Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)
Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012
Mười hai
Như một cuộc hẹn hò.
Chúng tôi quyết định không rình rập bữa tiệc
của bọn nhóc trong vài giờ. Chúng tôi sẽ không làm hai ông bà già cứ xớ rớ bên
cạnh khi bọn trẻ không cần đến. Để chúng vui vẻ tự do một bữa. Tại sao không?
Ném cuốn sổ quy tắc ra khỏi cửa thôi. Trong khi Ruby đang vui vẻ với bữa tiệc
sinh nhật, chúng tôi sẽ đi tìm niềm vui riêng. Ăn tối, khiêu vũ và tất tần tật.
Như ngày xưa vậy. Như một cuộc hẹn hò thật sự.
Khi Lara bước xuống cầu thang, tôi không thể
không ngắm nàng say đắm, còn hơn là hẹn hò nữa kia. Và tôi biết mình đã làm một
điều đúng đắn trong cả cuộc đời khi cưới người phụ nữ này.
Khi chúng tôi sắp đi thì khách khứa bắt đầu
tới. Những vị khách mà tôi đã quen mặt từ mười năm trước, khi chúng hãy còn là
mấy con bé sún răng. Cái thời thơ ấu trong thế giới chỉ toàn màu hồng và tím đã
qua. Cái thời mới biết làm điệu. Cũng không lâu lắm đâu.
Giờ chúng đều đã lớn nhưng còn vương nét trẻ
con, háo hức trước suối sô-cô-la, háo hức nhìn Lara như thể nàng nắm giữ chiếc
chìa khóa vào thế giới khác, một thế giới tuyệt diệu hơn. Chúng thật đáng yêu đối
với chúng tôi - ông bà Bailey. Hay cũng có thể chúng đang chờ tống khứ chúng
tôi đi.
Cũng có một số cậu trai lịch sự, ngoan
ngoãn với vẻ rụt rè, tự ti. Bọn con trai để tóc dài hơn con gái. Còn bọn con
gái thì có uy. Những thiếu nữ tự tin, đoan trang, không quá già dặn như Ruby. Sản
phẩm của việc giáo dục tốt ở trường và tình yêu thương của gia đình.
Nhạc trỗi lên trong phòng khách. Lara nhìn
tôi mỉm cười khi các cô gái ra nhảy cùng nhau. Những cậu trai cười bẽn lẽn nấp
trong góc phòng, sau mái tóc lòa xòa, hy vọng chúng không bẽ mặt khi nhảy.
- Đi thôi. - Lara bảo.
- Chờ chút.
Tôi nhìn nàng không chớp, bởi tôi muốn nhớ
mãi ánh mắt nàng lúc này, mãi không bao giờ muốn quên hình ảnh này. Và nàng biết
tôi yêu ánh nhìn của nàng đến nhường nào, cảm giác của ngày xưa vẫn còn đây, và
khi ngắm nhìn nàng, trong tôi ngập tràn niềm hạnh phúc.
- Gì vậy anh? - Nàng hỏi.
- Không có gì. - Tôi nói. - Tất cả.
Và tôi cười với nàng, không phải cười như
những cậu trai yếu đuối mà Ruby mời đến bữa tiệc sinh nhật. Tôi cười với nàng
như một anh chàng biết mình sẽ có một tối may mắn.
*
* *
Việc đặt bàn ở nhà hàng có sự nhầm lẫn. Khi
chúng tôi đến nơi, bàn ăn vẫn chưa dọn và một hàng người chen chúc ở quầy bar
thay vì ngồi ăn tối. Thế là chúng tôi sẽ phải đứng nhấm nháp chút gì đó ở quầy
bar cho đến khi bàn ăn chuẩn bị xong. Tôi nhìn Lara.
- Hay đi khiêu vũ nhé. - Tôi đề nghị.
*
* *
Nhớ hồi gặp Lara, tôi phải say mới nhảy được.
Và tôi là một trong những gã người Anh nhảy
như thể ăn mừng bàn thắng. Tay giơ quá đầu, chân không di chuyển nhiều. Nàng hướng
dẫn tôi, giúp tôi thư giãn, truyền cho tôi vài bí quyết - như người khai sáng
cho bạn vậy. Nàng bảo tôi khiêu vũ còn nói được nhiều hơn nghệ thuật hay rượu
vang hay gần như bất cứ thứ gì. Nàng bảo người ta cho rằng khiêu vũ chỉ dành
cho người trẻ, người sành điệu hay dân trong nghề.
Và một trong những điều mà tôi luôn yêu quý
ở
Lara là với nàng, khiêu vũ thiết yếu như
hơi thở vậy.
*
* *
Africa Centre đã về khuya, tôi hiểu nụ cười
trên khuôn mặt nàng rằng nàng ấn tượng khi tôi vẫn nhớ tất cả những bước nhảy
ngày xưa và cả những bước mới tôi sáng chế ra.
Lara và bạn bè thường tới đây sau giờ làm
việc. Họ đóng vai nông dân trong cuộc cách mạng Pháp, hay gái điếm hay những
con mèo, rồi đến Africa Centre để nhảy nhót suốt đêm. Thế đấy, họ có thể nhảy
vì công việc và rồi lại nhảy để giải trí. Khi chúng tôi hẹn hò, Lara dắt tôi đến
Africa Centre và đó là nơi tôi hơi phải đấu tranh tư tưởng. Bởi tôi hiểu rằng nếu
không nhảy, tôi sẽ mất cơ hội.
Vậy thì phải nhảy. Và nàng giúp tôi. Và đó
trở thành niềm vui lớn nhất mà tôi từng có. Chúng tôi có những đêm tuyệt vời ở
Africa Centre. Họ chơi nhạc funk, soul và nhạc châu Phi. Chúng tôi xem ban nhạc
Soul II Soul đôi lần, ngay khi họ mới khởi nghiệp.
Nhưng đêm nay là đêm tuyệt nhất. Đêm tuyệt
nhất trong mọi đêm.
*
*
*
Trời đổ mưa và không có taxi khi chúng tôi
rời Africa Centre. Tôi lấy áo khoác che lên đầu Lara, nắm tay nàng rồi cùng đi
về hướng đông ra khỏi Covent Garden, băng qua đường Charing Cross. Thật lạ
lùng, nơi đây vẫn không hề thay đổi suốt hai mươi năm qua. Người ta vẫn ngã
nhào khi ra khỏi các câu lạc bộ và uống liền một lúc hai ly cà phê vào sáng hôm
sau, và vẫn âu yếm nhau ở những lối đi. Chúng tôi tản bộ dưới mưa ở Soho và hai
mươi năm như vụt bay.
Tôi nghĩ đi bộ về nhà không mất nhiều thời
gian lắm và chúng tôi sẽ đón taxi gần công viên rồi chạy ngược về West End.
Không có chiếc taxi nào, nhưng chẳng hề chi. Chúng tôi dừng lại dưới một ngọn
đèn kiểu cổ được thắp bằng gas ngay công viên Regent. Tôi ôm Lara trong vòng
tay.
- Người ta nhìn kìa. - Nàng nhắc.
- Mình có thể làm bất cứ điều gì mình
thích. - Tôi đáp.
Rồi phép màu xuất hiện. Một chiếc taxi đen
với dòng chữ cho thuê màu vàng sáng
lên trong màn mưa. Tôi đứng giữa đường, vẫy nó lại.
Chúng tôi ngồi vào sau xe, hai cơ thể sũng
nước ôm lấy nhau, ướt và ấm, động cơ nổ nhè nhẹ trong khi hai làn môi khao khát
tìm nhau.
Sợ tài xế taxi nghe thấy, Lara thì thầm bên
tai tôi, anh không cần phải đáp lại đâu.
Chiếc taxi chơi bài hát ru của động cơ
diesel suốt quãng đường chúng tôi về nhà.
*
* *
Hoặc những gì còn lại của ngôi nhà.
*
* *
Đèn cảnh sát.
Những đám đông trên đường.
Các ô cửa đều sáng đèn suốt con đường vào
nhà chúng tôi. Hàng xóm dõi theo màn trình diễn, vài kẻ can đảm đứng ở cửa ra
vào nhà họ, nhưng hầu hết chỉ lấp ló sau rèm cửa. Tôi luống cuống trả tiền
taxi, một chai bia vỡ tan tành dưới chân.
Có những đứa trẻ lạ mặt trong vườn trước. Một
đứa đang nôn vào thùng rác. Số còn lại tranh cãi với một nữ cảnh sát trẻ, bảo
cho cô ta biết về quyền con người của chúng.
Cánh cửa trước rớt khỏi bản lề. Ai đó đã cố
đạp vào nó. Và đã đạp được. Tôi nhìn Lara rồi quay đi. Chúng tôi bước vào
trong.
Có một cô bé tôi không thể nhận ra là ai
đang ngồi ở chân cầu thang, mớ thức ăn nôn mửa nhoe nhoét trên chiếc quần jeans
thêu hoa văn. Vài người đứng rải rác xung quanh như đang ở trong một câu lạc bộ.
Trẻ và không trẻ lắm. Độ tuổi trung bình tăng vọt lên. Một vài đứa lớn hơn con
bé chủ nhân bữa tiệc những mười, mười lăm tuổi.
Đôi ba anh cớm mà tôi không quen giơ tay ra
hiệu bình tĩnh giữa những lời điên cuồng rao giảng về cách hành xử phát-xít. Tiếng
nhạc hỗn tạp đang để âm lượng cao nhất phát ra từ khắp ngõ ngách của căn nhà đã
thay hình đổi dạng.
Lara xô đám đông, gọi tên Ruby. Tôi chạy
lên lầu.
Nền nhà vương vãi đầy mảnh vỡ. Trông như hậu
quả một vụ nổ bom. Một chiếc giày. Vài mảnh quần áo. Một dấu tay chết tiệt trên
tường. Một cặp còng tay lông thú màu hồng. Vỏ hộp móp méo và chai rỗng nằm lăn
lóc khắp nơi, chỗ nào cũng khét mùi thuốc lá, thảm sàn chi chít những vết cháy
xém và những mẩu thuốc cong queo.
Tôi gọi tên con.
Tôi không ngừng gọi tên con.
Bao cao su vất đầy, nằm đờ như những con
lươn chết. Tôi mở cửa phòng Ruby. Hai thằng nhóc đang ngủ trên giường con bé.
Có máu ở trên tường. Không, không phải máu, pizza. Tôi đi tiếp.
Trong phòng Rufus, một gã khoảng ba mươi
đang tè vào tủ quần áo. Khi hắn quay lại kéo dây khóa quần jeans lên, tôi hất
khuỷu tay vào mồm hắn. Hắn gục xuống, không động đậy.
Rufus đang ở trong phòng chúng tôi. Mặt nó
trắng bệch, tuy vẫn còn tỉnh táo, cúi xuống vuốt tóc con bé đang nằm trên giường.
Không, không phải em gái nó. Một đứa bạn của con bé. Một trong những thiếu nữ
được nuôi dạy tử tế đã rất hứng khởi với đài phun sô-cô-la. Nó có vẻ bình thản,
nhưng gương mặt lem luốc nước mắt và phấn trang điểm. Những cơ thể đổ la liệt
khắp căn phòng ngập ngụa mùi bia, nôn mửa, mồ hôi và thuốc lá.
- Nó uống một viên. - Rufus nói. - Nhưng thấy
không ép phê. Thế là nó uống thêm viên nữa. Và cả hai viên cùng phát huy tác dụng.
- Con gọi cứu thương chưa? Gọi xe cứu
thương đi. - Tôi bước đến bắt mạch.
Thằng bé sờ tay lên trán con bé.
- Nó khá hơn rồi vì vừa mới nôn ra hết.
- Gọi xe cứu thương đi Rufus. Còn Ruby đâu
rồi? Em con đâu?
- Không phải lỗi của nó đâu bố. Có kẻ đăng
lên mạng. Và một gã nào đó phát trên chương trình radio của anh ta. Và rồi tất
cả những gã này, những gã hai mươi, đều nghe thấy. Và chúng đã gây ra chuyện
này. Chúng đột nhập và đập phá bữa tiệc của người khác. Bố đừng trách Ruby.
Tôi nhìn con bé nằm trên giường.
- Bố không trách nó. Bố chỉ muốn biết nó vẫn
ổn. Bố chỉ cần nhìn thấy nó thôi.
- Lúc nãy con thấy nó trong nhà kho sau vườn.
- Con bé làm gì trong nhà kho chứ?
- Nó trốn.
Lara chờ dưới chân cầu thang. Một cảnh sát
đang đứng cùng nàng. Đâu đó trong nhà vọng lên tiếng ly vỡ, theo sau là tiếng
hò reo, cười cợt. Vợ tôi nhìn trừng trừng khi tôi đi xuống cầu thang. Nàng có
cái vẻ bình tĩnh đáng sợ. Hoặc vì quá sốc.
Rồi có tiếng động cơ vang rền của chiếc
taxi màu đen trên đường, chiếc taxi đã đưa chúng tôi về nhà, và chúng tôi đi ra
cửa.
Khi nó vụt đi, chúng tôi thấy có người
ngoái nhìn qua ô cửa. Ánh đèn xanh xoay của xe cảnh sát rọi sáng khuôn mặt con
gái tôi.
Chiếc taxi đã đến cuối đường và con bé mất
hút.
- Không phải lỗi của con. - Tôi định đổ lỗi
cho tên ba hoa và tất cả những gã hai mươi này và cả việc tán gẫu bất cẩn trên
mạng.
Nhưng Lara đã cắt lời tôi.
- Phải. Không phải lỗi của con.
Và nàng không nhìn như thể không hề quen biết
tôi.
Còn tồi tệ hơn thế nhiều.
Bởi vợ tôi nhìn như thể nàng đã nhìn tôi, lần
đầu tiên.
*
* *
Tôi đứng bên ngoài tiệm hoa, ghé sát mặt
vào cửa kính.
Ngoài hoa tulip và lily còn có nhiều loại
tôi không biết tên, những bông hoa như đến từ một hành tinh khác, nở rộ, màu
cam và nhiều gai, tựa như một con chim kỳ dị và mấy bông hoa trắng muốt đính ở
đầu chiếc cuống to xanh lá, uốn cong, cầu kỳ như chiếc kèn cor. Nhưng tôi vẫn
quay lại với những đóa hồng. Mình phải có hoa hồng. Nàng sẽ thích hoa hồng.
Trong chiếc bình thủy tinh đơn giản cắm hơn
chục bông hồng. Chúng hoàn hảo đến nỗi trông như không phải hoa thật, đỏ thẫm một
màu, màu của rượu, màu của máu. Tôi bước vào tiệm, và một chàng trai mang tạp dề
xanh lá ngước lên khi có tiếng chuông kêu ngoài cửa.
- Tôi giúp gì được cho ông? - Anh ta hỏi
kèm theo một nụ cười.
- Những đóa hồng bên cửa sổ.
Nụ cười mở rộng hơn theo cái gu tinh tế của
tôi. Anh ta đến bên cửa lấy hoa ra, ung dung ra giá khi chúng tôi quay trở lại
máy tính tiền. Tám mươi bảng cho hơn một
chục bông hồng? Tôi lục lọi hết túi áo lẫn túi quần, rút ra từng tờ tiền
nhàu nát cuối cùng và gom cả những đồng lẻ bị lãng quên, đặt lên bàn cạnh những
đóa hồng, rồi đứng đó với nụ cười dán trên mặt như tấm bảng quảng cáo dần bong
tróc trên đường. Tôi còn chừng bảy mươi bảng.
Hoa hồng về lại cửa sổ, còn tôi lao ra khỏi
đó như tên bắn, tiếng chuông cửa rung ầm ĩ phía sau, chàng trai chùi chùi bàn
tay lên tạp dề, dõi theo tôi qua ô cửa, nụ cười đã khép tự bao giờ. Tôi bước đi
mà mặt nóng ran.
Trong công viên còn nhiều hoa hồng hơn. Gần
sân chơi rào bởi một hàng rào thấp màu xanh lá có một luống hoa. Chúng trông chẳng
có họ hàng gì với những đóa hồng trong tiệm. Chúng kém tươi tắn, hơi xanh xao,
những đóa hồng thành thị đáng thương; chúng đã bị người quản lý công viên bỏ mặc
đến kiệt sức, đổ rạp, nghiêng ngả đứng nằm. Chúng không có vẻ lộng lẫy của những
đóa hồng trong tiệm. Nhưng, của cho không bằng cách cho, tôi thầm nhủ trong khi
nhìn qua nhìn lại để chắc chắn không có ai quanh đó, rồi bước qua hàng rào nhỏ
băng qua bảng CẤM VÀO - KHÔNG CHƠI BANH.
Tôi vừa mới hái được hơn chục bông thì người
quản lý công viên nhìn thấy, hét lên một tiếng cảnh báo. Ê! Tôi không thể chạy nhanh với bó hoa ôm trước ngực, nhưng lão
cũng chỉ đuổi theo đến cổng rồi dừng lại, đứng đó dứ dứ nắm đấm, y như ngài quận
trưởng nhìn tên vượt biên qua biên giới Mexico.
- Tao biết mày sống ở đâu rồi! - Lão ta hét
lên.
*
* *
Thoạt nhìn, cuộc sống của một vũ công có phần
giống diễn viên. Họ diễn tập, họ lớn lên với chế độ ăn kiêng khem chặt chẽ, và
họ có nhiều giai đoạn hoạt động căng thẳng sau thời gian nghỉ xả hơi lâu dài.
Thực ra không phải vậy. Họ không bao giờ tập một mình, mà luôn tập theo đội. Trừ
khi bị mê hoặc sao đó, họ ít khi mơ mộng hão huyền về thế giới các ngôi sao. Và
một khi bạn ra sau sân khấu, một khi bạn ra sau cánh gà, bạn sẽ thấy vũ công được
đối đãi như những công nhân làm việc tay chân, như thợ điện và thợ mộc hơn là
các ngôi sao.
Rồi đến yếu tố thể chất. Vũ công phụ thuộc
vào đó, chứ không như diễn viên. Ngôi sao điện ảnh Julia Roberts sẽ không bao
giờ kết thúc sự nghiệp vì liên tục bong gân, Brad Pitt cũng không bao giờ phải
về vườn vì đứt dây chằng khớp gối. Nhưng điều đó lại thường xảy ra với các vũ
công. Và Lara cũng vậy.
Mức độ vết thương gây ra cũng thật lạ lùng.
Có thể là nhiều năm tháng thương tật, hoặc chỉ một khoảnh khắc. Bạn tiến đến gần
nó sau nhiều năm, hoặc chỉ sau một khoảnh khắc kém may mắn. Một cơn đau tối tăm
mặt mũi và bỗng nhiên bạn bước sang một cuộc đời khác. Một cú tiếp đất vụng về,
một lần té ngã, thứ gì đó xé toạc, và nó thay đổi mọi thứ.
Đó là điều tôi học được từ chính cuộc đời
mình. Vài vết thương không bao giờ bình phục được.
*
* *
Lara ngồi ở bàn bếp nắn nắn chân khi tôi bước
vào. Chổi dựng cạnh bàn, xẻng hốt rác nằm trên sàn. Nàng xoa bóp đầu gối bằng
ngón cái và ấn bốn ngón còn lại vào bắp chân. Mặt nàng trắng bệch vì đau. Nàng
không ngẩng lên.
Ruby bò ra kỳ cọ sàn nhà, tóc cột túm ra
sau bằng sợi dây thun. Nó liếc nhìn tôi, cười toe toét với mấy bông hoa rồi tiếp
tục công việc. Rufus đang ở sau vườn, đổ các bao rác vào thùng tái chế. Những
lon bia móp méo kêu lách cách bên dưới. Khi thùng đầy, thằng anh bê vào bếp và
bảo con em:
- Giúp anh một tay với, Rube.
Rồi bọn trẻ bốc hơi.
Tôi đặt hoa lên bàn.
- Lara, anh có cái này cho em.
Nàng nhặt một bông, lơ đễnh phủi bùn khô
trên cành.
- Cảm ơn anh.
- Đâu có gì.
Tôi phân vân không biết có nên ngồi xuống
bên cạnh hay để nàng lại một mình. Nhưng rồi nàng lên tiếng trước khi tôi kịp
quyết định, thế là tôi cứ đứng đó mà nghe.
- Có lúc anh không nhận ra đâu. - Nàng nói,
vẫn không ngước lên, như thể đang nói với lớp áo ngoài vấy đầy đất cát của đóa
hồng hơn là với tôi. - Đầu tiên, anh có một tình yêu vô điều kiện. Anh chưa bao
giờ biết rằng nó tồn tại ở trong anh, thật mạnh mẽ, thật sâu sắc. Tình yêu đó lớn
biết bao.
- Anh hiểu ý em. - Tôi thấy mình nên nói gì
đó.
- Nhưng rồi mọi việc thay đổi. - Lara mặc
tôi, tiếp tục nói. - Thay đổi mà anh gần như không nhận ra. Đột nhiên có cảm
giác như sợi dây nối với quá khứ bị đứt lìa. Thật tàn nhẫn. Cái kết cục ấy. Anh
không còn nhận ra họ nữa. Cứ như họ là một người khác, ý em đúng là thế, hóa
thành những người hoàn toàn khác. Và đó là vấn đề.
Nàng cầm bó hoa bằng cả hai tay. Ngón cái
rướm một giọt máu đỏ vì gai đâm.
- Làm sao anh có thể vẫn yêu một người mà họ
không còn là họ nữa? Không phải anh không còn yêu họ, mà còn tệ hơn thế. Anh thậm
chí còn không biết họ nữa kia.
Tôi kéo ghế ngồi xuống.
- Lara, chúng lớn cả rồi. Anh biết điều đó
khó khăn, anh biết chính xác em muốn nói gì. Em yêu chúng khi chúng còn bé, em
yêu chúng khi chúng còn là hai đứa trẻ, nhưng đột nhiên em thấy khó yêu thương
khi chúng vụt lớn và bắt đầu làm em cáu tiết. Nhưng anh tin rằng bọn trẻ vẫn là
những đứa con mà em yêu thương. Cái đứa bé đỏ hỏn đó, đứa bé chập chững bước đi
đó, đứa bé mười tuổi đó, chúng vẫn còn đâu đó. Và em lại có chúng. Em sẽ làm được.
Em có những năm tháng lạc lõng, nhưng rồi chúng lại quay về với em thôi.
Nàng đặt bó hoa xuống và nhìn vào ngón cái.
- Lara?
Và nàng ngước nhìn tôi.
- Không phải bọn trẻ. Em nói về anh đó,
George à. Em đang nói về anh. Anh có muốn giúp em dạy dỗ những đứa trẻ của
chúng ta không? Hay anh cũng muốn là một đứa như vậy?
Tôi lắc đầu.
Mặt nóng ran. Tim đập thình thịch. Mắt cay
xè vì xấu hổ. Tôi cố kiềm để khỏi thốt lên, anh
xăm tay là vì em.
- Không công bằng. Quá bất công. - Tôi nói.
Nàng trân trối nhìn tôi khi tôi đứng lên đi lùi ra khỏi bếp. - Không công bằng mà!
Và tôi vẫn cảm thấy nàng nhìn theo khi cánh
cửa sau lưng tôi đóng sầm lại.
*
* *
Nàng dọn chỗ ngủ cho tôi trên ghế sofa. Chiếc
sofa tủi hổ.
Một cái giường tạm, nơi tôi có thể trở qua
trở lại và chuộc những lỗi lầm. Tôi lắc đầu suýt phì cười.
Lara bước vào.
- Chúng ta có khách hả? - Tôi hất đầu về
chiếc sofa tủi hổ.
Nàng dừng lại nhìn tôi chằm chằm, chiếc
sofa chắn giữa.
- Anh chưa hiểu sao? Lúc này em không muốn ở
cạnh anh.
Cảm giác tủi thân trong tôi trào lên, dâng
cao và vỡ òa.
- Sau tất cả những gì anh đã trải qua.
- Không. Sau tất cả những gì anh buộc em phải
trải qua. Việc anh khuyến khích Rufus nghỉ học đã đủ tồi tệ lắm rồi.
- Anh không...
- Anh là người tiêm vào đầu chúng cái việc
học hành chán ngắt. Cổ vũ chúng nắm bắt những cơ hội mà anh chưa bao giờ có.
- Thằng bé sẽ được dạy dỗ nên người nếu nó
đứng vững. - Tôi nhấn mạnh. - Đó là Đại học Cuộc đời.
- Đại học Cuộc đời? Mua vui cho một đám say
xỉn trong quán rượu ngột ngạt ở khu East End? Đó không phải là Đại học Cuộc đời.
Còn không được là cao đẳng nữa kìa. - Một tiếng cười giễu cợt. - Và cũng đủ tồi
tệ khi anh khuyến khích Ruby nghĩ mình giống như một kẻ cuồng sinh thái.
- Con bé đã...
- Đây là nhà chúng ta, George. Đây là nơi chúng ta nuôi nấng những đứa con.
Đây là nơi chúng ta sống cuộc đời của mình. Anh còn nhớ chúng ta đã hào hứng thế
nào khi chuyển đến đây không? Anh còn nhớ chúng ta đã vui mừng thế nào và lo lắng
ra sao để kiếm đủ tiền mua căn nhà này không? Anh còn nhớ chút gì không?
Dĩ nhiên tôi nhớ. Tôi nhớ hết.
- Đây là nhà mình, George ạ. - Tôi thấy vẻ
mệt mỏi của nàng, mệt mỏi vì luôn phải dọn dẹp những thứ bừa bộn của người
khác, mệt mỏi vì tôi, mệt mỏi vì mọi thứ. - Nhà chúng ta. Và nhìn xem anh đã
làm gì với nó nào.
Chúng tôi cùng nhìn. Cả bốn người đều đã
làm rất tốt, dọn dẹp sạch bong. Chỉ còn mấy vết dụi thuốc lá đen sì trên thảm.
Mấy vết ố không thể tẩy khỏi bàn ghế. Và ngoài cửa sổ là mấy luống hoa bẹp dúm
bởi những kẻ làm tình, nôn mửa hay ngã nhào trên đó. Hoặc chỉ phá cho vui.
Chúng tôi đã làm cật lực, cả bốn người chúng tôi. Nhưng nó không còn như cũ. Và
có thể là nó sẽ không bao giờ trở lại như cũ.
- Cho nên nếu anh phải nằm ngủ ở đây một thời
gian thì em cho là hình phạt vẫn còn quá nhẹ.
Câu đó thổi bùng lên cơn giận dữ trong tôi,
vốn âm ỉ cháy bởi nỗi mặc cảm tội lỗi.
- Sau tất cả những gì đã trải qua, người ta
mong anh cắm trại ở ngoài chính ngôi nhà của mình kia đấy.
- Được thôi. - Lara nói, thở một hơi thật
dài làm tôi ớn lạnh. - Anh ngủ trên giường. Em ngủ ở sofa.
- Em yêu anh mà. - Tôi nói. Và nghe như tôi
đang buộc tội nàng bởi một điều gì đó.
Nàng lắc đầu.
- Em yêu ký ức về anh. Em yêu anh của ngày
xưa. Tốt bụng. Mạnh mẽ. Trách nhiệm. - Nàng nhìn tôi từ chân lên đầu và tôi có
thể thấy nàng đang cợt giễu mái tóc dài của tôi. Thật là quá đáng. - Em yêu anh
khi anh còn là một người đàn ông thực thụ, chứ không phải một thằng bé tuổi
trung niên đáng thương. Anh mua được chiếc Porsche chưa? Có phải điều đó có ý
nghĩa rất nhiều với anh không? Chắc anh nên bắt đầu thích một chiếc Porsche từ
bây giờ đi là vừa.
- Một chiếc Porsche? Không tệ đâu. Anh có
thể tưởng tượng mình ngồi trong chiếc Porsche. - Tôi lắc đầu. - Có phải em nghĩ
như thế này không, kiểu như sự khủng hoảng tuổi trung niên? Anh không muốn một
chiếc xe thể thao chết tiệt nào hết. Anh không muốn làm tình với một cô ả nóng
bỏng nào cả. - Tôi ngồi bệt xuống chiếc sofa tủi hổ và nắm lấy tay nàng.
- Anh chỉ muốn sống, Lara à. Anh chỉ muốn
nhớ lại những điều thực sự ý nghĩa. Anh cảm thấy mọi sinh khí trong anh đã chảy
trôi hết. Và anh muốn có lại nó.
Nàng rút tay về.
- Đừng lo chuyện sinh khí. Hãy quan tâm đến
những vết bẩn trên sàn phòng ngủ của chúng ta. Hãy lo lắng về những đứa con của
anh. Hãy lo lắng về gia đình anh. - Nàng lấy một chiếc gối từ sofa ném cho tôi.
- Hãy trưởng thành đi, được không?
Tôi chụp lấy dễ dàng. Nàng nằm vật xuống
chiếc sofa tủi hổ, vùi mặt vào hai bàn tay. Hơi thở đột nhiên gấp gáp.
- Em không thể chịu nổi. Em không thể chịu
nổi. Em không thể chịu nổi...
Tôi vòng tay ôm nàng, nhưng nàng đẩy ra với
tất cả sức lực. Nàng kéo mạnh chiếc nhẫn cưới và khi không tài nào tháo được,
nàng lầm bầm chửi rủa.
Tôi đứng lên.
- Đây, em cầm lấy cái của anh đi.
Nhưng tôi cũng không thể tháo chiếc nhẫn cưới
của mình ra. Cái vòng tròn bằng vàng đó cạ vào đốt xương ngón tay và kẹt lại ở
đó, siết chặt những thớ thịt cản trở nó. Tôi nhìn Lara. Nàng bỏ cuộc, ngồi yên
lặng, một tay đặt lên trán, tóc xõa xuống, cố thở đều.
Tôi vào bếp mở tủ lạnh tìm hộp bơ.
Tôi thoa một ít quanh đốt xương ngón tay.
Chiếc nhẫn cưới tuột ra tức thì. Tôi trở lại phòng khách giơ cao chiếc nhẫn, vẻ
hể hả.
Tôi hét to, a ha!
Lara ngước lên. Đó là gương mặt mà tôi đã
yêu suốt nửa cuộc đời qua. Nàng chưa bao giờ già như hôm nay và tôi chưa bao giờ
yêu nàng đến thế. Tại đây, lúc này. Chưa bao giờ yêu hơn.
Nàng cầm chiếc nhẫn cưới của tôi, nhìn nó
mãi. Màu vàng của nhẫn và màu vàng của bơ, lớp bơ đã giải phóng nó. Và nàng cười.
Nhưng đó là nụ cười buồn vô hạn, làm tôi hoảng loạn. Tôi không muốn mất nàng.
- Nhưng anh và em hạnh phúc, đúng không? Hầu
như mọi lúc? Gần như mọi lúc? Chúng ta đã từng vui vẻ, có phải vậy không em?
Tôi đi tới đi lui và nàng nhìn tôi, điều đó
in lên từng nếp nhăn trên khuôn mặt nàng. Hơn cả sự căng thẳng từ căn bệnh của
tôi. Hơn cả sự trầm trọng của cuộc sống trong con người mới của tôi. Và hơn cả
sự cay đắng cùng cực mà nàng cảm thấy khi mái ấm bị phá tan tành bởi một đám trẻ
to xác.
Nàng đã đầu hàng. Nàng đã chịu đựng quá đủ.
Nàng đã bỏ cuộc trước tôi.
- Anh đúng, George. Đã từng vui vẻ.
Nhắc đến từ vui, tôi hồ hởi nhặt chiếc gối
trên sofa lên ném vào nàng.
Tôi tưởng tượng nàng sẽ ném trả, bật cười
khanh khách, chúng tôi sẽ có một cuộc chiến gối bông và rồi hạ màn bằng cảnh
lăn lóc trên sàn nhà như hai chú chó con.
Nhưng mép gối đập vào mắt làm nàng lùi lại,
bật khóc vì đau.
- Ôi Chúa ơi, Lara, anh xin lỗi. - Tôi quỳ
trước mặt nàng trong lúc nàng day day đầu ngón tay lên chỗ mắt đau và kiểm tra
xem có chảy máu không.
- Vâng, anh luôn luôn xin lỗi. - Nàng hé
con mắt kia nhìn tôi. - Và anh luôn có quá nhiều điều để xin lỗi. - Nàng xua
tôi ra. - Để em yên được không? Làm ơn để
em yên. Làm ơn đi.
Tôi lấy lại chiếc nhẫn cưới.
- Trong bao lâu?
- Bao lâu ư? - Nàng thốt lên như thể tôi hỏi
nàng về những điều bí ẩn của vũ trụ.
Tôi gật.
- Đại loại... bao lâu?
Nàng nhún vai.
- Ít ngày? Cho đến khi mọi việc khá hơn? Em
không biết. Anh thuê phòng hay gì đó nhé?
Thuê phòng? Thuê phòng?
Tôi lau sạch bơ trên ngón đeo nhẫn. Mình sẽ
thuê phòng ở đâu đây?
*
* *
Mấy cậu bé đang đá bóng trong công viên.
Chúng giăng áo khoác làm khung thành, hò reo ăn mừng chiến thắng y như trên
ti-vi. Màu áo không rõ đội nào với đội nào, cũng không giống đồng minh,
Liverpool, Arsenal và Real Madrid đấu với Manchester United, Chelsea và
Barcelona.
Những người dắt chó đi dạo tránh xa đám trẻ,
mặc dù ngoài làm ồn ra thì chúng vô hại. Những đứa trẻ mới lớn vẫn còn ở cái tuổi
mơ về một ngày nào đó có thể ăn mừng thế này trước hàng tỉ khán giả; vẫn còn ở
cái tuổi mơ mộng, ngây ngô, hoặc gì đó mà bạn có thể gọi.
Một đường chuyền hỏng mang theo tiếng cười
nhạo và quả bóng bỗng dưng bay đến chân tôi. Tôi nghiêng người tâng bóng bằng
đùi rồi sút một cú vô lê trước khi quả bóng chạm đất. Các cậu bé quay sang nhìn
nhau rồi túm tụm bàn bạc. Hóa ra có một đội thiếu người và chúng hỏi tôi có muốn
chơi cùng không.
Thế là tôi ngập ngừng bước vào sân chơi và
chẳng mấy chốc tôi cũng lạc vào giấc mơ - tớ,
tớ, đây này, đây này! Dang tay, xòe tay để thấy mình tự do. Vâng! Tôi tự
do! Áo ướt đẫm mồ hôi, máu bơm dồn dập và hai bắp chân đau nhức. Tôi tự do!
Đó là một trận bóng ghi nhiều bàn thắng, dù
dường như chẳng ai buồn đếm, và trận đấu rõ ràng không có phút giải lao giữa
hai hiệp hay kết thúc. Nhưng cuối cùng, một nhạc trưởng trung vệ của Real
Madrid đi ra lấy xe đạp, nói rằng mẹ cậu đang chờ.
Số cầu thủ mỗi đội giảm dần khi gần đến giờ
uống trà.
Số còn lại đá bóng vào giữa khung thành giả
thêm vài tiếng nữa. Chân tay rã rời, giọng khản đặc, những trái tim tươi trẻ đập
rộn rã trong lồng ngực, nụ cười sung sướng trong ánh nắng chiều nhạt dần.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét