Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) - Chương 7

Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
(Three Men in Boat)

Tác giả: Jerome K. Jerome
Người dịch: Petal Lê
NXB Văn Học - 2016

Chương 7

Con sông trong bộ cánh Chủ nhật - Ăn mặc trên dòng sông - Một cơ hội cho đàn ông - Sự thiếu vắng gu thẩm mỹ ở Harris - Cái áo của George - Một ngày với quý cô ăn diện - Mộ bà Thomas - Người không thích nghĩa địa, quan tài và đầu lâu - Harris nổi điên - Quan điểm của hắn về George, ngân hàng và nước chanh - Harris diễn trò.

HARRIS ĐÃ KỂ CHO TÔI NGHE trải nghiệm trong mê cung của hắn lúc chúng tôi đi ngang âu thuyền Moulsey. Mất một lúc chúng tôi mới đi qua được, vì chỉ có mỗi thuyền của chúng tôi, và đó lại là một cái âu thuyền lớn nữa. Trước đó, tôi không nhớ đã có lần nào mình từng thấy âu thuyền Moulsey khi chỉ có một con thuyền đi qua chưa. Theo tôi, thậm chí tính cả Boulter đi nữa thì Moulsey vẫn là âu thuyền đông đúc nhất trên sông Thames.
Tôi đã có đôi lần đứng quan sát nó, khi ta không thể nhìn thấy mặt nước mà chỉ thấy một mớ hỗn độn lấp lóa những áo cộc sáng màu, những mũ lưỡi trai sặc sỡ, những mũ vành đỏm dáng, và đủ các loại ô nhiều màu sắc, thảm lụa, áo choàng, ruy băng phấp phới, những người da trắng chải chuốt; và khi đứng trên bến cảng nhìn xuống âu thuyền, ta có thể tưởng tượng rằng đó là một chiếc hộp khổng lồ tràn ngập hoa với đủ sắc thái màu sắc khác nhau vứt hỗn độn bên trong, nằm dồn lại thành những đống sặc sỡ như cầu vồng che kín các góc hộp.
Vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, cảnh này hiện hữu gần như cả ngày, trong khi đó, ngược lên đầu nguồn hay xuôi theo dòng nước, ta sẽ thấy, bên ngoài các cửa sông hàng dãy thuyền bè nằm dài chờ đến lượt; và những con thuyền đang đi qua đi lại, vậy là đoạn sông ngập nắng từ lâu đài đến nhà thờ Hampton lấm chấm những màu vàng, xanh lơ, cam, trắng, đỏ và hồng. Tất cả cư dân của Hampton và Moulsey đều đóng bộ đi chơi thuyền, thơ thẩn quanh âu thuyền với lũ chó của họ, tán tỉnh nhau, hút thuốc, ngắm nghía thuyền bè, và tất cả những thứ ấy, cộng thêm mũ lưỡi trai và áo jacket của các ông, váy xống màu sắc xinh tươi của các bà, bọn chó phấn khích, thuyền bè xuôi ngược, những cánh buồm trắng, phong cảnh tuyệt vời và dòng nước lấp lánh, nó là một trong những cảnh tượng vui tươi nhất mà tôi biết ở gần cái thành London ảm đạm này.
Dòng sông đã mở ra một cơ hội tốt cho việc trưng diện. Một cơ hội hiếm hoi để cánh đàn ông chúng tôi phô diễn gu thẩm mỹ màu sắc, và nếu bạn hỏi, tôi nghĩ bọn tôi ai nấy đều hết sức bảnh trai. Tôi lúc nào cũng thích có chút màu đỏ trong bộ cánh của mình - đỏ và đen. Bạn biết đấy, tóc tôi màu nâu vàng, một sự chuyển màu khá ổn, người ta bảo thế đấy, và màu đỏ sẫm thì thật là sự kết hợp tuyệt vời; sau nữa, tôi luôn nghĩ rằng một chiếc nơ bướm màu xanh sáng đi với nó quá chi là hợp, kèm theo là một đôi giày da Nga và một chiếc khăn lụa đỏ chít ngang eo nữa - khăn lụa thì trông hay hơn thắt lưng nhiều chứ.
Harris thì luôn trung thành với kiểu chuyển tông hay pha trộn của màu cam và vàng, nhưng tôi không nghĩ hắn khôn ngoan lắm trong việc chọn màu này. Nước da hắn quá tối để diện màu vàng. Không còn nghi ngờ gì nữa, màu vàng không hợp với hắn. Tôi muốn hắn chọn màu xanh lơ làm nền với màu trắng hay màu kem cho dịu bớt, nhưng đấy, kẻ nào càng có ít gu thẩm mỹ trong việc ăn mặc thì lại càng bướng bỉnh. Thật đáng tiếc, vì hắn sẽ không bao giờ thành công trong việc ăn mặc như nó đáng phải thế, trong khi vẫn có một hay hai màu khiến hắn trông không đến nỗi tệ lắm khi đội mũ.
George đã mua một vài món mới dành cho chuyến đi này và tôi khá bực mình với chúng. Cái áo cộc trông rõ lòe loẹt. Tôi không thích George biết tôi nghĩ thế, nhưng thật sự là không có lời nào thích hợp hơn với nó cả. Tối hôm thứ Năm, hắn mang nó về nhà khoe với chúng tôi. Chúng tôi hỏi hắn rằng hắn gọi màu ấy là màu gì, và George nói hắn không biết. Hắn không nghĩ có từ nào mô tả được cái màu ấy. Người bán hàng bảo hắn đó là thiết kế kiểu phương Đông. George mặc thử áo và hỏi chúng tôi thấy sao. Harris bảo, nếu coi đó là một thứ treo lên trên các luống hoa vào đầu mùa xuân để đuổi quạ thì hắn sẽ trân trọng lắm, nhưng bảo cái thứ ấy là quần áo dành cho loài người, trừ bọn mọi rợ ra, thì nó làm hắn phát ốm. George hơi cáu tiết; nhưng, như Harris đã nói, nếu không muốn nghe ý kiến của hắn thì hỏi để làm gì?
Điều làm Harris và tôi lo ngại là nó sẽ thu hút sự chú ý tới con thuyền.
Cũng vậy, nếu ăn mặc đẹp đẽ thì các cô nàng trông cũng không đến nỗi tệ trên một con thuyền. Trong suy nghĩ của tôi, không có gì quyến rũ hơn một bộ cánh đi thuyền trang nhã. Nhưng một “bộ cánh đi thuyền”, nếu như tất cả các quý cô có thể hiểu được khái niệm này, là một bộ cánh có thể mặc trên một con thuyền, chứ không phải để diện trong lồng kính. Một cuộc du ngoạn sẽ bị phá hỏng hoàn toàn nếu trên thuyền có người lúc nào cũng chỉ chăm chăm nghĩ đến quần áo của họ hơn là chuyến đi. Có một lần tôi không may phải đi picnic trên sông với hai quý cô thuộc loại này. Cả bọn đã được một phen thất điên bát đảo!
Cả hai cô đều phục sức đẹp đẽ - toàn các thứ đăng ten và lụa, hoa, nơ, thêm đôi giày đỏm dáng cùng găng tay mỏng manh. Nhưng những bộ cánh ấy là để đi chụp ảnh nghệ thuật chứ đâu phải để đi picnic trên sông. Đấy là những “bộ cánh đi thuyền” theo phong cách thời trang Pháp. Thật lố bịch khi mặc bộ cánh ấy lượn lờ ở bất kỳ nơi nào gần với đất, không khí và nước.
Điều đầu tiên là các quý cô nghĩ con thuyền không được sạch cho lắm. Chúng tôi đã lau sạch tất cả chỗ ngồi cho họ và khẳng định lại với họ điều ấy, nhưng họ có chịu tin đâu. Một cô lấy đầu ngón tay đeo găng di di nệm ghế và giơ kết quả khảo sát ra cho cô kia xem, và rồi cả hai thở dài thườn thượt mà ngồi xuống theo cái kiểu các vị thánh tử vì đạo đang cố tự làm mình thoải mái trên giàn thiêu. Khi chèo đôi khi ta cũng làm bắn nước lên, và có vẻ như là chỉ một giọt nước thôi cũng có thể làm hỏng những bộ cánh ấy. Vệt nước sẽ không biến đi mà hóa thành vết ố tồn tại cùng chiếc váy đến mãi mãi về sau.
Tôi là người chèo thuyền. Tôi đã làm hết sức mình. Tôi giơ mái chèo lên chỉ độ vài chục centimet, và dừng lại sau mỗi nhịp, để mái chèo rỏ bớt nước trước khi đảo lại, và tôi chỉ khua động làn nước nhẹ nhàng mỗi khi nhúng lại mái chèo xuống nước. (Thằng cha cầm mái chèo ở mũi thuyền bảo, sau một lúc thì hắn thấy mình có phần không đủ năng lực để phụ chèo với tôi, vậy nên nếu tôi cho phép thì hắn sẽ ngồi im và nghiên cứu cách chèo của tôi. Hắn nói cách chèo này khiến hắn rất hứng thú.) Nhưng dù tôi đã cố gắng đến thế nào thì cũng không thể tránh khỏi đôi khi có vài giọt nước lấp lánh bắn lên mấy cái váy áo ấy.
Các cô không kêu ca gì, nhưng họ dúi dụi vào nhau và mím chặt môi lại, và mỗi khi có giọt nước nào bắn vào thì các cô lại co giật lên và run bắn cả người. Cảnh các cô phải chịu đựng trong im lặng như thế thật quý phái, nhưng nó làm tôi khó chịu không để đâu cho hết. Tôi vốn quá nhạy cảm mà lại. Tôi chèo điên dại và chẳng theo nhịp gì, càng cố ngăn lại thì tôi lại càng làm nước bắn lên nhiều hơn.
Cuối cùng tôi đành đầu hàng; tôi đề nghị đổi sang chèo mũi. Thằng cha chèo mũi nghĩ việc thay đổi này cũng tốt hơn và thế là chúng tôi đổi chỗ. Khi thấy tôi rời khỏi chỗ các quý cô buột miệng thở phào và tươi tỉnh hẳn lên trong một thoáng. Khổ thân các cô! Lẽ ra họ nên chịu đựng tôi mới phải. Bây giờ thì họ có một thằng cha vui tươi hớn hở, vô tư hết mức, thêm vào đó lại đần độn và độ nhạy cảm thì ngang với chú chó con Newfoundland. Quý vị có thể lườm hắn nảy lửa cả tiếng đồng hồ mà hắn không hề hay biết, kể cả hắn có nhận ra thì cũng chẳng thèm bận tâm. Hắn chèo vùn vụt, khua mái chèo rổn rảng và gửi những đợt sóng phun đều khắp cả thuyền như vòi phun nước khiến cả đám trên thuyền chẳng có lúc nào ngồi thẳng được người lên. Mỗi khi lỡ tay làm tóe hơn nửa lít nước lên một trong những chiếc váy đó, hắn sẽ bật cười một tiếng nho nhỏ dễ thương mà rằng:
- Ôi, tôi hết sức xin lỗi, - và đưa cho các cô chiếc khăn tay của hắn để lau.
- Ồ, không sao đâu, - các cô nàng tội nghiệp lúng búng trả lời và lén lút kéo mớ khăn trải và áo khoác lên che người, cố tự vệ bằng mấy cái ô đăng ten của họ.
Đến bữa trưa thì các cô gặp cả đống vấn đề. Người ta muốn các cô ngồi lên cỏ, mà cỏ thì bẩn ơi là bẩn, và mấy cái thân cây các cô được mời tựa vào thì có vẻ đã hàng tuần nay chưa được ai phủi sạch; vậy là các cô bèn trải khăn tay xuống mà ngồi cứng đơ thẳng đờ trên ấy. Thế rồi ai đó đi ngang qua, với đĩa bánh kẹp bít tết trên tay, tự dưng vấp phải rễ cây và cái bánh bay vèo đi. May thay, không có miếng nào bay trúng các cô, nhưng tai nạn này lại khiến các cô nhận ra một mối nguy mới và làm các cô vô cùng kích động; sau đó cứ mỗi khi có người nào bước lại gần mà trong tay là thứ gì đó có thể rơi xuống và tạo ra một đống bẩn thỉu là các cô lại dõi theo người ấy với một nỗi lo ngại ngày càng tăng cho đến khi anh ta ngồi xuống.
- Nào các cô gái ơi, - thằng cha Chèo Mũi bạn chúng tôi vui vẻ nói với họ khi bữa trưa đã xong xuôi, - giờ thì đến đây nào, các cô phải rửa chén bát đi chứ nhỉ!
Các cô lúc đầu chẳng hiểu thằng cha nói gì. Khi lờ mờ nhận ra ý đồ của hắn, các cô nói, các cô e rằng mình không biết rửa chén bát thế nào.
- Ôi, tôi sẽ cho các cô thấy ngay thôi, - hắn gào lên, - vui cực kỳ đấy! Các cô nằm rạp ra - ý tôi là các cô hãy vươn người ra bờ sông ấy, rồi lấy nước gột sạch mọi thứ đi.
Cô chị bảo cô em trang phục họ đang mặc không thích hợp với việc này cho lắm.
- Ôi, trang phục thế là ổn rồi, - hắn vô tư nói, - xắn lên là được mà.
Và rồi hắn khiến họ làm việc đó thật. Hắn bảo mấy trò kiểu này là phân nửa sự vui thú của một cuộc picnic rồi. Các cô bèn thẽ thọt bảo việc ấy cũng thú vị ghê.
Bây giờ khi nghĩ lại, tôi hơi phân vân không hiểu thằng cha ấy có đần như bọn tôi nghĩ thật không? Hay là hắn - không, không thể nào! Hắn có cái vẻ ngây thơ vô tội thế cơ mà!
Harris muốn lên bờ ở nhà thờ Hampton để đi thăm mộ bà Thomas.
- Bà Thomas là bà nào? - tôi hỏi.
- Làm sao mà tớ biết được? - Harris trả lời. - Bà ta là cái bà có một cái mộ hay hay và tớ muốn xem nó, thế thôi.
Tôi phản đối. Tôi không biết có phải tôi có gì khác người hay không, nhưng có vẻ như tôi chẳng bao giờ thấy thèm thuồng lăng với chả mộ. Tôi biết, khi ta đến một ngôi làng hay thị trấn thì chạy ngay đến nghĩa địa và thưởng thức các ngôi mộ là việc nên làm; nhưng đó là một trò tiêu khiển mà tôi luôn từ chối cung cấp cho bản thân. Tôi chẳng thích thú gì chuyện bò quanh những ngôi nhà thờ lạnh lẽo tối om sau những ông lão thở khò khè, lần sờ đọc văn bia. Kể cả một miếng bia đồng bị rạn chìm trong đá cũng chẳng hề khuấy động trong tôi cái được tôi gọi là hạnh phúc thật sự.
Tôi đã làm những con người đáng kính trông coi nghĩa địa choáng váng vì sự điềm tĩnh mà tôi thể hiện trước những câu khắc thú vị trên mộ chí và sự thiếu nhiệt tình của tôi đối với lịch sử gia đình chủ mộ, trong khi thái độ nhấp nhổm lộ liễu của tôi làm họ tổn thương ghê gớm.
Buổi sáng rực rỡ của một ngày nắng đẹp, tôi tựa lưng vào bức tường đá thấp bao quanh ngôi nhà thờ nhỏ của làng và hút thuốc, và nhấp một ngụm rượu trong niềm vui sướng bình thản sâu xa khi ngắm nhìn cảnh trí ngọt ngào êm đềm ấy - ngôi nhà thờ cổ màu xám với những dây thường xuân quấn quít, cánh cổng gỗ chạm khắc rất đẹp, con đường nhỏ màu trắng nằm quanh co chạy xuống đồi giữa hai hàng cây du cao ngất, mái tranh nhấp nhô nổi lên trên những hàng rào được cắt tỉa cẩn thận, dòng sông bạc dưới thung lũng, những ngọn đồi cây cối rậm rạp ở phía xa.
Cảnh sắc ở đó thật đẹp. Thôn dã, nên thơ và làm tôi tràn trề cảm hứng. Tôi cảm thấy mình thật tử tế và cao cả. Tôi thấy mình muốn tránh xa tội lỗi và cái ác. Tôi sẽ đến sống ở đây, sẽ không bao giờ làm việc gì sai trái nữa, sẽ sống một đời trong sạch, tươi đẹp, và khi về già sẽ có một mái đầu bạc như cước, vân vân và vân vân.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi tha thứ hết mọi sự xấu xa tội lỗi của bạn bè và họ hàng, và tôi cầu Chúa ban phúc lành cho họ. Họ không biết tôi cầu Chúa ban phúc cho họ đâu. Họ đã đi theo con đường bị ruồng bỏ của họ mà không hề hay biết về những điều mà tôi, ở tít tận ngôi làng bình yên nơi xa xôi này, đang làm vì họ; nhưng tôi đã làm thế, và tôi ước gì mình có thể cho họ biết mình đã làm điều đó, vì tôi muốn họ được hạnh phúc. Tôi đang miên man với những suy nghĩ tử tế và vĩ đại đó thì bỗng nhiên một giọng the thé phá tan cơn mơ màng:
- Ổn cả, thưa ngời; tôi đa…ang đến đây, tôi đa…ang đến đây. Ổn cả, thưa ngời, vội gì chứ.
Tôi nhìn lên và thấy một ông già hói đầu đang tập tễnh băng qua nghĩa địa tiến về phía mình, mang theo một chùm chìa khóa khổng lồ lúc lắc lách cách theo mỗi bước chân.
Tôi ra hiệu xua ông ta đi với một vẻ trang nghiêm lặng lẽ, nhưng ông ta vẫn tiến đến, vừa đi vừa rít lên:
- Tôi đang đến đây, thưa ngời, tôi đang đến đây. Tôi hơi bị cà nhắc. Không nhanh nhẹn được như hồi trước nữa rồi. Đường này, thưa ngời.
- Đi đi, ông già khốn khổ kia, - tôi nói.
- Tôi đã đến nhanh hết mức rồi, thưa ngời, - ông ta đáp lại. - Mãi đến bây giờ bà chủ của tôi mới nhìn thấy ngời. Xin hãy đi theo tôi, thưa ngời.
- Đi đi, - tôi lặp lại; - đi đi trước khi ta trèo qua bức tường này và giết chết ông.
Ông ta có vẻ ngạc nhiên lắm.
- Ngài không muốn đi thăm các ngôi mộ ạ? - ông ta hỏi.
- Không, - tôi trả lời. - Ta không muốn. Ta muốn ở đây, tựa lưng vào bức tường cũ kỹ xù xì này. Đi ngay đi và đừng có làm phiền ta, lòng ta đang tràn đầy những ý nghĩ đẹp đẽ và cao cả, và ta muốn ngừng lại ở đấy vì như thế ta cảm thấy thật tốt đẹp và tuyệt vời. Đừng có dẫn xác đến và làm ta điên tiết, xua đuổi hết những cảm giác tuyệt vời của ta bằng cái thứ bia mộ dở hơi vớ vẩn của ông. Cút đi ngay, và hãy thuê ai đó chôn ông thật rẻ thôi, và ta sẽ trả một nửa những chi phí ấy.
Ông già hoang mang mất một lúc. Ông ta dụi dụi mắt và nhìn tôi chằm chằm. Nhìn bề ngoài tôi đâu khác người bình thường: ông ta không hiểu nổi.
Ông ta nói:
- Ngài là người nơi khác mới tới đây phải không? Ngài không sống ở đây à?
- Không, - tôi nói. - Ta không sống ở đây. Nếu ta sống ở đây thì còn lâu ông mới còn sống ở đây được.
- Vậy thì, - ông ta nói, - ngài muốn đi thăm các ngôi mộ - mộ địa - người chết bị chôn, ngài biết đấy, mấy cái quan tài ấy mà!
- Ông là đồ lừa đảo, - tôi đáp, bắt đầu hăng lên; - Ta không muốn xem mộ - không phải mộ của ông. Tại sao ta phải làm thế chứ? Chúng ta cũng có mộ của mình, gia đình chúng ta có. Ông chú Podger của ta có ngôi mộ ở nghĩa địa Kensal Green, đó là niềm kiêu hãnh của toàn bộ miền ấy; và hầm mộ của ông nội ta ở Bow có thể chứa đến tám người vào thăm, trong khi bà cô tổ Susan của ta có một ngôi mộ gạch ở nghĩa địa Finchley với bia mộ có phù điêu hình gì đó kiểu như bình cà phê, và có mái vòm bằng thứ đá trắng tốt nhất cao tới mười lăm centimet, mấy thứ đó là cả đống tiền ấy. Khi ta muốn thăm nghĩa địa thì đấy là những nơi ta sẽ đến. Ta không cần thăm mộ người khác. Khi nào chính ông được chôn xuống đất, ta sẽ đến xem mộ của ông. Đó là tất cả những gì ta có thể làm cho ông.
Ông già bật khóc. Ông ta bảo một trong số những ngôi mộ ấy có một miếng đá ở trên cùng mà nghe nói có lẽ là phần còn lại của một bức tượng hình người, và một ngôi mộ khác có mấy chữ khắc mà chẳng ai giải mã được.
Tôi vẫn giữ thái độ sắt đá, và với giọng rền rĩ, lão già bảo:
- Vậy, ngài có muốn đến xem cửa sổ nhà tưởng niệm không?
Cả thứ ấy tôi cũng chẳng xem, vì thế lão đành giở ra chiêu cuối cùng. Lão rón rén lại gần và khàn giọng thì thào:
- Tôi có mấy cái sọ người ở dưới hầm mộ đấy, - lão nói; - ngài đến mà xem đi. Ôi, đến xem mấy cái sọ ấy đi! Ngài là một người trẻ tuổi đang trong kỳ nghỉ, và ngài muốn được vui vẻ. Hãy đến xem sọ người đi!
Thế là tôi bèn quay đi và chuồn thật nhanh, vẫn nghe tiếng lão già gọi với theo:
- Ôi, xin hãy đến xem mấy cái sọ người đi mà, quay lại xem mấy cái sọ đi ngài ơi!
Tuy nhiên Harris lại mê say các ngôi mộ, nghĩa địa, văn bia, các dòng chữ khắc trên tượng đài, và chỉ cần nghĩ đến chuyện không được nhìn thấy ngôi mộ của bà Thomas là hắn đã phát điên lên. Hắn nói hắn đã mong mỏi được nhìn thấy mộ của bà Thomas ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bàn bạc về cuộc hành trình - nếu không vì cái ý tưởng đi thăm mộ bà Thomas thì hắn còn lâu mới tham gia.
Tôi nhắc nhở hắn về George, và việc chúng tôi phải đưa thuyền đến Shepperton trước năm giờ để gặp tên này, và thế là hắn bắt đầu nhiếc móc George. George làm cái quái gì ở đấy cả ngày mà để mình phải lôi ngược lôi xuôi cái thuyền thổ tả này trên cái con sông của nợ này để đến đón hắn cơ chứ? Sao George không vác mặt đến mà lao động đi? Sao George không nghỉ làm lấy một ngày mà xuống đây? Cầu cho cái ngân hàng ấy bị nổ tung đi! Mà hắn thì biết làm cái quái gì ở cái ngân hàng ấy cơ chứ!
- Bao nhiêu lần tớ ghé qua đấy mà có lần nào thấy hắn làm cái gì đâu, - Harris tiếp tục cơn phẫn uất. - Hắn ngồi ì sau tấm kính suốt cả ngày, giả vờ giả vịt là đang làm việc. Một thằng suốt ngày ngồi sau tấm kính thì làm gì cho đời? Tớ phải đổ mồ hôi kiếm sống. Sao hắn không thể lao động chứ? Hắn được cái tích sự gì ở đấy, và cái ngân hàng của hắn thì ích lợi gì? Bọn chúng lấy sạch tiền của mình, rồi đến lúc mình ra rút một cái séc, chúng gửi nó lại cho mình với chi chít các thứ kiểu như “Không có hiệu lực” hay là “Trả lại người lĩnh séc”. Cái của nợ ấy để làm gì cơ chứ? Tuần trước chúng nó chơi xỏ tớ hai lần đấy. Tớ không chịu được nữa. Tớ sẽ xóa tài khoản. Nếu hắn ở đây có phải mình đi xem mộ bà Thomas được rồi không. Tớ chẳng tin hắn đang đi làm đâu. Chắc là hắn đang nhởn nhơ đâu đấy, và để kệ cho bọn mình làm hết mọi việc. Tớ vứt mẹ hết đấy đi làm một cốc đây.
Tôi nhắc nhở Harris rằng mấy dặm quanh đây chẳng có quán rượu nào cả, và rồi hắn bèn chuyển chủ đề sang chửi rủa sông Thames. Sông thì có gì tốt chứ, và có phải ai ở trên sông này cũng chết vì khát không?
Nói chung khi Harris lên cơn thế này tốt nhất không nên đôi co với hắn. Rồi hắn sẽ mệt đứt hơi mà im mồm đi thôi.
Tôi nhắc cho hắn nhớ rằng còn có nước chanh cô đặc trong giỏ mây và một bình nước đầy ở mũi thuyền, chỉ cần khuấy hai cái lên là sẽ có một thứ đồ uống tươi mát làm tỉnh người ngay.
Vậy là Harris nổi cơn lên với nước chanh, và thứ “giống cháo loãng của trường Chủ nhật” như hắn gọi, rồi bia gừng, xirô việt quất, vân vân và vân vân. Hắn bảo những thứ ấy chỉ tổ làm khó tiêu, hủy hoại cả tâm hồn lẫn thể xác và là nguyên nhân của một nửa số tội ác trên cái đất Anh này.
Tuy nhiên, hắn bảo hắn phải uống thứ gì đó và trèo lên ghế, nghiêng người về phía trước để với cái chai. Cái chai nằm tít tận đáy hòm và có vẻ như tìm được nó không phải dễ, Harris nhổm xa hơn, xa hơn nữa, đồng thời vẫn cố lái thuyền, thế là, trong hoàn cảnh nhìn lộn ngược, hắn bẻ lái nhầm bên và đâm thuyền đánh ầm vào bờ sông, cú đập làm hắn lộn nhào cắm đầu vào cái giỏ mây, bị kẹp cứng vào một bên mạn thuyền, chổng vó lên trời. Hắn không dám ngọ nguậy vì sợ bị lộn nhào phát nữa nên cứ phải nằm im đấy cho đến khi tôi nắm được chân hắn lôi ngược ra, và tai nạn này làm hắn nổi điên hơn bao giờ hết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét