Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Trái tim tuổi 19 - Ch 15

Trái tim tuổi 19
(Nguyên tác: Starting Over)

Tác giả: Tony Parsons
Người dịch: Ánh Tuyết - Song Thu
NXB Tổng hợp TP.HCM - 03/2012


Mười lăm

Tôi muốn đi thẳng vào văn phòng của ông mà không cần lên lịch hẹn trước nhưng tôi cố kiềm lại.
Dù sao, tôi không muốn bị cho là một kẻ dở hơi.
Rồi tôi cũng kiên nhẫn đợi vị bác sĩ tim bước ra khỏi cái văn phòng phố Harley của ông lúc cuối ngày. Tôi đoán chắc ông có ca mổ trước khi về nhà dùng trà. Nhưng ông lại thắt một chiếc cà-vạt đen, trông như diễn viên David Niven đi dự tiệc nhẹ trên du thuyền của tỉ phú Aga Khan.
- A, anh Bailey. - Ông che đậy nỗi ngạc nhiên khá tốt. - Tôi giúp được gì cho anh?
- Đây không phải cuộc sống của tôi. - Tôi nói, và ông gật gù. Tôi không biết có phải ông đang làm tôi vui hay đó là lời tuyên bố hợp lý và là câu nói ông vẫn nghe hàng ngày. - Ý tôi là đây không phải cuộc sống mà tôi muốn có. Có một số sai lầm. Tôi muốn cuộc sống trước kia của tôi.
- Anh muốn thật à?
Vạt nắng cuối chiều làm cho cổ áo bóng loáng của ông trông như thứ tăm tối nhất thế giới. Mày thực sự muốn tất cả những điều đó trở lại sao, tôi tự hỏi. Nỗi sợ chết thường trực, vòng luẩn quẩn của chứng bệnh hiểm nghèo, biết rõ cơ thể đang ngày càng rệu rã.
Tôi rùng mình lắc đầu.
- Nhưng tôi không biết mình là ai. - Tôi nói. - Tôi muốn biết nó từ đâu đến. Ý tôi là trái tim. Tôi cần biết nhiều hơn.
Ông mân mê cái nơ trên cổ. Đó là đồ thật, không phải loại bằng cao su. Không gì hơn đồ thật. Đồ giả trông quá hoàn hảo. Cảnh sát vốn chú trọng đến chức năng, và tôi luôn xài đồ thật.
- Tôi không giấu anh điều gì cả, George à. Chính tôi cũng không biết.
- Tôi không tin.
- Đó là sự thật. Tôi không cần phải biết. Điều đó chẳng can hệ gì đến tôi. Nếu gia đình người hiến tim muốn giấu... thì sao? Anh là bệnh nhân của tôi. Hãy biết ơn vì cuộc sống của anh.
- Tôi biết ơn. - Tôi nài nỉ. - Nhưng tôi muốn biết ai là chủ nhân của nó.
Tôi gãi đầu. Ông ấy gọi tên tôi, chạm vào cánh tay tôi, và ông làm những điều đó theo một cách khéo léo đến mức tôi gần như không để ý khi ông liếc đồng hồ.
- Xin lỗi. Tôi làm lỡ bữa tối của ông.
- Madama Butterfly [Vở opera nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Ý, Puccini]. Anh làm tôi lỡ Puccini.
Rồi tôi hiểu tại sao ngón tay xương xẩu của ông cứ sờ lên cái nơ ở cổ. Nó bị tuột. Đó là điều phiền toái của những chiếc nơ thật. Chúng rất hay tuột. Tôi mỉm cười, gật đầu.
- Cái nơ...
Ông ấy cười to và bất giác sờ lên nó.
- Vợ tôi thường thắt nơ cho tôi. - Ông nói. - Nhưng tối nay bà ấy không đi cùng.
- Để tôi giúp ông nhé. Tôi thạo việc này lắm.
Ông ấy hơi ngần ngại nhưng rồi cũng đứng yên, bối rối nở nụ cười biết ơn khi tôi tách cái nơ làm đôi và tự tin cầm mảnh vải satin đen giữa ngón cái và ngón trỏ.
Tôi kéo làm đoạn bên trái hơi ngắn hơn đoạn bên phải. Tôi vắt đầu dài qua đầu ngắn, luồn qua lỗ trống và tạo nên một khoảng trống ở phía trước chiếc nơ bằng cách gấp đôi đoạn ngắn đặt lên trên nút thắt chính giữa cổ áo.
Trông nó như một chiếc xe móp méo.
Tôi cố lần nữa. Và lần nữa. Lúc này, ông bác sĩ đâm lo, nhìn đồng hồ một cách lộ liễu và lùi lại một bước cách xa tôi. Thất bại làm mắt tôi cay cay.
- Tôi từng thắt rồi mà. - Tôi nói. Mảnh vải đen nhàu nhĩ nằm vắt vẻo trên cổ ông. - Tôi nói thật đó.
Ông có vẻ rất tin tưởng.

*
*    *

Tôi nhìn Larry trở miếng thịt, bàn tay lật qua lật lại trên lò nướng, gương mặt to tướng mỉm cười qua làn khói.
- Hãy tận hưởng từng chiếc bánh mì. - Anh nói với tôi. - Những người như chúng ta có chín mươi phần trăm cơ hội sống thêm một năm nữa, năm mươi phần trăm cơ hội sống thêm mười năm nữa. - Anh bật nắp hai lon bia bằng tay còn lại và đưa một lon cho tôi. - Chúng ta đã được ban tặng một món quà tuyệt vời. - Anh hít vào thật sâu và hắt ra một tiếng thở dài. Ở cổ áo sơ-mi lộ ra một góc vết sẹo. Anh vung cái vá đang cầm trong tay chỉ những người khách còn lại. Cả nhóm đều ở đây. Paul cao kều nhút nhát đến với gia đình. Geoff nhỏ thó ranh mãnh đi cùng cô người yêu trẻ. Tất cả những gã lẽ ra đã mồ yên mả đẹp. - Chúng tôi không thấy anh đến họp nhóm nữa. - Larry thắc mắc.
Tôi cảm thấy có lỗi. Tôi không muốn Larry thất vọng. Anh là người làm chúng tôi cảm thấy nhóm là một cộng đồng. Anh là một thành viên của cộng đồng đó.
- Anh biết đó, George, cuộc sống của anh không khác đi bởi vì anh có trái tim của người khác. Cuộc sống của anh khác đi bởi vì anh có thêm cơ hội sống, bởi vì cuộc sống trước kia của anh đã giết chết anh, bởi vì lẽ ra nó đã chấm dứt rồi.
Geoff và bạn gái đến nhập hội với chúng tôi, Larry đưa họ vài miếng bánh mì kẹp đặt trên chiếc đĩa giấy. Chúng tôi nhìn họ rời đi, cô gái trẻ mới vào đời và gã trai già sống lại lần nữa, hắn vừa choàng quanh eo cô gái vừa cố không đánh rơi chiếc bánh có phô mai. Tất cả đều ổn, Larry mỉm cười.
Tôi muốn tin anh ấy. Tôi nghe vết sẹo của mình phập phồng, nó luôn phập phồng trong những ngày hè oi ả và tôi muốn tin rằng mọi thứ vẫn như cũ, như nó vốn vậy. Nhưng trái tim mới không trả lại cuộc sống, gia đình và tương lai của tôi như nó đã làm với Larry, với những người còn lại trong cái nhóm thường họp trên căn gác của tiệm hoa này. Trái tim mới của tôi đã thổi tan tác mọi thứ.
Tôi không muốn trở thành lão George. Hay... đúng hơn là tôi không thể. Tôi không biết lão là ai.
Tôi mỉm cười với Larry, hất đầu về phía những lát thịt bò nướng đang chuyển từ màu hồng như da em bé sang cháy xém.
- Anh đang cố làm gì vậy? Làm tôi đau lòng chăng?
- Cứ thưởng thức từng chiếc bánh kẹp đi, George. - Anh lặp lại, vẻ nghiêm túc. - Ai biết chúng ta còn sống được bao lâu nữa?
- Nhưng mọi người vẫn còn sống đấy thôi.
Anh gật đầu. Gương mặt tròn vành vạnh như trăng rằm của anh chợt tươi roi rói.
- Nhưng thế giới lại không biết điều đó.
Quanh chúng tôi là những khu vườn và thanh âm mùa hè nước Anh ngập tràn khắp nơi. Tiếng máy cắt cỏ rù rì, tiếng nhạc du dương vọng ra từ những ô cửa mở, tiếng cười khanh khách của hai đứa con Larry trong hồ bơi hình vuông. Cậu con trai Jack và cô con gái Susie đang thi lặn: một đứa ngụp dưới nước trong khi đứa còn lại đếm: “Một con voi, hai con voi, ba con voi...”.
Vợ Larry, Molly, đang ngồi thõng chân xuống hồ, quần jeans xắn quanh gối, đôi chân trắng khẳng khiu, và đang cố giữ chiếc bánh kẹp xúc xích trên tay khỏi ướt.
Larry lật mấy miếng thịt nướng lần cuối, ấn nhẹ xuống vỉ nướng, mỉm cười khi thấy nước thịt ứa ra, rồi điệu nghệ hất chúng vào hai chiếc bánh mì tròn đang nằm đợi trên đĩa. Vừa chín tới, anh bảo và đưa cho tôi một chiếc. Tôi phủ nước sốt lên miếng thịt, miệng đầy nước bọt trước sự thiên vị này. Chúng tôi mang bia và bánh mì đến hồ bơi.
Con gái Larry vẫn đang đếm. “Hai mươi tám con voi, hai mươi chín con voi...”.
Thằng bé trồi lên khỏi mặt nước, thở hổn hển.
- Chú sẽ lại làm cảnh sát chứ ạ? - Cậu nhóc hét to, hỏi tôi.
Tôi nhún vai cắn một miếng bánh kẹp rõ to. Tôi ngây ngất. Larry quả là một đầu bếp cừ khôi.
- Chú còn đang xem đã. - Tôi nói, mặt hướng về phía mấy đứa trẻ. - Nhưng phải xả hơi một chút đã.
Khi luật pháp cuối cùng đã không còn gì để làm với gã, một tên cớm bị sa thải sẽ có xu hướng dửng dưng, nếu không nói là thờ ơ lãnh đạm. Hay chỉ có tôi mới thế?
- Nhưng hẳn đó phải là công việc thú vị. - Molly nói. Cả nhà họ đều hâm mộ cảnh sát The Billluôn cùng nhau xem bộ phim đó. Một gia đình kiểu mẫu.
Tôi cười lịch sự, quỳ xuống cạnh hồ bơi nhìn mặt nước. Mực nước hồ hơi thấp.
- Anh nên bơm nước hồ thêm khoảng bốn-năm phân mỗi khi sử dụng. Nếu anh để quá lâu và nước hồ vơi cạn thì sẽ mất nhiều thời gian bơm, và còn phải mở vòi và rồi nhớ đóng vòi nữa.
Tôi đứng dậy, uống một ngụm bia. Chưa từng có hồ bơi nào nhiều rác như vậy.
- Tôi sẽ kiểm tra túi lọc rác. - Tôi nói rồi đứng nhìn chăm chú xuống làn nước xanh lăn tăn sóng dưới cái ánh nắng hè oi bức. - Có vẻ nhiều clo. Không cần dùng chất này quá nhiều đâu.
Larry và Molly nhìn nhau cười.
- Ồ, cảm ơn anh nhé George. - Larry bảo.
- Nhưng đó là một hồ bơi nhỏ tuyệt vời. - Tôi vừa nói vừa đứng lên. Khu vườn của họ thật sự không đủ rộng để xây hồ bơi. Đó là một cái hồ mà nguy cơ luôn rình rập. Họ thậm chí còn tự bảo trì hồ bơi.
- Đối với bọn em thì vậy là lớn rồi đó. - Molly nhìn chồng cười tươi, bọn trẻ cũng vậy.
Gia đình Larry nhìn anh ấy theo một cách riêng. Họ luôn nhìn vào khuôn mặt to bè đó lâu hơn cần thiết, như thể kiểm tra xem anh ấy có thật sự ở đó nướng thịt trong một ngày đẹp trời hay không, như thể anh ấy sẽ biến mất nếu họ không thường xuyên trông chừng. Họ kiểm tra anh ấy giống như cha mẹ lo cho đứa con mới sinh. Họ nhìn, như thể sự hiện diện của anh ấy là quá đỗi tuyệt vời, đến mức khó tin.
Và Larry, một tay cầm bia, một tay cầm chiếc bánh mì kẹp, quay lại cười âu yếm với ba mẹ con. Mặt trời treo lơ lửng phía trên cái đầu trọc to tướng, còn khuôn mặt thì giống như trăng rằm giữa trưa vậy.

*
*    *

- Anh nhảy tuyệt lắm! - Cô gái tóc vàng hét to.
- Rất tuyệt! - Bà mẹ phụ họa.
Mồ hôi túa ra, đôi chân lướt bay, đêm quay cuồng, một đêm quay cuồng nóng rát tận xương. Giai điệu lạ hoắc. Dường như một bài hát mới. Một hai năm, hay mười, mười lăm năm cũng nên. Ca sĩ gào lên, em nghĩ một mình thì tốt hơn sao, và có cái gì đó đang chết lặng.
- Cảm ơn. - Tôi hét lên đáp lễ. - Vợ tôi dạy đấy.
- Gì cơ? - Bà mẹ hỏi lại, gấp bàn tay để lên tai, trong khi tôi hét lên lần nữa.
- Vợ tôi dạy.
Họ nhìn nhau, và tôi thấy trong nụ cười của họ có cái gì đó buốt lạnh, hay chua chát. Khi quay lại, tôi còn kịp bắt gặp ánh mắt của DJ - một cậu nhóc, không lớn hơn Rufus là mấy, nhưng biết khá nhiều về các ban nhạc và có thể bàn luận về disco cổ điển mà cậu đã học ở trường. Thằng bé nhìn tôi vẽ chữ S trong không khí, rồi chữ O, rồi một chữ S nữa và gật đầu giơ lên một đĩa nhạc.
- Lấy vợ rồi à? - Bà mẹ hỏi to, hai mẹ con nhìn nhau. Một thác âm thanh trầm bổng tuôn trào từ các loa nhạc. Đám đông reo hò. Giọng nữ hay nhất tôi từng nghe. Sàn bắt đầu rung chuyển vì đám đông những người lớn tuổi đang nhảy.
Tôi gõ gõ chiếc nhẫn cưới.
- Gần hai mươi năm rồi. - Tôi hét lên đầy kiêu hãnh. - Cô có biết ban nhạc SOS không vậy?
Người mẹ và cô con gái tảng lờ nhìn xung quanh, điên cuồng, như thể chỉ nhận ra tiếng nhạc trong không trung.
- Ban nhạc SOS là một bí ẩn lớn trong lịch sử âm nhạc. - Tôi hét lên, nhảy chậm lại, lắc lắc hai vai. Bạn phải thấy nó. Thật sự là trăm nghe không bằng một thấy. - Sao không ai biết ban nhạc SOS nhỉ?
Cô con gái nhún vai hàm ý sao mà tôi biết được.
- Chưa bao giờ nghe tới. - Bà mẹ nói lớn và nhếch môi bí ẩn với cô con gái, rõ ràng cả hai chẳng hào hứng với việc nhảy trên nền nhạc SOS. Và tôi nhớ lúc nhảy cùng Lara.
Nhảy với một vũ công, mà lại là một vũ công chuyên nghiệp, thật thú vị. Hồ hởi nhưng lạ lùng. Cứng ngắc nhưng bay bổng. Ban đầu, tôi không tài nào nhảy được. Nhưng tôi biết nếu muốn theo đuổi cô gái tuyệt vời này thì không còn lựa chọn nào khác. Mình phải nhảy. Và rồi, một đêm, khi Soul II Soul đang sôi máu lửa tại Africa Centre, tôi đâm yêu những điệu nhảy. Và yêu nàng. Cả hai, nàng và những bước nhảy, như hòa làm một không thể tách rời.
Từng cử động của Lara tựa như nước chảy. Nàng nhảy còn hơn để kiếm sống, hơn cả những động tác thành thục. Nàng nhảy như cơ thể nàng đáp lại những gì nàng muốn, uyển chuyển thư thái, và còn hơn thế nữa. Nàng nhảy như thể nàng sinh ra để làm điều đó.
Vẻ linh hoạt đến khó tin của nàng khiến tôi luôn sững sờ, mê đắm. Tôi thực hiện xong một động tác thì Lara đã làm đến động tác thứ bảy thứ tám, nhưng tất cả phối hợp với nhau vẫn nhịp nhàng, ăn ý. Nàng làm cho tôi thấy nhảy cũng dễ dàng thôi. Đó là điều mà một vũ công thực thụ làm được. Với khiêu vũ, nàng không hề hợm hĩnh, không hề coi khinh những ai không biết nhảy. Nàng yêu nó, và nàng muốn mọi người cũng yêu nó, vì nhảy múa là điều tự nhiên đối với con người, như hơi thở vậy. Nhưng tôi không biết với những vũ công khác thì khiêu vũ là gì, hay chỉ mình Lara như thế.
- Thế... tối nay vợ anh ở đâu? - Bà mẹ nói lớn và hai mẹ con cười khúc khích.
Nhạc chuyển từ SOS sang bài The Single Life. Tôi không thích bài này lắm, nhưng rõ ràng những giai điệu đêm nay đều ca ngợi sự tự do và cuộc sống độc thân. Hai mẹ con nhìn đồng hồ.
- Cô ấy diễn trong vở Những người khốn khổĐức Vua và tôi. Hoa hậu Sài Gòn. Và Sherlock! Cô xem những vở đó chưa? Công diễn tới mười ngày.
Nhưng họ đã đi mất. Vậy cũng tốt. Tôi không cần phải kiếm ai đó để dẫn về nhà. Tôi đã có cô gái của mình rồi.

*
*    *

Lúc tôi đang đọc báo thì có một đứa trẻ bước vào siêu thị. Một cậu nhóc bụ bẫm chừng năm tuổi, tóc đỏ cắt ngắn, vạt trước chiếc áo cầu thủ dính đầy sốt cà chua. Đã quá giờ ngủ của lũ trẻ.
Thằng bé lại chỗ tôi đứng và rút mấy tờ tạp chí ở kệ báo dưới cùng. Tôi cảm thấy có người đang đứng cạnh, ngước lên thì thấy cậu bảo vệ. Một anh chàng cao nghều, ủ rũ, gầy giơ xương. Bạn sẽ chẳng muốn dây dưa với anh chàng này đâu. Nhưng nhiều người lại có đấy.
- Chào Asif.
- Chào chú George.
Chúng tôi cùng nhìn xem thằng nhóc lôi tờ Doctor Who [Doctor Who là loạt phim truyền hình thuộc thể loại khoa học viễn tưởng được hãng BBC sản xuất liên tục từ 1963-1989] ra, phủi nhẹ, rồi ném qua một bên khi thấy bức ảnh Cybermen. [Người máy ngoài hành tinh trong phim khoa học viễn tưởng Doctor Who]
- Quái vật, í ẹ. - Nó lẩm bẩm, rồi lũn cũn đến quầy trái cây và rau củ. Hai bàn tay bé xíu nhếch nhác với lên mấy chùm nho đen trên kệ giữa nhưng không tới. Nhóc con chọn một trái táo ở kệ dưới cùng, cắn một miếng rồi đá trái táo cắn dở lăn lông lốc trên lối đi.
- Vào rồi! - Nó vừa hét, vừa đuổi theo trái táo, hai tay khua khoắng liên hồi.
Rufus đẩy hai cánh cửa nhựa từ cửa sau, bước ra, tay vuốt lại chiếc cà-vạt. Lúc này thằng bé đã được thăng chức, đã đóng vest, nhưng tôi nhìn vẫn chưa quen mắt. Cứ như nó vừa lấy cắp quần áo của một lão nào đó.
- Cậu nghỉ uống trà đi Asif.
- Có một đứa bé. - Asif có vẻ lo lắng nói, trong khi thằng bé con nhảy chân sáo dọc lối đi giữa các kệ hàng, đá trái táo cắn dở trước mặt và nắm lấy tay người phụ nữ vừa mới lấy chiếc xe đẩy.
Đó là một cô gái tóc đỏ, vẻ tàn tạ còn in dấu một thời xuân sắc. Cô ta không già lắm, chừng gần ba mươi nhưng nhan sắc có vẻ đã mòn theo năm tháng và sau vài mối tình. Váy hoa, giày cao gót. Những cậu trai dỡ hàng bên ngoài ngoái nhìn. Cô ta trông vẫn còn gợi cảm, nhưng quá mệt mỏi.
- Tôi sẽ để ý họ. - Rufus nói. - Có vẻ như ta đang có một con mèo ăn vụng đây.
- Mèo ăn vụng hả? - Tôi hỏi. Rufus nhìn cô.
- Họ không đến mua sắm, mà chỉ để ngấu nghiến những gì ưa thích. Và chúng sẽ chui tọt vào hai cái miệng háu ăn trước khi họ đến quầy tính tiền.
Tôi bật cười.
- Tiền lời từ chỗ này đủ bù cho mấy trái táo hỏng.
Rufus nhìn tôi.
- Ăn cắp là ăn cắp, bố à. - Thằng bé nói dứt khoát.
Asif ra ngoài uống trà. Hai mẹ con bắt đầu đẩy xe lòng vòng chọn hàng, cãi qua cãi lại khi thằng bé cứ lấy đồ trên kệ ném vào xe đẩy, rồi người mẹ lại nhặt để trả lên kệ. Rufus và tôi bước theo sau họ ở một khoảng cách an toàn. Cái mông của cô ả tung tẩy bên trong lớp vải bông rẻ tiền.
- Mẹ in ra số tiền chết bằm ấy à? - Cô ta bảo đứa bé và ném trả túi bánh Jaffa trở lại kệ. - Hay để mẹ ra hái tiền trên cây nhé, Alfie?
- Hay đó mẹ. - Nhóc con đáp.
Cô ta giơ tay như sắp tát vào cái đầu đinh màu cà rốt của nó. Nhưng cô ta không đánh và cả hai cùng cười ngặt nghẽo. Họ rẽ vào một góc.
- Mẹ con thế nào? - Tôi hỏi Rufus.
- Bố được mời ăn tối đấy. - Rufus ngăn tôi lại. Nó nhìn quanh góc lối đi. Người phụ nữ tóc đỏ và thằng con láu cá đang đứng ở quầy bánh. Con trai liếc nhìn tôi. - Mẹ bảo con nói với bố thế.
Tôi bỗng chốc quên bẵng cô gái và đứa trẻ. Lời mời bất ngờ của Lara chiếm hết tâm trí tôi. Mình sẽ mặc thế nào nhỉ? Mình sẽ mang gì theo đây? Sẽ có một đêm nồng nàn chăng? Có nên thử hôn nàng không? Nàng cho phép mình làm những gì? Cảm giác như buổi hẹn hò đầu tiên.
Rồi tôi nhận ra tôi đang đứng một mình. Rufus đã rẽ vào góc đó. Hai mẹ con đứng cách một khoảng.
Nhóc con lúc này đang ngồi trong xe đẩy, đôi chân nhỏ mập mạp hướng về phía mẹ, mặc dù nó đã quá lớn để ngồi vào đó. Nó cầm chiếc bánh sừng bò hạnh nhân nhai nhồm nhoàm. Asif đứng chờ ở cuối dãy hàng. Rufus rảo bước nhanh hơn. Tôi bắt kịp khi nó đến chỗ cô ta và mẩu bánh sừng bò hạnh nhân cuối cùng biến mất vào trong miệng thằng nhóc.
- Thưa cô? - Rufus nói và cô ta quay lại nhìn nó chằm chằm. Vụn bánh vàng ươm dính đầy khuôn mặt ranh mãnh của đứa bé. Tôi nhìn vào chiếc xe đẩy. Hoàn toàn trống rỗng.
- Cô phải trả tiền cho cái bánh đó, cô em. - Asif nói, hất đầu về phía thằng nhóc.
- Tôi không phải là cô em chết tiệt của anh. - Đôi mắt xanh quắc lên.
- Chúng tôi có hệ thống camera quan sát. - Giọng Asif đầy vẻ tự hào. - Cô không thể vào đây để ăn tối được.
- Tôi không làm gì sai cả. Đây là một sự sỉ nhục thô bạo.
Cảnh này quá quen thuộc đối với tôi, cái vẻ nổi giận, cái vẻ như bị xúc phạm đó, tôi cảm thấy như đã chứng kiến hàng nghìn lần rồi.
- Cậu con trai bé bỏng của cô đã ăn một cái bánh sừng bò hạnh nhân thượng hạng. - Rufus nhẹ nhàng.
- Đâu có.
Chúng tôi cùng quay sang nhìn cậu bé khi nó ợ lên một tiếng đầy thỏa mãn.
- Chúng tôi có ghi hình trong máy quay. - Asif nói, đặt những ngón tay ngăm ngăm dài ngoằng lên xe đẩy. Anh chàng nhìn Rufus. - Tôi gọi cảnh sát nghe sếp?
- Được rồi, được rồi. Tôi sẽ trả tiền bánh. - Cô ta luống cuống rút ví ra khỏi túi xách.
- Vâng, như vậy sẽ tốt hơn. - Rufus mỉm cười. Cả ba chúng tôi cùng chờ cô lục ví, rồi túi xách.
- Tôi chẳng mang theo đồng nào. Tôi để hết ở nhà rồi. - Cô ta cúi đầu.
- Tôi sẽ gọi cảnh sát. - Asif nói và toan bước đi.
- Chờ đã. - Cô ta van nài. - Tôi sẽ mang đến trả. Tôi nói là làm. Tôi hứa mà.
Cô ta nhìn Rufus, tiến một bước về phía thằng bé, tay đặt lên cái đầu đinh của con trai.
- Chỉ là một cái bánh thôi. - Cô ta hạ giọng. - Nó còn bé mà. Một đứa trẻ đói bụng.
Rufus nhìn cô ta một hồi. Rồi nó lấy tiền trả cho chiếc bánh sừng bò hạnh nhân.
Rufus bảo Asif, tôi sẽ lo vụ này. Và tôi có thể thề rằng nó vừa ném cuộc đời qua cửa sổ.
Cô ả tóc đỏ nhìn đứa con trai tốt bụng của tôi, cười vui sướng. Khi nhóc con nằng nặc đòi về, cô ta làm nó im bặt bằng một cái trừng mắt.

*
*    *

Bố cầm cái chày cricket bước vào căn bếp tối như hũ nút.
- Bố nghe tiếng sục sạo đồ ăn. Tưởng là trộm chứ.
- Sao ạ... một tên trộm đói bụng?
- Ừ, con lừa tinh ranh, tên trộm đói bụng.
Bố nhíu mày nhìn tôi, buộc lại thắt lưng áo choàng. Bộ đồ ngủ lấp ló ra ở cổ áo. Ông bỏ chày xuống.
Tôi ngồi ở bàn bếp với chiếc bánh mì kẹp ba tầng. Nó có vẻ quá to so với cái miệng, đến nỗi tôi phải nghiêng đầu mới cắn được. Đói cồn cào.
- Con xin lỗi nếu làm bố thức giấc. - Tôi nói trong lúc miệng nhồm nhoàm thịt xông khói, phô mai và dưa muối.
Bố lẳng lặng nhón bước đến tủ lạnh, thắt lưng chiếc áo choàng lòng thòng như cái đuôi. Ông mở cửa tủ và cứ đứng đó trong ánh sáng vàng nhạt.
- Con không làm bố thức giấc đâu. Người già không ngủ nhiều. Bố thường dậy đi vòng quanh nhà một chốc. - Ông hất đầu ra phía sau vườn. Ngoài đó tối mịt. Bố mẹ thường tắt đèn hồ bơi khi ngủ. - Phải canh chừng chứ, con biết đó, lũ quỷ nhỏ thích cái hồ của bố lắm.
Tôi nhìn ra bóng đêm. Thật vậy sao? Bọn ranh con có nấp sau vườn để tóe nước đùa giỡn vào lúc đêm hôm khuya khoắt không? Hay bố chỉ tưởng tượng như thế? Chuyện mấy đứa nhãi dùng Google Earth tìm xem nhà nào có hồ bơi rồi nửa đêm đột nhập vào đó tung tăng bơi lội là có thật hay chỉ là tin vịt? Lẽ nào lại có một lũ thích bơi như vậy chứ?
- Nhiều lúc bố muốn nhấm nháp một chút kem, nhưng mẹ con không thích bố ăn vặt về đêm, bảo là không tốt cho sức khỏe của bố.
- Có thể mẹ đúng đấy.
- Có lẽ thế.
- Vậy sao bố còn đứng đây?
Ông bật cười.
- Bố thấy vui vui, con yêu à. - Bố quay sang nhìn tôi, ánh sáng từ tủ lạnh vẽ ra một vầng hào quang quanh đầu ông. Bố đã bảy mươi rồi. Thấy mình vẫn chưa già. Ông lại nhìn tủ lạnh và gãi đầu, món kem biến mất khỏi tâm trí. - Mà bố đứng đây làm gì nhỉ?
Tôi không trả lời vì tôi biết bố cũng muốn tôi đừng nói gì cả. Nhưng rõ ràng có điều gì đó làm ông phiền lòng nên ông cứ ngơ ngẩn đứng nhìn tủ lạnh lúc ba giờ sáng.
- Không phải sự lãng quên nào cũng là dấu hiệu của chứng đãng trí, con biết mà. Con muốn ăn kem không?

*
*    *

- Lạnh chân chứ? - Hắn hỏi. - Ở đây khối thứ kiểu đó.
Hắn đẩy về phía tôi tập hồ sơ mỏng nhưng tôi không đụng đến. Tôi nhìn hắn. Mặt đỏ au xảo quyệt, mũi gãy, mái tóc hoa râm cắt ngắn để lộ vết sẹo trên da đầu. Có khi hắn từng làm ở Sở cảnh sát London cũng nên, biết đâu thế thật.
Tôi nhìn tập hồ sơ mà nghe vết sẹo phập phồng co giật. Trong cái ngày huyết quản dâng trào và tất cả dây thần kinh đều căng cứng như hôm nay, dường như nó báo hiệu sự sống riêng, sự tồn tại độc lập đeo mang nỗi oán hận ngấm ngầm, bí mật và nỗi sợ hãi không cần chia sẻ. Tôi chạm khẽ vào nó qua lần áo sơ-mi, một vệt dài thâm tím, vết sẹo luôn ở bên tôi, như một con quái vật mà tôi không hề muốn đánh thức.
- Người của anh đây. Hồ sơ nhiều ra phết. Một tiểu sử tội phạm còn dài hơn sớ Táo quân. - Hắn ngả người ra sau ghế. - Không mấy ai có tính cách như vậy đâu. Dùng từ gì nhỉ?
- Vị tha. Lo lắng cho hạnh phúc của người khác mà không màng đến cái giá mình phải trả. Một triết lý sống cao thượng, phóng khoáng, không ích kỷ. - Tôi gợi ý.
- Vị tha. - Hắn tóp tép từ đó trong miệng như nhai loại phô mai mới mà không chắc có thích hay không. - Một từ hay đấy. - Hắn kết luận.
- Một triết lý sống tốt. - Tôi nói.
Hắn hất cằm về phía tập hồ sơ. Tôi đoán hắn gợi ý về khoản bồi dưỡng.
- Anh sẽ mang nó đi hay sao?
Bốn mắt nhìn nhau qua một chiếc bàn, hai gã đàn ông to xác trong một văn phòng tồi tàn. Thân hình hắn kềnh càng nhưng cũng dễ nhận ra đó là một cựu cảnh sát đã rời ngành vì có chuyện khuất tất. Một đồng nghiệp cũ. Trông hắn hơi giống Keith, nhưng giống bố tôi nhiều hơn. Hắn có khí chất của cớm. Ngay khi họ đang cười ha hả, ta cũng có cảm giác rằng họ có thể đanh mặt lại ngay tức thì.
Trên lớp kính phủ bụi ở bộ phận có duy nhất một phòng này hiện lên dòng chữ Điều tra Tài chính, Cá nhân và Hôn nhân. Những chuyên gia dò tìm dấu vết. Không thấy, không lấy tiền.
Tôi gặp hắn trên cầu thang con phố hẹp ở West End và khấp khởi mong gặp một cô nàng tóc đỏ chán đời ngồi sau quầy tiếp tân như trong truyện trinh thám của Raymond Chandler. Nhưng chỉ có mình hắn. Sau lưng hắn, chứng chỉ Thành viên Viện Điều tra chuyên nghiệp viền khung trông quan trọng đến mức lố bịch đối với gã đàn ông này và trong một chỗ như thế này. Nhưng hắn đã hoàn thành công việc mà tôi yêu cầu.
- Người của anh xuất thân từ một gia đình lớn, nhưng bây giờ thì không còn được như trước nữa.
Vết sẹo phập phồng theo một nhịp đều đặn như cố đánh lạc hướng sự tập trung vào chính nó. Tôi vẫn chưa chạm vào tập hồ sơ trước mặt. Tôi không chắc mình muốn xem. Có thể đến đây là một sai lầm.
- Sao đờ đẫn vậy? Nói gì đi chứ.
Vẻ thân thiện tắt ngóm như bóng đèn đang sáng đột nhiên tắt phụt.
- Tôi trả tiền cho anh. Tôi rút ví ra.
- Chắc tôi phải giảm giá cho anh thôi. - Giọng nói lại vui vẻ. - Ai cũng có thể tìm thấy một gã đã chết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét