Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) - Chương 10

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)

Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016

Chương 10

Đêm đầu tiên của chúng tôi - Dưới lớp bạt - Thỉnh cầu giúp đỡ - Sự quỷ quyệt của ấm trà và cách xử lý - Bữa tối - Làm thế nào để cảm thấy mình có đạo đức - Đi tìm một đảo hoang có hệ thống dẫn nước tốt và đầy đủ tiện nghi, tốt nhất là gần Nam Thái Bình Duơng - Chuyện buồn cười đã xảy ra với cha của George - Một đêm thao thức.

HARRIS VÀ TÔI BẮT ĐẦU nghĩ rằng cửa sông Đập Bell hẳn là đã biến mất theo đúng kiểu lịch sử lặp lại rồi. George kéo chúng tôi tới Staines và đến đó chúng tôi đổi ca cho hắn, và giờ thì có vẻ như chúng tôi đang phải kéo lê theo mình độ năm chục tấn, và phải cuốc bộ những bốn mươi dặm. Mãi đến bảy rưỡi chúng tôi mới đến nơi và tất cả chui vào khoang thuyền, chèo gần vào bờ trái để tìm chỗ trú chân.
Lúc đầu chúng tôi định đi tiếp đến đảo Magna Charta, một khúc sông xinh đẹp tuyệt vời, nơi dòng sông uốn lượn xuyên qua một thung lũng mềm mại xanh tươi, và sẽ cắm trại ở một trong khá nhiều con lạch đẹp như tranh tìm thấy được trên bờ sông bé tí ấy. Nhưng, chẳng hiểu sao, bây giờ chúng tôi không cảm thấy háo hức với cái chỗ đẹp như tranh ấy như lúc trước nữa. Đêm ấy chỉ cần khoảnh nước giữa chiếc sà lan chở than và một xưởng hơi đốt cũng đủ làm chúng tôi thỏa lòng rồi. Chúng tôi không cần cảnh quan. Chúng tôi chỉ cần bữa tối và được đi ngủ. Tuy nhiên chúng tôi đã chèo tới được một địa điểm - “Điểm Picnic,” tên chỗ ấy là thế - và chui vào một góc dễ chịu dưới một cây đu khổng lồ, buộc chặt thuyền vào đám rễ chằng chịt.
Và sau đó chúng tôi nghĩ mình ăn tối thôi (chúng tôi đã bỏ qua bữa trà để tiết kiệm thời gian), nhưng George bảo chưa đâu; rằng tốt hơn là đầu tiên chúng tôi nên căng bạt lên trước khi trời tối, trong lúc chúng tôi còn nhìn thấy được mình đang làm gì. Thế rồi hắn nói rằng khi mọi việc xong xuôi, chúng tôi có thể ngồi ăn với tâm hồn thanh thản.
Cái tấm bạt ấy cần nhiều công sức hơn so với mức tôi cho là bất kỳ ai trong ba chúng tôi dự tính. Về mặt lý thuyết, nó có vẻ vô cùng đơn giản. Ta cầm năm cái khung sắt to như những cái vòng bóng vồ khổng lồ và lắp chúng lên khắp thuyền, rồi căng lớp vải bạt lên trên chúng và buộc chặt lại: chắc chỉ mười phút là xong, chúng tôi nghĩ thế.
Như thế là đánh giá thấp nó quá.
Chúng tôi giương đống khung lên và bắt đầu thả chúng xuống mấy cái lỗ dành cho chúng. Bạn sẽ không tưởng tượng được rằng đó là một công việc nguy hiểm; nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy đúng là kỳ diệu khi bọn tôi còn sống mà kể lại chuyện này. Chúng không phải mấy cái khung, có mà là lũ yêu quái ấy chứ. Đầu tiên chúng chẳng vừa với mấy cái lỗ chút nào và chúng tôi phải nhảy lên chúng, lấy chân đá, đập bằng móc thuyền, và khi lọt vào được rồi thì hóa ra chúng lại nhầm lỗ, và thế là lại phải nhổ hết lên.
Nhưng chúng không chịu bật lên cho đến khi hai người trong bọn tôi phải vật lộn với chúng mất năm phút thì bỗng dưng chúng bật lên ném chúng tôi xuống nước và nhận chìm chúng tôi. Chúng có khớp nối ở giữa và nhằm khi bọn tôi không để ý, chúng bèn kẹp các khớp nối này vào những khu vực nhạy cảm trên cơ thể chúng tôi; và trong khi chúng tôi đánh vật với một bên lỗ và cố gắng thuyết phục nó làm tròn nhiệm vụ thì phía bên kia sẽ luồn ra sau lưng chúng tôi một cách hèn hạ và đập vào đầu chúng tôi.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng xử lý xong xuôi và tất cả đã sẵn sàng để phủ bạt lên. George dỡ bạt ra và buộc chặt một đầu vào mũi thuyền. Harris đứng ở giữa để chụp lấy nó từ tay George và tung nó cho tôi, còn tôi đứng ở đuôi thuyền để tóm lấy nó. Mất bao nhiêu thời gian nó mới đến tay tôi. George hoàn thành phần việc của hắn ổn thỏa, nhưng với Harris thì đây là một việc mới mẻ, và hắn làm chả ra gì.
Tôi không biết hắn đã làm thế nào, hắn cũng không sao tự lý giải được; nhưng nhờ một cách thức thần bí nào đó mà sau mười phút nỗ lực siêu nhiên, hắn cũng thành công trong việc gói gọn người vào mớ bạt ấy. Hắn được gói tròn, được nhét vào trong và bọc chặt đến độ không chui ra nổi. Dĩ nhiên hắn đã vùng vẫy điên cuồng để giành lấy tự do - thứ quyền bẩm sinh của mỗi người dân nước Anh - và trong khi làm thế (chuyện này về sau tôi mới biết) hắn đổ nhào lên người George; và rồi George, miệng không ngừng chửi rủa Harris, cũng bắt đầu vùng vẫy và khiến chính mình cũng vướng vào đó rồi bị cuộn tròn lại.
Lúc ấy tôi chẳng biết gì về chuyện này hết. Chính tôi cũng không hiểu việc đó ra sao. Bọn hắn bảo tôi cứ đứng yên tại chỗ mà chờ cho đến khi tấm bạt đến chỗ mình, vậy là con Montmorency và tôi cứ ngoan ngoãn đứng đó chờ. Chúng tôi có thể thấy khá rõ tấm vải bạt bị giằng giật co kéo từ bên này sang bên kia; nhưng chúng tôi cho đó là một phần cách thức thực hiện công việc nên không can thiệp.
Chúng tôi cũng nghe thấy những tiếng nghèn nghẹt phát ra từ dưới lớp bạt và đoán rằng bọn hắn thấy công việc khá rắc rối, vậy là chúng tôi kết luận rằng cả hai sẽ chờ cho đến khi mọi thứ trở nên đơn giản hơn chút nữa rồi mới tham gia.
Chúng tôi chờ một lúc, nhưng vấn đề có vẻ chỉ càng lúc càng thêm phức tạp cho đến khi cuối cùng thì cái đầu của George cũng vặn vẹo thò ra ở một bên thuyền và cất tiếng.
Nó nói:
- Không đỡ bọn này một tay được hả, thằng đần kia; cứ đứng đấy như cái xác ướp cứng đờ trong lúc thấy rõ bọn này đều đang chết ngạt đây thế hả, thằng ngu kia!
Tôi không bao giờ từ chối một lời kêu gọi giúp đỡ, vì thế tôi đến gỡ bọn hắn ra; kịp thời và đúng lúc vì mặt Harris đã gần như tím ngắt.
Sau đấy chúng tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ lao động vất vả mới căng được tấm vải bạt lên cho tử tế, rồi chúng tôi dọn dẹp khoang thuyền và ăn tối. Chúng tôi bắc ấm nước lên đun ở đầu mũi thuyền rồi đi về phía đuôi thuyền, giả vờ không thèm để ý gì đến nó mà làm những việc khác.
Đó là cách duy nhất để làm cho một cái ấm nước sôi trên sông. Nếu thấy người ta đang chờ nó và đang bồn chồn lo lắng, nó sẽ chẳng bao giờ thèm réo lên. Ta phải đi ra chỗ khác và bắt đầu bữa ăn, làm như thể ta sẽ không uống tí trà nào. Thậm chí ta không được quay lại nhìn nó. Thế rồi chẳng mấy chốc ta sẽ nghe thấy tiếng nó sôi ùng ục, thèm được pha thành trà ghê gớm.
Trong trường hợp ta đang vội muốn chết đi được, sẽ là một kế hoạch hay nếu ta nói to với nhau rằng ta chẳng cần trà và sẽ không uống tí nào hết. Ta đứng gần cái ấm để nó có thể nghe lỏm lời ta nói, và rồi ta gào lên: “Tớ chẳng muốn trà triếc gì hết; cậu có muốn không, George?” và George sẽ hét đáp lại, “Ồ không, tớ không thích trà; chúng ta có món nước chanh mà, nước trà khó tiêu kinh lên được”. Như thế thì cái ấm sẽ sôi ngay và làm tắt bếp.
Chúng tôi áp dụng trò bịp vô hại này và kết quả là cho đến khi tất cả những thứ khác sẵn sàng thì món trà cũng đang chờ. Thế rồi chúng tôi đốt đèn bão và ngồi xổm xuống ăn tối.
Chúng tôi thèm bữa tối ấy lắm rồi.
Trong suốt ba nhăm phút không nghe thấy một âm thanh nào suốt dọc chiều dài và bề rộng của con thuyền, trừ tiếng bát đĩa lách cách và tiếng hàm răng nhai rộp roạp. Sau ba nhăm phút, Harris bảo: “Á!” và nhấc chân trái từ dưới mông ra rồi cho chân phải vào đấy.
Năm phút sau George cũng bảo “A”, và vứt đĩa của hắn lên bờ, rồi ba phút sau đó, con Montmorency thể hiện dấu hiệu hài lòng đầu tiên kể từ lúc chúng tôi khởi hành và nằm lăn sang một bên, duỗi cẳng ra; rồi đến lượt tôi nói “A” và ngả đầu ra sau đập trúng vào một cái vành sắt nhưng tôi chẳng thèm để tâm. Tôi thậm chí còn không chửi rủa gì hết.
Khi no, người ta cảm thấy tuyệt làm sao - thỏa mãn với bản thân và với thế giới biết bao! Những người từng kinh qua chuyện này rồi thường bảo tôi rằng một lương tâm trong sạch khiến ta hạnh phúc và mãn nguyện; nhưng một cái dạ dày căng phồng cũng làm được việc đó khá hiệu quả, mà lại còn rẻ và dễ thực hiện hơn nhiều. Sau một bữa ăn bổ dưỡng được tiêu hóa tốt, người ta cảm thấy mình thật hào phóng và độ lượng, thật cao thượng, thật tốt bụng.
Thật kỳ lạ biết bao, sự thống trị của các cơ quan tiêu hóa đối với trí tuệ của ta. Chúng ta không thể nào làm việc, không thể suy nghĩ trừ phi cái dạ dày của ta sẵn lòng làm thế. Nó điều khiển cảm xúc của ta, đam mê của ta. Sau món trứng và thịt lợn muối xông khói, nó bảo, “Làm việc đi!” Sau món bít tết và bia đen, nó bảo, “Ngủ đi!” Sau một tách trà (mỗi tách hai thìa và không nhúng lâu hơn ba phút), nó bảo đầu óc ta “Bây giờ hãy tỏa sáng đi và thể hiện sức mạnh của ngươi. Hãy hoạt ngôn, hãy sâu sắc, và dịu dàng; hãy nhìn Tự nhiên và cuộc đời với đôi mắt trong sáng; hãy dang đôi cánh trắng của những suy tư bay bổng và hãy vút cao, hỡi linh hồn thần thánh, vượt lên khỏi cái thế giới đảo điên bên dưới ngươi, bay qua những dải sao lấp lánh đến cánh cổng của cõi vĩnh hằng!”
Sau món bánh nướng nóng hổi, nó bảo, “Hãy khờ dại và không có tâm hồn, như một con thú nơi cánh đồng - một con vật không trí não với đôi mắt bơ phờ, không được soi rọi bởi bất cứ tia sáng nào của trí tưởng tượng hay hy vọng, hay sợ hãi, hay tình yêu, hay cuộc sống.” Và sau món rượu brandy với một lượng đáng kể, nó bảo, “Giờ thì đến đây nào, hãy tỏ ra ngớ ngẩn, nhăn nhở và ngã lộn nhào khiến cho bọn bạn của ngươi có thể lăn ra cười - nói lảm nhảm và ấp úng những âm thanh vô nghĩa đi, và cho thấy một kẻ tội nghiệp sẽ là một thằng ngốc bất lực như thế nào nếu sự thông minh và ý chí đều bị nhấn chìm, bên cạnh nhau, như những chú mèo con, trong vài decilit rượu.”
Chúng ta chẳng là gì ngoài những tên nô lệ đích thực nhất, đáng thương nhất của dạ dày chúng ta. Các bạn của tôi ơi, đừng có gắng vươn tới đạo đức và sự ngay thẳng mà làm gì; hãy theo dõi dạ dày của bạn một cách cảnh giác và cho nó ăn kiêng với khả năng phán xét và sự chú tâm. Rồi đạo đức và sự mãn nguyện sẽ đến và ngự trị trong trái tim bạn, không cần đến bất kỳ nỗ lực nào của bản thân; và bạn sẽ là một công dân tốt, một người chồng âu yếm và một người cha dịu dàng - một con người ngoan đạo, đáng kính.
Trước bữa tối, Harris, George và tôi hết sức cáu bẳn gắt gỏng và càu nhàu nhau; sau bữa tối chúng tôi ngồi tươi cười rạng rỡ với nhau và tươi cười rạng rỡ với cả con chó nữa. Chúng tôi yêu quý nhau, chúng tôi yêu quý mọi người. Harris, trong lúc đi đi lại lại, đã trót giẫm lên ngón chân của George. Nếu việc này xảy ra trước bữa ăn, George chắc đã thể hiện nhiều mong ước và khao khát liên quan đến số phận của Harris trên thế gian này và những gì tiếp theo đó chắc hẳn sẽ khiến một người chín chắn phải rùng mình.
Ấy thế mà giờ tên này chỉ nói: “Từ từ thôi, anh già; cẩn thận cái chân đấy”.
Và Harris, nếu là trước bữa ăn thì hẳn đã chỉ nhận xét bằng cái giọng khó chịu nhất rằng sao có thể không giẫm lên chân George nếu người ta phải di chuyển trong phạm vi chục mét quanh chỗ George ngồi và gợi ý rằng George đừng bao giờ ngồi trong một con thuyền kích cỡ bình thường với cái chân voi như thế và khuyên hắn nên treo chân ra ngoài mạn thuyền, nhưng thay vào đó thì giờ lại nói: “Ôi, tớ xin lỗi, bạn già; mong là tớ không làm cậu đau”.
Và George bảo “Không sao”, rằng đó là lỗi của hắn; vậy là Harris bảo không, lỗi của hắn đấy chứ.
Nghe bọn chúng nói chuyện đến là lịch sự.
Chúng tôi châm tẩu và ngồi nhìn ra bóng đêm yên tĩnh, nói chuyện với nhau.
George bảo tại sao chúng ta không luôn như thế này nhỉ - xa rời cái thế giới với những tội lỗi và cám dỗ của nó để sống cuộc đời êm đềm đúng mực và làm việc tốt. Tôi nói rằng đó chính là những gì tôi luôn mong muốn cho bản thân; và chúng tôi bàn bạc về khả năng cả bốn chúng tôi sẽ bỏ đến một hòn đảo hoang thích hợp tiện lợi nào đấy và sống trong những khu rừng ở đó.
Harris bảo rằng mối nguy hiểm của những hòn đảo hoang, theo như hắn được biết, là chúng quá ẩm ướt, nhưng George bảo không, nếu chúng có hệ thống dẫn nước tử tế thì sẽ không như thế.
Và rồi chúng tôi nói đến hạn hán và việc này khiến George sực nhớ lại một câu chuyện rất buồn cười từng xảy ra với bố hắn. Hắn bảo bố hắn từng du ngoạn khắp xứ Wales với một người bạn và một đêm nọ, họ dừng chân tại một quán trọ nhỏ, ở đấy đã có mấy người khác, vậy là họ gia nhập vào đám đó và ở bên họ suốt cả tối.
Họ đã có một tối say sưa, thức rất khuya và đến khi về giường đi ngủ, họ (chuyện này xảy ra khi bố của George còn rất trẻ) cũng đã khá xỉn rồi. Họ (bố George và bạn của bố George) ngủ chung phòng, nhưng khác giường. Họ lấy nến và đi lên gác. Trong lúc họ bước vào phòng, cây nến nghiêng ngả va vào tường và tắt ngóm, vậy nên họ phải cởi quần áo và mò mẫm chui vào giường trong bóng tối. Họ đã làm thế, nhưng thay vì trèo lên hai cái giường khác nhau như họ tưởng, cả hai lại trèo lên cùng một giường mà không hề hay biết - một người nằm xuôi, còn người kia bò lên giường từ đầu ngược lại nên nằm gác chân lên gối.
Im lặng một lúc, rồi bố George bảo:
- Joe này!
- Gì đấy, Tom? - giọng của Joe đáp lại từ đầu kia giường.
- Này, có một thằng cha ở trên giường tớ, - bố George bảo, - chân nó trên gối tớ đây này.
- Ái chà, kỳ lạ thật đấy, Tom, - ông bạn trả lời, - nhưng nếu không phải cũng có một thằng ở trên giường tớ thì cứ là trời đánh thánh vật tớ đi!
- Cậu định làm gì? - bố George hỏi.
- Ái chà, tớ sẽ tống cổ nó đi, - Joe trả lời.
- Tớ cũng thế, - bố George trả lời một cách quả quyết.
Có một cuộc vật lộn ngắn ngủi, tiếp theo là hai tiếng rơi phịch trên sàn và rồi một giọng nói khá sầu thảm vang lên:
- Tớ bảo này, Tom!
- Ừ!
- Cậu thế nào?
- À, nói thật là cái thằng này nó đẩy tớ bật ra khỏi giường rồi.
- Thằng của tớ cũng thế! Tớ không đánh giá cao cái quán trọ này, cậu thì sao?
- Tên cái quán ấy là gì? - Harris hỏi.
- “Con lợn và cái còi”, - George trả lời. - Sao cơ?
- À, không, thế thì không trùng hợp rồi - Harris nói.
- Ý cậu là gì? - George chất vấn.
- Lạ thật đấy, - Harris lẩm bẩm, - nhưng đó chính xác là những gì từng xảy ra với bố tớ ở một quán trọ miền quê. Tớ thường xuyên nghe bố tớ kể chuyện này mà lại. Tớ cứ tưởng có khi lại cùng một quán không chừng.
Đêm đó chúng tôi đi ngủ lúc mười giờ, và tôi nghĩ mệt thế thì mình sẽ ngủ ngon, nhưng hóa ra không phải. Thường thì tôi cởi quần áo và ngả đầu lên gối, và rồi y như rằng ai đấy sẽ đập cửa ầm ầm mà bảo rằng đã tám rưỡi rồi, nhưng tối nay mọi thứ có vẻ chống lại tôi; sự mới lạ của tất cả mọi thứ, cái sàn thuyền cứng ngắc, tư thế gò bó (tôi nằm chân nhét dưới ghế và đầu thì gối lên một cái ghế khác), tiếng nước vỗ nhè nhẹ quanh thuyền và gió thổi qua tán cây khiến tôi mãi bồn chồn không yên.
Tôi rồi cũng thiếp đi được vài giờ đồng hồ và rồi một bộ phận nào đấy của con thuyền có vẻ như đã mọc ra trong đêm - vì chắc chắn nó không có ở đó khi chúng tôi khởi hành, và đến sáng thì biến mất - cứ đâm vào xương sống tôi. Tôi mặc kệ nó mà ngủ được một lúc, mơ thấy mình đã nuốt chửng một đồng vàng và người ta đang lấy khoan mà khoan một cái lỗ ở lưng tôi để cố moi nó ra. Tôi nghĩ họ làm thế là rất không tử tế và tôi bảo họ rằng tôi nợ họ chỗ tiền ấy và cuối tháng họ sẽ có nó thôi. Nhưng họ không nghe và bảo rằng tốt hơn là họ lấy luôn bây giờ vì nếu không thì lãi suất sẽ tích lại. Vì thế tôi khá bực bội và nói thẳng những suy nghĩ của mình về họ, vậy là họ xoay mạnh cái khoan khiến tôi đau đến mức phải tỉnh dậy.
Con thuyền có vẻ ngột ngạt và đầu tôi đau nhức; vì thế tôi nghĩ mình nên đi ra ngoài tận hưởng không khí ban đêm mát mẻ. Tôi chui đại vào mớ quần áo tìm được quanh đó - thứ là của tôi, thứ thì của George và Harris - rồi bò dưới lớp bạt để lên bờ.
Đó là một đêm tuyệt vời. Mặt trăng đã lặn, để mặt đất lặng lẽ lại cho các vì sao. Có vẻ như, trong sự tĩnh lặng và yên bình, khi chúng tôi - những đứa con của mẹ đất - đang chìm trong giấc ngủ thì những ngôi sao chuyện trò với người chị của chúng, bàn luận về những bí ẩn vĩ đại bằng thứ giọng trải ra quá rộng và quá thâm trầm đến mức những đôi tai con trẻ của loài người không thể nào nghe thấy được.
Chúng khiến chúng ta sợ hãi, những vì sao kỳ lạ này, lạnh lẽo biết bao, sáng trong biết bao. Chúng ta như những đứa trẻ với đôi chân bé nhỏ đã lạc bước vào một ngôi đền mờ tối thờ một vị thần mà ta vốn được dạy phải tôn sùng nhưng lại không biết đó là ai; và đứng ở nơi mái vòm âm vang vắt qua dải ánh sáng mờ ảo trải dài, ta ngước ánh mắt nửa hy vọng, nửa e sợ lên để rồi nhìn thấy một bóng ma đáng sợ nào đó đang lởn vởn ở phía trên.
Ấy vậy mà đêm đó dường như vẫn tràn ngập sức mạnh và sự dễ chịu. Trong sự hiện diện vĩ đại của đêm, những nỗi buồn cỏn con của chúng ta cũng phải ngượng ngùng len lén lẻn đi. Ngày đã đầy những bực bội lo toan, và trái tim của chúng ta đã đầy những suy nghĩ xấu xa cay đắng, và thế giới dường như đã quá bất công tàn nhẫn với chúng ta. Thế rồi Bóng đêm, như người mẹ vĩ đại thân thương, đã âu yếm đặt bàn tay lên vầng trán hầm hập của ta và quay gương mặt bé nhỏ hoen nước mắt về phía người mà mỉm cười, và dù người không thốt ra lời nào, ta vẫn biết người nói gì, và ta áp đôi má nóng bừng đỏ rực của mình vào lòng người, và nỗi đau tan biến hết.
Đôi khi nỗi đau của ta thật sâu sắc và rất thực, và ta đứng thinh lặng trước người vì không ngôn ngữ nào diễn tả được nỗi đau ấy, duy chỉ có tiếng rên. Trái tim của Bóng đêm tràn ngập sự thương xót dành cho ta: người không thể xoa dịu nỗi đau của ta; người ấp ủ bàn tay ta, và cái thế giới nhỏ bé này càng lúc càng trở nên nhỏ bé và xa xăm dưới chân ta, và, tì vào đôi cánh sẫm màu của người, trong một khoảnh khắc ta trôi vào một Hiện hữu còn vĩ đại hơn cả của người, và trong ánh sáng kỳ diệu của Hiện hữu vĩ đại ấy, toàn bộ cuộc sống thế nhân trải ra trước mắt ta như một cuốn sách, và ta biết rằng Đau đớn và Buồn khổ chẳng là gì khác ngoài những thiên thần của Chúa trời.
Chỉ những người mang chiếc vương miện của sự thống khổ mới có thể nhìn thấy thứ ánh sáng kỳ diệu ấy; và họ, khi quay trở lại, không thể nói về nó cung như về bí ẩn mà họ biết.
Ngày xửa ngày xưa, có một đoàn kỵ sĩ oai hùng cưỡi ngựa băng qua một đất nước xa lạ, và con đường họ đi nằm bên một khu rừng sâu thăm thẳm chằng chịt những cây thạch nham to khỏe, cào rách da thịt người nào lạc bước vào trong. Còn lá rừng thì dày và sẫm màu đến mức không tia sáng nào có thể xuyên qua tán cây để giảm bớt sự ảm đạm và buồn bã.
Và khi băng qua cánh rừng tối đen đó, một hiệp sĩ bị lạc khỏi đoàn đã lang thang rất xa và không quay lại với họ nữa; vậy là, trong nỗi đau buồn sâu sắc, họ bèn phi ngựa đi tiếp mà không có hiệp sĩ ấy và khóc thương anh như với người đã chết.
Rồi thì, khi tới tòa lâu đài xinh đẹp vốn là đích đến của chuyến đi, họ ở lại đó nhiều ngày, chơi đùa vui vẻ; và một đêm nọ, lúc họ đang ngồi nhàn nhã vui vẻ quanh những khúc củi bập bùng cháy trong đại sảnh và đã uống kha khá rượu, người bạn đường mà họ đã lạc mất bỗng xuất hiện và chào hỏi họ. Quần áo anh tả tơi như của kẻ ăn mày, và trên cơ thể đẹp đẽ của anh có rất nhiều vết thương nghiêm trọng, nhưng từ khuôn mặt anh lại bừng lên một thứ ánh sáng vô cùng rạng rỡ của niềm vui sâu sắc.
Họ hỏi anh đã gặp chuyện gì; vậy là anh kể lại cho họ nghe về chuyện anh đã bị lạc đường trong cánh rừng đen tối ấy, đã lang thang suốt nhiều ngày đêm cho đến khi, cả người xây xước máu me, anh chỉ còn biết nằm chờ chết.
Thế rồi, khi cái chết đã cận kề thì kìa! một thiếu nữ trang nghiêm đã xuyên qua bóng tối ảm đạm hoang vu bước đến bên anh, nắm tay dẫn anh qua những con đường quanh co không ai biết cho đến khi trong bóng tối của khu rừng bỗng thấy le lói một tia sáng mà so với ánh sáng ban ngày thì chỉ như một ngọn đèn con so với mặt trời mà thôi; và, trong ánh sáng diệu kỳ ấy, chàng hiệp sĩ mệt mỏi của chúng ta đã nhìn thấy một hình ảnh như trong mơ, và hình ảnh ấy có vẻ huy hoàng và đẹp đẽ đến mức anh không còn để tâm đến những vết thương đang rỉ máu của mình nữa mà cứ đứng như một kẻ bị mê hoặc, một kẻ với niềm vui sướng sâu như biển khơi mà không ai có thể nói được độ sâu đó là đến đâu.
Hình ảnh ấy mờ dần, và người hiệp sĩ quỳ xuống đất cảm ơn vị thiện thần đã khiến anh lạc bước trong khu rừng u sầu đó để anh nhìn thấy được hình ảnh đã giấu mình ở đấy.
Và tên của khu rừng tối tăm ấy là Nỗi buồn. Nhưng chúng ta có lẽ sẽ không bàn đến hình ảnh mà người kỵ sĩ kia đã nhìn thấy ở nơi này.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét