Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Khoảng Trời Mênh Mông - Ch 20


Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)

Tác giả: Kirby Larson

Người dịch: Vũ Kim Dung

NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008

Chương 20

Tháng Chín năm 1918

THỜI BÁO ARLINGTON
Mục Chuyện Nhà Nông

Vấn Đề Tuổi Tác

Chuyện tuổi tác thường được quan tâm quá mức. Thanh niên trai tráng có thể đăng ký nghĩa vụ quân sự khi mười tám nhưng muốn bầu cử, phải chờ đến hai mốt. Con gái hai tư đã bị coi là gái già. Thời gian định cư trên vùng đồng cỏ dạy tôi rằng: Tuổi tác không ảnh hưởng gì nhiều đến óc sáng suốt và khả năng thể chất. Hàng xóm của tôi, thường tự nhận là “con gà mái già”, được người ta săn đón chẳng khác gì một vận động viên trẻ sáng giá nhờ tài luyện ngựa của cô. Jim Gà Trống, người tự khai là “gần sáu mươi” đủ sức cõng một người trẻ hơn đến thẳng giường ngủ. Riêng lớp trẻ mới thật đáng nể! Con gái mười hai đủ sức điều khiển ngựa kéo xe chở hàng. Con trai mười sáu nhận chăm nom ruộng đồng trong lúc cha mình làm việc ở miền Đông. Chính tôi cũng chịu sự dạy dỗ thường xuyên của một cậu bé vừa tròn chín tuổi. Không có Chase mách nước, tôi thậm chí không sống nổi một ngày ở chốn thôn quê này. Thật không công bằng khi ta thiếu tin tưởng vào một người chỉ vì người đó chưa đủ số nến cắm trên mặt bánh sinh nhật.

Có thể coi mọi phụ nữ trong vùng (trong vùng này thôi nhé) đều như tôi: thức suốt đêm ngày 11 tháng Chín. Cuối cùng, tôi đành trở dậy pha cà phê. Trời quá sớm để làm việc nhà. Tôi uống cà phê đen, ngồi trên ngưỡng cửa ngắm nhìn bầu trời chuyển sang một màu hồng mơ hồ nhất.
Vài tiếng sau, lúc 7 giờ sáng, cũng là lúc Ngày Đăng Ký Nghĩa Vụ Quân Sự bắt đầu. Đây là đợt thứ ba kể từ cuộc chiến. Tổng thống Wilson kêu gọi mười ba triệu nam giới tuổi từ mười tám đến bốn lăm, đăng kỳ tòng quân đợt tới. Tờ Herald kêu gọi: “Hãy Kết Thúc Chuyện Do Ta Khởi Xướng”. Tôi nhấp một ngụm cà phê mà lo cho chị Mabel Ren. Elmer đã đăng ký rồi. Liệu anh có bị bắt quân dịch, để lại vợ một nách sáu con nhỏ, cộng với việc chăm sóc nông trại rộng mênh mông? May mà năm nay, họ trúng mùa lớn.
Hôm Chủ nhật, bà Martin kêu gọi mọi người cầu nguyện cho người chuẩn bị lên đường đợt này. Có vẻ bà ta không thể giữ Traft lâu hơn được nữa. Có thể, anh ta sẽ đứng hàng đầu trong nhóm người sắp ra đi.
Bức hình chụp mọi thanh niên Vida đã đăng lính hiện về trong tâm trí tôi. Tôi cầu nguyện cho từng người trong số họ, xin với Đức Chúa rằng: Nếu trong số họ có người phải ra đi thì cũng mong người ấy bình an trở về với quê hương bản quán, với gia đình, người thân. Tôi nhớ bức thư cuối cùng của Charlie. Có thể anh muốn tôi vui, nhưng chuyện anh kể chỉ làm tôi thêm lo lắng.

Ngoài công việc thường ngày, anh mới có thêm một nhiệm vụ nhỏ. Đó là canh gác dãy bia ngắm bắn của đơn vị. Bia ấy là để người trên máy bay tập bắn nhắm vào. Một gã người Anh hỏi anh từng làm lính gác bao giờ chưa. Khi nghe anh bảo “Chưa”, hắn nói tỉnh bơ: “Đừng sợ. Chốn an toàn nhất chính ngay ở tấm bia”. Chắc hắn không tin lắm vào tài ngắm bắn của phi công!”.

Cuối bức thư có mười lăm ngôi sao đứng xếp hàng. Tôi hiểu anh lại mất thêm mười lăm đồng đội nữa.
Tôi viết bài cuối cho tờ báo Arlington, tôi đã gửi gắm cảm xúc mâu thuẫn của chính tôi vào đó. Nhưng ông Miltenberger gửi trả lại, vì: “Độc giả muốn đọc loại chuyện kể về chốn thôn quê, không phải triết lý”. Tôi nhanh chóng viết bài khác kể về mùa màng và nghiêm chỉnh gửi ngay cho tòa soạn. Ngân phiếu được gửi đến sau đó nên tôi đoán bài đạt yêu cầu.
Tôi dựa lưng vào khung cửa. Nếu chỉ mất ngủ một đêm tôi đã mệt rũ thế này thì Charlie cùng bao chiến sĩ khác còn mệt đến đâu khi thức trắng hết đêm này qua đêm khác?
Chùm tia rẻ quạt hồng đậm vươn ngang nền trời. Không cưỡng lại được bình minh quyến rũ, tôi ngắm nó chuyển từ màu hồng, sang đỏ, rồi tím. Cuối cùng là xanh dương nhạt. Một con đại bàng in hình trên bầu trời rộng đến vô cùng và đang chuyển màu từng phút. Đôi cánh rộng của chim sải dài, mạnh khỏe. Nó chậm rãi lộn vài vòng phía trên đồng cỏ. Đột nhiên, nó sà xuống, thấp dần, thấp dần. Sau đó, con đại bàng vọt thẳng lên. Có cái gì (một con gà hoang chăng) nằm gọn trong móng vuốt nó. Con đại bàng rít lên ca khúc khải hoàn rồi bay thẳng tới ụ đất phía xa. Tôi ngóng theo nhưng đành mất dấu nó ở phía mặt trời lên. Tôi chợt nhớ một ca khúc hồi còn đi học: “Chúng sẽ giang cánh bay như đại bàng, chúng sẽ chạy hoài không biết mỏi, chúng sẽ đi mãi mà không mệt”. Còn tôi, dù mỏi nhừ, mệt lả, tôi vẫn còn con ngựa phải thả ra đồng cho gặm cỏ, còn cả núi việc nhà phải làm cho xong trong buổi sáng. Và tôi sẽ phải hoàn thành những việc ấy trên đôi chân rã rời, không phải bằng đôi cánh đại bàng.
Đang trồng đậu ngoài vườn; tôi nghe tiếng vó ngựa đến gần. Tôi ngẩng lên, khum bàn tay lấm lem che nắng. Đó là Jim Gà Trống.
- Mời anh vào uống cà phê.
Tôi bỏ cuốc xuống, bước lên đón khách trong lúc anh dẫn con Ash vào sân. Nét mặt Jim rất lạ, khiến tôi cũng hoang mang không hiểu chuyện gì:
- Hattie này, tôi không đến chơi đâu.
Khi rời mình ngựa, Jim phủi bụi trên ống quần lâu lạ thường. Tôi chùi tay vào tạp dề xám xịt:
- Có chuyện chẳng lành ư? Có phải chị Perilee làm sao không? Hay em bé có chuyện gì?
- Không, không phải đâu. Họ vẫn bình an.
Jim quấn dây cương vòng quanh đầu yên. Con ngựa xám lông bóng mượt cúi xuống gặm búi cỏ ba lá đang mọc lấn luống hành trong vườn.
- Ông Ebgard muốn tôi báo cho cô một chuyện. Ông ấy muốn cô biết ngay, không chậm trễ.
Tôi bước lên:
- Anh Jim, tốt hơn hết anh hãy nói ngay đi. Kể hết đầu đuôi xem nào.
Anh giật mạnh mũ trên đầu xuống, tay mân mê vành mũ:
- Chuyện do Martin cả. Hắn không thừa nhận quyền sỡ hữu đất của cô.
Tôi hổn hển:
- Cái gì? Tôi không hiểu. Chuyện này là thế nào?
- Chuyện này vẫn xảy ra thường. Cách nay mấy tháng, Lisa Edwards gần Cow Creek cũng bị một người hàng xóm phủ nhận quyền sở hữu đất. Họ lấy cớ rằng Lisa không thường xuyên ở trên đất ấy, như thế không đáp ứng yêu cầu của luật cư trú.
Tôi buột miệng cãi:
- Nhưng tôi sống ở đây cơ mà. Từ khi đến Montana, tôi ở lỳ đây, không đi đâu cả.
Jim cúi đầu, nói với mũi giày dưới chân:
- Trong vụ của cô, Traft không nêu vấn đề cư trú. Hắn nhắm vào tuổi của cô đấy.
Dòng máu nóng xuất phát từ ngực, lan đến cổ và xộc thẳng lên đầu tôi:
- Tuổi tác ư?
Jim ngẩng đầu lên:
- Nếu không là chủ hộ, cô phải trên hai mươi mốt tuổi mới được nộp đơn xin đất công.
- Nhưng cậu Chester đã...
- Traft bảo cậu cô không có quyền để lại cho cô thứ chưa hẳn thuộc về ông ấy.
Tôi ôm trán:
- Nhưng đúng là cậu Chester để lại đất này cho tôi mà?
Jim đằng hắng:
- Về lý thì đúng như vậy.
Đầu tôi nhẹ bỗng, tôi tưởng đâu mình sắp ngất xỉu:
- Nhưng sao lại thế?
Tôi cũng không hiểu sao mình lại thốt lên câu hỏi đó khi biết rõ câu trả lời. Traft không thể phát triển đất nhà mình thành trại nuôi gia súc lớn nhất vùng nếu xung quanh còn những chủ trại nhỏ như tôi. Có lẽ hắn đã nghiền ngẫm kế hoạch này ngay ngày đầu tiên bị tôi từ chối. Biết thế, nhưng với Traft, tôi vẫn ra vẻ ta đây biết hết? Có lẽ tôi...
- Tôi phải làm sao đây?
- Thế này nhé. Vì là nhân viên sở địa chính nên ông Ebgard biết vụ này sớm. Traft cố ép ông ấy phải phân xử chuyện của cô ngay hôm nay, nhưng ông Ebgard bảo ông ấy cũng có quyền được cấp trên thông báo chính thức.
Tôi nhớ câu chữ trong thư cậu Chester: “Cậu tin cháu cũng có nghị lực như mẹ cháu trước đây”. Liệu tôi có đủ nghị lực cho một cuộc chiến mới?
- Thế có nghĩa tôi phải đến Woft Point?
Jim gật đầu.
- Khi nào ạ?
- Mai.
- Nhưng thế không kịp.
Tôi ngưng bặt. Không kịp làm gì? Già hơn năm tuổi ư? Làm sao có thể thay đổi sự thực là tôi mới mười sáu tuổi? À quên, gần mười bảy tuổi chứ. Ngày 28 tháng Mười này tôi tròn mười bảy tuổi.
Jim hỏi:
-  Có muốn tôi đi cùng không?
Tôi ngẫm nghĩ giây lát. Tất nhiên tôi muốn. Tôi muốn cả Jim, cả anh Karl, chị Perilee và cô Leafie nữa. Tôi muốn tất cả bạn bè sát cánh bên tôi trong trận này. Tôi không chắc mình có đủ nghị lực đối mặt với Traft lần nữa. Nhưng tôi không chịu nổi ý nghĩ bạn bè phải chống mắt lên nhìn tôi trao tất cả đất đai vào tay kẻ khác. Nhất là khi kẻ đó là Traft Martin.
- Cảm ơn anh, nhưng tôi tự đi được.
Khi ra về, Jim vỗ nhẹ vai tôi:
- Hattie này, dù kết cục thế nào, cô cũng nên kiêu hãnh nhé. Cô cừ lắm.
Khi sửa soạn đi ngủ, tôi suy nghĩ mãi về lời Jim nói. Tự hào phỏng có ích gì khi ta không thể có một mái nhà của riêng mình để có thể ngẩng cao đầu vì nó?

*
*     *

Chuông reo vang khi tôi bước vào văn phòng của ông Ebgard. Ông bật dậy tìm ghế cho tôi. Tôi cố ngẩng cao đầu, cố giữ không để nước mắt tràn mi.
- Chào bác Ebgard.
Ông vờ xào xáo đống giấy tờ trên bàn:
- Hattie à, bác rất lấy làm tiếc. Cháu đừng giận, bác cũng vì công việc cả thôi.
Tôi nhích cằm cao thêm hai xăng ti mét:
- Cháu biết. Mình bắt đầu được chưa ạ.
Ông thở dài:
- Giá được thế thì tốt quá.
Chuông lại reo. Traft Martin vênh váo bước vào. Anh ta điệu đà ngả mũ chào tôi:
- Chào cô Brooks.
Một cái gật đầu qua loa là tất cả những gì tôi có thể trao cho anh ta. Ông Ebgard quay người lục ngăn tủ sau bàn làm việc. Ông tìm lâu đến nỗi Traft sốt ruột rung chân:
- Coi kìa, ông Ebgard. Hồ sơ có chữ cái đầu là B có nhiều nhặn gì.
Lát sau, ông lôi ra một tập hồ sơ:
- Để tôi xem qua cái đã.
Traft đấm mạnh tay vào ghế trống bên cạnh:
- Có gì đâu mà phải xem. (Anh ta xỉa ngón tay cái về phía tôi). Cô ta chưa đến hai mốt. Đơn giản, dễ hiểu. Cô ta đã thú nhận trước rất nhiều nhân chứng.
Tôi mấp máy môi định trả lời, nhưng ông Ebgard giơ tay ngăn lại:
- Cô Brooks này, bao giờ đến sinh nhật kế tiếp của cô?
- Sắp rồi ạ. Cuối tháng Mười. Ngày hai mươi tám tháng Mười.
Ông Ebgard cắm cúi ghi chép:
- Ừm.
Traft chồm người trên ghế:
- Rồi, cô về nướng bánh sinh nhật đi là vừa. Ngày sinh có can hệ gì đâu. Vấn đề là ở tuổi cô ta. Hỏi cô ta bao nhiêu tuổi đi.
Ông Ebgard đáp:
- Tôi chịu trách nhiệm phân xử vụ này. Tốt nhất, anh nên để tôi chủ động làm theo cách của mình. Nếu không tôi sẽ hoãn đến hai mươi chín tháng Mười đấy.
Tôi bất giác mỉm cười. Đến 29 tháng Mười, tôi vẫn không đủ tuổi. Nhưng tôi biết ông Ebgard đang tìm cách giúp tôi.
- Cô Brooks, cảm phiền cho biết nơi sinh của cô.
Traft vỗ đùi:
- À, nơi cất tiếng khóc chào đời...
Ông Ebgard bình tĩnh nói tiếp:
- Nơi sinh, thưa cô? Và cả năm sinh nữa.
Tôi đáp:
- Arlington, Iowa. Ngày hai mươi tám tháng Mười năm 1901.
Traft nhắm mắt, miệng lẩm bẩm tính toán:
- Thấy chưa! Có nghĩa cô ta mới mười sáu. Còn lâu mới đủ tuổi.
Ông Ebgard hỏi:
- Ông bà thân sinh cô là ai?
- Raymond và Katherine Brooks.
Ông gật đầu hý hoáy viết. Tôi chạm tay vào chiếc đồng hồ đeo tay của mẹ gắn trên vạt áo:
- Nhưng cha mẹ tôi mất cả rồi.
- Thế sao? Vậy ai là người giám hộ?
Tôi cắn môi:
- Không ai cả, thưa ông. Vài người họ hàng nhận nuôi tôi, nhưng không ai là người giám hộ chính thức.
Đầu bút chì của ông Ebgard chĩa thẳng xuống mặt giấy:
- Không có người giám hộ ư?
- Không.
- Ý cô là hoàn cảnh của cô không hề giống các bạn đồng trang lứa?
- Thôi chuyện trà dư tửu hậu đi, quay lại giải quyết công việc trước cái đã! (Traft lớn giọng quát tháo)
Ông Ebgard nhướn lông mày cảnh cáo Traft, đoạn nhắc lại:
- Hoàn cảnh cô?
Tôi ngẫm nghĩ giây lát. Những câu hỏi của ông Ebgard bắt đầu làm tôi rối trí. Có câu nào liên quan đến quyền sở hữu đất của tôi đâu:
- Tôi thấy sống như tôi cũng tốt. Ý tôi là không có ai chăm bẵm quá mức như các bạn gái của tôi. (Như Mildred Powell chẳng hạn. Hễ chị ta sổ mũi nhức đầu là bà mẹ đã bắt lên giường nằm để bà phục dịch đến nơi đến chốn) Tôi nghĩ mình biết sống tự lấp sớm hơn người khác.
- Theo cô sớm hơn là bao nhiêu?
- Bao nhiêu ư?
Tôi nhăn trán. Rồi mỉm cười. Giờ tôi đã biết chính xác ông Ebgard muốn lái chuyện này đến đâu. Tôi quyết định theo sự dẫn dắt của ông:
- À, năm hay sáu năm gì đó. Vâng, khoảng năm sáu năm.
Traft như quả bom sắp nổ tung:
- Ebgard!
Ông Ebgard viết ràn rạt:
- Hừm. Năm hay sáu năm. Hay thật.
Ông vẫn chăm chú ghi ghi chép chép. Tôi liếc sang Traft. Anh ta đang vấn thuốc bằng đôi tay run rẩy khiến sợi thuốc lá rơi lả tả xuống sàn nhà. Mãi đến khi ông Ebgard nói tiếp, điếu thuốc mới vấn xong.
- Anh Martin.
Traft đổi tư thế ngồi, cất điếu thuốc vào túi áo, đoạn nhìn tôi cười khẩy.
- Này anh Martin, dù luật pháp qui định độ tuổi cho đa số người muốn nhận đất công...
- Vâng, và không phải mười sáu.
- Luật cũng chấp nhận phụ nữ độc thân, có khả năng làm chủ hộ xin đăng ký. Một số điều luật ngụ ý độ tuổi qui định dành cho đa số được áp dụng trong nhiều trường hợp...
- Là trường hợp này!
Traft nhảy dựng lên. Có vẻ anh ta đã đoán được ông Ebgard định làm gì.
- Tôi đưa ra phán quyết rằng: Quy định về chủ hộ được ưu tiên hơn yêu cầu về tuổi tác. Đích thân cô Brook đã giải thích rõ: Tuổi mười sáu của cô tương đương với tuổi hai mươi mốt của bất kỳ cô gái nào khác có hoàn cảnh bình thường. (Ông viết những chữ cuối cùng lên trang giấy). Theo tôi, trong trường hợp này, lời phủ nhận là không xác đáng.
Phải rất kiềm chế tôi mới không đu lên cổ ông Ebgard. Tôi mừng đến độ chỉ muốn ghì chặt ông.
- Vậy tôi được tiếp tục giữ đất!
- Nói cho chính xác là cô vẫn tiếp tục chứng minh quyền sở hữu đất cho mình.
Traft vuốt mặt:
- Ông Ebgard, đừng ngu ngốc thế. Hãy đợi xem Hội đồng Tự vệ nói gì về chuyện này. Ông biết không, cô ta cực kỳ thân với Karl Mueller. Tôi còn thấy cô ta từ nhà Ren đi ra, với lại...
Ông Ebgard đứng hẳn lên:
- Với lại cô Brooks đây đã chứng minh tinh thần ái quốc bằng cách mua Trái phiếu Tự do và Tem Ủng Hộ Tiền Tuyến. Bằng tinh thần quên mình vì nghĩa lớn. Tôi sẽ suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra bất kỳ lời cáo buộc nào liên quan đến cô ấy.
Ông chống tay lên bàn, chồm hẳn người vế phía trước. Nghĩ thế nào cũng có ẩu đả nên tôi đứng phắt dậy, giơ tay lên chặn lại:
- Không khó chịu chứ, anh Martin?
Nhìn thái độ của Traft như thể anh ta muốn nhổ vào tay tôi. Anh ta quay gót đi ra, đóng sầm cửa lại.
Tôi nín thở nhìn khung kính cửa sổ rung lên bần bật rồi đứng yên trở lại, đoạn quay sang ông Ebgard:
- Cháu không biết cám ơn bác bao nhiêu cho vừa.
- Đừng khách sáo. Giờ cháu hãy về, việc gì cần giải quyết nốt hãy làm ngay đi để đến tháng Mười một này, bác có thể trao giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho cháu.
Tôi nói đùa:
- Và nộp những ba mươi bảy đô la bảy mươi lăm xu nữa chứ.
Ông ta đưa tay lên mũ:
- Bác rất lấy làm vinh dự được nhận tiền của cháu và ký tên vào giấy chứng nhận ấy. Giờ thì mong cháu dành chút thời gian dùng bữa tối với bác. Bác đãi.
Nếu lúc bước vào đây, tôi không thể nuốt nổi một miếng vào bụng thì bây giờ tôi bất chợt đói cồn cào.
- Rất vui lòng!
Tôi khoác tay ông cùng tản bộ đến khách sạn Erickson, dùng một bữa thịnh soạn nhất từ trước tới nay.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét