Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) - Chương 8

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)

Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016

Chương 8

Tống tiền - Cách xử trí đúng đắn - Sự ích kỷ quê mùa của bọn chủ đất ven sông - Bảng “thông báo” - Những cảm giác không giống người Cơ đốc của Harris - Harris hát một bài hát vui nhộn như thế nào - Bữa tiệc thượng lưu - Cách cư xử đáng hổ thẹn của hai thanh niên bị bỏ rơi - Một số thông tin vô bổ - George mua một cây đàn banjo.

CHÚNG TÔI DỪNG LẠI dưới rặng liễu gần công viên Kempton và ăn trưa. Chỗ này là một nơi xinh xắn; một bờ cỏ xanh vui mắt chạy dọc theo mép nước và bên trên là hàng liễu rủ bóng. Chúng tôi vừa bắt đầu món thứ ba - bánh mì và mứt - thì một quý ông ăn mặc giản dị miệng ngậm tẩu ngắn đi đến hỏi xem chúng tôi có biết mình đang xâm phạm đất đai của người khác không. Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi vẫn chưa nghiên cứu vấn đề một cách đầy đủ để đi đến một kết luận dứt khoát về điểm này, nhưng nếu hắn ta khẳng định với tư cách của người quân tử rằng chúng tôi đã xâm nhập trái phép thì chúng tôi sẽ không còn chần chừ gì nữa mà tin ngay thôi.
Tay đó bèn cam đoan thế và chúng tôi bèn cảm ơn hắn, nhưng thằng cha vẫn lởn vởn ở đấy và có vẻ như chưa được thỏa mãn cho lắm, vậy là chúng tôi hỏi mình có thể làm gì hơn cho hắn không; và Harris, vốn tính thân thiện, còn mời hắn ta một miếng bánh mì và mứt nữa.
Tôi đoán tay này là thành viên của một hội nào đó đã thề kiêng bánh mì và mứt, vì hắn từ chối lời mời này hết sức thô lỗ, cứ như thể phật ý với chuyện bị cám dỗ bằng cái món đó hay sao ấy, thằng cha còn bổ sung thêm rằng nhiệm vụ của hắn là tống chúng tôi ra khỏi chỗ này.
Harris nói nếu đúng đó là nhiệm vụ thì cần phải thi hành thôi, và hỏi tay kia xem hắn nghĩ cách nào thì tốt nhất để thực thi được nhiệm vụ ấy. Harris thuộc loại người mà chúng ta vẫn gọi là một gã to cao cân đối, trông vừa gân guốc vừa khỏe mạnh, và sau khi ngắm nghía đánh giá Harris chán chê, tay kia bèn tuyên bố hắn sẽ đi hỏi ý kiến ông chủ, rồi sẽ quay lại quăng cả hai chúng tôi xuống sông cho xem.
Dĩ nhiên chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại hắn nữa, và, tất nhiên, những gì hắn thật sự cần là một vài xu. Có một cơ số những thằng du côn ven sông như thế, chúng đã kiếm được kha khá tiền trong mùa hè bằng cái trò đi vòng vòng hai bên bờ và tống tiền những người khờ dại yếu bóng vía như vừa rồi. Chúng tự giới thiệu chúng được chủ đất cử đến. Trong trường hợp ấy tốt nhất là để lại tên và địa chỉ cho chủ đất - nếu như người này thật sự có gì liên quan đến vấn đề này - gọi ta đến, và chứng minh xem ta đã gây ra thiệt hại gì đến đất của ông ta khi ngồi lên một mẩu bé tí trong ấy. Nhưng hầu hết mọi người đều vừa lười vừa nhát nên họ thà xì tiền ra nộp để khích lệ thêm sự bắt chẹt này còn hơn là xử lý đến nơi đến chốn vụ việc vốn chỉ cần chút kiên định này.
Nếu tên chủ đất nào thật sự muốn gây hấn, hắn sẽ phải thò mặt ra. Đúng là sự ích kỷ của cái bọn chủ đất ven sông mỗi năm một lớn. Nếu có cách chắc bọn chúng còn rào luôn cả sông Thames lại ấy chứ. Mà thật sự thì bọn chúng đã rào chắn các nhánh sông nhỏ và vùng nước đọng ven sông rồi. Chúng đóng cọc vào giữa dòng, giăng xích từ bên này sang bên kia và đóng những tấm biển thông báo to tướng trên từng cái cây. Những tấm biển kiểu này đã làm khơi dậy trong tôi mọi bản năng xấu xa nhất. Tôi muốn giật tung từng cái biển xuống và nện nó vào đầu thằng nào đã dựng nó lên cho đến khi thằng cha ấy chết nhe răng, rồi tôi chôn hắn và lấy cái biển ấy làm bia mộ luôn thể.
Tôi chia sẻ những cảm giác của mình với Harris và hắn nói hắn sẽ còn tàn độc hơn thế. Hắn nói không những hắn muốn giết chết tươi thằng nào dựng mấy tấm biển ấy lên mà còn muốn tru di cả nhà nó, cả bạn bè họ hàng hang hốc và đốt nhà thằng ấy ra tro luôn. Theo tôi thì làm vậy hình như hơi quá tay, tôi bảo Harris thế, nhưng hắn trả lời: “Chẳng quá tay chút nào đâu. Xử lý chúng nó xong rồi thì tớ sẽ còn đến ca một bài vui nhộn trên đống tro tàn nữa cơ”.
Tôi thấy thật buồn lòng khi Harris nói tiếp với giọng điệu khát máu như thế. Chúng ta không bao giờ được để bản năng phán xét của mình xuống cấp thành lòng hận thù như thế. Phải mất một lúc lâu tôi mới có thể thuyết phục được Harris nhìn nhận vấn đề trên quan điểm có tính chất của người theo đạo Cơ đốc hơn, tuy nhiên cuối cùng tôi cũng thành công, và hắn hứa với tôi sẽ tha cho bạn bè và họ hàng hang hốc của kẻ tội đồ và sẽ không hát một bài vui nhộn trên đống đổ nát nữa.
Bạn chưa bao giờ nghe Harris hát một bài vui nhộn, nếu không bạn sẽ hiểu tôi đã làm được gì cho nhân loại. Một trong những ý tưởng chắc như đinh đóng cột trong đầu Harris là hắn có thể ca một bài vui nhộn; và trái lại, trong đầu những người bạn đã từng nghe Harris hát thì lại là hắn không thể, và sẽ không bao giờ có thể, và hắn không được phép thử điều đó.
Khi Harris có mặt ở một bữa tiệc và được yêu cầu hát một bài, hắn sẽ trả lời:
- À, tôi chỉ có thể hát được một khúc ca vui nhộn thôi, quý vị biết rồi đấy. - và hắn sẽ nói câu ấy với một giọng điệu ẩn ý rằng dù thế, tiếng hát của hắn là thứ mà bạn chỉ cần nghe một lần trong đời là có thể nhắm mắt xuôi tay.
- Ôi, thật là tuyệt quá, - bà chủ nhà nói. - Hát đi, ngài Harris ơi; - và Harris sẽ đứng lên đi tới chiếc đàn piano với vẻ mặt tươi vui rạng ngời của một người hào hiệp đang sắp sửa trao tặng ai đó một món quà.
- Xin mọi người trật tự cho, - bà chủ nhà quay người một vòng nói, - ngài Harris sẽ hát một khúc ca vui nhộn!
- Ôi chao, thật tuyệt vời! - quan khách rì rầm, và họ vội vàng chạy vào từ nhà kính bên cạnh, từ dưới cầu thang đi lên, gọi những người khác từ khắp nơi trong nhà, tụ tập trong phòng khách và ngồi thành vòng tròn, tất cả đều mỉm cười chờ đợi.
Thế rồi Harris bắt đầu.
Ta không trông chờ nhiều vào chất giọng trong một khúc ca vui nhộn. Ta không trông chờ người hát phải phân nhịp đúng hay xướng âm chuẩn. Ta cũng chẳng nề hà nếu như đang hát dở một nốt nhạc người hát mới phát hiện ra mình đã lên giọng cao quá và rồi xuống tông ngay tắp lự như một thằng dở hơi. Ta cũng chẳng mấy quan tâm đến nhịp phách. Ta chẳng nề hà gì lắm khi một người hát nhanh hơn dàn nhạc đệm vài ba nhịp, và giảm thanh ở giữa một đoạn để tranh cãi với người chơi piano, và sau đó bắt đầu hát lại từ đầu. Nhưng ở ca từ thì ta có trông đợi đấy.
Ta không trông đợi một ai đó chả bao giờ nhớ được quá ba dòng đầu của đoạn thứ nhất và cứ hát đi hát lại mãi mấy câu ấy cho đến khi bắt đầu điệp khúc. Ta không trông đợi ai đó bỏ ngang giữa một dòng và cười toe cười toét mà rằng, buồn cười quá, thực là phúc tổ cho anh ta nếu anh ta nhớ ra được phần còn lại của bài hát, và rồi cố tự bịa ra; và sau đó, khi đến một đoạn hoàn toàn khác của bài hát, hắn lại sực nhớ ra, và đột ngột ngừng lại mà không có dấu hiệu gì báo trước, để hát lại đoạn cũ và bắt ta nghe đoạn trước xọ đoạn sau. Ta không… à, thôi để tôi cung cấp cho bạn ít khái niệm về chuyện Harris hát khúc ca vui rồi thì bạn tự đánh giá lấy vậy.
HARRIS (đứng trước piano phát biểu với đám đông đang chờ đợi):
- Tôi e rằng đây là một bài hát rất xưa rồi, quý vị biết đấy. Tôi mong là tất cả quý vị đều biết bài này. Đó là bài duy nhất tôi biết. Đó là bài hát của ngài Thẩm phán trích trong vở Cái tạp dề - à không, tôi không định nói là vở Cái tạp dề - tôi muốn nói - quý vị biết tôi muốn nói gì rồi đấy - một vở khác, quý vị biết đấy. Tất cả các vị phải đồng thanh hát với tôi đoạn điệp khúc, quý vị biết rồi đấy.
Có tiếng rì rầm vui sướng và băn khoăn về việc hòa chung đoạn điệp khúc. Khúc dạo đầu bài hát của ngài Thẩm phán trong Vụ xử án được tay nhạc công piano bị căng thẳng thần kinh trình diễn tuyệt vời. Đã đến đoạn Harris cần vào nhịp. Harris chẳng để ý gì hết. Nhạc công piano bị căng thẳng bắt đầu chơi lại khúc dạo đầu và Harris bắt đầu hát đúng lúc đó, nhảy cóc hai dòng đầu trong bài hát của ngài Bộ trưởng của vở Cái tạp dề. Nhạc công piano bị căng thẳng cố gắng tăng tốc khúc dạo đầu, rồi bỏ cuộc, và cố chơi phần đệm cho bài hát của ngài Thẩm phán trong vở Vụ xử án để theo kịp Harris, sau đó nhận ra là không khớp nhạc, và cố nhớ xem mình đang làm gì, đang ở đoạn nào, rốt cuộc cảm thấy đầu óc mình đầu hàng hoàn toàn và dừng lại ngay sau đó.
HARRIS (với vẻ khuyến khích rất tử tế): Tốt lắm. Ông chơi thế rất ổn rồi, thực đấy, tiếp tục đi.
NHẠC CÔNG PIANO BỊ CĂNG THẲNG: Tôi e có nhầm lẫn ở đâu đó. Ngài đang hát bài gì vậy?
HARRIS (ngay lập tức): Bài hát của ngài Thẩm phán trong vở Vụ xử án. Ông không biết bài ấy à?
MỘT SỐ BẠN CỦA HARRIS (từ cuối phòng): Không phải, đồ đầu đất, cậu đang hát bài của ngài Đô đốc trong vở Chiếc tạp dề cơ mà.
Tranh luận dài dòng giữa Harris và bạn của Harris về việc Harris thật sự đang hát gì. Cuối cùng, đám bạn hắn cũng nêu ý kiến là Harris hát cái gì không quan trọng bằng việc hắn cứ tiếp tục hát cho xong, và Harris, rõ ràng có một cảm giác dày vò day dứt trong thâm tâm, yêu cầu nhạc công chơi lại từ đầu. Nhạc công, ngay sau đó bắt đầu chơi lại đoạn nhạc dạo bài hát của ngài Đô đốc, Harris bèn tóm ngay một đoạn mà hắn coi là đoạn vào nhạc thuận lợi nhất, và bắt đầu.
HARRIS:
“Khi tôi còn trẻ và được gọi ra trước tòa”.
Một tràng cười rộ lên, được Harris coi như dấu hiệu khen ngợi. Người nhạc công piano, nghĩ đến vợ và gia đình, đã từ bỏ cuộc đua tài không cân xứng này và rút lui; một người có thần kinh vững vàng hơn thế chỗ.
NHẠC CÔNG PIANO MỚI (vui vẻ): Bây giờ, anh giai ơi, anh bắt đầu trước đi và tôi sẽ chơi theo. Chúng ta chẳng quan tâm đến nhạc dạo nhạc diếc làm gì.
HARRIS (đang dần dần vỡ ra vấn đề - cười thật tươi): Ôi Chúa ơi! Cho tôi xin lỗi nhé. Tất nhiên - tôi đã trộn lẫn hai bài hát với nhau. Một con quỷ đã làm tôi lẫn lộn rồi, quý vị biết đấy. Bây giờ thì…
Hát; giọng hắn nghe như vọng từ dưới hầm rượu lên, và âm trầm đầu tiên cứ như dấu hiệu cảnh báo về một trận động đất đang tiến đến.
Khi còn trẻ tôi phục vụ một học kỳ
Làm cậu bé chạy việc cho hãng luật tư
(Thì thầm với nhạc công piano): Tông thế thấp quá, ông ơi; nếu ông không phiền chúng ta sẽ bắt đầu lại nhé.
Lại hát hai câu trên lần nữa, lần này bằng một giọng cao the thé.
Khán giả cực kỳ ngạc nhiên. Quý bà có tuổi thần kinh yếu đứng gần lò sưởi bắt đầu khóc, người khác phải dìu bà ra ngoài.
HARRIS (tiếp tục):
Tôi quét cửa sổ và tôi quét cửa ra vào,
Và tôi…
Không, không, tôi lau cửa sổ của cái cửa to đằng trước. Và tôi đánh bóng sàn nhà, không, bỏ qua, tôi xin lỗi, lạ thật, tôi không nhớ ra câu ấy. Và tôi… và tôi… ôi, chúng ta tiếp tục đến phần điệp khúc đi thôi (hát):
Và tôi là lá la la la la la la,
Cho đến giờ thì tôi là người đứng đầu hải quân của Nữ hoàng rồi.
Thôi nào, điệp khúc rồi - lặp lại hai câu vừa rồi ấy, quý vị ơi.
HỢP XƯỚNG:
Và tôi là lá la la la la la la,
Cho đến giờ thì tôi là người đứng đầu hải quââần của Nữ hoàng rồi
Và Harris chẳng bao giờ hiểu hắn đã biến mình thành thứ khốn kiếp xiết bao, và đã quấy rầy đến độ nào biết bao nhiêu con người chưa bao giờ làm gì hại đến hắn. Hắn thành thực tưởng tượng rằng như thế là hắn đã đối đãi họ hết sức trọng vọng và nói rằng hắn sẽ hát tiếp một khúc nhạc vui sau bữa ăn khuya.
Lại nói về các khúc nhạc vui và những buổi tiệc, tôi nhớ ra một sự việc khá kỳ dị mà tôi đã từng góp một tay gây ra; những thứ mà vì đã rọi sáng hoạt động tinh thần của bản tính con người nói chung nên theo tôi cần phải được lưu giữ trên những trang giấy này.
Chúng tôi là một nhóm sang trọng và có đẳng cấp. Chúng tôi diện những bộ đẹp nhất, chúng tôi nói năng nhã nhặn và rất vui vẻ - tất cả đều vui vẻ trừ hai chàng trẻ tuổi, sinh viên, vừa ở bên Đức về, các chàng dân thường trẻ tuổi có vẻ khá bứt rứt và không thoải mái, như thể họ thấy các nghi thức ở đây chậm quá vậy. Sự thực là, chúng tôi quá thông minh so với họ. Những cuộc đối thoại sắc sảo nhưng tinh tế cùng gu thưởng thức cao cấp của chúng tôi vượt xa tầm của bọn họ. Họ bị lạc lõng giữa chúng tôi. Họ không bao giờ nên xuất hiện ở đây mới phải. Sau này, tất cả mọi người đều nhất trí như vậy.
Chúng tôi chơi những đoạn trích trong tác phẩm của các bậc thầy người Đức. Chúng tôi đàm đạo về triết học và đạo đức. Chúng tôi tán tỉnh nhau với vẻ nghiêm trang duyên dáng. Chúng tôi thậm chí còn hài hước nữa - theo kiểu thượng lưu.
Ai đó ngâm một bài thơ tiếng Pháp sau bữa tối và chúng tôi khen bài ấy thật tuyệt vời; sau đó một quý bà cất giọng ca một bản ballad đầy cảm xúc bằng tiếng Tây Ban Nha, khiến cho một hai người trong chúng tôi bật khóc - thật thê lương.
Rồi sau đó hai chàng trai trẻ kia đứng dậy và hỏi xem chúng tôi đã bao giờ nghe Ngài Slosseen Boschen (ông này vừa mới đến và đang ở phòng ăn) hát khúc nhạc vui tiếng Đức tuyệt vời của ông ta chưa.
Không ai trong chúng tôi từng nghe bài này, đó là những gì chúng tôi có thể nhớ.
Hai chàng trai trẻ bảo đó là bài hát buồn cười nhất từng được sáng tác, và nếu chúng tôi thích thì họ sẽ đi mời cái Ngài Slosseen Boschen mà họ rất thân ấy hát. Họ nói bài hát ấy buồn cười đến độ có một lần Ngài Slosseen Boschen hát trước Hoàng đế nước Đức, ngài (hoàng đế vĩ đại của nước Đức) đã phải để người ta khiêng về giường.
Họ nói không ai hát được bài ấy giống như Ngài Slosseen Boschen; ông ấy cố làm ra vẻ nghiêm trang trong suốt cả bài hát, đến nỗi người ta ngỡ rằng ông đang ngâm nga một điệu ca buồn vậy, và điều đó dĩ nhiên là làm cho nó buồn cười hơn nhiều. Họ bảo chẳng bao giờ người ta nghĩ ông ta đang hát cái gì vui vui khi nhìn vẻ mặt và nghe giọng ông hết - như thế sẽ làm hỏng bét cả bài hát. Chính cái vẻ nghiêm trang, gần như bi ai của ông đã khiến cho nó buồn cười không thể cưỡng lại nổi.
Chúng tôi nói mình tha thiết muốn được nghe bài ấy, vì chúng tôi muốn cười một mẻ cho ra trò; thế là họ xuống nhà, dẫn Ngài Slosseen Boschen lên.
Ông này có vẻ rất sẵn lòng hát cho mọi người nghe, vì ông xuất hiện ngay và ngồi luôn xuống chỗ cây đàn piano mà chẳng nói năng gì.
- Ôi, bài hát sẽ làm các vị thích thú. Các vị sẽ cười lăn ra cho mà xem, - hai cậu sinh viên thì thầm khi đi ngang căn phòng và chọn lấy một vị trí kín đáo phía sau ngài Giáo sư.
Ngài Slosseen Boschen tự đệm đàn cho mình. Khúc dạo đầu chính xác là không làm nảy lên trong trí người nghe một bài hát vui. Nó đem lại cảm giác u buồn kỳ lạ. Nó khiến người ta rùng mình; nhưng chúng tôi thì thầm với nhau rằng phong cách Đức nó thế, và chuẩn bị thưởng thức nó.
Tôi thì chẳng hiểu tiếng Đức. Tôi có học ở trường nhưng đã quên sạch sau khi tốt nghiệp được hai năm, và từ đó cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Tuy nhiên tôi không muốn những người ở đấy nhận ra sự kém hiểu biết của mình; vì thế tôi nảy ra một ý, mà theo tôi, đó là một sáng kiến thông minh vô cùng. Tôi không rời mắt khỏi hai cậu sinh viên nọ và bắt chước theo họ. Khi nào họ cười khúc khích, tôi cười khúc khích, khi họ cười phá lên, tôi cũng cười phá lên; và thỉnh thoảng tự tôi cũng gia giảm thêm ít cười nụ và cười mỉm cho phong phú nữa, như kiểu tôi đã tìm ra được vài điểm dí dỏm riêng mà những người khác không phát hiện ra vậy. Tôi đã nghĩ đây là mánh đặc biệt mà chỉ riêng mình mới có.
Khi bài hát được trình bày, tôi nhận thấy khá nhiều người khác có vẻ cũng dán chặt mắt lên hai thanh niên kia y như tôi. Những người này cũng cười khúc khích khi hai cậu kia cười rúc rích, cười phá lên khi hai cậu cười phá lên; và khi hai cậu cười khúc khích rồi cười phá lên và sau đấy cười lăn cười lộn liên tục suốt cả bài hát thì đám đông cũng hoạt động liên tục như vậy.
Ấy thế mà vị giáo sư người Đức kia không có vẻ gì là vui vẻ. Lúc đầu khi chúng tôi bắt đầu cười phá lên, mặt ông có vẻ kinh ngạc cực độ, cứ như thể tiếng cười là điều cuối cùng trên đời ông trông đợi rằng sẽ được mang ra để chào đón mình. Chúng tôi nghĩ việc này thật quá chừng dí dỏm: chúng tôi nói rằng chỉ riêng vẻ nghiêm trang của ông cũng góp nửa phần vào sự buồn cười rồi. Nếu ông này có chút xíu xiu manh mối nào để biết được bản thân mình ngộ nghĩnh ra sao thì sẽ hỏng hết cả. Khi chúng tôi tiếp tục bò ra cười, sự ngạc nhiên của ông nhường chỗ cho vẻ phẫn nộ và bực mình ghê gớm, và ông bèn mắng mỏ thậm tệ tất cả lũ chúng tôi (chỉ trừ có hai cậu sinh viên ngồi sau lưng ông nên ông không nhìn thấy). Chuyện này lại khiến chúng tôi cười đến thắt cả ruột. Chúng tôi bảo nhau rằng cứ thế này thì chết hết mất thôi. Chỉ riêng lời lẽ của ông ta, chúng tôi bảo nhau thế, đã đủ khiến chúng tôi chết ngất mất rồi, nhưng thêm cái vẻ nghiêm trang giả vờ của ông ta nữa thì - ôi thôi, quả tình là quá sức chịu đựng!
Đến đoạn cuối bài hát, ông ta không còn là mình nữa. Ông ta quắc mắt nhìn khắp lượt chúng tôi với một vẻ hung tợn dữ dội đến độ nếu không được cảnh báo về cách hát các bài hát vui nhộn kiểu Đức thì chúng tôi hẳn đã bị căng thẳng lắm rồi; và ông ta còn tung vào đoạn nhạc bất thường ấy một nốt nhạc ai oán đau đớn không gì tả xiết đến độ nếu không biết trước rằng đó là một bài hát vui, chúng tôi hẳn đã trào nước mắt.
Ông ta kết thúc màn biểu diễn giữa một tràng cười ré hoàn hảo. Chúng tôi nói đó là thứ hài hước vui nhộn nhất mà chúng tôi từng được nghe từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ. Chúng tôi nói thật kỳ lạ xiết bao vì mặc dầu đã có những thứ như thế này rồi mà bàn dân thiên hạ vẫn cho rằng người Đức chẳng có chút xíu khiếu hài hước nào. Và chúng tôi hỏi giáo sư sao không dịch bài hát sang tiếng Anh để người bình thường cũng có thể hiểu được nó và nghe xem thế nào là một bài hát vui nhộn đích thực.
Thế rồi Ngài Slossenn Boschen đứng dậy và trở nên vô cùng đáng sợ. Ông ta chửi rủa chúng tôi bằng tiếng Đức (thứ ngôn ngữ tôi xét thấy cực kỳ hiệu quả cho những mục đích như thế), và ông ta nhảy nhót, vung vẩy nắm đấm và gọi chúng tôi bằng tất cả những từ tiếng Anh mà ông ta biết. Ông ta nói cả đời chưa bao giờ bị sỉ nhục đến như thế.
Hóa ra nó chẳng phải bài hát vui nhộn gì hết. Bài hát kể về một thiếu nữ sống ở núi Hartz đã hy sinh mạng sống để cứu linh hồn người yêu; và cậu này cũng chết, gặp lại linh hồn cô trên không trung, và rồi ở đoạn cuối cùng của bài hát, cậu ta phụ tình cô và bỏ đi với một linh hồn khác - tôi không nhớ rõ chi tiết, nhưng tôi biết đó là một câu chuyện buồn. Ngài giáo sư nói ông từng hát bài này cho Hoàng đế nước Đức nghe và ngài (hoàng đế Đức) đã khóc nức khóc nở như một đứa trẻ. Ông (Ngài Boschen) nói rằng nhìn chung bài hát này được coi như một trong những bài hát cảm động và bi ai nhất trong ngôn ngữ Đức.
Đúng là một tình huống gay go đối với chúng tôi - hết sức gay go. Có vẻ như không có lời giải nào. Chúng tôi nhìn quanh để tìm hai thanh niên đã gây ra việc này nhưng chúng đã lặng lẽ chuồn ra khỏi đấy ngay sau khi bài hát kết thúc.
Bữa tiệc kết thúc ở đấy. Tôi chưa bao giờ thấy một bữa tiệc nào tàn lặng lẽ đến thế và với ít ồn ào đến thế. Chúng tôi thậm chí còn không chào tạm biệt nhau. Chúng tôi lần lượt xuống gác, bước rón rén và len lén nép mình vào một góc. Chúng tôi thì thầm hỏi gia nhân để lấy mũ và áo khoác, tự mở cửa, chuồn ra ngoài và rẽ ngoặt thật nhanh, tránh đụng mặt nhau được chừng nào hay chừng ấy.
Kể từ đó tôi không bao giờ còn hứng thú với các bài hát Đức nữa.
Chúng tôi đến Sunbury lúc ba rưỡi. Con sông duyên dáng xinh đẹp nằm ngay kia trước khi ta đến chỗ cổng, và vùng nước xoáy ngược thật quyến rũ; nhưng đừng có hòng chèo thuyền lên đó.
Tôi từng thử một lần rồi. Tôi chèo bằng mái chèo và hỏi mấy gã chiến hữu điều khiển bánh lái là bọn hắn nghĩ liệu có chèo qua được không và bọn hắn bảo, ồ, được chứ, bọn hắn nghĩ là có thể đấy, nếu như tôi chèo thật hăng vào. Lúc bọn hắn nói thế, chúng tôi đang ở ngay phía dưới một cây cầu nhỏ dành cho người đi bộ bắc ngang qua hai đập nước, và tôi bèn bò ra mà chèo, rồi ngồi thẳng dậy và chèo.
Tôi chèo cật lực. Tôi chèo thành nhịp hết sức nhịp nhàng. Tôi sử dụng cánh tay, chân và cả lưng mình mà chèo. Tôi vận những đường chèo mạnh, nhanh, dứt khoát và lao động thật sự nhiệt tình. Hai người bạn của tôi bảo rằng nhìn tôi chèo thật thích thú. Sau năm phút, tôi nghĩ chúng tôi chắc phải đến khá gần mấy cái đập rồi, và tôi ngước nhìn lên. Chúng tôi đang ở dưới cầu, chính xác đúng tại vị trí tôi bắt đầu chèo, và hai thằng ngu kia thì đang cười như rồ như dại. Tôi đã lao động quần quật như một thằng điên để giữ cho con thuyền đứng nguyên tại chỗ ở dưới cây cầu đó. Bây giờ thì tôi kệ cho mọi người đi mà chèo ngược dòng.
Chúng tôi chèo đến Walton, một nơi khá lớn so với một thị trấn ven sông. Giống như với tất cả những thị trấn ven sông khác, chỉ có một góc nhỏ xíu của nó chạy xuống bên mép nước, vì thế nhìn từ thuyền ta có lẽ sẽ tưởng rằng đó là một ngôi làng chỉ có chừng dăm sáu nóc nhà cả thảy. Windsor và Abingdon là những thị trấn duy nhất nằm giữa London và Oxford mà từ trên sông ta có thể thực sự nhìn cho ra nhìn. Tất cả những thị trấn khác đều ẩn phía sau các ngã rẽ và chỉ hé ra có một góc phố tí xíu tiếp giáp với bờ nước; tôi thấy thật biết ơn chúng vì đã chu đáo để bờ sông lại cho những khu rừng, cánh đồng và trạm cấp nước.
Thậm chí Reading, mặc dù đã cố hết sức để hủy hoại, để làm hoen ố và bôi xấu dòng sông ở bất kỳ chỗ nào nó vươn tới được, cũng đủ tốt tính để giữ cho bộ mặt xấu xí của nó tránh xa tầm nhìn.
Dĩ nhiên Caesar đã có một tòa lâu đài nhỏ ở Walton - một trại lính, một cái hào hay thứ gì đó tương tự. Caesar là một con người sông nước đích thực. Lại thêm nữ hoàng Elizabeth nữa, bà cũng đã từng ở đó. Dù có đi đến đâu thì ta vẫn chẳng bao giờ thoát khỏi người đàn bà đó. Cromwell và Bradshaw (không phải kẻ chỉ điểm mà là tên đao phủ của vua Charles) cũng từng tạm trú tại đó. Bọn họ mà tề tựu lại thì hẳn phải là một nhóm vui phải biết.
Có một cái “khóa miệng” bằng sắt ở nhà thờ Walton. Thời xưa người ta dùng thứ ấy để kiềm chế miệng lưỡi của đàn bà. Giờ thì họ từ bỏ nỗ lực ấy rồi. Tôi cho rằng vì sắt đang càng ngày càng hiếm, mà lại chẳng có loại gì khác đủ lực.
Cũng có nhiều ngôi mộ đáng chú ý trong nhà thờ ấy, và tôi đã e rằng mình sẽ chẳng bao giờ lôi nổi Harris thoát khỏi mấy cái mộ ấy; nhưng hắn có vẻ không để tâm đến chúng, và chúng tôi đi tiếp. Qua khỏi cây cầu, con sông uốn éo cật lực. Việc này khiến cảnh quan trông đẹp như tranh; nhưng xét theo quan điểm của người phải chèo hay kéo thuyền thì việc ấy dễ khiến ta phát cáu và, nó cũng gây nên nhiều tranh cãi giữa người chèo và người lái.
Ven bờ sông bên phải, ta sẽ đi qua công viên Oatlands. Đó là một địa điểm nổi tiếng đã khá lâu đời. Vua Henry VIII đã đoạt lấy nơi này từ tay người nào đó, giờ thì tôi quên béng mất là ai rồi, và sống tại đấy. Trong công viên có một cái hang mà ta phải mua vé mới được vào xem và người ta cho rằng nó vô cùng tuyệt vời; nhưng tôi thì chẳng thấy có gì hay ho. Nữ Công tước xứ York quá cố, vốn từng sống tại Oatlands, rất yêu chó và nuôi cả một đàn đông đúc. Bà ta đã cho xây một khu mộ đặc biệt để khi chúng chết sẽ được chôn tại đấy, và chúng nằm đó, khoảng năm mươi con, con nào cũng có bia mộ và văn bia kèm theo.
Vậy đấy, tôi dám nói rằng chúng xứng đáng với những thứ ấy không thua gì một người Cơ đốc bình thường.
Tại “Những Chiếc Cọc Corway” - khúc quanh đầu tiên nằm trên đoạn sông từ cầu Walton ngược lên thượng nguồn - đã từng có một trận chiến giữa Caesar và Cassivelannus. Cassivelannus đã bày binh bố trận trên sông để chờ Caesar bằng cách đóng đầy cọc bên dưới (và chắc chắn là không chăng cái biển thông báo nào). Nhưng dù có thế Caesar vẫn đi qua được. Ta không thể dùng con sông để nuốt chửng Caesar. Ông thuộc kiểu người mà bây giờ ta muốn có bên cạnh khi qua vùng nước xoáy.
Cả Halliford lẫn Shepperton đều là những địa điểm nhỏ nhắn xinh xắn tại những chỗ chúng tiếp giáp với con sông, nhưng nói chung chúng không có gì đáng chú ý. Tuy nhiên ở nghĩa địa Shepperton có một ngôi mộ trên khắc một bài thơ, và tôi đã lo rằng Harris có thể sẽ muốn lượn lờ lãng phí thời gian cho nó. Khi chúng tôi đến gần bến tàu, tôi nhận thấy hắn dán con mắt hau háu lên đó, vì thế với một động tác khéo léo, tôi cố tình hất cái mũ của hắn bay xuống nước, và trong niềm hân hoan vì giành lại được nó cộng với nỗi căm phẫn trước sự vụng về của tôi, hắn đã quên sạch mấy ngôi mộ yêu quý của mình.
Ở Weybridge, kênh Wey (một con kênh xinh xắn nơi thuyền nhỏ có thể đi qua để đến Guildford, và là con kênh mà tôi đã luôn dự tính sẽ thám hiểm nhưng chưa bao giờ thám hiểm), kênh Bourne và kênh đào Basingstoke đều đổ vào sông Thames. Cửa sông nằm ngay đối diện với thị trấn và thứ đầu tiên chúng tôi thấy khi thị trấn lọt vào tầm mắt là cái áo cộc tay của George trên một trong các cánh cổng ở cửa sông, và đến khi quan sát gần hơn thì thấy có George ở trong.
Con Montmorency oăng oẳng một tràng điếc tai, tôi ré lên, Harris gầm lên; George vẫy mũ hét đáp trả. Người gác cửa sông lao ra mang theo câu móc vì tưởng có người rơi xuống nước và có vẻ hết sức bất bình khi thấy chẳng có ai bị như thế cả.
George cầm trong tay một cái gói lạ mắt bọc vải dầu. Gói này tròn và một đầu dẹt với một cái tay cầm dài thòi ra ngoài.
- Cái gì thế? - Harris hỏi. - Chảo à?
- Không, - George nói với một tia nhìn lạ lùng hoang dại trong mắt, - mấy cái này đang mốt đấy; ai cũng mang chúng khi đi trên sông. Đấy là một cái đàn banjo.
- Tớ không biết là cậu lại chơi đàn banjo cơ đấy! - Harris và tôi gào lên cùng một lúc.
- Không hẳn thế, - George trả lời, - nhưng người ta bảo tớ là chơi cũng dễ thôi, và tớ có sách hướng dẫn cơ mà!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét