Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Những ngôi sao Eghe - (p5)

Gárdonyi Géza

Những ngôi sao Eghe
(Nguyên tác: Egri Csillagok)

Dịch giả: Lê Xuân Giang
Tiểu thuyết - Văn học Hungari
Nhà xuất bản: Văn học - Hà Nội
Năm xuất bản: 1987

Phần ba

Con mãnh sư tù tội

Người kỵ sĩ dừng ngựa trên bờ suối Beretchô, đó là một người lính hoàng gia khoác áo choàng xanh, đội mũ đỏ.
Anh đưa mũ lên vẫy và gọi qua bụi liễu.
- Hô hô! Nước đây!
Rồi anh cho ngựa đi xuống bờ cát lún đã bị mặt trời hun nóng, qua những bụi hoa chân cò màu vàng.
Con ngựa đi vào giữa đám cỏ mọc kín cả nước và vươn dài cổ xuống để uống.
Nhưng nó không uống.
Lúc nó ngửng đầu lên, nước từ trong mồm trong mũi nó nhỏ xuống ròng ròng. Nó phì ra hết và lúc lắc cái đầu.
- Con ngựa này làm sao thế nhỉ? - Người lính lầu bầu. - Sao mày không uống hở, đồ chó đẻ?
Con ngựa lại cúi đầu xuống rồi lại lắc hết nước ra khỏi mồm, khỏi mũi.
Trên cánh đồng còn mười tám kỵ sĩ Hung trang phục khác nhau đang phi ngựa đến, giữa bọn họ có một người cao và gầy đội mũ cắm lông đại bàng và, thay cho áo choàng, một cái áo khoác ngắn bằng nỉ màu đỏ anh đào trùm kín vai ông.
- Thưa trung úy, - người kỵ binh từ bờ nước nói vọng lên. - nước nhiễm trùng hay sao ấy: ngựa con nó không uống.
Người đội mũ cắm lông đại bàng cho ngựa nhảy xuống nước và chăm chú nhìn những gợn sóng.
- Nước có máu. - Ông ngạc nhiên nói.
Bờ suối phủ đầy những khóm thủy liễu rậm rạp, những khóm cây đầy những tua hoa vàng. Mặt đất điểm chi chít hoa viôlét xanh. Gió chiều mang theo trong vạt yếm mùi thơm dịu ngọt của mùa xuân.
Người trung úy giục ngựa bì bõm lội ngược lên phía trên vài bước. Giữa những bụi cây ven bờ ông chợt thấy một chàng trai cởi trần. Anh ta ngồi trên một thân cây liễu và đang vốc nước suối gội đầu, một cái đầu to, góc cạnh như đầu bò tót. Mắt anh nhỏ, đen lánh, đầy cương nghị. Ria mép nhọn như hai cái đinh sắt. Cái áo chẽn, đôi ủng màu vàng, mũ, gươm nằm la liệt trên đệm cỏ bên cạnh.
Té ra vì anh ta gội đầu mà nước suối Beretchô có mùi máu.
- Cậu là ai thế hở cậu em? - Người trung úy lên tiếng hỏi.
Chàng thanh niên bực dọc trả lời:
- Tôi là Mectsei Istơvan.
- Còn ta là Đôbô Istơvan. Cậu gặp chuyện gì thế?
- Tôi bị một tên Thổ chém phải, cái đồ trời đánh thánh vật.
Anh đưa tay lên bịt đầu.
- Thổ à? - Đôbô quắc mắt lên nói. - cái tên Thổ ngoại đạo khốn kiếp ấy chắc chưa thể đi xa lắm đâu! Chúng nó có mấy đứa? Hê, quân bay đâu! Tuốt gươm ra!
Ông vừa hét vừa thúc ngựa nhảy lên bờ.
- Các ông không phải mệt xác nữa. - Mectsei bảo ông. - Tôi đã chém chết nó rồi. Nó nằm đằng sau này này.
- Đâu?
- Gần đâu đây thôi.
Đôbô truyền cho người lính mang vũ khí của của ông xuống ngựa:
- Lấy cái đẫy ra và băng bó lại cho công tử đây.
- Mé trên còn có mấy người nữa. - Mectsei nói và lại lấy tay bịt lên đầu.
- Bọn Thổ ấy à?
- Không, một ông quý tộc già cùng bà vợ.
Máu lại loang đầy mặt anh. Anh lại cúi xuống nước.
Đôbô cho ngựa chạy ngược lên và chỉ mấy bước đã thấy một người khác.
Người này cũng xắn tay áo ngồi bên bờ suối, đó là một ông lão tóc hoe. Một bà già béo phục phịch đang vừa khóc vừa gột sạch máu đỏ trên đầu cho lão.
- Chào ông bà! - Đôbô nói to. - Vết thương có nặng lắm không?
Ông lão nhìn lên và vui vẻ khoát tay:
- Nhát chém Thổ Nhĩ Kỳ ấy mà!
Lúc đó Đôbô mới thấy ông lão chỉ còn một tay. Ông liền xuống ngựa và nói:
- Ôi, trông bác quen quá!
Ông lão lại ngửng lên:
- Có thể lắm.
- Tôi là Đôbô Istơvan.
Ông già ngẫm nghĩ:
- Đôbô? Ơ này, chú đấy à, chú Pisơtô? Thế mà chú chả nhận ra! Chú đã từng đến nhà tôi, nhà ông lão Xexey ấy mà.
Hai người nồng nhiệt bắt tay nhau.
- Có chuyện gì ở đây thế hở bác? Làm sao hai bác lại đến nơi đồng không mông quạnh này?
- Ồ, - lão già vừa nói vừa giơ đầu ra cho bà vợ. - một bọn chó dị giáo đã cướp xe của tôi. Còn may là anh ấy vừa kịp đến lúc bọn dị giáo xông vào chúng tôi. Một anh chàng cừ khôi đấy! Anh ta chém bọn Thổ cứ như thái dưa. Nhưng ta ngồi trên xe, ta cũng chém sả vào giữa bọn chúng nó nữa đấy chứ.
- Chúng nó có mấy đứa?
- Mười đứa, bọn chó, hỏa ngục thiêu xác chúng đi! Còn may là chúng nó không địch nổi bọn ta. Ta có mang theo khoảng bốn trăm đồng vàng, nếu không hơn.
Và ông vỗ vào sườn kêu rủng rẻng. Bà vợ hỏi:
- Anh thanh niên không chết chứ?
- Không, chả chết đâu. - Đôbô trả lời. - Anh ta cũng đang rửa ráy dưới kia.
Ông chợt nhìn thấy xác một tên Thổ đỏ lòm ở gần đấy.
- Để tôi xem các ngài đã gặp phải bọn nào.
Ông rẽ ngựa đi dọc nhánh suối con và dọc con đường. Trong đám cỏ ông thấy mấy cái xác chết: hai người Hung và năm tên Thổ: trên đường ông thấy một cỗ xe ba ngựa đổ nghiêng xuống rãnh. Một chàng đánh xe trai trẻ đang hì hục xếp lại các hòm xiểng.
- Đừng cầy cục nữa, cậu em ạ. - Ông nói với anh ta. - Sẽ có người đến giúp cậu ngay bây giờ đấy.
Ông quay lại chỗ Mectsei.
- Không phải chỉ có một tên Thổ ở đây đâu, cậu em ạ, mà những năm tên. Những nhát chém đẹp lắm! Cậu có thể hãnh diện được đấy.
- Phải còn một tên nữa mới đúng. - Mectsei đáp. - Có lẽ hắn chìm xuống nước. Ông anh có tìm thấy hai người lính của tôi không?
- Có, tội nghiệp. Một người bị vỡ đôi đầu.
- Chúng tôi chỉ có ba người.
- Còn quân Thổ?
- Bọn chó đến những mười tên.
- Vậy bốn tên đã chạy thoát.
- Vâng.
Trong khi nói chuyện, Đôbô đã xuống ngựa và xem xét vết thương trên đầu người thanh niên.
- Vết chém dài nhưng không sâu. - Ông vừa nói vừa ấn nhẹ vào vết thương rồi tự tay đặt thuốc và buộc chặt lại bằng một băng vài mỏng.
- Thế cậu đi đâu đấy?
- Đến Đebrexen.
- Cậu không đến chỗ gia đình Tơrơc đấy chứ?
- Nhưng chính là đến đấy.
- Ấy, cậu em ạ, ở đấy ta có một người thân: Bônemixo Gergey. Có lẽ chú ta còn trẻ con lắm. Cậu có quen không?
- Chính là tôi đi đến chỗ cậu ấy đây. Cậu ta viết thư cho tôi ngỏ ý muốn được sung vào đội ngũ chỗ tôi.
- Đã lớn thế rồi cơ à?
- Mười tám tuổi rồi còn gì.
- Tất nhiên, gia nhân tướng Balin đã ly tán cả.
- Từ khi tướng công bị bắt, gió lùa họ phiêu bạt đi khắp nơi.
- Tinôđi cũng đi rồi à?
- Ông lão lang thang khắp nơi. Nhưng hiện nay có thể ông lão cũng đang ở Đebrexen.
- Cho ta gửi lời chào kính trọng và hôn ông ta nhé, cả hai công tử Tơrơc nữa.
Trong khi trò chuyện như thế, Đôbô xắn ống tay áo lên và lấy giẻ lau mặt cho Mectsei. Một người lính của Đôbô thì gột những vết máu trên quần áo của anh. Mectsei chỉ tay về phía vợ chồng Xexey và hỏi:
- Ông lão vẫn ở đằng kia à?
- Vẫn đằng ấy. Không có gì đáng ngại lắm. Cậu không đói à?
- Không, tôi chỉ khát thôi.
Đôbô ra hiệu lấy bình nước. Ông phái những người lính khác đi giúp sửa sang lại cái xe. Sau đó họ đi đến ngồi trên đám cỏ cạnh cỗ xe, Xexey đang cầm một cái đùi gà tây nhai ngon lành.
- Các cậu nhập bọn với chúng tớ đi! - Lão vui vẻ kêu lên. - May mà cậu không việc gì!
Mấy người lính nhặt nhạnh chiến lợi phẩm: năm con ngựa Thổ, cũng ngần ấy áo choàng và đủ các thứ binh khí Thổ.
Mectsei nhìn mấy con ngựa rồi nhìn những binh khí để dưới đất. Anh nói với Xexey:
- Mời bác chọn đi, chiến lợi phẩm là của chung.
- Ta cần gì cơ chứ. - Ông lão cười xòa trả lời. - Ta đã có đủ ngựa và binh khí.
- Thế thì tôi xin mời anh Đôbô một thứ binh khí gì vậy.
- Cám ơn. - Đôbô đáp. - Nhưng ta chọn thế nào được cơ chứ. Ta có đánh chác gì đâu.
- Không sao, mời anh cứ chọn đi.
Đôbô lắc đầu:
- Chiến lợi phẩm, cho đến cái cúc cuối cùng, là của cậu. Còn tặng phẩm của cậu thì ta nhận cách nào đây?
- Tôi chằng biếu không đâu!
- Cái đó lại là chuyện khác, - Đôbô nói và thàm thuồng liếc nhìn một thanh gươm tuyệt xảo.
- Giá nó là cái gì nào?
- Giá nó là nếu khi nào anh trở thành đại úy trấn thủ một thành nào đó, anh hãy nhớ gọi tôi đến mỗi khi bị ủng thít chặt chân[84].
Đôbô cười:
- Chúng ta không chơi cái trò mua trâu vẽ bóng đâu nhé.
- Vậy tôi đặt một cái giá khác: anh hãy đi với tôi đến Đebrexen.
- Việc đó bây giờ cũng không được, cậu em ạ. Hiện nay ta là nhiệm sứ của nhà vua. Ta đi thu thuế thập phân[85]  trên những trại ấp mất dạy. May ra ta sẽ có thể đến đó vào một dịp muộn hơn…
- Thì anh cứ chọn với cái giá là anh sẽ trả bằng tình bạn của anh.
- Cái đó thì vẫn đã thuộc về cậu rồi. Nhưng để cậu khỏi giận, ta xin nhận một cái vì ta thấy cậu thật tình mời.
Ông xem xét những thanh gươm và nói tiếp:
- Bọn này là bọn quý tộc Thổ Nhĩ kỳ đây. Một tên là bêi. Không hiểu chúng nó từ đâu đến?
- Tôi nghĩ là chúng nó ở thành Phehê.
Đôbô cầm những thanh gươm lên. Một thanh gươm có vỏ bọc bằng nhung nạm đá quý màu xanh lam, cán chạm một đầu rắn mạ vàng, hai con mắt nạm bằng hai viên kim cương.
- Đây, cái này là của cậu, ta không chọn cái này đâu vì nó đáng giá bằng cả một gia tài đấy.
Còn hai thanh gươm khác bằng thép Thổ Nhĩ Kỳ, kém kỹ xảo hơn. Đôbô cầm lên một cái và uốn lại thành vòng tròn.
- Thế này mới thật là thép chứ! - Ông hào hứng nói. - Đây, cái này, nếu cậu cho, ta xin cám ơn.
- Rất vui lòng. - Mectsei trả lời.
- Nhưng bây giờ, nếu cậu đã cho ta cái này, xin cậu hãy gia ơn thêm chút nữa, cậu hãy mang hộ đến Đebrexen và nếu Timôđi còn ở đấy, cậu hãy bảo ông ta viết lên một câu gì đó mà ông ta muốn. Ở đó có thợ kim hoàn, họ sẽ khắc vào mặt thép.
- Rất vui lòng. Tôi cũng sẽ nhờ ông ta viết lên thanh gươm đầu rắn này. - Mectsei đáp, anh cầm thanh gươm cong chém vút một cái rồi buộc vào cạnh thanh gươm cũ.
Đôbô hỏi lính của mình:
- Các người có tìm thấy tiền trong mình tên tướng Thổ không?
- Chúng con chưa soát.
- Thế thì soát xem.
Người lính kéo ngay cái xác tên Thổ đến, anh nắm lấy cổ áo hắn lôi xềnh xệch trên cỏ. Anh lục soát ngay trước mặt họ.
Cái quần ống thụng bằng nhung đỏ không có túi nhưng anh tìm thấy trong đai lưng một túi tiền vàng và đủ các loại tiền bạc.
- Món này để xài tốt quá. - Mectsei hổ hởi nói. - Người lính thì bao giờ cũng thiếu tiền.
Còn một cái ngù bằng vàng nạm hồng ngọc đính trên tuy ban cùng một dây chuyền vàng. Tên bêi đeo sợi dây chuyền trong áo, sợi dây treo một lá bùa hộ mệnh bằng da xoắn lại như râu buồng dừa.
Mectsei để hai vật trang sức bằng vàng lên bàn tay, và đưa mời Xexey:
- Cái này thì bác phải chọn rồi.
- Cất đi, chú em ạ, cái này chú cũng cất đi. - Ông lão khoát tay nói. - Chả nhẽ ta lại cắm chồm lên mái đầu già nua của ta hay sao!
- Ta lấy cái dây chuyền ấy cho con gái, ông ạ. - Bà vợ lên tiếng. -Chúng tôi có một cô gái đẹp ở trong cung hoàng hậu. - Bà giải thích.
- Hãy đến dự đám cưới, các chú nhé! - Xexey nói và lắc lắc đôi chân. - Ta còn nhảy cho thỏa thích một phen nữa trước khi nhắm mắt.
Mectsei bỏ sợi dây chuyền vào tay bà vợ và hỏi:
- Lấy ai đấy?
- Viên trung úy của Hoàng hậu. Phuyriét Adam. Có lẽ các chú cũng biết chăng?
Mectsei nhăn mặt lắc đầu.
- Một chàng trai cừ khôi. - Bà lại nói. - Hoàng hậu gả chồng cho con gái ta đấy.
- Cầu trời phù hộ cho họ bách niên giai lão. - Đôbô nói.
Mectsei tặng cho lính của Đôbô những bộ quấn áo Thổ và những binh khí thường. Họ chuẩn bị lên đường .
Mectsei cầm mũ lên và bực tức xoay xoay trong tay. Cái mũ bị chém gần đứt đôi. Xexey bảo cậu:
- Đừng bực mình nữa. Nếu nó không bị xé như thế thì bây giờ làm sao đôi vừa lên đầu cậu được.
Áo quần họ còn ướt, nhưng chậc, cho đến tối mặt trời và gió sẽ hong khô.
- Cậu hãy chọn lấy hai người trong số lính của ta để họ đi theo cậu. - Đôbô bảo. - Bác Xexey, tôi cũng cử cho hai bác hai người.
- Không biết chúng ta có đi cùng đường không? - Mectsei quay sang vợ chồng Xexey hỏi. - có lẽ chúng ta cùng đi chăng?
- Cậu đi đâu? - Lão già hỏi lại.
- Đebrexen [86].
- Vậy thì ta đi cùng đường đấy.
- Vậy ba người lính cũng đủ, - Mectsei bảo Đôbô.
- Tùy ý cậu. - Đôbô vui lòng đáp.
Trong khi đôi vợ chồng già sắp hòm xiềng lên xe, hai người đi qua chỗ các tử thi. Trong số đó có một tên Thổ lực lưỡng, khoảng ba chục tuổi, nằm duỗi thẳng tay thẳng cẳng, hắn mặc một cái quần ống thụng bằng dạ xanh. Nhát chém trúng ngang mắt hắn.
- Tên này ta có biết. - Đôbô nói. - Ta cũng đã có lần đánh nhau với hắn.
Hai người lính Hung bị băm nát, người ta đã lấy khăn phủ đầu cho một người.
Lính của Đôbô chọc thủng bụng những tên Thổ rồi ném xuống dòng Beretchô.
Đoạn họ bới một cây liễu già. Họ lấy áo choàng đắp lên thi thể hai người rồi lấp đất lại và cắm gươm của họ lên thay cây thánh giá.
* * *
Ở góc phía nam kinh thành Côngxtăngtinốp sừng sững một tòa thành cổ. Bên trong những bức tường thành cao là bảy tòa tháp lùn như bảy cái cối xay gió khổng lồ đứng theo trật tự như sau:

                                          0
                           0                            0
                                    0        0
                           
                                 0              0

Một nửa những tường thành đứng ngay trên làn sóng xõa của biển Cẩm Thạch, một nửa do những ngôi nhà gỗ bao quanh. Đó là thành Ieđikula nổi tiếng, nghĩa là Bảy Tháp. Bảy Tháp đó chứa đầy châu báu của Xutan.
Trong hai tháp giữa để những đồ trang sức bằng vàng và ngọc. Trong những tháp đứng gần phía biển cất những dụng cụ phá thành, binh khí và những đồ bằng bạc. Trong hai tháp cuối cùng là những binh khí cổ và những chiếu chỉ, sách vở thời xưa.
Trong bảy tháp đó người ta còn giam giữ những tù nhân thuộc hàng công hầu nữa. Mỗi người bị giam một cách. Có người bị cùm và nhốt trong ngách đá tối om, cũng có người được cấp đủ tiện nghi và thả lỏng chả khác nào ở nhà: được phép tự do đi lại suốt ngày trong vườn hoa, vườn rau, lên ban công các ngọn tháp, vào nhà tắm; có thể đem theo cả ba người hầu, có thể viết thư, có thể tiếp người đến thăm, có thể chơi nhạc, có thể ăn uống thả cửa, chỉ mỗi tội không được ra khỏi thành.
* * *
Vào một ngày mùa xuân có hai người tóc hoa râm ngồi chơi trên ghế dài trong vườn thành Bảy Tháp. Cả hai đều đeo vòng cùm nhẹ quanh cổ chân. Một người tay chống cằm tì lên đầu gối, người kia dang rộng hai tay lên thành ghế và ngả người ra phía sau nhìn mây bay.
Người nhìn mây đã nhiều tóc bạc hơn người kia, râu ông dài đến ngực, tóc rủ xuống quanh đầu như bờm sư tử. Cả hai đều mặc quần áo Hung. Ôi, mảnh áo Hung đã sờn rách trên thân hình biết bao tù nhân trong thành Bảy Tháp!
Họ ngồi lặng lẽ. Ngày xuân tỏa hơi ấm dìu dịu khắp vườn. Giữa những hàng bá hương, đỗ tùng và nguyệt quế, hoa uất kim hương và hoa thược dược đã nở. Trên đầu họ, những lá rộng của cây bàng cổ thụ đang uống ánh mặt trời. 
Người nhìn mây nhấc cánh tay lực lưỡng xuống khỏi thành ghế và khoanh lại trước ngực, giữa chừng ông nhìn sang người bạn:
- Nghĩ ngợi gì thế hở ông bạn Moilát?
- Tôi đang nghĩ về cây dẻ của tôi. - Người kia cúi về phía trước trả lời. - Ở Phôgorot tôi có một cây dẻ…
Hai người lại im lặng. Vài phút sau Moilát lên tiếng:
- Cái cành ngoài của nó bị héo vì băng giá. Nó đã đâm chồi hay chưa? Tôi đang ngẫm nghĩ về chuyện ấy.
- Chắc chắn là nó đã đâm chồi. Cây cối bị băng giá rồi lại đâm chồi. Mầm nho cũng nẩy lên từ gốc cụt [87]. Chỉ có con người là không nẩy lộc.
Họ lại lặng lẽ một lúc. Rồi Moilát lại lên tiếng:
- Thế còn anh, Balin, anh nghĩ chuyện gì thế?
- Về chuyện thằng aga kapi [88] cũng bần tiện y như những đứa khác. - Tơrơc Balin buồn bã trả lời.
- Điều đó thì tôi chẳng bao giờ ngờ vực cả.
- Người ta bảo rằng hắn ranh lắm. Vợ tôi gửi cho hắn ba chục nghìn tiền vàng để hắn tìm mánh lới gỡ cái cùm này ra khỏi chân cho tôi. Thế mà đã ba tháng nay.
Họ lại im lặng. Moilát với tay xuống một bông hoa bồ công anh vàng hoe giữa đám cỏ. Ông bứt nó lên. Ông vò đi vò lại trong tay một lúc rồi thả rơi xuống đất.
Và ông lại lên tiếng:
- Hồi đêm tôi nghĩ về chuyện là mãi tôi vẫn chưa hiểu được tại sao chúng nó lại bắt anh. Anh đã kể nhiều lần về chuyện chúng nó giải anh đi trên sông Đuno, chuyện anh đã quật một tên lính gác vào mạn thuyền, cách chúng nó giải anh đến đây. Nhưng cái căn nguyên, cái lý do thật…
- Cái đó thực ra chính tôi cũng chằng biết.
- Nói cho cùng thì anh vẫn ở trong tổ của anh: người ta không thể đổ cho anh tội mưu bá đồ vương.
- Chính tôi cũng đã nhiều lần day dứt về chuyện này. Mặc dù đối với bọn Thổ thì chẳng cứ phải lý do gì to tát, nhưng tuy vậy giữa nhiều nguyên do cái gì đã hại cho tôi nhất thì tôi cũng muốn biết.
Một toán kaputji[89] khua trống đi qua sân, sau đó họ lại chỉ còn hai người với nhau.
- Tôi cho rằng vẫn cái buổi nói chuyện đêm ấy là lý do chính. Xuntan hỏi tại sao tôi lại báo cho quân Đức biết chuyện ông ta đến. “Báo cho quân Đức! - Tôi ngạc nhiên hỏi - Tôi không báo cho quân Đức mà là cho Perênhi”. “Cũng một phường cả - Xuntan trả lời - Perênhi ngoặc với quân Đức”. Và Xuntan tức giận tròn xoe mắt nhìn tôi: “Nếu ông không báo cho chúng nó biết, chúng tôi đã có thể đánh úp quân Đức ở đây. Chúng tôi đã có thể bắt được tất cả tướng lĩnh và ta đã có thể bẻ nát tất cả lực lượng của Pheđinan! Thành Viên cũng có thể đã là của ta!”. Thấy tên Thổ mạt hạng ấy thét vào mặt tôi như thế, trong người tôi máu cũng sôi lên. Tôi, anh biết đấy, bao giờ  cũng vẫn làm chủ trong toàn bộ cuộc đời tôi: tôi không quen che giấu những ý nghĩ của mình.
- Anh đã chồm lên với ông ta à?
- Tôi không cục cằn đâu, tôi chỉ nói với ông ta rằng sở dĩ tôi báo cho người ta biết việc Xuntan đến là chính vì tôi muốn tránh cho những người Hung trong phe Đức.
- Đó là một sai lầm lớn!
- Lúc đó tôi đang còn tự do.
- Thế sau đó Xuntan bảo sao?
- Không nói gì cả. Ông ta đi đi lại lại trước mặt tôi. Sau đó ông ta chợt quay sang viên pasa và bảo soạn cho tôi một cái lều tốt để tôi có thể ngủ lại vì hôm sau ông ta còn muốn nói chuyện với tôi.
- Thế hôm sau các anh nói chuyện gì?
- Không nói gì cả. Tôi cũng không bao giờ trông thấy Xuntan nữa. Người ta dành cho tôi một cái lều to nhưng không cho đi ra ngoài. Bao nhiêu lần tôi định bước ra đều có hàng chục mũi dáo chĩa vào ngực.
- Chúng nó xiềng anh lại từ bao giờ?
- Chỉ khi Xuntan lên đường về.
- Tôi thì chúng xiềng lại ngay từ khi bắt, trong cơn tức giận tôi đã khóc như một đứa trẻ con.
- Tôi không biết khóc. Tôi không có nước mắt. Cả khi cha tôi mất tôi cũng không khóc.
- Anh cũng không khóc các con anh à?
- Không. - Tơrơc Balin tái mặt đáp. - Nhưng mỗi khi nhớ đến chúng nó tôi lại cảm thấy như có ai đang xoáy mũi gươm trong ngực mình.
Ông thở dài đau đớn và gục trán vào lòng bàn tay.
- Có một tên tù binh rất nhiều lần hiện về trong ký ức tôi. - Ông nói với một vẻ buồn trầm ngâm. - Một tên Thổ gầy, xấu tính, bị tôi bắt được bên bờ Đuno. Tôi giữ hắn lâu năm trong thành. Có một lần mặt đối mặt, hắn đã nguyền rủa tôi.
Họ không nói thêm gì nữa.
Xa xa có tiếng kèn vọng đến. Thỉnh thoảng họ chú ý nghe, rồi sau đó lại đắm mình vào suy nghĩ.
Khi mặt trời đã nhuộm đỏ chân mây, viên trấn thủ đi khắp vườn và khi đến chỗ họ, hắn nói với họ giọng trịch thượng:
- Thưa các ngài, chúng tôi khóa cổng.
Chúng nó vẫn thường khóa cổng trước lúc mặt trời lặn độ nửa giờ và lúc đó tất cả tù nhân đều phải vào phòng giam của mình.
- Ephenđi Kaputji [90],- Tơrơc Balin hỏi.- hôm nay có việc gì mà người ta thổi kèn ghê thế?
- Hội Uất kim hương. - viên quan phòng thành trả lời. - trong vườn thượng uyển đêm nay người ta không ngủ.
Các tù nhân đều đã biết cả. Mùa xuân năm ngoái cũng đã có hội như thế. Những lúc như vậy tất cả cung phi, hoàng hậu của Xuntan hạ lệnh dựng những lều hoa quanh các luống hoa uất kim hương và cho các thị nữ bán trong đó đủ các loại đồ chơi, đồ trang sức, lụa là, găng tay, bít tất, giày dép, khăn voan và các loại tương tự. Mấy trăm cung phi của Xuntan không bao giờ được ra phố, vì vậy hàng năm đến đó họ vui mừng được một lần vung tiền mua sắm.
Những dịp như vậy vườn thượng uyển vang tiếng cười đùa. Người ta treo những lồng chim vẹt, sáo, họa mi và hoàng yến lên các cành cây cho chúng đua nhau hót thi cùng nhã nhạc. Tối đến trong eo biển Bốxpôrút, đuốc hoa và đèn lồng rực rỡ trên thuyền rồng và trong tiếng nhã nhạc vang lừng, tất cả cung tần mỹ nữ cùng dạo thuyền ra tận biển Cẩm Thạch.
Hai tù nhân bắt tay nhau dưới chân tháp Máu:
- Chúc anh ngủ ngon, anh Moilát Istơvan ạ.
- Chúc anh ngủ ngon, anh Tơrơc Balin ạ.
Bởi nơi đây không còn niềm vui nào khác ngoài giấc ngủ ngon. Trong giấc ngủ, người ta mơ về nhà.
Nhưng Tơrơc Balin không hề thấy buồn ngủ. Hôm nay sau bữa trưa, trái với thói quen, ông đã nằm nghỉ và ngủ một giấc, vì vậy buổi tối ông không buồn ngủ nữa. Ông đến mở  cửa sổ và ngồi nhìn trời sao.
Chiếc thuyền rồng dạo chơi ngay dưới chân thành Bảy Tháp về phía biển Cẩm Thạch. Bầu trời đầy sao nhưng không trăng. Những ngôi sao lấp lánh gần như bốc lửa và mặt biển cũng là một bầu trời nữa đang lấp lánh. Chiếc thuyền rực rỡ đèn hoa lướt giữa những ngôi sao cao tít và những ngôi sao sâu thẳm. Nhưng hai bức tường đá cao  không cho phép người tù được trông thấy cảnh đó. Chỉ có tiếng nhạc vọng tới tai ông; đàn Kanun tưng tưng, đàn gõ và sênh tiền rộn rã. Mặc dù rất muốn nghe, ý nghĩ của ông vẫn tha thẩn về hướng khác.
Về khuya tiếng nhạc ồn ào đã lặng. Các cung nữ cất tiếng hát. Giọng hát mỗi lúc một khác, tiếng đàn  dạo theo cũng khác. Nhưng Tơrơc Balin cũng chẳng nghe được gì mấy. Ông nhìn bầu trời đã phủ đầy những đám mây đen rách rưới đang từ từ trôi. Sao vẫn le lói chiếu qua những chỗ  rách.
- Ở đây trời cũng khác làm sao. - ông thầm nghĩ. - Trời Thổ Nhĩ Kỳ, đêm tối Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, lúc tiếng ca hát trên thuyền ngừng lại một hồi dài, ông lại tiếp tục những suy nghĩ của mình:
- Cả đến im lặng ở đây cũng khác: im lặng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông đã nghĩ đến việc đi nằm nhưng trạng thái buồn ngủ đê mê làm ông cảm thấy dễ chịu nên ông chờ cho đến lúc tứ chi tự cử động, cho đến lúc cơ thể ông, không cần đến ý chí chỉ huy, tự nó chuyển động và đưa ông đi nghỉ.
Tiếng thụ cầm lại ngân lên trong tĩnh mịch của đêm khuya và qua lá cành, những cung điệu Hung bỗng bay lên chơi vơi trong đêm tối Thổ Nhĩ Kỳ.
Tơrơc Balin cảm thấy một cảm giác rung mình vừa đau xót vừa ngọt ngào chạy từ tim ra khắp cơ thể.
Cây thụ cầm lặng đi một phút. Rồi những cung điệu run rẩy lại bay lên, dâng lên như tiếng nức nở thầm lặng trong đêm khuya.
Tơrơc Balin ngửng đầu lên, đôi mắt trầm ngâm. Con sư tử bị giam trong cũi sắt cũng ngẩng đầu lên như thế mỗi khi nghe gió núi thầm thì.
Những cung điệu của cây thụ cầm dịu dàng hạ xuống thành một tiếng thở dài tan vào im lặng để rồi những dây đàn lại nẩy lên cùng với lời ca Hung rất rõ của một giọng nữ thanh và buồn:

Ai đã uống nước Tixo.
Trái tim sẽ mãi nhớ về chốn đây.
Ôi! Tôi cũng uống sông này.

Hơi thở của Tơrơc Balin ngưng lại, ông đăm đăm dõi mắt về phía tiếng hát. Những món tóc bạc của ông dường như xù cả lên, mặt ông hầu như biến thành đá. Và trong khi con mãnh sư già thần người ra nghe bài hát, hai giọt nước mắt to ứa ra, lăn trên gò má và chòm râu của ông.
* * *
Vào khoảng nửa đêm, một gia nhan gõ cửa phòng ngủ của các công tử Tơrơc:
- Công tử Gergey!
- Có việc gì thế?  Cứ vào! - Gergey nói to.
Chàng chưa ngủ, bên ánh nến chàng đang đọc Hôraxiux [91].
Bên hai giường kia, các công tử Tơrơc cũng tỉnh dậy.
- Người gác cổng báo tin là có một ông nào ấy đang đứng ở trước cổng.- Tên gia nhân nói.
- Tên là gì?
- Cái gì Kelske [92] hay là quái quỷ gì ấy.
- Kelske? Thằng khỉ gió nào mà có thể có cái tên là Kelske?
- Ông ta ở Giơrơ đến và muốn nghỉ lại đây.
Nghe tiếng Giơrơ, Gergey liền nhảy ra khỏi giường. Tơrơc Iontsi từ trong chăn  hỏi ra:
- Ai thế hở Gergey?
- Mectsei! - Gergey vui vẻ kêu lên. - Mời ngay ngài hiệp sĩ vào.
Tên gia nhân chạy vụt đi ngay. Gergey xỏ ủng rồi vơ vội áo choàng lên vai. Hai công tử cũng ra khỏi giường[93]. Hai cậu rất tò mò người khách mà họ mới chỉ nghe tên.
- Các cậu cho dọn rượu và món ăn nhé! - Gergey dặn với lại từ cửa phòng rồi chạy lao xuống nhà.
Khi chàng xuống đến sân thì Mectsei cũng đã ở đó, bên cạnh là viên quan phòng thành và người lính gác đang cầm đèn. Từ trên gác cũng có ánh đèn rọi xuống. Vệt sáng chập chờn một lát rồi chiếu lên người mới đến, lúc đó đang tặng cho mỗi người lính của Đôbô một đồng tiền vàng để từ giã.
- Thế là tớ đã đến nơi. - Anh ôm chầm lấy Gergey và nói. - Xuýt nữa thì tớ ngủ trên mình ngựa.
- Nhưng anh Pisơto, cái gì trên đầu anh thế?
- Tuyban đấy, mẹ kiếp! Cậu không thấy là tớ đã trở thành Thổ đây à?
- Anh đừng đùa! Cái khăn đầy những máu kia kìa!
- Nào, thế thì cậu cho tớ xin một cái phòng và một thau nước, rồi sau đó tớ sẽ kể cho mà nghe chuyện đi đường từ Giơrơ đến Đebrexen.
Một người hầu gái hiện ra ở đầu cầu thang và nhìn người mới đến có vẻ dò hỏi. Gergey khoát tay ra hiệu  không có gì. Người hầu biến mất.
Gergey quay sang Mectsei giải thích:
- Phu nhân không mấy khi ngủ. Đêm cũng như ngày, bà vẫn ngóng chờ tin tức của tướng công.
Mectsei nằm sốt ba ngày liền vì vết thương. Suốt thời gian đó, các công tử Tơrơc và Gergey lúc nào cũng ngồi bên cạnh anh. Họ cho anh uống rượu vang đỏ và chăm chú nghe những câu chuyện của anh.
Phu nhân cũng thường đến thăm anh. Trong lúc còn sốt, Mectsei đã nói rằng anh đến vì Gergey: anh sẽ đưa chàng đi theo mình vào quân đội hoàng gia.
Các công tử Tơrơc sửng sốt nhìn Gergey, còn phu nhân nhìn chàng với nét mặt buồn bã ra chiều trách móc:
- Vậy ra con có thể bỏ chúng ta mà đi ư? Ta đã không phải là mẹ thay thế mẹ của con ư? Và các con ta đã không phải là các em của con ư?
Gergey cúi đầu trả lời:
- Con đã mười tám tuổi rồi. Chả nhẽ con cứ sống một cách tốn cơm vô ích ở đây khi Tổ quốc đang cần những người lính hay sao?
Quả thật chàng đã có vẻ một chàng trai chín chắn so với lứa tuổi mình. Trên khuôn mặt nước da bánh mật, mịn màng như con gái của chàng, râu đã bắt đầu lún phún. Đôi mắt đen láy của chàng đầy vẻ thông minh và nghiêm nghị.
 - Cần chính con ư? Con không thể chờ các con trai của ta cùng đi ư? Ai cũng lìa bỏ chúng ta cả, - Phu nhân gật gật đầu và lau những giọt nước mắt giàn giụa., - Nơi nào Trời đã lìa bỏ thì con người cũng xa lánh.
Gergey quỳ xuống trước mặt phu nhân và hôn tay bà:
- Thưa phu nhân, mẹ yêu quý của con, nếu mẹ hiểu việc ra đi của con như thế thì thôi vậy.
Tinôđi cũng đang ngồi trong phòng. Ngày hôm đó ông vừa từ Erơsecniva đến. Ông đến để hỏi tin tức của chủ tướng, nhưng tất nhiên câu hỏi tắc lại trong cổ ông khi ông thấy lâu đài không treo cờ và phu nhân ở trong tình trạng gần như để tang.
Ông ngồi cạnh cửa sổ, trên một cái hòm bọc da gấu và đang viết chữ lên bản một thanh gươm. Nghe lời Gergey, ông ngừng tay lại và nói:
- Thưa phu nhân, xin phu nhân cho lão được phép nói leo vào câu chuyện này.
- Ông cứ nói đi, Sebớc ạ.
- Con chim dù có bay đi đâu rồi cũng vẫn luôn luôn quay về tổ. Gergey đang muốn được tung cánh một phen. Lão nghĩ rằng nếu cậu ta được biết đó biết đây thì rất tốt. Vả lại phu nhân cũng thấy đấy, chỉ nay mai công tử Gianốt sẽ trưởng thành, lúc ấy đối với cậu ta cũng tốt hơn nếu có được một quân nhân từng trải ở bên cạnh.
Không có gì buồn cười trong những lời này cả, tuy vậy mọi người vẫn mỉm cười. Vì thi sĩ Sebớc hễ lúc nào không hát là lại hay pha trò, và dù lão có nói một cách nghiêm chỉnh người ta vẫn cảm thấy niềm vui ẩn náu trong những lời của lão.
- Rồi chúng ta sẽ nghĩ thêm xem sao. - Phu nhân gật đầu nói.
Thi sĩ lại quay về công việc.
- Bài thơ đã xong chưa đấy?
- Xong rồi ạ. Lão không biết phu nhân có thích không?
Lão cầm thanh gươm đầu rắn lên và đọc:

Ai can trường là mạnh.
Người mạnh thắng như chơi.
Vừa thắng vừa xông tới.
Tử thần cũng tháo lui!

- Bác viết bài ấy lên gươm của cháu nữa nhé! - Tơrơc Iontsi nói.
- Không. - Tinôđi lắc đầu đáp. - Chúng ta sẽ viết bài khác lên gươm ấy.
Mectsei nằm trong giường lên tiếng:
- Trên thanh gươm của Đôbô phải viết cả tên vua nữa đấy. Một câu gì đại khái như: Kính thiên, ái quốc, trung quân.
- Câu ấy lỗi thời rồi. - Tinôđi trả lời. - Từ khi vương miện đặt lên đầu người Đức [94] câu ấy đã bị loại khỏi thời thượng rồi. Nếu ông ta quả muốn viết câu đó lên gươm thì chính ông ta đã tự mang gươm đến.
- Cháu có một câu. - Gergey gõ ngón tay lên trán nói. - Hồi nhỏ, cháu đã được nghe một câu nói của chú ấy. Có lẽ nên khắc câu ấy lên gươm.
- Câu gì thế?
- Cái chính là không bao giờ được sợ!
- Được đấy. - Tinôđi khẽ gật đầu. - Nhưng như thế thì ý trơ trọi quá. Hẵng gượm…
Lão chống tay lên cằm suy nghĩ. Mọi người đều im lặng. Một phút sau mắt lão sáng lên:
- Ai sợ chết, đời sẽ hết!
- Thế hay đấy! - Gergey kêu lên.
Tinôđi chấm bút lông ngỗng vào nghiên mực bằng gỗ để trên bậc cửa sổ rồi viết câu tâm niệm đó lên thanh gươm.
Còn một thanh gươm nữa chưa viết, đó là thanh gươm cùng đôi với thanh của Đôbô, Mectsei tặng nó cho Gergey.
- Chúng ta viết gì lên thanh gươm này bây giờ? - Tinô đi nói. - Thế này có được không nhé: Bônemixo Gergey, hãy phóng như bay!
Mọi người cười ồ lên. Gergey lắc đầu:
- Không, cháu chả cần thơ, chì cần một chữ thôi. Trong chữ ấy có tất cả mọi ý thơ. Bác hãy viết cho cháu chữ này: Vì Tổ quốc! [Trong tiếng Hung, ba chữ này chỉ viết làm một: hazáért].
Ngày thứ năm Đôbô chợt đến. Mọi người vui mừng đón tiếp ông. Đã mấy năm nay, kể từ khi chủ tướng bị bắt. đây là lần đầu tiên người ta lại bày lên bàn những bát đĩa bằng vàng, bằng bạc. Một niềm vui rạng rỡ bất thường tỏa sáng khắp ngôi nhà.
Tơrơc phu nhân chăm chú lắng nghe những tin tức mà Đôbô biết được từ Viên và từ các quan chức trong nước.
Hồi đó chưa có báo chí, chỉ qua thư từ hoặc khách khứa người ta mới có thể biết được những chuyện xảy ra ngoài xã hội cũng như những chuyện gẫy cành đơm nụ trên cây gia hệ của những gia đình quý tộc.
Chỉ có tên của một người là mãi vẫn chưa được nhắc đến trong câu chuyện: đó là tên của gia chủ. Gergey đã lưu ý Đôbô đừng nhắc đến, cũng đừng hỏi han gì cả.
Nhưng khi các gia nhân đã lui hết ra khỏi phòng ăn, chính phu nhân lại lên tiếng hỏi:
- Tướng quân có nghe được tin tức gì về người chồng thân yêu của tôi không?
Và nước mắt bỗng chảy giàn giụa trên má bà.
Đôbô lắc đầu:
- Chừng nào tên Xuntan này chưa chết, tướng công nhà ta còn khó lòng mà được tha về.
Ý nghĩ đó đã được nói ra với một sự chân thành mộc mạc, nhưng thời đó người ta vẫn quen nghĩ sao nói vậy.
Phu nhân càng rũ đầu xuống.
Đôbô căm giận đập tay lên bàn:
- Nhưng hắn còn muốn sống đến bao giờ nữa? Những tên khát máu như thế thường không được chết già đâu!
Rồi ông nói tiếp, giọng an ủi:
- Nếu có thể bắt được một tên basa nào đó, tôi sẽ đem đổi lấy tướng công.
Phu nhân buồn bã lắc đầu:
- Tôi không tin, Đôbô ạ. Chúng nó giam giữ chồng tôi trong sắt thép không phải như giữ một của quý cướp được, mà như giữ một con sư tử, vì chúng nó sợ chồng tôi. Tôi đã hứa tất cả để chuộc lại chồng tôi. Tôi bảo chúng nó: Các ông hãy lấy tất cả súc vật của chúng tôi đi, hãy lấy tất cả vàng bạc của chúng tôi đi. Tụi basa đút túi tất cả tiền bạc của tôi gửi đến, nhưng Xuntan vẫn không hề trả lời chúng tôi.
- Vị tất chúng nó đã dám mang chuyện đó ra tâu.
- Không thể thoát khỏi nơi ấy bằng cách nào khác được ư? - Mectsei hỏi.
Đôbô đáp:
- Ra khỏi Bảy Tháp ấy à? Cậu chưa bao giờ nghe nói về Bảy Tháp hay sao?
- Tôi đã có nghe nói. Nhưng tôi cũng được nghe nói là nếu người ta quyết chí thì không có việc gì không thể làm được.
- Cậu Mectsei thân mến, - phu nhân nói. - chả nhẽ cậu lại có thể nghĩ rằng chồng tôi và cả cái gia đình côi cút này không quyết chí hay sao? Tôi đã chẳng từng đến chỗ hoàng hậu, đến nhiếp chính, đến tổng trấn Buđo vì việc cứu chồng tôi đấy ư? Tôi đã chẳng từng lê gối đến cả chỗ vua Pheđinan đấy sao? Chuyện đó tôi cũng chẳng dám viết cho người chồng đau khổ của tôi biết nữa.
Những lời cuối cùng của phu nhân nghẹn ngào trong nước mắt, mọi người im lặng buồn rầu nhìn bà.
Nhưng bà đã lau nước mắt và gắng gượng mỉm cười quay sang nói với Tinôđi:
- Thi sĩ Sebơc, chẳng nhẽ chúng ta lại đem nước mắt ra mà đãi bằng hữu hay sao? Lão khá đem cây đàn ra đây và hát lại những bài mà ngày trước chồng ta vẫn thường ưa thích, chỉ những bài ấy thôi, Sebơc ạ. Chúng ta sẽ nhắm mắt lại, và trong khi lão hát, chúng ta sẽ tưởng tượng tướng công cũng đang ngồi giữa chúng ta.
Đã ba năm nay trong nhà vắng tiếng đàn của thi sĩ Sebơc. Vừa nghe lệnh cho phép, mấy cậu thiếu niên đã vui hẳn lên.
Sebơc về phòng mình lấy cây đàn tới rồi bằng một giọng êm ái lão ngâm thơ kể sự tích bà Yuđích và đệm đàn theo.
Câu chuyện đã mang lại niềm an ủi. Trong vai Hôlôphen tất cả mọi người đều nhận ra Xuntan. Nhưng hỡi ôi, ngày nay còn đâu bà Yuđích để trừ tiệt hắn khỏi mặt đất này!
Đến nửa chừng câu chuyện, dây đàn bỗng nhiên đổi làn điệu dưới những ngón tay ông lão và bằng một giọng rất trầm rất nhẹ, lão chuyển sang bài khác:

Nước Hung đáng thương giờ đây than khóc           
Những niềm vui, tiếng cười đã mất
Đã tiêu điều bao cơ nghiệp giàu sang           
Bị tù đày bao khanh tướng hiên ngang.

Một cảm giác đau xót truyền đi khắp mọi người ngồi quanh bàn. Đôbô cũng ứa nước mắt.
- Lão có nên tiếp tục nữa chăng? - Tinôđi ngần ngại hỏi.
Nữ chủ nhân gật đầu.
Sau đó Tinôđi ngâm khúc hát kể chuyện quân Thổ đã lừa tướng công Balin sa lưới như thế nào, chúng đã giải tướng công đi trong xiềng xích ra sao. Đến cuối khúc ngâm, giọng ông trở nên thầm thì đau đớn:

Vẫn cầu nguyện lệ đầy khóe mắt           
Người vợ hiền và cả hai con            
Họ đang khóc cảnh mồ côi, hiu hắt,
Sao xiết nỗi buồn trong kiếp cô đơn.         
Đâu còn niềm vui cho những gia nhân
Những người vẫn nhớ thương, cầu nguyện           
Một đôi kẻ ngại ngùng trốn tránh
Vẫn nhiều người chờ chủ tướng hồi gia.

Đến đây ngay cả người đánh đàn cũng nghẹn ngào. Bởi lão chính là người gia nhân ngại ngùng trốn tránh vẫn thương khóc chủ tướng của mình nhiều nhất.
Hai cậu thiếu niên gục đầu vào lòng mẹ khóc nức nở, bà mẹ ôm choàng lấy cả hai con.
Một vài phút trôi qua như vậy trong ngôi nhà buồn thảm, sau đó Đôbô lên tiếng bằng một giọng trầm trầm đầy cay đắng:
- Sao tôi lại không phải là kẻ tự do! Nếu được thế thì dù có phải mất hàng năm trời tôi cũng quyết đi tới thành phố đó, ít nhất cũng để xem cái nhà ngục ấy có thật kiên cố đến thế chăng?
Mectsei đứng dậy:
- Tôi đang là kẻ tự do! Xin thề trước Đấng vạn năng rằng tôi sẽ đi tới đó! Nhất định thế! Và nếu được thì dù có phải trả bằng tính mạng, tôi cũng sẽ giải thoát cho tướng công Tơrơc Balin.
Gergey cũng bật dậy:
- Tôi sẽ đi với anh! Tôi sẽ theo anh qua tất cả mọi hiểm nghèo vì chủ tướng, vì nghĩa phụ của tôi.
- Mẹ ơi, - Tơrơc Iontsi xúc động nói. - chẳng nhẽ con lại ngồi nhà trong khi có người ra đi để cứu cha con ư?
- Chuyện điên rồ! - Người mẹ đáp.
- Dù là chuyện điên rồ hay không cũng mặc. - Mectsei hăng hái nói. - Cái gì tôi đã nói là tôi sẽ làm.
- Lão cũng sẽ đi với cậu, - Tinôđi nói. - Tay lão đã bại nhưng trí óc lão có khi còn có ích.
- Các người muốn gì cơ chứ? - Tơrơc phu nhân lại nói. - Chẳng lẽ các người có thể làm được điều mà hai đức vua cùng một gia tài vương giả đã không làm nổi hay sao?
- Phu nhân nói đúng đấy. - Đôbô đã lấy lại bình tĩnh nói. - Tiền bạc, mưu chước đều vô ích hết, chỉ còn thiện ý của Xuntan mới có thể mở được xích xiềng.
- Nhưng nếu cái thiện ý ấy không bao giờ đến cả? - Mectsei vặn lại.
* * *
Sáng hôm sau Đôbô tiếp tục lên đường. Mọi người không lưu khách, ai cũng biết thời giờ của ông rất sít sao. Mectsei vẫn còn ở lại.
Anh gọi Gergey vào phòng riêng và bảo:
- Mình đã chờ để chúng ta có dịp suy nghĩ thêm về buổi nói chuyện tối hôm qua. Không phải vì mình đâu, mình thì dẫu có suy nghĩ đến mấy cũng vẫn thế thôi, nhất định mình sẽ đi tới miền đất Thổ Nhĩ Kỳ đó.
- Còn tôi, tôi sẽ đi với anh. - Gergey trả lời giọng dứt khoát.
- Ngẫm cho cùng thì hiện nay ở nhà không có chiến tranh. Vả lại, ai biết được, nhỡ chúng ta tìm được một lối ngóc ngách nào đó thì sao?
- Cho dù có thất bại chăng nữa, chúng ta cũng không phải hổ thẹn.
- Mang Tinôđi theo à?
- Tùy anh.
- Thế còn Iontsi?
- Phu nhân không để cho cậu ta đi đâu…
- Vậy chỉ hai đứa chúng mình đi thôi. Ta để Tinôđi ở nhà thôi, ông lão không chịu đựng nổi trò múa gươm cưỡi ngựa đâu.
- Tùy anh.
- Vả lại chúng mình đang đùa với cái đầu của chúng mình đấy. Mang ông lão vào chỗ chết thì uổng lắm. Giờ đây ông lão là một trong những người đáng quý nhất ở nước ta đấy. Chúa Trời cũng muốn ông lão lang thang đây đó để nhen lại những ngọn lửa đang tắt dần trong những trái tim. Con người này chính là nỗi đau thương đang ngân lên từ linh hồn dân tộc.
Họ đang trò chuyện thì Tơrơc Iontsi đẩy cửa bước vào. Cậu cầm roi ngựa trong tay, mặc quần đi ngựa bằng da nai vàng, đầu đội mũ dạ rộng vành kiểu Đebrexen, chân đi ủng màu vàng.
Mectsei làm bộ như đang tiếp tục kể một câu chuyện nào đó, anh chỉ hơi liếc nhìn Iontsi rồi vừa cười vừa nói:
- Thế đấy: con thỏ đế tóc đỏ sắp cưới vợ!
Và anh giải thích cho Iontsi hiểu:
- Cậu không biết kẻ mà chúng tớ đang nói tới đâu, nhưng có lẽ Gergey đã từng kể đến cũng nên.
- Ai cơ? - Iontsi hờ hững hỏi.
- Phuyriét Ađam.
- Hắn lấy ai? - Gergey mỉm cười nói.
- Con gái của một lão già tay gỗ.
Tất cả vẻ hồng hào trên mặt Gergey bỗng nhiên biến mất.
- Xexey Êvo ấy à? - Cậu hỏi gần như hét lên.
- Cô ấy đấy, cô ấy đấy. Cậu quen cô ta ư?
Gergey ngơ ngẩn nhìn Mectsei.
- Các anh đừng đóng kịch nữa. - Iontsi nói và quất roi lên chiếc ủng. - Không phải các anh đang nói về chuyện ấy đâu. Các anh tưởng tôi còn trẻ con lắm đấy. Tôi không còn trẻ con nữa đâu. Suốt đêm qua tôi không ngủ. Có thứ quả chỉ một đêm là chín. Đêm qua tôi đã chín chắn thành người.
- Thế mẹ cậu cho phép cậu đi ư?
- Tôi chưa nói với mẹ tôi, nhưng đằng nào cũng thế thôi. Hiện nay ở thành Hunhođi có mấy việc phải thu xếp. Tôi sẽ thưa với mẹ tôi giao cho tôi đi làm việc đó.
Mectsei nhún vai:
- Nếu vậy thì khởi hành thôi.
- Ngay hôm nay cũng được. Tôi đã mặc quần áo đi đường đây rồi.
- Khoan cái đã. - Gergey nói, mặt vẫn tái nhợt. - Vừa rồi anh có nói đến một chuyện, anh Mectsei ạ. Câu chuyện đó có thực không hay anh chỉ ngẫu nhiên bịa ra như thế?
- Chuyện mình nói về Phuyriét ấy à?
- Vâng.
- Thực đấy. Chính bà mẹ cô ta đã khoe là hoàng hậu gả cô ta cho trung úy tùy giá của hoàng hậu.
Mặt Gergey chuyển dần từ tái nhợt ra màu đỏ, những mạch máu căng phồng trên trán.
- Anh làm sao thế? - Iontsi hỏi. - Anh quen cô ta ư?
Gergey mất bình tĩnh, đi đi lại lại trong phòng.
- Cố nhiên là tớ quen, vì cô ta là Êvo của tớ!
- Người ta lấy mất Êvo của anh à? - Iontsi ngơ ngác hỏi.
- Ừ. Nhưng tớ không tin.
Và chàng giận dữ thét lên gần như phát khùng:
- Tớ sẽ giết chết cái thằng vô lại ấy!
Mectsei muốn dùng sự bình tĩnh của mình để làm chàng dịu xuống:
- Cho là cậu sẽ giết nó. Nhưng nhỡ cô kia yêu nó thì sao?
- Cô ấy không yêu nó!
- Cậu cho rằng người ta ép uổng cô ấy à?
- Chắc chắn là như thế!
- Và cậu yêu cô ấy?
- Từ thuở bé.
- Thế thì chúng mình phải làm một cái gì mới được. - Mectsei nói và chống cùi tay, nhổm người lên rồi tiếp: - Nhưng dù chúng ta có làm gì đi nữa, cậu vẫn không lấy được cô ấy. Và nhỡ họ đã thân nhau thật sự thì sao?
- Sao anh lại có thể nghĩ thế được! - Gergey đáp.
Mectsei nhún vai:
- Cô cậu thư từ với nhau à?
- Chúng tôi làm cách nào mà thư từ với nhau được! Tôi làm gì có quân hầu để sai đi đây đi đó?
Mectsei lại nhún vai.
Ngoài hiên bỗng có tiếng gõ cửa gấp.
Tơrơc Iontsi nhảy lại chỗ cánh cửa và khe khẽ quay chiếc chìa khóa trong ổ. Ngay phút đó quả đấm cửa bị vặn lạch cạch. Iontsi ra hiệu im lặng vì người gõ cửa chính là em cậu. Cậu không muốn cho nó biết tí gì về dự định của họ.
* * *
Hoàng hậu Izabela nghỉ đông ở Giolu, và chúa xuân vẫn còn gặp bà ở đấy.
Ba hôm sau Gergey và Mectsei đã đến Giolu. Tơrơc Iontsi không đi cùng để bà mẹ khỏi ngờ về mưu toan của họ.
Tơrơc phu nhân chỉ biết rằng Gergey đi theo Mectsei để gia nhập quân ngũ của Pheđinan và sẽ sống hết mùa hè trong quân đội, đến dịp lễ Đemete sẽ trở lại nhà.
Mưu chước của các chàng trai đã dệt xong. Họ thỏa thuận với nhau là Gergey rõ cô gái có yêu người chồng sắp cưới của mình không? Nếu cô ta yêu, Gergey sẽ không thể làm gì khác hơn là từ biệt những mộng ước của mình. Nhưng nếu cô ta không yêu, Gergey sẽ lập tức biến ngay khỏi nơi đó, còn Mectsei sẽ chế nhạo Phuyriét đến mức không cô gái nào ở vùng Erơđêi còn nảy ra ý thích làm vợ hắn nữa.
Sau khi đã giải quyết xong mọi việc ở Giolu ba chàng trai sẽ gặp nhau ở thành Hunhođi để lên đường tới Côngxtăngtinốp.
Họ dự định sẽ đi ngựa tới biên giới, Iontsi giữ lại số tiền định dùng vào việc tu sửa thành trì và ngoài ra còn cố kiếm thêm được chừng nào hay chừng ấy, để nếu cần họ cũng sẽ có đủ tiền hành động. Từ bên kia biên giới trở đi họ sẽ cải trang thành đạo sĩ, lái buôn hay hành khất và đi bộ để có thể tránh sự chú ý của tụi cướp hoặc những toán quân Thổ lang thang trên đường. Dù cứu được tướng Tơrơc Balin hay không, trong vòng hai tháng họ sẽ quay trở về, nhưng có lẽ còn sớm hơn cũng nên, và Tơrơc phu nhân sẽ không phải thấp thỏm về đứa con trai của bà.
Hai chàng trai đến Giolu vào buổi tối.
Chỉ có một người hầu đi theo họ, một anh chàng tên là Machiát mà Mectsei vừa nhận thuê ở Đebrexen. Trước đây gã làm nghề chăn ngựa ở Hôrơtôbagiơ [96]. Gã cưỡi con ngựa Thổ Nhĩ Kỳ màu xám nhạt mà Mectsei đã giữ lại trong số năm con ngựa chiến lợi phẩm.
Đến ngôi nhà đầu tiên họ đã hỏi thuê chỗ trọ ngay. Chủ nhà là một người Ôla [97] biết tiếng Hung. Ông ta ngạc nhiên lắc đầu cùng với cả cái mũ đen, to sù sụ.
- Không phải các công tử đến dự đám cưới hay sao mà lại muốn trọ nhà tôi?
- Chúng tôi đến chính vì đám cưới ấy đấy.
- Thế tại sao không lên lâu đài mà ở?
Hai chàng trai liếc nhìn nhau. Gergey trả lời:
- Tôi không vào đấy vì tôi bị sốt ở dọc đường.
Và quả thật mặt chàng tái mét như một người ốm.
- Chỉ anh bạn của tôi vào đấy thôi. - Chàng nói tiếp. - Nếu bác có phòng trống, tôi sẽ xin trả tiền.
Nghe nói trả tiền, vẻ ngạc nhiên trên mặt người Ôla liền biến mất, ông ta đon đả mở rộng cửa cho các chàng kỵ sĩ.
- Chúng tôi đến đám cưới chưa chậm đấy chứ? - Mectsei hỏi.
- Chưa đâu các công tử hào hoa ạ! Chẳng lẽ các công tử không biết rằng ngày kia mới là ngày cưới hay sao?
Khi chỉ còn hai chàng trai trong phòng. Gergey chán nản nhìn Mectsei:
- Chậm mất rồi.
- Tớ cũng nghĩ như thế đấy.
Gergey ngồi xuống một cái ghế độn rơm ọp ẹp và cứ ngồi sững sờ, vô kế khả thi.
Mectsei đến đứng bên cửa sổ, đăm đăm nhìn những bụi tử đinh hương đã bắt đầu xanh lá. Cuối cùng anh quay lại nói:
- Tớ cho rằng tốt nhất là chúng ta quay về. Nghèo bớt một ước mơ, nhưng giàu thêm kinh nghiệm.
Gergey đứng dậy nói:
- Không. Tôi không từ bỏ hạnh phúc của mình một cách dễ dàng như thế. Một ngày vẫn là cả một thời gian dài. Bây giờ thế này nhé, tôi sẽ ở lại đây, còn anh thì đi lên lâu đài và trà trộn vào giữa đám khách khứa.
- Nhỡ người ta hỏi thì sao?
- Xexey chả đã mời anh đấy ư? Cái chính là anh phải tìm cách gặp bằng được nàng và tìm biết cho được có phải nàng đã chọn Phuyriét theo ý mình không? Nhưng điều đó không thể nào có được! Không thể có được! Không thể có được!
- Được rồi. Tớ sẽ lên lâu đài và sẽ ở lại đấy cùng với Mochi [98], nếu quả thực người ta đón tiếp.
- Anh cứ bảo là Xexey mời anh. Nói cho cùng thì anh đã cứu mạng lão.
- Điều đó đã hẳn rồi. Tớ cũng nghĩ là dù lão có tiếp với mặt này mũi khác đi chăng nữa, rốt cục tớ cũng cứ vào ở trong lâu đài và sẽ nói chuyện với cô ấy. Nếu có thể thì ngay hôm nay, nếu không thì ngày mai. Nhưng cậu không làm cách nào đi cùng với tớ được ư? Có lẽ cậu thử đóng vai tiểu đồng của tớ xem.
- Không. Trường hợp nàng bị họ bắt ép thì tốt nhất là họ đừng biết có tôi ở đây.
- Nếu như thế tớ sẽ tát vào mặt thằng Phuyriét.
- Chừng nào chưa nói chuyện với nàng thì xin anh chớ có hành động gì cả. Nói chuyện xong anh hãy trở về đây ngay, rồi lúc đó chúng ta sẽ liệu…
Mụ Ôla trải nệm trên giường cho Gergey, rồi đưa thuốc uống và khăn ướt cho chàng. Nhưng người ốm này không chịu đi nằm, không uống nước lá xông, cũng không chịu đắp khăn ướt lên trán. Chàng cứ đi đi lại lại trong phòng và thoi mạnh những nắm đấm vào không khí.
Đến sáng Mectsei trở lại. Anh thấy Gergey ngồi ở bên bàn. Cây nến cháy rụi để trước mặt, còn cậu ta ngồi gục đầu vào tay mà ngủ thiếp đi.
- Sao cậu không nằm xuống?
- Tôi cứ tưởng mình sẽ không ngủ được.
- Tớ đã nói chuyện với cô ấy rồi. Cậu đã linh cảm đúng, cô ta lấy Phuyriét không phải vì yêu.
Gergey rùng mình như thể người ta vừa giội nước lạnh lên người chàng. Ngọn lửa của cuộc sống lại trở về trong đôi mắt chàng.
- Anh có nói là tôi ở đây không?
- Có. Cô ấy muốn chạy ngay ra với cậu nhưng tớ đã ngăn cô ấy lại.
- Sao anh lại ngăn nàng? - Gergey đứng phắt dậy.
- Ấy, ấy! Hẳn cậu định lao vào tớ để cảm ơn đấy phỏng?
- Xin anh đừng giận. Tôi đang như giẫm phải than hồng.
- Sở dĩ tớ không cho cô ấy chạy đến với cậu là vì nếu thế thì tất cả đám thị thần sẽ đổ xô theo cô ấy. Cô ấy sẽ xấu hổ, còn chúng ta thì sẽ bị nguy.
- Thế anh đã nói với nàng những gì?
- Tớ bảo để tớ sẽ làm nhục Phuyriét, và cô ta sẽ trả lại nhẫn cho hắn.
- Nàng trả lời thế nào? - Gergey hỏi với đôi mắt rực cháy.
- Cô ấy bảo là hoàng hậu cứ giục giã cô ấy phải lấy chồng, cô ấy không làm thế nào thoát được vì cha mẹ cô ấy cũng nài ép. Tóm lại là cái bà hoàng hậu già này trong cơn buồn chán mùa đông ở đây đã giải trí bằng cách gả chồng dựng vợ. Thằng Phuyriét tất nhiên là nó vồ lấy cô gái. Còn cô gái, để làm đẹp lòng hoàng hậu, đã đặt trái tim vào đĩa và trao cho hắn với một vẻ phục tùng trinh nữ.
- Nhưng nàng trao cho hắn làm gì kia chứ! Ôi, dù sao nàng cũng đã quên tôi! Nàng đã quên rồi.
- Cô ấy có quên đâu. Tớ nói nhầm đấy thôi. Tớ cũng chẳng biết sự thể đã xảy ra như thế nào nữa!
- Thế nàng nói sao? Nàng có nói một cách dứt khoát là không yêu Phuyriét hay không?
- Cô ấy đã nói thế đấy.
- Và nàng muốn nói chuyện với tôi?
- Phải. Tớ bảo cô ấy là đêm nay tớ sẽ dẫn cậu tới đằng ấy.
Gergey lượn đi lượn lại trong phòng, rồi lại chán nản ngồi phịch xuống chiếc ghế độn rơm.
- Nếu chúng ta có hất Phuyriét ra khỏi yên thì cũng chẳng ích gì? Dù nàng có muốn lấy tôi, người ta cũng chẳng gả cho tôi nào. Tôi là ai? Một đứa tầm phơ, không cha không mẹ, không nhà cửa. Gia đình Tơrơc, đúng là họ đã nuôi nấng tôi như con đẻ, nhưng chưa bao giờ tôi có thể coi mình là ruột rà đến mức dám mở miệng yêu cầu một điều to tát đến thế này. Mà lại ngay vào lúc này, khi tổ ấm của họ cũng đang rối bời bời!
Mectsei khoanh tay đứng bên cửa sổ, ái ngại nhìn Gergey.
- Tớ không hiểu cậu nói gì, nhưng tớ thấy cậu đâm ra lú lẫn mất rồi. Nói cho cùng, nếu cậu muốn lấy cô gái thì chẳng cần phải có cha mẹ mà chỉ cần một mái nhà con. Nếu cậu muốn, tớ có một túp lều nho nhỏ ở Dempơlên đang bỏ không. Cậu có thể ở đấy đến hàng chục năm cũng được.
- Trong nhà còn phải có bếp nữa chứ, và trong bếp lại phải có bánh mì!
- Cậu chẳng phải là một nhà thông thái đấy ư? Cậu hiểu biết nhiều hơn bất cứ một giáo sĩ nào. Thời buổi này người ta đang tranh nhau đi tìm thư ký giỏi.
Gergey lại tươi tỉnh.
- Anh nói thế mà nghe được đấy.
- Cái chính hiện nay là Êvo hẵng khoan lấy chồng. Cậu sẽ theo tớ vào quân đội, và chỉ không đầy một năm, lương bổng của cậu sẽ đủ nuôi cô ấy.
Gergey vội mặc áo choàng, đeo gươm, đội mũ. Chàng nói:
- Tôi đến chỗ bố mẹ nàng đây! Tôi sẽ bảo cho họ biết việc của họ làm là trái với đạo trời! Rằng…
Mectsei ấn chàng ngồi xuống ghế:
- Cậu đi xuống hỏa ngục ấy thì có! Nếu cậu làm như thế, họ sẽ nhốt cậu vào một xó xỉnh nào đó cho tới khi xong đám cưới. Đến cái sống mũi của cậu cũng chẳng còn ai có thể thấy ở đâu nữa cho mà xem, tớ bảo cho mà biết!
Một đoàn kỵ sĩ phóng ngựa qua trước nhà. Khách khứa từ thành Kôlôjơ đã đến.
* * *
Khi đêm tối đã trùm xuống thung lũng. Gergey đi cùng với Mectsei lên lâu đài.
Chẳng ai hỏi chàng đi đâu. Lâu đài tấp nập khách khứa. Các cửa sổ sáng trưng. Đuốc cháy bùng bùng ngoài sân, nến lung linh rạng rỡ trong các hành lang. Chỉ có trời đêm bao la là vẫn tối.
Trong các hành lang cũng đầy người đi lại, chen chúc. Gergey chột dạ: giữa ngần này người làm sao có thể nói chuyện với Êvo được?
- Ta ra sân bếp đi. - Mectsei bảo.
Họ đi ra phía sau lâu đài. Ở đấy còn sáng hơn nữa: những tay hầu bếp đeo tạp dề đang thui bò, và rất đông thợ nấu cỗ mặc quần áo trắng đang bận rộn trong nhà bếp.
- Cậu đứng chờ đây nhé. - Mectsei bảo. - Tớ sẽ giả vờ lạc vào hành lang phụ nữ và sẽ hỏi Êvo xem các cậu có thể gặp nhau ở đâu được.
Gergey đứng lẫn vào nhóm người đang xem thui bò, phần đông là dân đánh xe, nhưng cũng có một vài võ đồng láng cháng ở đó. Tính tò mò đã đưa họ đến đây. Thiên hạ vẫn mơ nhiều chuyện ly kỳ về nhà bếp của hoàng gia, ngay cả đám quý tộc ở những vùng xa cũng vui lòng nghe kể về cách nấu nướng ở cái nhà bếp cao sang nhất nước.
Ở Giolu, nhà bếp nằm giữa lâu đài và vườn hoa, trong đó mười một thợ nấu cỗ và hai mươi hầu bếp xoay xở theo những mệnh lệnh của quan ngự thiện.
Trên sân nhà bếp, một con bò mộng béo tròn đang được quay trên lửa, tỏa mùi dễ chịu ra khắp không trung. Người thợ quay chỉ dùng một cái gậy ra hiệu cho các phụ bếp biết phải điều chỉnh lửa ở những chỗ nào cho sức nóng tỏa đều.
Trong ánh lửa và hơi nóng ngùn ngụt, rộn rả tiếng dao sả xoèn xoẹt, tiếng dao băm phầm phập, tiếng chày giã thình thịch, hòa thêm vào đó là tiếng cháo sôi lục bục, tiếng thịt rán xèo xèo và bao trùm tất cả là khói, hơi nước và mùi thơm của thức ăn đã chín.
Một võ đồng người mảnh khảnh hét tướng lên giải thích cho những người khác:
- Tôi đã ở đây từ đầu, mà cả món gơbôi ở đây cũng quay khác các nơi.
Hơi lửa nóng hừng hực khắp cái sân nhỏ làm đỏ ửng những khuôn mặt. Mặt Gergey chẳng mấy chốc cũng đỏ bừng, chàng đứng giữa đám đông, lơ đãng nghe câu chuyện của chú võ đồng.
- Ở đây ấy à, - chú ta tiếp tục. - người ta khâu cả một con bê vào món gơbôi, trong con bê là một con gà tây thật béo, trong con gà tây là con chim đa đa.
- Thế trong con chim đa đa? - Một võ đồng bé tí, ngốc nghếch, mặc áo vàng cất tiếng hỏi.
- Trong con đa đa ấy à? - Chú võ đồng kể chuyện làm bộ nghiêm trang đáp, - Trong ấy là quả trứng ngỗng đực. Người võ đồng bé nhất sẽ phải ăn quả trứng ấy.
Mọi người cười ồ. Chú võ đồng tí hon xấu hổ lui ra sau và bỏ đi.
Nửa giờ sau quả nhiên bác thợ quay xắn tay mổ con bò mộng và lấy ra một con gà tây đã gần chin. Mùi húng lìu thơm phức xộc vào mũi người xem, kích thích tì vị của cả những người không đói.
Chưa chín. Người ta lại đẩy than vào dưới món gơbôi và tiếp tục quay.
Tiếng băm, tiếng chặt, tiếng liếc dao, tiếng giã thịt từ trong bếp đưa ra làm đứt đoạn cả lời giải thích.
Nhưng Gergey cũng chẳng hề quan tâm. Ngày trước nhà bếp của tướng công Balin còn đông đúc hơn và trong các thành trì của ông, những dịp thui bò như thế này còn thường xuyên hơn trong lâu đài của hoàng hậu ở Erơđêi.
Một người hầu bếp lấy từ trong bếp ra một cái bánh xipô [99]. Đám võ đồng vồ ngay lấy và bẻ nhỏ ra. Chú bé mảnh khảnh giải thích món gơbôi ban nãy đưa cho Gergey một mẩu, Gergey cầm ngay, chàng đang đói.
Bác thợ quay thấy các võ đồng ăn bánh bèn ngừng xiên quay và liếc mảnh thép lên con dao đeo bằng dây xích lủng lẳng ở thắt lưng rồi xẻo cho họ hai cái tai bò.
Đám võ đồng hoan hô rầm rĩ cảm ơn bác.
Gergey ăn rất ngon. Ở chỗ gia đình người Ôla, bữa trưa không có gì khác ngoài món bánh đúc ngô.
Mấy cậu võ đồng còn xoay được cả một cúp rượu vang. Gergey cũng uống. Sau đó chàng chìa tay cho chú võ đồng không quen biết đã mời chàng ăn uống.
- Tớ là Bônemixo Gergey. - Chàng vừa nói vừa chùi hàng ria mép lún phún.
Chú kia cũng xưng một cái tên gì đó, nhưng cả hai đều không hiểu lời nhau. Trong khi đó cái cúp rượu đã vòng trở lại, Gergey vẫn còn khát, chàng lại tu một hơi dài.
Vừa nhấc cái cúp ra khỏi miệng, chàng đã thấy Mectsei ở trước mặt, anh ta đang vẫy tay ra hiệu.
Họ đi xuống vườn. Bóng đêm ngồi lù lù giữa những hàng cây và các bụi rậm. Tiếng ồn ào trong sân chỉ còn vẳng khẽ tới đây. Mectsei dừng lại dưới một bụi cây leo.
- Tớ đã nói chuyện với cô ấy. Cô ấy khóc đỏ cả mắt. Cô ấy đã van xin bố mẹ đừng gả chồng để sau này gả cho cậu, nhưng tất nhiên họ đã quáng mắt lên vì ánh đèn nến, vì hảo tâm của hoàng hậu và vì sự hào phóng của nhiếp chính. Họ đã an ủi con gái họ là ngày trước họ lấy nhau cũng chẳng phải vì tình yêu, thế mà rồi họ vẫn quen nhau được.
Gergey nín thở lắng nghe.
- Vì thế nên cô ấy mới khóc. - Mectsei nói tiếp. - Bây giờ tớ đã chắc chắn là cô ấy chỉ yêu mỗi mình cậu mà thôi.
- Và nàng sẽ lấy Phuyriét?
- Không chắc. Cô ấy bảo là muốn nói chuyện với cậu rồi sau đó sẽ thưa chuyện với cả hoàng hậu nữa.
- Sao nàng không nói với bà ta từ trước?
- Người ta không hỏi han gì cô ấy cả. Các bà hoàng vẫn quen rằng hễ cái gì họ đã cho là tốt thì không có ai lại bảo xấu cả. Vả lại cậu thì đến ngay cái tai cậu cũng chẳng hề phe phẩy cho cô ấy biết, ngay cả việc cậu còn sống hay chết cô ấy cũng không hay.
- Nhưng nếu hoàng hậu không nhượng bộ?
- Thì ngày mai trước bàn thờ cô ấy sẽ nói không đồng ý, với tất cả mọi câu hỏi cô ấy đều sẽ nói không. Sẽ là một cảnh tượng rối ren thú vị đấy. Nhưng muốn ra sao thì ra: ít nhất hoàng hậu cũng sẽ nổi giận và cô ấy được trở về Buđo. Còn cậu sẽ chờ ít lâu rồi cưới cô ấy.
- Chỉ có điều là đến lúc ấy họ lại không gả cho tôi.
- Sao lại không? Nhưng bây giờ đừng nói đến chuyện bốn năm năm sau làm gì. Nếu không sớm hơn được thì nửa đêm cô ấy sẽ đến đây. Có một cái nhà kính ở đâu quanh đây, cô ấy dặn cậu hãy chờ trong đó. Chưa nói chuyện được với cậu, cô ấy sẽ chưa đi ngủ.
Họ tìm thấy cái nhà kính trong vườn chẳng lâu la gì. Trong đó có một ngọn đèn, ba người thợ vườn đang lúi húi hái xà lách và hành. Họ ngửng lên nhìn nhưng không nói gì, họ cho rằng đây chỉ là những khách lạ tò mò.
- Gergey này, - Mectsei nói. - tớ sẽ để cậu lại đây. Cậu hãy giả vờ bị sốt hoặc giả vờ say rồi nằm vào một chỗ nào đó mà chờ cô dâu. Có lẽ tớ cũng sẽ đến cùng cô ấy.
Quả tình Gergey cũng cảm thấy như say thật. Rượu đã bốc lên đầu chàng, hay niềm xúc động? Chàng cảm thấy trong lòng sục sôi và cả trong đầu nữa, một sự sục sôi giận dữ khiến tay chàng nắm chặt lại.
Chàng thủng thẳng dạo suốt dãy nhà kính giữa những cây chanh, cây chuối, cây xương rồng và cây hồng xiêm. Chàng bồn chồn đi đi lại lại mỗi lúc một nhanh hơn, cuối cùng chàng lao ra khỏi nhà kính. Kéo sụp mũ xuống mắt, tay nắm chặt chuôi kiếm, chàng hùng hục đi lên lâu đài.
- Gia đình hỉ chủ ở phòng nào nhỉ? - Chàng hỏi thăm trong các hành lang.
Đám gia nhân chỉ đường cho chàng.
Đó là một cái phòng có cửa sơn trắng, trên đó - cũng như trên tất cả các cánh cửa khác - có một cái bảng đen nhỏ ghi tên người khách bằng phấn.
Gergey gõ cửa vào. Lão già tay gỗ mặc áo sơ mi ngồi bên bàn, bà vợ lão đang xoa dầu mê điệt lên mớ tóc bạc của chồng.
Gergey không hôn tay họ mà chỉ cúi chào và chịu đựng cái nhìn lạnh giá của hai ông bà già.
- Thưa cha, - Gergey bắt đầu, nhưng rồi cảm thấy chữ cha không thích hợp, chàng bắt đầu lại.
- Kính thưa ông, xin ông đừng giận vì sự có mặt của tôi ở đây. Tôi không đến dự đám cưới đâu và cũng sẽ không làm vướng chân ai cả. Tôi đến đây cũng không phải để nhắc ông bà nhớ lại một lời hứa cũ, khi tôi giải thoát cô bé Êvo khỏi tay giặc Thổ.
- Mày muốn gì? - Lão Xexey hằn học hỏi.
- Tôi chỉ muốn hỏi, - Gergey không nao núng trả lời. - rằng ông bà có biết là Vixo không yêu vị hôn phu của nàng không?
- Việc gì đến mày? - Lão già hét lên. - Mày ti toe gì với tao ở đây hả? Cút ngay!
Gergey khoanh tay lại:
- Ông bà muốn làm cho chính con gái yêu của mình trở thành bất hạnh ư?
- Sao mày dám cật vấn chúng tao hả? Đồ ăn mày! Đồ chó cùng đinh! - Lão già đỏ mặt tía tai quát tháo và với lấy cái tay gỗ trên bàn định quật Gergey.
Nhưng bà vợ lão đã giữ chồng lại và quay về phía Gergey nói:
- Hãy đi khỏi đây đi con ạ! Đừng có phá hoại may mắn của con gái ta. Với đầu óc trẻ con, chúng mày tưởng là chúng mày yêu nhau, nhưng con cũng thấy đấy, anh ấy đã là trung úy…
- Tôi cũng sẽ như vậy.
- Anh ấy không sẽ mà bây giờ đã là trung úy rồi. Hoàng hậu muốn cuộc nhân duyên này. Đi khỏi đây đi, ta nhân danh Chúa mà yêu cầu con như vậy!
- Phuyriét chỉ là một đứa liếm đĩa hèn nhát! Vixo yêu tôi. Vixo chỉ có thể có hạnh phúc với tôi! Ông bà đừng làm tan nát trái tim nàng! Ông bà hãy chờ tôi. Tôi hứa sẽ trở nên người xứng đáng.
Chàng nói rồi quỳ xuống trước mặt họ. Lão già điên tiết rống lên:
- Cút ngay chừng nào tao còn chưa đá mày ra!
Gergey đứng dậy. Chàng lắc đầu như vừa tỉnh dậy khỏi một giấc mộng dữ.
 - Ông Xexey. -  Cậu buồn rầu nhưng cứng cỏi nói. - Từ giây phút này trở đi tôi không quen biết ông bà nữa. Tôi chỉ còn biết là những đồng vàng dính máu mẹ tôi còn ở chỗ ông bà.
- Ba trăm mười lăm đồng. - Lão già tác lên. - Trả cho nó đi bà. Dù không còn lại gì nữa thì cũng cứ trả cho nó đi!
Lão nói rồi đưa tay lên thắt lưng lôi ra một cái hầu bao bằng da và đổ những đồng tiền vàng ra trước mặt Gergey. Bà vợ đếm gia tài, nói đúng hơn là chiến lợi phẩm của chàng lên bàn. Gergey bỏ tiền vào túi.
Chàng còn đứng lại một chút, suy nghĩ xem có gì cần cảm ơn không? Họ đã giữ tiền hộ chàng ư? Không phải, họ không giữ cho chàng mà cho con gái họ.
Chàng lặng lẽ cúi chào và bỏ đi.
Gergey phờ phạc đi suốt dãy hành lang. Chàng va phải mấy người quyền quý mặc lễ phục. Cuối cùng, khi chàng phải né vào tường để nhường lối cho một ông béo phệ đang cùng một người nữa đi đến, mắt chàng nhìn sang cánh cửa đối diện và đọc thấy tên Mectsei.
Chàng mở cửa vào. Trong phòng không có ai. Một cây nến vẫn cháy trên bàn. Gergey ném mình lên giường và khóc. Tại sao lại khóc, chính chàng cũng không biết nữa. Túi chàng đầy tiền, trong giờ phút này chàng đã trở thành một người tự do và giàu có. Thế mà chàng, tuy vậy, vẫn cảm thấy côi cút và bị ruồng bỏ. Chàng đã phải chịu đựng biết bao nhiêu xúc phạm, bao nhiêu khinh rẻ.
- Lão già vô đạo ơi, tim ngươi cũng là trái tim bằng gỗ!
Tiếng kèn lanh lảnh rung động các bức tường trong lâu đài. Đó là hiệu lệnh cho khách khứa tề tựu để dùng bữa tối. Ngoài hành lang tiếng cửa mở ồn ào khắp nơi, một vài cái còn đóng sập vào. Bao nhiêu đôi ủng nện cồm cộp trên nền đá hoa suốt dọc hành lang.
Tiếp đó là im lặng. Giữa im ắng đó, cánh cửa phòng bỗng mở.
- Mectsei. - Một giọng nữ gọi khe khẽ.
Gergey nhảy choàng dậy.
Êvo đứng trước mặt chàng trong bộ áo lụa hồng.
Một thoáng ngạc nhiên, một tiếng kêu khe khẽ, rồi hai người trẻ tuổi ngã vào giữa cánh tay nhau.
- Êvo của anh! Êvo của anh!
- Gergey!
- Em có đi với anh không, Êvo?
- Dù đến cùng trời cuối đất em cũng đi!
* * *
Khoảng chừng bảy chục quan khách ngồi quanh dãy bàn dạ yến. Hơn một nửa là giới cung đình, phần còn lại là những bà con được mời của chú rể.
Hoàng hậu cùng ấu vương ngồi ghế chủ tọa. Cả hai đều mặc áo nhung xanh. Trên bức tường sau lưng họ treo một vòng hoa lớn kết hình vương miện. Bên trái hoàng hậu là nhiếp chính Giơrgiơ, bên cạnh ấu vương là cô dâu, cạnh cô là bà mẹ. Chú rể ngồi đối diện với cô dâu.
Bữa tiệc tối bắt đầu một cách nhẹ nhàng. Chỉ lẻ tẻ một vài người thì thầm trò chuyện. Sau món thứ ba, nhiếp chính Giơrgiơ đứng dậy và nói lời chúc mừng đôi tân hôn. Trong lời chúc mừng, ông ta gọi hoàng hậu là phúc tinh, gọi cô dâu là hoa huệ, chú rể là đứa con cưng của vận hạnh. Ông ta khéo đơm hòe đơm sói, thêm chỗ này một ít mật, chỗ nọ một ít đường khiến cho cả những kẻ đối lập với ông cũng vui lòng nghe.
Khi những loại rượu nho ngon nhất đã dọn lên bàn, cuộc trò chuyện mới bắt đầu rôm rả. Tất nhiên người ta chỉ nói khẽ thôi và ai nấy cũng chỉ trò chuyện với người bên cạnh.
- Tại sao người ta lại gọi đêm nay là đêm khóc? - Một người hỏi.
- Cô dâu khóc tiếc thời trinh nữ của mình.
- Nhưng cơ mà cô dâu có khóc đâu. Cô ta đang vui như thể mừng cho thời trinh nữ đã hết thì có.
- Tôi lấy làm lạ là hoàng hậu chịu buông cô ta ra.
- Bà ta không buông đâu. Chỉ khác ở chỗ từ trước tới nay cô ta là tiểu thư cung đình còn từ nay về sau sẽ là phu nhân cung đình.
Sau bữa tiệc người ta giới thiệu với quan khách một ca sĩ mới, nghe đâu vừa từ nước Ý tới và đã trình diễn nghệ thuật của mình trước hoàng hậu. Trong khi người ấy hát, cô dâu mơ màng nói khẽ với mẹ:
- Mẹ ơi, nếu đêm nay con chết thì sao hở mẹ?
Bà mẹ giật mình liếc nhìn con gái, nhưng thấy con gái mỉm cười, bà bèn trả lời lấp lửng:
- Sao con lại có thể nói những chuyện như vậy hở con?
 - Nhưng nhỡ thế thật…
- Thôi đi, thôi đi.
- Mẹ sẽ khóc chứ?
- Nếu thế mẹ và cha đều sẽ chết theo con.
- Nhưng nếu một hoặc hai tháng sau con sẽ sống trở lại và bất chợt trở về nhà ở Buđo thì sao?
Bà mẹ ngạc nhiên nhìn con gái.
Êvo mỉm cười nói tiếp:
- Mẹ thấy chưa, lúc đó dưới suối vàng cha mẹ sẽ ân hận là đã quá vội mà chết theo con.
Cô đứng dậy đến sau lưng hoàng hậu, ghé vào tai bà nói thầm cái gì đó rồi đi vội ra khỏi phòng. Khách khứa đang chú ý đến người ca sĩ có giọng nam trung rất hay làm cho mọi người đều thích và vỗ tay liên tiếp.
- Bài khác, bài khác nữa. - Hoàng hậu nói.
Và người ca sĩ giúp đám quan khách tiêu khiển đến hơn nửa giờ. Chỉ mỗi mình bà mẹ thấy Êvo đi ra, bà nghĩ đến những lời nói của con gái với một nỗi bồn chồn mỗi lúc một tăng.
* * *
Khi người ca sĩ Ý đã trình diễn xong, một nội thị xướng to:
- Ca sĩ mới! Vô danh.
Tất cả mọi con mắt đều quay về phía cửa, nhưng họ chỉ thấy một thiếu niên trạc mười lăm tuổi, dáng thon thon. Chú mặc võ phục màu bồ đào, áo khoác chỉ dài đến nửa đùi. Thắt lưng đeo một thanh gươm nhỏ, cán mạ vàng. Chú cúi đầu bước vào, mớ tóc dài che khuất mặt. Chú quỳ xuống trước hoàng hậu rồi đứng dậy và hất mớ tóc ra.
Quan khách đều thốt kêu lên vì ngạc nhiên, người ca sĩ mới chính là cô dâu.
Một thị đồng của hoàng hậu mang cây đàn thụ cầm đến trao cho cô. Cô dâu dạo đàn với những ngón tay thành thạo rồi bắt đầu hát. Để tỏ lòng quý mến hoàng hậu, cô bắt đầu bằng một ca khúc Ba Lan do chính bà dạy. Giọng cô ngân như bạc. Cả đến hơi thở cũng ngừng lại trong hàng thính giả.
Sau đó cô lần lượt hát những bài hát Hung, Ô la, Ý, Pháp, Hôrơvat và Xécbi  [100]. Cứ sau mỗi bài hát, quan khách lại hào hứng vỗ tay.
- Một con quỷ dữ đấy nhé! - Người bên cạnh Mectsei, một quyền thần của triều đình, bảo anh. - Rồi cậu xem, cậu em ạ, cô ta sẽ còn nhảy nữa cơ đấy.
- Lúc nào cô ấy cũng vui như thế này à?- Mectsei hỏi.
- Lúc nào cũng thế. Nếu không có cô gái này bên cạnh thì hoàng hậu đã chết buồn từ lâu rồi.
- Thật may cho anh chàng…Phuyriét. - Anh định nói: Verét (tóc đỏ).
Người nói chuyện với anh nhún vai:
- Một anh chàng tính khí đàn bà! Rồi cậu xem, cô ta sẽ còn đi đánh trận thay cho gã nữa kia, vì võ nghệ cô ta cũng giỏi hơn.
- Cô ấy biết dùng binh khí nữa kia à?
- Còn phải nói! Dạo hè cô ta đã thắng các đấu sĩ Ý. Cô ta còn biết bắn súng và cưỡi ngựa mới giỏi làm sao! Một mình cô ta bằng cả bảy đấng nam nhi, mà vẫn cứ còn lại một con quỷ cuồng nhiệt.
Cô dâu được ca tụng như thế đang hát vào một bài ca Hung khác có đoạn điệp khúc như sau:

Chàng trai hãy nhanh nhanh
Trên mình con tuấn mã
Đến bên người mến thân!

Quan khách đều thuộc bài hát này cả, nhưng cô dâu lại hát điệp khúc đó như sau:

Chàng trai hãy nhanh nhanh
Trên mình con tuấn mã
Đến bên Gergey thân!

Và khi hát đoạn đó, ánh mắt của cô lướt qua hàng quan khách rồi dừng lại trên người Mectsei.
Quan khách cười vui. Họ cho rằng câu “Đến bên Gergey thân” chỉ là một sự đổi lời đùa nghịch mà thôi. Nhưng Mectsei rùng mình và khi cô dâu hát đến cuối đoạn thứ hai cũng lại liếc nhìn anh thì anh vội nốc cạn chén rượu rồi đi ra ngoài.
Anh chạy xuống cầu thang, gọi vào chuồng ngựa.
- Mochi! Bolôgơ Mochi!
Chả có ma nào trả lời cả. Anh phải đi tìm đám phu xe trong bọn người hầu. Họ đang nốc rượu ngoài sân bếp, người uống bằng cốc gỗ, người bưng vò sành tu, có người múc cả rượu vào ủng da mà uống nữa. Mãi anh mới tìm ra được người hầu của mình. Nhưng hỡi ôi, gã đang trong một tình trạng như thế nào chứ! Khi ngồi bên bàn, Mochi còn có vẻ người, nhưng khi đứng dậy thì gã không còn ra hồn người nữa.
Dưới bàn và dọc chân tường đã có khoảng mươi gã nằm lăn lóc. Kẻ nào nằm dưới gầm bàn còn được yên ổn, những kẻ ngã lăn ra ngoài ghế dài thì người ta lôi vào cho nằm ngổn ngang một đống dọc chân tường.
Mochi đứng dậy, đúng hơn là gã muốn đứng dậy khi nhận ra chủ, nhưng lập tức gã lại ngồi phịch xuống ngay vì gã cảm thấy mình sắp ngã lăn xuống khỏi ghế và cũng sắp được kéo lại chân tường đến nơi.
- Mochi! - Mectsei gầm lên. - Ngựa ta đâu?
Mochi lại đứng lên và chống hai tay xuống bàn:
- Ở đấy.
- Chỗ nào?
- Giữa đàn ngựa ấy.
Gã cố giương đôi mí mắt cứ luôn luôn sập xuống và lại lè nhè:
- Ngựa thì ở chỗ đàn ngư… ựa.
Mectsei túm lấy ngực áo gã:
- Nói cho khôn ngoan một chút xem nào, kẻo ta lại rũ thần hồn của mày ra bây giờ!
Anh có thể cứ rũ, cả thần hồn của gã cũng đã say mềm.
Mectsei xô gã vào giữa những tên khác rồi chạy vội vào chuồng ngựa để tự tìm lấy ngựa. Người giữ tàu ngựa cũng say bí tỉ, giá Mectsei có dắt cả đàn ngựa đi cũng được.
Anh đi vào trong dãy chuồng tối om và gọi to:
- Muxto!
Một tiếng hí từ trong góc trả lời anh. Con ngựa vàng đang ăn thóc, cạnh đó là ngựa của Mochi. Mectsei thắng cả hai con với sự giúp đỡ của một tên hầu cũng đã nửa tỉnh nửa say, rồi ra đi mà chẳng bị một ai hỏi vì sao anh lại đi sớm thế, trước khi mãn tiệc.
Gergey đã chờ anh trong sân nhà người Ôta. Con ngựa của chàng yên cương sẵn sàng đang đứng cuốc vó xuống đất bên cạnh hàng rào.
Đêm khá lạnh. Mây như dừng cả lại, còn mặt trăng giống nửa cái đĩa bạc từ từ bay hết đám mây này sang đám mây khác và tắm cảnh vật trong một cánh sáng nhợt nhạt.
- Tớ đây rồi. - Mectsei nói. - Theo tớ hiểu thì cô dâu đã bảo tớ đến đây.
- Anh hiểu đúng đấy. - Gergey trả lời. - Đêm nay chúng ta sẽ tẩu thoát.
Không đầy nửa giờ sau, một bóng người mảnh khảnh khoác áo choàng xuất hiện trước ngõ, mở nhanh cửa, chạy vụt vào.
Đó là Vixo.
Nàng trốn đi trong bộ võ phục màu bồ đào mà nàng đã mặc để ra hát.
* * *
Quốc lộ Đrinapôi [101] cũng chỉ là một con đường đầy cát bụi và chằng chịt vết bánh xe như đường Giơngiơsi hoặc đường Debrexen [102]. Nhưng nếu tất cả những giọt nước mắt đã nhỏ xuống con đường đó đều có thể biến thành ngọc trai thì thế giới ắt sẽ quá nhiều thứ ngọc trai ấy! Và có lẽ người ta sẽ gọi đó là ngọc trai Hungari!
Mỗi quán trọ ở cuối các thị trấn dọc đường đều là mỗi cái tháp Baben[103]  nho nhỏ, ở đó người ta có thể nói đủ thứ tiếng trên đời. Nhưng còn có thể hiểu nhau hay không thì lại là chuyện khác. Và điều mà chủ quán đặc biệt không hiểu nổi là mỗi khi có một người khách vốn quen nếp sống sang trọng, cứ đòi cho được phòng riêng, giường sạch và những điều đặc biệt khác đại loại như thế.
Trong tất cả các vùng ở Phương Đông, quán trọ, hoặc như ở đó người ta thường gọi: Karavanxerai, đều cùng một kiểu. Đó là những ngôi nhà lớn, mái lợp tôn, quanh sân có tường đá bao bọc, cao đến đầu người. Dọc chân tường đá về phía trong có một bệ đá rộng và thấp. Bảo là giường thì không đúng vì nó không phải là giường, mà chỉ là một cái tường thấp và rộng nhưng nếu bảo là tường thì nó lại có vẻ giống cái giường hơn; khách bộ hành đều nằm ngủ trên đó để ban đêm cóc nhái khỏi nhảy vào túi họ.
Nhưng người Thổ lại thích chính cái loại chỗ nghỉ như thế. Hắn nấu ăn và ngủ trên bệ đá, ngựa buộc bên cạnh. Nếu đêm khuya ngựa có va đầu vào đầu hắn thì hắn tống cho một quả vào mõm và được yên tâm là ngựa vẫn còn. Hắn sẽ trở mình rồi lại tiếp tục ngáy…
Một buổi chiều tháng năm có hai chàng kỵ sĩ Thổ trẻ tuổi đến quán trọ Đrinapôi. Họ mặc quần áo kiểu Hung; quần chẽn xanh, áo xanh, gươm cong giắt trong thắt lưng màu vàng, vai khoác áo bào bằng lông lạc đà màu gỉ sắt, cái mũ may liền áo kéo chụp lên đầu. Thoáng nhìn qua cũng biết đó là những deli [104], những người chỉ phụng sự lá cờ chính giáo trong thời chiến, ngoài ra chuyên sống bằng nghề lạc thảo. Quần áo kiểu Hung thực ra cũng giống quần áo Thổ; cả hai đều là dân phương Đông. Đám deli toàn dân Thổ.
Trong quán trọ chẳng ai để ý đến họ. Có chăng chỉ cái xe của họ còn đáng chú ý chút ít thôi vì trong xe có hai thanh niên nô lệ trẻ, đẹp và hai con ngựa thắng trước càng xe cũng tuyệt đẹp. Mấy người nô lệ hoặc là dân Hung hoặc là dân Hôrơvát, nhưng có hai người là con nhà quý tộc, điều đó lộ rõ trên tay, trên mặt họ. Bất kể hai chàng deli đã bắt được tù binh ở đâu, điều chắc chắn là họ sẽ có thể tống được rất nhiều  tiền!
Đủ các giống người chen chúc trong sàn quán trọ: Thổ, Bungari, Xécbi, Anbani, Hy Lạp và Oola: đàn bà, trẻ con, thương nhân và binh lính ồn ào, láo nháo. Con đường này chẳng khác nào dòng Đuno: tất cả đều chảy dồn vào đó. Vì vậy không nên lấy làm lạ cho cảnh náo nhiệt và sự pha trộn tiếng nói ở các lữ quán trong mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều. Mặt trời đã sắp lặn. Mọi người cho ngựa và lạc đà uống nước. Ai nấy đều vội vã tìm chỗ cho mình trên bệ đá. Người ta trải chiếu hoặc thảm lên đó để nằm. Ai không có thảm có chiếu thì dùng rơm hoặc cỏ khô lót nằm cho đá khỏi đụng vỡ sườn.
Một deli - chàng trẻ tuổi hơn, áng độ mười tám, có cái nhìn mạnh dạn - gọi to:
- Chủ quán ơi!
Một người béo lùn, đội tuyban bước ra khỏi hiên và hỏi có thể hầu khách những gì.
- Ông còn phòng không hở chủ quán? Ta sẽ giả hậu.
- Người ta thuê trước đây một giờ rồi. - Chủ quán trả lời.
- Ai thuê đấy? Nếu họ nhường lại, ta sẽ trả thêm tiền cho họ nữa.
- Cậu không đủ tiền trả cho ông ta đâu. Aga Antin kiệt hiệt đã trọ ở đó!
Lão chủ quán trả lời và kính cẩn chỉ về cuối hiên nhà, ở đó có một người Thổ da đen, mặt như mặt quạ đang ngồi xếp bằng tròn trên tấm thảm nhỏ. Y phục của hắn tỏ rõ hắn là một bậc quyền thế. Trên tuyban giắt hai cái lông đà điểu trắng, bên cạnh có tên hầu đứng quạt, một tên hầu khác đang pha nước uống cho hắn. Ngoài sân còn khoảng hai chục tên bộ hạ ăn mặc nửa đỏ nửa xanh đang lo nấu nướng. Có tên đang giặt quần áo cho aga bên giếng, có tên đang dỡ đệm giường từ trên lưng lạc đà xuống, một tấm đệm lông cừu dày và đắt tiền.
Đòi tên này nhường phòng thì quả là tai vạ.
Hai chàng deli bực dọc quay lại chiếc xe của mình. Gã đánh xe nhanh nhẹn tháo xe ra rồi cởi trói cho hai người nô lệ và dắt ngựa đi uống nước. Sau đó gã cũng nhóm lửa trên bệ đá và bắc nồi nấu bữa tối.
Hai người nô lệ không tỏ vẻ gì buồn bã cả. Thực ra hai chàng deli cũng tỏ ra tôn trọng tù binh của mình lắm. Họ cùng ăn chung một mâm, uống chung một bầu. Chắc hẳn là những người tù bình quý phái.
Tên aga cũng đã ăn tối. Tên đầu bếp bưng ra cho hắn món cháo thịt cừu đựng trong đĩa bạc. Hắn dùng tay bốc ăn, bởi vì nếu dùng dao và nĩa thì chả hóa ra thừa và bất nhã làm sao! Chỉ có bọn man rợ, bẩn thỉu, tà đạo mới dùng thực cụ để ăn chứ!
Một tên đạo sĩ Hồi giáo chột mắt, đi chân đất, đến trú bên cạnh hai chàng deli. Hắn không mặc gì khác ngoài một cái áo khoác lông cừu màu gỉ sắt, dài đến tận mắt cá. Ngang lưng hắn buộc một sợi dây, trên sợi dây lưng có một chuỗi tràng hạt và một cái bát bằng gáo dừa đã cũ. Đầu hắn không đội mũ, mớ tóc dài và rối cuộn thành búi tó. Hắn chống một cây gậy dài, đầu gậy gắn một miếng đồng hình vành trăng lưỡi liềm. Áo hắn xám xỉn vì bụi đường.
Tên đạo sĩ lủi lên bệ đá, nhìn mấy người ăn tối bên cạnh rồi nghiêm nghị hỏi:
- Các ngươi không phải là tín đồ của đại giáo trưởng hay sao?
Mấy người kia bực mình nhìn hắn. Chàng deli trẻ hơn, mặt rám nắng, có đôi mắt đen lánh, trả lời hắn:
- Có khi còn là tín đồ ngoan đạo hơn cả ngươi nữa ấy chứ. Ta đã thấy nhiều đạo sĩ lang thang chỉ kính chúa bằng cái bụng thôi.
Tên đạo sĩ vừa dụi con mắt chột vừa đáp lại:
- Sở dĩ ta hỏi thế vì ta thấy các người ăn chung với bọn mọi rợ.
- Những đúa này cũng đã trở thành tín đồ chân giáo cả rồi đấy, ionisa ạ. - Chàng deli nói giọng kẻ cả.
Tên đạo sĩ sửng sốt nhìn chàng deli rồi hắn dùng cả năm ngón tay bừa dọc suốt mười ba sợi râu dài và hỏi:
- Ngươi làm sao mà biết ta?
- Làm sao ấy à? - Chàng trẻ tuổi mỉm cười đáp. - Ta biết ngươi từ cái thời dũng sĩ của ngươi kia, từ khi ngươi còn cầm binh khí của Padisa.
- Ngươi đã ở trong quân ngũ lâu thế kia à?
- Năm năm nay.
- Ta không nhớ ra ngươi.
- Nhưng tại sao ngươi lại từ bỏ ngọn cờ vinh quang đó?
Trước khi tên đạo sĩ kịp trả lời, từ trên hiên bỗng nổi lên một tiếng rú vang dội đến nỗi những con ngựa nhảy cuống cả lên.
Chính tên aga là kẻ đã rú lên như vậy. Các chàng deli nhìn về phía đó xem hắn gặp chuyện gì. Họ chẳng thấy gì cả, chỉ thấy mặt tên aga đỏ bùng và hắn đang nốc rượu.
- Ông ta bị cái gì thế? - Một deli hỏi tên đạo sĩ.
Tên đạo sĩ phẩy tay khinh bỉ:
- Ngươi không thấy ông ta uống rượu vang hay sao?
- Ông ta uống trong bầu làm sao ta thấy được.
- Thế người không phải là dân Hồi chính cống ư?
- Không đâu ông bạn ạ, ta vốn là dân Đanma[105] chỉ năm năm trước đây ta mới biết đến chân giáo.
- Giờ thì ta hiểu rồi. - Tên đạo sĩ bình thản nói. - Vậy ngươi nên biết rằng ngài aga đã rú lên như thế để đuổi linh hồn chạy từ đầu xuống chân trong khi ông ta uống rượu vang. Bởi vì linh hồn ở trong đầu chúng ta và sẽ bay sang thế giới khác khi chúng ta chết. Ở đó người tín đồ chân giáo sẽ bị trừng phạt về tội uống rượu vang.
- Nhưng nếu linh hồn không phạm tội?
- Thì ông này cũng tưởng rằng nếu ông ta đuổi linh hồn đi một chốc thì linh hồn ông ta sẽ không phạm tội. Nhưng ta cho rằng những cung cách mẹo mực như vậy không tốt đâu.
Tên đạo sĩ thở dài, nói tiếp.
- Vừa rồi ngươi có hỏi vì cớ gì mà ta từ bỏ ngọn cờ thần thánh?
- Đúng đấy. Bởi vì ngươi đã từng là một chiến sĩ dũng cảm, với lại người cũng còn trẻ chán: ngươi mới độ ba mươi lăm tuổi là cùng chứ mấy?
Tên đạo sĩ nhấp nháy mắt có vẻ đắc ý, nhưng chỉ lát sau lại đã buồn bã khoát tay:
- Đời chiến sĩ không gặp may thì chẳng ăn thua gì. Ta đã từng là một dũng sĩ khi cái bùa hộ mệnh của ta vẫn còn. Ta đã nhận được nó ở trận tiền, từ tay một bêi già bị tử thương. Linh hồn của một vị anh hùng nào đó đã ẩn náu trong cái bùa ấy. Vị anh hùng đó đã từng chiến đấu bên cạnh đại giáo trưởng, và linh hồn của Ngài ngày nay vẫn cùng chiến đấu với người nào giữ được cái nhẫn ấy. Về sau ta bị bắt làm tù binh và một giáo sĩ Gia tô đã lấy mất của ta. Khi cái nhẫn còn ở với ta, đạn gươm đều không chạm tới mình ta, nhưng từ khi mất nó, ta bị hết vết thương này đến vết thương khác. Các võ quan thuộc hạ thù ghét ta. Cha ta, Iaia Oclu Môhamét đại danh, là tổng trấn Buđo đuổi ta ra khỏi cửa. Anh ta, bêi Arơxơlan lừng lẫy, giận ta. Bạn hữu ăn cắp hết của ta. Thân ta đã bị bắt làm tù binh đến mấy lần. Tất cả mọi may mắn đều lìa bỏ ta.
Chàng deli nhìn bàn tay trái của tên đạo sĩ thấy một vết sẹo đã lành, nhưng da còn đỏ chạy suốt ngón tay trỏ. Hình như hắn đã từng bị chém đứt suốt từ ngón tay trỏ cho đến tận cổ tay, nhưng người ta đã chắp lại cho hắn.
- Tay ngươi cũng có sẹo kia kìa.
- Có đấy. Suốt một năm trời ta không cử động được. Cuối cùng một đạo sĩ rất thánh đã khuyên ta hành hương ba lần đến Mécka [106]. Nhưng ngươi phải biết, ta chỉ mới đi có một lần đã khỏi.
- Vậy ngươi sẽ khoác áo đạo sĩ suốt đời chứ?
- Ta cũng không biết nữa. Ta tin rằng ta sẽ gặp lại may mắn, và nếu ta còn hành hương về đất Thánh hai lần nữa, ta sẽ lại có thể tái ngũ. Nhưng than ôi, chừng nào ta còn chưa tìm được cái bùa hộ mệnh của ta thì tất cả đều còn phi phỏng.
- Ngươi hy vọng sẽ tìm thấy nó ư?
- Nếu ta hành hương xong một nghìn lẻ một ngày thì cái gì cũng có thể được cả.
- Ngươi sám hối một nghìn lẻ một ngày?
- Một nghìn lẻ một ngày.
- Ngươi đi viếng các me-tret? [107]
- Không, ta chỉ đi dọc con đường từ Pêts đến Mêcka thôi. Ngày nào ta cũng tụng kinh, lần tràng hạt và khấn tên Ala một nghìn lẻ một lần.
- Ta lấy làm ngạc nhiên là một người khôn ngoan như ngươi…
- Trước Ala không có ai khôn ngoan được cả. Chúng ta chỉ là con sâu cái kiến.
Tên đạo sĩ nói vậy rồi lấy tay lần chuỗi tràng hạt dài gồm chín mươi chín hạt và bắt đầu tụng niệm. Người đánh xe dọn dẹp mâm cơm rồi lấy các tấm thảm ra, trải lên bệ đá hai tấm, phủ lên mui xe một tấm. Người nô lệ trẻ nhất chui vào nằm trên xe. Họ gác càng xe lên bệ đá. Một chàng deli nằm xuống bên càng xe, gối đầu lên yên ngựa.
Chàng ta sẽ canh cho cả bọn ngủ.
Trăng chiếu sáng khắp quán trọ, vằng vặc như ban ngày. Có thể thấy rõ mọi người nằm ngổn ngang trên bệ đá, ai nấy đều sửa soạn ngủ cả. Chỉ còn mùi ngựa lẫn với mùi hành là chưa chịu lắng đi cho, với lại một con dơi cứ bay vun vút dọc ngang trên sàn.
Một tên hầu mặc áo nẹp đỏ bước qua sân đến chỗ chàng deli đang sửa soạn đi ngủ và nói:
- Aga cho gọi ngươi. Ngài có chuyện muốn nói với ngươi.
Chàng deli thứ hai bồn chồn nhỏm dậy khỏi chỗ nằm, nhìn theo người bạn của mình đang lặng lẽ tuân theo lệnh của tên aga. Chàng cầm lấy thanh gươm đã cởi bỏ bên cạnh đeo lên người.
Tên aga vẫn đang ngồi trên thềm nhưng không rú lên nữa. Hắn ngẩng bộ mặt đỏ ngắm ánh trăng.
Chàng deli nghiêng mình thi lễ.
- Ngươi từ đâu đến hở con? - Tên aga hỏi.
- Thưa ngài, chúng tôi từ Buđo đến đây. Dạo này quan tổng trấn không cần đến chúng tôi nữa.
- Ngươi đem về những con ngựa đẹp quá khiến ta ngắm mãi không chán mắt. Ngươi có bán không?
- Thưa ngài, không ạ.
Tên aga ném lên chàng trai một cái nhìn giận dữ:
- Ngươi đã thấy mấy con ngựa của ta chưa?
- Thưa ngài, chưa ạ.
- Vậy sáng mai ngươi hãy nhìn xem. Nếu có con nào vừa ý ngươi, chúng ta sẽ có thể đổi cho nhau.
- Thưa ngài, được ạ! Ngài còn sai bảo điều gì nữa chăng.
- Ngươi có thể lui.
Tên aga nhíu lông mày nhìn theo chàng deli.
* * *
Tất cả mọi người đã ngủ. Tên aga cũng về phòng nằm bên cạnh cái cửa sổ che rèm trắng. Sân lữ quán vang đầy tiếng người ngáy khò khò và tiếng ngựa nhai thóc rào rào. Phút nào cũng có tiếng vó ngựa nện cồm cộp nhưng tất cả các thứ tiếng động đó đều không quấy rầy nổi những người ngủ. Những người lữ khách mệt nhọc ngủ say sưa chẳng kém gì khi ngủ trên giường êm trong tĩnh mịch.
Mặt trăng như nửa chiếc đĩa vàng dần dần lên cao trên bầu trời.
Khi không thấy ai động tĩnh gì nữa, chàng deli lớn tuổi hơn liền ngóc đầu dậy nhìn xung quanh. Người nô lệ trẻ cũng nhỏm dậy.
Cả ba chụm đầu vào nhau bàn bạc.
- Tên aga muốn gì thế? - Chàng deli lớn tuổi hơn hỏi bằng tiếng Hung.
- Mấy con ngựa của ta vừa ý hắn. Hắn muốn mua.
- Cậu đã nói gì với hắn?
- Tôi bảo không bán.
- Tất nhiên là không rồi.
- Tôi tạm biệt hắn sau khi đã hứa ngày mai sẽ đổi ngựa. Ta phải đổi một con ngựa của ta lấy một con ngựa nào đó của hắn.
Tấm thảm đắp trên người đánh xe bỗng mở ra và người nô lệ trẻ nhất có khuôn mặt đẹp thò đầu ra  gọi:
- Gergey.
- Suỵt. - chàng deli trẻ hơn trả lời. - Em muốn gì hả Vixusko của anh? Không có việc gì đâu. Em ngủ đi.
- Tên aga muốn gì thế?
- Hắn chỉ hỏi thăm mấy con ngựa của ta thôi. Ngủ đi, em yêu.
Hai khuôn mặt gần nhau khẽ chạm vào nhau trong một cái hôn.
Sau đó ba chàng trai còn trao đổi với nhau một vài câu nữa.
- Chúng ta không việc gì phải lo sợ cả. - Gergey tin tưởng nói. - Trời vừa rạng sáng ta sẽ đi ngay và sẽ bỏ tên aga lại đây cùng với bầy ngựa của hắn.
- Nhưng ngày mai tôi không làm nô lệ nữa đâu. - Tơrơc Iontsi nói. - Ngày mai Mectsei sẽ làm nô lệ. Bị trói tay ngồi đánh xe thế này chán lắm. Với lại những ngần này vàng nó nặng khủng khiếp. Dù sao đem giấu vào xe cũng vẫn khôn hơn.
- Được, được. - Gergey trả lời. - Mai tớ sẽ vui lòng làm nô lệ, nhưng ta thay quần áo vào lúc nào? Ban đêm không được đâu vì nhỡ sáng mai tên aga sẽ dậy sớm hơn ta.
- Thế thì mai hẵng hay Gergey ạ, để giữa đường hãy thay cũng được. Quỷ tha ma bắt cái lão aga này đi cho rảnh!
Mectsei lắc đầu:
- Tớ cũng chẳng ưa hắn. Những ông lớn loại này không quen bị một tên deli rách rưới từ chối ý muốn của họ đâu.
- Các cậu phải  chú ý, khi có người ở gần thì đừng nói tiếng Hung. - Gergey dặn. - Tên đạo sĩ này cũng biết tiếng Hung đấy.
Tên đạo sĩ nằm bên cạnh họ, hắn cuộn tròn như một con nhím.
* * *
Sáng hôm sau khi mặt trời vừa mọc, tên aga bước ra khỏi cửa và ngáp một cái rõ to để đuổi nốt giấc ngủ ra khỏi đầu.
- Bonjon, hai tên deli ấy đâu rồi? - Hắn hỏi tên hầu đang đứng khom lưng trước mặt.
Tên hầu đưa mắt ra sân tìm kiếm. Tên đạo sĩ đang ngồi xổm bên cạnh cửa, nghe tên aga hỏi, hắn liền đứng dậy nói:
- Thưa ngài, chúng nó đi rồi ạ.
- Chúng nó đi rồi à? - Tên aga gắt lên. - Đi rồi hử ?
- Vâng ạ.
- Sao chúng nó dám bỏ đi ?
- Chính vì thế mà con đợi ngài ở đây. Hai tên deli ấy không phải là người lương thiện đâu ạ.
- Làm sao ngươi biết ?
- Hồi đêm con nghe chúng nó nói chuyện.
- Chúng nó nói những chuyện gì ?
- Đủ các thứ chuyện ạ. Nhưng cái chính là chúng nó không muốn gặp phải những người như ngài.
Tên aga trừng mắt:
- Vậy thì phải tước hết ngựa, hết nô lệ và cái xe của chúng, tước hết.
Cứ sau mỗi tiếng giọng hắn lại cao lên một bậc, đến tiếng cuối cùng hắn đã phải hét lên.
- Chúng nó có cả tiền nữa đấy ạ. - Tên đạo sĩ tiếp tục. - Một tên nô lệ đã nói là hắn không đủ sức mang nổi vàng nữa.
- Vàng à ? Hê, xpahi đâu, lên ngựa tất ! Đuổi theo hai thằng deli, dù sống hay chết cũng phải đem chúng nó về đây cho ta ! Nhất là bắt cái xe của chúng nó về đây.
Hai mươi hai tên xpahi phóng ngựa rầm rập ra khỏi cửa quán. Tên aga nhìn theo chúng rồi quay lại hỏi tên đạo sĩ :
- Chúng còn nói những chuyện gì nữa ?
- Con không hiểu được hết vì chúng nói rất khẽ. Có điều chắc chắn là chúng nó nói tiếng Hung và một nô lệ của chúng là phụ nữ.
- Phụ nữ ? Ta không hề thấy.
- Chúng nó cải nam trang cho cô ta.
- Có đẹp không?
- Quyến rũ lắm.
Mắt tên aga sáng lên:
- Rồi ngươi sẽ có phần trong số chiến lợi phẩm.
Hắn bảo tên đạo sĩ như vậy rồi đi vào nhà. Tên đạo sĩ gọi với theo:
- Thưa ngài, con vốn là ionisa, xin ngài cho phép con cũng được lên ngựa.
- Chính ta cũng đi. - Tên aga háo hức nói. - Vậy ngươi khá thắng ngựa cho cả ta nữa.
Hắn đeo gươm vào rồi trèo lên ngựa và cùng tên đạo sĩ đuổi theo hai mươi hai tên bộ hạ trên đường đi Côngxtăngtinốp. Bọn bộ hạ thấy chủ tướng phi ngựa theo sau bèn ngoái cổ lại. Tên aga vẫy tay ra hiệu cho chúng cứ tiến lên.
Con đường cái bốc mù bụi trắng dưới vó ngựa.
Chưa đầy vài giờ sau, tiếng reo hò ầm ĩ của bọn bộ hạ báo cho tên aga biết chúng đã trông thấy cái xe.
Lúc đó, bọn bộ hạ đã lên đến đỉnh dốc và phi theo con đường đổ dốc xuống bên kia, mất hút trước mắt aga. Tên aga nóng ruột muốn phi như bay, lòng rạo rực vì món chiến lợi phẩm béo bở. Tên đạo sĩ cưỡi ngựa theo sau hắn trông như một con quỷ lông lá. Tên này cũng quất ngựa không tiếc tay. Tóc hắn xổ tung ra khiến cái đầu hắn trông giống như một cái chổi rơm. Hắn chưa kịp đeo vào người thanh gươm mà tên aga trao cho trong lúc vội vã nên hắn cứ cầm trong tay và dùng nó mà đánh ngựa.
Lên tới đỉnh dốc, tên aga mới thấy bọn bị đuổi vẫn còn cách khá xa và họ đã đánh hơi thấy mối nguy.
Kìa, hai tên nô lệ cũng nhảy lên ngựa và rút vũ khí ra từ ván sau thùng xe. Người đánh xe đang lấy đồ đạc trong xe ra phân phát cho những người cưỡi ngựa. Bọn họ đem nhét vào đáy yên ngựa hoặc đặt ở trước mặt. Sau đó người đánh xe chui xuống dưới gầm xe. Từ gầm xe một vệt khói trắng bay lên. Lúc đó người đánh xe cũng nhảy nốt lên ngựa phóng theo bốn người kia.
Tên aga ngẩn cả người, hắn gọi to lên với tên đạo sĩ ở phía sau:
- Mấy tên kia là cái loại nô lệ gì mà lạ thế? Sao chúng không muốn được giải thoát hở?
- Thì con đã bảo là bọn chó má! - Tên đạo sĩ gào.
Ngọn lửa đã lem lém vào xe. Bọn lính Thổ bối rối dừng xung quanh.
- Dập lửa đi! Phá tung cái xe ra. - Tên aga hạ lệnh. Sau đó hắn lại thét. - Chỉ ba đứa ở lại thôi! Những đứa khác đuổi theo bọn chó!
Đúng lúc đó cái xe lóe sáng rực và nổ một tiếng dữ dội, bắn tung tóe lửa ra xung quanh.
Chỗ đó chẳng còn lại xe cộ, người ngựa gì nữa, chỉ còn một tên đạo sĩ bù xù, điếc đặc vì tiếng nổ và sức ép, đứng sững trên đường như một con mèo ma quái trên đỉnh ống khói.
- Cái gì thế này? - Tên aga kêu lên trong đám bụi đường, nơi hắn bị con ngựa hất xuống.
Tên đạo sĩ muốn xuống ngựa nhưng con ngựa của hắn đang sợ hết hồn. Nó cứ nhảy giật lùi và chồm hai chân trước lên rồi phi như điên như dại xuống cánh đồng, nhảy vút qua các mương rãnh, bụi bờ, hất tung cả tên đạo sĩ lên khỏi yên, mõm sùi bọt trắng.
Tên aga gắng gượng đứng dậy. Hắn khạc bụi ra, chửi rủa như điên.
Hắn nhìn quanh. Mặt đường trông như một bãi chiến trường ngổn ngang xác những con ngựa đang quằn quại và những tên xpahi nằm thẳng cẳng. Ở chỗ ban nãy cỗ xe đỗ chẳng còn gì nữa hết, cỗ xe lúc này đã biến thành một đám mây màu nâu xám bốc lên trời.
Con ngựa của tên aga đã lồng đi mất. Ông lớn mệt quá không còn biết xoay xở ra sao nữa.
Cuối cùng hắn khập khiễng đi lại chỗ bọn bộ hạ của hắn. Bọn chúng đã bị trận nổ quăng ra tứ phía. Đứa vỡ đầu, đứa gẫy chân, cả những đứa còn nguyên thi thể cũng chẳng đem lại được cảm giác gì tốt lành cho người nhìn nữa.
Tên aga thấy không còn tên bộ hạ nào nhúc nhích nữa, hắn bèn ngồi xuống bên bờ rãnh, đực mặt ra. Có lẽ hắn đang nghe  ngóng xem ở đâu và tại sao người ta lại kéo chuông rền rĩ thế.
Tất nhiên là chẳng có ai kéo chuông ở đâu cả, chỉ có tai hắn ù lên đấy thôi.
Nửa giờ sau, khi tên đạo sĩ đã phi con ngựa phát cuồng của hắn đến mướt mồ hôi và quay trở lại, hắn vẫn còn thấy tên aga ngồi đực ra như một con gà rù ở đấy. Gã buộc con ngựa run rấy vào một cây sồi bên đường rồi bước vội đến chỗ tên aga:
- Ngài có việc gì không à?
Tên aga lắc đầu:
- Không có việc gì cả.
- Chắc thế nào ngài cũng bị dập một cái gì đó?
- Cái xương cánh chậu của ta.
- Tạ ơn Đức Ala, người đã giải thoát chúng ta khỏi cái nạn này.
- Tạ ơn Ngài. - tên aga nhắc lại như cái máy.
Tên đạo sĩ lần lượt đi đến chỗ những con ngựa nằm mẹp bên đường để xem còn có thể vực được con nào dậy nữa không. Nhưng không. Dù có con nào chưa chết thì cũng đã tử thương đến mức chỉ còn bầy quạ là có thể trả được một giá nào đó nữa mà thôi.
Hắn trở lại chỗ tên aga:
- Thưa ngài, ngài còn có thể tự đi về được không? Hay con đỡ ngài lên con ngựa này nhé?
Tên aga xoa xoa đầu gối và bắp chân:
- Ta thề sẽ trả cái thù này! Nhưng ta kiếm đâu ra ngựa và lính tráng nữa? - Hắn nói và ngớ ngẩn nhìn tên đạo sĩ.
- Những tên khốn kiếp ấy chắc chắn sẽ đi đến Côngxtăngtinốp. Chúng ta sẽ tìm ra chúng ở đấy. - Tên đạo sĩ nói.
Tên aga khó nhọc đứng dậy. Hắn rên rỉ sờ nắn cái xương cánh chậu.
- Hãy lại đây giúp ta lên ngựa và dắt về lữ quán. Ngươi hãy ở lại làm lính hầu cho ta. Ngươi cưỡi ngựa giỏi đấy.
- Làm lính hầu ư? - Tên đạo sĩ hỏi, giọng tự ái.
Nhưng sau đó hắn cung kính cúi đầu.
- Xin tuân lệnh ngài.
- Tên ngươi là gì?
- Yumusác.
* * *
Trong thời gian đó, năm kỵ sĩ Hung tiếp tục phi ngựa trên đường đi Côngxtăngtinốp.
Tiếng nổ làm cho ngựa của họ cũng phát hoảng nhưng họ chẳng phàn nàn tí nào, vì như thế chúng càng phi như bay. Mấy con ngựa cứ thay nhau vượt lên phía trước trong một cuộc đua điên cuồng. Khách bộ hành từ xa đã tránh đường cho họ, người ta không thể tưởng tượng được họ đua chơi hay bị đuổi.
Nhưng Xexey Êvo đã đến với họ như thế nào?
Trong đêm tiệc cưới ấy, khi gặp lại Gergey, tình cảm cũ đã thức dậy trong lòng nàng: nàng với Gergey chỉ là một. Trước đó nàng cũng đã nghĩ như vậy, nhưng vì bị thúc ép tứ bề, nàng không làm sao thoát ra được. Gergey không nhà cửa, không ruộng đất, chưa tự lập được mà còn đang là một thanh niên sống dưới sự đỡ đầu của người khác. Ngay đến viết thư cho nhau cũng không thể được. Nàng đã bắt đầu ngả theo số phận.
Nhưng sự xuất hiện của Gergey đã đập tan mọi thế lực khác.
Người phụ nữ vốn suy nghĩ bằng trái tim. Trái tim bảo Êvo: Đây là người bạn đời chân chính của cô! Dù cả thế giới có dèm pha đi nữa, cô vẫn sinh ra để lấy anh ấy.
Và nàng đã bứt mình ra khỏi những suy tính để đi theo tiếng gọi tự thâm tâm, tiếng gọi mạnh mẽ hơn cả tiếng nói của hoàng hậu, mạnh hơn cả tiếng nói của mẹ nàng.
Họ tẩu thoát theo con đường xuyên qua những ngọn núi tuyết phủ vùng Giolu; những tia nắng sớm hôm sau đã chào đón họ bên dòng suối Vàng.
Rừng cây rực rỡ trong màu xanh non của những vòm lá mới. Hoa violét màu tím nở khắp nơi, hoa trì tử  diên và hoa bồ công anh vàng hoe cả thung lũng. Không khí ngây ngất mùi nhựa thông.
- Bây giờ anh mới hiểu tại sao người ta lại gọi con suối này là suối Vàng. - Gergey nói. - Êvo, em xem kìa, có khác nào người ta đã đem vàng mà rắc dọc bờ suối. Nhưng em đang suy nghĩ gì thế? Em không hối hận vì đã đi với anh đấy chứ?
- Không đâu. Nhưng có một cái gì cứ làm em buồn buồn.
Êvo trả lời. Khuôn mặt tươi trẻ của nàng rầu rầu, đôi mắt nghiêm nghị, nàng nói tiếp:
- Vì dù sao em vẫn là con gái và em nghĩ rằng hành động của em là thất hạnh. Hôm nay anh vui mừng vì em đã đi theo tiếng gọi của trái tim, nhưng biết đâu sau này, có lẽ đến lúc tuổi già, anh sẽ chẳng nghĩ rằng anh đã dắt em đi không phải từ một nhà thờ mà từ một phòng dạ yến.
Mectsei đi trước với một nông dân Ôta dẫn đường cho họ vượt núi. Hai người cưỡi ngựa đi cạnh nhau.
- Anh còn trẻ quá. - Êvo lại tiếp. - Chẳng có giáo sĩ nào trên đời này chịu làm phép cưới cho chúng ta đâu.
- Êvo. - Gergey đáp lại giọng trách móc. - Chẳng phải em vẫn luôn luôn coi anh như một người anh của em đấy sao? Chả lẽ bây giờ bên cạnh anh, em không còn cảm thấy như vậy nữa sao? Anh là một người xa lạ đối với em hay sao? Nếu việc thiếu giáo sĩ làm em buồn, chẳng lẽ em lại không tin rằng cho đến ngày chúng ta có thể làm lễ cưới, anh sẽ che chở cho em hơn cả một thiên sứ có đôi cánh bồ câu hay sao? Nếu em muốn, anh sẽ không đụng đến tay em, sẽ không hôn đôi má của em cho đến khi nào được một giáo sĩ ban phước cho chúng ta.
Êvo mỉm cười nói:
- Anh cầm lấy tay em đi, nó là của anh đấy! Hôn má em đi: của anh đấy!
Vì hai người sóng ngựa đi bên nhau, nàng chìa tay và chìa má cho Gergey.
- Vừa rồi chính là tín ngưỡng đã xui em nói. - Gergey nhẹ hẳn người, bảo. - Anh cũng là tín đồ cơ đốc nhưng thầy học của anh không dùng các giáo lý của tòa Thánh để dạy anh mà dùng khoa thiên văn.
- Mục sư Gabô ấy à?
- Ừ, thầy là một mục sư dòng Lutherăng nhưng không bao giờ muốn bắt ai theo dòng tu của mình cả. Thầy bảo Đức Chúa thật không phải là người mà các bức tranh mô tả và các thứ kinh vẫn nói đến. Không phải là cái  lão Do thái già nua, râu xồm xoàm, mắc bệnh thần kinh và hay dọa dẫm mọi người ấy đâu. Chúng ta cũng không thể có ý niệm về bản thân Đức Chúa Trời chân chính như thế nào nữa kia. Chúng ta chỉ có thể thấy ý nghĩa và cảm thụ được tình thương của Người mà thôi: Đức Chúa Trời thật ủng hộ ta. Êvo ạ. Đức Chúa thật không hề giận ai hết. Người không hề có nộ khí. Nếu em nhìn lên trời và khấn rằng: Đức Chúa Trời, cha của chúng con, con đã chọn anh Gergey này làm bạn đời; và anh cũng nói anh chọn em, thì như vậy trước Chúa Trời chúng ta đã là vợ chồng đấy, em yêu quý ạ.
Êvo sung sướng nhìn Gergey đang khe khẽ nói, gần như mơ màng. Ôi, đứa trẻ lớn lên trong cảnh côi cút thật chóng khôn!
Chàng thanh niên tiếp tục :
- Nghi lễ nhà thờ chỉ là vì thế gian thôi em ạ. Cần phải công bố với thế gian rằng chúng tôi đã lấy nhau theo chủ định của tâm hồn và trái tim chứ không phải ngẫu nhiên và tạm thời như súc vật. Duyên vợ chồng thật ra chúng ta đã se từ thuở nhỏ cơ em ạ.
Mectsei đã tới đỉnh một đồi cỏ. Anh ta dừng ngựa lại chờ họ và nói:
- Bây giờ nghỉ một tí chắc không hại gì đâu.
- Tốt thôi. - Gergey đáp. - Ta hãy xuống ngựa. Tôi thấy dưới kia hình như có nước. Lão Ôla cho mấy con ngựa đi uống nước đi.
Chàng nhảy xuống ngựa rồi lại đỡ Êvo xuống.
Chàng trải tấm áo choàng lên cỏ và cả bọn ngả mình xuống nghỉ.
Mectsei mở một cái đẫy lấy bánh mì và muối ra. Anh cắt bánh mì rồi đưa mời Êvo trước tiên.
- Khoan. - Gergey nói rồi quay sang Êvo. - Trước khi cùng ăn chung một mẩu bánh mì, chúng ta có nên kết mối tâm giao trước mặt Chúa Trời đã không, hở Êvo?
Êvo nhỏm dậy. Nàng chưa biết Gergey muốn gì nhưng qua giọng nói run run của chàng, nàng cảm thấy ý nghĩ đó của chàng là thiêng liêng và trịnh trọng. Nàng chìa tay cho Gergey.
Họ đứng bên nhau, tay cầm tay. Gergey bỏ mũ ra, mắt ngước nhìn trời. Chàng thành tâm khấn khứa, giọng run run:
- Đức Chúa Trời, cha của chúng con! Giờ đây chúng con đang ở trong thánh đường của Người, không phải trong ngôi nhà nhân tạo bằng gạch đá, mà dưới bầu trời lồng lộng của Người, giữa vườn cây của Người! Từ khu rừng, hơi thở của Người tỏa về phía chúng con, từ ngọn núi, ánh sáng của Người chiếu rọi đến chúng con, và từ cao xanh, mắt Người nhìn xuống chúng con. Cô gái này từ thời thơ ấu đã vô cùng thân thiết với lòng con, thân thiết hơn tất cả những cô gái khác trên đời. Con chỉ yêu cô ấy, con sẽ chỉ yêu cô ấy cho đến khi chết, và cả ở thế giới bên kia cũng thế! Mọi người không cho phép chúng con lấy nhau theo hình thức thông thường. vậy xin Chúa cho phép cô ấy làm vợ của con cùng với mọi phước lành của Người. 
Chàng đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn cô gái:
- Chúng ta hãy quỳ xuống, em ạ. Em yêu, từ giờ phút này anh tuyên bố trước Chúa Trời rằng em là vợ của anh.
Êvo mắt cũng đẫm lệ, thẹn thò nói:
 - Còn em xin nhận anh làm chồng…
Nàng cũng chỉ nói được có thế rồi gục đầu vào vai Gergey. Đôi vợ chồng trẻ ôm nhau và kính cẩn hôn nhau, dường như cả hai đều cảm thấy bàn tay ban phước lành của Chúa đặt lên đầu họ.
Mectsei lại ngồi xuống bên cái bánh mì và dụi mắt:
- Thật chưa bao giờ tớ được chứng kiến một lễ cưới như thế này. Nhưng tớ cảm thấy lễ cưới này còn thiêng liêng và bền chặt hơn nhiều so với lễ cưới mà đáng lẽ hoàng hậu đã tuyên bố ở Giolu trước chín ông giáo sĩ.
Nghe anh nói thế, tất cả đều mỉm cười. Họ ngồi xuống và bắt đầu ăn.
Tối hôm đó họ đến thành Hunhodi, Iontsi chờ họ với bữa tối đã sẵn sàng (Hôm nào cậu cũng chờ họ, khi với bữa trưa, khi với bữa tối).
Mấy người mới đến thay quần áo. Người ta tìm trang phục phụ nữ cho Êvo. Sau đó họ ngồi vào bàn.
Dự bữa tối có cả cố đạo của thành, một ông già ốm yếu, ria mép để dài, ông đã già đi giữa cảnh tĩnh mịch của tòa thành này như những cây bồ đề.
- Sở dĩ tôi mời cố đạo đến để làm lễ thành hôn cho anh chị. - Tơrơc Iontsi nói.
- Chúng mình làm xong rồi. - Gergey trả lời.
- Ở đâu? Lúc nào? - Cố đạo hỏi.
- Ở trong rừng.
- Trong rừng ư?
- Vâng. Ở trong rừng, như Ađam và Êvo[108] thuở xưa. Chẳng lẽ đó không phải là một lễ cưới hợp pháp ư?
Cố đạo kinh hoàng nhìn họ, Mectsei phật ý nói:
- Sao? Nếu như Chúa Trời muốn ban phước lành cho một người nào đó thì Người chẳng cần phải có giáo sĩ mới ban được.
Cố đạo lắc đầu:
- Chúa Trời có thể không cần đến giáo sĩ, nhưng người trần tục thì phải cần đến. Thứ nữa là Đức Chúa ở thiên giới không hề phân phát giấy giá thú cho ai cả.
Gergey nhún vai:
- Chúng con không cần đến giấy giá thú cũng biết được bổn phận vợ chồng.
- Điều đó cũng đúng thôi. - Cố đạo nói. - Nhưng sau này cháu chắt các con sẽ không biết các con là vợ chồng hợp lệ.
Êvo đỏ mặt, Gergey gãi tai, liếc nhìn Êvo rồi quay sang hỏi cố đạo:
- Thế cha có sẵn lòng làm lễ cho chúng con không?
- Rất sẵn sàng.
- Không cần đến sự ưng thuận của cha mẹ cũng được chứ?
- Cũng được. Xét cho cùng, trong kinh thánh không hề có chỗ nào nói phải cần đến sự cho phép của cha mẹ mới làm lễ cưới được.
- Đã thế thì chúng ta hãy chịu lễ để lấy giấy giá thú vậy. Êvo em ạ. - Gergey nói.
Họ đi sang nhà thờ và chỉ một lúc sau đã làm xong hôn lễ. Cố đạo viết tên hai người vào quyển sổ của nhà thờ và bào Iontsi cùng Mectsei ký tên vào làm chứng.
- Tôi sẽ gửi bản sao cho cha mẹ cô dâu. - Cố đạo nói khi họ đã trở lại bàn ăn. - Mong họ sẽ làm lành với cô cậu.
- Chúng con cũng mong như vậy. - Êvo nói. - Nhưng xin cha hãy thư thả một vài tháng để cha mẹ con nguôi bớt giận đi đã.
Nàng quay sang hỏi Gergey:
- Một vài tháng đó ta sẽ ở đâu, hở đức ông chồng yêu quý?
- Em sẽ ở thành Hunhodi này, còn anh sẽ ở một nơi nào đó.
Gergey trả lời và nhìn các bạn.
- Chúng ta có thể nói cho chị ấy biết. - Iontsi nói. - Bây giờ anh chị đã là một rồi, từ nay trở đi giữa anh chị không còn bí mật nữa. Cha cố của chúng tôi cũng nên biết thì tốt hơn, để nhỡ có gì xảy đến với chúng ta, ít nhất vài tháng sau còn có ông ta báo cho mẹ tôi biết.
- Vậy anh xin nói để em biết. - Gergey bảo vợ. - đáng lẽ bọn anh đã lên đường đi Côngxtăngtinốp, khi anh nghe tin em sắp cưới. Ba người bọn anh đã nguyện sẽ giải thoát cho tướng công Balin, người cha đáng kính của bọn anh.
- Nếu có thể được. - Iontsi nói thêm.
Cô dâu chú ý lắng nghe chồng, sau đó nàng mỉm cười nói:
- Thế thì anh bị hố với em rồi. Bởi vì lẽ ra em cũng có thể vui lòng nghỉ ngơi vài tháng trong thành tuyệt đẹp này đấy, nhưng chẳng phải hôm nay em đã thề đi thề lại những hai lần rằng không bao giờ em rời xa anh đó sao?
- Chắc em không có ý định đi cùng bọn anh đấy chứ?
- Thế em không biết cưỡi ngựa như bất cứ một anh nào đấy ư?
- Nhưng đây đâu phải chỉ là chuyện cưỡi ngựa hở nàng tiên của anh, đây là một chuyến đi nguy hiểm.
- Múa kiếm em cũng biết. Em đã học một thầy Ý. Em cũng có thể dùng cung bắn chết thỏ. Em cũng có thể dùng súng bắn rơi cả chim én nữa cơ.
- Một cô vợ vàng ngọc! - Mectsei kêu lên và nâng cốc rượu. - Mình ghen với cậu đấy, Gergey ạ.
- Được rồi, được rồi. - Gergey vẫn còn lo ngại nói. - nhưng một cô gái như thế này chỉ quen ngủ trong giường nệm thêu ren thôi đấy nhé!
- Dọc đường em sẽ không phải là phụ nữ nữa. Em đã tới đây trong trang phục nam giới, vậy tới đó em cũng sẽ mặc y phục nam giới mà đi. Nhưng anh đã hối hận về việc lấy em nhanh thế! Thưa cha đáng kính, xin cha làm lễ ly hôn ngay cho chúng con đi, bởi vì anh chàng này coi thường con quá: định bỏ rơi con ngay từ hôm đầu tiên!
Cố đạo hình như đang chú ý gặm miếng sườn gà thiến hơn là nghe lời cô gái.
- Vả lại em có biết tiếng Thổ nào đâu. - Gergey đưa ra ý kiến phản đối cuối cùng.
- Dọc đường em sẽ học.
- Chị ấy nói đúng đấy. - Iontsi lên tiếng. - Tôi cũng sẽ bày cho chị, vả lại cái thứ tiếng ấy cũng chẳng khó gì lắm.
- Anh thử nói vài chữ xem nào. - Cô dâu mới bảo Iontsi.
- Ví dụ tảo là táo, cả tui là của tui, papa là cha, côn đàng là con đường, côi là cõi, đai gao là…[109]
- Đại đao! - Êvo vỗ tay kêu to. - Thế mà em chẳng hề nghĩ là mình cũng biết tiếng Thổ nữa!
Tên gia nhân hầu bàn nói nhỏ với Mectsei rằng có một người cứ nhất định xin vào cho bằng được.
- Người thế nào?
- Anh ta bảo tên là Machiát.
- Machiát? Cái gì Machiát?
- Anh ta không xưng họ.
- Thượng lưu hay nông dân?
- Dáng như người hầu.
Mectsei bật cười :
- Đúng là thằng Mochi rồi, quỷ tha ma bắt nó đi! Người cho hắn vào đây xem hắn nói gì.
Gã hầu Mochi đỏ mặt tía tai bước vào và liếc trộm Mectsei:
- Con đã đến đây, thưa ngài trung úy, xin hầu ngài.
- Ta thấy rồi đấy. Nhưng tối qua mày ở đâu?
- Tối hôm qua con tỉnh rượu ngay lúc ấy. Nhưng ngài vội đi quá thành thử con không đuổi kịp được.
- Tại mày say như chết ấy.
- Không đễn nỗi thế đâu ạ, thưa ngài trung úy.
- Thế mày làm sao mà mò được tới đây? Tao đem cả ngựa của mày đi cơ mà.
Mochi rướn lông mày, khe khẽ nhún vai:
- Ngựa thì ở đấy vẫn còn vô khối.
- Mày ăn trộm hả, đồ đáng treo cổ?
- Nào con có ăn trộm đâu. Khi trung úy đi rồi, con bèn bảo chúng nó vực con lên ngựa, thế là bọn bạn xốc con lên một con ngựa, chứ con có tự trèo lên được đâu. Thành thử con biết làm thế nào được nếu chúng nó không xốc con lên đúng ngựa của con?
Cả cử tọa nghe nói đến thế đều cười vui vẻ, nhờ đó Mochi được xá tội hoàn toàn, và chính việc gã trốn theo chủ trong lúc đang say như vậy làm Gergey rất thú vị, chàng cười hỏi gã:
- Anh người ở đâu hả Mochi?
- Ở Kerextesơ ạ.
- Kerextesơ là cái xó khỉ ho cò gáy nào?

Kỳ cục biết bao nếu giờ đây gã hầu ngựa lại trả lời như sau: Ôi, công tử Gergey xấu số, một ngày kia cậu sẽ biết cái xứ Kerextesơ ấy là ở đâu. Rồi đây khi cậu đã dày râu, khi cậu đã trở nên một ông lớn, cậu sẽ bị bọn Thổ độc ác dụ vào bẫy tại chỗ đó, ở đó chúng sẽ xiềng chân, xích tay cậu lại trong sắt thép và chỉ cái chết mới giải thoát cho cậu khỏi xiềng xích ấy mà thôi.

Ba hôm sau họ lên đường. Mochi làm người đánh xe, còn bốn người kia thay nhau đóng vai nô lệ và deli. Cái xe đồng thời là giường ngủ của Êvo.
--------------
Chú thích:
[84] Ý nói khi lâm vào thế nguy.
[85] Thuế thu bằng 1/10 hoa lợi của mùa màng.
[86] Thành phố lớn thứ hai trong nước, ở về phía đông nước Hung.
[87] Ở châu Âu, hàng năm sau mùa hái quả người ta lại chặt trụi cành nho chỉ để lại gốc, đến mùa xuân năm sau nho mới lại đâm cành.
[88] Viên quan coi ngục Bảy Tháp.
[89] Lính gác.
[90] Thưa quan phòng thành.
[91] Horatius: nhà thơ trữ tình xuất sắc nhất thời Cổ La Mã, sống những năm 65-8 trước công nguyên.
[92] Kelske có nghĩa là con dê.
[93] Ionlsi đã mười sáu tuổi, Pheri mười bốn.
[94] Tức là từ khi Pheđinan được cử làm vua nước Hung.
[95] Trong tiếng Hung, ba chữ này chỉ viết làm một: hazáért.
[96] Thảo nguyên lớn nhất của Hung, ở về phía đông, rất nổi tiếng về những đàn ngựa và những chàng tướng cướp.
[97] Một dân tộc đông nhất ở Nam Tư.
[98] Tên gọi thân mật của Machiat.
[99] Một thứ bánh mì trắng, hình tròn, vừa một suất ăn: có loại hơi ngọt dùng để ăn điểm tâm hoặc trong những bữa ăn nhẹ, có loại là bánh lính.
[100] Những Những dân tộc sống ở Nam Tư.
[101] Đường chạy từ biên giới Bungari về Côngxtăngtinốp.
[102] Những con đường quốc lộ bình thường.
[103] Baben là tên gốc Do thái của thành phố Babilon thời cổ, theo kinh thánh thì loài người đã khởi công xây dựng ở đây một cái tháp cao đến tận trời, nhưng để trừng phạt cái tội liều lĩnh đó, Chúa trời đã làm cho tiếng nói của họ trở nên bất đồng không hiểu được nhau nữa đành phải bỏ dở việc dựng tháp.
[104] Một loại lính tình nguyện trong quân Thổ, không thuộc quân chủ lực.
[105] Đalcacia: tên một nước hồi đó ở ven biển Adriatich thuộc Nam tư ngày nay.
[106] Đất thánh của đạo Hồi, thuộc địa phận Arập Xaudich ngày nay.
[107] Là đền thờ Hồi giáo.
[108] Theo kinh Thánh, Adam và Êvo là người đàn ông và đàn bà đầu tiên được Chúa Trời tạo ra trên đời.
[109] Trong nguyên văn: elma: alma, benim: enyim, bapa= papa, pebucs = papucs, sarombó, daduk = duda, eságány = esákány. Trong vòng bốn năm thế kỷ sống gần nhau ở thảo nguyên sông Đôn, người Hungari đã học kỹ thuật canh tác của người Thổ Nhĩ Kì và khá nhiều tiếng Thổ.
------------
Tiếp p6: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/02/nhung-ngoi-sao-eghe-p6.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét