Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Trái tim tuổi 19 - Ch 6

Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)

Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012

Sáu

Người ta cứ nhìn chằm chằm khi chúng tôi đi vào viện dưỡng lão Rừng Thu. Một cụ bà đang ngồi trên ghế. Bà đã được đẩy bằng xe lăn quanh công viên suốt chiều Chủ nhật. Anh con trai đã luống tuổi và hai đứa cháu nhỏ. Một người gác cổng tôi không quen.
Cô gái ở quầy tiếp tân mỉm cười chào rồi nhìn đi chỗ khác. Chúng tôi đã quen với chuyện này. Tôi và Lara là một trong những cặp mà người ta thường dành ít phút để quan sát mà không hiểu vì sao. Nhưng tôi thì hiểu rõ.
Chúng tôi chưa bao giờ trông xứng đôi cả.
Lara nhỏ nhắn và xinh đẹp, duyên dáng và thanh thoát; trong khi tôi lại quá to lớn, dềnh dàng và ì ạch, ừm, không hẳn là xấu trai, nhưng mũi đã bị gãy hai lần - lần đầu vào một buổi tối thứ Sáu bị gã say khướt ném cây gậy giao thông vào mặt, lần sau là khi chúng tôi lăn trên lề đường để bắt hắn. Chiếc mũi gãy làm khuôn mặt tôi lệch đi, dị dạng, cứ như món hàng kém phẩm chất vậy, thật khó mà mô tả cho dí dỏm được. Thật ra, tôi thấy xấu xí là từ chính xác nhất.
Lara vẫn giữ được cái vẻ không thể định nghĩa được từ những ngày nàng còn là vũ công. Người ta đã từng trả tiền để xem nàng diễn, xem nàng nhảy múa, xem nàng tỏa sáng. Nàng sẽ là bà mẹ hai con tròn bốn mươi tuổi vào sinh nhật tới, nhưng nàng vẫn giữ được sức quyến rũ của một ngôi sao. Trong khi đó, chẳng ai màng đến tôi. Tôi không giống những người nàng từng quen. Tôi không giống chàng trai nàng từng hò hẹn. Bạn trai cũ của nàng. Tôi không giống gã trai bảnh bao theo đuổi nàng sau khi đóng vai Hoàng tử được báo chí khen ngợi. Tôi ở vùng West End, phía Tây Luân Đôn, chuyên đuổi theo những tên hút chích, cướp giật, những gã say xỉn lạng lách quanh bùng binh để cảnh sát Keith Rooney bợp tai và bảo chúng không được hư hỏng nữa. Tôi là một gã to lớn mũi gãy không biết sợ cái thế giới vật chất này. Và đó là điểm nàng thích ở tôi. Tôi là món thịt khoai tây chắc bụng, nhưng đó cũng có thể là điều khiến các cô gái khác quay đi. Ý tôi là phụ nữ. Nàng biết tôi sẽ không bao giờ thôi yêu nàng. Nàng biết rằng tôi không bao giờ như vậy, biết rằng tôi luôn là kẻ hàm ơn, bởi rõ ràng nàng là mâm son, còn tôi là đũa mốc. Nhất là cánh đàn ông, cái nhìn của họ ngụ ý Ôi, hoa nhài cắm bãi... Và khi tôi trừng mắt nhìn lại, họ ngó lơ chỗ khác. Bởi họ nhận thấy điều gì đó ở tôi. Không phải vì tôi là cớm. Không phải vì khổ người ngoại cỡ của tôi. Càng không phải vì lúc đó tôi đang cố gắng ra oai giống bố. Mà họ cảm nhận được rằng họ đang mạo hiểm đặt chân lên thánh địa. Bởi nàng là tất cả đối với tôi. Và thế là họ lui bước.
Mọi thứ có thể đã khác đi nếu bố mẹ nàng không mất vì tai nạn xe hơi lúc nàng mười hai tuổi. Họ đang trên đường đến sân bay đón nàng trở về sau chuyến đi trượt tuyết do trường tổ chức - bảy ngày rộn rã tiếng cười trên một ngọn núi ở Pháp. Đường trơn trợt vì mưa và xe của họ va vào đuôi của một chiếc xe tải bị xì lốp đang đỗ trên đường cao tốc.
Giá bố mẹ nàng còn sống... Nhưng họ đã không còn.
Và bạn không bao giờ thật sự biết trân quý niềm hạnh phúc thầm lặng khi có một mái ấm gia đình, một bến đỗ bình yên cho đến lúc cuộc sống cướp tất cả mọi thứ khỏi tay bạn.

*
*    *

Khi tôi dìu bà ngoại của Lara từ giường sang ghế, bà hỏi:
- Con có thấy cuốn sách của bà không?
Khi bà nói sách nghĩa là bà muốn hỏi tờ tạp chí, và khi bà cần tờ tạp chí tức là bà muốn xem phần giới thiệu chương trình ti-vi mà bà yêu thích.
- Dạ, đây ạ. - Nàng nói và đặt tờ tạp chí vào lòng bà. Tờ tạp chí đã mở sẵn trang của ngày hôm nay với những chương trình mà bà yêu thích được khoanh tròn bằng bút đỏ, trông như hàng rào bao quanh nỗi cô đơn của bà vậy. Lara ngồi trên giường mỉm cười.
- Chiều nay có gì hay không bà?
- Người Mỹ ở Paris.
Đôi mắt xanh của bà nhòe mờ sau cặp kính. Lara quan tâm thật sự, chứ không chỉ hỏi cho có chuyện.
- Gene Kelly đóng với ai thế ạ?
- Leslie Caron. Nhạc của Gershwin. - Bà gật gù nhấn mạnh. - Gershwin. Ta thích ông ấy. - Bà nói như thể George Gershwin là một tài năng mới vừa được bà phát hiện.
Lara và bà cười với nhau, phấn khích nghĩ về bộ phim ca nhạc Người Mỹ ở Paris. Với vợ tôi, nhảy múa luôn là một phần cuộc sống. Chưa bao giờ mất đi. Chưa bao giờ tàn lụi. Chưa bao giờ. Với nàng, nhảy múa là điều gì đó cao hơn cả kế sinh nhai. Sau khi mất đi gia đình thứ nhất và trước khi có gia đình thứ hai, nhảy múa chính là cuộc sống của nàng. Và nàng thừa hưởng điều đó từ bà. Bà không chỉ dẫn cô bé Lara đến lớp khiêu vũ, mà bà đã chỉ cho Lara thấy rằng người ta có thể đắm chìm, tan biến vào những vũ điệu, quên lãng chính mình. Nếu đó là điều bạn muốn, hoặc cần. Và bao năm qua, đó chính là điều nàng cần.
Đều đặn mỗi tuần hai lần, nàng đến thăm bà ở Rừng Thu. Thường thì nàng đi một mình. Nhìn cách Lara dìu bà đến ngồi trước ti-vi, cho bà nhấp từng ngụm nước như cho chú chim sẻ nhỏ uống, tôi biết nàng yêu bà đến nhường nào. Đó không phải là tình bà cháu thông thường. Bà đã nuôi nấng cả hai thế hệ. Không phải lúc nào bà cũng chăm sóc Lara, nhưng bà là người ở bên nàng nhiều hơn bất cứ ai, yêu nàng nhiều như bố mẹ nàng vậy. Nàng luôn nói thế.
Thật khó tin là việc cùng lúc mất đi cả cha lẫn mẹ như Lara không phải là hiếm. Những đôi vợ chồng luôn đi cùng nhau, và đôi khi, họ chết cùng nhau. Nhưng dù vậy, suốt một thời gian dài, tôi luôn nghĩ dường như chỉ mỗi mình nàng phải chịu cảnh đó. Đó là ngày tồi tệ nhất đời nàng. Nàng từng nói với tôi, mắt ráo hoảnh, giọng trầm tư: “Em không biết em sẽ ra sao nếu không có bà. Bà đón em về. Bà yêu thương em. Bà giúp em đi tiếp con đường. Bà giữ em lại để em không rơi xuống vực thẳm”.
Bà rất mê những bộ phim ca nhạc của hãng MGM. Bài Putting on the Ritz của Fred và Ginger. Cặp diễn viên Gene Kelly và Debbie Reynolds. Khi Lara đến sống với bà - đầu thập niên tám mươi - cũng là kỷ nguyên của những cuốn băng video cho thuê. Giờ thì bạn có thể thoải mái xem Singin’ in the Rain hay West Side Story hay Oklahoma! bất cứ lúc nào.
Bà và cô bé Lara hầu như xem suốt.
Họ hâm mộ Gene, Ginger, Fred, Debbie và nhiều người khác, nhưng họ yêu Cyd Charisse hơn tất cả. Họ thích xem bà ấy nhảy cùng với Gene Kelly trong Singin’ in the Rain trên sân khấu Broadway lộng lẫy, Kelly quỳ gối trước Cyd - ả gái điếm của bọn giang hồ trong bộ váy màu xanh lá. Họ thích Cyd đóng với Fred Astaire trong Bandwagon, nhảy trên quầy bar đặc quánh khói thuốc và rượu mạnh với những vũ điệu bốc lửa.
Dù đã tập ba-lê từ bé nhưng chính những chiều Chủ nhật cùng xem phim ca nhạc của hãng MGM với bà mới là lúc khiêu vũ thật sự khơi dậy niềm đam mê trong nàng. Sắc màu của những ngày Chủ nhật từ rất lâu về trước còn tươi sáng hơn cả cuộc sống thật, tuyệt vời hơn cả cuộc sống thật. Và khi tôi nhìn hai bà cháu cùng ngồi xem bộ phim yêu thích, tôi tự hỏi liệu có gì thay đổi chăng. Tôi cảm thấy dường như khiêu vũ vẫn bao trùm lên những giấc mơ của nàng.
- Một ngày nào đó con sẽ nhảy điệu tango ở Buenos Aires. - Nàng nói với bà khi ngồi trên thành ghế, choàng tay ôm lấy đôi vai gầy guộc của bà, khi cả hai vẫn không rời mắt khỏi Gene Kelly, rồi cười liếc nhìn tôi. - Anh có thể đăng ký học khi đến đó. Ý em là Buenos Aires. Người ta gọi là BA. Em đã tra trên Internet. Nhảy tango với chồng trên một sân khấu milonga [Tiếng Tây Ban Nha, chỉ những nơi dành riêng cho điệu tango] nhỏ ở Argentina, có âm nhạc, đám đông, có mồ hôi và những sắc màu lộng lẫy, thú vị biết mấy!
Đùa đây mà, tôi nghĩ. Tôi nhớ mình đã mang giày nhảy trong suốt những ngày tháng hẹn hò với Lara, và nàng đã vô cùng vất vả để tập cho tôi khiêu vũ trong ngày cưới.
Khi Lara đi gọi bữa tối cho bà, bà ra hiệu gọi tôi đến gần. Tôi nghĩ bà sẽ nói điều gì đó về George Gershwin hay Gene Kelly. Nhưng bà đã rít lên một lời cảnh báo bên tai tôi.
- Đừng già đi.

*
*    *

Bố mẹ tôi đang ở lớp học tự vệ. Hai ông bà trông vẫn phong độ ở tuổi “xưa nay hiếm” trong bộ đồ thể thao Adidas, bà màu đỏ còn ông màu đen, trang phục láng bóng như có dầu loang. Xung quanh họ là hơn chục cụ ông cụ bà về hưu, đa phần là cụ bà, đứng thành hàng ngang trên sàn phòng tập theo chỉ dẫn của huấn luyện viên, những gương mặt phúc hậu nhíu mày, vẻ căng thẳng.
Huấn luyện viên nói:
- Chó không biết võ Tầu, cũng không biết Karate, Tae Kwon Do hay quyền Anh. Nhưng chú chó nào cũng biết tự vệ.
Cả lớp hiền lành mỉm cười với anh ta. Giày của họ cũng trắng như tóc họ vậy, như vừa được lấy trong hộp ra, mới toanh. Huấn luyện viên nắm chặt tay và nghiến răng.
Một bà cụ hỏi mẹ tôi:
- Cậu ấy nói gì vậy bà?
- Cậu ấy nói “Chó không biết võ”, bà ạ. - Mẹ trả lời rồi cười tươi với tôi. Mẹ rất vui khi thấy tôi. Tôi ít khi thăm bố mẹ. Lúc nào tôi cũng bận rộn.
- Đối phó với cú ôm chặt từ đằng trước. - Huấn luyện viên nói và đề nghị bố tôi bước lên phía trước.
- Bác bị ôm chặt quanh người, cả hai cánh tay. - Anh ta tiến đến ôm chặt bố tôi. Tôi chưa bao giờ ôm ông như vậy. Có thể mẹ cũng chưa bao giờ ôm bố như thế.
- Đầu tiên, thúc gối vào hạ bộ đối phương. - Huấn luyện viên nói.
- Cái gì? - Cụ bà ban nãy lại hỏi.
- Hạ bộ. Thúc gối vào hạ bộ đối phương, bà ạ. - Mẹ đáp.
Bố liều lĩnh nhấc chân khỏi sàn nhà độ vài tấc khi làm động tác thúc vào hạ bộ của huấn luyện viên. Anh ta nói tiếp:
- Kế đó, đá vào ống quyển của hắn. Bố chậm rãi làm theo.
- Rồi giẫm mạnh lên chân hắn.
Bố giả vờ giậm gót xuống chân huấn luyện viên. Các cụ ông cụ bà móm mém cười. Lốp đốp vài tiếng vỗ tay. Mẹ cười rạng rỡ vì vui sướng và hãnh diện. Bố thì dương dương tự đắc.
- Nếu hắn ta vẫn chưa hiểu được thông điệp, - Huấn luyện viên nói, đầu hơi chúi về trước, - hãy dùng hết sức đập mạnh trán vào sống mũi hắn. Và chúc hắn ngủ ngon. Nào, chúng ta tập lại theo từng đôi nhé.
Tôi ngồi trên băng ghế nhìn bố mẹ tập luyện cùng các cụ mà thầm thán phục trước sinh khí và lòng quả cảm của họ, nhưng trên tất cả là ngạc nhiên trước sự ngây thơ và niềm tin của họ vào thế giới này.
Làm sao họ chắc rằng kẻ xấu chỉ có một mình?
Buổi học kết thúc, bố mẹ ra chỗ tôi. Mẹ hôn tôi, rồi trầm trồ trước mấy bức ảnh chụp bọn trẻ sau khi tôi xuất viện. Mẹ nói bà không tin nổi Rufus đã trở thành một cậu chàng đẹp trai như thế, còn Ruby, Ruby bé bỏng, giờ đã ra dáng một thiếu nữ.
Mẹ khấp khởi mong đợi khi tôi nói rằng cả nhà sẽ gặp nhau vào bữa trưa Chủ nhật tới. Nhưng bố thì nhìn thấu tôi. Bố tôi, một cảnh sát về hưu, luôn nhìn thấu lòng tôi. Ông chờ mẹ đi khuất vào phòng thay đồ rồi mới hỏi:
- Vẫn chưa đi làm lại hả?

*
*    *

Đôi khi tôi xuống tinh thần.
Bác sĩ tim mạch khuyên tôi nên chuẩn bị bởi vì sự dao động trạng thái tâm lý thì ít mà thay đổi về cách tiếp nhận sẽ nhiều hơn. Tôi chợt ngộ ra điều đó. Mọi thứ đều mong manh dễ vỡ. Đặc biệt là tôi. Và cái máy nước nóng của chúng tôi nữa. Tôi có thể nghe thấy tiếng nó phun nước phì phì trong phòng tắm. Cần gấp một thợ sửa ống nước. Tôi yên lặng thở dài, nghĩ bụng, từ lúc nào cuộc đời mình lại quanh quẩn với những việc lặt vặt trong nhà như vậy chứ.
- Anh có muốn nói về vấn đề đó không? - Lara vừa nói vừa choàng tay qua tôi.
Nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu, kết thúc chỗ nào và đoạn giữa ra sao.
- Anh đi đây một lát nhé.
Nàng rút tay lại, gật gật đầu. Lát sau, tôi nghe tiếng chân nàng đi lại trong phòng ngủ. Rồi căn phòng gần như im lặng, ngoại trừ tiếng tủ lạnh o o và tiếng chiếc máy nước nóng phun phì phì.
Lúc Rufus về đến nhà, chai vang đỏ đã cạn một nửa. Trông thằng bé thật thảm hại. Quần áo ướt, nồng nặc mùi bia, y như con mèo bị dội cả chai bia lên người. Nó nhìn chiếc AlcoHawk Pro trên bàn.
Bỗng dưng tôi thấy đó là một thứ đồ nhựa lố bịch.
- Đừng lo. Bố nghĩ tối nay không cần kiểm tra đâu.
- Con chẳng có gì phải lo. - Nó cúi thân hình cao nghệu, lóng ngóng xuống nhặt chiếc máy, nhìn thiết bị màu xám bóng trong tay, rồi nhìn tôi. - Con không uống một giọt nào.
- Ờ phải. - Tôi cười. Tôi phải khâm phục vẻ ương ngạnh của thằng con trai vì rõ ràng đó là lời nói dối. - Lần sau thử uống một chút nhé con.
Rồi cơn giận dữ bùng lên - dễ nổi giận là đặc tính của các cậu bé mới lớn.
- Bố không tin bất cứ lời nào của con, đúng không?
- Nhỏ tiếng thôi. Mẹ và em con đang ngủ.
- Không tin một từ. - Nó lúc lắc đầu trước cái máy AlcoHawk. - Không một từ nào.
Tôi thở dài, lắc đầu không hiểu sao nó đứng đó, bốc mùi chua chua như cái lò ủ bia, vậy mà còn nói dối cho được.
- Nhưng, Rufus, bố ngửi thấy rồi.
- Nhưng con không uống. Chúng nó ném vào con đó chứ. Họ tạt bia vào con, bố à.
Nó làm tôi không còn hiểu thế nào nữa.
- Họ làm gì? Con đang nói về ai? Chúng nó là ai chứ?
- Không quan trọng đâu bố.
Nhưng đối với tôi, điều đó quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
Tôi nhìn con trai, cái con quái vật to lớn vụng về này, kẻ lạ mặt da bọc xương này, và tôi buộc mình phải nhìn lại đứa con từng là cậu nhóc để tóc bờm xờm, cậu con trai bé bỏng mà tôi có thể ôm vào lòng và được nó ôm lại, không ngượng ngùng đẩy tôi ra.
- Có gì xảy ra với hai bố con mình vậy Rufus? Bố và con là bạn mà, phải không? Con có nhớ hồi con còn nhỏ, hai bố con đã cùng dạo công viên, cùng xem bóng đá, cùng đi Legoland chơi xếp hình. Con nhớ Legoland chứ?
- Legoland? Vâng, con bị say xe. Nôn thốc nôn tháo suốt chặng đường đến Windsor.
- Nhưng con đã rất thích thú khi chơi ở đó. Nhớ chưa? Điều gì xảy ra vậy?
Nó khịt mũi nhìn đi chỗ khác.
- Ờ, thì... Con lớn rồi.
Là vậy sao? Tất cả chỉ có vậy ư? Thật thế à? Khoảng cách giữa hai bố con ngày càng rộng khi năm tháng qua đi sao? Như thế có tự nhiên không? Thật không tin nổi. Tôi cảm thấy mình đã rẽ sai đường ở đâu đó, và đó là lý do tôi đánh mất đứa con trai.
- Thật không dễ chịu chút nào khi có một ông bố là cảnh sát. Ai ai cũng biết. Luôn luôn bị so sánh. Luôn luôn bị so đo. Chỉ là đứa con trai của bố thôi. Luôn bị nhìn theo cách đó. - Nó cười cay đắng. - Sống dưới cái bóng của bố.
Tôi lắc đầu.
- Bố đâu có nổi tiếng. Bill Gates mới nổi tiếng. Brad Pitt mới nổi tiếng. Đạt Lai Lạt Ma... Con nên vui mừng vì Đạt Lai Lạt Ma không phải là bố con. Bố không nổi tiếng mà.
- Ồ, có chứ, nhưng ở mức độ địa phương. Mọi người quanh đây đều biết bố là ai. Hay bố đã từng là ai, trước khi bố bị bệnh. Bố nổi tiếng trong phạm vi nhỏ bé hiện đại này.
Tôi tự rót thêm một ly rượu đầy. Đột nhiên, mặt nó lộ vẻ lo lắng.
- Bố sao vậy?
- Không có gì. Hơi khó chịu chút thôi. Có thể do thuốc. Thuốc làm cho người ta thay đổi tâm tính. Đừng lo. Chỉ là một đêm tồi tệ. Như con vậy. Mà con có nghĩ là mình đã tạo ra những buổi tối tồi tệ không?
Nó vẫn cầm chiếc AlcoHawk Pro. Tôi chỉ chai rượu vang còn dở.
- Con uống một chút nhé? Bố không được phép uống. Nhưng bố thật sự rất mệt mỏi vì cứ phải làm thế này thế nọ. Con có bao giờ cảm thấy vậy không?
Rufus lắc đầu.
- Con không uống, bố ạ. Không phải thứ con thích.
Nó đặt chiếc AlcoHawk Pro xuống. Tôi nhìn nó hồi lâu.
- Vậy con đã đi đâu?
Nó nói cho tôi biết.
Khi nó kể xong câu chuyện, tôi ngập ngừng ôm nó và nó cũng vụng về siết chặt tôi, rồi tôi để nó ở lại sục sạo thức ăn và làm huyên náo khắp gian bếp nhỏ.
Phòng ngủ trên lầu đã tắt hết đèn, nhưng vợ tôi vẫn thức đợi.

*
*    *

Tôi mở mắt khi bình minh còn chưa hé rạng. Nào phải là tôi. Tôi luôn ngủ như em bé kia mà.
Ý tôi không phải là em bé cứ thức dậy khi tè dầm và khóc ré sau mỗi hai tiếng đồng hồ, mà giống một đứa trẻ trong thần thoại thiêm thiếp giấc nồng từ lúc hoàng hôn tắt nắng cho đến khi bữa sáng mời chào. Nhất là sau một đêm yêu. Nhưng không phải tối nay. Không còn nữa. Và, tôi lờ mờ hiểu rằng sẽ không bao giờ như thế nữa.
Tôi nằm đó, miệng khô khốc vì chai rượu vang tối qua, nghe hơi thở đều của Lara. Biết không ngủ lại được nữa, tôi rón rén bước xuống lầu.
Trong ánh sáng chập chờn hắt ra từ màn hình máy tính của vợ trong căn bếp, tôi nhớ đến các anh chị mình. Tất cả họ đều đã ở phòng chờ để lên chuyến tàu của thần chết, và rồi hủy chuyến ngay trước khi tàu lăn bánh. Ai đó đã viết: Chúa đã ném vào đống lửa của tôi thêm một que củi.
Ngồi trước màn hình máy tính, tôi nhận ra rằng chúng tôi đều được cứu sống nhờ lòng nhân ái kỳ diệu của một người xa lạ nào đó. Chúng tôi thừa hưởng một phần của họ, và thừa hưởng một thứ nữa. Chúng tôi đã sống, nhưng đã bị thay đổi. Ồ, chúng tôi đã bị thay đổi.
Thay đổi theo cách có thể tưởng tượng được. Và thay đổi theo cách nằm ngoài trí tưởng tượng.
- Tôi là con quái vật Frankenstein. - Louis Washkansky đã hét lên khi thức dậy sau ca ghép tim đầu tiên trên thế giới thực hiện ở Cape Town, Nam Phi, vào tháng 12 năm 1967.
- Không phải Frankenstein, - y tá của Louis nói, - mà là một thiên thần.
Tôi tắt máy tính. Bên ngoài vẫn tối đen khi tôi trở lại giường. Cả nhà đang yên giấc. Và tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi đi ngang qua phòng tắm và thấy hắn. Mái tóc không được cắt tỉa, rối bù, đôi mắt lóe sáng hoang dại, không một chút mỡ trên khuôn mặt lởm chởm râu, những thớ thịt chảy xuống. Đó là khuôn mặt có thể khiến bạn hoảng loạn giữa đêm.
Và phải mất vài giây, tôi mới nhận ra rằng tôi đang nhìn chằm chằm vào chính tôi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét