tháp canh là những vì sao của dải Ngân hà lấp lánh, nhấp nháy.
Cuối cùng thì anh cũng đi nằm, anh duỗi thẳng hai chân và vén chăn thật kỹ. Đồng hồ chỉ năm giờ, chắc là ở đây người ta không bắt dậy trước bảy giờ, nhất là lại đang mùa đông. Chập chờn nửa thức nửa ngủ, anh nghĩ rằng ít nhất phải ba bốn ngày nữa mới bị gọi lên lấy cung. Anh tháo chiếc kính không gọng và để xuống sàn nhà rồi khẽ nhoẻn miệng cười và nhắm mắt lại. Ấm áp và bình tĩnh đến lạ lùng, đã nhiều tháng nay anh không được ngủ một cách yên tĩnh như thế này.
Khi người giám thị bật đèn và nhìn vào qua cửa sổ thì cựu Dân ủy Rubashov vẫn còn ngủ, lưng quay vào tường, đầu gối lên tay trái, tay phải buông thõng xuống sàn, chỉ có bàn tay là khẽ động đậy.
Một tiếng đồng hồ trước đây, Rubashov đã mơ thấy mình bị bắt trước khi hai nhân viên của Bộ Dân ủy Nội vụ đập cửa phòng.
Tiếng đập càng lúc càng to, Rubashov vươn vai, cố gắng thoát khỏi giấc mộng thường nhật. Anh đã biết cách thoát khỏi những cơn ác mộng hằng đêm vì giấc mơ về vụ bắt giữ thứ nhất cứ thường xuyên quay trở lại, chính xác như lò xo đồng hồ. Đôi khi anh phải vận tất cả ý chí để làm cho chiếc lò xo ngừng chuyển động, nhưng nay thì anh đã bất lực: mấy tuần gần đây anh thấy người rất mệt, trán lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi, khó thở nữa, tiến trình như thế cứ tiếp tục, mộng mị ngày càng kéo dài hơn.
Thường thì anh mơ thấy tiếng gõ cửa và ngoài cầu thang có ba người, họ đến để bắt anh.
Anh nhìn thấy họ đằng sau cánh cửa đóng chặt, anh còn nghe thấy tiếng họ cười to đến rung cả tường. Họ vận những bộ đồng phục còn mới tinh, đấy là những bộ quân phục vệ binh của nền Đệ tam Đế chế, ve áo và cổ tay áo có thêu huy hiệu của nền chuyên chính non trẻ dưới dạng những cây thập tự trông như những con nhện độc; còn trên tay họ là những khẩu súng lục quá khổ; ủng, thắt lưng và bao kiếm nồng nặc mùi da thuộc còn mới. Thế mà bây giờ họ đã có mặt ở đây, ngay trong phòng anh: hai anh chàng có dáng nông dân cao ngồng, mắt hí và một người thấp béo. Họ đứng ngay cạnh đầu giường, anh cảm thấy cả hơi thở gấp gáp trên mặt họ và nghe thấy tiếng thở khò khè vì bệnh hen của anh chàng béo, trong không khí yên ắng của căn phòng lúc đó, tiếng thở như vậy quả là rất to. Một người nào đó ở tầng trên bất thình lình giật nước trong phòng vệ sinh, tiếng nước chảy ồng ộc trong đường ống làm rung chuyển cả căn nhà.
Thời gian như ngừng hẳn; tiếng đập cửa ngày càng to hơn; hai người đến bắt Rubashov thay nhau đấm vào cánh cửa, trong khi người này đấm thì người kia thổi vào các ngón tay cho đỡ cóng. Nhưng Rubashov không thể dậy được, mặc dù anh biết rằng điều tồi tệ nhất đã bắt đầu: họ đã đứng ngay sát giường, thế mà anh vẫn cố mặc chiếc áo khoác màu trắng. Ống tay áo, như cố tình trêu ngươi, bị lộn trái, không thể nào lần ra. Rubashov làm một cố gắng cuối cùng, nhưng vô ích và bất thình lình người anh bỗng cứng đờ ra: anh không thể cử động được, anh hốt hoảng nhận ra rằng muốn sống còn thì anh phải tìm cho ra cái ống tay áo đáng nguyền rủa này ngay lập tức. Sự bất lực kéo dài dường như bất tận, Rubashov vừa thở hổn hển vừa lăn lộn trên giường, những giọt mồ hội lạnh ướt đẫm hai bên thái dương, còn tiếng đập cửa thì vẫn như cũ, nghe như những tiếng trống bị nén lại vậy; cánh tay anh vẫn lục đục mò mẫm bên dưới cái gối, cố tìm cái ống tay áo và cuối cùng, một cú đánh như trời giáng vào đầu đã làm anh thoát khỏi cơn ác mộng.
Hôm nay cũng thế, trong mấy năm gần đây chuyện đó đã xảy ra cả trăm lần rồi và đây chính là lý do làm cho Rubashov bị điếc, anh mở mắt ra với cảm giác như vừa bị người ta đập báng súng lục vào mang tai. Vẫn còn run, cánh tay vẫn tiếp tục lần mò dưới gối để tìm cái ống tay áo, bởi vì trước khi tỉnh ngủ hẳn anh phải trải qua một thách thức cuối cùng nữa: tin rằng mình vừa tỉnh cơn ác mộng, còn khi thức thì anh sẽ lại ở trong một phòng giam, nền phòng bằng đá ẩm và lạnh, với chiếc thùng gỗ đặt dưới chân giường và lọ nước với mấy mẩu bánh mì khô, rắn như đá ở trên đầu giường.
Và lần này cũng vậy, cơn hoảng loạn không tha Rubashov ngay vì anh không thể đoán được là bàn tay vừa chạm vào cái bình nước hay cái công tắc của chiếc đèn ngủ để trên cái tủ nhỏ ở đầu giường. Đèn bật sáng và nỗi sợ hãi lập tức tan dần. Anh hít thở sâu mấy lần, như uống bầu không khí tự do rồi lấy khăn mặt lau cái trán và phần hói trên đỉnh đầu lấm tấm mồ hôi. Tính khôi hài đã quay trở lại, anh nháy mắt với bức ảnh của Anh Cả treo trên đầu giường, những bức ảnh như thế treo khắp nơi: trên đầu giường, trên nóc tủ... trong tất cả các căn hộ ngôi nhà Rubashov đang ở, cũng như trong tất cả các phòng, các căn hộ trong thành phố của anh, trong tất cả các thành phố của đất nước vô cùng rộng lớn này, bức ảnh của con người từng đòi hỏi anh những chiến công và hi sinh vô bờ bến, còn bây giờ nó đang giang vòng tay rộng vô bờ bến che chở cho anh. Rubashov đã tỉnh hẳn nhưng tiếng gõ cửa thì vẫn vang lên đều đều như cũ.

2

Hai người đến bắt Rubashov hội ý trên cái chiếu nghỉ thiếu ánh sáng của cầu thang. Còn Vasily, người lao công, được gọi đến làm chứng thì đứng trước cánh cửa vẫn còn mở của chiếc thang máy, ông cảm thấy khó thở vì hoảng quá. Đấy là một ông lão gầy còm, ốm yếu; trên cái cần cổ đầy gân xanh, nhô ra từ chiếc áo đại cán sờn cũ vừa khoác vội lên trên chiếc áo sơ mi mà lão dùng làm áo ngủ, có một vết sẹo khá rộng màu vàng trông giống như một cái tràng nhạc. Đấy là một vết thương từ thời nội chiến, lúc đó ông chiến đấu trong trung đoàn lừng danh do Rubashov chỉ huy. Sau đó Rubashov được ra nước ngoài công tác, Vasily chỉ còn biết tin tức của anh qua những bài báo mà con gái đọc cho nghe mỗi buổi tối. Những bài diễn văn của Rubashov tại những kì đại hội Đảng thì vừa dài vừa khó hiểu, nhưng cái chính là Vasily đã không còn nghe thấy âm hưởng của người chỉ huy râu ria, chửi tục khủng khiếp, đến Đức Bà ở nhà thờ Kazan trên cao xanh kia cũng phải mỉm cười. Thường thì Vasily ngủ gục ngay giữa chừng bài diễn văn của Rubashov và chỉ thức giấc khi cô con gái long trọng đọc những câu cuối cùng, bao giờ cũng kèm theo những tràng vỗ tay như sấm dậy. Sau những câu khẩu hiệu: “Đảng cộng sản muôn năm! Cách mạng muôn năm! Lãnh tụ và người Thầy vĩ đại sống mãi!”, bao giờ Vasily cũng nói “Amen!”, nhưng nói khẽ đến mức cô con gái không nghe thấy; ông cởi áo khoác rồi bí mật làm dấu và đi nằm. Từ trên tường, Anh Cả vẫn nhìn Vasily như mọi khi, còn bên cạnh Anh là một bức ảnh đã ố vàng vì năm tháng của người chỉ huy trung đoàn Nikolai Rubashov. Họ mà nhìn thấy bức ảnh này thì ông cũng sẽ bị bắt.
Trên chiếu nghỉ cầu thang trước phòng Rubashov mọi vật đều yên ắng, tối và lạnh. Một nhân viên của Bộ Dân ủy Nội vụ, tay trẻ hơn, đề nghị bắn vài phát vào ổ khóa. Vasily, chân trần trong đôi ủng rộng, dựa hẳn người vào cánh cửa cầu thang máy; khi bị đánh thức ông sợ đến nỗi không quấn nổi xà cạp nữa. Tay nhân viên già hơn không cho nổ súng: vụ bắt giữ phải được tiến hành trong trật tự. Thỉnh thoảng họ lại phà hơi vào các ngón tay đã lạnh cóng rồi tiếp tục gõ cửa, người trẻ hơn còn lấy cả báng súng mà gõ nữa. Có tiếng phụ nữ la hét ở bên dưới.
- Bảo bà ta câm miệng đi! - người trẻ tuổi hơn nói với Vasily.
- Này, - Vasily gào lên - nhân viên an ninh đấy!
Tiếng la hét ngừng hẳn. Người trẻ hơn đạp mạnh vào cánh cửa. Tiếng động vang khắp hành lang. Cuối cùng thì khóa cửa bị gãy và bung ra.
Ba người đứng sát nhau ngay bên cạnh giường: tay trẻ hơn cầm khẩu súng lục, tay già hơn thì đứng thẳng như đang “chào cờ” vậy; còn Vasily thì đứng sau một chút, lưng tựa vào tường. Rubashov đưa tay lau cái trán lấm tấm mồ hôi và khẽ nheo mắt, theo thói quen của người cận thị, nhìn ba người vừa mới vào.
- Công dân Nikolai Zalmanovitch Rubashov, - người trẻ tuổi dõng dạc tuyên bố, - nhân danh Cách mạng, tôi tuyên bố anh đã bị bắt!
Rubashov đưa tay tìm cái kính không gọng ở bên dưới gối, anh cầm lấy kính và đứng lên.
Bây giờ, sau khi đã đeo kính anh mới có vẻ giống với Rubashov mà lão Vasily và tay nhân viên già hơn thường thấy trong các bức ảnh vẫn thường xuất hiện trên báo chí. Tay nhân viên già còn đứng nghiêm hơn trước; nhưng người trẻ tuổi, vốn lớn lên dưới thời những nhân vật mới, bước đến cạnh giường - cả Vasily, Rubashov và tay nhân viên có tuổi đều nhận thấy rằng hắn chuẩn bị nói, mà cũng có thể làm, một hành động lỗ mãng không thể chấp nhận được: sự chậm trễ làm hắn sốt ruột.
- Này đồng chí, cất súng đi, - Rubashov lên tiếng, - rồi cho tôi biết các anh đến đây có việc gì.
- Ông chưa nghe rõ à? Ông đã bị bắt, - người trẻ tuổi nói. - Mặc quần áo nhanh lên.
- Các anh có lệnh không? - Rubashov hỏi.
Người nhiều tuổi rút từ trong túi áo ra một tờ giấy, sau khi đưa cho Rubashov anh ta lại đứng nghiêm như cũ.
Rubashov yên lặng đọc.
- Thôi được, - anh lẩm bẩm. - Già vẫn dại, mẹ kiếp...
- Mặc quần áo nhanh lên, - người trẻ tuổi nói.
Thái độ lỗ mãng của hắn không phải là giả tạo, thường ngày hắn vẫn có thái độ như thế.
Chúng ta đã tạo ra thế hệ kế thừa như vậy đấy”, Rubashov chợt nghĩ. Trong đầu anh lại hiện lên những bức tranh cổ động với những chàng thanh niên toe toét cười.
- Đưa cho tôi cái áo khoác, - Rubashov bảo, - đủ rồi, cất súng đi.
Mặt đỏ lên, nhưng anh chàng không trả lời. Người nhiều tuổi hơn đưa áo khoác cho Rubashov, anh luồn cánh tay vào ống áo.
- Được rồi, - anh vừa nói vừa gượng cười.
Ba người kia không hiểu anh nói gì, vẫn giữ thái độ im lặng nặng nề như cũ. Rubashov từ từ đứng lên và bắt đầu thu nhặt quần áo vương vãi khắp phòng. Sau tiếng thét đứt đoạn, ngôi nhà lại chìm vào yên lặng nhưng cả bốn người đều có cảm giác như trong nhà này chẳng có ai ngủ cả, họ chỉ nằm im, thậm chí nín thở, trên giường. Rồi có ai đó ở tầng trên giật nước trong nhà vệ sinh, tiếng nước chảy ồn ào, lục bục sôi réo trong đường ống.
Dưới chân cầu thang có một chiếc ô tô đời mới nhất do Mỹ sản xuất. Đường phố vẫn còn tối lắm; dân cư các khu nhà bên cạnh vẫn còn ngủ hay giả vờ ngủ; người lái xe bật đèn pha và họ lần lượt bước vào trong xe: đầu tiên là tay nhân viên trẻ hơn, sau đó đến Rubashov và cuối cùng là tay nhân viên có tuổi hơn. Người lái xe cũng mặc đồng phục của Bộ Dân ủy, anh ta mở máy và bật đài phát thanh. Con đưởng rải nhựa chấm dứt ngay sau góc phố và mặc dù họ đi qua trung tâm thành phố, xung quanh là những tòa nhà hiện đại cao tám, chín, thậm chí mười tầng nhưng con đường lát đá thì lại gồ ghề, bị xẻ thành rãnh sâu hoắm phủ đầy băng và tuyết. Xe chạy chậm không khác gì đi bộ thế mà vẫn rung và kêu ầm ầm như một chiếc ba gác cũ.
- Chạy nhanh lên một tí, - người trẻ tuổi hơn, có vẻ không chịu nổi sự yên lặng bao trùm trong xe, lên tiếng.
Người lái xe chỉ khẽ nhún vai nhưng không quay lại. Anh ta đã liếc nhìn một cách thiếu thiện cảm khi Rubashov chui vào xe. Một lần, khi Rubashov bất ngờ lăn ra ốm, người lái xe cấp cứu cũng đã nhìn anh hệt như thế. Đi trên một chiếc xe rung bần bật lại chạy quá chậm qua những dãy phố không người, như những dãy phố chết, tạo cho người ta cảm giác thật khó chịu.
- Còn lâu nữa không? - Rubashov vừa hỏi vừa nhìn ra con đường bị băm nham nhở. Xuýt nữa thì anh buột miệng hỏi thêm “Bệnh xá ở đâu?”.
- Khoảng ba mươi phút, - người có tuổi đáp.
Rubashov lôi thuốc lá ra, anh rút lấy một điếu rồi chìa bao thuốc cho những người khác. Người trẻ hơn lắc đầu, còn người có tuổi hơn thì rút hai điếu và đưa về phía trước một điếu cho người lái xe. Tay lái xe gục đầu xuống cổ áo, sau đó chỉ để một tay trên vô lăng còn tay kia thì đưa que diêm đang cháy về phía sau.
Rubashov cảm thấy yên tâm phần nào, nhưng ngay sau đó anh lại cảm thấy ngượng. “Gớm, dễ xúc động thế”, anh thầm nghĩ. Dù sao mặc lòng, anh vẫn muốn nói chuyện nhằm xua tan sự xa cách bao trùm lên cả bốn người.
- Tiếc cho cái xe quá, - anh khẽ nói. - Ô tô nước ngoài phải mua bằng vàng, thế mà đường như thế này thì chỉ mấy tháng là hỏng.
- Đúng như thế. Đường của chúng ta còn xấu lắm, - người có tuổi hơn hưởng ứng. Bằng vào giọng nói có thể thấy rằng anh ta đã nhận thấy sự lúng túng của Rubashov. Rubashov cảm thấy mình như một con chó hoang được người ta thương hại ném cho mẩu xương nên quyết định không tiếp tục chuyện trò nữa. Nhưng người trẻ hơn đã hằn học hỏi:
- Bọn tư bản thì đường tốt hơn à?
Rubashov khẽ mỉm cười.
- Thế anh đã ra nước ngoài bao giờ chưa?
- Tôi biết chúng thế nào rồi. Trò tuyên truyền tư sản không tác động được tôi đâu.
- Không biết anh cho tôi là người thế nào nhỉ? - Rubashov bình tĩnh hỏi. Nhưng rồi không giữ được nên nói thêm: - Anh nên học lại lịch sử Đảng đi.
Người trẻ tuổi không trả lời, anh ta nhìm chằm chằm vào lưng người lái xe. Từ đấy trở đi không ai nói thêm câu nào nữa. Xe bị chết máy lần thứ ba, người lái xe vừa văng tục vừa khởi động lại. Xe nhảy chồm chồm trên những con đường gồ ghề ngoại ô. Hai bên đường là những căn nhà gỗ chen vai thích cánh bên nhau, mặt trăng mờ mờ, lạnh lẽo lững lờ trôi trên những mái nhà gù gù, xiêu vẹo.

3

Hành lang của cái nhà tù mới xây này có những chiếc đèn rất sáng. Một luồng ánh sáng thiếu sinh khí, sáng đến loá mắt dọi lên những bức tường màu trắng, những cửa sổ phòng giam với những tấm bìa các tông ghi tên tù nhân, những lỗ nhòm màu đen và khung sắt của tầng hai. Cái ánh sáng chói chang, nhạt nhẽo và tiếng bước chân trên nền đá lát không có tiếng vọng này có vẻ quen thuộc với Rubashov đến nỗi ảo giác của cơn ác mộng kéo dài hồi đêm như chợt hiện về trong tâm trí. Anh tìm mọi cách thuyết phục mình rằng tất cả những chuyện đang diễn ra đều không thực. “Nếu ta tin rằng mình đang ngủ”, anh nghĩ, “thì tất cả những cái này sẽ như một giấc mơ”. Anh đã tự thuyết phục mình một cách ráo riết đến nỗi đầu tự nhiên choáng váng và anh cảm thấy xấu hổ vô cùng. “Đã tự nhận là cứu tinh thì hãy mang lấy cây thập giá”, anh nghĩ. “Đến phút chót”. Chẳng bao lâu sau viên giám thị đã dừng bước, cửa phòng bốn trăm linh tư. Bên trên lỗ nhòm có treo một cái biển màu trắng với hàng chữ: Nikolai Zalmanovitch Rubashov. “Bài bản đấy”, anh tự nhủ; phòng giam có sẵn tên tuổi treo ngoài cửa làm anh choáng váng. Anh định bảo viên giám thị mang cho thêm một cái chăn, nhưng cửa đã rít lên ken két và đóng sập lại.

4

Viên giám thị thỉnh thoảng lại nhìn qua lỗ nhòm. Rubashov vẫn nằm im trên giường, chỉ có lòng bàn tay buông xuống sát nền nhà là khẽ động đậy; ở dưới chân giường có những mẩu tàn thuốc lá và cái kính không gọng.
Bảy giờ, tức là hai tiếng đồng hồ sau khi Rubashov được đưa vào phòng giam, anh bỗng giật mình thức giấc bởi một hồi còi kéo dài. Không bị những giấc mơ thường nhật hành hạ, anh cảm thấy phấn chấn hơn. Tiếng còi báo thức rúc lên ba lần. Sau hồi còi thứ ba, buồng giam lại chìm vào im lặng nặng nề.
Một ngày mùa đông vừa mới bắt đầu, ánh bình minh nhợt nhạt làm nhoà đi hình thù của cái thùng gỗ, cái chậu rửa cùng cái vòi nước. Tấm lưới thép màu đen như được in vào khung cửa sổ hình vuông mờ ảo; phía trên, về bên trái có một tấm kính vỡ nhưng đã được ai đó cuộn tờ báo nhét vào. Rubashov nhặt cái kính và đầu mẩu thuốc lá lên nhưng sau đó lại nằm dài ra giường. Anh đeo kính và bật diêm. Căn phòng vẫn yên ắng như cũ. Trong tất cả các tầng quét vôi của cái tổ ong to lớn xây bằng đá này mọi người đã được đánh thức, cùng vùng dậy và bước vào ngày mới với những lời rủa xả. Nhưng những người trong phòng biệt giam thì không nghe thấy gì hết, ngoại trừ tiếng bước chân của cai ngục bên ngoài hành lang.
Rubashov biết rằng anh sẽ phải ở trong những phòng biệt giam như thế này cho đến ngày ra pháp trường. Rubashov nằm ngửa, vừa chậm rãi nhả khói vừa lấy tay mân mê chòm râu ngắn.
Nghĩa là đòm”, Rubashov tự nhủ. Mắt lúc lúc lại chớp chớp, nhưng anh vẫn nằm yên nhìn mấy ngón chân trên cái bàn chân dựng đứng trước mặt. Anh cảm thấy bình thản; lúc ấy anh đã mệt lắm và chỉ muốn ngủ để trượt dần vào cái chết, như trượt vào giấc mơ mà không phải chui ra khỏi cái chăn tù này. “Nghĩa là người ta sắp bắn nhà ngươi”, Rubashov nhủ thầm với mình như thế. Anh khẽ cử động mấy ngón chân bên trong tất và chợt nhớ đến bài thơ ví những ngón chân của Chúa như những con hoẵng trắng trong một khu rừng nhỏ. Anh tháo kính và lau vào ống tay áo với một động tác mà tất cả đàn em đều biết rõ. Anh cảm thấy ấm cúng và có thể nói là hạnh phúc, anh sợ mỗi một việc, đấy là phải dậy và đi. “Nghĩa là người ta sắp tiêu diệt nhà ngươi”, anh lẩm bẩm và lại lấy một điếu thuốc nữa ra hút mặc dù anh biết rằng chỉ còn tất cả ba điếu nữa thôi. Điếu thuốc đầu, khi dạ dày còn rỗng bao giờ cũng làm anh ngây ngất; còn lúc này, chính anh cũng đang thấy phấn chấn, một trạng thái tình cảm luôn dâng trào trong anh mỗi khi đối diện với cái chết. Đã có thời anh cho thế là không tốt, thậm chí hoàn toàn không chấp nhận được, nhưng lúc này anh không nghĩ như thế. Anh lại nhìn mấy ngón chân đang động đậy trong tất. Và mỉm cười. Tình thương đối với chính cơ thể của mình, cái cơ thể mà lâu nay anh vẫn tỏ ra bàng quan, bỗng trào dâng trong lòng; nhưng khi nghĩ đến cái chết không thể tránh khỏi thì anh lại thấy cay đắng. “Đội vệ binh già sẽ chết”, anh thì thầm. “Chúng ta là cuối cùng”. “Chúng ta rồi sẽ chết”. “Sẽ thành tro bụi... tương lai”. Anh cố gắng ôn lại nhạc điệu câu “Sẽ thành tro bụi...”, nhưng chỉ nhớ được lời thôi. “Đội vệ binh già sẽ chết”, anh nhắc lại và cố gắng tưởng tượng hình ảnh của những vệ binh già đó. Nhưng chỉ nhớ được vài người.
Ông chủ tịch đầu tiên của Quốc tế, người bị tử hình vì tội phản bội, chỉ còn để lại trong tâm trí anh hình ảnh cái bụng bự sau tấm áo gilê kẻ ô. Ông luôn mang thắt lưng da chứ không bao giờ đeo dây.
Ông Thủ tướng thứ hai của Nhà nước Cách mạng, cũng đã bị hành quyết, thì luôn cắn móng tay mỗi khi gặp nguy hiểm...
Lịch sử sẽ biện hộ cho các vị, Rubashov nghĩ, nhưng anh cũng chẳng tin chuyện này lắm.
Lịch sử thì có liên quan gì với những kẻ cắn móng tay? Anh vừa rít thuốc vừa nghĩ đến những người đã chết và cảnh đọa đầy mà họ phải chịu trước khi chết. Anh không căm thù Anh Cả mặc dù ông ta đáng bị như thế. Anh vẫn thường nhìn lên bức chân dung ông ta treo ngay trên đầu giường và cố gắng tạo trong lòng tình cảm thù địch với ông ta. Họ đã gọi ông ta bằng nhiều tên khác nhau nhưng cuối cùng thì cái tên Anh Cả đã được giữ lại. Nỗi kinh hoàng mà ông ta gây ra cho họ trước hết là vì ông ta có thể đúng, tất cả những người ông ta giết, ngay cả khi viên đạn đã nằm trong gáy, cũng phải công nhận rằng ông ta có thể đúng.
Không ai dám chắc như thế; chỉ có cái mà họ gọi là Lịch sử nhưng Lịch sử lại chỉ đưa ra lời phán quyết sau khi tất cả những người bị kết án đã thành tro bụi từ lâu.
Rubashov bỗng cảm thấy có người đang quan sát mình qua lỗ nhòm. Không cần nhìn anh cũng biết rằng có một con mắt đang áp sát vào lỗ nhòm để theo dõi buồng giam; rồi có tiếng tra chìa khóa vào ổ. Phải một lúc sau cánh cửa mới mở. Giám thị, một lão già thấp bé, chân đi săng đan, đứng ngay cạnh cửa, hỏi:
- Tại sao anh không dậy?
- Tôi bị ốm, - Rubashov đáp.
- Mai anh mới được gặp bác sĩ. Mà bệnh gì thế?
- Đau răng, - Rubashov nói.
- Răng à? - viên giám thị hỏi rồi đóng sập cửa lại.
Bây giờ thì mình có thể ngủ được, Rubashov tự nhủ, nhưng tâm trí đã không còn được bình tĩnh như trước nữa. Hơi ấm mốc meo của cái chăn tù làm anh khó chịu. Anh tung chăn ra và lại tiếp tục quan sát cử động của mấy ngón chân, nhưng cảm giác bực bội lại càng tăng thêm. Cả hai cái tất đều có lỗ thủng ở gót. Anh muốn vá tất, nhưng nghĩ rằng phải gõ cửa và phải xin viên giám thị kim chỉ thì anh thối chí; chắc chắn là họ không cho kim đâu. Giá có một tờ báo lúc này thì tuyệt biết mấy. Anh rất muốn được ngửi mùi mực in, rất muốn được nghe tiếng sột soạt của trang giấy. Có thể một cuộc cách mạng đã nổ ra đêm qua, có thể người đứng đầu một nhà nước nào đó đã bị giết hay người Mỹ đã tìm được cách vượt qua được lực trọng trường. Vụ bắt giữ anh có thể chưa được đăng; trong nước nó có thể được giữ kín một thời gian, nhưng tin tức sẽ lọt ra nước ngoài ngay lập tức, người ta sẽ cho đăng những bức ảnh lấy từ những tờ báo ra cách đây mười năm và họ sẽ viết đủ thứ nhảm nhí về quan hệ giữa anh và Anh Cả. Lúc này thì anh không còn muốn đọc báo nữa, nhưng anh lại rất muốn biết trong đầu Anh Cả đang nghĩ gì. Anh như trông thấy ông ta ngồi cạnh một cái bàn dài, nặng nề và nhăn nhó, khuỷu tay chống lên mặt bàn và đang chậm rãi đọc cho một người thư ký chép. Khi đọc như thế những người khác thường đi đi lại lại, thả những vòng khói tròn hoặc mân mê một cái thước. Nhưng Anh Cả không đi lại, không mân mê thước, không nhả khói... Thế rồi bỗng nhiên Rubashov thấy mình cũng đang đi đi lại lại, hóa ra anh đã đứng lên khoảng năm phút rồi mà không biết. Anh nhận ra thói quen cũ của mình là không bao giờ bước lên cạnh của những viên gạch lát nền, anh đã nhớ nằm lòng cách lát nền từ lâu. Nhưng ý nghĩ về Anh Cả vẫn lởn vởn trong đầu, và dần dần cái người ngồi bên chiếc bàn dài và đang đọc một cách bất động đó đã biến thành bức chân dung của chính ông ta, một bức chân dung với đôi mắt lạnh lùng mà ai cũng biết và được treo ngay trên đầu giường trong tất cả mọi gia đình.
Rubashov tiếp tục đi đi lại lại trên con đường nằm giữa chiếc thùng gỗ bên cạnh chậu rửa mặt và giường ngủ, từ cửa sổ đến cửa đi, vào rồi lại ra, bao giờ cũng đúng sáu bước rưỡi. Theo thói quen từ khi ở tù những lần trước, gần cửa đi anh quay sang phải còn khi đến gần cửa sổ thì quay sang trái; nếu anh không đổi hướng thì thế nào cũng bị chóng mặt. Anh Cả đang nghĩ gì trong óc nhỉ? Trong tâm trí anh bỗng hiện ra bức tranh về một lát cắt xuyên qua bộ não đó, đấy là bức tranh màu xám trên một tờ giấy trải căng ra và được ghim trên giá vẽ. Những đường cong màu xám phồng lên như những khúc ruột và quấn vào nhau như những con rắn, sau đó chúng trở nên nhạt nhòa giống như như những tinh vân trên các bản đồ thiên văn... Điều gì đang diễn ra trong những đường cong màu xám đang trương phồng lên thế kia? Con người đã biết rõ những tinh vân xa xôi kia nhưng chẳng biết gì về những đường cong nọ. Có lẽ chính vì thế mà lịch sử vẫn có nhiều bí ẩn hơn khoa học. Có thể sau đây, rất lâu sau đây, lịch sử sẽ được dạy bằng các con số thống kê cùng với những mặt cắt giải phẫu học như thế này cũng nên. Lúc đó thầy giáo sẽ vừa viết lên bảng công thức toán học biểu hiện điều kiện sống của dân chúng tại một nước cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể, vừa nói: “Công thức này cho chúng ta thấy các yếu tố khách quan quyết định tiến trình lịch sử này”. Sau đó ông ta sẽ lấy thước chỉ vào khoảng xám mờ ảo giữa thùy hai và thùy ba của óc Anh Cả và nói thêm: “Còn đây là biểu hiện chủ quan của các yếu tố đó. Chính điều này đã dẫn đến việc thiết lập chế độ toàn trị tại Đông Âu trong nửa đầu thế kỷ XX”. Khi lịch sử chưa trở thành khoa học thì chính trị vẫn sẽ chỉ là loại hoạt động nghiệp dư đẫm máu, chỉ là trò mê tín dị đoan và bịp bợm...
Rubashov nghe thấy tiếng chân đều bước ngoài hành lang. Ý nghĩ đầu tiên vụt hiện trong óc: bắt đầu tra tấn đây. Anh đứng lại giữa phòng giam, tai căng lên nghe ngóng. Tiếng chân bỗng ngừng lại trước cửa phòng bên cạnh, mệnh lệnh được ban ra, rồi có tiếng chìa khóa xoay trong ổ. Sau đó tất cả trở lại im lặng như cũ.
Rubashov đứng như trời trồng, nín thở và chờ đợi tiếng thét đầu tiên. Anh nhớ rằng chính tiếng thét đầu tiên, đấy là lúc người ta thét lên vì sợ là chính chứ không phải vì đau, là khủng khiếp nhất. Sau đó thì nhẹ nhàng hơn, người nghe sẽ quen ngay, thậm chí còn có thể đoán được cách thức tra tấn qua tiếng rên la. Trước khi kết thúc, đa số người, dù tính cách và giọng nói có khác nhau đến đâu, cũng đều hành xử giống nhau: tiếng la hét nhỏ dần và biến thành tiếng rên tắc nghẹn trong cổ họng. Thường thì ngay sau đó sẽ có tiếng đóng cửa. Rồi lại có tiếng vặn chìa khoá và tiếng la hét của nạn nhân tiếp theo thường vang lên trước cả khi bị tra tấn, vừa thấy bóng dáng bọn đao phủ là họ đã thét lên rồi.
Rubashov đứng giữa phòng và căng thẳng chờ đợi tiếng thét đầu tiên. Anh chậm rãi lau kính vào ống tay áo và tự nhủ rằng lần này, dù bị tra tấn thế nào anh cũng không la. Anh nhắc đi nhắc lại câu đó như đang vừa lần tràng vừa cầu kinh vậy. Anh đứng đợi như thế một lúc nhưng vẫn không nghe tiếng kêu. Chỉ nghe tiếng tra chìa khóa, tiếng người thầm thì và tiếng đóng cửa. Tiếng chân bước lại vang lên, họ đi sang phòng kế tiếp.
Rubashov bước lại phía của sổ và ghé mắt nhìn. Có mấy người đàn ông đang đứng cạnh cửa phòng 407, đối diện với phòng anh. Đấy là người giám thị già và ba tạp vụ, hai người xách bình trà, người thứ ba thì xách một cái giỏ bánh mì đen, bên cạnh còn có hai người lính súng lục lăm lăm trong tay. Hóa ra không phải tra tấn mà là họ đang phát bữa ăn sáng...
Người ta đưa bánh mì cho 407. Nhưng Rubashov không nhìn thấy anh ta. Chắc là theo qui định, anh ta phải đứng cách cửa ra vào một bước chân; Rubashov chỉ nhìn thấy hai bàn tay và hai cánh tay của anh ta mà thôi. Hai cánh tay để trần và rất gầy, y như hai cái que thò ra bên ngoài hành lang. Hai bàn tay thì khum lại vì đang giữ cái bát. Anh ta nắm chặt lấy phần ăn và rút tay vào ngay lập tức. Cửa buồng giam đóng sập lại.
Rubashov không nhìn nữa. Anh đeo kính lên rồi hít một hơi thật dài, thâm tâm cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Rồi, trong khi chờ bữa ăn sáng đầu tiên, anh tiếp tục vừa đi vừa huýt sáo. Nhưng anh lại cảm thấy hơi lo, dù không biết tại sao, khi nhớ lại đôi cánh tay gầy và bàn tay khum khum của người tù trong buồng giam 407. Cảnh tượng hai bàn tay giơ ra và ngay cả những cái bóng mờ trên đó cũng có vẻ như rất thân thuộc với anh, rất thân thuộc nhưng đã tuột khỏi trí nhớ của anh, giống như một đoạn nhạc xưa cũ hay mùi của một đoạn phố hẹp gần hải cảng vậy.

5

Cánh cửa các phòng giam bên cạnh cứ lần lượt mở rồi đóng, nhưng phòng anh thì không. Rubashov bước lại gần cửa để nhìn xem họ đã đến chưa; không hiểu sao anh lại thèm một ly trà nóng đến thế. Lúc nãy anh đã nhìn thấy bình trà đang bốc khói và mấy lát chanh nổi lều bều trên mặt nước. Anh tháo kính và ghé sát mắt vào lỗ nhòm. Anh có thể nhìn thấy bốn buồng giam đối diện, từ số 401 đến số 407. Phía trên có một hàng lan can thép, đằng sau nó là các phòng giam tầng hai. Đoàn người đang quay trở lại, lần này theo phía bên phải; thì ra họ phát bữa sáng cho dãy bên trái trước, bây giờ đến lượt dãy phải. Lúc này họ đã đứng ngay trước buồng 408; Rubashov chỉ nhìn thấy lưng của hai người mặc sắc phục có đeo súng lục bên hông, những người khác đứng xa hơn, anh không nhìn thấy họ. Cánh cửa đã đóng lại; lúc này họ đi sang phòng 406. Rubashov lại trông thấy bình trà và người tạp vụ với cái giỏ chỉ còn vài lát bánh mì. Họ không dừng lại trước buồng 406, phòng này còn trống. Đoàn người đến gần rồi đi ngang qua cửa phòng anh rồi dừng lại trước buồng 402.
Rubashov lấy tay đập ầm ầm vào cánh cửa. Hai người tạp vụ cầm bình trà nhìn nhau rồi nhìn về phía cửa buồng anh. Còn người giám thị thì đang mở khóa buồng 402 và làm ra vẻ như không nghe thấy gì. Hai người mặc đồng phục đứng quay lưng lại cửa sổ buồng Rubashov. Bánh mì đã được đưa qua cửa buồng 402; đoàn người chuẩn bị đi tiếp. Rubashov đập càng dữ dội hơn. Anh tháo giày và rồi cứ đế giày mà nện liên hồi vào cánh cửa.
Anh chàng mặc đồng phục cao lớn hơn ngoái đầu lơ đãng nhìn cửa buồng Rubashov. Người giám thị đóng cửa buồng 402. Hai người tạp vụ xách bình trà lưỡng lự trong giây lát. Không biết anh chàng mặc đồng phục vừa ngoái lại nói gì đó với người giám thị già, chỉ thấy người này nhún vai rồi chậm chạp đi về phía buồng Rubashov. Hai người tạp vụ mang trà đi theo ông ta, còn người xách bánh mì thì đứng lại nói gì đó với người tù buồng 402.
Rubashov lùi lại, anh bỗng không còn thấy thèm ăn, cũng không có nhu cầu uống trà nữa. Bình nước đã không còn bốc khói, mấy lát chanh nổi lều bều trên mặt nước màu vàng nhạt trông như đã rũ ra và dúm dó đến thảm hại.
Có tiếng chìa khóa quay trong ổ, một con mắt ghé sát lỗ nhòm trong vài giây rồi lập tức biến mất. Cánh cửa bật mở. Rubashov ngồi trên giường và đang đi giày. Người giám thị giữ cửa để cho anh chàng mặc đồng phục cao lớn bước vào buồng giam. Anh ta có một cái đầu tròn, cạo trọc và đôi mắt trống rỗng, vô hồn. Bộ đồng phục còn cứng kêu sột soạt, khi anh ta bước đôi giày đinh cũng kêu cót két; Rubashov có cảm giác như ngửi thấy mùi da thuộc còn mới. Anh ta dừng lại trước cái thùng gỗ rồi đưa mắt nhìn khắp lượt buồng giam, cái buồng giam có vẻ như nhỏ lại sau khi anh ta bước vào.
- Anh chưa dọn phòng, - anh ta nói. - Chắc anh biết nội qui buồng giam chứ?
- Tại sao tôi lại không được ăn sáng? - Rubashov vừa nói vừa nhìn viên sĩ quan qua chiếc kính không gọng.
- Nếu anh muốn đề đạt gì thì phải đứng dậy, - viên sĩ quan bảo.
- Tôi chẳng có gì để nói hay đề đạt với anh, - Rubashov vừa đáp vừa buộc dây giày.
- Thế thì đừng đập cửa nữa, nếu không những biện pháp kỷ luật trại giam sẽ được áp dụng đấy, - viên sĩ quan đáp. Anh ta lại nhìn buồng giam một lần nữa. - Tù nhân không có giẻ lau buồng, -  viên sĩ quan vừa nói vừa quay lại phía người giám thị.
Không biết người giám thị nói gì đó với anh chàng tạp vụ chuyên xách bánh mì, chỉ thấy người này lập tức chạy dọc hành lang. Hai người tạp vụ còn lại đứng trước cửa tò mò nhìn căn phòng. Người sĩ quan thứ hai đứng chống nạnh, lưng quay về phía phòng Rubashov.
- Tù nhân còn không có cả bữa sáng nữa, - Rubashov vừa thắt giây giày vừa nói. - Các anh định bắt tôi nhịn đói chứ gì? Biện pháp của các anh tuyệt vời đấy nhỉ. 
- Anh lầm rồi, - viên sĩ quan vẫn nói một cách đều đều như cũ. Rubashov nhìn thấy một vết sẹo rộng trên cái đầu trọc và cuống chiếc Huân chương Cách mạng trên ngực. - Hóa ra mày cũng từng tham gia nội chiến đấy, - Rubashov tự nhủ. Nhưng chuyện đó đã qua lâu rồi, bây giờ thì có ý nghĩa gì...
- Anh lầm rồi. Anh không được ăn sáng vì chính anh nói là bị ốm.
- Anh ta bị đau răng, - người giám thị, lúc đó đang đứng tựa lưng vào cánh cửa, nói. Anh ta vẫn đi đôi dép và mặc bộ đồng phục nhàu nát, đầy vết dầu mỡ như cũ.
- Thôi được, - Rubashov nói. Anh rất muốn hỏi liệu việc buộc bệnh nhân nhịn đói có phải là biện pháp chữa bệnh mới nhất của chế độ hay không, nhưng đã kìm lại được. Câu chuyện đã làm anh chán ngấy rồi.
Người tạp vụ chuyên giữ bánh mì chạy vào và đưa cho người giám thị một cái chiếc giẻ lau bẩn. Viên giám ngục vứt chiếc giẻ lau vào góc buồng, ngay cạnh cái thùng gỗ.
- Anh còn có đề nghị nữa không? - viên sĩ quan hỏi, giọng nói tỏ ra cực kì nghiêm túc.
- Hãy để cho tôi yên và thôi trò đóng kịch này đi, - Rubashov đáp. Viên sĩ quan quay ra, còn người giám thị thì giơ chùm chìa khóa lên. Rubashov quay vào và đi đến bên cửa sổ. Khi cánh cửa vừa đóng sập lại thì cũng là lúc Rubashov hiểu rằng mình vừa quên một việc quan trọng nhất, anh lao về phía cánh cửa và lấy tay đấm thật mạnh.
- Cho xin mấy tờ giấy và một cái bút chì, - Rubashov gào lên. Rồi anh gỡ kính và dán mắt vào lỗ nhòm để nhìn xem họ có dừng lại hay không. Mặc dù anh đã gào đến vỡ họng nhưng đám người vẫn tiếp tục đi như không có gì xảy. Đoàn người đi xa dần, cuối cùng anh chỉ còn nhìn thấy lưng của viên sĩ quan có cái đầu trọc và chiếc thắt lưng da rộng bản với khẩu súng lục lủng lẳng ngang hông.

6

Rubashov tiếp tục đi bách bộ; sáu bước rưỡi đi ra, rồi sáu bước rưỡi đi vào. Sự kiện vừa rồi đã làm anh lo lắng; vừa lau kính vào ống tay áo anh vừa hồi tưởng lại toàn bộ câu chuyện. Anh căm thù cái tay sĩ quan có vết sẹo ở trên đầu, nếu có thể giữ mãi trong lòng mối thù này thì tốt biết mấy, nó sẽ làm cho anh cứng rắn hơn trong cuộc đấu tranh sẽ diễn ra nay mai. Nhưng anh lại có một thói quen tai hại là luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện và xem xét mọi vật theo quan điểm của họ. Hãy tưởng tượng một tay Rubashov nào đó, dáng người nhỏ thó, râu ria sồm soàm, vẻ mặt bất cần đời, vẫn ngồi trên giường khi người lạ bước vào, rồi lại còn cố tình trưng ra đôi giầy với mấy cái tất ướt nữa! Dĩ nhiên tay Rubashov này đã có nhiều cống hiến và một quá khứ oai hùng; nhưng đứng trên diễn đàn đại hội là một việc còn ngồi trong buồng giam thì lại là việc hoàn toàn khác rồi. “Lão Rubashov huyền thoại đấy”, chắc tay sĩ quan với đôi mắt đờ đẫn, vô hồn đã nghĩ như thế. “Kêu khóc đòi ăn chẳng khác gì một thằng học trò, thật không biết xấu hổ là gì. Phòng thì bẩn. Tất thì rách. Đúng là loại dài lưng tốn vải. Lại còn định làm loạn: vì lý tưởng hay vì tiền thì cũng thế cả thôi. Chúng ta không làm cách mạng vì những loại người như thế. Đúng là hắn đã từng giúp đỡ cách mạng; nhưng đấy là ngày xưa, khi hắn còn ra hồn người cơ; còn bây giờ hắn đã trở thành một lão già tự mãn vô tích sự, chết là đáng rồi. Mà có thể ngay lúc đó hắn đã như thế rồi; thời cách mạng thiếu gì bọn hăng tiết vịt, rã đám ngay ấy mà. Nếu có lòng tự trọng thì hắn đã dọn buồng giam”.
Rubashov lưỡng lự không biết có cần lau sàn nhà không. Anh đứng giữa phòng giam như thế một lúc, sau đó anh đeo kính lên rồi đi lại gần cửa sổ.
Trời đã sáng rõ, ánh ngày màu xám nhạt làm dịu đi phần nào cái màu vàng gay gắt của đèn pha trong sân trại; hôm nay chắc là sẽ có tuyết. Bây giờ là gần tám giờ, nghĩa là anh vào đây mới có ba tiếng đồng hồ. Mấy bức tường xung quanh sân trông như những bức tường doanh trại quân đội; các cửa sổ được chắn lưới thép tối om om, không thể nào nhìn vào trong được. Có thể sau mỗi cái cửa sổ đó đều có một người đang đứng và nhìn ra sân, như anh, nhưng anh không thể nào nhận ra được. Tuyết trên sân trắng và đẹp quá, bề mặt có một lớp băng mỏng, nếu ta bước lên đó thì sẽ có tiếng lạo xạo dưới chân. Dọc con đường cách tường chừng mươi bước chân xung quanh sân thỉnh thoảng lại có những chỗ tuyết được vun thành đống. Người lính gác vẫn đi đi lại lại như cũ. Một lần, khi quay lại anh hơi ngửa mặt và nhổ nước bọt, làm thành một hình vòng cung rộng trước khi rơi xuống sân tuyết trắng, người lính tò mò cúi xuống, nhìn theo.
Một chứng bệnh cũ”, Rubashov chợt nghĩ. “Người cách mạng không thể đặt mình vào vị trí của người khác”.
Hay có thể? Thậm chí họ còn cần phải làm như thế?
Cải tạo làm sao được thế giới nếu suốt ngày đặt mình vào vị trí của kẻ khác?
Người ta còn có thể cải tạo thế giới bằng cách nào?
Một người hiểu biết và sẵn sàng tha thứ - liệu có dám kiên quyết hành động hay không?
Họ sẽ bắn mình thôi”, Rubashov tự nhủ như thế. “Chẳng ai thèm quan tâm đến động cơ của mình”. Anh gục đầu vào thành cửa sổ. Mảnh sân vẫn ánh lên một màu trắng lắp lánh và yên tĩnh như cũ.
Anh đứng như thế một lúc, để mặc cho cái lạnh của tấm kính xâm nhập vào trán, lòng tịnh không nghĩ đến một điều gì khác.
Dường như có tiếng động, đúng là có tiếng gõ nhẹ nhưng gấp gáp đang vang lên đâu đây, ngay trong buồng giam này.
Anh quay lại và chăm chú lắng nghe. Tiếng gõ nhẹ đến nỗi ban đầu anh không biết nó xuất phát từ mé tường bên trái hay mé tường bên phải. Anh vừa chú tâm lắng nghe thì tiếng gõ chợt ngừng. Thế là anh bắt đầu tự gõ, ban đầu anh gõ vào bức tường ngay cạnh cái thùng gỗ, bên kia là buồng 406, nhưng không thấy trả lời. Anh quay sang bức tường đối diện, cạnh cái giường ngủ, bên kia là buồng 402. Có tiếng đáp. Rubashov ngồi xuống chiếc giường sắt, mắt nhìn chằm chằm vào lỗ nhòm, tim đập thình thịch. Tiếp xúc đầu tiên bao giờ cũng hồi hộp như thế cả.
402 bắt đầu gõ một cách đều đặn, ba tiếng cách nhau một quãng ngắn, ngưng, rồi lại ba tiếng nữa, ngưng và ba tiếng nữa. Rubashov trả lời bằng cách nhắc lại đúng ba nhịp như thế để tỏ ra rằng anh đã nghe thấy. Anh sốt ruột chờ đợi, liệu người kia có biết cách truyền tín hiệu kiểu này hay không, nếu anh ta không biết thì mất công lắm. Bức tường dày và cách âm khá tốt thành ra để nghe rõ anh phải ghé sát tai vào tường đồng thời không được rời mắt khỏi lỗ nhòm. Nhưng hóa ra 402 là người có nhiều kinh nghiệm; anh ta gõ bằng một cái gì đó khá cứng, có thể là một cái bút chì, tiếng gõ dứt khoát, chậm rãi. Đã lâu Rubashov không phải làm như thế này, anh phải vừa nghe vừa cố nhớ lại cái bảng hình vuông có năm ô nằm ngang, mỗi ô là một chữ cái. 402 gõ năm tiếng, nghĩa là hàng thứ năm: từ V đến Z; sau đó lại gõ hai tiếng, nghĩa là chữ cái thứ hai trong hàng này: W. Ngừng một lúc lại gõ hai tiếng, hàng thứ hai đây, từ F đến J, rồi lại ba tiếng gõ nữa, nghĩa là chữ thứ ba trong hàng này: H. Sau đó lại gõ ba tiếng và năm tiếng; chữ thứ năm trong hàng thứ ba: O. Tiếng gõ ngừng hẳn.
WHO?
Một người thực tế”, Rubashov tự nhủ. “Anh ta muốn biết ngay là mình đang nói chuyện với ai”. Đúng ra, theo qui ước thì phải hỏi xem người đối thoại thuộc đảng phái nào, sau đó thì đến tin tức, rồi tới thuốc lá, thức ăn; mãi sau này, nhiều ngày sau, nếu chuyện đó có thể tiếp tục, thì người ta mới xưng tên tuổi với nhau. Nhưng Rubashov cũng biết rằng tại những quốc gia khi mà Đảng còn bị săn đuổi chứ chưa nắm quyền thì các đảng viên chỉ được biết bí danh của nhau, mà bí danh lại thay đổi thường xuyên đến nỗi chẳng còn ý nghĩa gì. Nhưng đây là trường hợp khác hẳn. Rubashov lưỡng lự, không biết nên làm thế nào. 402 có vẻ sốt ruột; anh ta nhắc lại: WHO?
Tại sao phải dấu? Rubashov tự nhủ. Anh gõ đầy đủ tên mình:
NICOLAS SALMANOVITCH RUBASHOV - và ngồi đợi.
Mãi vẫn không thấy trả lời. Rubachov khẽ mỉm cười, anh mường tượng được sự lúng túng của người bạn tù. Một phút, rồi hai phút, vẫn không thấy trả lời; Rubashov nhún vai và đứng dậy. Anh tiếp tục đi bách bộ trong phòng, nhưng mỗi lần đổi hướng anh đều dừng lại một chút và chú ý lắng nghe. Không thấy gì hết. Anh lấy kính lau vào ống tay áo rồi từ từ đi về lỗ nhòm để nhìn ra hành lang.
Hành lang vắng ngắt. Chỉ có ánh đèn vàng vọt, nhạt dần, xung quanh không một tiếng động nhỏ. Tại sao 402 không trả lời?
Có thể anh ta sợ; anh ta sợ Rubashov tố cáo. Có thể anh ta chỉ là một giáo sư hay kỹ sư chưa tham gia hoạt động chính trị bao giờ nên sợ đủ thứ. Chắc chắn là không có kinh nghiệm hoạt động chính trị, nếu có anh ta đã không hỏi tên ngay từ đầu. Bị bắt vì một vụ phá hoại nào đó. Chắc chắn là anh ta bị bắt lâu rồi nên mới gõ thạo như thế, nhưng anh ta vẫn tin là có thể chứng minh rằng mình vô tội. Và vẫn ngây thơ tin rằng số phận một con người, việc anh ta có tội hay không là quan trọng mà không biết rằng trong một cuộc chơi thì có những thứ còn quan trọng hơn rất nhiều. Có thể là lúc này anh ta đang ngồi trên giường và đang viết bản tường trình thứ một trăm, một bản tường trình chẳng ai thèm đọc hoặc đang viết cho vợ bức thư thứ một trăm mà vợ anh ta cũng chẳng được nhận; rồi vì tuyệt vọng mà anh ta đã để râu, chòm râu đen giống hệt như Pushkin, cũng chẳng thèm rửa mặt và còn thêm thói quen cắn móng tay cũng như bị những giấc mơ tình dục hành hạ nữa. Trong tù sự dằn vặt dữ dội nhất chính là nhận thức rằng mình là một người vô tội, nó làm người ta không thể quen được với hoàn cảnh, nó làm cho người ta nghi ngờ chính đức hạnh của mình... Tiếng gõ vừa đột ngột vang lên đâu đây.
Rubashov ngồi xuống giường và chú ý lắng nghe, nhưng anh đã bỏ mất hai chữ cái đầu tiên. Lần này 402 gõ nhanh hơn và kém dứt khoát hơn lần trước, chắc là anh ta quá hồi hộp:
...NG ĐỜI
“ĐÁNG ĐỜI”
Thật không ngờ. Hóa ra 402 là một người theo quan điểm chính thống. Anh ta căm thù phe đối lập và tin rằng lịch sử đang chạy trên con đường do Anh Cả sáng suốt lựa chọn. Anh ta tin rằng vụ bắt giữ mình chỉ là một sự hiểu lầm, anh ta tin rằng tất cả những tai họa trong mấy năm vừa qua, từ Tây Ban Nha cho đến Trung Quốc, từ những vụ chết đói cho đến việc giết hại đội cận vệ già của cách mạng cũng chỉ là những sai lầm đáng tiếc hoặc là do những kẻ như Rubashov và những tên đối lập quỉ quyệt gây ra mà thôi. Hình ảnh chòm râu đen biến mất, thay vào đó là một người hoàn toàn khác: râu ria nhẵn nhụi, mặt mũi nghiêm trang, buồng giam sạch bóng, theo đúng nội qui trại. Đấy là loại người “bất tri lý”, tranh luận làm gì cho tốn công. Nhưng cắt đứt mối liên hệ duy nhất, mà cũng có thể là cuối cùng, với thế giới cũng không nên.
AI?
Rubashov gõ một cách chậm rãi và dứt khoát.
Tiếng gõ đáp lại nghe vội vã như díu lại với nhau:
KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA TÔI
TÙY ANH,
Rubashov trả lời và đứng lên tiếp tục đi bách bộ vì cho rằng cuộc nói chuyện đã chấm dứt. Nhưng tiếng gõ lại vang lên, lần này to hơn và rõ hơn nhiều, chắc là anh chàng 402 đã dùng đế giày đập vào tường cho chắc ăn:
HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!
Hóa ra là như thế, Rubashov tự nhủ. Hóa ra vẫn còn những tên phản cách mạng thật sự chứ không phải như chúng ta nghĩ, không phải là Anh Cả bịa ra để biện hộ cho những thất bại của ông ta. Bên kia bức tường có một tên phản cách mạng thật sự, một nhân chứng sống của Anh Cả, một kẻ đang gào như đáng lẽ hắn phải gào: Hoàng đế vạn tuế....
AMEN,
Rubashov vừa gõ vừa khẽ mỉm cười. Lời đáp vang lên ngay lập tức, lần này còn to hơn nữa.
THẰNG KHỐN!
Rubashov cảm thấy vui vui. Để thay đổi âm vực, anh tháo kính và lấy rìa kim loại gõ vào tường, tiếng gõ còn chậm rãi hơn và rõ ràng hơn mấy lần trước:
KHÔNG HIỂU RÕ LẮM
402 đã hóa điên. Anh ta liền gõ “ĐỒ CHÓ”, nhưng bỏ quên chữ H. Cơn tức giận bùng phát, anh ta gõ tiếp:
VÌ SAO BỊ BẮT?
Thật là thơ ngây, Rubashov tự nhủ. 402 lại đã có một khuôn mặt khác. Bây giờ trông anh ta giống một sĩ quan cận vệ trẻ, đẹp trai nhưng hơi đần. Có thể anh ta còn đeo cả kính một tròng nữa. Rubashov lại lấy kính gõ vào tường:
LỆCH LẠC VỀ CHÍNH TRỊ
Ngừng một lúc. Chắc là tay sĩ quan đang tìm một câu trả lời thật cay độc. Rồi anh ta gõ:
TUYỆT! BỌN CHÓ BẮT ĐẦU LÀM THỊT NHAU
Rubashov không trả lời. Thôi, đủ rồi; anh đứng lên và tiếp tục đi. Nhưng 402 lại thích tâm sự. Anh ta gõ tiếp:
RUBASHOV...
Anh chàng đã tỏ ra suồng xã rồi đây.
CÓ,
Rubashov đáp.
Có vẻ như 402 có lưỡng lự một chút, sau đó anh ta gõ một câu dài:
ANH NGỦ VỚI ĐÀN BÀ LẦN CUỐI CÙNG KHI NÀO?
Chắc là anh ta đeo kính; có thể là anh ta dùng kính để gõ và đôi mắt trần đang chớp lia lịa. Nhưng Rubashov không cảm thấy khó chịu. Ít nhất anh ta cũng thể hiện rõ con người thật của mình, điều đó còn thú vị hơn việc anh ta hô khẩu hiệu tôn vinh hoàng đế. Rubashov lưỡng lự vài giây rồi gõ tiếp:
BA TUẦN TRƯỚC
Câu trả lời tiếp liền lập tức:
KỂ ĐI
Quá quắt hết chỗ nói. Rubashov đã định chấm dứt câu chuyện, nhưng sau đó anh nghĩ lại và cho rằng người này có thể hữu ích khi cần liên hệ với người tù ở buồng 400 và những tù nhân khác. Buồng bên trái không có người ở; cắt đứt với anh này thì sẽ mất liên lạc luôn. Rubashov không biết trả lời như thế nào. Sau đó anh chợt nhớ một bài hát tiền chiến, được nghe từ thời sinh viên trong một quán ăn có cả vũ nữ đi tất đen nhảy múa minh hoạ. Anh khẽ thở dài và lấy kính gõ:
NGỰC TRẮNG NHƯ BỌT LI SÂM BANH ĐẦY...
Anh hi vọng rằng 402 thích. Quả đúng như thế, anh ta giục:
TIẾP TỤC. CỤ THỂ VÀO.
Không nghi ngờ gì rằng lúc này anh ta đang hồi hộp vặt râu cằm của mình. Râu anh ta rõ ràng là thưa, phần cuối hơi vểnh lên. Quỉ tha ma bắt hắn đi, hắn là mắt xích duy nhất, cần phải chiều hắn vậy. Bọn sĩ quan thường bàn chuyện gì khi ăn? Gái và ngựa chứ còn gì nữa. Rubashov lau kính vào ống tay áo rồi gõ một cách đầy ý thức:
ĐÙI TO NHƯ ĐÙI NGỰA HOANG.
Hết. Chịu, không thể nào bịa thêm được nữa. Nhưng 402 có vẻ khoái.
TUYỆT!
Hắn vui vẻ đáp. Chắc chắn là hắn đã phá lên cười, nhưng Rubashov không thể nào nghe được; chắn chắn là hắn đã vỗ đùi và vui vẻ xoắn chòm râu thưa và vểnh lên của mình, nhưng Rubashov không trông thấy gì. Trước mặt anh chỉ là một bức tường câm lặng.
TIẾP TỤC, 402 lại giục.
Nhưng anh không thể bịa thêm được nữa. HẾT, Rubashov lạnh lùng gõ, nhưng rồi anh hối hận ngay lập tức. Không được làm hắn giận. May là 402 không giận. Hắn tiếp tục gõ:
TIẾP TỤC ĐI...
Rubashov đã thành thạo đến nỗi không cần đếm các tiếng gõ, chúng tự động chuyển hóa thành lời. Anh có cảm giác như nghe rõ lời cầu khẩn của 402. Hắn lại đòi:
TIẾP ĐI - TIẾP ĐI
Rõ ràng là 402 còn khá trẻ, có thể hắn được sinh ra trong một gia đình sĩ quan lâu đời, đã lưu vong và được gửi về nước với một hộ chiếu giả và đang khổ sở lắm. Có lẽ hắn đã đeo kính lên, tay liên tục xoắn râu cằm và nhìn chằm chằm một cách tuyệt vọng vào bức tường trắng trước mặt.
KỂ NỮA ĐI.
Nhìn chằm chằm một cách tuyệt vọng vào bức tường trắng, câm lặng trước mặt; nhìn chằm chằm vào những vết loang lổ trên tường, rồi dần dần từ những vết loang lổ đó bỗng hiện lên hình ảnh người đàn bà ngực như li sâm banh đầy, còn đùi thì không khác gì đùi ngựa cái.
KỂ NỮA ĐI. XIN ÔNG KỂ NỮA ĐI.
Có thể lúc này hắn đang quì trên giường, tay khum lại như hai bàn tay người tù buồng 407 lúc nhận bánh mì cũng nên.
Và Rubashov sực nhớ lại hình ảnh tương tự như thế, đấy là đôi cánh tay cầu khẩn gầy gò đang giơ ra. Pietà...

7

Pietà... Đấy là một buổi chiều, thứ hai đầu tuần, trong một phòng tranh ở miền Nam nước Đức. Gian phòng vắng ngắt, chỉ có Rubashov và một thanh niên đã hẹn gặp từ trước; họ ngồi nói chuyện cạnh một cái bàn tròn giữa căn phòng trống, các bức tường xung quanh treo đầy những bức tranh phụ nữ hở hang do các họa sĩ Flemish nổi tiếng một thời vẽ. Chuyện xảy ra vào năm 1933, những tháng đầu tiên của vụ khủng bố, trước khi Rubashov bị bắt không lâu. Phong trào ở Đức đã bị dẹp tan, các đảng viên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị truy lùng và đánh đập cho đến chết. Đảng đã tan rã, nó giống như một con vật ngàn đầu, ngàn tay nhưng đang mất máu một cách nghiêm trọng. Trong những chi bộ riêng lẻ, hoạt động vẫn còn diễn ra nhưng thực ra đấy chỉ là những cú co giật của một con thú đã bị tử thương. Các nhóm nhỏ may mắn sống sót sau tai họa vẫn có mặt khắp nơi và đã đi vào hoạt động bí mật. Họ hẹn gặp nhau khi thì dưới tầng hầm, khi thì ở trong rừng, khi thì ở ga xe lửa, viện bảo tàng và câu lạc bộ thể thao. Họ phải thường xuyên thay đổi chỗ ở, thay đổi họ tên và cả thói quen nữa. Họ chỉ biết nhau qua bí danh và không bao giờ được hỏi địa chỉ của nhau. Số phận người này phụ thuộc vào người kia nhưng chả ai dám tin ai. Họ bí mật in truyền đơn để tự khẳng định và thuyết phục người khác rằng họ vẫn còn sống. Ban đêm họ luồn lọt trong những khu phố vắng ngoại ô và viết lên tường những khẩu hiệu cũ để chứng tỏ rằng họ vẫn tiếp tục hoạt động. Họ trèo lên ống khói nhà máy và treo lên đó những lá cờ cũ để chứng tỏ rằng họ vẫn còn hiện diện đâu đây. Chẳng có mấy người đọc truyền đơn, chỉ nhìn thấy chúng là người ta đã phát run lên rồi; khẩu hiệu thì bị xóa ngay, cờ thì bị xé bỏ, nhưng chúng lại xuất hiện, khi chỗ này, khi chỗ khác. Vì những nhóm nhỏ vẫn có mặt khắp nơi, họ tự gọi mình là “tử sĩ biết đi” và dành toàn bộ cuộc đời còn lại để chứng minh rằng mình vẫn còn sống.
Các nhóm này không thể liên lạc được với nhau vì đầu não của Đảng đã bị tiêu diệt, họ phải hoạt động một cách độc lập. Nhưng rồi các nhóm bắt đầu đưa người đi bắt liên lạc với các nhóm khác. Từ nước ngoài các thương nhân có vẻ giầu có với hộ chiếu giả và va li hai đáy với những tài liệu hướng dẫn bắt đầu thâm nhập khắp nơi. Họ thường bị bắt, bị tra tấn và bị giết. Người này chết thì có người khác đến thay. Đảng đã chết, nhưng cơn hấp hối thì vẫn tiếp tục, các lãnh tụ ở nước ngoài vẫn đưa vào cơ thể đã cứng ngắc của Đảng dòng điện kích hoạt để chân tay của nó tiếp tục lên những cơn co giật.
Pietà... Rubashov đi đi lại lại trong phòng, sáu bước rưỡi ra rồi sáu bước rưỡi vào, anh đã quên 402 rồi. Anh thấy mình đang ngồi bên chiếc bàn tròn trong phòng tranh, nồng nặc mùi bụi và mùi véc ni. Anh đã đi thẳng từ nhà ga đến đây, trước giờ hẹn mấy phút. Anh tin rằng không có cái đuôi nào bám theo cả. Anh đã cất chiếc va li đựng dụng cụ chữa răng đời mới nhất do một công ty Đan Mạch chế tạo trong tủ chứa đồ của phòng tranh. Anh ngồi cạnh chiếc bàn tròn, say sưa ngắm những bức vẽ phụ nữ hở hang treo đầy trên tường và đợi.
Chàng trai mang tên Richard, cầm đầu tổ chức Đảng trong thành phố đến muộn mất mấy phút. Anh ta chưa gặp Rubashov bao giờ, dĩ nhiên là Rubashov cũng chưa bao giờ gặp anh ta. Rubashov đặt trên đầu gối cuốn Faust của Goethe, đấy là tín hiệu nhận dạng. Vừa nhận ra cuốn sách, người thanh niên lập tức nhìn quanh rồi đến ngồi bên cạnh Rubashov. Anh ta có vẻ ngượng nên ngồi cách xa Rubashov, mũ đặt trên đầu gối. Anh ta vốn là thợ chữa khóa nhưng lúc này lại diện bộ com lê màu đen vì nếu mặc đồng phục bảo hộ mà vào bảo tàng viện thì bị nghi ngờ ngay.
- Xin lỗi, tôi đến muộn, - anh ta bảo.
- Không sao, - Rubshov đáp. - Trước hết cho xem qua người của anh. Anh có mang theo danh sách chứ?
Chàng trai mang tên Richard vừa lắc đầu vừa nói:
- Tôi không có danh sách. Tôi nhớ hết mọi người, cả họ tên lẫn địa chỉ.
- Thôi được, - Rubashov bảo. - Nhưng nếu chúng bắt được anh thì sao?
- Danh sách thì có, - Richard nói - nhưng tôi đưa cho Anny giữ rồi. Cô ấy là vợ tôi, anh ạ.
Richard ngừng lời và nuốt nước miếng, cục yết hầu giật lên giật xuống liên hồi. Sau đó, đây là lần đầu tiên kể từ lúc hai người gặp nhau, anh ta nhìn thẳng vào mặt Rubashov. Hai con ngươi anh ta hơi lồi, đỏ đọc, với những tia máu chằng chịt; đôi gò má và cằm lún phún râu.
- Chúng bắt được cô ấy đêm hôm qua, anh ạ, - anh ta vừa nói vừa nhìn Rubashov như thể Rubashov, một phái viên của Ban Chấp hành Trung ương, thi triển được phép lạ và cứu được vợ anh ta vậy.
- Thế à? - Rubashov vừa hỏi vừa lau kính vào ống tay áo. - Bản danh sách rơi vào tay cảnh sát rồi chứ?
- Không, - Richard đáp, - vì khi chúng tới thì trong nhà còn có một người chị dâu của tôi nữa, Anny đã kịp đưa bản danh sách cho chị ấy. Chị ấy thì theo chúng ta nhưng chồng lại là cảnh sát nên không sao đâu.
- Tốt rồi, - Rubashov nói. - Thế lúc vợ bị bắt thì anh đang ở đâu?
- Chuyện là thế này, - Richard trả lời. - Đã ba tháng nay tôi không ngủ ở nhà rồi. Chả là tôi có một người bạn làm nghề chiếu phim, khi rạp phim đóng cửa thì tôi có thể ngủ ở trong buồng chiếu phim. Có thể trèo từ ngoài phố, theo cầu thang cứu hỏa. Còn được xem phim miễn phí nữa... - Anh ta lại ngừng để nuốt nước bọt. - Anny cũng được anh ta cho vé miễn phí, khi đèn tắt thì cô ấy có thể quay lại, nhìn lên buồng chiếu. Cô ấy không nhìn thấy tôi, nhưng đôi khi tôi có thể nhìn rõ mặt cô ấy, nhất là khi màn ảnh có nhiều ánh sáng...
Richard lại ngừng. Trước mặt họ là bức tranh “Ngày phán xử cuối cùng”, những tiểu thiên thần tóc quăn, mông múp míp vừa thổi kèn vừa bay vào những đám mưa dông. Bên trái là một bức tranh của một họa sĩ Đức; phần lớn bức tranh bị đầu Richard và thành ghế che khuất, Rubashov chỉ nhìn thấy một phần, đấy là đôi bàn tay gày guộc của Đức Mẹ Đồng Trinh đưa ra phía trước và hơi khum lại như một cái bát cùng với một khoảng trời nhỏ không một gợn mây. Richard ngồi bất động như thế trong suốt buổi nói chuyện.
- Thế hả? - Rubashov nói. - Cô ấy bao nhiêu tuổi?
- Mười bảy, - Richard đáp.
- Thế hả? Còn anh bao nhiêu?
- Mười chín.
- Có mấy cháu rồi? - vừa hỏi Rubashov vừa nghển cổ lên nhưng anh vẫn không nhìn thấy phần còn lại của bức tranh.
- Đây là cháu đầu, - Richard đáp. Anh vẫn ngồi bất động như một pho tượng.
Họ ngồi yên lặng một lúc, sau đó Rubashov yêu cầu cung cấp tên tuổi các đảng viên. Có khoảng ba mươi người. Rubashov hỏi thêm vài câu và ghi tên một số người vào cuốn sổ đặt hàng của hãng chế tạo dụng cụ chữa răng Đan Mạch. Anh ghi tên những người này xen giữa danh sách những bác sĩ chữa răng và những người nổi tiếng trong thành phố mà anh đã ghi từ một cuốn danh bạ điện thoại. Sau đó Richard nói:
- Bây giờ tôi xin báo cáo công tác của chúng tôi.
- Được, - Rubashov đáp, - nói đi.
Richard báo cáo. Anh ta vẫn ngồi bất động như thế, người hơi cúi về phía trước, hai bàn tay thô ráp và ửng đỏ đặt trên đầu gối. Anh kể về việc treo cờ trên ống khói nhà máy, về những khẩu hiệu viết trên tường, về những tờ truyền đơn dán trong phòng vệ sinh với một giọng đều đều và mệt mỏi như một nhân viên kế toán báo cáo sổ sách với ông chủ. Trước mặt anh ta là các thiên thần vừa thổi kèn vừa bay vào những đám mây dông, còn đầu anh thì che mất một phần bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh với đôi bàn tay gầy guộc đang đưa ra phía trước; còn trên tất cả các bức tường xung quanh là những phụ nữ da thịt, đùi vế ngồn ngộn đang nhìn xoáy vào họ.
Ngực trắng như bọt li sâm banh đầy, Rubashov chợt nhớ lại. Anh đứng trên hàng gạch đen thứ ba kể từ cửa sổ và chú ý lắng nghe xem 402 còn gõ nữa không. Không một tiếng động nhỏ. Anh đến gần lỗ nhòm để nhìn sang buồng 407 nơi ban nãy có người tù đưa bàn tay gày gò ra nhận mấy mẩu bánh mì. Nhưng tất cả chỉ là một tấm cửa bằng thép xám với một lỗ nhòm màu đen bé tí. Hành lang vẫn chìm trong ánh điện vô hồn và yên ắng như cũ, thật khó tin rằng đằng sau những cái cánh cửa kia lại có con người đang sống.
Rubashov bình thản lắng nghe Richard báo cáo. Trong số ba mươi người được Richard xâu chuỗi sau thảm họa chỉ còn mười bảy người hoạt động. Hai người, một là công nhân và vợ anh ta đã nhảy ra khỏi cửa sổ và hi sinh trước khi bị bắt. Một người đào ngũ, và không ai biết hiện nay anh ta đang ở đâu. Hai người bị nghi là mật vụ, nhưng cũng không chắc lắm. Ba người ra khỏi Đảng để phản đối chính sách của Ban Chấp hành Trung ương. Năm người, kể cả Anny bị bắt đêm qua, trong đó ít nhất có hai người đã chết. Như vậy là chỉ còn lại mười bảy người tiếp tục tham gia rải truyền đơn và viết biểu ngữ lên tường.
Richard thuật lại một cách tỉ mỉ nhằm giúp Rubashov hiểu rõ tất cả các mối liên hệ cá nhân và những vụ việc quan trọng; anh không biết rằng Ban Chấp hành Trung ương đã cài người của mình vào trong nhóm và người này đã báo cáo với Rubashov từ trước rồi. Anh cũng không biết rằng người này chính là bạn anh, tức là anh chàng nhân viên rạp chiếu bóng mà đêm đêm anh vẫn ghé ngủ nhờ; anh cũng không biết rằng người này chính là tình nhân của Anny. Richard không biết, nhưng Rubashov thì biết. Phong trào đã tan rã, nhưng Cục Bảo vệ và Cục Phản gián thì vẫn còn hoạt động và Rubashov chính là người đứng đầu tổ chức này. Chuyện này Richard cũng không biết, anh chỉ biết rằng Anny đã bị bắt, nhưng việc rải truyền đơn và kẻ khẩu hiệu thì vẫn phải tiếp tục làm; anh chỉ biết rằng Rubashov là phái viên của Trung ương, anh phải tin yêu như cha ruột mình nhưng đồng thời không được hé lộ bất cứ biểu hiện tình cảm hay sự dao động nào, dù là nhỏ nhất. Vì những kẻ ủy mị và dao động thì không thể thực hiện được nhiệm vụ, sẽ bị khai trừ và rơi vào bóng tối cô đơn.
Có tiếng chân bước ngoài hành lang. Rubashov bước lại phía cửa, tháo kính và ghé sát mắt vào lỗ nhòm. Hai bảo vệ có đeo súng lục trên thắt lưng da đang dẫn giải một thanh niên có dáng nông dân, phía sau là người giám thị tay cầm một chùm chìa khóa. Nét mặt người tù mới không có một chút biểu hiện tình cảm nào, nhưng một con mắt thì sưng húp còn môi thì có một vệt máu khô; khi đi ngang buồng Rubashov anh ta bỗng giơ tay lên quệt vết máu đang rỉ ra ở mũi. Đoàn người khuất dần, phía xa có tiếng cửa mở rồi đóng lại. Chỉ có hai bảo vệ và người giám thị quay lại.
Rubashov tiếp tục đi bách bộ trong phòng. Trí tưởng tượng lại đưa anh trở về quá khứ, anh thấy mình như đang ngồi bên cái bàn tròn, Richard vừa báo cáo xong, xung quanh thật là yên tĩnh. Anh ta vẫn ngồi bất động như cũ, hai tay để trên đầu gối, chờ đợi. Như một con chiên vừa xưng tội xong. Rubashov yên lặng hồi lâu. Sau đó mới khẽ hỏi:
- Hết rồi hả?
Richard gật đầu, cục yết hầu lại giật mạnh.
- Có một vài chỗ chưa rõ lắm, - Rubashov bảo. - Anh đã nói đến các khẩu hiệu và những tờ truyền đơn mà các anh tự làm. Chúng tôi đã phê bình nội dung những cái này nhiều lần rồi. Có một số câu Đảng không thể nào chấp nhận được.
Richard hốt hoảng nhìn Rubashov, mặt anh ta đỏ lựng lên, những vệt máu trong con ngươi càng rõ hơn và dầy thêm.
- Mặt khác, - Rubashov tiếp tục, - chúng tôi vẫn thường xuyên gửi cho các đồng chí tài liệu để phân phát cho quần chúng, trong đó có những văn bản của Ban Chấp hành Trung ương. Các đồng chí có nhận được không?
Richard gật đầu, mặt anh ta vẫn còn chưa hết đỏ.
- Nhưng các đồng chí đã không cho phân phát tài liệu do chúng tôi cung cấp; trong báo cáo không thấy nói gì đến chuyện đó cả. Trong khi đó các đồng chí lại cho phân phát những tài liệu chưa được Đảng chấp thuận.
- Chúng... chúng tôi buộc... buộc phải làm... làm như... như thế, - khó khăn lắm Richard mới nói được câu đó.
Rubashov chăm chú ngắm chàng thanh niên, trước đó anh không hề biết rằng chàng ta có tật nói lắp. “Kỳ nhỉ”, anh chợt nghĩ, “đây là tay nói lắp thứ ba mình gặp trong hai tuần qua. Hoàn cảnh đã làm người ta như thế hay là bản thân phong trào chỉ thu hút được những kẻ bất thành nhân thế này...?”
- Các... các đồng... đồng chí phải... phải thông... thông cảm, - Richard tiếp tục một cách tuyệt vọng. - Tài... tài liệu của... của các đồng... đồng chí nặng... nặng nề quá...
- Nói nhỏ thôi, - Rubashov gắt, - đừng quay đầu ra ngoài cửa.
Một chàng trai mặc đồng phục màu đen của quân cận vệ tay ôm ngang eo cô bạn gái tóc vàng, còn tay cô ta thì đặt trên vai anh chàng vừa bước vào phòng tranh. Họ dừng lại trước bức tranh các tiểu thiên thần thổi kèn, lưng quay về phía Rubashov và người đồng sự.
- Nói tiếp đi, - Rubashov nói như ra lệnh rồi lấy bao thuốc lá ra. Nhưng sau đó chợt nhớ rằng không được hút thuốc trong viện bảo tàng, anh lại cho thuốc lá vào túi. Richard ngồi yên như thể bị thôi miên, anh ta nhìn trừng trừng hai người mới vào. - Nói tiếp đi, - Rubashov nhắc lại. - Anh nói lắp từ bé à? Nói đi. Đừng nhìn họ như thế.
- Đôi... đôi... đôi khi, - phải cố gắng lắm Richard mới nói xong được mấy từ.
Đôi trai gái tiếp tục ngắm tranh. Họ dừng lại trước bức tranh vẽ người phụ nữ khỏa thân đang nằm trên giường, mặt hướng về phía người xem. Chàng trai thì thầm cái gì đó, chắc là buồn cười, chỉ thấy cô gái khúc khích cười và đưa mắt liếc nhanh về phía Rubashov và Richard. Họ bước đến trước bức tranh vẽ tĩnh vật là mấy con gà lôi đã chết với vài quả táo.
- Chúng ta đi chứ? - Richard thì thầm.
- Không, - Rubashov đáp. Anh sợ rằng trong lúc bối rối như thế, nếu đứng lên Richard nhất định sẽ bị lộ. - Họ sẽ ra bây giờ đấy. Họ đứng sau chúng ta, không nhìn thấy đâu. Anh hãy thở thật chậm và sâu mấy lần. Tốt lắm đấy.
Cô gái vẫn còn khúc khích cười trong khi hai người đang bước dần ra ngoài. Khi đi ngang, cả hai đều quay đầu nhìn về phía Rubashov và Richard. Sau đó, khi đã gần bước ra khỏi phòng cô gái bỗng đưa tay chỉ vào bức tranh Pietà và họ dừng lại cạnh bức tranh.
- Tôi nói lắp khó nghe lắm à? - Richard khẽ hỏi, mắt nhìn xuống dưới sàn nhà.
- Hãy cố gắng tự chủ, - Rubashov đáp. Anh không muốn câu chuyện tỏ ra thân mật.
- Không sao. Chỉ một lúc là hết mà, - Richard nói, cục yết hầu lại giật lên giật xuống không ngừng. - Anny vẫn thường diễu tôi chuyện này đấy.
Trong khi hai người kia chưa đi ra thì Rubashov không thể lái câu chuyện theo đúng hướng được. Anh chàng mặc đồng phục đen đang tì hẳn lưng vào thành ghế của Rubashov. Nhưng mối hiểm nguy lại làm cho chàng thanh niên bớt ngại ngùng, anh ta thậm chí còn xích lại gần Rubashov thêm một chút.
- Nhưng dù sao thì cô ấy vẫn yêu tôi, - anh ta thì thầm, gần như không còn nói lắp nữa. - Tôi chẳng thể nào hiểu được cô ấy. Cô ấy không thích có con, nhưng không làm thế nào được. Có thể bọn chúng sẽ không hành hạ vì cô ấy đang có mang cũng nên. Tuy chưa trông rõ lắm. Chả lẽ chúng đánh cả đàn bà chửa à?
Richard hất hàm về phía anh chàng mặc đồng phục. Đúng lúc đó anh chàng kia cũng ngoái lại, bốn mắt nhìn nhau trong giây lát. Anh chàng mặc đồng phục thầm thì gì đó với cô bạn gái; cô ta cũng quay đầu lại. Rubashov bóp chặt bao thuốc lá, nhưng lần này không rút ra. Cô gái cũng ghé tai anh chàng thì thầm gì đó rồi kéo bạn trai theo mình. Hai người chậm rãi bước ra khỏi phòng, sau khi họ đã ra đến bên ngoài người ta vẫn còn nghe thấy tiếng cô cười. Tiếng bước chân xa dần, xa dần rồi tắt hẳn.
Richard xoay người và nhìn theo cho đến khi họ đi khuất hẳn. Lúc anh ta xoay nghiêng, Rubashov có điều kiện nhìn rõ bức tranh hơn; thì ra đấy là đôi tay Đức Mẹ Đồng Trinh gầy guộc, nhỏ như bàn tay của một đứa trẻ, đang hướng về phía cây thánh giá nằm khuất bên trong.
Rubashov nhìn đồng hồ. Chàng thanh niên vô tình ngồi dịch ra xa một chút.
- Chúng ta thống nhất thế này, - Rubashov nói. - Nếu tôi không lầm thì các anh cố tình không phân phát các tài liệu do chúng tôi cung cấp vì không đồng ý với nội dung của chúng. Nhưng chúng tôi cũng hoàn toàn không đồng ý với nội dung các tờ truyền đơn của các anh. Hậu quả chắc chắn là phải có.
Richard ngước đôi mắt đầy những tia máu đỏ nhìn Rubashov.
- Chính đồng chí cũng biết rằng các tài liệu đó nói toàn những chuyện nhảm nhí, - Richard chán nản trả lời. Anh ta không còn nói lắp nữa.
- Không, tôi chẳng biết gì cả, - Rubashov đáp cộc lốc.
- Các anh làm như chưa có chuyện gì xảy ra vậy, - Richard vẫn nói với giọng mệt mỏi như cũ. - Chúng đã đánh cho Đảng tơi tả thế mà các anh vẫn viết về ý chí quyết thắng giống hệt báo chí thời Đại chiến vậy. Người ta sẽ nhổ vào những tài liệu như thế. Các anh phải biết điều đó chứ.
Rubashov nhìn xéo chàng trai, anh ta hơi cúi về phía trước, khuỷu tay đặt lên đầu gối, cằm chống lên hai nắm tay.
- Đây là lần thứ hai anh định gán cho tôi quan điểm của anh. Tôi đề nghị chấm dứt kiểu đó đi, - Rubashov nói.
Richard ngước nhìn, trong tròng mắt đỏ đọc của anh ta ánh lên mối ngờ vực. Rubashov vẫn tiếp tục nói:
- Đảng đang trải qua giai đoạn thử thách khắc nghiệt. Các đảng cách mạng khác cũng đã từng phải vượt qua những giai đoạn còn khó khăn hơn. Nhân tố quyết định là ý chí quyết thắng của con người. Những kẻ ủy mị và dao động thì không thể đứng trong hàng ngũ của chúng ta được. Những kẻ cố tình gây ra cảnh hoảng loạn là tay sai của kẻ thù đấy. Động cơ là gì thì cũng vậy thôi. Họ đang phá hoại phong trào và sẽ bị xử lý thích đáng.
Richard quay mặt về phía Rubashov, cằm vẫn chống lên hai nắm tay như cũ.
- Hóa ra tôi đã phá hoại phong trào, - anh ta nói. - Hóa ra tôi là tay sai của kẻ thù. Hay là tôi được chúng trả tiền để làm chuyện đó? Cả Anny cũng thế à...?
- Trong các tờ truyền đơn mà anh nói là do anh viết, - giọng Rubashov vẫn khô khan như cũ - có những câu như: “Chúng ta đã bị thất bại, Đảng đã gặp phải tai họa, chúng ta phải khởi sự từ đầu và phải thay đổi đường lối một cách toàn diện”. Đấy gọi là thất bại chủ nghĩa, làm giảm sức chiến đấu của Đảng.
- Tôi chỉ biết một điều, - Richard nói, - đấy là phải nói cho quần chúng biết sự thật, cái sự thật mà mọi người đều đã biết rồi. Lúc này mà còn che dấu thì thật là lố bịch.
- Trong đại hội vừa rồi, - Rubashov tiếp tục - Đảng đã tuyên bố là không gặp thất bại mà chỉ là tạm thời rút lui về mặt chiến lược và không có lý do gì mà phải thay đổi chính sách cả.
- Nhưng đấy cũng là nói dối, - Richard đáp.
- Nếu anh còn tiếp tục như thế, - Rubashov đáp, - thì tôi cho rằng chúng ta nên kết thúc câu chuyện ở đây.
Richard không trả lời. Trời bắt đầu tối, đường nét của những thiên thần và phụ nữ trong những bức tranh trên tường trở nên mờ ảo hơn.
- Xin lỗi, - Richard nói, - ý tôi là lãnh đạo Đảng đã lầm. Các đồng chí nói về rút lui chiến lược trong khi một nửa đảng viên của chúng ta đã bị giết, những người thoát nạn thì chỉ mong sống nên đã chạy sang phía kẻ thù. Những nghị quyết mà các anh soạn ra ở ngoại quốc chẳng mang lại lợi ích gì hết...
Bóng tối làm cho đường nét của Richard cũng trở nên mờ ảo. Anh ta ngừng vài giây rồi nói tiếp:
- Việc của Anny đêm qua cũng là “rút lui chiến lược” đấy. Xin đồng chí hiểu cho là chúng tôi đang bị săn đuổi chẳng khác gì thú vật...
Rubashov chờ xem anh ta còn nói gì nữa không, nhưng Richard ngồi yên. Bóng đêm đổ xuống rất nhanh. Rubashov cầm kính lên và lau vào ống tay áo.
- Đảng không bao giờ sai, - Rubashov bình thản nói. - Đồng chí có thể sai, tôi có thể sai, mỗi người chúng ta đều có thể sai. Nhưng Đảng thì không. Đảng là hiện thân của lý tưởng cách mạng trong tiến trình lịch sử. Lịch sử không biết dao động là gì. Nó chỉ có tiến, tuy chậm chạp nhưng bao giờ cũng hướng đến mục đích đã xác định. Trên mỗi khúc quanh của lịch sử đều có vô số xác của những kẻ chậm tiến và lầm lạc. Lịch sử không bao giờ lầm lẫn và không gì có thể ngăn chặn được. Chỉ những ai tin tưởng tuyệt đối vào tiến trình Lịch sử mới có thể đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Richard không nói gì, cằm anh vẫn chống trên hai nắm tay, mặt quay về phía Rubashov, bất động. Thấy anh ngồi im, Rubashov tiếp tục:
- Các anh đã không phân phát tài liệu do chúng tôi cung cấp; các anh đã chặn đứng tiếng nói của Đảng. Các anh đã rải những tờ truyền đơn với những lời lẽ sai lầm và có hại. Các anh viết: “Các lực lượng còn lại của phong trào cách mạng phải tập hợp lại và tất cả những lực lượng thù địch với chính thể chuyên chế phải thống nhất lại, chúng ta phải chấm dứt cuộc đấu tranh trong nội bộ và bắt đầu cuộc chiến đấu mới”. Thế là sai. Đảng không thể liên kết với bọn cải lương. Họ đã phản bội phong trào nhiều lần rồi và nhất định sẽ còn phản bội nhiều lần nữa. Liên minh với họ cũng có nghĩa là chôn vùi cách mạng. Các anh viết: “Khi nhà cháy thì mọi người phải tham gia dập lửa, nếu cứ tranh luận về phương pháp thì nhà sẽ cháy ra tro”. Thế là sai. Chúng ta thì phun nước cứu hỏa, trong khi những kẻ khác lại đổ dầu vào. Cho nên trước khi đoàn kết phải nói đến phương pháp chữa cháy đã. Không thể làm chính trị theo kiểu đó. Không thể vội vàng, hấp tấp được. Đường lối của Đảng đã được xác định một cách cực kỳ chính xác, như một con đường hẹp giữa hai sườn núi. Trượt chân một cái, dù tả hay hữu cũng là xong. Cần phải kiên định, chỉ một phút dao động là hỏng.
Trời càng lúc càng tối thêm, Rubashov đã không còn nhìn thấy hai bàn tay Đức Mẹ nữa. Hai hồi chuông ré lên một cách đột ngột, mười lăm phút nữa viện bảo tàng sẽ đóng cửa.
Rubashov nhìn đồng hồ, chỉ còn một việc: tuyên án và buổi gặp sẽ kết thúc. Richard ngồi yên lặng, gần như bất động, khuỷu tay tì lên đầu gối.
- Vâng, tôi chẳng biết nói thế nào nữa, - cuối cùng anh ta lên tiếng, giọng vẫn mệt mỏi và chán nản như cũ. - Anh nói hoàn toàn đúng. Con đường hẹp giữa hai sườn núi cũng hoàn toàn đúng. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng bị đánh tơi tả rồi. Những người còn sống thì đã đào ngũ hết. Có thể là con đường của chúng ta lạnh lẽo quá chăng. Còn đường của người ta thì có tiếng kèn, tiếng sáo; có cờ hoa và lửa sưởi. Có phải vì thế mà họ thắng? Và vì thế mà tất cả chúng ta thất bại chăng?
Rubashov không trả lời. Anh muốn nghe tiếp, rồi sau đó mới tuyên án. Dù Richard có nói gì thì bản án cũng đã được định đoạt rồi, nhưng anh vẫn kiên nhẫn đợi.
Bóng tối làm cho thân hình vạm vỡ của Richard càng trở nên mờ ảo hơn. Anh ta đã ngồi dịch ra xa thêm một chút; hai vai so lại, đôi bàn tay gần như chụp kín lấy mặt. Rubashov cũng ngồi bất động, yên lặng chờ đợi. Anh cảm thấy hơi đau ở hàm trên, chắc là tại cái răng sâu. Một lúc sau Richard mới lên tiếng:
- Tôi phải làm gì bây giờ?
Rubashov lấy lưỡi tìm cái răng sâu. Anh cảm thấy cần phải đưa ngón tay lúc lắc cái răng sâu trước khi nói, nhưng kìm lại được và lạnh lùng bảo:
- Tôi phải thông báo rằng, theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, từ nay anh không còn là đảng viên nữa.
Richard không có phản ứng gì. Rubashov ngồi thêm một lúc rồi đứng lên. Richard vẫn ngồi. Anh chỉ khẽ ngước mắt lên và hỏi:
- Anh đến đây vì việc này à?
- Chủ yếu là thế, - Rubashov nói. Cần phải đi ngay, nhưng anh vẫn đứng trước mặt Richard và đợi.
- Tôi phải làm gì bây giờ? - Richard lại hỏi. Thấy Rubashov không trả lời, Richard tiếp tục:
- Từ nay tôi không được ngủ ở phòng chiếu phim của bạn tôi nữa à?
Sau vài giây lưỡng lự, Rubashov đáp:
-  Tốt nhất là không.
Anh lập tức cảm thấy ân hận vì đã nói câu đó, đồng thời anh cũng không tin rằng Richard đã hiểu đúng ý mình. Anh cúi nhìn chàng thanh niên một lần nữa và bảo:
- Tốt nhất là chúng ta nên đi tách ra. Thôi, xin chào.
Richard ngồi thẳng lên nhưng vẫn không đứng dậy. Trong bóng tối chập choạng, Rubashov chỉ có thể đoán được những ý nghĩ đang lóe lên trong đôi mắt đỏ ửng và hơi lồi của chàng trai trẻ mà thôi, nhưng hình ảnh của chàng công nhân tuyệt vọng, chìm trong bóng đêm thì sẽ còn ở lại trong tâm trí anh suốt đời.
Rubashov bước ra khỏi phòng đó và một phòng nữa, cả hai phòng đều tối và vắng lặng như nhau. Không một tiếng động nhỏ, tiếng bước chân trên mặt sàn gỗ nghe rõ mồn một. Chỉ sau khi đi ra ngoài rồi anh mới sực nhớ là mình chưa kịp xem bức tranh Pietà. Hai bàn tay Đức Mẹ gầy guộc, khum khum đang giơ lên; đấy là tất cả những gì còn lại trong đầu.
Anh dừng lại ngay trên tam cấp lối ra. Cái răng sâu càng đau hơn, trời lạnh. Anh quấn chặt cái khăn màu xám cũ quanh cổ. Đèn điện trên quảng trường trước mặt viện bảo tàng đã bật sáng, giờ này ở đây rất vắng, một chiếc tàu điện vừa đi vừa rung chuông trên con phố hẹp hai bên trồng đầy những cây du nhỏ. “Không biết có taxi không?” Rubashov vừa tự hỏi vừa bước xuống đường.
Richard đuổi kịp Rubashov khi anh vừa đặt chân xuống phố và lầm lũi đi theo. Rubashov tiếp tục bước, không nhanh hơn và cũng không chậm hơn, mắt vẫn nhìn thẳng. Richard vừa cao hơn, vừa to hơn, nhưng lúc này, đi bên cạnh Rubashov anh ta phải so vai lại và bước chậm hơn. Đi được mấy bước và sau khi lấy hết can đảm Richard mới dám lên tiếng:
- Có phải khi tôi hỏi liệu tôi có được đến ngủ ở chỗ người bạn và anh nói rằng tốt nhất là không là một lời cảnh báo không?
Rubashov nhìn thấy một chiếc taxi, anh đứng đợi ngay khúc quanh. Richard cũng dừng lại ngay bên cạnh.
- Tôi đã nói hết rồi, Richard ạ, - Rubashov vừa nói vừa giơ tay ra hiệu cho taxi dừng lại.
- Đồng... đồng... chí không... không thể coi.. coi tôi là kẻ thù được... - Richard nói. Chiếc taxi đã giảm tốc độ, nó chỉ còn cách họ chừng hai mươi bước chân. Richard nhìn thẳng vào mắt Rubashov và nắm lấy ống tay áo anh. Rubashov cảm thấy cả hơi thở và luồng không khí vừa ấm vừa nóng phà thẳng vào trán mình.
- Tôi không phải là kẻ thù của Đảng, - Richard nói. - Đồng chí không được làm thế. Bọn chó ấy sẽ giết tôi...
Chiếc xe đã dừng hẳn, chắc chắn là người tài xế đã nghe được mấy lời cuối cùng. Đuổi Richard đi là việc vô ích, hơn nữa, ngay đằng trước, chỉ cách vài chục mét đang có một viên cảnh sát. Người lái xe, một lão già nhỏ thó, mặc một chiếc áo khoác da, lạnh lùng liếc xéo Rubashov.
- Ra ga, - Rubashov vừa nói vừa bước vào xe. Người tài xế ngoái lại và vòng tay đóng chiếc cửa sau. Richard đứng trên hè phố, tay vẫn giữ khư khư cái mũ, yết hầu chạy lên chạy xuống không ngừng. Taxi lấy đà và tăng tốc, rồi chạy ngang qua viên cảnh sát. Rubashov cố tình không ngoái cổ lại, nhưng anh biết rằng Richard vẫn đứng trên hè phố, mắt không ngừng dõi theo ánh đèn đỏ phía sau xe của anh.
Họ đi qua những khu phố đông đúc, thỉnh thoảng người lái xe lại quay đầu nhìn, dường như ông ta muốn khẳng định rằng ông khách vẫn còn ngồi trên xe. Rubashov chẳng hiểu gì phố xá ở đây cho nên cũng không biết chắc là họ có đi theo hướng ra ga hay không. Phố xá thưa dần, rồi cuối đường có một ngôi nhà khá to với một chiếc đồng hồ sáng rực, xe dừng lại. Đến ga rồi.
Ở đây taxi chưa có máy tính tiền, Rubashov vừa bước ra vừa hỏi:
- Tôi phải trả bao nhiêu?
- Không cần, - người tài xế đáp. Mặt ông ta đầy vết nhăn. Ông ta rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn mùi xoa mầu đỏ và xỉ mũi ầm ĩ.
Rubashov chăm chú quan sát người tài xế. Anh chưa từng gặp ông ta bao giờ, chắc chắn là như thế. Người tài xế cho khăn mùi xoa vào túi.
- Không bao giờ chúng tôi lấy tiền của những người như các ông, - ông ta vừa nói vừa lúc lắc tay phanh. Rồi bất ngờ ông ta đưa tay ra ngoài. Hai bàn tay già nua, gân nổi sần sùi, móng tay cáu bẩn. - Chúc ông vạn sự như ý, - ông ta vừa nói vừa cười ngượng nghịu. - Nếu người bạn trẻ của ông cần gì thì xin nhớ: tôi luôn đậu trước viện bảo tàng. Ông có thể cho anh ta số xe của tôi.
Rubashov bỗng nhìn thấy ở bên phải đường có một người phu khuân vác đứng tựa lưng vào cột điện và đang chăm chú quan sát họ. Anh không bắt tay người lái xe mà chỉ đặt vào bàn tay đang giơ ra một đồng xu rồi im lặng bước vào nhà ga.
Một giờ sau tầu mới chạy. Anh uống một li cà phê rẻ tiền, cái răng sâu càng đau hơn. Vừa lên tầu là anh đã ngủ ngay lập tức, anh mơ thấy mình đang chạy ngay trước mặt đoàn tầu. Richard và người lái xe taxi đang lái tầu, họ muốn cán chết anh vì anh không trả đủ tiền vé. Bánh xe ngày càng gần hơn, mà chân thì không nhấc lên được. Khi tỉnh dậy anh thấy buồn nôn, trán lấm tấm mồ hôi lạnh; mấy người ngồi cùng khoang nhìn anh tỏ vẻ ngạc nhiên. Bên ngoài, trời tối như hũ nút, con tàu đang lao đi trong màn đêm của đất nước thù địch; cần phải giải quyết xong việc của Richard; răng nhức không thể chịu nổi. Ba tuần sau Rubashov bị bắt.

8

Rubashov gục đầu vào cửa sổ và nhìn ra sân trại. Chân mỏi nhừ, đầu thì váng vất vì đi lại. Anh nhìn đồng hồ, đã mười hai giờ kém mười lăm, nghĩa là anh đã đi đi lại lại liên tục như thế gần bốn tiếng đồng hồ, kể từ lúc sực nhớ tới bức tranh Pietà. Đối với anh đấy không phải là chuyện lạ, anh đã biết rằng những người bị biệt giam thường có những giấc mơ giữa ban ngày như thế, cũng như đã biết tác dụng thôi miên của những bức tường màu trắng. Một đảng viên trẻ, thợ cắt tóc, đã kể cho anh nghe rằng một lần, đấy là năm tù thứ hai, năm khó khăn nhất trong đời anh ta, anh ta từng mơ như thế liên tục bảy tiếng đồng hồ liền: mắt vẫn mở trong khi chân thì cứ bước và anh ta đã đi như thế tổng cộng hai mươi tám cây số trong căn phòng dài có năm bước chân, đến nỗi hai bàn chân phồng rộp lên mà không biết.
Nhưng lần này, thế là hơi sớm; những lần trước chuyện đó chỉ xảy ra sau khi đã bị biệt giam mấy tuần lễ liền. Một điều lạ nữa là anh đã mơ về quá khứ, trong khi các tù nhân biệt giam thường mơ về tương lai, mà nếu có mơ về quá khứ thì cũng là quá khứ tưởng tượng chứ không phải là quá khứ đã từng hiện hữu như giấc mơ vừa rồi của anh. “Trí óc ta còn bày đặt thêm những trò gì nữa đây?” Rubashov tự hỏi. Kinh nghiệm cũng cho anh biết rằng đối diện với cái chết thì tâm lý và phản xạ của người ta nhất định sẽ thay đổi, sẽ hỗn loạn hết, như chuyển động của kim la bàn khi đem đến gần cực cái nam châm vậy.
Trời vẫn đầy mây, tuyết chắc chắn sẽ rơi; hai người tù đang đi dạo trong sân trại. Một trong hai người thỉnh thoảng lại nhìn về phía cửa sổ buồng Rubashov, chắc tin anh bị bắt đã loang ra rồi. Mặt anh ta hốc hác, da vàng bệch, môi trên có rãnh như môi thỏ, co ro trong chiếc áo mưa mỏng. Người thứ hai trông già hơn, quấn xung quanh người bằng một chiếc chăn tù. Họ không nói gì trong suốt buổi đi dạo và sau khoảng mười phút thì bị một người mặc đồng phục tay cầm dùi cui, lưng đeo súng bắt đi vào. Cửa buồng họ đối diện với cửa sổ buồng Rubashov; trước khi bước vào, anh chàng có môi như môi thỏ còn ngoái lại nhìn về phía Rubashov một lần nữa. Chắc chắn là anh ta không trông thấy Rubashov vì bên ngoài trông vào sẽ thấy rất tối, nhưng rõ ràng anh ta có ý tìm kiếm. “Tôi trông thấy anh nhưng không biết anh là ai; còn anh không trông thấy tôi nhưng lại biết tôi”, Rubashov tự nhủ. Anh ngồi xuống giường và gõ cho phòng 402:
HỌ LÀ AI?
Anh nghĩ 402 đã tự ái và sẽ không trả lời. Nhưng hóa ra 402 trả lời liền:
CHÍNH TRỊ PHẠM...
Rubashov giật mình, anh vẫn nghĩ anh chàng gày gò, môi như môi thỏ là tù hình sự.
NHƯ ANH? Rubashov hỏi.
KHÔNG, NHƯ ANH, 402 đáp. Nhiều khả năng là anh ta vừa gõ vừa mỉm cười. Câu thứ hai nghe to hơn, có thể anh ta lấy kính để gõ.
MÔI THỎ, CẠNH TÔI, 400, BỊ TRA TẤN HÔM QUA.
Rubashov lấy kính lau vào ống tay áo dù anh không định đeo mà chỉ dùng nó để gõ. Anh định hỏi: “TẠI SAO?” nhưng lại gõ:
THẾ NÀO?
TẮM HƠI, 402 lạnh lùng đáp.
Rubashov đã từng bị tra khảo nhiều lần, nhưng cách này thì anh mới nghe chứ chưa biết ra sao. Nếu người ta biết đích xác chuyện gì sẽ xảy ra thì mọi đau đớn về thể xác đều có thể chịu được, thí dụ có thể coi đấy là một ca mổ không có thuốc tê, một vụ nhổ răng chẳng hạn. Những điều chưa biết mới đáng sợ vì người ta sẽ không biết sẽ phản ứng ra sao, không biết mức độ chịu đựng của mình sẽ như thế nào. Và điều kinh khủng nhất, nỗi sợ hãi tái tê nhất chính là lúc đó người ta có thể nói hay làm những việc mà sau này sẽ không thể nào sửa chữa được.
VÌ SAO?, Rubashov hỏi.
LỆCH LẠC CHÍNH TRỊ, 402 gõ một cách chế giễu.
Rubashov đeo kính lên và đút tay vào túi tìm bao thuốc lá. Chỉ còn hai điếu. Sau đó anh gõ tiếp:
CÒN ANH THÌ SAO?
CÁM ƠN, KHÔNG SAO... 402 trả lời rồi bỏ lửng câu chuyện ở đấy.
Rubashov nhún vai; anh châm điếu thuốc lá và tiếp tục đi bách bộ trong phòng. Thật lạ là ôn lại chuyện cũ làm anh phấn chấn hơn. Tâm trạng buồn chán đã không còn, đầu óc sáng sủa hơn, thần kinh không còn căng thẳng nữa. Anh rửa tay, rửa mặt, súc miệng rồi lau cổ bằng chiếc khăn mùi xoa. Anh huýt sáo, nhưng chỉ nhớ được mấy từ; anh chẳng nhớ được trọn vẹn một bài hát nào. Cách đây vài ngày có người đã bảo: “Nếu Anh Cả mà là nhạc sĩ thì cậu đi đứt lâu rồi”.
Rồi ông ta sẽ cho đi thôi”, Rubashov đáp, mặc dù không tin chuyện đó lắm.
Anh châm điếu thuốc cuối cùng và bắt đầu suy tính cách hành xử nếu bị đưa đi thẩm vấn. Anh cảm thấy bình tĩnh và tự tin như hồi còn là sinh viên trước mỗi kỳ thi khó. Anh cố nhớ lại tất cả những gì từng được nghe về cách tra tấn gọi là “tắm hơi”. Anh tưởng tượng ra những tình huống cụ thể, cố gắng đi sâu vào những đau đớn mà thân thể sẽ phải chịu đựng để loại bỏ tất cả những điều huyễn hoặc. Điều quan trọng là không để mình bị bất ngờ. Anh tin chắc rằng trước đây mình đã không bị bất ngờ thì nay mình cũng sẽ không để cho chuyện đó xảy ra được; họ không thể bắt anh nói những điều mà anh không muốn. Mong sao mọi chuyện bắt đầu càng sớm càng tốt.
Người lái xe và Richard lại hiện lên trong đầu: họ đang đuổi theo vì cho rằng anh đã lừa dối họ.
Bây giờ thì ta sẽ thanh toán hết”, anh tự nhủ và mỉm cười một cách ngượng ngịu.
Điếu thuốc lá đã cháy gần hết, ngón tay bỏng rát, Rubashov vất mẩu còn lại xuống đất. Anh đã định lấy chân dí cho tắt, nhưng sau đó nghĩ lại, anh cúi xuống nhặt mẩu thuốc lá lên rồi chà nhẹ tàn lửa vào giữa hai tĩnh mạch màu xanh trên mu bàn tay trái. Vừa làm như thế anh vừa nhìn đồng hồ trên cánh tay phải: đúng nửa phút sau tàn thuốc mới tắt hẳn. Anh cảm thấy hài lòng: bàn tay không hề giật lên lần nào trong suốt ba mươi giây vừa qua. Sau đó anh lại tiếp tục bước.
Con mắt ghé sát vào lỗ nhòm để quan sát anh trước đó vài phút đã bỏ đi.

9

Đoàn người đưa cơm trưa đi qua hành lang, lần này họ cũng không vào phòng Rubashov. Nhìn qua lỗ nhòm là việc chẳng hay ho gì cho nên anh không biết bữa trưa tù nhân được ăn gì, chỉ thấy mùi bay khắp phòng, mà mùi thì có vẻ ngon.
Thèm thuốc lá quá. Dù thế nào cũng phải tìm cho bằng được thuốc lá, nếu không thì không thể nào tập trung suy nghĩ được; đối với anh hút quan trọng hơn ăn. Sau khi người ta phát thức ăn chừng nửa tiếng thì anh bắt đầu đấm vào cánh cửa. Phải mười lăm phút sau người giám thị già mới tới
- Cái gì thế? - lão ta hỏi một cách cáu kỉnh.
- Tôi muốn mua thuốc lá.
- Anh có phiếu không?
- Người ta tịch thu hết tiền của tôi rồi.
- Thế thì phải đợi để người ta đổi phiếu cho.
- Trong cái cơ sở mẫu mực này thì phải đợi bao lâu?
- Anh có thể làm đơn.
- Ông cũng biết là tôi làm gì có giấy bút gì đâu, - Rubashov bảo.
- Giấy bút cũng phải có phiếu mới được mua.
Cơn tức giận dâng lên trong đầu, hơi thở gấp gáp, họng như nghẹn lại, nhưng anh đã kịp trấn tĩnh. Người giám thị già bỗng nhìn thấy ánh mắt sáng quắc qua cặp kính; điều đó làm lão nhớ lại những bức chân dung của Rubashov mà cách đây chưa lâu vẫn được treo khắp hang cùng ngõ hẻm; lão cười khẩy và bước ra.
- Đồ thối tha, - Rubashov vừa nói vừa quay vào và đi về phía cửa sổ.
- Tôi sẽ báo cáo là anh lăng mạ tôi, - lão già nói với vào rồi đóng đóng sập lại.
Rubashov lấy kính lau vào ống tay áo và đứng đợi cho đến khi hơi thở trở lại đều đặn như cũ. Không có thuốc thì chịu làm sao được. Sau khi đứng đợi như thế chừng mười phút thì anh bắt đầu gõ để nói chuyện với 402:
CÓ THUỐC LÁ KHÔNG?
Phải đợi một lúc 402 mới trả lời:
KHÔNG PHẢI CHO ANH
Rubashov quay lại cửa sổ. Anh mường tượng viên sĩ quan trẻ phòng bên có ria mép, đeo chiếc kính một tròng, ánh mắt đờ đẫn, mi mắt đỏ lựng, đang nhìn chằm chằm vào bức tường phân chia giữa hai phòng và cười khẩy. Hắn ta đang nghĩ gì nhỉ? Có thể hắn đang nghĩ: “Ta đã cúng cho các ngươi tất cả rồi còn gì”. Mà cũng có thể: “Đồ khốn, bao nhiêu người của chúng ta đã bị ngươi cho ăn đạn rồi?”. Rubashov đứng nhìn bức tường trắng toát; anh cảm thấy rằng đằng sau bức tường này cũng có một người đang đứng nhìn như anh; thậm chí anh còn nghe thấy cả hơi thở của anh ta. “Ta đã bắn bao nhiêu người rồi?” Rubashov tự hỏi. Nhưng anh không thể nào nhớ được. Đã lâu lắm rồi, từ thời nội chiến cơ; có thể là bảy mươi, mà cũng có thể cả một trăm. Thế thì sao? Lúc đó phải thế, nó khác hẳn với trường hợp của Richard, bây giờ anh cũng sẵn sàng làm như thế. Ngay cả nếu anh biết rằng trước sau gì thì Anh Cả cũng sẽ cưỡi lên đầu cách mạng. Ngay cả nếu biết như thế anh cũng vẫn làm.
Với ngươi”, Rubashov vừa nhìn vào bức tường mà phía sau cũng có một người đang đứng - có thể lúc đó anh còn đang hút thuốc và phà khói vào tường nữa - vừa nghĩ “với nhà ngươi, ta chẳng có nợ nần gì. Tuyệt đối không nợ gì. Ngươi còn muốn gì nữa?
402 lại bắt đầu gõ. Rubashov quay lại gần bức tường:
...GỬI THUỐC, anh nghe thấy 402 gõ như thế. Rồi lại nghe anh ta đấm vào cửa để gọi giám thị.
Rubashov đứng lặng, nín thở. Sau vài phút thì nghe có tiếng chân người giám thị già bước ngoài hành lang. Lão ta không mở cửa mà chỉ đứng bên ngoài hỏi vọng vào:
- Cần gì?
Rubashov không nghe thấy câu trả lời mặc dù anh rất muốn nghe giọng nói của 402. Nhưng viên giám thị lại cố tình nói to nên anh nghe rất rõ:
- Không được, nội qui không cho phép.
Vẫn không nghe được câu trả lời. Rồi viên giám thị bảo:
- Tôi sẽ báo cáo là anh lăng mạ tôi. - Tiếng chân lão giám thị bước ngoài hành lang xa dần rồi mất hẳn.
Sau vài phút 402 lại gõ:
HỌ THEO DÕI KỸ ĐẤY
Rubashov không trả lời. Anh lại đi bách bộ, cơn thèm thuốc tiếp tục dâng lên, như có cái gì cào xé trong họng. Anh nghĩ đến 402. “Nhưng ta cũng sẽ vẫn làm như thế”, anh tự nhủ. “Lúc đó cần và đúng là phải làm như thế. Nhưng dù sao ta vẫn mắc nợ nhà ngươi. Người ta phải trả giá cho cả những việc cần và đúng ư?
Cổ họng khô rát, các mạch máu trên trán căng lên, Rubashov vẫn không ngừng đi đi lại lại như cũ và môi anh bắt đầu mấp máy theo ý nghĩ.
Người ta phải trả giá cho cả những hành vi đúng đắn ư? Liệu có tiêu chuẩn đánh giá nào khác không? Liệu cái người được coi là đúng đắn đó có mắc tội nặng hơn khi anh ta được đánh giá bằng cái tiêu chuẩn kia hay không? Liệu anh ta có phải chịu tội gấp đôi, tức là chịu cho mình và cho cả những kẻ không biết mình đã làm gì hay không...?”
Rubashov đứng như trời trồng trên viên gạch đen thứ ba, tính từ cửa sổ.
Cái gì thế? Loạn trí à? Anh nhận ra là mình đã tự nói thành tiếng được vài phút rồi. Nhận ra nhưng không ngưng được.
Ta sẽ phải trả hết”.
Và đây là lần đầu tiên kể từ lúc bị bắt Rubashov thấy sợ. Anh đút tay vào túi tìm thuốc lá. Không còn điếu nào.
Có tiếng gõ nhẹ ngay bên cạnh chiếc giường ngủ, đấy là tín hiệu của 402:
MÔI THỎ GỬI LỜI CHÀO
Anh mường tượng trong đầu khuôn mặt vàng vọt đang ngước lên nhìn: lời nhắn làm anh cảm thấy bất an. Anh gõ:
TÊN ANH TA LÀ GÌ?
402 trả lời:
ANH TA KHÔNG NÓI. CHỈ GỬI LỜI CHÀO

10

Buổi chiều Rubashov còn cảm thấy khó chịu hơn. Thỉnh thoảnh anh lại rùng mình. Cái răng sâu lại bắt đầu đau, cái răng này nằm ở bên phải hàm trên, có liên quan đến hệ thần kinh mắt. Từ lúc bị bắt đến bây giờ anh chưa được ăn gì nhưng vẫn không cảm thấy đói. Anh muốn tập trung suy nghĩ, nhưng những cơn run vì lạnh, sự ngứa ngáy ở trong cổ làm anh bức bối không chịu được. Trong đầu quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có hai câu: “phải có thuốc ngay không thì ta điên mất” và “ta sẽ trả hết”.
Trí nhớ cũng không để cho anh được yên. Những khuôn mặt, những giọng nói cứ lần lượt hiện lên rồi lại nhòe đi, nhưng hễ anh muốn giữ lại một hình ảnh nào đó thì lại thấy đau nhói trong tim, quá khứ của anh vẫn còn sưng tấy và chảy máu mỗi khi chạm vào. Quá khứ của anh là phong trào, là Đảng; hiện tại cũng như tương lai của anh là thuộc về Đảng, gắn bó không tách rời với số phận của Đảng, nhưng trước đây anh với Đảng đã là một. Thế mà nay quá khứ đó bị đặt thành vấn đề. Anh bỗng phát hiện ra rằng cái cơ thể sống động và ấm áp của Đảng hóa ra lại đầy những mụn nhọt kinh tởm, sưng tấy và rướm máu. Đã bao giờ có những ông thánh thối tha như thế chưa? Những kẻ đê tiện đã bao giờ làm được những điều tốt đẹp chưa? Nếu Đảng là hiện thân của tiến trình lịch sử thì lịch sử cũng chẳng ra gì.
Rubashov nhìn chằm chằm vào những vệt nước trên tường buồng giam. Anh lấy chăn quấn quanh vai và đi đi lại lại thật nhanh, mỗi khúc quanh anh cũng quay người rất nhanh. Nhưng vẫn không hết run. Trong đầu, tiếng ù ù không dứt, thỉnh thoảng còn nghe thấy những giọng nói nhẹ nhàng và mập mờ nữa; anh không biết đấy là từ ngoài hành lang truyền vào hay chỉ là ảo giác. “Đấy là do cái răng sâu, mai phải đi bác sĩ mới được. Bây giờ phải nghĩ đến bao việc khác”, anh tự nhủ như thế. Cần phải tìm cho ra lý do vì sao Đảng lại thoái hóa đến như thế. Tất cả các nguyên lý của chúng ta đều đúng, vậy thì tại sao kết quả lại sai. Đây là một thời đại bệnh hoạn. Chúng ta đã chẩn đoán bệnh tật và nguyên nhân của nó một cách chính xác không chê vào đâu được, nhưng con dao mổ của chúng ta động vào chỗ nào là chỗ ấy không những không khỏi mà lại sưng tấy lên thêm. Chúng ta là những người cứng rắn và trong sạch, đáng lẽ ra chúng ta phải được nhân dân yêu mến mới phải. Nhưng nhân dân lại căm thù chúng ta. Tại sao chúng ta lại bị khinh bỉ và căm thù đến như thế?
Chúng ta nói sự thật nhưng nghe vẫn như là nói dối. Chúng ta đem lại tự do cho nhân dân nhưng tự do trong tay chúng ta lại trông như một cái dùi cui. Chúng ta làm cho dân ấm no hạnh phúc nhưng chúng ta đi đến đâu thì cây khô lá úa đến đấy. Chúng ta nói về tương lai bằng giọng cà lăm và hách dịch...
Người anh bỗng run lên. Trong đầu anh lại hiện lên bức ảnh chụp các đại biểu Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Họ ngồi bên một cái bàn gỗ dài, một số người chống khuỷu tay lên bàn, một số để tay lên đầu gối; hầu như ai cũng để râu và rất nghiêm túc, tất cả đều nhìn vào ống kính. Phía trên đầu mỗi người đều có một vòng tròn nhỏ ghi một con số tương ứng với họ tên ở bên dưới. Tất cả đều trông rất nghiêm nghị, chỉ có ông chủ tịch, già nhất hội, với đôi mắt Tartar ti hí là có ánh mắt cười cợt một cách tinh quái mà thôi. Rubashov ngồi bên cạnh ông ta, kính xệ xuống trên hai cánh mũi. Anh Cả, vai nở và đẫy đà, ngồi ở cuối bàn. Họ, những người đang chuẩn bị một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, trông chẳng khác gì các cố vấn của một hội đồng hàng tỉnh. Lúc đó họ chỉ là một nhóm nhỏ, một giống loài hoàn toàn mới: triết gia-chiến sĩ. Nếu các doanh nhân biết nhiều khách sạn thì họ lại biết hầu hết các nhà tù ở châu Âu. Họ mơ ước cướp chính quyền để vĩnh viễn xóa bỏ quyền lực, họ ước mơ cai trị nhân dân để giúp dân từ bỏ thói quen của những kẻ bị trị. Họ đã biến tất cả các dự định của mình thành hành động, họ đã biến tất cả ước mơ thành hiện thực. Họ đi đâu cả rồi? Tất cả những bộ não thông tuệ từng làm thay đổi cả tiến trình lịch sử đều đã được “xơi” một viên đạn. Người thì tự bắn vào trán, kẻ thì bị bắn vào gáy. Ngoài anh và Anh Cả ra thì chỉ có hai hay ba người đang lưu vong tận phương trời nào, không nhà không cửa, thân tàn ma dại, là còn sống.
Rubashov cảm thấy lạnh và thèm thuốc lá quá. Anh bỗng thấy mình đang đi trên một bến cảng ở nước Bỉ, bên cạnh là anh chàng Levy Còi vui tính, lưng hơi gù, miệng ngậm tẩu thuốc. Anh ngửi thấy mùi của bến cảng, một cái mùi hỗn hợp giữa dầu xăng và rong biển chết, anh nghe thấy tiềng chuông đồng hồ trên tháp tòa thị chính, rồi anh đi qua những con phố hẹp với những ngôi nhà mà tầng trên được xây nhô ra với các ô cửa sổ trông như chuồng gà treo đầy quần áo của các cô gái điếm. Chuyện này xảy ra sau khi anh giao thiệp với Richard được hai năm. Họ không tìm được chứng cớ gì để chống lại anh. Anh không khai một lời nào, dù bị đánh đến chết lên chết xuống, dù bị đánh gãy mấy cái răng, dù bị đánh đến ù tai, có lần bị đánh vỡ kính, mảnh thủy tinh suýt đâm vào mắt, nhưng anh vẫn không hé răng nói nửa lời. Anh không nói mà nếu có nói thì cũng phủ nhận hết hoặc nói dối một cách cực kì khéo léo. Anh đi đi lại lại trong phòng giam, anh bò trên đá lạnh trong phòng tra tấn, anh rất sợ nên luôn chuẩn bị cách đối phó, mỗi khi tỉnh lại vì bị dội nước lạnh vào người anh lại xin thuốc hút và tiếp tục nói dối. Anh không ngạc nhiên khi thấy những tên đao phủ đối xử độc ác và tỏ thái độ căm ghét mình đến thế. Bộ máy độc tài đang hoạt động hết công suất, nhưng chúng không tìm được một chứng cứ nào. Sau khi được tha, anh được đưa lên máy bay để trở về nước, trở về quê hương của Cách mạng. Anh được mọi người chào đón, được tham gia vào những cuộc mít tinh quần chúng, có cả những cuộc duyệt binh chào mừng nữa. Ngay Anh Cả cũng thường đứng bên anh trong những buổi mít tinh như thế.
Anh đã sống ở nước ngoài nhiều năm, mọi thứ đã thay đổi nhiều quá. Một nửa số người chụp trong bức ảnh ngày xưa đã không còn. Tên tuổi của họ đã không còn được nhắc tới mà nếu có nhắc thì bao giờ cũng kèm theo những lời rủa xả - trừ một người, đấy là ông già có đôi mắt nheo một cách tinh quái, vị lãnh tụ của những ngày xa xưa, ông đã tỏ ra thức thời và đã chết đúng lúc. Ông được gọi là Cha Già, còn Anh Cả là Con; nhưng người ta vẫn đồn là Anh Cả đã chữa di chúc của ông để giành vị trí kế thừa. Những người còn sống thì đã thay đổi đến không thể nhận ra được nữa. Họ đã cạo râu, đã già yếu, hom hem và không còn ảo tưởng nữa, người nào cũng có vẻ chán chường, yếm thế. Thỉnh thoảng Anh Cả lại đưa một người trong số họ ra làm nạn nhân. Tất cả đều đấm vào ngực thùm thụp và đều đồng thanh sám hối về những tội lỗi mà họ đã phạm. Ở nhà chưa được nửa tháng Rubashov đã xin được ra nước ngoài công tác. “Anh có vẻ vội đấy nhỉ”, Anh Cả vừa nói vừa nhìn anh qua làn khói thuốc lá. Sau hai mươi năm nằm trong ban lãnh đạo Đảng nhưng khi nói chuyện với nhau họ vẫn sử dụng các đại từ nhân xưng “anh, tôi” như cũ. Trên đầu Anh Cả là ảnh Ông Cụ; trước đây, ở bên cạnh còn có bức ảnh chụp các triết gia-chiến sĩ, nhưng nay bức ảnh này bị bỏ đi rồi. Cuộc gặp chỉ kéo dài có mấy phút, nhưng khi sắp bước ra thì Anh Cả bỗng đứng hẳn lên và bắt tay một cách rất trịnh trọng. Sau này Rubashov vẫn thường suy nghĩ về ý nghĩa của cái bắt tay cũng như ánh mắt giễu cợt của Anh Cả sau làn khói thuốc lá trong lần gặp gỡ đó. Rồi anh rón rén đi ra khỏi phòng, Anh Cả không đứng lên tiễn. Sáng hôm sau anh xuống tầu đi Bỉ.
Ngay sau khi đỡ mệt anh liền nghĩ đến nhiệm vụ được giao. Levy Còi, bí thư chi bộ cảng với chiếc tẩu bất ly thân, đón anh khi tầu vừa cập bến. Anh thấy mến anh ta ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh ta dẫn Rubashov đi xem khu vực bến tầu và các con phố hẹp ngoằn ngoèo trong thị xã với sự nhiệt tình và lòng tự hào như thể một mình anh ta xây dựng nên tất cả vậy. Quán xá nào anh ta cũng có người quen; công nhân bốc xếp, thủy thủ và cả các cô gái điếm, ai cũng muốn mời anh một ly, còn anh thì chào họ bằng cách giơ cái tẩu thuốc lên ngang mang tai. Ngay cả viên cảnh sát giao thông ở gần chợ cũng nháy mắt với anh ta khi họ đi ngang, còn các thủy thủ nước ngoài, những người không nói được tiếng Pháp thì thân mật vỗ vai anh ta. Rubashov hơi lấy làm ngạc nhiên. Không, Levy Còi không hề bị quần chúng căm thù hay ghét bỏ. Chi bộ của các công nhân bốc xếp là một trong những chi bộ điển hình trên toàn thế giới.
Buổi chiều Rubashov, Levy Còi và mấy người nữa tụ tập trong một quán ăn trên bến cảng. Một người tên là Paul, bí thư chi bộ, cũng có mặt. Anh ta vốn là một đô vật, đầu đã hói, mặt rỗ hoa vì bệnh đậu mùa với đôi tai to, vểnh lên. Anh ta mang trên đầu một chiếc mũ đen, bên ngoài chiếc áo len thủy thủ còn khoác thêm một chiếc áo ấm nữa. Anh ta có khiếu vẫy tai, mỗi khi vẫy cái mũ trên đầu cũng nâng lên hạ xuống theo. Một người nữa tên là Bill, vốn là thủy thủ và có viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời thủy thủ nổi tiếng suốt mấy năm nhưng sau đó thì bị rơi vào quên lãng, hiện nay anh ta viết cho cơ quan ngôn luận của Đảng. Những người còn lại đều là công nhân bốc xếp, chậm chạp, uống nhiều nhưng ít nói. Thỉnh thoảng lại có một đám người đi vào, nhóm thì ngồi, nhóm thì đứng; uống xong là họ ra liền. Ông chủ quán, một người to béo, hễ rảnh là lại đến ngồi cùng với họ. Ông ta biết thổi kèn acmônica. Khá nhiều người uống đến say khướt.
Levy Còi giới thiệu Rabashov là một “Đồng chí từ Bên Nớ” sang mà không giải thích gì thêm. Chỉ có mình anh ta biết rõ Rubashov mà thôi. Thấy Rubashov không muốn nói chuyện, họ chỉ hỏi vài câu, chủ yếu là về điều kiện sống ở “bên nớ”, về lương bổng, về đất đai và sự phát triển công nghiệp. Họ có những hiểu biết rất cụ thể về kỹ thuật, nhưng hầu như không biết gì về tình hình chung cũng như tình hình chính trị “bên nớ”. Họ hỏi về sự phát triển của ngành than cứ y như trẻ con hỏi về kích thước của quả nho ở vùng Đất Thánh vậy. Một công nhân bốc xếp đã có tuổi, vẫn đứng bên cạnh quầy rượu ngay từ đầu nhưng không đặt món gì, được Levy Còi gọi tới, sau khi bắt tay đã nói với Rubashov: “Trông ông rất giống ông Rubashov ngày xưa”. “Cũng nhiều người nói với tôi như thế”, Rubashov đáp. “Rubashov ngày xưa đúng là một người giỏi”, người công nhân già nói và dốc ngược ly lên. Tính đến hôm nay, Rubashov được trả tự do chưa đầy một tháng và chưa đến ba tháng kể từ ngày anh biết rằng mình sẽ không bị giết. Ống béo, chủ quán chơi một bản nhạc bằng đàn acmônica. Rubashov châm thuốc rồi gọi cho mỗi người một li. Họ nâng cốc chúc mừng sức khỏe anh và sức khỏe của tất cả những người ở “bên nớ”, bí thư Paul vẫy tai, mũ của anh nhảy lên nhảy xuống nhịp nhàng.
Sau khi mọi người đã về hết, Rubashov và Levy Còi còn ngồi lại khá lâu. Chủ quán hạ cánh cửa và xếp chổng ngược chân ghế lên các bàn rồi ra sau quầy đánh một giấc ngon lành, trong khi Levy Còi kể cho Rubashov nghe về cuộc sống mình. Chuyện này thì Rubashov không yêu cầu: nếu tất cả các đồng chí đều bắt anh phải nghe chuyện đời họ thì sẽ rắc rối to. Anh đã định đi ngay, nhưng sau thấy mệt quá - có lẽ anh đã không lượng đúng sức lực của mình, nên đành ngồi lại.
Hoá ra Levy Còi không phải người Bỉ, mặc dù giọng anh giống hệt người địa phương và biết hầu như tất cả mọi người ở đây. Anh sinh ra ở miền nam nước Đức, đã có nghề mộc, từng chơi ghi ta và giảng lý thuyết Darwin trong các câu lạc bộ thanh niên cách mạng. Trong cái tháng hỗn loạn trước khi nền Độc Tài được thiết lập, đấy là lúc Đảng rất cần vũ khí thì trong thành phố nơi Levy Còi sống đã diễn ra một sự kiện độc đáo có một không hai: một buổi chiều chủ nhật, năm mươi khẩu súng trường, hai mươi khẩu súng lục và hai khẩu tiểu liên cùng với rất nhiều đạn dược được chở thẳng từ một đồn cảnh sát giữa khu phố đông đúc trên hai xe tải chở đồ gỗ. Hai cảnh sát mặc đồng phục đi trên xe có giấy tờ với đầy đủ dấu má ra lệnh xếp lên xe để vận chuyển số vũ khí đó đi nơi khác. Số vũ khí này sau đó được tìm thấy trong một vụ khám xét ga ra ô tô của một đảng viên ở thị trấn bên cạnh. Cảnh sát không tìm ra đầu mối vụ việc, nhưng ngày hôm sau Levy Còi phải rút vào hoạt động bí mật. Đảng hứa cung cấp cho anh ta căn cước và các giấy tờ tùy thân khác, nhưng việc không thành vì người giao liên cùng với giấy tờ và tiền đã không đến điểm hẹn.
- Bao giờ cũng như thế cả, - Levy Còi nói, giọng đầy vẻ triết lý. Rubashov im lặng.
Mặc dù vậy, Levy Còi đã trốn thoát và cuối cùng vượt qua được biên giới. Vì đã có lệnh truy nã và ảnh của anh với một bên vai lệch có dán ở tất cả các đồn cảnh sát nên anh phải sống chui sống lủi suốt mấy tháng liền. Thế mà khi anh ta chuẩn bị đi gặp giao liên thì trong túi chỉ còn đủ tiền ăn trong ba ngày. “Trước đây tôi cứ nghĩ rằng chuyện nhai vỏ cây chỉ có trong sách vở. Gặp được cây non thì còn khá”, Levy Còi nhận xét như thế. Rồi anh ta đi về phía quầy, có thể cái đói trong tiềm thức đã buộc anh ta làm thế, và đem đến hai cái xúc xích. Rubashov nhớ lại những bát canh “toàn quốc”, những vụ tuyệt thực trong tù và cùng ăn với Levy Còi.
Levy Còi vượt biên giới Pháp. Vì không có căn cước nên anh bị bắt ngay lập tức, người ta bảo anh phải sang nước khác rồi thả cho muốn đi đâu thì đi. “Họ làm như tôi có thể leo lên mặt trăng không bằng”, Levy Còi trầm ngâm nói. Anh tìm gặp Đảng để nhờ giúp đỡ, nhưng ở đây không có đảng viên nào biết anh thành ra người ta nói phải tìm hiểu ở bên Đức trước đã. Anh lại đi lang thang; sau đó mấy ngày thì bị bắt lại và bị kết án ba tháng tù giam. Khi ngồi tù anh làm quen với một người vốn là dân bụi đời và giải thích cho anh ta các nghị quyết của kì đại hội Đảng vừa qua. Để trả công, người này lại dạy cách giết rồi lột da mèo hoang để bán lấy tiền. Sau ba tháng tù, một đêm cảnh sát đem anh đến khu rừng biên giới với Bỉ rồi đưa cho một ít bánh mì, phó mát và một bao thuốc lá Pháp và bảo: “Đi đi. Chừng nửa tiếng thì sang đến Bỉ. Chúng tao mà bắt được lần nữa thì coi chừng đấy”.
Anh lang thang ở Bỉ mấy tuần. Anh lại yêu cầu Đảng giúp đỡ, nhưng họ cũng trả lời y như ở Pháp. Khi đã chán vỏ cây anh quay sang nghề bán da mèo. Bắt mèo không khó, một tấm da mèo không ghẻ lở có thể đổi được nửa cái bánh mì và gói thuốc lá quấn. Nhưng bắt thì dễ mà lột da thì khó hơn nhiều. Phải túm thật nhanh lấy tai và đuôi rồi lấy đầu gối đè lên mình nó. “Lúc đầu buồn nôn lắm. Sau này thì quen”, Levy Còi nói. Đáng tiếc là Levy Còi lại bị bắt vì ở đây người ta cũng đòi phải có giấy tờ tùy thân. Mọi chuyện cứ thế tái diễn: trục xuất, bắt lại, tù. Một đêm nọ, hai người cảnh sát Bỉ đem anh đến khu rừng biên giới với Pháp rồi đưa cho một ít bánh mì, phó mát và bao thuốc lá Bỉ và bảo: “Đi đi. Chừng nửa tiếng thì sang đến Pháp. Chúng tao mà bắt được lần nữa thì coi chừng đấy”.
Suốt năm sau anh bị, khi thì cảnh sát Pháp, lúc thì cảnh sát Bỉ, đẩy qua đẩy lại biên giới đến ba lần. Hóa ra có hàng trăm người bị hành xử theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như thế suốt mấy năm trời. Đã nhiều lần anh tìm cách liên hệ với tổ chức Đảng địa phương vì anh lo nhất là bị mất liên lạc với phong trào. “Tổ chức cũ của đồng chí chưa chuyển sinh hoạt cho đồng chí”, những người có trách nhiệm đã nói với anh như thế. “Chúng tôi phải đợi công văn phúc đáp. Nếu là đảng viên thì đồng chí hãy tuân thủ kỷ luật Đảng”. Anh tiếp tục kiếm sống bằng nghề lột da mèo và để mặc cho cảnh sát đẩy qua đẩy lại trên biên giới giữa Pháp và Bỉ. Một năm trôi qua, Levy Còi đã cảm thấy yếu, anh ho ra máu và cứ nằm ngủ là mơ thấy mèo. Lúc nào anh cũng ngửi thấy mùi mèo: thức ăn, thuốc lá, thậm chí cả phòng ngủ của mấy cô gái điếm già, họ thường cho anh tá túc qua đêm, cũng có mùi mèo. “Chúng tôi vẫn chưa nhận được giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt của đồng chí”, các cán bộ Đảng vẫn nói với anh như thế. Sang đến năm sau nữa thì tất cả những người từng biết Levy Còi đều đã bị giết, bị bắt tù hoặc mất tích hết. “Chúng tôi không thể giúp gì cho đồng chí được”, các cán bộ Đảng bảo anh. “Đáng lẽ khi chưa có giấy giới thiệu thì đồng chí không nên đi. Hay là đồng chí đã bỏ đi mà không báo cáo với Đảng? Làm sao chúng tôi biết được? Tụi gián điệp và khiêu khích thì nhiều lắm. Đảng phải luôn luôn cảnh giác”.
- Anh kể với tôi tất cả những chuyện đó để làm gì? - Rubashov hỏi, thâm tâm lấy làm tiếc là đã ở lại.
Levy Còi ra quầy và tự rót lấy một ly bia rồi đưa cái tẩu thuốc lên ngang tai.
- Đây là một bài học, - anh ta nói. - Vì đây là một trường hợp điển hình. Có hàng trăm người như tôi. Những đảng viên trung kiên nhất đã hi sinh như thế suốt mấy năm qua. Càng ngày Đảng càng giống như một lão già hết hơi. Một lão già lọm khọm, chân run, mắt mờ. Làm cách mạng thế nào được.
Tôi còn có thể nói cho anh nghe nhiều chuyện nữa”, Rubashov tự nhủ, nhưng lại ngồi im.
May là câu chuyện của Levy Còi kết thúc có hậu. Trong một lần ngồi tù, mà Levy Còi đi tù như cơm bữa, anh được nhốt chung một buồng với cựu đô vật Paul. Lúc đó Paul đã là công nhân bốc xếp; anh bị bắt là vì đã đem một miếng võ gọi là “Nelson đúp” ra để chống lại cảnh sát trong một vụ đình công. Muốn ra đòn này thì phải đứng sau đối thủ, luồn hai tay qua nách đối thủ rồi vòng ra sau gáy và ghì đầu đối thủ xuống cho đến khi cổ hắn ta kêu răng rắc mới thôi. Trên sàn đấu anh luôn nhận được những tràng pháo tay khi sử dụng miếng võ này, nhưng đáng tiếc là trong cuộc đấu tranh giai cấp thì không ai làm như thế cả. Levy Còi và Paul trở thành đôi bạn thân thiết từ đấy. Hóa ra Paul là bí thư trực của chi bộ Đảng của công nhân bốc xếp; sau khi mãn hạn anh ta đã kiếm được giấy tờ tùy thân và sắp xếp việc làm cũng như phục hồi Đảng tịch cho Levy Còi. Từ đó Levy Còi lại tiếp tục giảng lý thuyết Darwin và các nghị quyết được thông qua tại Đại hội gần đây của Đảng, lần này là cho các công nhân bốc xếp, như chưa có chuyện gì xảy ra. Anh rất vui và lập tức quên hết những chuyện liên quan đến mèo cũng như sự khó chịu mà các cán bộ quan liêu của Đảng từng gây ra với anh. Nửa năm sau anh được bầu làm người đứng đầu chi bộ Đảng của các công nhân bốc xếp. Thế là may mắn rồi.
Rubashov nhiệt liệt chúc mừng Levy Còi vì câu chuyện đã kết thúc một cách có hậu như thế. Nhưng anh vẫn rõ nhớ nhiệm vụ của mình, chỉ có một điều anh chưa học được, đấy là tự dối mình, mặc dù biết rằng đấy cũng là một phẩm chất cần thiết của người cách mạng. Anh nhìn chằm chằm vào Levy Còi. Trong khi Levy Còi tỏ ra lúng túng vì không hiểu tại sao Rubashov lại nhìn mình như thế và vừa mỉm cười vừa đưa cái tẩu thuốc lên như có ý chào thì Rubashov lại nghĩ đến những con mèo tội nghiệp. Anh kinh ngạc nhận ra rằng đầu óc mình có vấn đề, có thể anh đã uống quá nhiều. Anh không thể nào gạt bỏ được ý nghĩ rằng mình phải tóm lấy hai tai và hai chân Levy Còi rồi lấy gối đè lên người anh ta. Cảm thấy như đang lên cơn sốt, Rubashov đứng lên và đi ra ngoài. Levy Còi tiễn anh đến tận khách sạn; vì thấy Rubashov bỗng nhiên bị trầm cảm, anh cũng không nói gì thêm.
Một tuần sau Levy Còi treo cổ tự tử.
Trước đó đã có mấy cuộc họp chi bộ. Các vấn đề đem ra thảo luận cũng không có gì phức tạp.
Hai năm trước Đảng đã từng kêu gọi giai cấp công nhân toàn thế giới đứng lên đấu tranh chống lại một chế độ độc tài vừa được thành lập ở Trung Âu bằng cách bất hợp tác cả về chính trị lẫn kinh tế. Nghĩa là không bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu cũng như ngăn chặn không cho các thiết bị, vật tư nhập khẩu dành cho công nghiệp quốc phòng của nước này đi qua.
Các tổ chức Đảng đã nhiệt tình thực hiện chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương. Công nhân bốc xếp trên cái hải cảng nhỏ này đã kiên quyết không chịu bốc dỡ hàng hóa đến và đi khỏi đất nước độc tài nọ. Họ được các tổ chức công đoàn ủng hộ. Đã xảy ra vài cuộc đụng độ với cảnh sát, có cả người chết và bị thương. Kết quả cuộc đấu tranh còn chưa ngã ngũ thì có một đoàn tầu lạ gồm năm chiếc tầu chở hàng đã cũ, màu đen cập cảng. Lá cờ của Cách mạng phần phật bay trên boong, còn thân mỗi con tầu đều có tên một vị lãnh tụ được viết bằng những chữ cái lạ lẫm được sử dụng ở “bên nớ”. Các công nhân đang bãi công nhiệt liệt chào đón đoàn tầu. Họ tham gia ngay lập tức vào việc dỡ hàng. Mấy giờ sau mọi người mới biết rằng đấy là một số loại quặng hiếm dùng cho nền công nghiệp quốc phòng của cái đất nước đang bị tẩy chay kia.
Ban chấp hàng Đảng bộ công nhân bốc xếp nhóm họp ngay sau đó; cãi nhau chán không xong, các đồng chí phải dùng đến nắm đấm để giải quyết. Các cuộc tranh luận diễn ra khắp nơi. Báo chí phản động được dịp tha hồ chế nhạo. Cảnh sát không can thiệp, để mặc cho công nhân cảng tự quyết định việc bốc dỡ hàng hóa của đoàn tầu lạ. Ban lãnh đạo Đảng tuyên bố chấm dứt bãi công và hạ lệnh bốc hàng. Họ đã giải thích rất khéo léo đường lối của nhà nước Cách mạng, nhưng ít người tin. Tổ chức bị phân hóa, đa số đảng viên cũ bỏ sinh hoạt. Suốt mấy tháng liền tổ chức hầu như chỉ tồn tại trên giấy; nhưng sau đó, do nền công nghiệp trong nước suy thoái nên Đảng lại giành được sự ủng hộ và tăng cường được sức mạnh.
Hai năm trôi qua. Một chế độ độc tài cực kì tham lam khác ở Nam Âu bắt đầu gây chiến nhằm cướp bóc và xâm lược châu Phi. Đảng lại kêu gọi tẩy chay. Quần chúng tham gia còn nhiệt tình hơn cả lần trước. Chính phủ hầu hết các nước trên thế giới cũng quyết định tham gia tẩy chay nhằm chặn đứng nguồn cung cấp nguyên liệu cho kẻ xâm lược.
Không có nguyên liệu, nhất là dầu hỏa, kẻ xâm lược nhất định sẽ thất bại. Đoàn tầu lạ mầu đen lại nhổ neo. Chiếc tầu lớn nhất mang tên một người phản chiến nổi tiếng và đã bị giết.
Với lá cờ cách mạng phất phới trên cột buồm, lần này đoàn tầu có nhiệm vụ chở dầu cho quân xâm lược. Đoàn tầu mới nhổ neo được một ngày, Levy Còi và các đồng chí của anh chưa biết gì. Rubashov được giao nhiệm vụ làm công tác tư tưởng cho các đảng viên ở đây.
Ngày thứ nhất Rubashov không nói gì, anh chỉ nghe ngóng và quan sát. Cuộc họp chi bộ của công nhân bốc xếp được tổ chức vào sáng ngày thứ hai.
Giống như tất cả các văn phòng khác của Đảng trên toàn thế giới, đấy là một căn phòng rộng, gần như trống không và rất bừa bộn, được bài trí một cách sơ sài. Một phần là do kinh phí hạn hẹp, nhưng chủ yếu là do quan niệm sống khắc khổ và tẻ nhạt đã trở thành truyền thống. Trên tường dán đầy các áp phích của những cuộc vận động bầu cử trước đây, cùng các khẩu hiệu chính trị và những bản thông báo đã ngả màu.Trong một góc phòng người ta thấy một máy in phủ đầy bụi băm, còn góc bên kia là một đống quần áo cũ giành cho gia đình các công nhân tham gia đình công, bên cạnh đó là những cuốn sách mỏng và những tờ truyền đơn cũng đã bạc màu vì năm tháng. Giữa phòng là một cái bàn dài, thực ra đấy chỉ là hai tấm ván đặt trên hai cái ghế ngựa mà thôi. Cửa sổ thì đầy các vệt vôi, y như một căn nhà còn đang xây dựng dở. Ngay phía trên cái bàn là một bóng đèn tròn treo trên sợi dây điện, một tấm bìa có dán tờ giấy dính để bẫy ruồi cũng treo lủng lẳng ngay bên cạnh như thế. Ngồi xung quanh bàn là Levy Còi, cựu đô vật Paul, nhà văn Bill và ba người nữa mà Rubashov không biết tên.
Rubashov nêu lý do cuộc họp. Anh đã quen với khung cảnh này, cái sự luộm thuộm đã thành truyền thống làm cho anh cảm thấy như đang ở nhà mình. Rõ ràng anh được giao một nhiệm vụ cực kì quan trọng và cần thiết, anh thật không hiểu vì sao đêm hôm trước, trong cái nhà ăn công cộng ồn ào anh lại cảm thấy băn khoăn như thế. Anh giải thích tình hình một cách khách quan và mạch lạc nhưng không đề cập đến lý do của chuyến công tác này. Vụ tẩy chay kẻ xâm lược đã bị thất bại vì sự phản bội và lòng tham của chính phủ các nước châu Âu. Một số nước chỉ giả vờ tẩy chay, số khác thì hoàn toàn dửng dưng. Trước đây Nhà nước Cách mạng cung cấp phần lớn nhu cầu về nhiên liệu cho nước này. Nếu nay ngừng cung cấp thì các nước khác sẽ nhảy vào ngay: trên thực tế họ không mong gì hơn là đẩy Nhà nước Cách mạng ra khỏi thị trường thế giới. Những hành động mang tính lãng mạn chỉ đem lại những tác động tiêu cực đối với sự phát triển ngành công nghiệp ở “Bên Nớ” và phong trào cách mạng trên toàn thế giới mà thôi. Mọi người có thể tự rút ra kết luận.
Paul và ba công nhân bốc xếp có chân trong chi ủy cùng gật đầu. Họ là những người chậm hiểu; tất cả những lời của đồng chí từ Bên Nớ đối với họ đều có lý cả, đối với họ đấy chỉ là một bài lý thuyết suông, không có ảnh hưởng trực tiếp nào. Họ không biết anh ta đang đưa họ đi đâu, không ai đoán được rằng có một đoàn tàu đang sắp sửa cập cảng. Chỉ có Levy Còi và nhà văn là nhìn nhau tỏ vẻ lo lắng mà thôi. Nhưng Rubashov đã nhận ra. Anh kết thúc bài nói chuyện một cách lạnh lùng:
- Tôi đã trình bày với các đồng chí tất cả các vấn đề thuộc về nguyên tắc. Các đồng chí có trách nhiệm thực hiện tất cả các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương và giải thích bản chất của vấn đề cho các đồng chí chậm tiến hơn. Đấy là toàn bộ vấn đề tôi cần phải báo cáo với các đồng chí.
Phòng họp lặng đi một lúc. Rubashov bỏ kính ra và châm thuốc hút. Levi nói như vô tình:
- Xin cám ơn đồng chí diễn giả. Có ai có ý kiến gì không?
Không ai có ý kiến gì. Mãi một lúc sau mới có một công nhân bốc xếp phát biểu một cách gượng gạo:
- Có gì mà nói. Các đồng chí ở Bên Nớ phải biết họ cần phải làm gì chứ. Còn chúng ta, dĩ nhiên là chúng ta phải tiếp tục tẩy chay. Các đồng chí có thể tin chúng tôi. Hàng cho bọn lợn đó đừng hòng qua được cảng của chúng tôi.
Hai người đồng nghiệp của anh ta cùng gật đầu. Đô vật Paul khẳng định:
- Đừng hòng qua, - mặt anh đanh lại, còn hai tai thì vẫy ra ý pha trò.
Lúc đó Rubashov tưởng như đang gặp phải một lực lượng chống đối có tổ chức, nhưng dần dần anh mới nhận ra rằng mấy người kia không hiểu ý mình. Anh đưa mắt nhìn Levy Còi, hi vọng anh này sẽ giải thích cho mọi người. Nhưng Levy Còi vẫn ngồi im, mắt nhìn xuống sàn.
Đúng lúc đó thì nhà văn đứng lên, mặt anh co rúm lại, giọng lạc đi:
- Chả lẽ các đồng chí không tìm được cảng nào khác để thực hiện vụ áp phe này à? Tại sao lần nào chúng tôi cũng phải chịu trận vậy?
Mấy công nhân bốc xếp ngạc nhiên nhìn Bill, họ không hiểu anh định nói gì khi dùng từ “áp phe”, không ai có thể tưởng tượng được rằng có một đoàn tầu màu đen đang sắp cập cảng của họ. Nhưng Rubashov đã chuẩn bị sẵn từ trước:
- Cảng này thuận lợi cả về mặt địa lý lẫn chính trị, - anh nói. - Từ đây hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường bộ. Chẳng có lý do gì để phải che giấu cả, nhưng thận trọng thì vẫn hơn, làm sao càng ít ồn ào càng tốt, không để bọn báo chí phản động lợi dụng vụ này.
Bill lại đưa mắt cho Levy Còi. Các công nhân bốc xếp chẳng hiểu chuyện gì, họ nhìn chằm chằm vào Rubashov. Paul bỗng gào lên:
- Anh đang nói gì vậy?
Tất cả đều quay về phía Paul. Đôi mắt anh ta trừng trừng nhìn Rubashov như muốn bật hẳn ra ngoài, còn cổ thì đầy các mạch máu phồng lên như những chiếc đũa. Levy Còi chen vào:
- Hiểu rồi hả?
Rubashov đưa mắt hết nhìn người nọ đến người kia rồi nhẹ nhàng bảo:
- Tôi quên chưa nói cụ thể. Năm chiếc tầu chở hàng của Bộ Dân ủy Ngoại thương sẽ cập cảng vào sáng ngày mai, thời tiết hiện nay khá thuận.
Thế mà phải mấy phút sau mọi người mới hiểu hết. Không ai nói một lời nào. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Rubashov. Một lúc sau thì Paul từ từ đứng lên, anh ném cái mũ xuống sàn nhà rồi đi ra. Hai người đồng nghiệp dõi mắt nhìn theo. Vẫn không ai nói câu nào. Phải một lúc lâu sau Levy Còi mới hắng giọng và phát biểu:
- Đồng chí diễn giả đã giải thích cặn kẽ cho chúng ta lý do của vụ áp phe: nếu họ không làm thì sẽ có người khác. Ai muốn phát biểu nữa không?
Người công nhân bốc xếp đã hứa tiếp tục tẩy chay nói một cách chán nản:
- Vẫn một giọng điệu cũ. Khi đình công thì bao giờ cũng có người nói: nếu tôi không làm thì người khác sẽ làm. Chúng tôi đã chán nghe giọng đó lắm rồi. Bọn phá hoại đình công chuyên môn nói như thế.
Không khí cuộc họp thật nặng nề. Người ta nghe rõ tiếng Paul đóng cửa phía bên ngoài cầu thang. Rubashov nói:
- Các đồng chí, Nhà nước Cách mạng cần phải phát triển nền công nghiệp của mình, ủng hộ cách mạng là nhiệm vụ vinh quang của các đồng chí. Thói đa sầu đa cảm không có ích gì hết. Xin các đồng chí hãy nghĩ cho kỹ.
Người công nhân bốc xếp đưa hẳn cằm ra đằng trước và nói một cách dứt khoát:
- Chúng tôi đã nghĩ kỹ rồi. Chúng tôi cũng đã nghe phát chán rồi. Các đồng chí phải nghĩ đi mới đúng. Toàn thế giới đang trông vào các đồng chí. Các đồng chí nói đến tinh thần đoàn kết, sự hi sinh và kỷ luật, trong lúc đó các đồng chí lại sử dụng đội tàu vận tải như một phương tiện phá hoại.
Đúng lúc đó thì Levy Còi đứng lên, mặt tái đi; anh giơ cái tẩu lên như có ý chào Rubashov và nói rất nhanh:
- Tôi đồng ý với ý kiến vừa rồi. Có ai muốn nói gì nữa không? Cuộc họp kết thúc ở đây.
Rubashov chống nạng chậm chạp bước ra khỏi phòng. Các sự kiện tiếp theo diễn ra đúng như kế hoạch đã định, không một lực lượng nào có thể ngăn chặn được. Trong khi đoàn tầu tiến vào cảng thì Rubashov gửi cho các đồng chí ở Bên Nớ mấy bức điện khẩn. Ba ngày sau tất cả các lãnh đạo chi bộ Đảng của các công nhân bốc xếp bị khai trừ, Levy Còi bị báo chí của Đảng tố cáo là tên gián điệp - khiêu khích. Anh treo cổ tự sát sau đó ba ngày.

11

Ban đêm tình hình còn tệ hại hơn nữa. Suốt đêm hôm đó anh không thể nào chợp mắt được. Chốc chốc anh lại run bắn người lên, cái răng sâu nhức không thể nào chịu nổi. Anh có cảm giác như tất cả các trung tâm thần kinh đều nhức nhối và sưng tấy lên, các hình ảnh và lời nói từ quá khứ xa xôi cứ liên tục đập vào óc não. Đấy là Richard mặc bộ áo vét màu đen đang nhìn anh với đôi mắt đỏ: “Các đồng chí không được làm như thế. Bọn chó ấy sẽ giết tôi...”. Đấy là Levy Còi với một bên vai hơi bị lệch: “Có ai muốn nói gì nữa không?”. Có rất nhiều người muốn nói. Nhưng cách mạng lại không chấp nhận bất kỳ sự lưỡng lự nào, nó luôn tiến về phía trước, luôn hướng đến mục tiêu đã chọn và để lại bên mỗi khúc quanh trên đường đi của nó xác của những kẻ chậm tiến, những kẻ không theo kịp phong trào. Đường đi của cách mạng có nhiều bước ngoặt và khúc quanh, đấy là qui luật sinh tồn của nó. Trên mỗi khúc quanh lại có vô số xác người, đấy cũng là qui luật của nó. Đối với nó, động cơ của từng cá nhân chẳng có giá trị gì. Nó cũng chẳng quan tâm đến lương tâm, lý trí hay tình cảm của từng cá nhân. Những kẻ có tội, nghĩa là những kẻ đi chệch khỏi đường lối của Đảng sẽ bị hất sang bên đường, sẽ bị trừng phạt, mà hình phạt thì chỉ có một: chết. Chết không phải là bí mật của phong trào, chẳng có gì là cao quí ở đây cả: mọi sự lệch lạc đều đáng bị trừng phạt như thế.
Kiệt sức, Rubashov lăn ra ngủ ngay trước khi trời sáng hẳn. Anh chỉ thức giấc khi nghe thấy tiếng còi báo thức, ngay sau đó anh được viên giám thị già và hai lính canh đưa đến gặp bác sĩ.
Rubashov tưởng có thể đọc được tên người tù ở buồng 402 và tên anh chàng Môi Thỏ, nhưng hóa ra họ dẫn anh theo hướng ngược lại. Buồng 406 còn trống. Đấy là phòng cuối cùng, đi quá một chút thì gặp một cánh cửa bằng bê tông dày, người giám thị già ì ạch mãi mới mở được. Họ bước vào một hành lang dài khác, người giám thị già đi trước rồi đến Rubashov, hai người lính áp giải theo sau. Ở đây, tấm thẻ trước mỗi cửa buồng đều có ghi tên mấy người; có tiếng nói chuyện, tiếng cười và cả tiếng hát vọng ra hành lang, chắc chắn đây là khu giam các tên tội phạm hình sự không nguy hiểm. Họ đi ngang qua một cái buồng dùng làm chỗ cắt tóc cho tù nhân. Cửa buồng mở, hai người tù có dáng nông dân đầu cạo trọc lóc, người thứ ba, già hơn có cái mặt nhọn như mỏ chim thì đang cạo râu: cả ba người cùng tò mò nhìn theo Rubashov và đoàn tùy tùng của anh. Rồi đến một cái buồng có vẽ hình thập tự màu đỏ trên cánh cửa. Người giám thị gõ cửa, ông ta cùng bước vào phòng với Rubashov, hai người lính đứng đợi bên ngoài.
Phòng khám quá chật và rất ngột ngạt, mùi thuốc lá và mùi phenol xông lên nồng nặc. Cả một cái xô lẫn hai cái đĩa đều đầy cứng gạc và bông băng bẩn. Viên bác sĩ ngồi quay lưng ra cửa, vừa xem báo vừa nhai nhồm nhoàm khúc bánh mì kẹp mỡ lợn muối. Tờ báo phủ lên đống dụng cụ để trên bàn. Mãi đến khi viên giám ngục đóng cửa tay bác sĩ mới từ từ quay người lại. Trên cái đầu bé một cách bất thường loe hoe một vài sợi tóc, trông chẳng khác gì đầu một con đà điểu.
- Anh ta bảo bị đau răng, - người giám thị già nói.
- Răng à, - viên bác sĩ nói, trong khi mắt vẫn nhìn đi đâu. - Há miệng ra... Nhanh lên...
Rubashov nhìm chằm chằm vào mặt anh ta.
- Tôi có một đề nghị, - anh bình tĩnh nói. - Tôi là tù chính trị, đề nghị đối xử với tôi cho phù hợp.
Tay bác sĩ quay sang phía người giám thị và hỏi:
- Con gà này ở đâu ra thế?
Sau khi người giám thị già cho biết tên tuổi, Rubashov nhận thấy cặp mắt tròn như mắt đà điểu của anh ta nhìn mình một cách chăm chú hơn. Sau đó anh ta bảo:
- Má ông bị sưng. Há miệng ra xem nào.
Đúng lúc đó cái răng lại không đau nữa. Rubashov há miệng ra.
- Phía bên trái hàm trên của ông chẳng còn một cái răng nào, - tay bác sĩ vừa nói vừa lấy tay sờ vào hàm Rubashov. Rubashov bỗng giật bắn người lên vì đau, mặt tái mét, anh phải dựa lưng vào tường.
- Đây rồi! - tay bác sĩ nói. - Chân của một cái răng hàm trên bị vỡ nhưng chưa rụng hẳn.
Rubashov phải đứng thở một lúc mới hoàn hồn. Cơn đau chạy xuyên từ hàm lên mắt rồi chạy thẳng lên đỉnh đầu. Mạch máu trên thái dương giật từng hồi. Tay bác sĩ đã lại ngồi xuống ghế và giở tờ báo ra.
- Nếu ông muốn thì tôi sẽ nhổ cái chân răng cho, - vừa nhồm nhoàm nhai bánh mì kẹp thịt lợn muối anh ta vừa nói. - Nhưng thuốc tê thì không có. Việc này kéo dài từ ba mươi phút đến một tiếng.
Rubashov đứng dựa vào tường, tai vẫn còn ù, tiếng tay bác sĩ nghe như từ đâu vọng lại.
- Cám ơn, - Rubashov đáp. - để lúc khác, - anh nói thêm.
Anh chợt nghĩ đến anh chàng Môi Thỏ cùng từ “tắm hơi” và nhận thấy việc mình lấy đầu thuốc lá đang cháy gì vào tay là một hành động kì quặc. “Khó khăn đây”, anh tự nhủ.
Vừa về đến buồng là anh nằm vật ra giường và ngủ thiếp đi ngay lập tức.
Từ bữa trưa hôm đó Rubashov được ăn như mọi người. Răng đã đỡ đau hơn, có thể chịu đựng được. Anh tin rằng rồi cái chân răng sẽ tự rụng.
Ba ngày sau anh bị đưa đi thẩm vấn.

12

Anh được dẫn đi vào lúc mười một giờ sáng. Chỉ cần nhìn thấy thái độ trang nghiêm của viên giám thị là Rubashov đã biết họ định đưa mình đi đâu. Cũng như mọi khi, trước hiểm nguy bao giờ anh cũng tỏ ra bình tĩnh, có thể nói đấy là một tặng phẩm hiếm hoi mà số phận đã dành cho anh.
Ba ngày trước họ cũng đã đi theo con đường này. Cái cánh cửa bê tông mở ra rồi nặng nề khép lại phía sau. “Lạ thật”, Rubashov tự nhủ, “người ta có thể nhanh chóng thích nghi với mọi hoàn cảnh”. Anh có cảm giác như đã thở hít không khí nặng nề của cái hành lang này suốt mấy năm rồi, dường như không khí của tất cả các nhà tù mà anh từng đi qua đều ngưng tụ lại ở đây.
Họ đi ngang qua phòng cắt tóc, còn cửa phòng khám bệnh thì đóng, có ba người tù và một giám thị ngái ngủ canh chừng họ đang đứng đợi ở bên ngoài.
Bên dưới phòng khám bệnh hóa ra còn một tầng nữa. Họ đi xuống theo một cầu thang soắn như cái lò xo. “Dưới đó là nhà kho hay phòng tra tấn?”, Rubashov tự hỏi. Anh bỗng có linh cảm không hay khi nhìn thấy cái cầu thang này.
Họ đi qua một khoảng sân hẹp, hai bên là những bức tường cao, không có một chiếc cửa sổ nào, nhưng bầu trời phía trên thì sáng sủa, không một gợn mây. Sau đó lại đến một hành lang, nhưng ở đây sáng sủa hơn, không còn cửa bê tông nữa, trên những cánh cửa gỗ là những tay nắm bằng đồng đỏ sáng bóng, các nhân viên điều tra đi đi lại lại nhộn nhịp, có cả tiếng nhạc của đài phát thanh lẫn tiếng máy chữ. Nghĩa là họ đã đi đến khu vực hành chính của nhà tù.
Họ dừng lại trước một phòng nằm ở cuối hành lang, người giám thị gõ cửa. Trong phòng có người đang gọi điện thoại; anh ta nói vọng ra “Đợi một chút” rồi lại tiếp tục nói chuyện, chỉ nghe thấy những câu như: “Vâng...”, “Chính thế ạ...”. Giọng nói nghe có vẻ quen, nhưng Rubashov không xác định được đấy là ai. Đấy là một giọng đàn ông, hơi khàn, chắc chắn là anh đã nghe ở đâu rồi. “Vào đi”, tiếng nói từ trong phát ra; người giám thị mở cửa cho Rubashov vào rồi đóng lại ngay. Anh trông thấy Ivanov, một người bạn học cũ và cũng là đại đội trưởng dưới quyền chỉ huy của anh, đang ngồi sau một cái bàn viết khá rộng. Ivanov vừa đặt ống nghe xuống vừa mỉm cười nhìn Rubashov.
- Thế là chúng ta lại gặp nhau, - Ivanov nói.
Rubashov vẫn đứng cạnh cửa.
- Vui thật, - anh đáp.
Ivanov từ từ đứng lên, anh ta cao hơn Rubashov đến nửa cái đầu.
- Ngồi xuống đi, - Ivanov vừa mỉm cười vừa nói.
Họ cùng ngồi xuống, cách nhau một cái mặt bàn và chằm chằm nhìn nhau: Ivanov vẫn mỉm cười còn Rubashov thì có vẻ căng thẳng, thận trọng. Anh liếc nhanh về hướng cái chân phải của Ivanov bên dưới gầm bàn.
- Cái chân này tốt lắm, - Ivanov nói. - Có khớp, lại mạ crom, không rỉ. Tôi có thể bơi, cưỡi ngựa, lái xe ô tô và nhảy đầm nữa. Anh hút thuốc chứ?
Anh ta đưa cho Rubashov một cái hộp gỗ đựng đầy thuốc lá.
Rubashov liếc nhìn hộp thuốc là và chợt nhớ đến lần vào bệnh viện thăm Ivanov sau khi anh ta bị cắt chân. Ivanov nhờ anh mua cho một ít thuốc ngủ và suốt buổi chiều hôm đó anh ta cứ khăng khăng chứng minh rằng ai cũng có quyền tự sát. Cuối cùng Rubashov đồng ý sẽ suy nghĩ thêm, nhưng ngay hôm đó lại bị điều sang hướng khác của mặt trận. Nhiều năm sau anh mới gặp lại Ivanov. Anh nhìn những điếu thuốc trong hộp thuốc lá. Chúng được quấn bằng tay, từ thuốc lá sợi, chắc là loại thuốc lá trắng của Mỹ.
- Nếu đây là câu chuyện giữa những người quen cũ thì được, còn nếu trước khi thẩm vấn nghi can nào cũng được anh cho thuốc thì tôi không hút đâu, - Rubashov nói. - Anh biết như thế mà.
- Nhảm nhí, - Ivanov nói.
- Thôi được, - Rubashov vừa nói vừa châm một điếu. Anh hít thật sâu, cố ý không để cho Ivanov nhận thấy sự khoan khoái của mình. - Bệnh tê thấp của anh sao rồi, - anh hỏi.
- Có vẻ như khỏi rồi, cám ơn, - Ivanov bảo, - thế vết bỏng của anh thì sao?
Ivanov nhoẻn miệng cười rồi giơ tay chỉ vào tay trái của Rubashov. Giữa hai gân máu trên mu bàn tay trái, chỗ hai ngày trước đây anh đã lấy đầu thuốc lá cháy dở dí vào, có một vết bỏng to bằng đồng xu. Cả hai cùng nhìn vào chỗ bị bỏng. “Làm sao hắn biết nhỉ?”, Rubashov tự nhủ. “Chắc chắn là hắn cho người theo dõi mình rồi”. Không giận mà chỉ thấy xấu hổ, anh hít một hơi thật dài nữa rồi ném điếu thuốc đi.
- Buổi nói chuyện riêng tư coi như chấm dứt ở đây, - anh nói.
Ivanov thả ra những vòng khói tròn và tiếp tục ngắm nhìn Rubashov với nụ cười thân thiện như cũ.
- Đừng nóng, - Ivanov bảo.
- Tôi đâu có nóng, - Rubashov nói. - Tôi bắt anh hay người của anh bắt tôi đến đây?
- Đúng, chúng tôi bắt anh, - Ivanov nói. Anh ta gí điếu thuốc lá vào cái gạt tàn rồi châm liền một điếu nữa và đưa hộp thuốc cho Rubashov nhưng anh không cầm.
- Tùy anh, - Ivanov nói. - Anh có nhớ câu chuyện thuốc ngủ không? - anh ta nhoài người lên bàn và thở cả khói vào mặt Rubashov.
- Tôi không muốn người ta bắn anh, - Ivanov nói một cách chậm rãi và tựa hẳn người vào lưng ghế phía sau.
- Cám ơn, - Rubashov nói. - Tại sao các anh lại muốn bắn tôi?
Ivanov không trả lời. Anh vừa hút vừa lấy bút vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy để trên bàn. Có vẻ như anh ta đang tìm từ thích hợp.
- Anh hãy nghe đây, - Ivanov nói sau một hồi suy nghĩ. - Có một việc tôi phải nói cho anh rõ. Anh vừa nhắc đi nhắc lại từ “các anh”, ám chỉ Đảng và Nhà nước, đối lập với “tôi”, tức là Nicolas Salmanovitch Rubashov. Về lý thuyết thì để kết tội một người cần phải lập tòa án, phải có bào chữa công khai, nhưng đối với chúng ta thì chỉ cần như thế là đủ rồi.
Dĩ nhiên là Rubashov hiểu nhưng anh vẫn bị bất ngờ. Có cảm tưởng như Ivanov vừa gảy lên những tiếng đàn đồng vọng trong tâm hồn anh. Tất cả những gì anh tin tưởng, anh dạy dỗ và chiến đấu cho trong suốt bốn mươi năm qua ào ạt tràn về trong tâm trí. Cá nhân không là gì, Đảng là tất cả; lá xa cành thì nhất định bị héo úa... Rubashov lau kính vào ống tay áo. Ivanov đã ngồi xuống ghế, miệng tiếp tục nhả khói nhưng không còn mỉm cười nữa. Rubashov đưa mắt nhìn quanh và bỗng phát hiện ra một khoảng tường hình vuông, sáng hơn những chỗ khác. Không cần suy nghĩ anh cũng biết ngay rằng đấy là chỗ đã từng treo bức ảnh các triết gia để râu. Ivanov nhìn theo Rubashov nhưng không để lộ bất cứ tình cảm nào.
- Xưa rồi, - Rubashov nói. - Anh đã nói rất đúng, có một thời chúng ta đã quen với đại từ số nhiều “chúng ta” và tránh dùng đại từ nhân xưng ở ngôi số ít. Tôi đã bỏ thói quen ấy rồi, còn anh thì chưa. Nhưng “chúng ta” mà anh đang nói hôm nay là ai? Đấy là vấn đề.
- Tôi hoàn toàn đồng ý như thế, - Ivanov phụ hoạ. - Tôi rất vui là chúng ta đã đi vào thực chất vấn đề một cách nhanh chóng như thế. Nói cách khác: anh tin rằng “chúng tôi” nghĩa là Đảng, Chính phủ và quần chúng không còn đại diện cho quyền lợi của Cách mạng nữa?
- Xin để quần chúng sang một bên, - Rubashov nói.
- Anh có thái độ coi thường quần chúng như thế từ khi nào vậy? - Ivanov hỏi. - Có phải từ khi anh chuyển đại từ nhân xưng từ ngôi số nhiều sang ngôi số ít không?
Ivanov nhoài người lên mặt bàn và nhìn thẳng vào mặt Rubashov với ánh mắt đầy vẻ khôi hài. Đầu anh ta che hết cái hình vuông sáng mờ mờ trên tường và Rubashov chợt nhớ cảnh tượng khi Richard che khuất hai bàn tay của Đức Mẹ đang chìa trong bức tranh Pietà ngày nào. Đúng lúc đó một cơn đau xuyên thấu từ hàm trên lên trán và lan sang tai. Đau quá, anh phải nhắm mắt lại. “Giá phải trả đấy”, anh tự nhủ. Chỉ một giây sau anh đã không còn biết là mình có nói câu đó thành lời hay không nữa.
- Anh nói gì thế? - Ivanov hỏi vừa nhạo báng vừa pha chút ngạc nhiên.
Cơn đau đã dịu bớt, sự bình thản đã trở lại trong tâm hồn anh.
- Xin để quần chúng sang một bên, - Rubashov nhắc lại. - Anh chẳng hiểu gì quần chúng đâu. Có thể bây giờ chính tôi cũng chẳng hiểu gì. Khi cái “chúng ta” vĩ đại còn tồn tại, đấy là lúc chúng ta hiểu quần chúng hơn bất cứ người nào trước đây. Lúc đó chúng ta đã thâm nhập được vào tận đáy sâu tâm hồn quần chúng và vì vậy mà chúng ta có thể làm nên lịch sử...
Anh đưa tay với điếu thuốc, Ivanov bật diêm rồi nhoài người qua bàn châm lửa.
- Lúc đó, - Rubashov tiếp tục - chúng ta được mệnh danh là Đảng của những người cần lao. Những người khác quan niệm về lịch sử như thế nào? Họ chỉ thấy những gợn sóng lăn tăn, những cơn gió lốc và những trận cuồng phong. Những thay đổi trên bề mặt như thế làm họ ngạc nhiên nhưng họ không thể nào giải thích nổi. Nhưng chúng ta đã lặn xuống tận đáy, chúng ta đã thâm nhập vào khối quần chúng vô danh, họ luôn luôn là người làm nên lịch sử; chúng ta là những người đầu tiên phát hiện ra các qui luật vận động của lịch sử. Chúng ta đã phát hiện ra qui luật về tính ý, qui luật về sự thay đổi một cách chậm chạp cấu trúc tế bào, qui luật về sự bùng nổ đột ngột của nó. Đấy chính là sức mạnh vĩ đại của học thuyết của chúng ta. Jacobin là những người thuộc trường phái đức hạnh, còn chúng ta theo phái kinh nghiệm. Chúng ta đã thâm nhập vào cội nguồn của lịch sử và đã tìm ra các qui luật của nó. Chúng ta hiểu biết xã hội loài người hơn bất kỳ người nào khác, vì vậy mà cuộc cách mạng của chúng ta đã thành công. Các anh là những kẻ đào huyệt chôn tất cả rồi...
Ivanov dựa hẳn vào lưng ghế vừa nghe vừa vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy trên mặt bàn.
- Tiếp tục đi, - Ivanov nói, - tôi đang muốn biết anh sẽ dẫn dắt đến đâu.
- Như anh thấy đấy, tôi đang đi đến pháp trường đây, - Rubashov ngừng lại và đưa mắt nhìn khoảng tường màu trắng, nơi trước đây có treo bức ảnh của những người cận vệ già của cách mạng. Lần này Ivanov ngồi im.
- Vâng, - Rubashov tiếp tục - đằng nào thì cũng vậy thôi. Các anh đã chôn sống tất cả, các anh đã chôn sống đội cận vệ của nó, đã chôn vùi trí tuệ và niềm hi vọng của cách mạng. Các anh đã giết chết cái “Chúng ta”, đã tiêu diệt tinh thần tập thể. Chả lẽ các anh vẫn tin rằng quần chúng ủng hộ các anh hay sao? Những tên độc tài khác ở châu Âu, giống như các anh, cũng có quyền làm ra vẻ như thế...
Rubashov cầm lên một điếu thuốc nữa và tự châm lửa hút vì không thấy Ivanov đứng lên.
- Xin lỗi, đao to búa lớn quá phải không? - Rubashov nói tiếp. - Nhưng chả lẽ các anh vẫn tin rằng quần chúng đang ủng hộ các anh hay sao? Họ buộc phải chịu đựng các anh như dân chúng ở các nước khác chịu đựng những kẻ có quyền lực mà thôi. Quần chúng đã lại trở thành những người câm, điếc như cũ, một lần nữa họ lại trở thành ẩn số X câm lặng vĩ đại của lịch sử, tương tự như mặt biển đưa đoàn tầu đi một cách vô tình mà thôi. Ánh đèn pha chỉ còn chiếu sáng trên bề mặt, còn bên dưới vẫn tối tăm và lặng lẽ như xưa. Trước đây chúng ta đã từng khuấy đảo tất cả lên, nhưng thời đó đã qua rồi. Nói cách khác, - anh dừng lại và đeo kính lên - trong những ngày đó chúng ta đã tạo ra lịch sử, còn hôm nay các anh đang làm chính trị. Đấy chính là sự khác biệt.
Ivanov ngả hẳn người vào lưng ghế và thả ra những vòng khói thuốc lá màu trắng.
- Xin lỗi, nhưng tôi không hiểu rõ lắm, - anh ta nói. - Anh có thể giải thích kỹ hơn được không?
- Dĩ nhiên, - Rubashov đáp. - Có nhà toán học từng nói rằng đại số là môn khoa học của những người lười: người ta xử lý với ẩn số X như là đã biết rõ về nó vậy. Trong trường hợp của chúng ta X là quần chúng, là nhân dân. Người làm chính trị chỉ cần xử lý cái ẩn số X vô danh này mà không cần quan tâm đến bản chất thật sự của nó. Còn người làm nên lịch sử thì phải tìm hiểu xem cái X này đóng vai trò gì trong phương trình.
- Hay quá, - Ivanov nói. - Nhưng đáng tiếc là trừu tượng quá. Xin trở về với những sự vật cụ thể hơn: ý anh muốn nói rằng “chúng tôi”, cụ thể là Đảng và Nhà nước không còn đại diện cho quyền lợi của Cách mạng, không còn đại diện cho quyền lợi của quần chúng nữa hay như anh nói không còn đại diện cho sự tiến bộ của nhân loại nữa chứ gì?
- Chính thế, - Rubashov vừa mỉm cười vừa nói. Ivanov làm như không nhìn thấy Rubashov cười.
- Anh có quan niệm như thế từ bao giờ vậy?
- Nói cho ngay là dần dần: trong suốt mấy năm qua.
- Có thể nói cụ thể hơn được không? Một năm? Hai năm? Hay là ba năm?
- Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn, - Rubashov nói. - Anh trở thành người lớn từ khi nào? Mười bẩy tuổi? Mười tám rưỡi? Hay mười chín tuổi?
- Anh giả vờ làm người ngớ ngẩn thì có, - Ivanov nói. - Mỗi một bước phát triển về mặt tinh thần đều là kết quả của những trải nghiệm trước đó. Nếu anh thực sự quan tâm thì xin nói rằng tôi trở thành người lớn lúc mười bảy tuổi, đấy là lần đi đày lần đầu tiên.
- Lúc đó anh còn là một người tử tế, - Rubashov nhận xét. - Hãy quên chuyện đó đi.
Anh lại nhìn lên cái ô vuông màu trắng nhạt trên tường và vứt điều thuốc lá đang hút dở xuống sàn.
- Tôi xin nhắc lại câu hỏi, - Ivanov vừa nói vừa khẽ nhoài người ra phía trước. - Anh đã tham gia vào lực lượng chống đối có tổ chức được bao lâu rồi?
Chuông điện thoại reo. Ivanov nhấc ông nghe lên và nói: “Tôi đang bận”, rồi lại treo vào chỗ cũ. Anh ta lại ngả người ra lưng ghế, chân duỗi thẳng, mắt nhìn chằm chằm vào Rubashov, chờ đợi.
- Anh biết rõ, - Rubashov đáp, - rằng tôi không bao giờ tham gia một tổ chức chống đối nào cả.
- Anh buộc tôi phải xử sự theo kiểu quan liêu đấy, - vừa nói Ivanov vừa đưa tay kéo cái ngăn bàn và lôi ra một tập giấy.
- Xin bắt đầu từ năm 1933, - anh ta nói và xếp những tờ giấy lên mặt bàn. - Việc thiết lập chế độ độc tài và sự tan rã của Đảng ở chính cái đất nước mà thắng lợi có vẻ đã cận kề. Anh được cử đến đó để tiến hành thanh lọc và tái tổ chức đội ngũ...
Rubashov ngả người ra phía sau và dỏng tai lên nghe lý lịch của chính mình. Anh chợt nghĩ đến Richard, nhớ đến ánh hoàng hôn trên con phố trước viện bảo tàng nơi anh đợi taxi.
- ... Ba tháng sau anh bị bắt. Hai năm tù giam. Không có bằng chứng, thái độ rất mẫu mực. Được thả và vinh quang trở về...
Ivanov ngừng đọc, anh liếc nhìn Rubashov và tiếp tục:
- Anh được đón tiếp rất trọng thể. Lúc đó chúng ta không gặp nhau, có thể lúc đó anh bận nhiều việc quá... Chuyện đó tôi cũng chẳng trách gì anh. Anh cũng chẳng có đủ thì giờ để gặp gỡ tất cả bạn bè cũ được. Nhưng tôi đã hai lần trông thấy anh trên chủ tịch đoàn hai cuộc mít tinh. Lúc đó anh vẫn phải chống nạng và trông mệt mỏi lắm. Đúng ra sau khi công cán những bốn năm ở nước ngoài như thế, anh phải được đi an dưỡng vài ba tháng rồi sau đó nắm giữ một chức vụ nào đó trong chính phủ. Nhưng sau có hai tuần anh đã lại được cử ra nước ngoài công tác rồi...
Ivanov đột ngột chồm hẳn về phía trước và nhìn thẳng vào mắt Rubashov:
- Tại sao? - đây là lần đầu tiên anh ta lên giọng như thế. - Anh không cảm thấy thoải mái ở đây, đúng không? Đã có nhiều thay đổi trong khi anh đi vắng làm anh khó chịu, đúng không?
Ivanov ngừng lại chờ đợi câu trả lời; nhưng Rubashov vẫn ngồi yên, tiếp tục chà kính vào ống tay áo.
- Chuyện đó xảy ra không lâu sau khi nhóm đối lập đầu tiên bị kết án và tiêu diệt. Một số người trong đó là bạn thân của anh. Quần chúng trên khắp cả nước đã tỏ ra vô cùng căm phẫn khi họ biết được mức độ thối nát của nhóm đối lập đó. Nhưng anh không nói một câu nào. Sau hai tuần anh vội xin ra nước ngoài mặc dù vẫn phải chống nạng...
Rubashov cảm thấy như mùi của cái hải cảng nhỏ, mùi của dầu xăng và tảo biển thối đang phảng phất đâu đây, anh như trông thấy cựu đô vật Paul đang vẫy tai, còn Levy Còi thì đang giơ cái tẩu thuốc lên chào mọi người... Anh ta đã treo cổ trên một cái xà nhà. Ngôi nhà cũ nát cứ rung lên mỗi lần có chiếc xe tải chạy qua, mỗi lần như thế xác Levy Còi lại đung đưa cho nên lúc đầu người ta cứ tưởng anh ta vẫn còn cử động được, sau này người ta đã kể lại với Rubshov như thế...
- Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và sau đó được cử giữ chức trưởng Phái đoàn Thương mại của ta ở nước B. Ở đây anh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Hiệp định thương mại mới, ký với B. rõ ràng là một thành công. Nếu nói về biểu hiện bên ngoài thì lý lịch của anh không có một vết nhơ nào. Nhưng sáu tháng sau khi anh nhận nhiệm sở thì hai cán bộ dưới quyền anh, trong đó có Arlova, thư ký riêng của anh bị triệu hồi về nước vì bị nghi là có tham gia nhóm chống đối bí mật. Cuộc điều tra sau đó đã chứng tỏ rằng họ có tội. Đáng lẽ anh phải công khai đoạn tuyệt với họ. Nhưng anh vẫn không nói gì... Sáu tháng sau nữa thì chính anh bị triệu hồi. Quá trình chuẩn bị cho phiên tòa thứ hai xét xử nhóm đối lập đang được tiến hành. Tại phiên tòa tên tuổi của anh được nhắc đến nhiều lần, Arlova hi vọng anh sẽ lên tiếng bảo vệ cô ta. Trong hoàn cảnh như thế im lặng thì chẳng khác nào thú nhận “lạy ông tôi ở bụi này”. Anh biết rõ như thế, nhưng anh chỉ tuyên bố công khai sau khi Đảng đã đưa ra tối hậu thư. Chỉ lúc đó, khi chính tính mạng của anh đã “ngàn cân treo sợi tóc” anh mới chịu xuống nước và như thế nghĩa là Arlova coi như xong. Anh biết rõ số phận của cô ta...
Rubashov yên lặng, lắng nghe, cái răng sâu lại bắt đầu đau. Anh biết rõ số phận của Arlova, số phận của Richard, của Levy Còi. Và của chính anh nữa. Anh đưa mắt nhìn lên cái khoảng trắng mờ trên tường, những nhà triết học để râu và được đánh số ở trên đầu chỉ để lại có thế thôi. Số phận của họ anh cũng biết. Lịch sử đã từng khởi động và hứa hẹn mang lại cho nhân loại một cuộc sống đàng hoàng hơn; nhưng ngày ấy đã qua rồi. Thế thì còn biểu diễn những trò này để làm gì? Nếu cơ thể con người còn lưu lại được cái gì đó sau khi chết thì ở một nơi nào đó trên cao xanh kia, Arlova, với đôi mắt hiền dịu, vẫn đang nhìn chằm chằm vào đồng chí Rubashov, người được cô coi là thần tượng và cũng là người đã đưa cô đến đoạn đầu đài... Cái răng sâu càng ngày càng nhức nhối hơn.
- Có cần đọc lại lời tuyên bố của anh lúc đó không? - Ivanov hỏi.
- Cám ơn, không cần, - Rubashov đáp, anh nhận thấy giọng mình nghe có vẻ khàn khàn.
- Chắc anh còn nhớ, lời tuyên bố của anh - người ta cũng có thể coi đây là một lời tự thú - đã kết thúc bằng việc lên án một cách nghiêm khắc phe đối lập và hứa trung thành tuyệt đối với đường lối của Đảng và cá nhân Anh Cả nữa.
- Đủ rồi, - Rubashov mệt mỏi nói. - Anh biết rõ là những lời tuyên bố được sản xuất như thế nào rồi mà. Nếu chưa biết thì là may cho anh. Lạy chúa tôi, hãy thôi trò này đi.
- Cũng sắp hết rồi, - Ivanov bảo. - Chỉ còn phải xem xét hai năm cuối nữa thôi. Lúc này anh đứng đầu Công ty Nhôm quốc gia. Một năm trước, trong vụ án chống Đảng thứ ba, một số tên cầm đầu liên tục nhắc đến tên tuổi của anh một cách rất tù mù. Không có bằng chứng cụ thể nào cả. Nhưng mối nghi ngờ trong hàng ngũ của Đảng thì ngày một gia tăng. Anh lại tuyên bố công khai ủng hộ đường lối của Lãnh đạo Đảng và lên án phe đối lập bằng những lời lẽ còn nặng nề hơn trước... Chuyện này xảy ra cách đây sáu tháng. Thế mà hôm nay anh lại nói rằng trong suốt mấy năm qua anh đã coi đường lối của lãnh đạo là sai lầm và có hại...
Ivanov ngừng lời và ngả người ra đằng sau.
- Thế nghĩa là những lời thề thốt trung thành với Đảng của anh chỉ là vờ vịt. Anh đừng nghĩ rằng tôi đang giáo huấn. Chúng ta đều từ một lò mà ra cả. Anh tin rằng chính sách của chúng tôi là sai còn của anh là đúng. Tuyên bố thẳng thừng như vậy thì anh sẽ bay ra khỏi Đảng ngay lập tức, nghĩa là anh sẽ chẳng thể nào chiến đấu cho tư tưởng mà anh cho là đúng đắn của mình được nữa. Và anh buộc phải thả bớt tải trọng đi để tiếp tục cuộc đấu tranh cho quan điểm duy nhất đúng của mình. Ở địa vị của anh tôi cũng sẽ hành động y như vậy. Cho đến nay thì mọi thứ đều hợp lý cả.
- Thế rồi sao? - Ruabshov hỏi.
Ivanov nở một nụ cười thân thiện.
- Tôi chỉ không hiểu, - anh ta bảo - cái này. Anh thú nhận là đã nhiều năm nay anh cho rằng chúng tôi đã chôn vùi Cách mạng, đồng thời anh cũng phủ nhận việc tham gia vào phe đối lập. Anh có thực sự nghĩ rằng tôi sẽ tin là anh khoanh tay ngồi nhìn trong khi chúng tôi, theo quan điểm của anh, đang đưa đất nước và Đảng đến sự diệt vong?
Rubashov nhún vai:
- Có thể tôi đã già quá và hết hơi rồi... Thôi thì tùy, anh muốn nghĩ thế nào cũng được.
Ivanov châm một điếu thuốc nữa. Giọng anh ta càng nhẹ nhàng hơn và thuyết phục hơn:
- Anh thực sự nghĩ rằng tôi sẽ tin là anh đã hi sinh Arlova và ly khai họ, - vừa nói anh ta vừa hất hàm về phía cái khoảng trắng mờ trên tường, - là để giữ cái đầu của chính mình đấy chứ?
Rubashov không đáp. Thời gian nặng nề trôi. Đầu Ivanov càng cúi gần Rubashov hơn.
- Không, tôi không thể hiểu được anh, - anh ta bảo. - Nửa tiếng trước đây anh đã tấn công đường lối của chúng tôi một cách điên cuồng đến nỗi chỉ cần một câu trong đó cũng đủ đưa anh lên đoạn đầu đài rồi. Còn bây giờ thì anh lại khẳng định, trái ngược với lô gích sơ đẳng nhất, rằng anh không tham gia vào nhóm đối lập chống Đảng, mặc dù chúng tôi có đủ bằng chứng như thế.
- Thật à? - Rubashov hỏi lại. - Nếu các anh có đủ bằng chứng thì còn cần tôi thú nhận làm gì? Bằng chứng về cái gì vậy?
- Thí dụ, - Ivanov chậm rãi nói, - bằng chứng về việc ám sát Anh Cả.
Lại im lặng. Rubashov đeo kính lên.
- Xin được hỏi một câu, - Rubashov lên tiếng. - Anh có thực sự tin vào điều nhảm nhí ấy không hay anh chỉ giả đò thế thôi?
Ivanov vẫn nhìn với vẻ cười cợt, dịu dàng như cũ:
- Như tôi đã nói với anh. Chúng tôi có đủ bằng chứng. Chính xác hơn: đấy là lời thú tội. Chính xác hơn nữa thì đấy là lời thú tội của một người, theo lời xúi giục của anh, đã chuẩn bị thực hiện vụ ám sát.
- Xin chúc mừng, - Rubashov nói. - Thế người ấy là ai?
Ivanov mỉm cười.
- Một câu hỏi không đúng chỗ.
- Có thể cho tôi đọc lời thú nhận của anh ta được không? Hay cho tôi đối chất với anh ta?
Ivanov mỉm cười. Anh ta cố tình trêu Rubashov bằng cách phà khói thuốc lá vào mặt. Rubashov cảm thấy khó chịu nhưng vẫn ngồi yên một chỗ.
- Anh còn nhớ chuyện thuốc ngủ không? - Ivanov chậm rãi nói. - Ấy, tôi đã hỏi anh câu này rồi. Hôm nay chúng ta đã đổi chỗ cho nhau: anh là người sắp đâm đầu xuống vực. Nhưng chớ có mong tôi giúp. Lúc đó anh đã bảo với tôi rằng tự sát là chủ nghĩa lãng mạn tư sản. Tôi mong rằng anh cũng sẽ không làm chuyện đó. Thế là hòa.
Rubashov không trả lời. Anh đang nghĩ xem liệu Ivanov nói thật hay nói dối, cùng lúc đó bỗng nhiên anh lại có ước muốn, nói đúng hơn là sự thôi thúc của cơ thể, được chạm tay vào cái khoảng trắng mờ trên tường. “Thần kinh có vấn đề”, anh tự nhủ. “Bị ám ảnh. Chỉ bước lên những viên gạch màu đen, nói những câu vô nghĩa, lau kính vào ống tay áo, mình sẽ làm chuyện đó ở đây mất thôi...”
- Tôi rất muốn biết, - Rubashov nói to, - anh sẽ cứu tôi như thế nào? Chứ cách anh tra vấn tôi có vẻ như có mục đích ngược lại.
Ivanov vẫn mỉm cười, nét mặt còn rạng rỡ hơn trước:
- Anh ngốc lắm, - anh ta vừa nói vừa vươn người qua mặt bàn và đưa tay nắm lấy cúc chiếc áo vét của Rubashov. - Tôi muốn anh nổi xung lên ở đây để không nổi xung khi không đáng nổi xung. Anh thấy là tôi không cho gọi thư ký chứ?
Anh ta rút ra một điếu thuốc và đưa vào miệng Rubashov, trong khi tay kia vẫn tiếp tục giữ chặt cái cúc áo.
- Anh làm như trẻ con ấy. Giống như một thằng bé ưa lãng mạn, - anh ta nói thêm. - Bây giờ chúng ta sẽ phịa ra một bản tự thú ngắn và kết thúc, được chứ?
Cuối cùng Rubashov cũng tìm cách gỡ được bàn tay Ivanov. Anh nhìm chằm chằm vào mặt anh ta.
- Thú nhận cái gì? - Rubashov hỏi.
Vẫn nụ cười rạng rỡ trên môi, Ivanov nói:
- Lời tự thú sẽ có nội dung là từ năm này, năm này trở đi anh đã tham gia nhóm đối lập có tên thế này, thế này; nhưng hoàn toàn phủ nhận việc tổ chức và lập kế hoạch ám sát; ngược lại, anh đã rút khỏi nhóm đó sau khi phát hiện ra những kế hoạch khủng bố tội lỗi của họ.
Kể từ đầu cuộc nói chuyện, đây là lần đầu tiên Rubashov cười:
- Nếu anh không còn gì nói thêm nữa thì xin cho kết thúc ở đây.
- Để tôi nói nốt đã, - Ivanov bình tĩnh nói. - Dĩ nhiên là tôi biết rằng anh tìm cách lảng tránh. Chúng ta sẽ cùng xem xét khía cạnh đạo đức của vấn đề. Anh sẽ không phản bội lại ai cả. Cả nhóm đã bị bắt trước anh lâu rồi và một nửa đã bị khử rồi, chính anh cũng đã biết rõ như thế. Những kẻ còn lại có thể nhận những chuyện quan trọng hơn chứ không phải cái việc vô thưởng vô phạt như thế, nói cho ngay, nếu chúng tôi muốn thì họ có thể nhận bất cứ tội gì. Tôi hi vọng rằng anh hiểu tôi, hi vọng rằng lòng chân thành của tôi đã thuyết phục được anh.
- Nói một cách khác: chính anh cũng không tin có chuyện ám sát Anh Cả, - Rubashov nói. - Thế thì tại sao anh không cho tôi gặp cái nhân vật X nào đó, không cho tôi gặp chính kẻ đã thú nhận chuyện đó?
- Xin anh suy nghĩ một chút, - Ivanov đáp. - Hãy đặt anh vào địa vị của tôi, mà thực ra chúng ta cũng dễ dàng đổi chỗ cho nhau lắm, và tìm giúp cho tôi câu trả lời, được chứ?
Rubashov trầm ngân suy nghĩ.
- Anh đã nhận được chỉ thị phải tiến hành công việc với tôi như thế nào rồi, phải không? - anh hỏi.
Ivanov lại mỉm cười:
- Không hoàn toàn như thế. Thực ra thì vẫn chưa có quyết định là anh thuộc trường hợp H hay T. Anh biết những thuật ngữ này chứ?
Rubashov gật đầu.
- Thế là anh bắt đầu hiểu rồi đấy, - Ivanov nói. - H nghĩa là xử lý hành chính, còn T là tòa án. Đa số các vụ án chính trị được xử lý theo lối hành chính, nói cách khác những trường hợp này đưa ra công khai thì sẽ không có lợi... Nếu anh rơi vào trường hợp H thì sẽ không còn nằm dưới quyền tôi nữa. Phiên tòa sẽ do một Hội đồng xử kín, phiên tòa sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, không có đối chất gì hết. Anh chắc còn nhớ... - Rồi Ivanov nhắc đến tên ba bốn người và liếc nhìn lên khoảng tường trắng. Khi anh ta quay lại thì Rubashov chợt nhận thấy những biểu hiện mệt mỏi trên nét mặt và đôi mắt đờ đẫn của Ivanov.
Ivanov nhắc lại bằng giọng nhẹ nhàng hơn tên của mấy người bạn cũ.
- Tôi cũng như anh đều biết rõ họ, - anh ta tiếp tục. - Nhưng chúng tôi tin rằng các anh sẽ đưa Cách mạng đến chỗ diệt vong, còn anh thì ngược lại. Đấy là bản chất của vấn đề. Hành động của chúng tôi được quyết định từ những suy luận như thế. Chúng tôi không thể để cho những rắc rối về mặt pháp lý bó tay mình được. Trước đây anh chả đã từng làm như thế hay sao?
Rubashov không đáp.
- Cái chính là, - Ivanov tiếp tục, - làm sao để anh được vào nhóm T và tiếp tục do tôi xử lý. Anh đã biết dựa vào đâu mà người ta lựa chọn để đưa ra tòa rồi đấy. Tôi phải chứng minh mức độ tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra của anh. Anh cần phải viết bản tự kiểm điểm và thú nhận một phần tội lỗi. Nếu anh ngoan cố, nếu anh cứ tiếp tục đóng vai người hùng và cho rằng họ chẳng làm gì được mình thì anh sẽ bị giết trên cơ sở những lời thú tội của một tên X nào đó. Mặt khác, nếu anh thú nhận một phần thì cuộc điều tra sẽ kéo dài thêm. Trên cơ sở đó tôi sẽ có thể tổ chức cho anh đối chất; chúng ta sẽ bác bỏ việc tổ chức ám sát và chỉ nhận những tội thật nhẹ nhàng thôi. Ngay trong trường hợp như thế anh cũng sẽ bị ít nhất là hai mươi năm, nhưng chỉ sau hai ba năm là sẽ được ân xá và sau năm năm thì anh sẽ quay trở lại vũ đài như cũ. Tốt hơn hết là anh hãy suy nghĩ thật kỹ, thật bình tĩnh trước khi trả lời.
- Tôi đã nghĩ kỹ rồi, - Rubashov nói. - Đề nghị của anh không phù hợp với tôi. Lý luận của anh có thể là đúng đấy. Nhưng tôi chán kiểu lý luận như thế lắm rồi. Tôi đã mệt mỏi và không thích đóng kịch nữa. Xin anh hãy cho tôi trở về buồng giam.
- Thôi được, - Ivanov nói. - Tôi cũng không nghĩ rằng anh sẽ đồng ý ngay đâu. Những kiểu nói chuyện như thế này không thể có hiệu quả ngay lập tức được. Anh có hai tuần để suy nghĩ. Khi anh đã suy nghĩ xong thì bảo họ đưa lại chỗ tôi hoặc viết cho tôi một mảnh giấy cũng được. Tôi tin rằng anh sẽ viết.
Rubashov đứng lên; Ivanov cũng đứng lên, anh ta cao hơn Rubashov nửa cái đầu. Ivanov bấm chuông. Trong khi chờ viên giám ngục tới đưa Rubashov đi, Ivanov bảo:
- Trong bài báo cuối cùng anh mới viết mấy tháng trước đây anh có nói rằng mười năm tới sẽ là mười năm quyết định số phận của thế giới. Anh có muốn tham gia vào việc đó không?
Anh ta nhìn từ đầu xuống chân Rubashov, miệng vẫn mỉm cười. Có tiếng chân bước ngoài hành lang, cánh cửa bật mở. Hai giám thị bước vào và giơ tay chào. Rubashov len vào giữa hai người để họ đưa anh trở về buồng giam. Hành lang vắng ngắt, không một tiếng động; từ các buồng giam vọng ra những tiếng ngáy nghe như những lời ai oán. Bên trên dãy nhà, ánh đèn điện vàng vọt, nhợt nhạt đã bật sáng từ lâu.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét