Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)
Tác giả: Kirby Larson
Người dịch: Vũ Kim Dung
NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008
Chương 18
Tháng
Bảy, năm 1918
THỜI BÁO ARLINGTON
Mục Chuyện Nhà Nông
Ngày Quốc Khánh
Xin đừng
cho rằng nông dân không có ban nhạc lộng lẫy, không có công viên, thành phố nên
không hăng hái đón Lễ Quốc Khánh được như ở thành phố. Thực tế, bà con nông dân
quanh vùng sẽ tụ về hai bờ suối Woft Creek để cắm trại, chơi bóng chày, đồng thời
phàn nàn với nhau về thời tiết khô đến héo người này. Dù đang chơi đùa vô tư
nhưng đến giữa trưa, ai nấy đều dành giây lát để tôn vinh quân nhân. Mỗi người,
đặc biệt là người viết bài này, đều cầu nguyện rằng, chiến thắng Cantigny của
quân đồng minh mới đây sẽ mau đưa chiến tranh đến hồi kết.
- Có kem vanilla này. Và có thi bóng chày nữa.
Chase nói không ngớt suốt năm phút đồng hồ
có lẻ về buổi cắm trại vào ngày Bốn tháng Bảy tới.
- Mới nghe đã thấy hay rồi.
Tôi bơm nước giếng dổ đầy thêm ấm nước, sau
đó kéo lê tới mảnh vườn đang cố chống chọi với cái nóng. Cảm ơn trời cho tôi giếng
nước sâu. Giếng này tự tay cậu Chester đào. Sáng ấy, sau khi xách không biết
bao nhiêu ấm nước tưới đậu, hai cánh tay tôi chỉ chực rơi khỏi khớp xương.
Chase đổ đầy ấm nhỏ hơn, cẩn thận tưới nước
vừa đủ cho bụi hướng dương:
- Năm ngoái mẹ em cũng trồng hướng dương
trong hộp đựng cà phê rỗng. Mẹ em bảo năm nay, thay vì chăm sóc hoa, mẹ sẽ chăm
sóc em bé.
Hai chị em cùng cười vui.
Dè xẻn nước tưới cho hành, củ cải đường,
dưa ăn trái và cà rốt, tôi nhớ những lúc lãng phí nước vô tội vạ. Bây giờ không
thể như thế được! Mỗi giọt nước đều được tận dụng tối đa. Ngay cả nước tắm mỗi
ngày tối thứ Bảy cũng thành đa tác dụng: Trước hết, nước dùng để tắm. Nước sau
tắm sẽ dùng lau sàn nhà. Cuối cùng, tôi dùng nước đã qua hai lần sử dụng dội rửa
vườn hoa nhỏ xíu sát cửa ra vào.
Tôi đứng thẳng, cố vươn dài cái lưng đau
như bị ai đánh:
- Ôi!
Chase nhúng tay ướt rồi vẩy lên khuôn mặt đỏ
bừng:
- Dượng Karl nói đã ba mươi hai ngày liền
không có mưa. Còn ông Nefzger lại bảo ba mốt. Theo em dượng Kark nói đúng.
Tôi xoa đầu Chase:
- Nếu cá cược, chị sẽ đặt tiền bên cửa dượng
Karl.
Có Chase đỡ một tay, việc vặt trong nhà vơi
đi nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc Chase về sớm. Đi được một đoạn, Chase
ngoái đầu dặn với:
- Ngày mai chúng em sẽ sang đón chị.
Tôi hối hả vào trong, và chỉ loáng cái, bốn
cái bánh hạnh nhân anh đào đã ở sẵn trên bàn gọi là chờ nguội (nếu nó có thể
nguội được trong cái nóng tai hại này). Tuần trước, tôi đã lôi tấm nệm ra ngoài
cửa lều. Dù cửa lều luôn rộng mở nhưng ban đêm, trong lều không có lấy chút gió
gọi là. Đêm nay, tôi ra ngoài lều ngủ.
Đêm đầu tiên ngủ bên ngoài, tôi lắng nghe
âm thanh từ thiên nhiên thì nhiều, ngủ thì ít. Nằm dài trên đất đồng cỏ lắng
nghe âm thanh của nó văng vẳng bên tai thật thú vị biết bao. Bọn gà vừa thôi lục
tục, lũ chim ăn đêm đã ríu rít gọi nhau. Sau đó, tiếng lá cỏ lao xao suốt đêm
dài. Giá mà gió tạo nên tiếng lao xao đó. Nhưng bầu không khí vẫn ngột ngạt, đặc
quánh như si rô ngô. Không, chính đồng cỏ sinh ra tiếng động ấy với sự tiếp tay
của chuột đồng, chó hoang và có trời biết thêm thứ gì nữa. Cách đây không lâu,
chị Perilee còn thấy cả chồn hôi. Tuy nhiên, không sợ con sói từng tấn công
Violet sẽ xuất hiện lần nữa. Từ cái ngày đông giá ấy đến nay, không ai thấy
bóng dáng nó đâu cả. Không còn nghi ngờ gì nữa, thợ săn đã kết liễu đời nó,
cũng như họ đã từng tiêu diệt gần hết chó sói trong vùng.
Sau một ngày thiếu ngủ, nóng nực và còng
lưng nhổ cỏ từ sáng tới tối, tôi lôi thảm ra ngoài ngủ đêm thứ hai. Giấc ngủ vồ
lấy tôi nhanh như con diều hâu vồ chuột đồng tôi nhìn thấy lúc ban ngày. Dù nệm
không được êm ái vì trải trên nền đất lổn nhổn, nhưng cũng còn hơn ngủ trong
nhà nóng như lò thiêu.
Sáng ngày Quốc Khánh, “Ngài” Whiskers đánh
thức tôi bằng cách liếm cái lưỡi nhám xì vào chân tôi nghe nhồn nhột. Tôi âu yếm
vỗ về nó rồi vươn vai cho tỉnh ngủ.
- Ối!
Sau mỗi đêm ngủ ngoài trời, đến sáng tôi
không đau lưng cũng đau cổ. Tôi lom khom cái lưng cứng đờ, cố cúi xuống gấp thảm,
mang vào trong và tự lên chương trình cho Lễ Quốc Khánh bên suối Woft Creek.
Ngoài bánh, chăn sạch và cái quạt giấy còn từ buổi diễu hành, tôi còn một thứ
thể nào cũng khiến bà con phải ngạc nhiên.
Sửa soạn xong, tôi viết vài dòng nối dài
thêm thư gửi Charlie:
“Lúc
đầu cô Leafie và em lo cho Lottie nhiều bởi khi mới sinh, cháu quá nhỏ. Nhưng
bây giờ, con bé chắc nịch như hộp mỡ lợn vậy. Lúc trước em hơi lo, không biết mấy
anh chị của bé có chành chọe gì với nó chăng, nhưng thật mừng vì chúng đều yêu
thương em út nhất mực. Mattie nhiệt tình chăm sóc em đến nỗi Lottie gần ngạt thở.
Con bé còn bảo em thích chăn ghép nên nó phải may chăn cho em, một tấm chăn chị
gái tự làm lấy. Thế nên em đang giúp Mattie đây. Đường kim mũi chỉ không đều
nhưng chan chứa tình yêu thương, anh ạ”.
Tiếng chuông ngựa kêu leng keng vẳng tới buộc
tôi phải tạm cất thư đi, vơ lấy mũ và nhìn quanh nhà lần cuối. Nếu giờ còn chưa
nhớ ra mình quên thứ gì thì đành cho quên luôn vậy. Tôi xách giỏ bánh kẹo, bước
ra ngoài gặp gia đình Mueller. Chị Perilee bảo:
- Sửa soạn gì mà lâu thế?
Tôi mỉm cười vì thấy hai má chị đã hồng trở
lại. Sau khi sanh Lottie, sức khỏe chị phục hồi rất chậm. Vừa leo lên thùng xe,
tôi đã lấy quạt ra phẩy mạnh:
- Chắc em thành con ngỗng quay mất. Liệu
mình có hưởng được gió mát nữa không đây?
- Ngoài suối đỡ hơn đấy. Dễ chịu, mát mẻ lắm.
Suốt dọc đường. mọi người đi trong im lặng.
Trời nóng đến độ chẳng ai còn quan tâm đến trò chuyện.
- Chào cả nhà!
Đến nơi bờ suối, Jim Gà Trống giúp một tay
đỡ bọn trẻ từ xe xuống. Mattie chạy thẳng đến chỗ cô Leafie khoe mũ mới của
Mullie. Chase giúp anh Karl buộc ngựa rồi theo Elmer “con” cùng mấy cậu bé thuộc
giáo xứ Luti ra suối câu cá.
Cô Leafie vẫy chúng tôi:
- Giữ chỗ cho mọi người dưới bóng râm rồi
đây.
Chúng tôi trải khăn, dọn chỗ cho hộp đựng
táo làm giường của Lottie. Tôi pha trà đường rồi cùng cả nhà tiếp chuyện mấy bà
cô cùng giáo xứ. Tôi hỏi:
- Mọi người đông đủ cả chưa ạ?
Cô Leafie lăn ly nước mát ngang trán:
- Đến trưa, nhà Nefzger đóng cửa tiệm rồi mới
ra. Họ chưa bao giờ lỡ trận bóng chày nào, nhất là thằng Bob.
Tôi đưa ly trà mát lạnh lên môi, thầm cười
nụ. Cứ chờ xem: Arlington, Iowa sắp trình làng tuyệt chiêu đây. Cô Leafie bấm đốt
ngón tay tính tiếp:
- Grace và Wayne thể nào cũng đến. Còn nhà
Martin hiếm khi thấy mặt.
Thế tiện cho tôi biết chừng nào. Đúng như
cô Leafie dự đoán, đầu giờ chiều, gia đình Nefzger có mặt đông đủ. Xe vừa trờ tới,
Bub đã hô lớn:
- Sẵn sàng đấu chưa?
Dù có vài tiếng cằn nhằn kêu nắng, chỉ một
lát sau mọi người đã tụ tập ở khoảng đồng trống, tự chia làm hai đội. Lâu lắm rồi
tôi mới đến xem bóng chày. Vùng này chưa ai biết tôi biết chơi bóng chày. Thạo
là đằng khác, nhờ ông thầy kiên nhẫn Charlie.
Tôi lục giỏ lấy một thứ khiến mọi người ngỡ
ngàng:
- Có ai biết chơi không ạ?
Vừa nói tôi vừa xỏ găng vào tay phải. Gust
Trishalt phẩy tay về phía tôi:
- Cái gì thế nhỉ?
Lúc nãy anh ta cằn nhằn chuyện giáo dân xứ
đạo Luti cũng tham gia chơi bóng. Khi Wayne bảo tên Trishalt nghe giống tên Đức,
Gust lắc đầu:
- Thụy Sĩ, Thụy Sĩ chứ.
Đoán là anh ta căng thẳng vì trận đấu thì
nhiều, vì nhóm tín đồ dòng Luti thì ít, tôi bảo:
- Một cầu thủ quyết tâm đây.
Nghe vậy, Gust huýt sáo, xỉa ngón tay cái về
phía Paul Schillinger:
- Biết thế nên cô chơi cho cẩn thận. Cô ở đội
bên kia.
Tôi gật đầu, sang với đội Paul. Đội tôi
giao bóng trước. Giành bóng không phải sở trường của tôi, nhưng tôi biết hậu
thuẫn tốt cho Paul trong cú đánh ghi điểm. Henry Henshaw đánh bóng trúng Paul với
một lực khá mạnh. Sau đó Chase chạy lên phát bóng bằng vợt. Tôi hét lên:
- Chặn bóng đi!
Dưới cái nóng kinh người, tôi vẫn tin chắc
mình chặn bóng tốt và đưa bóng về đích. Nhưng con trai vẫn chỉ là con trai,
không hơn. Sau hai cú vụt bóng ra ngoài, Chase vụt bóng bâng quơ ba lần liên tiếp.
Cha Tweed bảo :
- Cậu này ra sân!
Chase chán nản buông gậy:
- Em suýt đánh trúng còn gì.
Cha Tweed vỗ vai nó:
- Chúc may mắn lần sau. Giờ vào sân với đội
của cháu đi.
Chase tìm chỗ trong phần sân bên trái. Đội
tôi cử hết thanh niên trai tráng vào sân, đoán rằng họ có đủ sức chạy theo bóng
từ mọi hướng. Paul nhặt bóng, bước tới ụ đất dành cho người phát bóng. Người đối
mặt với anh là Wayne Robbins. Paul huênh hoang:
- Thử xem cậu có đón được trái này không?
Mắt Wayne rất tinh. Anh đón bóng thật khéo.
Năm người vụt bóng kế tiếp đều thành công. Từ góc gôn thứ ba, tôi gọi to:
- Anh Paul, lại đây!
Paul không hiểu nhưng vẫn đến gần xem tôi định
nói gì. Tôi ước có cái máy ảnh ghi lại cái mặt nhăn như bị của Paul lúc tôi đề
nghị đổi vị trí cho anh.
- Nhưng trước giờ tôi vẫn ném bóng mà.
Tôi chỉ vào góc gôn:
- Giỏi cỡ đó ư?
Anh lắc đầu nhưng vẫn đưa bóng cho tôi. Mừng
rỡ, tôi chạy vội đến ụ phát bóng. Gust kêu to:
- Chờ một phút đã.
Cô Leafie hò la:
- Hattie, hạ chúng đi.
Cha Tweed vuốt mặt:
- Ném.
Charlie hẳn sẽ vui nếu thấy tận mắt tôi chuẩn
bị ném bóng trong trận kịch tính như thế này. Tổng cộng là sáu lần tất cả. Wane
bước lên chuẩn bị vụt bóng:
- Cho tôi xem tài cán của cô đến đâu nào.
Con gái không mấy khi khoác lác, nhưng
huênh hoang là phần khá thú vị của bóng chày. Thế nên, tôi cao giọng:
- Bóng bay nhanh lắm đấy, chắc gì anh đã
nhìn thấy.
Wayne cũng ra vẻ ta đây:
- Thì cũng nhanh như con gái ném bóng là
cùng chứ gì.
Được lắm! Vậy hãy chuẩn bị đón đường bóng
ngoằn ngoèo như rắn lượn nhé.
Tôi vung tay ném. Quả bóng xoáy vào vị trí
phát bóng. Wayne đập xuống một cú thật xuất sắc. Bóng bay qua đầu tôi, vút vào
giữa sân. Trận đấu kết thúc còn tôi thua đậm. Tôi trả bóng cho đội trưởng:
- Tôi rất tiếc.
Anh nháy mắt:
- Vui là chính. Lần sau, tôi cá cô sẽ qua mặt
được hắn.
- Vâng, để lần sau.
Ông Schillinger nói lớn:
- Kem sẵn sàng rồi đây.
Tôi háo hức nhưng ỉu xìu khi thấy lớp kem mỏng
phết trên mẩu bánh nhân đào tôi mang đến. Lát sau, chị Perilee và tôi xuống suối,
tháo bỏ giầy tất lội nước cho mát. Sau khi hái đầy hai giỏ mận từ cây ngoài suối,
hai chị em tôi quay quần với mọi người, tiếp tục trò chuyện rôm rả. Ông
Schillinger là người đầu tiên sửa soạn ra về:
- Tôi còn bận việc nhà.
Ông phân trần. Chị Perilee bảo:
- Nhà mình cũng nên về thôi.
Tôi giúp chị dọn dẹp đồ đạc, dắt bọn trẻ mệt
mỏi, quần áo lấm lem ra xe. Lúc mẹ bế Mattie lên sau xe, nó kêu ré lên:
- Con muốn ngồi với chị Hattie cơ.
- Được ngay thôi, cưng.
Tôi đỡ cô bé từ tay mẹ. Chỉ sau vài phút ngồi
cùng tôi, Mattie đã thở đều. Xem chừng bé đã ngủ rất say. Thân hình nhỏ bé của
nó như chai nước nóng vắt ngang đùi tôi. Vạt váy trước của tôi ướt đẫm mồ hôi.
Khi đến gần lối mòn với nhà tôi, tôi chuyển
Mattie sang đùi mẹ nó, rồi gọi anh Karl:
- Cho em xuống đây. Đi bộ cho mát, anh ạ.
Tôi hôn trán Mattie, với tay lấy giỏ phía
sau xe rồi đi bộ nốt quãng đường còn lại. Lúc căn lều lọt vào tầm mắt cũng là
lúc váy tôi sắp khô. Tôi ngồi ngay ngưỡng cửa, hít hà mùi mận dại bay ra từ giỏ
đồ ăn nằm gọn trong lòng. Trước tiên, tôi ôn lại những kỷ niệm vui trong ngày,
sau đó tìm cách kết thúc bài viết cho chuyên mục Chuyện Nhà Nông tuần này.
Tiếng nhạc ngựa đến gần làm tôi tỉnh gấic mộng.
Cao bồi thường đuổi bò lạc từ trại nuôi gia súc Tipped M qua lối nhà tôi. Hôm
nay, có ba người cưỡi ngựa đang định phóng về phía Đông, phía nhà Martin. Chợt
một người tách ra khỏi nhóm. Anh ta quay đầu ngựa, một con ngựa to lạ thường,
phóng về phía tôi.
- Chào Hattie, đi chơi có vui không cô?
Từ chỗ ngồi tôi cũng còn ngửi thấy mùi
whisky.
- Vui chứ, anh Martin.
Tôi đứng lên định vào nhà. Hôm nay không ngủ
bên ngoài được nữa rồi. Traft hất đầu dây cương đuổi con muỗi đang vo ve:
- Nóng quá nhỉ? Còn nóng hơn cả năm ngoái.
- Vâng, nóng thật.
Chắc chắn anh ta đến không chỉ để bàn chuyện
thời tiết. Traft nhấp nhổm trên yên ngựa:
- Nóng quá đi chứ. À mà năm ngoái còn có cả
dịch châu chấu nữa cơ. Một phút trước, trời còn trong xanh như nước suối Woft
Creek. (Traft ngưng nói, nghển cổ nhìn trời). Vậy mà ngay sao đó trời đã tối
đen như mực, dày đặc châu chấu.
Tôi rùng mình. Traft lắc đầu, tỏ vẻ thông cảm
quá mức cần thiết:
- Lúa nhà Gorley biến mất trong vài phút.
Nhà Robbins cũng thế. Kế đến là lanh. Bán hết nông sản cũng không đủ tiền mua hạt
giống (Anh ta cười gằn). Tất nhiên, bọn châu chấu không chỉ ăn cây cối. Hôm đó,
tôi quên áo khoác bằng vải tốt ngoài hàng rào. Cứ tưởng châu chấu không nhai thủng
áo, ai dè...
- Anh Martin, cớ sao anh mang chuyện ấy kể
với tôi?
Tất nhiên, anh ta phải có mục đích. Cảm
giác lành lạnh bò dọc xương sống lưng tôi cho biết đó không phải ý đồ tốt đẹp
gì. Traft xuống ngựa:
- Định gây ấn tượng với cô thôi mà.
Những âm thanh của đồng cỏ về đêm văng vẳng
trong không trung. Tôi căng tai cố nghe xem trong đó có tiếng châu chấu búng cẳng
đập cánh chăng.
- Vâng, quả ấn tượng thật.
Anh ta tiến về phía tôi, giọng dịu lại:
- Cuộc sống ở đây vất vả lắm.
Tôi bật cười:
- Đừng dọa tôi nữa mà.
- Hattie này. (Anh ta ngập ngừng). Tôi lấy
làm tiếc vì quan hệ chúng ta cũng lủng củng ngay từ đầu.
Cảm giác nhẹ nhàng vụt tắt ngấm:
- Lủng củng ư? Đốt nhà kho người ta là do
quan hệ lủng củng ư? Lại còn cầm đầu đám lâu la trấn áp ông Ebgard nữa chứ.
Trong cơn giận dữ, tôi vỗ mạnh tay vào đường
may hai bên váy. Traft bước dấn lên, thộp mạnh cánh tay tôi. Mận trong giỏ rơi
tung tóe:
- Tôi muốn cô nghe tôi nói đây. Tôi muốn
nói cho cho xong chuyện này. Và chỉ nói một lần thôi đấy.
Cho đến giờ, tôi đã quen với thói hay bắt nạt
của Traft. Hai chân tôi không hề run rẩy. Tôi trừng mắt nhìn bàn tay anh ta khiến
Traft buộc phải buông tay tôi ra.
- Tôi không phóng hỏa nhà Karl. Khi tôi biết
tin này thì đã quá muộn nên không thể khiến họ dừng tay. Mà này, chớ có hỏi tôi
thủ phạm là ai. (Traft giơ cánh tay lên trời như đầu hàng). Nhưng tôi đã kịp
kéo cỏ khô đang cháy ra xa nhà kho của cô trước khi kho cháy rụi như bên nhà
Karl.
- Cái gì?
Anh ta định cứu kho tôi, không phải châm lửa
đốt nó?
- Còn chuyện ông Ebgard. Phải thú thật là
tôi quá tay. (Traft lắc đầu, lẩm bẩm chửi thề). Nhưng luật qui định ta phải
đóng góp cho đất nước, cho chiến tranh. Với người như ông Ebgard, lẩn tránh
trách nhiệm, không làm tròn bổn phận...
Tôi vặc lại:
- Anh to gan thật đấy. Lẩn tránh bổn phận
ư? Anh giữ mình không xây xước mảy may trong lúc những người như Elmer và... và...
(Tôi chưa từng kể về Charlie với người này) vô số người khác đang chiến đấu
trên sa trường.
Traft giật nảy người như thể tôi vừa quất mạnh
roi vào anh ta:
- Cô nói đúng. Ai cũng nghĩ về tôi thế mà.
Họ bảo tôi lẩn tránh trách nhiệm chính. (Traft xoa trán). Sự thật thì trái lại,
tôi đâu cần chờ bắt quân dịch. Tôi xung phong ngay từ những ngày đầu.
- Thế sao giờ anh còn ở đây?
- Đó cũng là thắc mắc khiến tôi moi óc tìm
câu trả lời có dễ đến hàng chục lần (Traft cúi xuống nhặt quả mận dại rơi từ giỏ
tôi khi nãy). Mãi sau này, tôi mới phát hiện ra. Mẹ tôi nhỏ to với ngài Thống đốc
để ông ấy chỉ định tôi vào Hội đồng Tự vệ. Ban quân dịch bảo làm ở đó sẽ được
miễn nghĩa vụ quân sự.
Traft mân mê trái mận trước khi vung tay
ném nó vào bầu trời đen kịt. Cảm xúc biểu lộ trên mặt Traft bây giờ quá quen
thuộc với tôi. Khi sống với mợ Ivy, tôi đã thấy nó trên chính mặt mình không biết
bao nhiêu lần. Nó như một miếng vải cuối cùng gắn vào tấm chăn ghép quái dị.
Anh ta đang giận dữ. Tất nhiên, Traft giận bà mẹ. Nhưng rõ ràng anh ta còn giận
chính mình vì đã để người khác chi phối cuộc đời mình. Một ý nghĩ hiện rõ trong
tôi, một ý nghĩ đầy cảm thông. Trước khi đến Montana này, tôi cũng không được tự
làm chủ đời mình. Giờ tôi muốn giận cũng không được. Trong khoảnh khắc đó, tôi
tha thứ cho mọi hành động xấu xa mà từ trước đến nay anh ta đã làm và cả những
cay đắng xui khiến anh ta nhúng tay vào. Người ta thường nói: “Đã thương thì
thương cho trót”.
- Tôi rất lấy làm tiếc vì anh phải chịu nhiều
rắc rối đến vậy.
Nói đến đây, tôi những tưởng vì nghĩa cử
cao đẹp đó, sao trên trời sẽ sà xuống đậu trên cái vương miện tưởng tượng của
tôi. Traft quay ngoắt lại:
- Đấy nhé, giờ thì cô đã hiểu tại sao tôi cần
đất của cô.
Cái vương miện lệch hẳn, chực rơi xuống đất:
- Gì cơ? Không! Ý tôi là rất thông cảm khi
biết anh gặp phải nhiều chuyện không như ý. Nhưng như thế không có nghĩa...
Traft nhìn xoáy vào mắt tôi:
- Có phải tại anh chàng cô vẫn gửi thư đó
không? Cô nhọc công giữ đất này vì anh ta chứ gì?
Chủ đề cuộc nói chuyện này cứ đi vòng vo,
zic zắc hệt như đường viền chữ chi trên áo đầm của Mattie:
- Anh Traft, tôi rất biết ơn anh đã cứu kho
hộ tôi. Cảm ơn anh định cứu cả kho anh Karl nữa. Nhưng chuyện hôm nay, ta nên dừng
ở đây thôi.
Trời đã tối hẳn. Tôi không nhìn rõ nét mặt
Traft. Nhưng cơn giận dữ bị kiềm chế nãy giờ đang ùa theo giọng nói cả ra ngoài:
- Cô nhất định không bán?
Không hiểu vì đâu, ngay trong thời khắc đó,
tiếng mợ Ivy vẳng đến tai tôi: “Trước khi
nhận lời, con nhà gia giáo phải từ chối ít nhất hai lần”. Mợ từng dặn tôi
như thế. Tất nhiên, mợ nói đến chuyện cầu hôn. Nhưng trong chuyện này, tôi nhất
quyết làm theo lời mợ. Tôi từ chối đề nghị mua đất lần thứ hai:
- Không, anh Traft. Chúc anh ngủ ngon.
Tôi đứng dậy, dẫm lên mấy bậc tam cấp gỗ
kêu kẽo kẹt với lòng tự hào khôn tả. Khi đến ngưỡng cửa, tôi quay lại nhưng
Traft đã trèo lên con Rắc Rối, quay đầu con ngựa to lớn ra ngoài. Tiếng vó ngựa
nện xuống sân nhà tôi nghe như tiếng sấm rền.
Đêm đó, không chỉ có loạt sấm ấy. Bầu trên đêm đã chịu mở lòng cho mưa.
Cơn mưa huy hoàng tười tắm cho cánh đồng cỏ nứt nẻ, bụi mù.
Lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái
nhà, tôi ngồi bên bàn viết nốt đoạn kết cho bài viết đăng trên chuyên mục Chuyện
Nhà Nông:
“Tổng thống Abraham Lincoln là thần tượng của
cậu tôi. Chắc chắn ông là biểu tượng cao nhất của tính tự lập. Tôi thích nhất một
giai thoại về Lincoln, trong đó có nói sau khi đắc cử, ông đã chỉ định cho vài
đối thủ đáng gờm nhất của mình vào nội các. Noi gương ông, hãy trân trọng mốt
khía cạnh của tự do: “Hãy bao dung với kẻ thù như bao dung với chính ta vậy”.
*
* *
Ngày
15 tháng Sáu năm 1918
Một
nơi trên đất Pháp
Hattie
mến,
Hồi
này anh hay nhớ về em. Nhớ cách em làm anh phải bật cười, nhớ em thường huơ tay
tít mù như cối xay gió trước khi ném bóng chày, nhớ em hay thổi mấy lọn tóc xòa
xuống trán. Em ạ, những kỷ niệm êm đềm như thế là vốn quý của một con người.
Khi đến
đây, anh tưởng mình sẽ thắng trận và nhanh chóng về nhà. Nhưng giờ anh lúc nghĩ
chắc mình chẳng bao giờ thoát khỏi vũng lầy này, mùa đông này và cuộc sống khổ
sở trăm đường nơi đây.
Anh
biết em luôn mong thư anh phải hài hước, dí dỏm nhưng bạn thân nhất của anh vừa
hy sinh sáng nay. Còn anh ở cách đó chưa đầy hai mươi bước. Trong suốt kỳ huấn
luyện, chẳng ai kể cho tụi anh hay mùi của chết chóc kinh khủng đến thế nào.
Lần đầu
tiên, anh không còn quá tin tưởng vào một ngày sẽ được về cố hương. Anh không
còn tin chắc vào bất cứ thứ gì nữa. Trước anh hay khoác lác rằng sẽ có ngày anh
lấy mạng vài tên lính Đức. Nhưng chết chóc chẳng phải thứ đáng tự hào, khiến
người ta ưỡn ngực huênh hoang. Thật đấy!
Bạn
em,
Charlie
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét