Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)
Tác giả: Kirby Larson
Người dịch: Vũ Kim Dung
NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008
Chương 17
Ngày
22 tháng Sáu năm 1918
Cách
Vida ba dặm về hướng Tây Bắc
Cậu
Holt kính mến!
Cháu
nhớ mợ Ivy hay bảo: càng trông nước càng lâu sôi. Ở Montana này, càng trông trời
càng không mưa. Anh Wayne Robbins và ông Gorley kể cháu nghe rằng, những trận
mưa năm 1916 giúp củ cải đường to bằng trái bóng rổ, còn cây ngô cao đến cằm
hươu cao cổ. Năm nay, chẳng ai phá nổi kỷ lục ấy. Câu cửa miệng của nông dân
vùng này là: “Sang năm sẽ khá hơn”. Vùng đất “sang năm” này đang khiến cô nông
dân như cháu đây phải nhiều đêm mất ngủ.
Ngày thứ Năm, Jim Gà Trống mang thư, báo đến cho tôi. Khá lâu rồi, hai chúng tôi không chơi cờ. Jim lớn tiếng gọi mấy con gà:
- Này Rose, may cho mày đấy. Cô đây còn nhẹ
tay khi rửa tội đấy nhé.
Anh tủm tỉm cười, tự tán thưởng câu nói đùa
của mình. Tôi bảo:
- Gặp trời mưa ướt cánh, chắc cô ả lại phát
hoảng.
Nghe thế, Jim cười to hơn.
- Này Hattie, ly cà phê có thêm tài ăn nói
dí dỏm của cô sẽ ngon hơn nhiều.
- Nhắc cà phê mới nhớ, tôi đang có một ít
đây. Hay anh thích đồ ăn nguội? (Tôi dừng chân ngay ngưỡng cửa). Tôi có bánh
quy làm bằng bột yến mạch.
- Thôi cà phê đi.
Anh theo tôi vào nhà, mang giúp cà phê ra.
Trong nhà quá nóng, không ngồi được. Uống xong một ngụm lớn, Jim nhấm nháp bánh
quy:
- Cuộc sống ở đây nó vậy đấy. Chà, cô
Hattie, chắc chắn tài nướng bánh của cô có cải thiện.
Tôi nhăn nhó nhìn anh. Jim cứ thích trêu chọc
người ta. Còn hơn cả Charlie lúc trước. Anh với tay lấy thêm bánh:
- Cô có dự định họp ngoài trường học không?
- Họp nào?
- Trong báo kia có nói đấy.
Anh hất hàm về phía nhà. Tôi cất thư trong ấy.
Tôi đứng lên mang báo ra và thấy ngay tin
bài cần tìm. Tôi đọc:
- 28
tháng Sáu tới là ngày Toàn Quốc Tiết Kiệm Vì Tiền Tuyến. Yêu cầu mỗi người dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mua tem tiết kiệm ủng hộ
tiền tuyến. (Tôi hạ tờ báo xuống). Nhưng tôi mua Trái phiếu Tự do rồi.
Jim nhún vai:
- Tiền đổ vào chiến tranh như gió vào nhà
trống. Cô đừng tưởng đối phương quan tâm đến hầu bao của bà con nông dân ở vùng
đất sỏi đá này.
Tôi nhìn xuống tờ báo, đọc to:
- “Không
một nông dân nào có gia cảnh bình thường, được phép đăng kí mua dưới một trăm
đô la”. Người ta không thể trông chờ bà con ta hứa hẹn chi nhiều tiền thế
được. Khối người còn không có đủ ngần ấy mua xăng cho máy kéo nữa.
Jim lắc đầu:
- Với tay Traft điều hành công việc, hầu
bao dân vùng này sẽ chỉ còn toàn nhậy chuyên cắn quần áo.
Vào ngày Tiết Kiệm Vì Tiền Tuyến, trong trường học nóng như lò bánh mì. Cả
tinh thần lẫn ví tiền của bà con đều xẹp lép. Nhưng ở cuối căn phòng, Traft và
mấy tay mặt mày bặm trợn đang “bày binh bố trận” thành hàng ngang. Thấy nhiều
người phàn nàn rằng họ còn nhiều việc phải làm ở nhà, anh ta bảo:
- Tôi chỉ tuân thủ chỉ thị của ban khuyến
cáo. Cam kết đóng góp lần này chưa hẳn là khoản sổ kết đâu.
Tôi ký vào tấm bìa cứng và gạch dưới dòng
chữ “đóng góp tùy theo khả năng thu hoạch” ở góc dưới bên tay trái. Tôi đưa tấm
bìa cho một thành viên trong nhóm của Traft ngồi sau bàn giáo viên. Anh ta lập
tức đưa trả lại:
- Cam kết đóng góp không thể dưới một trăm
đô la.
Tôi lật tấm bìa trên tay:
- Mùa này có bội thu, tôi cũng không đủ tiền
trang trải.
Anh ta chuyển cục thuốc lá nhai trong miệng
từ má bên này sang má bên kia:
- Theo ngài Frank L. Houston, quản đốc
chính của hạt, tiền mua tem của mỗi nông dân là một trăm đô la.
Hai bàn tay tôi run run khi đặt tấm bìa trở
lại bàn:
- Cũng có thể, nhưng tôi chỉ cam kết được
thế này thôi.
Anh ta thúc ép:
- Ai cũng phải hy sinh lợi ích riêng, cô ạ.
Tôi quyết nuốt nước mắt vào trong:
- Cam kết này không đại diện cho tinh thần
hy sinh vì nghĩa lớn. Vả lại, tôi đã cam kết mua Trái phiếu Tự do rồi.
Anh ta chế nhạo:
- Chắc phải dạy cô này một bài học về lòng
ái quốc. Đừng để tụi tôi lôi cô đến trước tòa.
Nhớ đến Elmer Ren, vụ đổ hàng rào không rõ
nguyên nhân và vụ cháy kho nhà anh Karl, tôi đành nhẫn nhịn, không đôi co nữa.
Tôi vớ lấy cây viết, gạch bỏ dòng chữ cũ đi và ghi: 100 đôla.
Anh ta làm động tác như ngả mũ cung kính:
- Trời, cô thật hào phóng quá, thưa cô.
Giọng anh ta trơn tuột như mỡ lợn tráng
trên chảo rán. Tôi vén váy, vội vã chạy qua đám du côn bạn Traft ra ngoài. Ruột
gan tôi ậm ạch, cảm giác tức anh ách. Bầu không khí trở nên ngột ngạt.
Cô Leafie đi sau tôi:
- Hattie, chờ đã. Mai cô lên Woft Point.
Cháu có cần thứ gì trên phố lớn không ?
- Cháu cần phép màu.
Cô mỉm cười:
- Tiệm nào bán thứ đó?
Tôi bấm đốt ngón tay tính tháng:
- Bảy, Tám, Chín, Mười. Bốn tháng để đáp ứng
nốt các yêu cầu trước khi nhận quyền sử dụng đất. Thế đấy, cháu chỉ là bà trùm
đất khi nào thu hoạch được nông sản...
Cô Leafie thêm vào:
- Nếu không có mưa đá và dịch châu chấu.
- ... rồi bán nông sản lấy tiền...
- Miễn là Quốc hội Hoa Kỳ không áp giá quá
thấp.
- ... để có ba mươi tám đô la tiền mặt trả
khoản phí cuối cùng trước khi nông trại thuộc về cháu.
Cô cười:
- Ba mươi bảy đô bảy mươi lăm xu chứ. Cháu
có nghe nói về cánh nông dân nhận đất công như chúng ta chưa? Sở dĩ họ còn đi
loanh quanh được là vì chưa có tiền mua áo quan.
Tôi cười ngây ngô:
- Hay thật.
Tất nhiên, cô Leafie vẫn còn cười được. Tên
cô trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất được ghi rõ ràng bằng giấy trắng mực
đen. Chừng nào cô còn thuần dưỡng ngựa lấy tiền, cô sẽ không phải lo chạy từng
đồng. Nhất là trên đất này, ngựa không được dạy dỗ cẩn thận sẽ lồng lên suốt
ngày. Cô phát nhẹ cánh tay tôi:
- Rồi cũng giải quyết ổn thỏa thôi. Cháu đừng
lo. Có thể sẽ không đúng như cháu tính, nhưng rồi cũng đâu vào đấy.
- Cháu rất mong thế.
- Nghe này, cô sẽ đưa con nhà Perilee đến
Woft Point. Xem diễu hành đấy. Sao cháu không đi cùng cho vui?
Tôi xua xua con muỗi bay vo ve trên đầu:
- Thôi, cháu còn lòng dạ nào mà đi chơi.
Cô khoác tay tôi:
- Đi đi. Cháu đang cần giải trí. (Cô giơ
tay lên trời). Cứ lo cuống lên, trời cũng chẳng mưa đâu.
Tôi mím môi suy nghĩ. Cô gật đầu:
- Mình sẽ đi từ sớm. Hai cô cháu thay nhau
điều khiển ngựa Joey và Star. Muốn giải tỏa lo lắng, không có gì bằng đi xem
đám rước đâu cháu ạ.
*
* *
Woft Point thật ồn ào. Theo tôi ngày Toàn Quốc Tiết Kiệm Vì Tiền Tuyến chẳng
đáng ăn mừng, nhưng Fern, Mattie và Chase đâu cần biết đến điều đó. Hãy để
chúng vui niềm vui trẻ con, háo hức đón chờ quân nhạc, diễu hành và những bộ
trang phục đủ màu sặc sỡ.
Dáo dác tìm chỗ đứng xem rõ nhất, chúng tôi
đi ngang qua rạp chiếu phim Glacier. Phim hiện đang chiếu là: Vua Đức, Con Quái
Vật Thành Berlin. Hy vọng họ bán được nhiều vé. Người xem đám rước đứng chật
như nêm dưới lòng đường. Trẻ con diện quần áo đẹp nhất, thường chỉ mặc vào Chủ
nhật. Riêng tôi, với lòng yêu nước nhiệt thành, thắt ruy băng đủ ba màu đỏ, trắng
và xanh trên chỏm mũ đẹp nhất của mình.
Cô Leafie cho Chase mười lăm xu để mua ba
lá cờ giấy. Tay phải dắt bé Fern mới lẫm chẫm biết đi, tay trái dắt Mattie đang
ngây ngất trong không khí ngày hội, tôi thấy một chỗ xem đám rước khá rõ ở lối
đi lót ván ngay trước cửa hàng thực phẩm Hanson’s Cash Grocery.
Chase đưa lá cờ giấy cho hai em:
- Của em đây.
Người của Ngân hàng Quốc gia Citizens ở
Woft Point phát quạt có in khẩu hiệu: Nếu
Không Tiền Sẽ Bị Vua Đức Đè Bẹp. Tôi được phát một cái và vui sướng dùng
ngay. Mỗi ngày, trời lại nóng hơn, khô hơn hôm trước. Dù không có hàn thử biểu
nhưng tôi vẫn được anh Karl đều đặn báo cho biết nhiệt độ hàng ngày. Anh lắc đầu
lo ngại: “35°C năm ngày liền”. Ngay cả
ông Gorley cũng phải sầm mặt lo lắng: “Lúa
mì sẽ bị rang chín ngoài đồng mất thôi”.
Thời tiết nóng nực trở thành đề tài mở đầu
câu chuyện. Khuôn mặt cô Leafie đỏ bừng dưới cái mũ không vành sờn cũ:
- Nóng quá nhỉ?
Jim Gà Trống bảnh bao trong bộ quần áo mới,
hỏi tôi:
- Cô có trứng không? Rán luôn ở bậc tam cấp
này được đấy.
Ông Hanson bảo:
- Cửa hàng tôi có nước thổ phục linh mát lạnh.
Xem đám rước xong, mời bà con ghé vào dùng. Tôi đãi.
Ông cù nhẹ dưới cằm Fern, âu yếm vỗ về mái
tóc quăn của Mattie. Sau đó, ông đưa tôi ba bông hoa đỏ, trắng và xanh dương
làm bằng giấy kếp. Chase giật nhẹ váy tôi:
- Nhìn kìa! Ban nhạc đầu tiên đang đến!
Dù chơi nốt nhạc đúng thì ít, đạp bụi thì
nhiều nhưng ban nhạc thị trấn Circle vẫn được đám đông nồng nhiệt đón chào. Vài
tiếng vỗ tay lẹt đẹt biến thành tiếng reo hò rầm trời khi họ chuyển sang bài “Chúa phù hộ cho nước Mỹ”.
Tôi bắt gặp cô Leafie lau nước mắt. Mắt tôi
cũng rưng rưng giọt lệ tự hào. Không chỉ riêng tiếng nhạc trang nghiêm làm tôi
xúc động. Bao hình ảnh thân thương đầy ắp tâm trí tôi. Nào Charlie (lâu rồi tôi
không nhận được thư anh) dám bước lên bảo vệ tôi ở trường. Kế đến là chị
Perilee và anh Karl. Tôi sẽ không bao giờ có được bạn bè hay người thân nào tốt
hơn họ. Nhưng Charlie sẽ nghĩ gì nếu biết tôi kết bạn với gia đình ấy? Chẳng lẽ
chỉ tại sinh ở Đức mà anh Karl không xứng là bạn của tôi? Thắc mắc ấy khiến đầu
óc tôi quay cuồng. Thực ra tôi không hề phân vân khi chọn bạn. Nhưng tìm cách
giải thích cho Charlie hiểu mới khó khăn làm sao.
Gió thổi thành vòng tròn quanh tôi mỗi lúc
một mạnh hơn, những suy tư đuổi nhau chạy quanh đầu tôi mỗi lúc một nhanh hơn.
Lo âu về chiến tranh chưa dứt, mối tơ vò về chuyện tiền nong lại hiện lên. Tôi
tính đi tính lại số tiền tiết kiệm ít ỏi . Dù mùa này có bội thu, tôi cũng
không biết nặn sao cho đủ tiền trang trải cả trăm món chi phí. Chưa kể khoản
cam kết mua tem tiết kiệm đáng ghét. Tôi không dám nghĩ đến việc mình sẽ thất bại,
không thể đáp ứng yêu cầu của bên địa chính. Bụng tôi quặn thắt vì lo lắng, vì
cái nóng như đổ lửa và vì không biết rồi mai đây, số phận mình sẽ ra sao. Có lẽ
đòi hỏi một nơi dành riêng cho mình là quá nhiều. Có lẽ suốt đời tôi chỉ là
Hattie ăn nhờ ở đậu.
Mattie cầm tay tôi bóp nhẹ: Một, hai, ba. Khi hồi âm thông điệp trìu
mến ấy, mọi lo âu của tôi theo đầu ngón tay chạy ra ngoài, tan biến vào hư vô.
Có khi nào tôi chịu đổi cuộc sống vất vả, đầy ắp lo âu này lấy cuộc sống ở
Iowa, không bao giờ biết đến Mattie dễ thương cùng gia đình bé? Riêng với câu
trả lời này, tôi biết rõ lời giải đáp.
Gió mạnh, khô nóng thổi bay những nốt nhạc
cuối cùng. Các nhạc công chỉnh mũ mão trước khi chơi bài kế tiếp. Họ bước đều,
theo sau là xe của cơ sở Fort Peck Livery & Sale Barn được trang hoàng bằng
nhiều dây cờ hoa đủ ba màu đỏ, trắng và xanh dương. Bà Martin ngồi cuối xe, tạo
hình tượng Người mẹ Tự do. Nối tiếp đoàn diễu hành có hai xe ô tô cờ xí rực rỡ
quảng cáo cho trạm xe Pipal Garage & Service Station.
Chase trầm trồ:
- Toàn xe của hãng Luvernes. Đời mới nhất đấy.
Không chịu thua kém, Công ty Fuller Motor
trình làng một cỗ máy lạ mắt, trang trí cầu kỳ.
Giọng Chase ỉu xìu:
- Xe du lịch.
Nghe cũng biết xe du lịch không hợp thời
trang. Sau đoàn xe ô tô đến các thành viên Hội đồng Tự vệ Hạt Dawson. Mọi thành
viên hội đồng đều nghễu nghện trên lưng ngựa của trang trại Tipped M. Khi đi
ngang qua tôi, Traft đưa tay lên vành mũ. Tôi không mảy may cảm kích hành động
tao nhã ấy. Sau đoàn người cưỡi ngựa, nhà thờ dòng Hội Giám lý trình bày một hoạt
cảnh cổ động tinh thần yên nước. Học sinh trường Woft Creek School (thiếu mặt
Chase, cậu học trò ưu tú) đều bước sau nhóm cao bồi. Chúng đeo những dải vải
trang trí màu xanh dương đẹp đẽ, miệng hát vang bài “Ở Nơi ấy”. Tôi vừa giơ tay
vẫy cờ cổ vũ, luồng gió mạnh cuốn mất cờ bé Fern. Bé kêu khóc, chập chững bước
lên:
- Fờ!
Tôi vội kéo Fern lùi lại:
- Cẩn thận chứ, em. Kẻo bị xô ngã thì khổ.
- Fờ! Fờ!
Nước mắt giàn giụa trên cặp má phúng phính
của nó. Ông Hanson dỗ dành:
- Thôi nào, nín đi. Đừng nhõng nhẽo nữa.
Ông lấy trong túi ra ba cây kẹo que có sọc,
trông như chùm ruy băng bắt mắt:
- Chơi cái này đỡ vậy.
Ông đưa cho Mattie và Chase mỗi người một
cái, rồi gói cái còn lại cho bé Fern. Tôi nhắc:
- Các em nói gì nào?
Mattie và Chase cùng đồng thanh:
- Cảm ơn ông Hanson!
Thấy cây kẹo, bé Fern cười toét miệng. Nụ
cười trong sáng, ngây thơ sáng bừng khuôn mặt còn ngấn nước của bé. Ông Hanson
vừa cười vừa nói:
- Đau mấy thấy kẹo cũng hết, Fern nhỉ?
Con bé loay hoay với cây kẹo, quên hết mọi
sự đời.
Cuối cùng, xe giao hàng nhà Cogswell tiến
vào. Bên trong thùng xe dán nhiều tranh cổ động tự vẽ mang chủ đề “Diễu hành chào mừng Ngày Toàn Quốc Tiết Kiệm
Vì Tiền Tuyến”.
Không thể bỏ lỡ cơ hội quảng cáo tuyệt vời,
ông Cogswell dán thêm sau thùng xe băng biểu ngữ nhỏ mang dòng chữ: “Anh đào tươi cửa hàng Cogswell’s: giá hợp lý
nhất thị trấn”.
Thấy dòng quảng cáo, ông Hanson huýt sáo
châm chọc. Đoạn ông cầm tay Mattie:
- Đi nào các cháu. Tìm thứ gì man mát bỏ bụng
cái đã.
Chase nghe lời. Thấy thế, đám trẻ con thị
trấn cũng bám đuôi ông chủ tiệm tốt bụng. Trao bé Fern cho cô Leafie, tôi bảo bọn
trẻ:
- Các em đi trước nhé. Hết diễu hành rồi, để
chị nhặt cờ cho Fern.
Cô Leafie kéo sụp mũ trên đầu:
- Phải nhanh chân lên. Gió mạnh đang thổi
bay cả North Dakota kia kìa.
Tôi chạy từ vỉa hè xuống đường. Lá cờ nhỏ của
bé Fern không thể thoát bàn chân dẫm đạp của người tham gia diễu hành. Tôi nhặt
món quà kỷ niệm rách bươm, ủ rũ lên, tai văng vẳng tiếng la khóc của con bé.
Không muốn ngày vui của Fern kết thúc trong nước mắt, tôi bèn quay lại văn
phòng Herald mua cờ khác. Mất thêm vài xu lẻ nữa thì đã sao nào?
Chợt có tiếng đàn ông đôi co khiến tôi phải
chú ý. Phía cuối đường, ngay nơi đám rước vừa đi qua, hình như một đám rước
khác vừa hình thành. Người dẫn đầu đám này chính là Traft Martin.
Đám đông dừng ngay trước văn phòng địa
chính. Vài gã cao to, lực lưỡng theo nhau vào văn phòng. Chỉ lát sau, họ trở
ra, vừa đi vừa đẩy một người mảnh khảnh đeo mắt kính đằng trước. Người ấy là
ông Ebgard. Một gã tôi không biết mặt gầm gừ:
- Này ông Ebgard, trong sổ có ghi ông chưa
đóng góp khoản phí hỗ trợ tiền tuyến.
Người khác đế vào:
- Thế sao gọi là ái quốc được. Hay ông muốn
đổi tên Ebgard thành Chúc-Vua- Đức-Thắng.
Một gã cao lớn tiến lên, sừng sững đứng chắn
trước mặt ông Ebgard:
- Chắc ông quên bao trai tráng Woft Point
ngoài mặt trận...
Đám đông vây quanh họ đông dần. Một người
trong số họ phụ họa:
- Cả người Circle, Vida nữa.
- Quanh vùng này, con em ta...
Những lời cuối cùng của anh ta bị tiếng la
hét át đi:
- Thay vì thương lũ ngoại bang, ông phải
thương họ mới phải.
Tôi đứng dán lưng vào mặt tiền một cửa tiệm.
Chỗ tôi đứng gần ông Ebgard đến nỗi tôi thấy rõ mồ hôi lấm tấm trên trán ông. Cặp
kính của ông bị lệch sang một bên. Ông chỉnh lại, nói nhỏ:
- Tôi không làm gì sai cả.
- Không ư?
Traft Martin nhìn bao quát đám đông, hạch hỏi:
- Thế tại sao ông không xem diễu hành? Lại
còn viết thư nhăng cuội gửi ngài Thống đốc làm gì? Thư ủng hộ tay giảng đạo ở
Brockway ấy?
Ông Ebgard điềm tĩnh trả lời:
- Đa phần người xóm đạo ấy là dân nhập cư.
Nếu ông ta giảng bằng tiếng Anh, giáo dân sẽ không hiểu.
- Tiếng Anh là ngôn ngữ của người Mỹ yêu nước.
Traft sấn sổ tiến đến gần ông Ebgard. Mạch
máu phập phồng trên cổ anh ta. Mồ hôi lạnh túa ra, chảy dọc sống lưng tôi.
Traft gằn giọng:
- Tôi cho ông biết là chúng tôi sẽ làm gì.
Còn ông hãy chứng minh lòng yêu nước của mình ngay tại đây, ngay bây giờ. Fred
đâu?
Gã cao to tên Fred giơ cao một lá cờ Mỹ loại
nhỏ. Hắn dí sát lá cờ vào mặt ông Ebgard vẫy vẫy. Traft hỏi:
- Ông có yêu tổ quốc không?
Cằm ông Ebgard run lên nhè nhẹ nhưng giọng
nói vẫn mạch lạc:
- Anh thừa biết là có.
Fred đi giật lùi trên đường đến tận gần
khách sạn Erickson. Traft chỉ về phía hắn:
- Vậy hãy chứng minh đi. Hãy bò bằng hai
tay và hai đầu gối đến trước lá quốc kỳ. (Anh ta ghé sát vào nạn nhân khốn khổ)
Khi đến nơi, nhớ phải hôn cờ tổ quốc. Ông nghe rõ chưa?
Đám đông dồn lên, vây xung quanh Traft. Tôi
run rẩy như con bê mới đẻ, kiệt sức vì mùi mồ hôi xông lên nồng nặc, bởi nỗi sợ
hãi đến choáng ngợp. Và bởi phải chứng kiến sự hèn hạ lên đến tột cùng.
Tôi bụng bảo dạ: “Bước lên đi chứ. Ngăn họ
lại đi”.
Đám người kia tiếp tục trò đùa xấu xa. Có
bàn tay với đến ông Ebgard, xô mạnh. Ông khuỵu đầu gối xuống. Kính ông rơi ngay
trước mặt tôi. Traft ra lệnh:
- Bò đi.
Phần vì không tin cảnh trước mắt mình là thật,
phần vì quá khiếp đảm, tôi cứ đứng ngây như trời trồng. Tôi ngó trân trân ông
Ebgard đang quýnh quáng tìm cách đứng lên. Đường may nối giữa tay và vai áo ông
hở hoác, hai ống quần bẩn thỉu dính đầy phân ngựa.
“Làm gì đi chứ!” Tâm trí tôi gào lên ra lệnh,
nhưng hai chân tôi nhất định không nghe. Tôi đứng đó, chống mắt nhìn cảnh tượng
kinh hãi đang diễn ra trước mắt.
Ai đó đá mạnh ông Ebgard. Ông ngã đập mặt
xuống đất, máu mũi chảy thành dòng.
Tôi nhìn quanh. Sao không có ai ngăn cản họ
vậy? Tôi nôn nao đến mức không thể chịu nổi, hệt cái ngày bị ngất ngoài đồng.
Nhưng khác với hôm ấy, hôm nay sẽ chẳng có ai xuất hiện kịp thời. Tôi chỉ biết
trông cậy chính mình.
- Anh Traft!
Âm thanh lào thào thoát khỏi cặp môi run rẩy
của tôi. Tôi cố gọi lần nữa:
- Anh Traft!
Traft Martin giật mình quay phắt lại. Có tiếng
đàn ông la lối:
- Này cô, về nhà đi.
Tôi bước lên một bước ngắn. Ơn Trời, lần
này đôi chân chịu nhúc nhích:
- Tôi... tôi... (Tôi biết nói gì trước đám
đông đằng đằng sát khí này?). Tôi có chuyện cần bàn với ông Ebgard đây.
Tôi bước thêm bước nữa, thật ngắn thôi. Rồi
lại bước nữa. Lúc này, tôi đã có can đảm cúi xuống nhặt kính cho ông Ebgard:
- Chuyện quan trọng, liên quan đến luật
pháp. (Tay run run, tôi trả kính cho chủ nhân) Xin lỗi, cháu đến muộn.
Ông Ebgard đứng lên, đeo kính vào:
- Ta vào văn phòng nhé?
Tôi nắm lấy tay ông, đúng hơn là vịn vào
tay ông. Ai đó chộp lấy vai tôi:
- Cô làm gì thế hả?
Tuy không biết giọng ai, nhưng tôi quyết
không quay lại. Ruột gan lộn tùng phèo. Cơn giận dữ chặn ngang cổ họng. Tôi gồng
mình, sẵn sàng đón trận mưa đấm đá sắp dội xuống đầu.
- Đừng vô cớ gây chuyện với cô ấy. Để cô ấy
đi.
Giọng ấy thì tôi biết. Giọng của Traft. Trước
khi buông vai tôi, người kia còn giật mạnh khiến tôi lảo đảo cạnh ông Ebgard.
- Mấy người đều là lũ phản quốc.
Người lạ xỉ vả. Tuy nhiên, phần lớn người
có mặt trong đám đông khi nãy đều tản ra, như thể họ đều bất ngờ có việc không
làm không được trong thị trấn. Traft trừng mắt nhìn tôi, định mở miệng nói gì
nhưng lại thôi. Đoạn anh ta lắc đầu bỏ đi.
Trước khi ngã quỵ, tôi cố lê đến văn phòng
ông Ebgard loạng choạng tìm ghế gần nhất.
- Cháu... buồn nôn quá.
Tôi nuốt khan. Ông Ebgard lục tủ phía sau
bàn làm việc lấy chai rượu và hai ly thủy tinh.
Ông rót đầy cả hai:
- Uống đi cháu.
Chất lỏng trong ly thiêu đốt cổ họng tôi. Vừa
nhấp một ngụm, tôi vội đặt ly xuống.
- Thật đáng sợ. Mấy người đó...
Chủ nhà cũng đặt ly xuống bàn. Ông run rẩy
rút khăn chấm nhẹ khóe miệng. Tôi cố diễn đạt những cảm xúc quay cuồng trong đầu:
- Trông họ có khác gì người thường đâu. Chỉ
như bao láng giềng khác. Thế mà...
Ông Ebgard rót thêm ly nữa cho mình:
- Vài người trong số họ từng tối lửa tắt
đèn với nhà bác đấy.
- Cháu không hiểu sao lại ra nông nỗi.
Với tôi lúc này, tay, chân, đầu mọi thứ đều
nặng trĩu. Nặng đến nỗi không thể nhúc nhích. Ông Ebgard nâng ly, nhấp một ngụm
nhỏ.
- Do chiến tranh cả thôi.
Tôi chống tay lên mặt bàn, cố trấn tĩnh:
- Chiến tranh đốt nhà kho anh Karl ư? Làm
gãy tay bé Elmer ư? Biến bác thành tội phạm ư?
Ông ngồi phịch xuống ghế:
- Không. Không phải. Nhưng con quỷ chiến
tranh quá lớn. Giao chiến lan rộng khắp nơi, vượt ra ngoài địa phận chiến trường.
Nó nhắm vào mọi thứ. Ngay cả việc viết thư ủng hộ linh mục và giáo dân cũng bị
coi là phản quốc.
Giọng ông Ebgard dịu lại. Tay tôi cũng hết
run:
- Chắc cháu về với cô Leafie và bọn trẻ. Họ
đang lo cho cháu.
Tôi chậm chạp đứng lên, thử xem đôi chân đã
bình thường trở lại chưa. Chân tôi mềm nhũn, giống hồi trên xe lửa, lúc bị ông
béo đả kích. Tuy nhiên, tôi vẫn đi được.
Ông Ebgard vỗ nhẹ vai tôi:
- Cháu thật dũng cảm. Can đảm lắm.
Tôi nhìn khuôn mặt trầy trụa bầm tím của
ông:
- Hay bác rửa mặt, gột quần áo rồi hãy về?
Thôi, cháu chào bác.
- Cháu Brooks về nhé. (Ông mở cửa, liếc ra
ngoài). Yên ắng lắm rồi.
Tôi bước ra ngoài cánh cửa mở rộng, dừng
bên vệ đường, hít sâu vào buồng phổi không khí trong lành. Đến trước cửa hàng
Hanson’s Cash Grocery, tôi dừng lại thầm sắp xếp mọi suy nghĩ theo trình tự rõ
ràng và cố sáng suốt, sao cho nét phân vân không hiện quá rõ trên mặt. Vào bên
trong cửa hàng rồi mà chân trong vẫn còn run. Ông Hanson đưa cho tôi ly thổ phục
linh:
- Của cháu đây. Bác đoán cháu đang cần thứ
gì uống cho tỉnh người.
- Fern đâu?
Tôi lơ đãng đưa bé Fern lá cờ rách tả tơi.
Cô Leafie nhìn tôi:
- Sao thế, Hattie?
Tôi lắc đầu, ra hiệu cô đừng nói gì thêm nữa.
Bé Fern ném lá cờ xuống đất:
- Bẩn.
Nhớ đến Traft cùng đám người hung hăng như
đàn ong bắp cày bị chọc giận vào hùa với anh ta, tôi đưa tay chùi mắt:
- Ừ, bẩn thật.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét