Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)
Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012
Bốn
Trong giấc mơ, tôi đang ở trên cánh đồng
này. Xanh mướt, phẳng mịn như mặt bàn bi-da. Cánh đồng mơ ước của tôi. Khi đang
tung tăng giữa cánh đồng cỏ mượt mà ấy, tôi nhận ra đám đông đang dõi theo mình
với vẻ hào hứng như thể họ biết trước tôi về cái điều sắp xảy ra vậy.
Tôi cười thầm trong bụng, bởi bất chợt tôi
cũng biết điều đó, và rồi tôi ở giữa không trung, đầu cắm xuống đất, treo lơ lửng
trong khoảnh khắc kỳ diệu khi đỉnh đầu chỉ cách mặt đất vài đốt ngón tay, còn
hai chân thì hướng lên trời. Cả thế giới lộn ngược.
Tôi từng xem bức ảnh của một diễn viên ở thập
niên năm mươi trên đường phố New York cùng cô bạn gái. Ống kính đã chộp đúng
khoảnh khắc ông lộn ngược giữa không trung, mớ tóc xoăn gần như chạm hè phố. Cô
bạn gái đứng ngược với ông tươi cười trước ống kính, tuyệt đẹp và đầy tự hào.
Ông là Russ Tamblyn, đóng trong phim West
Side Story. Cũng có thể lúc ấy Russ chưa đóng phim. Nhưng ông là một vũ
công. Như vợ tôi vậy. Và chính nàng đã cho tôi xem bức ảnh đó.
Thế rồi tôi chạm đất và đám đông ồ lên kinh
ngạc. Rõ ràng họ chưa bao giờ chứng kiến một màn trình diễn nhào lộn ngoạn mục
đến thế. Cứ nhìn nét mặt họ khắc biết. Tôi lại biểu diễn cho họ xem một lần nữa.
Rồi một lần nữa. Cứ mỗi lần lộn vòng như vậy, họ dường như hò hét to hơn, vỗ
tay mạnh hơn, cuồng nhiệt hơn.
Mình có thể nhảy lộn vòng, tôi thầm nghĩ.
Làm tốt nữa là khác. Giống như Russ Tamblyn của thập niên năm mươi. Russ
Tamblyn trong phim West Side Story. Hết
ý luôn.
Sau đó, tôi nhìn thấy một gương mặt trong
đám đông. Là gương mặt duy nhất tôi thấy được. Tôi chạy lại bên gương mặt đặc
biệt ấy và trượt trên thảm cỏ xanh miên man bằng hai đầu gối dẻo dai không hề
đau đớn, lao vào vòng tay của Lara trong tiếng hò reo cổ vũ của cơ man là người.
*
* *
Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, tôi thấy
mình đang thở bằng máy trợ hô hấp. Lara ngồi bên cạnh, cầm lấy tay tôi. Chúng
tôi đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Nàng đeo khẩu trang, găng tay và áo
khoác y tế, nhìn như siêu nhân. Mọi người trong phòng cũng đều mặc như thế,
nhưng tôi biết chắc đó là nàng.
Không thể là ai khác được.
- Anh không cần phải đáp lại đâu. - Nàng
thì thầm.
Tôi muốn nói với nàng rằng em giống siêu
nhân quá, nhưng tôi đã lại thiếp đi mà tự hỏi không biết mình có tỉnh dậy nữa
không. Ngay cả trong tình trạng ngấm thuốc đó, tôi vẫn biết đây là thời điểm
nguy kịch.
Họ tống cho tôi đủ thứ thuốc ức chế đào thải
và làm suy yếu hệ miễn dịch, nhờ đó mà trái tim mới có thể ngồi chễm chệ trong
cái cơ thể cũ của tôi mà không bị tống cổ ra ngoài. Nhưng cùng với việc thận trọng
làm yếu đi hệ miễn dịch của tôi, hút đi cuộc sống của tất cả máu, tế bào và những
thứ có ích để chống chọi với lũ vi khuẩn và vi-rút, họ đã tặng tôi một cơ hội
vàng để chết ngoẻo vì những căn bệnh nhiễm trùng chết người. Đằng nào cũng
tiêu.
Tôi nhận được liều thuốc ức chế miễn dịch đầu
tiên vào buổi tối, trong phòng mổ ghép tạng. Giờ thì tôi sẽ phải dùng chúng đến
hết đời, bất kể cái cuộc sống đó kéo dài bao lâu.
Tôi ngủ. Tôi thức. Lara vẫn ở đó, vẫn như một
siêu nhân. Ngày này sang ngày khác. Ngủ. Thức. Tôi muốn hỏi nàng, em không có
nhà để về sao, muốn bảo nàng, anh xin lỗi, anh biết nỗi đau này kinh khủng lắm,
và nói, anh yêu em.
Nhưng tôi lại ngủ thiếp đi, và nếu mơ gì
thì tôi cũng không tài nào nhớ nổi.
Tôi ở trong phòng chăm sóc đặc biệt ba
ngày, sau đó được chuyển đến một phòng nhỏ gọi là hậu phẫu. Không còn máy trợ
hô hấp nữa. Từ lúc đó, Lara không còn mặc như một siêu nhân, cũng không còn nói
rằng tôi không cần phải đáp lại nàng. Tôi thấy hơi nhớ câu nói đó.
Nhưng thế là tốt.
Bởi nàng nghĩ tôi sẽ sống.
*
* *
Khi người ta gắn cho bạn một trái tim mới,
cơ thể bạn sẽ cố hủy diệt nó.
Đúng là ngớ ngẩn.
Nhưng quả thực cơ thể điên cuồng cứ cố loại
bỏ thứ mà nó xem là kẻ xâm lăng. Người ta gọi đó là sự đào thải, nhưng từ ngữ
đó vẫn chưa đủ. Đào thải có nghĩa là cơ thể bạn đang sỉ nhục, hắt hủi trái tim
mới, không thèm nhìn nhận sự có mặt của nó, không muốn nó chuyển đến sống ở đây
và hạ giá đất đai nơi này.
Và nói chung mọi chuyện không hề như vậy. Cơ
thể của bạn thật sự đang muốn giết chết nó đấy.
Cũng như khi bạn thức giấc lúc nửa đêm vì
có kẻ đột nhập vào nhà. Trong bóng tối, bạn đuổi theo hắn, ném vào hắn con dao
làm bếp, chai sữa uống dở, hay bất cứ thứ gì vớ được. Bạn cảm thấy như bạn đang
phải chiến đấu một mất một còn vậy. Bạn cảm thấy mình chỉ có thể tồn tại nếu giết
chết được kẻ lạ mặt này.
Rồi bạn bật đèn lên.
Và kẻ lạ mặt đó chính là bạn.
*
* *
Khi tôi tỉnh dậy, bố đã ở đó.
Tự nhiên, tôi đảo mắt nhìn khắp phòng tìm mẹ,
người hòa giải dịu dàng tốt bụng cho hai bố con tôi trong suốt bốn mươi bảy năm
qua. Chẳng thấy bóng dáng bà đâu. Miếng-đệm-một-mét-rưỡi của chúng tôi đã đi
đâu mất, hẳn là ra ngoài kiếm trà rồi. Hai bố con tôi nhìn nhau.
- Con khỏe rồi. - Ông nói bằng cái giọng
quen thuộc, nhỏ nhẹ nhưng cộc lốc.
Đó không phải là một câu hỏi. Và tôi biết
ơn vô cùng trước lời chẩn đoán đầy lạc quan đó, dù nó được thốt ra từ một cảnh
sát đã về hưu, chưa qua khóa đào tạo nào về phẫu thuật tim mạch.
Cơn đau nhói lên trong lồng ngực theo từng
nhịp thở. Đau quá.
Tôi vừa nói và nhăn nhó thở ra, vừa gồng
người lên, vặn vẹo. Mấy ống dẫn gắn trên mu bàn tay giật giật như nài nỉ tôi kiềm
chế. Tôi nằm yên trở lại trên chiếc gối êm như kẹo bông.
Bố kéo ghế xích lại gần, nắm lấy bàn tay
tôi, bàn tay không có mớ dây. Cái chạm tay của ông thật lạ. Vừa mềm mại, vừa
thô ráp. Như giọng nói của ông vậy.
- Nhắm mắt lại, ngủ đi con. Ngủ một chút
nào. - Ông nói.
Tôi cũng muốn ngủ. Chỉ mỗi việc tỉnh dậy
thôi dường như đã làm tôi kiệt sức. Nhưng thay vì nhắm mắt ngủ, tôi lại nhìn
mãi bàn tay tôi trong tay bố. Chắc ngày xưa bố cũng từng nắm tay tôi, dẫn tôi đến
trường, dắt tôi dạo quanh công viên. Bố có bao giờ làm những điều đó không nhỉ?
Có phải từ lâu lắm rồi chăng? Tôi không nhớ gì cả. Có lẽ là không, vì bố phải
đi làm. Tôi có cảm giác như thể đây là lần đầu bố nắm tay tôi.
- Sẽ bớt đau thôi. - Ông siết nhẹ mấy ngón
tay tôi như muốn nói hãy can đảm lên. Dường như không phải lần đầu tiên bố nói
với tôi như thế.
Tôi nhắm mắt, bàn tay vẫn trong tay bố. Cơn
buồn ngủ lại đến. Do thuốc. Bàn tay bố vẫn nắm chặt tay tôi.
Lara và mẹ tôi mang trà và cà phê vào, tôi
mở mắt ra.
- Nó đây rồi. - Mẹ tôi nói cứ như tôi đã
chuồn đi chơi trong khi bà đang đứng bên chiếc máy bán hàng tự động.
Và đó là lúc tôi cảm thấy bố buông tay.
*
* *
Họ muốn tôi tập thể dục, các bác sĩ và y tá
ấy. Họ muốn tôi ngồi dậy, đi đi lại lại. Có thể họ thấy tôi bắt đầu khá thoải
mái trong gian phòng bé tẹo như cái bong bóng nóng bức, thức ăn dâng tận miệng,
được chăm sóc ngay trên giường, như thể tôi vừa mới ra đời vậy. Tôi không quá lời
đâu. Chỉ riêng sự thật là tôi có mặt ở đây thôi cũng đã làm tôi sướng rơn rồi.
Bởi lẽ ra tôi đã chết.
Nhưng mà tôi đang thích thú với các chương
trình ti-vi ban ngày. Nào là dạy nấu ăn, các bản tin, nào là những bộ phim ướt
át, chuyện phiếm về các ngôi sao, và cả chuyện hậu trường thể thao.
Đã đến lúc từ bỏ thói quen đó. Đã đến lúc
nghĩ đến chương trình phục hồi sức khỏe và thời khóa biểu trị liệu.
Đã đến lúc phải đi những bước đầu tiên.
Sau vài lần run rẩy lê bước quanh phòng,
tôi được tự do đi khắp bệnh viện. Họ không còn thời gian để mắt đến tôi nữa. Họ
còn phải chăm lo nhiều bệnh nhân khác. Họ chỉ dìu tôi ra khỏi giường, truyền
máu cho tôi, rồi để tôi tự xoay xở lấy.
Và thế là tôi leo lên khám phá mái nhà.
Tôi đi dọc hành lang bệnh viện, thắt dây
lưng chặt hơn một chút, để khỏi lộ mình trong bộ áo quần kẻ sọc hiệu M&S.
Tôi đi ngang phòng y tá ở cuối hành lang và tới thang máy chở hàng để lên tầng
thượng. Mấy nhân viên dọn dẹp với những túi rác khổng lồ và một chút tiếng Anh
đủ để làm việc chào tôi chiếu lệ. Lên đến tầng thượng, tôi bước vài bước lên
cánh cửa không bao giờ khóa, đề phòng hỏa hoạn. Bên ngoài cánh cửa là mái nhà,
là thành phố, là cả thế giới.
Sự yên tĩnh và ồn ã không ngớt của phố xá.
Không khí trong lành và mù mịt khói xe. Cô độc và tất cả những thực thể sống mà
tôi chưa từng biết.
Vòng rào kim loại quanh mái nhà thấp đến nỗi
tôi cảm thấy tức thở, đầu óc quay cuồng. Đôi dép mang trong bệnh viện lùi một
bước. Bên dưới sáu tầng lầu, đại lộ Marylebone như một dòng sông mênh mông cuồn
cuộn chảy. Tôi hít một hơi, mỉm cười và cảm thấy như có ai ở đằng sau.
- Bố?
Là Rufus. Tôi nhìn thằng bé. Mắt nó hoe đỏ,
hai vai so lại. Nếu không vì tôi đang mặc bộ quần áo bệnh nhân thì bạn sẽ tưởng
tôi đang đến thăm nó mất.
- Tìm trên Google... - Nó nói, rồi im bặt.
Như tự nói với mình. Tiếng nức nở đang ở đâu đó rất sâu.
- Con và Ruby. Đọc về... bố biết đấy. Chuyện
xảy ra với bố... - Nó nhắm mắt lại, hướng về bố nó. - Một nửa bệnh nhân ghép tạng
sẽ chết sau mười năm.
Tôi cười.
- Vậy thì nửa còn lại sẽ sống. Cơ thể nó
rúm ró.
- Vâng, nhưng...
- Bố không là một trong những kẻ ấy, những
kẻ nửa vời.
Những từ đó thốt ra khó hơn tôi tưởng.
Chúng tôi đứng đó, gượng gạo, lúng túng. Cuộc
sống thành phố vẫn cuộn trôi ở xa bên dưới. Rồi nó bảo nó phải xuống. Tôi nói
đó là ý kiến hay, lát nữa tôi sẽ xuống sau. Mắt chúng tôi không hề gặp nhau
trong suốt buổi trò chuyện.
Tôi nhìn theo con trai và ước tôi có thể
nói gì đó để thằng bé thấy vui hơn, để nó hiểu rằng bạn không than khóc, không
trốn tránh và vào Google để tìm kiếm phép màu.
Làm sao tôi có thể giải thích cho thằng bé
hiểu? Tôi đang cảm thấy khỏe hơn. Cảm thấy thư thái. Cảm thấy hạnh phúc. Cảm thấy
trẻ lại.
Cảm thấy - dùng từ nào nhỉ?
Còn sống.
*
* *
- Chú Keith. - Ruby đứng dậy ôm lấy Keith
khi cậu ta bước vào phòng.
Tôi vui vì con bé vẫn gọi là chú Keith, dù
Keith chẳng phải là chú ruột hay có họ hàng. Tôi vui vì con bé vẫn hồn nhiên
như hồi bé.
- Chào công chúa. Bệnh nhân của con sao rồi?
Cả hai nhìn tôi đang ngồi trên giường, mỉm
cười.
- Bố khỏe ạ. Bố và chú cứ nói chuyện với
nhau. Con ra quán cà phê chút nhé.
Vẻ bối rối thoáng qua khuôn mặt đáng yêu của
con bé.
- Con sẽ chỉ ở trong quán cà phê thôi. - Nó
quay sang nói với tôi.
Tôi gật đầu. Tốt. Tôi không muốn con gái lo
lắng quá nhiều, mặc dù tôi biết yêu cầu như vậy là hơi cao. Ruby đi khỏi, Keith
kéo ghế ngồi sát giường, tóp tép nhai mấy trái nho cậu ta vừa mang đến.
- Chưa chết chứ hả? - Cậu ta hỏi. Tôi nhìn
đồng hồ.
- Còn sớm chán.
- Cần phải thống nhất câu chuyện của chúng
ta.
- Là chuyện gì chứ?
Keith gục gặc cái đầu to tướng.
- Tại sao anh lại ở trên mái nhà đó. Tại
sao cảnh sát văn phòng lại đuổi bắt tội phạm. Tại sao anh lại ở trong xe của
tôi chứ không phải thằng nhóc cộng sự hai mươi tuổi kia.
Tôi ngẫm nghĩ.
- Chúng ta đang ăn trưa thì trông thấy vài
đồng nghiệp cần trợ giúp. Nhóm vận sắc phục ấy.
Keith chồm tới. Chiếc ghế bệnh viện cọt kẹt
như phản đối - nó đâu có được thiết kế cho những người như Keith.
- Nghe có lý. - Cậu ta vừa ngáp vừa nói, rồi
vốc một nắm nho cho vào miệng nhồm nhoàm nhai và đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi.
- Nho ngon chứ? - Tôi hỏi.
- Không tệ. Xin lỗi ông bạn, ăn một quả
nhé?
- Không, cậu cứ tự nhiên đi.
Rồi Keith cười ranh mãnh, lấy trong túi ra
một bao thuốc lá đã bóc.
- Dành khi cần kíp.
Tôi gật đầu cảm kích, nhét bao thuốc lá vào
sâu trong túi áo ngủ. Keith chìa ra mấy quả nho.
- Thế... anh thấy sao rồi?
Tôi ăn một quả, không nhận ra được vị gì,
miệng nhạt thếch. Vết mổ trên ngực thổn thức bên dưới bộ đồ kẻ sọc. Chắc bạn
nghĩ đó là trái tim. Nhưng không, là vết mổ.
- Khỏe hơn bao giờ hết.
Keith cười to, lắc đầu.
- Nói cứng hả?
- Còn cứng hơn cậu đó.
Cậu ấy cười hô hố.
- Ờ, chí phải.
Keith im lặng, để cho tôi một ít thời gian
thảnh thơi. Không giống vẻ thô kệch khi chén hết mấy quả nho của tôi, Keith có
kiểu ngủ cạnh giường thật đáng yêu. Tôi vui vì cậu ấy đã đến. Tôi biết Keith đến
không phải để thống nhất câu chuyện cho hợp tình hợp lý. Tôi đã ngán ngẩm cách
mọi người thương cảm mình lắm rồi. Tôi xắn tay áo lên. Keith nheo mắt.
- Đừng có mà khiêu khích tôi, tên nhẵn mông
ạ.
Tôi cười phá lên, kéo tay áo xuống.
- Đồ thỏ đế...
Keith đứng lên xắn tay áo phải lên tới tận
vai, bắp tay lộ ra hình xăm vòng thép gai đã mờ đi vì năm tháng. Chúng tôi kéo
chiếc bàn bé xíu đối diện giường bệnh để chắn giữa hai người. Khi chúng tôi tì
khuỷu tay lên, mặt bàn lõm xuống và rung lên bần bật - nó không được đóng để
dùng trong những cuộc vật tay.
- Khá khỏe đấy. - Keith nói.
- Bớt nói lại đi. Có thắng nổi ba ván không
nào?
Cậu ấy suýt hạ tôi ván thứ hai thì Lara
mang bó hoa và chiếc đầu máy DVD bước vào. Nụ cười trên môi nàng tắt ngấm khi
thấy Keith hò hét mừng chiến thắng vì đã đè được cánh tay tôi xuống bàn, còn
tôi kêu oai oái. Keith chỉ thôi cười khi trông thấy vợ tôi.
Lara đứng ngay cửa phòng, nhìn chằm chằm
hai chúng tôi như nhìn hai thằng nhóc ngu ngốc. Tôi nhìn Keith, cái đầu tròn
múp của cậu ta gục gặc như muốn nói: “Thắng
năm ván luôn, ông nội?”.
Nhưng tôi cố nén tràng cười, không nói gì.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét