Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)
Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016
Chương 13
Marlow
- Tu viện Bisham - Các tu sĩ Medmenham - Con Montmorency tính chuyện sẽ giết chết
một con mèo đực già - Nhưng cuối cùng lại quyết định rằng sẽ để cho nó sống -
Cách cư xử đáng xấu hổ của một con chó săn cáo ở cửa hàng dịch vụ dân sự - Xuất
phát từ Marlow - Một đám diễu hành uy nghiêm - Thuyền du lịch chạy hơi nước, những
công thức hữu dụng để quấy rầy và cản trở chúng - Chúng tôi từ chối uống nước
sông - Một con chó yêu hòa bình - Sự biến mất kỳ lạ của Harris và một cái bánh.
MARLOW LÀ MỘT trong những khu vực trung tâm
sông đáng yêu nhất mà tôi được biết. Đó là một thị trấn sôi động và bận rộn; thật
ra nhìn toàn cảnh thì không quá nên thơ, ấy vậy nhưng ở trong lại có khá nhiều
xó xỉnh ngóc ngách xinh đẹp, những nhịp cuốn vẫn chưa bị tàn phá trên cây cầu
Thời Gian đã gãy mà nhờ nó óc tưởng tượng của chúng tôi lại chu du ngược về những
ngày trang viên Marlow còn thuộc quyền sở hữu của Algar người Saxon, trước khi
nó bị William Người Chinh Phục chiếm lấy để trao cho Nữ hoàng Matilda, trước
khi nó được chuyển sang cho Bá tước xứ Warwick hay cho lãnh chúa Paget từng trải,
ủy viên hội đồng của bốn triều đại liên tiếp.
Gần đấy còn có một vùng quê đáng yêu nữa,
phòng trường hợp sau khi đi thuyền, ta thích dạo bộ một chút, còn bản thân con
sông thì tại nơi này đã phát huy đến mức tối đa mọi ưu điểm của mình rồi. Xuôi
theo Cookham, đi qua rừng Quarry và các đồng cỏ, là một khúc sông tuyệt đẹp. Rừng
già Quarry yêu dấu! Với những con đường hẹp gập ghềnh và những khoảnh rừng nho
nhỏ ngoằn ngoèo của ngươi, giây phút này đây ngươi dường như thấm đẫm làm sao hồi
ức về những ngày hè rực nắng! Những con đường xuyên rừng râm mát của ngươi đã
trở thành nơi lai vãng thường xuyên đến chừng nào của những bóng ma có gương mặt
tươi cười! Và dịu dàng biết bao những tiếng nói của thời xa xưa vẳng ra từ những
chiếc lá xào xạc của ngươi!
Từ Marlow lên Sonning thậm chí còn đẹp hơn.
Tu viện cổ Bisham rộng lớn, nơi những bức tường đá từng âm vang tiếng thét của
những Hiệp sĩ Dòng Đền, nơi từng có thời là nhà của nàng Anne xứ Cleves và cũng
từng có thời là nhà của nữ hoàng Elizabeth, đi ngang qua bờ phải của dòng sông
chỉ khoảng nửa cây số phía trên cầu Marlow. Tu viện Bisham có nhiều tài sản chứa
rất nhiều kịch tính. Trong đó bao gồm một phòng ngủ trang trí bằng thảm thêu và
một căn phòng bí mật ẩn phía trên các bức tường dày. Bóng ma của Lady Holy, người
đã đánh chết đứa con trai nhỏ của mình, vẫn đi lại ở đó hàng đêm, cố gắng rửa sạch
đôi bàn tay ma trong chiếc chậu ma.
Bá tước Warwick, người dựng nên vua, yên
nghỉ tại đó, giờ không còn quan tâm gì đến mấy thứ tầm thường như những vị vua
trần tục và những vương quốc trần tục nữa; và Bá tước Salisbury, người đã chiến
đấu hết mình trên chiến trường Pointiers. Ngay trước khi ta đến tu viện, nằm
bên phải bờ sông là nhà thờ Bisham, và có lẽ nếu có bất cứ ngôi mộ nào đáng được
khảo sát thì đó chính là những ngôi mộ và lăng tẩm ở nhà thờ Bisham. Chính
trong khi đang trên thuyền bồng bềnh trôi dưới những rặng sồi của Bisham nơi mà
Shelley, lúc đó đang sống ở Marlow (bây giờ ta có thể thấy nhà của ông ở phố
Tây), đã soạn nên Cuộc nổi loạn của đạo Hồi.
Ở gần đập Hurley, cao hơn một chút, là nơi
tôi vẫn thường nghĩ mình có thể ở lại cả tháng mà vẫn không đủ thời gian để tận
hưởng hết vẻ đẹp của phong cảnh của nó. Ngôi làng Hurley, cách cửa sông năm
phút đi bộ, là một chốn nhỏ bé cổ xưa như thường thấy trên sông, vẫn còn trích
dẫn lối nói cổ của những ngày u ám “từ thời vua Sebert và vua Offa”. Ngay khi
qua đập (ngược dòng) là Cánh đồng Đan Mạch, nơi những tên Đan Mạch xâm lược từng
cắm trại trên đường hành quân đến Gloucestershire, và xa hơn chút nữa, nép mình
bên một góc sông xinh đẹp, là những gì còn lại của tu viện Medmenham.
Các tu sĩ nổi tiếng của Medmenham, hay “Câu
lạc bộ Lửa Địa ngục,” như họ thường được gọi, mà một trong những thành viên của
nó là ngài Wilkes lừng danh, là một hội huynh đệ có phương châm là “Làm những
gì bạn muốn” và lời mời ấy vẫn còn trên lối vào hoang tàn của tu viện. Nhiều
năm trước khi ra đời cái tu viện giả với giáo đoàn toàn những kẻ bất kính hay pha
trò của nó này, trên chính vị trí đấy từng có một tu viện thuộc dạng trang
nghiêm hơn, với những vị tu sĩ phần nào khác với những kẻ đam mê rượu chè đình
đám kế tục họ năm trăm năm sau.
Những tu sĩ dòng Cistercian, mà tu viện của
họ đã ở đó vào thế kỷ mười ba, không mặc quần áo mà chỉ dùng áo choàng dài và
mũ trùm đầu bằng vải thô, không ăn thịt, trứng hay cá. Họ nằm trên nệm rơm và dậy
tập trung lúc nửa đêm. Họ dành cả ngày để lao động, đọc sách và cầu nguyện; và
bao trùm suốt cuộc đời họ là một sự câm lặng như của người chết, vì không ai
nói năng gì.
Một hội huynh đệ khắc nghiệt sống những cuộc
đời khắc nghiệt ở chốn êm đềm này, nơi Chúa đã làm cho rạng rỡ biết bao! Thật lạ
khi tất cả những tiếng nói của Thiên nhiên xung quanh họ - tiếng hát dịu dàng của
nước, tiếng thì thầm của cỏ ven sông, âm nhạc của làn gió - lại không dạy được
cho họ một ý nghĩa cuộc sống đích thực hơn so với thế này. Ở đó, qua những ngày
dài đằng đẵng, họ đã lắng nghe trong câm lặng, chờ đợi một tiếng nói từ thiên
đường; và trong cả ngày dài cũng như suốt đêm trang nghiêm nó đã nói với họ bằng
vô số giọng điệu, ấy vậy mà họ vẫn không nghe thấy.
Từ Medmenham đến cửa sông Hambledon xinh đẹp,
con sông luôn tràn trề vẻ đẹp bình yên, nhưng sau khi qua Greenlands, từ căn
nhà ven sông trông có phần không mấy bắt mắt của người bán báo của tôi - một
quý ông có tuổi khiêm tốn và kiệm lời, có lẽ vào mùa hè rất thường được bắt gặp
quanh vùng khi đang chèo thuyền với vẻ nhẹ nhàng sung sức, hay đang tán gẫu một
cách cởi mở với ông già giữ cửa sông trên đường đi qua đó - cho đến phía bờ bên
kia của Henley, khung cảnh có phần xác xơ ảm đạm.
Sáng thứ hai ở Marlow chúng tôi dậy khá sớm
và tắm táp trước bữa sáng; đến lúc quay về, con Montmorency đã tỏ ra lố bịch
kinh khủng. Đối tượng duy nhất con Montmorency và tôi có những bất đồng quan điểm
một cách nghiêm túc là lũ mèo. Tôi thích mèo; Montmorency thì không.
Khi gặp một con mèo, tôi sẽ nói “Chú mèo tội
nghiệp!” và cúi xuống gãi gãi đầu nó; vậy là mèo ta dựng đứng đuôi lên cứng đơ
đơ, cong lưng dụi dụi mũi vào quần tôi, bầu không khí rất nhẹ nhàng và hòa
bình. Khi Montmorency gặp một con mèo, cả phố sẽ biết việc này; và rồi trong mười
giây người ta sẽ được nghe những ngôn từ kinh khủng đủ để cho một người đàn ông
đáng kính bình thường dùng cả đời, với sự thận trọng.
Tôi không trách con chó (nói chung tôi thường
tự làm mình hài lòng bằng việc chỉ bợp cho nó một cái vào đầu hay ném đá vào
người nó) vì tôi coi đó là bản năng của nó. Chó săn cáo sinh ra với số tội lỗi
bẩm sinh nhiều gấp bốn lần bọn chó khác và sẽ phải mất hàng bao nhiêu năm nỗ lực
kiên nhẫn của những người Cơ Đốc giáo như chúng ta thì mới có thể đem lại tí
chút biến đổi đáng kể nào trong bản chất du côn của bọn chúng.
Tôi vẫn còn nhớ một hôm ở hành lang cửa
hàng Haymarket, và quanh tôi là đám chó đang ngồi chờ chủ mua hàng xong xuôi.
Có một con chó tai cụp, một hay hai con chó cô li, một con St. Benard, mấy con
chó tha mồi và Newfoundland, một con chó săn lợn lòi, một con chó xù Pháp tóc rậm
rà rậm rịt nhưng ở giữa thân thì lại xơ xác trụi thùi lụi, một con bun, vài con
Lowther Arcade to bằng con chuột và hai con vện giống Yorkshire.
Chúng ngồi đó, kiên nhẫn, ngoan ngoãn và trầm
ngâm. Dường như cái hành lang ấy đang bị không khí bình yên trang trọng ngự trị.
Một vẻ bình tĩnh, nhẫn nhục và một nỗi buồn man mác lan tỏa khắp phòng.
Thế rồi một thiếu nữ duyên dáng bước vào, dẫn
theo một con chó săn cáo nhỏ trông có vẻ hiền lành và xích nó lại đó, giữa con
chó bun và con chó xù. Nó ngồi nhìn quanh một phút. Rồi nó ngước mắt lên trần
nhà và cứ xét từ vẻ mặt nó thì có vẻ như nó đang nghĩ về mẹ. Rồi nó ngáp. Rồi
nó nhìn một lượt những con chó khác, con nào con nấy im phăng phắc, nghiêm
trang và ra vẻ đường hoàng.
Nó nhìn con bun đang ngủ say sưa ở bên phải
nó. Nó nhìn con chó xù đang đứng thẳng kiêu kỳ bên trái nó. Thế rồi, không một
lời cảnh báo, không chút dấu hiệu khiêu khích, nó ngoạp vào chân trước bên trái
của con chó xù nọ và một tiếng kêu ăng ẳng đau đớn xuyên thủng bóng tối lặng lẽ
của cái hành lang ấy.
Kết quả cuộc thực nghiệm đầu tiên có vẻ đã
làm nó thỏa mãn cao độ, vậy là nó quyết định tiếp tục và xông xáo cua một vòng.
Nó phóng qua con chó xù để tấn công dữ dội con cô li, và con cô li tỉnh dậy,
ngay lập tức khởi đầu một cuộc đấu ầm ĩ và hung tợn với con chó xù. Thế rồi con
chó săn cáo trở lại chỗ của mình, đợp vào tai con chó bun và cố gắng lẳng con
này đi; còn con bun, một con vật công bằng đến mức đáng ngạc nhiên, lao vào tất
cả những gì trong tầm với của nó, bao gồm cả viên gác cổng, người đã cho con
chó sục bé bỏng thân mến nọ cơ hội tận hưởng một cuộc vật lộn không bị gián đoạn
giữa nó và con chó pha Yorkshire đang háu chiến không kém.
Bất kỳ ai biết bản năng của loài chó đều chẳng
cần phải nghe kể lại cũng biết rằng tất cả bọn chó ở đấy đều điên cuồng cắn xé
như thể toàn bộ gia đình và tổ ấm của chúng phụ thuộc vào cuộc ẩu đả ấy vậy. Những
con chó to cắn nhau bừa phứa; chó nhỏ thì đánh lẫn nhau và tận dụng toàn bộ thời
gian còn trống để cắn cẳng bọn chó to.
Toàn bộ hành lang là một chốn huyên náo
hoàn hảo, những âm thanh chói tai thì thật hết cỡ. Một đám đông đã tụ tập lại
bên ngoài Haymarket, hỏi xem liệu có phải đó là cuộc họp giáo dân không; hay nếu
không phải thì ai đang bị giết vậy, và tại sao? Người ta mang gậy gộc dây thừng
đến cố tách bọn chó ra, cả cảnh sát cũng được huy động.
Và giữa cuộc ẩu đả kinh hoàng đó cô tiểu
thư duyên dáng kia đã quay trở lại, và vòng tay ôm chú chó bé bỏng xinh xắn của
mình (nó đã làm con chó pha phải nằm liệt một tháng ấy vậy mà bây giờ lại khoác
cái dáng vẻ của một con cừu non) rồi hôn nó, hỏi xem nó có bị giết không, những
con chó khổng lồ hung dữ kia đã làm gì nó; và rồi nó nép mình vào lòng, ngước
nhìn khuôn mặt cô bằng một ánh mắt như muốn nói, “Ôi, thật vui biết bao vì cô
đã đến mang tôi ra khỏi cái cảnh tượng đáng hổ thẹn này!”
Cô tiểu thư bèn nói rằng người ở cửa hàng ấy
không có quyền để những sinh vật hung dữ to lớn như bọn chó kia cạnh chó của những
người đáng kính, và rằng cô rất muốn triệu ai đó đến.
Bản tính của bọn chó săn cáo là như vậy đấy;
và do đó tôi không trách con Montmorency vì thiên hướng thích đánh nhau với lũ
mèo của nó; nhưng giá như sáng hôm đó nó đã không để cho cái thiên hướng ấy xui
khiến.
Như tôi đã kể, chúng tôi đang trên đường đi
tắm về và mới đi được quá nửa phố Thượng thì một con mèo phi ra từ một trong những
ngôi nhà trước mặt và bắt đầu chạy lon ton ngang qua đường. Con Montmorency hú
lên sung sướng - tiếng hú của một chiến binh sắt đá nhìn thấy kẻ thù sa vào tay
mình - chính là thứ tiếng hú mà Cromwell hẳn đã thốt ra khi quân Scotland xuống
đồi và trở thành con mồi của ngài.
Nạn nhân của nó là một con mèo đực đen vậm
vạp. Tôi chưa bao giờ thấy con mèo nào to hơn và trông có vẻ giang hồ hơn con
này. Nó đã mất nửa cái đuôi, một tai và một phần khá đáng kể của cái mũi. Đó là
một con vật dài và vạm vỡ. Nó có vẻ bình tĩnh và thỏa mãn.
Con Montmorency phi đến chỗ con mèo tội
nghiệp với tốc độ hai mươi dặm một giờ; nhưng con mèo chẳng hề vội vã - dường
như không chút ý thức rằng mạng sống của nó đang bị đe dọa. Nó lặng lẽ chạy lon
ton cho đến khi kẻ ám sát tương lai của nó chỉ cách chừng một mét, khi đó nó
quay lại, ngồi xuống giữa đường và nhìn con Montmorency với một vẻ lịch thiệp
như muốn hỏi:
“Thế nào! Anh bạn muốn gặp tôi à?”
Montmorency không thiếu can đảm, nhưng
trong dáng vẻ của con mèo kia có gì đó có thể làm cùn nhụt ý chí của con chó
dũng cảm nhất. Nó đứng sững lại, nhìn con mèo đực.
Hai con đều im lặng, nhưng cuộc trao đổi mà
người ta có thể hình dung ra thì rõ ràng là như sau:
CON MÈO: “Tôi có thể giúp gì anh bạn đây?”
MONTMORENCY: “Không… không có gì đâu, rất cảm
ơn anh!”
CON MÈO: “Nếu có việc gì, xin đừng ngại, cứ
trình bày đi, anh bạn biết rồi đấy.”
MONTMORENCY (lùi ngược phố Thượng): “À,
không… không có gì… dĩ nhiên rồi… xin đừng bận tâm. Tôi… tôi e là tôi đã nhầm.
Tôi tưởng là người quen. Xin lỗi đã làm phiền.”
CON MÈO: “Không sao đâu… rất vui lòng. Anh
bạn chắc là bây giờ không cần gì chứ?”
MONTMORENCY (tiếp tục lùi): “Không có gì,
xin cảm ơn… không có gì đâu ạ… anh thật tử tế quá. Xin chào.”
CON MÈO: “Chào nhé.”
Sau đấy mèo đứng lên tiếp tục lon ton lên
đường; còn Montmorency, cẩn thận cụp cái mà nó gọi là đuôi vào giữa hai chân,
quay lại với chúng tôi, chiếm lấy một vị trí không quan trọng ở phía sau.
Kể từ ngày đó, nếu ta nói từ “Mèo!” với
Montmorency, nó sẽ co rúm lại thấy rõ và nhìn ta một cách đáng thương như muốn
nói:
“Xin đừng”.
Sau bữa sáng chúng tôi đi chợ và chất lên
thuyền lượng lương thực đủ cho ba ngày. George bảo chúng tôi nên mang rau đi -
thật không tốt cho sức khỏe nếu không ăn rau. Hắn nói rau dễ nấu lắm và để hắn
phụ trách vấn đề ấy cho; vậy là chúng tôi lấy năm cân khoai tây, một giạ đậu Hà
Lan và mấy cái bắp cải. Chúng tôi còn mua một cái bánh nhân thịt bò, ít bánh tạc
nhân phúc bồn tử và một cái đùi cừu từ khách sạn; và hoa quả, bánh ngọt, bánh mì
và bơ, mứt, thịt muối, trứng và vô số thứ khác mà chúng tôi sục sạo khắp thị trấn
mới tìm được.
Chặng xuất phát từ Marlow được tôi coi là một
trong những thành công vĩ đại nhất. Đó là một chặng ấn tượng, rạng ngời giá trị
mà lại không hề chói lóa phô trương. Cửa hàng nào chúng tôi cũng nhất quyết yêu
cầu phải giao hàng cho chúng tôi ngay tại chỗ. Với chúng tôi thì đừng hòng có
chuyện “Vâng thưa ngài, tôi sẽ gửi hàng đến ngay; thằng nhóc chạy việc sẽ đến
đó trước khi các ngài về đến nơi!”, và sau đó phải đi lòng vòng ở bến tàu rồi
quay lại cửa hàng hai lần để tranh cãi om sòm về chỗ hàng ấy. Chúng tôi chờ cho
đến khi sọt chất đầy hàng và dẫn thằng nhóc chạy việc đi cùng.
Chúng tôi đến khá nhiều cửa hàng, ở đâu
cũng áp dụng nguyên tắc này; và kết quả là đến khi mua sắm xong thì chúng tôi
đã có một bộ sưu tập kha khá các cậu nhóc vác sọt hàng đi theo, và chuyến diễu
hành cuối cùng của chúng tôi qua phố Thượng để đến bờ sông hẳn phải là một
quang cảnh ấn tượng mà Marlow còn lâu nữa mới được chứng kiến.
Đoàn diễu hành đi theo trình tự như sau:
Montmorency, ngậm một cái gậy.
Hai con chó xấu ỉn ra dáng những kẻ thành
tích bất hảo, bạn của Montmorency.
George, ôm áo khoác và chăn mền, mồm ngậm tẩu
ngắn.
Harris đang cố bước những bước uyển chuyển
duyên dáng trong khi tay này xách cái va li Gladstone phồng căng còn tay kia là
chai nước chanh.
Thằng nhóc ở hàng rau và thằng nhóc ở hàng
bánh ngọt, mang theo sọt.
Tay khuân hành lý ở khách sạn, khênh theo
hòm.
Thằng nhóc hàng bánh kẹo, cùng cái sọt.
Thằng nhóc hàng tạp phẩm, mang theo sọt.
Con cẩu lông dài.
Thằng nhóc hàng pho mát, mang theo sọt.
Gã chạy việc vặt, xách túi.
Bạn tâm giao của gã chạy việc vặt, tay đút
túi, hút ống điếu ngắn bằng đất sét.
Thằng nhóc hàng hoa quả, với cái sọt.
Tôi, cầm theo ba cái mũ cùng một đôi giày ống,
và cố ra vẻ không liên quan gì đến đôi giày ống ấy.
Sáu thằng oắt con, và bốn con chó lạc.
Khi chúng tôi đến bến tàu, người giữ thuyền
hỏi:
- Để tôi xem, thưa ngài, thuyền của ngài là
thuyền máy hơi nước hay nhà thuyền?
Khi được chúng tôi thông báo rằng đó là một
cái thuyền nhẹ hai mái chèo, ông ta có vẻ rất ngạc nhiên.
Sáng đó chúng tôi đã có kha khá rắc rối với
mấy cái thuyền máy hơi nước. Tuần sau đã là tuần đua thuyền Henley, và chúng tụ
tập rõ đông, một số một mình và một số còn kéo theo nhà thuyền. Tôi ghét cay
ghét đắng thuyền máy hơi nước; tôi cho là bất kỳ người chèo thuyền nào cũng thế.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thuyền máy hơi nước nhưng tôi cảm thấy chỉ muốn dụ
nó đến một khúc sông vắng vẻ và rồi ở đó, giữa lặng lẽ và hiu quạnh, bóp nó chết
nghẹt đi cho rồi.
Ở cái thuyền máy hơi nước có một vẻ tự mãn
rõ mồn một đến độ nó khơi dậy những bản năng xấu xa nhất trong tôi và tôi thèm
được trở về thời tốt đẹp xa xưa, khi người ta có thể đi khắp nơi mà nói cho mọi
người biết ta nghĩ gì về họ với một cái rìu và cung tên. Vẻ mặt của cái thằng
đang xỏ tay túi quần đứng hút thuốc ở đuôi tàu kia cũng đủ để bào chữa cho tội
gây rối trật tự công cộng rồi; còn tiếng còi tàu hách dịch giục ta tránh đường
thì tôi tin chắc sẽ đảm bảo một phán quyết “giết người tự vệ” từ bất kỳ bồi thẩm
đoàn nào gồm những con người của sông nước.
Bọn hắn từng phải bấm còi để chúng tôi
tránh đường. Nếu có thể làm thế mà không tỏ ra thích khoe khoang khoác lác, tôi
nghĩ tôi có thể nói một cách chân thành rằng suốt tuần đó con thuyền nhỏ của
chúng tôi gây phiền hà, chậm trễ và bực mình cho những chiếc thuyền máy hơi nước
mà chúng tôi gặp nhiều hơn tất cả những thuyền khác trên sông cộng lại.
“Thuyền máy hơi nước đang đến kìa!”, một
người trong bọn tôi kêu lên khi nhìn thấy kẻ thù ở phía xa; và trong nháy mắt,
tất cả đều được sẵn sàng để tiếp đón nó. Tôi nắm lái, Harris và George ngồi xuống
bên cạnh, tất cả quay lưng về phía con thuyền máy hơi nước kia và thuyền của
chúng tôi lặng lẽ trôi ra giữa dòng.
Chiếc thuyền máy kia tiếp tục tiến tới, bấm
còi ầm ĩ, còn chúng tôi vẫn tiếp tục bồng bềnh trôi. Cách độ một trăm mét, nó bắt
đầu hụ còi như điên và người trên đó vươn qua mạn thuyền gào lên với chúng tôi,
nhưng chúng tôi đời nào nghe thấy chứ! Harris lúc ấy đang kể một giai thoại về
mẹ hắn, và George và tôi thà mất cả mấy thế giới còn hơn là để sót một lời nào.
Thế rồi cái thuyền máy kia hụ lên một tiếng
còi xé tai cuối cùng gần như làm nổ tung cái nồi hơi của mình, nó đảo động cơ,
tắt van hơi nước, quay vòng vòng và mắc cạn; tất cả người trên thuyền ấy lao hết
về mũi tàu mà gào lên với chúng tôi, người trên bờ cũng đứng gọi chúng tôi, và
tất cả những chiếc thuyền khác đang đi ngang qua đều dừng lại nhập hội, cho đến
khi khắp mấy dặm sông quanh đó đều chìm trong trạng thái điên cuồng. Thế rồi
Harris ngừng lại ở đoạn hấp dẫn nhất trong câu chuyện của hắn, ngẩng đầu nhìn
lên với vẻ ngạc nhiên ôn hòa và bảo George:
- Ôi George, Chúa phù hộ chúng ta, chẳng phải
một cái thuyền máy hơi nước đây sao!
Và George sẽ trả lời:
- Ái chà, cậu biết không, tớ nghĩ là tớ đã
nghe thấy gì đó!
Thế rồi chúng tôi trở nên căng thẳng, bối rối
hết sức và không biết làm sao để cho thuyền tránh sang bên, vậy là người trên
con thuyền máy kia xúm đen xúm đỏ lại để hướng dẫn chúng tôi:
- Chèo bên phải anh… anh ấy, thằng đần kia!
Quay lại bên trái. Không, không phải anh, anh kia cơ… mặc kệ lái đấy, không phải
thế, cả hai anh. Không phải như thế. Ôi, anh…!
Thế rồi họ đành hạ một cái xuồng xuống và đến
để hỗ trợ chúng tôi; rồi sau mười lăm phút nỗ lực, họ sẽ giúp chúng tôi tránh
khỏi đường để họ có thể đi tiếp; rồi thì chúng tôi cảm ơn họ vạn bội và nhờ họ
kéo chúng tôi đi. Nhưng họ chẳng bao giờ chịu cả.
Chúng tôi phát hiện ra một cách hay ho khác
để chọc tức những chiếc thuyền máy hơi nước ra dáng quý tộc là nhầm chúng với một
buổi liên hoan và hỏi họ liệu có phải nhóm của ngài Cubit hay Tổ chức Lối sống
Lành mạnh Bermondsey không, và họ có thể cho chúng tôi mượn một cái chảo hay
không.
Các quý bà có tuổi, vốn không quen với con
sông, lúc nào cũng căng thẳng cao độ với thuyền máy hơi nước. Tôi nhớ có lần đi
từ Staines đến Windsor - một nhánh sông đặc biệt nhiều con quái vật cơ khí ấy -
cùng một nhóm ba quý bà như đã mô tả ở trên. Thật vô cùng phấn khích. Cứ thoáng
nhìn thấy chiếc thuyền máy hơi nước nào là họ nhất quyết đòi lên bờ ngồi cho đến
khi cái thuyền kia khuất khỏi tầm mắt. Họ nói họ thật sự rất tiếc, nhưng họ sẽ
có lỗi với gia đình nếu liều mạng một cách vô ích.
Khi đến cửa sông Hambledon chúng tôi phát
hiện ra mình thiếu nước uống; vì vậy chúng tôi mang theo bình đến nhà người gác
cửa sông để xin một ít.
George là người phát ngôn của chúng tôi. Hắn
nở nụ cười quyến rũ và nói:
- Ôi, xin hãy cho chúng tôi một ít nước được
không?
- Dĩ nhiên rồi, - ông già lịch thiệp trả lời;
- cứ lấy bao nhiêu tùy thích, còn thì để lại đó.
- Xin cảm ơn ông, - George lẩm bẩm, nhìn
quanh. - Ở chỗ nào vậy… ông để nước ở chỗ nào vậy?
- Cậu bé ơi, lúc nào nó chẳng ở đấy, - là
câu trả lời chắc nịch: - ngay sau lưng cậu đấy.
- Tôi có nhìn thấy đâu, - George nói, quay
lại.
- Ôi, cầu Chúa phù hộ, mắt cậu để đâu vậy?
- ông già bình phẩm trong lúc xoay George lại và chỉ tay vào dòng nước. - Nhiều
thế kia mà cậu không thấy sao?
- Ôi! - George thốt lên, hiểu ra vấn đề; - nhưng
chúng ta không uống con sông được, ông biết mà!
- Không, nhưng cậu có thể uống một phần của
nó mà, - ông già đáp lại. - Đấy là thứ tôi đã uống mười lăm năm qua đấy.
Sau đó George bảo ông lão rằng vẻ bề ngoài
của ông có vẻ không đủ chất lượng để quảng cáo cho nhãn hiệu nước sông ấy, và rằng
hắn thích nước được bơm lên hơn.
Chúng tôi xin được ít nước từ một ngôi nhà
tranh ở xa hơn một chút. Tôi dám nói nếu chúng tôi phát hiện ra thì đó vẫn chỉ
là nước sông thôi. Nhưng khuất mắt trông coi, vì thế cũng không vấn đề gì.
Sau này, cũng cùng năm ấy, chúng tôi có thử
uống nước sông một lần, nhưng không thành công cho lắm. Chúng tôi đang đi xuôi
dòng và chèo vào uống trà ở một vụng nước nhỏ gần Windsor. Bình nước cạn sạch,
và đó là một trường hợp hoặc đi mà không được uống trà hoặc phải lấy nước sông
lên mà dùng. Harris đành liều. Hắn nói chắc cũng ổn cả thôi nếu chúng tôi đun
sôi nước, những vi khuẩn độc hại trong nước sẽ chết hết khi bị đun. Vậy là
chúng tôi đổ đầy ấm bằng nước trong cái vụng nhỏ của sông Thames và đun lên,
chăm chú chứng kiến nó đã sôi thật.
Chúng tôi pha trà và vừa mới ngồi xuống một
cách thật thư giãn để uống thì bỗng George, với tách trà sắp chạm vào môi, ngừng
lại và thốt lên:
- Cái gì thế kia?
- Cái gì là cái gì? - Harris và tôi hỏi.
- Cái kia chứ còn gì nữa! - George nói,
nhìn về hướng Tây.
Harris và tôi dõi theo ánh mắt trân trối của
hắn và nhìn thấy, đang tiến về phía chúng tôi trong dòng chảy lờ đờ, là một con
cẩu. Đó là một trong những con cẩu lặng lẽ nhất và thanh thản nhất tôi từng gặp.
Tôi chưa bao giờ thấy một con cẩu nào lại có vẻ hài lòng hơn, ung dung hơn thế.
Nó đang bơi ngửa đầy mơ màng với bốn cái cẳng chổng thẳng lên trời. Đó là cái
mà tôi gọi là một con chó ngon lành với bộ ngực nở nang. Nó cứ thế tiến về phía
trước, thanh thản, đường hoàng và bình tĩnh, cho đến khi nó đến sát bên thuyền
chúng tôi và ở đó, giữa đám lau lách, nó dừng lại và ngồi một cách thoải mái để
nghỉ đêm.
George nói hắn không muốn tí trà nào nữa và
dốc cạn tách trà của hắn xuống sông, Harris cũng không thấy khát và làm y hệt.
Tôi thì đã uống được nửa tách rồi, nhưng tôi ước gì mình chưa làm vậy.
Tôi hỏi George hắn nghĩ liệu tôi có nguy cơ
bị bệnh tả không.
Hắn nói: “Ồ không đâu”, hắn nghĩ quả thật rất
nhiều khả năng tôi thoát được bệnh đó. Dù sao thì rồi nửa tháng nữa tôi sẽ biết
mình có mắc hay không thôi.
Chúng tôi đi từ đó đến Wargrave. Đó là một
con đường tắt dẫn ra bờ phải phía trên cửa sông Marsh nửa dặm, và khá bõ công
đi tắt vì đó là một con kênh nhỏ xinh xắn rợp mát, ngoài ra thì đi thế rút ngắn
được đến nửa dặm số đường.
Dĩ nhiên lối vào của con kênh rải rác nào cọc
nào dây xích, và được bao quanh bởi những biển thông báo đe dọa đủ mọi kiểu tra
tấn, bỏ tù và giết chết đối với tất cả những ai dám động tay chèo trên dòng nước
ở đó; tôi tự hỏi tại sao những tay quê mùa ven sông này không tuyên bố chủ quyền
với cả không khí ở phía trên sông luôn và đe dọa bất kỳ ai thở không khí ấy đều
phải trả bốn mươi xu - nhưng có thể tránh đám cọc và dây xích ấy một cách dễ
dàng với một chút kỹ năng; còn về biển thông báo, nếu có thừa năm phút và quanh
đấy không có ai thì cứ việc nhổ vài ba cái lên mà vứt xuống sông.
Đi được nửa đường thì chúng tôi bèn dừng lại
ăn trưa; và chính trong bữa trưa này George và tôi đã nhận được một cú sốc khá
nặng.
Harris cũng bị sốc, nhưng tôi không nghĩ cú
sốc của hắn có thể tệ hại bằng cú sốc của George và tôi trước sự cố ấy.
Bạn biết đấy, chuyện là thế này, chúng tôi
đang ngồi trên bãi cỏ cách bờ nước khoảng chục mét và chúng tôi vừa mới ổn định
chỗ ngồi để ăn thôi. Harris kẹp cái bánh nhân thịt bò vào giữa hai đầu gối mà cắt,
George và tôi thì đang chầu chực với đĩa bát sẵn sàng.
- Mấy cậu có thìa ở đó không? - Harris hỏi;
- tớ cần một cái thìa để hứng nước thịt.
Cái hòm ở ngay sau lưng chúng tôi và cả
George lẫn tôi bèn quay lưng lại để lấy thìa. Chỉ mất chưa đầy năm giây cho việc
ấy. Khi chúng tôi quay lại, Harris và cái bánh đã mất tăm!
Đó là một cánh đồng rộng trống trải. Hàng
trăm mét quanh đó không có một cái cây hay mảnh bờ rào nào. Hắn ta không thể
ngã lộn xuống dòng sông được, vì chúng tôi ngồi gần bờ nước hơn, và hắn phải
trèo qua chúng tôi thì mới lộn xuống sông được.
George và tôi giương mắt nhìn xung quanh. Rồi
chúng tôi giương mắt nhìn nhau.
- Hay là cậu ta đã bị chộp lên thiên đường
rồi? - tôi ngờ vực.
- Họ không thể mang cả cái bánh đi cùng được,
- George nói.
Lời phản đối này có vẻ có sức nặng và chúng
tôi loại bỏ giả thiết về thiên đường.
- Tớ cho thực chất của vấn đề, - George nêu
ý kiến, dần dần trở lại với những giả thiết thông thường và thực tế hơn, - là
có một vụ động đất.
Và rồi hắn nói thêm, với một thoáng buồn
trong giọng:
- Ước gì cậu ấy không phải đang cắt cái
bánh ấy.
Với tiếng thở dài, chúng tôi một lần nữa
đưa mắt về nơi lần cuối cùng nhìn thấy Harris và cái bánh trên trái đất này.
Và, máu đông lại trong huyết quản còn tóc dựng đứng trên đầu, chúng tôi nhìn thấy
ở đó cái đầu của Harris - chỉ mỗi cái đầu, không có gì khác - đang dựng thẳng
trên lớp cỏ cao, mặt đỏ tưng bừng và có một vẻ căm phẫn khôn tả!
George là người đầu tiên tĩnh trí lại.
- Nói đi! - hắn gào lên, - nói cho chúng tớ
biết cậu còn sống hay đã chết - và phần còn lại của cậu đâu rồi?
- Ôi, đừng có ngu thế chứ! - cái đầu của
Harris bảo. - Tớ tin chắc các cậu cố tình làm thế.
- Làm gì? - George và tôi thốt lên.
- Sao kia, tống tớ vào chỗ này chứ còn gì nữa
- cái trò xỏ lá chết toi chết giập! Này, chộp lấy cái bánh này.
Và rồi trước mắt chúng tôi, cái bánh dường
như chui lên từ giữa lòng đất - nhoe nhoét và méo mó, rồi sau đó Harris lồm cồm
bò lên - tơi tả, lôi thôi lếch thếch và ướt sũng.
Hắn đã không nhận ra mình đang ngồi bên rìa
một cái rãnh nhỏ, lớp cỏ cao che khuất tầm nhìn; và khi hơi ngửa người ra sau,
hắn đã ngã lộn cổ cùng với cái bánh.
Hắn nói cả đời hắn chưa bao giờ cảm thấy ngạc
nhiên đến như cái lúc hắn chợt nhận thấy mình đang rơi mà không mảy may đoán được
chuyện gì đang xảy ra. Lúc đầu hắn cứ tưởng ngày tận thế đã đến cơ đấy.
Đến tận bây giờ Harris vẫn tin rằng George
và tôi đã mưu tính hết từ trước. Ngay cả những con người vô tội nhất cũng bị những
nghi ngờ bất công bám theo như thế đấy. Đúng như một nhà thơ đã viết:
“Ai có thể thoát được sự vu khống?”
Quả đúng thế, ai kia chứ!
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét