Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)
Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016
Chương 11
George
đã dậy sớm được một lần trong đời như thế nào - George, Harris và Montmorency
không thích vẻ ngoài của mặt nước lạnh giá - Chủ nghĩa anh hùng và lòng quyết
tâm của J. - George và chiếc áo sơ mi của hắn: câu chuyện với một bài học đạo đức
- Harris làm đầu bếp - Những hồi tưởng có tính lịch sử, được lồng ghép đặc biệt
để sử dụng trong trường học.
SÁNG HÔM SAU TÔI TỈNH DẬY lúc sáu giờ và thấy
George cũng đã thức. Cả hai chúng tôi quay lưng lại và cố ngủ tiếp nhưng không
được. Nếu có lý do đặc biệt nào đấy khiến chúng tôi không được phép ngủ tiếp mà
phải ngay lập tức bò dậy mà mặc quần áo vào thì có nhìn đồng hồ rồi chúng tôi
cũng cứ kệ xác và ngủ cho đến tận mười giờ. Nhưng vì chẳng có nhu cầu trần tục
nào buộc chúng tôi phải dậy trong vòng ít nhất hai tiếng sắp tới, và do việc
chúng tôi dậy vào lúc đó là một sự vô lý ghê gớm, nên nói chung chỉ vì thích ứng
với bản tính ngoan cố của sự vật mà cả hai chúng tôi đều cảm thấy nếu nằm thêm
năm phút nữa thôi thì mình sẽ chết mất.
George bảo chuyện tương tự, chỉ có điều còn
tệ hơn nhiều, cũng từng xảy ra với hắn khoảng mười tám tháng trước, khi hắn
đang trọ tại nhà của một bà Gippings nào đó. Hắn nói một đêm đồng hồ của hắn bị
hỏng và chết lúc tám giờ mười lăm. Lúc ấy hắn không biết chuyện này vì, bởi một
lý do nào đó, lúc đi ngủ hắn đã quên không lên giây đồng hồ (một việc khác thường
đối với hắn), và treo nó lên phía bên trên gối mà không buồn nhìn.
Chuyện xảy ra vào mùa đông, sát ngày đông
chí, cộng thêm một tuần sương mù liền, vì vậy khi George tỉnh dậy sáng hôm đó,
trời vẫn còn tối om khiến hắn chẳng có chút manh mối nào về giờ giấc cả. Hắn
vươn tay ra kéo mạnh cái đồng hồ xuống. Tám giờ mười lăm.
- Xin thiên địa thánh thần phù hộ! - George
thốt lên, - tôi phải có mặt ở thành phố trước chín giờ. Sao không ai gọi tôi cơ
chứ? Ôi, thật đáng xấu hổ!
Và hắn ném đồng hồ xuống, nhảy bổ ra khỏi
giường, tắm vội bằng nước lạnh, rửa ráy thay quần áo và cạo râu bằng nước lạnh
vì không đủ thời gian chờ nước nóng, rồi lao ra và nhìn đồng hồ lần nữa.
Không biết là tại cơn chấn động khi bị ném
xuống giường đã khởi động cái đồng hồ hay do nó bị làm sao, George không tài
nào hiểu được, nhưng chắc chắn nó đã bắt đầu chạy trở lại từ lúc tám giờ mười
lăm và giờ thì đang chỉ chín giờ kém hai mươi.
George chộp lấy cái đồng hồ và lao xuống
gác. Trong phòng khách tối om om và im lặng như tờ; không lò sưởi, chẳng bữa
sáng. George bảo thế này thì đúng là nỗi hổ thẹn vô cùng đối với bà G., và nhất
quyết đến tối lúc nào về nhà hắn sẽ cho bà này biết hắn nghĩ gì về bà ta. Rồi hắn
choàng vội áo khoác, đội mũ và túm lấy cái ô, nhằm hướng cửa trước mà phi tới.
Cửa thậm chí còn chưa được mở then. George nguyền rủa cái bà G. ấy rõ là một mụ
già lười biếng, và nghĩ rằng thật quá kỳ lạ khi người ta không thể tỉnh dậy vào
một giờ đúng đắn hợp lẽ, rồi hắn mở khóa, tháo chốt cửa và phóng ra ngoài.
Hắn chạy khá hăng khoảng hơn hai trăm mét,
và đến cuối chặng ấy thì hắn bắt đầu cảm thấy thật kỳ lạ và khác thường khi có
ít người xung quanh thế, và không thấy cửa hàng nào mở cửa cả. Hiển nhiên đó là
một buổi sáng rất u ám và nhiều sương mù, nhưng có vẻ vẫn rất bất thường khi ngừng
mọi công việc chỉ vì lý do ấy. Chính hắn đây phải đi công chuyện; làm sao người
khác lại có thể ườn ra trên giường chỉ vì trời u ám và có sương mù kia chứ!
Cuối cùng hắn cũng tới Holborn. Chẳng có
cái cửa chớp nào được hạ xuống! Không thấy chiếc xe bus nào quanh đấy! Trong tầm
mắt chỉ có ba người, trong đó có một cảnh sát; một chiếc xe kéo chất đầy bắp cải
và một chiếc taxi trông tàn tạ. George rút đồng hồ ra xem: chín giờ kém năm! Hắn
cứ đứng đờ ra đó mà đếm mạch của mình. Hắn cúi xuống sờ chân. Thế rồi, đồng hồ
vẫn cầm trong tay, hắn đi ra chỗ viên cảnh sát và hỏi xem ông ta có biết mấy giờ
rồi không.
- Mấy giờ à? - người đàn ông nói, nhìn
George từ đầu đến chân với vẻ nghi ngờ rõ rệt; - này, nếu lắng nghe thì anh sẽ
thấy tiếng chuông đấy.
George lắng nghe và một chiếc đồng hồ quả lắc
ở gần đó ngay tức khắc gia ơn cho hắn.
- Nhưng nó chỉ đánh có ba lần! - George nói
với giọng tổn thương khi tiếng chuông đồng hồ kết thúc.
- Thế anh muốn nó đánh chuông mấy lần hả? -
ngài cảnh sát đáp.
- Chín chứ còn gì nữa, - George nói, giơ đồng
hồ đeo tay của hắn ra.
- Anh có biết anh sống ở đâu không? - người
canh gác trật tự công cộng kia bèn nói hết sức nghiêm khắc.
George nghĩ một lúc và cung cấp địa chỉ.
- Ồ! Nơi ấy phải không nhỉ? - người kia trả
lời. - Vậy thì hãy nghe theo lời khuyên của tôi, im lặng về chỗ đó đi, mang
theo cả cái đồng hồ của anh nữa; và đừng có để xảy ra thêm chuyện gì đấy.
Và George lại đi về, ngậm tăm chui vào nhà.
Lúc đầu, khi vào nhà, hắn quyết định sẽ cởi
quần áo ra và lại đi ngủ; nhưng khi hắn nghĩ đến việc lại phải thay quần áo và
tắm rửa lần nữa, hắn quyết định thôi không vào giường nữa mà cứ ngồi đó ngủ
trên ghế bành thôi.
Nhưng hắn không tài nào ngủ được; hắn cả đời
chưa bao giờ thấy tỉnh ngủ hơn; vậy là hắn bèn bật đèn, lấy bàn cờ ra và chơi một
mình. Nhưng kể cả việc ấy cũng không làm hắn phấn chấn lên được chút nào: không
hiểu sao nó có vẻ buồn tẻ quá; vậy là hắn thôi không chơi cờ nữa và cố gắng đọc
sách. Hắn có vẻ cũng chẳng khơi được chút xíu hứng thú gì với việc đọc, vậy là
hắn bèn mặc áo khoác vào và lại ra phố.
Con phố có vẻ đơn côi buồn thảm phát khiếp,
và mọi viên cảnh sát hắn gặp đều nhìn hắn với một vẻ nghi ngờ không buồn che giấu,
soi đèn vào mặt hắn rồi lại còn bám theo hắn nữa, và việc này cuối cùng đã tác
động lên hắn khiến hắn bắt đầu cảm thấy quả tình mình đã gây ra chuyện gì đó, vậy
là cứ nghe thấy tiếng chân tuần tra lại gần là hắn bèn lẻn vào ngõ và giấu mình
dưới những mái hiên tối đen.
Dĩ nhiên cách hành xử này càng khiến cảnh
sát mất lòng tin với hắn hơn gấp bội, vậy là họ đến lôi hắn ra và hỏi hắn đang
làm gì ở đấy; rồi khi hắn trả lời “Không làm gì cả”, hắn chỉ ra ngoài tản bộ tí
thôi (lúc đó là bốn giờ sáng), họ có vẻ không tin hắn và hai ngài cảnh sát mặc thường
phục áp tải hắn về tận nhà để xem liệu hắn có thật sự sống ở địa chỉ hắn đã nói
không. Họ quan sát hắn vào bằng chìa khóa riêng, và rồi họ chọn một chỗ đối diện
ngôi nhà mà theo dõi.
Lúc bước vào nhà, hắn nghĩ hắn sẽ đốt bếp
lên và tự làm bữa sáng để giết thời gian; nhưng có vẻ như hắn không thể động tới
bất kỳ thứ gì, từ thùng than cho tới thìa trà, mà không làm rơi hay giẫm lên nó
và gây ra một tiếng động khiến hắn sợ chết khiếp đi được rằng sẽ làm bà G. tỉnh
dậy và rồi thì bà ta sẽ tưởng là có trộm và sẽ mở cửa sổ ra mà hét lên “Cảnh
sát!” và rồi hai ngài thám tử kia sẽ ập vào còng tay hắn và áp tải hắn đến đồn
cảnh sát.
Đến lúc đó hắn đã căng thẳng đến phát sốt
phát rét rồi, và hắn hình dung ra phiên tòa, cảnh hắn cố sức giải thích tình cảnh
cho bồi thẩm đoàn, và chẳng ai tin hắn cả, và hắn bị kết án khổ sai hai mươi
năm, và mẹ hắn sẽ vỡ tim mà chết. Vậy là hắn từ bỏ ý định làm bữa sáng và quấn
mình trong áo khoác, ngồi trong ghế bành cho đến khi bà G. đi xuống lúc bảy giờ
rưỡi.
Hắn nói kể từ sáng hôm đó hắn không bao giờ
dậy quá sớm nữa; đấy quả là lời cảnh báo với hắn.
Chúng tôi đang ngồi cuộn mình trong chăn
khi George kể câu chuyện có thật này, và lúc hắn kể xong thì tôi bắt tay vào việc
đánh thức Harris bằng một cái mái chèo. Cú đập thứ ba đã thành công: hắn lật
người sang bên kia và nói rằng một phút nữa là hắn xuống, rằng hắn sẽ xỏ đôi
giày ống của hắn. Tuy nhiên, ngay sau đó, với sự hỗ trợ của cái móc, chúng tôi
cho hắn biết hắn đang ở đâu và hắn ngồi bật dậy khiến con Montmorency, kẻ đang
ngủ một giấc chính đáng ngay giữa lòng hắn, ngã sóng soài xuống thuyền.
Thế rồi chúng tôi kéo lớp bạt lên và cả bốn
thò đầu qua mạn thuyền bên phải nhìn xuống mặt nước mà run cầm cập. Tối qua
chúng tôi đã định là sáng ra sẽ dậy sớm, giũ hết cả chăn lẫn khăn choàng, và,
tung lớp vải bạt ra phía sau, chúng tôi sẽ nhảy xuống dòng sông với một tiếng
hét vui tươi mà tắm một trận thật đã đời. Tuy nhiên chẳng hiểu vì sao, giờ khi
sáng ra, ý tưởng trên có vẻ ít hấp dẫn hơn nhiều. Mặt nước trông lạnh ngắt và đến
là nản lòng; gió thổi rét căm căm.
- Ái chà, ai xuống đầu tiên nhỉ? - cuối cùng
Harris cũng hỏi.
Chẳng ai buồn tranh quyền ưu tiên này.
George thể hiện ý kiến bằng cách rút lui vào sâu trong thuyền và kéo tất lên.
Con Montmorency tru lên một cách không kiềm chế được, cứ như thể chỉ nghĩ về
chuyện này thôi đã khiến nó sợ đến mất mật ra rồi; còn Harris thì bảo thật khó
chui lại vào thuyền, và lùi lại chỉnh quần.
Tôi hoàn toàn không muốn thừa nhận mình phải
bó tay, mặc dù tôi chẳng ưa gì chuyện lao xuống nước. Dễ có mấy cái gốc cây hay
rong rêu lắm, tôi nghĩ. Tôi định dàn xếp vấn đề bằng cách đi xuống bờ sông và
chỉ té ít nước lên người thôi; vì thế tôi cầm khăn tắm rồi nhón chân ra phía bờ,
mò đến chỗ một nhánh cây mọc chìa ra mặt nước.
Nước khá lạnh. Gió thổi như dao cắt. Tôi
nghĩ cũng chẳng nên té nước lên người làm gì. Tôi sẽ quay về thuyền mặc lại quần
áo, và tôi quay người định làm thế; nhưng đúng khi ấy cái nhánh cây dở hơi tự
dưng gãy rắc vậy là cả tôi lẫn chiếc khăn tắm rơi xuống cùng với một trận nước
bắn tung bắn tóe, và chưa kịp biết điều gì vừa xảy ra thì tôi đã trôi ra giữa
dòng với hàng mấy lít nước sông Thames trong bụng.
- Ôi Chúa ơi! Thằng J. già xuống rồi kìa, -
tôi nghe thấy Harris nói khi tôi ngoi lên trên mặt nước. - Tớ cứ nghĩ hắn không
có gan làm thế cơ đấy. Cậu có nghĩ thế không?
- Ổn chứ? - George gọi với ra.
- Cực kỳ, - tôi thổi phì phì đáp lại. - Hai
cậu đúng là ngốc thì mới không xuống. Cho dù có đổi cả thế giới tớ cũng không bỏ
lỡ dịp này đâu. Sao các cậu không thử nhỉ? Chỉ cần chút quyết tâm thôi mà.
Nhưng tôi không thể thuyết phục được bọn hắn.
Sáng hôm đó, trong lúc tôi thay quần áo đã
xảy ra một chuyện khá buồn cười. Khi quay lại thuyền tôi lạnh run hết cả người
và khi vội vàng vớ lấy cái áo sơ mi, tôi chẳng may làm nó rơi xuống nước. Việc
này làm tôi điên tiết, nhất là khi George phá ra cười. Tôi chẳng thấy gì đáng
cười hết, và tôi bảo George thế, nhưng thằng cha lại càng cười khỏe. Tôi chưa
bao giờ thấy ai cười nhiều đến thế. Cuối cùng tôi không còn giữ được bình tĩnh
với hắn nữa bèn nói thẳng cho hắn biết hắn là một thằng đần rồ dại thò lò mũi
xanh; nhưng hắn chỉ càng rống lên to hơn. Thế rồi vừa vớt được cái áo lên tôi
đã nhận ra rằng đấy không phải sơ mi của tôi mà là của George nhưng tôi đã vơ
nhầm; đến lúc này thì lần đầu tiên tôi đã nhận thấy mặt hài hước của vấn đề và
tôi phá lên cười. Càng nhìn cái áo ướt của George và nhìn hắn đang rú lên cười
tôi lại càng buồn cười hơn, và tôi cười nhiều đến mức lại làm cái áo rơi xuống
nước.
- Cậu kh…ông vớt nó lên à? - George nói giữa
hai tràng cười rú.
Tôi mất một lúc không thể nào trả lời hắn
được, tôi cười thế cơ mà, nhưng cuối cùng giữa hai tràng cười tôi cũng thốt ra
được vài từ nhát gừng.
- Không phải áo tớ - là áo cậu!
Cả đời mình tôi chưa bao giờ thấy mặt ai
thay đổi từ vui tươi sang nghiêm trọng một cách đột ngột đến thế.
- Cái gì? - hắn gào lên và đứng bật dậy. - Thằng
đần độn dớ dẩn kia! Tại sao cậu không thể cẩn thận hơn với những gì mình làm hả?
Trời đất ơi, sao cậu không lên bờ mà mặc quần áo hả? Cậu không hợp ở trên thuyền
tí nào, không hề hợp. Đưa cái sào đây.
Tôi cố gắng cho hắn thấy khía cạnh buồn cười
của vấn đề, nhưng hắn không hề nhận ra. George đôi khi đần đến mức không hiểu
được một trò đùa.
Harris đề xuất rằng chúng tôi nên ăn sáng bằng
món trứng bác. Hắn nói để hắn nấu nướng cho. Có vẻ như theo hắn thì hắn làm món
này ngon lắm. Hắn hay làm món này trong các buổi picnic và khi đi chơi thuyền
buồm. Hắn đã khá nổi tiếng với món này. Cứ theo những gì chúng tôi rút ra từ
câu chuyện của hắn thì một khi đã nếm món trứng bác hắn nấu thì sau đó người ta
thà chết héo chết hon vì không được ăn nó nữa chứ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến
bất kỳ món nào khác.
Nghe hắn kể mà chúng tôi thèm rỏ cả dãi, vậy
là chúng tôi đưa cho hắn bếp lò, chảo rán và tất cả số trứng vẫn chưa bị vỡ
nhoe vỡ nhoét trong hòm mà van nài hắn bắt đầu ngay đi cho.
Hắn gặp một chút khó khăn trong việc đập trứng
- hay nói cho chính xác hơn thì hắn không gặp nhiều khó khăn trong việc đập trứng
bằng việc cho số trứng đã đập rơi trúng vào trong chảo và giữ chúng tránh xa quần
hắn, ngăn chúng vấy lên cổ tay áo hắn; nhưng cuối cùng hắn cũng cho được độ nửa
tá trứng hạ cánh an toàn vào trong chảo và sau đó ngồi chồm hỗm bên cái lò mà
chơi trò đuổi bắt với đám trứng bằng một cái dĩa.
Theo tôi và George thấy thì có vẻ như đó là
một việc rất gay go. Mỗi khi đến gần cái chảo là Harris lại tự làm mình bị bỏng,
rồi hắn bèn thả mọi thứ xuống và nhảy tưng tưng quanh bếp, vung vẩy ngón tay và
chửi rủa mọi thứ. Thật ra, cứ hễ George và tôi quay ra nhìn là y như rằng lại
thấy hắn đang biểu diễn điệu nhảy ấy. Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ đó là một thủ tục
cần thiết cho các quy trình nấu nướng ấy kia.
Chúng tôi không biết món trứng bác thì như
thế nào, và cho rằng chắc hẳn đấy là món nào đó của thổ dân da đỏ hoặc dân đảo
Sandwich[11] đòi hỏi một số điệu nhảy và thần chú để nấu cho đúng cách. Con
Montmorency đi đến thò mũi bên trên cái chảo một lần và bị mỡ bắn ra làm bỏng,
và rồi nó bắt đầu nhảy tưng tưng và chửi rủa. Tất cả kết hợp lại thành một màn
biểu diễn thú vị và hấp dẫn bậc nhất tôi từng được chứng kiến. George và tôi
khá tiếc rẻ khi buổi biểu diễn này kết thúc.
Nhìn chung kết quả không được thành công
như Harris dự đoán. Có vẻ như còn lại quá ít trứng để biểu diễn. Sáu quả trứng
đã hạ cánh vào cái chảo và tất cả những gì thu được là một thìa thứ gì đó đen
đen cháy khét không hứa hẹn có gì ngon lành cả.
Harris nói đó là lỗi của cái chảo, và rằng
mọi sự hẳn đã tốt hơn nếu chúng tôi có một cái nồi to và bếp ga; vậy là chúng
tôi quyết định không thử lại món này nữa cho đến khi có đầy đủ dụng cụ.
Đến lúc chúng tôi ăn sáng xong thì mặt trời
đã chiếu rạng rỡ hơn, gió đã lặng, và đó là buổi sáng đẹp đẽ nhất mà người ta
có thể mong mỏi. Chẳng có gì trong tầm mắt gợi chúng tôi nhớ đến thế kỷ mười
chín này, và khi ngắm nhìn con sông trong ánh nắng sớm, chúng tôi gần như có thể
tưởng tượng ra hàng bao thế kỷ giữa chúng tôi và tưởng như cái buổi sáng tháng
Sáu nổi tiếng năm 1215 đã được kéo sang một bên, tưởng như chúng tôi, những người
con của các tiểu điền chủ Anh trong bộ quần áo bằng vải thô, dao găm móc ở thắt
lưng, đang đứng đó chờ chứng kiến trang sử kỳ diệu ấy được viết lên, mà hơn bốn
trăm năm sau Oliver Cromwell, người nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, đã diễn giải
ý nghĩa của nó cho dân chúng hiểu.
Đó là một buổi sáng mùa hè đẹp trời - có nắng,
êm ả và tĩnh lặng. Nhưng trong không gian vẫn có một chút rùng mình xáo trộn
báo hiệu cơn chấn động đang đến. Vua John đã ngủ tại tòa thị chính Duncroft, và
cả ngày hôm trước thị trấn Staines nhỏ bé đã vang dội tiếng lách cách của những
người được trang bị vũ khí, tiếng vó ngựa lộp cộp trên nền đá lởm chởm, tiếng
hét của chỉ huy và những lời thề đầy sát khí cùng những câu chế nhạo không chút
thân thiện của các cung thủ, kích thủ, thương thủ râu ria xồm xoàm và những
binh sĩ ngoại quốc dùng giáo nói tiếng nước ngoài.
Hàng đoàn hiệp sĩ cùng cận vệ áo choàng sặc
sỡ cưỡi ngựa đến, tất cả đều nhuốm bụi đường trường. Và suốt cả tối cánh cửa
nhà những thị dân nhút nhát không ngừng bật mở để đón những nhóm quân hung dữ,
những kẻ đòi hỏi phải được phục vụ cả đồ ăn thức uống lẫn nơi ở trọ, và đều phải
là thứ tốt nhất, nếu không tiếng than khóc sẽ vang động khắp nhà; vì trong thời
buổi hỗn loạn như thế thanh kiếm vừa là quan tòa vừa là đoàn bồi thẩm, vừa là
nguyên đơn vừa là đao phủ, và nếu hứng lên thì nó sẽ trả cho những thứ đã bị lấy
đi bằng cách tha mạng cho người sở hữu thứ đó.
Quanh đống lửa trại giữa quảng trường, quân
của các Nam tước vẫn không ngừng kéo về, chè chén no say và rống lên hát hò ầm
ĩ, đánh bạc và ẩu đả trong khi trời mỗi lúc một khuya. Ánh lửa hắt những bóng
sáng kỳ quặc lên cánh tay đang ôm đầy đồ đạc và hình dáng vụng về của họ. Đám
trẻ con trong thị trấn lén lút tụm lại nhìn họ, phân vân; những thôn nữ khỏe mạnh
cười rúc rích và kéo đến gần buông lời cợt nhả với các binh sĩ vênh váo nghênh
ngang khác hẳn đám trai làng, những kẻ giờ đang bị xem thường, đứng tách ra
phía sau với nụ cười ngây dại trên gương mặt bè bè. Và từ những cánh đồng xung
quanh, le lói ánh sáng mờ nhạt của những trại xa hơn lập lòe, trong khi đó chỗ
này đám người hầu của đức vua đang nằm tụ tập, chỗ kia những tên lính đánh thuê
người Pháp phản trắc của vua John lởn vởn như những con sói chờ mồi không có
hang ổ.
Vậy là, với lính gác ở mỗi góc phố tối, với
ánh lửa trại bập bùng ở mỗi quả đồi quanh đó, đêm chậm chạp trôi qua, và trên
thung lũng tươi đẹp của con sông Thames cổ kính này đã mở ra buổi sáng của cái ngày
vĩ đại có tầm quan trọng vô cùng đối với số phận của những thời đại còn chưa được
sinh ra.
Ngay khi hoàng hôn xám buông xuống, ở vùng
trũng của hai hòn đảo này, ngay phía trên nơi chúng tôi đang đứng, vang lên tiếng
huyên náo và âm thanh của rất nhiều công nhân. Chiếc rạp khổng lồ được mang đến
đây tối hôm trước giờ đã được dựng lên, cánh thợ mộc đang bận rộn đóng đinh cho
các hàng ghế trong khi đám học nghề từ London có mặt ở đó cùng những món đồ sặc
sỡ, lụa là và quần áo dát vàng dát bạc.
Còn giờ thì, kìa! đang tiến về phía chúng
tôi trên con đường từ Staines uốn lượn dọc bờ sông, vừa đi vừa cười đùa trò
chuyện với chất giọng trầm từ yết hầu, là khoảng chục kích thủ vạm vỡ - người của
các Nam tước - và khi đến cách chúng tôi khoảng một trăm mét, ở trên bờ bên
kia, họ dừng lại, tựa người vào vũ khí của mình và chờ đợi.
Và cứ như vậy, hết giờ này sang giờ khác,
diễu hành dọc con đường là những nhóm và những đoàn người vũ trang khỏe khoắn,
mũ sắt và giáp che ngực lấp lánh phản chiếu theo những đường nắng ban mai là là
trải dài cho đến khi xa hút tầm mắt, con đường có vẻ như đông đặc gươm giáo
sáng lóe và những con chiến mã đang nhảy lên. Và các kỵ sỹ vừa hét vang vừa phi
nước đại hết nhóm này đến nhóm khác, những ngọn cờ nhỏ uể oải bay trong gió ấm,
và thỉnh thoảng lại nổi lên một cơn khuấy động mạnh hơn khi đám đông dẹp sang
hai bên tránh đường và một vị Nam tước vĩ đại nào đó, với hàng đoàn cận vệ xung
quanh, cưỡi con chiến mã băng qua để tiến đến vị trí dẫn đầu đoàn nông nô và hầu
cận.
Và trên sườn đồi Coooper, ngay phía đối diện,
tập trung nào dân thị trấn tò mò nào kẻ quê mùa kinh ngạc, những người đã chạy
từ Staines tới, và chẳng ai biết chắc sự om sòm này là vì cái gì, nhưng mỗi người
đều có một câu chuyện riêng về cái sự kiện vĩ đại mà họ đến xem này; và một số
nói rằng thành quả của ngày hôm nay sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho tất cả mọi
người; nhưng các ông bà già lắc đầu, vì họ từng nghe những câu chuyện như thế
này rồi.
Và trên khắp con sông xuôi xuống Staines, rải
rác tàu thuyền cỡ nhỏ và thuyền thúng bé xíu - những thứ giờ không còn được ưa
chuộng mà chỉ kẻ nghèo hèn mới sử dụng thôi. Bên trên dòng thác, nơi nhiều năm
sau sẽ có cửa sông Đập Bell, chúng được những tay chèo khỏe mạnh đẩy hoặc kéo
qua, và bây giờ đang tụ lại, gần đến hết mức sự táo gan cho phép, cạnh những
chiếc thuyền lớn có mái che đã sẵn sàng chở vua John đến nơi bản Hiến chương định
mệnh đang chờ ngài ký.
Giờ đã buổi trưa, chúng tôi và mọi người đã
kiên nhẫn chờ nhiều giờ liền, và bắt đầu xôn xao tin đồn vua John mưu mẹo đã lại
trốn thoát khỏi tay các ngài Nam tước và đã chuồn khỏi Duncroft với đám lính
đánh thuê bám theo sát gót và chẳng mấy chốc sẽ làm chuyện gì đấy không phải là
ký hiến chương trao quyền tự do cho con dân của ngài.
Không phải thế! Lần này cái gông trên cổ
ngài là gông sắt và ngài chỉ có thể quằn quại trong vô vọng. Xa xa trên đường một
đám bụi mù bốc lên, mỗi lúc một gần hơn lớn hơn, tiếng vó ngựa lộp cộp mỗi lúc
một to hơn và từ giữa những nhóm người dàn hàng đi rải rác, xuất hiện một đoàn
lãnh chúa và hiệp sĩ ăn mặc sang trọng cưỡi trên lưng ngựa. Đằng trước, đằng
sau, cánh trái, cánh phải là quân của các Nam tước, và ở giữa là vua John.
Ngài cưỡi ngựa đến nơi mấy chiếc thuyền lớn
đang đậu sẵn và các Nam tước bước ra khỏi hàng để gặp ngài. Ngài chào đón họ bằng
nụ cười mỉm rồi cười thành tiếng cùng những lời lẽ ngọt ngào dễ chịu cứ như thể
đó là một bữa đại tiệc mà ngài được mời đến một cách trang trọng. Nhưng khi nhổm
lên để xuống ngựa, ngài lướt ánh mắt từ đám lính đánh thuê người Pháp của ngài
đang đứng dàn hàng phía sau đến hàng người của các Nam tước đang đứng vững như
bàn thạch vây quanh ngài.
Quá muộn rồi sao? Một cú đấm thôi sơn giáng
vào người kỵ sĩ không chút đề phòng bên cạnh ngài, một tiếng thét với đám quân
người Pháp, một cuộc tấn công dữ dội lên hàng người không hề chuẩn bị trước mặt
ngài, và rồi những tên Nam tước nổi loạn kia có lẽ sẽ phải hối tiếc cái ngày
chúng đã dám cản trở những kế hoạch của ngài! Một bàn tay mạnh bạo hơn hẳn sẽ lật
ngược được thế cờ ngay cả vào thời điểm đó. Nếu như đó là một Richard! Chiếc
chén tự do hẳn đã rời khỏi đôi môi nước Anh và hương vị của tự do hẳn đã phải
lùi lại một trăm năm.
Nhưng trái tim vua John chùng xuống trước
gương mặt sắt đá của những chiến binh người Anh, và cánh tay vua John lại rơi
xuống dây cương và ngài xuống ngựa, ngồi vào chỗ của mình trên chiếc thuyền lớn
đầu tiên. Và các ngài Nam tước vào theo, những cánh tay bọc trong áo giáp đặt
lên đốc kiếm và hiệu lệnh xuất hành được ban ra.
Chậm rãi, những chiếc thuyền nặng nề có
boong sáng lóa rời khỏi bờ Runnymede. Chậm rãi, chúng cần cù đi ngược dòng cho
đến khi, kèm theo tiếng kèn kẹt khe khẽ, chúng áp vào bờ của hòn đảo nhỏ mà kể
từ ngày đó sẽ được mang tên đảo Magna Charta. Vua John bước lên bờ, và chúng
tôi chờ đợi trong sự im lặng đến nghẹt thở cho tới khi một tiếng thét lớn xẻ
đôi bầu không khí và viên đá lát nền vĩ đại trong ngôi đền tự do của nước Anh
đã, như chúng ta đã biết, được đặt một cách chắc chắn.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét