Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Khoảng Trời Mênh Mông - Ch 10

Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)

Tác giả: Kirby Larson

Người dịch: Vũ Kim Dung

NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008

Chương 10

Ngày 2 tháng Tư năm 1918
Cách Vida ba dặm về phía Tây Bắc, Montana.

Charlie thân mến!

Hy vọng sắp tới em có quà gửi anh. Đừng lo, em không gửi thêm bít tất nữa đâu. Em mừng vì tất em đan khiến anh và bạn bè vui đến thế. Để bù lại tài đan lát không mấy điệu nghệ, em đang học may chăn ghép. Chị Perilee hài lòng khi thấy em học hành tấn tới. Nói thật là chính em cũng mừng chứ chưa nói ai. Chắc anh cũng đoán được rằng em đang ghép nhiều mảnh vải đẹp để may thành chăn cho anh. Em gọi nó là Cánh Quạt Của Charlie. Một mẫu cải tiến từ mẫu Cối Xay Gió của em. Thật vinh dự thay vì anh đã được công nhận là thợ máy. Chăn của em không che mưa được nhưng chắc sẽ giữ ấm cho anh.
Em chơi cờ cũng lên tay lắm nhé. Tuần trước, Jim Gà Trống có ghé qua đấu thêm một ván. Em phòng thủ rất khá, dù cuối cùng phần thắng vẫn thuộc về Jim. Em họ của Jim ở Lewiston có báo một tin không vui. Ở đó, người ta kéo nhau vào một trường cấp ba, lôi hết sách giáo khoa tiếng Đức ra đốt thành tro. Chỉ có phép lạ mới cứu ngôi trường không bốc cháy. Một giáo viên của trường buồn quá đã bỏ nhiệm sở và dọn nhà đi nơi khác.
Em đang cố tập trung hoàn toàn vào mục tiêu chính: chứng minh quyền sở hữu đất. Anh Karl chỉ em cách kiểm tra đất xem đã thích hợp với việc gieo hạt chưa. Jim Gà Trống cũng thích cách làm này. Anh Karl vốc nắm đất trên tay bóp mạnh. Đất của em còn rắn lắm, hạt giống gieo xuống sẽ thối mất. Nhưng bác Nefzger bảo đừng lo, chờ đến giữa tháng sau hãy gieo hạt. Nhưng em hy vọng không phải chờ lâu đến thế.
Đọc báo cáo canh tác của em, anh có cười không? Thỉnh thoảng em cũng buồn cười vì bây giờ mình lại lo đến héo người chuyện đất đai, thời tiết. Nhưng lo thế không phải ích kỷ đâu nghe. Bây giờ, làm ruộng được coi là yêu nước nồng nàn đấy nhé. Người ta khuyến khích chúng em trồng càng nhiều càng tốt. Thử nghĩ mà xem! Biết đâu lúa mì từ ruộng em lại đến được bàn ăn của chiến sĩ thì sao.
Tuy nhiên, em hy vọng anh không phải chờ ăn lúa em trồng. Mong trước khi em thu hoạch vào tháng Tám, anh đã ở nhà từ lâu rồi.

Bạn anh
Hattie Inez Brooks

Tôi nhìn cuốn sổ tay chằm chằm. Con mối nào bén mảng đến gần sổ này chắc sẽ phải chết đói. Tôi nhớ chuyện thánh Moses đưa người Do Thái băng qua sa mạc. Thấy họ đói, Thượng đế phải làm mưa lương thực từ trên trời rơi xuống. Tôi ngắm mãi bầu trời xa tít tắp của Montana. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy sắp có mưa lương thực cả. Tôi kể lể hoàn cảnh mình khi cầu kinh tối như thường lệ: “Lạy Chúa lòng lành, xin cho con chút thu nhập giúp con thấy được ngày thu hoạch. Dù con không có gì đặc biệt, nhưng vẫn rất cảm kích sự cứu giúp của Người”. Tôi nóng lòng được chứng kiến lần nữa cách hành xử bí ẩn của Chúa.
Không ý tưởng nào chợt đến, chẳng gợi ý nào như ánh chớp lòe vụt ngang bầu trời, tôi đành quay sang làm nốt việc vặt trong kho. Mùa xuân đang giục mùa đông nhường chỗ cho mình. Đồng cỏ lốm đốm hoa nghệ tây tím, hoa chuông vàng, và những bông cỏ đuôi chồn đẹp đến nỗi mỗi khi đi qua chúng, tôi không thể bỏ qua, phải cúi xuống vuốt ve. Tôi đang định hái hoa đồng nội thành bó lớn mang tặng chị Perilee. Dù ý tưởng ấy có hấp dẫn đến mấy nhưng tôi chưa thực hiện ngay được vì dãy cọc rào vẫn cứ “réo tên tôi”. Tôi vơ đống dụng cụ, ra ngoài tiếp tục công việc.
Một con ngựa quen thong dong đi về phía tôi, trên lưng ngựa cũng là bóng dáng khá thân thuộc. Traft Martin tự nhận trách nhiệm lấy thư của tôi từ chỗ Bub Nefzger tận Vida mang về. Nhờ đó, tôi đỡ phải đến thị trấn lấy, nhưng tôi ước sao anh ta đừng làm vậy.
- Cô làm nhanh thật đấy.
Anh ta trườn từ lưng Rắc Rối xuống, chân mang đôi giầy cao cổ đã sờn nhẹ nhàng chạm đất.
Tôi đóng thêm cây đinh nữa.
- Chẳng biết bao giờ mới xong đây.
Traft bỏ mũ, treo lên đầu yên ngựa. Nhúm tóc sau đầu anh ta hiện lên như dấu hỏi. Mùi thông nồng ấm có trong dầu vuốt tóc thoảng đến bên tôi:
- Muốn tôi đỡ tay cho cô một lát không?
Cánh tay van nài tôi đồng ý. Nhưng trái tim bướng bỉnh có câu trả lời khác:
- Không, đừng. Cảm ơn!
Traft vỗ nhẹ túi áo:
- Tôi mang thư về cho cô này. Cả mấy tờ báo nữa. Tôi biết cô thích đọc báo  lắm mà.
Tôi tháo găng tay:
- Cảm ơn anh!
Traft ngần ngừ, như thể muốn nói gì đó. Nhưng rồi anh cũng trao cho tôi bó giấy:
- Lại một bức thư nữa từ Pháp.
- Của Charlie, bạn tôi đấy.
Tôi dùng ngay giọng của anh ta để trả lời, rồi nhét bó giấy vào giỏ thức ăn.
- Thân không?
Không hiểu sao câu hỏi của Traft lại khiến ruột gan tôi lộn nhào.
- Chúng tôi quen nhau lâu rồi. Anh ấy cho tôi con mèo.
Traft gật mạnh đầu, như thể muốn đưa mọi thông tin trong óc về đúng vị trí đã được sắp xếp.
- Thôi, tôi phải làm tiếp đây.
Traft trở lại với con ngựa:
- Vậy chào Hattie nhé.
- Chào anh.
Tôi quai búa ngay khi anh ta còn chưa đặt chân lên bàn đạp.
Traft chợt dừng lại:
- À quên, còn chuyện này nữa. Vũ hội. Ở Tòa thị chính tại Vida. Không biết cô có định đi không?
- Tôi không biết nhảy.
Tôi như nghe tiếng phản đối của mợ Ivy the thé bên tai: “Nhảy nhót, chuốc rượu nhau, rồi bắt đầu nhẹ dạ với người ta”.
- Thế nếu đó là nghĩa vụ của người yêu nước thì sao nào? Vũ hội được tổ chức để gây quỹ cho cuộc vận động mua Trái phiếu Tự do đấy.
Vẫn còn bực bội vì thông điệp bỏ lại trên bàn, nghe từ yêu nước, tôi nghiêm mặt:
- Chắc cũng giống tham gia Hiệp đoàn Ái quốc chứ gì.
Traft giật nảy mình:
- Gì cơ?
Tôi bèn kể về mẩu giấy nhắn:
- Tôi không hiểu ý nghĩa của nó.
Traft bối rối nghịch giây cương. Trông anh ta như định nói thêm điều  gì, nên tôi đứng đợi.
Traft vuốt ve cổ con ngựa:
- Có bao giờ cô nhận xét về cuộc chiến, khiến có người nghĩ cô chống lại chủ trương tham chiến chăng?
- Chưa bao giờ tôi có hứng bàn về nó với bất cứ ai.
Ngoại trừ Jim Gà Trống, nhưng Traft không cần biết chuyện ấy làm gì.
Traft lại ngần ngừ:
- Thế cô... Hattie này, cô cũng biết hồi này người ta hay khắt khe với nhau lắm.
Tôi lắc chiếc búa trong tay:
- Nếu có người thấy tôi, chắc họ chỉ thấy toàn hành động phản quốc như nhặt đá, làm hàng rào chẳng hạn.
Tôi cười gượng gạo. Giọng Traft dịu xuống còn nhanh hơn ngọn lửa phụt tắt.
- Đừng coi nhẹ những việc ấy.
- Anh thử kể vài việc tôi làm dễ bị người khác nghi là phản quốc xem.
Những ý nghĩ ngầm được chuyển tải trong cuộc chuyện trò như dòng nước đã đổi chiều. Tôi cảm giác mình sẽ bị xoáy nước lôi xuống tận đáy bất cứ lúc nào. Dù có quyến rũ đến đâu, Traft vẫn đứng đầu Hội Đồng Tự vệ. Vẫn là con trai của mẹ anh ta.
- Tôi biết chuyện này khó nghe với cô, nhưng tôi sẽ nói thẳng. Người ta đang bàn tán về Karl Mueller.
Suýt nữa tôi đánh rơi cái búa:
- Cái gì cơ? Họ nói gì?
- Cô có nghe chuyện Verne Hamilton bị bắt chưa? Hắn bị cáo buộc phát ngôn kích động làm loạn khi bảo rằng hắn sẽ không tòng quân, rằng nếu muốn bắt quân dịch thì hãy bắn què hai chân hắn trước đi đã.
Tôi gật đầu. Trên báo đúng là có tin ấy.
- Hôm trước, khi nói về Bub, Karl bảo người ta có quyền ăn nói kiểu ấy. Bảo là có quyền tự do ngôn luận, và nhiều câu đại loại thế.
- Chẳng nhẽ không phải sao?
Traft nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Cô Hattie này, đây là thời chiến. Hơn nữa, Karl người Đức, là kẻ thù.
- Anh ấy không phải kẻ thù. Anh ấy là người tốt nhất trên đời khiến ai cũng muốn được làm quen.
Traft mỉm cười, nhưng đó là nụ cười giống mợ Ivy. Mợt thường cười như vậy mỗi khi bảo tôi rằng đòn trừng phạt tôi sắp phải hứng chịu chỉ làm tôi tốt đẹp hơn lên. Traft nhún vai:
- Tôi không muốn làm cô bực bội. Sở dĩ tôi nói ra chuyện ấy vì nghĩ chắc cô cũng muốn biết. Có thể bọn trẻ con chơi khăm cô đó. Ý tôi là tờ thông báo ấy mà.
Nếu anh ta định nói lảng sang chuyện khác, mẹo ấy không đi đến đâu.
- Anh Traft, Karl là bạn tôi.
Traft gật đầu:
- Tôi biết. Về điểm ấy, anh ấy quả thật may mắn.
Anh ta lấy mũ trên yên cương, đội thật ngay ngắn trên đầu:
- Về chuyện vũ hội, tôi không nói đùa đâu. Nó được tổ chức vì sự nghiệp lớn đấy. Nếu cô đi, tôi hy vọng cô sẽ cho phép tôi khiêu vũ với cô một bài.
Nói đến đây, Traft mỉm cười, nụ cười ấm áp, chân thật đến nỗi tôi phải nghĩ rằng vừa nãy tôi chỉ cáu bẳn vô cớ. Tôi cũng mỉm cười đáp lễ:
- Mấy ngón chân anh sẽ phải hối tiếc đấy. Để được gọi là biết nhảy, tôi còn phải học nhiều.
- Nhưng tôi là thầy giáo giỏi.
- Thôi, tôi làm tiếp đây.
Muốn giấu hai má đỏ bừng, tôi quay nhanh sang hàng rào.
- Gặp lại anh ở vũ hội nhé.
Chỉ bằng một động tác thành thạo, Traft đã ngay ngắn trên lưng con Rắc Rối. Cả hai quay đầu đi thẳng.
Tim tôi đập thình thịch theo nhịp phi nước kiệu của con tuấn mã. Choáng váng, tôi sờ soạng sau lưng tìm chỗ dựa. Thấy hòn đá bằng phẳng làm thuyền, tôi ngồi bệt ngay xuống. Đứng bên người ấy như chơi trò thăng bằng trên dây trong rạp xiếc. Tôi hít thở sâu vài lần để nhịp tim chậm lại. Tất nhiên, anh ta nói không sai về tờ truyền đơn. Đúng là trò chơi khăm của con nít. Và thực tế, tôi phải biết ơn anh ta vì đã kể chuyện Karl. Giờ tôi có thể gặp Karl nói chuyện, nhắc anh ăn nói cẩn thận hơn khi lên thị trấn. Biết đâu, Traft và tôi giống nhau nhiều hơn tôi tưởng. Những việc gì Traft cho là quan trọng, anh ta cũng làm tới cùng, chẳng hạn như trang trại nhà anh và chuyện quốc gia đại sự. Còn tôi, dù mợ Ivy đã nhiều lần cố trị cho tiệt nọc cũng vẫn khăng khăng giữ cái nết khó bảo.
Tôi mơ mình đang trong vũ hội, cố hết sức để không dẫm lên chân Traft. Đảm bảo chỉ sau đúng một bài, anh ta sẽ phải tìm bạn nhảy khác. Nếu thấy tôi trong tay anh chàng quyến rũ này cùng theo điệu nhạc du dương, Mildred Power sẽ ra sao? Chị ấy sẽ đứng ngồi không yên chăng? Nhớ buổi vũ hội sau lễ tốt nghiệp phổ thông cơ sở ngày ấy, Mildred Power bảo tôi: “Hattie này, em mặc giản dị đến vũ hội thế này lại hóa khôn đấy”. Mấy người đứng vây quanh chị ta cười ồ lên đồng tình. Tôi đã về ngay lúc đó nếu không có Charlie, người bạn thân thiết bấy lâu, bước lên mời tôi một điệu van. Tôi chắc chắn hai bàn chân anh chỉ muốn rút lại lời mời, nhưng Charlie không hé răng về sự vụng về của tôi. Anh chỉ bảo:
- Em mặc áo xanh trông xinh lắm.
Nhớ đến Charlie tốt bụng, tôi thở dài. Quay sang nhìn dãy cọc chưa có dây kẽm, tôi thở dài lần nữa.
Tôi cầm búa làm tiếp cho đến khi không thể giơ búa lên được nữa mới thôi. Sau đó, tôi mải mốt ăn trưa bằng thức ăn mang theo trong giỏ, nhấp từng ngụm nước giếng trong lành đựng trong hũ bằng thủy tinh. Chỉ cần tưởng tượng thêm một chút, tôi đã đắm mình trong giấc mơ được uống soda dâu tây mua từ tiệm Chapman’s Drug ở Arlington, hay nước thổ phục linh mát lạnh có bán ở tiệm cậu Holt. Chỉ cần tưởng tượng, ta cũng có thể biến bữa trưa với bánh kếp nguội ngắt, một quả táo dập, và một nắm trái cây khô thành bữa ăn đậm đà hương vị. Tôi phủi sạch tay trước khi giở gói thư. Tôi để dành báo làm món tráng miệng sau khi ăn tối và làm xong việc nhà.
Thư của Charlie thật ngắn ngủi. Cuối cùng, anh cũng báo có nhận được thư tôi. Anh còn kể đang làm ca hai mươi bốn tiếng một ngày ở sân bay. Cuối thư, anh viết:

            Quanh đây, người người thay nhau ngã gục, nhưng vì bệnh tật thì nhiều, vì giao tranh thì ít. Trước nay, đơn vị anh phòng bệnh rất hiệu quả, nhưng đến giờ phải thua bệnh cúm Tây Ban Nha đang hoành hành. Dịch bệnh lợi hại không kém gì giặc Đức. Hôm qua, nhóm anh gặp một đoàn thương binh bị mù vì khí độc ipêrít. Người này đặt tay lên vai người kia, họ vừa đi vừa vấp ngã như đàn voi bị xiềng chân vậy...

            Đoạn kế tiếp bị dao kéo của đội kiểm duyệt cắt bỏ. Tôi đọc tiếp:

            ... Anh gặp ba người quê Montana, cụ thể là ở Great Falls. Nghe nói sẽ được tham gia trận bóng chày sẽ tổ chức nay mai, họ háo hức lắm. Anh định đăng kí chơi để cho họ biết tài nghệ dân Iowa mình!

Bạn thân (đang rất cô đơn)
Charlie

Tôi thoáng rùng mình khi gấp lá thư trong tay. Tiết trời mùa xuân như vừa lạnh đi đến vài độ. Lúc nhập ngũ, Charlie hăng hái biết bao. Anh sắp cứu cả nhân loại kia mà! Còn tôi, khi nhận được thư cậu Chester cũng hăng hái không kém vì sắp bỏ được mợ Ivy mà đi. Theo tôi, Charlie và tôi đều có cùng tâm trạng. Cả hai cùng đều quyết tâm làm thứ mình cho là anh hùng, cao đẹp. Hùng dũng và cao đẹp chắc là có, nhưng trước hết ta phải đào bới, khua khoắng, cào cấu trong bùn lầy, trong đau khổ, trong sầu não mới tìm được. Hoặc cứ cho là mình sẽ tìm được.
Vừa với tay lấy thư cậu Holt, tôi vừa lắc đầu cố xua đi suy nghĩ ấy. Thư khá dầy dặn. Cậu Holt có bao giờ viết thư dài đâu. Chắc cậu gửi kèm một bài báo hay. Mấy thư trước, cậu cũng làm thế.
Tôi xé phong bì. Một mẩu giấy nhỏ rơi xuống đất. “Thù lao cho tin bài của cô Hattie Inez Brooks: 15 đô la”. Ngân phiếu ư? Tôi cố nhìn cho kỹ. Tờ séc gửi từ tòa soạn báo Arlington News. Tôi vội đọc thư cậu mong có lời giải thích:

Hattie yêu quí!

Đọc thư cháu thấy thú vị, dí dỏm quá, cậu bèn đưa ông George Miltenberger, tổng biên tập tờ thời báo Arlington cùng đọc. Ông cũng đồng ý với cậu rằng, những bài viết về cuộc sống trang trại hay và sống động như thế sẽ khiến nhiều độc giả quan tâm. Trong thư của tổng biên tập (cậu có gửi kèm), bày tỏ hy vọng cháu sẽ viết thêm nhiều bài như thế cho báo. Mong cháu đáp ứng được nguyện vọng ấy của tòa soạn.

Thương cháu nhiều
Cậu Holt
          
Tôi mở nhanh lá thư của ông Miltenberger. Ông đề nghị nếu tôi tiếp tục viết bài đăng báo, cho tới lúc chứng minh được quyền sở hữu đất vào tháng Mười một, tòa soạn sẽ trả tôi 15 đô la mỗi tháng.
- Plug ơi, hay quá!
Tôi làm con ngựa giật mình. Lương ăn đã rơi từ bầu trời Montana xuống tay tôi, ít nhất là dưới hình thức bài viết về cuộc sống dưới vòm trời ấy.
- Tiền mặt hẳn hoi nhé!
Tôi bấm đầu ngón tay tính tháng:
- Tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, mười một... Plug ơi, đúng tám tháng. Tám nhân mười lăm là... (tôi tính thật nhanh) một trăm hai mươi đô la! (Tôi vươn tay về phía bầu trời xanh bao la vô tận). Tạ ơn Thượng Đế, đúng là không ai đoán trước được cách hành xử bí ẩn của Người.
Tôi cẩn thận cất thư và tờ séc vào giỏ thức ăn. Suốt chiều hôm ấy, với từng nhát búa đóng đinh, tôi lại thêm câu chữ cho câu chuyện hàng tháng sắp gửi cho ông Miltenberger. Mười lăm đô la một tháng! Cho tới hẹn tháng Mười một! Tôi sẽ để dành 37,75 đô la để trả phí hoàn tất hồ sơ. Còn các chi phí khác, tôi sẽ chi trả bằng tiền tiết kiệm. Còn bây giờ, có lẽ tôi nên mua đôi ủng mới, thật vừa chân, không giống ủng cũ của cậu Holt. Và đặt mua báo Woft Point Herald dài hạn nữa. Cả báo lẫn ủng chỉ tốn 7 đô la. Niềm vui quá lớn khiến tôi không sao kiềm chế nổi:
- Plug này, bọn mình chắc sẽ thành công thôi.
Từ lúc ấy đến khi kết thúc đoạn hàng rào phải hoàn tất trong ngày, cây búa trong tay tôi nhẹ tựa lông hồng.
Khi đóng cây đinh cuối cùng, tôi dọn dẹp dụng cụ, cảm giác đang được trôi bồng bềnh trên thảm hoa đồng nội:
- Plug này, lúc này các triệu phú đang làm gì nhỉ?
Cảnh chị Perilee, tay chỉ chiếc xích đu giá ba đô la trong catalog, miệng hỏi: “Cái này dùng cho em bé có tiện không nhỉ?” vụt hiện trước mắt tôi. Anh chị đang tiết kiệm tiền mua máy kéo mới, thế nên thể nào chị cũng gạt bỏ nhu cầu riêng.
Tối ấy, khi tôi vắt sữa cho Violet, nó cáu kỉnh chưa từng thấy. Như thể nó biết bàn tay ích kỷ nào đó đang lấy sữa của nó. Cáu tiết, tôi phát mạnh sườn Violet. Đúng là quỷ chứ chẳng phải bò. Nó tưởng mình là thiên sứ mang thông điệp từ thiên đàng đến cho tôi chắc?
- Thôi được. Tao đành dùng ủng cũ vậy. Tiền mua ủng, tao dành mua xích đu cho chị Perilee.
Violet giương cặp mắt nâu tròn nhìn tôi... rồi giẫm mạnh vào bàn chân phải của tôi. Thượng đế ôi! Sao Người phạt con nặng quá thể!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét