Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)
Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012
Phần ba: Đội bơi
Hai mươi mốt
- Có ước mơ chung giống nhau và những ước
mơ riêng của mỗi người. - Nàng lên tiếng lúc tôi đang thiu thiu ngủ. - Mơ ước
chung là cái mà mọi người đều mong muốn, là con cái sẽ sống với người mang lại
hạnh phúc cho chúng, cha mẹ luôn khỏe mạnh, và cuộc sống gia đình sung túc,
không phải lo lắng về miếng cơm manh áo.
Tôi bắt mình chìm vào giấc ngủ, nhưng tâm
trí mải nghĩ đến cơ thể nàng sống động nằm cạnh bên hơn những lời nàng nói. Nằm
chung giường với Lara vừa lạ lẫm vừa thân quen, khó gọi thành tên, giống như cảm
giác bừng tỉnh sau cơn ác mộng hãi hùng, hoặc khi vừa xuất viện. Giống như bạn
được sống thêm lần nữa hay tìm lại được những thứ đã thất lạc.
Tôi chỉ chực thiếp đi. Cảm giác kiệt sức vì
hạnh phúc tràn ngập trong tôi, cảm giác sau khi làm tình với người mình yêu
thương suốt đời. Nhưng nàng nói không ngớt, và đó là một trong những điều mà
tôi phải tập quen dần trở lại, bởi giờ đây tôi không còn phải ngủ một mình nữa.
Tôi đã quên mất rằng Lara vẫn thế - thích nói chuyện sau cuộc yêu, thích nói
chuyện khi mắt tôi chỉ chực díp lại. Nhưng không còn như trước, không còn như
những gì tôi nghĩ. Nàng không nói đến những công việc đàng hoàng hay kế hoạch
nhận tiền trợ cấp. Tất cả những điều đó không còn ngự trị trong tâm trí nàng nữa.
Giờ nàng nghĩ đến những điều khác.
- Anh không cần phải nghĩ đến ước mơ chung.
Chúng có thể tự nuôi nấng nhau, hoặc không. Nhưng anh cần phải nghĩ về ước mơ của
riêng anh. Những ước mơ xa hơn ước mơ chung. - Rồi nàng im bặt. - Anh có nghe
em nói không đấy?
Trong căn phòng với sự tĩnh lặng thành thị
này, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng máy nước nóng lọc xọc trong phòng tắm
ngay sát vách.
- Nó sắp nổ rồi. - Tôi nói và nghĩ đến thợ
sửa ống nước, tiền bạc, những trang vàng chết tiệt.
- Không đâu, nó sẽ chờ cho tới khi nó nguội
hơn trước khi bị vứt đi. Nó là vậy đó.
Chúng tôi cùng lắng nghe tiếng nó thở phì
phò và kêu lạch cạch. Rồi chúng tôi phì cười trong bóng tối. Nếu trong một ngày
đông lạnh lẽo hiu quạnh mà cái máy nước nóng dở chứng thì chẳng có gì hài hước
cả. Nhưng lúc này thì nghe thật buồn cười.
- Anh sẽ không trở về chỗ làm cũ đâu. - Tôi
nói.
- Em đoán vậy. - Lara cười. - Chúng ta sẽ ổn.
Mình có thể bán căn nhà này rồi mua một căn nhỏ hơn. Giờ nhà chỉ có ba người
mà.
- Anh không muốn bán nhà.
- Có nhiều thứ quan trọng hơn anh à.
Chúng tôi nằm lắng nghe tiếng máy nước
nóng.
- Cái đó gọi là danh sách để đời. Những việc
người ta muốn làm trước khi... em biết đó.
- Trước khi rơi khỏi cành.
- Trước khi đóng nắp quan tài. Đó gọi là
danh sách để đời.
- Chạy xuyên Paris trên một chiếc ô tô thể
thao mui trần. Nhảy múa trên một sân khấu ở West End và được trả lương. Tới những
khu ổ chuột ở Buenos Aires và nhìn thấy quê hương của điệu tango.
Ờ, em
có thể lái chiếc thể thao mui trần xuyên Paris, nhưng lại bị kẹt xe ở Champs
Élysées. Hoặc em có thể tham gia một buổi trình diễn âm nhạc trên đại lộ
Shaftesbury, nhưng người ta sẽ không đến xem còn những nhà phê bình sẽ chẳng
nương tay. Tôi thầm nghĩ vậy, nhưng biết rằng một
ngày nào đó nàng sẽ đến Buenos Aires. Lara đã mơ về điều đó hơn hai mươi năm
qua, rất lâu trước khi cả hai chúng tôi biết đến danh sách để đời, hay nghĩ
mình cần có một danh sách như thế.
*
* *
Tôi có thể nghe thấy nó khi nàng đang say
giấc. Nó tồn tại trong từng hơi thở, từng cái cựa mình, từng tiếng thở dài sâu
thẳm trong giấc ngủ của nàng. Âm thanh của cơn đau.
Gần như từ khi tôi quen Lara, nó đã ở đó rồi,
không thể tách rời như màu mắt của nàng vậy. Đó là những vết thương cũ, những
cơn đau nhức, những vết thương còn lại sau khi các vết thương khác đã lành. Món
quà lưu niệm của chuỗi ngày nhảy múa.
Vài cơn đau hiện rõ mồn một như dấu tích phục
hồi dây chằng chéo ở bệnh viện Wellington, vết sẹo lồi trên hai đầu gối do gãy
xương sụn, nhưng một số bị che lấp, chôn vùi và bị quên lãng.
Nàng không than phiền. Nàng không phải kiểu
người như vậy. Tôi đã quen thấy nàng tự xoa bóp, những ngón tay ấn mạnh vào
vùng sau gối, hay chỗ giữa lồng ngực và hông khi nàng uống cà phê buổi sáng,
xem ti-vi hay khi thay quần áo đi ngủ. Trong hôn nhân, bạn phải học cách nhìn
thẳng vào sự việc mà xem như không hề hay biết.
Nhưng đến đêm thì khác, bởi vì nàng nằm cạnh
bên nên tôi cảm nhận những cơn đau không tên lúc nàng trở mình. Dường như nó
chưa bao giờ đánh thức nàng. Nhưng nó đã đánh thức tôi, và trong đêm đầu tiên
trở về nhà, tôi nằm cạnh vợ hàng giờ đồng hồ, thao thức nhìn bóng tối, cái cách
chúng ta chỉ làm với đứa con mới chào đời và với người mà ta hết mực yêu
thương.
Chỉ để lắng nghe âm thanh hơi thở của nàng.
*
* *
Trên đời này chỉ có một ngôi nhà mà bạn có
thể bước vào và đi thẳng đến tủ lạnh, đó chính là nơi bạn lớn lên.
Chúng tôi không hỏi Rufus có gì không ổn. Đột
nhiên, nó xuất hiện ở hành lang, nhe răng ngượng ngùng cười và chúng tôi theo
nó vào bếp. Nó mở tủ lạnh lấy hộp sữa nguyên kem, uống ừng ực ngay tại chỗ,
cà-vạt vắt vẻo quanh cổ như sợi dây thòng lọng. Lara kiễng chân hôn lên bên má
trầy xước do cạo râu quá vội vàng của thằng bé, và nhẹ nhàng đóng cửa tủ lạnh.
Tôi ôm con trai và, qua lớp quần áo bên ngoài, vẫn giống như ôm một bao xương.
- Bố khỏe không? - Nó hỏi, và tôi bật cười
vì tôi luôn thấy buồn cười khi các con cố tỏ ra khách sáo.
- Bố khỏe. Con dạo này thế nào?
- Con ổn. - Mặt nó cau có. - Sao con lại
không ổn chứ?
- Không sao. - Tôi nói nhẹ nhàng, không để
mắc bẫy.
Tôi đã nghĩ đến điều này, chưa đầy một
tháng nữa là nó cưới. Mẹ nó muốn làm món gì cho nó ăn, nàng nắm lấy thắt lưng
thằng bé, lắc lắc ý bảo nó quá gầy. Nó cười và dịch ra xa mẹ, rồi chộp lấy hộp
sữa nguyên kem và nói với mẹ rằng nó không đói. Giờ đây nó đã là trợ lý giám đốc,
và sắp trở thành người đàn ông có gia đình, vậy nên nó không quen việc ai đó nắm
lấy thắt lưng mình mà lắc.
Tôi cũng muốn thể hiện cử chỉ yêu thương
như vuốt tóc, vỗ lưng, hay đấm nhẹ vào cánh tay nó. Gì cũng được, miễn là có thể
chạm vào con trai. Nhưng nó đã là một trợ lý giám đốc, sắp trở thành người đàn
ông có gia đình, và dưới mắt đã có quầng thâm. Vậy nên tôi không chạm vào nó nữa.
Tôi không muốn phạm những điều khoản trong quy ước ôm kỳ quặc của chúng tôi.
Cả ba lên phòng khách. Ti-vi đang bật.
Chúng tôi ngồi xuống chỗ quen thuộc trên ghế bành và những góc ghế sofa. Rufus
với lấy chiếc điều khiển từ xa, chuyển kênh cho đến khi nó thấy Gene Kelly và
Donald O’Connor vừa gõ gót giày nhảy tap, vừa chơi đàn vĩ cầm.
- Singin’
in The Rain. - Lara nói, chạm vào cánh tay Rufus. - Đừng tắt, con.
Thằng bé miễn cưỡng bỏ chiếc điều khiển xuống
và ngả lưng ra sau, nhìn vu vơ lên trần nhà và thở ra chầm chậm. Nghe giống như
ai đó từ bỏ tuổi trẻ vậy. Lara nhìn tôi, không có biểu hiện nào trên nét mặt, rồi
lại xem phim.
Debbie Reynolds nhảy ra từ một chiếc bánh
trong bữa tiệc Hollywood. Cô có vẻ giật mình khi thấy Gene Kelly. Cô bảo anh ta
rằng cô làm việc trong nhà hát, và giờ cô đang mặc bộ đồ lót và nhảy ra từ một
cái bánh - một lời nói dối nho nhỏ. Lara cười ngất. Rufus liếc nhìn màn hình,
nét mặt như thoáng nhận ra.
- Chúng ta xem cái này bao nhiêu lần rồi?
- Singin’
in the Rain thì bao nhiêu lần cũng được.
- Mẹ nó chỉ đáp mà không nhìn.
Tôi cố tìm xem con trai có gì khác không.
Tóc cụt ngủn, kiểu quân đội. Chúng tôi lặng thinh một hồi. Tôi nhìn khuôn mặt
thằng bé khi Donald O’Connor chơi bài Hãy
chọc họ cười và nhảy bằng đầu gối, nhảy trên không, lao vào tường. Nó gần
như mỉm cười. Cảnh đó từng làm nó cười rung cả ghế. Hồi đó nó trẻ hơn nhiều.
- Làm sao bố mẹ biết đã tìm ra đúng người
dành cho mình? - Nó hỏi mà không nhìn vào chúng tôi.
Tôi đang nghĩ về điều đó. Biết là biết thôi, đúng không? Nếu còn ngờ vực thì hẳn là chưa gặp đúng người.
Nhưng tôi không muốn trả lời nó thế.
- Cũng như tin vào bất cứ điều gì khác vậy.
Đó là niềm tin. - Lara nói.
- Nhưng bố mẹ có nghĩ thời buổi này, người
ta sẽ ở với nhau mãi không? - Nó vẫn nhìn vào màn hình khi Gene Kelly đang cố
giành lại Debbie Reynolds. - Không chỉ... bố mẹ biết đấy, mỗi người mỗi ngả sau
vài năm. Bố mẹ có nghĩ ngày nay hai người có thể sống với nhau trọn đời không?
- Càng ngày càng khó, nhưng mẹ vẫn tin như
vậy.
Chúng tôi tiếp tục ngồi xem phim. Rồi có tiếng
bước chân lên cầu thang, Ruby đi vào phòng và reo, anh! Con bé ngồi bên thành ghế cạnh anh trai. Tôi vào bếp pha bốn
tách trà thợ xây. Khi tôi quay trở ra thì ti-vi chiếu đến cảnh Gene Kelly và
Debbie Reynolds đang hát, Gene mặc đồ chơi quần vợt của những năm ba mươi, còn
Debbie thì đang đứng trên một cái thang kỳ dị khó tả.
Ruby cười ồ lên.
- Có phải là cái thang không thể xa rời của
anh không vậy? - Nó hỏi rồi ngồi xuống cạnh anh trai. Thằng bé choàng vai em.
Gene Kelly yêu Debbie Reynolds. Kelly hát
và múa trong mưa. Trong giấc mơ, anh gặp Cyd Charisse, một gái điếm giang hồ mặc
chiếc váy màu xanh lá cây cuối cùng đã bỏ rơi anh chỉ vì một đồng bạc, và không
ai từng nhảy như thế trước đó và cả sau này.
- Cyd Charisse, thần tượng của mẹ. - Ruby
nói.
- Đúng rồi, lúc nào mẹ cũng yêu thích cô ấy.
- Lara khẳng định.
- Con ngủ lại nhà được chứ mẹ? - Rufus hỏi.
Cứ ở
thêm mười năm nữa, nếu con thích. Ở đây mãi mãi.
Tôi nhủ thầm. Nhưng tôi biết thằng bé sẽ không ở lại. Tôi biết nó sẽ không thể ở
lại mà không có đứa con sắp chào đời. Con trai chúng tôi không phải loại người
bỏ con cái, và đó là một trong những lý do tôi thương thằng bé.
- Con ở bao lâu cũng được. - Lara đáp.
Nó thậm chí không chỉ ở lại đêm hôm đó.
*
* *
Mùa thu đã đến và nhiều hồ bơi đóng cửa ngủ
mùa đông. Tôi tưởng rằng ông Winston và tôi sẽ có ít việc hơn vào tháng Chín,
nhưng trong những ngày ngắn ngủi cuối cùng này, công việc lại càng nhiều hơn.
- Không chỉ là phủ kín thôi đâu. - Ông nhắc
tôi khi cho xe chạy vào một lối nhỏ lát sỏi trong một ngôi nhà lớn ở Richmond.
Bên ngoài, chiếc BMW X5 đậu như đã hàng tuần rồi. - Cuối hè luôn là thời gian bận
rộn nhất.
Ông Winston rút ra chùm chìa khóa cai ngục
nặng trịch và chúng tôi vào vườn bằng cửa hông. Lá cây nổi lềnh bềnh khắp mặt hồ.
Dưới cái nắng cuối hè oi ả, nước hồ vẫn trong vắt đến khó tin. Ông Winston vớt
lá khỏi hồ, còn tôi khử trùng nước bằng siêu clo - ông thích một lượng gấp ba lần
bình thường - để dễ tẩy rửa chất bẩn và rác rưởi hơn khi bước sang xuân. Chúng
tôi quét dầu chống ăn mòn lên cầu thang, bao miếng ván nhún lại. Ông xịt ít nước
từ vòi nước trong vườn vào hàng tá bình sữa nhựa rồi ném chúng lên mặt hồ. Tôi
chưa thấy như thế bao giờ.
- Làm như vậy để nếu nước đóng băng thì
băng sẽ ép lên bình sữa, thay vì lên thành hồ. - Ông cười móm mém. - Con muốn
phủ hồ bơi chứ?
Tôi gật đầu và đi về phía nhà kho nhỏ ở góc
vườn. Trong kho có một máy sưởi chạy bằng gas và một bảng điều khiển.
Tôi bấm nút phủ hồ và bước ra ngoài để xem
tấm phủ từ từ mở ra. Thái Bình Dương xanh ngắt dần biến mất dưới tấm phủ kim loại
trắng đã hơi gỉ sét. Chưa đầy một phút, nước đã biến mất như chưa từng tồn tại.
Khi chúng tôi sắp sửa đi khỏi đó, gia đình
chủ nhà vừa về đến trên một chiếc taxi đen, một ông, một bà và cậu con trai mới
lớn. Chúng tôi giúp họ mang hành lý vào trong. Từ trên phòng, thằng nhóc mở nhạc
và sự yên tĩnh của ngôi nhà vỡ tan. Người đàn ông muốn đưa chúng tôi ít tiền
nhưng ông Winston không nhận, còn người phụ nữ muốn mời chúng tôi uống trà
nhưng trong nhà lại hết sữa.
Thế nên chúng tôi chào tạm biệt những con
người da rám nắng đang run rẩy trong bộ đồ mùa hè thật không phù hợp với thời
tiết London lúc này, nhưng hạnh phúc vì đã về đến nhà.
*
* *
Hàng người dài cả trăm mét kéo dài từ cửa
sân khấu xuống đại lộ Shaftesbury. Du khách và nhân viên văn phòng trố mắt nhìn
dòng người, hầu hết đều còn rất trẻ, một số rất quyến rũ, nhưng dường như các
vũ công không mấy để ý.
Tôi sửng sốt nhận ra đây có thể là nơi
chúng tôi gặp nhau. Tôi mỉm cười định nói cho Lara biết ý nghĩ đó thì cô gái đứng
trước chúng tôi chợt lên tiếng.
- Họ đang tuyển sáu và sáu.
Lara giải thích cho tôi như thế có nghĩa là
họ tuyển sáu nam và sáu nữ vũ công.
- Sáu chàng trai và sáu cô gái. Không có
đàn ông và đàn bà trong dàn đồng diễn. Chỉ những chàng trai và cô gái.
- Họ đang tuyển gì vậy? - Cậu bé đứng sau
chúng tôi hỏi, cậu ta thật sự là một cậu bé, nhỏ hơn Rufus một vài tuổi.
- Sáu và sáu. - Lara đáp và cậu ta hào hứng
thuật lại cho những người ở sau.
Lara ôm lấy cánh tay tôi cười bảo mọi thứ lại
quay về, và chúng tôi ngoái lại nhìn dãy người dài ra qua từng phút, một hàng
dài những cơ thể gầy gò, đau mỏi, nhức nhối giờ đã trải dài đến nửa đại lộ
Shaftesbury. Đôi mắt nàng lấp lánh vì tất cả những điều đó - tất cả những phỏng
đoán về công việc, niềm hứng khởi khi đứng trên phố cùng hàng trăm vũ công khác
xen lẫn cá cược đậu rớt, tâm thế sẵn sàng đón nhận lời từ chối, sự thất bại, những
nỗi đau ban đầu trong một cuộc thi.
Cô gái đứng trước chúng tôi bắt đầu làm một
vài động tác co duỗi tay chân, khịt khịt mũi.
- Rốt cuộc là gì chứ? Chắc một vở nhạc kịch
Sherlock Holmes khác. Không phải vở
khép màn sau vài tháng. Vở kia cơ. Vở kết thúc sau một tuần. Vở có dấu chấm
than ấy.
- Đúng rồi. Cô đã diễn trong vở ấy. - Lara
nói.
Cô gái nhìn mông lung rồi nhìn Lara kỹ hơn
và hình như bắt đầu tin lời nàng. Hai mươi năm là gì khi bạn vẫn còn là một cô
bé tuổi ô mai kia chứ? Cả một đời người.
Khi đã vào bên trong, tôi quanh quẩn cuối
khán phòng. Căn phòng dường như được làm từ vải nhung đỏ cũ kỹ. Có một ông ngồi
cô đơn ở dãy ghế đầu, một quý ông trông còn phong độ trong cặp kính đen, như một
ngôi sao nhạc rock ở tuổi sáu mươi. Khi Lara bước lên sân khấu với năm mươi vũ
công khác, tôi như nghẹt thở vì hồi hộp, lo sợ và cả tự hào. Có một phụ nữ cũng
ở trên sân khấu cùng với họ. Gầy như que củi, hống hách như một tên cai ngục. Vỗ
tay bảo họ đứng vào hàng, la hét, chỉ dẫn. Nhạc trỗi lên.
Họ múa. Người phụ nữ rủa sả không ngớt. Ai
nấy tuân theo bài tập của bà. Di chuyển mềm mại theo những mệnh lệnh cứng nhắc.
Trông thật lạ thường. Họ dường như nghe theo biên đạo múa mà không cần nghĩ ngợi.
Rồi họ đều đứng ở đó mà thở hổn hển, mướt mát mồ hôi trong khi bà ta bước xuống
hàng ghế trò chuyện với quý ông ngồi một mình trong khán phòng màu đỏ nhung.
Tôi nhìn thấy những ngón tay phải của Lara run rẩy trên chỗ đau ở hông, rồi thả
xuôi xuống. Bà ta trở lại sân khấu, đi dọc hàng, chạm vai vài cô gái và nói cảm
ơn.
Họ tức khắc im lặng rời khỏi sân khấu.
Nhưng Lara vẫn đứng đó.
*
* *
Larry đã giảm cân.
Gương mặt thay đổi, cơ thể nhẹ bẫng đi. Bộ
quần áo phủ lên người như một tấm lều bạt lùng thùng, áo thun xanh lá cây thõng
xuống để lộ một vết thương dài bằng cây bút chì trên ngực. Vợ Larry sắp sửa phải
thay tủ quần áo mới cho anh rồi.
Nhưng trông thần thái anh vẫn tốt, tốt hơn
những lần tôi gặp trước đây. Anh sẽ chết một ngày nào đó, nhưng đó là điều anh
chia sẻ với nhiều người khác trên hành tinh này, vì thế tôi không thể để điều
đó làm tôi gục ngã.
Tôi nhìn anh cười. Đôi khi bạn nhìn một người
bạn cũ và chỉ mỗi điều họ vẫn còn đây thôi cũng đã làm bạn hạnh phúc đến tột
cùng. Tôi cảm nhận về Larry như vậy đấy.
Chúng tôi ở trong căn phòng bên trên tiệm
hoa. Tôi ngắm nhìn những giọt mưa tí tách rơi ngoài cửa sổ. Tầng dưới không có
ai ngồi uống cà phê và tôi nhận ra trời đã chuyển mùa.
Một anh chàng mới nhập hội đang đứng xoa
tay kiểu người ta vẫn rửa tay. Tôi đoán cậu ấy chừng ba mươi, không già lắm
nhưng béo đến mức báo động.
- Tôi tăng cân thế này sau khi mổ. - Cậu ta
nói, hai tay vẫn vặn vào nhau. Larry, một Larry khác, đang mỉm cười động viên.
- Họ nói steroid gây tăng cân, mà tôi không hiểu sao tất cả các bài thể dục đều
không có tác dụng với tôi. Vợ tôi rất lo...
Giọng cậu ta nhỏ dần. Chúng tôi biết điều
lo lắng ấy.
- Chuyện thường thôi. - Geoff nói, khoanh
tay trước ngực. - Trái tim mới của cậu thiếu vắng sự tiếp trợ của thần kinh
trong năm đầu, vì thế nó phản ứng chậm hơn đối với việc tập luyện.
- Tôi không biết điều đó. - Cậu béo nhìn
Geoff. Geoff động viên.
- Đừng quá lo lắng, sẽ đỡ thôi mà.
Larry đi ngang qua phòng và ôm anh chàng mới
đến, cảm ơn vì cậu đã chia sẻ với mọi người.
Rồi đến giờ cầu nguyện. Tôi đứng lên đưa
hai tay ra, Paul nắm một tay và Geoff nắm một tay. Chúng tôi nhắm mắt, cúi đầu.
Đó là một buổi cầu nguyện thật sự.
- Chúng ta biết ơn gia đình đã luôn ủng hộ
ta. Chúng ta biết ơn món quà cuộc sống. Chúng ta biết ơn tài năng của các vị
bác sĩ. Và chúng ta biết ơn những người hiến tặng đã mang đến sự sống cho ta. -
Larry thì thầm.
Chúa biết tôi biết ơn tất cả những điều đó.
Nhưng có thể tôi phải bỏ buổi gặp mặt tuần tới. Giờ tôi đã về nhà, mọi chuyện
đã khác.
Tôi thấy không có lỗi nếu không đến. Những
buổi họp mặt của chúng tôi giờ rất đông đủ và đều đặn, bằng cả hai lớp Hội cai
ma túy ẩn danh và lớp Múa bụng gộp lại. Và tôi chưa bao giờ muốn ôm những người
xa lạ.
Tôi đã mất quá nhiều thời gian để học cách
ôm lấy gia đình mình.
*
* *
Tôi nghĩ là sẽ chỉ có hai chúng tôi. Con
trai và tôi. Nhưng sẽ không bao giờ có chuyện đó nữa.
Chiếc taxi đen dừng lại bên ngoài lối đi
chính vào Selfridge’s và tôi nhìn thấy Nancy, Alfie cùng thằng bé ngồi ở băng
ghế sau. Sao không đi xe buýt chứ? Con tôi làm việc cật lực là để cho cô ả đi
taxi ư?
Alfie ra trước. Tôi nói, chào Alfie, và nó nhìn tôi trơ trơ. Rồi
mẹ nó chầm chậm vác cái bụng bầu lặc lè bước xuống vỉa hè, vừa mỉm cười chào
tôi vừa bảo ban Rufus. Thằng bé vẫn còn ở băng ghế sau, đưa tiền qua tấm kính
cho tài xế. Theo bản năng, tôi cho tay vào túi nhưng nó đã trả xong.
Tôi đứng với Nancy và Alfie trong khi cô ta
bợp tai nhóc con vì mấy trò nghịch ngợm. Tôi tự hỏi sao lại có những người như
vậy trên con đường Oxford đầy tính nhân văn này chứ. Tôi đang tự hỏi những người
này là ai thì Rufus bước đến. Chúng tôi không thể ôm nhau - Nancy đã đứng chen
giữa hai bố con tôi. Rồi tất cả cùng đi vào trong.
- Thôi ngay! - Nancy quát Alfie, nhưng thật
không may, thằng oắt đã bắt đầu giở trò và chưa có ý định dừng lại. Rõ ràng nó
không muốn đến Selfridge’s. Một cây búa đồ chơi thò ra khỏi túi quần sau và một
cái cờ-lê bằng nhựa kẹp sau tai nó.
- Ông có rất nhiều thứ cho con làm ở nhà
ông. - Tôi vui vẻ bảo và nó nhíu mày nhìn tôi ngờ vực.
Nancy đã lập sẵn một danh sách. Thứ mà
Rufus và tôi định mua không có trong danh sách ấy và tôi khấp khởi trông mong
cô ta cho con tôi một giờ nghỉ ngơi, xem như một nghĩa cử đẹp vậy. Nhưng không.
Chúng tôi ngoan ngoãn lẽo đẽo theo sau, trong khi Nancy nghiêm nghị đi dọc dãy
quần áo bà bầu, gian hàng trẻ em và giày dép phụ nữ. Nancy đang trầy trật nhét
một chân vào chiếc xăng-đan của thương hiệu danh tiếng Jimmy Choo, giống cô chị
xấu xí thử chiếc giày thủy tinh, thì chúng tôi phát hiện ra Alfie biến mất tăm.
Tôi hoang mang, cảm giác âu lo hốt hoảng
khi một đứa trẻ biến mất. Không có nỗi sợ hãi nào tương tự thế. Và tôi đồng cảm
với Nancy khi cô ta hét gọi tên con, gọi liên tục, mỗi lúc một to, mỗi lúc một
tuyệt vọng. Cô ta dáo dác nhìn quanh, cuống cuồng vì lo sợ, một chân mang chiếc
xăng-đan, một chân không.
Tôi nhẹ nhàng chạm cánh tay cô ta, bảo con
phải để mắt đến nó ở một chỗ như thế này mới phải. Tôi không có ý nói con, ý tôi là chúng ta, nhưng cô ta vẫn quay ngoắt lại trừng mắt nhìn tôi đầy giận
dữ. Tôi bỗng nhận ra rằng cô ta căm ghét tôi.
Rồi Rufus bất ngờ đi đến bế Alfie trên tay,
nhóc con quay đầu nhìn ra sau, đung đưa cái búa cao su, nhìn chăm chăm vào toán
công nhân ở đằng xa. Họ đang dỡ bỏ những thứ cũ và dựng lên những thứ mới.
Nancy ôm chầm lấy con trai, ghì chặt. Nó
làm rớt cái búa đồ chơi và khóc ti tỉ. Rufus nở nụ cười bao dung ngọt ngào, tôi
choàng tay ôm nó và vỗ lên cái vai xương xẩu của nó hai lần mà không quan tâm
nó có cho phép hay không.
Rồi chúng tôi bắt đầu làm cái việc đã được
lên kế hoạch từ trước: chọn một bộ vest để con trai tôi mặc trong ngày cưới.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét