Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Trái tim tuổi 19 - Ch 14

Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)

Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012


Mười bốn

Tôi lướt vợt qua mặt hồ vớt mấy thứ đi lạc vào đó, ngắm bóng mặt trời in trên làn nước lăn tăn những gợn sóng mà tôi vừa tạo ra. Một việc chẳng cần đến trí óc, cứ vậy mà làm, thật khác xa công việc lúc trước. Tốt thôi. Tôi cởi áo ra, cảm thấy ánh nắng ban trưa chạm lên vai. Công việc bàn giấy làm cho thân hình to lớn rắn chắc của tôi trở nên mềm nhũn và yếu ớt. Nhưng giờ đây không còn những trăn trở, khổ đau nữa. Gã văn phòng yếu ớt. Lão già ẻo lả. Mèo-đồn xanh xao. Mùa hè đang chờ để trả lại cho tôi những tháng năm tuổi trẻ.
Ông Winston đang vật lộn với chiếc máy lọc hỏng ở góc hồ bên kia. Tôi cảm thấy như đang trôi đi, không ưu tư, bềnh bồng trên tiếng saxophone vẳng lại từ chiếc radio ở xa xa, và mùi cỏ mới cắt trộn lẫn mùi hóa chất mà Winston dùng để làm cho nước có màu da trời, xanh ngăn ngắt.
Ông nheo mắt vì chói.
- Đội mũ lên đi con. - Ông bảo.
Tôi đội chiếc mũ lưỡi trai và ngước nhìn tòa nhà to lớn. Một cô gái nhìn tôi từ cửa sổ tầng một. Cô còn trẻ và nghiêm nghị. Tôi kéo sụp vành mũ xuống, cầm vợt và trở lại với công việc của mình, chầm chậm lướt vợt qua hồ. Tôi thích âm thanh nó tạo ra. Nghe tựa như tiếng sóng biển rì rào.
Khi tôi ngước nhìn tòa nhà một lần nữa, cô gái đã không còn ở đó. Một bà quản gia xuất hiện từ những cánh cửa sổ kiểu Pháp và tôi nghĩ chắc bà sẽ mang cho tôi một tách trà. Bà mặc váy đen tạp dề trắng, kiểu y phục người hầu thời xưa này xuất hiện nhiều đến lạ lùng ở những tòa nhà như vậy. Khi bà đến gần hơn, tôi biết rằng bà không mang cho chúng tôi tách trà nào cả. Bà đi ngang qua tôi mà không thèm liếc nhìn và tiến thẳng đến chỗ Winston. Ông đứng dậy, chống cái lưng đau, lắng nghe bà nói mà không biểu lộ cảm xúc gì. Rồi ông gật đầu và bà trở lại ngôi nhà. Winston cúi xuống chiếc máy lọc nước.
- Mặc áo vào đi con. - Ông bảo tôi.
Trong một thoáng, tôi nghĩ mình đã vi phạm một điều luật nào đó về trang phục. Người hầu mặc một kiểu, tài xế mặc một kiểu và người bảo trì hồ bơi mặc một kiểu. Mà cũng có thể là ông sợ tôi cháy nắng - Winston luôn lo tôi bị cháy nắng. Nhưng rồi tôi hiểu ra, bật cười để che đậy sự bối rối. Tôi mặc áo vào, ngước nhìn những ô cửa trống của tòa nhà.
Cô ấy không muốn nhìn thấy vết sẹo của tôi.

*
*    *

Chúng tôi làm việc cả ngày, rong chơi giữa những ngôi nhà to bằng chiếc xe tải màu xanh nhỏ nhắn của ông Winston. Cả hai đang vật lộn với mặt hồ đầy rác của một ngôi nhà màu trắng ở Holland Park thì Winston bắt gặp tôi liếc nhìn đồng hồ.
- Một tối hẹn hò quan trọng hả? - Gương mặt ông bình thản, bóng nhẫy mồ hôi. Rồi ông cười bảo tôi về đi, sáng mai gặp lại.
- Đi mà đón em yêu. - Ông nói.

*
*    *

- Anh không phải đến đâu. - Lara nói.
- Nhưng anh muốn đến.
Bắt đầu từ khi nào vậy, cái câu chuyện ảm đạm này?
Ngại ngùng bên nhau như hai người xa lạ? Thà ném đồ đạc vào nhau còn dễ chịu hơn.
Tôi đỡ bà ngoại xuống taxi, bà chớp mắt ngạc nhiên trước ánh đèn, tiếng ồn và đám đông chen chúc ngoài nhà hát ở đại lộ Shaftesbury. Bà lão dường như quá mỏng manh, cứ như một chú chim non trong tất cả những thứ xô bồ, bẩn thỉu này.
Bà đi giữa, cố bám chặt lấy hai tay chúng tôi, rồi cả ba tiến đến tấm áp phích in hình khuôn mặt Cosette trong vở Những người khốn khổ, đôi mắt to tròn đau đớn.
Chuyến đi được sắp xếp hàng tháng trước. Mỗi năm một lần vào ngày sinh nhật bà, chúng tôi đưa bà đi xem hát ở West End. Nói thật, nếu nghĩ lại thì tôi thấy việc đó gần giống như hành xác vậy. Ngoại ngủ gật giữa bài We Will Rock You của nhóm Queen vào năm kia, và trên taxi bà đã có những lời bình luận khiếm nhã đối với những người đồng tính như ca sĩ chính Freddie Mercury. Nhưng tôi biết Lara không muốn bỏ nghi thức hàng năm này, vì như vậy là thừa nhận rằng cuộc sống của ngoại chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường ẩm mốc ở viện dưỡng lão Rừng Thu. Tôi không biết liệu bà có đủ sức trụ lại vài giờ trước cuộc cách mạng Pháp hay không.
Nhưng tôi không phải lo lắng nhiều. Bà ngồi giữa chúng tôi ở hàng ghế đầu trên gác. Tôi còn nhớ vở Những người khốn khổ có ý nghĩa đặc biệt thế nào đối với ngoại và Lara. Và cả với tôi nữa.
- Hồi đó con đóng vai nào vậy, cháu yêu? - Ngoại hỏi to rồi mút cây kẹo trong khi Jean Valjean đang làm việc quần quật dưới cái nắng như thiêu như đốt cùng đám tù khổ sai.
Tiếng một người đàn ông “suỵtttt” rít lên từ hàng ghế sau, ngay cảnh thanh tra Javert xuất hiện.
- Hả? - Ngoại hỏi lại tự nhiên như không. Lara thì thầm bên tai bà:
- Con không đóng cảnh này.
- Gì cơ?
- Không có nhân vật nữ nào trong đoạn tù nhân bị xiềng xích này đâu bà. Con chỉ đóng nông dân và gái điếm thôi.
Bà giật bắn người, hoảng hốt:
- Ai là gái điếm?
Gã ngồi hàng ghế sau chồm tới, kêu rống lên:
- Im lặng giùm có được hay không hả?
Tôi quay lại nhìn hắn, phân vân giữa việc xin lỗi hay quẳng hắn ra khỏi khán đài. Tôi tưởng đó là một lão già tội nghiệp, nhưng lại là một gã trai thuộc loại chơi bóng bầu dục, mặc quần thể thao đi cùng một em chân dài. Tôi giơ tay ý nói cứ bình tĩnh, và nở nụ cười cầu hòa. Hắn không thèm cười lại. Rồi chuông điện thoại của hắn bật reo vang.
Có lẽ là khúc dạo đầu bài William Tell Overture. Hoặc cũng có thể là bài Umbrella. Nhưng bài gì thì nó cũng đã reo lên inh ỏi, chói tai, làm nửa khán đài đổ dồn nhìn hắn khi hắn đứng lên, lục tìm trong túi quần jeans chiếc điện thoại xúi quẩy. Thậm chí cả Jean Valjean và Javert đang ngước nhìn lên trời cũng mang vẻ thắc mắc gã đần nào quên tắt chuông điện thoại đây.
Hắn rút điện thoại ra, nhưng ngay lập tức nó tuột khỏi những ngón tay mũm mĩm của hắn, giống như quả bóng trượt khỏi đám đông nhốn nháo, và hắn chộp lại được trước khi nó rơi vào túi bắp rang bơ của cô bạn gái ngồi kế bên. Hắn văng tục, cuối cùng cũng tắt được điện thoại, nhưng bảo vệ đã đến chỗ hắn. Tất cả chúng tôi, kể cả bà, đều không màng đến cảnh quan trọng của Fantine, đồng loạt ngoái nhìn khi họ tống khứ hắn ra ngoài, cô chân dài lẽo đẽo theo sau, nước mắt ngắn dài vì xấu hổ, bắp rang vung vãi khắp nhà hát. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài đằng đẵng, vợ tôi nhìn tôi mỉm cười, vòng tay qua cây kẹo mút của bà siết lấy tay tôi trong bóng tối.

*
*    *

Lara dừng lại bật đèn ở bậc tam cấp, tay cầm chìa khóa, và tôi thấy rèm cửa vài nhà bên thấp thoáng, lay động.
- Trời đêm thật đẹp. - Lara thầm thì và tôi dõi theo ánh mắt nàng đang ngước nhìn bên trên ánh đèn đường vàng rực và bức màn màu cam luôn phủ xuống thành phố mỗi tối. Nàng chỉ lên trời bằng bàn tay cầm xâu chìa khóa. - Đó là ngôi sao hay hành tinh vậy anh?
- Đâu? - Tôi hỏi, cố dõi theo ngón tay nàng chéo lên một vùng thăm thẳm bí ẩn trước vườn nhà.
Nàng choàng cánh tay còn lại qua vai tôi, kéo tôi xích lại gần hơn, đủ để tôi ngửi thấy mùi nước hoa và mùi gì đó, mùi hương của nàng. Nó thật gần gũi, thật thân quen, tôi thở dồn dập. Tôi nhớ nàng nhiều lắm.
- Kia kìa.
Là một đốm sáng trắng nhấp nháy, xa tít phía đầu kia vũ trụ.
- Ngôi sao.
Tôi ngắm nửa khuôn mặt nàng trong khi nàng đang say sưa nhìn lên bầu trời.
- Sao anh chắc chắn vậy?
- Vì nó lấp lánh.
- Ý anh là nó nhấp nháy?
- Ừ, nhấp nháy. Ngôi sao mới nhấp nháy, còn hành tinh thì không. Hành tinh chỉ tỏa sáng thôi.
Nàng quay qua tôi và tôi hôn nhẹ lên đôi môi ấy. Nàng lắc đầu đẩy tôi ra.
- Đừng, George.
- Ngôi sao nhấp nháy vì nó ở rất xa chúng ta. Ánh sáng của nó bị khí quyển của trái đất hấp thu, cho nên... - Tôi nhoài người hôn nàng một lần nữa.
- Em đã nói là không rồi mà! - Nàng đặt tay lên ngực tôi. Tôi nghe chiếc chìa khóa ấn vào ngực mình. - Lúc này, em không thể gần anh được.
Tôi lùi lại.
- Em đã nghĩ mọi thứ rồi sẽ ổn. Mọi thứ sẽ ổn. Em đã nghĩ vậy sau những gì xảy ra với anh. Em đã nghĩ nó cứu sống chúng ta, chứ không phải chia cách chúng ta.
- Thì đúng là vậy. Em không hiểu sao? Anh gần như sắp chết, Lara à.
- Ừ, em có ở đó mà. - Giọng nàng cộc lốc.
- Nhưng em muốn... anh không biết phải nói sao... em muốn anh phải cư xử như không có gì xảy ra. Khai báo thuế và sửa cái máy nước nóng chết tiệt. Phạt mấy đứa nhỏ và ngủ trước ti-vi. Đôi khi người ta phải dừng lại để hái những đóa hồng.
- Ngửi hoa hồng.
- Gì chứ?
- Anh không hái hoa hồng. Anh chỉ ngửi thôi.
- Tại sao em không thể làm mọi thứ? Ừ thì hái rồi ngửi, cởi quần áo và vất ở đấy?
Nàng cau mặt.
- Chúng ta không thể chơi đùa suốt ngày. Đó không phải cuộc sống. Cuộc sống không chỉ toàn tiếng cười.
Tôi cảm thấy sự hờn dỗi đang lớn dần.
- Ừ, phải. Cuộc sống lẽ ra phải như vậy.
Nhưng cái ý nghĩ không có cô ấy đêm nay thật quá sức chịu đựng.
- Em không muốn anh về đấy chứ?
- Em muốn anh về. Em muốn anh trở lại như xưa. Là chính anh. Chứ không phải... một đứa trẻ nào đó.
- Một đứa trẻ thì đã sao? - Tôi cố đùa cợt, nhưng không tác dụng.
- Hai là đủ rồi. - Lara nói và tra chìa vào ổ. - Ngủ ngon, George. Em vui vì có anh tối nay.
- Em không thấy à? Đây là cơ hội của anh. Để được tự do. Để thay đổi.
- Sao... ý anh là đem đổ sông đổ bể bao nhiêu năm cố gắng của anh, và tất cả những điều đó hả?
Tôi gật đầu.
- Để rồi đi vớt lá khô trên hồ bơi ư? Rất ư là có ích. Rất ư là ý nghĩa. Cho em biết khi nào anh phát hiện ra điều bí mật của vũ trụ trong cái vợt của anh nghe.
- Em nghĩ những gì anh làm trước đây là cao sang hơn ư?
- Nó trả được tiền nhà, George à.
- Em không muốn nhiều hơn thế sao? Em không muốn gì ngoài việc đủ trả tiền nhà hàng tháng sao?
- Đúng, em chẳng muốn gì hơn. - Vợ tôi nói, và nhìn tôi với ánh mắt của một người tan vỡ trong hôn nhân. Nàng mở cửa, ánh sáng từ hành lang ngôi nhà của chúng tôi tràn lên khuôn mặt nàng. - Em đã trải qua tất cả những điều đó, George à. Em chỉ muốn giữ lại cái em có.
- Nhưng em còn trẻ mà!
- Em không còn trẻ, George. Em ước gì được như vậy!
- Trẻ hơn anh những bảy tuổi đó!
- Vâng và sẽ được bốn mươi vào sinh nhật tới.
Tôi cau mày. Nàng đúng. Ngày sinh nhật quan trọng của người phụ nữ. Dĩ nhiên. Nhưng dường như đây vẫn là tin sốc với tôi.
- Chúng ta nên làm gì đó ý nghĩa. Đến một trong những nơi kỷ niệm của chúng ta nhé.
- Em không biết. Chúng ta vẫn còn những chốn riêng sao?
- Sinh nhật bốn mươi? Sao nhanh vậy chứ?
- Ai mà biết. - Nàng thở dài.
Nàng hôn lên trán tôi. Một cách chúc ngủ ngon thân hữu và trong sáng. Nhưng cái chạm của nàng làm máu tôi đang âm ỉ bỗng sôi lên, và tay tôi, chẳng hiều vì sao rủ nhau len vào ngực nàng, vào những thớ thịt ấm áp mềm mại ấy. Quen thuộc, thân thương, và tôi nhớ chúng quá. Tôi gọi tên nàng, nàng gọi tên tôi và rồi tôi lại gọi tên nàng. Mặt nàng. Tay tôi. Cơ thể nàng. Lara của tôi. Nhưng nàng lùi lại, đấm cho tôi một cú chí mạng vào ngực. Tôi đứng đó, ho sặc sụa, rèm cửa sổ nhà bên rung động, hoảng sợ.
- Em không thể tin nổi. Anh làm cái trò gì vậy George? Anh cố thọc tay vào áo ngực em?

*
*    *

Keith gật đầu với tôi qua kính chiếu hậu.
- Nôn ra đây là anh phải lau sạch đấy nhé. Không đùa đâu. - Cậu ta nhăn răng cười. - Anh hành xử như một thằng oắt ngu xuẩn. Lần sau, tôi sẽ để chúng đấm vào mặt anh.
Chẳng công bằng chút nào. Chính cái băng ghế sau chiếc xe chết tiệt của cậu ấy làm tôi xây xẩm. Có lẽ mấy chai Corona kèm vài lát chanh vô nghĩa và việc dập dìu trong cái quán bar tối như hũ nút có mấy gã bảo kê người Nga cũng góp phần làm tôi mệt mỏi, nhưng chiếc xe của Keith vẫn là nguyên nhân chính.
Mấy gã người Nga đang kè tôi đi ra từ quầy bar thì Keith tình cờ ghé qua. Họ chuẩn bị cùng tôi xuống một ngõ tối để bàn luận về bản nhạc của Whitney Houston And I Will Always Love You thì Keith chen vào, ném tôi vào băng ghế sau của cậu ấy.
Giờ thì tôi đang cựa quậy khó nhọc trên băng ghế, hít thở cái không khí sặc hơi men, mùi của những kẻ xấu xa và lì lợm đã ở đây trước tôi. Từ ghế trước, đồng sự của Keith nhìn tôi khinh khỉnh. Cậu nhóc giờ đang để một chỏm râu dê. Trông thật tức cười, cứ như con gì đó bò lên cằm và nằm chết dí ở đó.
- Gì nữa đây? - Keith thở dài, và tôi nhìn thấy ánh đèn xanh của cảnh sát chiếu phía trước trên con đường Camden vắng dài như vô tận. Một chiếc xe đậu chắn ngang đường và hai cảnh sát mặc đồng phục đang đánh nhau với hai tên du đãng. Những thân hình di chuyển dưới ánh sáng chập chờn, y như sàn nhảy rẻ tiền lúc sắp đóng cửa.
Mọi chuyện có vẻ không suôn sẻ lắm với hai vị đồng nghiệp kia. Một trong hai tên, gã có thân hình hộ pháp, đã khóa cổ một cảnh sát làm cho sức mạnh vượt trội ở phần trên cơ thể hắn trở nên đáng gờm. Hắn cố vật anh chàng xuống đất. Cảnh sát còn lại thì có khá hơn và đã tra còng vào cổ tay tên tội phạm - một gã choai choai ranh mãnh. Anh ta vẫn nắm cổ áo khoác hắn, rõ ràng đang phân vân giữa việc giúp đồng sự và giữ tên tội phạm. Anh chàng không thể làm cả hai việc cùng lúc.
Keith đạp phanh, cùng cậu râu dê bước ra, quên cả đóng cửa xe.
- Cần tôi giúp không? - Tôi hỏi.
Keith chỉ ngón tay béo ú vào tôi.
- Anh cứ ngồi yên đó.
Họ cùng nhảy bổ vào gã hộ pháp, dúi hắn xuống mặt đường nhựa trong khi tra còng, rồi giúp anh chàng cảnh sát còn lại còng tay gã thứ hai. Lúc này, nhóm người túa ra từ những căn hộ lân cận và một quán rượu trông như đã dẹp tiệm cách đây hai mươi năm, đã tụ thành một đám đông nhỏ, và đang lải nhải cái điệp khúc về cảnh sát thô bạo và quyền con người. Keith quát lớn và họ lùi lại ngay.
Lúc này, bốn viên cảnh sát vừa giữ hai tên tội phạm vừa trò chuyện, thong thả như những người dắt chó dạo. Vài chiếc xe chạy chậm lại tò mò nhìn. Rồi Keith và cậu nhóc râu dê chào tạm biệt hai cảnh sát kia, đẩy tên to lớn vào băng ghế sau. Hắn làm như chẳng hề thấy tôi. Hắn còn khá trẻ, thân hình khổng lồ và cái đầu nhẵn bóng làm hắn già thêm nhiều tuổi, nhưng lại hữu dụng khi ra đòn khóa cổ. Giờ khi nhìn gần và bị còng tay, trông hắn như một đứa trẻ nhút nhát. Chúng tôi tiếp tục lên đường.
- Thật là xấu xa, bẩn thỉu. - Keith nói, nheo mắt nhìn qua kính chiếu hậu. - Giả chết giữa đường để cướp của những người tội nghiệp dừng lại giúp mày.
Gã trai nhướng mày, một kiểu thách thức đáng ghét mà tôi cảm thấy tiếc cho hắn, và rồi hắn nhìn ra cửa lúc chúng tôi chạy xuống đường King’s Cross. Do tay bị còng ra sau nên hắn phải ngồi chồm về phía trước, gần như ngồi trên mép ghế bọc nhựa vinyl.
- Tôi có biết cậu không nhỉ? Hình như tôi biết cậu thì phải? - Tôi hỏi.
Lần đầu tiên hắn nhìn tôi.
- Tao không nói gì khi chưa có luật sư. - Hắn lầm bầm, giọng miền Nam đặc sệt.
- Sao tôi lại biết cậu chứ? - Tôi biết không có câu trả lời và hắn cũng mù tịt giống tôi.
Xe quay lại nhà cha mẹ tôi. Mấy tên nhóc vẫn ngồi trong xe và Keith lôi tôi ra. Không khí trong lành lập tức tác động đến đôi chân của tôi. Chúng chuyển từ cứng như đá sang nhão như bùn rồi tan chảy thành nước.
- Chuyện nhỏ mà Hổ huynh. - Keith nắm lấy cổ áo tôi rồi lịch thiệp dẫn tôi vào nhà bằng lối ven vườn.
Tôi dừng lại, tựa lưng vào xe của bố, chiếc Ford Capri đỏ, cố gắng kiểm soát mọi thứ. Bụng, hơi thở, cuộc sống. Tôi thấy ánh xanh lấp lóa từ hồ bơi sau vườn. Đẹp quá!
Rồi bố mẹ xuất hiện ở cửa trong bộ áo ngủ, mẹ nhìn lướt qua những ô cửa tăm tối bàng quan bên nhà hàng xóm, còn bố bình thản dán mắt vào tôi. Cách nhìn của bố làm tôi khó tập trung vào liên khúc những bài Soul II Soul.
- Tối nay, anh ấy có thể lên giường ngủ nếu hai bác có thể làm cho anh ấy ngừng hát. - Keith nói.
Bố mẹ rối rít, vừa biết ơn vừa xấu hổ, còn cậu ta cứ lắc nguầy nguậy cái đầu to tướng, khước từ mọi lời đa tạ và lời mời uống trà. Rồi cậu ta hôn lên má chào tạm biệt mẹ, bắt tay bố và giao tôi cho bố mẹ chăm sóc. Cậu ta vỗ vai tôi rồi đi mất.
- Tôi sẽ pha trà cho nó. - Mẹ bảo.
- Nó không muốn uống trà đâu. - Bố gần như phì cười, lắc đầu tặc lưỡi. - Này con, đã đến lúc bố phải hỏi là chân con đã chạm đất chưa?
Tôi sẵn sàng nghênh chiến, nhưng thoắt cái bố đã lên lầu, biến mất. Tôi nhìn lên trần nhà, nghe tiếng bước chân khẽ khàng của ông trên sàn phòng ngủ. Rồi tôi nhận ra rằng cũng giống như những đêm khác, túi quần của tôi đầy giấy vụn. Tôi nhớ lại cái đêm sau khi rời khỏi Lara, cố mường tượng ra những quý bà và quý cô mà tôi đã gặp. Nhưng không, không phải là mớ giấy vụn chi chít tên, số điện thoại và địa chỉ email. Tất cả đều là hình ảnh Lara.
Tôi giơ cao bức ảnh ngày cưới. Rồi những bức chụp lấy liền, trong đó chúng tôi nhắng nhít như hai đứa trẻ, khi ấy, chỉ vừa quen nhau được một năm, mới là giai đoạn đầu tìm hiểu, nhưng chúng tôi biết mình đã tìm thấy bến đỗ cuộc đời. Rồi ảnh Lara mặc bikini màu cam trên biển bế Rufus lúc nó lên bốn và Ruby lên hai, nàng đang vốc những nắm cát ẩm, mặt trời đậu trên vai nàng tỏa ánh vàng lấp lánh. Rồi ảnh Lara trong bộ quần áo lao động để trang trí nhà cửa, đẫy đà hơn sau khi sinh đứa thứ hai, đang mỉm cười ngắm nhìn ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi. Và - một bức ảnh gấp làm tư, sao mình ngớ ngẩn khi gấp ảnh làm tư cơ chứ? Là ảnh Lara một năm trước khi chúng tôi gặp nhau.
Tôi quỳ gối vuốt phẳng nó lại, những bức ảnh khác rơi ra. Lara loạng choạng trên ván trượt tuyết. Lara ở sau vườn. Lara nằm trong bệnh viện, em bé đang ngủ say trong vòng tay.
Vậy thì, điều đó không đúng ư?
Chúng tôi vẫn còn nhiều nơi kỷ niệm.

*
*    *

Cảnh sát kiểm soát được tất cả. Tôi phải thán phục khả năng điều khiển đám đông của họ.
Ngay cả khi giờ đây tôi đã đứng về phe khác.
Hàng trăm cảnh sát thiết lập một vành đai xung quanh những người biểu tình, quây chúng tôi lại bằng những thanh chắn màu cam. Cách đó một quãng là mấy chiếc xe cứu thương cùng toán cảnh sát tiếp viện đang sẵn sàng bắt giữ những kẻ bị cho là chống đối người thi hành công vụ - như chúng tôi.
Tâm trạng được ở giữa những người biểu tình thật vui vẻ lạ thường. Có thể lúc này mọi người đều có được thứ mình muốn. Cảnh sát giữ trật tự trị an. Người biểu tình được biểu tình. Và sân bay vẫn được xây đường băng. Từ đằng kia, tôi thấy những chiếc máy xúc và nhóm người đang làm việc, nhưng ở xa tít nên tôi cứ tưởng đang xem cảnh tượng đó trên bản tin truyền hình.
Tôi nheo mắt ngó mặt trời. Phải mất tám phút để ánh sáng đi từ mặt trời đến trái đất, vì thế tôi đang nhìn xem mặt trời trông như thế nào vào tám phút trước. Thời gian như thoi đưa. Tôi nhủ thầm. Đó là thực tế. Và đây là bằng chứng. Trên bầu trời xanh, những chiếc 747 gầm rú đang làm bá chủ thiên đường, đến và đi tự do không cần con người hướng dẫn, mặc sức cất cánh và hạ cánh, chẳng thèm đoái hoài đến tấm biển tôi đang cầm trong tay. Cái bảng ghi chữ MÁY BAY ĐIÊN tôi tự chế.
Tôi lấy điện thoại định gọi cho Ruby nhưng rồi lưỡng lự. Tôi bị mất nước, mệt mỏi, chăm chăm nhìn thế giới qua con mắt lờ đờ, và nếu con bé nghe giọng tôi lúc này, thì nó sẽ cho rằng nó đúng, khỏi cần tranh cãi. Vẫn vậy thôi, không có gì thay đổi cả, nó đã bảo tôi thế. Đừng bận tâm. Hãy làm điều gì đó có ích hơn đi. Điều gì thật sự tạo nên khác biệt. Ăn cắp vặt ở các cửa hàng chẳng hạn.
Tôi chưa sẵn sàng để thừa nhận rằng con bé đúng. Tôi tin là tôi sẽ không bao giờ sẵn sàng làm việc đó.
Vậy nên tôi đút điện thoại vào túi chiếc quần jeans ống loe và tiếp tục đung đưa tấm biển một cách uể oải.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét