Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Trái tim tuổi 19 - Ch 13

Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)

Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012

Phần hai: Thiền và nghệ thuật bảo trì hồ bơi


Mười ba

Tôi tỉnh dậy với tiếng nhạc văng vẳng trong đầu. Tiếng nhạc phát ra từ lầu dưới. Giai điệu quen thuộc. Tôi nghe giọng mẹ hát theo radio trong lúc chuẩn bị bữa sáng. Mùi thịt xông khói chiên và ánh nắng hè nhảy múa bên ngoài màn cửa phòng ngủ.
Mọi thứ như ở đó từ rất lâu rồi. Tôi lại dậy muộn.
Tôi ngồi lên và phát hiện mình vẫn còn mặc quần jeans. Hoa giấy rơi vãi trên giường, không, không phải hoa giấy mà là những mẩu giấy rơi khỏi túi quần.

Charlotte kèm số điện thoại nguệch ngoạc trên chiếc khăn ăn. Sara và một con số viết vội trên hộp diêm ở quán bar mà tôi không nhớ nổi. Tomoko và địa chỉ e-mail ghi nắn nót ở mặt sau tấm danh thiếp.

Tôi gãi đầu.
Mấy người này là ai?
Miệng đắng nghét, tôi rên ư ử trong họng, lăn ra khỏi giường, đứng nhìn chăm chắm vào gương.
Vết sẹo giật giật ngay cái khoảnh khắc tôi bắt gặp ánh mắt chính mình, như gửi lời chào.
Cả một đống hỗn độn. Quần áo vung vãi khắp sàn, sách có ở khắp mọi nơi, vài miếng pizza đã hóa thạch trong chiếc hộp cỡ bằng chiếc đĩa hát. Mẹ đặt chồng quần áo đã giặt sạch sẽ thơm tho trên ghế. Gọn gàng giữa đống hỗn độn. Tôi rút chiếc áo sơ-mi mới giặt mặc vào và cài nút áo từ dưới lên trên. Vết sẹo ngoan ngoãn nằm yên.
Ngoài vườn, bố đang nói chuyện với ông Winston, tôi nghe thấy giọng cười bí ẩn thoáng qua và tiếng vun vút của chiếc vợt khi lướt trên mặt nước. Tôi đến bên cửa sổ.
Đó là một ngày đẹp trời. Cởi trần, gọn chắc, da sạm nắng, bố đi nghênh ngang trong vườn như một gã vô công rồi nghề vùng Địa Trung Hải bám theo các du khách Scandinavia. Ông gật đầu, cười khục khặc với Winston, hình chữ nhật xanh nước biển nhỏ bé chen giữa họ. Bố đã làm lụng cả đời để có được cái hồ bơi bé xíu đó.
Tôi lảo đảo, đầu óc quay cuồng. Mình đang ở đâu thế này? Ồ, đúng rồi.
Mình đang ở nhà.
Tôi xuống lầu. Từ trong bếp, mẹ nhìn tôi mỉm cười.
- Con đã bỏ lỡ một ngày đẹp trời rồi, con trai à. - Bà nói rồi xếp thịt xông khói, trứng chiên và bánh mì vào đĩa.
Bên cánh cửa sổ để mở, chiếc radio đang phát bản nhạc bất hủ khác, bài Come On Eileen, lảnh lót và hoàn hảo.
Mọi thứ đều kỳ lạ như trước. Mẹ đứng ở bếp. Bài Midnight Runners của Dexy trên radio. Tôi ngồi đó với dư vị khó chịu sau một tối be bét rượu, đói cồn cào và chỉ nhớ loáng thoáng về các cô gái đêm qua. Chỉ còn thiếu mỗi việc bố đi vào làu bàu việc gì đó trong nhà là chẳng khác gì những ngày tôi còn trẻ.
Vừa nhắc đã thấy ông ào vào từ cửa sau.
- Máy lọc nước lại hỏng nữa rồi. - Ông kêu lên rồi đứng đó cùng mẹ xem tôi ngấu nghiến bữa sáng. Như thể họ chưa tin là tôi đã về nhà. Chính tôi còn ngờ ngợ kia mà. Mẹ lấy thêm thức ăn cho tôi, lướt nhìn đầy ngụ ý.
- Con cứng rắn lên, rồi sẽ ổn mà. Con và Lara. Các con sẽ ổn cả thôi. Các con chỉ đang trải qua giai đoạn sóng gió. Ai cũng phải trải qua một giai đoạn sóng gió, không lúc này thì lúc khác.
Bố khịt mũi, ngồi đối diện tôi, tay cầm độc một tờ Daily Express.
- Giai đoạn sóng gió. Tôi đã trải qua giai đoạn sóng gió bốn mươi lăm năm rồi.
- Ôi, nói nghe hay nhỉ, George. - Mẹ cau mày. Bà cũng gọi ông là George. - Anh mặc áo vào đi chứ.
Rồi radio chuyển qua bản khác, mẹ gật gù mỉm cười. Tiếng độc tấu saxophone dìu dặt quanh phòng. Mẹ huơ huơ cái vá gỗ như một nhạc trưởng. Thêm một bản quen thuộc. Tất cả các bản nhạc sáng nay đều quen thuộc.
- Mẹ thích nghe bản này nè.
Mẹ pha trà cho mọi người. Đến giữa bài, bà chỉ vào radio lúc trên tay vẫn cầm bình sữa không béo.
- Đoạn đó. Đoạn đó thật hay.
- Bản độc tấu saxophone nổi tiếng do nhạc công Raphael Ravenscroft chơi lúc đang ở đỉnh cao. - Tôi nói.
- Không phải con biết hết đó chứ, Georgie? - Mẹ mỉm cười.
Bố không rời mắt khỏi tờ Daily Express.
- Biết nhiều về nhạc pop thì cũng có hái ra tiền từ cái thứ ồn ào đó đâu. - Ông thở dài.
Tôi làm như không nghe.
- Mà buồn cười lắm mẹ. Dù là một trong những bản nhạc nổi tiếng mọi thời đại nhưng Baker Street chưa bao giờ lọt vào vị trí số một trong các bảng xếp hạng.
Mẹ có vẻ ngạc nhiên trước thông tin này.
- Anh uống một tách trà nhé Winston?
Bố tôi hét lên, chồm ra cửa sau. Không có tiếng trả lời. Ở ngoài vườn, ông lão vẫn đang lướt vợt qua làn nước. Tuy cùng tuổi với bố mẹ tôi, trên dưới bảy mươi, nhưng trông ông già hơn nhiều.
- Điếc đặc. - Bố bảo.
- Em sẽ mang ra cho ông ấy sau.
- Tréo ngoe ở chỗ bài này được đặt theo tên trạm xe điện ngầm của London, là một trong những nơi Gerry Rafferty biểu diễn để kiếm sống. - Tôi tiếp lời.
Cả ba yên lặng lắng nghe Baker Street từ radio và chìm đắm trong những suy nghĩ riêng.
- Mẹ thích bản này. Hay thật đấy!
- Một giai điệu vui nhộn. - Bố nói một cách dứt khoát, khép lại chủ đề.
Mẹ thêm đường vào ly trà và đặt trước mặt chúng tôi hai tách trà bốc khói thơm ngào ngạt. Bà mang một tách ra ngoài đặt cạnh Winston khi ông đang quỳ gối trước cái máy lọc nước bị nghẹt. Vẫn chúi mũi vào tờ báo, bố bảo:
- Con cần phải có một công việc.
- Công việc ấy à? - Tôi mơ màng hỏi như thể tiếng chuông báo thức vừa reo.
Ông gật.
- Để trang trải sinh hoạt phí. Con không muốn tự kiếm sống sao?
Mẹ trở vào với mớ len không rõ hình dạng. Tôi lúng túng quay đi, bật cười khi mẹ đến bên cạnh, đặt trước cổ tôi rồi ngắm nghía như người ta đang ướm dây thòng lọng vào cổ kẻ tử tù. Mẹ định đan cái gì đó cho tôi. Hẳn mẹ vui lắm khi tôi trở về nhà.
- Tóc con đó! - Mẹ kêu to với niềm thích thú đáng sợ hiện trên gương mặt, vỗ vỗ mớ tóc rũ rượi của tôi bằng chiếc kim đan. Tôi cúi xuống tránh và cười to hơn trong ánh nắng hè rực cháy, thịt xông khói đang chiên và những bản nhạc bất hủ tiếp tục cất lên. Bố chỉ thở dài, đảo mắt rồi lại vùi đầu vào tờ Daily Express.

*
*    *

Con gái nhìn tôi vẻ săm soi.
- Nếu bố thấy gặp con ở nhà quá phiền phức thì bố có thể gặp con ở trường. Con biết mẹ hơi cáu kỉnh mà.
Tôi làm ra vẻ phản đối.
- Đừng nói vậy, ngốc quá đi. Nói vậy không hay chút nào. Bố không hiểu ý con đâu.
Nhưng tôi hiểu rõ ý con bé. Và trái tim xảo biện của tôi lén lút thích thú nghe Ruby công khai chỉ trích mẹ nó.
Chúng tôi đi qua những đám đông trên đại lộ Camden. Một chiếc Range Rover trườn qua ngay cạnh chúng tôi rồi giảm tốc độ bởi nhóm người địa phương xanh xao và khách du lịch hiếu kỳ đang tản bộ giữa đường. Người phụ nữ trước tay lái ném rác qua cửa xe. Ly cà phê, chai nhựa, bữa trưa còn thừa rơi bịch xuống đường trước khi bị cơn gió hè cuốn đi. Một quý bà giàu kếch xù trong chiếc ô-tô đời năm mươi bóng bẩy, ấn tượng ném rác vô tư như một bà bán cá thời Victoria hắt bô xú uế ra đường vậy.
- Thật tức điên. Chờ bố một tí.
- Ôi, bố. - Ruby năn nỉ, và âm thanh “Bốốốốố” cứ đuổi theo tôi trên đường.
Nhưng tôi mặc kệ, tiếp tục luồn lách qua con đường xe cộ đang ì ạch lưu thông, nhặt ly cà phê, chai nhựa, nửa chiếc bánh mì kẹp, tất cả những thứ đó. Rồi tôi mang đến bên chiếc Range Rover, nhẹ nhàng đặt vào trong qua cửa kính xe để mở.
- Bà đánh rơi thứ này. - Tôi nói. Và chiếc kính râm Chanel to cỡ chiếc đĩa tráng miệng ấy không che giấu nổi ánh mắt căm ghét của bà ta. Khi tôi trở về, trên vỉa hè có vài tiếng vỗ tay lốp bốp từ anh chàng bán báo đứng ngoài trạm xe điện ngầm. Nhưng Ruby thì lắc đầu.
- Trái đất đang thoi thóp. Bố nghĩ mình có thể ngăn việc đó bằng việc nhặt nhạnh đồ thừa của mấy bà nội trợ sao bố?
- Đó đúng là bố đang nghĩ thế.
Con bé phá lên cười, siết tay tôi thật chặt trong khi chúng tôi len qua đám đông trên đường. Rồi nó thở dài với trí khôn vô tận của tuổi mười sáu.
- Chúng ta tái chế mớ vỏ chai bia Perrier, giơ cao biểu ngữ nhưng không thay đổi được gì. Chúng ta làm điều đó chỉ để cảm thấy thoải mái hơn phần nào thôi.
- Con đổi ý xoành xoạch. - Rồi tôi tự hỏi liệu nó có còn ra sân bay vào cuối tuần nữa không.
Chúng tôi lang thang vào một cửa hiệu quần áo. Những dãy áo thun và quần jeans. Một bà đến chỗ chúng tôi với chiếc quần jeans sờn rách như vừa bị nhúng vào chất thải độc hại. Bà ta hỏi, anh bán hàng ở đây à, tôi liền lắc đầu. Ồ, tôi cứ tưởng anh làm việc ở đây. Ruby thấy bị xúc phạm. Tôi thì xem đó là lời khen.
Chúng tôi đi tiếp.
- Bố muốn vào đây. - Tôi bảo.
Đó là một trong những hiệu sách làm ăn rất khấm khá nhưng trông như sắp đóng cửa vậy. Tôi đến đây như thói quen. Và có thể Ruby đúng. Cứ đà này thì chẳng thay đổi được gì. Nhưng nếu không phải là một phần của vấn đề thì bạn sẽ là một phần của giải pháp. Hoặc ngược lại?
Một anh chàng vẻ mặt cau có, lưa thưa mấy sợi ria mép đứng sau quầy tính tiền. Cậu ta có vẻ cảnh giác khi chúng tôi bước vào, cứ như không muốn tiếp khách vậy.
- Các vị cần gì ạ?
- Tôi đang tìm một cuốn sách, cuốn Thiền và nghệ thuật bảo trì mô-tô của Robert Pirsig.
Cậu ta hất hàm ra hiệu.
- Đằng kia. Bên dưới bảng triết-học-gạch-chéo-tâm-linh.
- Cảm ơn.
Ruby theo sau, uể oải rê tay dọc theo gáy sách.
Cửa tiệm trông giống thư viện hơn là một hiệu sách, là một mê cung ngột ngạt, lối đi hẹp giữa những kệ sách như nhiều năm rồi không ai màng đến. Tôi đã tìm thấy chỗ triết-học-gạch-chéo-tâm-linh và cuốn sách tôi cần. Tôi lấy xuống đọc đoạn đầu tiên.

Tôi nhìn đồng hồ mà không cần nhấc tay trái khỏi tay lái, lúc này là tám rưỡi sáng. Gió ẩm và ấm dù ở vận tốc sáu mươi dặm một giờ. Mới tám rưỡi sáng mà trời đã oi bức thế này, tôi tự hỏi không biết thời tiết sẽ như thế nào vào buổi trưa.

Một đoạn tuyệt hay. Tự do. Phiêu lưu. Con đường thênh thang. Kerouac trên chiếc xe máy. Tôi thường cảm thấy thế mỗi khi đạp xe lòng vòng quanh đồi Primrose. Tim tôi đuổi theo từng chữ và vết sẹo rộn lên niềm vui sướng. Trong những khoảnh khắc mơ mộng đó, tôi ngồi sau yên xe của nhân vật Robert Pirsig, cùng tới Dakotas vào một sáng mùa hè ấm áp để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, sự thật và mọi thứ, ngửi mùi dầu trên lớp vỏ kim loại nóng của chiếc mô-tô, con gái bé bỏng và tôi.
Tôi gấp sách, quay sang nhìn Ruby mỉm cười, tôi muốn bảo con bé là cuốn sách tuyệt vời thế nào, là nó rất nên đọc, và tôi nghĩ sẽ mua hai cuốn - một cho con gái và một cho tôi. Vừa lúc tôi thấy nó nhón hai cuốn sách mỏng bỏ vào ba-lô.
Bắt gặp ánh mắt tôi, nó nhe răng cười rồi hướng ra cửa, còn tôi cười gượng gạo bước theo sau. Tôi nghĩ việc đó có vẻ sai trái, có vẻ không nên, nhưng vẫn tin rằng con bé sắp làm điều gì đó đúng đắn.
- Cửa hiệu đẹp lắm anh. - Giong con bé nói vọng đến chỗ anh chàng sau quầy tính tiền, nhưng cậu ta đang quay lưng lại với nó và mở một chiếc thùng các-tông nên chỉ lầm bầm đáp lại. Khi Ruby bước ra, chuông cửa kêu vang. Tôi lưỡng lự ở quầy tính tiền, dán mắt vào lưng cậu ta rồi theo con gái ra đường. Chuông lại reo to.
- Con điên à?
Nó sải bước.
- Con không biết bố nói gì.
Một đám thanh niên mặc những chiếc quần vằn vện đi ngang qua, tất cả đều ngoái nhìn con bé. Tôi nhìn chúng trừng trừng, đầy sát khí. Chúng không hề hay biết.
Tôi kéo tay con bé và ấn nó vào một cánh cửa đang đóng.
- Con vừa làm gì vậy hả? Nói đi, Ruby.
Cực kỳ chậm rãi, con bé rút hai cuốn sách ra khỏi túi. Hai cuốn văn học cổ điển của nhà xuất bản Penguin. Con chó của dòng họ BaskervillesNhững cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes.
Tôi lắc đầu. Hai cuốn sách lại rơi vào ba lô.
- Bố thậm chí còn không biết con thích Arthur Conan Doyle.
- Khi ông ấy ở nhà thì ông ấy là ai nào? - Nó nói. - Cho vui thôi mà. Bố biết đấy, cái niềm vui có những thứ chẳng để làm gì. Niềm vui trốn đi với thứ đó. Niềm vui được thấy mình thông minh hơn họ. - Con bé nhướng mày, đột nhiên tôi nhận ra đôi lông mày của nó gần như tỉa sạch. - Đừng nói với con là bố không biết con đang nói gì. - Rồi con bé đặt tay lên ngực tôi. - Chờ con chút.
Anh chàng lưa thưa ria mép đang đứng ngoài cửa hiệu, cặp mắt sáng quắc lướt trên con đường đông đúc.
- Thấy những gì con đã làm chưa? - Tôi nói.
- Anh ta đâu có tìm con. Tìm bố đấy.
Và hai bố con cùng nhìn cuốn Thiền và nghệ thuật bảo trì mô-tô tôi cầm trong tay. Nó kéo tôi lẩn vào đám đông thật nhanh trong khi nó cười khúc khích một mình.
- Giờ bố định làm gì đây? Bố đâu thể đem trả lại được, đúng không?
Và ngay lúc đó, tôi biết rằng chúng tôi phải chuồn ngay với mấy cuốn sách. Tôi lúng túng, vết sẹo phập phồng như chưa bao giờ như vậy.
- Họ đã có dự trù cho trường hợp bị mất cắp. - Ruby nói khi chúng tôi đi qua một gian hàng ở Marine Ices. - Như điện, nước hay đại loại vậy. Gọi là gì nhỉ? Tổng chi phí. Nó nằm trong phí kinh doanh.
Chúng tôi lỉnh vào trong một cửa hàng kem si-rô trái cây lộng lẫy, ngồi xuống, mặt mũi rạng ngời, vui vẻ ăn thật no, không nói gì nhiều, chỉ ngắm phố xá dần vắng bóng người khi mặt trời lặn trên Chalk Farm.
Roundhouse sáng đèn, đỏ thẫm một màu, đẹp tuyệt. Lúc cô phục vụ dọn đĩa, Ruby cắn môi dưới của nó đến nỗi tôi có thể thấy dấu răng in trên đó.
- Lúc nào bố định về nhà? - Con gái hỏi tôi và nhìn ra cửa.
- Sớm thôi. Bố sẽ về sớm thôi.
Tôi đưa con gái đến trạm xe buýt. Khi đã yên vị trên xe, từ tầng trên, nó vẫy tay chào cho đến khi không còn thấy tôi nữa, tôi trở lại lấy xe đạp.
Tâm hồn tôi lâng lâng bay bổng khi nghĩ đến việc đạp xe. Bởi tôi biết đoạn lên hướng Bắc đường Finchley, biết cảm giác bồng bềnh của chuyến bay. Tôi nghĩ về chuyện Kerouac và Cassady lái mô-tô xuyên Mexico mà không một giây lo lắng rằng đầu mình có thể lao thẳng vào kính chắn gió bất kỳ lúc nào. Không ai thắt dây an toàn trong truyện Trên đường. Không ai lo lắng về nợ nần. Và không ai phiền muộn về khoản trợ cấp.
Bởi có những thời điểm trong cuộc sống, bạn không hề nghĩ đến khả năng bị tổn thương. Khoảnh khắc tự do thoáng qua khi bạn vừa cảm nhận sự bất tử, khi bạn biết rằng không gì trên cõi đời này có thể chạm đến bạn. Đó chính là điều tuyệt diệu về sự sống... Giờ thì tôi phải làm gì với chiếc xe đạp quái quỷ này đây?
Thoạt đầu, tôi nghĩ mình quên khuấy chỗ xích xe. Những cây cột điện ở thị trấn Camden trông giống nhau quá. Nhưng rốt cuộc tôi cũng hiểu ra.
Tên khốn kiếp nào đó đã đánh cắp.

*
*    *

Rufus trông già dặn hơn.
Quầng thâm dưới mắt, nhiều thứ trong đầu, gương mặt vô sắc. Tôi nhìn con trai đi xuống cầu thang câu lạc bộ, và trong khoảnh khắc trước khi thằng bé thấy tôi ở quầy bar, lòng tôi trĩu nặng cảm giác tội lỗi vì đã không ở nhà, bên cạnh các con.
Điều này hơi kỳ lạ. Phân chia thời gian. Lên lịch hẹn gặp con mình. Tìm một ô cửa để nhìn cậu con trai và cô con gái. Thời khóa biểu cho thời kỳ sóng gió.
Thằng bé nhìn thấy tôi và đi chầm chậm qua đám đông. Chúng tôi ôm nhau, ngượng ngập. Nó không còn là thứ có thể dễ dàng ôm ấp, con trai tôi ấy, hai cánh tay dài ngoằng, khuỷu tay lạc đâu mất. Nhưng tôi giữ chặt con, kiễng chân hôn lên má nó, mấy sợi râu lởm chởm mới nhú và lớp màng mỏng kem cạo râu lướt trên môi tôi. Tôi ôm nó trong một khoảnh khắc dài như cả thế kỷ rồi buông ra, đoán rằng giờ nó đã phải cạo râu hai lần một tuần.
- Con ổn chứ? Trông con... con có ổn không?
- Vì công việc, bố à. Ca tối qua thật là tẻ nhạt.
- Con uống gì nhé?
- Để con đi lấy.
Thằng bé mua bia cho tôi và nước trái cây cho nó, rồi chúng tôi đi về bên rìa câu lạc bộ. Một cậu nhóc bước lên bục sân khấu bé tẹo với nụ cười gượng gạo, chiếc quần jeans cạp trễ, áo polo bạc màu, chỉn chu - bộ quần áo trông già hơn cả nó. Tôi kinh ngạc nhận ra thằng bé còn nhỏ hơn cả Rufus. Nhưng dường như nó lớn hơn con trai tôi một hai tuổi. Cậu nhóc trên kia như thuộc về một thế giới nào khác. Nó nhấc chiếc micro lên, tiếng lạo xạo vang lên trong tai.
- Có lúc tôi nghĩ mình nên lớn lên. - Cậu bé nói. - Quý vị biết đấy, yêu thương thật lòng, hứa hôn, một mối quan hệ chín chắn. - Cậu ta cởi phăng áo, gãi gãi bụng. - Nhưng rồi tôi nghĩ hơi đâu mà lo, đang mùa đá dế mà.
Tôi nhìn Rufus, nó cười bảo, cậu ấy diễn không tồi, còn tôi muốn thằng bé phải đứng trên đó, tôi muốn thằng bé không bao giờ già đi, tôi muốn mọi thứ vẫn như xưa.
Đến màn cuối, một nhóm các cô gái công kênh một cái “của quý” khổng lồ bằng hơi được bơm căng đi xuống bậc thang. Họ đội vương miện, mang vớ da rách tơi tả. Vài cô cầm những chiếc đũa thần. Một cô trượt chân ngã nhào vào cái “của quý” to tướng, bật lên. Nhóm bạn của cô lảo đảo, ngã dúi dụi vào nhau, la ó ỏm tỏi.
- Tiệc chia tay cuộc sống độc thân. Mấy cô gái này sắp náo loạn rồi đây.
Rufus liếc nhìn đồng hồ bảo dù sao con sắp phải đi rồi, vừa lúc cái dương vật bơm căng đập vào đầu nó. Nó cười xuề xòa, uống một hơi hết ly nước trái cây. Chúng tôi bước ra ngoài.
Ở trạm xe buýt, đám đông đang tiến đến Quảng trường Leicester chen chúc xung quanh chúng tôi trong khi Rufus không ngừng xem đồng hồ. Thật bất công khi thằng bé cứ phải lo lắng sẽ muộn giờ làm, còn những người khác thì đổ ra ngoài vui vẻ với cái thứ đồ chơi căng phồng đó.
Chúng tôi lên tầng trên của xe buýt. Không khí đặc quánh mùi khoai tây chiên. Chiếc xe ì ạch lăn bánh qua những ngọn đèn neon sáng dịu ở khu West End.
- Mọi người đi Edinburgh dự hội. Cả thị trấn đều hân hoan. Con biết điều đó có ý nghĩa gì, đúng không? Con không đến Edinburgh. Con ở lại Lon-don này vì một núi công việc.
- Cứ nghĩ là con bỏ lỡ đi. - Nó nhìn lướt qua tôi rồi ngó chỗ khác. - Coi như lỡ dịp vậy.
- Thì ý bố là vậy. - Tôi nói dù tôi biết chúng tôi đang nói về hai chuyện khác nhau. - Rufus này!
- Sao ạ?
- Con đã diễn rất hay. Bây giờ vẫn vậy. Bố nói thế không chỉ vì bố là bố của con.
Trông nó đầy hy vọng. Nhưng chỉ trong thoáng chốc.
- Vâng, nhưng người khác không nghĩ thế.
Nó đứng dậy. Chúng tôi gần đến trạm dừng của nó.
- Có thể sau này con sẽ quay lại công việc ấy.
Nó cười sượng sùng.
- Vâng, bố. Có thể sau này.
Một chiếc xe tải đang dỡ hàng đỗ bên ngoài siêu thị nơi thằng bé làm việc. Rufus vào trong, còn tôi loanh quanh ngoài cổng, ngó qua trang nhất của tờ báo ngày hôm sau. Thằng bé quay trở ra với chiếc áo khoác trắng cài cúc, chiếc nón trắng nhỏ trên đầu. Một lão già đầu cạo trọc mặc bộ vest xấu tệ đứng cạnh tôi đang đọc trang thể thao. Lão ngước nhìn Rufus.
- Làm việc đi, Bailey. - Tờ báo trong tay lão rung rung vẻ khó chịu. - Lẽ ra cậu phải bắt đầu làm từ mười giờ. Diễn viên hài gì cái loại như cậu thế hả?
Tôi theo Rufus ra chiếc xe tải đậu bên đường, trong xe chất đầy trái cây, rau củ. Vài gã đang trò chuyện bằng tiếng Ba Lan và ở đuôi xe là mấy thùng chất đầy cam.
Rufus khiêng hai thùng.
- Để bố giúp.
Tôi cố giằng một thùng từ thằng bé, nó cười lúng túng, quay vai qua tôi.
- Con làm được mà.
Tôi biết không thể nán lại. Tôi biết tôi làm vướng chân nó. Tôi muốn nói nhiều hơn, muốn giờ hẹn của chúng tôi kéo dài hơn một chút, muốn được quẩn quanh bên thằng bé.
Nhưng nó phải làm việc.
Tôi nhìn nó bê cái thùng vào siêu thị. Và tôi ngửi thấy mùi cam. Con đường tối tăm, dơ bẩn tràn ngập mùi cam. Khi nó quay ra, tôi ôm nó thật chặt và thì thầm bên tai nó:
- Đừng chấp nhận cuộc sống bình thường. Đừng bao giờ chấp nhận điều bình thường, nhé Rufus.
Nó đẩy tôi ra. Chắc đêm nay, tôi ôm nó quá định mức rồi.
- Nhưng bố à, có thể con chỉ là người bình thường thôi mà.
Không phải với bố đâu con. Không bao giờ. Nhưng tôi lắc đầu im lặng. Và rồi lão đầu trọc mặc bộ vest xấu tệ đến bên cạnh chúng tôi tiếp tục lải nhải:
- Động tay động chân đi Bailey. Cậu sẽ không được trả lương nếu cứ chơi đùa với gã bạn rỗi hơi của cậu đâu.
Tôi và con trai tôi mỉm cười với nhau.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét