Gárdonyi Géza
Những ngôi sao Eghe
(Nguyên tác: Egri Csillagok)
Dịch giả: Lê Xuân Giang
Tiểu thuyết - Văn học Hungari
Nhà xuất bản: Văn học - Hà Nội
Năm xuất bản: 1987
Phần ba
Con mãnh sư tù tội - (tiếp theo)
Cái gì ở trong rừng thế kia nhỉ ? Một cái trại hay cả xóm
làng? Sào huyệt bọn cướp hay chỗ ở của những người hủi?
Thực ra đó không phải lán trại hay xóm làng gì cả, cũng
chẳng phải sào huyệt bọn cướp hay nơi ở của những người bị bệnh hủi, mà là một
phường lớn người xigan gồm nhiều lều vải rách rưới. bẩn thỉu dựng lên dưới bóng
những hòn lèn, giữa đám cây. Từ một vài lều vải, khói ngoằn nghèo bốc lên trời.
Trên bãi cỏ rộng, một tốp con gái đang nhảy múa theo tiếng đàn tiếng trống.
Một mụ xigan già đang dạy bọn con gái. Mụ quát đứa này, nhắc
đứa nọ bằng một thứ ngôn ngữ lạ tai. Mụ giật lấy cái trống bỏi từ tay một đứa con
gái, rồi với những động tác duyên dáng của một cô gái mười lăm, mụ giới thiệu
cách uốn éo chân tay làm sao cho thật nhẹ nhàng, mềm dẻo trong nghệ thuật nhảy
múa.
Nghệ thuật đó hầu như đã cùng bẩm sinh với những cô gái
xigan, tuy vậy vẫn có một đôi cô hoặc tay chân hơi thô, hoặc đã thừa hưởng cái
máu lười của bố mẹ nên cần được dạy bảo.
Các cô gái đều mặc quần áo lụa mỏng. Không có lụa là thì
không có khiêu vũ. Cái phấp phới của lụa là chắp thêm cánh cho những động tác
tay chân. Sự nhẹ nhàng là cái cốt yếu trong vũ đạo.
Một phần đoàn xigan ngồi xung quanh các cô gái nhảy. Những
đứa con gái bé tí chưa mặc quần áo cũng bắt chước nhảy, kể cả những đứa lên hai
lên ba tuổi. Chúng múa may trên bãi cỏ chẳng khác gì những tiên đồng, ngọc nữ.
Chúng dùng gáo dừa thay cho trống bỏi và khoác mạng nhện lên người thay tấm
khăn voan.
Bỗng nhiên, như một đàn chim sẻ bay vù lên từ một bụi cây,
tất cả bọn trẻ con reo ồ lên và chạy về phía cửa rừng.
Năm kỵ sĩ của chúng ta tay dắt ngựa, mệt mỏi đi tới. Đàn trẻ
nhao nhao bám xung quanh. Chúng chia những bàn tay nhỏ xíu ra vòi xu.
- Bác trùm ở đâu? - Gergey hỏi bằng tiểng Thổ. - Đứa nào
cũng được xu hết, nhưng ta chỉ đưa cho bác trùm thôi.
Êvo đã thò tay vào túi định ném cho chúng mấy xu đồng, nhưng
Gergey ra hiệu bảo nàng đừng làm thế.
- Thôi, đi! - Chàng quát bọn trẻ và giả vờ giơ gươm lên.
Đám trẻ sợ hãi chạy toán loạn.
Ngay cả đám người Xigan lớn tuổi cũng phát hoảng. Kẻ chạy
vào lều, người nhảy nấp vào trong vụi. Chỉ đám phụ nữ ở lại, họ nhìn những
người lạ mặt với vẻ chờ đợi.
- Các ngươi đừng sợ. - Gergey nói với họ bằng tiếng Thổ. -
Chúng ta không động đến các người đâu. Ta chỉ dọa bọn trẻ để chúng tản đi, khỏi
làm rầm rĩ lên đấy thôi. Bác trùm đâu?
Một lão xigan bước ra khỏi lều. Lão mặc áo choàng kiểu Thổ,
đầu đội mũ cao kiểu Ba Tư. Trên cái áo chẽn của lão có nhứng cái cúc bạc to
tướng. Cổ đeo một sợi dây chuyền vàng, tay lão cầm cây gậy lớn biểu trưng quyền
lực của ông trùm.
- Lão nói tiếng gì? - Gergey hỏi bằng tiếng Thổ.
- Chủ yếu là tiếng Thổ. - Lão trùm trả lời. - Nhưng lão cũng
có thể hầu chuyện các công tử bằng tiếng Ôla, tiếng Ba Tư, tiếng Hy Lạp, tiếng
Bôxnia[110], tiếng Rátxơ, tiếng Hôrơvát, tiếng Hung, tiếng Tiệp, tiếng Đức,
tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Mútxka[111] lão cũng nói được chút ít.
- Vậy ta hãy cứ dùng tiếng Thổ. Cái gì đã khiến dân phường
của lão hoảng sợ đến thế?
- Có một toán cướp Hy Lạp đang hoành hành ở quanh vùng này.
Người ta đồn chúng có đến năm chục tên. Tuần qua chúng vừa giết một thương nhân
ở trong rừng.
- Chúng ta đây không phải quân trộm cướp đâu mà chỉ là những
du khách lạc đường. Chúng ta từ Anbani tới đây. Chúng ta cũng đã nghe câu
chuyện về toán cướp ấy nên mới đi tránh đường cái quan. Chúng ta chỉ muốn lão
cho chúng ta một người dẫn đường đến Côngtăngtinốp và ở lại đó với chúng ta ít
ngày.
- Tưởng gì chứ người dẫn đường thì các công tử muốn đến hàng
chục cũng có. Vả lại cũng chẳng xa xôi gì.
- Chúng ta chỉ cần một người thôi. Một người thuộc đường đi
lối lại trong kinh thành, lại vừa biết sửa chữa binh khí và chữa bệnh cho ngựa.
Lão trùm nghĩ ngợi một lúc rồi quay về phía một cái lều đang
tỏa khói và gọi to:
- Sakodi!
Năm kỵ sĩ gần như rùng mình khi nghe gọi đến một cái tên
Hung.
Từ trong cái lều kia, một gã xigan mặt rỗ trạc chừng bốn
muơi lăm tuổi chui ra. Gã mặc quần kiểu Ôla và áo màu xanh. Chiếc quần Ôla đã
bị vá một miếng dạ đỏ ở chỗ đầu gối. Gã cắp dưới nách một cái áo chẽn kiểu
Hung. Vừa đi đến chỗ mấy người, gã vừa mặc áo chẽn bó vào người, khi đến chỗ
lão trùm thì gã cũng vừa cài xong cúc áo, phủi bụi trên quần và đủ cả thì giờ
để vuốt lại mái tóc. Da mặt gã rỗ chằng rỗ chịt.
- Chú khá dẫn các hiệp sĩ vào kinh thành và hầu hạ các ngài
trong thời gian ở đó nhé. - Lão trùm bảo gã.
Gerget đưa cho lão trùm một đồng tiền bạc.
- Lão hãy chia cho bọn trẻ con! Xin cảm ơn lòng tốt của lão.
- Con phải đem những gì theo ạ? - Sakodi khúm núm hỏi bằng
tiếng Thổ.
- Chỉ cần một vài dụng cụ để chữa súng và móng ngựa, với lại
nếu có thì mang thêm ít thứ thuốc dấu để dịt vết thương cho cả người và ngựa.
- Con đi lấy ngay đây ạ. - Gã nói và chạy về lều.
- Các hiệp sĩ trẻ tuổi không mệt sao? Hãy vào trong này nghỉ
ngơi chút đã. Hôm nay các công tử đã ăn uống gì chưa?
Lão trùm hỏi rồi đi lên trước, dẫn các vị khách lạ vào lều
của gã dưới một cây sồi cành lá sum suê, cái lều này màu đỏ, nổi bật hẳn lên
giữa những cái khác.
Vợ lão trùm trải ba tấm thảm nhỏ màu sặc sỡ lên cỏ. Cô con
gái lão đang mặc bộ cánh mỏng để tập nhảy lúc nãy cũng xúm vào giúp mẹ.
- Nhà chúng tôi có sữa đông, trứng gà, gạo, bơ và bánh mì.
Và nếu các công tử hào hoa chịu khó chờ thì tôi còn có thể rán cả thịt gà nữa.
- Vợ lão trùm ướm ý khách.
- Chúng ta sẽ chờ. - Gergey trả lời. - Quả thực bọn ta đang
đói. Việc cũng chẳng đến nỗi vội.
Dân phường tụ họp quanh họ. Mụ xigan nào cũng muốn trổ tài
bói toán. Một vài mụ đã ngồi quỳ gối xuống bên họ và lắc lắc những hạt đậu ngũ
sắc trong rổ.
Gergey phải nói với lão trùm:
- Nhờ lão tống cổ bọn họ đi cho. Chúng ta không có một tí
hứng thú nào về chuyện bói toán cả.
Lão trùm giơ cây gậy lên khua đám thần dân của lão. Dân
phường kính nể cái gậy hơn hay lão trùm hơn, điều đó trong lịch sử chưa hề được
làm sáng tỏ, nhưng có điều chắc chắn là đám người tản mát đi rất chóng. Năm
người lữ hành có thể yên thân ngồi xuống bên những tấm thảm nhỏ bày la liệt các
thức ăn mà vợ lão trùm mang ra.
- Các bác sống vui vẻ gớm. - Gergey vừa bưng bình nước lên
tu vừa bắt chuyện lão trùm. - Hôm nay là ngày lễ hay ngày nào các cô gái cũng
nhảy múa như thế cả?
- Ngày mai là thứ sáu. - Lão trùm trả lời. - Tất cả bọn con
gái đều sẽ có mặt ở Cam Thủy.
Gergey cố biến câu chuyện thành những điều bổ ích cho mình,
chàng bèn tiếp:
- Chúng ta chưa bao giờ đến Côngxtăngtinốp. Lần này chúng ta
đến đó để nhập ngũ. Vậy Cam Thủy là cái gì?
- Đó là chỗ giải trí của người Thổ ở cuối vịnh Sừng Vàng.
Ngày thứ sáu, tất cả mọi gia đình Thổ đều đi thuyền đến đó. Những lúc như thế,
người Xigan có thể kiếm chác đôi ba đồng. Bọn con gái thì nhảy múa, còn các mụ
già thì bói toán.
- Các bác không sợ cho các cô gái của mình ư?
- Sợ gì? Nếu chúng bị bắt thì chỉ càng may mắn hơn. Nhưng
người Thổ họ cần phụ nữ da trắng cơ, đặc biệt là phụ nữ Hung. Bọn con gái của
chúng tôi đôi khi cũng được vào các harem [112] đấy. Bây giờ chúng nó cũng học
nhảy cả đoàn như thế là cốt để xin vào các quán trọ.
Êvo hỏi Gergey:
- Tiếng Thổ nước là gì hả anh?
- Là “xu” em ạ.
Êvo đi vào trong lều nói với cô con gái lão trùm:
- Cô ơi, xu, xu!
Cô gái xigan vén tấm vải phía sau lều. Có một cái hang rộng
và mát lạnh ở ngay đấy. Nước từ hòn lèn rỉ ra nhỏ xuống từng giọt. Những giọt
nước nhỏ xuống đã khoét đá thành một cái vũng.
- Nếu cậu thích thì tắm đi một cái. - Cô gái xigan vừa nói
vừa lấy tay ra hiệu. Cô đưa cho Êvo một cục đất sét vuông vuông để làm xà
phòng. Êvo nhìn cô. Cô gái xigan nheo mắt nhìn lại. cái nhìn như nói:
- Cậu đẹp trai quá!
Êvo mỉm cười vuốt má cô gái. Gò má cô ta mịn màng và nóng
rực. Cô ta chụp lấy tay Êvo hôn rồi bỏ chạy ra ngoài.
Khi đã đi xuyên trong rừng được một quãng khá xa, Gergey mới
lên tiếng hỏi lão xigan:
- Anh bạn Sakodi này, đã bao giờ anh có đến mười đồng vàng
chưa?
Gã xigan nghe hỏi bằng tiếng Hung thì rất ngạc nhiên, ngẩn
người ra nhìn một lúc rồi mới trả lời được:
- Bẩm, cũng có khi đã được nhiều hơn cơ đấy, nhưng chỉ trong
mộng thôi.
- Thế còn trong thực tế?
- Trong thực tế có lần con đã có đến hai đồng. Một đồng con
đã giữ mãi đến hai năm trời, định để cho một cậu bé. Sau đó con đem mua ngựa.
Con ngựa đã chết. Giờ đây không còn ngựa cũng chẳng còn tiền.
- Nếu anh trung thành hầu hạ chúng ta, chỉ trong ít ngày anh
cũng có thể kiếm được mười đồng tiền vàng đấy.
Gã xigan sướng bừng cả người, Gergey hỏi tiếp:
- Tại sao anh lại sang Thổ?
- Tại người ta cứ bắt con vào lính. Chả là vì con khỏe quá.
- Anh có bao giờ khỏe đến thế đâu mà.
- À, không phải con nói về sức vóc của mình đâu, nhưng con
khỏe sức thổi sáo lắm. Cha con đã từng làm nghề thổi sáo mà lại, với lại nghề
thợ nguội nữa, với lại quân Thổ cứ bắt được con luôn ấy. Chúng nó đem về đây và
bắt vào làm trong xưởng. Nhưng con đã trốn đi.
- Anh có vợ không?
- Bẩm khi có khi không ạ. Hôm nay đang lúc không có.
- Vậy anh có thể cùng về nước với chúng ta, nếu anh muốn.
- Con về nước mà làm gì cơ chứ? Dù có về cũng chẳng bao giờ
con có thể tìm được ông chủ tốt bụng của con nữa. Rồi cũng lại đến rơi vào tay
quân Thổ nữa mà thôi.
- Thế ra anh đã từng phục dịch ở cửa nhà ai à?
- Vâng. Con đã hầu hạ ở chỗ một vị đại nhân, một người Hung
giàu có nhất. Ngày nào con cũng được ăn thịt rán. Với lại lúc nào ông chủ cũng
nói năng nhẹ nhàng với con. Ông ấy bảo chứ: “ Nhà anh chữa khẩu súng này lại
cái!”
- Ông ấy là ai thế?
- Còn ai khác ngoài đức ông Balin ra nữa.
- Balin nào? - Tơrơc Iontsi hỏi.
- Balin nào ấy à? Tơrơc Balin, vị đại nhân của con.
Gergey vội vàng hỏi trước Iontsi:
- Anh có biết tin tức gì về ông ta không?
Rồi chàng ra hiệu cho Iontsi phải thận trọng.
Gã xigan nhún vai:
- Con có thư từ với ai đâu mà biết.
- Dù sao anh vẫn biết một tí gì về ông ta chứ?
- Con chỉ biết là ông ta đã bị bắt làm tù binh. Chẳng hiểu
ông ta còn sống hay đã chết. Nhưng chắc là chết rồi, bởi nếu ông ta còn sống
thì con đã nghe tin.
- Anh đã làm việc ở cơ ngơi nào của ông ta?
- Ở thành Xiget.
Hai chàng trẻ tuổi nhìn nhau. Chả người nào nhớ đến gã xigan
cả. Thực ra họ cũng chẳng ở nhiều tại thành Xiget, mà cứ đổi chỗ luôn luôn giữa
các dinh cơ của tướng công Balin, và dù họ có biết rất nhiều gia nhân đi nữa
thì vẫn không thể nào biết hết được đám đầy tớ đông đúc ấy.
Gergey chăm chú nhìn mặt gã xigan rồi mỉm cười nói:
- Ta nhớ ra anh rồi. Bây giờ ta nhớ rồi. Có một lần anh đã
bị Yumusác bắt và Đôbô đã giải thoát cho anh.
Gã xigan trố cả mắt. Sau đó gã lắc đầu:
- Không phải Đôbô mà là một cậu bé lên bảy. Tên là cái gì
Gergey ấy.
Gã thở dài và tiếp:
- Cầu đấng Đevơla [113] phù hộ cho cậu bé ấy ở khắp nơi nơi.
Cậu ta đã làm cho con có được cả ngựa, cả xe. Con đã cất mãi đồng vàng để dành
cho cậu ấy. Về sau con cứ nghĩ chắc cậu ấy là một thiên thần.
- Thế nhỡ ta là vị thiên thần ấy thì sao?
Gã xigan liếc mắt nhìn Gergey, tỏ vẻ không tin:
- Con chưa bao giờ thấy thiên thần để ria mép cả.
- Thế mà chính là ta đấy. - Gergey mỉm cười nói. - Ta còn
nhớ hôm đó anh đã lấy vợ. Tên vợ anh là Beske. Chuyện xảy ra ở trong rừng. Anh
còn được lĩnh cả binh khí nữa kia mà.
Gã xigan lác cả mắt:
- Trời ơi, cầu đấng Đevơla ở nơi Cực lạc phù hộ cho đại nhân
trẻ tuổi. Xin ngài hãy phù hộ cho cậu con đàn cháu đống như lúa như kê! Ôi, cái
ngày hôm nay mới may mắn làm sao!
Và gã quỳ xuống ôm lấy chân Gergey mà hôn.
- Trời đã cho ta được
gặp nhau. - Gergey nói. - Giờ đây ta đã tin rằng chúng ta đi chuyến này sẽ
không uổng phí công vô ích.
Chàng ném cương con ngựa cho Mochi rồi nằm lăn ra cỏ. Cả bọn
đều noi gương chàng. Gergey kể cho gã xigan nghe lý do họ đến xứ này, rồi hỏi
gã có kế gì để lọt vào chỗ tướng công Balin không?
Gã xigan nghe Gergey nói, mắt gã lúc sáng lên, lúc thì thất
vọng. Gã hôn tay Iontsi. Sau đó gã vừa suy nghĩ vừa gật gù.:
- Vào Côngxtăngtinốp thì có thể vào được, có lẽ còn có thể
lọt vào Thành Bảy Tháp nữa. Nhưng chúng nó canh giữ đức ông đâu phải bằng gươm
gỗ.
Rồi gã đưa hai tay ôm lấy đầu, vừa đung đưa vùa xuýt xoa:
- Té ra đức ông Balin tội nghiệp ở đây! Ôi, giá con biết thì
con đã gọi qua cửa sổ để chào ngài, chúc ngài sức khỏe.
Bọn Gergey chờ cho những tưởng tượng của gã Xigan bay bổng hết
đi, rồi mới gạn hỏi, bắt gã phải suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh.
- Vào kinh thành thì hẳn vào được, - Gã nói. - đặc biệt là
hôm nay. Vì hôm nay là ngày lễ buồn Ba Tư, ở đây người ta dự lễ này cũng đông
như bên ta ngày lễ Đức Thánh Mẹ. Nhưng còn vào Bảy Tháp thì đến chim cũng chẳng
dám bay vào đâu.
- Dù thế nào ta cũng cứ vào thành phố cho được cái đã. Đến
đó rồi ta sẽ nghĩ tiếp. - Iontsi hăng hái nói.
* * *
Sừng Vàng là một dải nước rộng cũng bằng sông Đuno. Đó là
một vịnh biển giống như cái tù và kéo dài từ giữa Côngxtăngtinốp đến tận những
khu rừng xa.
Đoàn lữ khách của chúng ta thuê một cái thuyền đánh cá đi
suốt dọc vịnh. Gergey ngồi đầu mui thuyền vì chàng ăn mặc giống kiểu Thổ nhất,
giữa thuyền là Mectsei quần áo cũng đỏ lòe đặc Thổ, những người khác ở trong
khoang.
Trong ánh nắng chiều hôm, những ngọn tháp thẳng đứng vươn
lên trời cao như những cái cột bằng vàng và những đỉnh tròn mạ vàng của các nhà
thờ ánh lên rực rỡ. Tất cả những cái đó soi mình xuống vịnh biển, khiến đám lữ
khách của chúng ta phải kêu lên vì thán phục.
- Thật là một thế giới huyền ảo như mơ! - Êvo ngồi ngay dưới
chân Gergey, thốt lên.
- Đẹp hơn cả giấc mơ nữa kia. - Gergey đáp. - Nhưng em ạ, nó
cũng giống như một lâu đài trong truyện cổ tích: bên ngoài lộng lẫy nhưng bên
trong toàn yêu tinh và quỷ sứ.
- Một thành phố thần tiên. - Mectsei cũng nói.
Chỉ có Iontsi buồn rầu ngồi im trong thuyền. Cậu gần như
thích thú khi nhận ra giữa muôn vàn hào nhoáng của những lâu đài, dinh thự, mắt
cậu vẫn có thể nhìn thấy một vẻ gì tăm tối.
- Rừng gì ở đằng kia thế nhỉ? - Cậu chỉ tay về bên trái hỏi
gã xigan. - Ta thấy hình như toàn là cây dương. Nhưng ở xứ này những cây dương
mới sẫm làm sao chứ! Mà chúng mọc cao thật.
- Không phải cây dương đâu cậu ạ. - gã xigan trả lời. - Cây
bá hương đấy. Chỗ ấy không phải là rừng mà là nghĩa địa. Bọn Thổ ở ngoại ô Pêra
đều nằm trong ấy cả.
Iontsi nhắm mắt lại. Biết đâu cha cậu đã chẳng nằm dưới một
gốc cây bá hương nào đó rồi.
Gergey nhìn cậu và cố lái những ý nghĩ của Iontsi sang
chuyện khác, chàng nói:
- Thành phố này cũng giống như Buđo bên bờ sông Đuno. Chỉ
khác cái là ở đây có những hai Buđo, hoặc nói ba cái thì có lẽ đúng hơn.
- Mình không ngờ thành phố này lại ở trên đồi núi thế này
đâu. - Mectsei nói. - Mình cứ tưởng nó cũng ở bình địa như Xegedơ[114] hay
Đebrexen.
- Chúng nó thật dễ dàng xây được thành phố tráng lệ này. -
Êvo nói. - Một thành phố cướp giật. Chúng nó đã cướp bóc khắp nơi để xây dựng
nên. Không hiểu những đồ đạc của hoàng hậu ta đang ở nhà nào?
- Có lẽ em định nói là của vua Machiat đấy chứ. - Gergey cải
chính, vì chàng không thích hoàng hậu Izabela. Mà chàng cũng nói đúng. Vì những
đồ đạc trong thành Buđo đâu phải từ Ba Lan chuyển đến.
Khi họ đến chỗ cầu thì mặt trời đã lặn. Rất đông người chen chúc
nhau lên cầu.
- Ngày lễ hôm nay đông lắm đây. - Người chủ thuyền nói.
- Chúng ta đến đây cũng để dự lễ. - Gergey nói.
Nghe vậy Iontsi rùng mình. Cậu tái mặt, sững sờ nhìn dòng
người đông nghịt chen lấn nhau qua cầu, đổ vào Côngxtăngtinốp.
Mấy người lữ hành của chúng ta cũng được dòng người chen
chúc đó cuốn đi theo.
Những tên lính đứng gác trên cầu không nhìn ai cả. Dòng
người cuốn họ vào các đường phố Côngxtăngtinốp. Họ không biết mình đi đâu nữa.
Dòng người đi qua chừng ba dãy phố thì dừng lại. Ở đây một toán lính dẹp đám
đông sang hai bên để dọn đường cho những người hành hương Ba Tư.
Gergey quàng tay ôm Êvo. Mấy người kia nép sát vào tường một
ngôi nhà gần đấy. Họ chỉ có thể dùng mắt để theo dõi lẫn nhau.
Phía cuối dãy phố bỗng sáng bừng lên và một cây đình liệu
khổng lồ hiện ra, bọn người của chúng ta chưa bao giờ trông thấy một cây đuốc
lớn đến thế. Đó không phải là loại đuốc nhựa trầm như người ta vẫn thường dùng
để đưa đám ở Hung mà là một cái lẵng lớn như thùng rượu, có đai sắt giằng xung
quanh. Một người Ba Tư khỏe mạnh cầm cán, trong lẵng sắp những thanh gỗ to bằng
bắp tay đang cháy bùng bùng. Một mình cây đuốc ấy soi sáng cả đường phố.
Chừng mươi người mặc quần áo tang đi chầm chậm sau cây đuốc.
Người ta nhận ra họ là dân Ba Tư qua bộ râu cắt ngắn, loăn xoăn và cái cằm nhỏ
của họ. Sau họ là một con ngựa trắng lưng phủ khăn trắng. Yên thắng ra ngoài
tấm khăn, trong yên có hai thanh gươm để chéo nhau và hai con bồ câu trắng bị
buộc chân vào yên. Con ngựa cũng như đôi chim bồ câu, hai thanh gươm và tấm
khăn, tất cả đều bị vẩy máu.
Sau con ngựa lại đến một toán người mặc quần áo tang. Họ hát
một bài kinh rất thảm thiết, mỗi câu đều nhắc lại hai chữ Hútxen, Hátxan và một
tiếng kêu “Hu” [115] có tiếng bồm bộp hòa theo.
Khi toán người mặc áo tang đó đi qua hết, người ta mới biết
tiếng bồm bộp kia từ đâu phát ra.
Một toán khác đi hàng đôi, cũng người Ba Tư, tiếp theo. Họ
mặc áo đen dài đến tận gót chân, ngực để hở, đầu chít khăn đen, một góc khăn rủ
ra sau gáy. Mỗi khi nghe tiếng Hútxen - Hátxan, họ vung tay phải ra và đến
tiếng “Hu” thì họ nắm tay lại đấm lên ngực vùng quả tim. Vì thế mà có tiếng bồm
bộp. Vết bầm tím ở ngực họ chứng minh rằng họ không đấm ngực giả vờ kiểu Gia tô
giáo. Toán người Ba tư đấm ngực có đến khoảng ba trăm. Họ đứng quay mặt vào
nhau và sau mỗi lần đấm ngực họ lại bước ngang lên vài ba bước.
Xen giữa đoàn hành lễ có rất nhiều cờ đuôi nheo đủ các màu
sắc, nhiều nhất là cờ màu xanh lá cây, nhưng cũng có cả cờ đen, cờ vàng và cờ
đỏ nữa.
Trên các cán cờ và trên mũ của một số trẻ con Ba Tư có đính
những bàn tay bằng bạc. Đó là tượng trưng bàn tay của một người tuẫn đạo Thổ
Nhĩ Kỳ tên là Ápba. Ápba bị chặt tay vì đã đưa nước uống cho Hútxen khi ông ta
bị bắt sau trận Kêbela.
Những ngọn đuốc khác lại soi sáng một toán người mới, mặc quần
áo đen, vây quanh một con lạc đà phủ khăn xanh. Con lạc đà mang một cái lều nhỏ
kết bằng cành cây, trong lều có một đứa bé. Người ta chỉ có thể nhìn thấy mặt
nó, và thỉnh thoảng bàn tay của nó, khi qua kẽ hở của cái lều, nó ném từng nắm
bột hương như mạt cưa lên đám người mặc quần áo đen.
Từ phía sau toán người đó, từng hồi lại vọng đến tiếng loảng
xoảng, lách cách.
Chẳng mấy chốc một toán người khác lại kéo đến. Toán này
cũng đứng thành hai hàng quay mặt vào nhau mà đi và cũng mặc quần áo tang,
nhưng áo họ lại xé hở lưng. Tay họ cầm roi tết
bằng những móc xích to bằng ngón tay. Cái roi nặng đễn nỗi họ phải cầm bằng cả
hai tay. Cứ hết một câu hát họ lại quật roi vào lưng, khi thì qua vai phải khi
qua vai trái.
Khi nhìn thấy những cái lưng sưng tấy, máu me đầm đìa, Êvo
níu chặt lấy tay Gergey và nói:
- Em ngất đi mất anh ạ.
- Thế mà còn có cảnh rùng rợn hơn thế nữa kia em ạ. Có lần
một tên tù binh Thổ đã kể cho anh nghe về cái lễ chịu tang này, nhưng lúc đó
anh không tin rằng người ta lại tự đánh tóe máu cả lưng của họ.
- Người ta không giết thằng bé ấy chứ anh?
- Không em ạ. Hai con chim bồ câu và đứa bé ấy chỉ là vật
tượng trưng thôi. Đến nửa đêm người ta sẽ cắt dây buộc hai con bồ câu, chúng là
linh hồn của Hátxan và Hútxen. Người ta sẽ reo hò ầm ĩ để tiễn chúng bay về
trời.
- Thế còn thằng bé?
- Đó là tượng trưng cho dân Ba Tư côi cút.
- Còn có cảnh gì sắp đến nữa hở anh?
- Những người cầm gươm tự chém vào đầu họ.
Và quả thật, một toán người khác đầy máu me đã đi đến, một
cảnh tượng mà chỉ những giấc mơ kinh khủng nhất về địa ngục mới có thể cho ta
thấy mà thôi.
Toán người này mặc quần áo trắng, đầu cạo trọc. Tay phải cầm gươm, tay trái người này nắm lấy thắt lưng
người kia để khỏi ngã vì mất máu hoặc để giữ cho người bên cạnh khỏi ngã. Bài
hát cầu nguyện đã trở thành tiếng rú trên môi họ. Cuối mỗi câu hát những thanh
gươm vung lên loang loáng dưới ánh đuốc và chạm lưỡi vào những cái đầu cạo
trọc.
Cả toán người này đã tắm trong máu. Máu chảy dọc sống mũi và
sau tai, nhuộm đỏ cái áo trắng trên mình họ. Những cây đuốc gặp gió cháy phù
phù, thỉnh thoảng những đốm tàn rơi như mưa lên những cái đầu máu me lênh láng.
Mùi máu làm cho không khí trở nên nồng nặc.
Êvo nhắm mắt lại, nàng bảo Gergey:
- Em rợn cả người.
- Anh đã bảo em ở nhà đấy nhé! Một chuyến đi như thế này
không hợp với phụ nữ mà. Em cứ nhắm mắt lại đi.
Êvo lắc lắc đầu rồi mở mắt ra.
- Đã thế thì em cứ nhìn.
Tuy tái mét cả mặt, nàng vẫn rắn rỏi xem tiếp buổi hành lễ
đẫm máu.
Gergey bình tĩnh hơn. Từ bé chàng đã quen nhìn máu. Cảnh
tượng đó không làm chàng phải đau xót quá đáng. Nhưng chàng lấy làm ngạc nhiên
là những con người này đã tự nguyện đổ máu. Và người Hung đã phải chiến đấu
không ngừng hơn một trăm năm nay để chống lại những người như thế.
Qua đám đông đẫm máu, chàng đưa mắt nhìn sang bên kia đường.
Thật khác thường khi ta cảm thấy có người đang chăm chăm nhìn mình!
Dưới ánh nến, chàng trông thấy từ trong đám đông náo nhiệt
có hai kẻ đang chằm chằm nhìn vào mình. Một tên có vẻ mặt Ácmêni, đó là tên aga
đen như quạ mà những tên lính hầu của hắn đã bị chàng cho nổ tan xác.
Tên kia là Yumusac.
* * *
Một buổi sáng mùa hè năm trước, Moilat chào Tơrơc Balin với
cái tin là hồi đêm có những tù binh mới đến.
- Người Hung à? - Tơrơc Balin trố mắt hỏi.
- Tôi chưa biết. Sáng nay lúc chúng nó mở cổng tôi mới chỉ
nghe tiếng xích kéo lê trên sân. Tôi thuộc tiếng kéo xích của tất cả các tù
nhân. Ngay cả lúc nằm trong giường tôi cũng biết những ai đang đi qua trước cửa
phòng tôi.
- Tôi cũng thế.
- Sáng nay tôi nghe rủng roảng tiếng xích mới. Nhưng không
phải một người đến. Hai, ba, có lẽ bốn cũng nên. Họ lê xích qua suốt sân. Có lẽ
chúng nó dẫn họ vào Tasơ-tsukuru hay sao ấy.
Tasơ-tsukuru là một cái xà lim như cái hang trong Bảy Tháp.
Đó là một cái nhà mồ dưới chân tháp Máu. Ai rơi vào đó sẽ lập tức biết ngay
những bí mật thượng đẳng của trời sao.
Họ vẫn thủng thẳng xuống vườn, nơi vẫn quen ngồi chuyện vãn.
Nhưng hôm đó họ không quan sát sự lớn lên của các bụi cây, cũng không ngắm nhìn
những đám mây trôi về Hung. Họ bồn chồn chờ gặp những tù nhân mới.
Chân họ đã không đeo xiềng nữa. Lượng vàng vô khối mà Tơrơc
phu nhân gửi đến Xuntan và các pasa tuy không mở được cửa ngục nhưng ít nhất đã
cởi được xiềng.
Vả lại hai người này cũng đã già rồi mà cái thành do những
hai trăm rưởi lính có cả vợ con, canh giữ. Chưa hề một ai trốn khỏi được nơi
đó.
Toán lính canh bên trong thành đã đổi gác. Một tên bêi bụng
phệ đến chỗ sân ra lệnh cho toán lính sắp rời chỗ gác:
- Ba đứa đi vào nhà xay. - Hắn vừa nói vừa lau mồ hôi trán,
vì cái nóng vẫn luôn luôn đày đọa con người phì nộn trong đó.
- Ba đứa vào nhà xay để đẽo đá. - Hắn lại nói rồi gọi tên ba
đứa phải đi. Sau đó hắn quay sang bảo hai đứa thấp bé còn lại. - Còn chúng mày
một giờ nữa phải quay trở lại. Chúng mày sẽ quét dọn kho binh khí.
Tơrơc Balin đã nóng lòng chờ cho tên bêi xong việc. Ông đến
trước mặt hắn:
- Chào ông, bêi Veli. Ông ngủ ngon chứ?
- Chẳng ngon gì cả. Sáng nay chúng nó khua ta dậy sớm quá.
Có ba tù nhân mới từ Hung đến.
- Người ta không giải nhiếp chính đến đấy chứ?
- Không phải nhiếp chính. Đây là một ông gì cũng cường bạo
lắm. Nhưng có lẽ không phải người thượng lưu mà là đồ hành khất cũng nên. Hắn
chẳng có một cái áo cho ra hồn nữa. Người ta viết cho tôi là hắn đã rình quan
tổng trấn Buđo và cướp hết đồ đạc của ông ta.
- Cướp quan tổng trấn Buđo?
- Ừ, người ta giải cả hai thằng con của hắn theo nữa.
- Tên ông ta là gì?
- Ta có ghi danh sách nhưng ta không nhớ. Các ngươi toàn có
những cái tên lạ lùng đến nỗi quỷ sứ cũng chẳng tài gì mà nhớ trong óc được.
Rồi chẳng chào gì cả, tên bêi quay lưng, có lẽ lại trở về
cái giường của hắn.
Balin bối rối ngồi xuống cạnh Moilát.
- Đánh cả tổng trấn Buđo? -
Ông tư lự nói. - Ai thế nhỉ?
- Hành khất? - Moilat tiếp tục suy luận. - Nếu là hành khất
chúng nó đã chẳng giải vào đây.
- Bất kể là ai, việc đầu tiên của tôi là đưa quần áo biếu
ông ta.
Họ suy đoán suốt cả buổi sáng. Họ kể ra đến hàng ngàn tên
Hung và Erođêi, nhưng chẳng thỏa thuận được với nhau ở tên nào cả.
Đến trưa, người tù nhân mới xuất hiện bên cái bàn chung mà
người ta thường dọn ăn ở bên phía có bóng râm của sân trong.
Cả hai người cùng nhìn. Họ không quen. Họ thấy đó là một
người hơi thấp bé, tóc đã hoa râm, da rám nắng, đã hói hết nửa đầu. Ông ta mặc
quần áo Hung bằng vải bông và rách. Cạnh ông ta là hai thanh niên Hung ăn mặc
khá hơn, khoảng hai mươi - hai mươi lăm tuổi. Những đường nét của họ tỏ ra họ
là anh em và con của ông già.
Chúng nó đeo vào chân ông già đúng cái cùm nhẹ bằng thép mà
Tơrơc Balin đã mang hai năm liền. Cái cùm đã bóng loáng như bạc.
Moilát vội vã đi đến trước mặt người tù nhân mới. Ông không
biết đó là ai, chỉ thấy là dân Hung. Balin cũng xúc động đứng bên bàn, nhìn ông
già.
Moilát không nói được gì cả, chỉ ôm choàng lấy ông già.
Nhưng Balin, giọng run run vì xúc động, kêu lên:
- Ông là ai?
Lão già cúi đầu xuống và ngập ngừng nói rất khẽ:
- Môrê Laxlô.
Balin lảo đảo như người bị đánh, ông quay mặt đi, ngồi
xuống.
Tay Moilát cũng buông rơi xuống khỏi người lão già.
Hai thanh niên buồn rầu đứng sau lưng cha.
- Các ông sẽ ăn ở đây. - Bêi Veli nói và chỉ vào góc bàn đối
diện với chỗ của Tơrơc Balin.
Tơrơc Balin đứng dậy:
- Ấy, nếu họ ăn ở đây thì tôi không ăn ở đây nữa!
Và ông quay ra bảo người hầu đứng đằng sau:
- Hãy mang đĩa của ta vào phòng cho ta.
Moilát đứng lưỡng lự một lát rồi cũng bảo người hầu của
mình:
- Ngươi mang cả đĩa của ta đi nữa.
Và ông bước theo tướng công Balin.
Bêi Veli nhún vai nhưng rồi cũng không đừng được, hắn nhìn
Môrê và hỏi:
- Vì sao họ lại ghét ông thế?
Môrê giận dữ nhìn theo hai ông:
- Vì họ là người Hung.
- Không phải ông cũng là người Hung đấy sao?
- Thì chính vì thế. Hai người Hung còn hòa hợp với nhau
được, nhưng đến người thứ ba thì đã lủng củng rồi.
* * *
Hai tuần liền Tơrơc Balin không ra khỏi phòng. Ông không
xuống sân nữa và Moilát, người đã trở thành cái bóng của ông, cũng không. Ông
ta ngồi nghe những lời thuyết giáo của Balin về dòng đạo mới mà Giăng Canvin
[116] và Máctin Luthe truyền bá.
- Đó là dòng đạo Giêsu chân chính hơn dòng đạo bị Latinh hóa
và trụy lạc của La Mã. - Tơrơc Balin nhắc đi nhắc lại.
Moilát dần dà đã chuyển sang dòng đạo mới. Ông còn viết cả
thư cho cậu con trai Gabô và khuyến khích cậu ở nhà cũng nên suy nghĩ lại.
Nhưng cuối cùng họ cũng chán bốn bức tường và một hôm tướng
Balin lên tiếng:
- Có lẽ ta xuống vườn đi.
- Con lang đang ở đấy.
- May ra nó không có ở đấy.
- Nhưng nhỡ nó ở đấy?
- Nếu nó ở đấy thì ta đừng nói năng gì với nó cả. Chúng ta
cũng chỉ có quyền được đi dạo ở đấy như nó mà thôi.
Moilát mỉm cười.
- Quyền. Vậy ra chúng ta vẫn có một chút quyền.
- Có chứ, tiên sư chúng nó. Chúng ta đã ngồi tù từ bao giờ?
Còn nó chỉ mới đến được hai tuần nay thôi.
Họ đi xuống vườn.
Ở đó đã có một ông hoàng Ba Tư ngồi dưới bóng cây tiêu
huyền, ông ta cũng là một tù nhân lâu năm như họ, và một công vương người châu
Á, ông này cũng đã mốc cả người giữa sầu não và chán chường. Họ đang đánh cờ.
Từ mấy năm nay, họ cứ đánh cờ suốt từ sáng đến tối mà chẳng bao giờ nói với
nhau một lời nào cả.
Đám Balin đã biết rõ hai kỳ thủ này chả kém gì họ biết rõ
cái cổng bằng đá hoa trắng ở giữa tháp Máu và tháp Vàng, hoặc cái ông quan già
hộ pháp người Cuốcđơ [117] đã vì tội chửi mắng Xuntan mà phải đeo cái xiềng một
tạ, dưới sức nặng của khối sắt đó ông ta chỉ ngồi lom khom hoặc nằm tối ngày
trong cái nhà giam có chấn song sắt ở tháp Máu. Chỉ có đôi mắt của ông ta còn
có thể ngoái nhìn theo những tù nhân dạo chơi giữa những hàng cây.
Đáng lẽ họ cũng chẳng nhìn đôi bạn cờ đâu, nhưng một nhân
vật mới ngồi bên cạnh xem đánh cờ đã đập vào mắt họ.
- Cái lão Thổ già bé nhỏ mặc áo caphơtan màu vàng kia là tay
quỷ nào thế nhỉ? Tại sao hắn lại để đầu trần?
Nghe tiếng bước chân của họ, người kia quay lại.
Đó là Môrê.
Hắn đứng dậy và rời khỏi những người đánh cờ. Cái vẻ mệt mỏi
mà hôm đầu làm người ta tưởng như hắn ốm, đã biến mất khỏi mặt hắn. Cặp mắt đen
và nhỏ của hắn đã nhấp nháy một cách tinh nhanh, dáng đi của hắn cũng đã vững
mạnh, gần như trẻ trung.
Hắn bước tới trước mặt hai người đại quý tộc và khoanh tay
lại.
- Tại sao các ông lại thù ghét tôi? Các ông khác hơn tôi ở
chỗ nào? Các ông giàu hơn ư? Ở đây không ai giàu cả. Các ông dòng dõi hơn ư?
Danh hiệu quý tộc của tôi cũng lâu đời như bất cứ một ai trong các ông.
- Ngươi đã theo nghề đạo tặc! - Tơrơc Balin bảo hắn.
- Thế các ông thì không à? Các ông đã không thu vét tài sản
của các ông ở bất cứ chỗ nào mà tay các ông với tới? Các ông đã không từng đánh
lẫn nhau đấy ư? Các ông đã không quay mặt đến bảy mươi bảy lần, khi thì về phía
Gianốt, khi thì về phía Pheđinan? Các ông cũng chỉ thổi khúc nhạc của kẻ nào
ban cấp nhiều bổng lộc hơn mà thôi.
- Ta đi đi. - Moilát đỏ mặt nói. - Mặc kệ con người này.
- Sao tôi lại đi. - Tơrơc Balin đáp. - Tôi chưa hề lùi bước
trước một người nào.
Ông ngồi xuống một cái ghế dài, cố khoác vẻ bình thản lên
trên cơn giận vì ông thấy từ ngoài cổng bêi Veli đang đi đến cùng một giáo sĩ
Thổ và hai cậu con trai Môrê. Hai chàng thanh niên này cũng đã mặc quần áo Thổ
nhưng trên đầu họ chưa có tuyban. Họ đi đầu trần cũng như ông bố.
Moilát cũng ngồi xuống bên cạnh Balin.
Môrê đứng dạng chân, một tay chống nạnh và tiếp tục to
tiếng:
- Tôi đã từng có mặt trong trận đánh tan Đôjo Giorgiơ. Tôi
đã từng có mặt trong trận Môhát, nơi máu của hai mươi bốn ngàn người Hung đã đổ
vì Tổ quốc.
- Ta cũng có ở đấy. - Moilát vừa nói vừa vỗ ngực.
- Nếu ông đã có mặt trong trận thử lửa đó thì đáng lẽ ông
phải biết rằng những người thoát khỏi trận đó đều coi nhau như anh em.
- Một con lang cướp đường như ngươi không thể nhận ta làm
anh em được. - Moilát đỏ mặt tía tai hét lên. - Ta biết vì sao người ta đã phá
thành Polôto.
- Có thể là ông biết chuyện đó. Nhưng ông không biết vì sao
người ta lại phá thành Nano. Ông không biết rằng cả nước Hung cúi gập lưng dưới
chân tên tổng trấn Buđo, thế mà tôi, Môrê Laxlô, tôi là người độc nhất đã thét
vào mặt hắn: Đồ chó chết! Tôi đã chiến đấu bao nhiêu năm ròng với đội quân nhỏ
bé của tôi chống lại giặc Thổ. Không phải Pheđinan, cũng không phải dân tộc
Hung, mà là tôi, Môrê Laxlô đã đánh tan đạo quân đi Bengrát của hắn hồi năm ngoái;
tôi, Môrê Laxlô, người mà các ông gọi là tướng cướp, là con lang.
Hắn lấy hơi rồi lại khoa nắm đấm lên nói tiếp:
- Giá tôi mà có được ngần ấy tiền như Moilát Istơvan đã từng
có, giá tôi mà có ngần ấy gia súc, thành trì và gia nhân như Tơrơc Balin, hoặc
ngần ấy quân lính như cái kẻ chỉ mang vương miện như một thứ đồ trang sức
[118], thì ngày nay cả nước đã tung hô tên tuổi Môrê Laxlô như một vị cứu tinh.
Nhưng vì không có các thứ ấy nên bọn vô đạo đã hãm tôi vào thành Nano và san
phẳng cả thành.
Bêi Veli cùng đến đó với giáo sĩ Thổ.
- Ta không biết các ngươi ba hoa những gì, nhưng lời nói của
Xelim là đúng vì ông ta ở gần nguồn chân lý hơn các ngươi, là những kẻ vô đạo.
- Xelim nào? - Tơrơc Balin ngơ ngác hỏi.
- Xelim là người mà mấy ngày trước đây các ngươi vẫn gọi
bằng tiếng của những kẻ vô đạo là Môrê Laxlô.
Tơrơc Balin cười chua chát:
- Xelim! Thế mà nó còn thuyết chúng ta về lòng yêu nước! Đồ
chó, đồ phản đạo, mẹ bố nó chứ!
Chắc chắn là ông đã đánh hắn nếu bêi Veli không nhảy vào
giữa.
- Đồ cẩu trệ vô đạo! - tên bêi hét vào mặt Balin. - Tao sẽ
cho cùm mày lại ngay.
Tướng công Balin ngẩng phắt đầu lên như một con tuấn mã bị
đấm vào mũi. Mắt ông tóe lửa. Có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Moilát
không kéo ông đi khỏi chỗ đó.
Tên bêi khinh bỉ nhìn theo họ. Chắc chắn hắn đã nghĩ đến hầu
bao của hắn nên mới không tiếp tục chửi rủa tướng công Balin. Thay vào đó, hắn
quay sang Môrê và nói to cốt để mấy người kia cũng nghe thấy:
- Xuntan đại độ vui mừng biết rằng ngươi đã bước vào đội ngũ
của những tín đồ chân giáo. Người đã phái vị giáo sĩ đáng kính này đến đây để
truyền cho ngươi ánh đạo quang minh của giáo tổ mà tên tuổi đời đời bất diệt.
- Ta vào phòng đi. - Tơrơc Balin hổn hển nói. - Ta đi vào
đi, bạn Moilát.
Vài ngày sau, hai đứa con trai của Môrê được tha. Cả hai đều
được phong một chức quan gì đó ở Côngxtăngtinôp. Chỉ còn lão già Môrê ở lại
giữa bốn bức tường.
Đám Balin không bao giờ nói năng gì với hắn nữa, nhưng họ đã
nghe hắn giục giã bọn Thổ thả hắn ra không phải chỉ một lần.
Bêi Veli có lần đã trả lời hắn như sau:
- Ta đã lại đem việc của ngươi tâu trước ngai vàng. Thư trả
lời từ nước Hung đã đến. Tổng trấn Buđo đã tả ngươi thật đẹp, ta có thể nói như
vậy. Ông ta đã viết nhiều chuyện, trong đó có chuyện khi quân ta bao vây thành
Nano, ngươi đã vung tiền xuống giữa quân ta để hòng chạy thoát thân.
Tên bêi lắc đầu cười:
- Lão già, lão già, ngươi thật là một con cáo quỷ quyệt.
* * *
Thành Xêketphehê và thành Extegôm cũng đã thuộc về quân Thổ.
Xuntan đã thân chinh cầm quân đi triệt hạ hai thành lũy đó của miền hữu ngạn
sông Đuno.
Khi hắn trở về, thời tiết đã sang đông.
Những người trong Bảy Tháp tuần nào cũng được tin về chiến
dịch, và sau đó là tin hồi quân. Người ta chờ những tù binh mới. Thượng đế cũng
đừng bắt tội họ nếu họ còn lấy làm vui mừng khi thấy những người quen biết mới,
có khi còn là những bạn hữu tốt, xuất hiện trong cái nhà ngục lớn này. Bởi mỗi
dịp như thế họ được nghe biết bao nhiêu tin tức ở trong nước, có khi cả về gia
đình họ nữa.
Một buổi sáng, trong lúc mọi người đang nói về chuyện đó thì
cửa ngục bỗng mở, bêi Veli bước vào. Hắn vội đến nỗi đỏ ửng cả mặt. Hắn để hai
tay lên ngực và cũi mình trước mặt Balin.
- Thưa đại nhân, pađisa đại độ cho mời ngài. Xin ngài thay
quần áo ngay cho để chúng ta đi.
Tướng công Balin rùng mình, ánh mắt gần như sững sờ.
- Anh được tự do rồi! - Moilát, người bạn tù cùng bị bắt với
Balin, lắp bắp nói.
Họ vội vàng lôi quần áo trong tủ ra. Bêi Veli cũng chạy đi
thay quần áo của hắn.
- Anh nhớ đến tôi với nhé. - Moilát khẩn khoản. - Anh nhắc
ông ta nhé. Chả là anh sẽ giáp mặt ông ta mà nói chuyện, anh có thể nhắc được.
Anh có thể yêu cầu ông ta thả cả tôi ra cùng với anh.
- Tôi không quên đâu.
Balin nói và run tay mặc bộ nhung phục bằng gấm xanh điểm
hoa mang theo từ hồi bị bắt.
Quần áo rét của ông đã cũ hết, còn bộ quần áo gấm này ông
không mặc. Ông vẫn cất, vẫn hy vọng một ngày kia sẽ mặc nó để về nhà.
Chỉ còn thiếu gươm là ông không được đeo.
- Khi quay lại anh sẽ đeo cả gươm nữa cho mà xem. - Moilát
nói và tiễn Balin xuống cầu thang. Ông vui mừng thấy bạn cùng ngồi vào xe ngựa
bêi Veli, cùng quấn mình vào những tấm áo khoác rộng bằng lông cừu.
Chiếc xe chuyển bánh, có hai tên lính gác vác giáo cưỡi ngựa
theo sau.
- Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! - Balin cầu nguyện suốt dọc
đường. Cho đến khi chiếc xe rẽ vào cổng hoàng cung, ông tưởng thời gian đã kéo
dài hàng thế kỷ.
Họ đi bộ qua sân Ionisa rồi lên điện.
Bao nhiêu là bậc tam cấp mà toàn bằng đá hoa trắng muốt, rất
nhiều lính ngự lâm cao lớn mà toàn làm quân hầu; những cột đá hoa to tướng,
những tấm thảm mềm mại, những nét vàng mạ; khắp nơi, trên mỗi bước người người
ta lại gặp đủ tất cả những sản phẩm kỳ xảo của nghệ thuật phương Đông. Nhưng
Tơrơc Balin không thấy gì khác ngoài cái lưng áo trắng của người nội thị dẫn
đường và một vài cánh cửa bọc lụa dày mà ông cứ ngỡ là cửa phòng Xuntan.
Họ dẫn ông vào một cái phòng nhỏ. Trong phòng không có gì
khác ngoài cái thảm trải trên sàn, một cái đệm ngồi và bên cạnh là một cái chậu
đồng lớn giống cái chậu đựng nước thánh bằng đồng thau ở nhà thờ Buđo, chỉ khác
ở chỗ nó không được đặt trên giá mà trên một phiến đá hoa mỏng và không đựng
nước mà đựng than hồng.
Tơrơc Balin đã biết thứ đồ dùng đó, tên nó là mangan, đó là
lồng ấp mùa đông ở nước Thổ.
Trong phòng không có ai; chỉ có ba tên da đen đứng gác ở ba
cửa phòng. Chúng đứng như những pho tượng với những cây kích sáng loáng. Bêi
Veli cũng ở đó với chúng.
Balin nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông nhìn xuống đến vịnh biển
xanh đang rỡn sóng và thành phố Xkutari ở bên kia bờ vịnh, chẳng khác nào khi
ông đứng bên cửa sổ nhà ông ở Buđo mà nhìn xuống thành phố Pets.
Ông đứng đó độ năm phút thì một bàn tay da đen kéo tấm màn
cửa lên và Xuntan bước vào.
Hắn đến không có tùy tùng, chỉ có một đứa bé da đen gầy gầy
độ mười sáu tuổi đi theo, nó đứng lại ở chỗ cửa, bên cạnh tên lính gác.
Tên bêi sụp lạy, nằm ệp bụng xuống thảm. Balin đứng nghiêm
và nghiêng mình chào. Khi ông ngửng đầu lên, Xuntan đã đứng bên cạnh cái lồng
ấp, hơ đôi bàn tay gầy lên than hồng. Hắn mặc caphơtan màu hạt dẻ viền lông
thú, cái áo dài đến nỗi chỉ còn để lộ mũi đôi hài màu đỏ. Đầu đội tuyban bằng
thứ hàng mỏng. Mặt vừa cạo. Bộ ria mảnh đã bạc rủ dài quá cằm. Họ đứng im lặng
đến một phút, sau đó Xuntan bảo tên bêi:
- Cho ngươi lui.
Tên bêi đứng dậy, cúi chào và đi giật lùi đến cửa. Đến đó
hắn lại cúi chào một lần nữa rồi biến mất.
Xuntan khoan thai mở đầu câu chuyện:
- Đã lâu lắm ta không gặp ngươi. Ngươi chẳng thay đổi tí nào
cả, chỉ có tóc đã bắt đầu bạc mà thôi.
Balin nghĩ thầm: thì mày cũng có trẻ ra đâu, Xôliman. Bởi
lần này gặp lại, ông thấy Xuntan gầy sút đi, những nếp răn đã chằng chịt quanh
đôi mắt bò đực của hắn. Cái mũi của hắn hình như đã dài thêm ra. Mặt hắn bôi đỏ
một cách kệch cỡm.
Nhưng Balin không nói gì cả, ông cứ chờ đợi, chờ đợi đến
nghẹt thở. Xuntan khoanh tay lại nói tiếp:
- Có lẽ ngươi cũng biết rằng nước Hung không tồn tại nữa
(tướng công Balin tái mặt, nín thở). Một vài cái chuồng cừu còn sót lại cũng
chỉ là chuyện ngày một ngày hai thôi. Trong năm nay rồi cũng thần phục cả
(tướng công Balin thở phào một hơi dài). Bởi thế ta cần một tổng trấn có tài
năng ở Buđo. Một tổng trấn không xa lạ đối với người Hung, nhưng cũng không xa
lạ đối với ta. Ngươi là một người xuất sắc. Nếu ngươi nhận chức đó, ta sẽ trả
lại các lãnh địa cho ngươi. Tất cả.
Balin nhìn không chớp, môi ông mấp máy. Nhưng ông vẫn không
nói gì cả nên Xuntan lại tiếp:
- Ngươi hiểu ta nói gì chứ? Ngươi biết tiếng Thổ cơ mà.
- Evet. - Balin trả lời. (Chữ đó có nghĩa là: Vâng).
- Thế đấy, ta muốn cử ngươi làm tổng trấn Buđo.
Vai Balin run lên trong giây lát. Nhưng mặt ông vẫn giữ vẻ nghiêm
nghị và buồn. Cái nhìn của ông chuyển từ Xuntan sang cái lồng ấp mà than hồng
đỏ rực chiếu sáng qua cả lớp hoa lá chạm trổ xung quanh.
Xuntan im lặng một lúc. Có lẽ hắn chờ Balin phục xuống chân
hắn theo lối Thổ: có lẽ hắn chờ ông sẽ hôn tay hắn như kiểu Hung hoặc ít nhất
ông cũng trả lời một câu gì đó. Nhưng Balin chỉ đứng yên và làm như không phải
mình đang đứng trước Xuntan, ông cũng khoanh tay lại.
Xuntan nghiêm nét mặt. Hắn đi đi lại lại hai lượt dọc căn
phòng rồi đứng lại nóng nảy hỏi:
- Có lẽ ngươi không nhận chăng?
Balin sực tỉnh.
Trong mấy phút im lặng vừa qua, tâm hồn ông đã ở một nơi
khác, đã bay qua tất cả các thành trì, lãnh địa, những khu rừng, những cánh
đồng của ông, đã ôm người vợ, đã hôn các con, đã cưỡi trên lưng những con tuấn
mã yêu quý, đã hít thở không khí tự do.
Nghe tiếng hỏi của Xuntan, ông sực tỉnh như vừa qua một giấc
mơ.
- Muôn tâu hoàng đế, - ông nói với một cảm xúc sâu sắc. -
nếu thần hiểu đúng lời của bệ hạ thì bệ hạ định cử thần vào địa vị của Vebơxi.
- Không phải thế. Vebơxi đã chết rồi. Ông ta đã chết ngay
trong năm ngươi về đây. Chúng ta sẽ không bao giờ bổ nhiệm người vào chỗ của
ông ta nữa. Ta muốn ngươi làm một tổng trấn thực thụ. Ta cho ngươi chức tổng
trấn to nhất với quyền tự do hoàn toàn nhất.
Tướng công Balin ngây ra nhìn Xuntan như thể hắn là một cái
gì kỳ quái, cuối cùng ông lại hỏi:
- Nhưng tâu bệ hạ, làm sao lại có thể như vậy được? Bệ hạ cử
thần làm tổng trấn Hung hay sao?
- Không, làm tổng trấn Thổ.
- Làm tổng trấn Thổ ư?
- Tổng trấn Thổ. Ta đã bảo là không còn nước Hung nữa, như
vậy dân Hung cũng không tồn tại nữa.
- Thần phải trở thành dân Thổ ư?
- Tổng trấn.
Balin cúi đầu xuống. Ông thở dài rồi ngước lên nhìn vào mặt
Xuntan và hỏi, giọng trầm trầm buồn bã:
- Không thể làm cách nào khác được hay sao?
- Không.
Tơrơc Balin nhắm mắt lại. Hơi thở nặng nề làm ngực ông phập
phồng. Cuối cùng ông nói:
- Tâu bệ hạ, thần biết rằng bệ hạ không quen nghe những lời
nói thẳng. Nhưng thần thì lại đã sống từ nhỏ đến giờ trong cảnh… Thần không thể
nói điều gì khác với suy nghĩ của mình.
- Vậy ngươi nghĩ gì? - Xuntan lạnh lùng hỏi.
Tướng công Balin tái mặt nhưng vẫn trả lời bằng một giọng
bình tĩnh, cương quyết:
- Thần nghĩ rằng dù cả nước có thuộc về bệ hạ, dù tất cả mọi
người Hung có trở thành dân Thổ đi nữa, thần vẫn không… thần vẫn không… thần
vẫn không!...
* * *
Dọc đường về, bêi Veli kinh hoảng nghe kể lại câu chuyện bí
mật tay đôi. Hắn lắc đầu nói:
- Ông là cái giống mới điên dại làm sao chứ! Đêm nay chắc
ông sẽ vào ngủ trong tháp Máu, nếu không thì cứ chặt cổ ta đi.
Và suốt đêm hắn đi lại ngoài sân, chờ lệnh của Xuntan.
Nhưng lệnh không đến trong đêm đó, cả những ngày tiếp sau
cũng không. Không có thư, không lời nhắn, không có gì hết.
Một tuần sau, lão đại giáo trưởng, vị đại công tước của dân
Thổ đến Bảy Tháp. Lão bảo tên bêi:
- Ta nghe nói có một tên man di tiếng tăm ở đây, tên hắn là
Tơrơc Balin.
- Vâng ạ, - tên bêi cúi mình đáp.
- Pađisa (cầu Ala
phù hộ cho ngài vạn thọ vô cương) đã có nhã ý cử hắn làm tổng trấn xứ Hung của
ta, thế mà con chó vô đạo ấy không muốn cải đạo.
- Đồ chó má.
- Ta đã xin Ngài (cầu Ala
phù hộ cho ngài vạn thọ vô cương) cho ta gặp tên tù nhân ấy, có lẽ ta có thể
làm được một việc gì chăng. Ngươi biết đấy, ta là một lão già từng trải.
- Thưa đại giáo trưởng, ngài là bậc thông thái của những
người thông thái. Xalômông[119] của thời đại chúng ta.
- Ta cũng nghĩ rằng mọi nút buộc đều có cách mở của nó. Chỉ
cần nhẫn nại và khôn ngoan. Biết đâu việc ta tự mang ánh sáng của giáo tổ đến
cho hắn sẽ chẳng làm hắn cảm động? Đầu tiên hắn sẽ chỉ chú ý đến ta rồi sau đó
hắn sẽ chẳng cảm thấy được cái hạt nhân đầu tiên của chân giáo đã gieo vào tim
hắn như thế nào nữa.
- Hắn cũng khá thông minh.
- Rồi ngươi sẽ thấy con ạ, nếu ta hoàn cải được cái tên vô
đạo khốn kiếp này, ta sẽ làm vui lòng đấng pađisa.
Cả hai cùng đồng thanh nói tiếp:
- Cầu Ala phù hộ cho ngài vạn thọ vô cương!
* * *
Ở khắc thứ tám trong ngày, hoặc theo cách tính của chúng ta
là lúc hai giờ chiều, khi tướng công Balin đang ngủ trong phòng, thì tên bêi mở
cửa và mời lão đại giáo trưởng vào.
Tướng công Balin chống khuỷu tay nhổm dậy trên đivăng, bối
rối dụi mắt. Ông nhìn cái nhân vật râu dài như trong kinh thánh mà ông chưa
từng thấy bao giờ, nhưng qua cái áo dài đen và cái tuyban trắng, ông đã nhận ra
ngay cái vẻ giáo sĩ của nhân vật ấy.
- Dậy đi ông Balin. - Tên bêi bảo ông. - Một vinh dự lớn đến
với ông đấy. Đại giáo trưởng đã thân hành đến để dạy bảo ông, ông khá chú ý
nghe lời Ngài.
Hắn lấy cái thảm lót tường ở phía sau giường trải xuống giữa
phòng. Sau đó hắn cởi áo caphơtan của hắn định trải thêm lên trên, nhưng lão
già không nhận cái đó nữa. Lão ngồi xếp bằng tròn, râu vừa chấm đến thảm. Cặp
mắt già thông thái của lão quan sát Balin từ đầu đến chân. Sau đó lão giở quyển
kinh Côran, một quyển sách dày cộp, nhỏ bằng bàn tay, đóng bìa da.
- Các ông muốn gì? - Tơrơc Balin càu nhàu. - Tôi chả đã nói
với hoàng đế rằng tôi không cải làm dân Thổ là gì?
Tên bêi không đáp, hắn nhìn lão đại giáo trưởng. Lão này
không trả lời mà úp quyển sách vào tim, vào trán, vào môi rồi cất tiếng nói:
- Nhân danh Ala
đại từ đại bi. Apđun Kazen Môhamét, con của Apđala, người là con của Apen
Môtalép, người là con của Hazem, người là con của Áp Menáp, người là con của
Kaxi, người là con của Keláp, người là con của Môra, người là con của Kaáp,
người là con của Lôva, người là con của Galép…
Balin ngẩn ra nhìn. Ông mặc áo chẽn vào rồi ngồi xuống ghế
đối diện với lão già. Ông chờ xem cái gì sẽ đến.
Lão già bình thản tiếp:
- … người là con của Pherơ, người là con của Malec, người là
con của Mada, người là con của Kenana, người là con của Kazima…
Balin ngáp dài.
Lão già vẫn tiếp:
- … người là con của Môđreka, người là con của Eliát, người
là con của Môda, người là con của Nada, người là con của Môát…
Lão còn kể ra cả một biển tên, cuối cùng mới lại quay về
Môhamét và câu chuyện xuất thế của ông ta.
Tên bêi lúc đó đã không còn ở trong phòng nữa. Hắn rón rén
lui ra để lo công việc của hắn.
Ở hành lang hắn gặp Moilát cũng vừa ngủ dậy và đang định đến
đánh thức Balin.
- Đừng quấy rầy ông ta. - Tên bêi nói. - Giáo trưởng đang ở
chỗ ông ta. Ông ta đang được khai trí về chân giáo.
- Về đạo giáo Thổ ấy à?
- Ừ, - Tên bêi mỉm cười trả lời rồi vừa nhảy vừa vội vã
xuống thang gác.
Moilát ngẩn ngơ nhìn theo hắn.
* * *
Đoàn hành lễ Ba Tư chưa đi hết, Gergey đã nắm lấy tay Êvo
kéo đi. Chàng lách vào giữa đám đông. Dọc đường chàng bảo gã xigan và Mectsei:
- Đi theo tớ mau! Nguy to rồi!
Mectsei bèn đi lên trước, anh dùng đôi vai rộng mở lối trong
rừng người. Trong lúc đó Yumusac và tên aga đang tức sôi lên ở bên kia đường:
chúng không thể nào chạy ngang qua đám rước thiêng liêng kia được. Bọn lính giữ
trật tự sẽ chẳng để cho chúng chạy qua nào. Hơn nữa, nếu chúng dám làm điều đó
thì hàng trăm thanh gươm đang vung lên trong cơn thịnh nộ mê tín kia sẽ quay
lại chĩa vào chúng ngay lập tức.
Ngoài ra những người Môhameđan [120] và những người xi-i-ta
[121] đang thủ nhau. Dân xi-i-ta cho rằng những tu sĩ ngày nay của đạo Hồi chỉ
làm ô danh các thần thánh, còn dân Thổ thì cho rằng dân Ba Tư là những kẻ tà
đạo.
Chen lấn, xô đẩy hồi lâu, cuối cùng tốp người của chúng ta
thoát ra khỏi đám đông, đi vào một phố nhỏ lúc đó đã tối om.
- Chạy đi thôi! - Gergey nói. - Tớ đã trông thấy lão aga và
thằng Yumusac. Chúng nó có cả lính đi theo nữa.
Họ chạy trong phố tối. Gã xigan chạy trước nhất mặc dù gã
chẳng hiểu vì sao gã phải chạy. Đang chạy gã vấp phải một bầy chó đang ngủ và
ngã lăn kềnh. Một con chó sủa váng lên còn những con khác giật mình chạy dạt cả
ra.
Bạn đọc nên biết Côngxtăngtinôp là thiên đường của loài chó.
Ở đó không có sân hoặc sân đều ở trên mái nhà, vì vậy chó không biết rúc vào
đâu cả. Những con chó mình chồn, lông đỏ đó bèn kéo đàn kéo lũ có khi hàng trăm
con lúc nhúc dọc các phố. Người Thổ không đánh đuổi chúng, hơn thế nữa khi thấy
một con chó đẻ, họ còn vứt ra bên cửa một nắm giẻ rách hoặc một manh chiếu để
giúp đàn chó con có chỗ nằm. Đàn chó hoang này thu dọn, tẩy uế cho
Côngxtăngtinôp. Ngay thời nay người ta vẫn còn đổ tất cả những thùng rác ra bên
cửa. Đàn chó ăn hết rác rưởi, trừ sắt và thủy tinh ra chúng ngốn tất. Vậy mà
đàn chó ấy không xấu xí, cũng không dữ tợn chút nào. Chúng ta tắc lưỡi gọi bất
cứ con nào nó cũng đều vui mừng vẫy đuôi. Không có con nào mà ta không vuốt ve
được.
Thấy gã xigan ngã, cả tốp liền dừng lại, Gergey cười bảo gã:
- Quỷ bắt anh đi, Sakơdi ạ. Làm gì mà anh chạy như điên thế?
- Nếu chúng nó đã đuổi thì phải chạy chứ ạ! - Gã xigan vừa
đứng dậy vừa nói.
- Ở đây không có ai đuổi nữa. Ta thử nghe ngóng xem.
Đường phố yên lặng. Chỉ có tiếng hát thành kính của đám rước
Ba Tư từ xa vẳng đến.
- Tớ không chạy nữa đâu. - Mectsei cương quyết nói. - Đứa
nào xông đến tớ sẽ cho nó một nhát dao.
Chẳng có ai xông đến cả. Gergey nhận xét:
- Chúng nó mất hút chúng ta rồi. Thôi, anh bạn Sakơdi ơi,
đêm nay ta sẽ ngủ ở đâu?
- Trăng sắp lên rồi đấy. - Gã xigan trả lời. - Con có một
người quen, ta có thể ngủ trọ ở đấy được. Nhưng còn hơi xa một chút, ở phía sau
Bảy Tháp cơ.
Iontsi giật mình:
- Ta sẽ đi qua Bảy Tháp à?
- Vâng. Cái quán ta sẽ ngủ chỉ cách thành độ một tầm tên
bắn.
- Anh bảo trăng sắp lên à?
- Vâng. Công tử không thấy chân trời đã rạng đấy ư? Ta đi
nhanh lên. Lão chủ quán là người Hy Lạp. Lão là oa chủ của chúng con đấy. Cho
lão kha khá tiền thì lão bán cả quần áo cho nữa kia.
- Ta không thể xem qua thành Bảy Tháp được ư? - Iontsi hỏi,
giọng run run.
- Ban đêm à?
- Ban đêm.
- Nếu việc quả là gấp đến thế thì cũng được thôi. - Gã xigan
trả lời. - Chỉ cần làm sao cho chúng nó đừng biết.
Nói rồi gã lại đi lên trước. Gã thận trọng bước qua mình
những con chó nằm đầy đường, và bởi trăng đã sáng, lúc nào gã cũng đi bên lề
đường có bóng tối.
Họ đi qua những ngôi nhà và đường phố đã ngủ. Thỉnh thoảng
lại rộ lên vài tiếng chó sủa. Không đâu có một bóng người.
Trăng chiếu sáng những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ. Tất cả đều cùng
một kiểu nhà hai tầng, tầng gác trổ hai cửa sổ có chấn song, nhưng chỉ là chấn
song gỗ. Đó là những cửa sổ harem. Đôi khi có một ngôi nhà đá xen vào, rồi lại
đến những dãy nhà gỗ vô tận.
Gã xigan chợt dừng lại trước một ngôi nhà và ra hiệu cho cả
tốp im lặng. Trong nhà có tiếng trẻ con khóc và tiếng đàn ông. Sau đó đến một
giọng đàn bà cáu kỉnh. Dĩ nhiên thời đó chưa cửa sổ ở đâu có kính và tiếng mắng
con của người đàn bà vọng xuống:
- Xe-xi-ni két-xơ! Hunhođi gheliô! (Nín đi! Hunhođi đến
đấy!)[122]
Đứa bé nín im thin thít. Tốp lữ hành của chúng ta vội vàng
rảo bước.
Chưa đến nửa đêm, cái vịnh biển dãi ánh trăng sao đã lấp
lánh trước mặt họ sau một chỗ ngoặt.
Gã xigan lại dừng bước nghe ngóng rồi nói khe khẽ:
- Chúng ta phải đi bằng thuyền, nếu như tìm được thuyền, và
đi vòng qua Bảy Tháp, vì cái quán ấy ở bên kia Bảy Tháp.
- Bọn Thổ có hay đến uống rượu ở đấy không? - Gergey hỏi.
- Ở quán ấy có cả bọn Thổ đến uống rượu nữa. Có một cái
phòng ở phía trong chỉ toàn bọn Thổ đến uống rượu.
Gã xigan nói rồi chạy dọc bãi cát tìm thuyền, cuối cùng gã
tìm thấy một cái thuyền buộc bên một cái cọc.
Trong nháy mắt đó, bóng dáng nhỏ nhắn của một người mặc y
phục phụ nữ bỗng từ một phố nhỏ chạy vụt ra như một con dơi. Người đó chạy
xuống bãi cát, chỗ gã xigan.
Gã xigan ngạc nhiên nhìn và hỏi:
- Mày đấy hở Tsehan?
Đó là cô con gái của lão trùm. Cô ta vừa thở vừa hỏi:
- Các đeli đâu rồi?
Gã xigan trỏ về phía bóng tối của dãy nhà, nơi tốp Gergey
đang đứng nghe ngóng động tĩnh. Cô gái đến đó nắm lấy tay Êvo và nói:
- Tai họa đang đe dọa các cậu đấy! Một aga mặt quạ với hai
chục lính đang lùng theo dấu vết các cậu.
Êvo nhìn Gergey, nàng không hiểu cô gái kia nói gì.
- Lão aga đã đến chỗ bọn tôi. - Cô gái tiếp. - Lúc các cậu
vừa đi khỏi. Chúng nó khám xét lung tung trong các lều. Chúng đã dùng gươm đánh
cha tôi để bắt khai chỗ trốn của các cậu. Chúng nó sục cả vào trong hang.
- Và chúng mày dẫn chúng nó theo vết chúng ta phải không?
Cô gái lắc đầu:
- Không. Không vì hai cớ. Một cớ tôi không nói đâu. (Và cô
gái liếc nhìn Êvo). Cớ thứ hai là vì Sakơdi đi theo các cậu, chú ấy có thể bị
giết.
- Mày thành thật đấy. - Gergey mỉm cười nói. - Chúng ta đã
gặp chúng nó rồi.
- Chúng nó đang đến đây đấy! Chúng nó đang đuổi theo các cậu
đấy. Lại đây mau lên! Chạy đi!
- Các cậu xuống thuyền đi. - Sakơdi gọi.
- Biển sáng trăng thế này. - Cô gái tỏ ý lo ngại.
- Đành vậy thôi. - Gergey đáp. - Ở đây cũng chẳng còn cái
thuyền nào khác. Dù chúng nó có thấy ta, cũng phải mất khá nhiều thời giờ chúng
nó mới tìm được thuyền.
Trăng soi sáng ngoài mặt biển và bức tường thành cao, khoảng
giữa bức tường, bốn vọng lâu soi mói nhìn ra biển giống như bốn gã khổng lồ đội
nón vươn bóng đen ngòm trên nền sáng của đêm trăng.
Khi họ đến bên con thuyền, từ trong phố có tiếng lách cách
của binh khí vẳng ra.
- Chúng nó đến rồi đấy! - Cô gái xigan hốt hoảng kêu lên.
Đàn nhái nhảy xuống nước cũng không nhanh hơn mấy người lữ
hành của chúng ta nhảy xuống thuyền.
- Thuyền chật quá! - Gergey kêu, nhưng tiếng kêu của chàng
bị át đi trong tiếng thét vang trên bờ.
Cô gái cũng nhảy xuống thuyền. Mectsei giằng lấy mái chèo
trong tay gã xigan và giật một cái đứt tung cả dây néo.
- Các cậu ngồi xuống!
- Anh đẩy thuyền ra đi! - Gergey bảo anh.
- Khoan đã. - Mectsei đáp lại, anh vung mái chèo lên chờ tên
Thổ đầu tiên, chạy vượt các đồng đội của nó hàng trăm bước, đang xông về phía
họ.
- Mày cứ việc lại đây, đạo sĩ ạ! - Mectset giận dữ quát. -
Lại đây!
Nhưng Yumusac nhìn thấy cây chèo vung lên thì sợ hãi lùi
lại, thanh gươm lấp lánh trong tay hắn hạ xuống.
- Lại đây nào! - Mectsei lại quát lên, và chẳng những anh
không đẩy thuyền ra mà còn vác cây chèo xông vào Yumusac.
Tên đạo sĩ thấy Mectsei xông đến liền quay mình chạy trở
lui.
- Nhanh lên! - Gergey kêu.
Mectsei bình tĩnh đi xuống thuyền và đẩy một cái tách thuyền
ra khỏi bãi.
Trong lúc đó độ mươi tên Thổ cũng đã xuống đến bãi, hò hét
inh ỏi nhìn theo con thuyền bập bềnh.
Chuyến hàng quả thật quá nặng. Mạn thuyền chỉ còn cách mặt
nước chưa đầy một gang tay. Mọi người phải ngồi thật yên cho con thuyền khỏi
chòng chành.
Bọn Thổ chạy ngược chạy xuôi trên bờ để tìm thuyền.
Mectsei quay sang hỏi gã xigan:
- Về phía nào đây?
Gã xigan ngồi xổm ở mui thuyền, răng đánh vào nhau lập cập,
phải cố gắng lắm gã mới trả lời được:
- Đi vòng qua thành.
- Bên kia thành là cái gì?
- Chả có gì cả.
- Rừng hay đồng?
- Vườn cây. Bụi lúp túp.
Cô gái xigan kêu lên:
- Chúng nó tìm được thuyền rồi.
Quả nhiên một chiếc thuyền nhỏ đã rời bến, chở đầy lính. Sáu
tên ngồi trong thuyền, nhưng chúng nó cũng chỉ có hai mái chèo thôi.
Bọn còn lại chắc đang đi tìm thêm thuyền khác nữa.
- Ta có mấy người? - Mectsei hỏi.
- Tám. - gã xigan đáp.
- Chỉ có sáu thôi, vì anh và cô gái không phải là chiến sĩ.
Họ im lặng chèo về hướng đông. Chiếc thuyền chở lính Thổ
đuổi theo họ.
- Nếu chúng nó không đến nhiều hơn, tớ sẽ làm việc bằng mái
chèo, còn các cậu thì tùy khả năng. - Mectsei đề nghị.
- Ở đây khó lòng mà đánh nhau được. - Gergey nói. - Nếu
chúng nó đuổi kịp ta, cả hai thuyền đều sẽ lật nhào hết. Tôi đề nghị anh hãy
chèo về phía Xkutari.
- Ai không biết bơi nào?
- Thưa công tử, con ạ - gã xigan run rẩy đáp.
- Nếu thuyền lật thì nhớ bám vào mũi thuyền nhé.
- Không phải thế đâu, anh Mectsei ạ. - Gergey bình tĩnh nói.
- Anh cứ chèo thẳng sang bờ bên kia, đến chỗ nào nước ngang lưng để chúng ta có
thể đứng được.
- Rồi sao nữa?
- Tôi có gói hai cân thuốc súng đây. Tôi đã nhào nước và đặt
ngòi. Hễ chúng nó đến gần tôi sẽ ném vào giữa thuyền của chúng. Lúc đó anh hãy
nhảy ra khỏi thuyền, sau đến lượt tôi, rồi Iontsi, rồi đến Mochi. Bọn Thổ sẽ
luống cuống, ta có thể xử gọn từng tên một.
Chàng đưa bùi nhùi và thép cho gã xigan và bảo:
- Kéo lửa lên, Sakơdi.
Mectsei rẽ thuyền sang phía bờ châu Á. Bờ còn xa lắm, còn
phải chèo hơn một tiếng nữa mới tới được. Họ ngồi im lặng trong thuyền, Mectsei
và Mochi thay nhau chèo. Thỉnh thoảng họ lại thọc sâu mái chèo xuống nước, có
khi thò cả tay xuống đến khuỷu nhưng vẫn chưa chạm đáy.
Bọn Thổ vừa hò hét vừa đuổi theo.
Gergey thò tay xuống biển và nhồi thuốc súng trên lưng
Sakơdi thành một cái bánh đen, dày độ một ngón tay.
- Nào, Êvo của anh, bây giờ em cho vào giữa một ít thuốc
khô.
Êvo mở nút ống đựng thuốc súng, đổ thuốc khô vào giữa cái
bánh kẹp. Gergey gập cái bánh kẹp lại, nắm thành vắt rồi gói vào khăn tay, chỉ
để chừa một khe hở có thể châm lửa vào thuốc súng.
- Đất, - Mectsei bỗng nói mặc dù họ vượt quá giữa vịnh biển
chưa được bao lăm.
Anh làm việc rất khá. Khoảng cách giữa họ và bọn Thổ không
hề giảm bớt. Thuyền bọn Thổ cách họ một khoảng bằng tầm của một người khỏe tay
có thể ném một viên sỏi dẹt.
- Bùi nhùi có cháy không? - Gergey hỏi.
- Có, - gã xigan đáp.
- Cứ giữ lấy. Còn anh Mectsei, bây giờ anh hãy chèo chậm
lại, và từ từ quay ngang thuyền ra, chỉ cần chú ý sao cho chúng nó đừng đâm vào
ta. Nếu chúng lao rất nhanh thì cứ để cho chúng vượt qua bên cạnh.
- Tớ sẽ tránh, cậu đừng lo.
- Khi nào hai bên chỉ còn cách nhau độ mươi bước, gã xigan
phải tụt từ mui thuyền xuống nước, cô gái xigan cũng thế. Có lẽ cả em nữa Êvo
ạ, nhưng chỉ khi nào anh đã ném lửa đi. Đừng để chúng nó biết nước ở đây chỉ
đến thắt lưng. Cứ để cho chúng nó bơi.
Gergey dùng răng thắt chặt thêm múi khăn rồi tiếp:
- Nếu lửa hắt chúng nó ra khỏi thuyền thì anh Mectsei cứ
ngồi yên trong thuyền với đôi mái chèo. Tôi và Iontsi, hai đứa chúng tôi nhảy
xuống nước và cạo râu những đứa bơi. Nếu chúng nó thật hoảng hốt thì Mochi cố
cướp lấy thuyền của chúng và chém những đứa bám vào thuyền.
- Thế còn con? - gã xigan hỏi.
- Ba người nhảy xuống nước phải giữ lấy thuyền của ta cho
Mectsei khỏi bị lật.
Chàng lại ghé vào tai Êvo nói nhỏ:
- Em tụt xuống mạn thuyền bên kia ấy nhé và nhớ ngụp xuống
kẻo thuốc súng bắn vào mặt đấy. Sau đó em giật lấy một mái chèo, hễ thấy tên
Thổ nào vào gần em thì quật. Dù sao mái chèo vẫn dài hơn gươm.
Bọn Thổ thấy khoảng cách giữa hai thuyền đã ngắn lại dần thì
đắc thắng hò reo, chứng tỏ chúng tin chắc vào thắng lợi. Khi hai bên chỉ còn
cách nhau độ ba chục bước, Mectsei thò mái chèo xuống nước rồi bảo:
- Nước đến ngang thắt lưng.
- Thế thì dừng lại. - Gergey đáp và đứng dậy trên sạp thuyền
bảo gã xigan:
- Đưa bùi nhùi đây.
Chàng lại gọi sang phía bọn Thổ:
- Chúng mày muốn gì?
- Mày khắc biết ngay thôi! - Bọn chúng trả lời kèm theo một
chuỗi cười như sói hú.
Gergey đưa bùi nhùi và gói thuốc nổ cho Êvo rồi cầm miếng
ván bắc ngang trên thuyền lên.
Bọn Thổ gươm lăm lăm trong tay, mồm ngậm chủy[123]. Hai mái
chèo của chúng khua nước oàm oạp mạnh mẽ.
Chúng đã tới gần. Gergey ném miếng ván về phía trước mũi
thuyền của chúng làm nước bắn tung tóe.
Tên Thổ đang ngồi quay lưng lại chèo thuyền thấy nước bắn
vào cổ liền ngừng chèo quay lại nhìn. Con thuyền tự nó trôi lại gần hơn nữa.
Khi thuyền của chúng đã đến gần không đầy mười lăm bước nữa,
Gergey châm bùi nhùi vào gói thuốc nổ. Thuốc nổ cháy lên xèo xèo. Gergey chờ
một tí, rồi với một động tác chính xác, chàng ném vào thuyền bọn Thổ.
Bọn Thổ thấy con rồng lửa bay đến thì tránh dạt cả ra. Con
thuyền của chúng bỗng hóa thành một cái giếng phun lửa, nổ to một tiếng, rồi
một cột lửa cao độ ba sải tay bốc lên giữa bọn chúng. Con thuyền lật sấp. Sáu
tên Thổ nhảy ra sáu hướng, rơi tõm xuống vịnh biển.
- Đánh đi! - Gergey thét lên.
Nhưng ánh lửa lóe lên đã làm họ quáng mắt, chả ai thấy gì
hết. Một lát sau Gergey mới nhìn thấy tên Thổ đầu tiên, hắn bám vào con thuyền
của họ và lôi mạnh Gergey ra khỏi thuyền. Gergey bổ cho hắn một nhát gươm.
Chàng cảm thấy thanh gươm chạm vào vật rắn.
- Đánh đi! - Chàng lại thét.
Nhưng các bạn của chàng cũng chỉ làm việc một cách quờ
quạng. Khi nhãn lực đã hồi phục, họ trông thấy Mectsei đang vật lộn dữ dội dưới
nước với một tên Thổ vạm vỡ, Gergey lại vung gươm chém tên Thổ ấy. Nhát gươm
trúng đầu. Tên Thổ liền quay lại đấm vào vai Gergey một cái mạnh đến nỗi chàng
suýt ngã. Nhưng Mectsei đã ôm lấy tên Thổ, từ phía sau anh xiết lấy cổ nó và
nhận chìm xuống nước. Anh cứ giữ như thế cho đến khi nó thôi không còn sủi bong
bóng nữa.
* * *
Một buổi chiều tháng năm, ba chàng thanh niên Ý mặc quần áo
nhung và hai cô gái Ý vận váy ngắn đến trước cổng thành Bảy Tháp. Một thanh
niên và một cô gái cầm đàn kôbô. Cô gái kia ôm một cái trống cơm dưới nách.
Tên lính gác đang đứng gật gà gật gù trong bóng mát, nếu
thỉnh thoảng không có bọn lính đi qua đi lại dưới cổng thì có lẽ hắn đã vừa
đứng vừa thiu thiu ngủ.
Trông thấy người lạ, hắn chĩa giáo về phía họ vào hỏi:
- Chúng bay muốn gì?
- Chúng tôi là ca công người Ý. - Một người trả lời hắn. -
Chúng tôi có chuyện muốn thưa với quan phòng thành.
- Không được.
- Chúng tôi có chuyện cần lắm.
- Không được.
- Tại sao lại không được?
- Ngài đã dặn tao không được cho người lạ vào. Ngài đang bận
nhiều việc. Ngài đang sửa soạn hành lý.
Bên tường thành có bốn năm tên lính vừa đứng vừa ngồi xổm
trong bóng mát. Một mụ già xigan đang gieo quẻ bói cho chúng bằng cách lắc
những hạt đậu ngũ sắc trên một cái sàng.
Cô gái Ý nhỏ nhất bèn mạnh dạn đi lại chỗ đó và nói với mụ
xigan:
- Thím ơi, ông lính gác không muốn cho chúng tôi vào. Thím
làm ơn nhờ một người vào báo giúp với bêi Veli rằng chúng tôi mang quà đến biếu
ngài.
Mụ xigan đang gieo một quẻ hay lắm thì phải, mụ chia chỗ hạt
đậu ra làm năm cụm rồi nói với tên lính:
- Bóng dáng vận hạnh của thầy đã hiện rõ rồi đấy, nhưng tôi
sẽ không nói cho thầy biết đâu nếu thầy không vào báo cho ngài bêi hay rằng có
mấy người Ý mang quà đến biếu ngài.
Tên lính đang xem bói đã đỏ mặt lên vì tò mò. Hắn gãi vào cổ
một cái rồi đứng dậy vội vã đi vào.
Chưa đầy mười phút sau hắn đã trở ra vẫy tay gọi mấy người
Ý.
- Đi theo ta.
Hắn đi trước dẫn họ qua mấy dãy hành lang, qua một cái vườn
bên cạnh nhà xay rồi lại qua một cái vườn nữa đầy những luống rau xà lách rất
to.
Tên lính nhổ một búp xà lách, nhấm nháp từng lá một. Hắn mời
cả hai cô gái. Cô gái xigan nhận một lá và đưa mời cô kia.
- Cám ơn Tsehan, tôi không ăn.
- Ăn đi! Ngon đấy.
- Tôi biết là ngon nhưng chúng tôi không quen ăn thế này.
- Vậy thì ăn thế nào? Ăn với muối à?
- Với muối, nhưng chủ yếu là với thịt gà rán.
Một thanh niên Ý luôn luôn phải phiên dịch cho hai cô gái,
nhưng vì họ cứ nói chuyện luôn miệng mà người phiên dịch đôi lúc lại quay nhìn
chỗ khác nên cô gái chốc chốc lại nhắc:
- Anh Gergey, Tsehan nói gì thế?
Cái vườn họ đang đi qua nằm giữa hai bức tường cao. Đây là
một cái thành hai lớp. Hai cái tháp ở giữa nối liền nhau bằng một bức tường
riêng.
- Mấy cái tháp cũng đều hai lớp tường thế cả. - Cô gái xigan
nói với Gergey. - Có lần một tên lính đã nói chuyện ở đằng quán trọ là mấy cái
tháp này chứa đầy vàng bạc. Một lần đến quét dọn ở đấy nó đã nhìn qua lỗ khóa.
Iontsi buồn bã nói:
- Vì thế nên mới đến ngần ấy lính canh giữ.
Chàng trai này rất bồn chồn, lúc thì đỏ mặt tía tai, lúc lại
tái xanh và cứ nhìn ngó, nghe ngóng khắp tứ phía.
Họ đến chỗ nhà ở của tên bêi. Dọc tường thành phía trong
không còn nhà nào khác, chỉ có rất nhiều đại bác cỡ lớn, đặt cách nhau cứ năm
mươi bước một khẩu. Cạnh các khẩu súng đạn gỉ sắp thành từng đống hình chóp.
Sân nhà tên bêi đầy những hòm xiểng và các bộ phận của một
cái trướng bằng vải đỏ. Binh khí, đồ dùng dã chiến và các thứ thảm nằm la liệt
trên lối đi rải sỏi và trên các luống hoa được chăm sóc cẩn thận. Kẻ rời khỏi
nơi đây chắc chắn sẽ không gặp mặt kẻ đến thay hắn.
Mươi - mười lăm tên lính đang xếp đồ đạc vào các hòm xiểng.
Tên bêi đứng giữa đám lính và cũng đang ăn xà lách sống, không có thịt gà rán.
Hắn gọi mấy người Ý sang bên góc tường vọng lâu rồi ngồi lên
bánh xe một khẩu đại bác nòng chĩa ra ngoài và tiếp tục nhấm xà lách.
- Nào, các ngươi muốn gì? – Hắn vui vẻ hỏi.
Gergery bước lên, bỏ mũ ra cầm ở tay, nói bằng tiếng Thổ.
- Bẩm ngài, chúng con là những ca công người Ý. Đêm qua
chúng con đánh cá dưới chân thành, vì ngài cũng biết chúng con là dân nghèo nên
đêm đêm phải đánh cá thêm. Nhưng đêm qua chúng con không chỉ đánh được cá. Khi
kéo lưới lên, chúng con thấy có một cái gì lấp lánh ở trong lưới. Chúng con
nhìn xem thì hóa ra là một cái đĩa bằng vàng tuyệt đẹp.
- Chà, lạ nhỉ!
- Quả vậy, thưa ngài. Mời ngài xem, nó đây, đã bao giờ ngài
thấy một cái đĩa đẹp hơn thế này chăng?
Chàng thò tay vào ngực lấy ra một cái đĩa nhỏ bằng vàng có
chạm nổi hình các thần thánh Hy Lạp ở giữa.
- Trời! - Tên bêi thốt lên, mắt đờ đẫn trước cái đĩa đẹp.
- Chúng con cũng chưa bao giờ thấy một cái gì đẹp đến thế.
Chúng con đã bàn nhau nên làm gì với nó bây giờ. Nếu đem bán, người ta sẽ đổ
tội cho chúng con ăn cắp và trời có biết chúng con sẽ gặp những tai vạ gì. Nếu
không bán thì cái đĩa có nghĩa lý gì đối với kẻ chẳng có gì để bày lên đĩa?
Tên bêi lật đi lật lại cái đĩa, nhấc nhấc thử rồi nói:
- Tại sao các ngươi lại mang đến cho chính ta?
- Thưa quan lớn, chính đó là điều con đang muốn thưa với
ngài. Lúc chúng con đang bàn nhau như thế thì chúng con sực nhớ có một vị ân
nhân của chúng con đang bị giam ở thành Bảy Tháp này, một vị tướng Hung. Hồi
nhỏ con và em trai của con đã từng là nô lệ của ông ấy.
- Ông ta đã đối xử tốt với các ngươi à?
- Ông ta đã cho chúng con học hành và thương như con đẻ. Vì
vậy chúng con mới nghĩ đến chuyện xin ngài cho phép chúng con vào hát cho ông
ấy nghe một bữa.
- Ra vì thế mà các ngươi mang cái đĩa đến cho ta ư?
- Vâng ạ.
- Các ngươi hát hay lắm à? Vậy thử hát cho ta nghe một bài
xem nào.
Năm người Ý liền đứng thành vòng, hai người dạo đàn kôbô và
họ đồng thanh hát:
Mama
Mama
Ora, muoio
Ora, muoio!
Desio tal cosa.
Cheall orto ci sta [124]
Tiếng hát của hai cô gái như tiếng hai cây vĩ cầm, giọng của
Gergey và Iontsi như hai ống sáo, còn giọng của Mectsei như tiếng phong cầm.
Tên bêi ngừng cả việc nhai xà lách, cả việc ngắm cái đĩa,
dường như người ta có thể thấy tai hắn dỏng lên thật sự.
- Các ngươi là tiên đồng hay quỷ sứ thế? - Hắn kinh ngạc kêu
lên.
Thay cho câu trả lời, tốp ca công lại bắt sang một bài hát
mới. Cô gái xigan xoay người tiến ra giữa vòng và vừa gõ trống vừa múa trước mặt
tên bêi.
- Ta có thể xem các ngươi múa hát ba ngày ba đêm liền cũng
được. Nhưng sáng mai ta đã phải khởi hành sang Hung rồi. Các ngươi hãy nhập bọn
với ta, ngay bây giờ cũng được hoặc dọc đường cũng được. Ta sẽ hậu đãi các
ngươi, tiền công ta cũng sẽ trả. Các ngươi không bao giờ phải lo nghĩ gì nữa.
Năm người Ý đưa mắt hỏi nhau, Gergey nói:
- Thưa quan lớn, về việc đó chúng con phải bàn bạc đã. Nhưng
trước hết, nếu quan cho phép điều chúng con đã yêu cầu...
- Ta vui lòng cho phép các ngươi, nhưng các ngươi muốn vào
thăm ai?
- Dạ, đến chỗ tướng công Tơrơc Balin.
Tên bêi hơi bực mình xòe bàn tay ra:
- Đến chỗ Tơrơc à? Gay đấy. Ông ta đang phải đeo một tạ.
- Đeo một tạ gì ạ?
- Chả là ông ta đã đối xử thô bạo với đại giáo trưởng.
Mặc dù vậy tên bêi vẫn thực hiện lời thỉnh cầu của tốp ca
công Ý. Hắn giao họ cho một tên lính và ra lệnh cho tên lính phải dẫn Balin ra
sân dù ông ta muốn hay không cũng mặc - vì có mấy người Ý muốn hát cho ông ta
nghe.
Cửa thành trong cũng đã mở. Sân thành này chẳng lớn gì hơn quảng
trường Ejêbet ở Pets. Hai người bạn cờ lúc đó cũng đã ngồi dưới cây tiêu huyền.
Môrê cũng ngồi ở đó xem đánh cờ: cả Moilát cũng có mặt ở đó và cứ nói chõ vào
các nước cờ làm ông hoàng Ba Tư rất bực.
Cái xiềng một tạ vừa đúng lúc thay chủ.
Tên lính giữ năm người Ý lại bên cổng để chờ người ta dẫn
tướng công Balin từ trong chuồng sắt ra. Hai tên lính phải nâng xiềng lên ông
mới đi được. Chúng nó đã đặt một cái ghế ra sân và dẫn ông đến ngồi xuống đấy.
Chúng nó vẫn còn tử tế để ông ngồi vào chỗ bóng râm. Ở đó ông có thể tha hồ
ngồi. Mà không ngồi thì ông cũng chẳng nhúc nhích đi đâu được với cái xiềng to
bằng bắp cày ấy.
Ông ngồi xuống ghế mà chẳng hiểu vì sao chúng nó lại bắt ông
ra ngồi ở đấy. Ông mặc áo sợi lanh mùa hè. Trên đầu không có mũ, chỉ có mớ tóc
dài lòa xòa như bờm đã bạc trắng. Hai tay ông bị xiềng kéo xuống hai bên ghế.
Mỗi cái vòng xiềng như thế nặng năm chục bảng. Những cánh tay già yếu của ông
không còn đủ sức để nâng chúng lên nữa. Mặt ông tái nhợt, đau khổ.
- Vào được đấy. - Tên lính bảo năm ca công.
Họ từ cổng tiến vào rồi dừng lại thành một hàng trước mặt
tướng công Balin, cách chưa đầy năm bước.
Những người đang đánh cờ cũng bỏ cuộc. Cái gì thế nhỉ? Thế
này thì ra là một cuộc vui thú vị quá: ca công Ý trong thành Bảy Tháp! Họ đến
đứng sau lưng Tơrơc Balin chờ nghe hát và đặc biệt chờ xem điệu nhảy của hai cô
gái.
- Cô trẻ hơn không phải dân Ý. - Ông hoàng Ba Tư nhận xét.
- Giữa trăm người cũng nhận ra được là dân xigan. - Moilát
đáp.
- Nhưng mấy người kia thì đúng là dân Ý.
Tình cờ cả mấy người đều rám nắng: Mectsei vạm vỡ nhất,
Gergey cao nhất, Iontsi có đôi mắt đen nhất, Êvo đã xoa dầu hồ đào để làm nước
da nâu lại, tóc của cô cũng lấp dưới cái mũ đỏ kiểu Phơrighia[125] như tóc của
những người khác.
Năm người Ý cứ đứng ngẩn ra ở đấy.
- Nào, hát đi chứ. - Tên lính bảo họ.
Nhưng họ cứ đứng sững ra nhìn, mặt tái cả đi. Nước mắt từ từ
lăn trên gò má anh chàng Ý trẻ nhất, và cả trên má một người khác nữa.
- Hát đi chứ, cái bọn hề chó đẻ này! - Tên lính Thổ mắng họ.
Anh chàng trẻ nhất bèn ngập ngừng bước lên, phục xuống trước
mặt người tù mang nặng cùm xích và ôm lấy chân ông.
- Cha ơi! Cha yêu quý của con!
* * *
Đằng sau nhà thương Acmêni, cách thành Bảy Tháp độ một tầm
tên bắn, có một quán rượu nhỏ đứng lẻ loi một mình.
Trước kia hình như đó là một biệt thự, một ngôi nhà nghỉ mát
bằng đá hoa từ cái thời mà thành phố Côngxtăngtinốp còn được gọi là Bizăngxơ.
Nhưng than ôi, thời gian và những trận động đất đã làm sụt lở những viên đá
hoa, làm gãy gục những cột lan can ở hàng hiên, những bông hoa đá trên cửa sổ,
xô lệch những bậc thềm và trồng những cây leo vào kẽ hở của các cột lớn. Cái
biệt thự nghỉ mát đã trở thành một quán rượu tồi tàn. Tất cả mọi loại người đều
đến đó, và lão chủ quán có tên là Minxiađét còn hành thêm một nghề phụ nữa là
nghề oa trữ.
Gã xigan đã dẫn các thanh niên của chúng ta đến đó.
Minxiađét dành chỗ trọ, bán quần áo Ý và cái đĩa vàng cho họ, dĩ nhiên là với
giá cắt cổ.
Màn kịch trong thành Bảy Tháp không thành công theo đúng ý
định, suýt nữa đã đưa họ vào vòng tai họa. Tên lính lập tức bẩm ngay với tên
bêi rằng những người Ý hình như là họ hàng thân thuộc gì đó vì họ khóc nức nở
bên cạnh người tù. Nhưng lúc đó tên bêi đã chẳng quan tâm gì lắm đến Bảy Tháp
nữa. Thuộc quốc Hungari đang choán hết mọi ý nghĩ trong đầu óc hắn. Ở Bảy Tháp
hắn cũng chỉ là một tên tù. Hắn phải sống ru rú giữa mấy bức tường thành và
hằng năm chỉ được bước ra ngoài một bận để cầu kinh ở đền thờ Ala Xôphia.
- Đồ ngu như lừa! - Hắn mắng tên lính. - Mấy tên Ý này trước
kia là nô lệ của ông ấy, còn bây giờ là nô lệ của ta.
Hắn đang định xếp cái nghiên mực vào hòm. Hắn rút bên cạnh
nghiên mực ra một cái bút sậy, chấm vào mớ bông tẩm mực rồi viết mấy dòng lên
một mảnh giấy bằng bàn tay, viết xong hắn đưa cho tên lính đang đứng ngơ ngác
và bảo:
- Đây, đưa cái này cho những người Ý và dẫn họ ra cổng.
Không được động đến họ đấy, nghe không?
Khi tên lính ấn vào tay chàng, Gergey lập tức đọc ngay mấy
dòng chữ đó. Đó là mấy dòng chữ Thổ có nghĩa như sau:
“Năm ca công người Ý này thuộc quân lữ của ta. Ta cho họ tờ
chứng chỉ này để đừng ai động chạm đến họ khi vắng mặt ta”.
Bêi VELI.
Gergey mừng rỡ cất mảnh giấy đi. Chàng nhìn vào mặt tên
lính. Chàng đã trông thấy cái mặt cú vọ này ở đâu nhỉ. Ở đâu ấy nhỉ? À, đúng là
thầy quyền đã uống rượu ở đằng quán lão Hy Lạp tối hôm trước, giữa đám thủy thủ
và đám người làm công nhật. Cứ trông cái mũi đỏ của hắn cũng đủ biết nếu một
ngày kia đến trước Môhamét thể nào hắn cũng bị gạt sang dãy ghế của những kẻ có
tội.
- Thầy cũng đi theo ông bêi chứ? - Gergey hỏi khi họ đi qua
cổng và giúi vào tay hắn một đồng năm talê bạc.
Được đồng talê, tên lính vui vẻ hẳn lên đáp:
- Không. Ngài bêi chỉ đem thợ đào hầm lò và lính tình nguyện
đi theo mà thôi. Từ ngày mai chủ tướng của ta sẽ là bêi Izơmain.
- Nhưng ông ta đã ở đây đâu?
- Chưa, ông ta đang ở trong cái nhà có giàn nho dại kia kìa.
Tên lính nói và chỉ về phía một cái nhà có nho dại leo đầy
trên mái, đó là một cái nhà xây dựa lưng vào tường thành cổ Bizăngxơ. Có lẽ nó
được xây nên bằng đá của chính cái tường thành cổ ấy cũng nên.
Buổi tối, tên lính mặt cú đã đem đồng talê đi uống ở đằng
lão Hy Lạp.
Mấy thanh niên của chúng ta ăn tối trong một căn phòng nhỏ
xinh xắn. Họ ăn cháo đặc với thịt cừu, vừa ăn họ vừa bàn đến chuyện trở về cùng
tên bêi hay đi một mình. Rõ ràng là nguy hiểm đang bám sát gót họ và còn rõ
ràng hơn nữa là họ không thể nào giải thoát được cho tướng công Balin được.
- Ta nên về theo tên bêi, đó là điều thông minh nhất mà
chúng ta có thể làm được.- Gergey có ý kiến.
Mectsei càu nhàu:
- Tớ không hát cho hắn nghe nữa đâu. Có lưỡi tầm sét ầm ì
của nhà trời hát cho nó nghe thì có.
- Thế thì anh cứ giả vờ khản cổ vậy. Sao ta lại không hát
cho hắn nghe nhỉ? Tục ngữ đã chẳng có câu: “Ngồi xe ai hát bài người ấy” đó
sao?
- Nếu ở nhà người ta biết chúng mình đi giải trí cho bọn
Thổ...
- Sao lại không nhỉ? Ở đây ta hát cho chúng nó nghe, về nhà
ta sẽ bắt chúng nó nhảy nhót.
Iontsi không bắt chuyện. Cậu ngồi thừ người suy nghĩ, nước
mắt cứ ứa ra. Gergey đặt tay lên vai cậu và bảo:
- Đừng khóc nữa, Iontsi ạ. Cái cùm to ấy có phải là vĩnh
viễn đâu. Có thể đến mai chúng nó sẽ tháo ra cũng nên.
- Tôi chưa nói được chuyện gì với cha tôi cả, chỉ trả lời
được mỗi câu hỏi của người về Pherikô. Tôi bảo rằng nó ở nhà để nhỡ tôi có chết
dọc đường thì vẫn còn lại với mẹ tôi một đứa.
Tất cả đều im lặng, thông cảm nhìn cậu.
- Nhưng tôi mới dại làm sao chứ. - Iontsi tiếp. - Tôi đã ăn
mặc như hề để lần mò vào với cha tôi, mặc dù tôi vẫn có thể đến thăm một cách
đàng hoàng. Sau chuyến này tôi còn có thể đi vào đó nữa không? Giá như ít ra
tôi đã đưa được tiền cho cha tôi.
Cô gái xigan bưng bát đi ra. Trăng lên rọi vào phòng làm mờ
bớt ánh sáng của cây đuốc nhựa.
- Cần phải thử thêm một chuyến nữa mới được. - Gergey lên
tiếng. - Có thể nói tiền chúng ta hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Iontsi này, chỗ
cậu còn một nghìn đồng vàng, nơi tôi ba trăm. Chỗ Mectsei còn đủ để chúng ta về
đến nhà. Chỗ Êvo cũng thế.
Cô gái xigan trở lại.
- Các anh không sang xem tên Thổ cú à? Nó đã say đến nỗi ngã
lăn xuống ghế. Sakơdi cũng uống bằng tiền của nó nhưng chưa say. Anh ta đang
chơi xúc xắc với Mochi.
Khi thấy chỉ mỗi mình mình cười, cô ta liền im bặt. Cô ngồi
xuống chiếu bên cạnh họ và chống tay lên cằm nhìn Êvo.
- Tên bêi mới đến chắc chắn sẽ vồ lấy tiền. - Gergey lại
nói. - Hắn cũng vồ lấy như những đứa khác thôi. Biết đâu hắn lại chẳng làm được
chút gì? Xưa này tiền bạc vẫn là cái chìa mở được mọi ổ khóa.
- Tôi sẽ đưa cho nó tất cả số tiền tôi giữ đây. - Iontsi trả
lời. - Tôi sẵn sàng hiến cả tính mạng của tôi nữa.
- Vậy thì ta hãy thử một keo cuối cùng nữa.
- Tối nay anh làm thế nào mà đến chỗ tên bêi được?
- Hắn sẽ bắt cậu ngay. - Mectsei nói. - Hắn sẽ nghe cậu nói,
tiền hắn cũng sẽ nhận, nhưng cậu cũng sẽ ở lại đó.
Gergey mỉm cười.
- Tôi có khờ đến thế đâu. Tôi có mang bộ mặt của tôi đến đó
đâu.
- Thế thì làm sao?
- Tôi sẽ cải trang làm lính Thổ.
Iontsi nắm lấy tay Gergey:
- Anh làm thật chứ, Gergey? Anh làm thật chứ?
- Tớ bắt đầu ngay bây giờ đây.
Gergey trả lời rồi đứng dậy gọi lão chủ quán Minxiađét vào.
- Chủ quán này, ta cần một bộ quần áo lính Thổ, một bộ giống
như của bọn lính canh thành Bảy Tháp.
Lão Hy Lạp vân vê bộ râu đen mọc thành từng chòm. Lão đã
quen với việc ăn mặc cải trang của mấy người khách này, lão cũng đã quen mỗi
ngày lại được hai ba đồng tiền vàng. Quỷ bắt họ đi, dù họ có là tướng cướp hay
là phường ăn cắp vặt thì cũng mặc, cái chính là họ trả tiền hậu hĩnh. Lão cũng
đã đề nghị với họ đến ở cái phòng ngầm dưới đất.
- Quần áo như thế thì hiện nay tôi không có. - Lão nói và
nháy mắt. - Nhưng trong quán hiện có một
tên Thổ say bí tỉ, và ta có thể lột lấy cái tuyban và cái áo choàng của hắn.
- Thế cũng được. Nhưng ta cần cả râu nữa.
- Của ấy thì vô khối.
- Nhưng ta cần bộ râu giống như của tên lính kia mới được.
- Như thế cũng có.
Lão quay ra và chưa đầy năm phút sau đã trở lại với một ôm
đủ các loại râu, lông đen và nhựa.
- Để tôi dán cho chứ?
- Lão dán đi. Làm cho ta có bộ mặt giống như của tên Thổ ấy.
Gergey ngồi xuống. Minxiađét bắt tay vào việc.
- Lão có biết ông bêi mới đến Bảy Tháp không?
- Sao lại không. Trước kia hắn là pháo thủ.
- Lão biết gì về hắn?
- Đần độn. Hắn chỉ uống nước lã, óc hắn cũng loãng như nước
[126]. Hắn không biết viết.
- Bọn quan lại khác cũng có biết viết đâu. Cùng lắm chúng nó
cũng chỉ biết đọc.
- Nhưng hắn lại cứ vênh vang như con ngựa của hoàng đế, mặc
dù có khi con ngựa còn biết nhiều hơn hắn. Khi thấy một ông quan to hơn thì hắn
lại cúi rạp cả người như cây lanh trước trận gió.
- Hắn đã đi trận mạc bao giờ chưa?
- Năm ngoái hắn có đi theo Xuntan và nghe đâu đã bị phạt đòn
dưới chân thành Extegôm.
- Như vậy nghĩa là hắn nhát gan?
- Nhát gan và ngu độn. Như một kẻ chỉ uống nước lã mà nhớn
lại còn có thể khác hay sao?
Gergey bị nhựa dính mép cứ méo mồm từ bên này qua bên nọ.
Chàng đã thay đổi hẳn đi khiến Mectsei cứ bò ra mà cười.
Lão Hy Lạp đã mang cả tuyban, gươm cong kiểu Thổ và áo khoác
đến nữa.
- Allaha emanet olun [127]. - Gergey vừa cúi chào vừa nói
đùa.
Tất cả đều muốn đưa chàng đi nhưng chàng chỉ cho Iontsi và
Mectsei đi theo. Dọc đường Iontsi đưa vàng cho chàng. Gergey suy nghĩ một tí
rồi bảo cả Iontsi quay về, chỉ còn Mectsei cùng đi với chàng.
- Anh cũng đi theo sau xa thôi, để chúng nó khỏi nghi ngờ
chúng ta cùng một bọn. - Chàng bảo Mectsei.
Chưa đầy nửa giờ sau chàng đã đến gõ vào cái kẻng bằng đồng
trước cửa nhà tên bêi.
Mặt của một tên lính già hiện ra trong cái lỗ khoét trên
cánh cổng.
- Mi muốn gì?
- Mời ngài bêi ra ngay Bảy Tháp. Có biến!
Tên lính già biến mất. Gergey cũng quay trở lại. Chàng biết
thế nào tên lính già cũng sẽ quay ra và sẽ không còn gặp ai ở cổng nữa để
chuyển đạt những câu hỏi của tên bêi. Hắn sẽ buộc phải quay vào bẩm với tên bêi
là người lính lúc nãy đã biến mất. Tên bêi sẽ băng khoăn, càu nhàu nhưng rồi
cuối cùng cũng phải chui ra để đi vào Bảy Tháp.
Gergey dạo bước về phía Bảy Tháp và dừng lại trước cổng
Đrinapôi - người ta gọi cổng phia bắc của thành Bảy Tháp như vậy.
Cổng thành đã đóng. Tên lính gác ngồi ngủ gật trên hòn đá
bên cổng. Trên đầu hắn, cây đèn dầu cũ kỹ đang cháy trên thanh sắt cắm vào
tường. Bốn bề im ắng như tờ.
Mectsei đi cách Gergey ba bốn chục bước và khi thấy Gergey
đứng lại anh cũng đứng lại. Có lẽ Gergey đứng trong vầng sáng của ngọn đèn là
cốt để cho anh trông thấy. Những phút trôi qua chậm chạp làm sao. Gergey thầm
chửi giờ khắc Thổ Nhĩ Kỳ nặng nề, chậm rãi.
- Đến lúc tên bêi ấy bò được ra thì ta bạc mất cả đầu.
Ôi, chàng tráng sĩ đáng thương, ngôi sao đẹp đẽ trên nền
trời Hung vinh quang, anh sẽ không bao giờ bạc tóc! Chẳng biết anh sẽ nhìn vào
tương lai với bộ mặt như thế nào nếu giờ đây có một bàn tay thiên thần bỗng vén
lộ thiên cơ để anh nhìn thấy chính mình đeo xiềng xích cũng tại ngay chỗ này,
để anh nhìn thấy tên đao phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thắt dây thòng lọng cho anh trên
giá cây đèn gỉ nọ!...
Có tiếng kẹt cửa vang lên trong cái yên lặng của con đường.
Gergey rùng mình, chàng vội bước nhanh về hướng tiếng động.
Tên bêi đang đi đến. Hắn đi một mình, người quấn trong chiếc
áo choàng, đầu đội một cái tuyban trắng và cao. Gergey dừng lại một phút, nghe
ngóng xem có ai đi với tên bêi không.
Không có ai cả.
Lúc đó chàng mới bước vội tới trước mặt tên bêi, chào đúng
theo kiểu lính Thổ và nói.
- Bẩm quan lớn, không phải bêi Veli cho gọi ngài đâu. Tôi đã
lừa ngài ra vì một việc rất quan trọng.
Tên bêi vội lùi lại nắm lấy chuôi gươm.
- Mi là ai?
Gergey rút gươm ra và đưa đằng chuôi cho tên bêi.
- Ngài cầm lấy nếu ngài thấy nghi ngại.
Tên bêi đẩy gươm vào vỏ. Gergey cũng tra gươm vào vỏ và nói:
- Tôi mang đến nhiều chuyện tốt lành hơn là ngài tưởng.
Chàng nhấc túi tiền từ trong áo choàng ra và lắc cho vàng
kêu rủng rẻng:
- Để mở đầu, xin ngài hãy nhận lấy.
Tên bêi cầm lấy cái túi nặng nhưng rồi đưa trả lại.
- Trước hết ta cần biết mi là ai, muốn gì?
Nói đoạn hắn ngồi xuống một cái ghế đá trong bóng tối ngôi
nhà và chăm chú quan sát nét mặt Gergey. Gergey cũng ngồi xuống ghế, khoanh tay
lại, thỉnh thoảng lại gãi bộ râu giả làm chàng ngứa ngáy và thận trọng lựa lời
nói khe khẽ :
- Tên tôi là Trăm nghìn vàng. Tôi nghĩ đó là một cái tên khá
kêu.
Tên bêi cười mỉm:
- Nhưng không phải là tên giả đấy chứ ?
- Ngài có thể thử ngay thôi. Còn tên ngài là Anh kiết xác,
mặc dù chắc chắn ngài là một dũng sĩ hơn người. Ai cũng biết ngài đã từng đến
nước Hung trong chiến dịch đại thắng vừa qua.
- Ta thấy mi đã biết rõ ta.
- Quả vậy, tôi sẽ nói ngắn thôi: từ sáng ngày mai ngài sẽ là
quan phòng thành ở Bảy Tháp, ngài cũng sẽ là tù nhân, chỉ có cái là tù nhân
được trả lương mà thôi. Mỗi năm ngài được ra phố một lần. Nếu Ala phù
hộ cho ngài được trường thọ thì trong đời mình ngài cũng chỉ còn được trông
thấy Côngxtăngtinốp vài ba chục lần nữa là cùng.
- Nói tiếp đi.
- Ngài có muốn chọn một cuộc đời tự do hơn và giàu sang hơn
hay không là tùy thuộc ở ngài.
- Ta nghe đây.
- Trong Bảy Tháp có một tù binh, một nhà quý tộc Hùng giàu
sụ: Tơrơc Balin.
- Mi muốn giải thoát cho ông ấy ?
- Chính ngài nói ra đấy nhé. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận
là tôi muốn như thế.
- Ta nghe đây.
- Ngài có mấy tên lính theo hầu, ít ra cũng là những gia
nhân tin cẩn. Giả dụ tối mai ngài đem tướng công Balin ra khỏi thành, làm như
Xuntan có lệnh vời vào cung thì sao nhỉ?
- Sau khi mặt trời lặn, ngay viên tướng phòng thành cũng
không được ra ngoài.
- Có lệnh của Xuntan thì vẫn cứ ra được. Nhưng đã thế thì
đưa ông ta ra ban ngày vậy, cùng với ngài và hai tên lính nữa. Phố xá quanh đây
đã vắng người, ngài sẽ cho hai tên lính trở lại, rồi ngài cùng đi với tướng
công Balin. Nhưng đáng lẽ vào hoàng cung thì ngài lại dẫn người tù đó xuống một
cái thuyền. Một cái thuyền đậu bên bờ có cắm cờ màu vàng da cam. Bất kể là
thuyền chở lúa mì hay chỉ là thuyền con. Dọc bờ quanh đây cũng chẳng có nhiều
thuyền đậu lắm đâu. Tôi nghĩ các ngài có thể thay quần áo khác rồi rẽ xuống
thuyền.
- Chỉ ngắn gọn thế thôi à?
- Không hẳn. Ở trên thuyền, ngay lúc khởi hành, ba trăm đồng
vàng sẽ được trao vào tay ngài, theo tiếng Thổ thì đó là ba nghìn gurút hoặc ba
nghìn piátte. Sau đó chúng ta sẽ đến Tekiađát bằng đường thủy hoặc đường bộ. Ở
đó một người của chúng tôi sẽ chờ ngài với ngựa tốt và năm trăm đồng vàng nữa.
Thế là lại năm nghìn gurút. Chúng ta sẽ đi xuống Aten, rồi từ đó đi sang Ý.
Bước lên bờ nước Ý, năm trăm đồng vàng nữa lại rơi vào tay ngài.
- Một nghìn ba.
- Cho tới đó. Tôi thiết tưởng như vậy cũng đã bằng mười năm
lương bổng của ngài rồi. Nhưng xin ngài hãy suy nghĩ thêm: con người làm chủ
tướng ba thành Đebrexen, Xiget và Voiđohunhot, ngoài ra còn là chúa của một cơ
nghiệp vương giả, gần khắp cả vùng hữu ngạn sông Đuno, người đó có thể dễ dàng
trả nốt cho ngài chỗ chín mươi chín nghìn đồng vàng còn lại, dù có phải sẻ bớt
một nửa gia sản đi chăng nữa.
- Nhưng nhỡ ta không nhận được ngay cả cái nghìn đầu tiên
thì sao?
- Ngay bây giờ tôi cũng có thể trao cho ngài nếu ngài muốn.
Tên bêi đăm chiêu suy nghĩ.
Gergey nhún vai:
- Nếu ngài thấy chúng tôi định lừa ngài - mặc dù ngài chưa
bao giờ gặp một người Hung lừa dối - thì lúc đó ngài vẫn còn đủ thì giờ để đổ
tội cho Tơrơc Balin đã vượt ngục và một mình ngài đã đuổi theo bắt lại được. Dù
sao người ta cũng sẽ tin ngài vì ngài đã giải ông ta về. Tên bêi suy nghĩ rồi
nói:
- Được rồi. Ngày mai, trước khi mặt trời lặn một giờ, cái
thuyền cắm cờ vàng đó phải đến đậu cách thành Bảy Tháp một tầm tên bắn. Còn
ngươi phải đứng chờ ở trên bờ. Ta làm sao mà nhận ra ngươi được?
- Nếu ngài không nhận được mặt tôi, mặc dù trăng sáng đấy
chứ, thì tôi sẽ đội khăn tuyban cũng màu vàng, màu vàng lưu huỳnh, ngài sẽ có
thể nhận ra được.
- Vậy một giờ trước khi mặt trời lặn.
- Đúng mười một giờ.
Gergey đáp, vì theo giờ Thổ thì lúc mặt trời lặn là mười hai
giờ.
Khi Gergey cùng Mectsei trở về thì đã nửa đêm. Vừa bước vào
quán chàng hỏi ngay:
- Tên Thổ mặt cú còn ở đây đấy chứ?
- Hắn đang ngủ. - Minxiađet trả lời.
- Lão có thể làm cho hắn ngủ đến mười một giờ ngày mai được
không?
- Được.
Lão chủ quán trả lời rồi đi hòa một thứ bột gì đó vào cốc.
Bột đó hòa tan như muối. Lão lay tên Thổ dậy:
- Này Boiguc! Cũng phải nghĩ đến nhà đến cửa nữa chứ!
Tên Thổ ngửng đầu lên, ngơ ngác nhìn với đôi mắt đục ngầu và
ngáp.
- Nào, uống cốc nước này đi rồi mà xéo về nhà.
Tên Thổ cũng chẳng nhìn vào cốc nữa, hắn chỉ giơ tay ra đón
lấy rồi nốc một hơi cạn. Đoạn hắn trở mình định đứng dậy, nhưng lại ngã xuống.
Gergey giúi năm đồng tiền vàng vào tay lão chủ quán.
- Cậu có thể yên chí. - Minxiađet nói. - Tên này không nhúc
nhích ra khỏi giường được đâu, hắn có thể ngủ đến tối mai.
Việc thuê thuyền rất dễ dàng. Họ chọn một chiếc thuyền bốn
chèo của người Hy Lạp đậu trong vịnh Sừng Vàng và hỏi thuê đến Tekiađát, nơi
cách Côngxtăngtinôp một ngày đường. Họ trao cho chủ thuyền một lá cờ màu da cam
và hai đồng tiền vàng đặt cọc. Buổi chiều còn sớm, chiếc thuyền đã đến đậu ở
chỗ Gergey dặn. Hai giờ trước khi mặt trời lặn chủ thuyền đã cắm cờ lên.
Sau đó Gergey vội vã trở về quán. Họ đánh thức tên lính Thổ
vẫn còn ngủ li bì dậy và báo với hắn rằng ngài bêi triệu hắn đến chỗ con thuyền
cắm lá cờ vàng, hắn phải đến đợi ở trên bờ.
Đầu tên lính vẫn còn nặng chình chịch, Sakơdi phải dẫn hắn
đi. Tên lính hiền lành đội tuyban màu vàng bước đi loạng choạng. Hắn chẳng còn
biết trời sáng hay chiều nữa. Hắn chỉ nhớ mang máng là quan bêi sai hắn đến bờ
vịnh, chỗ một cái thuyền nào đó.
Bọn Gergey tản ra, đi lần theo sau tên lính, họ đi cách nhau
từng quãng xa.
Nếu tên bêi nhận lời thì khi hắn bước lên thuyền họ cũng có
thể đến kịp. Nếu hắn không dám hoặc không thể hành động như vậy thì cứ để xem
hắn với tên đồng hương đội tuyban màu vàng kia làm thế nào mà hiểu nhau.
Câu hỏi đầu tiên là tên bêi có dẫn Tơrơc Balin đi theo hay
không. Họ giao cho Tsehan theo dõi việc đó. Họ không cho cô ta biết chuyện
Tơrơc Balin đi trốn mà chỉ nói là ông được dẫn tới chỗ Xuntan và họ muốn được
trông thấy ông một lần nữa. Dấu hiệu là nếu cô ta trông thấy tên bêi, hai tên
lính và Balin, cô ta sẽ với tay lên bụi nho dại ở góc phố làm bộ như muốn hái
một cái lá, Mectsei đứng cách khoảng một nghìn bước sẽ có thể trông thấy và vẫy
tay cho các bạn biết. Những người khác lại đi cách bờ khoảng một nghìn bước,
Gergey cải trang thành đạo sĩ, Êvo thành cô gái xigan, Iontsi làm một tay lái
buôn Ba Tư, Mochi đóng một người bán bánh, Mectsei thủ vai anh hàng cá.
Êvo ngồi xổm bên cạnh Mochi và ăn bánh.
Đến đúng giờ đã định, Mectsei đội thùng gỗ đựng cá lên đầu
và đi về phía bờ vịnh.
Đã có dấu hiệu.
Iontsi tái mặt, những giọt lệ mừng vui tràn khóe mắt cậu.
Còn mặt Gergey lại đỏ ửng lên. Họ bèn đi về phía bờ, mỗi người cách nhau khoảng
hai trăm bước.
Con thuyền đậu dưới bến. Gió vui vẻ cuốn lá cờ màu da cam
bay phần phật. Gã chủ thuyền, một người Hy Lạp còn trẻ, buôn hành, đang ngồi
đếm tiền bán hàng ngày hôm đó ở chỗ bánh lái. Trên bờ là tên lính Thổ mặt cú
đội tuyban vàng, đứng đực như phỗng. Sakơdi ngồi sau lưng hắn đang rửa chân
trong làn nước biển xanh lam.
- Họ đến rồi. Xin trời hãy phù hộ! - Iontsi nói và cố vượt
Gergey, cả đôi chân của cậu cũng run rẩy.
Gergey ngoái lại nhìn, chàng thấy tên bêi đang thong thả đi
đến với một ông già tóc bạc người Hung, có hai tên lính đội tuyban trắng cầm
giáo theo sau.
Tên bêi quay lại nói gì đó với hai tên lính, chúng liền quay
trở lại Bảy Tháp.
Iontsi vội vã bước về phía con thuyền, nhưng khi định vượt
qua Gergey, chàng liền túm lấy áo choàng của cậu và bảo:
- Hẵng gượm!
Tên bêi điềm tĩnh cùng tướng công Balin đi xuống bến. Hai
người đi qua bên cạnh người bán bánh mà không hề nhìn anh ta, cũng không nhìn
cô gái xigan ngồi bên cạnh.
Tướng công Balin có vẻ đờ đẫn, ngơ ngác, còn tên bêi thì vui
vẻ trò chuyện huyên thuyên. Hai người bước xuống bến. Tên lính Thổ mặt cú liền
đứng nghiêm chào.
Trong nháy mắt đó tên bêi quay ngoắt lại, hắn rút gươm ra
vẫy về phía sau rồi xông vào đánh ngã tên lính, nhanh như một con diều hâu vồ
mồi. Đồng thời khoảng độ năm chục tên lính từ các bụi cây và các nhà gần đó
xông ra.
Trước tiên chúng trói gô tên lính Thổ mặt cú, rồi đến gã
xigan. Sau đó chúng nhảy lên thuyền bắt gã Hy Lạp trẻ tuổi. Chúng trói tất cả
những người ở trên thuyền.
Tsehan vừa kêu vừa chạy đến khóc lóc xin cho Sakơdi. Chúng
bắt luôn cả cô ta và trói tay lại. * * *
Mặt trời vừa vặn khuất sau khu phố Cơ đốc khi Gergey dừng
lại bên cột trụ Côngxtăngtin. Các bạn của chàng vừa thở vừa chạy theo chàng. Ai
nấy bụi bặm đầy người, mặt mày tái mét.
Gergey lau mồ hôi trán rồi nhìn sang Iontsi. - Thấy chưa,
không nên hấp tấp trong bất cứ việc gì hết! Họ trà trộn vào dòng người trên
phố.
* * *
Khoảng giữa tháng bảy, bêi Veli cùng đoàn quân tình nguyện
và năm mươi thợ đào hầm lò đến cánh đồng Môhát.
Mỗi lần quân Thổ kéo đi Buđo hay sang miền hữu ngạn sông
Đuno, cánh đồng Môhát luôn luôn là trạm nghỉ chính của chúng. Chúng thích nơi
đó, chúng gọi đó là cánh đồng của vận đỏ. Bản thân Xuntan Xuleiman cũng thường
dừng lại ở đó lâu nhất. Lần nào hắn cũng sai dựng trướng ở trên ngọn đồi mà hắn
đã đứng trong cái ngày thắng trận đáng ghi nhớ đó.
Về chiều, khi đoàn quân mệt mỏi kéo đến đó thì trướng của
tên bêi đã dựng xong. Trước tiên tên bêi xuống sông tắm, sau đó hắn sai mổ thịt
gà thiến và khi mặt trời đã lặn, hắn ra ngồi ở trước cửa trướng.
Cánh đồng còn trắng những xương ngựa nằm ngổn ngang. Bọn
lính kê mâm gỗ lên những đầu ngựa để ăn tối. Chúng vui vẻ lắm.
Khoảng mười lăm tên aga vây quanh tên bêi và báo cáo tình
hình trong ngày. Những tên đã nói xong ngồi xuống chiếu trước mặt tên bêi. Cánh
sĩ quan vẫn có tục lệ cùng ăn tối với nhau ở Môhát, và ở đó ngay cả những tên
đang có hiềm khích với nhau cũng giảng hòa.
Tối hôm đó có ngựa lưu tinh đến chỗ tên bêi. Chúng nó phi
báo cho Xuntan biết rằng Visegrat [128] đã thuộc về tay quân Thổ. Chúng nó đã
chiếm được thành không cần đánh trận mà chỉ bằng cách phá đường dẫn nước của
quân trong thành, hãm cho họ khát. Quân trong thành chờ cứu viện của Pheđinan,
nhưng đó là một ông vua Hung chỉ phó mặc các thành trì cho Thượng đế. Vì vậy
tướng Amađe phải nộp chìa khóa thành. Ông ta chỉ giao hẹn xin được yên ổn kéo
quân đi. Viên tổng trấn Buđo đã thề sẽ không tàn sát họ. Thế nhưng quân lính
của hắn có thề đâu. Khi quân Hung bỏ vũ khí lại trong thành và tay không kéo
ra, quân Thổ liền xông vào họ chém giết không chừa một mống.
Thấy ngựa lưu tinh báo, bêi Veli nói với các aga:
- Vậy ta sẽ nghỉ lại đây hai ngày. Hôm nay đi ngủ thôi, ngày
mai ta sẽ vui chơi. Ngày kia sẽ khởi hành đi Nôgrat [129].
Đó là thành mà chúng được lệnh phải đánh chiếm sau Visegrat.
Ngựa lưu tinh tiếp tục đường về Côngxtăngtinôp. Đoàn quân
của bêi Veli lăn ra ngủ.
Trưa hôm sau tên bêi chỉ ra một mệnh lệnh độc nhất cho các
tùy tướng:
- Tối nay tất cả đến ăn cơm ở chỗ ta. Có rượu vang hảo hạng!
Có ca công Ý biểu diễn.
Tên bêi là một kẻ vui tính, hắn thích chè chén. Và nói
chung, một khi bọn Thổ đã bước vào đất Hung là lập tức chúng quên ngay lời răn
cấm rượu vang của giáo tổ Môhammét.
- Một tên lính muốn bẩm với ngài một điều bí mật, ngài có
tiếp hắn không ạ? - Một aga hỏi hắn.
- Cho nó vào. - tên bêi vui vẻ đáp.
Một tên xiliđa [130] thấp lùn, mắt lấm lét, bước vào. Quần
áo hắn rách rưới cũng như tất cả những đứa khác. Cái tuyban của hắn chẳng lớn
hơn khăn tay của trẻ con mấy tí. Hắn nói:
- Kẻ nô lệ này của ngài có điều muốn bẩm về bọn Ý.
- Ta nghe đây.
- Đã từ lâu, năm tên đó có vẻ khả nghi đối với hạt bụi này
của chân ngài. Điều nghi ngờ đầu tiên của con nổi dậy khi con thấy một tên Ý
dùng giấy lau gươm cho mấy đứa kia.
- Đồ con lừa. - Tên bêi đáp. - Mi phải biết đó là bọn man
di. Chúng ta nhặt cất các mảnh giấy vì sợ trên một mảnh nào đó có tên của Ala , còn chúng nó là những con lợn sống không có Ala , đầu óc chúng tối
tăm và thấp hèn hơn cả thú vật.
Tên xiliđa vẫn đứng không nhúc nhích.
- Điều nghi ngờ thứ hai của con thức dậy khi đến Xôphia.
Chắc ngài cũng nhớ, thưa quan lớn, rằng chúng ta đã gặp đoàn xe chiến lợi phẩm,
trong đó có một chiếc bị đổ nghiêng bên đường.
- Ta có nhớ.
- Cái chuồng gà bị gãy và đàn gà chạy tứ tung. Một mụ già
gọi mãi: pôlachi - pôlachi! Cả gà giò lẫn gà mái đều không nghe mụ ta. Đó là mụ
đàn bà Hy Lạp. Một người Thổ muốn giúp mụ ta bèn gọi: gạc - gạc - gạc! Đàn gà
cũng chẳng chịu lại. Lúc đó một tên Ý trẻ có diện mạo như con gái bèn cầm lấy
giỏ thóc trong tay tên Thổ kia và gọi: pi-pi-pi! Piche - piche - piche -
pichikêm! Pichikêm! Nghe thế tất cả đàn gà đều chạy lại. Nó còn bắt lấy một con
gà mái và hôn.
- Vậy thì có gì lạ trong việc đó?
- Dạ thưa ngài, đàn gà ấy quen nghe tiếng Hung, như vậy kẻ
gọi chúng cũng biết tiếng Hung.
Tên bêi ừ hữ:
- Nhỡ tiếng Ý cũng pipi là gà thì sao? Mi có biết tiếng Ý
không?
- Tiếng Ý ấy ạ? Không ạ.
- Thế thì đừng có nói, đồ lạc đà!
Tên xiliđa khúm núm nghiêng mình tiếp nhận cái danh hiệu lạc
đà rồi lại thản nhiên nói tiếp:
- Thế khi thằng Kereletje đổi ngựa ở gần Bengrat? Nó đổi lấy
ngựa của một nông dân và phải phụ thêm mười átpe nữa. Nhưng con ngựa hung dữ
đến nỗi chẳng ai cưỡi nổi. Lúc đó tên Ý vạm vỡ nhất bèn nhảy phóc lên như một
con báo và quất nó phi như bay. Con ngựa thiếu chút nữa thì ngã khuỵu. Một đứa
ca công người Ý làm sao có thể biết cưỡi ngựa giỏi đến thế được ạ?
Tên bêi nhún vai:
- Có lẽ hồi bé nó đã đi chăn ngựa.
- Xin quan lớn cho con được nói tiếp.
- Cứ nói nốt đi.
- Tối qua một aga đến chỗ chúng ta, một người cao lớn nhất
mà con từng thấy trong đời.
- Aga Manđa.
- Đúng đấy ạ. Khi ngài đi qua chỗ bọn Ý, ngài dừng lại trước
mặt cái tên cao cao và bảo nó: Ở này ngươi là Bônemixo! Tên kia giật mình đáp:
Tôi không phải người ấy. Ngài aga lại bảo: Nhưng có Trời chứng giám cho ta,
chính người là Bonemixo Gergey. Thế ngươi không nhận được ta ư? Cái nhẫn đẹp
của ngươi có còn nữa không? Lời khuyên của ngươi thế mà có ích đấy. Ngươi thấy
đấy, ta đã là aga rồi. Có điều tên ta không phải là Hoivan nữa mà là Manđa. Tên
đạn đã không phạm đến người ta.
- Tên Ý trả lời thế nào ?
- Bẩm, nó trả lời: Tôi không biết ông nói chuyện gì, nhưng
tôi biết là có một người giống tôi. Làm sao ông biết tên người Hung ấy? Ngài
aga bèn bảo: Ta gặp hắn ở Buđo lúc người ta bắt Tơrơc Balin. Hắn đi trong đoàn
tùy tùng của ông ta. Tiếc thay ngươi lại không phải là hắn. Ngươi giống hắn quá
đi mất. Không phải là hắn, ngươi thiệt mất mười đồng tiền vàng đấy.
- Đấy, mi đã thấy hắn không phải là người Hung chưa, đồ to
xác.
- Tuy vậy hắn vẫn là người Hung. - Tên xiliđa đáp lại vẻ đắc
thắng. - Ngay tối qua con đã biết chắc không phải chỉ mình hắn mà cả bọn đều là
người Hung. Lúc chúng nó bắc chảo để nấu bữa tối, một đứa nắm lấy cây độc cần
và nhổ cả rễ lên để lấy chỗ nhóm lửa. Một cái sọ dừa cũng bật lên theo rễ cây.
Cả năm đứa đều ngắm nghĩa và bàn nhau đó là sọ dừa Thổ hay sọ dừa Hung. Kẻ nô
lệ này của ngài nằm giả vờ ngủ gần bên chỗ chúng nó. Kẻ nô lệ này của ngài hiểu
tiếng Hung.
Tên bêi hộc lên như một con ngựa :
- Thế chúng nó nói tiếng Hung à? Bọn có ấy nói những chuyện
gì?
- Đứa trẻ tuổi người cao cao bảo: Chắc đây là người Hung vì
bọn Thổ đã chôn cất tử sĩ của chúng. Lúc đó một đứa khác bèn ôm cái sọ dừa lên
và nói: Dù ngươi xưa kia có là gì chăng nữa, ngươi đã chết vì Tổ quốc thì đối
với ta ngươi vẫn là thần thánh! Và nó còn hôn cái sọ dừa. Sau đó chúng lại lấp
đất tử tế.
Tên bêi đập tay vào đốc kiếm:
- Cái bọn rợ Hung chó má ! Nhưng sao mi không báo ngay cho
ta biết hở đồ hà mã?
- Bẩm lúc đó ngài đã ngủ rồi ạ.
- Gông cổ quân thám thính man trá ấy lại! Bắt chúng nó vào
đây cho ta!
Tên xiliđa hớn hở lao đi. Từ trên đồi, tên bêi cáu kỉnh nhìn
bọn Xiliđa của hắn chạy đi lùng khắp các trại.
Phải đến hai giờ sau tên Xiliđa mới quay trở lại, mồ hôi nhỏ
ròng ròng trên trán...
- Bẩm quan lớn, bọn Ý...
- Chúng nó đâu?
- Bọn chó ấy tẩu thoát rồi ạ! Chúng tẩu thoát mất rồi!
-------------
Chú thích:
[110] một trong sáu nước cộng hòa ở Nam Tư ngày nay.
[111] một nước xưa ở cùng thung lũng Musa , Nam
Tư ngày nay.
[112] Mỗi gia đình giàu sang ở các nước Arập ngày trước, và
bây giờ vẫn còn rải rác, đều có harem là nơi ở, đúng hơn là nơi nhốt, của các
thứ vợ lớn, vợ bé, nàng hầu. Người ngoài không bao giờ được đặt chân đến đó;
người phụ nữ cũng ít khi được rời Harem. Tương tự một thứ hậu cung của phong
kiến nước ta.
[113] Một vị thần của người Nam Xlavơ.
[114] Thành phố lớn thứ 3 nước Hung ở bên bờ sông Tixo về
phía đông nam nước Hung. [115] Hútxen và Hátxan là hai vị thánh tuần đạo của
Hồi giáo Ba Tư. Hu là tên gọi khác của Ala. Thượng đế của người Hồi Giáo.
[116] Jean Calvin (1509 - 1564) khởi xướng ra dòng tu mới ở
Viên vào khoảng 1536. Đây là dòng tu của tầng lớp tư sản đang vươn lên, nó
chứng minh cho lối sống và cách kinh doanh tư sản. Dòng tu này được truyền bá ở
những nước mà giai cấp tư sản đã phát triển như miền Hạ Đức, Anh, Pháp v.v…
[117] Một dân tộc
thiểu số, nói tiếng Irăng, hiện nay còn khoảng 6-7 triệu ở rải rác trong các
nước Thổ, Irăng, Irắc, Cộng hoà Arập thống nhất, Apganixtăng, Pakistăng và Liên
Xô.
[118] Chỉ Pheđinan I, tuy được bầu làm vua nước Hung nhưng
hắn bỏ mặc các thành trì, đất đai phải tự lực chống nhau với Thổ, hắn không hề
cho quân đi cứu giúp.
[119] Theo Kinh Thánh Xalômông là ông vua công minh nhất của
dân tộc Do-thái.
[120] Dân Hồi giáo người Thổ.
[121] Dân Hồi giáo người Ba tư (Irăng ngày nay), những người
này theo một dòng riêng của đạo Hồi, tôn sùng Ali là người con thứ tư của
Môhamet, bị giết năm 661. Họ không thừa nhận ba người con đầu tiên là con hợp
pháp của Môhamét. Những người xi-i-ta rất chuộng các nghi lễ nhục hình.
[122] Hunhođi Gianôt (1407 - 1456): vị tướng giỏi nhất trong
cuộc chiến tranh chống Thổ, năm 1456 đã đánh thắng quân Thổ một trận lớn ở
Bengrát. Để kỷ niệm trận đại thắng này (của những chiến sĩ cơ đốc chống bọn dị
giáo) giáo hoàng La Mã đã ra lệnh tất cả các nhà thờ Cơ đốc đều phải kéo chuông
hồi 12 giờ trưa là lúc trận đánh ngã ngũ.
[123] Loại gươm nhọn, thân tròn, chỉ dùng để đâm và phóng
chứ không chém được.
[124] Tiếng Ý trong nguyên văn “Mẹ ơi, mẹ ơi, con chết mất
thôi, con chết mất thôi. Con muốn cái mọc trong vườn”. (Chú thích của Anatôli
Gibasơ, bản tiếng Nga do Nhà xuất bản Lao động Mátxcơva xuất bản năm 1956)
[125] Kiểu mũ của một dân tộc ngày xưa ở vùng Tiểu Á, có
chóp mềm rú ra phía sau gáy. Trong cuộc cách mạng 1789-94 ở Pháp, kiểu mũ này
đã trở thành một tượng trưng của phái Giacôbanh, nên còn được gọi là kiểu mũ
Giacôbanh.
[126] Ở nước ta cho óc đặc là ngu, ở châu Âu thì ngược lại,
cho óc loãng là ngu.
[127] Câu chào Thổ trong nguyên văn: “Cầu trời phù hộ cho
ngài”.
[128] Thành ở cách Buđo chừng 30 km về phía bắc.
[129] Thành phố ở phía bắc nước Hung, từ 1544 – 1599 bị quân
Thổ chiếm.
[130] Một loại lính tình nguyện trong quân đội Thổ hồi đó.
---------
Tiếp p7:http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/03/nhung-ngoi-sao-eghe-p7.html
Tiếp p7:http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/03/nhung-ngoi-sao-eghe-p7.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét