Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Những ngôi sao Eghe - (p3)

Gárdonyi Géza

Những ngôi sao Eghe
(Nguyên tác: Egri Csillagok)

Dịch giả: Lê Xuân Giang
Tiểu thuyết - Văn học Hungari
Nhà xuất bản: Văn học - Hà Nội
Năm xuất bản: 1987

Phần hai

Budo thất thủ

Vua Gianôt đã băng hà. Thái tử còn măng sữa. Quốc gia không có chủ súy. Đất nước giống những gia huy trên đó những con phượng hoàng tức tối chồm lên nhau, cố vươn mình tranh lấy cái vương miện lửng lơ ở giữa.
Nhân dân không còn biết nghĩ thế nào nữa. Chẳng ai biết ách thống trị của bọn Thổ dị giáo đáng sợ hơn hay sự bảo hộ của quân Đức chính giáo đáng sợ hơn.
Vua Đức Phedinan phái tên nguyên soái lẫn cẫn Rôgenđô đến Buđo [43], còn hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ thân chinh lên đường để cắm ngọn cờ nửa vành trăng lên cung điện vua Hung.
Đó là lúc các sử gia viết con số 1511 vào niên biểu.
* * *
Một đêm trăng tháng tám, hai kỵ sĩ phóng ngựa lên dốc núi trên đường cái Metsec. Một người gầy, râu cạo nhẵn, mặc áo choàng đen, chắc là cố đạo. Người kia là một công tử trạc mười lăm tuổi, có mái tóc dài.
Ngoài ra còn một gia nhân lưng dài cưỡi ngựa lẽo đẽo theo sau. Sở dĩ lưng y nom dài vì y ngồi trên hai cái bị đầy cứng thay cho yên ngựa. Trên lưng y còn một cái bọc to bằng da mà như bây giờ thì chúng ta gọi là ba lô. Từ trong bọc có ba cái gậy thò ra, một cái cứ thỉnh thoảng lại ánh lên có thể thấy rõ đó là khẩu súng.
Một cây lê dại cổ thụ, đen sẫm đứng gần bên lề đường - có lẽ nó cũng lâu đời như con đường quốc lộ. Tới chỗ đó họ cho ngựa rẽ xuống khỏi mặt đường.
Người mặc áo cố đạo nhìn lên cây hỏi:
- Cây này đây à?
- Nó đấy. - Người trẻ tuổi đáp. - Hồi con còn nhỏ, cú thường hay làm tổ trong ấy. Từ đó tới nay hốc cây chắc đã rộng thêm ra, một người có thể vào lọt, có khi cả hai người cũng vừa.
Cậu đứng lên yên và đu mình lên cây lê dại. Thoáng một cái cậu đã ở trên cây. Cậu rút gươm xọc vào hốc cây và chui tọt vào trong.
- Cả hai thầy trò ta cũng vừa. - Cậu vui vẻ kêu lên. - Chúng ta có thể ngồi thoải mái trong này.
Rồi cậu trèo ra và nhảy xuống cỏ. Người mặc áo cố đạo bỏ áo choàng ra và nói:
- Thế thì bắt tay vào việc thôi.
Đó là mục sư Gabô và cậu học sinh Bônemixo Gergey.
Từ lúc chúng ta xa họ đến nay, tám năm đã trôi qua. Mục sư không thay đổi mấy, duy chỉ có lông mày của ông đã mọc ra và râu ria cũng đã có thể cạo được từ lâu, và có gầy đi chút ít. Nhưng cậu thiếu niên này thì thay đổi nhiều lắm. Tám năm qua đã biến đổi cậu thành một người lớn. Nhưng chỉ về hình vóc thôi, còn mặt cậu vẫn mang cái vẻ chưa ra đẹp cũng chưa ra xấu, như nét mặt vẫn thường thấy của tất cả những thiếu niên mười lăm mười sáu. Mớ tóc lượn sóng để rủ xuống vai theo mốt của nam giới thời đó.
Gã gia nhân lấy trong bọc ra hai cái xẻng và một cái cuốc chim. Mục sư cầm lấy một cái xẻng, cậu học sinh cầm lấy chiếc kia. Họ đào ngay ở chính giữa  đường quốc lộ.
Gã gia nhân bê hai cái bị đến rồi trở lại chỗ mấy con ngựa, gã tháo cương, buộc dây hãm vào chân chúng rồi thả cho chúng gặm bãi cỏ rừng ướt đẫm sương đêm. Sau đó gã cũng bắt tay vào việc. Gã lấy từ trong cái bọc da kếch sù ra nào bánh mỳ, nào bình đựng nước và cả các binh khí nữa. Gã hốt lớp đất cát lẫn đá cuội mà hai người kia vừa đào lên  vào bọc rồi đem rải xuống bên cạnh đường. Khi quay về gã lại mang theo những cục đá to để bên cạnh hố.
Chưa đầy một giờ sau cái hố đã sâu đến ngang lưng.
- Đủ rồi. - Mục sư nói. - Gianốt, đưa hai cái bị lại đây.
Gã gia nhân lễ mễ bưng hai cái bị đến.
- Đừng để súng bị ướt sương! - Mục sư bảo gã rồi lại tiếp. - Ngươi cầm lấy cái cuốc chim, xẻ một cái rãnh từ hố này đến chỗ cây lê dại đằng kia kìa. Ở trên mặt đường, rãnh phải sâu độ một gang, còn dưới bãi cỏ chỉ sâu bằng nửa thôi cũng đủ. Lược lấy lớp đất cỏ cho khéo để có thể lấp lại y như cũ. Không được để một dấu vết gì làm lộ công việc của ta.
Trong khi gã gia nhân xẻ rãnh, hai thầy trò đổ hai cái bị vào hố.
Trong hai bị ấy có thuốc súng đựng trong những túi da nhỏ. Họ nện chặt và đắp những cục đá to lên trên. Họ lại bỏ đá dăm và đất vào các kẽ hở giữa những cục đá to rồi dầm thật chặt.
Gã gia nhân đã đào rãnh đến tận cây lê dại và đang lấy đá lát bờ rãnh. Dây ngòi đặt chạy dài trong rãnh đó. Họ dùng vải dầu và đá dẹt phủ từ đầu đến cuối dây để mưa cũng không thể thấm ướt được.
- Thưa cha. - Gã gia nhân hớn hở nói. - Bây giờ con đã biết cái gì đang sửa soạn ở đây.
- Cái quái gì thế, hở Gianốt?
- Một kẻ nào đó sắp được bay lên trời tại chỗ này.
- Ngươi nghĩ gì, ai nào?
- Ai ấy à? Cũng dễ đoán thôi. Ngày mai hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi qua đây.
- Hôm nay chứ. - Mục sư nhìn lên bầu trời đang rạng dần, đáp lại. Rồi ông rút khăn lau bộ mặt nhẽ nhại đầy mồ hôi.
Khi mặt trời lên soi tỏ con đường, cái hố và cái rãnh đã không còn để lại dấu vểt gì nữa.
Mục sư ném cái cuốc sang bên, bảo gã gia nhân:
- Gianốt ơi, con hãy cưỡi ngựa lên đỉnh Metsec, đến tận chỗ nào mà con có thể nhìn suốt được con đường ấy nhé!
- Con hiểu rồi, cha ạ.
- Ta và cậu học sinh sẽ nghỉ ở đằng sau cây lê dại độ vài ba chục bước. Con chú ý xem lúc nào đội quân Thổ đến. Khi thấy bóng tên thám mã đầu tiên, lập tức phải phóng về đánh thức chúng ta dậy.
Ông và cậu học sinh tìm một chỗ tốt trong bìa rừng, họ trải áo khoác xuống và cả hai đều lập tức ngủ thiếp đi.
* * *
Đến trưa, gia nhân từ trên đỉnh núi phi ngựa xuống.
- Chúng nó đến rồi. - Gã kêu lên từ đằng xa. - Một đạo quân đông kinh khủng đang trẩy đến! Như sông như biển ấy! Trăm nghìn vạn lạc đà với lại xe tải. Một vài tên thám mã đã đến trước đường cái rồi.
Mục sư quay sang bảo cậu học sinh:
- Nào, bây giờ chúng ta có thể đi ăn trưa ở chỗ ông bố kia của con được...
- Đằng ông Xexey ấy à?
- Đằng ấy.
Cậu học sinh nhìn mục sư vẻ dò hỏi. Gã gia nhân cũng thế. Mục sư mỉm cười:
- Chúng ta đã đến sớm một ngày. Con không hiểu ư? Đây là bọn lính hành doanh. Bọn này đi trước lập trại để khi nào toàn quân đến Môhát [44] ) thì chỗ nằm và cơm nước đã có sẵn.
- Thế thì ta đến chỗ ông bà Xexey thôi. - Cậu học sinh hớn hở nói.
Khi đến bên dòng suối, họ xuống ngựa, rửa ráy sạch sẽ. Cậu học sinh hái được một bó hoa rừng.
- Cho ai đấy, Gergey?
- Cho vợ con. - Gergey nhoẻn miệng cười.
- Vợ của con?
- Đấy là chúng con đã quen nói như vậy. Cô bé Xexey Evo ấy mà, cô ấy sẽ là vợ con đấy. Chúng con đã từng sống thời thơ ấu với nhau, sau đó vì ông bố nhận con làm con nuôi nên lần nào về thăm con cũng phải hôn cô ấy.
- Ta tin rằng con vẫn hằng vui lòng làm việc đó.
- Con cũng vậy. Má cô ấy y như hoa cẩm chướng trắng…
- Như thế thì chưa thể khẳng định được con có thể coi cô ta như vợ.
- Ông giáo sĩ già bảo rằng họ đã định gả cô ấy cho con. Theo chúc thư của ông Xexey, thì cùng với cô gái, cả làng ấy cũng sẽ thuộc về con.
- Thì ra ông giáo sĩ đã để lộ bí mật.
- Không phải đâu, ông ấy chỉ dặn con phải cố gắng sao cho xứng đáng với diễm phúc ấy.
- Con sẽ sống hạnh phúc với cô gái ấy chứ?
- Thầy phải trông thấy cô ấy đã. Nếu thấy rồi thầy sẽ không hỏi con như thế nữa đâu.
Con ngựa vấp một cái và chạy lên phía trước vài bước.
- Cô ấy chẳng khác gì một con mèo trắng nhỏ. - Cậu tiếp, sau khi đã ghìm ngựa lại.
Mục sư mỉm cười. nhún vai.
Họ đã đi vào khu rừng rậm và phải xuống ngựa. Gergey đi lên trước. Cậu biết dải rừng rậm này vẫn che khuất làng.
Khi họ phi ngựa xuống thung lũng, đám phụ nữ từ nhà chạy cả ra:
- Gergơ! Đúng cậu Gergơ kia rồi! - Họ mừng rỡ kêu lên.
Gergey vẫy mũ hết bên này sang bên nọ:
- Chào thím Luxi! Chào bà Ponni!
- Gia đình tôn ông không có nhà đâu! - Một mụ kêu lên.
Gergey cụt hứng. Cậu dừng ngựa lại:
- Thím nói gì thế, thím ơi?
- Họ đi rồi. Họ dọn đi rồi.
- Đi đâu?
- Lên Buđo.
Gergey ngẩn người:
- Cả nhà ư?
Ôi niềm hy vọng ngây thơ! Cậu ta tưởng rằng mọi người sẽ trả lời như sau:
- Không đâu, tiểu thư vẫn còn ở lại.
Thật ra như bạn đọc cũng có thể thấy trước, người ta trả lời thẳng thế này:
- Dĩ nhiên là cả nhà. Đến cụ giáo sĩ của chúng tôi cũng đi cùng với họ rồi.
- Họ đi từ bao giờ ?
- Từ sau ngày lễ thánh Giooc.
- Nhưng vẫn phải có ai ở nhà chứ?
- Có tên Thổ.
Gergey tiu nghỉu, quay sang mục sư:
- Họ đi Buđo rồi. Từ lâu  Đức cha Giorgio đã cho họ một cái nhà ở đó. Nhưng con không hiểu sao họ không nói với con về việc này, mặc dù kỳ vũ hội cuối mùa đông [45] con có về đây.
- Vậy thì ta không được ăn trưa.
- Sao lại không ạ, vẫn còn tên Thổ ở nhà.
- Tên Thổ nào?
- Tên Thổ của Xexey, tên là Tulipan. Hắn là tên đầu sai ở đây. Nhưng nghĩa trang đây rồi. Con xin phép rẽ vào đây một lát. Mẹ con ở đây.
Một nghĩa trang chỉ lớn bằng khu vườn, có hàng rào tử đinh hương bao quanh, hiện ra đằng sau ngôi nhà. Trong nghĩa trang đầy những thánh giá bằng gỗ đẽo sơ sài. Không ngôi mộ nào có bia.
Cậu học sinh giao ngựa cho gã gia nhân rồi bước vội vào. Cậu đứng lại bên một cây thánh giá bằng gỗ màu nâu đã hơi lún xuống, đặt bó hoa rừng lên mộ và quỳ xuống.
Mục sư cũng xuống ngựa đến quỳ bên cạnh cậu học sinh và ngửa mặt lên trời cất tiếng cầu nguyện:
- Đức chúa ở thiên đình, vị chúa tể của mọi linh hồn sống cũng như chết, xin hãy ban giấc mơ yên tĩnh cho người mẹ hiền đang nằm nghỉ nơi đây, xin hãy ban cuộc sống hạnh phúc cho đứa bé mồ côi đang quỳ gối nơi đây.
Rồi ông kéo cậu học sịnh vào sát mình và hôn cậu.
Nhà của lãnh chúa gần như đối diện với nghĩa địa. Cánh cổng lúc đó đã mở toang, một mụ đàn bà tròn như hạt mít, nước da đỏ đắn, chào đón những người mới đến với nụ cười thân thiện.
- Chào mụ Tulipan. Chồng mụ đâu rồi? - Cậu học sinh chào hỏi thế vì mở cổng vốn là việc của Tulipan.
- Anh ấy đang say. - Mụ trả lời, giọng vừa ngượng vừa bực.
- Say à ?
- Thì lúc nào mà anh ấy chả say. Tôi có giấu chìa khóa kho vào đâu đi nữa, anh ấy vẫn mở nó ra được. Hôm nay tôi đã giấu xuống dưới cối xay đậu, thế mà anh ấy vẫn tìm ra.
- Đã thế thì đừng có giấu diếm nữa, mụ ạ. Nếu uống được bình thường, hắn sẽ không uống nhiều như bây giờ nữa đâu.
- Lại không ấy. Anh ấy uống như một con bò mộng! Anh ấy chỉ uống rượu với hát nghêu ngao suốt ngày thôi. Cái đồ trời đánh ấy không muốn làm lụng gì cả!
Dưới bóng cây dâu có một nông phu nước da nâu đang ngồi xếp bằng trên chiếu, trước mặt y để một cái bình tráng men xanh. Y chưa say đến mức có thể lấy bình rượu của y đi được. Y ngồi với thằng con trai, một đứa bé lên sáu, đi chân đất, mắt cũng đen láy y như bố nó, chỉ khác mỗi điểm là mắt bố nó lúc nào cũng như đang cười vì một ý nghĩ tinh nghịch ngấm ngầm nào đó.
Đó chính là tên Thổ mà Xexey đã tha chết vì thấy y trả lời rằng có biết đánh cờ. Về sau thực tế đã chứng tỏ rằng đấu cờ với y quả là chẳng bõ, nhưng có thể dùng y vào tất cả mọi việc trong nhà. Đặc biệt y có thể làm bếp rất giỏi. Cha y đã từng làm đầu bếp cho một basa [46] nào đó. Các mụ đàn bà rất thích y vì y bày cho họ cách nấu các món ăn Thổ Nhĩ Kỳ như pilaps, borec, malebi, xơbetec và đú đởn với y khá nhiều. Còn Xexey thích y vì y đã đẽo cho lão một cánh tay gỗ có đủ cả năm ngón. Nếu lão đeo găng tay vào, không ai còn dám bảo đó là tay gỗ nữa. Trước hết lão thử bắn cung. Lão sai người lấy trên trần nhà xuống một cái cung dài cũng bằng người lão vậy. Với bàn tay gỗ ấy lão đã giương được cung. Thế là từ đó lão cất nhắc tên Thổ lên làm tên đầu sai.
Hồi đó có một mụ vợ trẻ Hung vừa bị góa chồng, tên Thổ bèn đến sưởi ấm với chị ta; sau đó thì lấy làm vợ. Tất nhiên trước đó y phải cải đạo. Y đã trở thành một người Hung ngoan đạo như thể y đã sinh ra trên mảnh đất này vậy.
Vừa thoáng thấy cậu học sinh và mục sư, y đã đứng dậy vòng tay lại trước ngực theo cung cách Thổ. Y định cúi mình chào, nhưng lập tức y cảm thấy việc đó nhất định sẽ kết thúc bằng một cái ngã ngập trán, vì vậy y đành chỉ biểu thị lòng tôn kính bằng cách bước một bước loạng choạng về phía trước.
- Ê, Tulipan ơi! - Gergey lắc đầu nói. - lúc nào chúng ta cũng say sưa thế này ư?
- Phải uống cậu ạ. - Tulipan đứng đắn trả lời nhưng mắt vẫn ngời lên ánh tinh nghịch. - Hai mươi lăm năm làm dân Thổ Nhĩ Kỳ không được uống[47], bây giờ phải bù lại chỗ đó.
- Nhưng anh say thì ai sẽ nấu bữa trưa cho chúng ta?
- Vợ con nó sẽ nấu ạ. - Và y búng ngón tay trở về phía mụ vợ. - Nó nấu được cả món phó mát nữa đấy. Đó mới thực là món ngon tuyệt!
- Nhưng chúng ta thích món pilap[48] cơ.
- Nó nấu được cả món ấy nữa đấy ạ. Nó làm được đấy.
- Thế ông chủ nhà ta đâu?
- Ở Buđo. Có thư về, thế là gia đình ông chủ kéo nhau đi. Ông chủ được người ta cho một ngôi nhà. Tiểu thư xinh đẹp mà ngồi trong cái nhà ấy thì chẳng khác gì một bông hồng giữa vườn hoa xinh xắn.
Cậu học sinh quay sang phía mục sư:
- Nhỡ quân Thổ chiếm được kinh thành thì số phận họ sẽ ra sao?
- Hô hô! - Mục sư ngẩng phắt đầu lên. - Trước tiên phải mất cả nước đã rồi mới mất thành Buđo. Vả lại chưa bao giờ kẻ thù chiếm được Buđo cả.
Thấy Gergey vẫn băn khoăn nhìn mình, ông tiếp:
- Đất nước do thần dân bảo vệ, còn thành Buđo do chính chúa trời phù hộ.
Tulipan mở hết các cửa. Từ các phòng, mùi oải hương hăng hắc bốc ra, mục sư bước vào nhà. Mắt ông dừng lại ở những bức chân dung treo trên tường.
- Có lẽ đây là tôn ông Xexey? - Ông vừa hỏi vừa chỉ vào bức tranh vẽ một người đội mũ sắt.
- Vâng. - Gergey đáp. - Bây giờ chỉ khác chỗ ông không đen như thế này nữa mà đã trắng trẻo hơn.
- Thế còn cái bà mắt hiếng này?
- Bà vợ đấy ạ. Chẳng hiểu lúc người ta vẽ bà ấy có hiếng không nhưng bây giờ thì không hiếng nữa.
- Chắc là một bà chua chát lắm.
- Không đâu ạ. Bà ấy dịu dàng vô cùng. Con đã quen chỉ gọi bà bằng mẹ.
Cậu học sinh cảm thấy mình là chủ nhà bèn nhắc ghế mời mục sư ngồi và giới thiệu những đồ đạc lâu đời với một vẻ mặt sung sướng :
- Thầy hãy nhìn xem: chỗ này Vixo vẫn quen ngồi khi nàng khâu vá. Chân nàng để lên cái kỷ này đây. Đây là cửa sổ nàng vẫn thường đứng nhìn cảnh mặt trời lặn và những lúc đó đầu nàng in bóng lên bức tường kia kìa. Còn bức tranh này do nàng vẽ đấy. Cây liễu bên nấm mồ. Những con bướm là của con vẽ thêm vào. Rồi thầy có biết không, những lúc ngồi trên ghế, nàng vẫn quen ngồi như thế này này. Nàng chống tay thế này, cái đầu nghiêng về một bên, và cười tinh nghịch, tinh nghịch chưa từng thấy.
- Tốt, tốt. - Mục sư mệt mỏi đáp. - Nhưng này, con đi giục bữa trưa đi!
* * *
Buổi tối họ đi ngủ muộn.
Mục sư lấy cớ mình phải viết một vài bức thư nên không ngủ cùng một phòng với học trò. Cậu học sinh cũng lấy giấy và nghiên mực đặt bên cây nến trong phòng. Trước tiên cậu vẽ một bông hoa lưu ly[49] lên trang giấy, sau đó cậu mới viết cho người yêu biết ngôi nhà vắng chủ làm cậu ngạc nhiên đến như thế nào, cậu hỏi vì sao người ta không báo cho cậu biết việc dọn nhà và nếu người ta có báo thì bức thư chắc chắn đã bị thất lạc.
Thời đó, nước Hung chưa có bưu điện. Chỉ có những nhà quyền quý mới thư từ với nhau được. Ai muốn gửi thư từ Buđo đến Ơrecloc chẳng hạn, người đó phải có người chuyển thư riêng.
Sau khi viết xong bức thư, cơn buồn ngủ đè nặng lên mi mắt cậu học sinh, cậu ngả người lên ghế dài bọc da sói và ngủ thiếp đi.
Có lẽ cậu sẽ ngủ đến tận sáng bạch, nếu lúc rạng đông một con bò sữa không rống lên ngay dưới cửa sổ.
Điều đó đã xa lạ đối với cậu. Ở thành Sômôđơ cũng như ở thành Xiget và trong các dinh cơ khác của Torơc Balin, chẳng bao giờ lại có bò rống dưới cửa sổ của cậu. Lúc nào cũng có người hầu đánh thức cậu dậy cùng với các công tử Torơc, và khi họ ăn điểm tâm, mục sư đã chờ họ ở ngoài vườn cùng các thứ sách vở.
Cậu ngồi dậy và dụi mắt. Cậu chợt nhớ ra bài học hôm nay thật đặc biệt: phải cho hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ bay về cõi bồng lai.
Cậu đứng dậy và đến gõ cửa phòng bên cạnh:
- Thầy ơi! Ta đi được rồi.
Không có tiếng trả lời. Gian phòng bên tối om.
Cậu mở một cánh cửa chớp và cánh cửa sổ bằng kính mỏng.
Giường mục sư bỏ trống.
Trên bàn có mấy bức thư trăng trắng.
Gergey sửng sốt lầm bẩm:
- Quỷ quái gì thế này? Giường vẫn nguyên như mới trải.
Cậu vội vã ra khỏi phòng. Ngoài sân, mụ Tulipan mặc váy lót, chân không đang lùa lợn ra bãi.
- Mụ Tulipan ơi, mục sư đâu rồi?
- Cha đi rồi, từ lúc nửa đêm cơ, khi trăng còn chưa sáng cơ!
- Gianôt cũng đi cùng với cha rồi à?
- Không. Anh ta vẫn ở đây. Cha đi bộ một mình.
Cậu học sinh trở vào văn phòng, đầu óc bối rối. Cậu đã linh cảm thấy việc làm của mục sư. Cậu vội vã đi đến bàn.
Giữa mấy bức thư có một bức thư để ngỏ. Hàng đầu viết bằng những chữ rắn rỏi, đậm nét:

Gergey, con yêu quý!

Bức thư này là của cậu. Cậu cầm lên bước tới bên cửa sổ. Nét mực vẫn còn tươi trên trang giấy. Gergey đọc:

Nếu hôm nay con thú dữ đội vương miện đó phải về chầu âm phủ thì đó là sáng kiến và công trạng của con. Nhưng ý kiến của con cũng có phần nguy hiểm. Phần đó con hãy nhường thầy con ạ!
Con đang sống giữa tình thương dạt dào và còn trẻ tuổi. Tính tháo vát, kiến thức và lòng can đảm của con có thể hữu ích nhiều cho đất nước.
Cạnh bức thư của thầy, con sẽ thấy một cái túi nhỏ, trong đó có một cái nhẫn Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là vật báu độc nhất của thầy. Thầy đã để dành cho người mà thầy yêu mến nhất. Của con đấy, con ạ.
Và thầy để lại cho con cả thư trai của thầy nữa. Con hãy đọc sách nếu một ngày kia mây đen đã rút khỏi bầu trời Tổ quốc. Còn giờ đây, gươm dáo mới là thứ đáng đặt vào tay người Hung.
Con hãy trao binh khí của thầy cho tướng công Balin, bộ đá sưu tập của thầy cho Gianốt, bộ hoa sưu tập cho Pheri. Hãy cho mỗi chú một quyển sách trong thư trai của thầy làm kỷ niệm và bảo các chú ấy hãy cố gắng trở thành những tráng sĩ trung dũng như cha, nhưng đừng bao giờ đứng về phe dị giáo mà hãy cùng con gắng sức lập lại vương quyền của dân tộc.
Ngoài ra thầy cũng có viết thư cho các chú ấy, và mong rằng những điều thầy viết sẽ còn lưu lại mãi mãi cũng như ba mảnh linh hồn của thầy đã chia cho cả ba con. 
Lúc thầy đi con đang ngủ. 
Thầy hôn con.

Mục sư GABÔ.

Gergey đứng ngây như phỗng đá, sững sờ nhìn bức thư.
Chết? Cậu bé mười lăm tuổi chưa hiểu nổi chữ đó. Cậu chỉ mới nghĩ đến cảnh tượng khoái mắt khi hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ bị tan xác thành muôn nghìn mảnh trong khói và lửa, và bay lên trong không trung trước mặt cậu.
Cậu đút cái túi đựng nhẫn và bức thư cho vào túi rồi bước ra ngoài. Cậu vội vã đi qua sân, đến chỗ vợ chồng Tulipan ở và gọi y, lúc đó đang đứng vươn vai dưới mái hiên, cậu nói bằng tiếng Thổ:
- Tulipan, bộ quần áo Thổ của anh có còn nữa không?
- Không ạ, bu nó đã phá ra may yếm và may áo cho các cháu rồi.
- Cái khăn tuy ban[50] của anh cũng không còn nữa à?
- Cái ấy bu nó cũng lấy may áo cánh nốt rồi. Thật là một thứ vải mịn.
Cậu học sinh bực bội, đi đi lại lại dưới mái hiên.
- Ta phải làm gì bây giờ? Anh hãy mách giùm ta xem nào. Hôm nay quân Thổ sẽ kéo qua trên đường cái quan. Hoàng đế cũng cùng đi với quân đội. Ta muốn được trông thấy bậc đế vương ấy.
- Hoàng đế ấy à?
- Ừ.
- Cái đó thì có thể được lắm.
Mắt Gergey sáng lên:
- Thật ư? Làm thế nào mà xem được?
- Gần cạnh đường ở quãng này có một, cũng không phải một mà là hai hòn lèn đối diện nhau, cậu chỉ việc trèo lên đỉnh, nấp kín dưới cành cây là có thể thấy rõ cả đoàn quân.
- Thế thì anh mặc quần áo nhanh lên và đi với ta. Bảo vợ anh sắp cho một lẵng thức ăn và anh có thể xách cả bầu rượu theo nữa.
Nghe tiếng bầu rượu anh chàng Tulipan hoạt bát hẳn lên. Y xỏ vội quần áo và hớn hở gọi ra phía sân sau:
- Dulisơca, hằng nga của anh ơi, vào đây mau lên nào.
Mụ vợ đang cho gà vịt ăn, mụ vãi nốt chỗ tấm rồi quay vào:
- Anh muốn gì đấy?
- Cái bầu rượu, viên ngọc quý của anh ạ. Cho anh xin bầu rượu nào!
- Cho anh cái tấm sét nhà trời ấy thì có! Từ trước tới giờ chỉ buổi chiều anh mới nốc, giờ đã muốn bắt đầu từ lúc tinh mơ hay sao?
- Ấy ấy, con cừu non của anh ơi, viên kẹo Xtămbun của anh ơi, có phải anh lấy cho anh đâu mà cho cậu chủ đấy chứ.
- Cậu chủ có uống rượu đâu?
- Tôi không uống đâu. - Gergey lắc đầu cười. - Nhưng chả là chúng tôi có việc phải đi đằng này và có lẽ sẽ còn ở lại đến chiều tối, tôi không muốn để Tulipan phải nhịn khát.
- Anh ấy cũng đi với cậu à? Đi đâu thế, hở cậu?
- Chúng tôi đi xem đoàn quân Thổ đây, thím Duli ạ. Hôm nay chúng nó kéo qua Metsec.
Mụ đàn bà sửng sốt:
- Đi xem quân Thổ ấy à? Cậu chủ bé bỏng ơi, cậu đừng có mà ra đấy!
- Nhất định phải đi chứ! Tôi cần phải xem một tí mới được.
- Ôi, cậu yêu quý, cậu sắp sửa đi vào chỗ nguy hiểm biết mấy. Cậu nghĩ vẩn vơ gì thế?
- Tôi đã bảo một là một, hai là hai. - Gergey sốt ruột nói. - Chúng tôi không xin lời khuyên can, chỉ xin rượu thôi.
Thấy cậu chủ đã giậm chân giậm cẳng, mụ chạy tọt vào nhà, nhưng lại quày quả trở ra, mặt sưng sỉa:
- Cậu muốn đi đâu thì cậu đi, con chả tiếc, con không ra lệnh cho cậu được. Nhưng Tulipan thì không được đi, con ra lệnh cho anh ấy đấy.
- Làm gì có chuyện ấy. - Tulipan đáp.
- Anh phải ở nhà, hiểu chưa?
- Tulipan phải đi với tôi. - Gergey lại sốt ruột nói.
- Thức ăn thì anh người hầu của cậu đem đi cũng được. Thế người hầu để làm gì nếu không hầu hạ?
Bản thân gã gia nhân Gianốt cũng đang nghĩ như vậy. Và kia, anh đã khoác tay nải lên sau khi cho ngựa uống nước.
Tulipan đã bắt nọn được vẻ bồn chồn của mụ vợ nên y cố kéo dài câu chuyện:
- Tôi nhất định đi đấy, bu nó ạ! Tôi mà không đi thì cứ xin mù cả hai mắt. Ở nhà thì cũng phải khấn vái hết lời mới họa hoằn được bu nó thí cho ít rượu chứ quý hóa gì. Bu nó chẳng phải là bà vợ tốt.
Mụ vợ tái mặt:
- Quân Thổ mà trông thấy, chúng sẽ bắt anh đi mất.
- Thì đã sao?
- Anh nỡ bỏ hai đứa bé xinh xắn này lại đây, với cả tôi nữa ư? Ôi lạy chúa cứu thế!
- Nhưng một khi bu nó đã không cho tôi rượu thì còn ở nhà làm gì? Chưa kể hôm thứ năm vừa rồi bu nó còn đánh tôi nữa.
- Tôi sẽ cho, thầy nó ạ, muốn bao nhiêu cũng được, chỉ cần thầy nó đừng bỏ tôi mà đi!
Mụ đã bắt đầu sụt sịt.
-Thế thì được, bu nó đừng có quên lời đã hứa trước mặt cậu chủ đấy nhé. Tôi chỉ đưa cậu chủ đi rồi tôi về ngay. Nhưng phải có rượu cho tôi đấy nhé!
- Từ nay về sau lúc nào cũng có.
- Nếu bu nó cứ để yên cho tôi uống, tôi sẽ chẳng say đâu. Sở dĩ tôi hay say bí tỉ là vì tôi cứ sợ hôm sau bu nó sẽ không cho tôi uống nữa.
Mụ vợ nghe nói thế đã tạm yên lòng bèn đi sửa soạn thức ăn. Tuy vậy, khi đưa chồng ra đến cổng mụ vẫn sụt sịt và đứng trông theo với một vẻ đầy lo âu khiến anh chàng Tulipan sướng phổng cả người.
* * *
Gianốt đi theo họ đến chỗ rừng rậm, đến đó họ xuống ngựa. Gianốt dắt ba con ngựa về làng, còn họ tiếp tục đi bộ.
Hòn lèn ấy ngày nay vẫn đứng cạnh đường, cao chừng năm tầm người. Đứng trên đỉnh hòn lèn, có thể nhìn suốt con đường cái, đến tận chỗ cây lê dại, nơi mục sư đang nấp kín.
Tulipan bẻ một chùm cây rậm lá, ngụy trang quanh mỏm hòn lèn để hai người có thể nhìn thấy tất cả, nhưng đứng bên dưới, không ai có thể nghi họ ẩn nấp trên đó.
- Ta cắm cả một cành cây ra chỗ kia nữa, về đằng phía bắc ấy. - Gergey bảo.
- Để làm gì ạ?
- Để nếu xuntan đi qua phía ấy thì chúng ta có thể quay sang mà xem.
Lúc đó mặt trời vừa mọc. Sương còn ướt đẫm cánh rừng. Đàn chim sáo hót líu lo, bầy bìm bịp kêu ồ ồ. Đằng xa, về phía Pêts, những tên thám mã đầu tiên đã tung bụi trên đường.
Một đám bụi kéo dài dằng dặc xuống tận thành phố Pêts. Cuối cùng, từ trong đám bụi mù một lá cờ đỏ tươi màu ớt chin hiện ra trước mắt họ, rồi hai cái, nam cái và mỗi lúc một nhiều. Bên dưới và đằng sau từng cờ đó là những toán lính Arập cưỡi ngựa, đầu đội Tuyban cao như cái tháp. Những con ngựa thấp bé đến nỗi chân của một vài tên lính đã gần chạm xuống đất.
- Đây là tụi gurebac. - Tulipan giải thích, - tụi này bao giờ cũng đi đầu, chúng không phải dân Thổ chính tông.
- Thế thì là dân nào?
- Dân Arập, Ba tư, Ai cập, đủ các loại ô hợp.
Bọn lính ấy quả có vẻ như thế thật. Ngay cả binh phục của chúng cũng không thống nhất. Có tên đội một cái mũ to tướng có chóp đồng lấp lánh, mũi của hắn không con nữa. Thằng này đã từng đến đất Hung.
Một tiểu đoàn khác theo sau gót chúng với một lá cờ trắng sọc xanh lá mạ. Đó là một đơn vị mặc quần xanh, da sạm nắng. Nét mặt chúng vẫn lộ vẻ phè phỡn của bữa chén tối hôm trước.
- Đây là tụi uluphejich, - Tulipan nói. - một bọn lính đánh thuê. Chúng làm cảnh binh trong các trại quân. Lương thảo cũng do chúng hộ tống. Cậu có trông thấy cái tên bụng phệ mà trán bị giập kia không ? Nó có những cái cúc đồng to tướng trên ngực áo ấy...
- Có.
- Tên hắn là Tuyno, tiếng Hung nghĩa là sếu. Nhưng người ta thường gọi hắn là lợn.
- Tại sao thế ?
- Có lần con đã thấy nó ăn thịt nhím. - và Tulipan nhổ một bãi nước bọt.
Theo sau chúng là tiểu đoàn lính cờ vàng. Vũ khí của bọn này sáng loáng. Ngựa của viên aga [51] cũng hãnh diện đeo một tấm lá chắn vẩy cá bằng bạc ở trước ngực.
- Đây là tụi xiliđa. - Tulipan lại giải thích. - Cũng là một bọn lính đánh thuê. Chà, bọn lưu manh đáng treo cổ! Tao đã từng lăn lộn với chúng mày hai năm trời!
Tiếp đó là bọn xpahi[52] cờ đỏ, đeo cung tên, võ quan của chúng mặc áo giáp sắt, đeo gươm cong, bản rộng. Sau đó đến bọn Tácta đội mũ nhọn, toàn những tên béo tốt, mặc áo da, ngồi trên yên gỗ.
- Một nghìn... hai nghìn... năm nghìn... một vạn. - Gergey lẩm nhẩm đếm.
Tulipan khoát tay nói:
- Cậu đếm làm gì cho mệt xác. Bọn này có thể đến vài vạn đứa.
- Cái dân mặt to bành bạnh, xấu xí quá.
- Đến dân Thổ cũng kinh tởm chúng. Chúng ăn cả thủ ngựa đấy.
- Thủ ngựa ấy à?
- Dù không có đủ cho tất cả chăng nữa, chúng cũng cứ để một cái lên bàn.
- Luộc hay thui?
- Giá mà luộc hay thui thì còn nói làm gì. Đằng này chúng cứ ăn sống mới gớm chứ. Những quân cẩu trệ này đến trẻ lọt lòng chúng cũng chẳng tha. Cậu nên biết chúng moi cả mật người.
- Đừng nói chuyện rùng rợn ấy nữa!
- Nhưng một khi đã có thật như vậy thì sao. Cậu nên biết, bọn chúng vẫn cho rằng nếu dùng mật người xát vào ức ngựa thì dù ngựa có mệt đến đâu cũng sẽ hồi sức lại.
Gergey rợn tóc gáy rụt đầu lại dưới mấy cành cây.
- Ta chẳng nhìn chúng nó nữa, bọn chúng nó là thú dữ chứ có phải người nữa đâu.
Nhưng Tulipan vẫn cứ tiếp tục theo dõi chúng. Độ mười lăm phút sau y lại lên tiếng.
- Bêi [53] Nisanji đã đến. Ông này thường viết tên của Padisa [54] lên các chiếu chỉ.
Gergey nhìn xuống. Cậu thấy một tên Thổ đầu cá trắm, ria dài, có vẻ oai vệ, ngồi đĩnh đạc trên mình con tuấn mã cộc đuôi, đi giữa đám lính.
Sau đó đến tên đeptađa là thượng thư bộ hộ [55] của triều đình Thổ, một tên Arập tóc đã nhuốm bạc, lưng còng. Đi sau hắn, giữa một đám lính khác là tên kaziátke mặc áo thụng dài màu vàng, đội mũ trắng có chỏm cao. Đó là tên chánh tòa án binh. Những tên tsanegia, tức là những tên lính hầu dọn bàn ăn, bưng thức ăn cho hoàng đế, và đội ngự lâm đi theo sau hắn. Người tụi này đã lấp lánh những vàng.
Tiếng quân nhạc Thổ Nhĩ Kỳ đã vọng đến. Giữa tiếng kèn đồng lanh lảnh và tiếng xập xèng của não bạt, một đoàn quân sặc sỡ hiện ra và tiếp tục trẩy đi. Đó là đội lính đi săn của nhà vua, bờm ngựa chủa chúng nhuộm đỏ và mỗi đứa đều mang một con con chim ưng trên vai.
Sau đội lính săn đến bầy ngựa giống của hoàng đế. Những con tuần mã rất hăng, biết khiêu vũ; một vài con đã thắng sẵn yên cương. Bọn lính ngự lâm và ionisa dắt đoàn ngựa đi.
Đằng sau bọn mã phu đó, những lá cờ đuôi ngựa phấp phới trên đường: ba trăm tên kaputski, tất cả đều đội mũ trắng viền kim tuyến. Chúng là lính thị vệ của xuntan.
Qua đám bụi mù, một đoàn dài lính ionisa thấp thoáng trên đường. Chẳng bảo lâu đã thấy rừng mũ trắng của bọn lính điểm màu đỏ của mũ võ quan, xen lẫn binh phục màu xanh.
- Xuntan còn xa nữa không? - Gergey hỏi.
- Chắc còn xa lắm. - Tulipan đáp. - bọn ionisa ít nhất cũng đến hàng vạn. Sau đó còn đến bọn lính cẩm vệ và đủ các thứ triều thần khác nữa.
- Vậy ta lui ra sau nhấm nháp cái gì đã.
Hòn lèn che khuất giữa họ và đoàn quân ở phía Nam nhưng trên đoạn đường dốc đổ về hướng bắc, họ vẫn có thể thấy bạt ngàn lính tráng đang trẩy xuống thung lũng.
- Ta muốn ngủ một giấc nữa cũng được. - Tulipan đưa ý kiến và mở cái đẫy ra.
Từ trong đẫy, một cái xích xủng xoảng rơi xuống.
- Cái gì thế này? - Gergey ngạc nhiên hỏi.
- Đây là người bạn thân của con đấy. Không có nó chẳng bao giờ con bước chân ra khỏi làng đâu.
Thấy cậu học sinh vẫn ngớ người nhìn y tỏ vẻ không hiểu, y tiếp:
- Đây là cái xích của con. Mỗi khi ra khỏi làng con lại lồng vào một bên chân. Như vậy con không sợ bọn Thổ nữa, vì bọn chúng sẽ không bắt mà còn giải thoát cho con. Đến tối con lại tự mở xích trốn về. Bây giờ đã đến lúc nên đeo xích vào. Chìa khóa của nó đây, cậu hãy bỏ vào túi. Nhỡ có việc gì xảy ra, ta sẽ khai là gia nhân của Tơrơc Balin, con là tù binh, cậu là học sinh. Tướng công Balin thuộc phái liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ nên chắc chúng sẽ không làm ngặt đâu. Rồi tối đến, con sẽ cứu cậu ra và chúng ta cùng trốn về.
- Anh mưu trí thật!
- Con cũng nghĩ vậy đấy! Những lúc tỉnh rượu con còn cao mưu hơn cả bu chúng nó nữa cơ.
Bánh mì mới nướng, giò lợn hấp và thịt mỡ ướp cùng một ít ớt xào lần lượt được lôi ra khỏi đẫy. Cậu học sinh ăn thịt giò hấp còn Tulipan vớ lấy tảng thịt mỡ ướp, rắc muối và đặt ớt xào lên.
- Giá tụi này mà trông thấy! - Y nói và hất đầu ra hiệu.
- Thì sao?
- Người Thổ uống được rượu vang, nhưng thịt mỡ thì họ kinh tởm như ta tởm thịt chuột ấy.
Gergey cười. Tulipan rướn lông mày lên và tiếp:
- Nhưng chúng nó đâu có biết thịt mỡ ướp kẹp với ớt xào là một món ăn thần tiên đến thế nào! Con cho là Môhamét cũng chưa hề được nếm món ăn này.
- Thế làm dân Hung thích hơn làm dân Thổ à?
- Kẻ nào không thích làm dân Hung là ngốc!
Y vuốt bộ ria đen, mềm như tơ và bưng bầu rượu lên tu. Y chìa cho cậu học sinh nhưng cậu lắc đầu:
- Có lẽ để chốc nữa hẵng.
Cậu thò tay vào túi áo và lôi cái túi nhỏ ra:
- Tulipan, anh có biết cái nhẫn này không?
- Không. Nhưng con thấy nó đáng giá bằng cả một con ngựa. Những hạt ti ti này là cái gì đây? Kim cương à?
- Kim cương đấy.
- Vậy thì nên nhìn. Con nghe nhiều người đồn là nhìn vào kim cương thì mắt sẽ sáng ra.
- Anh có đọc được chữ này không?
- Sao lại không! Con đã từng là ionisa. Con đã học hết trường huấn luyện ionisa.
Và y đọc:
- Ha massallah la hakk ve la kuvvet il a bilah el ah el azim. Tiếng Hung nghĩa là không có chân lý và sức mạnh nào ngoài Chúa Trời thâm nghiêm.
Y lại gật đầu:
- Đúng thế thật. Nếu Chúa Trời không muốn, con đã không thể trở thành người Hung.
Họ im lặng suy nghĩ. Tulipan lại lên tiếng:
- Rồi cậu sẽ thấy xuntan, thực là một con người cương nghị. Quần thần của ngài lòe loẹt nhưng bản thân ngài chỉ mặc triều phục mỗi khi có lễ lạt hoặc khi tiếp khách. Sau xuntan sẽ đến một rừng cờ lớn, phần nhiều đều là cờ đuôi ngựa. Sau nữa là một trăm lính kèn. Chúng đeo kèn bằng dây chuyền vàng đấy cậu ạ. Sau toán lính kèn đến hai trăm cái trống con, một trăm trống đại và hai trăm não bạt, một trăm xập xoèng và tiêu.
- Chắc tai của xuntan phải tốt lắm mới chịu được cái mớ tạp âm đó suốt ngày.
- Cái âm nhạc ấy thì kinh khủng thật, chỉ khi nào đoàn quân dừng lại nghỉ chúng mới im lặng. Nhưng cái đó cũng cần cho quân Thổ, đặc biệt là khi lâm trận. Nếu không trống khống kèn thì quân Thổ sẽ chẳng đánh đấm gì cả.
- Này, có đúng là chúng nó đào tạo bọn ionisa từ lũ trẻ gia tô giáo không?
- Chả đúng đâu. Có điều quả thật là những đứa trẻ bị cướp về đã trở thành những tên ionisa cừ khôi nhất. Cái bọn không cha không mẹ ấy coi việc ngã xuống giữa trận tiền là vinh dự.
- Hết quân lính sẽ đến cái gì nữa?
- Một bầy khố rách áo ôm. Sau nữa là bọn làm xiếc đi trên dây, bọn làm trò ảo thuật, bọn thầy bói và bọn buôn lậu, những tên rình đón chiến lợi phẩm và buôn bán đủ các thứ tạp nhạp. Rồi cậu còn thấy rất nhiều thùng đựng nước nữa cơ; ít nhất cũng phải năm trăm lạc đà chở nước.
- Thế là hết à?
- Chưa. Sau đó còn đến hàng trăm đoàn xigan ốm đói cùng đàn chó hoang. Bọn này sống bằng đồ thừa mứa. Nhưng chỉ ngày mai hoặc ngày kia bọn chúng mới tới đây.
- Và sau nữa?
Tulipan nhún vai:
- Quạ.
- ?
- Đủ các loại: diều hâu, quạ đen, quạ khoang. Sau các đoàn quân bao giờ trên trời cũng có cả một bầy đen ngòm. Đôi khi còn đông hơn cả người.
Mặt trời buổi trưa chiếu nóng bức. Cậu học sinh cởi áo ngoài ra. Họ lại nhoi lên đỉnh hòn lèn, rúc vào giữa đám cành lá, nhìn lên những tên ionisa mũ trắng đang trẩy qua bên dưới.
Tulipan điểm tên nhiều đứa trong bọn chúng.
- Cái thằng đen đen này cùng học với con trong trường đấy. Ngực nó bị một nhát đâm, bây giờ vẫn còn cái hõm to và sâu đến nỗi nắm tay một đứa bé có thể nhét lọt vào đấy. Còn cái thằng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vừa trật tuyban xuống kia kìa, ít nhất nó cũng đã giết hàng trăm mạng trong cuộc chiến tranh Batư. Trên người nó chưa có vết thương nào, chả biết từ đó tới nay nó đã bị chưa? Còn cái thằng gầy gầy õng ẹo kia kìa: nó là một tên phóng phi tiêu cừ khôi đấy. Cách hăm lăm bước nó đã có thể phóng ngập kiếm vào ngực địch thủ rồi. Tên nó là Chopken. Ngoài nó ra còn nhiều thằng như thế. Trong trường ionisa có một gò đất ngập cỏ. Chúng nó tập phóng kiếm ở đó. Có đứa tập phóng đến vài nghìn lần trong một ngày.
- Còn tên da đen kia?
- Ơ này, mày cũng còn sống đấy ư, hở Kétsơkin già?! Nó mới thật là tay bơi cự phách. Ngậm gươm vào mồm, thế là nó vượt qua sông, dù sông rộng đến mấy nó cũng vượt qua như thường.
- Chuyện đó thì người Hung cũng vẫn làm luôn.
- Có thể. Duy thằng này không hề mệt. Nó có thể lặn xuống mò đồng tiền ở dưới đáy nước lên. Xuntan đã có lần giải trí với nó bên bờ sông Đuno đấy. Ngài ném tiền vàng xuống sông và bao nhiêu đứa đã nhảy theo, nhưng thằng này mò được nhiều nhất. Ơ này, thằng già Kalen! Cái đứa mũi khoằm, tay chân hộ pháp kia kìa! Cậu có thấy thanh mã tấu rộng bản, bao nâu nâu đeo bên sườn hắn không? Hai mươi lăm bảng[56] đấy nhé! Trong trận Bengrat, với thanh mã tấu ấy nó đã bổ một nhát vào đầu một người lính Hung mạnh đến nỗi chẳng những đầu anh ta mà cả đầu con ngựa của anh ta nữa cũng bị đứt phăng. Thế mà cả hai đều bọc sắt đấy nhé!
- Và hẳn là lúc đó anh lính Hung đã xuống ngựa nhặt đầu của mình lên.
- Quả thật chuyện ấy thì con không thấy, con chỉ nghe nói thôi. - Tulipan thanh minh.
Bỗng nhiên y giật thót người.
- Con nằm mơ chăng? Yumusac.
Mà thật, tên ionisa mắt chột, người Arập, mặt cau có, đang tiến bước về phía họ trên mình một con ngựa chiến thấp, ức nở. Trang phục của hắn sang trọng hơn của những tên khác. Một cái lông đà điểu to tướng phất phơ trên cái mũ trắng có chỏm cao của hắn.
- Nó thật, Trời ạ! - Gergey cũng sửng sốt cả người.
- Thế sao người ta bảo ông mục sư đã treo cổ nó?
- Ta cũng được biết như thế.
- Mục sư không nói về chuyện đó à?
- Không.
- Thật không thể hiểu được. - Tulipan ngây người nhìn theo tên ionisa.
Sau đó hai con người ngạc nhiên ấy liếc mắt nhìn nhau dường như mỗi người đều chờ đợi một sự giải thích của người kia, nhưng họ đều im lặng.
Khoảng năm phút sau, cậu học sinh mới lên tiếng:
- Nói thật đi, Tulipan, anh không muốn trở lại với chúng nó ư?
- Không đời nào. - Tulipan trả lời một cách dứt khoát. - Dù chưa vợ chưa con gì cũng không. Huống hồ vợ con là một mụ đàn bà tốt, còn hai đứa con của con thì dù có đổi lấy tất cả châu báu của Côngxtăngtinốp con cũng không đổi. Thằng nhỏ rất kháu. Còn thằng lớn thì thông minh đến nỗi một ông giáo chủ cũng chưa chắc đã nhiều mưu trí hơn. Hôm nọ nó vừa hỏi con - nó hỏi chứ: “Tại sao ngựa không có sừng hả bố?”.
- Họa có người Tácta mới biết! - Gergey bật cười.
Họ không nói gì nữa. Cậu học sinh quan sát đoàn ionisa lũ lượt kéo qua vô tận trên con đường núi với nét mặt mỗi lúc một nghiêm nghị hơn.
Không gian đã trở thành một biển bụi.
Tiếng lách cách của binh khí, tiếng rồn rập của vó ngựa khiến người ta ù tai choáng óc, thế mà thỉnh thoảng một toán quân nhạc còn réo vang lên trong khúc ngoặt dưới thung lũng.
Cậu học sinh bỗng ngửng phắt đầu lên:
- Tulipan này, ngần này người đến đây hẳn không phải là vô cớ.
- Vô cớ thì người ta chẳng bao giờ đi.
- Bọn này muốn chiếm Buđo đây!
- Có thể lắm. - Tulipan thờ ơ đáp.
Cậu học sinh tái mặt nhìn y và hỏi:
- Nhỡ tự dưng xuntan bị chết giữa đường thì sao?
- Ngài không chết đâu.
- Nhưng nếu nhỡ...
Tulipan nhún vai nói:
- Bao giờ ngài cũng đem các hoàng tử đi theo.
- Vậy ông ta là con rồng ba đầu sáu tay.
- Cậu bảo gì cơ?
Đáng lẽ trả lời, Gergey lại hỏi:
- Anh nghĩ thế nào, chúng nó đi từ đây đến Buđo mất mấy ngày?
- Nếu trời mưa, chúng nó sẽ dừng lại vài ba ngày, cũng có khi hàng tuần.
- Nhưng nếu không mưa?
- Nắng quá chúng nó cũng nghỉ.
Cậu học sinh bồn chồn gãi cổ.
- Vậy thì ta có thể vượt trước chúng nó.
- Cậu bảo gì ạ?
- Ta bảo là nếu bọn này đi Buđo thì hoặc là ta phải đem gia quyến Xexey về đây, hoặc ta phải ở đó bên cạnh họ.
Tiếng ầm ầm của đoàn quân mới tới át hẳn lời họ. Đội ngũ dài dằng dặc của bọn ionisa đã qua hết và đến lượt một đoàn quân cờ vàng, mũ cắm lông đà điểu, trang phục rực rỡ. Một tên hộ pháp tuổi đã trung tuần, dáng dấp đường bệ, cao vượt hẳn đoàn quân.
Quân lính mang hai lá cờ trên ngọn có chùm đuôi ngựa dài màu đỏ đi phía trước, cán cờ mạ vàng lấp lánh.
- Đây là xuntan! - Gergey rùng mình thốt lên.
- Không phải đâu. - Tulipan phẩy tay. - Đây chỉ là aga của bọn ionisa. Những người lòe loẹt xung quanh ông ta toàn là iaia-basi.
- Iaia-basi là cái quái gì?
- Võ quan ionisa.
Một đội quân rực rỡ tiếp theo giữa những hàng kích cán mạ vàng. Hai người trẻ tuổi nét mặt bình thản cưỡi ngựa đi ở giữa, cả hai con ngựa đều màu xám.
- Các hoàng tử của xuntan đấy. - Tulipan giải thích với một vẻ kính cẩn. - Môhamét và Xelim.
Nhưng liền sau đó y lại nhún vai:
- Quỷ tha ma bắt chúng nó đi!
 Cả hai hoàng tử đều rám nắng, họ không giống nhau nhưng có vẻ hợp nhau.
- Ơ này, iaia-ôclu Môhamét đi kia kìa!
- Viên pasa tiếng tăm lừng lẫy ấy à ?
- Vâng.
Viên pasa râu xám, ánh mắt đường bệ, đi đằng sau các hoàng tử. Phía trước lão, quân lính vác bảy lá cờ trên ngọn có chùm đuôi ngựa. Đầu lão đội một cái tuyban trắng xếp không biết bao nhiêu lớp.
- Ông này là bố thằng Yumusac đấy.
- Vô lý.
- Nhưng mà thật đấy. Lúc nãy một đứa con trai khác của lão cũng vừa đi qua, bêi Arơxơlan.
- Thế Yumusac là cái tên gì ?
- Một cái tên thộn. - Tulipan trả lời và buồn tình rứt một cọng cỏ đưa vào mồm nhấm.
Một đội quân mang chùy vàng và bạc, đội tuyban cao phát khiếp, đi tiếp đến.
Cậu học sinh run rẩy, cậu cảm thấy xuntan sắp đến, cậu khấn:
- Lạy Đức Chúa vạn linh vạn ứng của dân Hung, hãy phù hộ chúng con!
Vô vàn binh khí bằng vàng bằng bạc và những bộ triều phục sặc sỡ, lấp lánh nhấp nhô trước mắt cậu. Cậu phải đưa tay lên che mắt để nhìn rõ hơn.
Tulipan hích vào sườn cậu:
- Cậu nhìn kia kìa, - giọng của y run run. - ngài đã đến kia.
- Người nào?
- Người có một đạo sĩ đang múa trước mặt ấy.
Đó là một người mặc áo bào màu xám giản dị, cưỡi ngựa đi một mình một hàng. Trước mặt ông ta, một đạo sĩ Hồi giáo đang vừa đi vừa xoay tròn với một tốc độ đều đặn. Đầu đạo sĩ đội một cái mũ bằng lông lạc đà cao đến một cẳng tay rưỡi. Hai tay hắn dang ra, một bàn tay chỉ thiên, một bàn tay chỉ địa. Váy hắn xòe ra như một cái nơm.
- Đạo sĩ quay. - Tulipan giải thích.
- Thế mà hắn và con ngựa không bị chóng mặt?
- Cả hai đều đã quen.
Con ngựa không lúc nào bị vướng chân. Sáu đạo sĩ khác mặc váy trắng đi hai bên để chờ đến lượt thay người đang quay.
- Bảy đạo sĩ này cứ quay tròn như thế trước mặt xuntan từ Côngxtăngtinốp đến Buđo.
Tulipan nói như hét vào tai cậu học sinh kia vì âm thanh hỗn loạn của các thứ kèn, trống, thanh la, não bạt làm họ không thể hiểu nhau bằng cách nào khác nữa.
Xuntan cưỡi một con ngựa Arập thuần giống, tuyệt đẹp. Đằng sau xuntan có hai tên da đen cởi trần vác lọng lông công che cho bậc thiên tử khỏi bị ánh mặt trời thiêu đốt. Tuy nhiên, ở khúc ngoặt trong thung lũng, không trung đã mù mịt và hoàng thượng cũng phải hít bụi như tên lính rách rưởi nhất của ngài mà thôi.
Khi xuntan đi qua dưới hòn lèn, ta có thể thấy thêm hắn mặc áo chẽn bằng vóc đỏ và cái quần ống thụng thắt chẽn ở cổ chân cũng thế. Cái khăn tuyban của hắn màu xanh lá cây. Mặt hắn gầy, má hóp. Dưới cái mũi hẹp, dài, gần như quặp xuống là một bộ ria lưa thưa đã lốm đốm bạc cũng như bộ râu xén ngắn, loăn xoăn ở dưới cằm. Mắt hắn là đôi mắt ốc nhồi.
Gergey đang muốn nhìn kỹ hơn nữa thì bỗng ầm! Một tiếng nổ rung chuyển cả trời đất. Hòn lèn rung lên dưới người họ.
Những con ngựa đứng khựng cả lại. Âm nhạc đứt khúc. Một sự nhốn nháu hoảng loạn. Bụi, đá cuội, những mẩu tay, chân, binh khí và máu từ trên trời rơi xuống như mưa.
Đoàn quân ở phía thung lũng kêu la, nhốn nháo.
- Chết rồi! - Gergey kêu lên và đập hai bàn tay vào nhau. Cậu giương cặp mắt hốt hoảng nhìn trừng trừng xuống thung lũng.
Trong thung lũng, một cột khói đen bốc lên đến tận những đám mây, mùi thuốc súng khét lẹt sặc sụa cả không trung.
- Chuyện gì thế ? - Tulipan khiếp đảm hỏi.
- Chuyện viên tổng binh ionisa không phải là xuntan. - Cậu học sinh trả lời, đầu cúi gục xuống.
* * *
Tiếp sau tiếng nổ là một phút yên lặng choáng váng.
Rồi ngàn vạn tiếng kêu thét, chửi rủa ầm ĩ nổi lên. Đoàn quân nhốn nháo như một tổ kiến bị châm chọc. Tất cả đều chen nhau đến chỗ cột lửa vừa bốc lên.
Ở đó ngổn ngang xác chết và những tên bị thương.
Cả những đứa không ở gần đó lắm cũng hoảng hồn bạt vía. Chúng không hiểu vừa rồi là tiếng gầm của một khẩu thần công mai phục hay chỉ là một xe thuốc súng bị nổ giữa đường.
Nhưng bọn ionisa thì đã biết có kẻ chôn mìn đánh chúng. Chúng ùa vào rừng như một đàn ong bị trêu chọc đi tìm kẻ thù.
Chúng không tìm thấy ai khác ngoài ông mục sư, cậu học sinh và Tulipan. Mục sư đã bất tỉnh nhân sự, máu sùi thành bọt trên môi; quần áo ông dính đầy vụn gỗ mục. Tiếng nổ đã quật đổ cây lê dại và quăng ông ra khỏi hốc cây.
Xuntan ra lệnh đưa ba người bị bắt đến trước mặt hắn.
Hắn xuống ngựa. Quân lính bê đến một cái trống đồng làm ghế ngồi. Một tên quan hầu trải cái áo choàng bằng lụa xanh của y lên làm đệm.
Nhưng xuntan không ngồi. Hắn nhìn Tulipan và hỏi:
- Chúng mày là ai ?
Qua mặt mũi và qua cái xích ở chân Tulipan, xuntan đã nhận ra đó là một tù binh Thổ.
Tulipan quỳ xuống trả lời :
- Muôn tâu Đức cha của mọi tín đồ chân giáo, bệ hạ cũng có thể thấy xiềng xích trên chân con đây: con là nô lệ. Đáng lẽ con cũng là ionisa. Tên con là Tulipan.
- Thế thằng nhãi này?
Cậu học sinh sững sờ cả người, cứ đứng đực ra mà nhìn con người có cặp mắt ốc nhồi, mặt bôi son, mũi bò tót, chúa tể của bao nhiêu triệu người, kẻ đáng lẽ đã phải bay lên xứ bồng lai  Thổ Nhĩ Kỳ từ lúc nãy.
- Bẩm, con nuôi của Tơrơc Balin đấy ạ. - Tulipan đáp.
- Của con chó Enhinhghi[57] ) ấy à ?
- Tâu hoàng thượng, vâng ạ.
Xuntan nhìn sang ông mục sư :
- Và người này?
Hai tên ionisa phải xốc nách mới giữ được mục sư. Đầu ông rũ xuống, máu chảy từ mồm xuống đầy ngực. Không thể biết ông chỉ ngất đi hay đã chết.
Tulipan nhìn sang ông mục sư.
Một tên trưởng quan từ phía sau túm lấy tóc của ông và kéo đầu lên để Tulipan nhìn được rõ hơn. Máu từ cằm ông nhỏ giọt xuống, ngực ông phập phồng.
- Con không biết. - Tulipan trả lời.
- Thằng học sinh cũng không biết à?
Gergey lắc đầu. Xuntan nhìn cậu rồi lại quay sang hỏi Tulipan:
- Vụ nổ gì lúc nãy thế? Chúng nó muốn giết ta à?
- Muôn tâu hoàng thượng, con với cậu học sinh này đi hái nấm ở gần đây. Chúng con nghe tiếng quân nhạc, thế là chúng con vội lại xem. Con đây, hạt bụi không xứng đáng dưới chân hoàng thượng, con chỉ chờ hoàng thượng đi qua để kêu lên xin được giải thoát.
- Nghĩa là mày không biết gì hết?
- Xin quỷ thần chứng giám cho con.
- Cởi trói cho nó. - Xuntan ra lệnh. - Lấy xích của nó xích vào chân thằng học sinh.
Hắn nhìn sang người mục sư nói tiếp:
- Còn con chó này thì hãy đưa đến cho các ngự y chữa chạy. Ta muốn nghe lời khai của nó.
Sau đó xuntan lại lên ngựa, các hoàng tử đến bên cạnh hắn, cùng đám võ quan và bọn lính ngự lâm hộ tống hắn đến nơi xảy ra vụ nổ.
Trong khi bọn Thổ tra xích vào chân mình, cậu học sinh trông thấy chúng nó đặt mục sư nằm ngửa trên mặt đất và lấy nước dội lên mặt, lên ngực ông. Chúng nó rửa sạch máu trên người ông. Một tên Thổ nghiêm nghị, mặc áo choàng màu tro, chốc chốc lại kéo mí mắt của ông lên xem xét.
Chúng nó xích xong chân cậu và giải đến chỗ nhốt tù binh. Cậu thiếu niên tái nhợt và đờ đẫn.
Mười lăm phút sau Tulipan cũng tới. Y mặc quần áo xanh, đội mũ trắng, đi ủng đỏ cũng như bọn ionisa. Y nắm tay dứ dứ về phía cậu học sinh và giận dữ thét vào mặt cậu:
- Phen này mày lọt vào tay tao rồi nhé, đồ chó tà giáo!
Và y đẩy tên ionisa đang đứng cạnh Gergey đi chỗ khác.
- Thằng này là nô lệ của tớ! Từ trước đến giờ tớ là nô lệ của nó, bây giờ nó là của tớ. Ala vĩ đại thật công bằng.
Tên ionisa kia gật đầu tán đồng và nhường cho Tulipan đứng cạnh Gergey.
Cậu tái mặt nhìn Tulipan, y đã thật sự thay lòng đổi dạ rồi chăng?
Chưa đầy hai phút sau. Tulipan ngầm ra hiệu bảo cậu đừng lo.
* * *
Gergey bị giải đi giữa một đám trẻ con nô lệ mệt mỏi và bụi bặm. Cạnh họ có một hàng ionisa đi áp giải. Sau lưng họ là những xe chở súng thần công lăn ầm ầm trên đường. Có một khẩu to ghê gớm do năm chục đôi bò đực kéo. Đội pháo thủ mặc quần áo đỏ, khoác áo choàng ngắn đi hộ tống.
Với cái nóng như thiêu như đốt, mặt trời hành hạ cả đoàn quân cũng như đám nô lệ. Bụi trắng trên đường cũng nóng bỏng. Một đứa bé lên tám, cứ đi bộ mươi bước lại rên rỉ:
- Uống nước! Nước...
Gergey rầu rĩ bảo Tulipan:
- Cho nó uống với.
- Không có nước. - Tulipan trả lời bằng tiếng Hung. - Cái bình để quên ở đằng ấy mất rồi.
- Nghe không chú bé, không có nước. - Gergey ngoái ra sau bảo thằng bé. - Nếu có thì chúng ta đã sẵn lòng cho chú rồi. Cố chịu đến tối vậy.
Hai tay cậu phải thay đổi nhau nâng cái xích lên cho dễ bước, nhưng sức nặng của cái xích mỗi lúc một lớn. Đến lúc xẩm tối, cậu đã cảm thấy như phải đeo hàng tạ trên người.
Bầy trẻ con lúc đó đã được ngồi trên các xe súng và trên lưng lạc đà. Bọn pháo thủ đã nhặt chúng lên vì chúng mệt mỏi quá, cứ vấp ngã dúi dụi.
- Còn xa chỗ nghỉ nữa không? - Gergey hỏi tên lính rách rưới đi bên phải.
Tên lính trố mắt lên khi hắn nghe Gergey hỏi bằng tiếng Thổ. Hắn đáp cộc lốc:
- Không.
Đó là một tên Thổ khổng lồ, tuổi còn trẻ, mặt tròn. Hắn mặc một cái áo cộc tay bằng da đã rách mướp, hai cánh tay trần trụi thò ra ngoài. Thật là những cánh tay hộ pháp! Người khác mà có được bộ đùi như đôi cánh tay này thì cũng đã thích lắm rồi. Khí giới của hắn là hai thanh gươm cong giắt ở thắt lưng. Một cái cán bằng xương nai, cái kia cán bằng xương ống chân bò, một đầu vẫn còn nguyên hai cái u như lúc tạo hóa sinh ra. Nhưng vũ khí chính của hắn là cái giáo dài, mũi đã gỉ, mà hắn vác trên vai. Hắn thuộc bọn lính tạp ngũ, những kẻ ra đi chỉ vì chiến lợi phẩm. Tất cả mọi người đều có quyền sai bảo chúng, nhưng tuân lệnh thì chúng chỉ tuân lệnh chừng nào mà tay nải của chúng chưa được nhồi chặt ních. Cái tay nải của thằng này rất to và còn lép kẹp. Cái tay nải lủng lẳng trên lưng hắn và đó cũng là một vật do hắn tự làm lấy. Cả lông và dấu của con bò đực xưa kia cũng vẫn còn trên tay nải. Cái dấu in hình một vòng tròn chia tư, to bằng bàn tay.
- Mày là dân Thổ à? - Hắn hỏi.
- Không. - Cậu học sinh kiêu hãnh đáp. - Ta không có dính dáng gì đến lũ người đi cướp bóc cả.
Tên khổng lồ hoặc không hiểu lời nói châm chọc, hoặc không thuộc loại nhạy cảm, hắn cứ bước những bước dài, đều đặn.
Cậu học sinh lúc đó mới đưa mắt nhìn hắn từ đầu đến chân. Mắt cậu nhìn chòng chọc vào đôi bốt của hắn. Đôi bốt đã mòn, há cả mõm. Bụi trắng trên đường cứ chui tuồn tuột vào chỗ đó, để rồi lại bắn vọt ra ở lỗ thủng đằng sau.
- Mày có biết đọc không? - Một lúc sau tên Thổ lại hỏi.
- Có.
- Viết mày cũng biết à?
- Cả viết nữa.
- Thế mà mày không muốn làm dân Thổ?
- Không.
- Hoài của. - Tên Thổ lắc đầu.
- Tại sao ?
- Pasa Xôliman trước kia cũng là người Hung đấy. Ông ta biết đọc, biết viết, bây giờ là pasa.
- Và đánh lại tổ quốc mình.
- Ông ấy đánh nhau vì đức tin chân chính.
- Nếu những điều do bọn giáo sĩ của chúng mày truyền bá là giáo lý chân chính đối với ông ta thì ông ta cứ việc đi đánh nhau ở nơi khác có được không ?
- Ala muốn nơi nào, ông ấy đánh nhau ở nơi ấy.
Họ không nói gì hơn nữa, Tulipan liếc mắt ra hiệu bảo Gergey im lặng. Tên khổng lồ vừa suy nghĩ vừa tiếp tục giẫm bụi bắn vọt ra khỏi đôi bốt.
Đêm đã xuống. Những ngôi sao nhấp nháy hiện ra trên bầu trời. Đứng ở chỗ con đường vòng lên đồi, người ta thấy khoảng sẫm đen của cánh đồng cũng chẳng khác gì một khoảng trời rắc đầy sao đỏ, trong số đó có năm ngôi lớn ở đường viền phía đông sáng hơn hẳn những ngôi khác.
- Đến nơi rồi. - Tên khổng lồ nói.
Tuy thế chúng cũng còn phải lên đồi xuống dốc độ mười lăm phút nữa.
Không cần tốn công tìm kiếm lâu la, đội quân nào cũng tìm thấy ngay chỗ ở của mình, người lính nào cũng tìm thấy ngay cái lều của mình. Những ngôi sao đỏ là những đống lửa trú quân, cạnh đó thịt cừu ướp tỏi đang bốc hơi. Năm ngôi sao đỏ lớn nhất là bốn cây đuốc nhựa khổng lồ trước trướng của xuntan và quả cầu to bằng vàng có hình mặt trăng lấp lánh trên trướng ngự.
Đến cuối một đám ruộng hướng dương, tên chưởng cơ pháo binh thổi hai hồi vào cái kèn của hắn. Tất cả đứng lại.
Ở đó có những cái lều dựng thành hình chữ U. Đám tù binh được dẫn vào lòng của cái chữ U đó. Tên khổng lồ đưa mũi đánh hơi về phía đám hướng dương và đi vào đó sục sạo. Cậu học sinh lả người xuống cỏ.
Bọn lính đi đi lại lại, làm ầm ĩ xung quanh. Một vài tên Thổ mở những bọc đồ, một số khác chen chúc nhau quanh cái chảo to. Cả trại quân là một cảnh hỗn độn, náo nhiệt.
Gergey tìm Tulipan, nhưng cậu chỉ trông thấy y có một thoáng khi một tên ionisa nói gì đó với y. Tulipan nhún vai và đi theo tên ionisa, qua bên cạnh cái lều màu đỏ sẫm. Chắc hẳn bọn chúng đã dành chỗ cho y trong một cái lều nào đó giữa đám ionisa. Nhưng nếu y bị gọi đi vì chúng đã nghi ngờ khi thấy y cứ muốn ở cạnh đám tù binh thì sao? Nếu thế thì y không thể nào quay lại được nữa; cả hai sẽ chịu làm tù binh mãi mãi.
Ý nghĩ đó như một tảng băng trườn dọc lưng cậu.
Tất cả bọn lính gác đều được thay phiên. Bọn lính hành doanh đến thay thế chúng. Toàn mặt lạ, những thằng này chẳng mảy may chú ý gì đến cậu cả.
Lúc đó bầy lạc đà chở nước cũng đã đến.
- Nước đây! Nước đây! - Tiếng gọi của bọn lính chở nước vang lên khắp nơi.
Quân Thổ tranh nhau đem chậu đất, tù và, mũ, cốc ra hứng nước sông Đuno. Gergey cũng khát, cậu ấn lõm cái mũ dạ và chìa ra dưới vòi nước của tên lính quản lạc đà.
Nước nóng hâm hẩm và cũng chẳng sạch sẽ gì, tuy vậy cậu vẫn uống ừng ực. Cậu bỗng nhớ đến thằng bé khóc đòi nước suốt dọc đường. Cậu nhìn quanh. Cậu thấy một phần những khẩu đại bác trong bóng tối và cả bầy bò đực đang gặm cỏ gần đấy. Bọn pháo thủ nằm ngồi la liệt bên cạnh những khẩu đại bác. Nhưng chẳng thấy thằng bé đâu cả. Cậu bèn uống nốt chỗ nước còn lại và vẩy mũ cho ráo rồi lại đội lên đầu.
- Nước ở nhà ngon hơn thế này nhiều, phải không anh ? - Cậu nói với tên lính gác mới, một tên bộ binh có cái cổ dài ngoằng, mặt nhẵn nhụi. Ý chừng cậu muốn lân la làm quen.
- Câm họng! - Hắn quát lên và hất cây giáo một cái.
Gergey bắt đầu thấy khốn khổ trong cùm xích.
Khi thoáng trông thấy Yumusac, cậu có cảm giác gần như là vui mừng. Hắn đi cắt đặt bọn lính đến đổi gác, tay cầm thanh gươm đã tuốt trần.
- Yumusac! - Cậu gọi hắn như người ta vẫn chào mừng chỗ quen biết cũ, vì cậu đang muốn thoát khỏi cái cảm giác giày vò của sự cô độc.
Tên Thổ ngoái cổ lại nhìn: người ta gọi hắn ở đâu thế nhỉ? Từ trong đám tù binh ư? Hắn nhấp nháy mắt nhìn Gergey vẻ ngạc nhiên.
- Mày là đứa nào?
Cậu thiếu niên đứng dậy.
- Tôi là tù binh, - cậu trả lời, bây giờ đã với giọng miễn cưỡng. - Tôi chỉ muốn hỏi là, rằng là… ông thế nào, ông còn sống ư?
- Sao tao lại không sống cơ chứ? - Tên Thổ nhún vai hỏi lại. - Vì sao tao lại không sống hả?
Lúc hắn tra gươm vào vỏ, có thể thấy bàn tay trái của hắn đã bị tật. Những ngón tay chụm lại như thể có lúc nào đó hắn đang nhón muối rồi bỗng dưng không làm sao xòe ra được nữa.
- Tôi nghe nói người ta đã treo cổ ông rồi cơ mà.
- Tao ấy à?
- Ông chứ còn ai nữa. Chín năm về trước, một ông mục sư, trong rừng Metsec.
Nghe tiếng mục sư, tên Thổ càng trợn tròn mắt ra hơn nữa.
- Ông mục sư ấy đâu rồi? Mày biết gì về ông ta hả? Ông ta đâu rồi?
Và hắn túm lấy ngực áo cậu học sinh.
- Có lẽ ông muốn hại ông ta chăng? - Cậu học sinh ấp úng.
- Đâu có. - Tên Thổ nói với giọng đã dịu bớt. - Tao muốn cảm ơn ông ta thì có, vì ông ta đã không giết tao.
Nói đoạn hắn đặt tay lên vai cậu như muốn tỏ cho cậu biết cử chỉ ban nãy cũng chỉ là dấu hiệu thân thiện.
- Thế lúc ấy ông chưa cám ơn à?
- Sự việc xảy ra bất ngờ quá, - Yumusac dang hai tay ra. - tao chẳng kịp nghĩ đến việc cám ơn nữa. Tao cứ tưởng ông ta đùa.
- Thế đáng lẽ treo cổ ông lên, ông ta đã thả ông ra?
- Ừ, theo đúng cung cách Gia tô giáo. Lúc ấy tao chưa hiểu được điều đó. Từ bấy đến nay tao đã nghe nói theo đạo Gia tô, người ta có thể tha thứ cho kẻ thù.
- Nghĩa là ông muốn làm điều lành cho ông ta?
- Điều tốt lành. Tao không muốn nợ nần về tiền bạc cũng như ơn huệ.
- Vậy thì mục sư cũng ở đây đấy. - Cậu học sinh tin cậy nói.
- Ở đây? Trong trại này ấy à?
- Ở đây. Ông ta là tù binh của Xuntan. Người ta buộc tội cho mục sư đã gây ra vụ nổ hồi chiều ở Metsec.
Yumusac lảo đảo lùi lại. Mắt hắn mở trừng trừng như mắt con rắn khi ngóc đầu lên để mổ con mồi.
- Mày làm sao mà biết ông mục sư ấy ?
- Chúng tôi ở gần nhau. - Cậu học sinh đã thận trọng, trả lời.
- Ông ấy không bao giờ cho mày xem một cái nhẫn à?
- Có thể ông ấy đã cho xem.
- Một cái nhẫn Thổ, có vừng trăng và những ngôi sao trên mặt.
Cậu học sinh lắc đầu.
- Có thể ông ấy đã đưa cho những người khác xem, nhưng với tôi thì không. - Và cậu đút tay vào túi.
Yumusac gãi cằm. Cái lông đà điểu rung rinh trên mũ. Hắn quay người bước đi thẳng. Bọn lính gác lần lượt chào hắn. Sau đó chỉ còn sự chuyển động của những ngọn giáo trong tay bọn lính gác chỉ cho biết hướng hắn đi.
Gergey lại trơ trọi một mình. Cậu lại ngồi xuống cỏ. Chúng nó mang xúp đến cho đám tù binh trong một cái chảo to với những cái thìa gỗ thô kệch. Tên Thổ mang xúp đến đứng ngay bên cạnh trong lúc họ ăn, khi một tù binh thì thầm điều gì với người bên cạnh, hắn đá anh ta ngã lộn nhào.
Gergey cũng nếm món xúp. Đó là một món xúp bột mì, không mỡ, không muối. Đó là món ăn ngày hai bữa của tù binh mà Gergey đã nhiều lần nghe nói đến.
Cậu bỏ thìa xuống, quay mặt đi và nằm xuống cỏ. Đám tù binh cũng dần dần ngừng ăn và nằm xuống ngủ thiếp đi. Chỉ một mình Gergey không ngủ. Đôi mắt cậu thỉnh thoảng lại nhòe lệ, giàn giụa ra cả gò má.
Mặt trăng đã lên cao khoảng một cây thương, chiếu sáng những quả cầu mạ vàng có đính chùm đuôi ngựa trên các mái lều, những ngọn giáo và những khẩu đại bác.
Mỗi lúc đi qua bên cạnh, tên lính gác cổ dài lại liếc nhìn cậu. Những cái liếc ấy day dứt Gergey. Cậu thở ra gần như nhẹ nhõm cả người, khi lại thoáng trông thấy bóng dáng đôi vai vạm vỡ của tên Thổ khổng lồ đang đến gần. Hắn đang nhằn một gương hướng dương, tóp tép như con lợn. Hắn không phải là lính gác cũng chẳng phải là lính chính quy, hắn có thể tự do lang thang đến nơi nào hắn thích.
- Bọn lính hạ trại đã bẻ sạch cả rồi. - Hắn phàn nàn với tên cổ dài. - Mãi tớ mới tìm được một gương đấy.
- Có khi là bọn vô đạo đã hái hết cũng nên. Cái dân này hễ thấy quân Thổ động tĩnh một tí là đua nhau thu hoạch hết, cả khi mùa chưa chín cũng vậy.
Tên kia đáp lại rồi tiếp tục đi tua quanh đám tù binh. Tên khổng lồ ăn hết hạt của gương hướng dương rồi lại cắn vào cùi, nhưng phải nhổ vội ra.
- Anh không được phát thức ăn à? - Gergey hỏi.
- Có. Nhưng người ta phát cho bọn ionisa trước đã. Bây giờ tao mới đi trận lần đầu tiên.
- Trước đây anh làm gì?
- Mục phu. Quản tượng ở Têhêrăng [58]
- Tên anh là gì?
- Hoxan.
 Một tên ionisa khác ngồi gần họ, trong đám cỏ, tay cầm một khúc xương hầm, tay kia đang dùng dao róc thịt. Hắn cũng lên tiếng :
- Chúng tao chỉ gọi là Hoivan thôi, vì nó là đồ bò.
- Sao lại là đồ bò? – Cậu học sinh hỏi.
- Vì là... - tên ionisa vừa quẳng khúc xương ra đằng sau vừa trả lời. - lúc nào nó cũng mơ thấy nó làm đô đốc ionisa.
* * *
Cậu học sinh nằm dài trên thảm cỏ. Cậu mệt rũ người nhưng chỉ nhắm mắt để đấy. Ý nghĩ của cậu đang xoay quanh một điều: trốn bằng cách nào đây.
Cậu rất bực khi thấy Hoivan lại quay lại và ngồi xổm bên cạnh, nhai rau ráu. Hắn vừa kiếm được một khúc xương trong một cái vạc nào đấy.
- Này, đồ ngoại đạo, nếu mày muốn, tao sẽ lấy cả cho mày nữa. - Hắn vừa huých vào đầu gối cậu vừa nói.
- Cám ơn. Tôi không đói.
- Từ khi bị bắt đến giờ mày chưa ăn gì cơ mà.
- Đã bảo là tôi không đói.
Chắc hẳn tên khổng lồ lấy làm lạ khi nghe có người nói là không đói. Hắn lắc đầu :
- Tao thì lúc nào cũng đói.
Và hắn lại tiếp tục nhai rau ráu.
Cậu học sinh gối đầu lên cánh tay, chăm chú nhìn trăng. Mặt trăng với ánh sáng màu da cam, đã lên cao ở đằng đông, trên các lều, trướng. Đầu của một tên lính gác đứng cách họ chừng ba chục bước đâm ngay vào nửa vừng trăng. Trông hắn như bóng của một giáo chủ đội mũ to, cây giáo trong tay hắn nom như cái cán của vừng trăng.
- Đừng ngủ. - Hoivan nói khẽ. - Tao muốn nói với mày một việc.
- Thư thả đến mai cũng được.
- Không. Tao muốn ngay hôm nay cơ.
- Thế thì nhanh lên.
- Chờ một tí. Để trăng lên sáng hơn hẵng.
Đầu bãi cỏ có tiếng rục rịch và sáu bóng người hiện ra sau bóng những tên lính gác. Những tù binh mới. Năm nam và một nữ.
- Hãy dẫn tao đến trước Xuntan! - Một người đàn ông hét lên bằng tiếng Hung với giọng ồm ồm như tiếng gấu. - Tao không phải là người Đức! Không được hành hạ tao! Người Thổ bây giờ đâu phải là kẻ thù của người Hung. Sao chúng mày dám hành hạ tao?
Song đám lính không hiểu ông ta. Mỗi khi ông ta đứng lại, chúng cứ đẩy đi. Chúng dẫn những người mới bị bắt đến khoảnh đất bên cạnh Gergey.
Người Hung kia thấy chẳng có ai nghe mình nói, bèn chửi rủa một mình:
- Cái bọn dị giáo chó má này không còn trời còn đất nào nữa, vậy mà chúng cứ bô bô lên là bạn của dân Hung. Bạn của các đồ ôn dịch thì có! Sao chúng nó không chết hết cả đi với cái tên hoàng đế đầu trộm đuôi cướp của chúng nó cho rồi!
Trong lúc đó bọn lính lôi người phụ nữ đi về phía đàn bò kéo đại bác. Chị kêu thét cũng vô ích, chúng cứ kéo tuột chị đi. Bốn người đàn ông kia lặng lẽ ngồi xuống cỏ. Đó là những tên lính Đức. Một tên mặc áo giáp sáng lấp lánh trên ngực. Đầu hắn chẳng đội gì cả, chỉ có mớ tóc rậm rối bù. Gergey quay sang phía người Hung hỏi:
- Mấy thằng Đức này tháo chạy khỏi Buđo có phải không?
- Chắc thế. Tôi chỉ vừa mới gặp chúng nó trong ruộng nho ở đây thôi.
Lúc đó Gergey mới thấy người Hung có cái giọng ồm ồm đó chỉ là một người nhỏ nhắn, gầy gò, râu quai nón, không mặc áo khoác. Cậu lại hỏi:
- Tại sao bác lại bị bắt?
- Tôi bị bắt chỉ vì trốn trong một cái nhà kho. Chắc cái bọn ngu độn này cho tôi là quân do thám. Do thám cái đồ quỷ sứ! Tôi là một người thợ đóng giày lương thiện. Không phải nhìn thấy quân Thổ là tôi mừng rồi chứ nói gì đến chuyện đi dò la chúng nó.
- Có lẽ bác ở Buđo đến.
- Ở đấy đến. Phải chi tôi cứ ở nhà lại hóa hay.
- Ở đấy bác có biết ông già Xexey không?
- Lão già tay gỗ ấy à? Tôi biết quá đi chứ.
- Hiện nay ông già làm gì?
- Làm gì à? Đánh nhau.
- Đánh nhau?
- Hẳn chứ lị. Lão nhờ người ta buộc lão lên ngựa rồi cùng tướng công Balin xông vào quân Đức.
- Với một tay ư?
- Với một tay. Thế mà ông lão vẫn cứ xông vào tụi Đức. Lúc họ trở về tôi có trông thấy. Tướng công Balin để ông lão đi cạnh mình và dẫn đến chỗ hoàng hậu.
- Tơrơc Balin?
- Chính ông ấy. Chà chà, cái nhà ông ấy cũng là một người được nuôi bằng sữa rồng đấy. Ngày nào từ trận địa trở về người ông ấy cũng đẫm máu giặc suốt từ đầu đến chân.
- Nhưng ông già không việc gì chứ?
- Sao lại không việc gì. - Người thợ giày cười. - chúng nó đã chặt đứt cánh tay gỗ của ông lão.
- Bác có biết cô con gái của ông già không? – Cậu học sinh trẻ rụt rè hỏi.
- Sao tôi lại không biết. Tôi vừa khâu cho cô ta một đôi giày cách đây hai tuần. Bằng gấm vàng, ống ngắn, dây kim tuyến. Các cô tiểu thư bây giờ có tiền đều đi giày như thế cả.
- Cô ấy đẹp đấy chứ nhỉ.
- Cũng kháu.
Bác im lặng một lát rồi lại bứt râu:
- Cầu cho Chúa Trời đừng có ở với chúng nó nữa. - Bác nói, giọng bỗng đổi hẳn đi. - Chúng nó phải trả lại cái áo khoác cho tôi chứ!
- Bác ở Buđo đi hôm nào?
- Ba hôm nay rồi. Nhưng giá tôi đừng bỏ đi có phải hơn không. Dù ở đó có xảy ra chuyện gì đi nữa, số phận tôi cũng không thể tồi tệ hơn thế này được. Mà cái bọn Thổ thật chó má. Ở thành Nanđôphejê chúng đã từng hứa sẽ không hành hạ ai cả, thế mà rồi chúng đã làm cỏ cả thành, không phải thế ư?
- Chẳng lẽ bác lại nghĩ Buđo cũng sẽ rơi vào tay quân Thổ ư?
- Chắc hẳn đi rồi. Nếu không tôi đã chẳng bỏ mà di. Ngay từ trước khi xảy ra đánh nhau với bọn Đức, tôi đã gửi cả gia đình lên Sôprôn [59], chỗ bà chúng nó. Tôi không đi vì lúc đó tôi đang kiếm được nhiều tiền lắm. Cậu phải biết, các ngài quý tộc mỗi khi đến Buđo, việc đầu tiên của họ là đi thửa một đôi ủng mới. Tôi đã đóng cho cả tướng công Tơrơc Balin, cả quan lớn Vebơxi. Rồi lại còn đức ông Perênhi nữa chứ!
Bác thợ giày không thể nói hết những điều muốn nói vì Hoivan đã túm lấy cổ áo bác mà xách bổng lên như người ta xách một con mèo. Hắn quẳng bác ra xa chừng mươi bước. Bác thợ giày rơi huỵch xuống cỏ. Hoivan ngồi vào chỗ bác ta và hỏi Gergey:
- Mày nói là mày biết đọc, biết viết, vậy tao cho mày xem cái này.
Hắn chùi cả mười ngón tay vào cái quần thụng rồi rút ở sau lưng ra một cái ống bằng da bò trăng trắng. Hắn lại chùi tay vào lớp lông bò một lần nữa rồi rút từ trong ống ra một cuộn giấy gập cẩn thận.
- Mày xem đây. - Hắn nói. - Tao đã tìm thấy những tờ giấy này trong áo choàng của một ông đạo sĩ tử trận. Ông ta bị một vét thương ở mạng sườn. Chúng nó đã đâm hoặc bắn vào ông ta. Nhưng đằng nào cũng thế. Trong túi ông ta còn có ba mươi sáu đồng tiền vàng nữa. Số tiền đó cũng nằm trong hầu bao của tao đây. Nếu mày nói cho tao biết những tờ giấy này viết cái gì thì mày sẽ được hai đồng tiền vàng. Nếu mày không nói tao sẽ nện mày chết tươi.
Ánh trăng rất sáng. Xung quanh mọi người đều đã ngủ. Bác thợ giày cũng nằm co ro trên thảm cỏ và cố đi tìm trong giấc mơ một niềm an ủi.
Cậu học sinh mở cuộn giấy. Đó là những mảnh giấy chỉ lớn bằng bàn tay một, vẽ đủ các thứ hình tứ giác, ngũ giác, lục giác.
- Tôi nhìn không được rõ, - Cậu nói. - Chữ viết nhỏ quá, trăng không đủ sáng.
Tên Thổ đứng dậy đi lại chỗ đống lửa lấy một cành khô to bằng bắp tay đang chạy lem lém.
Hắn soi cho cậu đọc. Cậu trầm ngâm xem kỹ chữ viết và các hình vẽ. Lửa rọi nóng cả mặt nhưng cậu chẳng hề cảm thấy.
Cậu chợt ngửng đầu lên hỏi tên Thổ:
- Anh đã đưa cho ai xem những tờ giấy này chưa?
- Tao đã có đưa nhưng chưa ai đọc được.
Lửa ở cành cây phụt tắt, tên Thổ vứt xuống đất.
- Tôi không cần tiền của anh đâu. - Cậu học sinh nói. - Quả đấm của anh tôi cũng cóc sợ, vì tôi là tù binh của xuntan. Nếu anh đánh chết tôi, anh sẽ phải tính nợ với xuntan. Nhưng nếu anh muốn tôi giải cho biết những điều viết trong này thì anh phải giúp tôi một việc.
- Việc gì?
- Những tờ giấy này rất quý đối với anh, vì đó là của một ông đạo sĩ rất thánh. Thật trăm nghìn may mắn cho anh là đã đứa tôi xem, bởi vì bất cứ tên Thổ nào cũng sẽ có thể cướp của anh. Nhưng được rồi, tôi sẽ giải nghĩa cho anh nếu anh đến chỗ ông mục sư gây ra vụ nổ lúc chiều, hoặc nếu không phải ông ta gây ra thì ít nhất cũng là bị người ta tìm thấy ở chỗ đó.
- Chắc chắn là ông ta gây ra.
- Thôi được, đằng nào cũng thế. Anh hãy đến xem thử ông ta còn sống hay không?
Tên Thổ sờ cằm và nhìn Gergey vẻ suy nghĩ.
- Trong lúc anh đi đến đằng ấy tôi sẽ xem xét kỹ lại các giấy tờ của anh. - Cậu học sinh giục hắn. - Bây giờ không cần soi lửa nữa, trăng đã đủ sáng rồi.
Và cậu lại đắm mình vào việc quan sát các hình vẽ. Đó là bản đồ của thành trì Hung. Nét vẽ bằng kẽm.
Đôi chỗ có tẩy xóa. Trên một hình vẽ có một dấu X và một dấu O nổi bật. Bên lề tờ giấy có chữ tiếng Latinh: X là phần yếu nhất của thành. O là chỗ thích hợp để đào đường ngầm.
Đôi chỗ dấu O này còn được nối thêm một mũi tên. Cậu học sinh cay đắng lắc đầu. Những bản đồ do thám đang nằm trong tay cậu. Bản đồ của hơn ba chục thành trì trên đất nước Hung.
Làm gì bây giờ?
Đánh cắp ư?
Không thể được!
Đốt đi ư?
Tên Thổ sẽ bóp chết cậu ngay.
Cậu cầm những mảnh giấy trong tay, tái người đi vì xúc động. Chợt nhớ ra, cậu thò tay vào túi áo lấy ra một mẩu kẽm. Cậu xóa dấu X và O trên tất cả các bản đồ rồi vẽ vào những chỗ khác.
Đó là tất cả những gì cậu có thể làm được.
Tên Thổ vẫn chưa về. Cậu lại xem lượt nữa cái bản đồ cuối cùng. Đó là bản đồ thành Eghe, trông như một con nhái cụt cả bốn chân. Bản đồ này thu hút sự chú ý của cậu vì cậu thấy trên đó có bốn đường ngầm, giữa các đường ngầm có nhiều phòng và một bể nước hình bốn cạnh. Một công trình đặc sắc biết bao! Hình như những người xây dựng đã tính đến cả khả năng phải tiếp tục cuộc chiến đấu trong lòng đất và nếu ở đó cũng thất bại, họ sẽ rút ra khỏi thành theo bốn đường ngầm, trong khi đó bọn địch đuổi theo sẽ chết đuối trong bể nước.
Cậu nhìn lên xem tên Thổ đã quay lại chưa?
Hắn đã quay lại. Hắn đi như một cái bóng khổng lồ bên cạnh các khẩu đại bác.
Gergey vội vàng vo tròn cái bản đồ đó và đút vào túi áo ngực. Cậu dùng ngón tay chọc thủng một lỗ trong túi cho nó rơi vào trong lớp vải lót. Sau đó cậu lại cúi xuống các bản đồ đang trải trên đùi.
Tên Thổ đến ngồi xổm xuống bên cạnh và nói:
- Ông mục sư vẫn còn sống, họ bảo là không thể sống đến sáng mai được.
- Anh có trông thấy không?
- Có. Tất cả các thầy thuốc đều ngồi quanh lều. Ông ta nằm trên giường lót nệm và thở khò khè như một con ngựa bị đâm thủng bụng ấy.
Gergey đưa tay lên che mặt.
- Mày là đồng đảng của nó. - Tên Thổ giật mình nói.
- Thì đã sao? Hạnh vận của anh đang nằm trong tay tôi.
Tên Thổ nhấp nháy mắt và trở lại hiền lành ngay.
- Những tờ giấy ấy viết điều may à?
- Không phải tờ giấy mà là điều bí mật của nó. Nhưng chỉ đối với người Thổ thôi.
Cậu nói và đưa trả những tờ giấy.
- Mày nói đi chứ. - Tên khổng lồ thầm thì. - Tao đã làm xong điều mày muốn rồi.
- Nhưng anh còn phải giải thoát cho tôi nữa cơ.
- Hô hô!
- Điều bí mật này đối với anh còn đáng giá hơn thế.
- Tao sẽ nhờ người khác.
- Người Thổ nó sẽ lấy của anh. Còn người Gia tô giáo? Bao giờ anh mới gặp lại được người Gia tô giáo biết cả tiếng Latinh, cả tiếng Thổ và lại là người mà anh có thể phục dịch một việc gì khiến người đó phải đáp lại bằng cách mở chiếc khóa vận hạnh cho anh!
Tên Thổ túm lấy cổ cậu học sinh:
- Nếu mày không nói tao sẽ bóp chết mày.
- Tôi sẽ kêu lên rằng nơi anh có một thánh ân.
Cậu không thể nói hơn nữa, những ngón tay hộ pháp của tên Thổ xiết chặt vào cổ cậu như những vòng sắt.
Cậu ngạt thở.
Nhưng tên Thổ không muốn bóp chết cậu. Như thế phỏng hắn được lợi lộc gì? Nếu bóp chết cậu học sinh, biết đâu hắn chẳng bóp chết luôn cả vận đỏ? Và Hoivan đi trận đâu phải để giơ đầu cho người ta choảng. Như tất cả những tên lính trơn, hắn cũng muốn trở thành quan lớn. Những ngón tay của hắn nới ra trên cổ cậu học sinh.
- Được rồi. - Hắn nói, mặt sa sầm. - Nếu mày kéo tao vào chuyện lôi thôi, lúc đó tao sẽ quật chết mày cũng chưa muộn. Mày bảo tao làm sao mà giải thoát cho mày được?
Cậu học sinh chưa thể trả lời ngay được. Cậu phải thở một chút đã.
- Trước hết, - cậu hổn hển nói. - anh cưa cái cùm ở chân tôi đi.
Tên khổng lồ nhếch mép cười, vẻ khinh thường. Hắn nhìn quanh rồi thò bàn tay hộ pháp nắm lấy cái cùm. Hắn chỉ bóp hai cái, cái cùm đã khe khẽ kêu lên, vỡ và rơi xuống cỏ.
- Gì nữa? - Hắn hỏi tiếp với đôi mắt tò mò.
- Anh kiếm cho tôi áo choàng và mũ xpahi[60].
- Cái ấy thì gay rồi đấy.
- Anh lấy của một đứa nào đang ngủ ấy.
Tên Thổ gãi cổ.
- Thế vẫn chưa hết đâu, - cậu học sinh nói tiếp. - anh còn phải kiếm ngựa nữa, với một thứ binh khí gì đó. Bất kể thứ gì, tôi không kén.
- Nếu tao không tìm ra, tao sẽ cho mày một thanh gươm của tao, cái nhỏ này này.
- Được.
Tên Thổ nhìn quanh. Khắp nơi đều là người ngủ chỉ còn những tên lính gác đi đi lại lại như những cái bóng lặng lẽ. Tên cổ dài đứng cách đó chừng hai chục bước. Cây dáo của hắn cắm xuống đất. Hắn đứng tựa người vào cán giáo.
- Mày cứ chờ đây. - Tên khổng lồ bảo. Hắn đứng dậy và lủi đi, khuất vào giữa các lều trại.
Gergey ngả lưng xuống cỏ làm như mình cũng ngủ, nhưng cậu không để cho mình chìm vào giấc ngủ, dù mỏi mệt đến đâu chăng nữa. Chốc chốc cậu lại nhìn lên trời xem mặt trăng đã đến chỗ đám mây xám hình cái bè đang chậm chạp lan ra giữa đỉnh trời kia chưa. (Nếu chúng gặp nhau, bóng tối thuận lợi sẽ phủ lên mặt đất). Mặt khác cậu chú ý đến tên ionisa cổ dài, cục cằn, đang đứng như một con diều hâu trụi cổ bị giam cầm. Chắc hắn đang ngủ đứng. Những người lính đã hành quân suốt ngày, khi đứng cũng ngủ được.
Đêm khuya mát dịu, không khi khẽ lay động vì tiếng ngáy của hàng trăm ngàn người.
Dường như chính quả đất đang rù với một giọng trầm và đơn điệu như con mèo rù lúc nằm co. Chỉ thỉnh thoảng mới có một tiếng lính gác vang lên hoặc tiếng sột soạt khe khẽ của đàn ngựa đang gặm cỏ.
Dần dần Gergey buồn ngủ thiếp đi. Mỏi mệt và lo lắng đã làm cậu rã rời. Cậu cố chống lại cái không khí nặng nề của giấc ngủ đang đè nặng lên toàn trại quân. Cậu gắng gượng. Nhưng cuối cùng, mắt cậu cũng khép lại.
Và đây, cậu thấy mình đang ở nơi vừa ra đi: trong phòng học ở lâu đài cổ của thành Sômôdơ, bên cạnh hai con trai của Tơrơc Balin.
Họ ngồi bên một cái bàn lớn bằng gỗ sồi không chạm trổ gì cả. Đối diện với họ, mục sư Gabô cúi mình trên một quyển sách bìa da to tướng. Bên trái là một cửa sổ, mặt trời chiếu qua những tấm kính tròn, rải những tia nắng lên góc bàn. Trên tường có hai cái bản đồ to tướng. Một cái là bản đồ nước Hung, một cái là bản đồ ba đại lục. (Hồi đó các nhà bác học chưa vẽ lục địa của Côlumbô, chỉ mới bắt đầu có tin đồn đại là Bồ Đào Nha đã tìm ra một miền đất mới. Nhưng có gì thật trong tin đồn đó hay không thì chưa ai biết. Còn Châu Úc thì chưa một ai mơ tới).
Trên bản đồ nước Hung, mỗi thành trì được đánh dấu bằng hình một cái lều, nơi nào có rừng người ta vẽ hình cây cối. Đó là những bản đồ tốt. Người không biết đọc cũng hiểu được. Thời đó trong hàng các quan lại có tước hiệu hẳn hoi cũng khối người không biết đọc biết viết. Mà biết làm gì cơ chứ? Chẳng phải đã có các tay thư ký để viết, hoặc khi có thư đến, để đọc thay cho các quan đó hay sao?
Mục sư ngẩng đầu lên nói:
- Bắt đầu từ hôm nay chúng ta sẽ không học cú pháp, địa dư, sử ký, vạn vật nữa, chỉ học tiếng Thổ và tiếng Đức thôi. Về hóa học cũng chỉ học cách chế thuốc súng.
Tơrơc Iontsi nhấn cái bút lông ngỗng vào nghiên mực và nói:
- Thưa thầy, học thế chỉ phí thì giờ thôi, vì chúng con đã có thể nói chuyện với bất cứ một tên tù binh Thổ nào. Còn đối với bọn Đức thì cha con đã quay lưng lại rồi.
Cậu bé Pheri lên mười hất nhẹ mớ tóc màu hạt dẻ rủ đến ngang vai ra đằng sau, nói chen vào:
- Hóa học cũng làm gì nữa ạ? Cha con đã có bao nhiêu là thuốc súng, không bao giờ hết được!
- Hô hô, công tử ơi! - Mục sư nhoẻn cười. - ngay cả đọc cậu cũng còn chưa thạo nữa là. Hôm qua cậu còn đọc Xixerô [61] thành Kikerô.
Bóng dáng hùng dũng của Tơrơc Balin hiện ra trên ngưỡng cửa. Ông mặc cái áo chẽn bằng nhung xanh mà vua Gianôt trong phút lâm chung để lại cho ông, lưng đeo thanh kiếm nhỏ hình cong mà ông chỉ thường đeo vào dịp lễ.
- Nhà có khách đấy. - Ông nói với mục sư rồi quay sang bảo các con. - Các con đi thay quần áo đi rồi xuống dưới nhà nhé!
Ông vuốt tóc Pheri rồi đi ra.
Trong sân có một cỗ xe ngựa to, bánh bịt vành sắt kiểu Viên[62]. Bên cạnh là một người Đức với tên đầy tớ. Họ đang bê những bộ áo giáp sáng loáng ra khỏi xe và giao cho đám tù binh Thổ. Bọn này treo các bộ giáp lên những cái cọc trong vườn.
Bên cạnh cỗ xe còn có bốn nhà quý tộc sang trọng đứng với tướng công Balin. Người ta giới thiệu mấy chú bé với họ. Trong bốn người đó có một anh thanh niên da nâu, người thấp, mắt sáng, mũi ngắn. Chàng bế chú bé Pheri lên và hôn chú.
- Cháu còn nhớ chú là ai nữa không?
- Chú Miklôt. - bé Pheri trả lời.
- Thế còn họ?
Pheri vừa nghĩ vừa nhìn bộ râu đen mềm mại của chú Miklôt.
Iontsi nói thay em:
- Zirinhi…
- Không phải Zirinhi con ạ. - cha chú sửa lại. - Zorinhi[63].
Tất cả những chuyện đó đã có lần xảy ra. Đôi khi chúng ta vẫn nằm mơ thấy những việc đã qua một cách rõ ràng, với những tình tiết không thay đổi mấy. Gergey tiếp tục mơ thấy tất cả mọi chuyện trong ngày hôm đó.
Khi sáu tấm giáp hộ tâm đã treo trên các cọc, các vị tướng lấy súng ra bắn. Một tấm bị đạn xuyên thủng, họ trả lại cho người lái buôn thành Viên. Những tấm khác chỉ bị đạn ăn móp vào thôi thì họ mua và chia nhau.
Trời đã tối. Họ ngồi vào bàn ăn. Phu nhân Tơrơc ngồi ở đầu bàn, tướng công Balin ngồi ở cuối bàn. Giữa bữa ăn, các vị khách vặn hỏi các chú bé về các môn học.
Đặc biệt họ hỏi về kinh thánh và vè môn catê[64]
Tơrơc lặng lẽ mỉm cười nghe các câu hỏi hiền lành ấy một chốc, sau đó ông lắc đầu:
- Các ngài nghĩ rằng con tôi chỉ học catê thôi ư? Iontsi, con hãy nói xem, người ta đúc đại bác như thế nào?
- Thứ mấy tấn, thưa cha?
- Thứ mười tấn ấy.
- Muốn đúc đại bác mười tấn… - chú bé đứng dậy bắt đầu. - cần phải có chín tấn đồng và một tấn chì, nhưng khi cần, chuông nhà thờ cũng có thể dùng được và khi đó không cần đến chì nữa. Khi đã có đủ vật liệu, ta đào một cái hố sâu bằng chiều dài khẩu đại bác mà ta định đúc. Trước hết ta phải nhào một cái lõi bằng đất sét tinh và dẻo. Ta trộn dây bấc vào đất sét và cắm một thanh sắt vào chính giữa.
- Thanh sắt để làm gì? - Tướng công Balin hỏi.
- Để cho lõi đất sét có thể đứng được, nếu không nó sẽ đổ hoặc cong đi.
Rồi chú giương đôi mắt thông minh nhìn cha và tiếp:
- Phải nhồi đất sét cho đến lúc quánh lại và trộn dây bấc vào cho vừa phải. Đôi khi phải nhồi liền suốt hai ngày không nghỉ. Khi đã xong, ta đặt vào giữa hố và dọi cho nó đứng thật thẳng. Xong rồi người thợ đúc phải nhồi cái ống bọc ngoài cũng bằng đất sét tinh và làm kỹ như thế để đặt cẩn thận ra ngoài cái lõi đất sét. Bốn bề đều phải chừa một khoảng cách độ năm đốt ngón tay, nhưng nếu sẵn đồng thì đại bác có thể dầy hơn nữa cũng được. Khi lớp vỏ cũng đã xong, người ta chất đá và những cọc chống bằng sắt xung quanh cái vỏ đất sét, hai bên đào hai hố to chất đầy củi và đồng. Xong rồi là...
- Con quên mất cái gì rồi.
- Chì. - Chú bé Pheri nói leo vào.
- Thì con đang định nói. - Iontri đáp. - Người ta chặt chì bỏ vào xong rồi đốt suốt đêm cho đến khi đồng chảy.
- Anh chưa nói cái lò phải to như thế nào. - Cậu em lại nói.
- Nghĩa là to và dày. Ai có trí khôn thì phải biết chứ.
 Các vị khách bật cười. Iontsi phụng phịu ngồi xuống, quắc mắt nhìn em và lẩm bẩm:
- Đợi đấy, rồi ta sẽ thanh toán với nhau.
- Được, - ông bố nói. - nếu con không biết thì để em nói cho. Nói đi Pheri, còn thiếu gì nữa con?
- Còn thiếu gì nữa ấy ạ? - Cậu em nhún vai trả lời. - Khi nào nguội rồi người ta lấy đại bác ở dưới đất lên.
- Đúng gớm! - Iontsi đắc thắng kêu lên. - Thế còn giũa, còn đánh bóng, còn ba phát bắn thử?
Pheri đỏ mặt và nếu các vị khách không kéo chúng lại mà hôn chúng thì hai cậu bé đã xông vào ục nhau ngay trên bàn. Tơrơc Balin cười nói:
- Thú vị nhất là cả hai đứa đều bỏ sót mất cái lỗ điểm hỏa.
Mọi người lại quay ra đàm luận về các việc trận mạc, về quân Thổ, về quân Đức. Cuối cùng câu chuyện chuyển về Gergey.
- Cháu này sẽ trở thành một tay cừ đấy. - Tơrơc Balin vừa nói vừa xoa đầu Gergey. - Đầu óc nó sáng như đèn. Chỉ phải cánh tay còn yếu.
- Ồ. - Zơrinhi khoát tay. - Cái chính không phải là sức lực của cánh tay mà là sức lực của trái tin: lòng dũng cảm. Một con chó lài đuổi được cả đàn trăm con thỏ.
Bữa tối đã xong. Chỉ những cốc bạc còn lại ở trên bàn.
- Nào, các con ơi, đến chào các bác rồi đi vào với mẹ. - Tơrơc Balin bảo các con.
- Thế bác Sebơc [65] không hát ư? -  Cậu bé Pheri hỏi bố.
Nghe thấy thế, một người có khuôn mặt hiền từ, hơi nhiều râu đang ngồi bên bàn bỗng cựa mình. Ông nhìn tướng Balin. Zơrinhi cũng lên tiếng với cái nhìn ấm áp.
- Phải đấy, bác Tinôđi tốt bụng ạ. Bác hát cho chúng tôi nghe một cái gì hay hay đi.
Tinôđi Sebetchên đứng dậy đi về phía góc phòng lấy cây đàn kôbô [66]. Tướng Balin bảo các con:
- Được rồi, các con có thể nghe hết một bài, nhưng sau đó ta sẽ thổi kèn ngủ đấy nhé.
Tinôđi đẩy lùi ghế ra phía sau một chút và lướt những ngón tay trên năm dây đàn kôbô.
- Tôi hát bài gì bây giờ?
- Bài gì mới nhất ấy, bài mà bác vừa làm xong tuần trước ấy.
- Bài Môhát[67] ấy à?
- Bài ấy, nếu các vị khách của ta không có ý muốn gì khác.
- Không, không. - Các vị khách đều nói. - Cứ cho chúng tôi nghe bài hát mới nhất.
Gian phòng im lặng. Các gia nhân gạt tàn những cây nến trên bàn rồi ngồi vào xó cửa. Tinôđi dạo thử các dây đàn một lần nữa. Bác tợp thêm một ngụm rượu trong cái cốc bạc trước mặt rồi bắt đầu ca với một giọng nam trầm dịu dàng:

Tôi hát khúc sầu tang của nước Hung.
Khóc cánh đồng đẫm máu trận Môhát.
Bao vạn đời trai lìa rơi tan nát.
Và đau buồn, dân tộc mất quân vương.

Trong tiếng hát của bác có một cái gì khác thường. Nó giống lời kể chuyện hơn là hát. Đôi khi bác hát hết một câu, còn câu sau đó bác chỉ đọc và nhường âm điệu cho cây đàn. Đôi khi bác chỉ hát câu sau cùng của câu thơ cuối đoạn.
Trong lúc hát, đôi mắt bác đắm chìm vào khoảng không, hình như bác chỉ còn biết đến mỗi mình bác ở trong phòng và chỉ hát cho mình bác.
Những câu thơ mộc mạc của bác, như mục sư Gabô đã có lần nhận xét, tuy người khác đọc thì thấy trúc trắc và không nghệ thuật lắm, nhưng trên môi bác chúng ngân lên tuyệt hay, rung động cả lòng người. Mỗi tiếng nở ra trên môi bác đều mang ý nghĩa đầy hình tượng. Nếu bác ngâm: tang tóc tức thì tất cả đều tối sầm trước mắt người nghe. Khi bác đọc: chiến đấu, người ta thấy cảnh xô xát chém giết. Nếu bác nói: Thượng đế, tất cả mọi người đều cảm thấy ánh hào quang tỏa trên đầu.
Ngay từ đoạn thơ đầu, các vị khách đang tì khuỷu lên bàn đã lấy tay che mắt, mắt Tơrơc Balin cũng rơm rớm lệ. Ông đã từng chiến đấu ở Môhát bên cạnh nhà vua giữa đội vệ binh. Chỉ có bốn nghìn người chứng kiến trận đánh còn sống sót và một cảm giác suy nhược, tiêu vong đã làm toàn thể nước Hung nản chí - khăn tang dường như chập chờn trên khắp đất nước.
Tinôđi hát kể lại diễn biến của trận đánh và những người có mặt đều buồn rầu chăm chú lắng nghe. Khi đến những đoạn kể các hành động anh hùng, mắt họ sáng lên, những tên quen thuộc làm họ ứa lệ.
Cuối cùng Tinôđi tới đoạn kết và tiếng hát của bác giống như tiếng thở dài:

Bên Môhát, đồng không ai cắt cỏ,
Mộ địa đây lớn nhất cả hoàn cầu;
Khăn liệm đó phủ lên toàn dân tộc…
Đất nước này còn sinh phục nữa đâu!

- Còn sinh phục! - Zơrinhi vỗ tay lên bao gươm, kêu lên, rồi ông giơ tay phải lên nói. - Xin hãy thề một lời thiêng liêng, thưa các vị, rằng ta sẽ hiến dâng tất cả mọi lo nghĩ của đời ta để mưu đồ gây dựng lại đất nước. Chừng nào quân Thổ còn chiếm một tấc đất của tổ tiên, chúng ta còn chưa ngủ trên nệm gối!
- Thế còn giặc Đức? - Tơrơc Balin cay đắng đáp lại. - Hai mươi bốn nghìn người hung lại bỏ mạng để cho giặc Đức ăn trên ngồi chốc ta à? Quân cẩu trệ! Bọn ngoại đạo [68] lương thiện còn một trăm lần hơn quân Đức tráo trở.
- Ông nhạc của bác cũng là người Đức đấy thôi. - Zơrinhi bừng bừng cãi lại. - Người Đức dù sao vẫn là người Gia tô giáo.
Một ông già xua tay để làm dịu tình thế:
- Sự thật là ở chỗ người Hung ta không được chinh chiến ít nhất năm mươi năm nữa. Chúng ta cần sinh sôi nảy nở trước khi chiến đấu.
- Cám ơn. - Zơrinhi đập xuống bàn. - Tôi không muốn nằm dài trong giường đến năm chục năm.
Và chú đứng dậy khỏi bàn, thanh gươm kêu lách cách.
Tiếng lách cách làm Gergey mở mắt ra và ngạc nhiên thấy rằng không phải cậu đang ngồi bên bàn ăn nhà Bơrơc Balin  mà đang nằm dưới bầu trời sao, đứng trước mặt cậu không phải là Zơrinhi mà là tên Thổ vạm vỡ.
Đó là Hoivan. Hắn đá vào chân cậu để đánh thức.
- Quần áo đây.
Hắn ném áo choàng và tuyban xuống trước mặt cậu và nói tiếp:
- Ngựa thì rồi dọc đường ta sẽ kiếm.
Cậu học sinh khoác áo và đội tuyban lên đầu. Cả hai đều hơi rộng, nhưng cậu vẫn thấy mừng  hơn là được tặng một bộ quần áo của ông hoàng.
Tên khổng lồ lại cúi xuống bóp vỡ nốt cái cùm kia trên chân cậu học sinh rồi hắn đi trước, về phía bắc.
Cậu học sinh thấy cái áo choàng dài quá. Cậu phải kéo lên và buộc ngang sườn. Cậu bước nhanh bên cạnh tên khổng lồ.
Bên trong và phía trước các lều, người nằm ngủ ngổn ngang. Trước một cái lều mà trên nóc có quả thao đồng và cờ đuôi ngựa, có lính gác, nhưng chúng cũng đã ngủ cả.
Trại quân dường như dài vô tận. Dường như cả thế giới đều chỉ toàn trại lính.
Họ đến một nơi có rất nhiều lạc đà. Ở đó lều trại đã thưa hơn. Người ngủ lăn lóc trên cỏ. Hoivan dừng lại trước một cái lều có vá một mảnh vải xanh.
- Ông già ơi! - Hắn gọi với vào. - Dậy, dậy!
Một ông già thấp bé chui ra khỏi lều, đầu lão hói bóng, râu dài và trắng. Lão mặc một cái áo ngủ dài đến đầu gối, chân đi đất.
- Cái gì thế? - Lão giật mình hỏi. - Mày đấy hở, Hoivan?
- Tôi đây. Một tuần trước tôi có mặc cả con ngựa xám của lão. - Và hắn chỉ một con ngựa to kềnh càng đang gặm cỏ giữa bầy lạc đà, nói tiếp: - Lão bán như giá tôi trả chứ?
- Vì thế mà mày đánh thức tao dậy đấy hử? Hai mươi gurut, như tao đã bảo.
Tên Thổ móc thắt lưng lấy tiền bạc. Trước tiên hắn đếm vào lòng bàn tay trái, sau lại đếm sang lòng bàn tay phải, cuối cùng hắn lại đếm lượt nữa vào tay lão lái buôn.
- Cựa giày cũng cần. - Cậu học sinh nói bằng tiếng Thổ trong khi lão đi cởi ngựa.
- Lão thêm cho một đôi cựa giày. - Hoivan bảo lão.
- Mai hẵng.
- Ngay bây giờ cơ.
Lão lái quay vào trong lều. Lão sờ soạng lủng củng trong tối rồi mang ra mấy chiếc cựa giày đã gỉ.
* * *
Cũng trong lúc đó, Yumusac đi đến các lều bệnh. Hắn hỏi một tên lính gác:
- Đứa nào là tên tù binh hôm nay đã định ám sát Đại hoàng đế?
Tên lính gác chỉ một cái lều trắng.
Trước lều, năm lão già đội tuyban trắng, mặc caphơtan[69] đen đang ngồi xung quanh đống lửa. Họ là ngự y của Xintan. Cả năm người đều nghiêm nghị và buồn bực.
Yumusac dừng lại trước tên lính gác lều:
- Ta có thể nói chuyện với tên tù binh được không?
- Xin ngài hỏi các ngự y.
Yumusac nghiêng mình chào các ngự y. Họ cũng gật đầu đáp lễ.
- Thưa các vị, tôi sẽ làm một việc tốt cho hoàng thượng, nếu tôi có thể nói chuyện với bệnh nhân.
Một thầy thuốc nhún vai. Cử động của bàn tay ông có thể hiểu: không thể được; cũng có thể hiểu: cứ vào.
Yumusac chọn lấy ý sau. Tấm vải cửa lều đã cuốn lên nửa chừng. Trong lều có một cây đèn dầu. Ông mục sư nằm ngửa trên giường, mắt mở he hé.
Tên Thổ vừa bước tới bên giường ông vừa lên tiếng:
- Đồ mọi rợ, mày có nhận được ta không?
Mục sư không trả lời.
- Ta là Yumusac mà có lần chúng nó đã giao cho mày treo cổ lên đây mà. Mày đã tha cho ta bằng giá của cái bùa hộ mệnh.
Mục sư không trả lời. Mi mắt của ông cũng không hề động đậy.
- Bây giờ mày đã bị bắt và không còn gì chắc chắn hơn là việc người ta sẽ chém đầu mày.
Mục sư vẫn không nói gì cả. Tên Thổ lại nói nhưng giọng đã nhún:
- Ta đến đây vì cái bùa hộ mệnh đó. Với ông, nó không có nghĩa lý gì, nhưng với ta nó là tất cả nguồn sức mạnh. Từ khi không có nó bên mình, ta gặp rủi ro trong tất cả mọi việc. Ta có một biệt thự nhỏ tuyệt đẹp bên bờ vịnh Bôxpôrut, ta đã tậu để dành cho lúc tuổi già, nhưng nó đã cháy ra tro. Của cải trong nhà bị mất hết. Tay ta bị đâm thủng trong một trận đánh. Ông hãy nhìn tay trái ta đây: có lẽ suốt đời tàn tật.
Và hắn chỉ vào vết sẹo đỏ mới được chừng ba tháng.
Ông mục sư im lặng, không nhúc nhích.
- Lão già, - tên Thổ nói tiếp, giọng mềm hẳn đi như sắp khóc. - lão là một người phúc đức. Ta đã nghĩ đến lão nhiều, cuối cùng ta cũng thấy lòng tốt của lão thật vô song. Hãy trả lại cái bùa hộ mệnh cho ta nào!
Mục sư không trả lời. Chỉ có cây đèn cháy kêu xèo xèo.
- Ta sẽ làm tất cả những điều lão muốn. - Sau một chút chờ đợi, tên Thổ lại nói tiếp. - ta sẽ thử cứu lão khỏi bàn tay đao phủ. Cha ta là một pasa quyền thế. Anh ta là bêi Arơxơlan. Chừng nào người ta còn sống thì vẫn còn hy vọng. Chỉ cần lão nói cho ta biết cái bùa hộ mệnh của ta ở đâu?
Mục sư im lặng.
- Cái bùa hộ mệnh của ta! - Tên Thổ cáu tiết nhắc lại. Và hắn vồ lấy vai mục sư vừa lay vừa hét: - Cái bùa hộ mệnh của ta!
Đầu mục sư cứ rũ xuống, hắn giật ông ngồi dậy. Cằm mục sư đã trễ xuống. Ông đăm đăm nhìn vào khoảng không với đôi mắt đã cứng đờ như thủy tinh và cái miệng hé mở.
* * *
Khi đã vượt qua cả tên lính gác ngoài cùng, Hoivan dừng lại.
- Đây nhé, - hắn nói. - tao đã làm xong điều mày muốn. Bây giờ mày nói đi, cái bí mật mà tao mang trong người là cái gì?
- Kabala[70]. -  cậu học sinh trả lời, vẻ bí ẩn.
- Kabala? - Tên Thổ lẩm bẩm nhắc lại.
Và hắn nhíu lông mày lại như đang cố sức tìm vào ý nghĩa của một từ mù tịt đối với hắn. Cậu học sinh đứng tựa vào yên ngựa nói:
- Nếu anh nhìn kỹ hơn, anh sẽ thấy mỗi bức vẽ là hình của một ngôi sao. Ông đạo sĩ rất thánh đã phù chú xung quanh các ngôi sao hạnh vận. Mà anh còn hứa cho tôi cả thanh gươm nữa đấy nhé.
Tên Thổ chỉa cả hai thanh gươm của hắn ra:
- Mày chọn đi.
Cậu học sinh lấy thanh nhỏ hơn giắt vào thắt lưng rồi nói tiếp:
- Những hình vẽ này anh phải giắt xung quanh người. Anh phải cắt mỗi cái ra làm bảy rồi may vào lần vải lót áo của anh. Cả vào trong tuyban của anh nữa. Chỗ nào có những mảnh giấy linh thiêng này che chở, tên đạn sẽ không phạm vào người được.
Mắt tên Thổ ánh lên:
- Đạn bắn không thủng hở?
- Không. Chắc anh cũng đã nghe nói đến những bậc anh hùng cái thế, tên đạn không bao giờ phạm đến người họ.
- Có.
- Vậy anh đừng vì tiền bạc hoặc vì lời cám dỗ mà đem cho bất cứ ai. Ngay chỉ cho xem cũng đừng, vì người ta sẽ cướp của anh, người ta sẽ ăn trộm của anh, người ta sẽ lừa anh để lấy.
- Nhất định thế.
- Vì một chức vụ cao sang đang chờ anh: anh sẽ làm tổng trấn ở nước Hung.
Tên Thổ há hốc cả mồm ra vì kinh ngạc:
- Quan tổng trấn?
- Dĩ nhiên là không phải ngay sáng ngày mai, mà dần dần, khi can trường của anh đã tỏ rõ. Với lại trong giấy cũng còn viết là anh phải sống theo những lời răn của kinh Côran. Phải siêng năng trong việc cầu nguyện và tắm nước thánh. Ai làm điều lành cho anh thì anh đừng xử ác với họ.
Tên khổng lồ ngu ngốc nhìn cậu học trò, ngập ngừng nói:
- Nhiều khi tao đã nằm mơ thấy tao làm quan lớn. Tao đã mơ thấy điều đó. Vậy là phải cắt ra làm bảy?
- Cắt làm bảy. Nếu không đều nhau cũng không can gì. To nhỏ tùy theo chỗ anh muốn giữ gìn phần nào nhiều nhất.
Tên Thổ nhìn ra phía trước với vẻ sung sướng mơ màng. Rồi hắn ngửng đầu lên nói:
- Nếu tao thành ông lớn, tao sẽ nhận mày làm thư ký.
Gergey phải cắn vào môi để tiếng cười khỏi bật ra.
- Lên ngựa đi, anh bạn. - Hoivan nhiệt tình nói và giữ ngựa cho cậu học sinh cưỡi lên.
Cậu thò tay vào túi và nói:
- Hoivan, anh xem này, đây là một cái nhẫn. Anh nên biết người Hung có thói quen không chịu lấy không bất cứ một cái gì.
Hoivan cầm lấy cái nhẫn và ngẫn ra nhìn. Cậu học sinh nói tiếp:
- Anh đã cho tôi tự do và con ngựa, tôi trả anh bằng cái nhẫn này. Cầu Ala phù hộ cho anh, anh hói ạ!
Và cậu quất ngựa.
Hoivan túm lấy cương,
- Khoan đã! Đây là nhẫn Thổ Nhĩ Kỳ phải không?
- Phải đấy.
- Mày lấy đâu ra?
- Việc gì đến anh? Nếu anh muốn biết thì đó là của một tên ionisa.
Hoivan đực người ra suy nghĩ một lúc rồi đưa trả cái nhẫn:
- Không cần. Mày đã trả con ngựa và tự do với một giá đủ rồi.
Và hắn nhét cái nhẫn vào túi cậu học sinh.
-------------
Chú thích:
[43] Buđo là kinh đô của các triều vua Hung hồi ấy, đó là thành phố bên hữu ngạn sông Đuno. Bên tả ngạn là Pest, hồi ấy còn lụp xụp, mãi mấy thế kỷ sau mới lớn lên thành phố phường lớn và đến năm 1872 mới chính thức hợp lại thành Buđapest ngày nay.
[44] Môhács: cánh đồng lớn ở phía nam nước Hung.
[45] Quãng tháng giêng, tháng hai dương lịch.
[46] Basa hoặc pasa : một chức quan dưới triều vua Thổ hồi đó, tương đương như chức tổng đốc.
[47] Đạo hồi cấm uống rượu vang.
[48] Cơm trộn ragu cừu, món ăn dân tộc của Thổ.
[49] Còn gọi là hoa “đừng quên em” một thứ hoa được trai gái yêu nhau thích dùng để tặng nhau, đặc biệt là trong những dịp chia tay.
[50] Khăn xếp của người Ả Rập, Ấn Độ hay dùng. Ngày trước, ở ta còn gọi là khăn tầy rế. [51] Một chức võ quan trọng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đó. Tương đương như chức tổng binh, lãnh binh.
[52] Lính phiêu kỵ của Thổ Nhĩ Kỳ.
[53] Một tước quan của triều đình Thổ Nhĩ Kỳ, thường để phong cho những kẻ có công trạng, như một loại huân tước. Kẻ được phong tước này đã có quyền cha truyền con nối.
[54] Chữ Batư, có nghĩa như đại hoàng đế, tên gọi vua Batư và Thổ Nhĩ Kỳ.
[55] Như bộ tài chính bây giờ.
[56] 1 bảng bằng 0,453 kg. Hai mươi lăm bảng bằng khoảng 10 kg.
[57] Tướng Balin thuộc dòng họ Tơrơc ở xứ Enhinhghi.
[58] Thủ đô Irăng ngày nay.
[59] Thành phố ở Tây bắc nước Hung, giáp biên giới Hung - Áo ngày nay.
[60] Lính phiêu kỵ Thổ.
[61] Nhà hùng biện của La Mã, tên viết là Cicero nên dễ đọc nhầm là Kikerô.
[62] Thủ đô nước Áo ngày nay, hồi đó là kinh đô của các triều vua thuộc họ Hápxbua.
[63] Zrinyi Miklós (1508 – 1566): một dũng tướng của Hung trong cuộc chiến tranh chống Thổ: đây là Zơrinhi Miklôt cố, “người anh hùng thành Xiget”. Về sau chắt của ông là Zơrinhi Miklôt, vừa làm tướng vừa là nhà thơ có tên tuổi.
[64] Catê (chữ Hy-lạp: catechizmus) nghĩa là môn học chuyên giải thích các giáo lý của tôn giáo.
[65] Tinôdi Sebestyén (khoảng 1505-1556): ca công nổi tiếng nhất của Hung thế kỷ XVI. Đã sáng tác nhiều thơ, ca, nhạc theo nhiều thể tài, nhưng những tác phẩm quan trọng nhất của ông đều nói về những cuộc chiến đấu chống bọn xâm lược Thổ. Từng là môn khách của nhiều gia đình quý tộc. Sebơc là tên gọi thân mật của Sebetchẽn.
[66] Một loại đàn cổ có hình dạng hơi giống đàn ghita
[67] Môhat: huyện lỵ của huyện Môhat, thuộc tỉnh Boronho, nằm bên bờ sông Đuno, ở phía nam, gần biên giới Hung - Nam Tư ngày nay. Tại đây ngày 29-8-1526 đã xảy ra một trong những trận đánh có tầm quan trọng lớn nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài ba thế kỷ (XIV- XVII) chống bọn xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trận này quân đội Hung bị đại bại, đạo quân hai vạn rưỡi người bị tiêu diệt, vua Loiôt đệ nhị cũng tử trận trong khi tháo chạy.
[68] Chỉ người Thổ.
[69] Chữ Batư:  là một kiểu áo dài của nam giới vùng Trung Cận Đông ngày xưa thường mặc.
[70] Gốc chữ Hêbe, có nghĩa là bùa, ngải.
----------
Tiếp p4: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/02/nhung-ngoi-sao-eghe-p4.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét